10. Truyện bạch trĩ

Thời Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai sứ thần đem qua dâng cho nhà Chu giống chim bạch trĩ, nhưng ngôn ngữ bất thông, Chu Công sai người dịch lại mới hiểu.

Chu Công hỏi rằng:

– Người Giao Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao?

Sứ giả thưa rằng:

– Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến; chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô uế và làm cho răng đen.

Chu Công hỏi:

– Vì sao mà đến đây?

Sứ giả thưa:

– Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung Quốc có thánh nhân nên mớ¡ sang đây.

Chu Công than rằng:

– Chính lệnh không đến, quân tử không bắt người xa làm tôi, đức trạch không thêm, quân tử không hưởng của cống.

Kịp nhớ đến Hoàng Đế có lời thề rằng: “Giao Chỉ ở ngoài phương xa không được xâm phạm”, mới thưởng cho trọng vật, khuyên dạy rồi bảo về. Sứ giả quên mất đường về, Chu Công cho một cỗ xe hai ngựa, khiến cứ chỉ hướng Nam mà về.

Đức Khổng Tử làm sách Xuân Thu, cho nước Văn Lang là đất yêu hoang, văn vật chưa hoàn bị nên bỏ mà không chép vậy.

11. Truyện Lý Ông Trọng

Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.

Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến; Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Ty Lệ hiệu úy, Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung nô không dám gần biên tái nên Thân được phong tước Vạn Tín Hầu, và được cho trở về nước. Sau Hung nô xâm phạm bờ cõi, Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân sai sứ sang vời; Thân không chịu đi mới trốn vào rừng khe; vua Tần trách hỏi; An Dương Vương tìm lâu không được, nói dối là Thân đã chết rồi, Vua Tần hỏi chết vì cớ gì. An Dương trả lời là đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai Sứ sang nghiệm xem có phải không thì An Dương cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng bảo lấy thây đưa qua; Lý Thân bất đắc dĩ phải tự tận mà chết; người ta lấy thủy ngân ướp vào thây Lý Thân đưa sang nạp. Thủy Hoàng than tiếc, bảo đúc đồng làm tượng ông, ban hiệu là Lý Ông Trọng; tượng đặt ở cửa Tư Mã đất Hàm Dương, ruột tượng có thể chứa được vài mươi người; mỗi khi có Sứ bốn phương đến, vua sai người lén vào làm cho tượng dao động; Hung nô tưởng là Hiệu úy còn sống, không dám đến gần. Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô Hộ Giao Châu, đêm mộng thấy cùng với Lý Thân giảng sách Xuân Thu của họ Tả, nhân đó hỏi nhà cũ ở đâu rồi lập đền thờ phụng.

Kịp lúc Cao Biền bình Nam Chiếu, Lý Thân thường hiển linh ứng; Cao Biền trùng tu miếu vũ, khắc gỗ làm tượng, gọi là đền thờ Lý hiệu úy, bây giờ ở tại huyện Từ Liêm, xã Thị Hiện (nay là xã Thụy Hương) cách phía tây Kinh thành năm mươi dặm, mỗi năm đến tế vậy.

12. Truyện Việt Tỉnh

Việt Tỉnh ở núi Trâu Sơn, quận Vũ Ninh; đời Hùng Vương thứ ba, Ân Vương cử binh Nam xâm, đóng quân ở núi Trâu Sơn; Hùng Vương cầu Long quân giúp, Long quân bao tìm khắp thiên hạ, nếu được người kỳ tài thì dẹp được giặc; đến kỳ cầu được Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt đi đánh, tướng sĩ nhà Ân đều tan vỡ. Ân Vương chết ở dưới núi, làm Địa Phủ Quân; dân lập đền thờ, bốn mùa cúng tế nhưng lâu năm suy dần bỏ thành chùa hoang.

Người bản quốc tên là Thôi Lạng làm quan nhà Tần đến chức Ngự Sử Đại Phu thường đi ngang qua đấy, thương cảnh điêu tàn mới trùng tu miếu vũ lại, nhân đó có đề một bài thơ:

Cổ nhân truyền tụng chuyện Ân Vương.

Tuần thú năm kia đến địa phương.

Núi rậm, nước trôi không thấy miếu;

Hồn thăng, dấu để vẫn nghe hương,

Một mai thắng bại không Ân đức,

Muôn thuở uy linh trấn Việt Thường.

Trăm họ từ đây đều phụng tự.

Âm phù vận nước vững vô cương.

Sau đến đời Nhâm Ngao, Triệu Đà Nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh; Ân vương cảm đức, muốn đền công cho Thôi Lạng mới sai Ma Cô Tiên đi tìm khắp nơi. Lúc bấy giờ Thôi Lạng đã chết, chỉ còn con là Thôi Vỹ.

Tiết Thượng nguyên tháng Giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường; Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cổi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh, nhân đó hỏi đến chỗ ở của Thôi Vỹ; Thôi Vỹ nói đến tên cha thì nàng mới hay là con Thôi Lạng. Nàng mừng bảo rằng:

– Ta bây giờ không có lấy gì để đền ơn, sau này chàng sẽ được hậu báo.

Bèn đưa cho Thôi Vỹ một tấm lá ngài và dặn rằng:

– Hãy giữ lấy vật này cho cẩn thận, lúc nào cũng để trong mình, gặp bệnh nhục ảnh 1 mà đem cứu tất khỏi, rồi thế nào cũng được giàu sang phú quý.

Thôi Vỹ cầm lấy lá ngải nhưng cũng chẳng biết đó là thuốc tiên.

Một hôm đi đến nhà Đạo sĩ Ứng Huyền, thấy Huyền có một cái nhọt trên đầu, Vỹ nói:

– Tôi có lá ngải trị được bệnh này, để tôi trừ cho.

Thôi Vỹ lấy ngải cứu cho Ứng Huyền, cái nhọt của Ứng Huyền liền tiêu tan. Ứng Huyền nói:

– Ấy là thứ thuốc tiên vậy, tôi không có gì đền đáp cho anh, tôi có một người thân thích cũng đau bệnh này, thường nói rằng ai chữa cho bệnh lành được thì dầu hết gia tài cũng chẳng hề tiếc, tôi đem anh qua đó để chữa cho họ và để đền ơn anh.

Ứng Huyền đem Thôi Vỹ sang nhà Nhâm Ngao; Thôi Vỹ lấy ngải ra cứu, cái nhọt lập tức lành ngay. Nhâm Ngao rất mừng, nuôi Vỹ làm con, mở trường để dạy Vỹ; tính Vỹ thông minh, ưa thích đàn cầm, thấy con gái Nhâm Ngao là Phương Dung mới đem lòng yêu dấu, nhân cùng nàng tư thông, tình ý quyến luyến; con Ngao là Nhâm Phu biết được, muốn làm cho Vỹ chết.

Đến cuối năm, có lễ tế thần Xương Cuồng, người ta chưa tìm được người tế nên Nhâm Phu bảo Vỹ:

– Ngày nay không nên đi ra ngoài, hãy vào Công sảnh mà tránh đi thì sau này khỏi hối.

Thôi Vỹ chưa hiểu ý là làm sao, Nhâm Phu đã khóa chặt cửa lại, bảo không được ra. Phương Dung biết ý, lén lấy con dao đưa cho Vỹ, bảo đục vách mà ra.

Đêm khuya, Thôi Vỹ trốn đi, muốn đến nhà Ứng Huyền, lật đật đi trên núi, rủi rơi vào trong một cái hang, tứ phía đều là vách đá không có chỗ nào trèo lên được, ở trên có một khối đá rỏ sữa đá chảy xuống một chiếc mâm đá, có một con rắn trắng dài trăm thước, mỏ vàng miệng đỏ, vây bạc, dưới cầm có một cái bướu thịt, trên trán có ba chữ vàng: “Vương tử xà”, bò ra ăn thạch nhũ; thấy trên thạch bàn hết cả, rắn cất đầu lên thấy Vỹ toan muốn nuốt đi; Thôi Vỹ sợ quá, quỳ xuống lạy rằng:

– Thần tỵ nạn, lầm rơi xuống đầy, đói bụng nên có ăn trộm vương vật, thực là có tội, dưới cầm vương có một cái nhọt, thần xin lấy ngải cứu lành, xin tha tội để thần trổ nghề mọn này.

Bạch xà lập tức ngang đầu lên cho Vỹ cứu, bỗng thấy đồng nội bị cháy, một tia lửa bay vào trong hang, Vỹ lấy lửa cứu cho rắn, cái nhọt liền tiêu ngay. Rắn mới khom mình đến trước Vỹ, ý muốn bảo Vỹ cỡi lên, Vỹ cỡi lên lưng rắn, rắn bò ra hang, ước một canh thì đến trên bờ, bờ vắng vẻ không có người nào đi lại; rắn quấn đuôi lại trở về hang.

Vỹ đi một mình, lạc đường, bỗng thấy trên cửa thành có một cái lầu cao, ngói đỏ lóng lánh, đèn sáng rực rỡ, trước cửa có treo một tấm biển đỏ chữ vàng đề là “Ân Vương Thành”. Vỹ ngồi bên cửa thành, hồi lâu không thấy có người nào qua lại mới bước vào cửa sân, thấy bên sân có một cái ao, trong ao có hoa sen năm sắc, trên bờ có nhiều rặng hòe liễu; đường lát bằng phẳng, ngọc điện châu cung, tòa ngang dãy dọc; trên điện đặt hai cái giường vàng trải chiếu hoa bạc, trên tường có treo một cây đàn cầm đàn sắt. Vỹ thong thả bước đến lấy cây đàn gảy một hồi lâu.

Kim đồng, ngọc nữ vài trăm người hầu bà Ân Vương Hậu mở cửa đi ra. Vỹ sợ quá, chạy xuống sân điện sụp lạy. Bà An Hậu cười bảo rằng:

– Thôi quan nhân ở đâu lại?

Sai người mời lên trên điện, bảo rằng:

– Đền thờ của Ân Vương ta lâu đời bỏ hoang phế, nhờ sức của Tiền thần Ngự sử trùng tu lại, người đời mới bắt chước thờ cúng luôn luôn. Vương đã sai Ma Cô đi tìm để báo đức nhưng không gặp được Ngự sử, chỉ gặp Công tử nên chưa có dịp đền đáp, nay thân được thấy mặt thì Thượng đế đòi Vương lên chầu trời rồi, thôi Công tử ở lại đây đợi vậy.

Rồi lưu Thôi Vỹ ở lại ăn uống no say.

Bỗng thấy một người râu dài bụng lớn, cầm một lờ biểu quỳ mà tâu rằng:

– Tháng Giêng ngày mồng ba, Nhâm Ngao bị thần Xương Cuồng đánh chết.

Nghe tâu xong, Hậu bảo rằng:

– Dương Quan Hậu đưa Thôi Vỹ về trần.

Vỹ cáo tạ mà về. Dương Quan bảo Vỹ nhắm mắt ngồi lên trên một chiếc quạt, hơn một khắc đã đến trên núi; Dương Quan Nhân hóa làm dê đá, đứng ở trên núi, ngày nay hãy còn sau đền thờ Triệu Việt Vương ở núi Trâu Sơn.

Sau Vỹ về đến nhà Ứng Huyền thuật chuyện cho Ứng Huyền nghe. Đến ngày mồng một tháng Tám, Vỹ cùng với Huyền đi chơi thì gặp Ma Cô Tiên dắt một người con gái đem cho Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Toại, nói đó là ngọc châu, từ thuở trời đất mới khai tịch đã có một cặp trống mái từ đời Hoàng Đế trải đến đời Ân truyền làm thế bảo; trong trận đánh Trâu Sơn, Ân vương đeo nó mà chết, ngọc châu giấu trong đất mà tia sáng chiếu thẳng lên trời. Thời nhà Tần, binh hỏa liên miên, những vật trân bảo đều bị đốt cháy; các nhà vọng khí đều biết hòn ngọc Long Toại còn ở phương Nam. Người Tàu đem vàng bạc gấm vóc trị giá trăm vạn để tìm mua; Vỹ nhân đấy đại phú.

Sau Ma Cô Tiên rước vợ chồng Thôi Vỹ đi không biết là đi đâu. Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn ở núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh Cương vậy.


1Thịt thừa.

13. Truyện Kim Qui

An Dương Vương nước Âu Lạc là người ở Ba Thục, họ Thục, tên Phán, nhân việc tiên tổ cầu hôn với con gái của Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được nên sinh ra hàm oán; Phán muốn hoàn thành ý chí của tổ tiên nên cử binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc mà ở, đắp thành ở đất Việt Thường; thành đắp xong lại sập Vương mới lập đàn, trai giới cầu đảo ba tháng.

Ngày mồng bảy tháng Ba bỗng thấy một ông già theo phương tây mà đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than rằng:

– Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong!

Vương rước vào trên điện, lạy và khóc rằng:

– Ta đắp thành này đã xong lại đổ, hao tốn công sức mà rồi không thành là tại làm sao?

Ông già thưa:

– Ngày nào có Sứ giả Thanh Giang cùng đắp với Vương thì thành ấy mới xong.

Nói đoạn cáo từ.

Rạng ngày, Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng theo hướng Đông mà bơi lại; rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỷ thần.

Vương mừng hỏi rằng:

– Điều đó ông già đã báo cho ta rồi.

Bèn sai lấy kim dư rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được. Kim Qui nói:

– Ở đây có tinh khí núi sông, con Tiên vương phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu, trên núi có con quỷ, nguyên trước có một nhạc công chôn cất ở đấy hóa ra quỷ. Ở bên có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ; chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đấy ngủ nhờ thì quỷ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc là nó lại hóa ra yêu thư, sai chim Si Hưu 1 ngậm thư bay lên trên cây chiên đàn, tâu với Thượng đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư ấy xuống, Vương lập tức thu lấy tất nhiên thành đắp mới xong.

Kim Qui bảo Vương giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vương để Kim Qui ở trên ngưỡng cửa.

Ngộ Không nói:

– Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người, Lang Quân không nên ở lại, vả nay trời cũng chưa tối, nên đi mau đến chỗ khác để tránh họa.

Vương cười rằng:

– Sinh tử tại mệnh, quỷ mỵ mà làm gì, ta không sợ.

Mới ngủ lại đó.

Trong đêm có quỷ tinh đến ngoài kêu rằng:

– Ai ở trong nhà này phải mở cửa ra mau.

Kim Qui mắng rằng:

– Cửa đóng thì mày làm gì nào?

Quỷ tinh phóng hỏa tan ra vạn trạng, quỷ dị đủ phương để khủng bố nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào được nhà.

Đến lúc gà gáy, các quỷ đều chạy tan. Kim Qui khiến Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, quỷ tinh thu về hết cả, Vương trở lại quán trọ.

Sáng ngày, chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua, thấy Vương ngồi đó, nói cười như không có gì cả. Quán chủ bước đến, vái lạy nói rằng:

– Lang quân được như thế tức là Thánh nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh.

Vương bảo:

– Hãy giết con gà trắng của mày mà tế thì quỷ thần tan hết.

Ngộ Không giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên cũng nhào xuống chết. Vương lập tức bảo người đào núi Thất Diệu, được một nhạc khí đời cổ và một hài cốt, sai đốt trộn thành tro mà quăng ra sông.

Lúc bấy giờ trời đã gần chiều, Vương cùng Kim Qui leo lên núi Việt Thường, quỷ tinh đã hóa ra chim si hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.

Kim Qui bèn hóa ra một con chuột mà bò theo sau lưng cắn chân chim; thư rơi xuống đất; Vương lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi.

Từ đó, quỷ tinh tan hết, không lại phá phách như xưa nữa.

An Dương Vương đắp thành nửa tháng đã xong; thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, lại đặt tên là thành Thăng Long 2 . Người nhà Đường gọi là thành Sát Quỷ Côn Lôn bởi vì thành rất cao lớn.

Kim Qui ở lại với Vương ba năm rồi từ về; Vương bảo rằng:

– Nhờ ơn của người, thành đã vững chắc, nếu như có việc ngoài thì lấy gì mà chống giữ?

Kim Qui thưa:

– Quốc tộ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được, Vương đã có lòng ước nguyện thì tôi đâu dám tiếc.

Mới cởi cái móng chân đưa cho Vương và nói:

– Thảng hoặc giặc có đến thì dùng móng này làm máy nỏ, đem ra mà đánh giặc thì không có gì đáng lo.

Nói đoạn trở về Đông Hải.

Vương khiến bầy tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy móng làm máy, hiệu là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ; sau Triệu Đà đem quân đến xâm lăng, cùng Vương giao chiến; Vương dùng thần nỏ mà bắn, quân Triệu Đà thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối lũy với Vương. Triệu Đà biết Vương có nỏ thần nên không dám tái chiến mới khiển sứ thỉnh hòa. Vương mừng, cắt từ sông Tiền giang trở về phương Bắc cho Triệu Đà cai trị, trở về phương Nam thì do Vương cai trị (nay là sông Nguyệt Đức) 3 .

Chưa được bao lâu, Đà sai con vào túc vệ cầu hôn con gái Vương là Mỵ Châu; Vương bất ý không ngờ gian kế của cha con Triệu Đà; Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu trộm lấy nỏ thần cho xem, rồi lén làm nỏ khác đổi lấy vuốt rùa giấu đi, nói dối với Mỵ Châu là trở về thăm cha mẹ. Nhân đó nói rằng:

– Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bỏ, ta nay về thăm cha mẹ mà vạn nhất hai nước thất hòa, Nam Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy vật gì mà làm dấu cho ta biết.

Mỵ Châu nói:

– Thiếp là nhi nữ gặp phải bước phân ly thực khó thắng được tình cảm; thiếp có chiếc nệm 4 gấm lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp đi mà đến cứu.

Trọng Thủy từ tạ, cắp nỏ mà về báo cáo với Triệu Đà; Đà được nỏ rất mừng liền phát binh đánh Vương; Vương không lo phòng bị, mãi đánh cờ vây, cười rằng:

– Đà không sợ nỏ thần của ta sao?

Đến lúc quân Triệu Đà tiến bức, Vương mới xách nỏ ra bắn thì thần cơ đã mất; quân chạy tán loạn.

Vương chở Mỵ Châu lên ngựa chạy về hướng Nam, đến bờ biển, cùng đường, không có thuyền để sang ngang, Vương hét lớn lên rằng:

– Trời để mất ta hay sao? Giang sứ đâu mau đến cứu ta.

Kim Qui nổi lên trên mặt nước, mắng rằng:

– Người cỡi ngựa ở sau lưng là giặc đó, hãy giết nó ta mới cứu.

Vương bèn tuốt gươm chém Mỵ Châu.

Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin:

– Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ thời hóa làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này.

Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng hóa thành minh châu.

Vương cầm sừng vân tê bảy tấc, Kim Qui rẽ nước dẫn Vương vào biển, đời truyền tại núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, châu Diễn tức là chỗ đó vậy.

Quân Triệu Đà đến chỗ ấy không thấy gì hết, chỉ thấy tử thi của Mỵ Châu; Trọng Thủy ôm thây nàng mà về chôn ở Loa Thành, hóa làm giếng ngọc; Trọng Thủy thương cảm vô cùng, thấy lại những chỗ trang điểm hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng bèn nhảy xuống giếng mà chết. Sau này, ai được ngọc châu ở Đông Hải, càng múc nước giếng ấy mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. Nhân tránh tên Mỵ Châu nên gọi ngọc châu là Đại Cưu, Tiểu Cưu vậy.


1Chim cú.
2Chắc sai: bản của Deepierres ghi là Tư Long.
3Theo bản của Despierres thì là sông Thiên Đức (xem Cổ Loa, Capitale du royaume Âu Lạc).
4Dịch chữ nhục 溽. Có người dịch là áo choàng e không đúng. Nhưng thực ra nệm gấm mà thường mang trên người thì cũng là một thứ áo choàng.

14. Truyện Man nương

Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú tên là Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình giang (nay là thành phía Nam sông Thiên Đức). Ở phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già La Đồ Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, già trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.

Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man nương, cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi đổ cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.

Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ Lê bước ngang trên mình nàng, Man nương hỗn nhiên tâm động, từ đó thụ thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ Lê cũng tránh đi đến chùa ngã ba đầu sông mà ở.

Mãn nguyệt, Man nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:

– Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.

Sư Đồ Lê và Man nương từ biệt nhau mà đi, Đồ Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:

– Ta cho em cái gậy này đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.

Man nương cầm gậy trở về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lấy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có nước suối chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.

Khi Man nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bến chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bửa củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động. Gặp khi Man nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hóa thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hỏa quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man nương van vái mướn người kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.

Sư Đồ Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phật là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, và Pháp Điện. Già trẻ trai gái bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy.

15. Truyện núi Tản Viên

Núi Tản Viên ở phía tây Kinh thành nước Nam Việt, núi đứng cao thẳng như hình một cái lọng nên đặt tên như vậy.

Xưa kia vua Lạc Long cưới nàng Âu Cơ, sinh được một bọc trăm trứng, Long quân đem năm mươi trai về biển, năm mươi trai theo mẹ về núi, phân trị thiên hạ, hiệu là Hùng Vương; Tản Viên Sơn Đại Vương là một người con trong số năm mươi trai chia về đó. Vương tử hải quốc do cửa biển Thần Phù mà về, tìm một nơi cao ráo thanh u, dân tục thuần hậu mà ở, mới chèo thuyền từ sông Cái đến làng Long Đậu thành Long Biên, toan muốn lưu lại đó nhưng còn có ý gì bất mãn, nên sau lại chèo thuyền từ sông Linh giang đi lên đến làng Phiên Tân ở bờ sông Phúc Lộc; Vương trông thấy núi Tản Viên tú lệ, ba hòn sắp hàng đứng, nghiễm nhiên như vẽ; dân ở dưới núi, tục chuộng tố phác. Vương khi ấy mở một con đường thẳng như dây đàn từ làng Phiên Tân mà đến bên núi Tản Viên, đi đến Uyên động, lại đi đến Nham tuyền là chỗ nguồn khác, rồi lại đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mộng mà ở; hoặc có khi chơi sông Chiết Giang để xem cá, phàm kinh qua đường thôn đều xây đền vũ để làm nơi nghỉ ngơi. Nhân những vết chân ấy, người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai, ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang, cực kỳ linh ứng. Lại gặp ngày trời trong sáng như có hình trạng cái tàn phấp phới trên hang núi, những dân ở làng phụ cận đều bảo là sơn thần xuất hiện.

Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm linh tích các nơi danh thắng mới mổ bụng mười bảy người, tất cả đều là con gái chưa chồng, bỏ ruột đi, lấy cỏ chỉ độn vào ruột, cho mặc áo xiêm để ngồi trên ghế ỷ, dùng trâu bò mà tế, nhòm lúc nào thấy cử động thời lấy gươm chém đi. Các vị thần phàm ngu đều dùng thuật ấy. Cao Biền thường lấy thuật ấy trêu thần núi Tản Viên thì thấy Vương cỡi ngựa trắng đứng trên mây, khạc nhổ mà đi. Cao Biền than rằng:

– Linh khí Nam phương chưa thể trắc lượng được, vượng khí đâu khá diệt được, uy linh hiển ứng là như thế.

Tục truyền Vương và Thủy Tinh cùng cưới con gái Hùng Vương là Mỵ Nương: Vương đủ lễ cưới đem đến trước; Hùng Vương gả cho; Vương rước vợ về ở trên núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau mới hàm oán, đem cả loài thủy tộc đánh Vương để đoạt Mỵ Nương lại. Vương bèn dùng lưới sắt chắn ngang sông Từ Liêm để trấn át. Thủy Tinh khơi riêng một con sông nhỏ từ sông Lý Nhân ra sông Hát vào sông Đà để đánh sau lưng núi Tản viên. Lại mở thêm một lối nhỏ từ Tích giang đi đến trước núi Tản Viên, trải qua các làng Cam Giá, Đông Lâu, Thạch Kê, Ma Xá, Dục Giang, xói lở thành vũng sâu để thông loài thủy tộc, thường lại nổi cơn gió mưa mù mịt, dâng nước lên để đánh Vương. Nhân dân ở núi đều chẻ tre đan làm rào thưa để che đỡ, đánh trống, giã gạo, reo hò để cứu, mỗi khi thấy rác rêu trôi ở ngoài rào thưa thì bắn trúng chết hết hiện thành hình trạng giao long, cá trạch trôi đầy sông ngòi. Quần chúng thủy tộc bị thua trở về, lòng vẫn chưa nguôi nên thường đến khoảng tháng Tám, tháng Chín có nhiều trận lụt, mùa màng bị hại, dân ở dưới núi chịu thiệt hơn đâu hết, đến nay vẫn còn.

Người đời đều bảo Thủy Tinh, Sơn Tinh đều cưới vợ vậy đó.

16. Truyện hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt

Năm Thiên Phúc của Lê Đại Hành hoàng đế tức là năm Tân Tỵ, vua Thái Tông nhà Tống sai tướng quân Hầu Nhân Bửu, Tôn Hoàng Hưng đem binh Nam xâm; họ đến sông Đại Than thì vua Đại Hành cùng với tướng quân Phạm Cự Lượng dàn quân ở Đồ Lỗ để chống cự, đối lũy cùng giữ.

Vua Đại Hành mộng thấy hai vị thần đến lạy ở trên sông và thưa rằng:

– Anh em thần tên là Trương Hống và Trương Hát nguyên trước thờ vua Triệu Việt Vương, thường theo vua đánh dẹp nghịch tặc lấy được thiên hạ. Sau vua Lý Nam Đế cướp ngôi, nghe tiếng anh em thần mới bảo người đến vời, bọn thần vì nghĩa không thể đến nên cùng nhau uống thuốc độc tự tử. Thượng đế thương người có công, khen là trung nghĩa nhất tiết, cho làm chức Quỷ Bộ Tướng quân thống lĩnh quỷ binh. Bây giờ thấy binh Tống vào cõi mà làm khổ cho sinh linh nước kia nên anh em thần đến đây ra mắt với Hoàng đế, nguyện giúp ngài đánh giặc để cứu sinh linh.

Vua Đại Hành giật mình tỉnh dậy, bảo thị thần rằng:

– Ấy là thần nhân giúp ta.

Lập tức đến trước ngự thuyền đốt hương vái rằng:

– Thần lực nếu có thể giúp cho công nghiệp này hoàn thành thì được ban phong huyết thực, vạn đại vô cương.

Bèn giết trâu bò cúng tế và cho áo mão, giấy tiền, voi ngựa đốt đi. Đêm ấy, lại mộng thấy hai vị thần đều mặc áo mão đã ban cho hôm trước đến lạy tạ ơn. Đêm sau lại thấy một vị thần thống lĩnh quỷ bộ áo trắng từ phía nam sông Bình giang đi lại, một vị thần thống lĩnh quỷ bộ áo đỏ do sông Như Nguyệt mà xuống, cả hai dều đến đánh doanh giặc.

Ngày hai mươi mốt tháng Mười, đêm đương canh ba, thiên khí hôn ám, gió to mưa lớn cả dậy; binh Tống kinh sợ thấy thần lờ mờ đứng ở trên không, cao giọng ngâm rằng:

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư.

Phân minh định phận tại Thiên thư.

Có sao nghịch lỗ sang xâm phạm.

Bọn chúng chờ xem phải bại hư.

Binh Tống nghe vậy, xô đạp nhau chạy tán loạn, bị bắt sống không xiết kể. Quân nhà Tống đại bại trở về. Vua Đại Hành lui quân, dâng lễ mừng thắng trận, bao phong hai vị thần: Ông anh là Uy Địch Đại Vương, lập đền thờ ở ngã ba sông Long Nhãn, bảo dân Long Nhãn Bình giang phụng tự; Ông em là Khước Địch Đại Vương, lập đền thờ ở sông Như Nguyệt, bảo dân duyên giang 1 phụng tự, đến nay vẫn còn vậy.


1Ở men sông.

17. Truyện Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không

Chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích (nay ở núi Sài Sơn, xã Phúc Sài, huyện An Sơn). Đạo Hạnh Thuyền sư họ Từ tên là Lộ; ông thân tên là Vinh, làm chức Tăng quan Đô án triều Lý, thường đến chơi làng An Lãng, sau lấy người con gái họ Tăng. Từ Lộ là con nàng Tăng thị, lúc trẻ ham chơi bời nhưng khẳng khái có chí lớn, thường cùng với một nho giả tên là Phí Sinh, một đạo sinh tên là Lê Toàn Nghĩa, một linh nhân tên là Phạm Ất kết làm bạn thân, đêm thời khắc khổ đọc sách, ngày thời thổi sáo, đá cầu, đánh bạc làm vui; cha thường trách là hoang đãng.

Một buổi chiều kia, ông cụ lẻn vào chỗ Lộ nằm dòm thử xem chàng làm gì thì thấy ngọn đèn cháy tàn, sách vở chất đống, Lộ đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, từ đấy, ông cụ không lo nữa; sau Lộ ứng thí tăng đồ, đậu khoa Bạch Liên.

Chưa bao lâu, cụ Vinh dùng tà thuật chống lại Diên Thành Hầu, Hầu nhờ Thuyền Sư Đại Điên dùng phép đuổi đánh chết, quăng thây xuống sông Tô Lịch, thây trôi đến cầu Quyết Kiều chỗ nhà Hầu ở, bỗng đứng dậy không đi nữa; Hầu sợ, chạy cáo với Đại Điên; Điên đến đọc kệ rằng:

– Tăng giận chưa thỏa mãn hay sao?

Thây liền ứng thanh trôi đi.

Từ Lộ lo phục thù cho cha, nghĩ chưa ra kế gì, một hôm lén dòm Điên đi ra liền đón đường mà đánh, bỗng nghe giữa không trung có tiếng bảo đừng. Lộ sợ quăng gậy mà đi, muốn qua nước Phương Độ cầu linh thuật để chống Điên; đường phải đi ngang qua làng mọi răng vàng, hiểm trở nên Lộ bỏ về, mới ẩn lại trong hang núi Phật Tích, thường chuyên trì tụng Đại Từ Tâm Kinh, chú Đà La Ni, hết mười tám vạn tám ngàn lần.

Một hôm thấy một thần nhân đến thưa rằng:

– Đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm công đức trì kinh của Sư nên đến đây hầu hạ xem Sư có sai khiến gì chăng?

Từ Lộ biết rằng đạo của mình đã viên thành, thù cha có thể phục được, mới thân đến đầu cầu Quyết Kiều, thử ném cái gậy cầm trong tay xuống giữa dòng nước chảy thì cái gậy trôi ngược lên như con rùa bơi, đến cầu Tây Dương Kiều mới dừng lại.

Lộ nói:

– Phép của ta đã hơn Điên rồi.

Bèn đi thẳng đến nhà Điên; Điên thấy Lộ bảo rằng:

– Mày không nhớ cái việc ngày trước hay sao?

Lộ ngẩng mặt lên trời, thấy vắng vẻ không có gì mới đuổi Điên mà giết. Điên phát bệnh rồi chết.

Từ đấy thù xưa rửa sạch, tục lự tiêu tan, Lộ mới du lịch tùng lâm, khảo sát ấn chú, nghe sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình, thân đến bái yết và hỏi đạo chân tâm, nhân đó đọc bài kệ:

Lặn lội phong trần vắng tiếng tăm.

Chẳng hay đâu tá ấy chân tâm?

Nguyền mong chỉ dẫn đường phương tiện;

Muôn dặm nay không nhọc sức tầm.

Sư Trí Huyền cũng đáp lại bằng một bài kệ:

Ngọc phiêu bí quyết diễn thành âm,

Trong ấy trăng tròn thấy thuyền tâm.

Hà sa đấy phải Bồ Đề đạo;

Nghĩ đến Bồ Đề cách vạn tầm.

Lộ mù mịt không hiểu làm sao mới bỏ mà đi; đi qua chùa Pháp Vân, hỏi sư Sùng Phạm rằng:

– Thế nào gọi là chân tâm?

Phạm bảo rằng:

– Cái gì cũng có chân tâm hết.

Lộ rõ ràng tỉnh ngộ lại hỏi rằng:

– Thế nào gọi là phép Bảo trụ?

Phạm bảo:

– Đói ăn, khát uống.

Lộ bái tạ mà lui.

Từ đấy pháp lực tăng gia, thuyền duyên thuần thục, rắn núi thú hoang đều hiền lành đến từng bầy, đốt ngón tay để cầu mưa, niệm chú vào nước để trị bệnh, không bao giờ là không hiệu nghiệm. Có một nhà sư hỏi rằng:

– Tại sao khi thì thầy làm, khi thì thầy nghỉ, lúc thì thầy ngồi, lúc thì thầy nằm mà đều là chân tâm cả?

Lộ cho xem một bài kệ:

Có thì cát bụi có.

Không thì một tướng không.

Có, không, trăng dưới nước.

Không sắc ắt không không. 1

Lại nói rằng:

Nhật, nguyệt lên đồi núi.

Người người mất hỏa châu.

Giàu, có lừa để cưỡi,

Đi bộ chẳng cỡi câu.

Triều Lý, vua Nhân Tông chưa có hoàng tự, gặp năm Tường Phù Đại Khánh thứ ba, tháng ba, phủ Thanh Hoa có dâng sớ tâu rằng:

“Ở mé biển Nhữ Châu có một tiểu đồng linh dị, ba tuổi biết nói, tự xưng là Dị tử, hiệu là Giác Hoàng, Bệ hạ làm việc gì nó cũng biết”.

Vua sai Trung sứ qua xem, quả như lời nói, mới rước tiểu đồng về Kinh sư ở chùa Báo Thiên. Giác Hoàng là Đại Điên hóa sinh vậy. Vua Nhân Tông thấy Giác Hoàng thông minh anh dị, rất yêu, muốn lập lên làm Hoàng thái tử; quần thần đều can cho là không nên; lại nói rằng nếu nó linh dị thực thì đáng lẽ nên thác sinh vào nơi cung cấm nhiên hậu mới có thể được. Vua nghe theo mới mở đại hội bảy ngày đêm để làm phép thác thai.

Từ Lộ nói riêng với bà chị rằng:

– Đứa trẻ kia là yêu quái, mê hoặc rất nhiều người, nếu ta ngồi xem không lo cứu vãn để cho nó huyễn hoặc nhân tâm, cổ loạn chính pháp hay sao?

Nhân đó khiến bà chị làm người giả đi xem hội, bí mật cầm vài cái ấn của Lộ đã kết sẵn giắt lên ở trên rèm. Hội đến ngày thứ ba, Giác Hoàng thụ bệnh, bảo với người ta rằng:

– Khắp cả bốn phía vườn, lưới sắt đều giăng kín mít, không có đường nào mà vào thác sinh được.

Vua nghi cho Lộ làm phép giải chú mới bắt đến tra hỏi, quả nhiên như vậy; vua bảo giam Lộ ở lầu Hưng Thánh, hội quần thần để nghị tội. Sùng Hầu đi ngang qua, Lộ van cầu rằng:

– Xin Hầu hết sức cho bần tăng khỏi tội, bần tăng nguyện thác thai trong cung để báo ân Hầu.

Hầu gật đầu.

Kịp đến khi hội nghị, quần thần đều nói rằng:

– Bệ hạ vì không có con nên mới cầu kẻ kia thác sinh mà Lộ dám cả gan làm phép chú giải, thật đáng bị tội đại lục để tạ thiên hạ.

Một mình Sùng Hâu tâu rằng:

– Giác Hoàng nếu có thần thuật, dầu cho Lộ có làm phép chú giải cũng có hại gì đâu, nay trở lại như thế thì Lộ xuất sắc hơn Giác Hoàng rất xa. Ngu thần trộm nghĩ ví bằng bắt tội Lộ, bất nhược tha cho nó để nó thác sinh thì hơn.

Vua tha cho Lộ.

Lộ đi lén đến nhà Sùng Hầu tạ ơn, lập tức đi thẳng đến cho phu nhân Đỗ thị tắm mà dòm vào. Phu nhân giận, cáo với Hầu; Hầu đã biết ý, không quở trách. Lộ dặn rằng:

– Lúc nào phu nhân đến kỳ sinh đẻ phải nói cho tôi biết.

Năm ấy, phu nhân quả có thai, mãn kỳ, sinh rất khó; Hầu nhớ đến lời Lộ dặn ngày trước, sai người đến bảo Lộ; Lộ nghe tin báo bèn tắm rửa, thay đồ mặc, bảo với các tăng rằng:

– Túc nhân của ta chưa hết lại phải ra thác sinh ở thế gian, tạm làm Quốc vương, đến lúc thọ chung lại phải làm vua hai mươi ba năm, nếu thấy chân thân của ta tổn diệt thời là ta vào Niết bàn chứ không phải sinh diệt đâu.

Tăng đồ nghe nói, hết thảy đều cảm động mà khóc. Lộ thuyết kệ rằng:

Thu sang chẳng báo nhạn về đây.

Cười bấy nhân gian nước mắt đầy.

Nhắn với môn nhân đừng luyến tiếc.

Thầy xưa mấy độ, đến thầy nay.

Nói đoạn, vào trong hang núi, cỡi thây mà đi.

Khi ấy phu nhân sinh hạ được một con trai, đặt tên là Dương Hoán, mới ba tuổi đã được Nhân Tông nuôi ở trong cung, lập làm Hoàng thái tử.

Nhân Tông băng hà, Thái tử tức vị, đó là Thần Tông, tức là Từ Lộ hóa sinh vậy.

Người làng lấy làm linh dị, bỏ thây vào trong lồng mà phụng sự; chỗ Lộ thoát hình bây giờ ở tại hang núi Phật Tích, chùa Thiên Phúc, huyện An Sơn.

Xưa kia ở Tràng An có người làng Đại Hoàng Đàm xá tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Tự, hiệu là Minh Không thuyền sư, lúc trẻ đi du học gặp Đạo Hạnh theo học đạo giáo trải bốn mươi thu; Đạo Hạnh khen là người có chí nên truyền tâm ấn cho, lại đặt tên cho nữa. Kịp đến lúc Đạo Hạnh tạ thế, bảo Minh Không rằng:

– Ngày xưa, đức Thế Tôn ta đạo quả viên thành, còn có báo ân cho Kim Sáng, huống chi pháp thuật của ta chưa tinh, khởi đầu ta hẵng tự bảo vệ. Nay ta thác sinh nhân thế, địa vị nhân chủ, bệnh trái ở lai sinh đã định nên khó tránh, có dịp con nên cứu giúp ta.

Khi Đạo Hạnh thác hóa rồi, Minh Không trở về chùa cũ ở mười năm không cầu có tiếng tăm gì. Lúc bấy giờ, Lý Thần Tông bỗng bị một bệnh lạ, tiếng rên la như cọp rống rất sợ. Lương y trong thiên hạ ứng chiếu mà đến kể có hàng nghìn người đều chịu bó tay không làm gì được.

Hồi ấy có bọn tiểu đồng hát rằng:

Muốn lành bệnh Thiên tử,

Phải được Nguyễn Minh Không.

Triều đình sai sứ đi tìm, quả tìm được Minh Không. Minh Không đã đến, các thầy thuốc danh tiếng đều ở trên điện làm phép, thấy Minh Không phác ngu, miệt thị không gia lễ. Minh Không thân cầm một chiếc đinh lớn dài năm tấc đóng vào cột điện, nói lớn lên rằng:

– Ai nhổ được chiếc đinh này ra mới chữa được bệnh.

Nói thế hai ba lần, không một ai trả lời. Minh Không lại lấy hai ngón tay trái mà nhổ đinh, đinh theo ngón tay ra ngay, mọi người đều kính phục.

Đến lúc Minh Không vào thăm bệnh cho vua, thấy vua thì lập tức la lên một cách dữ tợn:

– Đại trượng phu quý là làm Thiên tử, giàu có bốn phương sao lại sinh ra lồng lộn lên như thế?

Vua sợ quá run lên.

Minh Không bảo lấy một cái chảo lớn, đổ nước đun sôi lên, nước đã sôi một trăm lần, Minh Không lấy tay khuấy nước vài cái rồi rảy vào mình vua, bệnh lập tức khỏi ngay. Vua phong cho Minh Không làm chức Quốc sư, cho ăn lộc vài trăm nóc nhà để thưởng công cho ông.

Niên hiệu Đại Định năm thứ hai là năm Tân Sửu, Minh Không tạ thế, thọ bảy mươi sáu tuổi.

Sau đây là một truyện khác về Minh Không.

Làng Giao Thủy có chùa Không Lộ, xưa có một nhà sư tên là Trị Bình Gian, xuất gia trụ trì ở chùa ấy, được tiếng khen là người có đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi vào, có một nhà sư cùng phòng (tức là Đạo Hạnh) ẩn ở trong cửa, nhảy ra làm như tiếng hổ để dọa Minh Không, Minh Không cười bảo:

– Ngươi đã tu hành còn muốn làm hổ à? Ta sẽ cứu ngươi.

Sau vài năm nhà sư mất, hóa làm Quốc vương, chưa bao lâu bỗng hóa ra có lông rồi nhảy nhót, gầm thét, mặt như hình mặt hổ; triều đình đi cầu khắp các y vu tăng đạo, chẳng một ai chữa được, nghe Minh Không có pháp thuật mới sai người đem thuyền đến rước Minh Không. Minh KKông lấy một chiếc nồi nhỏ nấu cơm cho bọn thủy thủ ăn. Sứ giả cười rằng:

– Thủy thủ đông như thế, e không đủ.

Minh Không nói:

– Không, để họ ăn mỗi người một ít, xem chút hậu tình của ta.

Tất cả thủy thủ bốn năm mươi người ăn mãi không hết, mọi người đều lấy làm lạ.

Đến lúc trời chiều, xuống thuyền, Minh Không lại bảo thủy thủ cùng Sứ giả rằng:

– Các ngươi hãy ngủ đi, sáng ngày mặt trời mọc, bần tăng thức dậy hãy chèo thuyền, nếu không thế thì ta không đi đâu.

Sử giả khẩn cầu không được, phải nằm xuống giả đò ngủ thì nghe dưới thuyền có tiếng gió thổi vèo vèo, qua một thời gian thì mặt trời mọc, Minh Không kêu dậy thì thấy thuyền đã đậu ở bến Kinh đô rồi. Minh Không bay lên trời vào cung, nấu nước sôi tắm cho vua, tắm vào mình thì lông rụng hết, thân thể bình phục như xưa, Vương hỏi cớ làm sao. Minh Không thưa:

– Người tu hành nếu có niệm mê thì chỉ sám hối mà thôi không khó gì cả.

Vương lại hỏi:

– Làm sao mà sư được thần thông như thế?

Minh Không thưa:

– Đó không phải là thuật, thần sẵn có phong tật, phát ra không thấy, quả tượng không hay, cái gì là không thì cứ để mặc mà đi chứ không phải thần thông vậy.

Minh Không lại trở về tay không, vua ban thưởng gì cũng không lấy. Vua mới cho hiệu là Thần tăng để thưởng công.


1Bản dịch của Phan Kế Bính (trong Nam Hải Dị Nhân liệt truyện, trang 126).
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không?
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có có không là gì?

18. Truyện Nam Chiếu

Nước Nam Chiếu là hậu duệ của Triệu Võ Đế Đà. Xưa thời Hán Vũ Đế, quan Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia không phục nhà Hán, giết sứ nhà Hán là An Quốc và Vương Lý; Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem binh sang đánh, bắt Vệ Dương Vương Kiến Đức và Lữ Gia rồi chiếm luôn cả nước, chia đặt Thú Lệnh.

Họ Triệu mất rồi, con cháu tản mát ra ở khắp bốn phương, hội lại ở Thần Phù, Hoàng Sơ là những nơi hoang nhàn không có người ở, đóng thuyền qua biển, giết quan Thú Lệnh nhà Hán mà xưng làm Nam Việt, lại ngoa truyền là Nam Chiếu. Kịp đến đời Tam quốc, vua Ngô Tôn Quyền sai bọn Đái Lương, Lữ Đại qua làm Thú mục để cai trị.

Nam Chiếu từ mấy chỗ Thiên Cầm sơn, Hà Hoa, Cao Hoàng, Hoành Sơn, Ô thị, Hải Ngạn, Đại Bộ, Trường Sa, Chú Đổ, Cáp Lội Lôi, núi cao biển sâu, sóng gió hiểm trở, tuyệt nhiên không có dấu người, dân chúng Nam Chiếu chiếm cứ mà ở, dần dần càng đông mới đem của cải châu ngọc thông giao với nước Tây Bà Dạ mà cầu làm thân thuộc để cứu trợ nhau.

Cuối đời nhà Tấn, thiên hạ đại loạn, có kẻ Thổ tù tên là Triệu Ông Lý cũng là dòng dõi Triệu Vũ, anh em rất đông, dũng lực hơn người, dân chúng đều kính phục, cũng theo về với Nam Chiếu đông hơn hai vạn người, lại đem bảo ngọc cầu thông với nước Bà Dạ, xin chỗ đất trống ở mé biển mà ở. Bấy giờ, nước Bà Dạ sai lấy đều một nửa từ bờ biển đến tận đầu nguồn chia làm hai lộ, trên tự Quý Châu đến Diễn Châu làm lộ Nhứ Hoàn, dưới từ Cầm Châu đến Hoan Châu làm lộ Lâm An chia cho Nam Chiếu do Ông Lý thống trị.

Khi Ông Lý đắp thành ở Cao Xá châu Diễn Châu, Đông giáp biển, Tây đến Bà Dạ quốc, Nam đến Hoành Sơn tự lập lên làm vua thì nhà Đông Tấn sai Tướng quân Tào Khả đem binh sang đánh. Ông Lý ở chỗ yếu hiểm đầu nguồn, mai phục tượng binh đón đánh, lại xuất quân ra ngoài núi Liên Mạt để tránh, giặc tụ thời tan, giặc tan thời tụ, sớm ra tối vào, qua lại bốn năm năm chưa từng giao chiến. Quân Tấn không hợp lam chướng, tử vong quá nửa, đến lúc kéo quân trở về, Nam Chiếu lại xâm lăng các nơi đô thành Tràng An, quan Thú Lệnh không chế ngự được; đến đời Đường lại càng thịnh vượng.

Vua Ý Tông sai Cao Biền sang đánh; không hơn được, Biền phải trở về. Đến đời Ngũ Đại, Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn sai quan Tư mã Lý Tiêm đem mười vạn quân đánh ở Đồ Sơn; Nam Chiếu rút lui bèn phụ vào với nước Ngô Đầu Mô giáp giới với nước Ai Lao, nay là nước Bồn Man vậy.

Niên hiệu Hàm Thông thứ sáu, vua Ý Tông nhà Đường sai Cao Biền sang làm Đô Hộ đem binh đánh Nam Chiếu, bèn đặt đạo quan Thịnh Hải ở thành An Nam và cho Biền làm Tiết Độ Sứ.

Cao Biền thông hiểu thiên văn địa lý, mới xem địa hình đắp La thành ở phía Tây sông Lô, chu vi ba nghìn bước mà cư trú; có một con sông nhỏ từ Tây bắc chảy qua phương Nam, lại chảy vào sông Cái; mỗi lần trời mưa, nước sông dâng lên rộng lớn. Biền cỡi thuyền đi chơi bỗng thấy một ông già đầu tóc bạc phau, dung mạo kỳ dị đang chơi ở giữa sông cười nói tự nhiên. Biền hỏi ông già tính danh là gì. Ông già thưa:

– Ta họ Tô tên Lịch.

– Nhà ông ở đâu?

– Nhà ở giữa sông này.

Nói đoạn, vỗ tay một cái thì trời đất tối tăm, hốt nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là một vị thần mới đặt tên sông ấy là sông Tô Lịch.

Một buổi trời mới sáng, Biền đứng ở phía đông Nam đô thành, trên bờ sông Lô, trông thấy giữa sông lộng gió, sóng cuộn ầm ầm, mây đen mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mão tía, tay cầm thẻ vàng bay lên lượn xuống trong ánh sáng; mặt trời đã cao ba sào, khí mây chưa tan và hình người vẫn đứng; Biền rất kinh dị muốn yểm đi nhưng chưa quả quyết; đêm ấy, nằm mộng thấy thần nhân bảo:

– Đứng yểm ta, ta là tinh Long Đậu, trưởng của địa linh, nghe ngươi đến đắp thành ở đây chúng ta chưa được gặp nhau nên ta đến ra mắt, nếu có yểm thì ta cũng chẳng lo gì.

Biền kinh động, sáng ngày thiết đàn làm chay, dùng vàng bạc đồng sắt làm phù phép tụng chú ba ngày đêm, rồi chôn phù mà yểm. Đêm ấy sấm sét ầm ầm, gió mưa dữ dội, trong khoảng chốc lát lại thấy các phù vàng bạc, đồng sắt bị tung lên trời đất, hóa thành tro cháy bay đi mất hết.

Cao Biền than rằng:

– Chỗ này có thần linh dị, không nên ở lâu mà mắc phải hung họa, ta nên gấp trở về Bắc.

Sau Ý Tông triệu Biền về, Biền quả bị giết.

19. Truyện Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải

Làng Hải Thanh có chùa Nham Quang; Không Lộ thuyền sư họ Dương là người làng Hải Thanh, nhà vốn sống bằng nghề câu cá, sau bỏ nghề câu đi tu, ở chùa thường niệm kinh Già Trì Đà La Ni Môn. Khoảng năm Chương Thánh Gia Khánh, sư kết làm đạo hữu với Giác Hải, lần đến chùa Hà Trạch nương thân, ăn cỏ mặc cây như quên cả thân thể, ngoài thì tuyệt sự tha cầu, trong thì tu theo phép thuyền định, tâm thần, tai mắt càng ngày càng sáng suốt, có thể bay lên không, vào dưới nước, phục được hổ, giáng được rồng, muôn trạng nghìn kỳ không ai lường biết được. Sau thì tìm về làng cũ, lập chùa mà ở; ngày kia có một nhà sư hỏi rằng:

– Từ khi ta đến đây, chưa nhờ chỉ dẫn tâm yếu cho, dám xin trình một bài kệ:

Rèn luyện tâm thân mới được thanh.

Sum sê nhánh thẳng đối hư linh.

Có người đến hỏi không không pháp.

Thân ở bên hình bóng lộn hình.

Sư hiểu, bao rằng:

– Ngươi đem gốc tích đến, ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi tiếp nhận, ta vì ngươi lo lắng, chỗ nào lại không hợp tâm nguyện của ngươi.

Rồi cười lên ha hả.

Sư thường thuyết kệ rằng:

Chọn đất long xà ở thảnh thơi.

Trọn ngày tu luyện thú nào vui?

Có khi lên thẳng trên đầu núi.

Ba tiếng kêu to lạnh cả trời.

Sư tịch vào năm Hội Tường Đại Khánh thứ mười 1 (niên hiệu vua Lý Nhân Tông), ngày mồng ba tháng Sáu năm Kỷ Hợ¡; môn nhân thu liệm hình hài chôn trước cửa chùa, có lời chiếu mở rộng thêm chùa và quyên thuế ba nghìn nóc nhà để phụng hương hỏa.

Giác Hải thuyền sư cũng là người làng Hải Thanh, ở chùa Diên Phúc bản quận, họ Nguyễn, xưa vốn thích nghề câu cá, thường lấy thuyền làm nhà, trôi nổi trên biển; hai mươi lăm tuổ¡ mới bỏ nghề câu, cắt tóc đi tu. Ban đầu cùng với sư Không Lộ ở chùa Hà Trạch, sau tìm về làng Hải Thanh. Thời Ký Nhân Thông, ông thường cùng với Thông Huyền chân nhân được triệu vào cung Liên Hoa, chầu ngồi trên đá mát. Bỗng có hai con cáp giải kêu nhau, rộn tai đáng ghét: vua bảo sư Huyền dùng phép cho nó im đi; sư Huyền mật niệm chú, đầu tiên chỉ có một con thôi không kêu nữa. Vua cười bảo Giác Hải rằng:

– Còn lưu lại một con cho Sa Môn sư đó.

Giác Hải lập tức niệm chú, con kia cũng thôi kêu ngay. Vua lấy làm lạ, làm bài Tán rằng:

Giác Hải lòng như hải.

Huyền Thông đạo cũng huyền.

Thần thông hay biến hóa.

Một Phật, một thần tiên.

Nhà sư từ đó nổi tiếng, tăng đồ trong thiên hạ theo học, vua cũng lấy lễ mà đãi nhà sư.

Mỗi khi giá ngự đến hành cung làng Hải Thanh, vua cũng ngự đến chùa trước. Một hôm, vua hỏi nhà sư rằng:

– Người có nghe nói về phép ứng chân định thần chưa?

Sư bèn làm bài tụng Bát biến, bay mình lên không cách mặt đất vài trượng, chốt lát lại trở xuống. Vua cùng quần thần đều vỗ tay khen ngợi. Từ đấy vua ban cho cái xe Kiến dư, ra vào các đình.

Đến đời vua Thần Tông, vua nhiều lần cho Sứ vời sư đế Kinh, nhưng sư lấy cớ bị bệnh già mà từ chối không đến.

Có người hỏi sư:

– Phật cùng với chúng sinh, ai khách mà ai chủ?

Sư cho nghe bài kệ này:

Biết đầu râu người bạc.

Bảo người làm lão khách.

Nếu rằng cảnh giới Phật;

Cửa rồng gặp điểm nghạch.

Gặp đến khi sư gần tịch, lại cố một bài Kệ rằng: Xuân về hoa buớm khéo quen thì.

Hoa bướm đua nhau vẫn ứng kỳ.

Hoa bướm xưa nay đều cảnh ảo.

Chớ đem hoa bướm hỏi tâm trì.

Đêm ấy có sao Hỏa tinh rơi vào góc Đông nam nhà Thái thất. Gần sáng, sư ngồi nghiêm chỉnh mà mất. Vua hạ chiếu quyên thuế ba nghìn nóc nhà làm của hương hoa và cho hai người chức quan phụng tự để bao thưởng.


11119.