20. Truyện Hà Ô Lôi

Niên hiệu Thiệu Phong thứ sáu đời Dụ Tông nhà Trần, 1 có một người làng Ma La tên là Đặng Sĩ Dinh làm quan An Phủ Sứ, phụng mệnh đi sứ Tầu. Bà vợ là Vũ thị ở nhà. Trong làng có một ngôi đền thần gọi là Ma La Thần, thần tinh đêm đêm hóa làm Sĩ Dinh từ cách đứng ngồi đến nét mặt đều giống hệt Sĩ Dinh rồi vào phòng Vũ thị cùng nàng thông dâm; gần sáng lại đi, không biết đi đâu.

Đêm sau, Vũ thị hỏi rằng:

– Phu quân đã phụng mệnh Bắc sứ, sao lại đêm đêm được về mà ngày thời không thấy?

Thần nói dối rằng:

– Vua đi sai quan khác đi sứ, bảo ta chầu hầu tả hữu cùng vua đánh cờ vây không cho ra ngoài, ta niệm tình vợ chồng nên đêm trốn về với nàng để thỏa bề ân ái, sáng ngày phải gấp về triều không dám ở lâu, gà gáy lại phai đi.

Vũ thị trong lòng lấy làm nghi. Giáp một năm, Sĩ Dinh đi sứ về thì Vũ thị đã có thai gần đẻ; Sĩ Dinh đem việc tâu với vua. Vũ thị bị hạ ngục.

Đến đêm, vua mộng thấy một vị thần đến trình rằng:

– Thần đây là thần Ma La, vợ là Vũ thị đa có thai bị Sĩ Dinh tranh mất.

Vua giật mình tỉnh dậy, sáng ngày bảo ngục quan đem Vũ thị đến tra hỏi sự do.

Vua phán rằng:

– Vợ thì trả lại cho Sĩ Dinh, còn con thì giao cho thần Ma La.

Quá ba ngày, Vũ thị đẻ ra một cái bọc đen, xé ra thì được một đứa con trai, da thịt đen như mực; đến mười ba tuổi, đặt tên là Ô Lôi, tuy đen như sơn nhưng da láng như mỡ. Mười lăm tuổi, vua triệu vào chầu, rất là sủng ái nên cho làm tân khách.

Ô Lôi ra đi chơi gặp Lã Động Tân. Động Tân hỏi:

– Em bé đẹp lắm! Em có muốn cầu điều gì không?

Lôi thưa:

– Hiện nay thiên hạ thái bình, nhà nước vô sự, phú quý xem như đám phù vân vậy, tôi chỉ muốn có thanh sắc, cho vui tai thích mắt mà thôi.

Động Tân nói:

– Em ưa thanh sắc thì được cũng như mất, nhưng danh để được lưu ở đời.

Nhân đó bao Ô Lôi há miệng xem thử; Ô Lôi há miệng ra. Động Tân nhổ nươc bọt vào bảo nuốt rồi bay lên không mà đi.

Từ đấy, không biết chữ, nhưng Ô Lôi biện bác mẫn tiệp, có nhiều điều hơn người về từ chương, thi phú, ca kịch, ngâm xướng; cái giọng phúng vịnh như đùa gió cợt trăng, như mây bay nước chảy làm cho a¡ ai cũng thích nghe, đến như đàn bà con gái lại càng thích nghe hơn, càng muốn thấy mặt nó.

Vua thường bảo ở triều rằng nếu ai có thấy Ô Lôi gian phạm con gái nhà ai, bắt nó đến đây thì vua thưởng tiền một nghìn quan, nếu giết nó đi thì phải bồi thường một vạn quan. Đi chơi đâu, vua thường cho nó đi theo.

Lúc bấy giờ ở làng Nhân Mục có một nàng Quận chúa thuộc về hàng Tôn thất tên là A Kim; mới hai mươi ba tuổi mà chồng đã mất sớm, ở góa nhưng nhan sắc diễm lệ tuyệt thế vô song. Vua thích, nhưng cầu thông không được. Vua lấy làm lạ, bảo Ô Lôi rằng:

– Mày có kế gì để lấy được Quận chúa không?

Ô Lôi thưa:

– Thần nguyện hết sức trong hạn một năm nếu không thấy mặt thần tức là mưu bất thành, thần đã chết rồi.

Ô Lôi bái từ mà đi, về nhà lập tức cởi bỏ áo xiêm, dầm mình ở bùn lầy, phơi ra nắng mưa cho mặt mày xấu xí, rồi mặc một cái khố vải giả làm đứa giữ ngựa, lấy một đôi giỏ tre, một phong cau trầu, đến gần ngoài cửa nhà Quận chúa, đưa phong cau trầu cho người hôn đồng giữ cửa mà xin vào cắt cỏ. Người hôn đồng cho vào. Lúc bấy giờ vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu, hoa nhài nở đầy vườn, Ô Lôi nhất thiết cắt sạch cho vào trong giỏ. Thị tỳ thấy vườn hoa đã hết mới hô lên bắt Ô Lôi trói lại, giam được ba bốn ngày không thấy người đến nhận, mời hỏi nó rằng:

– Mày ở cho nhà nào, sao không thấy chủ mầy đến chuộc?

Ô Lôi thưa:

– Tớ là người phiêu bạc, không có cha mẹ, không có chủ nhà, thường theo lũ con hát làm mướn kiếm ăn. Ngày trước thấy một ông quan cột ngựa ngoài cửa thành Nam, ngựa thì đói mà cỏ thì không có, gia đồng cho năm đồng tiền bảo đi cắt cỏ. Tớ mừng được tiền, đi cắt, có biết hoa nhài là gì đâu, ngỡ là cỏ cả. Bây giờ không lấy gì thường, nguyện vào làm nô để trả nợ ấy.

Giữ nó hơn một tháng, gia chủ, nô tỳ thấy đói khát thì cho ăn uống với họ; đêm thời ca xướng, giao du với hôn đồng. Từ gia chủ, nô tỳ đến kẻ nội thị cơ quyến nghe đến tiếng hát của nó đều say mê muốn nghe mãi.

Một hôm, quá hoàng hôn rồi mà không thấy thấp đèn, Quận chúa thầm ngỡ là tả hữu không có người, giận quá gọi thị tỳ đến trước mặt để trách mắng cái tội đã bỏ việc không lo, toan đánh đòn nữa.

Thị tỳ đều vòng tay tạ tội rằng:

– Chúng con nghe thằng cắt cỏ nó ca hát hay quá, say mê quên cả về, không ngờ bỏ việc đến thế, bây giờ Quận chúa đánh đập hay giáng truất chúng con đều cam chịu.

Quận chúa làm ngơ không hỏi nữa.

Lúc bấy giờ tiết mùa hạ nóng nực, đêm mới đầu canh, Quận chúa cùng với bọn thị tỳ ngồi chơi giữa sân, hóng gió trông trăng, lấy làm thắng thưởng, bỗng lắng tai nghe thấy tiếng hát Ô Lôi ở bên kia tường; tiếng hát véo von như tiết điệu Quân thiên, khác hẳn thanh âm ở trên đời; tinh thần nhiễm hội ý tứ thê lương lại càng thêm vui thích, bèn sai thị tỳ đem Ô Lôi vào làm gia đồng, một mình ở bên tả hữu để sai khiến, dần dần thành ra một người tớ cận mật, thường bảo nó ngâm vịnh để vợi mối tình uất kết. Ô Lôi nhân đó càng thêm siêng năng, bôn tẩu phục dịch, Quận chúa càng thêm tín sủng cho làm khách nhi, ngày thời chầu chực bên cạnh, đêm thời cầm đèn đứng hầu; có khi bảo nó ca xướng; thanh âm thấu cả trong ngoài, Quận chúa vì thế cảm động mới thành chứng bệnh u uất: dần dà đến ba bốn tháng, bệnh lại nặng thêm, bọn thị tỳ phục sức lâu ngày thành ra mỏi mệt, đêm khuya ngủ quên, Quận chúa kêu không hay biết.

Một hôm Ô Lôi đêm vào hầu bệnh, đứng gần Quận chúa; Quận chúa không ngăn được tình dục, mới bảo Ô Lôi rằng:

– Từ ngày mầy vào đây, vì giọng hát của mầy mà ta thành bệnh.

Rồi cùng Ô Lôi giao thông, bệnh dần dần bớt.

Từ đó tình ái càng ngày càng thân mật, đến như cái vẻ xấu xí cũng không cần đoái tiếc gì nữa, lại muốn đem ruộng đất cho Ô Lôi làm nhà ở.

Ô Lôi nói:

– Tôi không có nhà cửa, nay gặp được Quận chúa, thực là thiên tiên, đó là phúc cho tôi rồi đó, tôi chẳng muốn điền sản, vàng bạc, châu báu, chỉ nguyện được cái mũ giát vàng khảm ngọc của Quận chúa tiến triều, đội thử một cái thì dầu chết cũng nhắm mắt vậy.

Cái mũ giát vàng khảm ngọc là của Tiên đế ban cho Quận chúa để đội những khi có lễ triều cống, đến nay Quận chúa cũng cho Ô Lôi không tiếc. Ô Lôi được mũ rồi bèn âm thầm đi về, đội mũ ra mắt vua; vua thấy thế mừng quá, lập tức đòi Quận chúa tiến triều. Ô Lôi đội mũ đứng hầu. Vua hỏi Quận chúa rằng:

– Có biết Ô Lôi không?

Quận chúa trông thấy thế ngượng lắm.

Ô Lôi có bài quốc ngữ 2 rằng:

Chỉn đà nấu đến nguyện làm tôi,

Hai chữ Thiên Tiên để cha Lôi.

Từ đó tiếng đồn ra thiên hạ, con gái nhà Vương hầu thường chê cười. Có bài thơ quốc ngữ rằng:

Sương kể dầu sương vẹn được mười.

Những nơi quyền quý thiếu chi người.

Bởi vì thanh sắc nên say đắm.

Khá tiếc cho mà lại khá cười.

Tuy có thơ bỉ mặt như thế nhưng thường bị tiếng hát lôi cuốn không thể tránh được nên thường cùng nó giao thông; không có ai dám đánh đập nó vì đã có lời Chiếu bắt thường tiền.

Sau Ô Lôi tư thông với cô con gái đầu lòng của nhà Minh Uy Vương; Vương bắt được giam lại nhưng chưa giết. Sáng hôm sáu, Minh Uy Vương tiến triều tâu rằng:

– Ô Lôi hồi đêm vào nhà thần, tối sáng khó phân biệt nên thần lỡ đã đánh chết, dám xin tạ tiền, bao nhiêu thần xin tiến nạp.

Vua không biết là chưa giết, lập tức phán rằng:

– Lúc đó mà đánh chết thời không kể.

Lúc ấy Huy Từ hoàng hậu là chị ruột Minh Uy Vương nên vua có ý nể. Minh Uy Vương trở về giết Ô Lôi. Trước khi sắp chết Ô Lôi, ngâm một bài thơ quốc ngữ như sau:

Sinh tử là trời sá quản bao.

Nam nhi miễn được tiếng anh hào.

Chết vì thanh sắc cam là chết

Chết đáng là nên cơm cháo nào.

Lại bảo rằng:

– Lã Động Tân đã nói với ta: “Thanh sắc của mầy, được mất ngang nhau, lời nói rất đúng vậy”.


11346.
2Tức chữ Nôm. Những bài thơ sau đều được viết bằng chữ Nôm.

21. Truyện Dạ Xoa Vương

Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, hiệu là Dạ Xoa Vương, có người gọi là Trường Minh Vương, có người gọi là Thập Đầu Vương. Nước ấy phía Bắc giáp nước Hồ Tôn Tinh. Nước Hồ Tôn Tinh gọi là Thập Xoa Vương, Thái tử gọi là Vy Tư.

Vợ Vy Tư gọi là Bạch Tinh Hậu Nương, dung mạo mỹ lệ, đời ít ai có; Dạ Xoa Vương nghe tiếng mà thích bèn đem dân chúng vây đánh nước Hồ Tôn Tinh, bắt được nàng Bạch Tinh Hậu Nương.

Vy Tư giận mới thắng lĩnh bọn di hậu dẹp núi lấp biển hết thảy hóa ra đất bằng, phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Xoa Vương, lại đem nàng Tinh Hậu trở về.

Nước Hồ Tôn Tinh là tinh của loài khỉ bây giờ là nước Chiêm Thành vậy.

22. Truyện Sĩ Vương Tiên

Xét Tam Quốc Chí thì Vương họ Sĩ, tên là Nhiếp, người làng Quảng Đức, quận Thương Ngô, Tiên tổ là người Vấn Dương nước Lỗ, gặp loạn Vương Mãng tránh ở chỗ này, đến đời Hoàn Đế nhà Hán thì làm quan Thái thú quận Nhật Nam.

Lúc nhỏ Vương du học Hán kinh, chuyên trị sách Tả Thị Xuân Thu 2, đậu khoa Hiếu liêm, được phong làm Thượng Thư Lang, vì công sự bị miễn chức. Sau đậu khoa Hiền lương Mậu tài, bổ làm quan Lệnh Vu Dương. Đời Hiến Đế thì thiên chuyển làm chức Thái thú Giao Châu. Gặp cuối đời Hán, Tam Quốc phân lập, Sĩ Vương xây đắp Lăng thành (nay là thành Long Biên). Hiến Đế nghe vậy gửi cho Vương một bức tỷ thư, khiến đổng đốc bảy quận và thống lĩnh chức Thái thú Giao Châu như cũ. Vương sai quan Lại là Trương Mân phụng mệnh sang Hán kinh lo chức cống. Vua Hán lại hạ chiếu phong cho Vương làm An Viễn tướng quân, tước Đình Hầu Long Độ. Đến đời Ngô Tôn Quyền gia phong làm Hữu Tướng Quân và tất cả ba con đều được phong chức Lang Trung. Kịp lúc sang cống phương vật, vua Ngô hậu gia thưởng tứ để đáp ủy, lại cho người em tên là Nhất lãnh chức Thái thú Hợp Phố, Vỹ lãnh chức Thái thú Cửu Chân, Vũ lãnh chức Thái thú Nam Hải.

Vương thể mạo khoan hậu, khiêm hư tiếp đãi mọi người, các danh sĩ nhà Hán tránh loạn qua nhờ vả rất nhiều. Dân ta tôn xưng là Vương. Vương Huy nhà Hán gửi thư cho Thượng thư Tuân Úc đại lược nói rằng: “Sĩ Phủ Quân ở Giao Châu học vấn đã ưu bác, lại thấu đạt chính trị, ở trong cảnh đại loạn mà bảo toàn được một phương, hơn ba mươi năm biên cảnh vô sự, dân không bị mất mùa, họ Đậu dù giữ Tây Hà cũng không lấy gì làm hơn được. Huống chi các em của Vương đều làm hùng trưởng liệt quận, đi ra thì xe ngựa đầy đường, người đương thời quý trọng, uy chấn bách man, kìa như Úy Đà cũng không hơn vậy”.

Vương thọ chín mươi tuổi, ở ngôi được bốn mươi năm, càng giỏi điều nhiếp nguyên khí, giáo huấn nhân tài.

Vương mất, chôn xuống dưới đất, kể đến cuối đời nhà Tấn thì là một trăm sáu mươi năm; lúc bấy giờ Lâm Ấp vào cướp, khai mả Vương lên thì thấy toàn thể không hư nát, mặt mày như sống; chúng sợ quá bèn chôn cất như cũ. Đời truyền Vương được đạo tiên, lập đền mà thờ phụng.

Niên hiệu Hàm Thông thứ tám nhà Đường, Cao Biền chinh bình Nam Chiếu, đi ngang qua vùng ấy thì thấy một dị nhân, dung mạo tú lệ, y quan nghiêm nhã, liền đón đường nghênh tiếp; Cao Biền thích lắm, rước vào trong màn nói chuyện về thời sự đời Tam Quốc; lúc trở ra, Cao Biền đi đưa chân, hốt nhiên không thấy nữa. Cao Biền lấy làm lạ, hỏi những người trang thôn; họ chỉ mộ Sĩ Vương Tiên mà thưa.

Cao Biền than thở giây lâu bèn ngâm bài thơ rằng:

Sau Hoàng Sơ nhà Ngụy.

Đến đây năm mươi niên.

Đường Hàm Thông thứ tám.

May gặp Sĩ Vương Tiên.

Nhân dân ở các châu huyện gần xa có việc đến cầu đảo đều thấy linh ứng. Triều nhà Trần gia phong Thiện Cảm Linh Ứng Vũ Đại Vương đến nay vẫn là Phúc Thần. Bây giờ đền thờ tại huyện Siêu Loại, xã Thanh Tương, thôn Lũng Triều, uà tại huyện Gia Định, xã Tam Á; hai đền thờ ấy đều được phong là thượng đẳng.


1Quyển này in chữ ngả để phân biệt với hai quyển trên của Trần Thế Pháp (Xem phần Dẫn Nhập).
2Sách Xuân Thu có ba bản, bản của họ Tạ, tức Tạ Khâu Minh được phổ biến nhiều nhất.

23. Truyện Sóc Thiên Vương

Xét sách Thuyền Uyển Tập thì thấy chép rằng: Xưa ở triều vua Lê Đại Hành, có Khuông Việt đại sư người họ Ngô thường đến chơi làng Bình Lỗ, núi Vệ Linh, ưa cái cảnh trí u thắng ở đó mới lập am mà ở. Một đêm về canh ba, sư mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay bên hữu mang bảo tháp, theo sau có hơn mười người, dáng mặt dễ sợ, đến bảo Khuông Việt rằng:

– Ta là Tỳ Sa Môn Đại Vương, Thượng đế sắc qua đất nước Nam để phù hộ hạ dân, có nhân duyên với người nên ta đến đấy thúc báo.

Sư kinh khiếp tỉnh dậy, bỗng nghe trong núi có tiếng hát, lòng rất sợ hãi. Sáng ngày trong núi thấy có một cây đại thụ, cành lá rậm rạp xanh tốt, có thụy khí bao trùm lên trên. Sư bảo thợ đốn xuống, khắc gỗ làm tượng thần đúng như đã thấy trong mộng rồi lập đền miếu mà phụng sự.

Năm Thiên Phúc nguyên niên, binh Tống vào cướp phá, vua đã có nghe việc như thế mới sai quan đến đền thờ khẩn đảo. Lúc bấy giờ, binh Tống đóng tại làng Tây Kết, quân đội hai bên chưa đánh nhau, quân Tống bỗng thấy một người trổi dậy giữa sóng nước, cao hơn mười trượng, tóc đầu dựng đứng, trừng mắt mà nhìn, thần quang rực rỡ. Binh Tống thấy vậy cả kinh lùi giữ ngã ba sông, lại gặp phải sóng gầm sét nổ, giao xà long miết nổi lên làm dữ, binh Tống thấy như thế lại càng kinh khủng chạy vỡ tán loạn; tướng nhà Tống là Quách Tiến đem binh trở về Tống. Vua khen là anh linh, lập thêm đền thờ để sùng phụng. Có kẻ cho là sau khi Đổng Thiên Vương dẹp yên giặc Ân rồi, cỡi ngựa đến chỗ cây dung núi Vệ Linh, cởi áo mũ bay lên trời, đến nay đời còn bảo là “dị phục xuân thu” hễ có cầu cúng, thì dùng trà bánh, đồ chay mà thôi.

Triều nhà Lý sai sứ đến đền cầu đảo, lập miếu ở làng phía Đông hồ Tây, tôn làm Phúc Thần Đại Vương có chép tại kỷ tịch.

24. Truyện ba vị phu nhân Kiền Hải

Xét Bản truyện thì Phu nhân họ Triệu, Công chúa nhà Nam Tống, mẹ con tất cả là ba người, Phu nhân là con gái út.

Niên hiệu Thiện Bảo đời Trần Nhân Tông, thuộc năm đầu đời Tống Đoan Tông, vua Tống chạy giặc ra ở một hòn đảo rồi bị bệnh mất; các đại tướng quân là Lạc Tú Phu và Trương Thế Kiệt lập em vua Đoan Tông là Đế Duế lên làm tự quân. Chưa được bao lâu, Văn Thiên Tường bại trận bị bắt đưa về Bắc, Thế Kiệt dời thuyền vào qua núi Nhai Sơn. Tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm đem binh vây bắt, Tú Phú ôm vua Đế Duế nhảy xuống biển, Thế Kiệt cũng nhảy xuống biển mà chết; binh Tống chết hơn mười vạn người; ba mẹ con Phu nhân vin được tấm ván nhỏ trôi đến bờ một ngôi chùa, đói khát không biết nhờ ai; nhà chùa thấy vậy thương tình nên nuôi cho ăn uống.

Ở được vài tháng, Phu nhân da thịt như xưa, dung nghi tú mỹ, nhà sư đem lòng yêu thích liền sinh thói dâm, đêm đến cầu thông với Phu nhân; Phu nhân thủ tiết cự tuyệt; nhà sư sau hối ngộ lại lấy làm xấu hổ mới ra cửa biển nhảy xuống mà chết.

Mẹ con cùng khóc bảo rằng:

– Mẹ con ta nhờ tăng dưỡng dục mới được sinh sống, nay tăng vì ta mà từ trầm ta nhờ đâu mà sống?

Bà mẹ tự nhảy xuống biển, chị em con Phu nhân cũng nhảy theo chết luôn. Thi hài bị gió đẩy đến cửa biển Kiền Hải ở Diễn Châu nước ta, tạt vào đến bờ; người ở cửa biển trông thấy thân thể không có thương tích gì, bảo nhau rằng: “Thây từ nước kia trôi đến bờ này, không biết mấy nghìn dặm, mà y phục dung mạo y nhiên như sống”. Mọi người đều kinh dị, cho là thần linh, rồi rủ nhau chôn cất, lập đền phụng sự.

Người ở xa gần đi thuyền ngang qua chỗ này, nếu gặp phải sóng gió nguy cấp mà thành tâm cầu đảo thì trong khoảng giây lát quả được bình an. Đến nay các nơi cửa biển đều sáng lập đền miếu mà thờ làm vị Phúc thần rất linh ở Nam Hải vậy.

Tục cũ, người làng không hiểu sự tích, cho là thần Dâm hý thực là rất lầm, nên biểu dương lên làm vị Phúc thần chính trực vậy.

25. Truyện Long Độ Vương Khí

Thần vốn là vua Long Độ Vương Khí vậy. Xưa kia Cao Biền sang chơi nước Nam, đắp thành Đại La vừa xong, một hôm đi xem chơi cửa thành Đông thình lình mây mù nổi dậy, thấy đám mấy ngũ sắc từ mặt đất nổi lên, sáng lòa chói mắt, có một người mình mặt áo thêu, phấn sức kỳ dị, cỡi rồng vàng, tay cầm thẻ vàng, theo mây mà bay lượn trong không khí mù mịt, giây lát mới tan. Cao Biền lấy làm lạ, ngỡ là quỷ tinh nên muốn thiết đàn tràng để trừ yểm.

Thần tác mộng bảo Cao Biền rằng:

– Xin ông đừng sinh lòng nghi, ta không phải là yêu khí mà là Long Độ Vương Khí đây, mừng ông đương nay mới dựng Phủ Thành mà hiện lên xem đấy.

Cao Biền giác ngộ, sáng ngày, hội các người đi theo mà bảo rằng:

– Ta không thể hàng phục được người xa, để đến ngoại quỷ hiện lên thì là điềm chằng lành.

Có kẻ xin lập Pháp đàn, làm tượng hình trạng giống như mộng, lấy sắt nghìn cân làm phù để yểm; Cao Biền nghe theo nên làm phù mà yểm. Đến đêm, trời đất tối tăm, gió mưa rung chuyển đánh mất cả thiết phù hóa thành bụi đất. Cao Biền giận nói:

– Ta biết sẽ về Bắc.

Rồi thì quả nhiên như vậy; người ta cho là linh dị bèn lập đền thờ bên chợ Kinh sư.

Sau vua Lý Thái Tổ kiến lập thành quách, mộng thấy một vị thần đến trước, lạy hai lạy chúc mừng; vua nói:

– Ngươi nên giữ hương hỏa cho được trăm năm.

Thần trả lời:

– Nghiệp thánh truyền được vạn năm; thần được nhờ đấy nương tựa, há chỉ trăm năm mà thôi sao?

Vua tỉnh dậy, sai làm sinh lễ, rượu lệ tửu để cúng tế, phong làm Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương.

Lúc bấy giờ có gió bão thổi mạnh, phố sá đổ nghiêng, chỉ thấy đền thần là y nguyên như cũ. Vua bèn gia phong Minh Hạnh Đại Vương; các lễ Nghinh xuân, cầu cúng đều làm lễ ở đấy.

Đến đời Trần, ba lần đền bị hỏa tai đều cũng không cháy. Quan Thái sư Trần Quang Khải đề bài thơ đến nay đương còn được truyền tụng:

Xưa nghe lừng lẫy Đại Vương linh.

Nay mới hay rằng quỷ cũng kinh.

Lửa cháy ba lần thiêu chẳng rụi.

Gió rung một trận thổi nào chênh.

Chỉ huy đàn áp muôn ngàn chúng.

Hô hấp tiêu trừ trăm vạn binh.

Mong cậy dư uy trừ giặc Bắc.

Khiến cho vũ trụ hưởng thanh bình 1.


1Bản dịch của Phan Kế Bính (trong Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện trang 122).
Xưa nghe lừng lẫy tiếng anh linh.
Ma cũng ghê mà quỷ cũng kinh.
Ngọn lửa ba phen thiêu chẳng tới,
Roi lôi một trận đánh không chênh.
Chỉ tay đè nén trăm loài quỷ
Quát tiếng trừ tan mấy vạn binh
Nhờ đội oai thần xua giặc Bắc
Khiến cho non nước lại thanh bình.

26. Truyện thần Minh Chủ núi Đồng Cổ

Xét truyện Báo Cục thấy chép rằng Minh Chủ Chiêu Ứng Linh Đại Vương vốn là thần núi Đồng Cổ.

Núi Đồng Cổ ở huyện An Định, làng Đàn Đà Thượng. Ngày xưa, lúc đang làm Thái tử, Lý Thái Tông đem binh đi đánh Chiêm Thành, đến bãi Tràng Sa thì đóng quân ngủ lại; đêm quá canh ba, vương mộng thấy một vị thần bận binh phục đến thưa rằng:

– Ta là thần núi Đồng Cổ, nghe Vương nam chinh, xin theo quân Vương lập chiến công.

Trong giấc mộng, Vương cùng thần nói chuyện rất tường. Bình Chiêm Thành xong, Vương đem quân trở về Kinh, sai quần thần sáng lập từ vũ tại Kinh thành bên hữu chùa Từ Liêm. Kịp đến lúc vua Thái Tổ băng hà, Thái Tông phụng di chiếu tức vị. Đêm ấy thần lại cáo với Thái Tông rằng:

– Ba vương Vũ Đức, Dực Thánh, Đông Chinh mưu phản.

Sáng ngày, ba Vương đã phục binh trong thành, đánh gấp các cửa. Thái Tông ra lệnh cho vũ thần Lê Phụng Hiểu đem binh cự chiến; Phụng Hiểu kêu to bảo Đông Chinh, Vũ Đức rằng:

– Ba vương dòm dỏ thần khí, miệt thị tự quân, tại sao lại vong ân bội nghĩa? Phụng Hiểu này xin đem gươm đến hiến.

Rồi thẳng đến chém Vũ Đức Vương, còn Đông Chinh, Dực Thánh tẩu thoát được, hung đồ tán loạn, nội nạn thanh bình quả hợp ứng như thần mộng. Phụng Hiểu có công linh trợ, vua sắc phong làm Thiên Hạ Minh Chủ; mỗi năm đến ngày mồng bốn tháng Tư, vua hội trăm quan ở đền mà thề. Lời minh thệ là: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thần minh sẽ giết”; ai ai cũng đều úy mộ sùng phụng.

Phụng Hiểu tiêu trừ được nội nạn, tin thắng lợi tâu lên, Thái Tông ban khen, bảo Phụng Hiểu là người trung nghĩa anh dũng, hơn Kỉnh Đức nhà Đường rất xa. Sau phò Vua Nam chinh, đại phá giặc Chiêm Thành, công to nghiệp lớn lừng lẫy xa gần; dân lập đền thờ cầu đảo đều có linh ứng; trải mấy triều, Vương đều được gia phong tặng Vương tước cả.

27. Truyện thần Ứng Thiên hóa Dục Hậu Thổ

Xét chuyện Báo Cực thấy chép rằng thần là tinh Đại địa chủ nước Nam. Xưa Lý Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành, đi đến cửa biển bỗng thấy gió to mưa lớn, sóng cuộn ầm ầm, trông xa thấy núi đá, ngự thuyền cùng các thuyền tùy tùng đều không qua được, phải đậu một bên bờ. Đêm ấy, vua mộng thấy một người con gái áo trắng quần hồng, đạm trang dịu dàng, bước lên ngự thuyền mà thưa rằng:

– Ta là thần Đại địa nước Nam, nương thân ở trên cây lâu lắm, nay gặp minh quân xuất chinh, nguyện theo Vương để lập vũ công.

Nói đoạn, hốt nhiên đi mất; Vua kinh hoàng thức dậy mới hay là chiêm bao, cho triệu bá quan và các bậc kỳ cựu đến nói chuyện. Nhà sư Tống Huệ Sinh thưa rằng:

– Nếu như vua đã mộng thấy thần nhân báo nương thân ở cây thì thử tìm ở đấy xem sao.

Vua sai cận thần tìm khắp các núi trên bờ, thấy một khúc gỗ hình tượng giống như người, hệt như đã thấy trong mộng. Vua khiến đặt khúc gỗ lên trên ngự thuyền, đốt hương cầu đảo, gọi là Hậu Thổ Thị Phu Nhân. Trong khoảng chốc lát thì gió êm sóng lặng, thuyền đi êm ái không có một tiếng động. Đến khi phá được giặc Chiêm, ban sư khải hoàn, kinh qua chỗ cũ, vua sắc lập đền thờ thì lại thấy phong ba nổi dậy như trước.

Sư Huệ Sinh tâu rằng:

– Ý thần không muốn ở xa bờ biển, xin rước về Kinh.

Khi ấy sóng gió lại êm; về đến Kinh thành vua bèn lập miếu ở làng An Lãng, uy chương linh ứng; hoặc có người nào khí mạn thì bị hung họa.

Kịp đến thời vua Trần Anh Tông gặp năm trời đại hạn, vua sai đắp đàn cầu đảo. Thần cho vua mộng thấy rằng:

– Duy có thần Câu Mang ở bản từ là có thể làm mưa gió.

Vua tỉnh dậy sai quan Hữu ty đến tế, quả được mưa lớn dồi dào. Bà được phong làm Hậu Thổ Phu Nhân, trải qua các đời đều có gia phong vì là có công với dân.

28. Truyện Long Trào Khước Lỗ

Xét Sử ký và đời truyền thì vua họ Lý, tên húy là Phật Tử, tướng trong họ của Tiền Nam Đế. Tiền Lý Nam Đế tên là Bôn ở huyện Thái Bình, sẵn có kỳ tài, làm quan với nhà Lương một cách bất đắc chí, lại có Tinh Thiều giỏi về từ chương, quan Lại bộ nhà Lương là Thái Tỗn bổ làm Môn Lang Quang Dương, Thiều cho là sỉ nhục bèn cùng Lý Bôn trở về làng.

Nhân Thứ sử Tiêu Tư tàn bạo mới liên kết bọn hào kiệt cùng khởi binh kéo ta chiếm thành Lâm Ấp vào chiếm quận Nhật Nam, Bôn sai Phạm Tu đánh phá được, thừa thắng tự xưng là Nam Việt Đế, đổi niên hiệu năm đầu là Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân, được tám năm rồi mất.

Lức bấy giờ có Việt Vương họ Triệu, tên húy là Quang Phục, vốn người Châu Diên, làm Tả tướng quân của Tiền Lý Nam Đế. Ở Châu Diên có một cái đầm lớn, quanh co không biết bao nhiêu dặm. Tiền Nam Đế mất, Vương mới thu thập tàn binh hơn hai vạn người, tụ hội trong đầm (nay tục gọi là Nhất Dạ trạch); vừa giáp một năm, Vương khẩn đảo trời đất quỷ thần, được thần nhân (tục truyền là Chử Đồng Tử) theo cho móng rồng, bảo giắt ở đầu đâu mâu; đi đến đâu giặc thua chạy đến đó, chém được tướng giặc là Dương Sằn, binh nhà Lương phải rút lui. Vương vào chiếm thành Long Biên, lại chiếu đời qua hai thành Cổ Loa và Vũ Ninh, tự hiệu là Nam Việt Quốc Vương. Vương sai chia nước, cắt địa giới ở bãi Quân thần mà cai trị chung, sau Nam Đế chiếm cứ châu Ô Diên.

Con Hậu Nam Đế là Nhã Lang xin cưới con gái Triệu Quang Phục là Cảo Nương, Vương gả cho. Nhã Lang nói với Cảo Nương rằng:

– Ngày xưa hai thân phụ ta là cừu thù, ngày nay lại là thông gia, cũng thực hay lắm.

Nhân hỏi Cảo Nương rằng:

– Thân phụ em có linh thuật gì mà binh của thân phụ anh phải thua trận?

Cảo Nương lấy tình thực thưa với Nhã Lang; thuận theo ý chồng, nàng lấy trộm cái đâu mâu có móng rồng đưa cho Nhã Lang xem. Nhã Lang âm mưu đổi lấy móng rồng, rồi bảo riêng với Cảo Nương rằng:

– Anh nay dứt tình mà về thăm cha, vạn nhất có điều gì bất trắc như giặc đến mà thân phụ em đánh không hơn, nếu có chạy đi đàng nào thì em nên lấy lông ngỗng ở nệm gấm mà làm dấu, sẽ đến cứu giúp em.

Rồi sau Nam Đế đem binh đến đánh. Triệu Vương ban đầu chưa biết gì, đốc binh, cầm đâu mâu ngồi chờ; binh giặc càng tiến, Vương biết thế kém không chống nổi, bèn dắt con gái chạy về hướng Nam, bỗng thấy Long Vương chỉ mà bảo rằng:

– Con gái Vương rắc lông chỉ dấu là giặc đó.

Vương bèn rút gươm chém rồi cỡi ngựa chạy đến cửa biển Tiểu Nha; bị nước ngăn, cùng đường, lại thấy Hoàng Long rẽ nước làm đường, Vương theo xuống; nước bèn hợp lại.

Nam Đế đuổi đến, thấy nước mênh mông. Triệu Vương ở ngôi hai mươi ba năm, quốc dân cho là kinh dị, mới lập đền ở cửa biển Đại Nha mà phụng tự.

Nam Đế đuổi Triệu Việt Vương xong, trở về hai xứ Loa Thành và Vũ Ninh, phong anh làm Thái Bình Hầu, giữ thành Long Biên, Đại tướng quân Lý Tấn Đỉnh làm An Ninh Hầu giữ thành Ô Diên.

Nam Đế ở ngôi ba mươi mốt năm, bị tướng nhà Tùy là Lưu Phương tiêu diệt. Người đời sau lập đền ở cửa biển Tiểu Nha mà phụng tự.


1tức Lý Phật Tử. So sánh với truyện Kim Qui ở trên.

29. Truyện Bố Cái Đại Vương

Đại vương họ Phùng, tên là Hưng, người huyện Đường Lâm, Giao Châu, tù trưởng biên man, hiệu là Lang, hào phú, có dũng lực, có thể vật được trâu, đánh được hổ. Em là Hãi cũng có sức mạnh, vác nổi nghìn cân, vác cả tảng đá mười hộc hoặc chiếc thuyền con mà đi hơn mười dặm; các man lào đều sợ uy danh.

Niên hiệu Đại Lịch đời Đường Đại Tông, nhân Giao Chỉ binh loạn trong nước, anh em đem nhau khắc phục các lân ấp, đất đai đều thuộc về anh em cả. Hưng cải danh là Cự Lão, Hãi cải danh là Cự Lực, đều hiệu là Đô Quân, Đô Bảo. Bọn tù trưởng Đường Lâm và Phong Châu thảy đều quy phục, từ đó uy danh chấn động. Quan Đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình đem binh dưới trướng đánh không hơn được, ưu phẫn thành bệnh mà chết. Hưng vào chiếm cứ đô phủ, làm việc cai trị được mười bốn năm rồi mất, dân chúng muốn lập Hãi lên thay, quan Tá lại đầu mục Bồ Phá Lặc là một người mạnh mẽ, sức có thể xô núi, không chịu nghe theo; dân chúng mới suy tôn người con của Hưng tên là An lên làm Đô phủ quân để ủy lạo lòng hoài vọng của nhân dân. Hãi tránh Bồ Phá Lặc, dời sang ở động Chu Nham, rồi sau không biết chết ở đâu.

An suy tôn thân phụ làm Bố Cái Đại Vương, bởi theo phương ngôn thì gọi cha bằng Bố, gọi mẹ bằng Cái, nên chi tôn xưng như vậy. Phùng An nối ngôi được ba năm, Đức Tông sai Triệu Xương sang làm Đô hộ An Nam; Xương đến nơi sai sứ dụ An; An cùng với man nhân về đầu hàng Triệu Xương; các người họ Phùng bỏ đi tản mát hết.

Hưng mất rồi, thường hiển linh dị, dân chúng cho là thần mới lập miếu ở phía Tây đô phủ mà phụng sự; hễ khi nào gặp đến mấy việc như trộm cướp và nghi ngục mà đến đền thờ thì thấy rõ họa phúc, nhờ thế hương hỏa được vô cùng vậy. (Nay Thổ tù tranh trưởng cũng hiệu là Lang).


1tức Phùng Hưng.