Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên – Quyển XXI

[1a]

Kỷ Hoàng Triều Nhà Lê

Thần Tông Uyên Hoàng Đế

Vua húy là Duy Kỳ, là con trưởng của Kính Tông. Mẹ là Đoan Từ hoàng thái hậu, con gái thứ của Thành Tổ. Vua ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại trở lại ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi. Vua sống mũi cao, mặt rồng, vẻ người thanh tú, thông minh học rộng, rất chuộng văn thơ. Vua với nhà chúa vui vẻ hoà hợp một nhà, dồi dào phong thái thuần hậu hòa mục; ung dung rủ áo chắp tay mà hưởng lộc trời. Thế chẳng tốt đẹp sao! Bốn lần xa giá xuất chinh, hai lần bước lên ngôi báu, đó cũng là điều xưa nay hiếm có.

[1b] Thành Tổ Triết Vương

Văn Tổ Nghị Vương

Húy là Tráng, là con thứ của Thành Tổ. Lúc đầu phong là Bình quận công, đổi phong là Thanh quận công, tiến phong là Tiết chế thái úy Thanh quốc công. Tôn phong là Nguyên soái thống quốc chính Thanh Đô Vương, tiến tôn là đại nguyên soái thống quốc chính sư phụ Thanh Vương. Triều Minh sách phong là Phó quốc Vương. Gia tôn là Thượng chúa sư phụ công cao thông đoán Nhân Thánh Thanh Vương. Cầm quyền 35 năm, thọ 81 tuổi.

Chúa [Trịnh Tráng] tính trời hiếu thảo, thân ái mọi người, rộng lòng khoan thứ; khi mới cầm quyền, tuổi đã 47. Bình xong nội nạn, hòa hợp nhân dân, trong nước yên ổn, tín nhiệm nho thần, giảng cầu chính trị, chấn cử kỷ cương, mọi việc đều giao cho triều đường công luận, chúa cung kính khiêm nhường, cẩn thận giữ gìn pháp độ, ba lần đánh Thuận Hóa, chỉ dùng văn cáo để mở bảo, không muốn dụng binh đến cùng, lặn lội ở nơi xa. Tha Mạc Kính Khoan, cho đất Cao Bằng, khiến xưng thần, giữ chức cống. Cho nên cái phúc nuôi dưỡng yên ổn hòa bình thật là dày lắm. Võ liệt [2a] văn công đã làm sáng trưng đời trước, mở lối đời sau, xứng đáng được thiên triều sách phong làm Phó Quốc Vương. Chúa đông con cháu, tuổi đến thượng thọ. Sách nói rằng: “Người có đức lớn, ắt được ngôi vị, ắt được hưởng lộc, ắt được nổi danh, ắt được sống lâu”. Câu ấy đáng tin thay!

Canh Thân, [Vĩnh Tộ] năm đầu [1620], (Minh Vạn Lịch năm thứ 48. Từ tháng 8 là Minh Quang Tông, Thái Xương năm đầu)2857 .

Em của viên trấn phủ xứ Thuận Hoá Nguyễn Phúc Nguyên là Phúc Hiệp, Phúc Trạch giữ đất Quảng Nam, có thư bí mật xin hàng, xin ra quân để họ làm nội ứng. Sai Đăng quận công Nguyễn Khải

đem quân đi đón họ. Bọn Phúc Hiệp sau bị lộ mưu, bị Phúc Nguyên bắt giết. Khải đi tới cửa bể Nhật Lệ rồi về. Phúc Nguyên từ đó sinh thù oán2858 .

Mùa thu tháng 7, vua Minh mất, tên thuỵ là Thần Tông Hiển Hoàng Đế. Thái tử Thường Lạc lên ngôi, đổi niên hiệu là Thái Xương. Đến tháng 9, vua ấy lại mất, tên thuỵ là Quang Tông Trinh Hoàng Đế [2b], con trưởng là Do Hiệu lên ngôi, đổi gọi năm sau là Thiên Khải.

Cho Lê Bật Tứ làm Thượng thư bộ Binh2859 .

Tháng 12, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Nguyễn Thế Tiêu, Nguyễn Cung, Bùi Văn Bưu, Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Khuê, Nguyễn Tuấn là hai sứ bộ tuế cống.

Tha tội cho Trịnh Xuân, khôi phục quan tước2860 .

Tân Dậu, [Vĩnh Tộ] năm thứ ba [1621] , (Minh Hy Tông Thiên Khải năm đầu).

Mùa xuân tháng giêng, sai Thái bảo Dũng quận công Trịnh Giai trấn thủ Yên Thế, đóng đồn ở Nhã Nam. Sai Nguyễn Danh Thế làm Đốc thị2861 .

Mùa thu tháng 8, cầu vồng trắng hiện ở phương đông, dài tới nửa vòng trời.

Mùa đông tháng 10, ghi công những người xông pha đáng giặc ở trận Phấn Thượng. Phong bọn thự vệ Vân quận công Trịnh Văn Nghĩa làm Dương Vũ Uy Dũng công thần2862 .

Tháng 11, tiến đánh Cao Bằng, sai Tả quân doanh Thái phó Thanh quận công làm [3a] Thống lĩnh, Nguyễn Danh Thế là Đốc thị, theo đường Lạng Sơn tiến lên. Tháng 12, đánh phá giặc ở Đèo Đang, Đèo Sắc, chém nguỵ An Phong hầu, bèn kéo vào sào huyệt giặc ở Vu Tuyền. Mạc Kính Khoan trốn xa. Đại quân tiến vào Đèo Hiên. Luỹ giặc rất hiểm vững, Thanh quận công chia quân làm 5 đạo tiến đánh, lấy được. Tiến tới Đèo Khôn ở Thông Nông thì đóng doanh. Bắt được nguỵ Hoa quận. Thái uý Phụng quốc công Trịnh Đỗ và thống lĩnh Thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân do đường Thái Nguyên đi mặt sau tới đóng ở Cao Bằng, hơi có ý tranh công, rồi sinh ra hiềm khích. Thanh quận công bèn kéo quân về, đóng ở thành Phục Hoà, vượt qua cõi đất Long Châu của Bắc quốc, qua Bằng Tường, vào Trấn Nam quan, tới Lạng Sơn, rồi về kinh.

Thưởng cho hai đạo quân 1.000 lạng bạc trắng2863 .

Nhâm Tuất, [Vĩnh Tộ] năm thứ 4 [1622] , (Minh Thiên Khải năm thứ 2).

Mùa thu, tháng 8, mưa to, hoàng thành bị lở đổ hơn 30 trượng.

[3b] Quý Hợi, [Vĩnh Tộ] năm thứ 5 [1623] , (Minh Thiên Khải năm thứ 3).

Mùa xuân, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Phạm Phi Kiến 7 người.

Tháng 4, thi đình, có viên mới đỗ tiến sĩ là Nguyễn Trật (người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hoá) trong trường thi hội đã mượn người làm văn hộ mà đỗ, đến hôm này [thi đình] cáo ốm để giấy trắng. Vua không bằng lòng, sai y như bảng thi hội, không xướng danh và ban cho thứ bậc.

Tháng 5, giếng đá ở cổng chùa Báo Thiên bị lấp hỏng.

Tháng 6, chúa [Trịnh Tùng] bị bệnh lỵ rất nặng, mới cùng các quan văn võ mưu tính chọn thế tử. Ngày 17, triều thần đều tâu cho vương thế tử là Thanh quận công [Trịnh Tráng] nắm giữ binh quyền. Lại lấy con thứ là Vạn quận công Trịnh Xuân phó giữ binh quyền. Ngày 18, giờ Ngọ, Trịnh Xuân nổi loạn, bầy quân và voi ở Đình Ngang2864 rồi cùng bè đảng của y là Điện quận, Bàn quận đem quân vào phủ. Quân túc vệ kinh hãi chạy tan. Chúa thấy quân vào, thì trỗi dậy, dùng kim thương mà đâm bừa. Quân lính không dám đến gần.

Bèn vào kho vải, lấy vải [4a] vứt đầy trước mặt chúa2865 rồi đặt chúa lên võng đưa ra ngoài cửa phủ. Chúa trông thấy Xuân giận mắng rằng: “Mày sao nỡ làm thế, đạo làm con để đâu?”2866 . Xuân kinh sợ, rút quân ra ngoài thành, cướp lấy voi, ngựa, của báu, rồi nhân đó vung lửa đốt. Đô thành đại loạn. Bấy giờ hầu hạ và bảo vệ ở bên cạnh chỉ có Thái giám Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm, Văn Thuỵ hầu Phùng Văn Minh (người xã Ốc Trù huyện Yên Lạc) và Đường Thọ hầu, là ba người. Chúa bảo bọn Sĩ Lâm đưa mình ra khỏi kinh sư đóng ở xứ Quán Bạc xã Hồng Mai. Vương thế tử là Thanh quận công ở tả quân doanh nghe có loạn, không biết tin tức về chúa, bèn cùng với Đô ngự sử Nguyễn Danh Thế mưu tính. Ngày 19, ông sai em là Trịnh Giai rước nhà vua về tạm Ninh Giang, còn mình tự lưu lại ở Nhân Mục, hội họp các quan văn võ cùng bọn Nguyễn Văn Giai bàn bạc việc quân. Chúa ở Hồng Mai, sai Sĩ Lâm hộ vệ đưa vào dinh của em ruột là Trịnh Đỗ [4b]. Đỗ dâng cơm và thuốc, lại sai con là quận Thạc đi đón thế tử, nói là vâng mệnh truyền đến để dặn dò đa kế. Thế tử vừa mới ra, ngồi chung voi với quận Thạc mà đi, thì Lưu Đình Chất ngờ Đỗ có âm mưu gì, bèn chạy theo dâng lời nói rằng: “Bây giờ đang khi nguy hiểm, sao ngài lại ngồi chung voi với giặc”. Quận Thạc bèn xuống từ tạ về dinh.

Đỗ lại sai quận Thạc đi dụ Xuân, nói rằng vâng mệnh gọi về trao cho đại quyền. Xuân thích lắm, lập tức cùng bọn tuỳ tùng thân cận vài mươi người vào yết kiến; miệng ngậm cỏ phủ phục ở sân. Đỗ sai dũng sĩ bắt lấy. Chúa gượng bệnh ngồi dậy, kể tội y, nhưng chưa nỡ giết, sai giam cùm lại để đợi giao cho luận tội. Đỗ lập tức chặt chân cho chết đi2867 .Quân đi theo đều giải tán.

Chúa thấy Xuân chết, trong lòng xúc động. Ngày 20 Mậu Dần, buổi sớm, chúa bảo bọn Sĩ Lâm cáng võng đưa đi tìm thế tử. Quân đi theo Sĩ Lâm chỉ còn 60 người, cùng với Trịnh Đỗ bảo hộ [5a] chúa. Đi đến quán Thanh Xuân thì chúa mất, thọ 74 tuổi.

Chúa có 19 người con: Con trưởng là Tín Lễ công Trịnh Túc đã mất sớm. Thứ đến thế tử Thanh quận công, đó là Văn Tổ. Thứ nữa là nghịch Xuân. Thứ nữa là Mỹ Dự công Trịnh Lâm. Thứ nữa là Tung Nhạc công Trịnh Vân, Thuần Nghĩa công Trịnh Dương, Dũng Lễ công Trịnh Giai, Quỳnh Nham công Trịnh Đệ, Quảng quận công Trịnh Hàng, Tựu quận công Trịnh Triều, Lập quận công Trịnh Tuân, Hựu quận công Trịnh Điện, Thanh quận công Trịnh Bảng, Xuyên quận công Trịnh Quảng, Lập quận công Trịnh Trà, Diên quận công Trịnh Nha, Kiên quận công Trịnh Quân, Hào quận công Trịnh Quang, Nông quận công Trịnh Tương2868 .

Khi chúa đã mất, Sĩ Lâm thủ hộ quan tài, sai Văn Thuỵ hầu, Đường Thọ hầu đi báo tin cho thế tử. Thế tử đã đi về Ninh Giang ở phía tây, sai quân nghênh tiếp. Ngày 24, phát tang, sai Hiệp2869 quận công [5b] chuẩn bị 13 chiếc thuyền hộ vệ, theo đường thuỷ về táng ở Thanh Hoa.

Vì nghịch Xuân tuy đã chết, nhưng lòng người còn rối động, nhân đó rước nhà vua đem bách quan và các quan theo bờ Ninh Giang mà xuống. Đến xã Bất Đoạt thuộc Kim Bảng, thì ra đường chính mà trở về Yên Trường, để giữ vững gốc rễ.

Trịnh Đỗ cũng đem quân bản doanh đi theo. Thế tử biết rõ Đỗ không có ý khác, sai Nguyễn Danh Thế điều hoà chỗ đó, hiềm nghi bèn giải, lại trở nên hoà hiếu.

Bấy giờ kinh thành rỗng không. Mạc Kính Khoan đóng đồn từ Cao Bằng đem đồ đảng xuống Gia Lâm, đóng đồn ở Đông Dư, Thổ Khôi. Bọn xấu hùa theo đông hàng vạn. [Kính Khoan] sai nguỵ Xuân Quang hầu (người xã Cổ Hiền huyện Thượng Phúc) chiếm cứ Châu Cầu, nguỵ Triều Kỷ hầu chiếm cứ Đồng Mỗ.

Mùa thu, tháng 82870 , ngày mồng 3 tiến phong vương thế tử Thái phó Thanh quận công làm Hiệp mưu đồng đức công thần đô tướng tiến [6a] chế các xứ thuỷ bộ chư doanh, kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quốc trọng sự, Thái uý Thanh quốc công, giao cho quyết định mọi việc.

Ngày 17, tiết chế phủ theo mệnh vua đem các quân tiến đi. Sai Thắng quận công Trịnh Tông, cùng bọn Nguyễn Thực, Nguyễn Danh Thế, chia nhau đốc lĩnh quân thuỷ và bộ. Ngày 21, đánh tan giặc ở Châu Cầu. Xuân Quang chạy trốn. Ngày 26 tiến đến Nhị Hà, đại phá Mạc Kính Khoan ở Mạch Đỗ2871 , chém giết rất nhiều. Kính Khoan chỉ thoát thân một mình, chạy về Cao Bằng. Tiết chế phủ sai Chưởng giám Nghiêm Lễ hầu Nguyễn Vĩnh Phó vào kinh đô, dẹp yên cung cấm. Sai Tham tụng thượng thư bộ Binh là Lê Bật Tứ và Thái bảo Bùi Sĩ Lâm đi Thanh Hoa rước xe vua.

Tháng 9, vua về kinh sư.

Sai Hiệp Nghĩa doanh Tung quận công Trịnh Vân làm thống lĩnh, Ngô [6b] Trí Hà làm đốc thị, lược định vùng Sơn Tây rồi về2872 .

Gia phong [Trịnh] Vân làm Thiếu phó, [Ngô] Trí Hoà làm Thiếu bảo, phong là công thần. Gia phong [Bùi] Sĩ Lâm làm Thiếu bảo, bồi thị vương phủ, tham bàn việc nước. Phong Nguyễn Vĩnh Phó tước Nghiêm quận công2873 .

Tháng 10 nhuận, Hữu đô đốc Diên quận công Đàm Cảnh Tường (người xã Vân Nhưng Thái, huyện Đông Sơn) vì phá giặc, bị trúng sang mà mất, được tặng Tả đô đốc2874 .

Lấy đô ngự sử Nguyễn Danh Thế làm Thượng thư bộ Công, gia hàm là Dực vận tán trị công thần, phong là Thuỵ Dương hầu. Cho Tả thị lang bộ Hộ Lưu Đình Chất làm Đô ngự sử, Hữu thị lang bộ Hộ là Nguyễn Duy Thì làm Tả thị lang bộ Hộ, đều tước hầu2875 .

Giáp Tý, [Vĩnh Tộ] năm thứ 6 [1624] , (Minh Thiên Khải năm thứ 4).

Mùa xuân, truy tôn thuỵ hiệu cho Tiên [chúa] là Bình An Vương. Lời văn trong [kim] sách nói: “Vương giả khôi phục cơ đồ, mở rộng nghiệp trước; triều đình truy phong lễ lớn nêu rõ công to [7a]. Chọn được ngày tháng tốt lành, khắc chữ sách vàng rực rỡ. Đô nguyên soái tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương, thông minh đĩnh đạt, trí dũng anh hào, đem nhân nghĩa cứu sinh linh, giữ yên xã tắc, xoay trời đất, giúp nhật nguyệt, công đức cao đầy. Yên con nối để lại mưu kế sâu xa; đáp công to ban phong danh hiệu tốt đẹp. Đặc sai quan mang kim sách tiến phong là Cung Hoà Khoan Chính Triết Vương. Mong rằng yên vui phu thoả, giúp đỡ phù trì, để con cháu được hưởng phúc, dòng dõi ức năm dài mãi. Khâm theo đấy”.

Tháng 10, tiến phong Tiết chế phủ [Trịnh Tráng] lên tước vương2876 . Lời sách phong rằng: “Trời mở vận trung hưng, tất sinh ra người hiền để giúp xã tắc. Làm vua giữ công quyền, tất ban cho tước hậu để giữ công lao. Chọn được ngày tháng tốt lành, khắc chữ sách vàng rực rỡ. Nay Hiệp mưu đông đức công thần đô tướng tiết chế các [7b] xứ thuỷ bộ chư doanh kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc

trọng sự thái uý Thanh quốc công Trịnh Tráng đức nghiệp giống người trước, anh hùng hơn đời xưa. Khi cầm quân, trăm trận ra oai, dẹp yên bờ cõi. Lúc sách lập, mọi người đều phục, dựng lại nước nhà. Xiêm quẻ Khôn2877 thêm rạng vẻ người; mệnh quẻ Sư2878 ban cho tước sủng. Đặc sai Thượng thư bộ Lại chưởng lục bộ sự, kiểm Ngự sử đài đô ngự sử thiếu phó Lễ quận công Nguyễn Văn Giai mang kim sách tiến phong làm Nguyên soái thống quốc chính Thanh Đô Vương. Ban cho mũ miện y phục, lại ban ngọc khuê, ruộng đất. Mong rằng tuân theo pháp độ, giữ được công danh, cẩn thận chức vụ, kính theo lời huấn trước, dốc lòng trung, hưởng tước lộc, đáng bậc vương sách với nước nhà. Vương khâm theo đấy!

Tháng 11, ngày Bính Dần, đi đánh Cao Bằng. Sai con trưởng của chúa ở Tà Tiệp quân [8a] doanh là Sùng quận công Trịnh Kiều thống lĩnh các tướng theo đường Lạng Sơn tiến lên. Sùng quận công bấy giờ tuổi mới 24, anh dũng mưu trí, bắt được [vua] nguỵ Càn Thống là Mạc Kính Cung và nguỵ tướng là bọn Sùng Lễ, Tháo Thiết, đem về kinh sư giết chết. Nguỵ Long Thái là Mạc Kính Khoan trốn đi xa. Thống lĩnh doanh Thắng Nghĩa là Quỳnh quận công Trịnh Đệ, Đốc thị là Nguyễn Danh Thế theo đường Thái Nguyên tiến lên, qua các châu Bạch Thông, Cảm Hoá, vây bọc lấy phía sau Cao Bằng, đến đất Trung Quốc đuổi giặc. Viên thuộc tướng là Phụ quốc công Nguyễn Hắc2879 sợ núi hiểm lại cậy lạ người thân thích, đem quân về trước, Đệ bèn trở về2880 .

Ất Sửu, [Vĩnh Tộ] năm thứ 7 [1625] , (Minh Thiên Khải năm thứ 5).

Mùa xuân, Trịnh Đệ về đến Bắc Sơn, lại sai tới Lương Thượng, Lương Hạ thuộc Cảm Háo bắt nguỵ Vũ Ninh Vương. Dùng hoả công, phá được luỹ giặc. Tháng 2 thì kéo quân [8b] về2881 .

Mạc Kính Khoan sai Danh Thọ đến xin hàng, xin bỏ nguỵ hiệu, xưng là phiên thần, xuống chiếu xá tội cho, phong y làm Thái bảo Thông quốc công, lệnh cho y hàng năm dâng cống2882 .

Tháng 6, định quy mô cai trị thời bình, sai ban hành trong thiên hạ. Hàng năm ba lễ Thượng tiến, Thường tiên, Tiết liệu2883 , mỗi tổng nộp tiền 5 mạch, gạo 100 bát. Các lễ Cung tiến, lễ Kỵ thời, lễ Sinh nhật2884 , quan sở cai chiếu bổ các hạng mỗi xã 1 quan tiền. Các tiền thuế thân [tiền quý] do tứ trấn nộp; hạng lính không tòng chinh mỗi người nộp 3 quan mạch; hạng quân mỗi người nộp 1 quan 5 mạch; hạng dân mỗi người nộp 1 quan 2 mạch 30 đồng; sinh đồ, cựu tướng thần, xã trưởng, hạng lão, hạng dưới 18 tuổi, lệnh sử, điển lại, thông lại đang làm việc và nhà sư, đạo sĩ, giáo phường2885 mỗi người nộp 1 quan tiền, người tàn tật bất cụ nộp 8 mạch; tiền quý [thuế thân] của các hạng [9a] nói trên mỗi năm chỉ thu mỗi người 7 phần, miễn cho 3 phần. Các quan viên, giám sinh, lão nhiêu, đàn bà goá đều được miễn. Các ngạch thuế ruộng quan điền, ruộng cấp tứ, ruộng thế nghiệp, ruộng thông cáo, ruộng chiếm xạ, cùng là các thuế đất bãi dâu, đầm ao, đều giao cho bộ Hộ đòi hỏi quan huyện thu nộp, cũng chỉ thu 7 phần, tha cho 3 phần, để tỏ ý rộng rãi thương dân. Còn các thuế ở điện Huy Văn và tự Thái Bộc, giao cho quan coi ở đó trưng nạp. Cấm các quan phụ trách thu thuế ở trong ngoài không được lạm dụng tiền quí2886 , không được tự tiện bắt xã dân phục vụ việc nhà. Cấm các tướng không được bắt ép cháu chắt các công thần làm lính.

Tháng 8, sai quan khảo hạch sĩ vọng trong nước, lấy bọn Nguyễn Nghi 27 người, bổ nhiệm các chức cao thấp khác nhau2887 .

Tháng 11, Thiếu bảo thượng thư bộ Hộ Phú Xuân hầu Ngô Trí Hào mất, tặng tước Xuân quận công.

Ghi công những người [9b] theo xe vua trong năm Quý Hợi [1623] và đánh dẹp mới rồi, phong Thiếu uý Nguyễn Văn Giai, Tả thị lang Nguyễn Duy Thì đều là Dực Vận Tán Trị công thần.

Quan Thiếu bảo trí sĩ, Thượng thư bộ Lễ, tước Tuyền quận công Nguyễn Lễ mất, thọ 83 tuổi, được tặng là Thiếu bảo.

Tháng 12, ghi công đánh Cao Bằng, gia phong Nguễn Danh Thế làm Thiếu bảo.

Viên trấn phủ kiêm hai xứ Thuận Quảng là Nguyễn Phúc Nguyên nghe mưu của Đào Duy Từ, từ năm này không nộp cống phú và đắp luỹ ở bờ nam cửa bể Nhật Lệ để tự thủ. Duy Từ (người xã Vân Trai huyện Ngọc Sơn) có văn học; quan hữu ty cho rằng y là con nhà ca xướng, không cho đi thi. Y phẫn chí, vào Quảng Nam xin ra mắt Phúc Nguyên. Nói ra là hợp ý, y làm kẻ tâm phúc của Phúc Nguyên, từ đó ly gián triều đình, ngày đêm thuyết phục Nguyên tuyển binh, tích của, đóng cửa, chống mệnh. Y tiến cử đồng đảng là Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến và Chiêu Vũ [10a] Nguyễn Hữu Dật làm vô tướng. Từ đó Thuận Hoá bắt đầu phản bội.

Bính Dần, [Vĩnh Tộ] năm thứ 8 [1626] , (Minh Thiên Khải năm thứ 6).

Mùa xuân, tháng giêng, thăng Nguyễn Danh Thế lên Thiếu phó, Thượng thư bộ Hình sai ông cùng Thái bảo Ly quận công khám xử các việc kiện cáo trong nước2888 .

Tháng 3, sách phong Phụng quốc công Trịnh Đỗ làm Dương Lễ công2889 .

Cho Nguyễn Duy Thì làm Thượng thư bộ Công2890 .

Tháng 5, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Nguyễn Tiến Dụng, Trần Vĩ, Đỗ Khắc Kính, Nguyễn Tự Cường, Bùi Tất Thắng, Nguyễn Lại, đi cống hàng năm.

Tháng 7, ngày Tân Mão, bàn việc kinh lược Thuận Hoá. Sai Tiền Nhuệ doanh Thiếu uý Nguyễn Khải, Thiếu Phó Nguyễn Danh Thế, đem bọn Hoà Nghĩa doanh là Hoa quận công, trước đến đóng đồn ở tổng Hà Tây thuộc Kỳ Hoa để phù liệu công việc2891 .

Đinh Mão, [Vĩnh Tộ] năm thứ 9 [1627] , (Minh Thiên Khải năm thứ 7).

Mùa xuân, tháng giêng, gọi Nguyễn Phúc Nguyên vào chầu. Sắc dụ rằng [10b]: “Những người hào kiệt có thể cùng nhau hoàn thành sự nghiệp. Kẻ trượng phu lập chí cần biết rõ thời thế. Đậu Dung đem đất Hà Tây về hàng, nổi tiếng ở đời Hán. Điền Hưng lấy đất Nguỵ Bác quy quận, công lao ở đời Đường. Từ xưa, các hiền nhân quân tử, trí sáng, biết đúng, mới dựng nên công nghiệp ở đương thời, để tiếng thơm cho hậu thế nước nhà ta, ứng trời thuận người, thừa thời mở vận. Thái tổ Cao Hoàng Đế lấy võ công bình định thiên hạ, là nhờ các công thần giúp đỡ; liệt thánh hoàng đế lấy văn giáo làm nên thái bình, cũng nhờ bậc huân cựu khuông phò, cho nên mới giữ nước được lâu dài. Chỉ về nửa chừng vận bĩ, nguỵ Mạc tiếm ngôi. May được mệnh trời chưa thay, lòng người nhớ cũ, Trang tông Dụ Hoàng Đế nổi dậy ở miền đất tây, tổ của người là Chiêu Huân Tĩnh công cùng với Minh Khang Thái Vương xoay lại trời đất, để tiếng sử xanh; vận trở hanh thông, nước [11a] nhà dựng lại. Thế tông Nghị Hoàng Đế và ngự Trung Đô; cha của ngươi là Cẩn Nghĩa công giúp đỡ thượng phụ Bình An Vương ngày ngày dự bàn quốc chính, kế yên thiên hạ, công ghi sử xanh. Chỉ vì kẻ nghịch thần là bọn Ngạn, Khuê dám bất trung chống lại, đem quân làm phản, trong nước rối động.

Cha con ngươi có ý muốn bảo toàn, nhân thế bỏ về trấn cũ. Khi ấy nhờ được Đô nguyên soái tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương có lòng tinh trung vì nước, lấy điều nhân nghĩa ra quân, dẹp hết nghịch tặc, trong nước lại được bình yên, đến gần 30 năm. Không ngờ kẻ phản nghịch là Xuân, tính như sài lang, lòng như cưu cánh2892 khoét vách như răng chuột, hại quân như nọc trùng, làm cho lòng người dao động. Nhờ được Nguyên soái thống quốc chính Thanh Đô Vương, tư chất nhân hậu, chí khí anh hùng, và các đại thần thân huân văn võ, cùng lòng cùng đức, giải nạn của vua cha, cứu nguy [11b] cho xã tắc, quét sạch giặc Mạc, khôi phục đô thành, trong yên ổn ngoài vỗ về gần vui, xa đến. Hiện nay, thời có thể làm, người mong bình trị. Nếu ngươi nghĩ đến nghĩa vua tôi trên dưới, nhớ đến công cha ông cần lao, nhìn xa nét kỹ, qui phục triều đình, thì trẫm đối đãi bằng lễ đặc biệt, phong cho tước Thượng công. Ngươi cố giúp nhà ta, để mạnh vương thất, thì thân danh của ngươi cùng nước vinh hiển, con cháu của ngươi cùng nước dài lâu, đời đời hưởng tước lộc, đời đời là trung trinh, khoán thư chứa vào hòm vàng nhà đá, lưu truyền đến khi sông cạn đá mòn, mãi mãi vô cùng vậy. Ngày nào nhận được dụ này, ngươi nên sắp sửa tướng sĩ voi ngựa thuyền ghe, đến kinh sư bái yết để hợp với nghĩa làm tôi.

Nếu vẫn chấp mê, đem quân chống mệnh, thì oan trời đến đâu, chỉ trong chớp mắt, núi cao cũng thành ra đất bằng. Theo [12a] mệnh thì tốt, trái mệnh thì hung, là tuỳ ở ngươi, ngươi hãy nghĩ lấy”. Khi sứ đến, Phúc Nguyên không nghe mệnh.

Tháng 3, ngày Mậu Dần, xuống chiếu tuần thú Thuận Hoá, sai Nguyễn Khải đến trước châu Bố Chính. Ngày Ất Dậu, Khải đến cửa biển Nhật Lệ, Phúc Nguyên đã sai quân nghênh chiến, bắn đại bác, tiếng nổ vang trời. Quan quân lui tránh. Tiên phong là Lê Khuê cưỡi ngựa xông thẳng vào trận địch, các tướng cưỡi ngựa kế tiếp tiến vào, quân Thuận Hoá mới lui xuống thuyền. Khải nhân đó dựng doanh trại ở bờ phía bắc sông. Quan Phúc Nguyên đóng trại ở bờ nam. Đêm hôm đó, quân địch thừa cơ triều lên, dùng đại bác, đến gần bắn vào doanh trại. Quan quân chống giữ. Chúa đưa vua chỉ huy sáu quân, lấy danh nghĩa xem xét địa phương, quân thuỷ, quân bộ cùng tiến.

Ngày 12 tháng 4 ngày Mậu Tý, xa giá đến Nhật Lệ, hiệu lệnh các tướng đánh nhau với thuỷ quân của Phúc Nguyên ở cửa bể. [Hai bên] đều bắn đại bác, quân độ ở bờ bắc bắn [12b] vào cánh tả của thuỷ quân giặc. Quân giặc lui vào trong luỹ gỗ, chống giữ. Quan quân thừa thắng phá giặc. Quân bờ nam tranh nhau lấy của cải. Giặc cho quân voi xông ra đánh, tiền quân hơi phải lùi.

Đêm ấy, xa giá dừng lại ở cửa bể, dùng thuyền buồm lớn làm cầu phao, quân bộ đóng hai bờ, thuyền đỗ ở giữa sông để tính kế tiến đánh.

Ngày Canh Dần, chúa sai Nguyễn Danh Thế viết thư dụ Phúc Nguyên. Ngày Tân Mão sai quan vào dụ. Ngày Nhâm Thìn rút quân về2893 .

Thượng thư bộ Hộ, Thiếu phó Lộc quận công Lưu Đình Chất mất, tặng hàm Thiếu sư2894 .

Tháng 5, xa giá trở về kinh2895 .

Tiến phong Nguyễn Thực làm Thiếu phó2896 .

Mùa thu tháng 8, mới thi hương.

Sai bọn Nguyễn Thực đi hầu mệnh, đón sứ thần về nước2897 .

Vua Minh mất, tên thuỵ là Hy Tông Triết Hoàng Đế, em là Tín Vương Do Kiểm lên ngôi.

Mùa đông tháng 10, Thượng thư bộ Binh, Thiếu phó [13a] Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ mất, tặng Thái bảo Diễn quận công.

Tháng 11, cho Nguyễn Danh Thế kiêm chức Đô ngự sử2898 .

Ghi công những người đi hầu mệnh, thăng Nguyễn Thực tước Lan quận công2899 .

Mậu Thìn, [Vĩnh Tộ] năm thứ 10 [1628] , (Minh Hoài Tông Sùng Trinh năm đầu).

Mùa xuân, tháng giêng, Thượng thư bộ Lại, chưởng lục bộ sự, Thái bảo Lễ quận công Nguyễn Văn Giai mất, tặng là Tư đồ, thuỵ là Cẩn Độ.

Tháng 2, thi hội các cử nhân. Lấy đỗ bọn Giang Văn Minh 18 người. Thi đình, cho Giang Văn Minh đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, bọn Dương Cảo 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Đặng Phi Hiển 4 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Thái uý Chưởng phủ sự Dương Lễ công Trịnh Đỗ mất, tặng là Thái tể, thuỵ là Ý Thuần2900 .

Tháng 9, sửa chùa Long Ân ở phường Quảng Bá. Chúa ghi công đức cho nhà ngoại là Chiêu Huân công2901 , Cẩn Nghĩa công2902 , sai Nguyễn [13b] Thực soạn văn bia2903 .

Kỷ Tỵ, [Đức Long] năm đầu [1629]2904 , (Minh Sùng Trinh năm thứ 2).

Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu cho bách quan văn võ, những ai có đầy đủ hai công: theo xa giá đi trong năm Quý Hợi (1623) và tiến đánh giặc thì được gia thăng chức tước, và vinh phong là công thần có thứ bậc: quan võ từ quận công, quan văn từ khoa đạo trở lên, phong hai chữ Dực Vận và Tán Trị; quan võ từ tước hầu, quan văn từ bộ, tự, tham nghị, hiến phó trở xuống phong một chữ Tán Trị.

Mùa hạ tháng 4, tiến phong Nguyễn Danh Thế tước Đường quận công; Đặng Thế Tài tước Doanh quận công; Đặng Thế Khoa tước Liêm quận công; Thế Tài và Thế Khoa là con cháu của Nghĩa quốc công [Đặng Huấn]2905 .

Vì hạn hán, đói kém, đổi niên hiệu là Đức Long, đại xá cho thiên hạ. Tha thuế đinh thuế điền năm nay cho hai xứ Thanh Nghệ. Lòng dân vui thích.

Ghi công những người năm trước đi đánh Cao Bằng, gia thăng chức tước cho các tướng sĩ [14a].

Tiến phong Chỉ huy sứ Vân Dương hầu Đỗ Vị làm Điện quận công (Vị là người xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì). Ông là con của Thượng thư bộ Lại, Thái bảo Sầm quận công Đỗ Cảnh.

Quần thần tâu: chúa có đức lớn, công cao, xin tiến tôn tước vương một chữ. Vua bằng lòng. Chúa khiêm nhường, từ chối không nhận. Quần thần cố xin, chúa mới chịu nghe.

Mùa đông tháng 10, ngày Tân Dậu làm lễ sách phong. Lời sách nói: “Dựng ngôi chính trung ban phúc, tỏ ra đạo lý công bằng; định lễ trọng đại đền công, nêu ban ơn điển tôn quý. Ngày tháng tốt lành đã chọn, sách vàng rực rỡ ban ra. Nay Nguyên soái thống quốc chính Thanh Đô Vương Trịnh Tráng,

trung hậu nếp nhà, trí năng yên nước. Uy vũ vang lừng trăm trận, công lao tái tạo đã nên; văn giáo thấm khắp bốn phương, trị bình hùng cường đã đến.

Trong ngoài đều tin người đức vọng; chức vị đáng đứng đầu các quan. Đặc sai quan mang phù tiết [14b] sách vàng, ấn ngọc, tấn phong làm Hiệp mưu đồng đức công thần, Đại nguyên soái thống quốc chính sư phụ Thanh Vương. Đã ban cho của cải để làm ngọc khuê; lại cho ruộng đất để rộng khu vũ. Vương nên lấy nghĩa thân cận làm người trung thực giúp phò để kính nhận phúc lành thượng đế ban cho; trau dồi lấy đức, để bảo vệ dân, nối đời giữ lấy nghiệp vương dài mãi. Khâm theo đấy”.

Thăng Xá nhân trưởng vệ quan Ngọc Lâm hầu Lê Phúc Lai (người xã Sơn Trai, huyện Nông Cống) làm Thượng bảo tự khanh, tước Cống quận công, sai quản đốc Xá nhận 4 ty.

Canh Ngọ, [Đức Long] năm thứ 2 [1630] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 3).

Mùa hạ, tháng 5, lập con gái của chúa, họ Trịnh làm hoàng hậu2906 . Trước kia bà được gả cho bác họ của vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con trai là bọn Lê Hoàn. Trụ can tội bắc thang vào điện mưu việc phản nghịch2907 bị hạ ngục mà chết. Chúa đem bà ta gả cho vua. Nhà vua nhận. Bọn Nguyễn Thực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can ngăn. Nhưng vua không nghe và nói rằng: “Trót đã lấy rồi”. Từ hôm đó [15a] trời mưa dầm không ngớt.

Tháng 6, lũ lụt lớn. Sông Nhị nước dâng cao, tràn vào phố xá; ngoài cửa Nam, nước chảy như thác, ở trong phố phường mà phải đi thuyền, có nhiều người chết đuối. Đê Thanh Trì vỡ, lúa mất, dân đói.

Tháng 9, dựng ba toà nội điện, làm hành lang.

Mùa đông, tháng 10, qua bộ viện Lưỡng Quảng nhà Minh sai người giục cống nộp đến kinh sư. Ban cho ăn yến ở bến Đông Hà. Chúa ngự ở lầu Giảng Võ, bày đồ cống vật cho họ vào xem. Nhân đó duyệt quân thuỷ và bộ, bày thuyền ghe, voi ngựa để phô bày sự cường thịnh.

Ngày Nhâm Tuất, nguyệt thực.

Sai quan duyệt tuyển dân đinh các xứ. Bấy giờ các quan khâm sai là võ tướng phần nhiều cậy là huân cựu, riêng nhận hối lộ, tự ý thải người già, miễn đi lính, làm điên đảo bất công, nhiều lần bị quở trách; mà quan duyệt tuyển ở Thanh Hoa là Thái Bá Kỳ quá đáng nhất. Chỉ có các viên Cao Ty2908 , Trần Vĩ, Lã Thì Trung, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tài [15b] Toàn, Nguyễn Khắc Văn, Nguyễn Trừng, là người cẩn thận giữ phép, được lòng quân dân, người ta khen là công bằng.

Giám sát ngự sử Hải Dương là Dương Thuần, vì việc tra hỏi kiện tụng bị vu cáo, bãi quan.

Sai bọn Tuyền quận công Nguyễn Duy Thì đến cửa Nam Quan hầu mệnh.

Tháng 11, sai sứ sang nhà Minh, bọn Trần Hữu Lễ, Dương Trí Trạch, Nguyễn Kinh Tế, Bùi Bỉnh Quân, Nguyễn Nghi, Hoàng Công Phụ đi cống hàng năm. Bỉnh Quân mất giữa đường.

Đem các bậc công thần hàng đầu là Tĩnh quận công Phạm Đốc, Hậu Trạch công Đặng Huấn, Mậu Nghĩa công Hoàng Đình Ái, Phu Nghĩa công Nguyễn Hữu Liêu phối thờ ở cung miếu bốn trấn là Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương.

Truy tặng em chúa là Trịnh Lâm làm Đại tư mã [hiệu] Tuân Chính Duyệt Lễ Anh Uy Mỹ Dự công2909 .

Tân Mùi, [Đức Long] năm thứ 3 [1631] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 4).

Mùa xuân, tháng giêng, ngày Mậu Dần, thượng thần Lý Ông Trọng ở đền thờ tại Từ Liêm [16a] đổ mồ hôi.

Ngày Canh Thìn có gió to.

Hiến sát phó sứ Thuận Hoá là Vũ Chân (người xã Bình Lăng Thượng, huyện Thiên Lộc) từ năm Giáp Dần [1614] bị Nguyễn Phúc Nguyên ngăn trở, đã 18 năm. Đến nay ông cùng với Mậu Lương hầu Bùi Văn Tuấn (người xã Bái Nại, huyện Tống Sơn) đi theo đường tắt, trở về với triều đình. Chúa hỏi về việc ở biên phương, rồi thưởng rất hậu, cho Chân làm chức Phủ Doãn, thăng Văn Tuấn làm Mậu quận công.

Đá núi Hoàng Sơn ở Nông Cống lở.

Đá núi Lộng Điền ở Gia Viễn rơi xuống.

Tháng 3, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Nguyễn Minh Triết gồm 7 người. Có người tố cáo Nguyễn Văn Quang (người xã Đặng Xá, huyện Cẩm Giàng) thiếu điểm mà vẫn trúng tuyển, bèn bỏ tên đi. Thi đình, cho Nguyễn Minh Triết đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh; bọn Lê Biện 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Danh Thọ 3 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Xứ Hải Dương mưa đá, hòn to như đầu ngựa.

Ngày Bính Thân, chính phi của chúa [Trịnh Tráng] là Nguyễn Thị Ngọc Tú [16b] mất, tên thuỵ là Từ Thuận. Bà là con gái của Nguyễn Hoàng, sinh ra Sùng quận công Trịnh Kiều và hoàng hậu Ngọc Trúc. Bà có cô cháu gái, đó là con gái của anh bà là Nguyễn Hán, cô này cũng được vào hầu ở Đông cung.

Mùa hạ, tháng 4, ngày Ất Mão, sét đánh núi Mã Yên ở Tây Kinh, làm đất nứt 5 trượng. Ngày Kỷ Mùi, chó ngao đá ở xã Hoàng Mai huyện Thanh Trì phát ra tiếng kêu như tiếng trống.

Tháng 6, chúa ngự ở lầu phía đông, sai thuỷ quân tập bắn. Có lửa bốc lên ở đầu sông cháy lan ra phố phường ở hai bên trái cửa [vương] phủ và đến cửa Triều Nguyên của triều đình ở trong thành, rồi cháy vào nội điện. Nhà vua tránh lửa, chạy ra ở nhà Hoa Dương hầu, bốn ngày sau mới trở về cung.

Hạ lệnh chỉnh lý kỷ cương: các đại thần và bách quan, cứ ngày mồng một và rằm thì vào chầu nội điện. Đại thần văn võ các viên có văn phòng riêng (toạ đường chư viên) cứ mỗi tháng 10 phiên vào chầu [17a] ở phủ đường. Từ Đô đốc và Cai cơ, Cai đội trở xuống, hàng ngày vào phủ đường thị hầu2910 .

Các nha môn trong ngoài theo như chức chưởng. Ai thanh liêm, công bằng, mẫn cán, hoặc mãn khảo [đủ nhiệm kỳ], mà lòng dân ái mộ, hoặc bản quan có khải bảo cử, thì nên xét thực, gia thăng cho một “thứ” và lưu nhiệm. Nếu không biết thận trọng giữ gìn, làm nhiều việc nhũng tệ, người nào nhẹ thì biếm bãi chức, đuổi về, người nào nặng thì sung làm quân2911 .

Các quan sở cai cai quản dân, cốt phải vỗ về nuôi dưỡng dân. Nếu làm tệ nhiễu dân, để người ta kêu tố, tra xét đúng sự thực thì đình chỉ việc cai quản. Nếu thấy dân kêu cáo mà chặn đường ngăn trở và bắt giam, đánh đập nặng thì ghép vào phép nước, nhẹ hơn cũng bãi chức đình cai quản2912 .

Mùa thu, tháng 3, ngày Canh Ngọ, vực Rồng ở xã Lai Duệ huyện Thuỵ Nguyên có vật gì nổi lên mặt nước như đầu người, đầu trâu, đầu ngựa, đầu rắn, nhiều vô số.

Mùa đông, tháng 10, ngày Tân Sửu là ngày mồng một có nhật [17b] thực.

Thăng Nguyễn Thực làm Thiếu uý2913 .

Cho Hữu thị lang Nguyễn Tuấn, Bùi Bỉnh Di, Nguyễn Tự Cường là Tả thị lang, Thiêm đô ngự sử Trần Vĩ làm Phó đô ngự sử, Tự khanh Đỗ Khắc Kính, Nguyễn Lại làm Hữu thị lang.

Vì bọn Trần Nghi làm quan không thận trọng, cho ra làm Tham chính Sơn Tây, Phạm Phúc Khánh, Đặng Phi Hiển, Lê Phan Lâm làm Hiến sứ ở Lạng Sơn, Tuyên Quang, An Quảng.

Tháng 11, sai Bắc quân tả đô đốc phó tướng Tây quận công Trịnh Tạc thống lãnh tướng sĩ và doanh cơ thuộc sai của Đặng Thế Khoa, cùng với quan binh châu Bố Chính trấn giữ xứ Nghệ An. Đóng dinh ở Yên Trường huyện Chân Phúc, lấy Tự khanh Giang Văn Minh làm Đốc thị, Thái bảo Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm trấn giữ Thanh Hoa. Cho Tự khanh Nguyễn Khắc Văn làm Đốc đồng. Tây quận công ra lệnh răn cấm. Các [quan quân] dưới quyền đều nghiêm túc.

[18a]2914 Núi xã Đa Giá ở Gia Viễn sạt lở 17 trượng.

Nhâm Thân, [Đức Long] năm thứ 4 [1632] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 5).

Mùa xuân, tháng giêng, ngày Kỷ Hợi, truy tôn hoàng khảo Giản Huy Đế làm Hiển Nhân Dụ Khánh Tuy Phúc Huệ Hoàng Đế, miếu hiệu là Kính Tông.

Tháng 2, gia tôn kim sách mỹ tự cho Thái Vương [Trịnh Kiểm] và Triết Vương [Trịnh Tùng]. Truy phong ngân sách mỹ tự cho Hậu Trạch công [Đặng Huấn].

Sai Nguyễn Thực mang phù tiết, sách vàng ấn bạc tiến phong vương tử là Thái phó Sùng quận công Trịnh Kiều làm Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư doanh, kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, phó chưởng quốc chính thái uý Sùng quốc công. Mở phủ ở bên trái cửa Nam môn, gọi là phủ Hùng Uy, đặt quan thuộc, chia sai quan cầm cờ tiết, sách bạc, ấn đồng phong em chúa là Hiệp Nghĩa dinh thái uý Tung quận công Vân làm Tung Nhạc công. Mở phủ Hiệp Nghĩa. [Phong] Phù Nghĩa doanh thái uý Dũng quận công Trịnh Gia làm Dũng Lễ công, mở phủ Phù Nghĩa. [Phong] Thắng Nghĩa doanh thái phó Quỳnh quận công làm Quỳnh Nham công, mở phủ Thắng Nghĩa.

Sai Nguyễn Danh Thế làm Tham tụng, dự tán quốc chính, gia hàm Thái bảo. Nguyễn Hắc, Nguyễn Khải đều làm Thái phó. Lúc đó Khải đã đổi sang chức Thượng thư bộ Binh.

Tháng 3, sai Nguyễn Thực và Nguyễn Khải đều lấy tư cách quốc lão tham dự triều chính.

Mùa hạ, tháng 4, Hữu thị lang bộ Lại là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Lại bị bãi (Lại là người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hoá). Bọn Tuấn tuyển bổ các chức phần nhiều nhũng lạm. Nguyễn Lại thì nhận nhiều của đút. Có câu ca dao rằng: “Các chức bị viên, lưỡng Bột tận điền” (nghĩa là: các chức mà bổ cho đủ người thì hai làng Bột hết ruộng). Nguyễn Thực và Nguyễn Khải tham hặc hai người ấy, nên bãi chức.

Gia phong Nguyễn Thực làm Thái bảo, Nguyễn Duy Thì làm Thiếu phó. Cho em chúa là Việt quận công Trình, Luân quận công Thức, [19a] Quảng quận công Hàng, Lăng quận công Bảng, Diên quận công Nha, Vương tử là Hồng quận công Lựu, đều làm Thái bảo. Vương tử là Tây quận công Tạc, Phù quận công Lịch và Lan quận công Hoàng Nghĩa Phì đều làm Thiếu uý.

Ghi công những người đi theo đánh dẹp ở Quảng Hoá. Gia phong Thiếu bảo Định quận công Hoàng Nghĩa Phúc làm Thiếu phó.

Tháng 5, các quan triều đình bàn muốn cử Tả thị lang Mai Khê hầu Nguyễn Tiến Dũng chuyển sang [làm Tả thị lang] bộ Lại. Nguyễn Khải nói: “Trước đây ông ấy làm Đề điệu trường Thanh Hoa, đã theo tình riêng mà lấy người này bỏ người kia không xứng đáng làm chức ấy”. Bèn cho Phó đô ngự sử Trần Vĩ và Hữu thị lang bộ Lễ là Đỗ Khắc Kính làm Tả hữu thị lang bộ Lại2915 . Cất nhắc Đô cấp sự trung Lại khoa Nguyễn Duy Hiểu làm Thiêm đô ngự sử.

Sai Trần Vĩ, Nguyễn Quang Minh, Lê Kính, Thân Khuê chia nhau đi khám hỏi về các quan tổng cán đường đê và các quan lại Thừa ty các xứ, người nào chăm hay lười, làm [19b] hay tham ra sao. Tháng 6, ngày mồng một, mưa to liền 4, 5 ngày, nước sông Hồng đầy tràn. Chúa và Phủ tiết chế đem các quân, cưỡi thuyền đi xem đường đê ở các xã Thâm Dương, Yên Duyên, Khuyến Lương huyện Thanh Trì, chia nhau sai hộ trúc đường đê. Nước càng đầy tràn, phải trở về. Sai thu các tiền thu lạm của quan tổng cán đê sông các xứ nhập vào quỹ công.

Quý Dậu, [Đức Long] năm thứ 5 [1633] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 6).

Mùa xuân, tháng giêng, núi Long Tuyền bị đổ.

Sai Thái phó Hắc, Thái bảo Hàng, Bảng, Đương tham dự triều chính. Hàng cùng Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Quang Minh chiếu bổ hạ hạng quân các phủ vệ.

Tháng 2, Nguyễn Phúc Nguyên sai quân đánh phá châu Nam Bố Chính, giết quan châu, lấy tiền của kho bắt hết dân đinh ở đó làm lính, đặt ra 24 đội thuyền.

Tháng 3, đá núi Đa Bút huyện Vĩnh Phúc bị sạt. Hai núi ở giếng Âm Dương huyện Phụng Hoá [20a] bị lở.

Sai bọn Trần Vĩ đi hầu mệnh, đón sứ thần về nước.

Ngày Quý Sửu, thần vị của vua Lý Thái Tông ở điện Cổ Pháp vô cớ dời đi chỗ khác. Sai nội thần là Phái quận công đến tế. Vài ngày sau [thần vị] lại trở về chỗ cũ.

Nước sông Cái (Đại Hà) ở xã Yên Duyên huyện Thanh Trì ban đêm khô cạn đi trong một khắc.

Ngày Giáp Dần, giờ Tỵ, có gió lớn từ phương bắc lại. Đầm Thịnh Liệt khô đi trong hơn một khắc. Sóng nước sông Nhị chồm lên, nhiều thuyền bị đắm. Triều thần hặc tội viên tham nghị xứ Hưng Hoá là Trương Vũ làm quan không cẩn thận, đến nỗi dân kêu tố và tri huyện Nguyễn Hàng chưa mãn đại tang mà ngầm đem vàng bạc tâu bậy xin làm chức Lăng phó ở điện [miếu] Tây Kinh. Vua giao xuống luận tội Trương Vũ và thu lại sắc mệnh của Hàng.

Mùa thu, tháng 8, Nguyễn Phúc Nguyên sai tướng lập dinh luỹ ở Thái Xá, Động Hải (Đồng Hới) để chống lại quan quân.

Bàn việc đi đánh Nguyễn Phúc Nguyên. Nguyễn [20b] Danh Thế ba lần can gián, xin hưu binh cho dân. Không nghe. Tháng 10, sai Tiết chế phủ đem quân đến đóng ở Vân Sàng thuộc Gia Viễn, trấn phủ Thanh Hoa, Sơn Nam, Hải Dương, An Quảng, Tung Nhạc công và Dũng Lê công trấn thủ kinh thành và trấn phủ Sơn Tây, Kinh Bắc, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Tháng 11, ngày Giáp Dần, chúa đem vua thân đi đánh, thuỷ bộ cùng tiến. Tháng 12, ngày Tân Dậu, đóng ở cửa bể Nhật Lệ. Ngày Kỷ Mão, đối diện chống nhau với quân Thuận Hoá. Ngày Tân Tỵ, tiền quân nghi ngờ hoảng sợ tự vỡ. Bèn rút quân2916 .

Giáp Tuất, [Đức Long] năm thứ 6 [1634] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 7).

Mùa xuân, tháng giêng, ngày Mậu Tý, là ngày mồng một xuống chiếu rút quân.

Tháng 2, ngày Tân Dậu, xa giá về tới kinh sư2917 .

Tháng 3, ngày Đinh Hợi, là ngày mồng một, nhật thực.

Thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Nguyễn Nhân Trứ 5 người. Thi đình, cho Vũ Bạt Tuỵ đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Nhân Trứ [21a] 4 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân (Nhân Trứ người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hoá). Mùa hè, đại hạn.

Cho Tam Dương hầu Đinh Thế Diên làm Dương quận công, gia hàm Thiếu uý. Thế Diên là cháu 7 đời của công thần Lê Liệt2918 .

Mùa thu, tháng 8, thăng Nguyễn Danh Thế hàm Thái bảo2919 .

Gia thăng Nguyễn Thực hàm Thái phó chức Thượng thư bộ Hộ về trí sĩ. Bấy giờ ông đã 80 tuổi. Từ khi Trung Hưng đến nay, mang chức Thượng thư về trí sĩ bắt đầu từ Nguyễn Thực.

Ất Hợi, [Dương Hoà] năm đầu [1635], (Minh Sùng Trinh năm thứ 8)2920 .

Mùa hạ, tháng 6, ban lệnh chỉ cấm các quan lại hà khắc, và răn giới các quan cai khám để ứ đọng các án kiện, ban bố cho thi hành 12 điều. Mùa đông, tháng 10, đại xá, đổi niên hiệu là Dương Hoà.

Ngày Mậu Tý, Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Hoá mất, thọ 73 tuổi. Con là Nhân quận công Phúc Lan nối chức, tự đặt tên thuỵ Thuỵ Dương Vương, gửi cáo phó [21b] về triều. Sai quan đi điếu phúng. Ban mệnh cho Phúc Lan làm trấn thủ Thuận Quảng. Năm ấy Thái bảo Nguyễn Hắc cũng mất, tặng Thái tể.

Bính Tý, [Dương Hoà] năm thứ 2 [1636] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 9).

Mùa xuân, sai làm thư đưa cho quan Tam ty ở Lưỡng Quảng, nhờ chuyển tờ tâu về xin phong cho vương một lần nữa. Người Minh không nghe2921 .

Đinh Sửu, [Dương Hoà] năm thứ 3 [1637] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 10).

Mùa xuân, tháng giêng, ngày Tân Sửu là ngày mồng một, nhật thực.

Tháng 3, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh, Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê sang cống hàng năm và cầu phong.

Mùa hạ, xứ Thuận Hoá đói to2922 .

Mùa đông tháng 10, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Nguyễn Xuân Chính 20 người. Thi đình, cho Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Nghi, Nguyễn Thế Khanh đỗ tiến sĩ cập đệ. Bọn Nguyễn Hữu Thường 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn [22a] Cổn 15 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân (từ khi trung hưng tới khoa này mới lấy Tam khôi [Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa)2923 .

Tháng 11, Thái phó trí sĩ Nguyễn Thực mất, thọ 83 tuổi, tặng Thái tể, thuỵ là Trung Thuần. Tháng 12, ngày Giáp Tý cuối tháng, có nhật thực.

Mậu Dần, [Dương Hoà] năm thứ 4 [1638] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 11).

Mùa xuân, tháng giêng, Mạc Kính Khoan, tước Thông quận công ở Cao Bằng mất. Con là Kính Vũ lại làm phản, tiếm đặt niên hiệu là Thuận Đức2924 .

Tháng 3, sai Đặng Thế Tài lưu lại giữ kinh sư, Chúa thân đem quân đi đánh Cao Bằng. Quân tiến trước đánh bị thua, thuộc tướng là quận Hạ bị giặc bắt; quận Lâm ra trận sợ chạy bị tội giết. Bèn rút quân về. Cho Tả thị lang bộ Lễ là Trần Hữu Lễ làm Tả thị lang bộ Lại2925 .

Tháng 11, sai Đặng Thế Khoa đem quân đi trấn thủ ở Lục Ngạn, Phượng Nhãn2926 .

Tháng 12, ngày Canh Dần [22b] sai Tiết chế phủ đem quân đánh Cao Bằng, Nguyễn Danh Thế làm tham tán quân mưu, đánh bại đảng giặc ở Hạ Lan thuộc Cảm Hoá, phá 19 động Hoa Nê, An Lễ… Tướng tiên phong là Bật quận công đóng đồn ở Vân Tùng. Nguyễn Danh Thế xin chọn tướng khoẻ đem 3000 tinh binh đóng ở sau đội tiên phong; khi quân tiên phong đắc thắng thì quân sau liền tiến lên, đem

theo 3 ngày lương khô, ngày đêm đuổi giặc, đại binh tiếp theo tiến lên, thì có thể thu được toàn thắng, không nhọc sức cất quân lần nữa; không để cho giặc lủi trốn vào rừng núi. Quan tiết chế không nghe.

Ngày Tân Sửu, tiến vào Cao Bằng, chia quân lược địch các châu Quy Thuận, Thượng Lang, Hạ Lang. Giặc đều tan chạy vào rừng núi, không để lại dấu vết. Quan quân lưu lại 10 ngày rồi rút về2927 .

Qui định hành nghi phẩm phục của các quan để làm chính xác đẳng cấp.

Kỷ Mão, [Dương Hoà] năm thứ 5 [1639] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 12).

Mùa hạ, tháng 4, nhắc rõ lại lệ kiện về nhân mạng. Theo như chế độ năm Cảnh Thống [23a] thứ 6 (1503), chỉ tịch thu điền sản, vợ con, tài vật của bản thân người phạm tội, nếu không đủ thì cho phép cung khai điền sản của cha mẹ, anh em người ấy làm tiền bồi thường, không được bắt lây đến họ hàng làng xóm.

Tháng 6, nhắc bảo về kỳ hạn tiến quân. Đưa thư cho ty Hồ Nhuận doanh Quy Đạo thuộc Quảng Tây nước Minh, và quan các châu Yên Bình, Quy Thuận, Hạ Phiên, Hướng Vũ, hẹn hợp sức đánh Cao Bằng2928 . Mùa thu, sai Nguyễn Duy Thì lên cửa quan, đón sứ thần Nguyễn Duy Hiểu về nước. Duy Hiểu dâng sớ nói: “Đến Yên Kinh, dâng biểu cầu phong quốc vương, [vua Minh] giao cho bộ bàn, họ cho rằng không có văn bản cũ để lại có thể tra xét được, nên không cho. Chỉ ban sắc thư tưởng lệ thôi”2929 .

Tháng 10, ngày Quý Tỵ, chúa [Trịnh Tráng] thân đi đánh Cao Bằng. Đóng quân ở thành Lạng Sơn. Quan thổ châu ở Trung Quốc đều đáp thư hứa theo lời ước. Nhân đó Chúa tiến lên đóng đồn ở Bắc Nẫm, chia sai bọn Đặng Thế Tài đánh Mạc Kính Vũ. Đánh ở Đà Dương [23b] Hoa Biểu, Trục Khâm, Vân Đô, đều thắng2930 .

Tháng 12, rút quân về. Vì thuộc tướng Đỗ Hán Vân, ra trận xông lên trước, có công lớn, thăng là Hương quận công. Ngoài ra đều thăng thưởng có thứ bậc (Hán người xã Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì, là con của Thượng thư Đỗ Cảnh)2931 .

Ra lệnh chỉ nhắc bảo bách ty phải giữ đúng chức trách, làm dân vui lòng gồm 12 điều.

Canh Thìn, [Dương Hoà] năm thứ 6 [1640] , (Minh Sùng Trinh năm thứ 13).

Tháng giêng nhuận, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Phí Vân Thuật 22 người. Thi đình, cho bọn Văn Thuật 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân. Bọn Hoàng Vinh 20 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Gia thăng cho Nguyễn Danh Thế giữ chức Đông các trì Kinh diên sự2932 .

Nguyễn Phúc Lan ở Thuận Hoá sai quân đánh phá châu Bắc Bố Chính, bắt vợ con Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Loát chạy về Nghệ An, trấn thủ là Tào [24a] quận công. Ngô Phúc Vạn bắt giải về kinh, giam vào ngục. Phúc Lan sai người đến kinh trình bày tội lỗi. Xuống lệnh chỉ an ủi bảo ban, kể lại mối tình thân giao mấy đời, lại nói: thái uý và lệnh đệ là tình nghĩa ruột thịt, chí khí như nhau, sao có thể so hơn kém, nên sớm xử trí… Lại đưa tin của Công Khuê, trả lại cương thổ Quy Vấn, Phúc Lan vâng mệnh2933 .

Nhâm Ngọ, [Dương Hoà] năm thứ 8 [1642], (Minh Sùng Trinh năm thứ 14)2934 .

Mùa thu, tháng 9, Tiết chế thái uý Sùng quốc công Trịnh Kiều mất, thọ 42 tuổi, tặng là Thượng tể thượng tướng Sùng Nghĩa công, ban thuỵ là Hùng Độ. Chúa đã cao tuổi, nghĩ kế lớn cho xã tắc. Vì cháu đích tôn là Tông quận công Trịnh Hoành còn nhỏ, cho nên chưa định ngôi thế tử2935 .

Tung Nhạc công Trịnh Vân mất, ban thụy là Trung Tín2936 .

Chúa dụ các quan liêu rằng chỉnh lý kỷ cương cốt ở chỗ khám hỏi kiện tụng và dẹp tắt trộm [24b] cướp. Nên sai quan chia nhau đi trị nhậm bốn trấn. Cho Thái bảo Tây quận công Trịnh Tạc trấn trị Sơn nam, Thái thường tự khanh Phạm Công Trứ làm Tán lý, Phù quận công Trịnh Lịch trấn thị Sơn Tây, Hữu thị lang bộ Binh Nguyễn Trừng làm Tán lý. Quỳnh Nhạm công Trịnh Đệ trấn trị Kinh Bắc, Hữu thị lang bộ Công là Nguyễn Bình làm Tán lý, Thiếu Bảo Hoa quận công Trịnh Sầm trấn trị Hải Dương, Đô cấp sự trung Hộ khoa Nguyễn Nhân Trứ làm Tán lý. Đều cùng với Thừa ty trừ bỏ tệ trước, vỗ yên dân địa phương (Công Trứ là người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào).

Cho Nguyễn Duy Thì làm Thượng thư bộ Binh2937 .

Tháng 11, Hữu đô đốc Yên quận công Đào Quang Hoa mất, tặng Tả đô đốc (Quang Hoa người xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai)2938 .

Quý Mùi, [Dương Hoà] năm thứ 9 [1643] , (từ tháng 10 trở đi vua Chân Tông Phúc Thái năm đầu, Minh Sùng Trinh năm thứ 15)2939 .

Mùa xuân, xuống chiếu đi kinh lược Thuận Hoá, sai [25a] Tây quận công, Quỳnh Nham công thống lĩnh đại quân cùng bọn Tán lý Nguyễn Quang Minh, Phạm Công Trứ, Nguyễn Danh Thọ đi trước đến châu Bố Chính, đánh úp giết tướng giặc là Thắng Lương hầu ở xã Trung Hoà. Bắt viên thư ký là Văn Toàn tử, tiến đóng ở cửa bể Nhật Lệ. Nguyễn Phúc Lan chia quân chống giữ.

Tháng 2, sai Kiên quận công Trịnh Quân cùng Nguyễn Danh Thế lưu lại giữ kinh sư và trấn phủ các xứ. Chúa đưa vua thân chinh Thuận Hoá2940 .

Tháng 3, xa giá đóng ở xã An Bài thuộc châu Bố Chính, chỉ bảo phương lược cho các tướng. Tháng 4, vì Chưởng giám Tiến Lộc hầu Lê Văn Hiểu (người xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn) xông lên trước, phá được luỹ Trung Hoà, được thăng tước quận công2941 .

Tháng 5, Chúa thấy trời nóng nực ra lệnh rút quân. Lưu Tá trấn doanh Tiến quận công Lê Văn Hiểu và Hữu trấn doanh Đông quận công Lê Hữu Đức chia nhau đóng đồn ở Hoà Trung [25b] thuộc Kỳ Hoa. Cho Mậu quận công Phạm Tất Toàn giữ châu Bắc Bố Chính2942 .

Mạc Kính Hoàn cướp vùng Tây Cạn xứ Thái Nguyên. Lưu thủ Trịnh Quân sai quân cùng biên tướng đánh đuổi được2943 .

Tả thị lang bộ Hộ kiêm Huy Văn viện thiêm sự Nhân quận công Doãn Hy về trí sĩ, thăng Thiếu bảo. Sau Hy mất, tặng là Thượng thư bộ Công (Hy người xã Cổ Định, huyện Nông Cống)2944 .

Tháng 6, xa giá trở về kinh2935 .

Mùa đông, tháng 10, ngày 13 là ngày Quý Dậu, [vua] sai Quỳnh công Trịnh Đệ mang tờ cáo nhường ngôi cho Hoàng thái tử Duy Hựu. Thái tử lên ngôi ở điện Cần Chính, lúc ấy mới 13 tuổi. Đại xá, đổi niên hiệu là Phúc Thái, tôn vua lên làm Thái thượng hoàng, tôn hoàng hậu Trịnh thị làm Hoàng thái hậu, ở cung Đức Thọ. Gia tôn Hoàng thái hậu họ Trịnh làm Thái hoàng thái hậu. Ngày Nhâm Ngọ, truy tôn miếu hiệu Thái Vương [Trịnh Kiểm] là Thế Tổ; miếu hiệu [26a] Triết vương [Trịnh Tùng] là Thành Tổ.

Ngày Ất Dậu, sai Đường quận công Nguyễn Danh Thế mang phù tiết bằng ngọc, và sách ấn vàng để gia tôn chúa [Trịnh Tráng] làm Đại nguyên soái thống quốc chính thái thượng sư phụ Thanh Vương.

Thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Lê Trí Trạch 9 người.

Tháng 12, thi đình cho bọn Nguyễn Khắc Thiệu 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Dự 7 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tả thị lang bộ Lại là Thọ Hải hầu Trần Hữu Lễ mất, tặng là Thượng thư bộ Công2946 . Lưu thủ Thanh Hoa là Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm mất, tặng Thái phó2947 .


2857 Bản Lê Hy chữa lại là “Canh Thân Vĩnh Tộ năm thứ hai”. Như thế đúng, vì bản Phạm Công Trứ cũng chép năm sau, Tân Dậu, là năm Vĩnh Tộ thứ ba.

2858 Bản Lê Hy đã không chép sự kiện có ý nghĩa này.

2859Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

2860 Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

2861 Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

2862 Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

2863 Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

2864 Nguyên văn là “Hoành Đình Xứ”.

2865 Nguyên văn là “ngự tiền”.

2866 Những chi tiết này không có trong bản Lê Hy.

2867 Bản Lê Hy lại chép rằng chính chúa truyền Sĩ Lâm sai người chặt chân Xuân cho chết đi.

2868 Bản Lê Hy không chép tên 19 con của Trịnh Tùng ở đây.

2869 Bản Nội các quan bản cũng chép là Hiệp quận công như bản Phạm Công Trứ, trong khi các bản Quốc tử giám tàng bản đều chép là Trị quận công.

2870 Bản Lê Hy chép là tháng 7.

2871 Bản Lê Hy chép là Gia Lâm.

2872 Bản Lê Hy không chép những sự kiện này.

2873 Bản Lê Hy không chép những sự kiện này.

2874 Bản Lê Hy không chép những sự kiện này.

2875 Bản Lê Hy không chép những sự kiện này.

2876 Bản Lê Hy không chép việc này vào ngày 11 tháng 11 năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) như vậy là phong cho con trước khi truy phong cho bố.

2877 Xiêm quẻ Khôn: ý nói vua đối đãi tốt với bầy tôi.

2878 Mệnh quẻ Sư: ban cho tước mệnh.

2879 Nguyễn Hắc là cháu nội Nguyễn Hoàng, được lưu lại ở Đàng Ngoài.

2880 Bản Lê Hy không chép các sự kiện này.

2881 Bản Lê Hy không chép các sự kiện này.

2882 Bản Lê Hy không chép các sự kiện này.

2883 Thượng Tiến: lễ dâng vua; Thưởng Tiên: lễ cơm mới; Tiết liệu: lễ sắm tết.

2884 Cung tiến: lễ dâng lên chúa; Kỵ thời: ngày mất của vua, chúa; Sinh nhật: ngày sinh của vua, chúa.

2885 Giáo phường: phường hát.

2886 Cả đoạn này không có trong bản Lê Hy. Lịch triều hiến chương loại chí (Quốc dụng chí) của Phan Huy Chú có chép.

2887 Trong năm Ất Sửu (Vĩnh Tộ thứ 7, 1627), bản Lê Hy chỉ chép sự kiện tháng 8 này, còn các sự kiện khác đều không chép.

2888 Bản Lê Hy không chép.

2889 Bản Lê Hy không chép.

2890 Bản Lê Hy không chép.

2891 Bản Lê Hy không chép.

2892 Cưu cánh: loài chim ác, ăn thịt mẹ cánh: loài thú ác, ăn thịt bố. Cưu cánh có nghĩa bóng là những người ác, quên ơn cha mẹ.

2893 Bản Lê Hy tóm tắt cuộc chiến tranh này trong vài dòng.

2894 Bản Lê Hy không chép.

2895 Bản Lê Hy không chép.

2896 Bản Lê Hy không chép.

2897 Bản Lê Hy không chép.

2898 Bản Lê Hy không chép.

2899 Bản Lê Hy không chép.

2900 Bản Lê Hy không chép.

2901 Chỉ Nguyễn Kim.

2902 Chỉ Nguyễn Hoàng.

2903 Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

2904 Bản Lê Hy không chép là Vĩnh Tộ thứ 11, từ tháng 4 về sau là Đức Long năm đầu.

2905 Đặng Huấn sinh ra Đặng Thị Ngọc Dao là mẹ Trịnh Tráng (theo Đặng gia phả ký). Bản Lê Hy không chép việc này.

2906 Tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc.

2907 Bản Lê Hy chép Lê Trụ là chú họ vua, bị giam vào ngục, nhưng không nói là vì tội gì.

2908 Bản Nội các quan bản cũng chép là Cao Ty như ở đây, trong khi các bản Quốc tử giám tàng bản đều chép là Cao Khả.

2909 Bản Lê Hy không chép việc này.

2910 Bản Lê Hy không chép.

2911 Bản Lê Hy không chép.

2912 Bản Lê Hy không chép.

2913 Bản Lê Hy không chép.

2914 Tờ 18a và 18b ở bản in của Phạm Công Trứ bị mất do đóng lầm tờ 18a và 18b của quyển XXII vào. Vì vậy ở đây chúng tôi tạm lấy đoạn văn tương ứng ở một bản chép tay (ký hiệu A4 ở Viện Hán Nôm) thay thế vào; đến tờ 19a lại tiếp tục dịch theo bản in của Phạm Công Trứ.

2915 Bản Lê Hy chép rõ: Trần Vĩ làm Tả thị lang. Đỗ Khắc Kính làm Hữu thị lang.

2916 Bản Lê Hy chép tóm tắt việc đánh quân Nguyễn trong một câu.

2917 Bản Lê Hy không chép các sự kiện này.

2918 Bản Lê Hy không chép.

2919 Bản Lê Hy không chép.

2920 Bản Lê Hy ghi năm này là Đức Long năm thứ 7 và chú thích là từ tháng 10 đổi niên hiệu là Dương Hoà.

2921 Bản Lê Hy không chép.

2922 Bản Lê Hy không chép.

2923 Bản Lê Hy chép sự kiện này nhưng không có đoạn chú thích.

2924 Bản Lê Hy không chép.

2925 Bản Lê Hy không chép.

2926 Bản Lê Hy không chép

2927 Bản Lê Hy không chép.

2928 Bản Lê Hy không chép.

2929 Bản Lê Hy không chép là sớ của Nguyễn Duy Hiểu.

2930 Bản Lê Hy không chép.

2931 Bản Lê Hy không chép.

2932 Bản Lê Hy không chép.

2933 Bản Lê Hy không chép.

2934 Bản Lê Hy chép đúng là Minh Sùng Trinh năm thứ 15.

2935 Bản Lê Hy không chép.

2936 Bản Lê Hy không chép.

2937 Bản Lê Hy không chép.

2938 Bản Lê Hy không chép.

2939 Bản Lê Hy chép đúng là Minh Sùng Trinh năm thứ 16.

2940 Bản Lê Hy không chép.

2941 Bản Lê Hy không chép.

2942 Bản Lê Hy không chép.

2943 Bản Lê Hy không chép.

2944 Bản Lê Hy không chép đoạn cuối.

2945 Bản Lê Hy không chép.

2946 Bản Lê Hy không chép.

2947 Bản Lê Hy không chép. Quyển XXI bản Phạm Công Trứ kết thúc ở đây.

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên – Quyển XXII [2948]

[Ất Dậu, Thịnh Đức năm thứ 3 [1655], (Minh Lịch năm thứ 9, Thanh Thuận Trị năm thứ 12)].

[18a] [Phạm Công] Trứ tiến cử Lê Thì Hiến có tài làm tướng, có thể đảm đương một phương diện, không nên vì thất bại trước mà bỏ ông ta2949 . Bèn dùng lại, sai theo đi đánh. Các tướng tiến đến Kỳ Hoa, quân giặc tự rút lui.

Tháng 11, [Trịnh] Toàn, [Đào] Quan Nhiêu, [Lê] Hữu Đức rút quân về Yên Trường. Tây Định Vương [Trịnh Tạc] rút quân về kinh sư; để [Vũ] Văn Thiêm ở lại làm trấn thủ, Dương Hồ làm Đốc thị, [Đào] Quang Nhiêu làm Đồn thủ, [Phan] Hưng Tạo làm Đốc thị, đều thống lĩnh quân sĩ sở thuộc đóng ở Yên Trường. Lại sai Nanh quận công Thân Văn Quanh, Lại quận công Mẫn Văn Liên, Cai đội Nguyễn Như Khuê, Lê Văn Tiến, Lê Văn Hy đóng đồn ở xã Tiếp Vũ huyện Thiên Lộc; Lăng quận công Nguyễn Thế Thì đóng đồn ở Minh Lương.

Tháng 12, gia phong Trịnh Toàn làm Thiếu Bảo, mở quân doanh Tả dực nội.

Bính Thân, [Thịnh Đức] năm thứ 4 [1656], (Minh Vĩnh Lịch năm thứ 10, Thanh Thuận Trị năm thứ 13).

Mùa xuân, tháng giêng, quân Thuận Hóa đánh úp đồn của Tiếp Vũ [18b]. Bọn Thân Văn Quanh thua chạy. Giặc kéo ra sông Tam Chế, sáp vào đánh quân thủy.

Vũ Công Quang ra sức chống đánh, Lê Sĩ Hậu tiếp cứu, đánh phá được. Vũ Văn Thiêm sai Phạm Công Thắng lên bờ xáp đánh, chém được ngà voi. Bàn công, thăng Sĩ Hậu làm Đề đốc; Công Quang làm Tham đốc, tước hầu.

Sai Trịnh Toàn thống lĩnh các tướng, trấn giữ Nghệ An. Bọn Văn Thiêm, Quang Nhiêu đều thuộc dưới quyền. Lấy Đô cấp sự Ngô Sĩ Vinh, Cấp sự Vũ Vinh Tiến làm Đốc thị. Tháng 2, Tham tụng thượng thư bộ Binh là Liêm quận công Đặng Thế Khoa mất. Thế Khoa có văn học, mưu trí, giữ mình thanh liêm kiệm ước, cửa nhà không mảy may… (mất một chữ). Thọ 64 tuổi tặng Thiếu bảo, gia phong là Phúc thần2950 . Mùa hạ tháng 5, thuyền giặc vào cửa biển Nam Giới đánh úp thủy quân. Bọn Lê Sĩ Hậu, Nguyễn Hữu Sắc, Bùi Sĩ Lương, Thái Bá …2951 .


[2948] Quyển XXII chỉ có tờ 18 bị đóng nhầm vào vị trí tờ 18 quyển XXI.

[2949] Bản Lê Hy không chép, nhưng ý này có trong Lịch triều hiến chương loại chí (Nhân vật chí) của Phan Huy Chú, đoạn nói về Lê Thì Hiến.

[2950] Bản Lê Hy không chép sự kiện này.

[2951] Tờ 18b kết thúc giữa câu với từ Bá.