30. Truyện Trinh Linh Nhị Trưng phu nhân

Xét quốc sử thì hai bà Trưng họ Lạc, bà chị tên là Trắc, bà em tên là Nhị, người làng Mê Linh châu Phong, con gái Lạc tướng Giao Châu, ban đầu gả cho Thi Sách ở Châu Diên; Phu nhân người hùng dũng, hay quả quyết khi hành sự.

Lúc bấy giờ, Thái sử Giao Châu Tô Định là một người tham bạo, người trong châu lấy làm khổ sở, bà chị phẫn nộ cùng với bà em cử binh công hãm Giao Châu, rồi đến mấy quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lược định Lĩnh Nam hơn sáu mươi thành, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng vậy. Trưng Vương đóng đô ở thành Ô Diên; Tô Định chạy về Nam Hải; Hán Vũ Đế nghe tin cách chức Định, sai hai tướng quân Mã Viện và Lưu Long đem đại quân sang đánh, đến Lạng Sơn, hai chị em cự chiến hơn một năm.

Sau thấy lực lượng của Mã Viện cường thịnh, e khó chống nổi, hai bà mới thối binh bảo vệ Cấm Khê; quân lính đào ngũ rất nhiều; Phu nhân thế cô bị hãm, chết ở hồ Lãng Bạc, có kẻ bảo Phu nhân lên núi Hy Sơn, không biết đi đâu. Người trong châu thương tiếc, lập đền thờ ở cửa sông Hát Giang mà phụng sự, nhân dân gặp phải tai nạn đến cầu đảo tất hiển thần linh.

Thời Lý Anh Tông, gặp trời đại hạn, Vua sai Uy Tịnh thuyền sư đảo mưa, cảm ứng một ngày thì mưa xuống, mát mẻ thấu người; một chốc, vua nằm ngủ, hốt nhiên mộng thấy hai người đội mũ phù lưu, bận áo lục, đai đỏ, cỡi ngựa sắt, theo mưa mà đi qua. Vua lấy làm lạ mới hỏi. Thần nhân đáp rằng

– Thiếp tức là chị em Nhị Trưng, phụng mệnh Thượng đế làm mưa.

Vua bèn ân cần xin thêm thì giơ tay bảo thôi. Vua tỉnh dậy cảm tạ, sắc phong lập đền miếu rất đẹp mà thờ. Sau lại thác mộng xin vua lập đền ở làng Cổ Lai; vua nghe theo, sắc phong là Trinh Linh Nhị Phu Nhân.

Triều nhà Trần gia phong huy hiệu là Uy Liệt Chế Thắng Thuần Trinh Bảo Thuận, đến nay hương hỏa vô cùng vậy.

31. Truyện Mỵ Ê Trinh Liệt Phu Nhân

Phu nhân vốn người nước Chiêm Thành, không có họ, tên là Mỵ Ê, vợ Vua Chiêm Thành là Sạ Đẩu.

Thời vua Lý Thái Tông, Sạ Đẩu thất lễ phiên thần vua thân hành nam chinh, Sạ Đẩu đem binh dàn ở sông Bố Chính mà chờ; sau rồi bị Vương giết, phu nhân Mỵ Ê bị bắt; đến sông Hoàng giang, phu nhân nghe Trung sứ phụng mệnh đòi đến hầu thuyền ngự; phu nhân phẫn uất vô cùng, lấy tấm chiên trắng tự quấn mình rồi nhảy xuống sông mà chết; mỗi khi sương sớm đêm trăng thường có những tiếng khóc ai oán, người trong nước nghe thấy mới lập đền miếu mà phụng tự.

Sau khi vua đi chơi sông Lý Nhân, ngồi trong thuyền rồng, thấy đền miếu ở bên sông, lấy làm lạ mới hỏi tả hữu, Tả hữu thưa rằng:

– Đó là đền Mỵ Ê phu nhân.

Vua cảm động bảo rằng:

– Quả có trinh liệt, thế nào cùng báo trẫm.

Đêm ấy đến canh ba, vua mộng thấy một người bận y phục Chiêm Thành, lạy hai lạy mà khóc rằng:

– Thiếp có nghe đạo người đàn bà là một mực theo chồng sống cùng giường, thác cùng huyệt, thủ tiết không ô nhục, huống chi Sạ Đẩu tuy không thể tranh tiên cùng Bệ hạ nhưng khí khái nam nhi cũng đã đắc ý một phương, thiếp vẫn đội sủng huệ; Sạ Đẩu vì lỗi đạo, Thượng đế giáng trách, mượn tay Bệ hạ để đến bây giờ quốc phá thân vong, lòng thiếp ngày đêm không quên việc đồ báo; một buổi sáng, may nhờ Bệ hạ sai Trung sứ đưa thiếp xuống tuyền đài, thiếp rất cảm ơn chứ nào có thuật gì mà xưng là linh, nói thêm nhàm tai Bệ hạ.

Nói đoạn bỗng bay lên không mà đi.

Vua kinh hãi tỉnh dậy, sai Thị thần đem rượu, giết sinh vật đến tế, phong làm Thân Chính Phu Nhân.

Qua đến niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, nhà Trần gia phong là Tá Lý Phu Nhân, đến năm Trùng Hưng thứ tư, gia phong hai chữ Trinh liệt, đến năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Trực Mãnh để biểu dương cái tiết đoan trinh của phu nhân.

32. Truyện Hồng Thánh Đại Hồng Vương

Xét Sử ký thì Vương họ Phạm, tên là Cự Lượng, xưa thời vua Lý Thái Tông, phủ Đô hộ có nhiều nghi ngục, quan Sỹ sư không hay minh quyết, nghĩ nên lập đền miếu ở ngục, ý muốn nhờ sự hiển hách của thần linh và để răn đe kẻ gian trá, mới tắm gội đốt hương xin cáo với Thượng đế.

Đêm ấy, vua mộng thấy một Sứ giả áo đỏ, nói là Thượng đế có khẩn sắc cho Cự Lượng làm Minh Chủ ngục tụng đô phủ. Vua hỏi Thiên sứ rằng:

– Thế thì là người nào, hiện giữ chức gì?

Thiên sứ:

– Vua Lê Đại Hành có người bầy tôi là Phạm thái úy, làm tôi tận trung với vua, đến ngày tạ thế, Thượng đế khám xét công lao, bổ làm Nam Đài Trung Ty Lục, lấy chức cũ sai xét đoán nghi ngục của dân gian.

Nói đoạn không biết đi đâu.

Vua tỉnh dậy, vời hỏi tả hữu, quan Tể chấp nói:

– Ấy là một người hiền lành, là cháu quan Châu mục Vũ An là Phạm Chiêm, con quan Tham chính Phạm Man, em quan Đô úy Phạm Dật. Phạm Chiêm giúp vua Ngô Vương có công khai quốc gia phong Đồng Giáp tướng quân. Phạm Man giúp Nam Tấn vương thăng chức Tham chính. Phạm Dật giúp vua Đinh Tiên Hoàng. Phạm Cự Lượng giúp vua Lê Đại Hành có công, quan thăng Thái úy đều là bậc danh dự cả.

Vua cho là phải, phong làm Hồng Thánh Đại Vương.

Vua lại mộng thấy thần nhân bận đồ quan phục cổ miễn, rảo đến trước sân lạy tạ, giống như thị thần còn sống. Vua lấy làm lạ, sai soạn văn khắc bia đá, để chép sự linh dị của thần.


1Truyện Phạm Cự Lượng.

33. Truyện Minh Ứng An Sở Thần Từ

Xét Đỗ Thiện thấy chép Vương họ Lý tên là Phục Man, người làng Cổ Sở.

Lý Thái Tổ ngự chơi đến bến đò làng Cổ Sở, trông thấy tú khí của núi sông, cảm hứng tràn ngập, mới rót rượu đổ xuống sông mà nói:

– Trẫm nghe chỗ này sơn kỳ thủy tú, nếu có nhân kiệt, địa linh, thần kỳ, xin thụ minh hưởng của ta.

Rồi thì đến đêm mộng thấy một dị nhân cao lớn đẹp đẽ cúi đầu xưng tạ rằng:

– Thần là người bản hương, họ Lý tên Phục Man, giúp vua Lý Nam Đế làm Tả tướng, nhờ sự trung liệt được danh, trao cho một dãy sông nước Đỗ Động giữa dân cư. Đến ngày chết, Thiên đế khen là người trung trực, lại gia phong giữ chức như cũ. Thần thường nhiều lần lãnh quỷ binh đánh phá nghịch tặc nhiều năm ở đây. Nay gặp Bệ hạ đoái thương cho thần giữ chức hôm mai ở đây.

Rồi lại than rằng.

Thiên hạ gặp mờ tối,

Trung thần giấu tính danh.

Giữa trời nhật nguyệt sáng.

Ai chẳng thấy rõ hình.

Nói đoạn bỗng biến bay đi mất

Vua Thái Tổ giật mình tỉnh dậy, đem chuyện mộng nói với một người; quan Đại phu Vương Nhậm Chí nói:

– Đó là ý thần muốn lập đền miếu, trùng tu hình tượng.

Vua sai quần thần xin keo, quả được, mới khiến thợ thiết lập đền miếu chạm trổ hình tượng giống như đã thấy trong mộng, gia phong làm Phúc thần một phương.

Đến khoảng năm Nguyên Phong nhà Trần, mọi Thát Đát vào cướp, ngựa què không tiến được, khua vào trong thôn; thôn nhân ỷ uy lực của thần, đem dân chúng ra cự, phá được quân giặc; Thát Đát không dám dòm dỏ nữa.

Đầu nhà Trần, đời Trùng Hưng nguyên niên, giặc Bắc lại vào cướp, đến chỗ nào đều đốt phá nhà cửa, kịp đến đi ngang qua Từ Sở, như có phòng hộ, may lông mùa thu không dám xâm phạm.

Giặc đã yên, vua gia phong mỹ hiệu bốn chữ: Diên An Minh Ứng, đến nay càng hiển hách thần linh vậy.


1Truyện Lý Phục Man.

34. Truyện Đại Than Đỗ Lỗ Thạch Thần

Xét Đỗ Lỗ bản truyện thì Vương họ Cao tên Lỗ là một người tài giỏi của An Dương Vương. Tục danh Đỗ Lỗ Thạch Thần cũng gốc bởi tên thần là linh của Thạch Long vậy.

Sau khi bình định Nam Chiếu xong, Cao Biền đi tuần hành ở châu Vũ Ninh, đến một chỗ địa đầu, mộng thấy một dị nhân mình cao chín thước, tướng mạo kỳ khôi, búi tóc dùi trống, giắt trâm bằng dao, áo cụt đỏ, nịt đỏ, đến yết kiến Cao Vương; Cao Vương hỏi:

– Ngươi tên là gì?

Thưa:

– Thần tên là Cao Lỗ, ngày xưa giúp An Dương Vương làm Tướng quân, thường có công lớn đuổi giặc, bị Lạc hầu dèm pha nên bỏ đi. Sau khi đã mất thì Thượng đế thương là trung trực nên cho giữ một dải giang sơn, chức Quan Lãnh Đô Tướng Quân; việc bình Nam Chiếu, việc thảo trừ giặc cướp, việc gieo mạ gặt lúa đều am tường cả, làm Phúc thần một phương. Nay theo Minh Công tước bình nghịch tặc, bờ cõi lặng lẽ, thần phải trở về bản bộ, nếu không cáo tạ thờ phi lễ.

Cao Vương lấy làm lạ, hỏi:

– Lạc hầu việc gì lại ghét?

Thưa rằng:

– Việc u âm không thể tiết lậu.

Cao Vương lại hỏi thì đáp rằng:

– An Dương Vương là tinh Kim Kê, Lạc hầu là tinh Bạch Viên, mỗ là tinh Thạch Long. Gà với vượn hợp nhau, còn rồng thời tương khắc là vì vậy.

Nói đoạn, biến mất.

Cao Vương nói với liêu thuộc, tự ngâm thơ rằng:

Đẹp lắm đất Giao này,

Vững vàng muôn thuở đây.

Cổ hiền lại tương kiến.

Trọn chẳng phụ linh đài.

Lại ngâm thơ rằng:

Bách Việt yên bờ cõi.

Một vùng định núi sông.

Thần linh đều thuận giúp.

Phúc họ Đường chẳng cùng.

Lại ngâm thơ rằng:

Sông núi nước Nam đẹp.

Long thần ở đất linh.

Châu dân khỏi nhăn trán;

Nay lại được an bình.

Trải qua mấy triều gia phong mỹ hiệu, đến nay hương hỏa còn rực rỡ vậy.


1Truyện Cao Lỗ.

35. Truyện Xung Thiên Chiêu Ứng Thần Vương

Xét Cổ Pháp ký và bia Kỷ Đức thì Vương gốc là vị Thổ thần chùa Kiến Sơ. Ngày xưa làng Phù Đổng lập đền Thổ địa thần ở bên hữu của chùa để làm nơi tụng niệm, đến sau tăng đồ vắng vẻ, năm tháng chầy lâu, người làng lấy chỗ thần từ theo tập tục mà cầu đảo. Kịp đến khi Đa Bảo thuyền sư trùng tu chùa quán, thầy Trụ trì Truyền Đăng cho là dâm từ ý muốn dời đi.

Một hôm thần đề bài thơ ở một gốc cây trong đền rằng:

Phật pháp hay gìn giữ.

Là nhờ Trú Kỳ Viên.

Nếu không bọn ta đó;

Đã dời chỗ khác liền.

Chẳng chép Kim Cương bộ;

Giấu kín Ná-la-diên.

Vài ngày sau lại thấy tám câu Kệ đề rằng:

Phép Phật từ bi lớn.

Sáng trùm cõi tam thiên.

Vạn thần đều biến hóa;

Tâm giới thảy quanh bênh.

Thầy ta làm chính lệnh.

Tà quỷ dám tranh tiên.

Nghe theo lời thầy dạy.

Lớn nhỏ học Kỳ Viên.

Pháp sư hiểu biết mới thiết đàn để cho thần thụ giới, cúng đều dùng đồ chay cả.

Xưa kia vua Lý Thái Tổ đang buổi tiềm long biết nhà sư Đa Bảo là người cao hạnh, thường cùng theo ông đi chơi, sau khi thụ thiền thì vua thân hành đến chùa. Khi ấy nhà sư tước ngự giá đi ngang bên đền có lên tiếng hỏi thần rằng:

– Phật tử đã có thể bỏ trần tục, lại có thể khánh hạ tân Thiên tử không?

Thần lập tức trả lời, tự đề bốn câu rằng:

Đế đức càn khôn lớn.

Uy linh động tám miền;

Uy minh nhờ ân trạch,

Nhuần thấm khắp Xung thiên.

Vua nghe đọc bài thơ, biết tình ý của thần mới cho hiệu là Xung Thiên Thần Vương, hốt nhiên bài thơ biến mất. Vua lấy làm lạ, sai thợ chạm trổ tượng thần, dung mạo trác vỹ và các thị tùng, làm lễ khai quan khánh tán xong, hốt nhiên thần lại hiện ở cột chùa bốn câu kệ rằng:

Một bát nước công đức.

Theo duyên hóa thế gian.

Quang minh lại soi sáng.

Bóng lặn nhật lên non.

Sư đem bài kệ trình vua Lý Thái Tổ, Thái Tổ không hiểu ý làm sao; sau đến đời Lý Huệ Tông mất ngôi là đời thứ tám, tức là bát công đức, húy chữ 旵 1 tức là bóng mặt trời lên núi mất nước. Kệ của thần cũng đáng tin thay!

Trải mấy đời, gia phong mỹ tự, phụng sự hương hỏa để biểu dương sự phù hựu của thần.


1旵 là chữ Sảm, tên của Lý Huệ Tông khi chưa lên ngôi. Chữ Sảm gồm có chữ nhật nghĩa là mặt trời, trên chữ sơn nghĩa là núi. Chữ này không thấy trong Từ Hải.

36. Truyện Khai Thiên Trấn Quốc Đằng Châu Phúc Thần

(Đây là một vị trong mười hai Sứ quân. Miếu ở huyện Kim Động, xã Đằng Châu).

Xét sử Đỗ Thiện thì thấy chép rằng Thần vốn là vị Thần Thổ địa ở cổ miếu Đằng Châu. Xưa cuối đời Lê Ngọc Triều, Lý Thái Tổ chưa lên ngôi, còn giữ thân vệ binh, thực ấp ở Đằng Châu, có khi đi chơi xem đến bản hương, thuyền đi giữa sông bỗng gặp gió to mưa lớn, vương ngoảnh lại hỏi:

– Trên bờ sông là đền thờ thần gì thế, có linh ứng không?

Thưa rằng:

– Đó là đền thờ thần Thổ Địa của Đằng Châu, dân thường đến cầu mưa đảo nắng, cho là linh ứng.

Vua Thái Tổ lớn tiếng bảo rằng:

– Nếu làm lui được một trận gió mưa, khiến nửa bên tạnh ráo mới là linh ứng.

Trong khoảng chốc lát, quả một nửa sông mưa, một nửa sông tạnh; vua cho làm lạ bèn khiển sửa sang từ vũ mà phụng sự. Thôn nhân có bài thơ rằng:

Tốt bấy Đại vương danh vọng trọng.

Đằng Châu Thổ địa hiển thần linh.

Khiến cho mưa lớn không xâm phạm.

Một nửa sông mưa, nửa vắng tanh.

Vua nghe bài thơ, thầm có ý tự phụ. Kịp đến thời của Ngoại Triều hôn bạo, vua toan mưu đại sự nên đến đền thần xin cáo mộng. Đêm ấy, vua mộng thấy thần nhân cáo rằng:

Muốn thắng tất thắng.

Muốn thành là thành.

Muôn nước hưởng thăng bình.

Ba năm nên hoan lạc.

Bảy miếu tự an ninh.

Rồ vua tỉnh dậy, chưa hiểu ý (…) quẻ,

què bói cho là điềm lành.

Sau Vua Thái Tổ lên ngôi, thăng (…) làm Thái Bình Phủ, đặt thần làm Khai Thiên Thành Hoàng Đại Vương.

Đời Trùng Quang nguyên niên gia phong mỹ hiệu bốn chữ: Khai Thiên Trấn Quốc. Đền thần ở trong đê sông thường bị nước lụt tràn vào; người trong thôn ở gần bờ sông có khi trông thấy xe ngựa, cờ lọng và thị tùng như là đến để phòng hộ nước lụt; bởi vậy đê tuy bằng phẳng thấp bé mà nước lụt không vào làm hại được, đó là nhờ ở sức hộ trì của thần.

Trải qua lâu năm sông lở gần đến đền thần; đến niên hiệu Tống Nguyên, năm Bính Tuất, về tiết mùa đông, lại đắp nền lập miếu trên đê lớn, gian giữa sắp xong. Một hôm, huyện lại và thợ thuyền ngủ ở nhà tranh ngoài chân đê thì nghe tiếng người đến mượn cuốc xẻng, tiếng cuốc bới vọng lại như thợ thuyền đang công tác. Đến sáng họ qua xem thì thấy cái trụ bằng đá đã đem dời vào bên tả ngạn hơn ba thước; như thế linh dị càng rõ hơn vậy.

Kịp đến ngày rước thần vào đình, quan Tri phủ Khoái Châu tên là Hoàng Nam Kim có đề bài thơ ở miếu rằng:

Bờ bãi đất chia rành chói chói.

Khai thiên huyền tạo ngóng vơi vơi.

Đền thành muốn biết chân linh tích.

Đêm ấy công thần khéo chuyển dời.

37. Truyện Bạch Hạc Thần Từ

Xét Giao Châu ký của Triệu Công thì thấy chép rằng: Thần này vốn hiệu là Thổ Lệnh Trưởng: Trong khoảng niên hiệu Vĩnh Huy Cao Tông nhà Đường, Lý Thường Minh sang làm Đô đốc Phong Châu.

Thường Minh mới đến nhậm chức, thấy đất rộng nghìn dặm, núi sông bao bọc, mới dựng quán Linh Quán tại làng Bạch Hạc, thờ tượng Tam Pháp cho xứng với phong cảnh kỳ vỹ; lại biệt lập trước sau hai cái nhà ngang, nghĩ muốn đắp tượng thần Hộ Quán nhưng chưa biết thần nào linh bèn đốt hương cầu rằng

– Thần kỳ ở đây, nếu có linh hiển thì kíp hiện hình trạng để tiện đắp tượng.

Đêm mộng thấy hai dị nhân, diện mạo ôn nhã, có đồ đệ theo hầu, rầm rộ kéo đến nhà ngang trước sân.

Thường Minh hỏi rằng:

– Các ông tên họ là gì?

Một người xưng là Thổ Lệnh, một người xưng là Thạch Khanh. Xin thử so sánh võ nghệ, ai hơn thời ở trước. Thạch Khanh vâng lời, nhảy một cái qua bên kia bờ sông đã thấy Thổ Lệnh đứng đó rồi. Khi ấy Thổ Lệnh được ở trước. Thần tượng uy linh người trong châu kinh sợ, phụng sự hương hỏa, làm vị Phúc Thần ở Tam Giang vậy.

Triều nhà Trần, Hàn Lâm Học Sĩ Nguyễn Cố hộ giá vua đi đánh Ai Lao, đến đền bái yết, có đề bài thơ rằng:

Rùa, rồng, phù, ấn buộc lưng ngang.

Việc ấy mong cầu phụ tướng quan.

Hèn yếu thư sinh không chỗ cậy,

Đến xin từ quán được bình an.

Lại có Học Sĩ Vương Đức Thành hộ giá nam chinh, đến lúc khải hoàn, vua bảo làm bài thơ tán thần rằng:

Tỳ hưu mười vạn rõ Vương linh.

Thế ép Vân Nam ải ngoại thành.

Giang tả con con nào đủ mộ.

Gió reo tiếng hạc khiếp Tần binh.

38. Truyện Thần Châu Long Vương

Đời truyền: Thần vương là tinh của Viêm Long Vương. Xưa đời Hồng Lạc có người làng Hãn Kiều, họ Đặng, một người tên là Quyết, một người tên là Thiện Xạ, anh em xuống biển làm nghề bắt cá. Lúc bấy giờ họ gặp một vật lạ, hình trạng giống như gỗ, dài vừa ba thước, màu như màu trứng chim, theo con nước mà nổi lên; hai người vớt được; đêm bỗng nghe trong đốt gỗ có tiếng như hai người nói chuyện; anh em cả kinh đem quăng gỗ ra sông, chống thuyền đi nơi khác mà ngủ thì mộng thấy một người đến bảo hai anh em rằng:

– Bởi vì trước đây bà Đông Hải Long Phi tư thông với Viêm Long Vương, sợ Đông Hải Vương biết nên đem gởi cho bọn ngươi gìn giữ, chớ cho kẻ khác xâm phạm đến; nó khôn lớn lên sẽ làm phúc cho các ngươi không việc gì mà sợ.

Hai người giật mình tỉnh dậy cùng nói với nhau hốt nhiên đã thấy đốt gỗ đen sán lại bên thuyền; hai người lấy làm lạ, vớt lên chở về. Về đến làng Bố Bái, đốt gỗ ở trong thuyền bỗng nhảy lên trên bờ. Hai anh em cho là thần muốn ở chỗ này mới lập đền thờ, thuê thợ khắc gỗ làm tượng mà phụng sự; thần linh ứng, hiệu là Long Quân.

Tiên triều sai người tìm ngọc châu ở cửa biển thì tìm được rất ít, duy chỉ có con cháu nhà họ Đặng là tìm được rất nhiều. Sai quan hỏi tại sao, con cháu họ Đặng đem sự thực trình cáo. Sai quan vâng triều mệnh sắp lễ đến tế, do đó tìm được rất nhiều ngọc châu. Vua bao phong cho hiệu là Thần Châu Long Vương, trải qua mấy đời đều gia phong mỹ hiệu rất có linh ứng, nhưng sau có kẻ gian hoài oán, trừ yểm, cũng có hại cho lương dân, thật đáng tiếc.

39. Truyện ni sư Đức Hạnh

Thanh Lương ni sư người họ Phạm, con nhà thế tộc Giao Chỉ, xuất gia làm Ni ở Thanh Lương, không kể đồ mặc chỉ biết khổ hạnh, cốt lấy cần khẩn giải ngộ làm thông sướng; sư thường tập phép xước ngại, diện mạo giống như La Hán, tăng đồ xa gần đều kinh sợ coi là một vị Ni Sư ở đời; nhà của Sư thì cho tăng đồ làm chùa Hồng Vũ. Có Trần Tứ, tên là Huệ Thông Đại Sĩ ở núi Vọng Đông, một hôm bảo đồ đệ rằng:

– Ta muốn đem thân này thí cho hổ lang.

Một đêm đạo sĩ ngồi vào phiến đá nhỏ và tuyệt thực ba ngày; hổ lang đến ngồi quanh không dám đến gần. Tăng đồ khẩn xin đạo sĩ trở về am, mở cửa nhập định. Khi gần mất, Huệ Thông tập họp tăng đồ để thuyết pháp, nhân đó đóng cửa ngồi yên mà hóa, thọ hơn tám mươi tuổi. Trà Tỳ có cốt Phật Xá Lỵ rất nhiều, vì vậy có quan dựng tháp ở bản tự.

Trước kia Huệ Thông thường dặn đệ tử rằng:

– Sau khi ta chết, nên lấy xương ta cho thế gian rửa bệnh.

Đến lúc thu cốt, đệ tử không nỡ lấy chỉ bỏ vào hòm đậy lại; cách đêm bỗng thấy cái xương lớn để ở trên ghế ngoài hòm; chúng lấy làm lạ, cho là linh nghiệm.

Sau người nào có bệnh đến cầu đảo, đệ tử mài vào nước đem cho rửa, lập tức lành ngay; lời thề nguyền sâu xa đến như thế.