Số đỏ – Chương III

CON GIỜI, CON PHẬT
QUỶ CỐC TỬ PHỤC SINH
MỘT CÁI GHI ÂN

Sau mấy tiếng còi un un dữ dội nghe như tiếng gầm của một thứ lợn rừng kỳ quái, chiếc xe chờ ba phút thì có một tên gia nhân chạy ra mở toang hai cánh cửa sắt, đón xe từ từ vào sân. Những cây liễu, cây phù dung, cây xương rồng lào, cỏ tóc tiên, những đôn sứ, những luống hoa lạ, hiện mập mờ dưới ánh đèn điện ở ngoài phố chiếu vào vườn của cái nhà tây đồ sộ kiểu biệt thự… ngần ấy thứ kích thích rất mạnh vào tâm trí của Xuân. Lần đầu ! Nó cảm thấy đời nó từ nay mà đi dễ thường đã vào một kỷ nguyên mới. Còn ông lão thầy số thì cứ thỉnh thoảng lại lườn nó một cách đắc chí và trợ lực cho sự lườm nguýt của ông bằng cách lấy khuỷu tay thích vào mạng mỡ Xuân Tóc Đỏ đánh hự một cái. Ngồi cạnh người tài xế trầm ngâm, Xuân không dám phản đối lại bằng cách gì.

Xe đỗ trước mười hai thềm xi măng. Người tài xế xuống mở cửa xe. Bà Phó Đoan dù Nhật, ví da, và chó bước xuống. Ông lão thầy số cũng ôm lấy cháp, ô và chiếu… Xuân xuống sau cùng… thì chiếc xe quay vào nhà chứa xe. Một người đàn bà mà y phục tỏ ra là gia nhân vội chạy xuống đỡ những cái đồ cồng kềnh cho bà chủ. Bà này hỏi:

  • Cậu đâu ? Cậu làm gì ?
  • Bẩm… cậu tắm.
  • Cậu tắm à? Thế cậu xơi cơm chưa?

Rồi không đợi trả lời bà quay lại sau, bảo:

  • Chị Ba ! Sao chị lại để cậu ấy tắm ở đây thế này? Ai lại sềnh sềnh ra thế !
  • Bẩm… cậu vòi thế, không chiều thì cậu lại khóc !

Trong cái chậu thau khổng lồ, một cậu bé to tướng béo mũm mĩm, mặt trông ngẩn ngơ, giá đứng lên thì ít ra cũng cao lớn hơn một thước tây, ngồi vầy nước như một đứa trẻ lên ba. Chung quanh cái chậu thau có vô số đồ chơi bầy la liệt… Nào là con chó bông, con búp bê, cái ô tô, cái tầu bay, cái kèn… Bà chủ vừa đặt con chó xuống vừa nhanh nhẩu nói:

  • À cậu tắm ! Cậu của me ngoan. Me đi vắng, ở nhà có đứa nào đánh cậu không ? Loulou Huýt! Huýt…

Bà Phó vừa huýt hai tiếng còi thì con chó đã giơ hai chân trước lên, run run hai chân sau, cố đứng, lưỡi lè dài, ra ý chào cậu bé ngồi tắm. Cậu này đang bần thần vầy nước bắn toé ra xung quanh chậu, thấy thế thì cau mặt, nguẩy đầu một cái mà rằng:

  • Em chã !
  • Thôi thế me xin lỗi cậu vậy ! Me thơm cậu nhé !
  • Em chã !

Bà Phó đứng tần ngần hồi lâu, lại hỏi:

  • Thôi thế cậu cứ tắm cho ngoan rồi vào ăn cơm với me nhé ?
  • Em chã !
  • Ờ, thế thì thôi vậy. Thế cậu yêu me thì cậu thơm me đi nào.

Tức thì cậu bé đứng lên… Chao ôi! Cậu bé nhưng mà cậu đã nhớn lắm. Trần truồng, nồng nỗng, cậu đứng lên cao tồng ngồng mà hôn mẹ. Cảnh tượng ấy nếu không có cái giá trị quái gở, ít ra cũng hay ho chẳng kém một tấm ảnh khiêu dâm! Cậu con bà Phó, theo lời bọn gia nhân kém giáo dục, thì đã “đủ tư cách” lắm rồi. Muốn xoá sự ngạc nhiên trên mặt Xuân và ông thầy số, bà này quay lại hợm hĩnh phân bua:

  • Con giời con Phật đấy !

Thầy số hiểu ngay đó là một ông con cầu tự, chỉ có Xuân là hãy còn ngẩn mặt ra. Bà Phó quay vào nhà. Chưa chi lại thấy tiếng khóc chu chéo sướt mướt của cậu bé. Bà quát:

  • Chị ba đâu !

Cậu bé gào thét:

  • Cậu vào mí cơ! Cậu vào mí !
  • Chị ba ! Mau lên, lau cho cậu rồi cõng cậu.

Trên lưng người đàn bà, cậu bé khổng lồ ấy còn ngây ngô rún rẩy bắt chước người cưỡi ngựa, miệng kêu: “Nhong ! nhong ! nhong!”

Thấy chướng mắt quá thể, Xuân không thể chịu được. Nó lẩm bẩm trong cổ họng: “Mẹ kiếp! chứ con với chả cái !” Đến cửa phòng khách, bà Phó chỉ tay:

  • Các người ngồi đây chờ tôi.

Rồi bà vào một buồng khác.

Trong khi chờ đợi, hai người này cứ thấy cậu bé nhớn tướng ấy, mặc áo nhưng không mặc quần, ngẩn ngơ ló đầu vào cười, rồi lại giấu mặt đi, rồi lại ló mặt vào, rồi lại cười… Cái áo lá bằng lụa mỡ gà, trước ngực có dấu ấn son đỏ to tướng, sau lưng cũng thế. Chung quanh cổ, một cái vòng vàng đeo nặng chĩu, một chiếc khánh vàng với một cái gối quạ. Thấy tiếng chị ba nói như van lơn:

  • Cậu Phước mặc quần vào, đi.
  • Em chã !
  • Mặc quần vào, không ông ấy cười cho, đi !
  • Thế bắt ông ấy cho em chơi nhé?
  • Ừ, mặc quần đi thì tôi bắt cho mà chơi!
  • Em chã!

Thầy số đá chân Xuân mà rằng:

  • Đích con cầu tự thật!

Đến bây giờ Xuân mới hiểu ra, gật gù:

  • A, à !
  • Này, quái nhỉ ! Trông bà củ có vẻ vợ Tây lắm !

Xuân để tay lên mồm làm một cái suỵt rồi khẽ đáp:

  • Chính đấy.

Ông thầy số thì thào:

  • Thế sao lại có con cầu tự An Nam ?

Chưa kịp đáp, Xuân đã nghe thấy giọng bà Phó:

  • Cậu ơi ! Cậu yêu quý của me ơi, cậu mặc quần áo vào, chóng ngoan…

Rồi bà vào. Lần này thì bà đã bỏ cái áo dài, cái khăn vành dây. Cái áo lụa mỏng dính bên trong lại không có cóoc-sê, cái quần lụa mỏng dính, làm cho bà chẳng khác gì một tín đồ của chủ nghĩa khoả thân và làm cho thằng Xuân cảm thấy như mình là một đứa con nhà vô giáo dục. Ông thầy số đứng lên để thủ lễ một chút. Bà Phó hỏi:

  • Thầy xem số hay xem tướng?
  • Bẩm… cả hai thứ ạ.
  • Đằng nào đúng ?
  • Xem số thì đúng hơn.
  • Xem cho tôi một quẻ đi !
  • Bẩm bà lớn cho biết ngày sinh tháng đẻ…
  • À, thế thì tôi quên, không nhớ rõ.
  • Bẩm thế để xem tướng vậy, nhưng sợ không được kỹ lắm bằng xem số.
  • Ừ! Được! Cứ việc…
  • Bẩm bà lớn tốt lắm, mười hai cung phi chỉ đáng phàn nàn một cung. Bẩm ấy là cung phối hợp, nghĩa là cung chồng. Gò má hơi cao.

Bà Phó cau mày một lúc nói có ý gắt:

  • Sao? Phàn nàn cái nỗi gì? Ông Đoan nhà tôi xưa kia tử tế với tôi lắm. Mà ông Phán nhà tôi cũng thế, cũng trung hậu lắm. Lúc ông Phán nhà tôi chết cũng còn kêu là yêu thương tôi. Ở đời này, mấy ai đã hai đời chồng được như thế?
  • Bẩm vâng… Nhưng mà theo lối cổ thì thế là lưỡng độ, mà đã phải bước đến hai bước thì là đáng phàn nàn.
  • À, có thế chứ ! Nhưng mà theo lối kim thì mấy đời chồng cũng được, miễn tử tế thì thôi. Cụ đoán đúng đấy !
  • Tính nết bà thì nhân đức, hay thương người.
  • Cụ đoán hay lắm !
  • Cung tài bạch tốt, cung điền trạch càng tốt, mà cung mồ mả tổ tiên, thì bẩm… nhờ phúc ấm… dễ thường được đất.
  • Thế đường tử tức thì ra sao?
  • Cũng tốt lắm, nhưng mà hơi hiếm.

Bà Phó lại ra ý không bằng lòng mà rằng:

  • Sao lại hiếm? Chả gì tôi cũng có hai đứa con rồi. Cô Jannette nhà tôi hiện đã đi học, sắp thi tú tài, mà cậu Phước đây thì hay ăn chóng nhớn, ba tháng nữa thì đúng mười một tuổi. Hai đứa con sao lại là hiếm?
  • Bẩm nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô… Bao nhiêu con gái thì, theo lời thánh dạy, cũng chẳng đáng kể. Còn con giai mà một có cậu thôi, theo lời thánh dạy, thế cũng là hiếm.
  • À, ra có một con giai thôi thì cũng là hiếm.
  • Bẩm bà lớn, liệu bà lớn có còn muốn đi bước nữa?
  • Thôi! Tôi đã nhất định… nói có vong hồn ông Đoan với ông Phán nhà tôi chứng giám cho, tôi đã nhất định thủ tiết với hai ông! Là vì tôi tuy còn trẻ măng thật, nhưng cũng mang tiếng là già rồi. Chỉ còn nên ở vậy nuôi con thôi.
  • Bẩm cung tử tức do thế mà là hiếm.
  • Cụ đoán hay đấy. Thế số cậu Phước thế nào ? Ấy cái đức Phật chùa Hương cho cậu xuống với tôi đã hơn mười năm. Tôi chỉ lo…
  • Bẩm tốt nhất ! Số cậu là hưởng thụ, suốt đời nhàn hạ mà hưởng cả phú lẫn quý, lẫn khang, lẫn ninh.

Bà Phó cúi đầu một cách kính cẩn, khẽ nói:

  • Tôi, tôi cứ sợ mình người trần mắt thịt, không biết chiều ý cậu thì cậu lại đòi về.

Thầy số sốt sắng cãi:

  • Chả lo ! Trông qua tướng mạo đủ biết ! Tướng cậu thọ lắm, mà bà lớn nhờ có cậu nên sự thịnh vượng lại càng bền vững.
  • Hay! Hay! Cụ đoán số thế thì tuyệt nhất trần đời !
  • Bẩm nếu bà lớn nói rõ ngày sinh tháng đẻ thì tôi sẽ lấy lá số Tử Vi, thì có thể biết những sự xẩy ra hàng năm, hàng tháng, hàng ngày…
  • Thế nữa kia ư?
  • Bẩm vâng. Xem số thì kỹ hơn xem tướng.
  • Thôi, thế cụ về kẻo khuya, nay mai cụ lại chơi giúp cái việc ấy cho tôi nhé ! Chị ba đâu? Tiễn cụ một đồng bạc xe cho tôi để cụ về! Thế nào cụ cũng lại coi hộ cho tôi đấy!
  • Vâng, vâng. Bẩm lạy bà lớn, nay mai chúng tôi sẽ đúng hẹn.

Ông thầy cắp ô, chiếu, cháp đi khỏi, thì bà Phó hỏi Xuân:

  • Anh này, anh có biết tôi đã làm gì cho anh không?

Hốt hoảng lúng túng mất vài phút, Xuân mới nói:

  • Dạ, bẩm bà lớn, nếu không có bà lớn thì chúng tôi phải giam tại bóp.
  • Ừ, anh cũng biết ơn đấy.
  • Bẩm, cái ơn ấy thì chả đời nào con quên được.
  • Anh đừng xưng con với tôi! Tôi là người văn minh, không phân biệt giai cấp, không chia rẽ sang hèn…
  • Bẩm vâng.
  • Thế anh còn bố mẹ không?
  • Bẩm, tôi bồ côi cả bố lẫn mẹ từ sớm.
  • Tội nghiệp! Thế anh đã có vợ con gì chưa?
  • Bẩm chưa…
  • Tội nghiệp! Thế là tốt lắm! Bây giờ thời buổi khó khăn, cũng không nên vợ con làm gì vội. Thế anh có biết tôi gọi anh đến đây làm gì không?
  • Bẩm chưa ạ. Chúng tôi chờ xem bà lớn phán bảo những gì.
  • Tôi thì vốn người nhân đức, hay thương người. Mà anh thì cũng đáng thương, đương làm ăn mà bỗng mất việc thế ắt là khổ. Sao anh dại thế? Vẫn biết vào tuổi trẻ trung thì thường tinh nghịch như anh, nhưng mà phải xem người ta có ưng thuận thì hãy… Thế chứ?

Xuân ngẩn ngơ mà rằng:

  • Bẩm, con có hiểu gì đâu. Tự nhiên người ta đánh con, người ta đuổi con, người ta áp chế…
  • Thôi đi, anh đừng chối!
  • Con… tôi có chối cãi gì đâu?
  • Thế anh bị đuổi vì lẽ gì?
  • Tôi đang sửa soạn khăn bông, thùng tắm cho các hội viên, đương lúi húi làm lụng, thì ông Tây ấy vào lôi ra đánh mắng…
  • Chứ không phải anh đương…?

Một cách ngây thơ thành thực nhất đời, Xuân đáp:

  • Tôi đương bịt một cái lỗ ống chì trong buồng tắm của hội quán!
  • Ồ! Ồ! Thế ông Tây ông ấy bảo anh có phạm một tội, sao anh không cãi?

Xuân đỏ mặt hồi lâu rồi ấp úng:

  • Bẩm… bẩm ông ấy buộc những tội gì thì nào tôi có biết tiếng Tây đâu?

Bà Phó Đoan đứng ngẩn người ra, nuốt sự thất vọng đánh ực một cái.

Bà nhớ lại mấy cái tên, cái lầm từ xưa kia… Từ khi bị hiếp, những cảm giác tê mê hiếm có rất khó tả, rất kỳ quái, cứ theo mãi bà như bóng theo người, lâu dần, việc ấy thành một ám ảnh. Bà vẫn ao ước được – bị hiếp nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện. Thành thử bà chỉ có hiếp chồng chứ quả thật – nói có quỷ thần hai vai chứng giám – bà chẳng được – bị chồng hiếp cho lần nào.

Sau khi đọc bộ Kim Anh lệ sử thấy nói ở cái chùa tỉnh ấy, sư mô cứ vờ là Phật để xuống bán con cho những đàn bà cầu tự, bà đã tức khắc dò hỏi, rồi đi… Bà đã bị tẽn! Lúc về nhà ông Phán ban con cho bà, chứ chẳng có sư mô quái nào.

Đến lần này.

Trước cái vẻ mặt thật thà của Xuân, bà hơi buồn, nghĩ dễ thường nó bị đuổi oan… Bà đã hơi cáu… Nhưng một ý nghĩ thoáng chạy qua óc bà.

  • Anh lên gác này chờ tôi tắm một lát rồi tôi sẽ nói chuyện tại sao tôi bảo anh về đây.

Xuân nghe theo… Hai người lên thang. Đến một cái phòng khách nữa, bà Phó bảo:

  • Anh ngồi đây, xem quyển anbom này mà chờ tôi.

Rồi bà bào buồng tắm, cách chỗ Xuân ngồi chờ có vài bước chân. Bà cởi quần áo, đội cái mũ cao su bịt kín tóc, vặn máy nước… Từ cái bông hoa sen kẽm, nước trút xuống ào ào! Bà Phó thỉnh thoảng lại vỗ vào bụng, vào đùi bì bạch. Rồi bà, than ôi! trái ngược – bà nhòm qua lỗ khoá xem bên ngoài động tĩnh ra sao… Thì ra, chăm chú vào quyển sách ảnh, thằng Xuân cứ ngồi nguyên chỗ.

Như thường!

Tắm xong, bà ra, phán một cách uể oải:

  • Thôi anh về! Tôi định đến mai thì sẽ mượn anh. Ngày mai anh sẽ đến hiệu Âu hoá tìm cô Văn Minh, thì tôi sẽ nói giúp. Thế nào thì rồi anh cũng sẽ khỏi thất nghiệp.
  • Bẩm…
  • Thôi, anh không phải là người thông minh! Anh về đi! Mai sẽ biết. Phải nhớ: hiệu Âu hoá, tiệm may phụ nữ.

Xuân Tóc Đỏ ra đi, với mối hy vọng chan chứa trong lòng, không hiểu rằng mình đã bị khinh bỉ như một nhà đạo đức chân chính đã bị khinh bỉ.

Số đỏ – Chương IV

MỘT KHI HOẠN THƯ ĐÃ NỔI DẬN
NGHỆ THUẬT VỊ NHÂN SINH
NHỮNG SỰ CHẾ TẠO CỦA CUỘC ÂU HOÁ

Theo lời dặn của bà Phó tám giờ sáng hôm ấy, Xuân Tóc Đỏ lảng vảng không dám vào hỏi, vì không dám chắc đấy có phải chính là hiệu Âu hoá của bà Văn Minh không. Cái học thức của Xuân Tóc Đỏ chỉ đủ để hắn biên sổ thợ giặt chứ chưa đủ để hắn đọc những chữ khó đọc như những kiểu chữ tân thời mà những nhà nghệ sỹ chế kiểu hình như để cho không ai đọc được nữa. Lúc ấy, người ta đương đóng những chữ tên hiệu. Năm miếng gỗ vuông kỳ quái màu đỏ, mới khô sơn, còn bị vứt ở thềm hè. Một người thợ loay hoay dựng thang. Một thiếu niên xắn tay áo lên một cách rất nghiêm trọng đứng đấy sai bảo người thợ, thỉnh thoảng lại gắt mắng người này một cách cũng nghiêm trọng chẳng kém.

Hiệu may này thật là choáng lộn đặc biệt. Ở tủ kính ngoài cùng có ba “hình nhân” tạc bằng gỗ, chính là của Tây phương gửi sang, giống hệt mỹ nhân Tây phương, song bị nhà chủ khéo léo đặt lên đầu những mẩu khăn vành dây hoặc búi tóc đen cho có vẻ là phụ nữ Việt Nam. Mỗi chiếc ma nơ canh ấy phô trương một kiểu áo. Nào là áo cổ bành bẻ cổ tay đuôi tôm để các bà các cô diện phố xá. Nào là kiểu đi tắm để các bà các cô khoe cái mỹ thuật về xác thịt tại bờ biển. Nào là kiểu quần áo trong phòng ngủ để phụ nữ có những thế lực nhắc nhỏm cho chồng hoặc nhân tình đừng có sao nhãng cái nghĩa vụ tối thiêng liêng của những bậc nam nhi.

Xuân rón rén lại gần chỗ có mấy chữ gỗ. Nó cố nghĩ cũng không sao hiểu nổi năm miếng gỗ ấy là những chữ gì. Có một miếng gỗ tròn thủng một lỗ và một miếng vuông thủng hai lỗ tròn ở giữa. Còn ba miếng nữa lại thuộc hình tam giác, mả lại cũng có lỗ tròn ở giữa nữa, cái đó mới quái lạ cho chớ! Theo cái trí não hạ lưu của nó, Xuân Tóc Đỏ, từ lúc lên sáu tuổi, đã biết rằng cái thẹo mà giữa có một chấm thì chỉ là biểu tượng của một cái vật xấu xa, thế mà thôi. Nó đương tủm tỉm cười một cách vô nghĩa lý thì chợt thiếu niên mắng người thợ:

  • Đầu tiên là cái này! Không, cái tam giác cơ, khỉ lắm!

Người thợ ngơ ngác hỏi:

  • Bẩm tam giác là cái gì ạ?

Thiếu niên gắt mắng rầm rĩ:

  • Con khỉ, tam giác là… là cái thẹo! Mà cái thẹo thì là chữ A.

Người thợ lại cãi:

  • Thưa ông lúc nãy ông bảo cái thẹo là chữ U.
  • Im đi, đồ ngu! Cái thẹo lộn xuôi thì mới là chữ U, còn cái thẹo chổng ngược thì chính là chữ A. Thợ thuyền gì mà không hiểu một tí mỹ thuật gì cả! Nghe đây này: Trước nhất anh đóng cho tôi cái thẹo lộn ngược rồi đến cái thẹo lộn xuôi. Thế là A, U tức là Âu. Rồi thì đến cái miếng gỗ vuông có hai lỗ thủng là chữ H, rồi đến miếng gỗ tròn thủng giữa là chữ O, rồi đến cái thẹo lộn ngược là chữ A, tức là Hoá, nghĩa là cửa hiệu Âu hoá! Có thế thôi mà phải dặn đi dặn lại mãi, thợ với thuyền, ngu như lợn!

Xuân Tóc Đỏ vừa sung sướng vì đã tìm thấy chỗ hẹn vừa bất bình ở chỗ bị mắng gián tiếp là đồ ngu! Nó lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, chứ lại chữ với chả nghĩa!” Nhưng nó lại để ý ngay đến một thiếu niên khác, Âu phục kiểu đi trèo núi, vừa đến chào thiếu niên trông nom việc đặt bảng hiệu kia. Hai người bắt tay nhau, tiếng Tây ngậu sị cả phố.

  • Trời ơi, cái óc mỹ thuật của bình dân Việt Nam thật là thảm hại!
  • Nói chuyện mỹ thuật với bình dân thì thật phí lời!
  • Không! Không! ngài là nhà báo, ngài phải nâng bình dân lên cái nghĩa vụ hiểu biết mỹ thuật mới được. Tôi, tôi là một nhà mỹ thuật, tôi đã hy sinh cả một cuộc đời của tôi rồi!
  • Thiết tưởng ảnh hưởng của ngài trong dân gian cũng đã phổ cập đấy chứ!
  • Chưa đủ. Còn phải làm việc nữa, dân ta là một dân tộc lười biếng, không chịu suy xét, không muốn tìm mà hiểu những cái khó hiểu của mỹ thuật, cho nên sức hoạt động của tôi chỉ bành trướng được có chừng. Vậy mà mỹ thuật càng khó hiểu bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu. Thí dụ như ở Ý-đại-lợi và Đức-ý-chí: những nhà danh hoạ được tôn lên làm thần thánh chỉ vì có những tranh nguệch ngoạc khó hiểu, những bức hoạ mà công chúng không hiểu gì là đẹp cả nhưng mà công chúng cứ công nhận là những kỳ công kiệt tác, đến nỗi Mussolini và Hitler cũng phải ghen ghét, lúc lên ngôi độc tài thì việc thứ nhất là đem bỏ tù tác giả những kỳ công ấy mãi cho đến lúc bao giờ ngày hiểu được mỹ thuật thì thôi. Đấy, ngày xem! Bao giờ dân ta đến trình độ ấy! Bao giờ bọn nghệ sĩ chúng tôi được – bị bỏ tù như thế?

Người kia gật gù:

  • Quả vậy!

Người này lại sốt sắng nói tiếp:

  • Chỉ vì trình độ thấp kém của xã hội mà anh em nghệ sĩ chúng tôi phải quay về làm cái việc cải cách y phục nữ là món mỹ thuật dễ hiểu nhất. Bao giờ cả xã hội này biết thưởng thức vẻ đẹp về… bộ đùi của người đàn bà thì mới hiểu giá trị của những bức vẽ khoả thân và do thế, mới hiểu nổi những món mỹ thuật tối cao.
  • Ồ! ồ! Cái đó đúng sự thực quá chứ?
  • À, thế mấy chữ tối tân này, ngài bảo sao? Sự phát minh cuối cùng đấy! Trông lạ lắm chứ? Ấy bình dân chưa hiểu nổi cao quý ở chỗ ấy, ta hãy cứ biết thế đã, bao giờ những kiểu chữ tối tân của tôi mà làm cho đến phái trí thức nữa cũng không đọc nổi, thì lúc ấy mới là sự đắc thắng hoàn toàn của nghệ thuật.

Mới nghe đến đấy, Xuân đã chợt thấy bóng bà Văn Minh thấp thoáng ở nhà trong. Nó bèn rón rén vào thì hai người này cũng theo nó, vừa chuyện trò vừa vào trong cửa hàng.

  • Lạy bà ạ.

Bà Văn Minh gật đầu đáp lại Xuân và bắt tay hai người kia.

  • Ông ngồi chơi. Ông lại có việc gì thế? Dạo này báo lên hay xuống?
  • Tôi lại có việc hệ trọng lắm. Báo lên được 50 số…
  • Thế anh này, anh hỏi gì?

Xuân lúng túng, xoa tay:

  • Bẩm… bẩm… bà lớn Phó Đoan, hôm qua…

Văn Minh cắt ngay:

  • Im! Anh phải gọi là bà Phán, không thì bà không bằng lòng.
  • Vâng! Bà Phán dặn tôi lại đây… nói hộ… với bà…
  • Được, thế anh ngồi đấy mà đợi.

Rồi bà Văn Minh ra hiệu mời ông nhà báo vào bộ sa lông ở tận bên trong cửa hàng. Xuân ngồi xuống một cái ghế sắt bọc vải ở gần cửa. Tuy nó cũng hơi nóng ruột, song được dịp hưởng bằng mắt một bữa tiệc rất hiếm, nghĩa là ngắm nghía những bộ phận kín đáo của phái đẹp mà chỉ có cuộc Âu hoá là dám phô ra. Nào là những cái ngực khiêu khích đeo những cóoc-sê lụa viền đăng ten, nào là những bắp đùi lồng trong những cái bít tất lụa. Nào là áo lót mình, những quần đùi, tóm lại thì là đủ cả những cái có thể gợi xuân tình trong lòng một ông cụ già đã ăn khao bẩy mươi. Những súc lụa trơn và hoa nghìn tía muôn hồng làm cho cửa hiệu có một vẻ vui tươi đặc biệt. Trong cùng thì là cái phòng thử áo bằng ba bề nhung căng, rồi đến xưởng thợ có mấy chiếc máy khâu và một lũ những đàn ông và đàn bà thợ may đi lại làm việc rộn rịp như trong một cái tổ ong…

Một người đàn bà nạ giòng, phấn sáp bôi rất vụng, đứng xem ngoài cửa kính ba phút, rồi vào. Bà chủ hiệu chạy ra đon đả.

  • Thưa bà, bà muốn mua hàng hay may áo…

Bà khách nghĩ một lúc lâu, đoạn dè dặt nói:

  • Tôi muốn… may một bộ áo kiểu mới.

Bà Văn Minh liến thoắng tán:

  • Vâng, chính thế, bây giờ ai cũng phải cải cách y phục cho phù hợp thời trang. Cái lối trang điểm cổ làm cho người ta chóng già, ta phải thay đi mới được. Thưa bà, nếu bà không biết những thuật để giữ gìn sắc đẹp, thì khó lòng mà giữ được hạnh phúc gia đình, vì các cô thiếu nữ ngày nay ăn mặc lối mới cả, thật là một sự cạnh tranh ghê gớm…

Bà khách trợn mắt lên sung sướng vì thấy hợp ý, nghĩ ba phút rồi đáp:

  • Chao ôi! ối chao ôi! Bà nói đúng quá! Các thiếu nữ bây giờ ăn mặc tợn hơn các me Tây khi xưa! Thật là tân thời, thật là đĩ thoã! Chao ôi! Họ cướp mất hạnh phúc của tôi, họ đẹp hơn tôi, họ quyến rũ ông Hàn nhà tôi, bây giờ tôi biết làm thế nào?

Bà tru tréo như sắp cãi nhau với ai, khiến Văn Minh phải xua tay:

  • Ấy chết! Bà đừng nóng nẩy thế!
  • Ông Hàn nhà tôi đêm nào cũng đi theo bọn gái mới thì tôi biết làm thế nào kia chứ, hở Giời!
  • Thưa bà, cái đó rất dễ… Bà chỉ việc… ăn vận như họ…
  • Phải! Phải! Âu là tôi cũng ăn mặc tân thời! Mặc cho thiên hạ sẽ gọi tôi là con đĩ già! Chỉ tại bà, các bà, chủ hiệu thợ may, các bà đầu têu ra mà thôi!

Bà Văn Minh so vai mà rằng:

  • Thưa bà, chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hoá chung của xã hội. Giữa buổi canh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi! Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh phúc gia đình rồi đó không?
  • Thưa bà, thế thì tôi xin may ngay một bộ, bộ nào tân thời nhất! Mà xin bà đừng tính cao giá quá!
  • Vâng! Vâng! Mời bà đi xem các kiểu áo…

Bà chủ đưa khách đi điểm binh các ma nơ canh một lượt.

  • Đây… đây… Tiệm may chúng tôi có rất nhiều kiểu, toàn do những sinh viên mỹ thuật có danh tiếng chế tạo ra cả. Đây, bà cứ xem những biển đề ở tượng là rõ nghĩa lý của từng bộ y phục một. Đây là bộ Lời hứa, nghĩa là để cho thiếu nữ nào mặc bộ ấy có thể hứa với bạn lòng một cuộc hẹn hò vậy. Đây là bộ Chiếm lòng mặc bộ ấy thì ta nắm vận mệnh bọn nam nhi trong tay ta. Đây là bộ Ngây thơ, đây là bộ Dậy thì, toàn cho gái mới nhớn. Từ đây vào là của các bà thiếu phụ, các bậc nội tướng rồi… Thưa bà, đây là bộ Nữ quyền, của người đàn bà lúc nào cũng được chồng khiếp sợ. Còn đây là bộ Kiên trinh, cho những bà quả phụ nhất quyết ở vậy thờ chồng, và đây là bộ Lưỡng lự, cho những đàn bà goá chồng, mà không biết nên thủ tiết hay là thôi. Còn đây, bộ y phục tân thời nhất, vừa được chế tạo ra được mấy hôm nay thôi, chúng tôi chưa kịp kẻ bảng nhưng đã nhất định đặt là Chinh phục, nghĩa là có bộ y phục này, thì ai cũng phải say mê bà, dù là cả đến chồng bà!

Hai người đứng trước một bộ áo quần táo tợn vì may bằng thứ sa mỏng dính màu đen. Bên trong cái quần và cái áo chỉ có cái cóoc-sê và cái quần đùi đen thôi, nên chi cái người đàn bà gỗ tuyệt đẹp ấy để lộ cả một nửa bộ ngực trên, cả hai cánh tay, và từ hai bên bẹn trở xuống cũng rõ mồn một.

Trong khi Văn Minh lộ vẻ đắc chí thì bà khách bĩu môi đứng lặng im, hồi lâu mới nói:

  • Mặc bộ này thì… khó coi lắm!

Lúc ấy nhà mỹ thuật và nhà làm báo cũng đều nghe ngóng. Ông nhà báo nói ngay:

  • Dễ coi lắm thưa bà! Nếu bà mặc bộ này thì không còn một người đàn ông nào lại không chạy theo bà như chạy theo những cô gái ngây thơ!

Nhà mỹ thuật thêm:

  • Chinh phục! Tôi đã phải đặt tên là Chinh phục!

Bà khách lại nói:

-Quần với áo mà đến thế thì chả còn… che đậy gì được mấy tí.

Nhà mỹ thuật lại cãi:

  • Thưa bà, những nguyên tắc về y phục đã thay đổi. Chúng tối mà có thể chế ra kiểu này cũng là vì theo cái quan niệm y phục của các nhà thợ may lớn ở Tây phương. Quần áo để tô điểm, để làm tăng sắc đẹp, chứ không phải để che đậy. Bao giờ… bao giờ mà y phục tiến bộ đến cực điểm đi đến chỗ tận thiện tận mỹ, thì nghĩa là y phục phải không còn… che đậy cái gì của người đàn bà nữa!

Trước sự hoài nghi của bà khách, bà chủ phán thêm:

  • Nếu bà có sợ mới quá thì bà cứ việc chờ những lúc ông Hàn nhà ta sắp đi chơi là bà mặc nó vào rồi đứng soi gương trong nhà thì cũng đủ cho ông Hàn nhà ta phải mê tơi.

Bà khách gật gù:

  • Phải! Phải đấy! Dễ phải đến thế thì mới có công hiệu.

Văn Minh lại nói:

Thưa bà, hạnh phúc của gia đình có gì khác, nếu nó không là hạnh phúc của vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào cho vợ chồng có hạnh phúc?

  • Phải lắm!
  • Bởi thế cho nên chúng tôi phải chế thêm cả những kiểu mới và những thứ quần áo lót mình ở bên trong chứ không phải chỉ cái cách bề ngoài như lời công kích của bọn đạo đức hủ lậu đâu. Nếu bà lại dùng cả những áo lót mình của hiệu chúng tôi thì ấy là bà đã biết những bí thuật giữ chồng rất mầu nhiệm.
  • Đâu? Xin bà cho chúng tôi xem, chúng tôi may một thể vậy.

Văn Minh dẫn bà khách quay lại cái tủ kính ở phía sau lưng và giở ra một đống những quần đùi, cóoc-sê, áo lót dài, áo lót mình ngắn, băng buộc vú, vân vân…

  • Đây là cái áo Ỡm ờ… Đây là cái quần Hãy chờ một phút… Đây là cái áo lót Hạnh phúc, đây là cái coóc-sê Ngừng tay. Bà xem! Ngoài cửa hàng Âu hoá chúng tôi, làm gì có hiệu nào săn sóc đến hạnh phúc của phái đẹp một cách chu đáo?

Bà khách gật đầu lia lịa mà rằng:

  • Vân, tôi xin vâng! Tôi xin Âu hoá theo văn minh, ăn vận theo tiến bộ! Xin gọi phó may lên và tôi vào buồng thử!!

Văn Minh chỉ nhà mỹ thuật:

  • Bẩm đây, phó may đấy! Một nhà tài tử nguyên sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương để hầu hạ cho cái sắc đẹp của các bà!

Nhà mỹ thuật cúi đầu rất thấp mà rằng:

-Xin mời bà đi theo tôi, tôi rất được hân hạnh.

Rồi hai người vào cái buồn kín che bằng nhung.

Để Xuân cứ ngồi ngáp dài, Văn Minh còn cãi nhau với ông nhà báo đã.

  • Thưa ông, nếu ông tăng tiền quảng cáo thì quá lắm.
  • Thưa bà, ấy là bà nhầm. Báo của tôi mỗi ngày một tăng độc giả, cái danh giá của chúng tôi mỗi ngày bị bọn bảo thủ làm cho tiêu đi mất một tị, thế là chỉ lợi cho bà. Vả lại số người theo mới cứ tăng…
  • Thưa ông, đó là sự tự nhiên, mà có lợi thì lợi cho các ông chứ cho gì riêng tôi mà ông lại…
  • Không! Lợi nhất cho bà và những ai cùng nghề với bà!
  • Ông hô hào đổi mới, người ta theo mới thì lợi cho các ông đã chứ?
  • Không, lợi nhất cho bà, tôi đã nói thế.
  • Ông tưởng thế, chứ báo của ông đã có ảnh hưởng gì? Chắc đâu…

Nhà viết báo đến đây, sùi bọt mép ra vì tức giận:

  • Không có ảnh hưởng, bà bảo? Thế bà xem xã hội bây giờ tiến hoá đến đâu? Bà có đọc báo hàng ngày đó không? Bao nhiêu vụ ly dị! Bao nhiêu cuộc ngoại tình? Con gái theo giai đùng đùng đàn ông chê vợ hàng lũ, lại vừa có cả một ông huyện treo ấn từ quan để theo một cô gái tân thời, như thế, tôi tưởng là báo chúng tôi có ảnh hưởng quá nữa! Ngày nào cũng có một tiệm khiêu vũ mới mở…

Đến đây thì bà Phó Đoan vừa lúc bước vào. Xuân Tóc Đỏ vủng đứng lên. Văn Minh cũng mặc ông nhà báo đứng đấy với mọi cái ảnh hưởng của tờ báo.

  • Cháu! Cháu!…
  • Lạy dì… À, dì vào đây cho cháu nói khẽ cái này!

Bà dì và cô cháu đem nhau ra một góc tận đằng xa… Ông nhà báo cầm mũ ra thẳng với sự giận dữ và sự nhận chân ra cái chân lý: nghề viết báo là một bạc nghệ. Xuân Tóc Đỏ đi đi lại lại có vẻ đợi chờ…

  • Dì dặn cái thằng ấy đến đây làm gì thế?
  • À, thế thì dì đã bảo là để cháu nhận nó giúp việc thì dì cho xây cái sân quần ở nhà để dì cháu ta tập mà lại?
  • Vâng, nhưng mà xây sân quần thì cũng phải ít lâu nữa chứ? Ai mượn ngay nó làm gì cho tốn cơm tốn tiền?

Bà Phó Đoan ngẩn người ra mà rằng:

  • Ừ nhỉ? Nhưng mà bắt đợi chờ thì nó chết đói mất!

Hồi lâu, bà mừng rỡ thì thào vào tai cháu:

  • Hay là thế này, Trước khi có sân quần, ta hãy… như thế, như thế, thì không sợ cơm toi. Cháu nghĩ sao?

Ấy thế là Xuân Tóc Đỏ bắt đầu dự vào cuộc cải cách xã hội.

Số đỏ – Chương V

BÀI HỌC TIẾN BỘ CỦA XUÂN TÓC ĐỎ
HAI QUAN NIỆM VỀ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
VÂNG TÔI, TÔI LÀ NGƯỜI CHỒNG MỌC SỪNG!

Ông chủ, bà chủ đã cùng với mấy bà tân thời và mấy ông du học sinh lên một chiếc xe hơi đi lên hiệu khách ăn cơm.

Bọn thợ may, các cô khâu, đã lũ lượt kéo nhau ra về.

Đồng hồ đánh 12 tiếng.

Ngoài Phố, trên các cây sấu, những con ve sầu nhất định phá giấc ngủ trưa của các quý quan.

Xuân Tóc Đỏ tự hỏi: “Thế này thì nước mẹ gì?” Nó đi đi lại lại, ôn những lời dặn bảo của chủ nó.

  • Trước khi có thể giúp chúng tôi về thể thao, anh hãy cố sức giúp xã hội trong cuộc Âu hóa. Anh phải nhớ kỹ rằng hôm nay trở đi thì anh đã dự một phần vào cuộc cải cách xã hội rồi. Từ đây mà đi xã hội văn minh hay dã man là trách nhiệm ở anh! Vậy anh nên làm ăn chăm chỉ, phải trông nom hết tất cả mọi việc, và nhất là phải hiểu những công việc mình làm.

Ông chủ thời nói một cách cầu kỳ đại khái thế. Giản dị hơn nữa, bà chủ chỉ bảo Xuân:

  • Thế nghĩa là lúc nào rỗi thì cầm cái chổi này (bà đưa luôn ngay ra một cái phất trần) mà phủi bụi những súc lụa, những quần áo ở ma nơ canh. Phải biết cái gì là vệ sinh, đừng để cửa hiệu rác rưởi, bụi bậm.
  • Vâng ạ.

Nhà mỹ thuật lại dặn:

  • Cần hơn nữa là anh phải biết tên các đồ hàng, các mốt y phục, để cho khác vào hàng thì có thể chỉ bảo cho khách có một cái gu?
  • Bẩm cái gu là cái gì ạ?

Nhà thẩm mỹ đã ấp úng, phải vỗ tay vào trán mấy cái, rồi mới nói:

  • Nghĩa là… nghĩa là cái thích, cái sở thích, cái… cái quan niệm về mỹ thuật.
  • Bẩm, tôi vẫn chưa hiểu.
  • Anh không hiểu thì phải cố mà hiểu! Thế là thế này: Anh phải thoáng trông thấy một bộ quần áo là nhớ ngay đến tên của nó, để mà có thể tán cho khách nghe vui tai. Anh phải biết cái phận sự của người văng-đơ, nghĩa là người bán hàng! Mỗi khi có một người bằng lòng may một bộ y phục tân thời, thế là nước nhà lại có thêm một người tiến bộ.
  • Bẩm, như thế thì ra tôi lại phải biết cả các mặt hàng tơ lụa hay là bà này nên may mặc ra làm sao, cô kia nên may mặc ra làm sao?

Nhà mỹ thuật trợn mắt, so vai, trỏ mặt Xuân:

  • Lạm quyền! Lạm quyền! Đấy là công việc của tay-ơ 1 là của tôi! là của một mình tôi! Một mình tôi mà thôi! Đây này… anh ra đây.

Xuân bị lôi đến trước một chiếc ma nơ canh. Nhà mỹ thuật nói:

  • Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Anh đọc thật to lên!

Xuân nhắc lại như một con vẹt học một bài học thuộc lòng:

  • Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì! Hở cánh tay và hở cổ là Dậy thì!

Nhà mỹ thuật gật gù hài lòng và lôi Xuân ra một cái ma nơ canh khác:

  • Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Đọc cho quen mồm đi!
  • Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ!
  • Tốt lắm! Anh cứ chịu khó học như thế vài lượt là thuộc mặt chữ, à quên, không! là đã thuộc lấy kiểu mới mà nghệ thuật đã chế tạo đó. Từ đây mà đi thì cuộc Âu hóa trông cậy vào cái óc thông minh của anh. Đây này, bộ này là bộ Kiên trinh, cho những vị quả phụ nào nhất định không đi bước nữa, cho nên quần áo kín đáo trông nghiêm nghị, cổ áo lá sen lòe xoè che kín cả hai đường hằn của đôi vú. Bên cạnh thì là bộ Lưỡng lự cho nên cổ áo kiểu khăn san thì che kín thân áo về một bên vú mà để hở hẳn thân áo về một bên. À quên, anh đọc nổi những chữ kẻ ở bảng này đấy chứ?
  • Bẩm vâng, chữ này kiểu cũ, tôi đọc được.
  • Thôi, thế tôi để nguyên một mình anh với ainh!

Trước khi ra đi, bà Văn Minh còn dặn:

  • Anh lấy cái bảng có chữ Đóng cửa buổi trưa mà treo tủ kính rồi anh ngồi trông hàng. Có ai vào thì tiếp, ai hỏi thì nhớ lấy rồi ra bảo tôi.

Thế rồi… cả bọn ra đi.

Xuân Tóc Đỏ đã hiểu rõ cái địa vị mình rằng trong cuộc Âu hóa, trong cái việc cải cách xã hội, nó chỉ là một anh loong toong. Nó không bất mãn ở chỗ ấy nhưng ở chỗ người ta không nhớ rằng nó cũng cần phải nghỉ nghơi cơm nước như mọi người khác. Nó thấy đói lắm. Nó rất muốn trông thấy bà Phó Đoan, nhưng bà đã lên xe hơi với con chó yêu quý của bà từ bao giờ… rồi.

Nó đi đi lại lại trong cái cửa hàng vắng tanh êm ả, miệng nó lầm bầm mấy lần: “Chả nước mẹ gì cả!” Rồi nó cầm cái chổi phất trần, lần lượt phủi bụi cho những chiếc ma nơ canh. Nó đọc rất to, lại lai nhai giọng hò như tiếng ê a của trẻ con học bài thuộc lòng chữ Hán vậy. Có điều đáng lạ là bài nó học chính tự nó đặt ra.

  • Mẹ kiếp! Quần với chả áo! – Cái này là cái gì? À Lời hứa!… thắt đáy, nở ngực, nở đít… phải phải! Thắt đáy, nở ngực, nở đít là Lời hứa Hở ngực, hở tay, hở đùi là Chinh phục! Hở ngực, hở đùi là Chinh phục! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ!

Cái chổi vướng cái đinh rơi xuống đất. Nó cúi nhặt, mồm vẫn đọc thật to:

  • Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở… hở là… Ngây thơ!

Giữa lúc ấy có một thiếu phụ còn trẻ tuổi lắm, đẩy cửa sầm sầm bước vào hàng. Hai người nhìn nhau kinh ngạc một lúc, rồi thiếu phụ cất cao giọng hỏi:

  • Ông… ông là ai?

Xuân Tóc Đỏ ưỡn ngực lên, giấu cái chổi lông gà sau lưng, nghiêm trang:

  • Tôi?… Là… là… một người dự phần trong việc Âu Hoá.
  • À!
  • Một người cải cách xã hội… có trách nhiệm quốc dân văn minh hay là dã man.
  • À, thế thì tốt lắm!
  • Thế cô muốn gì? Cái quần Hãy chờ một phút nhé?
  • Tôi có chồng rồi! Tôi không chờ được phút nào cả.
  • Vậy bà muốn gì, thưa bà?
  • Chồng tôi! Cải cách! Âu hoá! Chồng tôi đâu?
  • Bẩm thế là ai?
  • Ông Típ… fff… ạ!
  • Ông gì ạ!
  • Ông Típ Phờ Nờ!

Xuân Tóc Đỏ ngẩn mặt ra như người bằng gỗ đến năm phút rồi mới hỏi lại:

  • Bẩm ông… Ông Típ Phờ Nờ?
  • Phải! Chính thế. Ông ấy đâu?
  • À, đây không có ai tên là ông Típ Phờ Nờ ạ!
  • Có lắm. Chính là ông mỹ thuật Đông Dương, ông cai thợ may, cái ông vẫn ký tên ở các báo mục phụ nữ là TYPN, nghĩa là: Tôi yêu phụ nữ! Ông cải cách xã hội mà lại còn không biết? Thế ông cải cách từ bao giờ?
  • À, bẩm thế thì có. Nhưng mà ông ấy vừa đi đâu…
  • Thế thì tôi chờ.
  • Vâng, xin bà cứ tự nhiên, cái đó vô hại.
  • Ông trông hộ xem quần áo tôi may thế này đã có gì là tân thời chưa?

Xuân Tóc Đỏ nhìn qua cái áo giản dị, cổ áo không thuộc mốt lá sen cũng như không thuộc mốt bánh bẻ, cái quần trắng giản dị kín đáo, đôi giầy nhung đen không cầu kỳ mấy, thì chỉ thấy nó có vẻ đứng đắn thôi. Vì trong óc nó có sẵn thành kiến là cái gì nhố nhăng thì mới là tân thời, nó bèn đáp:

  • Bẩm, trông bà chỉ có vẻ lương thiện, đứng đắn thôi chứ không tân thời mấy ạ.
  • Có phải thế không, hở ông?

Xuân gật đầu lia lịa:

  • Vâng ạ! Vâng ạ! Thế thì cổ lắm, chưa được Âu hoá mấy! Bà là vợ ông Típ Phờ Nờ mà ăn vận thế, e còn là hủ lậu đấy… Thế bà chưa biết rằng ông nhà đã chế ra nhiều kiểu rất tân tiến hay sao? Nào là Ngây thơ, Chinh phục, Lưỡng lự, Chờ một phút, Ỡm ờ, Ngừng tay, nhiều kiểu lịch sự lắm, bà ạ.

Thiếu phụ nghiến rít hai hàm răng lại mà nói:

  • Chồng tôi áp chế tôi lắm! Tôi không chịu nổi nữa!
  • Thưa bà, thế là một sự trở ngại trên đường tiến hoá! Mà muốn phản đối lại việc ấy, bà chỉ còn có một cách là chiếu cố đến bản hiệu mà may ngay một bộ quần áo gọi là Nữ Quyền! Mặc nó vào, người vợ sẽ được chồng khiếp sợ… Văn Minh đã bảo thế!
  • Ông là người có học thức lắm. Ông nói văn vẻ y như viết văn Tây! Vậy thì ông hết sức che chở cho tôi trong cuộc Âu hoá nhé?

Xuân Tóc Đỏ cúi xuống rất thấp:

  • Chúng tôi rất được hân hạnh.

Thiếu phụ sung sướng cả cười:

  • Chà! Ông phong nhã quá đi mất!
  • Thưa bà, hạnh phúc có gì là khác, nếu nó không là hạnh phúc của vợ chồng? Nếu ái tình đến thời kỳ phai nhạt thì làm thế nào cho vợ chồng có hạnh phúc?
  • Ấy chính thế đấy! Nếu ông TYPN cứ cấm đoán mãi tôi, thì chắc không thể yêu được mãi ông ấy như vào ngày mới cưới nữa.
  • Thưa bà, chúng tôi không phải chỉ cải cách bề ngoài như lời dèm pha của phái đạo đức hủ lậu đâu. Vả lại…thưa bà… tiến theo luật tiến hoá chung của xã hội… giữa buổi canh tân này, cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi… Quần áo để làm tăng vẻ đẹp, không cốt che đậy…

Xuân Tóc Đỏ đương mở máy nói như một cái kèn hát thì cánh cửa kính bị đẩy tung ra. Nhà mỹ thuật sầm sầm chạy vào, có nhà viết báo đi theo.

Nhà mỹ thuật giờ tay lên trời mà than dài:

  • Ôi! Phong hoá suy đồi!

Đoạn về sau lưng giơ tay lặng lẽ phân vua với nhà viết báo. Ông này cho đó là cơn ghen đích đáng của những nhà nghệ sỹ chân chính (những nhà nghệ sĩ là hay cả ghen lắm) liền phịu mặt, khẽ nói:

  • Thật không thể tha thứ được!

Nhưng nhà mỹ thuật lại hiểu câu ấy theo ý riêng chứ không phải do lòng ghen tuông. Ông vồ lấy câu ấy mà nói:

  • Thật không thể tha thứ được

Nhưng nhà mỹ thuật lại hiểu câu ấy theo ý riêng chứ không phải do lòng ghen tuông. Ông vồ lấy câu ấy mà nói:

  • Có phải thế không, anh? Vợ tôi? Chính vợ tôi? Chính vợ tôi mà lại ăn mặc tân thời như thế này? Hở Giời? Quần trắng nữa ư? hở Giời? Đường ngôi lệch, bôi môi hình quả tim ư? Hở Giời? Đồ đĩ! Đồ khốn nạn! Đồ…

Xuân Tóc Đỏ giơ tay ngăn:

  • Thưa ngài, tôi xin che chở phái đẹp trong cuộc Âu hóa!

Bà vợ nhà mỹ thuật lúc ấy tức giận như vợ những nhà mỹ thuật mà rằng:

  • Thôi đi, anh là đồ ngu! Anh hô hào đổi mới, Âu hoá, anh cổ động phái phụ nữ phải cải cách y phục theo mốt của anh, phải đánh phấn bôi môi theo cách thức của anh, thì tôi, tôi cũng là một phụ nữ mặc dầu tôi chỉ là vợ anh! Tôi là người đàn bà! Khắp bàn dân thiên hạ này ai cũng có thể làm chứng cho tôi rằng tôi là phụ nữ, chính tôi cũng là phụ nữ! Ai bảo không? Ừ, có ai dám chối không? Tôi thách ai dám bảo tôi không là đàn bà đấy?

Nhà mỹ thuật xua tay:

  • Biết rồi! Biết rồi… Câm đi! Thối chưa!
  • Tôi không câm có được không?
  • Câm đi, đồ ngu! Khi người ta cổ động đàn bà thì phải biết là cũng có năm bảy thứ đàn bà! Khi người ta nói phụ nữ… là nói vợ con chị em người khác, chứ không phải vợ con chị em của ta! Mợ đã hiểu chưa? Người khác thì được, mà mợ, mợ là vợ tôi, thì mợ không thể tân thời như người khác được!

Bà Typn cãi:

  • Thế thì tôi không hiểu nữa đấy! Vô lý!

Nhà mỹ thuật quay sang cầu cứu nhà viết báo. Ông này cắt nghĩa:

  • Thưa bác, ta nên chia gia đình với xã hội ra làm hai.
  • Thế sao bác cũng chủ trương cải cách trong báo của bác?
  • Là vì tôi cũng như bác giai. Phụ nữ nghĩa là vợ con chị em người khác chứ không phải vợ con chị em của tôi. Gia đình tôi thì cứ phải theo cổ, không được có hạng đàn bà ăn mặc tân thời nay khiêu vũ, mai chợ phiên, rồi về nhà chửi lại mẹ chồng bằng những lý thuyết bình quyền với giải phóng!

Ông nhà báo nói một cách quả quyết như những nhà văn sĩ cấp tiến làm cho nhà mỹ thuật cũng hăng hái nói tiếp:

  • Đối với tôi ấy à?… Đàn bà cứ nhốt trong buồng, mợ đã hiểu ra chưa?

Vợ nhà mỹ thuật thất thanh kêu:

  • Giời ơi! Có thể như thế được chăng?

Nhà viết báo giơ hai 2 tay lên không khí, ra vẻ sốt ruột:

  • Giời ơi! thì chỉ có thế mà mãi không hiểu?

Nhà mỹ thuật lại tấm tức nói ngay:

  • Rõ đồ khốn! Tưởng bở! Đòi nay mốt này, mai mốt khác để làm túi cơm giá áo à? Đã ăn hại chồng mà lại bắt chồng nay sắm thứ này, mai sắm cái khác để làm cho chồng phải khổ sở rồi không kiếm ra tiền để diện thì “đi khách” lấy tiền! Đừng có học đòi! Đừng có lãng mạn!

Rồi nhà mỹ thuật quay lại chỉ vào mặt Xuân:

  • Tôi đã bắt được quả tang anh dùng những văn chương bóng bẩy ra mê hoặc vợ tôi, định làm cho vợ tôi trụy lạc, định làm tan nát gia đình nhà tôi đấy nhé! Anh cứ liệu cái thần hồn!

Sau cùng thì ông lôi lấy tay vợ ông, kéo sềnh sệch ra cửa, hầm hầm gắt mắng:

  • Mau! Đi về ngay! Về cởi cái quần trắng ra ngay! Không có mà không vợ, không chồng gì nữa đâu.

Nhà viết báo cắp cặp chạy theo cặp vợ chồng ấy nốt.

Còn lại một mình trong phòng, Xuân Tóc Đỏ ôm đầu nghĩ ngợi, băn khoăn không hiểu nghĩa lý cái việc cải cách của ông cai thợ may ra làm sao. Nó đương lo điên người lên ở chỗ ông ta thù thì không biết có mất việc không, thì thấy một người đứng tuổi, quần áo nho nhã ra vẻ một thầy ký kiết, rón rén đẩy cửa vào, khẽ nói ra vẻ bí mật:

  • Kính chào ngài! Thưa ngài, tôi, tôi là một người mọc sừng!

Tưởng mình ngủ mê, Xuân Tóc Đỏ dụi mắt một mấy cái. Người kia lại nói một cách thân mật:

  • Vâng, chính thế, tôi là một người chồng mọc sừng.

Xuân hoảng hốt:

  • Ngài mọc sừng?
  • Bẩm đích thị như thế thật đấy ạ.

Xuân Tóc Đỏ sờ lên đỉnh đầu người ấy rồi ngơ ngác:

  • Ơ ờ! Ngài chỉ nói đùa chứ ngài có mọc sừng đâu!

Người lạ mặt để tay lên mồm làm một cái suỵt. Rồi thì thào:

  • Xin ngài hiểu cho rằng nói thế là nói bóng gió. Còn muốn nói cho dễ hiểu thì thế nghĩa là: vợ tôi đi ngủ với giai.
  • Ủa!
  • Vâng, Người Pháp bảo những người chồng có vợ ngủ với giai là những người mọc sừng! Thưa ngài, vợ tôi hư hỏng lắm, dễ tôi đến phải tự tử mất.
  • Ấy chết!
  • Nhưng trước khi tôi tự tử thì tôi phải làm được việc gì oanh liệt đã. Muốn thế, tôi phải nhờ ngài giúp cho một tay.
  • Thưa ngài, thế ngài là ai?
  • Tôi là một ông phán dây thép, ngài cứ biết thế. Tôi lại có họ với ông Văn Minh. Tôi được bà Phó Đoan mách rằng ngài là một người thông minh, có học thức, bụng dạ lại hào hiệp, nên trước khi đến sở, tôi vội tạt vào đây, mong ngài giúp cho…
  • Việc gì thế ạ?
  • Bẩm một việc rất dễ ạ. Bẩm hễ ngài cứ trông thấy tôi ở đâu (mà tôi còn gặp ngài) thì ngài cũng chỉ cần trỏ vào mặt tôi mà nói rằng: “Thưa ngài, ngài là một người mọc sừng.” Có thế thôi.
  • Chết nỗi, tôi chả dám. Cần gì phải tự bị mọc sừng một cách rầm rĩ thế?
  • Tôi lạy ngài, ngài cứ thế cho. Tôi xin thuê ngài một chục bạc! Đây, tôi xin đưa trước năm đồng.

Nói xong, người ấy tức khắc để vào tay Xuân một tờ giấy bạc con công.

Xuân Tóc Đỏ còn ngẩn người ra thì ông phán dây thép ấy đã cắm cổ tháo lui một cách bí mật cũng như những người mọc sừng khác.


1 Thợ may
2 Trong sách in là “giơ hay tay” nhưng chắc in lộn. Sách nào có nhiều lỗi, idle gõ như nguyên văn bản, nếu idle sửa thì sẽ để số ghi chú

Số đỏ – Chương VI

LẠI CHUYỆN SÂN QUẦN
TRONG NHÀ MỘT GIA ĐÌNH VĂN MINH
XUÂN TÓC ĐỎ NHẢY VÀO KHOA HỌC

Ba người cùng đứng ở cửa sổ nhìn xuống sân.

Bà Phó Đoan chỉ tay huyên thuyên nói:

  • Đấy, anh chị xem! Ba công thợ rồi đấy. Mà chỉ mới được có thế! Không biết đến đời nào mới xong một cái sân quần!

Văn Minh chồng nói:

  • Dì đừng nóng ruột, vì xây một cái sân quần không phải là việc chốc lát.

Văn Minh vợ cũng họa theo:

  • Vả lại dì cháu ta có vội gì đâu! Bao giờ xong thì ta tập, ấy chỉ có thế.

Cái sân mới hơi hơi thành hình, vì người ta mới đổ nền bằng gạch đập vụn và tưới một vài nước bích toong(1). Chung quanh khu vườn vuông ấy, những cây chanh, những cây hồng, và cỏ, đều bị phạt đi, bị cuốc lên nằm ngổn ngang bừa bộn như trong một cảnh tàn phá. Bà Phó Đoan đã phá khu vườn hoa để xây cái sân quần ấy, chẳng bởi lòng hâm mộ thể thao mà thôi. Nhưng mà còn vì lẽ gì, cái đó đã có đấng Thượng đế biết rõ. Tuy vậy, bà cũng nói:

  • Ngót tám trăm bạc một cái sân, chả biết thế là rẻ hay đắt!

Văn Minh vợ vội nói ngay:

  • Không đắt đâu, dì ạ. Dì cứ nhớ lại những lúc các hội thể thao hết diễn kịch lại quyên tiền mà có mấy cái sân quần cũng mãi chẳng xây xong… Thế mà dì cho xây sân quần này chưa đến tám trăm, tưởng cũng là rẻ.

Cho rằng bà Phó Đoan làm việc ấy chỉ vì lòng hâm mộ thể thao và yêu chuộng cô cháu nghĩa là vợ mình, ông Văn Minh thấy cần nói những câu ân nghĩa để đối phó với một sự nhờ vả. Ông uốn lưỡi bẩy lần trong miệng rồi mới tán:

  • Vả lại dẫu có đắt nữa thì cũng không nên phàn nàn. Biết đâu rằng sau khi nhà này có sân quần thì cuộc đời của dì lại không bắt đầu vào một kỷ nguyên mới? Rồi nhà này sẽ biến thành một nơi tựa như một câu lạc bộ, một chỗ họp mặt, một chỗ hẹn hò của những kẻ thượng lưu trí thức trong nước để làm việc cho xã hội một ngày một tốt đẹp văn minh thêm lên! Dì làm những việc ấy không những có lợi cho thanh danh của dì, nhưng mà cũng còn săn sóc đến cái tương lai của em Phước nữa. Theo ý tôi thì trẻ con thời buổi này cần được hưởng tất cả mọi sự giáo dục mới mẻ của văn minh, được giáo huấn về xác thịt cũng như về tinh thần. Xưa kia các cụ chỉ nghĩ đến khối óc mà thôi, đó là một sự sai lầm rất tai hại.

Ông ta nói thế một cách liến thoắng trôi trẩy như nước suối, sốt sắng như những người không thành thực chút nào cả, đến nỗi bà Phó Đoan nghe xong, tuy chẳng hiểu quái gì, nhưng cũng thấy êm tai, và nhất là sung sướng, vì cả hai bên cùng làm khác với ý nghĩ mà lại có vẻ như hiểu rõ bụng tử tế của nhau lắm. Việc xây sân quần mà lại để cho xã hội văn minh thì bà có cần gì?

Ba người quay vào buồng khách, ai cũng hài lòng như ai.

Tự nhiên bà Phó Đoan hỏi:

  • Này cái anh chàng Xuân xem chừng cũng được việc đấy chứ?

Cô cháu đáp:

  • Hắn thông minh lắm! Mới vào làm có vài ngày mà khách khứa xem ý ai cũng mến.

Bà Phó Đoan sung sướng mà rằng:

  • Số anh ta tốt lắm đấy! Ở đâu là vui vẻ đấy, thịnh vượng đấy.
  • Thế à! Có lẽ đúng thật! Từ hôm có hắn thì quả nhiên khách may mặc cũng có đông hơn lên.

Ông cháu rể ôn tồn:

  • Được cái mồm miệng hắn cũng nhanh nhẩu.

Bà Phó thêm:

  • Có người đi đến đâu chết trâu đến đấy, anh ta thì đi đến đâu cũng vui vẻ đến đấy, âu cũng là tại số, chỉ thương hại về nỗi bồ côi sớm, chứ không nếu được ăn học, tất cũng nên người như ai.

Ông Văn Minh sửng sốt phản đối:

  • Thì sao? Dì bảo sao? Việc gì mà phàn nàn? Làm nghề nhặt ban hay giúp việc cho hiệu may thì cũng đều giúp cho xã hội tiến bộ cả! Hắn có bồ côi như thế thì sau này có được chút danh vọng gì mới càng đáng quý. Còn những ông con quan, những ông nhà giàu, mà sau này được hiển vinh, thì còn gì là lạ? Hắn có thể tự hào là Bình dân! Bây giờ mà nói đến quý phái, trưởng giả là cổ hủ, là không đúng mốt nữa! Khắp thế giới, đâu người ta cũng chỉ coi trọng Bình dân thôi! Để chỗ cho Bình dân! Bình dân vạn tuế!

Nghe những câu nói ấy, bà Phó Đoan cũng thấy ông cháu rể là văn minh, tân tiến, rất xứng đáng với chức du học sinh, tuy không có văn bằng. Bà ôm lấy con Loulou vào lòng một cách thân yêu như ôm một người tình nhân, ngáp dài một cái, rồi nói:

  • Bảo lại mà sao mãi không thấy.

Ông Văn Minh ngửa đầu tựa thành ghế lấy điếu thuốc Ăng-lê thứ mười tám ra để lên miệng, oai vệ quệt diêm. Vợ ông ta để cả hai chân lên bàn – cái bàn lùn tìn tịt – đài các y như những phụ nữ tân tiến khác, và hỏi:

  • Quái, sao buổi chiều hôm nay chả thấy ai đến chơi thế nhỉ?
  • Chắc lát nữa thể nào có vài người bạn tôi đến chơi đây.
  • Ai? Nhưng ai hở mình?

Bà Phó Đoan cũng hỏi:

  • Ai? Phái mới hay phái cũ?

Văn Minh đáp:

  • Anh đốc Trực Ngôn với lại Joseph Thiết, với lại một vài người bạn nữa.
  • À!
  • Những người đã được tôi giới thiệu cho dì và muốn lại đây đáp lễ…
  • Hay lắm !

Reo thế rồi, bà Phó với tay lên cái quả điện để bấm chuông. Khi người bếp chạy lên, bà ra một cái lệnh:

  • Đi mua nước đá và sửa soạn đồ nước! Mở rộng cái cửa chính ra! Xích cổ mấy con chó vào một chỗ, mau lên!

Cái quạt trên trần nhà quay tít làm cho những thớ lụa ở những thứ quần áo mỏng gần bằng giấy hút thuốc lá cứ mấp máy nhảy như sóng gợn một cách rất mỹ thuật trên da thịt trắng trẻo của hai phụ nữ cùng tân tiến như nhau, mặc lòng tuy có khác xa nhau. Tiếng quả lắc đồng hồ tăng thêm sự tĩnh mịch của gian phòng. Với con chó Tây trong cánh tay, với hai con mắt mơ màng nhìn lên chiếc quạt, bà Phó Đoan có vẻ là linh hồn nước Việt Nam trên đường tiến hoá và giải phóng. Minh và Văn thì cứ uể oải nhọc mệt như những kẻ không bao giờ phải nhúng tay vào một việc gì nặng nhọc, mặc dầu đã bao lâu nay rồi, cả hai người vẫn phải làm những công việc của tứ khoái một cách rất văn minh và vẫn cổ động xuông cho chủ nghĩa bình dân.

Một tiếng chuông dài kêu ran lên ngoài dàn thiên lý làm cho bà chủ nhà ngồi nhỏm dậy. Mấy phút sau, một ông già lò dò bước vào, hai vợ chồng Minh và Văn đứng lên thì bà Phó đon đả:

  • Lạy cụ! Thật không ngờ hôm nay cụ Hồng lại quá bộ đến chơi với em!

Cụ Hồng chưa kịp đáp đã giữ lấy ngực để ho sù sụ lên một hồi dài ghê gớm như sặc thuốc lào. Tuy giữa mùa hè, cụ cũng mặc áo bông và đi giầy da. Cụ vào thì một bầu không khí sặc lên những mùi dầu bạc hà cũng theo cụ mà vào phòng. Trên ngực cụ có mấy cái cuống huy chương.

Cặp vợ chồng Văn Minh đưa mắt nhìn nhau rất chán nản, vì cụ Hồng chính là ông bố. Xưa kia, cụ là một ông phán. Sau khi hưu trí, nghiệm rằng cụ đã giúp nước phò vua trong 30 năm tròn, Nhà nước bèn ân thưởng cho cụ cái Hồng lô tự thiếu khanh. Cụ đã là một người dân bảo hộ trung thành, một viên chức gương mẫu, một người cha nhân từ vì sợ sệt con cái như một người nô lệ. Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ ra cụ hoàn toàn là người Việt Nam.

Chí bình sinh của cụ Hồng chỉ là được làm một cụ cố. Cho nên chưa 50 tuổi, cụ cũng đã làm ra vẻ già cả sắp chết: ra phố là cụ phải mặc áo bông, chưa đến mùa rét cụ đã khoác cái áo ba đờ xuy dầy sù; trước khi trả tiền cho phu xe, cụ phải ôm ngực ho rũ rượi hàng năm phút và đến nhầm một xu để phu xe tưởng cụ đã lẫn lộn; nằm dài bên kay đèn thuốc phiện, nghe ai nói chuyện, cụ cũng nhắm nghiền mắt lại, nhăn mặt khẽ gắt: “Biết rồi, biết rồi, khổ lắm, nói mãi!…” mặc dầu cụ chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, mặc dầu cụ vẫn vui lòng lắng tai nghe. Cũng như nhiều người phú quý có tiền cho con sang Tây “học một cái chơi”, cụ Hồng kính phục con cụ lắm. Sau những buổi cơm, cụ thường đem chuyện con giai cụ ra làm món đét-se, mặc dầu con giai cụ chỉ là ông Văn Minh. Cụ cũng tiu nghỉu ở chỗ con cụ không kiếm nổi mảnh văn bằng nào, nhưng khi nghe con cụ cãi rằng: “Học thức không ở văn bằng. Những người như Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh, mà khảo đến bằng, thì thành ra vô học hay sao?” thì cụ lại được yên tâm. Ngoài ra cụ lại còn kính thờ con cụ ở chỗ con cụ là một nhà cách mệnh trong vòng pháp luật vì làm như Văn Minh đương làm, chính là cải cách xã hội một cách tha thiết mà có công hiệu, mà lại không sợ tù tội hay mất đầu như những nhà cách mạng, những người ngu dại mưu hạnh phúc cho đồng bào mà chẳng làm cho đồng bào được biết cái gì là nhảy đầm, cái gì là y phục tối tân. Ngần ấy điều kiện đã khiến cụ Hồng trung thành với ông con trai đã Pháp du của cụ cũng như trung thành với nước Đại Pháp, và nhắm mắt tin theo văn minh chằng kém những người hủ lậu và ngu dốt khác, những kẻ chẳng hiểu văn minh là cái quái gì. Cụ đã xưng toa moa với con, hết sức hoan nghênh đủ mọi việc và đủ mọi cử chỉ Tây Tầu của con cụ.

Bà Phó Đoan giơ tay cho cụ Hồng vịn mà đi vào. Sau khi rón rén ngồi xuống ghế một cách lật đật như một cụ cố chính hiệu – có thứ cố chính hiệu cũng như có thứ cố giả hiệu – cụ bèn hỏi:

  • Thế toa đến đây từ bao giờ thế hở toa?

Con giai cụ đáp trống không:

  • Lúc nãy.

-Moa đi tìm toa có việc cần. Cụ via nhà ta dễ sắp… về. Bây giờ tưởng đã đến lúc tìm một vị y khoa bác sĩ để trước khi cụ via chết, cụ via cũng được hưởng một chút khoa học Thái Tây…

Bà Phó Đoan sửng sốt hỏi:

  • Thưa cụ, cụ tổ nhà đau ra làm sao ?

Cụ Hồng lại ho khạc một hồi dài, rồi mới thủng thỉnh đáp:

  • Nặng lắm! Bà tính: đã hơn tám mươi tuổi mà còn cứ sống mãi.

Vợ Văn Minh giẩu mỏ nói:

  • Sống như vậy thật là trái lẽ tạo hoá.

Cụ Hồng phân trần:

  • Nên tôi mong cho cụ về đi, là vì cụ tôi chết sớm ngày nào hay ngày ấy chứ sống mà ăn không được ngủ không được, lúc nào cũng kêu rên, nằm đâu thì phóng uế ra đấy, thì sống mà làm gì! Vả lại nếu ngộ nhỡ tôi lại chết trước cụ tôi thì có phải nhà sẽ mắc phải tiếng vô phúc không ? Nếu cụ tôi chết trước thì mới có người trong nom cho, thiên hạ mới vì tôi mà đi đưa đông, thì đám ma mới được linh đình trọng thể.

Bà Phó Đoan cười như trong rạp hát mà rằng:

  • Như vậy thì còn mời đốc tờ làm gì ?
  • À, phải mời chứ? Thà cụ tôi chết vì đốc tờ còn hơn không thuốc men mà chết. Mời đốc tờ thì cũng chỉ để cho bệnh nhân chết, chứ có để chữa cho bệnh nhân sống đâu mà lo.

Văn Minh dõng dạc nói:

  • Như vậy thì không cần những vị bác sĩ có danh tiếng cho lắm.

Ông bố thêm:

  • Chính thế. Ta chỉ cần một ông đốc tờ lang băm mà thôi. Toa thử xem trong đám bạn hữu có anh nào mèng nhất, ít khách nhất không?

Ông con ngồi xuống ghế ôm đầu nghĩ ngợi một cách nghiêm trọng như khi người ta chủ trương một cuộc mưu sát bằng khoa học, rồi nói:

  • Moa có một thằng bạn hiện đã mở phòng khám bệnh độ hai năm nay, cũng về nước cùng một chuyến tầu với moa. Số người chết vì hắn cũng khá nhiều. Một anh chàng lên đinh râu phải chữa bằng thuốc Mán cẩn thận. Thật là một ông lang băm có danh vọng.

Vợ Văn Minh hỏi:

  • Cái anh chàng đã toan hại đời một nữ bệnh nhân ấy à ?

Văn Minh gật đầu:

  • Phải đấy

Bà Phó Đoan trợn trừng hỏi dồn:

  • Ai? ai ? ai thế ?

Nhưng cụ Hồng gạt phắt đi mà rằng:

  • Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi.

Bà Phó Đoan bàn:

  • Cụ tổ nhà ta đã 80 tuổi, bây giờ ta đi mời một ông đốc tờ chuyên môn chữa những chứng bệnh cho trẻ con, thế là thượng sách… Hoặc là cụ đau dạ dày thì mời một bác sĩ chuyên chữa bệnh đau mắt, hoặc cụ ho suyễn thì ta mời một ông chuyên chữa bệnh giang mai…

Bà ngừng một lát rồi tiếp:

  • Phải! Một ông cụ già 80 tuổi mà ốm thì kể cũng chẳng cần gì mà phải mời đến một ông đốc tờ thích hiếp dâm.

Cụ Hồng nhăn mặt mà rằng:

  • Ác một nỗi cụ tôi không đau ốm bệnh gì!

Vợ Văn Minh lễ phép thưa lên:

  • Thưa ba, nếu vậy thì rất đáng lo. Nhỡ ra cụ đau tim thật mà ta lại mời nhầm một ông thầy chuyên chữa bệnh tim, hay cụ đau dạ dày mà ta lại mời đúng một ông chuyên các bệnh về dạ dày, thì chí nguy!

Vào lúc ấy, Xuân Tóc Đỏ khép nép bước vào chào mọi người thì ai cũng gật đầu qua loa, ai cũng có vẻ nghĩ ngợi. Nó ngồi né xuống một cái ghế và soi gương ngắm nghía bộ Âu phục mới may, do số tiền năm đồng của ông phán dây thép mà nói coi như là cái bổng tự nhiên. Nó vui vẻ nghĩ thầm: “Vạn tuế những người chồng mọc sừng! Ước gì ai cũng mọc sừng!” Lúc ấy bà Phó Đoan lại hỏi cụ Hồng:

  • Thế cụ nhà đau như thế nào?
  • Nhiều chứng bệnh lắm! Ho khạc rên, suốt ngày đêm! Thế mà hỏi thì lại bảo là đau dạ dày mới quái chứ!

Xuân Tóc Đỏ nhanh nhẩu nói:

  • Bẩm cụ, thế bệnh nhân có khó thở, có mắc đờm không?

Cụ Hồng đáp:

  • Dễ có.
  • Bẩm, thế là suyễn. Thuốc nào có vị long diên hương thì khỏi.
  • Nhưng mà đau dạ dày kia mà!

Xuân Tóc Đỏ lại nhanh nhẩu nói như một nhà lang chính tông:

  • Bẩm thế dễ bệnh nhân mắc cả hai thứ bệnh, chắc là đã có tuổi lắm. Thưa cụ, đau dạ dày là vì khí huyết tích trệ, nên ăn uống không tiêu. Hoặc có khi vì mắc phạm phòng làm chi khí bế đầy hơi, có người đau dữ dội, có người đau âm ỉ như giả cách, có khi đau từ bụng xuyên ra sau lưng. Bẩm cụ, thế bệnh nhân hay đau sau bữa cơm hay trước bữa cơm?
  • Hình như sau khi ăn cơm.
  • Thế thì trong dạ dày nhiều nước chua, vì thiếu nước chua thì hay đau lúc no, mà thừa chất chua thì hay đau lúc đói.

Sau khi thấy Xuân Tóc Đỏ nói như một cái máy như thế, bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đều kinh hoàng cả lên, không còn hiểu nguyên cớ vì đâu.

Thật là kỳ quái, không thể tưởng tượng được nữa vậy.

Cụ Hồng kính cẩn hỏi Xuân:

  • Bẩm ngài, ngài làm gì mà giỏi về y lý như vậy thế ạ ?

Xuân chưa kịp đáp thì Văn Minh đã vội đứng lên đỡ lời:

  • Một sinh viên trường thuốc, bạn con, con quên chưa giới thiệu với ba.

Xuân Tóc Đỏ không ngờ rằng khi xưa, lúc nó ngồi đọc quảng cáo cho một hiệu thuốc vào phóng thanh, và ngồi trên mũi ô tô với bộ quần áo Charlot và cái mặt nạ thổi loa khắp phố phường cho một “ông vua thuốc lậu” Nam Kỳ, thì chính là nó tập đi đến khoa học và do thế đến sự phú quý.

Số đỏ – Chương VII

CÁI CHÚC THƯ CỦA NGƯỜI CÒN SỐNG
CUỘC KHẨU CHIẾN CỦA MẤY NHÀ KHOA HỌC
ÁI TÌNH MÀY CÒN ĐỢI GÌ?

Cụ Hồng lúc ấy đã nhắm nghiền hai mắt lại. Trên cái sập gụ khảm mà giữa là cái khay đèn, cụ nằm một bên, thằng xe một bên, cụ bà thì ngồi phía dưới chân. Thằng xe lúc ấy đã rửa sạch hai cái chân ngựa người để gánh vác cái trách nhiệm nặng nề của người bồi tiêm thuốc phiện.

Cụ Bà nói:

  • Ông ạ, tuy vậy tôi cũng cứ cho mời cụ lang…

Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:

  • Biết rồi ! Biết rồi ! Khổ lắm, nói mãi !

Đã hiểu cái tính ấy, cụ bà cứ thản nhiên nói tiếp:

  • Ấy thế rồi… ta cứ lo toan trước cái việc ma chay đi mà thôi.
  • Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi !
  • Tôi thì tôi nghĩ nên theo cả lối cổ và lối mới, nghĩa là cứ minh tinh, nhà táng, kèn tầu, kiệu bát cống, và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kèn bú rích Tây đi càng hay. Nhưng mà không thể vì cái thích của chúng nó mà bỏ cái thích của tôi được.
  • Biết rồi ! Khổ lắm… nói mãi !

Đến đây thì cụ bà không nói gì nữa, ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, làm cho cụ ông phải hỏi ngay:

  • Thế sao nữa, hở bà ?

Thằng xe đã quen những cái ấy lắm nên cũng không lấy làm gì buồn cười nữa. Cụ bà lải nhải kể lể những mớ lễ nghi phức tạp nó làm cho một gia đình thành ra muốn pha trò, mỗi khi gia đình ấy sắp được hân hạnh là tang gia.

Cách cái lệ bộ, ở phòng khách bên ngoài, lúc ấy khách khứa đông lắm. Ngoài số những người họ hàng lại có bạn hữu của vợ chồng Văn Minh. Người nào cũng đã lên gác chỗ có giường cụ cố tổ, vén màn nhìn vào rồi rón rén lui ra chạy ù xuống nhà dưới, cho thế là xong cái bổn phận đi thăm một người ốm nặng. Họ xúm nhau lại uống nước, hút thuốc, chuyện trò vui vẻ lắm, vì bệnh nhân mà chết thì thực là đáng mừng cho họ. Do thế, người ta bàn soạn y như trong nhà đã có người chết rồi, chứ không phải chỉ có người ốm.

Ông Typn đã được mời ngay đến để nghĩ cách chế tạo một vài kiểu quần áo tang tối tân. Ông nhà báo đã được sự chủ khẩn khoản yêu cầu viết bài cáo phó, bài tường thuật, và sửa soạn chụp ảnh đăng báo.

Văn Minh vợ mơ màng một cách sung sướng rằng chỉ nay mai là sẽ được ăn vận toàn trắng, một điều mà bà vẫn ao ước bấy lâu nay. Văn Minh chồng ngồi hút thuốc lá Ăng-lê, cũng mơ màng đến phần tài sản mà ông ta sẽ được hưởng, nếu ông nội ông ta chết.

Đã hơn một năm nay, ông cụ già cay nghiệt đã đến tìm một ông chưởng lý văn khế để giao hẹn với pháp luật rằng mình có chết thì phần lợi tức của mấy chục nóc nhà mới được đem ra cho con cháu chia nhau… Ông cụ già không biết rằng nếu cái chết của mình lại có lợi cho con cháu đến như thế thì con cháu không khi nào lại muốn cụ cứ sống như thế mãi, dù là một ngày, dù là một giờ. Xưa kia, cụ đã trắng tay làm nên giàu, âu cũng là sinh ư nghệ, tử ư nghệ, hoặc là một cách chết vì nghĩa vụ.

Cậu Tân, mà ai cũng gọi là Tú Tân, không phải vì đã đỗ Tú Tài, nhưng mà vì đã ba lần thi trượt cái phần thứ nhất của bằng Tú Tài, lúc ấy loay hoay hai ba cái máy ảnh, cân nhắc xem hôm đi đám nên dùng đến cái nào thì hơn.

Bà Phó Đoan ngồi ẵm cậu con cầu tự của bà như một hiền mẫu.

Ông Joseph Thiết – một bạn thân của Văn Minh – thì ngồi trầm tư mặc tưởng với cái ý định mở một tờ báo bảo hoàng, không phải làm việc cho triều đình Huế, nhưng cho dòng họ Orléans bên Pháp, và cho ông Léon Daudet.

Nhân dịp sắp có đám ma, ông cổ động cho ông:

  • Khi ông Bainville chết, lúc tôi còn là một đảng viên Thập tự lửa mà đi đưa đám, thì một nửa dân thành phố Paris, gồm các chính đảng ở cực hữu…

Song ông nói không ai nghe, vì người ta còn mải nghe ông Typn đương bàn:

  • Quần áo nhất định bằng nhiễu Thượng Hải trắng mà viền đen. Cổ áo sẽ có hoa thị, cánh trắng cũng viền đen ! Mũ mấn cũng thế ! Trắng viền đen nổi hơn đen viền trắng.

Bà Phó Đoan khen:

  • Thế thì nhất! Thế thì ai cũng muốn có trở !

Cậu Phước nguẩy đầu một cái:

  • Em chã.

Bà Văn Minh ẻo lả hai bàn tay ngọc khẽ vỗ vào nhau

  • Được lắm ! Dernières créations! 1

Duy có ông Phán mọc sừng là ngồi im với hai con mắt đầy những căm hờn. Ông buồn bực vì không thấy vợ ông có mặt tại đây. Ông muốn tìm Xuân cũng không gặp. Ông bèn hỏi ông Văn Minh:

  • Này bác, thế ông Xuân đâu ?
  • Ông ấy đi lấy thuốc, cũng sắp về.

Rồi người ta cãi nhau ỏm tỏi một cách đích đáng về vấn đề chức nghiệp in trong cáo phó.

Giữa lúc ấy, cô Tuyết bước vào. Cô này là con gái út cụ Hồng, mới 18 tuổi đúng, rất có nhan sắc, lại cũng lãng mạn theo cái lối tân tiến rởm…

Cô nói:

  • Tôi đến nhà cả hai cụ lang, tôi chẳng gặp cụ nào cả, tôi bèn dặn cả hai cụ cùng đến.

Cụ bà trong nhà thét lên:

  • Chết ! Sao mày lại dại thế, hở con ? Thế thì hai cụ lại giận nhà này đến chết mất thôi !
  • Cái gì ? Việc gì phải mời đến những hai ông lang ? Người ta đã bảo chờ ông Xuân đi xin thuốc Thánh ở đền Bia về…

Bạn ông là Joseph Thiết cắt nghĩa ngay:

  • Ồ! Toa mà lại chịu được nước thuốc đền Bia ! Thế thì toa điên thật !
  • Không! Chữa bệnh cốt ở lòng tin thuốc, toa phải hiểu thế nào là tự kỷ ám thị mới được ! Hễ tin là khỏi, mà ông cụ nhà moa tin thuốc Thánh đền Bia lắm.
  • Sao đã bảo có một ông Xuân nào là sinh viên trường thuốc chữa chạy cho cụ kia mà.

Ông Văn Minh cắt nghĩa ngay:

  • Chính thế! Ông Xuân đã ngồi trò chuyện với ông cụ và được kính phục lắm. Thế là một mối tin nhé ? Rồi ông Xuân cũng lại công nhận thuốc đền Bia, thì làm gì toa bảo ông cụ nhà moa lại không khỏi ? Hai mối tín ngưỡng đủ khiến cho một ông lang băm cũng trở nên có tài !

Ông Joseph Thiế vì không hiểu cái ẩn tình, cái ý riêng của bạn, liền biểu đồng tình:

  • Nói thế kể cũng có lý.

Được thể, Văn Minh lại mắng cô em:

  • Thế thì ai bảo cô mời những hai ông lang ? Hở cô ả ?

Tuyết cãi:

  • Đẻ bảo tôi thế thì tôi cứ thế, chứ tôi biết đâu đấy ?

Văn Minh chạy vào phía trong tìm mẹ.

  • Ồ ! Phiền quá đi mất ! Phiền quá đi mất ! Rồi thì chết vì thuốc mất ! Nhiều thầy thối ma, đẻ lại không biết câu phương ngôn ấy hay sao ?

Cụ bà chép miệng rồi nói chữa:

  • Thôi thì để hai cụ cắt vài thang thuốc bổ rồi thôi vậy.

Cụ ông nhắm nghiền mắt lại, gắt:

  • Biết rồi ! KHổ lắm ! Nói mãi !…
  • Thế người ta giận thì nhà này có người ốm thì ai đến chữa cho nữa.

1 Những sáng tạo cuối cùng (tức là gần nhất, mới nhất)

Số đỏ – Chương VIII

MẤY NGUYÊN NHÂN ÐẮC THẮNG CỦA
BÌNH DÂN TRONG XƯỞNG ÂU HOÁ
MỘT CUỘC ÂM MƯU VỀ TÀI CHÍNH
MỘT CUỘC ÂM MƯU VỀ TÌNH

Ðã hai tuần lễ nay, phòng trào Bình dân toàn thắng.

Là vì sự tình cờ đã xô đẩy Xuân Tóc Ðỏ, đã hai tuần lễ vào cái gia đình trưởng giả của Văn Minh… Thanh thế nó mỗi ngày một to tướng mãi ra. Ảnh hưỏong của nó cũng vậy. Nó cứ tự nhiên tham dự vào những việc rất can hệ cho xã hội mà nó không biết. Sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, là sự khiêm tốn, nên nó lại càng được yêu mến hơn… Nó chỉ còn chờ… Nó biết rõ điều ấy lắm. Nó chờ số phận lôi nó lên cao chót vót.

Ông thầy số, những khi lai vãng nhà bà Phó Ðoan để khen bà ta là trinh tiết, và cậu con cầu tự (Em chã!) thật là con Giới con Phật, không bao giờ quên cổ động cho Xuân Tóc Ðỏ là có một tương lai rực rỡ, lừng lẫy tiếng tăm có phen… Bà Phó Ðoan lại cổ đọng cho Xuân là có học thức, với ông phán mọc sừng. Ông này lại luôn luôn khen ngợi trước mặt cụ Hồng (Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!…) rằng Xuân là một người đứng đắn, mặc lòng hãy còn trẻ trung.

Cụ cố Hồng đã công kênh Xuân Tóc Ðỏ là sinh viên trường thuốc, trước mặt cụ cố tổ và cụ bà… Những người này vô tình nhắc lại những lời ấy cho nhiều người khác cùng biết. Ðổi lại kết quả bất ngờ ấy, Xuân Tóc Ðỏ chỉ việc cổ động cho ông thầy số là Quỷ Cốc Tử tái thế, ấy chỉ có vậy thôi!

Chỉ có cặp vợ chồng Văn Minh là biết rõ sự thực, nhưng mà ở vào trường hợp há miệng mắc quai. Tuyên bố rằng Xuân vốn con nhà hạ lưu, làm nghề nhặt banh sân quần, vì một trò dâm dục bỉ ổi mà phải đuổi? Chao ôi! Thế thì còn gì là tiệm may Âu Hoá nữa!

Thế thì còn đâu là những cái thích của bọn khách hàng phụ nữ ưa cái nhanh mồm nhẹ miệng và những cử chỉ ngộ nghĩnh của Xuân Tóc Ðỏ nữa?

Vợ nghĩ thế, còn chồng thì, vì lẽ đã bịp cả ông bố hiếu danh rằng Xuân Tóc Ðỏ vốn là sinh viên trường thuốc, “ông đốc” cẩn thận, bây giờ biết ăn làm sao, nói làm sao! Cho nên dù Văn Minh rất oán hận Xuân ở chỗ nó đã chẳng may cứu sống được ông nội mình bằng thuốc Thánh đền Bia – một sự ông ta không thể tha thú được – ông ta khoanh tay chịu nhịn vậy. Riêng về phần cụ Hồng (Biết rồi! Khổ lắm!) thì tuy cũng có cụt hứng vì bố mình lại không chết vì chai nước ruộng và mấy cái lá thài lài, cụ cũng không dám tỏ lòng bất bình ra với Xuân. Con giai cụ đã kêu đó là sinh viên trường thuốc và con rể cụ – ông phán mọc sừng – vẫn luôn nhắc cho cụ khỏi quên rằng đó là một người đáng kính trọng, vì có học thức lắm, và đứng đắn hết mực.

Thành thử Xuân cứ nghiễm nhiên toạ hưởng kỳ thành, im lặng và mỉm cười những khi cụ phán bà, ông Hai, cô Nga, cô Tuyết, ông Joseph Thiết, gọi nó là quan Ðốc, và làm cái bộ mặt ththờ ơ lãnh đạm mỗi khi bà Phó Ðoan nhìn trộm nó mà mỉm cười toe toét một cách rất đa dâm.

Sau khi cụ cố tổ đã bình phục hẳn, muốn trả ơn thầy, cụ bà đã mời Xuân Tóc Ðỏ dự một bữa tiệc rất long trọng thể linh đình. Việc ấy mở đầu cho một kỷ nguyên mới để thành ra một thói quaen… Từ đấy mà đi, Xuân luôn luôn dự tiệc với bà Phó Ðoan, với vợ chồng Văn Minh bằng các lý tưởng tự do, bình đẳng. Sau cùng thìmỗi khi ai mời Xuân Tóc Ðỏ một bữa cơm, là được một cái hân hạnh nữa rồi! Ðã có người mến nó, kính sợ nó. Ðã có người ghen ghét nó nữa, nhưng cái đó không hề gì. Lại có người phải lòng phải mặt nó nữa, điều ấy là đáng quan tâm.

Lâu lâu, sống mãi trong bầu không khí hỗn loạn những sự kính trọng, sợ sệt, mơn trớn của kẻ chung quanh, Xuân Tóc Ðỏ đâm ra khinh người. Vì lẽ theo thói thường những kẻ nhũn nhặn hay bị coi khinh, nên Xuân Tóc Ðỏ càng kiêu ngạo, càng làm bộ làm tịch bao nhiêu, lại được thiên hạ càng kính trọng. Một cái lặng im của nó cũng có giá trị của một cái đặc ân. Bọn thợ may và thơ khâu cho nó là có thế lực đối với ông chủ, bà chủ. Cô Tuyết kính thờ nó vì Xuân được cụ bà… kính thờ. Ông Typn, ông Joseph Thiết, cả ông đốc Trực Ngôn nữa, cả cụ Tú Tân là em ruột ông Văn Minh nữa, cũng ra vẻ nịnh hót nó để lấy lòng nó, vì ai cũng tưởng cụ cố Hồng (Biết rồi! Khổ lắm!) đưong chủ trương những tư tưởng cổ điển bí mật là gả cô Tuyết, cô con gái rượu, gái yêu quý, choMe- sừ Xuân? Hoặc tự mình lừa dối mình, hoặc bị vô số kẻ khác lừa dối, ai cũng ở cảnh bó buộc không sợ hãi hoặc không kính trọng Xuân thì không được.

Như vậy thật là sự đắc thắng của Bình dân vậy thay!

Hai giờ chiều hôm ấy, bà Phó Ðoan đánh xe hơi lại mời Xuân lên Hồ Tây xem một cái hội ghê gớm làNgày hội của các gái nhảy ở Hà Nội (La Journée Hanoiennes) có các vị tai to mặt lớn trong chính giới chủ toạ. Khi thấy chỉ có Xuân Tóc Ðỏ thôi bà Phó ngơ ngác mà rằng:

  • Ông Xuân nhỉ? Sao lại không nghỉ hẳn một buổi?

Xuân thản nhiên đáp trống không:

  • Việc gì phải nghỉ hẳn? Họ đi thì đã có tôi ở nhà thay quyền!

Bà Phó Ðoan nghĩ ngợi hồi lâu rồi khoe:

  • Ông Xuân đã biết chưa? Hở ông?
  • Cái gì?

Trước lời hỏi sỗ gọn như một câu gắt, bà Phó Ðoan vội:

  • Bẩm… bẩm cái sân quần… sắp xong.

Xuân lại làm một câu gọn thon lỏn:

  • Ðược lắm!

Bò Phó tuy cũng hơi kinh ngạc về những ngôn ngữ khác thường ấy, nhưng mà chưa chi bà đã vội đem cái ngu dốt của bà ra tra khảo đã. Ắt hẳn nêú không có cái “vì một lẽ gì” mà bà chưa hiểu được, thì Xuân Tóc Ðỏ hẳn không dám có giọng nói sỗ sàng với bà dường kia. Nghĩ rằng như thế mà ra đi ngay thì trơ, bà lại hỏi:

  • Thưa ông, thế ông không đi xem hội.
  • Việc Âu hoá không có tôi một ngày cũng không được!
  • Bẩm thế thợ khâu… thợ may đâu cả ạ?
  • Có mấy cô khâu thì đã phải vận cả mấy bộ y phục đại tang và tiểu cớ, do ông Typn vừa chế tạo, mà ngưòi nhà này chưa ai mặc đến, vì cụ tổ đã được tôi cứu cho khỏi chết… Mấy cô khâu mặc những quần áo ấy và ăn tiền công củama nơ canh, bà đã hiểu chưa? Quần áo trót may thì phảilăng – xê để quảng cáo chứ? Mấy ông thợ cũng đi xem hội để phát giấy chiêu hàng.
  • Tôi có ý muốn lại cùng đi chơi với vợ chồng Văn Minh và rủ ông nữa.
  • Ấy họ đã đi cả.

Xuân Tóc Ðỏ cứ đáp lửng khửng đủng đỉnh như thế, tay vẫn mê bộ vú bằng cao su mà Tây phương mới gởi sang cho công cuộc Âu hoá ở bên Ðại Cồ Việt này. Những khí cụ của nhan sắc ấy được để trong cái hộp rất đẹp, lót năm bảy lần giấy thủy tinh lóng lánh. Bà Phó Ðoan nhìn những của quái ấy bằng hai con mắt thèm thuồng, lại nhận thấy Xuân lúc ấy chỉ có một mình trong gian hàng rộng – sự ấy thật hãn hữu – nên bà không muốn bỏ một cơ hội tốt. Bà còn trù trừ đứng tìm một câu gì để đả động đến những cái vú cao su ấy thì chẳng may cậu Phước ngồi ở xe hơi đỗ bên ngoài cứem chã, em chã mãi, và khóc thét lên. Bà đau lòng phải bắt tay Xuân và ra thẳng.

Xuân đứng cười thầm một mình, bà Phó Ðoan tuy già nhưng còn hư hơn các thiếu nữ ngây thơ nhiều, điều ấy nó biết lắm. Nó chĩ gật đầu một cái là ăn thua ngay! Nhưng mà già như thế thì còn… nước mẹ gì! Họa chăng có các tiền! Nó nghĩ thế rồi càng phục ông thầy số là tài, khi ông bảo nó năm nay gặp vận đào hoa. Rồi nó mơ màng những cách làm tiền, nếu bà Phó Ðoan biết cho tâm sự của nó. Thành thử vô tình, Xuân Tóc Ðỏ đã thực hành một phương châm mà những nhà triết học sống đến bạc đầu mới tìm ra được: ấy là phải lên mặt với ái tình thì cuộc chinh phục mới dễ dàng hơn và bền chặt.

Nó đương sung sướng bỗng phải cụt hứng vì ông phán mọc sừng. Ông này tập tễnh bước vào, mặt lầm bầm, không nói gì cả, giơ tay ra bắt… Xuân Tóc Ðỏ bắt tay xong, ưỡn gnực lên cất giọng lanh lảnh nói to:

  • Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!
  • Hay lắm! Xin đa tạ… cảm ơn vạn bội.

Ông phán mọc sừng cảm ơn tha thiết như ông ta, lần này là lần đầu, được có người đến mách cái tin sét đánh là vợ ông ngủ với giai. Nhưng đó là tại ông quen mồm đi mà thôi, chứ không phải là ông cảm động, vì ông kéo ngay ghế ngồi trước mặt Xuân, và nói:

  • Ấy lần sau quan bác cứ dõng dạc thế cho. Tôi nói lần sau nghĩa là lần nào bác thấy cả mặt tôi lẫn vợ tôi, nhất là trước mặt cụ Hồgn hay cụ Tổ thì càng hay lắm!

Xuân ngẫm nghĩ rồi nói:

  • Ai lại nói thế trước mặt bác gái hay cụ Hồng hay cụ Tổ!
  • Phải thế chứ! Không thì tôi thuê quan bác chụa bạc làm gì?

Xuân lo lắng hồi lâu, lại hỏi:

  • Hay là rồi tôi trả lại quan bác số tiền ấy vậy nhé!

Ông phán đáp phắt dậy như bị một cái lò xo đẩy lên, kêu thất thanh:

  • Giời ơi! Thế thì tôi chết mất! Thế thì tôi đến phải tự tử…

Xuân cũng cảm động mà rằng:

  • Chết nỗi! Nhưng sao quan bác lại cần tôi phải… công kích quan bác về tội mọc sừng?

Nhưng ông phán không những không cắt nghĩa rõ mà lại nói rằng:

  • Không! Không thế được! Quan bác đã hứa rồi. Chỉ có những người giữ lời hứa là đáng quý. Hai nữa, quan bác có biết rằng địa vị quan bác trong cái nhà này đã lung lay rồi không?
  • Lung lay? – Xuân Tóc Ðỏ hỏi thế một cách lo sợ.
  • Phải! Tôi xin làm phúc mà mách với quan bác rằng ông Typn hiện giờ đương ghen tức và bác đã làm vợ ông ta hư hỏng là một, tiếp khách khéo hơn ông ta là hai, lại biết đo các phụ nữ may áo là ba, làm giảm thế lực của ông ấy là bốn. Bà Phó Ðoan cũng có vẻ hằn học với bác lắm, vì lẽ gì tôi chưa rõ. Còn chính vợ chồng ông chủ thì không những ghét ngầm hờn bác mà thôi, mà còn coi bác là kẻ thù. Tại sao? Bác có biết không? Tại bác đã làm cho cụ tổ khỏi hẳn bệnh là một, và làm cho cô Tuyết nó hồi hôn với một đám đã sêu tết là hai, vậy quan bác phải coi chừng đó! Tôi xin lấy tình thân mà bảo rõ cho bác biết để bác liệu… Thế thì, tôi đối với bác đã như vậy, mà bác lại không chịu giúp tôi cái việc ấy hay sao?
  • Thế bây giờ phải làm thế nào?
  • Phải làm như tôi đã dặn. Làm như thế là nhất cử lưỡng tiện.
  • Làm sao?
  • Làm như thế bác chuộc lại cái lỗi xưa, những người thù bác sẽ trở lại yêu bác.
  • Tôi mà bị thù à? Bị thù vì chữa bệnh cho cụ cố à?
  • Chính thế. Chỉ có cụ phán bà là hâm mộ bác vì việc ấy. Nhưng cụ bà có thế lực gì đâu? Bác phải trông ở cụ Hồng, ở vợ chồng Văn Minh…
  • Thế nghĩa là phải bảo bác mọc sừng trước mặt cả vợ bác lẫn cụ cố tổ?
  • Bẩm chính thế ạ! nếu vậy tất cụ tổ phải chết tức khắc… Mà do thế, ai cũng có tiền tiêu. Cả tôi nữa, tôi cũng sẽ có tiền tiêu…
  • Thật không?
  • Rồi bác sẽ biết, vì nếu tôi có tiền thì rồi bác cũng… được tiêu.

Nhưng Xuân lưỡng lự rồi nguẩy đầu:

  • Tôi chả thế. Thế là giết người! Tôi không muốn làm kẻ sát nhân! Một tội ác! Không thể thế được!
  • Ồ! Nếu bác giết có một người, trái lại, bác cũng làm cho số đông người khác được sung sướng. Nên lắm, bác ạ. Nếu không chẳng chóng thì chầy, bác sẽ… mất việc.

Xuân Tóc Ðỏ giơ tay ra cho ông phán mọc sừng:

  • Vậy thì tôi xin hứa một lần nữa… danh dự… cam đoan.

Ông phán sung sướng bắt tay Xuân rất chặt, nói rối rít:

  • Thôi, tôi vào sở, cảm ơn bác trước nhé!

Ông phán vừa đi khỏi thì một mỹ nhân chạy tọt vào. Xuân tưởng lại là một phụ nữ tân tiến muốn mặc gì, lòng đã mừng thâm, nhưng đó chỉ là Tuyết. Cô này hổn hển hỏi:

  • Anh phán, liệu anh ấy có trông thấy tôi không, hở ông?

Xuân đáp liền:

  • Không, ông ấy có quay lại nhìn sau lưng đâu?
  • Thế thì tốt lắm. Nhà đi vắng cả?
  • Vâng. Sao cô không lên Hồ Tây xem hội?
  • Không thích chứ sao! Trên ấy… trên ấy đầy nhũng cô đầu với gái nhảy, họ ăn mặc tân thời hơn mình hoặc y như mình! Tôi, tôi là con nhà danh giá, tôi không muốn bị thiên hạ nhầm là gái nhẩy.
  • Cô nói phải lắm.
  • Nhưngmà đừng tưởng là tôi không biết khiêu vũ đấy nhé?
  • À… vâng.
  • Ông có biết nhẩy không? Ta làm thủ một bàitango xem nào?

Xuân sợ hãi, lắc đầu:

  • Ðể khi khác… vã lại, phải có âm nhạc chứ? Nếu quý nương muốn thì hôm nào ta đibar chơi hơn.
  • Thật không? Y hẹn rồi đấy nhé? Ông sinh viên trường thuốc làm bộ nhé?

Xuân chối cãi:

  • Chết nỗi! Quý nương cứ nói thế chứ… Tôi ít nói với ai cũng tưởng nhầm tôi là khinh người. Vả lại khinh ai chứ khinh sao được quý nương mà dám khinh! Có không khinh tôi là phúc.

lần này là lần đầu Xuân dám tán tỉnh – và cũng có cơ hội – nên Tuyết rất lấy làm cảm động. Muốn giấu sự xúc động, cô chỉ đống vú cao su hỏi:

  • Những cái gì thế ông?
  • À, những vú cao su đấy… Ðể cho phụ nữ tân tiến văn minh Âu hoá.
  • Thế à! Ðể tôi mách chị em bạn tôi mới được. Tôi có nhiều bạn gái mới lắm. Như thế là đắt khách cho hiệuÂu Hoá của ông đấy nhé?

Xuân nói nửa nạc nửa mở:

  • Chứ còn cô thì không cần dùng.

Tuyết bĩu môi và ưỡn ngực ra:

  • Cần gì nữa? Vú tôi thế này lại không nở nang chán ra hay sao? Mấy cô gái mới chả có cái ngực như tôi được! Mà thật đấy chú không bằng cao su đâu nhé?

Chừng như sợ mình chỉ nói thế chưa đủ là văn minh tân tiến, Tuyết lại bảo:

  • Tôi cho phép ông khám mà xem!

Tinh quái, Xuân Tóc Ðỏ còn khoanh tay sau lưng:

  • Thời buổi này, biết sao được! Giả dối hết thẩy! Yêu cũng yêu giả dối, tân thời cũng tân thời giả dối, hủ lậu cũng hủ lậu giả dối!

Tuyết phải cáu một cách rất chính đáng mà rằng:

  • Thì ông cứ thử khám xem tôi có… giả dối không này!

Xuân nhìn ra phía ngoài không thấy có ai, liền phóng tay lên ngực Tuyết, nắn tay xem của thật hay của giả… Sau khi không còn nghi ngờ gì nửa nó cảm ơn bằng cách tiện thể hôn luôn tay của Tuyết mà rằng:

  • Chỉ có một mình quý nương là không giả dối như đời mà thôi.

Tuyết thở dài, cảm động. Sau cùng khẽ nói:

  • Ông… anh, tôi muốn anh giúp tôi một việc, em rất cảm tạ.
  • Chúng tôi rất hân hạnh.
  • Tôi không muốn lấy cái ngưòi ấy, vì nếu tôi lấy hắn, chắc hắn sẽ mọc sừng. Thí dụ một người như ông mà hỏi tôi thì còn gì! Ðằng này hắn lại nhà quê, không biết yêu vợ như những người văn minh. Buồn lắm anh ạ.
  • Tôi phải làm gì?
  • Phải giả vờ chim tôi…, chúng ta giả vờ chim nhau, mê nhau… Cho hắn bỏ tôi, mình hiểu chưa? Ta giả vờ với nhau thôi mà! Tôi cần mang tiếng hư hỏng lắm mới được.
  • Thế sao nữa ạ?
  • Anh thì anh cũng phải mang tiếng là làm hại một đời tôi mới xong!
  • Nếu em hứa là sau này đừng làm anh mọc sừng là anh xin làm hại một đời em thật sự, chứ không còn “mang tiếng” gì nữa.
  • Anh đốc, anh nói thật đấy chứ?
  • Xin lấy danh dự ra làm hại một đời em!
  • Cảm ơn! Yêu lắm! Quý lắm! À, thế nhưng mà anh cần xin nghĩ việc mới được. Thế muốn làm hại một đời người con gái tử tế đứng đắn thì mất mấy ngày? Hở mình?

Từ đấy trở đi, Tuyết và Xuân còn nói nhiều, một bên thì lấy tư cách bình dân, bên kia thì lấy tư cách phụ nữ tân tiến.

Số đỏ – Chương IX

CẢNH BỒNG LAI TRÊN CÕI THẾ
MÔN TRIẾT LÝ CỦA NGƯỜI ÐÀN BÀ NGOẠI TÌNH
GƯƠNG “BAN SỬ NỮ”

Về phía tây thành Hà Nội có một cái hồ mà người ta chịu khó ngăn đôi thành một con đường cho nó thành ra hai cái hồ. Con đường ấy là con đường Cổ Ngự, nổi tiếng khắp xứ, trong hai mươi triều đồng bào không còn ai là không biết; vì những thiếu nữ hoặc khuê các hoặc không, cùng những sinh viên trườn cao đẳng hoặc trường luật học, hoặc sinh viên không trường nào cả, thường đêm đêm đem nhau lên đó để làm nũng với nhau, để nạt sát những chế độ gia đình của nhau, độ vài tháng, để rồi sau cùng, thì rủ nhau nhảy xuống hai cái hồ ở đấy.

Thoạt đầu người ta hay nhảy xuống Hồ Tây, nhưng vì Hồ Tây sâu lắm, những kẽ tự tử chẳng may phần nhiều không mấy ai thoát chết cả, thành thử người ta bảo nhau nhẩy xuống cái bên cạnh là hồ Trúc Bạch nông hơn. Vì lẽ nhà nước cũng khôn, đã cho trồng mấy cái bảng lớn“Cấm ngặt đổ rác xuống Hồ Tây” nên hồ Trúc Bạch lại càng đắt khách. Ðêm đêm, những bác phụ xe ế khách, những kẻ trai tráng biết bơi mà thất nghiệp, thường lên chờ ở đấy để hễ nghe thấy tiếng kêu thảm thương ai oán: “Ai cứu tôi với!…” là nhẩy ùm xuống, là vớt ngay được một tiểu thư đẹp nõn lên, rồi đến bóp Hàng Ðậu lĩnh tiền thưởng, và sau cùng, thấy ảnh mình đăng trên báo kèm với những cuộc phỏng vấn ỏm tỏi. Vì những lẽ ấy, hồ Trúc Bạch chẳng bao lâu mà trở nên một cách oanh liệt, là một sân khấu của tất cả nhũugn tấn đại thảm kịch của những cảnh địa ngục giữa Hà Thành, là những gia đình Việt Nam, những trở lực tai hại cho những cuộc tự do kết hôn, tự do ly hôn, tư do cải giá, tự do tục huyền… Hồ Trúc Bạch cứ là một thứ hàn thử biểu, thời khắc biểu về những bi kịch mới cũ xung đột, cá nhân, gia đình, hy sinh, giác ngộ, áp chế, giải phóng mãi mãi, mãi mãi, nếu không có một nhà thương yêu nòi giống xây ngay trên bờ hồ ấy một khách sạn mà Tây phương có lẽ cũng thèm muốn, là khách sạnBồng Lai.

Muốn cho làn không khí trên hồ trở lại trong sạch như xưa, ngày khánh thành khách sạnBồng Lai, chính phủ bảo hộ đã ra lệnh cho tất cả các trường nữ học dạy nữ học sinh nhẩy múa để làm tiên giáng thế, để giải thoát cho một vài linh hồn chẳng may chết vì tự tử.

Thành thử khách sạnBồng Laicũng được nổi tiếng y như đường Cổ Ngư và hồ Trúc Bạch. Những người Việt Nam hoàn toàn, những người Việt Nam biết tự trọng thì phải có bổn phận là khách hàng của khách sạn ấy ít ra là một lần, nếu không muốn bị những bậc trí thức tân tiến khinh bỉ là dân vong bản, vong quốc vân vân…

Bởi vậy, hôm nay Tuyết và Xuân rủ nhau lên đây, cô thì vì tư tưởng giải phóng muốn bị mang tiếng là hư hỏng, cậu thì vì cái trách nhiệm nặng nề muốn làm hại đời một tiểu thử khuê các. Khi vượt qua cái cổng xi măng xây theo lối Nhật, Tuyết bảo Xuân:

  • Chúng ta sẽ thuê chung một gian phòng! Chúng ta sẽ ăn uống với nhau! Khiêu vũ với nhau, đánh ping pong với nhau, chèo thuyền với nhau. Tôi cần phải làm tất cả mọi ngưòi được trông thấy là đi với mình, mình ạ.

Xuân muốn tìm một câu rất văn hoa để đáp, nhưng chỉ nhớ được thói quen củea ông Typn lúc tiếp khách hàng nữ, bèn nói:

  • Chúng tôi rất hân hạnh.

Vẻ mặt ngây ngô của Xuân khiến Tuyết tưởng thế là một lối pha trò tài tình! Cô ả cứ cười rầm rĩ như những phụ nữ tự nhiên tân tiến và ngặt nghẽo nói:

  • Giời ơi! Anh đốc có duyên quá đi mất!

Hai người lững thững đi qua vườn hoa, tự nhiên như một cặp tình nhân chính đương thực hành một cuộc tình duyên vụng trộm. Thốt nhiên, Tuyết lại nói:

  • Ta hãy ngoạn du khắp cảnhBồng Lai rồi hãy thuê phòng!

Khách sạnBồng Lai, thật vậy, là một toà lâu đài đồ sộ trong đó có đủ các bộ phận có thể ban hạnh phúc cho tất cả những người Việt Nam nào thừa xu tiêu! Một tốp kiến trúc sư đã góp sức đấu trí để xây toà nhà phi thường ấy một nửa trên mặt đất, một nửa trên mặt nước, có bao lan ngồi trên mặt hồ để quý khách ngồi xem bơi thuyền, xem bơi lội… Trong vườn hoa thì nào là sân quần, sân ping pong, bể hơi…. Trong khách sạn có phòng khiêu vũ, máy vô tuyến điện. Cơm cho khách thì cơm Tây, cơm Tầu, nem chả, đủ cả! Ai cũng có thể ở trong khu vực ấy thôi là đủ hưởng hết mọi thi vị của cuộc tân sinh hoạt, mọi cái phong lưu lịch sử của đất đế đô văn vật, miễn là người ấy có xu… Thật vậy không có khách sạnBồng Lai thì thật là một cái quốc sĩ cho người Việt Nam, đối với con mắt của người ngoại quốc. Những bọn trưởng giả vô công rồi nghề phải hẹn hò với nhau ở đây thì mới không thấy đời là đáng buồn. Ngoài số sáu chục gian phòng ngủ, khách sạn còn có đến hơn chục thiếu nữ đi bán ái tình, những con gà mái thượng hạng xa xỉ, theo hệ thống các khách sạn ở những nước văn minh.

Bữa ấy, tuy cũng nhằm ngày chủ nhật, nhưng mới có tám giờ sáng nên khách khúa chưa đến đông. Một vài người đánh quần. Một vài người đánh ping pong. Ðộ chừng năm sáu giai thanh gái lịch ngồi giải khát trên bao lan nhìn ra hồ. Ba con gà mái thượng lưu của khách sạn ăn mặc trá hình ra tiểu thư khuê các để rủ bọn mày râu đi tắm… Tuyết và Xuân lên thềm giữa lúc mọi người nói bông nói đùa với nhau. Một cô gái mới đứng lên bắt tay Tuyết và Xuân, rồi giới thiệu cho cả bọn:

  • Xin giới thiệu các ngài, đây, ông Xuân quản lý tiệm may Âu Hoá, một nhà nghệ sĩ, đo đắn khéo, chế nhiều kiểu áo rất đẹp, chị em chúng tôi được hưởng cái tài trí của ông đã nhiều lắm.

Một nhà thiếu niên kính cẩn hỏi:

  • Thưa ngài, vậy ra ngài là đồng sự của ông Típ Phờ Nờ?
  • Vâng!

Giữa lúc ấy, ông chủ khách sạn, với bộ quần áo đại tiệc chạy ra. Xuân Tóc Ðỏ tái mặt, chỉ muốn chạy trốn. Tuyết giới thiệu:

  • Anh đốc Xuân, bạn giai của tôi… ông Victor Ban, chủ nhânBồng Lai.

Ông Victor Ban kinh hãi cúi đầu rất thấp, bắt tay Xuân Tóc Ðỏ xong thì đứng ngây mặt ra như người bằng gỗ. Thật vậy, chính sự nghiệp của ông, cũng là kỳ lạ, từ khi ông làm Vua Thuốc Lậu và chủ tiệmBồng Lai… Vậy mà người ấy bây giờ lại là đốc tờ thì thật không thể tưởng tượng được!

Sau khi làm nghề cưỡi ngựa thí mà không phất, ông Victor Ban nhận thấy sóng văn minh tràn sang xứ ta bằng những vi trùng giang mai và lậu, bèn đổi nghề. Ông ta tìm một ít ban miêu, một ít dầu bạch đàn, một ít đât thó nữa, chế tạo ra được một môn thuốc lậu rất hiệu nghiệm. Vì lẽ cũng như các ông Vua Thuốc Lậu biết tự trọng khác, nghĩa là không bao giờ chữa cho các bệnh nhân khỏi như lời cam đoan, ông mới hai năm, đã trở nên đại phú. Có tiền rồi, ông xây ngay một cái nhà săm vĩ đại ở ngoài châu thành Hà Nội chứa được chục gái giang hồ. Những thiếu niên tráng kiện lành mạnh đến đấy rồi thì lại được bọn gái giang hồ gửi trả lại hiệu thuốc của ông Victor Ban. Khỏi rồi thì họ lại đến với bọn gái giang hồ, thành thử họ làm những cái thoi đưa từ nhà săm đến phòng khám bệnh… Và như thế thì ông Victor Ban càng giầu chứ sao? Ông đặt đại lý ở khắp các tỉnh của ba kỳ. Xe hơi của hiệu thuốc ông chạy khắp các phố phường, máy phóng thanh của ông luôn luôn nhắc cho đồng bào biết rằng ai cũng di tinh, lãnh tinh, mộng tinh, mắc thiên truy, mắc bạch đái, tim la, lậu kén, lậu nhiệt, hoặc vỡ phổi, thủng da dày, rách tim, đau mắt, thối tai, vân vân… Mải nghe quảng cáo của ông, những người vô bệnh cũng tưởng mình sắp chết, và mua thuốc, và cảm ơn ông ở chỗ ông cứu nhân độ thế, thương yêu chủng tộc. Thành thử, ông được đủ 20 triệu đồng bào biết đến tên tuổi…

Thế rồi, muốn ban cho cái dải đất đầy những vi trùng hoa liễu này một cảnh Bồng Lai, cho chúng sinh quên bớt những sự đau đớn, rức buốt những vết thương… ông mới mở ra khách sạn Bồng Lai.

Mới cách đây vài năm, thằng Xuân kia, cái ông đốc Xuân kia chỉ là một thằng ma cà bông, mà ông đã thuê hai hào một ngày để ngồi trên mũi ô tô mà thổi loa, mà gào thét những chữ: di tinh, mộng tinh… vào máy phóng thanh, mày bây giờ đã là bạn giai của cô con gái út của cố Hồng, mà lại là ông đốc! Thật quá sức tưởng tượng.

Hai bên đương lắm lét nhìn trộm nhau, may sao cho Xuân là cô gái mới lại hỏi:

  • Cửa hàng của ngài độ này có đông khách không?

Tuyết đỡ lời:

  • Ðông nhất! Vì thế, anh ấy thôi học, vì người ta dạy mình có ra gì, mà cái trường thuốc ở đây có ra gì, mà bảo học! Bây giờ anh ấy chỉ tiêu khiển bằngten – nít.

Một thiếu niên nhìn mãi cái đầu tóc ấy rồi lễ khép hỏi:

  • Thưa ngài, tóc ngài nhuộm bằng thứ thuốc hoá học nào đấy thế ạ? Bẩm đẹp lắm, thật là hợp thời trang! Chúng tôi cũng muốn nhuộm tóc mà không biết thuốc… Giá lại hơi uốn quăn nữa thì tuyệt đẹp.

Xuân đáp:

  • Nếu ngài lại tiệmÂu Hoá của tôi thì tôi sẽ mách dùm cho.

Cô gái nhìn Tuyết phê bình nịnh:

  • Rõ khéo cái anh này! Ông ấy chủ trương cái hợp thời, những mốt lịch sự, thì hẳn tóc ông ấy phải đẹp lại còn khen phò mã tốt áo!

Ông Victor Ban hỏi Tuyết:

  • Quý nương lên chơi chốt lát hay cả ngày?
  • Tuyết thích khuỷu tay vào mạng mỡ Xuân hỏi:
  • Này! Ông bại giai định ở cả ngày hay vui chơi đây vài ngày nào?

Xuân ngẫm nghĩ, không biết muốn làm hại đời một người con gái tử tế thì mất mấy ngày hay chỉ độ nửa giờ thôi cũng đủ, liền đáp:

  • Ðể chốc nữa ăn trưa rồi sẽ liệu.

Ông Victor Ban quay đi thì một thanh niên lịch sự khác đứng lên:

  • Thưa ngài, tôi rất được hân hạnh nếu ngài cho tôi hầu ngài vài séc.

Thế là cả bọn kéo nhau ra chỗ sân quần. Trong một tiếng đồng hồ, Xuân Tóc Ðỏ đã hạ nỗi thiếu niên. Những tiếng vỗ tay luôn luôn tăng thanh thế cho nó trước mặt Tuyết. Những cách nắm banh, vợt banh, một lối cầm vợt kiểu cách, một cử chỉ làm bộ, đã đủ khiến Xuân có nhũng dáng điệu của một phong lưu công tử, ít ra cũng là con một ông tổng đốc như những tài tử quần vợt khác. Lúc ông Victor Ban chạy ra ngó một phút thì những lời khen ngợi Xuân của khán giả bắt ông ta ngờ ngợ dễ thường mình nhầm, rằng ông đốc Xuân này không có một mảy may dính dáng gì đến cái thằng Xuân thổi loa của mình mấy năm xưa.

Xong cuộc, những tay bại trận đều tỏ lời kính phục Xuân và ước ao sẽ được có ngày tái ngộ. Tuyết thấy rằng Xuân không những đáng là bạn giai mình mà thôi, nhưng giá có làm hại cả một đời Tuyết một cách thật sự thì cũng xứng đáng lắm.

Khi hai người vào cái phòng riêng thì Xuân nằm đờ ra, vì mệt. Thái độ lễ phép không thể tha thứ được như thế Tuyết ngồi lên tay ghế, buồn rầu. Tự nhiên thấyở phòng bên cạnh có tiếng đàn bà hát vang lên:

  • Dè… đờ… dà… múa…!

Mông Pế y ề Pa rí!… 1

Tuyết đang lắng tai nghe kinh ngạc thì Xuân rên rĩ gọi:

  • Em ơi, em!… Tuyết ơi! Tuyết!
  • Im đi! Hình như là… như là… Giời ơi… chị tôi! Hoàng Hôn!

Câu nói ấy làm cho Xuân ngồi nhổm lên, sợ hãi hỏi:

  • Chết! Ai? Bà Văn Minh ấy à?
  • Không! Khẽ chứ! Ấy là chị tôi, chị phán dây thép ấy mà!
  • Thế à? Thế có ông phán mọc sừng đấy không?

Tuyết ngơ ngác hỏi:

  • Soa anh biết rõ thế? Hở? Hở anh? Sao anh lại biết Hoàng Hôn có hai mối tình?
  • Sao lại không biết?

Sự thực, lúc ấy có Hoàng Hôn, vợ ông phán mọc sừng, đương bù khú với nhân tình ở phòng bên cạnh, thật không ngờ rằng Xuân và Tuyết ở bên này lắng tai nghe…

Người nhân tình nói:

  • Mình ạ, tôi không muốn tình thế này cứ kéo dài ra mãi, nguy hiểm lắm.

Cô Hoàng hỏi vặn một cách căm tức:

  • Thế anh muốn gì nữa nào?
  • Tôi muốn mình… chúng ta lấy hẳn nhau!
  • Nghĩa là tôi xin ly dị chồng tôi?
  • Chứ gì nữa?
  • Không, thưa ông ạ. Tôi chỉ muốn mình là người yêu của tôi thôi! Mình là chồng tôi nữa? Mình là chồng tôi? Thế thì mình lại mọc sừng mất! Chẳng thà cứ để hắn mọc sừng hộ mình có hơn không?
  • Chết chết! Ðàn bà gì lại có thứ đàn bà có những tư tưởng đến thế!
  • Sao? Làm sao? Chỉ có đàn ông là không bao giờ có những tư tưởng đến thế mà thôi! Chứ đàn bà, đời bây giờ, ai cũng nghĩ như thế cả! Có chồng thôi mà không có nhân tình? Thế là hèn, là xấu, là không có đức hạnh gì cả, không có thông minh nhan sắc gì cả, nên chẳng ma nào nó thèm chim! Nếu tôi không có nhân tình thì bạn hữu tôi sẽ khinh bỉ tôi, tôi còn sống với đời sao được? Có ăn có trọi mới gọi là trâu chứ? Thế mà tôi cũng giữ trinh tiết với mình, không có ai là nhân tình thứ hai nữa, thì mình nên cho là hạnh phúc rồi.
  • Thì sao mình không kêu là giữ trinh tiết cả với chồng mình có được không?
  • Chú sao lại không! Giữ trinh tiết với cả hai người! Chồng và nhân tình! Nếu không thể được thì là cái giống gì ấy chúa còn là đàn bà sao được nữa!
  • Chỉ sợ có phen nó biết…
  • Chả đời nào! Tạo hoá sinh ra nó mọc sừng thì sao lại biết được. Nếu cú có biết thân cú hôi thì cú đã chả hôi!…Dè đờ, dà múa! Mồng á măng, mồng mà rrrít! 2

Thế rồi người đàn bà ngoại tình cứ hát cả bài “Tôi có hai cái tình” một cách véo véo, von von…

Ở bên này, Xuân nói thầm vào tai Tuyết:

  • Thật là một người đàn bà đức hạnh! Xứng đáng! Tân tiến!

Thấy Xuân khen chị mình, Tuyết hoá ra ghen mà rằng:

  • Còn tôi thì dễ thường…

Xuân hôn Tuyết một cái rất kêu, rồi khẽ nói:

  • Tuyết cũng đáng quý trọng như thế!

Ðược thế, Tuyết lên mặt, bĩu môi nói:

  • Nhà tôi là một nhà sang trọng, văn minh, mấy chị em phải giống nhau nhu đức, nếu không thì còn ra cái thể thống gì nữa?

Xuân lại ph1ong tay lên ngực Tuyết nhưng lần này lại bị cự tuyệt:

  • Một lần thôi chứ? Ðã biết không là cao su rồi thì thôi chứ?

Xuân Tóc Ðỏ còn đùa nhả bằng nhiều cách khác nữa thì Tuyệt lại dẫnc húng rằng bụng dạ đàn bà là khó hiểu, vì cứ im.

Hai bên cứ vừa đùa nghịch nhau, chốc chốc lại nói một cách thành thực đáng khen:

  • Chúng ta yêu nhau một tấm ái tình cao thượng…
  • Ðôi ta yêu nhau bằng thứ linh hồn trong sạch.

Mãi cho đến khi Xuân Tóc Ðỏ muốn xin cái“ân huệ cuối cùng” thì Tuyết đứng lên giận dữ:

  • Im! Ðể yên! Không bao giờ tôi cho mình cái ân huệ cuối cùng. Mình không phải là người lịch sự! Tôi không dại dột như nững cô gái ngây thơ đâu! Ít ra tôi cũng đã là một trang bán sử nữ!

Xuân Tóc Ðỏ ngây người ra không hiểu. Tuyết nói nốt:

  • Nghĩa làDemi Vierge ! Nghĩa là còn tân một nửa!

Xuân ngây ngô hỏi lại:

  • Còn một nửa cái tân thôi? Còn một nửa chữ trinh thôi?

Tuyết đài các đáp:

  • Chứ lại gì! Chú khi nào lại mất tân hẳn được! Chứ khi nào lại để cho ngày nhị hỉ thấy lợn cắt tai được!

Từ đấy trở đi, Xuân ngoan ngoãn đứng đắn khác trước. Nó đã hiểu Tuyết là một bán sử nữ hoàn toàn đáng mặt đàn bà nước Nam vào thế kỷ hai mươi, chứ không phải sự thường.


1 Một bài hát phổ biến trước cách mạng: Tôi có hai mối tình, Tổ quốc tôi và Paris…
2 Tôi có hai cái tình! Nhân ngãi tôi, chồng tôi

Số đỏ – Chương X

XUÂN TÓC ÐỎ THI SĨ
MỘT CUỘC TRANH NHAU MỌC SỪNG
TƯ TƯỞNG BẢO THỦ CỦA BÀ PHÓ ÐOAN

Sau khi ra phòng ăn để tiêu thụ một bữa cơm tây rất sang trong y như những người Việt Nam thượng lưu khác, Tuyết lại rủ Xuân đi bách bộ trong hoa viên của khách sạnBồng Lai cho tiêu cơm. Sợ gặp ông Victor Ban, Xuân thoái thác là mệt… Tuyết giận dỗi nói:

  • Ồ! Mình nói lạ nhỉ! Khi người đếnBồng Lai thì không phải để người ta mệt, nhung mà để người ta chơi! Thời buổi này là thời buổi của khoa học, của gân cốt, của thể thao, thì một thanh niên tráng kiện như mình không được nhọc mệt, nhất là mình lại là ông đốc! Vả lại, thế là mình lừa dối tôi đấy nhế? Như thế mà tự nhận là quý đàn bà như người Tây phương! Không biết nếu mình đã làm hại cả một đời tôi rồi thì đến thế nào!

Trước những lý luận chính đáng ấy, Xuân lại phải ngồi nhỏm lên mà rằng:

  • Chúng tôi rất được hân hạnh.

Xuân toan ra ngay, nhưng bị Tuyết ngăn lại:

  • Hãy khoan!

Rồi Tuyết bấm đầu ngón tay, lẩm bẩm tính:

  • Một bạn gái, hai bạn giai, ông Victor Ban, tất cả là bốn người!

Hí hửng nhìn Xuân, Tuyết nói to một cách ngây thơ:

  • Những bốn người, mình ạ! Những bốn ngưòi đã phải nghi ngờ tôi là hư hỏng, thế có sung sướng không? Chỉ nay mai là có người đồn đến tai thầy đẻ tôi mà thôi! Hoặc không thì ít ra cũng đến tai cái thằng vị hôn phu của tôi! Thế cho bõ ghét.

Xuân ngây ngô nói:

  • Thì ra làm cái nghề chồng mọc sừng đã khổ mà làm cái vị hôn phu như thế cũng không sướng.

Tuyết cười khanh khách:

  • Mình nói thâm thúy lắm! Thật rõ là ngôn ngữ của một người ở thế kỷ hai mươi chúng ta. Nhưng mà chưa chắc tôi đã cho mình mọc sừng đâu mà phải sợ.

Ngừng một lúc, Tuyết lại nói:

  • À, thế ông vìa và bà cụ ở nhà thế nào?

Ngơ ngác một vài phút để đủ thì giờ hiểu, Xuân mới nói một cách buồn rầu:

  • Anh chẳng may bồ côi sớm.
  • Cụ ông chết, cụ bà còn hay cụ bà chết, cụ ông còn?
  • Cả hai đều đã mất cả.

Tuyết chớp hai con mắt lúc đỏ loé những ánh sáng hạnh phúc, nói:

  • Cứ một điều ấy cũng đủ cho anh đáng mặt lấy tôi làm vợ đấy! Tôi lấy anh thì là tôi không có mẹ chồng! Sướng chưa? Bồ côi sớm như anh thế là tốt số lắm!

Xuân còn ngầm nghĩ chưa biết nên đáp thế nào thì Tuyết lại tiếp:

  • Anh đừng phân vân nữa, anh đốc ạ. Nếu hư hỏng dại dột như số đông thì ngay lúc nẫy tôi đã dại dột với anh rồi chú còn gì! Ðằng này tôi biết giữ gìn lắm, bao giờ cũng thế.

Xuân cười nhạt, nói bông:

  • Ðằng nào thì cũng phải một lần…

Nhưng Tuyết cãi lại một cách rắn rỏi:

  • Thôi đi! Ðể đến hôm tân hôn, anh lại cắt tại lợn ấy à?

Lời lẽ khôn ngoan sắc sảo ấy khiến Xuân Tóc Ðỏ sung sướng lắm, vì nó tin rằng mai sau có lấy Tuyết cũng không sợ mọc sừng nữa.

Hai người kề vai nhau ra khỏi gian phòng, đi về phía vườn hoa. Nhưng cây hoa kèn, hoa mỏm chó, nở sặc sỡ ở trên các luống nghìn tía muôn hồng, rõ ra cảnh Bồng Lai thật sự. Thỉnh thoảng, trên lớp đá cuội, một vài chiếc hoa héo, rụng xuống tả tơi…

Một thiếu niên bé nhỏ, mặt hốc hác như mặt những nhà thi sĩ có tên tuổi, đôi mắt lờ đờ, cái thân thể ốm o lẩn trong bộ Âu phục quần chân voi, cứ đăm đăm chiêu chiêu nhìn Tuyết… Cô này khẽ bảo bạn:

  • Ðây, xin giới thiệu anh một người muốn chiếm trái tim của tôi…

Mới nghe thế, Xuân cũng thấy máu ghen chạy lên đỏ cả mặt. Nó quay lại nhìn. Thiếu niên hình như chỉ trông thấy có một Tuyết, nên cứ thoăn thoắt vung đôi quần chân voi đi theo sau. Tuyết khẽ nói:

  • Mặc kệ ngưòoi ta, anh! Một nhà thi sĩ kia đấy! người ấy không hại ai cả.

Nói xong, sung sướng như những cô gái được có người muốn bắt chim, Tuyết cứ nhẩy tung tăng để giẫm lên những đoá hoa rụng trên đường cuội. Nhà thi sĩ thì vẫn đi theo Tuyết thoăn thoắt… Xuân Tóc Ðỏ muốn quay lại cự cho anh chàng vô lễ ấy một vố, thì chợt anh chàng ngâm nga rất to:

Nàng tiên rảo gót trên đường cuội,

Hoa thẹn! Ðầy đưòng rụng tả tơi,

Cái đẹp vẫn thường ghen cái đẹp,

Mỹ nhân giẫm nát những hoa – Hoài

Xuân nghe thế, sắp sửa đổi lòng căm tức ra lòng kính trọng, thì Tuyết cười khúc khích. Nét mặt vẫn thản nhiên như những nhà thi sĩ can đảm chịu đựng nỗi đắng cay, thiếu niên lại ngâm:

Chẳng được như hoa vướng gót ai,

Lòng ta man mác tả tơi thay,

Vội vàng nhặt lấy bông hoa nát

Ðể áp cho lòng nỗi đắm say!…

Rồi nhà thi sĩ cúi xuống nhặt bông hoa lên, dừng chân đứng yên, ấp cái hoa vào lòng bằng hai cánh tay vòng tròn y như ôm một người tình nhân tưởng tượng.

Không thấy tiếng giầy lạo sạo trên cuội theo mình nữa, Tuyết dừng chân, quay lại nhìn sau lưng… Cử chỉ của nhà thi sĩ khiến Tuyết phải nói:

  • Thế có cảm không hở anh? Ấy anh chàng theo đuổi tôi đã mấy tháng nay rồi đấy. Anh chàng thì cảm quá rồi mà mình lại không cảm kia chứ!

Xuân Tóc Ðỏ nghiến răng hỏi dồn:

  • Có thực nó cảm không?
  • Thì lại còn thế nào mới là cảm nữa?

Trong óc Xuân lúc ấy có một luồng tư tưởng văn chưong chạy qua. Nọ tự thấy đáng hổ thẹn, nếu không đọc thơ như kẻ tình địch. Mà muốn ngâm thơ thì nào có khó gì? Nó nhớ ngay đến những bài thơ nó đã đọc lầu lầu mấy năm xưa, những khi còn làm nghề bán nói trước máy phóng thanhcho những nhà bán thuốc. Nó bè bảo Tuyết:

  • Em muốn anh ứng khẩu bài thơ cho gã ấy không?

Tuyết vỗ tay reo:

  • Nếu được thế thì còn danh giá nào bằng!

Xuân Tóc Ðỏ bèn chắp tay sau lưng, tiến đến nhà thì sĩ ngâm nga rất dõng dạc:

Dù già cả, dù ấu nhi,

Sương hàn nắng gió bất kỳ – biết đâu?

Sin ra cảm, sốt, nhức đầu,

Da khô, mình nóng, âu sầu, ủ ê…

Ðêm ngày nói sảng, nói mê…

Chân tay mệt ỏi, khó bề yên vui.

Vậy xin mách bảo đôi lời:

“Nhức đầu giải cảm” liệu đời dùng ngay!

Xuân Tóc Ðỏ còn muốn đọc lầu lầu nữa, nhưng thiếu niên vội xoa tay chịu hàng:

  • Xin lỗi ngài! Thế thôi cũng đủ là một bài học cho bỉ nhân… thán phục! Vậy để rồi bỉ nhân luyện lối trào phúng thì mới mong đối đáp ngài được!

Nói xong, nhà thi sĩ ấy cúi đầu kính cẩn chào Xuân rồi chuồn mất với cái mặt đỏ những hổ thẹn. Xuân đến gần Tuyết, được khen:

  • Giời ơi, anh là một bậc kỳ tài! Thật là xuất khẩu thành chương. Mà thơ như thế thì thật trào phúng lắm, không kém gì Tú Mỡ. Nhưng mà thơ của anh sao có nhiều mùi thuốc thế?

Không biết cắt nghĩa ra sao, Xuân bèn đố lại:

  • Ðố biết đấy.

Tuyết lại tự trả lời cho câu hỏi của mình:

  • À phải rồi! Tại anh đã học trường thuốc nên thơ của anh cũng có mùi khoa học chứ gì! Thật là văn chương đốc tờ đấy.

Cùng vui sướng, cả hai lại sánh vai nhau đi lững thững về phía bể bơi… Chợt Tuyết sợ hãi, rối rít khẽ nói:

  • Chết! Anh phán! Thôi, chốc nữa, mình tìm tôi quanh trong này nhé!

Nói xong, Tuyết lẫn sau một cây nọ rồi trốn mất.

Trước mặt Xuân Tóc Ðỏ, lúc ấy hiện ra ông phán mọc sừng, cùng đi với môt người đàn bà.

Hôm nay ông phán mày râu nhẵn nhụi, áo quần nho nhã bảnh bao, trông rõ ra vẻ môt người mọc sừng vô tâm, thấy cuộc đời là vui vẻ… Người đàn bà thì ăn mặc lối nửa tân nửa cựu, trông có vẻ ham muốn cái hư hỏng của phụ nữ giải phóng lại vừa nhớ tiếc cái đức hạnh gánh vác của phụ nữ cổ hủ, muốn rõ là hạng người nào trong xả hội cũng khó khăn thay!

Xuân Tóc Ðỏ không biết đấy có phải ông phán đi với vợ không, vì nếu không thì cũng là sự lạ khác. Mặc kệ, cứ biết bổn phận phải nói thì cứ nói, nó bèn kính cẩn chào cả hai người rồi đứng ưỡn ngực ra, dùng cái giọng thổi loa xưa kia mà rằng!

  • Thưa ngài! Ngài là một người chồng mọc sừng!

Ông phán kinh hãi đến tái mặt, ấp úng giới thiệu:

  • Ðây, đây là… người yêu của tôi, mà thôi!

Vì ngu dại, Xuân hốt hoảng mách:

  • Thế à! Nếu vậy thì may cho ngài quá! Thế thì hiện nay bây giờ vợ ngài có lẽ đương làm cho ngài mọc sừng ở trong kia!

Ông phán lại tái mặt hơn nữa, thất thanh hỏi:

  • Sao? Ngay trong cảnh Bồng Lai này ấy à?

Xuân Tóc Ðỏ giậm chân xuống đất, chán đời:

  • Những việc như thế không ở cảnh Bồng Lai thì còn ở đâu nửa!
  • Chết! Chết! Quan bác mau dẫn đệ đến đấy ngay mới được! Ði!

Xuân Tóc Ðỏ rảo cẳng đi ngay. Hai người lạch bạch chạy theo, rối rít như những ai muốn được mục đích những cảnh ái tình của người khác. Ðến cái cửa buồng ấy thì Xuân dừng lại, đưa mắt cho ông phán mọc sừng. Ông này vừa thở vừa gõ cửa, 15 phút, cánh cửa hé mở ra. Rồi bên trong có tiếng đàn bà the thé rít lên: “Giời ơi! chồng tôi!”. Rồi ông phán hục hặc:

  • Ðồ khốn nạn! Ðồ chó đểu!

Xuân Tóc Ðỏ và người đàn bà kia thập thò đứng bên ngoài. May sao lúc ấy thiên hạ mải bơi, lội, tắm ở hồ cả. Ấy là vì ông phán thấp cổ bé miệng nên tiếng than không thấu đến trời vậy!

Người tình nhân lúc ấy đã mặc được quần áo, khôn ngoan mà hỏi dịu:

  • Kính chào ngài! Bẩm thế ra ngaì là người chồng?

Ông phán phát bẳn mà rằng:

  • Tôi không là người chồng thì tôi còn là con chó gì nữa?

Người tình nhân lại cúi đầu kính cẩn có ý công kích ông phán về mục xã giao:

  • Chúng tôi rất hân hạnh… Bẩmngài, ngài là người thượng lưu, trước sau tôi vẫn giữ lễ độ với ngài, thưa ngài!

Ông phán hổ thẹn cãi:

  • Thưa ngài, dù tôi là người mọc sừng thì tôi cũng vẫnlà thượng lựu trí thức chứ?
  • Vâng, ấy ngài cứ dịu dàng thế cho! Vì nếu mọc sừng thì không phải lầnnày là lần đầu, vậy ngài nổi nóng cũng vô ích, chỉ tổ thiên hạ cười cả đôi chúng ta mà thôi. Thưa ngài, quả thực hôm nay tôi vẫn kính trọng vợ ngài!

Từ ấy trở đi, hai bên đều hết sức lễ phép với nhau để tỏ cho nhau biết cùng là thượng lưu nhân vật. Tuy nhiên ông phán cũng trỏ vợ mà nói:

  • Thưa ngài, dù là vợ tôi đây kia đã mặc quần áo vào như thế kia rồi, thì tôi cũng không dám chắc. Là vì cổ nhân đã dạy:Nam đáo nữ phòng nam tất đãng, nữ đáo nam phòng nữ tất dâm.

Biết rằng trước lý luận cứng cỏi đến như thế thì chối cãi tội gian phu của mình cũng khó lắm, người tình nhân bèn cãi:

  • Thưa ngài, mọc sừng không phải là cái xấu, nhưng chỉ là cái chẳng may, một cái tai nạn vậy. Như Nã Phá Luân đánh Ðông dẹp Bắc như thế, lại đẹp giai như thế mà cũng mọc sừng thì ngài bảo sao?

Thấy mình được bắc lên ngang hàng với Nã Phá Luân, ông phán mọc sừng cũng có hả dạ đôi chút. Tuy nhiên ông cũng nói:

  • Bẩm ngài, dù là xấu, dù là chẳng may, thì mọc sừng cũng là chịu thiệt hại. Vậy ngài định mọc sừng cũng là chịu thiệt hại. Vậy ngày định đền bù tôi ra làm sao? Hay tôi phải nhờ đến pháp luật?

Nghĩ ngay đến sở Cầm, tin đăng trên các báo, người tình nhân vội chữa:

  • Bẫm ngài, chính tôi mới là người mọc sừng!

Ông phán sững sốt:

  • Ồ! Ố! Có thể như thế được chăng?
  • Bẩm chính thế! Vợ ngài bảo với tôi là chưa có chồng và vẫn nhận tôi là chồng! Bây giờ tôi mới được cái tin sét đánh đau đớn là người đàn bà ấy đã có chồng! thật quả nhiên ngài lại đây định bắt quả tang chúng tôi, ngài đừng có chối! Nghĩa là vợ ngài có hai chồng. Bây giờ tôi mới biết tôi cũng là một người chồng mọc sừng, thì ngài bảo sao? Ai phải đền ai? Ai thiệt hại?

Sợ quá, ông phán giẫy đây đẫy:

  • Tôi không biết! Tôi không lôi thôi! Ông Xuân, xin ông làm chứng cho tôi rằng tôi là người chồng mọc sừng…

Xuân cúi đầu nhã nhặn:

  • Chúng tôi rất hân hạnh.

Thấy nguy, người tình nhân doạ già:

  • Bẩm, thế này thì chưa biết tôi hay ngài bị thiệt hại… Vậy thì có lẽ tôi phải đi hỏi luật sư mới được. Thưa ngài, đã là viên chức thì ngài phải hiểu luật, phải trọng pháp luật hơn người khác.

Nghe thấy nói đến thầy kiện, lại sợ mình trái luật thì ắt không còn là một viên chức gương mẫu trung thành nữa, lại không hiểu mình có trái luật không, lại sợ người ta bắt được quả tang mình muốn bắt quả tang người ta, ông phán bèn nháy mắt cho người yêu, bắt tay tình nhân vợ ông, lễ phép nói:

  • Thôi, kính chào ngài, rất mong có phen tái ngộ…

Rồi ông rảo cẳng ra khỏi cảnh Bồng Lai như người đi trốn, có người tình nhân của ông lẽo đẽo theo sau. Riêng về phần Xuân, thấy nói đến luật sư cũng đâm hoảng, sợ lôi thôi đến mình, thì đầu chẳng phải lại phải tai, nói cũng cắm cổ đi nốt.

Tìm thấy Tuyết rồi, nó hốt hoảng nói:

  • Ði, ta đi ngay không thì lôi thôi to bây giờ! Tuy chưa hiểu rõ, Tuyết cũng kinh hoàng mà chạy theo Xuân. Cả hai ra đến cái cổng Nhật Bản thì lại thấy ngay cái xe ô tô của bà phó Ðoan đứn sừng sững.

Bà này nhẩy xuống, gọi Tuyết, nói to:

  • À, cô này đã có ngưòi sêu tết rồi, thề là không có phép!

Tuyết bĩu môi, chỉ Xuân:

  • Người này chỉ là một người bạn trai của tôi, thế thôi! Không hơn không kém.

Rồi Tuyết nhẩy lên một cái xe cao su, mặc kệ Xuân với bà phó Ðoan…

Bà này bảo Xuân:

  • Như ý tôi ấy à? Con gái bây giờ hư lắm, chỉ ăn chơi thôi, Ðàn bà thì phải biết tòng nhất nhị chung, thế nào là tam tòng tứ đức, thế nào là trinh tiết đức hạnh?

Thấy Xuân câm miệng hến, bà liều mà nói:

  • Còn ông, thì ông phải đứng đắn, đừng có tìm cách hại một đời người ta. Ðã có người sêu tết người ta, thế là người ta đã có chồng rồi. Phương ngôn có câu: Giai tân gái hoá thì chơi, đừng nơi có vợ, đừng nơi có chồng!

Nghe đến đây, chợt nhớ đến mọi sự lôi thôi lúc nẫy, lại chợt nhớ đến bà phó Ðoan đương goá chồng, Xuân Tóc Ðỏ ấp úng nói:

  • Thưa bà, bà tha phép cho, nếu bà không trinh tiết với hai ông chồng như thế thì… bẩmt ôi cũng mạn phép mà… phải lòng bà rồi!

Bà phó Ðaon tủm tỉm cười mắng:

  • Ê! Ê! Rõ đồ ê trệ chửa!

Rồi bà lên xe, bảo tài xế phóng nước đại.

Bà đi trốn ái tình.

Xuân Tóc Ðỏ phải từ giã cảnhBồng Lai, cuốc bộ về hiệu Âu Hoá.

Số đỏ – Chương XI

CUỘC KHÁNH THÀNH SÂN QUẦN
XUÂN TÓC ÐỎ DIỄN GIẢ
VIỆC SỬA SOẠN MỘT CUỘC HÔN NHÂN

Buổi khánh thành cái sân quần riêng của bà Phó Ðoan trong vườn hoa nhà thật là một ngày đáng ghi vào lịch sử thể thao của nước Việt Nam. Theo như những cuộc khánh thành khác, cũng có tiệc trà, có rượu sâm banh, lại có cả “chúc từ” nữa.

Họp mặt tại buổi tiệc, có từ ông Típ Phờ Nờ cho đến vợ ông ta từ Tuyết cho đến anh ruột cô ta là cậu Tú và chị ruột cậu này là bà phán vợ ông mọc sừng – nguyên là cô Hoàng Hôn – và cả nhà chính trị bảo hoàng Joseph Thiết nữa.

Ông này coi cả bọn chung quanh ông chỉ là dân chúng, còn mình là một nhà lãnh tụ, một nhà chính trị và một nhà chính trị thì thật sự thì bao giờ cũng nghĩ đến quyền lợi của quốc gia mà khinh bỉ những cái thị hiếu và lòng ham vui thú của dân chúng. Giữa lúc mọi người cười nói ồn ào, ông Joseph Thiết giở một tờ báo Pháp ra, sung sướng hưởng cái khoan khoái của việc ông Léon Blum bị môn đồ của nhà bảo hoàng Maurras đánh cho chảy máu ở hai bên thái dương. Nhưng, những người chung quanh ông cũng chẳng ai để ý xem ông đương làm gì.

Ðối lại, ông Joseph Thiết coi như lúc ấy không có những người khác nữa, cũng như những người khác coi như lúc ấy không có ông. Bữa tiệc ấy chỉ còn thiếu mặt có cậu Phước (Em chã!) thì là đủ các nhân vật thượng lưu trong xã hội.

Khi hơi men đã ngà ngà, khi đám người thượng lưu ấy đã hơi hơi không được thượng lưu mấy tí, thì ông Văn Minh nâng cốc đứng lên… với cái thân hình ốm yếu:

  • Thưa các bà,

Thưa các cô,

Thưa các ngài,

Ấy thế là ông Văn Minh nói nhai nhải đến gần một giờ đồng hồ về lịch sử thể thao của nước cổ Hy Lạp, phong trào thể thao ở xứ ta, vận mệnh của nòi giống nếu không thể theo và nếu có thể thao, bà phán (xin hiểu ngầm là bà Phó Ðoan) tiểu sử của bà, những tư tưởng tân tiến của bà, cử chỉ đáng làm gương của bà trong khi làm cho sân quần để phụng sự một công cuộc thể thao của gia đình, trào lưu thể thao của phụ nữ từ khi có cuộc “tiểu thư đi bộ” vân vân… Giữa bài “chúc từ” có đoạn ông Văn Minh công kích kịch liệt những người thừa tiền mà làm đình, xây chùa, tô tượng đúc chuông, những kẻ hủ lậu vậy.

Ông kêu đồng bóng cũng là một lối thể thao, nhưng lối ấy đã bất hợp thời trang.

Trong lúc ấy, ông nhà báo cấp tiến với xã hội và bảo thủ với gia đình vội vàng lấy bút máy và sổ tay ra ghi chép, coi những lời lẽ quý hoá ấy tựa hồ bật ở miệng một vĩ nhân mà ra…

Rồi ông Văn Minh lại khái luận về những bổn phận của người đàn bà lý tưởng có những gì khiến bà Phó Ðoan phải yên trí rằng mình là một người đàn bà lý tưởng. Sau cùng, đoạn chúc từ kết luận bằng sự diễn giả giới thiệu với mọi người: Xuân Tóc Ðỏ, một thanh niên gương mẫu, một giáo sư ten – nít với tất cả những danh dự mà cái chúc ấy được nhận. Nói tóm lại, bài “chúc từ” ấy có đủ điều kiện là một bài của một nhà đại văn học, đại chính trị, vì trong đó có đủ mọi điều, thêu dệt, bịa đặt, phóng đại, huyền hoặc, giả dối bằng những danh từ điêu trá của văn chương. Mọi ngưòi vỗ tay thật là đích đáng.

Nói xong, ông cháu rể ngồi xuống một cách nghiêm trang nhã nhặn ngầm như đa số diễn giả khác để bà dì đứng lên đáp lời. Bà Phó Ðoan cảm ơn diễn giả và các cô, các bà, các ngài đã vui lòng đến chứng kiến bữa tiệc khánh thành cái sân quần của bà mà bà ước rằng lúc nào cũng đông…

Mọi người lại vỗ tay…

Vì lần đầu ở vào một bữa tiệc có những nghi lễ như thế, được hưởng những cái danh dự mà chính nó cũng không biết, Xuân Tóc Ðỏ tưởng mình không phải đáp lời gì ai nữa, cứ việc vỗ tay thật kêu. Rồi uống luôn một hơi sâm banh một cách tự nhiên nhất đời, không để ý rằng ai cũng đương nhìn mình chòng chọc. Sau cùng nó khoanh tay ngồi im.

Thái độ toạ hưởng kỳ thành ấy làm cho một số ít người bất mãn. Bà vợ ông phán mọc sừng, đứng lên nói một cách ranh mãnh.

  • Bây giờ hình như đến lượt ông Xuân, nhà giáo sư quần vợt.

Ông Típ Phờ Nờ cũng được dịp trả cái thù riêng của ông bằng mấy câu:]

  • Ðiều ấy tất nhiên! Khánh thành sân quần thì tất nhiên bao nhiêu danh dự vào giáo sư quần vợt cả! Vậy xin ngài đừng nhũn nhặn quá mà cứ cho chúng tôi đươc nghe qua một đôi câu văn rất văn hoa của ngài!

Ngồi bên cạnh Xuân, Tuyết cũng vô tình thúc giục:

  • Nói đi, anh đốc! Nói rất văn hoa vào cho thiên hạ họ biết tay!

Không biết thế nào là phải, như một cái máy có người vặn, Xuân Tóc Ðỏ đành đứng lên, cốc rượu vẫn nâng trên tay… Nói? Thì nó vẫn nói to lắm, mà lại không bao giờ sợ khán cổ, nhất là không bao giờ thẹn, một kiều kiện cố yếu của nhà hùng biện. Nghiệm như xưa kia, lúc bán phá xa, làm lính cờ chạy hiệu rạp hát, làm nghề thổi loa cho ông Vua Thuốc Lậu Nam Kỳ, nó đã quen cái mồm đàn áp, chinh phục, và làm rung động công chúng hơn ai…

Nhưng đấy không phải là điều cốt yếu… Phải, đành là phải nói, nhưng phải biết nói gì mới được…

Sau ba phút trầm tư mặc tưởng, vốn thông minh tính bẩm, Xuân Tóc Ðỏ nhớ ngay đến những ngôn ngữ và cử chỉ mà ông bà Văn Minh và ông Típ Phờ Nờ vẫn dùng đến, mà nó đã nghe quen tai ngay từ hôm nó nhẩy vào gánh vác trách nhiệm. Âu Hoá xã hội. Nó bèn từ tốn nói, vừa nói vừa nghĩ:

  • Thưa các bạn gái,
  • Thưa các bạn giai…

Xuân Tóc Ðỏ nói thế vì óc nó còn đầy những tiếng ấy từ khi nó vào cảnhBồng Lai để làm tròn cái bổn phận hại một đời con gái đứng đắn và tử tế, chẳng ngờ tình cờ lối nhập để ấy lại có kết quả tốt chua ai thấy một diễn giả gọi các thính giả thânmật đến thế từ khi nhận loại có chúc từ. Ai cũng kính cẩn lắng tai nghe. Xuân lại lắp bắp:

-…Tôi, từ hôm nay mà đi, là đã dự một phần vào cuộc cải cách xã hội rồi… Vậy tôi phải chăm chỉ và nhất là phải hiểu những việc tôi làm… Chưa được Âu hoá mấy!… Một sự trở ngại trên đường tiến hoá. Thể thao… Nòi giống… Hạnh phúc là cái gì khác nếu không là sức khoẻ của vợ chồng? Gắng sức anh em luyện tập, không phải là cải cách bề ngoài như lối cổ hủ… giữa buổi canh tânnày, cái gì hủ lậu ta đào thải đi!… Chúng tôi rất được hân hạnh.

Nói đến đây, chợt nhóo đến những câu tướng thắng trận lúc nhận cúp ở tay một quan toàn quyền, hoặc một quan thống sứ, thường reo lên những khẩu hiệu thể thao, Xuân Tóc Ðỏ bèn, để kết thúc bài diễn văn:

-Líp líp lơ… Hua rra!

Giữa lúc ấy, vừa thấy tờ báo đăng rằng nhà bảo hoàng Maurras xua người đánh ông Blum xong thì lại viết luôn mấy bài hăng hái đòi lấy đầu nhà lãnh tụ xã hội một lần thúu nhì nũa, ông nguyên đảng viênThập Tự Lửa Joseph Thiết vỗ đùi kêu to lên:

  • Hay! Hay! Bravo.

Thế là cả gian phòng vỗ tay ran lên hoạ theo ông ta. Bà Phó ÐoanLíp líp lơ một cách xứng đáng. Một vài kẻ hoài nghi thì cũng vỗ tay khen vì lẽ chúc từ của Xuân Tóc Ðỏ không phải là đĩa kèn nói, và những nhà thể thao chính hiệu bất kỳ ứng khẩu thế đã là cừ, chứ không cần được hơn.

Người ta chạm cốc sâm banh khen ngợi chúc tụng lẫn nhau theo lối các vị thượng thư, đoạn rủ nhau xuống sân quán.

Khi đến xuống sân thì ai cũng phải cảm động… Ôi! Thật là một triệu chứng tốt cho thể thao nước nhà, cho tương lai phụ nữ: trên rạng lưới của cái sân quần còn mới nguyên như một cô gái còn tân, người ta thấy một… hai… ba… bốn… cái quần, quần đùi, quần ngủ, quần ra phố, quần ở nhà, cái nào cũng bằng lụa, hoặc trơn, hoặc thêu đăng ten, những cái có thể khiển những ông cụ già trông thấy cũng phải lai lăng lòng xuân, mình chính lại là của bà Phó Ðoan!

Ðiên người, lộn ruột lên, bà Phó Ðoan đã gọi ngay người vú già ra mắng cho một trận kịch liệt, thì vú già cổ hủ và bảo thủ ấy cứ lầu nhầu:

  • Ai biết đâu đấy! Gọi là sân quần thì ai chả tưởng để phơi quần!

Mấy cái quần đã bị cất ra chỗ khác rồi, sân quần lại hiện ra quang cảnh vui vẻ khác. Thoạt đầu, Xuân đánh với bà Văn Minh. Rồi với ông đốc tờ Trực Ngôn. Sau cùng ông đứng với ông Trực Ngôn để đánh với bà Văn Minh và một bà vợ Tây khác, bạn cũ của bà Phó Ðoan, mới đến…

Giữa lúc chưa biết phụ nữ thắng hay nam nhi thắng như thế thì ở nhà cụ cố Hồng, người ta nhau lên vì cái tin cô Tuyết đi chơi với ông Xuân. Cụ già rít lên như những bà mẹ hủ lậu khả ố mà rằng:

  • Ông đã biết chưa. Ông nuông con ông nữa đi! Bao giờ bụng nó bằng cái thúng thì ông mới biết thế nào là nữ quyền, và văn minh, là tối tân, là giải phóng! Phương ngôn có câu nói: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà! Ông là hại nó, ông làm nó hư hỏng, để cho tôi, tôi phải nghe lời thiên hạ chửi rủa… bới móc!

Trước những lý luận bảo thủ rất trở ngại cho cuộc giải phóng phụ nữa của nước nhà như thế, cụ ông chỉ nhắm nghiền mắt lại đáp:

  • Biết rồi! Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!

Nhưng dù “biết rồi” mặc lòng, cụ bà cũng đuổi thằng bồi tiêm xuống bếp ngay… Vì đã công nhận nữ quyền nhu một người văn minh thật sự, cụ cố Hồng cũng không phản đối lại việc huyền chức tạm thời ấy. Cụ chỉ nằm ngáp dài bên khay đèn mà thôi. Cụ bà lại nhai nhải nói như cái chão rách:

  • Ông có biết không? Nó với Xuân rủ nhau vào mộtôten thuê buồng! Chết thât chú không ngờ rằng…
  • Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!
  • Không ngờ rằng một người như ông Xuân, tưởng là đứng đắn tử tế, ai ngờ lại có bụng dạ tồi thế!
  • Biết rồi! Khổ lắm! nói mãi!

Ðến đây, cụ bà chợt tưởng tượng đến cái khó lòng tránh khỏi của những cặp giai gái khi rủ nhau vàôten, bèn bưng mặt sụt sịt khóc như một người mẹ hủ lậu. Không thấy nói gì nữa, cụ ông hé mở đôi mắt nhỏ tí ra hỏi:

  • Thế sao nữa, hở bà?

Cụ bà khóc to hơn trước một hồi, rồi đau đớn kể lể:

  • Làm sao? Lại còn làm sao!
  • Bà hủ lậu lắm, không nói chuyện được!
  • Thế nào là hủ lậu? Ừ, tôi xin phép ông tôi hỏi ông: thế nào là hủ lậu?
  • Thời buổi bây giờ không có cái lối nam nữ bât tương thân như đời các cụ nhà ta đâu! Bây giờ giai gái được tự do kết bạn với nhau, đi chơi với nhau như Tây! Họ có bạn giai cũng như họ có bạn gái, thế không có gì là lạ!
  • Ai bảo ông thế?
  • Con giai tôi bảo tôi đấy!
  • Ông đã chắc thế là hay hơn chưa?
  • Lúy 1 đã bảo thế thì chắc thế, không hay hớm thì cũng chẳng sao cả!
  • À! À! Con giai ông! Thì được cái bộ tịch gì! Ði mở ngay cái hiệu thợ may phải gió ấy, rồi giở ra rõ đến lắm trò khỉ! Chướng lắm, tôi không chịu nỗi nữa, đừng tưởng tôi không nói gì là hay lắm đâu!
  • Chướng hay không mặc, cứ biết cái cửa hàng Âu Hoá của nó cũng mỗi tháng cho nó kiếm được vài trăm bạc lãi đã!
  • Này tôi bảo thật! Thế cũng chưa bõ. Ðể cho nàng dâu cứ mặc quần đùi đứng trước mặt mẹ chồng! Còn là lãi nữa! Con gái ông mã chửa hoang thì còn là lãi nữa!
  • Việc gì mã chửa hoang? Dễ thế cơ!
  • Ông có biết chúng nó làm gì với nhau không? Nào tắm, nào bơi, nào nhẩy đầm! Lại thuê chung một phòng trong cả một ngày nữa!

Từ nãy đến giờ đã đưọoc nửa giờ, cụ ông bèn ngáp dài một cái, nước mắt nước mũi chảy ra như những người nghiện thuốc đứng đắn mà hút có phương pháp. Cụ bèn nhắm nghiền mắt lại:

  • Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
  • Người ta biết rõ là hai đứa đóng cửa phòng lại, ngủ trưa với nhau rồi, ông đã biết chưa?
  • Sao! Sao nữa?

Cụ bà cười nhạt đau đớn:

  • Lại còn sao nữa?
  • Thế ai bảo mà bà biết rõ thế?
  • Chị ruột nó chứ còn ai nữa!
  • Cái con Hoàng Hôn cũng lênBồng Lai hôm ấy làm gì?
  • Vì hôm đó chồgn nó cũng lên đấy chứ sao?
  • Mau gọi nó ra tiêm thuốc cho tôi đây! Việc có thế thôi, không phải ỏm tỏi lên vội!

Chẳng những đã không biết giá trị của những phút quý hoá và cái quyền lợi thiêng liêng bất khả xâm phạm của những ngưòi nghiện chân chính, cụ bà lại còn nói nữa chứ không gọi ngay thằng bồi tiêm lên.

  • Ðể bao giờ bụng nó bằng cái thúng thì mới ỏm tỏi phỏng? Ông có nghĩ rằng đã có ai sêu tết con Tuyết rồi đấy không? Cái thằng Xuân như thế là đồ xỏ lá, đồ ba que, mặt chó chứ không phải mặt người nữa! Ðể rồi xem! Tôi bắt con Văn với thằng Minh đuổi cổ nó đi cho mà xem! Lại còn con mẹ Phó Ðoan, cái con đĩ già dơ đời ấy nữa! Sân quần à? Rõ đĩ mà không biết rởm! Rồi tôi cấm cửa thằng Xuân cho mà xem!
  • Biết rồi! Khổ lắm! nói mãi!
  • Thật đấy, tôi thì đánh tan xác con Tuyết! Tôi thì chửi con mẹ Phó Ðoan cho một trận cho mà xem!… Tôi thì phú con Văn về với mẹ nó cho mà xem! Chứ thế à? Văn Minh tiến bộ thế à?

Cụ Hồn giẫy hai bàn chân, nhăn nhó kêu:

  • Khổ lắm, nói mãi, gọi bồi nó lên tiêm cho người ta đi! Khỉ ơi là khỉ!

Cáu tiết, cụ bà đập xuống bàn đánh thình một cái, gắt:

  • Tôi không gọi! Ông hãy nhịn đi một chốc! Hút vào để cái gì cũng biết rồi, biết rồi, ấy à?

Tức thì ông cụ ngồi nhổm cả quyết:

  • À, giỏi nhé? Ðược lắm! rồi mà xem! Tôi sẽ gả con Tuyết cho thằng Xuân, tôi xin cam đoan như thế với bà! Chả gì nó cũng đã học trường thuốc, đã được người gọi là ông đốc, mà về quần vợt thì nay may nó chiếm giải quán quân! Này tôi bảo thật: Con Tuyết mà chửa với thằng Xuân thì thật phúc bẩy mươi dodòi cho nhà này! Bà câm đi, bà ngu lắm!

Cụ Hồng đã nói như một người nghiện đứng đắn trong một cơn thịnh nộ đúng giờ và đúng bữa


1: Hắn, nó

Số đỏ – Chương XII

KIM CỔ KỲ… NGÔN
BÀ “CHÚA PHẢI GAN”
SỰ MỈA MAI CỦA SỐ PHẬN

Buổi sáng hôm ấy, lúc chuông đồng hồ báo thức theo hai cái kim chỉ 8 giờ mà kêu ran lên, thì ông Văn Minh tung chăn vùng ngồi nhỏm dậy. Nhìn sang bên tay phải không thấy bà vợ yêu quý đâu cả, lại trông lên cái lịch trên tường, ông mới nhớ ra rằng vợ ông đã đến sân quần vì hôm ấy vào ngày thứ năm.

Ông rửa mặt, thay quần áo xong bèn bấm một tiếng chuông. Trong khi ông ngồi trước bàn trang điểm của vợ ông, thì chợt người bồi mang vào một khay những vị như bánh sửa, bơ tươi, cà phê, súc cù là, nghĩa là những thức ăn để dành riêng cho bậc thượng lưu trí thức. Chải đầu xong, ông ăn vội vã những thức ăn rồi trang điểm cái mặt. Ông giủa móng tay, bôi đỏ mười đầu ngón tay. Rồi xoa một lượt kem lên mặt, rồi trát một lượt phấn lên trên, rồi lấy cái khăn bông khô lau đi, rồi lại bôi môt lần phần mỏng nữa, y như một người lẩn thẩn… Với móo tóc đen và quăn quăn từ đầu cuồn cuộn xuống gáy, cái cổ cao ngẩng và lộ hầu, đôi con mắt ốc nhồi, lại thêm cái mặt loang lỗ những vòng tròn trắng, lúc ấy trông thật xứng đáng là một bậc son phấn mày râu…

Mấy tiếng giày lẹp kẹp tiến đến cửa phòng. Ông phải lắng tai nghe… Rồi tự nhiên cửa phòng mở toang ra, làm cho ông phải nổi giận đùng đùng vì cái tính cẩu thả của dân An Nam không biết gõ của. Nhưng ông không được quát mắng như vào dịp khác, mà lại phải nặn ra cái vẻ mặt tươi cười nữa, vì người vào không gõ cửa chính là cụ phán bà, mẹ ông… Ông vừa đưa tay xoa bộ mặt tân tiến của ông vừa gượng hỏi:

  • Mẹ có việc gì mà đến sớm thế?

Cụ bà đứng khoanh tay sau lưng, nghiễm nhiên nhìn con và khắp gian phòng một lượt chứ không đáp, điếu thuốc lá sâu kèn dính lệch bên góc môi. Sau, cụ đến ngồi ở giường hỏi:

  • Chị ấy đâu rồi?
  • Nhà con nó đi đánh quần.

Cụ bà gật gù cái đầu hồi lâu như nhưng người không bằng lòng một việc gì mà không nói. Một lát sau lại hỏi:

  • Chị ấy đi từ bao giờ thế?
  • Chắc hẳn phải đi từ bảy giờ sáng.
  • Gớm! Vợ chồng nhà anh độ này nhiều cái văn minh quá!

Biết rằng lại sắp có chuyện như mọi bữa, về vấn đề bất hủ nó chia rẻ làm hai phái trong một nhà là vấn đề mới cũ xung đột. Văn Minh bèn chọc tức mẹ bằng cách hỏi lại:

  • Có phải thế không hở mẹ?

Bà cụ cũng đã gần quá điên, song le cũng cố nhịn, chỉ trách:

  • Thế mà đến bây giờ anh cũng chưa xuống hàng! Buôn bán mà chểnh mảng thế thì mấy lúc mà vỡ cửa hiệu? Phải trông nom người làm ăn trong nhà chứ, vợ đi thế, mà chồng thì ngủ thế, họ lại không moi ruột đi cho hay sao?

Văn Minh vẫn ngồi nguyên chỗ để đánh phấn nốt cái mặt, chỉ đủng đỉnh:

  • Ấy bẩm, đã có anh Típ Phờ Nờ trông nom.

Tuy không hiểu con nói gì, bà cụ cũng không cần nói lại. Ðó không là điều cốt yếu. Ðiều cần nhất cho cụ là kiếm cách nhập đề để có thể đả động được đến ông Xuân Tóc Ðỏ của chúng ta đó thôi. Rồi cụ lại hỏi:

  • Thế cái ông đốc Xuân ấy đâu?
  • À, ông ấy là giáo sư quần vợt, chắc bây giờ, ông ấy phải ở sân quần.

Trong khi nói thế, ông Văn Minh cũng không biết cứ lừa dối mãi người khác thì cuối cùng mình lừa dối đến cả mình mà không biết. Một cách vô tâm nhất đời, ông ta đã làm cho một thằng Xuân Tóc Ðỏ nhặt quần, nhảy một bước lên một ông giáo sư. Phải, phải một người đã có chức như: nguyên sinh viên trường thuốc, có học thức, có óc mới, tất nhiên không thể quay về nhặt quần cho quý hội viên được.

Cụ bà lại hỏi:

  • Nghe đâu anh sắp cho con Tuyết cũng học đánh quần thì phải…

Ông còn ngơ ngác hồi lâu rồi đáp:

  • Chả biết nó có muốn học không? Nếu muốn thì tôi cũng bằng lòng. Ðánh quần thì khoẻ người ra thôi chứ không hại gì cả.
  • Này, hình như ông Xuân cũng đứng đắn và tử tế lắm thì phải…

Không biết đấy là bà mẹ đương giương một cái cạm, ông con liền đáp:

  • Cái ấy thì đã đành! Ðâý mẹ xem! Nếu không có ông ta chữa chạy cho thì có phải ông nhà chết rồi không? Việc ấy mình phải coi là một cái ơn to thì mình mới là người lịch sự. Vả lại nhờ có ông ấy trông nom giúp mà cái cửa hiệu thợ may được thịnh vượng thế đấy mẹ ạ.
  • Nhưng con thử xem ông Xuân có thực đứng đắn tử tế không?
  • Ðiều ấy thì như hai với hai là bốn rồi, còn phải sò xét gì nữa!

Cụ bà ngẫm nghĩ một lúc rồi khẽ hỏi:

  • Này anh cả nhĩ, thí dụ gả con Tuyết cho ông ta thì có nên không, và liệu ông ấy có thuận không?

Nghe đến đấy, Văn Minh cau mày, giận hết sức. Nhưng cũng phải dè dặt nói:

  • Nhưng mà tự ai mà có cái tư tưởng ấy thế?

Cụ bà chép miệng mà rằng:

  • Có con gái lớn thì tất nhiên phải nghĩ đến con rể, bổn phận cha mẹ là sao cho giai có vợ, gái có chồng chứ anh sao lại ngạc nhiên?

Văn Minh lắc lắc cái đầu:

  • Việc ấy chắc khó lòng mà thành được…
  • Chết nỗi! Sao thế?

Rất ngạc nhiên về sự thất vọng của mẹ. Văn Minh nói như một người hủ lậu:

  • Không được môn đăng hộ đối! Mà chưa chắc ông Xuân đã ưng con Tuyết…
  • Chỉ sợ người ta không thuận mà mình gọi gả thì mình ngượng lắm, chứ không môn đăng hộ đối cũng chả lo… Thấy anh nói c1i gì như là… bình dân ấy.

Ông con cau mày, hỏi gắt:

  • Nhưng mà sao mẹ lại thiết tha vào việc ấy đến thế chứ?
  • Là vì ông Xuân đứng đắn, tử tể…
  • Thế chưa đủ! Tất có nguyên do gì!

Bà mẹ đứng lên, tiến đến cỉa xói vào mặt ông con:

  • Là vì ông Xuân đã ngủ với em mày rồi, mày biết chưa, thằng khốn nạn!

Rít lên xong, bà cụ dựa vào thành một cái ghế, hai tay sờ soạng lật bật xoa vào tường như sợ ngã vì chóng mặt. Văn Minh cũng đứng lên, chết điếng người.

Bà mẹ rên rĩ kể lể:

  • Mày nuôi ong tay áo, mày vẽ ra lắm trò, mày làm hại một đời em mày, mày bôi do trát trấu vào cái thanh danh nhà tao! Rồi con vợ mày nũua đấy! Rồi còn nhiều chuyện hoang dâm nữa!

Những câu nói như thế có một hiệu lực làm cho Văn Minh ở cấp tiến mà muốn quay hẳn về bảo thủ. Thấy mẹ nói đến vợ mình, lòng ghen của ông nhóm lên. Ông sợ nhất cái xấu mọc sừng, và thấy mình ở trong một cảnh ngộ khó xử, vì mọc sừng là một cái xấu của cấp tiến chứ không phải của bảo thủ. Ðàn bà tân thời mà đứng đắn thì thôi không nói. Ðàn bà tân thời mà đa tình, cái đó càng có lợi cho bạn nam nhi vẫn coi phụ nữ là đồ chơi… Nhưng nếu những cái đồ chời mà lại là em gái ông hoặc vợ ông nữa, thì… Không! Không thể được!

Tuy nhiên, Văn Minh cũng hỏi lại mẹ:

  • Có chắc thế không? Ai trống thấy thế?
  • Con Phán chị nó trông thấy hai đứa ngủ trưa trong một buồng ở khách sạnBồng Lai, mà lại còn không chắc nữa à?
  • Ồ lạ! Sao nó không ngăn cấm em nó? Sao nó không mách tôi?
  • Nó bảo, nó thấy thế nó thẹn ê cả mặt mũi thì nó còn nói gì được nữa!

Lại có những thú thẹn vố lý thế nữa!

  • Chứ không ư? Vả lại nếu nó nói gì nó lại sợ con Tuyết thù nó, chị em đâm mất lòng nhau. Mày cũng đừng cho con Tuyết biết là chị nó mách nó…

Văn Minh đứng ngẫm nghĩ hồi lâu rồi thưa với mẹ:

  • Ðể tôi điều tra việc này cho đích xác đã. Rồi có thế nào sẽ liệu sau vậy, mẹ cứ yên tâm. Dù sao thì việc cũng đã xẩy ra rồi. Cuống cuồng lên là thất sách.

Nói đoạn, Văn Minh bơm nước hoa vào đầu, vớ lấy cái mũ nhung, xuống than… Ông ta đi tìm Xuân Tóc Ðỏ vậy.

Lúc ấy, tại sân quần chỉ có bà Văn Minh và Xuân Tóc Ðỏ luyện tập lẫn nhau thôi chứ không có một nhà thể thao nào khác. Có Jannette con gái bà Phó Ðoan, vì là ngày thứ năm, nên cũng ở trường ra chơi với mẹ cô. Cô ngồi trên ghế, có một quyển sách giở sẳn ở đầu gối, chốc lại nhìn lên xem đánh quần, chốc lại cúi xuống xem tranh ảnh ở sách. Hai đứa bé chừng 10, 12 tuổi, quần áo rách rưới, làm nghề nhặt banh cho Xuân Tóc Ðỏ bảnh bao trong cái quần tây, áo sơ mi cụt tay, giầy vải trắng, đứng làm nhà giáo sư.

Bà Phó Ðoan ở nhà trên chứ không xuốn sân với cái quần đùi để luyện tập như mấy bữa trước. Công cuộc thể thao của bà đã bị một bổn phận thiêng liêng khác đến ngăn trở, bổn phận của bậc hiền mẫu. Là vì cậu Phước, đã hai bữa này không hiểu vì lẽ gì, mà ăn mỗi bữa lại kém, những một bát cơm. Cậu hay ngồi lỳ lỳ trầm tư mặc tưởng như một nhà triết học, không hay quấy đến thiu thịt vú em nữa, lại cả đến“em chã, em chã” cũng không nữa. Thật là một hiện tượng cho cậu bé thuộc hạng con Giời con Phật… Chiều hồm qua, cậu Phước hắt hơi ba lần… Ðến tối, sau khi uống nước, cậu lại nấc. Ðêm đến cậu chỉ đái dầm có một bận chứ không phải hai bận như mọi đêm. Sáng sớm hôm nay, cậu lại ho ba tiếng. Thật là một điềm gở, bà Phó Ðoan thấy rõ như thế lắm, mặc dầu bà không nói thế ra miệng. Bà đã lo âu như là, vào trong trường hợp ấy, bất cứ một vị hiền mẫu nào khác cũng phải lo âu…

Hay là cậu Phước sắp “đòi về”?

Hay là đức Phật chùa Hương thương con – mà chả hiểu đức Phật chùa Hương có con không? – nên đã đến lúc không muốn “đoạ đầy” con ngài dưới trần nữa rồi chăng?

Ông thầy số đã kêu số cậu Phước thọ lắm, hay là thầy số đoán nhảm?

Ấy đó là những câu hỏi làm rối loạn cả khối óc bà mẹ, khiến bà đau khổ, lo nghĩ. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Nhất là lại có nuôi con cầu tự nữa mới biết lòng cha mẹ. Như bà Phó Ðoan nuôi con kể đã là cùng. Bà đã khiêng khem đủ thứ, và tránh những tiếng “quở quang” rất kỹ lưỡng cho cậu Phước, nào bán khoán, nào đội bát nhang, nào cúng, nào sớ tấu: thôi thì chẳng thiếu thứ gì nữa. Vậy mà bây giờ thốt nhiên cậu lại “thế” thì là bởi đâu? Ði cầu cứu sư cự Tăng Phú chăng? Hay là mời ông đốc Trực Ngôn? Bà lo lắng nhìn cậu Phước ngồi tần ngần trên một cái bàn ở giữa nhà, rồi bà ra cửa sổ… Một cách căm tức, bà nhìn xuống bọn đánh quần. Bà quý trọng họ thế, mà họ chẳng biết đến nỗi lo sợ của bà thì là đồ vô lịch sự. Nhưng chợt bà nguôi ngay, vì sự thật bà chưa nói gì cho ai biết… Ðến cả giai nhân của bà tuy vậy, mà cũng chưa đứa nào biết, vì bà sợ nói ra cho có người biết thì lại có điều gì “quở quang” chăng?!… ấy thế mới rầy rà!

Giữa lúc ấy, Văn Minh đẩy cửa vào sân. Ông thấy cô Jannette đấy thì ngả mũ chào, bắt tay và hỏi chuyện qua loa… Ông quay ra nhìn thấy cái quần đùi của vợ ông ngắn quá, cứ để phô ra trước mắt một hạng người đáng nghi như Xuân Tóc Ðỏ, một bộ đùi nở nang và trắng nõn thì ông cũng thấy nản chí trong việc cải cách xã hội, không còn muốn cấp tiến nữa, và muốn cái quần đùi của vợ ông cũng nên bảo thủ đi thì có lẽ hơn. Nhưng vì thấy Xuân chỉ để hết tâm trí vào quả quần, ông lại hơi vững tâm một chút.

  • Thôi! Hãy nghĩ tay một chút đã!

Nói thế xong, ông ra gần vợ bảo:

  • Này mình! Hãy ra đây tôi bảo điều này một lát đã.

Vợ ông gõ vợt xuống sàn ba cái ra hiễu hãy ngừng cuộc, rồi đến với ông. Muốn khỏi bất nhã, ông Văn Minh lại nói to với Xuân:

  • Xin lỗi nhé?

Xuân Tóc Ðỏ vừa thở vừa đáp:

  • Vâng. Xin cứ tự nhiên, cái đó vô hại.

Hai vợ chồng lững thững quay ra phía cuổng, về phía ấy không có người. Người chồng hỏi:

  • Mình đã biết sự gì xẩy ra chưa?

Vọo tròn đôi mắt, sợ hãi hỏi:

  • Cái gì thế? Chết! cái gì?

Chồng lắc đầu thất vọng rồi thở dài:

  • Chúng ta không thể nào dung được cái thằng Xuân ấy ở nhà chúng ta một phút nào nữa! Thật là khốn nạn.
  • Sao đến nỗi thế? Hàng họ đương được khách mà khách lại là củaluý. Vả lại như vậy thì mất lòngluý, ai luyện tập với tôi nữa. Ngày vua ra thì làm thế nào? Nhưng mà vì lẽ gì đã chứ?
  • Nó với con Tuyết nhà ta hình như lôi thôi với nhau.
  • Thế ư? À có lẽ đúng, tôi cũng có lúc đã phải ngờ như thế đấy!
  • Theo như tin tức tôi mới nhận đưọc, thì hình như chúng nó ngủ với nhau rồi.
  • Chết nỗi! Thế kia ư? Có chắc không?
  • Tôi, tôi chỉ muốn vào băm mặt cái thằng chó ngay bây giờ mà thôi! Vì rằng em mình nó hư nhưng vợ chồng mình mang tiếng. Bà lão già cứ đổ tại chúng ta tiến bộ, Âu hoá nên con Tuyết nó hư thế, có khổ không?
  • Lại đến tai mẹ nữa rồi à? Thế mẹ bảo sao?
  • Thầy mẹ lại muốn gả con Tuyết cho cái thằng khốn ấy mới nhục chứ?
  • Ồ! Vội quá! Phải biết đích xác mới được.
  • Làm thế nào mà biết? Chả nhẽ bắt em mình đi khám đốc tờ? Mà hỏi thì tất nhiên không đời nào nó dám nói thật, hoặc có dám thì nó cũng không nói.
  • Thật đấy! Anh chị như thế là đã say mê nhau, nghĩa là muốn lấy nhau. Nếu họ biết thóp là bần cùng thì thầy mẹ cho họ lấy nhau, hẳn là chưa hư với nhau thật sự thì họ cũng cứ bảo là đã hư với nhau rồi cho có lợi.
  • Có khi lại vì thế mà chưa ngủ với nhau, chúng nó cũng hấp tấp vội vàng mà đi ngũ với nhau cũng nên.

Vợ liền cự chồng:

  • Như thế là cậu định băm mặt thằng Xuân ra!
  • Lúc nóng nẩy, còn ai nghĩ! Bây giờ còn một cách: Trước khi biết rõ thằng Xuân làm hại một đời con bé chưa, thì ta hãy cứ tìm cách không cho chúng nó gặp nhau nữa, thế thôi. Nếu khi điều tra được kỹ lưỡng rồi thì ta sẽ liệu, hoặc gã con bé cho nó hoặc xích em mình lại một chỗ, nếu chưa hư hỏng.
  • Thế thì chỉ còn cách tống quách thằng Xuând di, không bao giờ cho lai vãng đến cữa hiệu này nữa. Ðành là hy sinh một người giúp việc đắc lực vậy.
  • Như thế là mình hy sinh cho cái gia đình hủ lậu một tay cải cách xả hội đấy.
  • Chú sao! Chỉ có sự hy sinh là đáng kể.
  • Mà như thế thì nói với dì phán bắt hắn ở luôn đây lại xong.
  • Ồ! Kế ấy hay đấy! Mình khéo nói là được.

Hai vợ chồng sung sướng quay vào thì vừa gặp lúc trên cái cửa sổ tầng gác thứ nhì, cái mặt nhăn nhó của bà vợ Tây ló ra với những cái vẫy tay cầu cứu thất vọng…

Năm người cùng hoảng hốt chạy lên, tưởng chừng có sự gì ghế gớm xảy ra.

Ðến nơi mới biết kỳ thuỷ chỉ có cái sự lạ là cậu Phước hắt hơi luôn những bốn cái một lúc!

Sau khi an ủi bà dì bằng mọi lẽ sinh lý học rất vu vơ, ông Văn Minh bèn ngồi trầm ngâm nghĩ cách tống Xuân Tóc Ðỏ cho xong cái của nợ ấy.

Thế là việc làm cho đời một người con gái tử tế bị mang tiếng của Xuân đã được kết quả hoàn toàn rực rỡ.

Nó chỉ còn phải gánh vác cái trách nhiệm nặng nề là làm hại nốt một vị quả phụ đã thủ tiết luôn với hai đời chồng nữa mà thôi.