Đoàn Phú Tứ

Đoàn Phú Tứ

Đoàn Phú Tứ (1910 – 1989) tại Hà Nội, quê quán Tử Nê, huyện Tiên Du (nay là huyện Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông đậu Tú tài Pháp năm 1932 sau đó, khi đang học dở trường Luật năm thứ hai thì bỏ học đi làm báo. Ông viết cho các báo Phong hoá, Ngày nay, Hà Nội báo, Tinh hoa. Năm 1942, cùng với Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát sáng lập nhóm Xuân thu nhã tập. Ông là cây bút nòng cốt của nhóm chủ trương hình thức văn chương không theo khuôn mẫu này. Trong sự nghiệp sáng tác, Đoàn Phú Tứ soạn kịch, hoạt động sân khấu là chính và ít làm thơ, ngoài ra ông còn là dịch giả của nhiều tác phẩm của các tác giả lớn phương Tây.

Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I, giảng viên Trường Văn hoá kháng chiến Liên khu V, giảng viên Trường Văn hoá kháng chiến Liên khu IV (1947–1948), làm việc tại tạp chí Văn nghệ Việt Bắc.


Những bài thơ tiêu biểu của Đoàn Phú Tứ

(LichSuVanHoa.net lựa chọn)


1. Ánh trăng

Mải miết đường đời đã bấy lâu,
Biếng nhìn trăng cũ muốn quên sầu;
Đêm nay bỗng thấy bên song ngõ
Một ánh xanh mờ thoáng tự đâu,
Leo lét gợi khêu tình quá vãng,
Lòng thơ bao xiết nỗi thương đau;
Vung chăn toan rũ màn đen tối,
Mắt lệ đờ trong vành ngọc cao.


2. Màu thời gian

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc thành các bài hát cùng tên.

Nguồn:
1. Báo Ngày nay, số 198 (số Tết), ngày 27-1-1940, trang 12
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007