Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí hay Phê Rô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí (1912 – 1940) là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn.

Hàn Mặc Tử sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo, cha mất sớm. Học tiểu học ở Quy Nhơn, học trung học ở Huế, sau làm ở Sở Đạc Điền, bị thôi việc vì đau ốm. 1936 bị mắc bệnh phong, phải vào nhà thương Quy Nhơn và qua đời. Hàn Mặc Tử làm thơ từ sớm, 14 tuổi đã làm thơ Đường luật đăng báo với bút danh Minh Duệ Thị. 1930 đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ do thị xã tổ chức.


10 bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử

(LichSuVanHoa.net lựa chọn)

1. Đây thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


2. Mùa xuân chín

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”


3. Những giọt lệ

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?


4. Đà Lạt trăng mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!


5. Trăng vàng trăng ngọc

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!


6. Một cõi quên

Đêm ấy lại đêm thức với trăng
Mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng
Cô đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ
Đêm rất riêng mình – Một cõi quên!

Tôi trả cho tôi những ngại ngần
Trả người – đây nhé những phân vân
Cõi riêng lặng lẽ gài then kín
Ngoài ấy người vui với bụi trần.

Cơn gió lập đông buốt lạnh lùng
Tứ bề gom lại một cõi không
Lặng nghe – Tôi nhé, nghe tôi khóc
Hiện hữu mà chi? Chỉ nghẹn lòng.


7. Sống khổ và phấn đấu

Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng
Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn.
Sao tôi thấy dân chúng bị lầm than,
Dưới bóng mặt trời đầy rẫy hào quang.
Ngán thay! Cuộc đời sống khổ!
Nào non sông mưa mưa, gió gió,
Nào trời đất lơ láo, láo lơ.
Phủ màn mây ảm đạm, mịt mờ,
Như biến mất vào trong cõi mộng.
Kìa đại hải, kìa tràng giang ầm ỳ tiếng sóng,
Như bất bình tức tối đấng Cao xanh…
Nào những ai tự phụ bực tài danh,
Trong cảnh huống càng nên phấn đấu.
Phải, phấn đấu dầu đường đầy những máu,
Cứ hùng cường, dũng liệt bước lên.
Đạp cho bằng trở lực của thiên nhiên,
Là những sự chướng gai thường thế lộ.
Hãy tự mình bền gan tiến thủ,
Chí không lay thì trở lực phải lung lay.
Rồi bao nhiêu nỗi thống khổ đắng cay,
Lần lần sẽ phẳng lì tiêu tán.
Rồi trời đất quang minh sáng láng,
Đem về cho làn không khí trong xanh.
Nỗi bất bình bên cạnh sẽ thanh thanh,
Làn sóng hận lặng trang trên bãi ải,
Hết ta thán cõi đời là bể khổ,
Phải vậy chăng hỏi khách tài tình?


8. Trên cầu Tràng Tiền

Lớp lớp ngựa xe qua
Đờn ông với đờn bà
Biết bao cô áo tím
Nước da trắng nõn nà…
Tà áo gió lung lay
Nhìn xem cũng hay hay
Cô em dường đỏ mặt
Bẽn lẽn làn tóc bay…
Lớp lớp ngựa xe qua
Quan non với quan già
Ung dung trong áo gấm
Trước ngực cái bài ngà…
Thất thểu trên vệ đường
Anh chàng bận áo lương
Trời không mưa không nắng
Thỉnh thoảng lấy dù trương
Lớp lớp ngựa xe qua
Tàu Tây với lại Chà
Ô kìa con “đĩ thúi”
Bao tóc bỏ đuôi gà…!


9. Nắng vàng

Mê trăng là đâm mê trinh tiết
Mê nắng vàng như phối hiệp tình duyên.
Phơi lòng chi, cho áo gió ngả nghiêng
Đem trong chữ muôn câu thêm sáng nghĩa
Xuân trên má, ý thơ lan thấm thía
Hây hây mơ, chín gấc giữa mùa hương.
Cô đương đi, – tôi đương thả dây thương
Sẽ cuống quýt trên đôi môi luôn chớp,
Nắng sẽ dai và trí cô sẽ ngớp,
Ý ưng đi, -nhưng chân vướng tơ yêu…
Môi bối rối, không lẽ nói cho nhiều
Bị mắc cỡ với muôn chim đường bộ
Cô say nắng, hay nắng say tiếng thơt.
A ha ha! Trong một phút thôi miên!
Nín hơi thơm bằng sức điện tình truyền
Tôi gò được một mùa xuân phẩm tiết.
Mùa xuân ấy là lòng tôi tha thiết.
Mê cuống cuồng say điêu đứng vì thương
Ôi chao ôi! Trong nắng rực mùi hương…


10. Đêm khuya ở nhà quê

Lều tranh lạnh lẽo mấy canh thâu,
Lạnh cỏ cây trời lạnh đến đâu…
Hé cửa nhìn trăng, trăng tái mặt,
Gài then thắp nến, nến rơi châu.
Chiêm bao bóng lẩn Dao Trì động,
Mường tượng hồn chơi thệ thuỷ cầm.
Năm ngón đường tơ ngồi dậy bấm,
Gió quên than thở dế quên sầu.