Nam Trân

nhà thơ Nam Trân

Nam Trân (1907-1967) tên thật là Nguyễn Học Sỹ, còn có bút danh Tương Như, sinh tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, mất tại Hà Nội. Thuở nhỏ ông học chữ Hán đến năm 12 tuổi, sau học Trường quốc học Huế, trường Bảo Hộ Hà Nội. Ông có bằng Tú tài bản xứ và làm quan cho triều đình Huế một thời gian

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến, công tác ở Quảng Nam. Sau 1954 ông tập kết ra Bắc và công tác ở Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam và viện Văn học, chuyên về dịch thuật và giảng dạy lớp Hán Nôm.

Các tác phẩm: Huế, đẹp và thơ (1939), Ca dao thi đua, Vườn hạnh phúc (thơ).

Ông đã đăng thơ trên các báo và tạp chí: Nam Phong tạp chíVăn họcSa ĐécAn Nam tạp chíPhong hoáTràng AnTân tiến

Ông là người dịch bản Ngục trung nhật ký xuất bản lần đầu năm 1960.

Ngoài ra, ông cùng dịch với nhiều tác giả trong Thơ Đường I và II (giới thiệu và dịch với các bút danh Nam Trân, Tương Như), Thơ TốngThơ và từ của Mao Trạch ĐôngThơ văn Lý TrầnThơ Quách Mạt NhượcNgười Xô Viết chúng tôi,…

Các bài thơ tiêu biểu của Nam Trân

(LichSuVanHoa.net lựa chọn)

1. Đẹp và thơ (Cô gái Kim Luông)

(Kính tặng ông và bà Thiollier)

Kim Luông nhiều ả mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Vua Thành Thái


Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
Thuyền qua đến bến; cô lui lại,
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo.

Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng.
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!

Nguồn: Huế, đẹp và thơ, 1939


2. Vườn cau Nam Phổ

Tặng Tạ Quang Bửu

Cô gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau
(Ca dao)

Trung thu: cô độc quả trăng tròn…
Chỉ có sân Trời vắng trẻ con.
Ánh lướt da cau phơi vẻ trắng:
Thoạt trông còn ngỡ chiếc đùi non.

NguồnHuế, đẹp và thơ, 1939


3. Núi Ngự, sông Hương

(Thơ gửi cho một ông bạn Nam Kỳ)

Anh đã đến Huế rồi,
Anh đã biết Huế chưa?
Ví đã biết Huế rồi
Thì đã hiểu Huế chưa?
Hiểu rồi cũng ngỡ là chưa,
Mà chưa nào biết rằng chưa hay rồi.
Ra đi lòng những bồi hồi,
Biết chăng? Chẳng biết rằng rồi hay chưa.
Huế tôi, cảnh đẹp như mơ.
Đế đô là một bài thơ muôn vần.
Tay tiên dù nắn bút thần
Cũng đành bỏ lắm những phần thanh tao.
Ngự Bình như thấp, như cao,
Nhạt màu mây móc, đượm màu cỏ hoa.
Gió đờn, thông dịp, chim ca,
Hoạ vần thoang thoảng một vài khúc tiêu.
Hương Giang: cô gái mỹ miều,
Tấm thân bay bướm láy chìu nhởn nhơ,
Trời xuân rải bóng dương tà:
Dưới hoa óng ả một vài tiểu thơ.
Đêm thu trăng tỏ nước mờ,
Chiếc thuyền bé tí bên bờ cỏ hoen;
Điệu đờn vút tận cung tiên,
Ung dung tỏa nhẹ xuống miền nhân gian
Ru hồn một giấc mang mang
Êm như mặt nước mơ màng biếng trôi.

Anh tìm cảnh lịch đến chơi
Thì anh đã hiểu Huế rồi hay chưa?

NguồnHuế, đẹp và thơ, 1939


4. Khiêu vũ 1935

Tặng Nguyễn Xuân Nghị

Bốn cặp xôn xao nhảy,
(Một cô nũng nịu cười)
Trẻ, già đông như hội
Đến xem gái tân thời.

Quanh phòng chen đứng chật
Nào phu lít, phu xe.
Nào thầy thông, thầy phán,
Mụ bán đậu, bán chè.

Miệng nhai trầu bỏm bẻm,
Bà lão vỗ vai chồng:
“Này ông, sao họ thích
Chơi ngón lạ thế ông?”

Bác đồ sành xỏ ngọt
Giảng: “Thọ, thọ bất thân
Nghĩa nôm là trai gái
Phải ăn chung ngồi gần”.

Dăm ba thằng mách qué
Dắt nhau ra sân ngoài,
Giang may mà nhảy nhót
Như nhưng cặp choi choi.

Trong phòng kèn máy rú.
Cô, cậu vẫn vin nhau
Tới, lui chẳng đúng dịp:
Khi chậm lại khi mau.

Dân ta, dân chủ cựu,
Thấy mới tất nhiên chê.
Xưa kia bao người nói:
“Hớt tóc để bợ Tây”.

Nay phong trào Khiêu vũ
Lan rộng khắp nơi nơi.
Lắm ông khè khà phán:
“Ôi! Phong hoá suy đồi!”

NguồnHuế, đẹp và thơ, 1939


5. Ngại ngùng khi bước chân ra

Trả lời Hán Thu

Bạn ơi! Chớ ngại đường xa,
Đường xa nhưng cũng có ta cùng mình.
Cám ơn bạn tặng bức hình
Với thơ một mảnh đượm tình chi lan.

Đồng thanh tương ứng,
Vì xa xôi nên luống những nhớ nhung.
Bước chân đi xin chớ ngại ngùng
Thì muôn dặm, nghìn trùng xem cũng ngắn.

Khách Hương. Thuỷ đá ai đó đắn,
Trời Thần kinh cười tớ hững hờ.

Vắng chi âm cạn sạch nguồn thơ.
Đờn Bá tử còn chờ Chung tri kỷ.
Chí quả quyết, trèo non là sự dễ.
Cứ vào đi! Đi! Cứ vào đi!
Thênh thênh đường cái…. lo gì?


6. Trên núi Ngự

(Tặng Thân Trọng Khôi)

I

Trên núi Ngự Bình
Bông sim đua nở,
Bông trang chen nở,
Một cô thiếu nữ
Ngồi hát một mình.
-Hỡi cô ngồi hát một mình,
Vì ai cô hát đưa tình, hỡi cô?
-Trên núi Ngự -Bình
Chim cười, gió hát.
Gió xui em hát,
Chim giục em cười.
Hỡi chàng công tử kia ơi!
Lòng em khao khát những lời ái ân.

II

Trên núi Ngự Bình
Gió chiều hiu hắt,
Nhạc thông díu dắt
Như khúc phong cầm
Cô em vừa tuổi cài trâm
Nẻo sim lững thững đi tìm xác hoa.
Ngây thơ đâu nữa mà vờ!


7. Giận khúc Nam ai

Tặng Trần Đằng

Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác.
Hãy đứng lên, Nhạc sỹ, với tôi, đi!
Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tâm hồn thừa truỵ lạc.

Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!
Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng
– Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân –
Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão.

Ôi nhạc sĩ, thật anh người thậm tệ:
Quan hoài chi những lối hát mê ly,
Những câu ca không Đẹp lại không Thi
Của kỹ nữ vọc cuộc đời ê chệ?

Hãy cung kính nhượng các ngài tuổi tác
Những bản đờn, dịp hát thiếu tinh thần.
Hãy ra nghe sóng vỗ, ngắm mây vần
Rồi sáng chế cho tôi vài điệu khác

Nguồn:
1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
2. Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại (quyển thượng), NXB Xuân Thu, 1990


8. Tiếng chuông Diệu Đế

Tặng Phạm Phú Dõng

“Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
(Trương Kế)

Theo trăng bóng vạc về rừng,
Sương thu phủ kín mấy từng thành xưa.
Bến sông thuyền ngủ lưa thưa,
Tiếng chuông Diệu Đế gió đưa lại gần.


9. Nụ cười giai nhân

Tặng Vũ Kiều Hồng

Hôm qua em đến nhà anh,
Em ngồi em ngắm bức tranh, em cười.
Tranh tài thuốc vẽ thật tươi,
Hôm nay tranh nhạt cái cười độc chưa?

Khuynh thành, khuynh quốc,
Cười Tây Thi đánh đổ nước Ngô xưa.
Ai pha men mà quá say sưa
Khiến những khách tài hoa thừa ngơ ngẩn.
Sấn bước đường đời, lòng phấn chấn,
Theo làn môi thắm, dạ bâng khuâng.

Giết nhau chi độc vậy? Hỡi tình nhân?
Mượn sợi ái, dây ân cười lại trói.
Hỏi những đấng trượng phu trong ngũ hải:
“Nụ cười tình ai giỏi bỏ qua?”
Em cười, cá lặn, chim sa!

Bài này được đăng trên báo “Tràng An” ngày 23–7–1935 với tiêu đề “Nụ cười”.


10. Nắng thu

Tặng Hoàng Khôi

Hát bài hát ngô nghê và êm ái,
Bên sườn non, mục tử cỡi trâu về,
Nắng chiều rây vàng bột xuống dân quê,
Lúa chín đỏ theo gió nồm sắp mái.

Trên suối nhỏ, chiếc cầu treo hẻo lánh
Tốp người qua, lẩy bẩy vịn thanh ngang
Lũ trẻ con sung sướng nổ cười vang
Đùa với bóng chảy theo giòng nước lạnh.

Dãy núi tím bỗng thay mầu xanh ngắt
Rồi ố làn trong giây khắc nhá nhem.
Âm thầm cảnh vật vào Đêm:
Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cũng tắt.

Nguồn:
1. Nam Trân, Huế, đẹp và thơ, 1939
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
3. Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại (quyển thượng), NXB Xuân Thu, 1990


11. Điếu thuốc cháy suông

Tặng thi sĩ Thế Lữ

Điếu thuốc đốt xong, anh để cháy,
Khói thơm lên nhẹ giữa phòng không.
Thản nhiên thuốc cháy vì anh bận
Nghĩ chuyện bâng quơ, chuyện viển vông.

Cửa hé thoảng đưa cơn gió mát,
Lửa loe. Hoảng hốt khói bay tung.
Trải qua phút ấm, bình tro lại
Quạnh quẽ chìm trong cảnh lạnh lùng.

Quay lại, mắt anh còn đắm đuối
Nào hay thuốc đã cháy bao giờ!

Em son, em đẹp, Anh lơ đễnh
Quên cuộc tình duyên, chỉ vẩn vơ.


12. Một câu thơ của ông Tú Mỡ

Tặng Trần Ngọc Liễn
“Lấy vợ không nên lấy vợ nhiều,
Một bà thôi cũng đủ thương yêu”

(Giòng nước ngược)

Em bảo rằng: “Anh có vợ rồi,
Một bà thôi cũng đủ… yêu. Thôi”
Ô hay! Quan niệm đã eo hẹp!
Chẳng biết tình anh tựa bể khơi.

Ai cấm ta yêu cả đất trời?
Yêu cơn gió mát, đoá hoa tươi?
Yêu sừng trăng bạc treo đầu núi?
Yêu cặp môi son điểm nụ cười

Viện tình do bước đến nơi:
Truy hoan chung cuộc, gặp người tình chung.
Về đi! Về với anh cùng.
Vườn xuân thêm được khóm hồng thêm xuê!

Thì cứ về đi! Ngại nỗi chi? cho
Đứng lên, ngồi xuống, mệt chưa tề!
Có đâu chẳng được phần âu yếm
Mà sợ về sau tiếng bấc, chì?

Ái tình: một mối huyễn vi.
Công đâu thị thị, phi phi nhọc lòng.
Trăng khuya ngấn bạc mây lồng,
Về đi! Kẻo chị ngồi trông canh chầy.


13. Bỏ quách lối thơ xưa

Tặng Trần Thanh Mại

Bỏ quách lối thơ xưa
Vì nó chẳng hợp thời.
Luật Đường xin gói lại
Đem trả chú con trời.

Ở thế giới cạnh tranh
Quốc văn cần giải phóng.
Khuôn khổ vứt đi, thôi!
Hoạt động dành lấy sống.

Chữ ít, ý tưởng nhiều,
Nhạc luật tuỳ tác giả.
Người hát cũng như chim:
Lắm điều hay và lạ.

Ta có sẵn ao ta.
Sao tắm mãi ao người?
Ta có nhiều vật liệu
Phong cảnh đẹp và tươi.

Chớ vịnh hồ Động Đình.
Chớ đề thơ núi Thái,
Chớ tả cảnh đâu đâu
Mắt ta chưa từng thấy.

Tính tình người An Nam
An nam còn ù tịt.
Các cụ, muốn loè đời,
Viết pho tâm sự chệch!

Bệu bạo khóc Tây Thi
Nghênh ngang cười Thái Bạch.
Ngũ Đế với Tam Hoàng.
Ý nghĩa! Ôi! Rỗng tuếch.

Theo mãi lối thơ Đường
Hỏng, hỏng đã thấy chưa?
Nhả ra, đừng nhai nữa
Những bà cặn còn lưa.


14. Gặp khách đong đưa

Tặng Đoàn Nẫm

Nhiều duyên, em bán đông, đoài
Nhiều văn anh bán cho ai bây giờ!
Hôm nay, túi bạc xác vờ.
Đem văn anh đến đổi nhờ duyên em.

Hồn vơi phải buổi khát. thèm…
Tơ đồng rỉ tiếng trong đêm mơ mòng.
Khúc ca thấm tận đáy lòng:
Nát bàn âu cũng trong vòng Ái Ân.

Lấy chi báo đáp ân nhân?
Tiện đây xin tặng mấy vần thi ca.
Mai sau em đến tuổi già.
Bên đèn hãy lựa hát vài bốn câu:
Đũa tiên gạt đổ thành Sầu
Hăm người kỹ nữ nhạt mầu phấn hương.


15. Cầu bạn

Tặng Nguyễn Khoa Toàn

Ô mặt cầm trăng dạo khúc xưa
Thế mà bạn cũ vẫn thờ ơ,
Vẫn không hiểu thấu tình vô hạn
Của tiếng lòng tôi hoạ tiếng tơ.

Cầu bạn tôi dâng một quyển thơ
E rồi bạn cũng vẫn thờ ơ,
Vẫn không hiểu thấu tình âu yếm
Chan chứa lòng tôi, toả bến bờ.

Giòng chữ phải dâu gương phản chiếu
Tâm hồn Thi sĩ phút say sưa.
Chẳng qua phảng phất? Làn mây bạc
Một buổi hoàng hôn dưới nước mờ.


16. Sầm Sơn trường hận

Năm xưa vui thú Sầm Sơn
Năm nay mới biết Sầm Sơn là buồn:
Bể trào, gió thét, mây tuôn,
Mảnh trăng tan tác, màn sương lờ mờ.

Nhớ năm nọ cùng ai lững thững
Tay bắt tay, lòng những dặn lòng.
Trời khuya, một chiếc trăng trong
Mây xa phơi phới bóng lồng thướt tha.

Cành sa mộc là là trước gió
Cái dã tràng mất tổ tìm quanh
Hai ta lòng nặng vì tình
Trót lời hải thệ, sơn mình đã nhiều.

Khách: nhan sắc mĩ miều, diễm lệ,
Vốn con dòng thì lễ trâm anh.
Phúc nhà bẩm tính thông minh,
Đã tinh nét hoạ lại sành câu thơ.

Tuổi hăm mốt, đào tơ đương mởn;
Anh trái xoan, dợn dợn sóng tình.
Nước thu, cặp mắt long lanh.
Đôi mày vòng nguyệt, núi xanh pha mầu.

Lại phong nhã, thanh cao tuyệt diệu.
Bậc ngũ âm đã chịu những ai?
Luật Đường là ngón đặc tài:
Có vài vịnh nguyệt, có vài vịnh hoa.

Đứng ngắm cảnh Yên ba Sầm hải:
Sóng bạch đầu qua, lại, xa, gần.
Hồn thơ lai láng bội phần
Phút đâu ứng khẩu mấy vần cổ thi.

Khiếp thay nhẽ! Sinh tri dường ấy
Khiếp mình quân nghe thấy kinh hoàng.
Nghĩ thầm: “Phát lộ dung quang
“Càng tài hoa lắm, càng oan trái nhiều.

Đầu núi đã đìu hiu gio thốc
Sư nhà chùa lần lượt chầu kinh.
Thoảng nghe mấy tiếng chày kềnh
Nam vô thâm niệm cho mình với ai.

Nỗi tâm sự tình dài, đêm vắng:
Sao đầu non, chiếc lặng, chiếc mờ.
Xuân tàm vướng chặt mối tơ
Keo sơn dường ấy bao giờ gỡ xong.

Rằng: “Nay được như lòng sở nguyện
“Gặp tình quân tại bến Sầm Sơn.
“Đục trong đã rõ nguồn cơn
“Câu thơ kim, cổ, khúc đờn cổ kim.

“Đường tri kỷ em tìm bước tới
“Ý trung nhân nay mới thấy đây.
Trời cho gặp buổi hôm nay
“Thân này kiếp trước tu đày lắm sao!

“Xin đất thấp, trời cao chứng thệ
“Với non xanh, với bể sóng cồn.
“Xin nguyền gửi mảnh linh hồn
“Cho người quân tử bảo tồn trăm năm.

“Nhớ từ mẫu ruột tằm đau quăn
“Nợ ái ân còn nặng bên vai!
“Hôm nay tạm rẽ đường mây
“Năm sau xin hẹn chốn này gặp nhau.”

Nghe lời nói như dao cắt ruột.
Ngọn gió hiu lạnh buốt đến xương.
Đếm làng hồi mõ tan sương,
Bác chài đẩy mạnh chiếc lườn ra khơi.

– “Xin bái phục mấy lời tâm lý
“Đấng nam nhi hổ thỉ tang bồng
“Giã nhà theo cuộc đỉnh chung
“Lạ thay bãi bể là rừng đào nguyên.

“Chúc ngọc thể bình yên khương thái
“Cùng mẫu tử trọn lễ thần hôn.
“Đường xa gởi tặng mảnh hồn…
“Chút duyên nguyện với càn khôn lâu bền.

“Bạch tư mã bên thuyền ly phụ
“Bến Tầm Dương sương phủ ngàn lau…
“Mặt hoa càng tỏ nét sầu
“Lệ càng chan chứa ố màu áo xanh.

“Người kim, cổ nhưng tình vẫn một
“Cùng tài hoa khí cốt tinh anh.
“Ngẫu nhiên gặp bạn đồng thanh
“Lời quê khôn ta chút tình vấn vương.

“Sầm Sơn với Tầm dương dù khác,
“Nhưng vì hoa mới giạt cõi này
“Nghìn vàng há trị hôm nay
“Những lời tri kỷ biết ngày nào quê!”

Nay mới biết rằng duyên rằng phận
Nỗi biệt ly để bận lòng này.
Tâm riêng trường hận ai hay?
Mắt xanh mòn mỏi ngày dài hơn năm.
Sao vội dứt bóg, tăm, chim, cá?
Mối tình trường nấn ná bấy lâu.

Áng mây che dịp Lam Kiều
Trông trời chỉ thấy một màu bao la.
Đêm năm trước mười ba tháng bảy
Đêm hôm nay tháng bảy mười ba.
Trông quanh ta thấy bóng ta
Với làn sóng bạc như xa như gần.

Năm xưa vui thú Sầm Sơn
Năm nay mới biết Sầm Sơn là buồn:
Bể trào, gió thét, mây tuôn
Mảnh trăng tan tác, màn sương lờ mờ.

(1932)