Thế Lữ (1907 – 1989; tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới (đặc biệt là bài Nhớ rừng), và tập truyện Vàng và máu (1934). Là thành viên sáng lập của nhóm Tự Lực văn đoàn, ngoài sáng tác ông cũng đồng thời đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Giai đoạn 1937 – 1945, Thế Lữ chủ yếu biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ. Sau 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến. Sau Hiệp định Genève, ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957 – 1977). Ngoài văn chương, Thế Lữ cũng là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam.
Tác phẩm thơ tiêu biểu
1. Nhớ rừng
Tặng Nguyễn Tường Tam
Lời con hổ ở vườn Bách thú
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
2. Cây đàn muôn điệu
Gửi cho Tứ Ly
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu đàng.
Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội.
Anh dù bảo: tính tình tôi hay đổi,
Không chuyên tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,
Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng.
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng;
Chí hăng hái đua ganh đời náo động:
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.
Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,
Và tôi cảm khái bởi những lời hăng hái.
Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;
Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.
Nguồn:
1. Thế Lữ, Mấy vần thơ, NXB Hội Nhà văn, 1992
2. Mấy vần thơ (tập mới), NXB Đời nay, Hà Nội, 1941
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007