Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.
Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến; Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Ty Lệ hiệu úy, Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung nô không dám gần biên tái nên Thân được phong tước Vạn Tín Hầu, và được cho trở về nước. Sau Hung nô xâm phạm bờ cõi, Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân sai sứ sang vời; Thân không chịu đi mới trốn vào rừng khe; vua Tần trách hỏi; An Dương Vương tìm lâu không được, nói dối là Thân đã chết rồi, Vua Tần hỏi chết vì cớ gì. An Dương trả lời là đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai Sứ sang nghiệm xem có phải không thì An Dương cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng bảo lấy thây đưa qua; Lý Thân bất đắc dĩ phải tự tận mà chết; người ta lấy thủy ngân ướp vào thây Lý Thân đưa sang nạp. Thủy Hoàng than tiếc, bảo đúc đồng làm tượng ông, ban hiệu là Lý Ông Trọng; tượng đặt ở cửa Tư Mã đất Hàm Dương, ruột tượng có thể chứa được vài mươi người; mỗi khi có Sứ bốn phương đến, vua sai người lén vào làm cho tượng dao động; Hung nô tưởng là Hiệu úy còn sống, không dám đến gần. Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô Hộ Giao Châu, đêm mộng thấy cùng với Lý Thân giảng sách Xuân Thu của họ Tả, nhân đó hỏi nhà cũ ở đâu rồi lập đền thờ phụng.
Kịp lúc Cao Biền bình Nam Chiếu, Lý Thân thường hiển linh ứng; Cao Biền trùng tu miếu vũ, khắc gỗ làm tượng, gọi là đền thờ Lý hiệu úy, bây giờ ở tại huyện Từ Liêm, xã Thị Hiện (nay là xã Thụy Hương) cách phía tây Kinh thành năm mươi dặm, mỗi năm đến tế vậy.
An Dương Vương nước Âu Lạc là người ở Ba Thục, họ Thục, tên Phán, nhân việc tiên tổ cầu hôn với con gái của Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được nên sinh ra hàm oán; Phán muốn hoàn thành ý chí của tổ tiên nên cử binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc mà ở, đắp thành ở đất Việt Thường; thành đắp xong lại sập Vương mới lập đàn, trai giới cầu đảo ba tháng.
Ngày mồng bảy tháng Ba bỗng thấy một ông già theo phương tây mà đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than rằng:
– Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong!
Vương rước vào trên điện, lạy và khóc rằng:
– Ta đắp thành này đã xong lại đổ, hao tốn công sức mà rồi không thành là tại làm sao?
Ông già thưa:
– Ngày nào có Sứ giả Thanh Giang cùng đắp với Vương thì thành ấy mới xong.
Nói đoạn cáo từ.
Rạng ngày, Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng theo hướng Đông mà bơi lại; rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỷ thần.
Vương mừng hỏi rằng:
– Điều đó ông già đã báo cho ta rồi.
Bèn sai lấy kim dư rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được. Kim Qui nói:
– Ở đây có tinh khí núi sông, con Tiên vương phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng sống ngàn năm hóa làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu, trên núi có con quỷ, nguyên trước có một nhạc công chôn cất ở đấy hóa ra quỷ. Ở bên có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ; chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đấy ngủ nhờ thì quỷ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc là nó lại hóa ra yêu thư, sai chim Si Hưu 1 ngậm thư bay lên trên cây chiên đàn, tâu với Thượng đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư ấy xuống, Vương lập tức thu lấy tất nhiên thành đắp mới xong.
Kim Qui bảo Vương giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vương để Kim Qui ở trên ngưỡng cửa.
Ngộ Không nói:
– Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người, Lang Quân không nên ở lại, vả nay trời cũng chưa tối, nên đi mau đến chỗ khác để tránh họa.
Vương cười rằng:
– Sinh tử tại mệnh, quỷ mỵ mà làm gì, ta không sợ.
Mới ngủ lại đó.
Trong đêm có quỷ tinh đến ngoài kêu rằng:
– Ai ở trong nhà này phải mở cửa ra mau.
Kim Qui mắng rằng:
– Cửa đóng thì mày làm gì nào?
Quỷ tinh phóng hỏa tan ra vạn trạng, quỷ dị đủ phương để khủng bố nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào được nhà.
Đến lúc gà gáy, các quỷ đều chạy tan. Kim Qui khiến Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, quỷ tinh thu về hết cả, Vương trở lại quán trọ.
Sáng ngày, chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua, thấy Vương ngồi đó, nói cười như không có gì cả. Quán chủ bước đến, vái lạy nói rằng:
– Lang quân được như thế tức là Thánh nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh.
Vương bảo:
– Hãy giết con gà trắng của mày mà tế thì quỷ thần tan hết.
Ngộ Không giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên cũng nhào xuống chết. Vương lập tức bảo người đào núi Thất Diệu, được một nhạc khí đời cổ và một hài cốt, sai đốt trộn thành tro mà quăng ra sông.
Lúc bấy giờ trời đã gần chiều, Vương cùng Kim Qui leo lên núi Việt Thường, quỷ tinh đã hóa ra chim si hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.
Kim Qui bèn hóa ra một con chuột mà bò theo sau lưng cắn chân chim; thư rơi xuống đất; Vương lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi.
Từ đó, quỷ tinh tan hết, không lại phá phách như xưa nữa.
An Dương Vương đắp thành nửa tháng đã xong; thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, lại đặt tên là thành Thăng Long 2 . Người nhà Đường gọi là thành Sát Quỷ Côn Lôn bởi vì thành rất cao lớn.
Kim Qui ở lại với Vương ba năm rồi từ về; Vương bảo rằng:
– Nhờ ơn của người, thành đã vững chắc, nếu như có việc ngoài thì lấy gì mà chống giữ?
Kim Qui thưa:
– Quốc tộ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được, Vương đã có lòng ước nguyện thì tôi đâu dám tiếc.
Mới cởi cái móng chân đưa cho Vương và nói:
– Thảng hoặc giặc có đến thì dùng móng này làm máy nỏ, đem ra mà đánh giặc thì không có gì đáng lo.
Nói đoạn trở về Đông Hải.
Vương khiến bầy tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy móng làm máy, hiệu là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ; sau Triệu Đà đem quân đến xâm lăng, cùng Vương giao chiến; Vương dùng thần nỏ mà bắn, quân Triệu Đà thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối lũy với Vương. Triệu Đà biết Vương có nỏ thần nên không dám tái chiến mới khiển sứ thỉnh hòa. Vương mừng, cắt từ sông Tiền giang trở về phương Bắc cho Triệu Đà cai trị, trở về phương Nam thì do Vương cai trị (nay là sông Nguyệt Đức) 3 .
Chưa được bao lâu, Đà sai con vào túc vệ cầu hôn con gái Vương là Mỵ Châu; Vương bất ý không ngờ gian kế của cha con Triệu Đà; Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu trộm lấy nỏ thần cho xem, rồi lén làm nỏ khác đổi lấy vuốt rùa giấu đi, nói dối với Mỵ Châu là trở về thăm cha mẹ. Nhân đó nói rằng:
– Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bỏ, ta nay về thăm cha mẹ mà vạn nhất hai nước thất hòa, Nam Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy vật gì mà làm dấu cho ta biết.
Mỵ Châu nói:
– Thiếp là nhi nữ gặp phải bước phân ly thực khó thắng được tình cảm; thiếp có chiếc nệm 4 gấm lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp đi mà đến cứu.
Trọng Thủy từ tạ, cắp nỏ mà về báo cáo với Triệu Đà; Đà được nỏ rất mừng liền phát binh đánh Vương; Vương không lo phòng bị, mãi đánh cờ vây, cười rằng:
– Đà không sợ nỏ thần của ta sao?
Đến lúc quân Triệu Đà tiến bức, Vương mới xách nỏ ra bắn thì thần cơ đã mất; quân chạy tán loạn.
Vương chở Mỵ Châu lên ngựa chạy về hướng Nam, đến bờ biển, cùng đường, không có thuyền để sang ngang, Vương hét lớn lên rằng:
– Trời để mất ta hay sao? Giang sứ đâu mau đến cứu ta.
Kim Qui nổi lên trên mặt nước, mắng rằng:
– Người cỡi ngựa ở sau lưng là giặc đó, hãy giết nó ta mới cứu.
Vương bèn tuốt gươm chém Mỵ Châu.
Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin:
– Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ thời hóa làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này.
Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng hóa thành minh châu.
Vương cầm sừng vân tê bảy tấc, Kim Qui rẽ nước dẫn Vương vào biển, đời truyền tại núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, châu Diễn tức là chỗ đó vậy.
Quân Triệu Đà đến chỗ ấy không thấy gì hết, chỉ thấy tử thi của Mỵ Châu; Trọng Thủy ôm thây nàng mà về chôn ở Loa Thành, hóa làm giếng ngọc; Trọng Thủy thương cảm vô cùng, thấy lại những chỗ trang điểm hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng bèn nhảy xuống giếng mà chết. Sau này, ai được ngọc châu ở Đông Hải, càng múc nước giếng ấy mà rửa thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ. Nhân tránh tên Mỵ Châu nên gọi ngọc châu là Đại Cưu, Tiểu Cưu vậy.
1
Chim cú.
2
Chắc sai: bản của Deepierres ghi là Tư Long.
3
Theo bản của Despierres thì là sông Thiên Đức (xem Cổ Loa, Capitale du royaume Âu Lạc).
4
Dịch chữ nhục 溽. Có người dịch là áo choàng e không đúng. Nhưng thực ra nệm gấm mà thường mang trên người thì cũng là một thứ áo choàng.
Xét Đỗ Lỗ bản truyện thì Vương họ Cao tên Lỗ là một người tài giỏi của An Dương Vương. Tục danh Đỗ Lỗ Thạch Thần cũng gốc bởi tên thần là linh của Thạch Long vậy.
Sau khi bình định Nam Chiếu xong, Cao Biền đi tuần hành ở châu Vũ Ninh, đến một chỗ địa đầu, mộng thấy một dị nhân mình cao chín thước, tướng mạo kỳ khôi, búi tóc dùi trống, giắt trâm bằng dao, áo cụt đỏ, nịt đỏ, đến yết kiến Cao Vương; Cao Vương hỏi:
– Ngươi tên là gì?
Thưa:
– Thần tên là Cao Lỗ, ngày xưa giúp An Dương Vương làm Tướng quân, thường có công lớn đuổi giặc, bị Lạc hầu dèm pha nên bỏ đi. Sau khi đã mất thì Thượng đế thương là trung trực nên cho giữ một dải giang sơn, chức Quan Lãnh Đô Tướng Quân; việc bình Nam Chiếu, việc thảo trừ giặc cướp, việc gieo mạ gặt lúa đều am tường cả, làm Phúc thần một phương. Nay theo Minh Công tước bình nghịch tặc, bờ cõi lặng lẽ, thần phải trở về bản bộ, nếu không cáo tạ thờ phi lễ.
Cao Vương lấy làm lạ, hỏi:
– Lạc hầu việc gì lại ghét?
Thưa rằng:
– Việc u âm không thể tiết lậu.
Cao Vương lại hỏi thì đáp rằng:
– An Dương Vương là tinh Kim Kê, Lạc hầu là tinh Bạch Viên, mỗ là tinh Thạch Long. Gà với vượn hợp nhau, còn rồng thời tương khắc là vì vậy.
Nói đoạn, biến mất.
Cao Vương nói với liêu thuộc, tự ngâm thơ rằng:
Đẹp lắm đất Giao này,
Vững vàng muôn thuở đây.
Cổ hiền lại tương kiến.
Trọn chẳng phụ linh đài.
Lại ngâm thơ rằng:
Bách Việt yên bờ cõi.
Một vùng định núi sông.
Thần linh đều thuận giúp.
Phúc họ Đường chẳng cùng.
Lại ngâm thơ rằng:
Sông núi nước Nam đẹp.
Long thần ở đất linh.
Châu dân khỏi nhăn trán;
Nay lại được an bình.
Trải qua mấy triều gia phong mỹ hiệu, đến nay hương hỏa còn rực rỡ vậy.