Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.
Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến; Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Ty Lệ hiệu úy, Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung nô không dám gần biên tái nên Thân được phong tước Vạn Tín Hầu, và được cho trở về nước. Sau Hung nô xâm phạm bờ cõi, Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân sai sứ sang vời; Thân không chịu đi mới trốn vào rừng khe; vua Tần trách hỏi; An Dương Vương tìm lâu không được, nói dối là Thân đã chết rồi, Vua Tần hỏi chết vì cớ gì. An Dương trả lời là đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai Sứ sang nghiệm xem có phải không thì An Dương cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng bảo lấy thây đưa qua; Lý Thân bất đắc dĩ phải tự tận mà chết; người ta lấy thủy ngân ướp vào thây Lý Thân đưa sang nạp. Thủy Hoàng than tiếc, bảo đúc đồng làm tượng ông, ban hiệu là Lý Ông Trọng; tượng đặt ở cửa Tư Mã đất Hàm Dương, ruột tượng có thể chứa được vài mươi người; mỗi khi có Sứ bốn phương đến, vua sai người lén vào làm cho tượng dao động; Hung nô tưởng là Hiệu úy còn sống, không dám đến gần. Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô Hộ Giao Châu, đêm mộng thấy cùng với Lý Thân giảng sách Xuân Thu của họ Tả, nhân đó hỏi nhà cũ ở đâu rồi lập đền thờ phụng.
Kịp lúc Cao Biền bình Nam Chiếu, Lý Thân thường hiển linh ứng; Cao Biền trùng tu miếu vũ, khắc gỗ làm tượng, gọi là đền thờ Lý hiệu úy, bây giờ ở tại huyện Từ Liêm, xã Thị Hiện (nay là xã Thụy Hương) cách phía tây Kinh thành năm mươi dặm, mỗi năm đến tế vậy.
Nước Nam Chiếu là hậu duệ của Triệu Võ Đế Đà. Xưa thời Hán Vũ Đế, quan Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia không phục nhà Hán, giết sứ nhà Hán là An Quốc và Vương Lý; Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem binh sang đánh, bắt Vệ Dương Vương Kiến Đức và Lữ Gia rồi chiếm luôn cả nước, chia đặt Thú Lệnh.
Họ Triệu mất rồi, con cháu tản mát ra ở khắp bốn phương, hội lại ở Thần Phù, Hoàng Sơ là những nơi hoang nhàn không có người ở, đóng thuyền qua biển, giết quan Thú Lệnh nhà Hán mà xưng làm Nam Việt, lại ngoa truyền là Nam Chiếu. Kịp đến đời Tam quốc, vua Ngô Tôn Quyền sai bọn Đái Lương, Lữ Đại qua làm Thú mục để cai trị.
Nam Chiếu từ mấy chỗ Thiên Cầm sơn, Hà Hoa, Cao Hoàng, Hoành Sơn, Ô thị, Hải Ngạn, Đại Bộ, Trường Sa, Chú Đổ, Cáp Lội Lôi, núi cao biển sâu, sóng gió hiểm trở, tuyệt nhiên không có dấu người, dân chúng Nam Chiếu chiếm cứ mà ở, dần dần càng đông mới đem của cải châu ngọc thông giao với nước Tây Bà Dạ mà cầu làm thân thuộc để cứu trợ nhau.
Cuối đời nhà Tấn, thiên hạ đại loạn, có kẻ Thổ tù tên là Triệu Ông Lý cũng là dòng dõi Triệu Vũ, anh em rất đông, dũng lực hơn người, dân chúng đều kính phục, cũng theo về với Nam Chiếu đông hơn hai vạn người, lại đem bảo ngọc cầu thông với nước Bà Dạ, xin chỗ đất trống ở mé biển mà ở. Bấy giờ, nước Bà Dạ sai lấy đều một nửa từ bờ biển đến tận đầu nguồn chia làm hai lộ, trên tự Quý Châu đến Diễn Châu làm lộ Nhứ Hoàn, dưới từ Cầm Châu đến Hoan Châu làm lộ Lâm An chia cho Nam Chiếu do Ông Lý thống trị.
Khi Ông Lý đắp thành ở Cao Xá châu Diễn Châu, Đông giáp biển, Tây đến Bà Dạ quốc, Nam đến Hoành Sơn tự lập lên làm vua thì nhà Đông Tấn sai Tướng quân Tào Khả đem binh sang đánh. Ông Lý ở chỗ yếu hiểm đầu nguồn, mai phục tượng binh đón đánh, lại xuất quân ra ngoài núi Liên Mạt để tránh, giặc tụ thời tan, giặc tan thời tụ, sớm ra tối vào, qua lại bốn năm năm chưa từng giao chiến. Quân Tấn không hợp lam chướng, tử vong quá nửa, đến lúc kéo quân trở về, Nam Chiếu lại xâm lăng các nơi đô thành Tràng An, quan Thú Lệnh không chế ngự được; đến đời Đường lại càng thịnh vượng.
Vua Ý Tông sai Cao Biền sang đánh; không hơn được, Biền phải trở về. Đến đời Ngũ Đại, Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn sai quan Tư mã Lý Tiêm đem mười vạn quân đánh ở Đồ Sơn; Nam Chiếu rút lui bèn phụ vào với nước Ngô Đầu Mô giáp giới với nước Ai Lao, nay là nước Bồn Man vậy.
Niên hiệu Hàm Thông thứ sáu, vua Ý Tông nhà Đường sai Cao Biền sang làm Đô Hộ đem binh đánh Nam Chiếu, bèn đặt đạo quan Thịnh Hải ở thành An Nam và cho Biền làm Tiết Độ Sứ.
Cao Biền thông hiểu thiên văn địa lý, mới xem địa hình đắp La thành ở phía Tây sông Lô, chu vi ba nghìn bước mà cư trú; có một con sông nhỏ từ Tây bắc chảy qua phương Nam, lại chảy vào sông Cái; mỗi lần trời mưa, nước sông dâng lên rộng lớn. Biền cỡi thuyền đi chơi bỗng thấy một ông già đầu tóc bạc phau, dung mạo kỳ dị đang chơi ở giữa sông cười nói tự nhiên. Biền hỏi ông già tính danh là gì. Ông già thưa:
– Ta họ Tô tên Lịch.
– Nhà ông ở đâu?
– Nhà ở giữa sông này.
Nói đoạn, vỗ tay một cái thì trời đất tối tăm, hốt nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là một vị thần mới đặt tên sông ấy là sông Tô Lịch.
Một buổi trời mới sáng, Biền đứng ở phía đông Nam đô thành, trên bờ sông Lô, trông thấy giữa sông lộng gió, sóng cuộn ầm ầm, mây đen mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mão tía, tay cầm thẻ vàng bay lên lượn xuống trong ánh sáng; mặt trời đã cao ba sào, khí mây chưa tan và hình người vẫn đứng; Biền rất kinh dị muốn yểm đi nhưng chưa quả quyết; đêm ấy, nằm mộng thấy thần nhân bảo:
– Đứng yểm ta, ta là tinh Long Đậu, trưởng của địa linh, nghe ngươi đến đắp thành ở đây chúng ta chưa được gặp nhau nên ta đến ra mắt, nếu có yểm thì ta cũng chẳng lo gì.
Biền kinh động, sáng ngày thiết đàn làm chay, dùng vàng bạc đồng sắt làm phù phép tụng chú ba ngày đêm, rồi chôn phù mà yểm. Đêm ấy sấm sét ầm ầm, gió mưa dữ dội, trong khoảng chốc lát lại thấy các phù vàng bạc, đồng sắt bị tung lên trời đất, hóa thành tro cháy bay đi mất hết.
Cao Biền than rằng:
– Chỗ này có thần linh dị, không nên ở lâu mà mắc phải hung họa, ta nên gấp trở về Bắc.
Thần vốn là vua Long Độ Vương Khí vậy. Xưa kia Cao Biền sang chơi nước Nam, đắp thành Đại La vừa xong, một hôm đi xem chơi cửa thành Đông thình lình mây mù nổi dậy, thấy đám mấy ngũ sắc từ mặt đất nổi lên, sáng lòa chói mắt, có một người mình mặt áo thêu, phấn sức kỳ dị, cỡi rồng vàng, tay cầm thẻ vàng, theo mây mà bay lượn trong không khí mù mịt, giây lát mới tan. Cao Biền lấy làm lạ, ngỡ là quỷ tinh nên muốn thiết đàn tràng để trừ yểm.
Thần tác mộng bảo Cao Biền rằng:
– Xin ông đừng sinh lòng nghi, ta không phải là yêu khí mà là Long Độ Vương Khí đây, mừng ông đương nay mới dựng Phủ Thành mà hiện lên xem đấy.
Cao Biền giác ngộ, sáng ngày, hội các người đi theo mà bảo rằng:
– Ta không thể hàng phục được người xa, để đến ngoại quỷ hiện lên thì là điềm chằng lành.
Có kẻ xin lập Pháp đàn, làm tượng hình trạng giống như mộng, lấy sắt nghìn cân làm phù để yểm; Cao Biền nghe theo nên làm phù mà yểm. Đến đêm, trời đất tối tăm, gió mưa rung chuyển đánh mất cả thiết phù hóa thành bụi đất. Cao Biền giận nói:
– Ta biết sẽ về Bắc.
Rồi thì quả nhiên như vậy; người ta cho là linh dị bèn lập đền thờ bên chợ Kinh sư.
Sau vua Lý Thái Tổ kiến lập thành quách, mộng thấy một vị thần đến trước, lạy hai lạy chúc mừng; vua nói:
– Ngươi nên giữ hương hỏa cho được trăm năm.
Thần trả lời:
– Nghiệp thánh truyền được vạn năm; thần được nhờ đấy nương tựa, há chỉ trăm năm mà thôi sao?
Vua tỉnh dậy, sai làm sinh lễ, rượu lệ tửu để cúng tế, phong làm Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương.
Lúc bấy giờ có gió bão thổi mạnh, phố sá đổ nghiêng, chỉ thấy đền thần là y nguyên như cũ. Vua bèn gia phong Minh Hạnh Đại Vương; các lễ Nghinh xuân, cầu cúng đều làm lễ ở đấy.
Đến đời Trần, ba lần đền bị hỏa tai đều cũng không cháy. Quan Thái sư Trần Quang Khải đề bài thơ đến nay đương còn được truyền tụng:
Xưa nghe lừng lẫy Đại Vương linh.
Nay mới hay rằng quỷ cũng kinh.
Lửa cháy ba lần thiêu chẳng rụi.
Gió rung một trận thổi nào chênh.
Chỉ huy đàn áp muôn ngàn chúng.
Hô hấp tiêu trừ trăm vạn binh.
Mong cậy dư uy trừ giặc Bắc.
Khiến cho vũ trụ hưởng thanh bình1.
1
Bản dịch của Phan Kế Bính (trong Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện trang 122). Xưa nghe lừng lẫy tiếng anh linh. Ma cũng ghê mà quỷ cũng kinh. Ngọn lửa ba phen thiêu chẳng tới, Roi lôi một trận đánh không chênh. Chỉ tay đè nén trăm loài quỷ Quát tiếng trừ tan mấy vạn binh Nhờ đội oai thần xua giặc Bắc Khiến cho non nước lại thanh bình.