LỜI GIỚI THIỆU

Nguyễn Khánh Toàn

Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và quang vinh của ông cha, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua.

Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hóa, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vãng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua.

Trong các loại di sản văn hóa của dân tộc, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các loại sách cổ về đất nước và con người, về văn hóa, xã hội, nhất là về lịch sử nước ta.

Có sự mâu thuẫn lạ đời này, là dân tộc ta có một lịch sử lâu đời với một nền văn hóa độc đáo mà nhân dân ta từ bao đời, với bàn tay và khối óc của mình, đã tự xây dựng lấy, nhưng chỉ cách đây tám, chín trăm năm, mới có người Việt viết về lịch sử đất nước mình. Còn trước đó, trong các sách của người Tàu viết, chỉ thỉnh thoảng họ mới nói đến cái đất nước của một dân tộc “man di” gọi là Giao Chỉ, một mảnh đất hầu như hoang vu, con người còn sống sơ khai, cần phải được “Thiên Triều” “giáo hóa”.

Vì thế mà trong suốt cả một thời gian lịch sử rất dài – hai, ba nghìn năm, dân tộc Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống họa xâm lược của nước ngoài. Chính trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, nhưng anh hùng bất khuất ấy mà dân tộc ta xây dựng và phát triển nền văn hóa độc đáo và xán lạn của mình, tiêu biểu là nền văn hóa Đại Việt thời Lý, Trần, Lê.

Cho nên, rất dễ hiều, cách đây tám, chín trăm năm, khi lịch sử nước ta đi vào kỷ nguyên Đại Việt, xuất hiện những nhà sử học lớn như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.

Đối với thời kỳ lừng danh như thời Đại Việt, nó là cả một bản anh hùng ca, cái gì có liên quan đến nó, dẫu là một câu, một dòng chữ tự tay nhân vật đã sống hoặc đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng viết ra, mà ta được đọc hay được nghe, đều là tiếng nói thân thiết từ ngàn xưa vọng lại, làm rung động tâm hồn của chúng ta biết bao.

Cho nên, việc đáng mừng là chúng ta đã tìm lại được bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, mà trước đây tưởng như không hy vọng tìm thấy. Còn những bản in chúng ta vẫn thường dùng là những bản in sau đó, vào đời Nguyễn.

Đại Việt sử ký toàn thư là một thành tựu của nền văn hóa Đại Việt. Nó là một công trình biên soạn lịch sử đồ sộ của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê.

Bộ sự được đặt cơ sở đầu tiên với Đại Việt sử ký toàn thư 30 quyển của Lê Văn Hưu, viết xong năm 1272, trong thời kỳ chiến đấu oanh liệt chống quân xâm lược Mông – Nguyên. Nó được tiếp tục với Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, trong giai đoạn phát triển cao nhất của nền văn hóa Đại Việt, giao đoạn của vũ công chống Minh, của Đại Cáo Bình Ngô, của chủ nghĩa yêu nước hoàn chỉnh và tiên tiến của Nguyễn Trãi. Nó được hoàn thành và công bố năm 1697, biên chép lịch sử dân tộc từ buổi đầu dựng nước cho đến năm 1675.

Một công trình sử học được xây dựng trong bối cảnh lịch sử như thế hẳn mang hơi thở của thời đại, phản ánh được tương đối chính xác và đầy đủ thực tế hào hùng của đất nước. Và điều chắc chắn, nó là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của văn hóa dân tộc.

Tôi xin trân trọng giới thiệu với các nhà khoa học trong và ngoài nước, với tất cả bạn đọc, bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư dựa trên ván khắc năm 1697 kèm theo chú giải, sách dẫn và bản chụp nguyên văn chữ Hán.

Tôi hy vọng công trình xuất bản này sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khoa học xã hội trong nước, các nhà Việt Nam học trên thế giới và tất cả những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Mục lục

Lời giới thiệu (Nguyễn Khánh Toàn)
Lời nhà xuất bản
TÁC GIẢ – VĂN BẢN – TÁC PHẨM (GS PHAN HUY LÊ)
DVSK Ngoại Kỷ Toàn Thư 1: Hồng Bàng, An Dương Vương
DVSK Ngoại Kỷ Toàn Thư 2: Kỷ Nhà Triệu (207 – 110 TCN)
DVSK Ngoại Kỷ Toàn Thư 3: Kỷ Thuộc Hán (110 TCN – 226)
DVSK Ngoại Kỷ Toàn Thư 4: Thuộc Tấn – Tống – Tề – Lương. Lý Nam Đế (227 – 602)
DVSK Ngoại Kỷ Toàn Thư 5: Thuộc Tuỳ – Đường. Nhà Ngô (603 – 967)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 1: Nhà Đinh. Nhà Tiền Lê (968 – 1009)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 2: Nhà Lý (1009 – 1054)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 3: Nhà Lý (1054 – 1138)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 4: Nhà Lý (1138 – 1225)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 5: Nhà Trần (1225 – 1293)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 6: Nhà Trần (1294 – 1329)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 7: Nhà Trần (1330 – 1377)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 8: Nhà Trần. Nhà Hồ (1378 – 1406)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 9: Nhà Hậu Trần (1407 – 1417)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 10: Khởi nghĩa Lam Sơn. Nhà Hậu Lê (1418 – 1433)
DVSK Bản Kỷ Toàn Thư 11: Nhà Hậu Lê (1433 – 1459)
DVSK Bản Kỷ Thực Lục 12: Nhà Hậu Lê (1460 – 1472)
DVSK Bản Kỷ Thực Lục 13: Nhà Hậu Lê (1473 – 1497)
DVSK Bản Kỷ Thực Lục 14: Nhà Hậu Lê (1497 – 1509)
DVSK Bản Kỷ Thực Lục 15: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1509 – 1532)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 16: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1533 – 1572)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 17: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1573 – 1599)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 18: Vua Lê chúa Trịnh (1600 – 1662)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 19: Vua Lê chúa Trịnh (1663 – 1675)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 20: Vua Lê chúa Trịnh (1600 – 1619)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 21: Vua Lê chúa Trịnh (1620 – 1643)
DVSK Bản Kỷ Tục Biên 22: (1655 – 1656)