11. Truyện Lý Ông Trọng

Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.

Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến; Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Ty Lệ hiệu úy, Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung nô không dám gần biên tái nên Thân được phong tước Vạn Tín Hầu, và được cho trở về nước. Sau Hung nô xâm phạm bờ cõi, Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân sai sứ sang vời; Thân không chịu đi mới trốn vào rừng khe; vua Tần trách hỏi; An Dương Vương tìm lâu không được, nói dối là Thân đã chết rồi, Vua Tần hỏi chết vì cớ gì. An Dương trả lời là đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai Sứ sang nghiệm xem có phải không thì An Dương cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng bảo lấy thây đưa qua; Lý Thân bất đắc dĩ phải tự tận mà chết; người ta lấy thủy ngân ướp vào thây Lý Thân đưa sang nạp. Thủy Hoàng than tiếc, bảo đúc đồng làm tượng ông, ban hiệu là Lý Ông Trọng; tượng đặt ở cửa Tư Mã đất Hàm Dương, ruột tượng có thể chứa được vài mươi người; mỗi khi có Sứ bốn phương đến, vua sai người lén vào làm cho tượng dao động; Hung nô tưởng là Hiệu úy còn sống, không dám đến gần. Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô Hộ Giao Châu, đêm mộng thấy cùng với Lý Thân giảng sách Xuân Thu của họ Tả, nhân đó hỏi nhà cũ ở đâu rồi lập đền thờ phụng.

Kịp lúc Cao Biền bình Nam Chiếu, Lý Thân thường hiển linh ứng; Cao Biền trùng tu miếu vũ, khắc gỗ làm tượng, gọi là đền thờ Lý hiệu úy, bây giờ ở tại huyện Từ Liêm, xã Thị Hiện (nay là xã Thụy Hương) cách phía tây Kinh thành năm mươi dặm, mỗi năm đến tế vậy.

29. Truyện Bố Cái Đại Vương

Đại vương họ Phùng, tên là Hưng, người huyện Đường Lâm, Giao Châu, tù trưởng biên man, hiệu là Lang, hào phú, có dũng lực, có thể vật được trâu, đánh được hổ. Em là Hãi cũng có sức mạnh, vác nổi nghìn cân, vác cả tảng đá mười hộc hoặc chiếc thuyền con mà đi hơn mười dặm; các man lào đều sợ uy danh.

Niên hiệu Đại Lịch đời Đường Đại Tông, nhân Giao Chỉ binh loạn trong nước, anh em đem nhau khắc phục các lân ấp, đất đai đều thuộc về anh em cả. Hưng cải danh là Cự Lão, Hãi cải danh là Cự Lực, đều hiệu là Đô Quân, Đô Bảo. Bọn tù trưởng Đường Lâm và Phong Châu thảy đều quy phục, từ đó uy danh chấn động. Quan Đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình đem binh dưới trướng đánh không hơn được, ưu phẫn thành bệnh mà chết. Hưng vào chiếm cứ đô phủ, làm việc cai trị được mười bốn năm rồi mất, dân chúng muốn lập Hãi lên thay, quan Tá lại đầu mục Bồ Phá Lặc là một người mạnh mẽ, sức có thể xô núi, không chịu nghe theo; dân chúng mới suy tôn người con của Hưng tên là An lên làm Đô phủ quân để ủy lạo lòng hoài vọng của nhân dân. Hãi tránh Bồ Phá Lặc, dời sang ở động Chu Nham, rồi sau không biết chết ở đâu.

An suy tôn thân phụ làm Bố Cái Đại Vương, bởi theo phương ngôn thì gọi cha bằng Bố, gọi mẹ bằng Cái, nên chi tôn xưng như vậy. Phùng An nối ngôi được ba năm, Đức Tông sai Triệu Xương sang làm Đô hộ An Nam; Xương đến nơi sai sứ dụ An; An cùng với man nhân về đầu hàng Triệu Xương; các người họ Phùng bỏ đi tản mát hết.

Hưng mất rồi, thường hiển linh dị, dân chúng cho là thần mới lập miếu ở phía Tây đô phủ mà phụng sự; hễ khi nào gặp đến mấy việc như trộm cướp và nghi ngục mà đến đền thờ thì thấy rõ họa phúc, nhờ thế hương hỏa được vô cùng vậy. (Nay Thổ tù tranh trưởng cũng hiệu là Lang).


1tức Phùng Hưng.