105. Con cóc

CON CÓC

Ngày xưa có một em bé hàng ngày mẹ cho uống sữa và ăn bánh mì. Em thường đem sữa và bánh ra sân, thấy em ra là Cóc từ trong hốc tường nhà cũng nhảy ra và chúi đầu vào bát sữa uống. Em bé rất mừng khi có Cóc cùng ngồi ăn uống. Mỗi khi không thấy Cóc ra, em liền gọi:
Cóc, cóc ơi, ra mau,
Ta cùng nhau ăn uống,
Có sẵn bánh mì đây,
Có đầy bát sữa tươi.
Thế là Cóc nhảy ra cùng ăn uống. Để tỏ lòng cám ơn, Cóc lấy từ trong hang mình ra cho em bé những đồ chơi xinh xắn như đá quý đủ loại và các đồ chơi bằng vàng. Có lần Cóc chỉ uống sữa mà không ăn bánh mì. Em bé lấy muỗng gõ nhè nhẹ lên đầu Cóc và nói:
– Này, ăn bánh đi chứ!
Bà mẹ đang ở trong bếp, nghe thấy tiếng con nói thì ngó ra và thấy đứa bé đưa muỗng lên đầu con Cóc, bà cầm ngay thanh củi chạy tới và đập chết con Cóc.
Từ đó trở đi đứa bé cứ ngày một gầy còm, ốm yếu, không hồng hào khỏe mạnh như khi trước. Sau đó một thời gian, một đêm kia có con chim lợn bay qua kêu vài tiếng. Chỉ một lát sau thì đứa bé từ giã cuộc đời.

CHIẾC VƯƠNG MIỆN

Có một đứa trẻ mồ côi ngồi kéo sợi bên tường thành phố. Nó thấy một con cóc đi từ trong hang ra. Nó vội lấy chiếc khăn lụa màu xanh da trời và trải ra đất. Loài cóc rất thích ra ngồi trên chiếc khăn da lụa màu xanh da trời. Nhìn thấy chiếc khăn xanh, con cóc quay trở về hang và khi quay ra nó mang theo một cái vương miện nhỏ bằng vàng và đặt trên chiếc khăn lụa. Thấy chiếc vương miện óng ánh , cô bé kéo sợi lại lấy. Ngay sau đó con cóc quay trở ra, nhìn không thấy chiếc vương miện nữa, nó tới bên tường bằng đá, rồi đập đầu vào tường liên tiếp tới khi chết nằm lăn ra đó.
Gía như cô bé kéo sợi đừng lấy đi chiếc vương miện có phải cóc còn vào hang lấy vương miện ra nữa.

BÍ TẤT ĐỎ

Cóc kêu: “Hu hu, hu hu.”
Em bé nói: “Nào ra đây đi!.”
Em bé hỏi thăm chị Cóc: “Bạn có nhìn thấy Bí Tất Đỏ không?”
Cóc đáp: “Không, tôi không thấy. Sao bạn lại hỏi? Hu hu, hu hu, hu hu.”

106. Gã xay bột nghèo khó và chú mèo đốm

Sống trong nhà xay bột kia là một bác thợ xay nghèo không có vợ con gì cả. Có ba gã giúp việc ở với bác đã nhiều năm nay. Một hôm bác bảo họ:
– Giờ ta đã có tuổi nên muốn được ngồi bên lò sưởi ấm. Chúng mày hãy ra đi, đứa nào kiếm được con ngựa hãy mang về cho ta, sẽ được hưởng nhà xay và sẽ phụng dưỡng ta tới khi ta nhắm mắt xuôi tay.
Gã thứ ba là trẻ nhất trong đám nên bị hai gã kia coi là đồ ngờ nghệch, không xứng đáng được hưởng nhà xay. Nhưng chính gã cũng không nghĩ tới chuyện đó.
Ba người đi với nhau, trước cổng làng kia, hai gã kia bảo Hans ngờ nghệch:
– Chú Út ở lại đây nhé, ngờ nghệch vậy thì suốt đời cũng chẳng kiếm nổi lấy một con ngựa còm.
Nhưng Hans vẫn cứ lẳng lặng đi cùng. Khi họ tới một chiếc hang thì trời đã tối, họ ngủ lại đó. Hai gã tinh khôn kia đợi cho Hans thiu thiu ngủ liền dậy đi ngay, để mặc chú Hans nằm đó và cho thế là đắc sách. Nhưng đâu có phải thế là họ hơn.
Mãi tới lúc mặt trời mọc, Han-xơ mới tỉnh giấc và thấy mình đang nằm trong hang sâu. Nhìn quanh chẳng thấy ai, chú la:
– Trời ơi, mình đang ở đâu thế này?
Chú đứng dậy, cố trèo bò ra khỏi hang và đi thẳng vào rừng. Chú nghĩ:
– Mình bị bỏ rơi ở đây một mình, thế này thì mò đâu ra được ngựa!
Đang mải vừa đi vừa nghĩ thì chú gặp một con Mèo đốm, mèo ta chào hỏi thân mật:
– Chú Hans, chú đi đâu đấy?
– Hừm, đồ mày thì giúp gì được tao?
Mèo đáp:
– Tôi biết tỏng chú mong muốn gì, chú muốn có một con ngựa đẹp chứ gì! Giờ thì theo tôi, hầu hạ tôi trung thành trong bảy năm, sau đó tôi sẽ cho chú một con ngựa đẹp mà trong đời chú chưa bao giờ trông thấy.
Hans nghĩ bụng:
– Ờ, chắc đây là mèo thần! Nhưng để ta xem những điều nó nói có đúng không?
Mèo đưa chú tới lâu đài đã bị phù chú của nó, chạy tung tăng lên xuống, hầu hạ Mèo đốm và một lũ mèo con. Buổi tối, lúc ngồi ăn thì có ba con chơi nhạc: một con chơi đại vĩ cầm, một con chơi tiểu vĩ cầm, còn con nữa phồng má thổi kèn Trômpếtơ.
Ăn xong, bàn ghế được dọn đi, lúc đó Mèo nói:
– Nào, chú Hans thân mến, ta nhảy đi!
Hans đáp:
– Không, ai lại nhảy với Miu ấy, tôi chưa nhảy với Miu bao giờ cả.
Mèo đốm ra lệnh cho đám mèo con:
– Thôi đưa chú lên giường ngủ!
Thế là một con cầm đèn dẫn chú tới phòng ngủ, rồi con cởi giày, con tháo tất, con thổi tắt đèn để cho chú ngủ.
Sáng hôm sau, lũ mèo con lại tới, con đi tất, con xỏ giày, con lau người, con khác lấy đuôi vung vẩy quệt sạch mặt cho chú. Hans nói:
– Kể cũng thú vị đấy chứ!
Công việc Hans hàng ngày phải làm là bổ củi. Chú được phát một cái rìu, một cái chêm và một cái cưa bằng bạc, chỉ có cái chùy là bằng đồng thau. Cuộc sống của chú giờ đây là như vậy: hàng ngày bổ củi, được ăn uống ngon lành, nhưng chẳng thấy một ai ngoài Mèo đốm và lũ mèo con.
Có lần Mèo đốm bảo Han-xơ:
– Giờ chú đi cắt cỏ ở đồng và tải ra cho cỏ khô nhé!
Rồi Mèo đốm đưa cho chú chiếc hái bằng bạc và hòn đá mài bằng vàng, nói chú nhớ mang những thứ đó về nộp lại.
Hans đi làm ngay việc đó đúng như lời Mèo đốm nói.
Cắt cỏ xong, Hans mang hái, đá mài và cỏ về và hỏi Mèo đốm liệu đã được lĩnh tiền công chưa. Mèo đốm nói:
– Chưa được đâu. Chú phải làm cho ta một việc nữa. Cột, kèo, ván đều bằng bạc, dụng cụ như rìu, thước vuông và những thứ cần thiết khác cũng đều bằng bạc cả. Chú hãy lắp cho ta một chiếc nhà nhỏ đi.
Làm xong căn nhà nhỏ xíu, Hans nói, việc đã xong đáng nhẽ phải cho lĩnh ngựa ngay mới phải.
Quanh đi quẩn lại đã bảy năm trôi qua mà cứ tưởng chừng mới có nửa năm. Mèo đốm hỏi Hans có muốn xem ngựa không. Hans nói:
– Muốn quá đi chứ!
Mèo đốm mở cửa chiếc nhà nhỏ, Hans thấy ngay mười hai con ngựa. Trời, chúng béo đẹp, lông mượt làm sap, nhìn chúng mà tim chú đập rộn ràng. Rồi Mèo mời chú cùng ngồi ăn uống và nói:
– Giờ chú cứ đi người không về nhà. Ba hôm nữa chính tôi sẽ mang ngựa đến cho chú.
Mèo chỉ cho Hans đường về nhà xay và chú cứ thế thẳng đường về. Trong bảy năm ở cho Mèo đốm, Mèo chẳng may cho Hans áo mới, bắt chú mặc nguyên chiếc áo cũ đã rách bươm và ngắn cũn cỡn mà về.
Khi chú về đến thì thấy hai gã kia đã có mặt ở nhà, mỗi người một ngựa, con của người này thì mù, của người kia thì què. Cả hai đều hỏi:
– Hans, ngựa mày đâu?
– Ba ngày nữa mới tới.
Chúng cười và bảo:
– Ờ, Hans, đồ mày thì làm sao kiếm được ngựa cho ra hồn.
Hans bước vào buồng. Bác thợ xay không cho chú ngồi vào bàn ăn, sợ có ai lạ vào trông thấy chú rách rưới bác sẽ bị ngượng mặt. Họ chia cho chú chút ít và bắt ra ngoài ăn. Đến tối hai gã kia không cho chú ngủ chung giường, chú đành nằm trên ổ rơm ở trong chuồng ngỗng. Khi chú tỉnh giấc thì đã ba ngày trôi qua. Có một cỗ xe sáu ngựa tới, xe nom thật tráng lệ. Chạy theo bên xe là con ngựa thứ bảy. Đây chính là ngựa mang đến cho Hans, chú xay bột nghèo khó.
Từ trên xe bước xuống là một công chúa đẹp tuyệt vời, nàng bước vào nhà xay. Công chúa chính là Mèo đốm mà Hans nghèo khó đã hầu hạ trong bảy năm trước kia.
Nàng hỏi bác thợ xay về chú thợ xay trẻ tuổi, muốn biết giờ chú ở đâu.
Bác đáp:
– Chúng tôi không cho nó vào nhà xay, nó rách rưới bẩn thỉu nên đang nằm ở chuồng ngỗng ấy.
Công chúa truyền cho gọi chú lên, chú chẳng có gì ngoài tấm áo rách che thân, đám người hầu liền lấy quần áo đẹp ra, tắm rửa và thay đồ đẹp cho chú. Giờ trông chú có kèm gì một ông vua!
Sau đó công chúa đòi đi xem ngựa mà hai gã xay bột kia mang về: con thì mù, con thì què. Rồi nàng bảo người hầu dắt con ngựa thứ bảy vào. Bác thợ xay khen là chưa có con ngựa nào bước vào sân nhà bác lại đẹp bằng con ngựa ấy. Công chúa nói:
– Đây chính là con ngựa của gã xay bột thứ ba.
Bác thợ xay liền nói:
– Vậy thì chú ấy được hưởng nhà xay.
Công chúa nói, giờ bác đã có ngựa tốt, nhưng bác cứ giữ lấy nhà xay. Rồi nàng dắt tay Hans trung hậu lên xe đi thẳng. Hai người đi tới căn nhà nhỏ mà Hans xây bằng những dụng cụ bằng bạc. Nơi đó đã thành một tòa lâu đài đồ sộ, đồ đạc ở trong lâu đài toàn bằng vàng, bằng bạc.
Hai người lấy nhau. Giờ đây Hans trở nên giàu có, giàu tới mức ăn suốt đời không hết. Giờ thì chẳng ai dám nói, những kẻ có vẻ ngu ngốc chẳng làm nên trò trống gì.

107. Ác giả ác báo

Núi non không giáp mặt nhau được, nhưng con người ta, dù là kẻ xấu hay người tốt, thế nào cũng có lúc gặp nhau. Trên đường đi chu du hành nghề có lần bác thợ giày và bác thợ may lại gặp nhau. Bác thợ may dáng người nhỏ bé đẹp trai, tính hay bông đùa nhưng tốt bụng.
Nhìn hòm đồ người kia mang theo, bác thợ may đoán biết được người kia làm nghề gì, bác cất giọng hát một cách giễu cợt:
Khâu cho tôi một đường,
Rút sợi này cho tôi,
Vuốt chỉ bằng sáp nhé,
Nhớ đóng đanh cho chắc.
Vốn tính không ưa đùa giỡn, bác thợ giày nhăn mặt như đã uống phải dấm, lăm lăm xông tới như muốn vặn ngược cổ bác thợ may. Bác thợ may nhỏ nhắn nhoẻn cười, đưa rượu mời làm lành:
– Có chi mà giận nhau thế? Uống thử chút đỉnh, nuốt giận làm lành người anh em.
Bác thợ giày tu luôn một hơi dài, cơn giận trên mặt cũng biến luôn theo, bác trao trả bác thợ may bình rượu và nói:
– Tôi đã tu một hơi dài cẩn thận. Người ta thường nói uống nhiều, chứ không nói khát nhiều. Nào, giờ chúng ta cùng đi chu du thiên hạ chứ?
Bác thợ may trả lời:
– Tôi thế nào cũng được, miễn là bác cũng có hứng cùng đi tới thành phố lớn, nơi sẵn công ăn việc làm.
Bác thợ giày nói:
– Chính tôi cũng định tới thành phố lớn. Ở những nơi nhỏ bé hẻo lánh khó kiếm ăn lắm, còn ở nhà quê thì toàn người chân đất với nhau.
Hai người lại tiếp tục cuộc hành trình, nối gót nhau như chân chồn chạy trên tuyết.
Thời giờ thì sẵn, đồ ăn gặm cho qua ngày thì thiếu. Đến thành phố nào cũng vậy, cả hai bác đều đi dạo một lượt rồi đến chào phường thợ cùng nghề. Bác phó may lúc nào cũng tươi cười, đôi má ửng hồng, nom nhanh nhẹn nên hễ có việc là phường thợ gọi ngay đến làm. Bác cũng có duyên lắm. Cô con gái thợ cả lén cha mình ôm hôn bác phó may ở sau cửa ra vào. Mỗi khi hai người gặp nhau, ruột tượng của bác phó may lại phồng thêm lên một chút. Bác thợ giày vốn hay cau có, thấy vậy mặt càng nhăn nhó, bác thở dài:
– Càng láu cá ranh mãnh, lại càng hay gặp may!
Bác phó may lúc nào cũng tươi cười, ca hát, kiếm được bao nhiêu là bác chia ngay cho bạn. Hễ có dăm ba đồng xủng xẻng trong túi là bác móc ngay ra gọi món nhậu, khoái chí khoa tay đập bàn, đập ghế làm cho cốc chén nhảy múa trên bàn. Bác luôn nghĩ: Có đồng vào phải có đồng ra chứ. Sau một thời gian đi lang thang hai người tới một khu rừng rộng. Qua khu rừng là tới kinh đô, nhưng ngay cửa rừng lại có hai đường mòn dẫn tới kinh đô, một đường đi mất bảy ngày, con đường kia chỉ mất có hai ngày. Cả hai bác đều không biết đường nào là ngắn hơn. Họ ngồi xuống dưới gốc một cây sồi để bàn tính nên mang bao nhiêu ngày lương khô đi theo thì đủ để ăn dọc đường. Bác thợ giày nói:
– Người ta phải biết lo xa. Cứ tính dư ra một chút. Theo tôi thì nên mang bánh mì cho bảy ngày đi đường.
Bác thợ may nói:
– Lo xa cái gì nào? Còng lưng ra mà tải bánh bảy ngày như một con lừa, không hề được nhìn ngang, nhìn dọc. Tôi không có theo ai hết. Tiền để trong túi thì mùa nào cũng vậy, mùa hè cũng như mùa đông. Nhưng mà bánh mì, trời oi bức có khi vỏ khô, ruột mốc. Tôi không thể tính quẩn như vậy được. Tại sao chúng ta lại không tìm ra được con đường ngắn mà đi? Chỉ phải mang bánh mì ăn hai ngày, thế có phải là tốt không nào?
Thế rồi ai lo phận nấy, chỉ mua phần bánh như mình tính. Xong xuôi, cả hai băng rừng, phó mặc số phận cho trời.
Trong rừng yên tĩnh như trong nhà thờ. Không có gió thổi, không có tiếng suối róc rách, cũng chẳng có tiếng chim hót líu lo, và không một ánh nắng nào chiếu lọt qua được cành lá rậm rạp, bác thợ giày chẳng nói lấy một lời, vì bánh mì nặng trĩu trên lưng làm cho bác mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mồ hôi chảy từng giọt trên bộ mặt cau có, tối xầm của bác. Trái lại, bác phó may vẫn tươi tỉnh, tay chân vung vẩy lấy lá thổi kèn hay cất giọng ca một bài, bác nghĩ bụng:
– Trời thấy ta vui nhộn thế này ắt trời mừng lắm!
Thoắt đã hai ngày trôi qua. Sang ngày thứ ba, bác thợ may đã ăn hết sạch cả bánh mà vẫn chưa đi hết cánh rừng, bác đã bắt đầu cảm thấy lo lo, nhưng rồi bác vẫn không nản lòng, còn tin mình sẽ gặp may. Tối thứ ba, bác đành nhịn đói nằm ngủ dưới gốc cây, sáng hôm sau đứng dậy đi tiếp với cái dạ dày lép kẹp. Ngày thứ tư cũng trôi qua y như thế. Khi bác thợ giày ngồi lên thân cây đổ ngang đường, lấy bánh ra ăn thì bác thợ may đành ngồi nhìn. Mỗi khi bác xin bánh thì người bạn đồng hành kia lại cười chế giễu và nói:
– Bác lúc nào cũng vui nhộn lắm cơ mà? Giờ thử nếm mùi xem khi người ta chẳng còn gì để vui nhộn nữa thì sẽ như thế nào? Loài chim sớm ra đã hót thì tối đến sẽ bị diều hâu ăn thịt.
Nói tóm lại, bác thợ giày là một con người nhẫn tâm.
Nhưng tới sáng ngày thứ năm thì bác thợ may khốn khó kia không đứng dậy nổi nữa, mệt lả không nói nổi lấy một lời, mắt đỏ ngầu, hai má trắng bệch. Lúc đó bác thợ giày bảo bác thợ may:
– Ngày hôm nay tôi đưa cho bác một miếng bánh, nhưng để đền bù vào đó bác phải để cho tôi chọc lấy mắt bên phải.
Bác thợ may bất hạnh kia chẳng biết cứu mình bằng cách gì nữa, bác muốn sống nên đành đồng ý. Bác khóc, hai mắt giàn giụa nước mắt, đoạn rồi bác dướn người, giơ mắt dể tên thợ giày – con người có trái tim đá – lấy mũi dao sắt khoét mắt phải. Chợt bác thợ may nhớ tới lời mẹ bác thường nói khi bác còn bé bị mẹ bắt quả tang ăn vụng trong bếp. “Ăn thì ăn cho căng bụng, nếu có bị đòn thì cắn răng mà chịu đựng nhé.”
Đổi miếng ăn bằng một giá quá đắt, khi ăn xong, bác thợ may lại đứng dậy đi, quên ngay điều bất hạnh của mình, chẳng những thế bác còn tự an ủi:
– Còn một mắt cũng quá đủ để nhìn.
Nhưng sang ngày thứ sáu, cơn đói lại kéo đến, đói cồn cào, tim như muốn ngừng đập. Tối đến bác không còn đủ sức để ngồi xuống, cứ để mặc cho thân mình đổ vật xuống một gốc cây mà ngủ. Sáng ngày thứ bảy, sức đã kiệt, bác thợ may không đứng dậy nổi nữa, cảm thấy lưỡi hái thần chết đã nằm kề bên gáy. Lúc đó tên thợ giày nói:
– Tôi cũng muốn làm ơn làm phúc, cho bác một miếng bánh nữa, nhưng làm gì có chuyện cho không, bác phải để tôi khoét một mắt kia.
Bây giờ bác thợ may mới thấy mình sống không biết lo xa, đành ngồi cầu chúa tha lỗi cho mình và nói:
Được, bác cứ làm,
Những điều bác muốn,
Tôi đành cam lòng
Chịu theo số phận
Nhưng bác nhớ lấy,
Sự đời đổi thay
Ác giả ác báo.
– Tôi có làm gì bác đâu? Tôi đã từng chia ngọt xẻ bùi với bác trong những ngày tôi ăn nên làm ra. Nghề tôi phải khâu từng mũi kim, đường chỉ. Tôi mất đôi mắt sẽ không khâu được nữa, chỉ còn cách đi xin ăn. Khi tôi đã mù cả hai mắt, xin bác đừng bỏ tôi một mình ở lại đây, kẻo tôi chết vì đói khát.
Tên thợ giày lấy dao khoét nốt mắt trái của bác thợ may, đoạn đưa cho bác một miếng bánh để ăn, trao cho cái gậy và dắt đi theo mình.
Lúc mặt trời lặn thì hai người vừa ra khỏi rừng. Trước mặt họ là một cánh đồng, cách đó không xa, là một cái giá treo cổ. Tên thợ giày dẫn bác tới gần giá treo cổ, bỏ mặc bác ở đấy, rồi đi tiếp.
Mệt mỏi, đói khát, đau nhức làm cho bác thợ may khốn khổ kia ngủ thiếp đi một giấc cho tới sáng. Hôm sau, lúc tảng sáng, bác thức dậy, chẳng biết mình đang ở nơi nao.
Thấy đau rát ở mắt, bác thợ may liền lấy khăn tay thấm xuống đám cỏ có sương đọng, rồi đưa lên lau hai hốc mắt. Chỉ một lát sau, xảy ra một điều kỳ lạ: Nằm trong hai hốc mắt bây giờ là hai con ngươi đen lánh – Hai mắt bác thợ may đã sáng lại! Sau khi đã định thần, bác trông thấy mặt trời mọc sau lưng núi, dưới đồng bằng trước mặt là kinh đô to lớn, có thành quách nguy nga, có hàng trăm tháp chuông, trên ngọn tháp là chữ thập mạ vàng óng ánh dưới nắng mặt trời. Giờ bác đã nhìn rõ được từng chiếc lá trên cây, những đàn chim đang bay qua, thấy cả muỗi đang bay vo ve trong không khí. Bác lấy một chiếc kim khâu ở túi ra, xâu chỉ thấy lẹ như khi xưa, lòng bác tràn ngập vui sướng. Rồi bác quẩy gói lên lưng, quên ngay hết nỗi khổ đau vừa mới trải qua. Bác lại tiếp tục lên đường, vừa đi vừa ca hát, huýt sáo vang lừng.
Trước tiên, bác gặp một con ngựa non lông màu nâu đang chạy lăng xăng ngoài cánh đồng. Bác nắm bờm nó, định nhảy lên cưỡi để đi vào thành phố, nhưng ngựa van bác:
– Tôi còn bé bỏng, một người nhỏ nhắn như ông cưỡi lên cũng đủ gãy lưng. Xin ông để cho tôi chạy nhảy cho tới khi tôi tráng kiện. Có lẽ sau này thế nào cũng có lúc tôi có thể đền ơn ông.
Bác thợ may nói:
– Thôi được, thế thì chạy đi! Tao thấy mày cũng còn đang tuổi chạy nhảy nhởn nhơ.
Bác cầm roi đánh nhẹ vào lưng nó, ngựa mừng quá, cất vó chạy nhảy tung tăng qua các bụi thấp và qua các hố, rồi phi thẳng ra cánh đồng.
Từ ngày hôm sau đến giờ bác thợ may chưa có miếng nào vào bụng. Bác nghĩ:
– Ánh mặt trời chiếu vào đầy mắt ta, nhưng ta vẫn bị treo mồm. Giờ hễ gặp cái gì ăn tạm được là ta túm lấy ăn ngay.
Vừa lúc ấy có một con cò đi bệ vệ trên cánh đồng, hướng về phía bác thợ may. Bác nắm ngay chân nó và bảo:
– Đứng lại, đứng lại! Ta chẳng biết thịt ngươi ăn có ngon không nhưng cơn đói không cho phép ta kén cá chọn canh được nữa, ta đành phải cắt tiết ngươi, làm lông rồi đem quay mới được.
Cò đáp:
– Xin đừng có giết tôi, tôi là chim thần, loại chim có ích cho loài người, không ai dám đụng đến đâu. Nếu ông để tôi sống thì rồi thế nào cũng có lúc tôi có thể đền ơn ông.
Bác thợ may nói:
– Thế thì xin mời ông anh họ Cao kều bay đi!
Cò xoè cánh, thong thả bay đi, buông thõng đôi cẳng dài xuống.
Bác thợ may tự nhủ:
– Tình cảnh cứ như vậy, biết làm gì bây giờ? Cơn đói cứ mỗi lúc một tăng, bụng đã lép lại càng lép hơn. Giờ con nào tới gần thì con đó toi mạng.
Ngay lúc đó, bác nhìn thấy hai con vịt con ở ao đang bơi về phía bác. Bác nói:
– Ta vừa nói xong thì các chú bơi tới, thật đúng lúc quá.
Rồi bác túm luôn lấy một con, sắp vặn cổ thì vịt mẹ ở trong đám sậy vội bơi đến, há mỏ van xin bác hãy rủ lòng thương con nó. Vịt mẹ nói:
– Bác thử nghĩ xem, mẹ bác đau đớn biết chừng nào khi thấy người ta bắt bác đem đi giết.
Bác thợ may tốt bụng đáp:
– Thôi bà cứ yên tâm. Tôi trả con cho bà nuôi.
Rồi bác thả vịt con xuống ao.
Bác ngoảnh lại thì thấy mình đang đứng trước một cây cổ thụ, thân cây rỗng, có một đàn ong bay ra bay vào tấp nập. Bác thợ may nói:
– Đúng là mình ở hiền gặp lành! Mật ong sẽ làm cho mình tỉnh người và lại sức.
Nhưng kìa, ong chúa đã ra, giọng hăm dọa:
– Nếu bác chạm đến quân ta và phá tổ ta, lập tức hàng ngàn vạn chiếc ngòi sẽ đâm thẳng vào da bác mà đốt như hàng ngàn vạn mũi kim nóng đỏ. Nhưng nếu bác để tôi yên thân và bác hãy đi đường bác, thế nào cũng có lúc chúng tôi báo đền.
Bác thợ may, thấy không thể kiếm ăn được ở nơi đây. Bác nói:
– Đã ba keo không, keo thứ tư lại chẳng có gì. Đúng là một bữa trưa tồi tệ.
Bụng lép kẹp, bác cố lết đi vào thành phố. Tới được thành phố thì chuông nhà thờ đã điểm mười hai giờ trưa. Giờ này nhà hàng đã có cơm trưa bác có thể ngồi vào bàn gọi món ăn. Khi đã no bụng rồi, bác nói:
– Giờ ta cũng phải kiếm một việc gì làm chứ.
Bác đi quanh các phố, tìm đến một thợ cả của phường may và kiếm ngay được chỗ làm tốt. Vì khi trước học nghề gặp ông thầy giỏi, bác cắt may rất khéo nên chẳng bao lâu sau bác trở nên nổi tiếng. Ai cũng muốn mang vải đến nhờ bác thợ may người bé nhỏ may cho. Tiếng tăm bác một ngày một lan truyền trong vùng. Bác tự nhủ:
– Mình thế là đã đạt tới đỉnh cao của nghề may. Và cuộc sống cứ mỗi ngày một dễ chịu hơn.
Nghe tin đồn, nhà vua tuyển bác vào làm thợ may trong triều.
Nhưng sự đời thật hay éo le. Cũng ngày hôm đó, người bạn đồng hành cũ của bác cũng được phong chức thợ giày của triều đình. Khi hắn chợt nhận ra bác thợ may và thấy bác giờ đây lại có đôi mắt sáng, hắn đâm ra lo sợ, nghĩ bụng:
– Mình phải tìm cách trừ khử nó trước khi nó tính chuyện báo thù mình.
Nhưng thường, thì kẻ nào gieo gió ắt phải gặp bão. Tối hôm đó, ngay sau giờ làm việc – khi ấy trời đã chập choạng tối – tên thợ giày lần mò đến tâu với nhà vua:
– Tâu hoàng thượng, tên thợ may ngông cuồng cả gan nói liều là y cũng có thể tìm được chiếc vương miện vàng của hoàng thượng đã mất từ lâu.
Vua nói:
– Thế thì hay lắm!
Vua cho triệu bác thợ may sớm hôm sau phải vào triều. Vua lệnh cho bác phải tìm cho ra bằng được chiếc vương miện vàng đã mất kia. Bằng không sẽ bị trục xuất khỏi kinh đô.
Bác thợ may nghĩ bụng:
– Chết thật! Chỉ có những kẻ vô lại mới dám hứa làm những việc quá sức mình. Nhưng nếu nhà vua cứ khăng khăng một mực bắt ta làm một việc chẳng ai làm nổi, thì ta cũng chẳng cần chờ đến ngày mai làm gì, tốt nhất là ta lên đường rời khỏi kinh đô ngay ngày hôm nay.
Bác gói hành lý lại và ra đi, bác lưu luyến từ giã kinh đô, nơi mình đang ăn nên làm ra, vừa đi bác vừa ngoái cổ lại nhìn.
Bác tới bờ ao, nơi trước kia bác định bắt vịt con làm thịt thì thấy vịt mẹ đang đứng ở đó rỉa lông. Vịt mẹ nhận ngay ra bác và hỏi sao bác đi cứ cúi dầu xuống thế. Bác nói:
– Nếu bà biết chuyện gì đã xảy đến với tôi thì chắc bà chẳng lấy gì làm lạ.
Rồi bác kể cho vịt mẹ nghe về thân phận long đong của mình. Vịt nói:
– Nếu chỉ có thế thì tôi giúp bác được. Chiếc vương miện đó rơi xuống nước, nằm ngay dưới đáy ao, tôi có thể lấy ngay bây giờ. Bác cứ trải sẵn khăn ở bờ ao nhé.
Vịt mẹ cùng mười hai vịt con lặn xuống, năm phút sau, cả đàn ngoi lên, vịt mẹ bơi ở giữa, trên lưng vịt mẹ là chiếc vương miện. Đàn vịt con bơi chung quanh, thỉnh thoảng lấy mỏ đỡ để mẹ khỏi phải gắng sức nhiều. Đàn vịt bơi vào bờ, đặt vương miện lên khăn. Các bạn có biết chiếc vương miện ấy đẹp tráng lệ như thế nào không?
Dưới ánh nắng, chiếc vương miện lóng lánh như trăm ngàn viên ngọc tuyệt đẹp. Bác thợ may túm bốn góc khăn, bọc vương miện lại, rồi đem dâng vua. Vua mừng rỡ, thưởng cho bác một chiếc dây chuyền bằng vàng.
Tên thợ giày thấy mưu kế thứ nhất của mình thất bại, liền tìm mưu kế thứ hai. Y đến vua, tâu rằng:
– Muôn tâu hoàng thượng, tên thợ may lại huênh hoang nói là có thể làm được mô hình cung điện nhà vua bằng sáp ong, mô hình chính là cung điện nhà vua thu nhỏ lại, giống hệt nhau bên ngoài cũng như bên trong.
Vua lại cho triệu bác thợ may đến, truyền phải làm cung điện bằng sáp ong, bên ngoài cũng như bên trong phải giống hệt như cung điện của nhà vua. Nếu bác không làm xong việc ấy, hay có xong mà hãy còn thiếu dù chỉ một cái đinh đóng trên tường thì cũng bị đem bỏ ngục tối dưới lòng đất cho đến mãn đời.
Bác thợ may nghĩ bụng:
– Toàn là những chuyện bực mình! Thế này ai mà chịu nổi.
Nói xong, bác khăn gói lên đường.
Khi tới bên thân cây rỗng lúc trước, bác ngồi xuống, cúi gầm mặt. Đàn ong ở trong tổ bay ra. Ong chúa hỏi bác bị gió cứng cổ hay sao mà đầu gục xuống thế? Bác thợ may đáp:
– Không phải vậy đâu! Có một chuyện khác làm tôi buồn rầu.
Rồi bác kể cho ong chúa nghe về những việc mà vua truyền cho bác phải làm. Cả đàn ong vo ve rầm rì với nhau. Ong chúa bảo:
– Bác cứ yên tâm về nhà. Sáng mai, cũng giờ này, bác nhớ đem theo một chiếc khăn lớn đến đây, chắc chắn mọi việc sẽ đâu vào đấy.
Bác thợ may quay trở về nhà. Đàn ong bay đến cung điện nhà vua, bay qua các cửa sổ đang mở, bò khắp chốn khắp nơi trong cung điện, đo từng li từng tí thật chính xác. Đo xong, chúng bay về tổ. Cả dàn ong xúm vào làm mô hình bằng sáp, chiều tối hôm đó đã xong. Ong làm nhanh đến nỗi người ta có cảm tưởng lâu đài cứ hiện dần trong nháy mắt. Sáng hôm sau, khi bác thợ may đến thì cung điện nguy nga đã để sẵn đó rồi, một cái đinh ở tường cũng không thiếu, không thiếu cả một hòn ngói trên mái nhà. Mô hình trông mịn màng, trắng như tuyết, thơm phức mùi mật ong. Bác phó may lấy khăn bọc cẩn thận mô hình lại, rồi đem dâng vua. Nhà vua rất đỗi ngạc nhiên, truyền trưng bày mô hình ở giữa phòng khách lớn nhất, rồi thưởng cho bác thợ may một ngôi nhà to xây bằng đá. Nhưng tên thợ giày vẫn chưa từ bỏ ý xấu. Lần thứ ba, y lại đến tâu vua:
– Muôn tâu hoàng thượng! Trước đây hoàng thượng có cho đào giếng giữa sân rồng nhưng nước không phun lên. Nghe chuyện đó, tên thợ may đã cả quyết là mình có thể đào để cho nước phun lên cao bằng đầu người, trong suốt như pha lê.
Vua cho đòi bác thợ may đến, rồi phán rằng:
– Ngay sáng mai, nếu trong sân rồng của trẫm không có tia nước phun lên như lời ngươi hứa hẹn thì đao phủ sẽ chém đầu ngươi ngay tại sân đó.
Chẳng còn phải suy nghĩ lâu la gì nữa, bác thợ may đáng thương vội vã rời khỏi kinh thành. Nghĩ mình chuyến này mất mạng như chơi, nước mắt bác cứ thế trào ra. Trong lúc bác còn đang ủ rũ đi lang thang thì con ngựa non bác thả khi trước lao tới, giờ nó đã là một con ngựa màu nâu tuyệt đẹp. Ngựa nói:
– Giờ đã đến lúc con có thể trả ơn bác. Con biết bác đang cần gì. Bác cứ yên tâm chẳng mấy chốc con sẽ hoàn tất chuyện đó cho bác. Mời bác lên yên lưng con nay đủ sức để hai người như bác ngồi lên rồi.
Bác thợ may lại thấy vững dạ, nhảy phắt lên lưng ngựa. Ngựa phi nước đại vào kinh đô, vào thẳng sân rồng trong cung điện. Ngựa chạy ba vòng quanh sân, rồi nhanh như chớp, ngựa lấy hết sức bình sinh giáng bốn vó xuống nền sân. Tiếng đất nứt kêu răng rắc, một tảng đất ở sân bắn tung lên không trung, văng qua mái cung điện, tiếp theo là một tia nước phun lên, cao bằng người cưỡi ngựa. Nước sạch và trong như pha lê, ánh nắng mặt trời như nhảy múa cùng tia nước. Nhìn cảnh ấy, vua hết sức ngạc nhiên, chạy lại ôm hôn bác thợ may trước mặt mọi người.
Nhưng hạnh phúc nào được lâu dài. Vua có một bầy con gái, cô nào cũng xinh đẹp, nhưng không có con trai. Lần thứ tư, tên thợ giày nham hiểm kia lại đến tâu vua:
– Muôn tâu hoàng thượng, tên thợ may vẫn chưa chừa cái thói huênh hoang của mình. Giờ y lại khoe là nếu y thích, y có thể sai khiến một em bé trai rơi từ không trung xuống để làm con vua.
Vua cho triệu bác thợ may tới và phán:
– Nếu nội trong chín ngày, ngươi dâng trẫm một đứa con trai, thì lúc ấy ngươi có thể kết bạn trăm năm cùng con gái cả của trẫm.
Bác thợ may nghĩ bụng:
– Phải nói phần thưởng ấy lớn thật, ai mà chẳng muốn nhưng quả anh đào lại ở cao quá tầm tay mình, cố vươn lên hái thì cành dưới chân sẽ gãy và mình rơi ngay xuống đất.
Bác đi về nhà, ngồi gác chân lên bàn may, tính xem phải làm gì bây giờ. Bác than thở:
– Làm sao mà sống được bây giờ? Ta đành ra đi, ở đây chắc chắn không thể sống yên thân.
Bác bèn vội vã rời kinh thành. Khi qua cánh đồng, bác gặp lại người bạn cũ của mình – anh bạn cò – đang đi đi lại lại, thỉnh thoảng lại dừng chân, dáng ra vẻ như một nhà hiền triết, đứng ngắm nghía một con ếch rồi nuốt chửng. Cò đi về phía bác và chào. Cò cất giọng:
– Tôi thấy bác khăn gói trên lưng, có việc gì mà bác phải từ giã kinh đô thế?
Bác thợ may kể cho cò nghe chuyện nhà vua đòi hỏi bác phải làm những việc mà mình không tài nào làm được. Bác phàn nàn về số phận long đong của mình.
Cò nói:
– Có gì mà bác phải lo phiền cho bạc tóc ra? Tôi sẽ giúp bác qua cơn hoạn nạn. Tôi vẫn đi đón hài nhi mang về kinh đô. Để tôi đem về cho một hoàng tử từ giếng nước thần. Bác về nhà và cứ yên tâm chờ. Chín ngày nữa bác đến cung vua chờ, tôi sẽ có mặt ở đó.
Bác thợ may về nhà. Đúng ngày hẹn, bác có mặt ở cung điện. Ngay lúc đó, cò bay đến, gõ cửa sổ. Bác thợ may mở cửa sổ cho cò. Ông bạn cao cẳng bước vào, bước đi khoan thai trên nền đá cẩm thạch. Mỏ cò ngậm một đứa bé đẹp như thiên thần đang giơ tay đòi theo hoàng hậu. Cò đặt đứa bé vào lòng hoàng hậu. Hoàng hậu ôm ấp và hôn đứa bé, lòng rất đỗi vui mừng, tim như ngừng đập.
Trước khi từ biệt, cò lấy chiếc túi trên vai xuống, dâng biếu hoàng hậu. Trong túi là kẹo đủ màu để làm quà cho các công chúa. Cô cả thì không được phần kẹo nào cả mà được một người chồng là bác thợ may vui tính. Bác thợ may nói:
– Đối với tôi thật đúng như là trúng số độc đắc!
Tên thợ giày phải đóng giày cho bác thợ may dùng để nhảy hôm cưới. Sau đó có lệnh y phải vĩnh viễn rời khỏi kinh đô. Y chạy vào rừng như người mất hồn và có lẽ đã chết ở trong đó, vì không ai trông thấy hoặc nghe nói gì về y nữa.

108. Hans người nhím

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông dân sống dư dật trong cảnh lúa đầy bồ, gà vịt đầy sân. Nhưng họ vẫn buồn, vì không có con.
Bác thường hay đi với những người cùng làng ra tỉnh mua bán, họ thường chế giễu cảnh đơn chiếc của hai vợ chồng bác và luôn gặng hỏi tại sao bác lại không có con. Có lần, bác nổi giận bực mình vì chuyện ấy. Vừa mới bước chân vào nhà, bác đã hầm hầm nói lớn:
– Mình phải có một đứa con mới được, cho dù nó là Nhím cũng tốt.
Thế rồi bác gái mang bầu, sanh ra được một đứa con, nửa trên hình nhím, nửa dưới hình người. Nhìn đứa con mới sanh, bác gái hoảng sợ trách chồng:
– Ông có thấy không, chỉ tại lời nói độc địa của ông đấy.
Chồng bảo vợ:
– Biết làm sao bây giờ. Nó vẫn là con mình và phải làm lễ rửa tội, đặt tên cho nó, nhưng chắc chẳng ai chịu làm cha đỡ đầu nó.
Vợ nói:
– Mà có lẽ cũng chỉ đặt cho nó tên “Hans người nhím” được thôi!
Làm lễ rửa tội cho đứa bé xong, cha cố nói:
– Nó không được đặt ở giường như những đứa bé khác, vì mình nó toàn lông nhọn.
Hai vợ chồng lấy rơm trải ổ ở sau lò sưởi và đặt Hanxơ người nhím vào đấy nằm. Đứa bé không cho bú được, vì lông nhọn ở nó cắm vào da thịt rất đau. Đứa bé cứ nằm như vậy ở sau lò sưởi tám năm liền. Người bố rất buồn phiền chán ngán.
Một hôm bác trai đi chợ phiên ở tỉnh, trước khi đi bác hỏi vợ có cần gì để bác mua về cho. Vợ nói:
– Nhà cần thịt và mấy ổ bánh mì trắng.
Rồi bác lại hỏi đứa giúp việc. Cô này xin một đôi giày vải và vài đôi bít tất. Cuối cùng bác hỏi:
– Hans nhím của bố, con muốn gì nào?
Hans thưa:
– Bố kính yêu, bố mua cho con chiếc kèn bị.
Đi chợ phiên về, bác trai đưa cho vợ thịt, bánh, đưa cho đứa hầu gái giày và bít tất. Rồi bác ra sau lò sưởi đưa cho Hanxơ chiếc kèn bị.
Cầm kèn trong tay, Hans lại nói xin với bố:
– Bố kính yêu, bố ra lò rèn đánh cho con một con gà trống sắt. Con muốn cưỡi gà đi ngao du đây đó và không bao giờ trở lại đây nữa.
Mừng trút được gánh nặng, người bố đi thuê ngay thợ rèn. Gà trống mang về tới nhà là Hans nhím cưỡi luôn lên mình gà, gà bay, heo lừa trong nhà cũng đi theo Hans vào rừng.
Vào rừng, Hans cưỡi gà bay lên cây cao, nó ngồi trên ấy để bao quát, canh đàn gia súc cho dễ. Nhiều năm trôi qua, giờ đây đàn gia súc sinh sôi nảy nở thành một đàn gia súc lớn, đông đúc. Bố Hans cũng không hề biết về chuyện này.
Ngồi trên cây canh đàn gia súc, Hans thường hay lấy kèn ra thổi, tiếng kèn vang lên làm cho khu rừng trở nên vui vẻ.
Có lần do lạc lối nên nhà vua lọt vào khu rừng rậm, vua rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe tiếng kèn ở giữa rừng, vua truyền cho thị vệ đi dò la xem tiếng kèn vang từ đâu tới. Chạy quanh một lúc tên thị vệ chỉ thấy có con gà sắt mà ta thường thấy ở trên các mái nhà đang đậu ở trên cây cao, nhưng trên lưng gà lại là một con nhím đang thổi kèn. Thị vệ tâu vua, vua sai hắn tới hỏi tại sao nhím lại ngồi tít trên cây cao và nhím có biết đường về hoàng cung không. Hans tụt cây xuống đất, nhận chỉ đường cho nhà vua với điều kiện vua ký giao kèo và hứa cho nó bất kỳ cái gì mà nhà vua gặp trước tiên khi về tới hoàng cung. Vua nghĩ bụng:
– Cái đó dễ thôi. Hans người nhím có biết đọc đâu, ta viết gì mà chẳng được.
Vua lấy bút lông ngỗng chấm mực và viết giao kèo. Xong giao kèo, Hans nhím chỉ đường. Nhà vua về tới hoàng cung yên ổn. Từ xa công chúa đã nhìn thấy vua cha, mừng quá nàng chạy ra đón, nhảy lên quàng cổ ôm hôn vua cha.
Vua chợt nhớ tới Hans nhím, vua kể cho con nghe rằng chính mình đã viết giấy giao kèo với một vật kỳ lạ, cam kết cho nó cái gì mà vua gặp trước tiên khi về tới hoàng cung. Con vật ấy cưỡi gà như ta cưỡi ngựa, nó thổi kèn rất hay. Vì Hans nhím không biết đọc nên vua đã viết không cho nó cái gì cả. Công chúa mừng lắm. Nàng bảo thế là tốt, nếu không thì dù thế nào đi nữa nàng cũng không chịu đi.
Hans nhím vẫn ở trong rừng chăn heo. Heo mẹ đẻ heo con, giờ đây đàn heo đông đến mức chen chúc nhau kín cả một khoảng rừng. Lúc này Hans người nhím không muốn ở trong rừng nữa, nó nhắn bố cùng dân làng hãy dọn sẵn chuồng để nhốt heo, vì đàn heo nó rất đông, đông đến mức ai muốn ăn thịt bao nhiêu cũng được. Nghe nhắn Hans nhím về, ông bố bán tín bán nghi, vì từ lâu ông tưởng nó đã chết.
Cưỡi gà, Hans nhím xua đàn heo về nhà. Hans nhím cho gọi người giết heo. Ở xa mấy dặm đường vẫn còn nghe tiếng băm, tiếng chặt.
Sau đó, Hans nhím nói với bố:
– Bố ơi, bố thuê thợ rèn đánh lại cho con con gà đi. Con sắp đi xa và không bao giờ về nữa.
Bố mang gà từ lò rèn về, Hans nhím cưỡi gà đi đến nước vua thứ nhất. Vua nước này ra lệnh cho lính, hễ thấy ai đeo kèn, cưỡi gà đến thì cứ nhắm hắn mà bắn, đâm chém, đuổi không cho vào hoàng cung.
Hans nhím tới, lính quay giáo tính đâm, nhưng Hans nhím thúc cựa gà, gà bay qua cổng, bay luôn tới trước buồng vua và đậu ngay ở cửa sổ. Hans đòi vua giữ đúng y như cam kết, nếu không cả vua và công chúa đều mất mạng. Vua dỗ ngon dỗ ngọt, nói công chúa nên ra để bảo toàn tính mạng cho cả hai cha con. Vua ban cho công chúa một cỗ xe sáu ngựa, một gia nhân đi theo cùng với rất nhiều tiền của. Nàng mặc đồ trắng, bước lên xe ngồi. Hans nhím cầm kèn và dắt gà tới ngồi bên cạnh. Họ chào từ biệt vua và cho xe chạy. Vua nghĩ, chắc mình sẽ không bao giờ gặp lại con gái nữa.
Nhưng sự việc lại xảy ra khác. Khi ra khỏi hoàng cung một thôi đường, lúc ấy Hans nhím xù dựng đứng lông nhọn và cứ thế đâm vào người nàng cho tới khi máu chảy ra mới thôi. Nó còn mắng:
– Đấy là phần thưởng dành cho quân gian dối. Cút đi, ta không muốn nhìn quân gian dối.
Bị đuổi trở về nên công chúa suốt đời bị mọi người mỉa mai.
Giờ Hans nhím lại cưỡi gà đi tiếp. Nó đi tới nước của vua thứ hai. Vua nước này đã dặn lính, hễ thấy ai là Hans nhím thì phải tới bồng súng chào, mở cửa đi và tung hô vạn tuế, dẫn thẳng vào cung vua. Vua nước thứ hai cũng giống như Vua nước thứ nhất đã nhờ Hans nhím chỉ đường ở trong rừng và cùng một điều kiện như thế.
Nhìn thấy Hans nhím có hình dáng dị kỳ nên công chúa chột dạ, nhưng nàng tự nhủ, chẳng thể làm khác được, mình đã hứa với vua cha rồi.
Hans nhím được công chúa nồng nhiệt đón chào. Sau đó hai người làm lễ cưới. Lúc vào tiệc công chúa tới ngồi cạnh Hans cùng ăn uống.
Công chúa tỏ vẻ sợ lông nhím đâm vào người. Hans nhím nói công chúa cứ yên tâm. Tối đến, chàng tâu vua cho bốn người lính, họ phải đứng canh ở cửa buồng và đốt một đống lửa ngay cạnh đó. Khi nào thấy Hans nhím lột vỏ chui ra để tấm da nhím lại thì quân lính phải chạy ngay vào buồng lấy tấm da quăng vào lửa, phải đứng đợi cho đến khi tấm da cháy trụi thành tro mới thôi.
Chuông điểm mười một giờ đêm, Hans vào buồng, lột để tấm da nhím ở ngay trước giường ngủ. Ngay tức khắc lính canh chạy vào, nhặt tấm da quăng vào lửa. Khi tấm da cháy hết cũng là lúc Hans hiện lại nguyên hình người, nhưng da chàng còn đen như than, như bị thui. Theo lệnh vua, ngự y tới xem và xoa thuốc khắp người chàng. Thuốc xoa xong, người chàng trắng lại, giờ đây chàng thành một chàng trai rất đẹp. Thấy vậy, công chúa rất mừng. Sáng hôm sau, hai người vui vẻ tiếp tục ra dự tiệc cưới với mọi người. Hans được thừa kế ngôi báu do nhà vua đã già truyền lại cho.
Đã nhiều năm trôi qua, một hôm Hans cùng công chúa về thăm bố đẻ. Ông cụ không dám nhận con và nói, xưa có sinh được một đứa con nửa người nửa nhím, nó đã bỏ nhà đi lâu lắm rồi.
Chàng kể lại đầu đuôi sự tình, lúc bấy giờ ông bố mừng lắm, bằng lòng theo về vương quốc của chàng.
Khi chúng tôi đi qua nhà Gustchen thì câu chuyện cũng vừa kể xong.

109. Chiếc áo của người quá cố

Ngày xưa có một bà mẹ có một đứa con trai bảy tuổi, đứa bé kháu khỉnh nom thật dễ thương, ai nhìn thấy cũng muốn bồng cháu lên cưng. Bà quý con hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Nhưng một ngày kia bỗng dưng đứa bé lăn ra bệnh, nó được chúa gọi về trời. Bà mẹ hết sức khổ tâm, bà khóc suốt ngày đêm.
Chôn cất đứa bé được mấy hôm thì cứ đêm đến đứa bé lại xuất hiện ở chỗ mà nó thường ngày hay ngồi chơi. Rồi mẹ khóc, con cũng khóc. Nhưng tới khi trời hửng sáng thì đứa bé biến mất.
Bà mẹ cứ khóc hoài, hết ngày này đến ngày khác. Có một đêm đứa bé hiện về, mặc chiếc áo trắng mà bà liệm cho nó, đầu đội một vòng hoa. Đứa bé tới bên giường mẹ, ngồi dưới chân bà và nói:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, con không thể nào chợp mắt ngủ được, vì tất cả nước mắt của mẹ đều rơi xuống chiếc áo trắng của con, nên chiếc áo lúc nào cũng ướt.
Nghe vậy bà mẹ giật mình hoảng sợ, bà không khóc nữa.
Một đêm khác đứa bé lại về, tay cầm một ngọn nến, nó nói:
– Mẹ nhìn coi, giờ chiếc áo của con khô rồi, giờ con có thể yên giấc ngàn thu.
Từ đó trở đi bà mẹ thầm lặng chịu đựng nỗi khổ tâm của mình. Còn đứa bé không thấy về nữa. Nó đã yên nghỉ nơi chín suối.

110. Ba điều ước

Ngày xửa ngày xưa, có một người nhà giàu. Ông ta có một người đầy tớ chăm chỉ, tận tâm với chủ. Ngày nào cũng vậy, anh là người đầu tiên ra khỏi nhà lúc trời sáng và tới đêm khuya là người cuối cùng đi ngủ. Có việc gì nặng nhọc không ai chịu làm, anh sẵn sàng nhận mà không bao giờ ca thán. Anh luôn luôn tỏ thái độ hài lòng và vui vẻ với mọi người.
Một năm đã trôi qua, nhưng chủ vẫn chưa trả cho anh công của năm đó. Chủ nghĩ:
– Tên này là đứa biết điều nhất, ta có thể lỡ đi được, nó cũng chẳng đi ở nơi khác, nó vẫn ở lại làm cho mình.
Người đày tớ kia vẫn lặng thinh, làm việc suốt năm thứ hai cũng chăm chỉ, tận tâm như năm thứ nhất. Cuối năm thứ hai, anh cũng chẳng nhận được tiền công. Anh cũng chẳng đả động gì tới chuyện đó và vẫn ở lại làm cho chủ.
Tới khi hết năm thứ ba, chủ cho tay vào túi làm như lấy tiền trả công, khi rút tay ra tay không, lúc ấy anh đầy tớ mới nói:
– Thưa ông chủ, tôi làm cật lực cho ông đã ba năm nay. Xin ông thương tình trả tiền công xứng đáng với sự tận tụy của tôi. Tôi muốn đi khắp đó đây để cho biết thiên hạ.
Ông chủ keo kiệt nói:
– Anh đã gắng sức làm cho ta, vậy cũng phải nhận tiền thưởng xứng đáng chứ.
Chủ cho tay vào túi và lấy ra đếm từng đồng Heller một và nói:
– Ta trả cho anh mỗi năm một Heller. Ba năm ba đồng là lớn lắm đấy, chẳng có chủ nào trả nhiều và hậu như thế.
Người đầy tớ chẳng mấy khi tiêu tiền, nhận tiền từ tay chủ và nghĩ:
– Giờ thì mình cũng đầy túi tiền, chẳng còn gì phải lo nghĩ, mà cũng chẳng phải kêu ca làm nặng nhọc.
Anh lội suối trèo đèo, vừa đi vừa nhảy, ca hát. Khi anh đi qua một bụi cây, bỗng có người tí hon xuất hiện và gọi anh:
– Đi đâu vậy, anh bạn vui tính? Tôi thấy, hình như anh chẳng có gì để lo lắng cả.
Anh chàng người ở đáp:
– Sao tôi lại phải buồn nhỉ! Đầy túi, kêu rủng riểng toàn tiền là tiền. Tiền công ba năm đi làm đấy.
– Kho báu của anh là bao nhiêu? Người tí hon hỏi.
– Bao nhiêu à? Ba đồng Heller, tôi đếm đúng như vậy.
Người tí hon nói:
– Này anh bạn, tôi già nua khốn khổ, anh cho tôi ba đồng Heller đi.
Tôi chẳng làm được gì để sống, anh còn trẻ khỏe nên làm gì cũng sống được. Anh chàng người ở vốn tốt bụng, hay thương người nên sẵn lòng đưa cho người tí hon ba đồng Heller và nói:
– Nhờ trời, tôi cũng chẳng đến nỗi túng thiếu.
Người tí hon liền nói:
– Anh tốt bụng thương người. Anh cho tôi ba đồng Heller, tôi tặng anh ba điều ước, ước gì được nấy.
Anh người ở vui mừng reo:
– A ha, anh đúng là người với tay tới tận trời xanh. Nếu ước được, tôi ước có ống xì đồng thổi chim, thổi đâu trúng đó. Thứ đến tôi ước có cây vĩ cầm, mỗi khi tôi chơi đàn thì tất cả mọi thứ đều nhảy múa. Điều thứ ba là không ai từ chối tôi, mỗi khi tôi yêu cầu họ.
Người tí hon nói:
– Những điều đó anh sẽ có!
Nói xong, người tí hon sờ tay vào bụi cây. Người ta có cảm tưởng những thứ chàng trai người ở ước muốn đã được sắp đặt từ trước, giờ chúng ở ngay trước mắt chàng, người tí hon cầm đưa chàng và nói:
– Mỗi khi anh có điều gì yêu cầu thì chẳng có ai chối từ cả.
Anh chàng người ở tự nhủ:
– Tuyệt vời, còn mong muốn gì nữa!
Anh lại tiếp tục lên đường. Lát sau anh gặp một người Do Thái có bộ râu dê rất dài. Người này đang đứng lắng nghe tiếng chim hót, con chim đang đậu trên ngọn cây. Người này nói:
– Tạo hóa sinh ra sao mà tuyệt vời, con chim nhỏ xíu mà có giọng hót lanh lảnh vang xa! Không biết có ai có thể giúp mình bắn nó không nhỉ?
Anh chàng người ở nói:
– Nếu chẳng có chuyện gì thì chim rơi ngay bây giờ cho coi.
Chàng dương ống xì đồng thổi trúng, chim rơi xuống bụi cây gai. Chàng bảo người Do Thái:
– Này anh kia, chui vào bụi lấy chim đi.
Người Do Thái nói:
– Để tôi lách vào xem chim bị anh bắn trúng vào đâu.
Người Do Thái kia trườn mình vào giữa bụi cây. Đúng lúc đó, anh chàng người ở hứng chí lấy đàn vĩ cầm ra chơi. Lập tức người Do Thái kia bật đứng dậy và nhảy. Đàn đánh càng du dương, người Do Thái kia nhảy càng sôi động hơn. Gai kéo níu rách hết áo quần, gai làm chòm râu dê tơi tả, gai đâm tê tái khắp người. Lúc bấy giờ, người Do Thái kia kêu la:
– Đánh đàn gì mà kỳ vậy. Xin đừng chơi đàn nữa, tôi có thích nhảy đâu.
Chàng trai người ở cứ chơi đàn tiếp tục, trong bụng nghĩ:
– Ngươi lừa đảo nhiều người rồi. Gai đâm để cho ngươi nhớ đời.
Rồi chàng chơi càng hăng say hơn trước. Người Do Thái kia nhảy càng cao và hăng hơn trước đến nỗi quần áo rách nát từng mảnh và dính treo lơ lửng trong bụi gai. Người đó la:
– Ối trời ơi, đau quá. Xin tha cho tôi, tôi xin nộp túi vàng này.
Chàng trai người ở nói:
– Nếu ngươi hào phóng như vậy thì ta ngưng chơi nhạc. Ta cũng khen ngươi nhảy khá đấy.
Rồi chàng cầm túi vàng và tiếp tục lên đường.
Đợi đến khi chàng trai đi đã xa khuất khỏi tầm mắt nhìn, lúc bấy giờ người Do Thái kia mới la tướng lên:
– Quân nhạc sĩ lang thang khốn kiếp, đồ gảy đàn ăn xin, cứ đợi đấy, ta sẽ tóm được ngươi. Ta sẽ dần cho ngươi biết tay ta, ta đánh ngươi nhừ tử.
Đồ khốn nạn, ngươi sẽ biết thế nào là xu và tiền vàng.
Người Do Thái kia chửi một thôi một hồi. Khi đã lấy lại sức, người Do Thái kia tới thành phố gặp quan tòa. Hắn nói:
– Thưa quan tòa, ngay giữa đường cái quan, ngay giữa ban ngày mà có tên khốn kiếp nó dám cướp của, đánh người. Đá cũng phải thấy xót xa! Nó đánh tôi tơi tả quần áo, khắp người toàn những vết thương, rồi lấy đi túi tiền toàn những đồng Dukaten sáng loáng, đồng nào cũng đẹp ơi là đẹp. Lạy trời, hãy tóm cổ nó cho vào ngục tối!
Quan tòa hỏi:
– Có phải lính không? Nó đã dùng kiếm đâm anh phải không?
Người Do Thái đáp:
– Có trời chứng giám. Hắn chẳng có dao, kiếm gì cả. Hắn đeo một ống xì đồng và một cây đàn vĩ cầm. Tên tội phạm ấy rất dễ nhận mặt.
Quan tòa cho lính đi lùng bắt. Họ tìm ra ngay anh chàng người ở tốt bụng kia. Họ cũng thấy anh ta dắt trong người túi tiền.
Anh chàng người ở bị đưa ra tòa xét xử. Anh thưa:
– Tôi không hề chạm vào thân thể người Do Thái kia. Tôi cũng chẳng cướp túi tiền của hắn. Hắn nói, nếu tôi ngưng kéo vĩ cầm, hắn sẽ cho tôi túi tiền.
Người Do Thái la lớn:
– Có trời chứng giám! Giờ nó lại dối trá như lũ ruồi bẩn thỉu.
Quan tòa không tin lời anh chàng người ở và nói:
– Giữa đường cái quan mà dám ăn cướp. Đem treo cổ! Điều đó không thể tha thứ được!
Khi chàng người ở bị dẫn ra pháp trường, người Do Thái kia còn nói lớn:
– Quân hỗn như gấu! Đồ nhạc sĩ lang thang chó chết, giờ thì mày được thưởng xứng công nhe!
Chàng người ở lặng lẽ theo bước người đao phủ, khi bước lên bục cuối cùng, chàng quay người lại nói với quan tòa:
– Xin cho tôi được nói yêu cầu trước khi chết.
Quan tòa nói:
– Chỉ có xin tha chết là không được!
Chàng người ở nói:
– Tôi không xin tha chết. Tôi xin được chơi đàn vĩ cầm lần cuối.
Người Do Thái kia bỗng thét lên:
– Cầu trời, đừng cho phép nó chơi đàn, đừng cho phép nó chơi đàn!
Quan tòa phán:
– Tại sao lại không cho nó được hưởng giây lát sung sướng. Điều đó ta cho phép!
Nhưng làm sao chối từ được, đấy là một trong ba điều ước mà chàng người ở có.
Người Do Thái kia lại la lớn:
– Hãy trói tôi lại, hãy trói chặt tôi lại!
Chàng người ở tốt bụng lấy đàn vĩ cầm ra chơi. Tiếng đàn du dương vừa mới vang lên thì mọi người đều rục rịch, rồi quan tòa, thơ ký cùng các nhân viên tòa án đều đung đưa chân bắt đầu nhảy, tên đao phủ buông thòng lọng khỏi chàng người ở. Tiếng đàn càng rộn vang mọi người càng nhảy hăng say hơn trước. Quan tòa và người Do Thái kia đứng đầu hàng và nhảy hăng say nhất. Rồi tất cả những người tò mò tới xem hành hình cũng nhộn nhịp nhảy múa, già trẻ, béo gầy đều nhảy, rồi chó đứng quanh cũng chân thấp chân cao như muốn cùng nhảy với mọi người. Chàng chơi càng lâu mọi người càng nhảy tứ tung đến mức họ cụng đầu vào nhau tới mức đau điếng phải ca thán. Cuối cùng quan tòa thấy mình gần hụt hơi vì nhảy, ông nói:
– Ta tha chết cho ngươi. Hãy ngưng chơi đàn!
Chàng người ở tốt bụng ngưng chơi đàn, đeo đàn vào người và bước khỏi bục treo cổ. Chàng bước tới chỗ tên Do Thái và hỏi:
– Quân lừa đảo! Nói ngay, ngươi lấy ở đâu ra tiền! Bằng không ta lại lấy đàn ra chơi.
Tên Do Thái đang nằm lăn dưới đất, ráng lấy sức hít thở, nghe nói vậy, hắn khai:
– Tiền ấy là tiền tôi ăn cắp.
Quan tòa liền cho dẫn tên Do Thái lên bục và hạ lệnh treo cổ tên ăn cắp.

111. Người thợ săn tài giỏi

Xưa có một chàng trai đã học xong nghề thợ khóa. Một hôm anh thưa cha, anh muốn đi đây đi đó hành nghề. Người cha bảo:
– Được con ạ, con nên đi.
Rồi ông cho con ít tiền để ăn dọc đường. Anh con trai đi các vùng làm nghề thợ khóa sinh sống, nhưng chỉ ít lâu sau anh thấy chán nghề thợ khóa và giờ chỉ thích nghề thợ săn. Đúng lúc đó thì anh gặp một người mặc quần áo thợ săn màu lục, hỏi anh từ đâu đến và định đi đâu. Anh đáp anh là thợ khóa, nhưng giờ không thích nghề ấy nữa, muốn học săn bắn, không biết bác có sẵn lòng cho anh theo học nghề săn bắn không. Bác thợ săn đáp:
– Ồ, được lắm chứ, nếu chú thích thì đi với tôi.
Anh đi theo, chịu khó theo học nghề săn bắn ở bác thợ cả kia mấy năm liền. Thành nghề anh xin được phép đi đó đây hành nghề. Tưởng thưởng công anh, bác thợ săn tặng anh một khẩu súng hơi đặc biệt, giương súng lên bắn gì trúng nấy.
Anh lên đường, tới một cánh rừng rất lớn, đi cả ngày mãi vẫn chưa ra tới đầu rừng đằng kia. Bóng đêm đã trùm xuống cánh rừng và anh vẫn chưa ra khỏi rừng, để tránh thú dữ anh trèo lên cây cao. Khoảng nửa đêm, anh thấy ở xa có ánh lửa le lói, anh nhìn kỹ qua đám cành lá. Để nhớ chỗ ấy, anh lấy mũ ném về phía ánh lửa định hướng đi. Rồi anh tụt xuống, nhặt mũ đội lên đầu và cứ hướng ấy mà đi.
Càng đi tiếp, thấy ánh lửa càng lớn hơn. Đến gần anh thấy một đống lửa rất to, ba gã khổng lồ ngồi quanh đống lửa đang quay một cái xiên nướng một con bò. Bỗng một gã nói:
– Tớ phải nếm xem đã chín chưa?
Gã xé một miếng, đang đưa vào miệng thì bị anh thợ săn bắn một phát, thịt văng đi mất. Gã nói:
– Chà, chà, gió mà cũng thổi bay miếng thịt.
Gã xé miếng khác, gã ghé răng vừa định cắn lại bị anh thợ săn bắn phát thứ hai, thịt văng đi. Nổi cáu, gã bạt tai gã ngồi cạnh và nói:
– Tại sao cậu lại giằng mất của tớ?
Gã kia cãi:
– Tớ có giằng của cậu đâu, chắc có tay thiện xạ nào bắn văng đi đấy.
Gã khổng lồ xé miếng thịt thứ ba, nhưng cầm chưa chắc tay đã bị bắn văng đi mất. Lúc ấy mấy gã bảo nhau:
– Người bắn này nhất định phải là tay thiện xạ. Kể có một người như thế cũng tốt cho chúng ta.
Rồi cả ba gọi thật to:
– Nhà thiện xạ ơi, tới đây, ngồi với chúng tôi bên lửa sưởi ấm và ăn cho no vào. Chúng tôi không làm gì anh đâu. Nhưng nếu không chịu ra, để chúng tớ phải ra tay thì cậu xong đời đấy.
Chàng bước tới phía họ và nói mình là thợ săn tài giỏi, bắn gì trúng nấy. Chúng bảo nếu anh đi cùng với chúng, anh sẽ có tất cả. Chúng kể cho anh biết, trước cửa rừng là một con sông lớn, ở bên kia sông là một lâu đài, một công chúa xinh đẹp sống trong lâu đài ấy, chúng muốn cướp nàng đi.
Anh thợ săn nói:
– Chà, việc ấy tôi làm được.
Chúng lại bảo:
– Nhưng còn điều này, có con chó nhỏ rất thính, cứ thấy có người đến gần là nó sủa làm mọi người trong lâu đài biết có người lạ, làm chúng tớ không sao vào được. Cậu có thể rình bắn chết con chó ấy được không?
Anh thợ săn đáp:
– Được chứ, với tôi nó là thú vui.
Sau đó anh xuống thuyền qua sông. Thuyền sắp cập bến, con chó chạy ra định sủa, nhưng chàng thợ săn đã cho nó một phát đạn chết ngay tại chỗ. Thấy thế bọn khổng lồ mừng lắm, chắc sẽ cướp được công chúa. Chàng thợ săn muốn xem tình hình ở trong lâu đài nên bảo chúng đợi ở ngoài, chờ anh gọi.
Anh vào trong lâu đài, cảnh vật im lặng như tờ. Anh mở cửa phòng đầu tiên, thấy trên tường treo thanh kiếm bạc, có đính ngôi sao bằng vàng và khắc tên vua. Trên bàn gần đó có lá thư niêm phong gắn xi. Anh mở thư đọc, trong thư viết:
– Ai lấy được kiếm, người đó có thể hạ sát mọi đối thủ.
Anh lấy kiếm treo ở tường và đeo vào người, rồi lại đi. Bước vào phòng khác, anh thấy công chúa đang ngủ, nàng đẹp quá làm anh đứng lặng người ngắm và nghĩ bụng:
– Một người con gái trong trắng như thế này nỡ lòng nào để rơi vào tay mấy đứa khổng lồ hung bạo, nham hiểm kia?
Anh nhìn quanh, thấy dưới gầm giường có đôi hài. Ở hài bên phải có đính một ngôi sao và tên công chúa. Cổ nàng quấn khăn lụa thêu kim tuyến, tên vua với một ngôi sao thêu ở vạt bên phải, ở vạt bên trái thêu tên công chúa với một ngôi sao, chữ thêu bằng chỉ vàng. Anh lấy kéo cắt vạt khăn bên phải, lấy chiếc hài bên phải có thêu tên vua, cả hai anh bỏ vào túi quần. Trong lúc ấy, công chúa vẫn ngủ say, áo nàng rộng thùng thình, chàng cắt một miếng ở áo và đút vào túi quần bên kia. Chàng làm rất nhẹ nhàng, không động đến người nàng.
Rồi anh bước ra khỏi phòng, để yên cho nàng ngủ. Khi anh ra tới cổng bọn khổng lồ đợi ở ngoài tưởng anh đem công chúa ra. Anh gọi, bảo chúng vào và nói, người thiếu nữ đó ở trong tay anh rồi, anh không mở được cổng lâu đài, nhưng chúng có thể chui theo lỗ hổng để vào. Khi gã thứ nhất thò đầu vào, anh liền túm tóc kéo và cầm kiếm chém đứa đầu, rồi lôi cả người nó vào trong. Xong anh gọi đứa thứ hai chặt đầu nó, rồi tiếp đến là chặt đầu đứa thứ ba. Anh rất mừng vì đã cứu được công chúa khỏi tay kẻ thù. Anh xẻo lưỡi cả ba và bỏ túi. Anh nghĩ bụng.
– Giờ ta về nhà kể cho cha biết việc mình đã làm, rồi đi chu du thiên hạ, biết đâu trời lại cho gặp may.
Vua ở trong lâu đài, khi thức dậy nhìn ra ngoài thấy ba đứa khổng lồ nằm chết, vội chạy sang phòng công chúa, hỏi ai đã giết ba đứa khổng lồ. Công chúa thưa:
– Tâu vua cha, con ngủ say nên không biết.
Công chúa dậy, định mang hài thì không thấy chiếc bên phải. Nhìn khăn nàng thấy mất vạt bên phải, nhìn áo cũng thấy mất một mảnh. Vua cho triệu cả triều thần cùng binh tướng, hỏi ai đã giết lũ khổng lồ, cứu công chúa. Một đại úy chột mắt, xấu trai đứng nhận mình đã làm việc đó.
Vua phán gả công chúa để tưởng thưởng công cho đại úy. Công chúa thưa:
– Tâu vua cha, thà con bỏ hoàng cung đi chu du thiên hạ cho tới khi nào chồn chân mỏi gối còn hơn là lấy con người kia.
Vua truyền, nếu nàng không vâng lời, thì nàng phải cởi trả hoàng y mặc quần áo dân thường và ra khỏi hoàng cung. Nàng phải đến một hàng nồi kia để ngồi bán nồi đất.
Công chúa trả hoàng y, đến nhà hàng nồi, hỏi lấy trước một số nồi, hẹn chiều bán xong mang tiền lại trả. Vua còn hạn, nàng phải dọn hàng ở ngay góc đường. Xong vua ra lệnh thuê mấy chiếc xe ngựa, sai đánh xe chạy qua giữa đám nồi đất cho vỡ tan tành từng mảnh. Nàng vừa dọn hàng xong thì đoàn xe kéo đến, cán vỡ nồi ra từng mảnh. Nàng ngồi khóc lóc:
– Trời ơi là trời, lấy tiền đâu ra mà trả nhà hàng bây giờ.
Vua muốn dùng cách ấy để ép buộc nàng phải lấy viên đại úy. Nàng lại đến hàng nồi, hỏi mượn thêm chuyến hàng nữa. Nhà hàng không chịu đòi trả đủ số tiền lần trước đã. Nàng về kêu khóc với vua cha, nói nàng muốn đi thật xa. Vua phán:
– Ta sẽ cho dựng một cái lán nhỏ trong rừng, con vào sống ở đó, nấu ăn cho bất kỳ ai mà không được lấy tiền.
Lán dựng xong, ngoài cửa treo tấm biển: “Hôm nay đãi không, ngày mai sẽ lấy tiền.” Công chúa sống ở đó một thời gian, tin truyền đi mọi nơi rằng ở chỗ đó có quán ăn biển đề ăn không mất tiền, mà người nấu là một cô gái.
Tin đồn đến tai anh thợ săn. Anh nghĩ bụng.
– Đây là dịp tốt cho mình. Đang lúc nghèo túng, không xu dính túi.
Anh khoác súng lên vai và mang theo túi đựng những vật làm chứng lấy ở trong lâu đào. Anh đi vào rừng và thấy quán ăn có treo biển “Hôm nay đãi không, ngày mai lấy tiền.” Anh vẫn đeo thanh kiếm đã chém ba gã khổng lồ ở bên người, và bước vào quán, xin cho một bữa ăn. Được thấy người đẹp như trong tranh, chàng hết sức vui mừng.
Nàng hỏi anh từ đâu tới và định đi đâu. Anh đáp:
– Tôi đi chu du thiên hạ.
Thấy tên vua khắc ở kiếm, nàng hỏi anh lấy nó ở đâu. Anh hỏi, có phải nàng là công chúa không. Nàng đáp:
– Đúng vậy. Anh đã chém ba đứa khổng lồ bằng thanh kiếm này.
Anh lấy ở trong túi ra xâu lưỡi để chứng minh, và lấy hài, vạt khăn và mảnh áo đưa cho nàng xem. Nhận ra người đã cứu mình, công chúa hết sức vui mừng. Ngay sau đó cả hai cùng về gặp vua. Công chúa dẫn vua về phòng riêng của mình ngày trước và nói rõ sự việc, chính anh thợ săn mới là người giết lũ khổng lồ, cứu công chúa. Nhìn những đồ vật của công chúa và ba cái lưỡi, nhà vua không còn nghi ngờ gì nữa và phán:
– Ta rất mừng vì mọi việc đã rõ. Ta thuận cho chàng thợ săn làm phò mã.
Công chúa trong lòng rất phấn khởi. Anh thợ săn được thay quần áo giả làm khách từ xa tới. Vua truyền bày tiệc thết khách. Công chúa ngồi giữa, bên trái là viên đại úy, bên phải là anh thợ săn. Viên đại úy cứ đinh ninh đó là khách từ xa tới. Ăn uống xong, vua bảo viên đại úy hãy trả lời câu hỏi sau:
– Có kẻ nhận đã giết ba đứa khổng lồ người ta hỏi, lưỡi của chúng đâu mà chỉ thấy đầu lâu thôi, thế là thế nào?
Viên đại úy tâu:
– Mấy đứa khổng lồ không có lưỡi.
Vua phán:
– Nói sai. Loài vật nào cũng có lưỡi.
Vua hỏi tiếp:
– Kẻ gian trá sẽ bị trừng phạt thế nào?
Viên đại úy tâu:
– Tội đó phải bị phanh thây.
Lúc đó vua phán:
– Thế là tự nó nói án cho nó rồi.
Viên đại úy bị giam ngục và sau đó bị phanh thây thành bốn khúc.
Công chúa lấy anh thợ săn. Phò mã cho đón cha mẹ đến để phụng dưỡng. Cả nhà vui sống bên nhau. Sau khi vua mất, phò mã lên nối ngôi.

112. Néo lúa lấy từ trên trời

Ngày xưa có một người nông dân dắt đôi bò ra đồng để cày ruộng. Vừa mới tới ruộng thì sừng bò cứ mọc dài ra mãi. Sau buổi cày, khi bác nông dân dắt bò về tới nhà, bò không thể nào chui lọt vào chuồng vì sừng quá dài.
Thật là may mắn, đúng lúc đó có một người lái bò đi qua. Bác nông dân gọi bán đôi bò. Người lái bò còn dặn bác nông dân mang lại bán cho một ít hạt giống củ cải đường, mỗi hạt giá một thalơ. Giá thế thì hơi quá.
Bác nông dân vào buồng lấy hạt giống và mang lại ngay cho người lái đò. Dọc đường đến nhà người lái đò thì có một hạt rơi xuống đất. Người lái đò trả đúng giá như đã hứa, nếu như bác nông dân không để rơi một hạt dọc đường thì bác có thêm một hạt thalơ.
Nhận tiền xong, bác nông dân lại theo con đường cũ đi về nhà. Hạt giống kia rơi xuống đất, nảy mầm và giờ đây đã thành một cây cao vút tới tận trời xanh. Bác nông dân nghĩ bụng:
– Dịp may hiếm có, ta cứ lên xem các thiên thần sống ở trên đó như thế nào, giờ thì nhìn tận mắt nhé.
Lên tới nơi, bác nhìn thấy thiên thần đang đập lúa, cảnh tượng thật thơ mộng, nhìn xuống dưới trần gian, bác thấy cái cây mình leo giờ đang đung đưa, thì ra có một người đang chặt cây. Bác thầm nghĩ:
– Nếu mình bị té từ đây xuống thì hết đời.
Trong lúc nguy khốn như vậy, bác chẳng có cách nào khác là bện rơm thành chão, rơm chỗ nào cũng có, chất cao như núi. Bác thả chão xuống, trước khi tuột xuống bác còn nhặt được một cái néo lúa và một cái cuốc.
Bác tuột xuống nhưng lại đúng vào cái hố sâu thẳm trong lúc đất. Nhưng cũng may thay cho bác, trong tay sẵn có cuốc mang từ trên trời, bác cuốc đất thành từng bậc thang, cứ vậy mà bác ra khỏi được hố sâu.
Khi lên tới mặt đất bác còn giơ cho mọi người xem chiếc néo lúa lấy từ trên trời để chứng minh cho lời nói của mình. Vì vậy nên chẳng có ai còn nghi ngờ về chuyện ấy nữa.

113. Ba hạt hồ đào

Ngày xửa ngày xưa có một ông vua. Nhà vua có một người con trai còn nhỏ. Theo sao chiếu mệnh thì hoàng tử sẽ bị một con hươu húc chết khi tròn mười sáu tuổi.
Đến tuổi trưởng thành, có lần hoàng tử cùng đám thợ săn vào rừng. Ở trong rừng, hoàng tử thấy một con hươu to liền giương súng bắn, bắn trượt nên hoàng tử cứ rượt theo con hươu. Khi ra tới cửa rừng, bỗng chẳng thấy hươu nữa, đứng trước hoàng tử là một người đàn ông cao lêu nghêu. Người đó nói:
– Tốt quá, giờ ta đã bắt được mi. Ta đã chạy rượt theo mi hỏng mất sáu đôi giày thủy tinh mà cũng không bắt được mi.
Rồi người đó túm hoàng tử cặp vào nách mang theo đi qua một cái hồ lớn tới trước hoàng cung. Hoàng tử phải ngồi chung bàn và ăn một chút với người kia. Khi hai người vừa mới ăn xong, nhà vua nói:
– Ta có ba người con gái. Ngươi phải ngồi canh công chúa lớn nhất từ 9 giờ tới tới 6 giờ sáng. Ta sẽ thân hành đến xem mỗi khi có tiếng chuông kêu. Khi ta gọi mà ngươi không mở miệng đáp lại thì ngay sáng hôm sau sẽ bị xử trảm. Nhưng nếu ngươi đáp lại thì ta gả công chúa cho ngươi.
Khi hai người đi vào buồng ngủ, công chúa nói với pho tượng thần Christoph:
– 9 giờ tối cho tới 3 giờ sáng, mỗi giờ nhà vua đến đây một lần. Khi nhà vua hỏi thì nhớ trả lời thay cho hoàng tử.
Tượng Christoph bằng đá gật đầu, rồi từ từ trở về vị trí thẳng đứng. Sáng hôm sau vua bảo hoàng tử.
– Ngươi đã làm tốt mọi việc. Nhưng ta chưa gả con gái cho ngươi. Tối nay ngươi ngồi canh công chúa con thứ hai của ta. Sau đó ta sẽ xem có nên gả công chúa lớn cho ngươi hay không. Ta tự thân chinh đến, cứ mỗi giờ một lần. Nếu khi ta gọi mà trả lời ngay thì tốt, nhưng nếu ta gọi mà không có tiếng trả lời thì người sẽ đầu rơi máu chảy.
Khi hai người bước vào phòng thì công chúa dặn tượng Christoph:
– Nếu vua có gọi thì nhớ trả lời nhé!
Tượng Christoph bằng đá gật đầu, rồi từ từ trở về vị trí thẳng đứng. Hoàng tử nằm ngay ngưỡng cửa, gối đầu lên tay và ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, nhà vua bảo hoàng tử:
– Ngươi đã làm tốt mọi việc, nhưng ta chưa gả con gái cho ngươi. Từ sáng cho đến tối, ngươi phải đốn hết cây trong cánh rừng lớn của ta. Đốn xong, lúc đó ta mới xét tới việc gả con gái cho ngươi.
Rồi nhà vua đưa cho hoàng tử một cái rìu bổ củi, một cái nêm, một cái cuốc chim, nhưng cả ba đều bằng thủy tinh. Vào rừng, chàng dùng rìu đốn cây, rìu vỡ làm hai. Chàng đặt nêm vào thân cây và dùng búa chim nện. Cả nêm lẫn búa chim vỡ vụn ra. Chàng rất buồn và nghĩ, chắc chàng chẳng thoát được chết. Chàng ngồi bên gốc cây và khóc. Buổi trưa vua bảo:
– Một đứa hãy mang cơm cho chàng trai đốn cây trong rừng.
Hai cô chị đồng thanh nói:
– Chúng con không muốn mang cơm cho người ấy! Con út phải mang cơm, vì người ấy tối qua ngồi canh nó.
Cô út đành phải mang cơm vào rừng cho người đốn cây. Tới nơi, cô hỏi chàng có khỏe không. Chàng đáp, không được khỏe. Cô khuyên chàng nên ăn cho đỡ đói. Chàng nói, chàng không muốn ăn, vì thế nào chàng cũng phải chết. Công chúa dùng hết mọi lời lẽ khuyên chàng, nên chàng vui lòng ăn. Rồi công chúa bảo chàng để nàng xoa bóp cho đỡ mệt. Nàng xoa bóp được một lát thì chàng thiêm thiếp ngủ. Rồi nàng cởi khăn quàng đầu, buộc nút lại và đập lên đất ba lần và nói:
– Thợ rừng đâu, ra đi!
Nàng vừa nói dứt lời thì rất nhiều người lùn từ trong lòng đất xuất hiện và xúm lại hỏi nàng cần gì. Nàng nói:
– Trong vòng ba giờ phải đốn chặt hết cánh rừng lớn này và xếp cây thành từng đống!
Đám người lùn chạy tứ tung kêu gọi bà con thân thuộc tới giúp. Vừa đúng hết ba giờ thì việc cũng xong. Họ tới báo cho công chúa, việc đạ xong. Nàng vung chiếc khăn quàng trắng nói:
– Thợ rừng, mau trở về nhà!
Chỉ trong nháy mắt, tất cả đã đi khỏi nơi đó. Khi hoàng tử tỉnh giấc, chàng vô cùng mừng rỡ. Nàng nói với chàng.
– Khi nào chuông đánh sáu tiếng, chàng hãy trở về nhà!
Chàng làm theo đúng lời nàng nói. Khi chàng về tới nơi, nhà vua hỏi:
– Thế ngươi đã đốn chặt hết cánh rừng chưa?
Hoàng tử trả lời:
– Kính thưa hoàng thượng, đốn chặt xong rồi ạ.
Khi tất cả đã ngồi vào bàn ăn nhà vua nói:
– Ta vẫn chưa thể gả con gái cho ngươi. Ngươi phải làm một việc nữa.
Chàng hỏi là việc gì. Nhà vua nói:
– Ta có một cái hồ lớn. Ngày mai ngươi phải dọn sạch trông sáng như gương soi. Trong hồ phải có đủ các loại cá.
Sáng sớm hôm sau, nhà vua đưa cho chàng một cái xẻng bằng thủy tinh và nói:
– Đúng sáu giờ mọi việc phải xong.
Chàng ra hồ, vừa mới cắm xẻng xuống bùn thì xẻng gãy. Chàng dùng cuốc cuốc bùn, cuốc cũng gãy. Chàng rất buồn. Đến trưa, công chúa út mang cơm cho chàng, hỏi chàng có mệt không. Chàng nói, mọi việc chẳng đi đến đâu cả. Mất đầu là cái chắc. Công chúa nói chàng nên ăn một chút. Ăn xong chàng sẽ đổi ý cho mà xem. Chàng nói, chàng rất buồn nên không nuốt nổi. Công chúa hết lời khuyên nhủ chàng mới chịu ăn một chút. Công chúa xoa bóp cho chàng, chàng thiu thiu ngủ. Nàng cầm chiếc khăn quàng và thắt một nút, rồi đập khăn xuống đất ba lần và nói:
– Thợ đâu, ra mau!
Rất nhiều người lùn từ trong lòng đất xuất hiện và hỏi nàng cần gì. Nàng bảo họ những việc phải làm. Những người lùn đi gọi bạn bè, bà con tới giúp. Chỉ hai tiếng đồng hồ sau đó là mọi việc xong. Những người lùn chạy tới chỗ công chúa nói:
– Những gì công chúa ra lệnh, chúng tôi đã làm xong.
Công chúa cầm khăn đập xuống đất ba lần và nói:
– Thợ đâu, mau trở về nhà!
Thế là chỉ trong nháy mắt, tất cả đi khỏi nơi đó. Khi hoàng tử thức giấc thì hồ đã dọn xong. Trước khi đi, công chúa dặn chàng khi nào sáu giờ thì mới đi về nhà.
Khi chàng về tới nơi, nhà vua hỏi:
Hoàng tử trả lời:
– Thưa hồ đã dọn xong.
Khi mọi người đang ngồi quanh bàn, nhà vua nói:
– Ngươi đã dọn xong hồ, nhưng ta chưa cho cưới. Ngươi phải làm một việc nữa.
Hoàng tử hỏi:
– Thưa việc gì ạ?
Nhà vua bảo:
– Ta có một quả núi to toàn mọc những gai lớn. Ngươi hãy chặt hết chúng đi, sau đó xây trên núi một lâu đài tráng lệ mà ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Trong lâu đài phải có đầy đủ những vật dụng cần thiết.
Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, nhà vua đưa cho chàng một cái rìu và một cái khoan, cả hai đều bằng thủy tinh, rồi nhà vua phán:
– Đúng sáu giờ mọi việc phải xong!
Chàng vung rìu chặt bụi gai thứ nhất thì rìu vỡ vụn bắn tung tóe, chiếc khoan cũng gãy đôi. Chàng buồn rầu, chỉ biết đợi người yêu tới giúp. Khoảng trưa thì nàng công chúa út mang thức ăn tới. Chàng chạy ra đón và kể cho nàng nghe mọi chuyện và ăn một chút. Công chúa xoa bóp cho chàng, chàng thiu thiu ngủ. Công chúa lấy cái khăn thắt nút đập xuống đất và nói:
– Thợ đâu, ra mau!
Tức thì người lùn trong lòng đất xuất hiện hỏi công chúa cần gì. Nàng bảo:
– Sau ba giờ phải chặt hết các bụi gai và xây xong một lâu đài thật tráng lệ.
Những người lùn chạy đi gọi bạn bè bà con tới giúp. Đúng lúc hết hạn thì mọi việc cũng xong. Những người lùn tới báo cho công chúa, rằng mọi việc đã xong. Công chúa cầm chiếc khăn đập xuống đất và nói:
– Thợ đâu, mau về nhà!
Công chúa vừa dứt lời, tất cả người lùn đi khỏi nơi ấy. Khi hoàng tử thức giấc, nhìn thấy lâu đài tráng lệ, lòng chàng phơi phới mừng cứ như đang bay trong không trung như chim.
Lúc đồng hồ đánh sáu tiếng, cả hai củng nhau đi về nhà. Nhà vua hỏi:
– Lâu đài xây xong chưa?
Hoàng tử đáp:
– Thưa, đã xây xong.
Khi mọi người ngồi bên bàn ăn, nhà vua nói:
– Ta chỉ gả con gái út cho ngươi, khi nào hai chị đã đi lấy chồng.
Nghe vậy, hoàng tử và công chúa út rất buồn. Hoàng tử không biết cách nào khác là ngay đêm đó chàng cùng với công chúa út chạy trốn. Sau khi đã đi được một chặng đường, công chúa út quay lại nhìn thì thấy nhà vua đang đuổi theo. Nàng kêu lên:
– Ôi, chúng ta phải làm gì bây giờ? Em sẽ biến chàng thành bụi gai và biến em thành một đóa hoa hồng ở giữa bụi gai đó.
Khi nhà vua tới nơi thì thấy bụi hồng gai, giữa bụi có một bông hồng, nhà vua định hái bông hồng thì bị gai đâm vào ngón tay nên đành phải quay trở về. Hoàng hậu hỏi tại sao nhà vua không bắt họ mang về. Nhà vua nói rằng mình chỉ nhìn thấy bụi gai và bông hồng. Hoàng hậu nói:
– Bệ hạ chỉ cần hái được bông hồng thì bụi gai cũng sẽ đi theo.
Nhà vua lại lên đường để hái bông hồng. Nhưng cả hai đã đi được khá xa. Nhà vua bám sát đuổi theo họ. Công chúa ngoái đầu nhìn lại thì thấy nhà vua. Công chúa nói:
– Ôi, chúng ta phải làm gì bây giờ? Em biến anh thành một giáo đường và biến em thành một giáo sĩ đang đứng trên bục giảng đạo.
Khi nhà vua tới nơi, chỉ thấy một giáo đường, có một giáo sĩ đang giảng đạo. Nhà vua cũng vào giảng đạo. Nghe xong nhà vua lên đường về hoàng cung, rồi kể mọi chuyện cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu nói:
– Bệ hạ chỉ cần bắt vị giáo sĩ về là tòa giáo đường cũng về theo. Có lẽ không nên yêu cầu bệ hạ đi. Cách tốt nhất là thiếp tự thân chinh đi.
Hoàng hậu đi được một lúc thì đã nhìn thấy hai người ở phía xa. Công chúa ngoái nhìn lại thấy mẹ mình đang đuổi theo, bèn nói:
– Trời ơi, giờ thì chính hoàng hậu đuổi theo. Em sẽ biến chàng thành một cái hồ và còn em thành một con cá.
Khi hoàng hậu tới nơi thì thấy một hồ rộng, giữa hồ có một con cá bơi tung tăng, vui nhộn, đầu nhô lên khỏi mặt nước. Hoàng hậu hết sức bực tức nên uống liền một hơi cạn hồ tính để bắt cá. Nhưng nước hồ trong bụng làm cho hoàng hậu nôn nao choáng váng đến nỗi bà ói ra hết nước. Hoàng hậu nói:
– Xem chừng chẳng làm được gì cả.
Và hoàng hậu đưa cho công chúa ba hạt hồ đào và nói:
– Những hạt hồ đào này có thể giúp con trong những lúc khó khăn.
Hoàng tử và công chúa lại tiếp tục hành trình. Sau mười giờ đi họ tới được làng kia, nơi có lâu đài của hoàng tử. Hoàng tử nói:
– Em yêu dấu, em đợi ở đây nhé. Anh vào trong hoàng cung phái người lấy xe ngựa ra đón em vào.
Khi hoàng tử xuất hiện trong hoàng cung, mọi người hết sức vui mừng. Hoàng tử kể cho mọi người rằng chàng đã có vợ chưa cưới, nàng đang đợi ở ngoài làng. Hãy cho người và xe ra đón nàng vào.
Những người hầu trong hoàng cung liền chuẩn bị xe để ra đón.
Khi hoàng tử sắp bước lên xe thì hoàng hậu hôn trán làm cho hoàng tử quên bẵng đi những việc định làm. Rồi hoàng hậu ra lệnh tháo cương ngựa, ai về chỗ nấy.
Cô gái đợi ở đầu làng và cứ mong ngóng hoàng tử ra đón, đợi mãi cũng chẳng thấy bóng chàng. Cô đành phải ở nhờ trong khu cối xay gió của hoàng cung. Hàng ngày cô phải ngồi bên suối để rửa sạch đồ. Có lần hoàng hậu ra khỏi lâu đài và đi dọc theo bờ suối. Hoàng hậu nhìn thấy cô gái mảnh khảnh ngồi bên suối, bà nói:
– Trông người mảnh khảnh, đáng yêu thật!
Nghe hoàng hậu khen, mọi người đổ dồn nhìn về phía cô gái, nhưng chẳng có ai phát hiện được công chúa.
Công chúa phải phụ giúp bác thợ xay bột một thời gian. Trong lúc đó hoàng hậu tìm vợ cho hoàng tử ở đất nước xa xôi kia. Khi đón được dâu tới thì lễ cưới được tổ chức ngay. Dân chúng kéo nhau tới xem đám cưới. Cô gái phụ giúp bác thợ xay bột cũng xin đi xem, Bác ta nói:
– Thì cứ đi đi!
Trước khi đi, cô gái mổ một hạt hồ đào. Trong đó có một bộ đồ đẹp. Cô mặc bộ đồ đẹp đó đi tới nhà thờ. Cô bước gần tới bàn thờ. Cô dâu và chú rể bước vào và tới trước bàn thờ. Khi mục sư vẩy nước thánh cho họ, cô dâu ngước nhìn ngang thấy cô gái. Cô dâu nói, cô chỉ tới hôn lễ khi nào cô có bộ đồ cưới đẹp như của cô gái kia. Rồi cả hai đi về và dò hỏi xem cô gái kia có bán bộ đồ đẹp ấy không. Cô gái trả lời không, nhưng sẵn sàng tặng bộ đồ đẹp ấy cho cô dâu với điều kiện cô được ngủ trước phòng của hoàng tử. Cô dâu đồng ý với điều kiện đó.
Những người hầu đã cho hoàng tử uống thuốc ngủ và cô gái ngủ ngay trước cửa phòng. Cô vừa kể vừa khóc, nào là cô đã đốn cả cánh rừng cho hoàng tử, nào là đã tát cạn cả cái hồ, đã biến chàng thành bụi gai, rồi thành giáo đường, thế mà giờ đây chàng đã quên những chuyện đó hay sao. Hoàng tử ngủ say nên không hay biết gì, nhưng những người hầu họ thức nên nghe hết những lời than khóc của cô gái, nhưng họ không hiểu được tại sao lại như vậy.
Sáng hôm sau cô dâu mặc bộ đồ đẹp cùng với hoàng tử đi xe tới nhà thờ. Trong lúc đó cô gái mở hạt hồ đào thứ hai, ở trong đó có một bộ đồ còn đẹp hơn bộ đồ hôm trước. Cô mặc bộ đồ đẹp và đi tới nhà thờ. Cô bước tới gần bàn thờ. Và mọi chuyện lại diễn ra như lần trước.
Tối đến, cô gái ngủ ngay trước phòng của hoàng tử. Người hầu lại quên không cho thuốc ngủ vào nước nên hoàng tử lên giường nhưng không ngủ thiếp đi. Chàng nghe được lời than khóc của cô gái. Chàng rất lấy làm buồn và bỗng nhớ lại tất cả mọi chuyện khi xưa. Chàng định ra gặp cô gái, nhưng hoàng hậu đã khóa trái cửa. Sáng hôm sau, chàng tới chỗ cối xay gió gặp cô gái và kể những gì đã xảy ra với chàng và mong nàng đừng vì thế mà mủi lòng. Cô gái mở hạt hồ đào thứ ba, ở trong đó có bộ đồ đẹp tuyệt trần. Cô mặc bộ đồ, rồi cùng với hoàng tử đi xe tới nhà thờ. Trẻ con và dân chúng tụ tập xem đám cưới rất đông, họ tặng hoa cô dâu, chú rể. Lễ cưới được tổ chức hết sức đông vui. Hoàng hậu và cô dâu hờ không dám ló mặt trong lễ cưới.
Bạn thấy không, người ta cũng vừa mới kể xong câu chuyện.

114. Người thợ may khôn ngoan

Xưa có một công chúa rất kiêu kỳ: chàng trai nào đến nàng cũng ra câu đố. Hễ chàng trai không giải được là liền bị nàng giễu cợt đuổi đi. Công chúa cho loan báo, nàng sẽ lấy ai giải được câu đố, ai muốn thử sức xin cứ đến.
Một ngày kia có ba người thợ may xin tới. Hai người nhiều tuổi hơn là thợ may lành nghề, mũi khâu của họ rất đẹp, họ tin rằng với sự khéo tay họ sẽ thành công. Người thứ ba bé nhỏ, thích lăng xăng, tay nghề rất thấp, nhưng anh ta lại hy vọng biết đâu lần này gặp may. Thấy vậy hai người kia khuyên:
– Cậu nên ở nhà, tay nghề còn non thì làm được trò trống gì.
Anh ta không nghe và còn nói mình đã có lần thử sức nên biết cách, anh ta cứ đi cùng, làm như phần thắng đã nắm chắc trong tay.
Ba người đến gặp công chúa, xin ra câu đố. Và nói họ là những người tinh khôn, nhanh trí, không có gì qua được mắt họ. Công chúa liền hỏi:
– Trên đầu ta hiện có hai thứ tóc, vậy hai thứ tóc ấy màu gì?
Người thứ nhất đáp:
– Chẳng phải màu gì khác ngoài màu đen, màu trắng.
Công chúa nói:
– Đoán sai. Người thứ hai nói đi.
Bác thứ hai đáp:
– Nếu không phải đen và trắng, chắc là nâu với đỏ giống màu áo mặc tết của bố tôi.
Công chúa nói:
– Cũng sai, người thứ ba nói đi, coi bộ người này chắc biết.
Chú thợ may bé nhỏ bẽn lẽn bước ra và nói:
– Trên đầu công chúa có một sợi tóc bạc và một sợi tóc vàng, đó là hai màu tóc.
Nghe trả lời vậy, công chúa tái mặt, tí nữa thì té xỉu, vì nàng vẫn đinh ninh không ai trên đời này đoán nổi.
Sau khi bình tĩnh lại, công chúa nói:
– Tuy thế, ngươi vẫn chưa được gọi là thắng cuộc. Còn việc này nữa: Đêm nay người xuống ngủ chung với gấu trong chuồng. Sáng mai, khi ta dậy mà thấy ngươi vẫn còn sống thì ta sẽ lấy ngươi.
Nàng tưởng với cách ấy nàng sẽ thoát, vì từ xưa tới nay chưa có ai ở trong nanh vuốt nó mà lại thoát chết. Chú thợ may bé nhỏ không sợ tí nào cả mà còn lấy làm thú vị và nói:
– Liều, coi như đã thắng một nửa.
Tối đến, chú xuống chuồng gấu, gấu định nhảy tới đón chào chú bằng một cái tát, nhưng chú nói ngay:
– Khoan, khoan nào, tao sẽ bảo cho mày biết thế nào là từ tốn.
Chú móc từ trong túi lấy hạt dẻ ra cắn và thản nhiên ăn làm như không có điều gì phải lo lắng. Nhìn thấy thế, gấu đâm ra cũng thèm. Chú móc túi và đưa cho nó một vốc đầy, nhưng không phải hạt dẻ mà toàn sỏi là sỏi. Gấu nghiến răng cố cắn nhưng không tài nào cắn được. Nó nghĩ, mình thật là đồ vô dụng, chỉ có cắn hạt dẻ mà cũng không xong. Nó gọi chú thợ may:
– Này anh bạn của tôi, cắn hạt dẻ hộ cái nào.
– Nhìn đây, đồ vô dụng – chú thợ may nói – mõm to thế mà không cắn nổi hạt dẻ ư?
Chú tráo ngay mấy viên sỏi gấu đưa, bỏ tọt vào mồm hạt dẻ và cắn vỡ đôi. Gấu nói:
– Ta phải cắn thử lần nữa xem sao, chỉ có thế thì ta cũng làm được.
Chú thợ may đưa cho nó mấy viên sỏi. Gấu lấy hết sức mình nghiến răng cắn. Chắc các bạn cũng biết đấy: cắn sao nổi.
Thế rồi chú thợ may lấy vĩ cầm ra chơi một khúc nhạc. Nghe tiếng nhạc, lòng gấu rộn ràng hẳn lên và nó bắt đầu nhảy. Hứng chí lên nó hỏi chú thợ may:
– Chơi vĩ cầm có khó không?
– Dễ thôi, nhìn đây, tay trái bấm lên dây, tay phải cầm cái này kéo lướt lên xuống là nó ra âm hố la la, vi va lơ ra.
Gấu nói:
– Tôi hiểu rồi. Anh bạn dạy tôi nhé, có được không? Tôi học để lúc nào hứng thì chơi đàn cho mọi người nhảy.
Chú thợ may nói:
– Nếu có năng khiếu thì cũng học nhanh lắm. Này, móng vuốt gì mà dài kinh khủng vậy, đưa ta cắt cho ngắn bớt đi.
Chú cho lấy bàn kẹp tới, gấu đưa chân vào bàn và chú kẹp lại thật chặt và bảo:
– Đợi chút, ta đi lấy kéo.
Đau quá, gấu gầm thét, nhưng chú thợ may cứ mặc kệ, lại ổ rơm nằm ngủ.
Tối đến, nghe tiếng gấu, công chúa cứ tưởng là gấu đã xé xác chú thợ may và giờ nó đang gầm lên vì vui thích.
Sáng hôm sau, khi thức giấc công chúa thấy người khoan khoái và đi ngay xuống chuồng gấu xem, nhưng nàng thấy chú thợ may đang tươi cười làm như cá tung tăng bơi dưới nước. Vì đã trót hứa công khai nên không thể từ chối được nữa. Nhà vua cho xe đến đón công chúa cùng chú thợ may sang nhà thờ để làm phép cưới.
Thấy bạn có diễm phúc hai người thợ may kia nổi cơn ghen tức, lẻn vào chuồng, tháo kẹp cho gấu. Xổ chuồng, gấu chạy như điên theo xe. Nghe tiếng gấu rống và thở phì phào, nhìn lại công chúa thấy gấu đang đuổi theo, nàng sợ hãi kêu lên:
– Trời ơi, gấu đang đuổi theo xe và định bắt anh đấy.
Nhanh trí, chú thợ may lộn chổng ngược hai chân thò ra ngoài cửa xe và quát:
– Gấu, mày có thấy bàn kẹp không? Muốn sống chạy mau không thì tao lại kẹp mày bây giờ.
Nhìn thấy vậy, gấu tưởng là kẹp nên quay đầu chạy mất. Chú thợ may ung dung ngồi trong xe tới nhà thờ. Tại đó hai người được làm phép cưới. Chú thợ may lấy công chúa, họ sống rất hạnh phúc bên nhau. Bạn có thể tin không. Nếu không tin phải nộp phạt một quan tiền.