Hồi ấy chiến tranh liên miên, nhà vua chiêu nạp rất nhiều binh sĩ. Quân lương thì ít mà lính thì nhiều nên binh lính sống rất khổ cực. Có ba người lính kia rủ nhau trốn trại. Một người trong họ nói:
– Nếu chúng ta bị phát hiện và bị bắt, cái chết bên giá treo cổ là chắc chắn. Vậy chúng ta phải tính cho kỹ.
Người khác bàn:
– Trước mặt chúng ta là một cánh đồng lúa mênh mông, nếu chúng ta trốn ở trong đó chắc không ai tìm thấy nổi chúng ta. Quân đội ngày mai hành quân tiếp, lúc đó chẳng ai nghĩ tới chúng ta đâu.
Thế rồi cả ba trốn vào cánh đồng lúa. Nhưng không ngờ đội quân lại chưa lên đường tiếp tục mà nằm lại ở bên cánh đồng lúa. Ba người lính kia đành nằm bẹp nhịn đói ở trong ruộng lúa, bụng đói cồn cào, tưởng chừng chết đói đến nơi. Ở lại cũng chết mà ra khỏi cánh đồng thì cái chết là nắm chắc. Họ nói với nhau:
– Trốn trại cũng chẳng được tích sự gì cả, giờ nằm đây để thần chết đến đón.
Giữa lúc đó có một con rồng màu đỏ vàng như lửa bay qua, nó lượn xuống và hỏi, tại sao ba người lại nằm ở giữa cánh đồng lúa. Họ đáp:
– Cả ba chúng tôi đều là lính, chúng tôi trốn chỉ vì đồng lương quá ít. Giờ đành nằm đây chết đói vậy, vì nếu bò ra thì bị treo cổ là chắc chắn.
Con rồng nói:
– Nếu các anh đồng ý làm việc cho ta trong bảy năm ta sẽ dẫn các anh ra khỏi khu vực này mà chẳng ai hay biết gì cả.
Họ đồng thanh đáp:
– Chúng tôi đồng ý, vì cũng chẳng có con đường nào khác hơn mà chọn.
Rồi con rồng cắp họ bay bổng trong không trung. Tới một khu xa vắng nó mới thả họ xuống đất. Chính con rồng đó là một con quỷ trá hình. Nó đưa cho họ roi ngựa và nói:
– Chỉ cần vung roi đánh vun vút trong không khí, các anh sẽ có rất nhiều tiền như các anh mong muốn, các anh sẽ lên xe xuống ngựa sướng như các lãnh chúa giàu có. Nhưng sau bảy năm, các anh sẽ là người của ta.
Rồi nó đưa ra một quyển sách để họ ký giao kèo. Nó nói tiếp:
– Tới khi đó, nếu các anh giải được câu đố ta đề ra thì các anh coi như được giải thoát khỏi tay ta.
Nói xong con rồng bay đi mất.
Cả ba người tay cầm roi vung vẩy và tiếp tục đi chu du thiên hạ. Họ sống trong cảnh đầy đủ sung túc, mặc quần áo như lãnh chúa giàu có, ăn uống tùy theo ý thích, cuộc đời thật là vui tươi hạnh phúc, họ chẳng bao giờ nghĩ tới việc làm những điều ác.
Bảy năm trôi qua một cách nhanh chóng. Hai người trong số họ ngồi buồn lo cho số phận mình, người thứ ba thì cứ thản nhiên như không có gì đáng phiền muộn cả. Anh ta nói:
– Này các bạn thân mến, đừng có lo nghĩ cho khổ. Tớ sẽ giải được câu đố đó, tớ đâu đến nỗi tồi.
Họ dắt tay nhau đi ra đồng và ngồi ở đó. Hai người kia mặt buồn rườu rượi. Giữa lúc đó bỗng có một bà già đi tới, bà hỏi tại sao lại buồn như vậy:
– Trời, chuyện ấy chẳng dính líu gì đến bà. Chắc bà cũng chẳng giúp gì được trong chuyện này.
Bà già nói:
– Đã chắc à, cứ kể cho ta biết nỗi buồn của các anh đi.
Họ kể cho bà nghe, họ sẽ là đầy tớ cho quỷ nếu họ không giải được câu đố chính nó đề ra, vì nó đã cung phụng họ tiền nong của cải sống sung sướng trong bảy năm. Họ đã ký giao kèo với nó như vậy.
Nghe xong, bà già nói:
– Chắc rồi chuyện đó cũng qua thôi. Một trong ba người các anh hãy đi tới cánh rừng kia, anh ta sẽ thấy một ngọn núi, có một căn nhà nằm chênh vênh bên sườn núi. Bước vào nhà đó thế nào anh ta cũng biết được những điều cần biết để giải câu đố.
Hai người nản chí nghĩ cái đó cũng chẳng giúp ích gì, họ lại ngồi đợi. Người thứ ba quyết tâm hơn. Anh ta đứng dậy và đi, đi mãi vào tận trong rừng sâu, đi cho tới khi tìm thấy ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi mới thôi. Trong nhà có một bà già rất cao tuổi – đó chính là bà nội của con quỷ – bà ta hỏi anh ta từ đâu tới và tới đây để làm gì. Anh ta kể cho bà nghe mọi điều. Thấy anh ta hiền lành nên bà động lòng thương, bà nói sẽ tìm cách cứu giúp. Bà lật một tảng đá cửa hầm lên và bảo:
– Mi hãy ẩn náu trong hầm này, và có thể nghe được tất cả những gì mọi người nói. Nhớ là ngồi im và không được động đậy rục rịch gì. Khi con rồng về ta sẽ hỏi, nó sẽ nói hết không giấu giếm ta điều gì. Hãy lắng nghe để mà nhớ lấy những gì nó nói.
Đúng giữa đêm khuya con rồng bay về và nói muốn ăn. Bà già mang đồ ăn uống ra cho nó để ở trên bàn. Hai người cùng ngồi vào bàn ăn uống. Thấy rồng vui vẻ bà già hỏi nó ngày hôm nay đi có được việc không, bắt được bao nhiêu người. Nó đáp:
– Ngày nay tôi không được may mắn lắm, chỉ tóm được ba tên lính, điều đó thì chắc chắn rồi.
Bà già nói chen vào:
– Ờ, được ba tên lính. Nhưng hình như chúng có vẻ thoát khỏi tay mi thì phải?
Con quỷ cười ngạo nghễ:
– Chúng nằm trong tay tôi rồi. Tôi có ra cho chúng một câu đố mà chúng không bao giờ giải được.
Bà già hỏi:
– Câu đố như thế nào?
– Tôi xin kể bà nghe: Ở biển Ban Tích có một con mèo biển chết, đó chính là món thịt quay của chúng. Và những chiếc xương sườn của cá mập chính là thìa bạc của chúng, còn cốc uống rượu vang của chúng là chiếc chân của một con ngựa già.
Khi con quỷ lên giường đi ngủ, bà già lật tảng đá lên để cho người lính lẻn ra. Bà hỏi:
– Mi đã nhớ hết tất cả những điều đó chưa?
Người lính đáp:
– Có ạ. Tôi nhớ những điều nó vừa nói.
Ngay sau đó anh ta lẻn qua cửa sổ ra ngoài và vội vã quay trở lại chỗ hai người lính kia. Anh ta kể cho hai bạn nghe việc bà nội con quỷ đã đánh lừa nó như thế nào để hỏi cách giải câu đố. Lúc đó cả ba cùng vui vẻ phấn chấn hẳn lên, cầm roi vụt liên hồi, làm cho tiền văng ra tứ tung trên mặt đất.
Rồi thời gian bảy năm cũng đã hết, con quỷ mang quyển vở có bản giao kèo cùng chữ ký của đôi bên tới và nói:
– Ta sẽ dẫn các ngươi xuống địa ngục, các ngươi sẽ được ăn một bữa ăn thịnh soạn, nếu các ngươi giải được câu đố thì các ngươi sẽ thoát và được giữ chiếc roi ngựa. Câu thứ nhất: các ngươi sẽ được ăn món thịt gì?
Người lính thứ nhất đáp:
– Ở biển Ban Tích có một con mèo biển chết, đó chính là món thịt quay dành cho chúng tôi.
Con quỷ bực mình: “Hừm, hừm, hừm.”
Nó hỏi người thứ hai:
– Cái gì là thìa của các ngươi?
– Những chiếc xương sườn cá mập chính là những thìa bạc của chúng tôi.
Con quỷ cau có mặt mày và gằn giọng: “Hừm, hừm, hừm.”
Nó lại hỏi tiếp người thứ ba:
– Các ngươi có biết cốc rượu vang của các ngươi là cái gì không?
– Chân của một con ngựa già chính là cốc uống rượu vang của chúng tôi.
Con quỷ thét lên một tiếng lớn rồi bay mất, nó đã thua. Ba người lính được giữ chiếc roi ngựa, họ chỉ cần vung roi lên là có tiền, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Họ sống sung sướng cho tới hết đời.
Thẻ: Grim
126. Ferdinand trung thực và Ferdinand không trung thực
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, khi họ còn giàu có thì lại chẳng có mụn con nào cả. Đến khi họ tán gia bại sản, nghèo khó thì lại sinh được một mụn con trai, nhưng vì họ nghèo quá nên chẳng ai nhận làm cha đỡ đầu đứa bé. Người chồng bảo vợ, mình sẽ đi nơi khác xem có ai nhận đỡ đầu không. Trên đường đi bác ta gặp một người, người này hỏi bác đi đâu. Bác nói, bác đi tìm xem có ai nhận làm cha đỡ đầu không. Người kia nói:
– Các bác nghèo, tôi cũng nghèo. Tôi xin nhận làm cha đỡ đầu cho cháu, nhưng tôi chẳng có gì cho cháu cả. Bác về nhà đi, bảo bà mụ mang cháu tới nhà thờ.
Khi mọi người có mặt ở nhà thờ, thì người đàn ông kia đã đứng chờ ở đó. Cha đỡ đầu đặt tên cho đứa bé là Ferdinand getreu. Khi mọi người ra khỏi nhà thờ cha đỡ đầu nói:
– Thôi cứ về nhà đi. Tôi chẳng có gì cho cháu. Các bác cũng chẳng cần biếu tôi cái gì.
Cha đỡ đầu đưa cho bà mụ một chiếc chìa khóa và dặn đưa lại chiếc chìa khóa ấy cho cha đứa bé. Khi nào đứa con trai được mười bốn tuổi thì trao cho nó chiếc chìa khóa. Nó cầm chiếc chìa khóa ra thảo nguyên, ở đó có một lâu đài. Nó có thể lấy chìa khóa để mở cửa lâu đài. Lâu đài đó chính là của đứa con trai.
Bảy năm đã trôi qua, một hôm đứa bé ngồi chơi với chúng bạn, nghe chúng bạn kể những đồ được cha đỡ đầu cho, tủi thân đứa bé khóc và đi về nhà. Nó hỏi cha:
– Sao cha đỡ đầu lại chẳng cho con một cái gì cả?
Người cha nói:
– Có đấy chứ, con có chiếc chìa khóa đây, con cầm lấy và đi ra thảo nguyên, ở đó có một lâu đài, con hãy lấy chìa khóa mở lâu đài.
Đứa bé ra thảo nguyên, nhưng chẳng thấy lâu đài nào cả. Lại bảy năm nữa trôi qua, giờ đây đứa bé đã mười bốn tuổi, nó lại đi ra thảo nguyên. Đúng là ở thảo nguyên có một lâu đài. Cậu bé mở cổng, ở trong lâu đài chẳng có gì cả ngoài con bạch mã. Cậu bé mừng rỡ vì giờ đây cậu đã có ngựa. Cậu nhảy lên ngựa và phi về với cha mình. Cậu tự nhủ:
– Giờ thì mình cũng có một con bạch mã, mình có thể cưỡi ngựa đi chu du thiên hạ.
Dọc đường cậu nhìn thấy một cái bút lông, cậu định nhặt, nhưng rồi lại thôi, vì cậu nghĩ thế nào cũng còn nhìn thấy bút lông. Bỗng cậu nghe có tiếng người nói:
– Ferdinand trung thực, hãy nhặt lấy chiếc bút lông!
Cậu nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai. Cậu cúi xuống nhặt chiếc bút lông. Đi được một quãng đường thì cậu tới một bờ sông, cậu nhìn thấy một con cá nằm ở trên bờ đang ngáp, cậu bảo:
– Đợi nhé, cá thân yêu, ta sẽ thả ngươi xuống nước.
Cậu cầm cá thả xuống nước. Cá ngoi đầu lên và nói:
– Anh đã cứu tôi ra khỏi bùn đất, tôi muốn tặng anh một chiếc sáo. Mỗi khi anh gặp khó khăn, anh chỉ cầm sáo thổi là tôi sẽ tới giúp đỡ anh. Nếu có thứ gì rơi xuống nước, anh cũng thổi sáo, tôi sẽ tới lấy lên cho anh.
Cậu cưỡi ngựa đi được một thôi đường thì có người tới hỏi cậu định đi đâu. Cậu nói:
– Chà, tôi muốn tới vùng gần đây.
– Thế anh tên là gì?
– Ferdinand trung thực.
Người kia nói:
– Tên tôi cũng na ná tên anh. Tôi tên là Ferdinand không trung thực.
Rồi hai người lên đường tới đó và ngủ lại ở một quán trọ.
Điều tệ hại là Ferdinand không trung thực đọc được suy nghĩ và cách làm của người khác, vì anh ta biết nhiều loại bùa phép. Ở trong quán trọ có một cô gái mặt mũi sáng sủa và xinh đẹp, cô lại đem lòng thương chàng trai tuấn tú Ferdinand trung thực, cô hỏi chàng đi đâu. Ferdinand trung thực nói là muốn đi chu du thiên hạ.
Cô gái bảo, Ferdinand trung thực nên ở lại. Vua đang cần một người hầu, hoặc một người đưa đường. Chàng trả lời là mình không tiện tới. Cô gái nói:
– Ồ, em sẽ tới xin cho chàng.
Cô gái tới tâu với vua rằng, có một chàng trai xin làm người hầu trong hoàng cung. Nhà vua cho vời Ferdinand trung thực tới làm người hầu. Nhưng chàng trai lại muốn làm một người dẫn đường, để luôn được sống bên con bạch mã của mình. Nhà vua bèn cho cậu làm người dẫn đường.
Khi biết tin đó, Ferdinand không trung thực bèn chạy tới chỗ cô gái và nói:
– Sao cô giúp đỡ anh ta, mà không giúp đỡ tôi?
– Được rồi, tôi cũng sẽ giúp anh!
Cô gái đáp như vậy, nhưng trong lòng lại nghĩ: “Không thể tin tưởng con người này, mình không thể xem như bạn bè được!.” Rồi cô cũng tới gặp đức vua để xin cho anh ta làm người hầu. Nhà vua cũng nhận.
Sáng sáng, khi Ferdinand không trung thực mặc quần áo cho nhà vua, vua thường nói:
– Ôi! Nếu người mà ta yêu dấu ở bên ta thì tốt biết bao!
Ferdinand không trung thực vốn ganh ghét Ferdinand trung thực, nên một lần, khi nhà vua lại than vãn thì hắn nói:
– Bệ hạ có một người dẫn đường. Bệ hạ hãy phái anh ta đi đón người mà bệ hạ yêu dấu tới. Nếu anh ta không làm được thì bệ hạ hãy chặt phăng cái đầu của anh ta cho rơi xuống chân!
Nhà vua cho gọi Ferdinand trung thực tới và phán rằng, hãy đi đón người yêu dấu đang sống ở xứ xa xôi kia về hoàng cung, nếu không làm thì sẽ bị xử trảm!
Ferdinand trung thực tới chuồng ngựa đứng khóc và than thở với con bạch mã của mình:
– Ôi, tôi thật là một người bất hạnh!
Bỗng phía sau chàng có tiếng nói:
– Ferdinand trung thực, chàng khóc gì vậy?
Chàng trai ngoái nhìn quanh, nhưng không thấy ai nên lại than thở:
– Ôi, bạch mã thân yêu của ta! Ta phải xa mi. Và lần này, chắc gì ta thoát được chết!
Lại có tiếng người nói:
– Ferdinand trung thực, chàng khóc gì vậy?
Lúc này chàng trai mới phát hiện là chính con bạch mã hỏi mình.
Bạch mã yêu quý, chính mi hỏi phải không? Mi biết nói phải không?
Rồi chàng nói tiếp: “Ta phải tới nơi xa xôi kia để đón người vợ chưa cưới của vua. Mi có biết, ta nên bắt đầu như thế nào không?.”
Bạch mã đáp:
– Chàng hãy tới trình với vua và nói, nếu có đủ những thứ cần thiết thì chàng sẽ đi đón cô ta về. Nhà vua phải cấp cho chàng một thuyền đầy ắp bánh mì. Ở biển có người khổng lồ, nếu chàng không đem thịt cho bọn họ thì họ sẽ xé xác chàng. Ở đó còn có loài chim lớn, nếu chàng không có bánh mì thì chúng sẽ mổ chàng mù mắt!
Nhà vua ra lệnh cho lò sát sinh và lò bánh trong khắp nước phải lo làm sao chất lên đầy một thuyền thịt và một thuyền đầy bánh mì. Khi có đủ thịt và bánh mì thì bạch mã bảo Ferdinand trung thực:
– Bây giờ chàng hãy cưỡi ngựa lên thuyền. Khi gặp bọn người khổng lồ thì chàng nói:
– Bình tĩnh, bình tĩnh nào, những người khổng lồ thân yêu của tôi.
Tôi biết sẽ gặp các người.
Nên mang quà tới đây cho các người!
Khi thấy chim bay tới thì chàng nói:
– Bình tĩnh, bình tĩnh nào, các con chim thân yêu của ta.
Ta biết các ngươi sẽ tới
Nên mang quà tới đây cho các ngươi!
Họ sẽ không làm gì chàng đâu, khi chàng tới cung điện của công chúa, những người khổng lồ sẽ giúp chàng. Chàng dẫn mấy người khổng lồ cùng đi. Công chúa đang nằm ngủ ở trong đó. Chàng không cần đánh thức nàng, mà bảo những người khổng lồ khênh nàng cùng với chiếc giường của nàng đưa xuống thuyền.
Mọi việc đã xảy ra đúng như lời bạch mã nói, Ferdinand trung thực đã mang thịt, bánh mì cho những người khổng lồ và lũ chim, vì vậy những người khổng lồ bằng lòng khênh công chúa cùng theo giường của nàng xuống thuyền. Thuyền chạy thẳng tới nơi đức vua.
Khi tới chỗ nhà vua, công chúa thì nói rằng, các đồ dùng để viết vẫn còn để ở trong cung điện của nàng, nếu không có nó, nàng không thể sống được!
Bị Ferdinand không trung thực xúi khích nên nhà vua lại ra lệnh, Ferdinand trung thực phải đến cung điện lấy những thứ đó cho công chúa, nếu không sẽ bị xử trảm.
Chàng trai lại tới chuồng ngựa, vừa khóc vừa nói:
– Trời, bạch mã thân yêu của ta! Bây giờ ta phải đi một lần nữa! Ta phải làm gì nhỉ?
Bạch mã nói:
– Thuyền phải chất đầy thịt và bánh mì. Rồi mọi chuyện xảy ra cũng giống như lần trước, khi những người khổng lồ và lũ chim lớn ăn no thịt và bánh mì thì chàng sẽ bình yên vô sự.
Khi tới nơi, chỉ mình chàng vào cung điện, các đồ dùng để viết của công chúa ở trong phòng ngủ của nàng. Ferdinand trung thực bước vào cung điện và lấy được những thứ đó. Khi chàng ra tới bờ sông, chiếc bút lại rơi xuống nước. Lúc đó bạch mã nói:
– Lần này thì tôi không có cách gì giúp chàng nữa rồi!
Chàng bỗng nhớ tới chiếc sáo, bèn lấy ra thổi. Lập tức cá xuất hiện, mồm nó ngậm chiếc bút, bơi lại giao cho chàng.
Chàng mang được các đồ dùng để viết của công chúa về tới cung điện của vua. Hôn lễ của nhà vua được cử hành.
Hoàng hậu không yêu vua, vì vua không có mũi, mà lại yêu chàng Ferdinand trung thực.
Một lần, khi có mặt đông đủ các đại thần triều đình, hoàng hậu nói rằng mình có một biệt tài là có thể chặt rơi đầu một người rồi lắp lại được như cũ, chỉ cần có người dám để nàng thử cho mọi người xem.
Chẳng một ai muốn cho thử, Ferdinand không trung thực lại xúi nhà vua, khiến Ferdinand trung thực lại phải bước ra.
Hoàng hậu chặt đầu chàng trai, rồi lắp lại. Vết thương liền lại ngay, chỉ nhìn thấy một vết hồng ở cổ. Nhà vua nói với hoàng hậu:
– Hoàng hậu yêu dấu, nàng học ở đâu điều này vậy?
Hoàng hậu nói:
– Thưa thiếp biết phép thuật này. Để thiếp cũng thử với bệ hạ một lần được không!
– Được chứ! – Vua nói.
Sau khi chặt đầu vua, hoàng hậu đã không lắp lại cho tốt, tựa như nàng không thể làm được như vậy, và hình như cái đầu không chịu liền lại. Thế là nhà vua bị đem chôn. Nàng và Ferdinand trung thực kết hôn với nhau.
Chàng vẫn cưỡi con bạch mã của chàng. Có lần khi chàng đang cưỡi thì bạch mã nói, chàng hãy ra đồng cỏ kia và phi ngựa chạy ba vòng. Chàng làm theo lời nó thì bỗng nhiên con bạch mã đứng thẳng lên bằng hai chân sau, và biến thành một hoàng tử.
127. Chiếc hộp sắt biết nói
Hồi ấy, có một hoàng tử bị một mụ phù thủy bắt cóc đem nhốt trong một chiếc lò sưởi. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng chưa có ai đến giải thoát cho chàng.
Có một công chúa ở nước kia đi chơi rừng, mải ngắm cây cỏ bên đường, nàng bị lạc lúc nào không hay. Đã chín ngày rồi, nàng đi lang thang trong rừng sâu, đến ngày thứ chín nàng đến trước một chiếc hộp bằng sắt. Vừa mới tới bên thì có tiếng người vọng ra:
– Nàng ở đâu tới đây và nàng muốn đi đâu nữa?
Công chúa đáp:
– Tôi lạc rừng tới đây và giờ không biết đường về nhà nữa.
Lại có tiếng người vọng ra từ chiếc hộp bằng sắt – chính đó là chiếc lò sưởi của mụ phù thủy.
– Chỉ trong nháy mắt nàng sẽ về tới nhà, tôi sẽ đưa nàng về, nhưng nàng phải ký giao kèo làm tất cả mọi điều tôi nói. Tôi chính là hoàng tử của một nước lớn và muốn kết duyên trăm năm cùng nàng.
Nàng bàng hoàng cả người, bụng nghĩ:
– Lạy chúa, tôi biết sống sao với chiếc hộp bằng sắt kia.
Nàng rất mong muốn được trở về nhà sống bên vua cha nên đã nhận lời làm tất cả những gì nó muốn. Rồi có tiếng nói tiếp:
– Khi trở lại đây nàng nhớ mang theo một con dao và khoét một lỗ ở hộp sắt.
Rồi có người đưa nàng về nhà, người đó đi bên cạnh nàng nhưng chẳng hề nói một tiếng nào, hai tiếng đồng hồ sau thì nàng về tới hoàng cung.
Cả hoàng cung vui nhộn hẳn lên khi thấy công chúa trở về. Nhà vua hết sức vui mừng, chạy ra ôm hôn con gái.
Với nét mặt buồn rầu, công chúa nói:
– Thưa cha kính yêu, con bị lạc trong rừng sâu. Có lẽ không bao giờ con ra được khỏi khu rừng rậm hoang vu ấy, nếu con không gặp một chiếc hộp bằng sắt. Chính nó cho người dẫn đường đưa con về nhà, và chính con có hứa là sẽ quay trở lại nơi ấy để giải thoát cho chiếc hộp sắt ấy và lấy nó.
Nghe nói vậy, nhà vua bàng hoàng cả người, làm như muốn ngất xỉu, vì công chúa là đứa con duy nhất. Bàn đi tính lại, nhà vua truyền cho người đi thay thế công chúa. Cô con gái nhà xay lúa cầm dao đi thay công chúa. Cô lấy dao đâm vào chiếc hộp sắt đã hai mươi tư tiếng mà chiếc hộp vẫn y nguyên, không hề bị sứt mẻ.
Khi trời lại vừa hửng sáng thì từ trong hộp sắt có tiếng vọng ra:
– Tôi thấy hình như trời lại hửng sáng rồi thì phải.
Cô gái nói:
– Hình như tôi nghe thấy có tiếng cối xay gió chạy.
– À, té ra cô là con gái ông thợ xay, thế thì có thể đi ngay được đấy, gọi công chúa tới đây.
Cô con gái nhà xay quay trở về tâu lại với nhà vua rằng hộp sắt không ưng cô mà chỉ ưng công chúa. Nghe vậy nhà vua đâm ra lo sợ, còn công chúa chỉ biết ngồi than thân trách phận.
Trong hoàng cung còn có một người đẹp hơn cô gái nhà xay lúa, đó là cô gái nuôi heo. Nhà vua thưởng cho cô gái nuôi heo một đồng tiền vàng và bảo cô đi thay công chúa.
Cô gái đi tới nơi, ra sức thọc đâm nhưng chiếc hộp sắt vẫn không hề bị sứt mẻ, lồi lõm. Hai mươi tư tiếng đồng hồ đã trôi qua, bỗng từ trong hộp sắt có tiếng vọng ra:
– Tôi thấy hình như trời lại hửng sáng rồi thì phải.
Cô gái đáp lại:
– Hình như tôi nghe thấy tiếng tù và của bố tôi.
– À, té ra cô là cô gái nuôi heo. Thế thì có thể đi về ngay được đấy, gọi công chúa tới đây. Nói với công chúa rằng, nếu không giữ lời hứa thì hoàng cung sẽ bị sụp đổ, mọi thứ đều sẽ vỡ nát, một viên gạch lành cũng không có.
Nghe tin đó, công chúa ngồi khóc nức nở. Nhưng không thể làm khác được, công chúa đành phải giữ lời hứa. Nàng chào từ biệt vua cha, giắt theo mình một con dao, đi vào rừng nơi có chiếc hộp sắt. Tới nơi, công chúa ngồi gõ, sau hai tiếng đồng hồ ngồi gõ, công chúa đã đục được một lỗ nhỏ. Nhìn qua lỗ đó, dưới ánh sáng lấp lánh của vàng và kim cương, công chúa nhìn thấy một người tí hon. Lòng công chúa bỗng thấy xốn xang, nàng tiếp tục gõ đục, lỗ thủng được mở rộng ra hơn trước. Một chàng trai bước ra và nói:
– Chính nàng đã giải thoát cho anh, nàng là cô dâu chưa cưới của anh, anh là của nàng.
Chàng trai muốn đưa nàng về vương quốc của mình. Nàng nói muốn về thăm vua cha một lần nữa. Chàng đồng ý với điều kiện nàng chỉ nói ba câu rồi quay lại ngay. Về tới nhà mải vui chuyện trò nàng không nhớ tới lời dặn.
Đợi một lát không thấy nàng quay trở lại, chàng trai tiếp tục lên đường. Chẳng mấy chốc, chàng đã đi qua núi thủy tinh, qua cả nơi có những thanh kiếm vung lên chém xuống liên tục.
Chuyện trò xong công chúa đem theo một ít tiền để làm lộ phí, vào chào từ biệt vua cha, nàng trở lại cánh rừng lớn để tìm người mình hẹn. Hộp sắt cũng như chàng trai nàng hẹn đều không thấy nữa, nàng cứ đi như thế chín ngày liền, bụng đói cồn cào, nàng đành leo lên cây ngồi. Trời tối đen như mực, nàng ngồi bụng ngổn ngang những lo cùng sợ bị thú dữ ăn thịt, nàng chỉ còn biết ngồi cầu mong trời chóng sáng. Vào lúc nửa đêm, nàng nhìn thấy phía xa có ánh lửa. Nàng nghĩ:
– May ra thì mình thoát nạn.
Nàng tụt xuống và thẳng hướng có ánh lửa mà đi. Vừa đi nàng vừa lâm râm cầu khấn, cuối cùng nàng tới trước một căn nhà nhỏ, cỏ mọc đầy quanh nhà, trước nhà là một đống củi chất cao. Nàng nghĩ:
– Giờ thì làm thế nào mà vào được trong nhà đây?
Lại phía cửa sổ, nhìn vào trong nhà nàng chỉ thấy một con rùa nhỏ nhưng béo mập, nhưng trên bàn bày toàn sơn hào hải vị đựng trong bát, đĩa bằng bạc. Nàng nín thở khẽ gõ cửa, con rùa cất tiếng gọi:
Chú mập tròn đâu
Mau chân lên nào
Ra mà mở cửa
Xem ai tới nhà.
Một chú rùa lon ton ra mở cửa. Mọi người đón tiếp nàng rất là vui vẻ, hỏi nàng đủ thứ:
– Cô từ đâu tới đây, cô gái? Cô còn định đi đâu nữa?
Nàng kể cho mọi người nghe hết đầu đuôi câu chuyện, vì nàng không giữ đúng hẹn nên chiếc hộp sắt cùng hoàng tử đã biến mất. Nàng nói sẽ đi tới cùng trời tận đất tìm cho tới khi gặp lại được chàng mới thôi. Nghe xong rùa mẹ nói:
Chú mập tròn cưng
Mau chân lên nào
Vào trong buồng ấy
Lấy hộp ra đây.
Rùa con lon ton chạy đi lấy hộp mang ra. Sau khi ăn uống no nê, rùa con chỉ cho nàng chiếc giường dành cho khách, nàng lên giường và thiếp đi lúc này không hay.
Sáng sớm hôm sau, khi nàng thức dậy, rùa mẹ lấy từ trong hộp ra ba chiếc kim và dặn nàng nhớ mang theo người. Thế nào nàng cũng phải đi qua núi thủy tinh, đi qua chỗ có ba chiếc kiếm luôn luôn vung lên chém xuống. Và cuối cùng là qua một con sông lớn. Nếu nàng đi qua được những nơi đó thế nào nàng cũng gặp lại người thương. Trước khi chia tay, rùa mẹ đưa cho nàng thêm một lưỡi cày và ba hạt dẻ, dặn nàng phải luôn chú ý tới ba bảo vật: kim, lưỡi cày, và hạt dẻ.
Nàng lên đường, đi hoài đi mãi nàng tới một ngọn núi thủy tinh, núi trơn tuồn tuột, nhưng khi nàng cắm ba chiếc kim kia vào mũi giày thì nàng thấy mình như đang đi trên đất và nàng đi qua núi thủy tinh một cách dễ dàng. Qua núi rồi, nàng cắm ba chiếc kim kia vào thân cây bên đường và lại tiếp tục đi. Tới chỗ ba thanh kiếm, nàng lấy lưỡi cày ra và trượt qua chỗ ba thanh kiếm một cách dễ dàng. Cuối cùng nàng tới bên bờ một con sông lớn. Nàng đi đò qua sông. Ngay bên bờ sông là một tòa lâu đài lớn, nàng tới hỏi xin làm người phụ việc, vì nàng biết rằng chính hoàng tử người yêu nàng là chủ lâu đài này.
Hoàng tử đinh ninh không bao giờ gặp lại người yêu cũ nên đã ăn hỏi người khác, và đang chuẩn bị đồ cưới.
Giờ đây nàng là người hầu gái trong hoàng cung, sau khi đã chu tất mọi công việc trong ngày và tắm rửa xong, nàng lấy một hạt dẻ ra cắn tính ăn, nhưng bên trong không phải là nhân hạt dẻ mà là một bộ đồ cưới tuyệt đẹp. Nghe tin cô hầu gái có bộ đồ cưới tuyệt đẹp, cô dâu tới xem và nói muốn mua lại. Người hầu gái nói mình không bán, nhưng sẵn sàng biếu cô dâu bộ đồ cưới, nếu cô dâu cho phép người hầu gái ngủ ở trong phòng của chú rể.
Nhìn bộ đồ cưới tuyệt đẹp kia, lòng cô dâu ao ước sao có được bộ đồ ấy, cô nhận lời ngay. Cô dâu nói với chú rể:
– Đứa hầu gái điên rồ kia muốn đêm nay ngủ lại ở buồng chàng, chàng có ưng không?
Chú rể đáp:
– Nếu em bằng lòng thì anh cũng ưng thuận.
Trước khi chia tay nhau đi ngủ, cô dâu mời chú rể uống một chén rượu có pha thuốc ngủ. Sau đó chú rể về buồng mình ngủ và cho phép cô hầu gái vào cùng.
Hai người vào buồng. Chàng ngủ say đến mức nàng không sao đánh thức dậy để trò chuyện. Nàng thức suốt đêm trường than thở:
– Em đã giải thoát cho anh ra khỏi rừng sâu, ra khỏi chiếc hộp sắt giam cầm. Em đã vượt núi thủy tinh, đi qua ba lưỡi kiếm, vượt một con sông lớn để tìm chàng. Giờ đây ở bên chàng thì chàng lại chẳng hề nghe những điều em nói.
Những người hầu ngủ ở bên ngoài buồng đều nghe rất rõ tiếng nàng than thở suốt đêm hôm trước. Hôm sau họ kể lại cho chủ của mình nghe.
Tối hôm sau cô gái cắn hột dẻ thứ hai. Khi hạt dẻ vỡ, hiện ra ở bên trong một bộ đồ lộng lẫy như đồ cưới của cô dâu. Cô dâu nói xin mua lại, nhưng cô gái không bán, chỉ xin được ngủ ở trong phòng của chú rể đêm nữa. Cô dâu đồng ý nhưng trước đó đã cho chàng uống nước có pha thuốc ngủ. Vào trong buồng là chàng lăn ra ngủ ngay và ngủ say tới mức lay người chàng cũng không tỉnh.
Cô gái đầu bếp thức suốt đêm trường than thở:
– Em đã giải thoát cho anh ra khỏi rừng sâu, ra khỏi chiếc hộp sắt giam cầm. Em đã vượt núi thủy tinh, đi qua ba lưỡi kiếm, vượt một con sông lớn để tìm chàng. Giờ đây ở bên chàng thì chàng lại chẳng hề nghe những điều em nói.
Những người hầu ngủ ở bên ngoài buồng đều nghe rất rõ tiếng nàng than thở suốt đêm hôm trước. Hôm sau họ kể lại cho chủ của mình nghe.
Tối thứ ba cô gái đầu bếp lại cắn hạt dẻ thứ ba. Một bộ đồ lộng lẫy thêu bằng chỉ vàng ròng nom óng ánh. Cô dâu lại muốn mua, nhưng cô gái chỉ yêu cầu cho ngủ đêm nữa ở trong buồng chú rể.
Khi uống nước hoàng tử đã để cho nước chảy ra ngoài. Khi chàng ngủ được một lúc thì nghe thấy tiếng than thở:
– Anh yêu quý, em đã giải thoát cho anh ra khỏi rừng sâu, ra khỏi chiếc hộp sắt giam cầm.
Mới nghe tới đây chàng đã bật dậy và nói:
– Chính em mới là cô dâu thật. Em mới là người anh yêu quý, anh là của em.
Hoàng tử giấu quần áo của cô dâu giả kia, vội vã cùng người yêu mình ra xe ngựa và lên đường ngay trong đêm ấy. Tới bờ sông lớn kia, họ lên thuyền và chèo đò qua sông. Rồi họ tới chỗ có ba thanh kiếm vung lên chém xuống liên tục. Hai người ngồi lên chiếc lưỡi cày trượt qua, cuối cùng họ tới núi thủy tinh. Họ cắm ba chiếc kim gài đầu xuống núi, và đi qua núi an toàn. Khi họ vừa bước chân vào túp lều cũ thì bỗng trước mặt họ hiện ra một tòa lâu đài lớn, gia nhân ra vào tấp nập, họ hết sức vui mừng ra đón hai người.
Đám cưới của họ được tổ chức trong lâu đài nguy nga này. Sau đó họ đi đón vua cha về cùng ở. Hoàng tử lên ngôi trị vì cả hai nước.
128. Ả kéo sợi lười biếng
Ở làng có hai vợ chồng nhà kia, vợ lười tới mức không bao giờ muốn nhúc nhích chân tay. Chồng bảo kéo sợi, ả chỉ kéo nửa vời, và kéo xong ả không guồng, cứ mặc sợi y nguyên trên ống. Thấy vậy chồng mắng, ả liền quai mồm ra cãi:
– Dào ôi, guồng sao bây giờ, guồng đâu ra mà guồng. Có giỏi cứ vào rừng kiếm một cái gì để tôi guồng!
Chồng bảo:
– Nếu chỉ có thế, tôi sẽ vào rừng tìm gỗ làm guồng cho mình ngay!
Giờ ả đâm lo. Ả lo chồng tìm được gỗ tốt sẽ đóng guồng. Lúc đó ả phải guồng sợi, công việc cứ thế nối tiếp nhau: kéo sợi, guồng sợi. Suy nghĩ hồi lâu ả nghĩ ra một kế, ả liền theo chồng vào rừng. Đợi chồng leo lên cây chọn gỗ, bắt đầu đốn gỗ, lúc đó ả lẩn vào trong bụi cây gần đấy để chồng không trông thấy mình, rồi ả cất giọng:
“Ai đốn gỗ đóng guồng sẽ chết,
Ai dùng guồng ấy cũng hết đời.”
Thấy có tiếng người, chồng ngưng tay rìu, lắng nghe xem câu hát kia có ý nghĩa gì. Rồi anh tự nhủ:
– Ối chà, chỉ sợ hão huyền, chẳng qua váng tai nghe vậy, nào có gì.
Anh lại cầm rìu, định đốn gỗ tiếp thì lại có tiếng hát vọng lên:
“Ai đốn gỗ đóng guồng sẽ chết,
Ai dùng guồng ấy cũng hết đời.”
Anh ngừng tay, cảm thấy sờ sợ, ngồi ngẫm nghĩ. Lát sau anh định thần được, với tay lấy rìu định đốn gỗ tiếp tục. Lần thứ ba lại có tiếng hát cất lên nghe rất rành rõ:
“Ai đốn gỗ đóng guồng sẽ chết,
Ai dùng guồng ấy cũng hết đời.”
Hóa tam ba bận thế là đủ lắm rồi, anh chàng hết cả hứng, tụt xuống cây và đi về nhà. Chị vợ lẻn chạy đường tắt về nhà trước. Lúc chồng về tới nhà, vợ giả tảng như không biết gì, cất giọng hỏi chồng:
– Thế nào, mình kiếm được gỗ tốt đóng guồng chứ?
Chồng đáp:
– Không kiếm được, chuyện đóng guồng có lẽ không thành.
Chồng kể cho vợ nghe chuyện xảy ra trong rừng, và từ đó không đả động đến chuyện ấy nữa.
Những chỉ ít ngày sau, thấy nhà cửa bề bộn chồng lại thấy bực. Anh bảo vợ:
– Mình này, thật xấu hổ quá, ai đời kéo xong rồi mà cứ để nguyên ở ống thế kia!
Vợ nói:
– Mình có biết không? Nhà ta không có guồng, hay mình đứng trên xà nhà, tôi đứng dưới ném ống lên cho mình bắt lại ném xuống, ta guồng sợi theo kiểu ấy vậy.
Chồng nói:
– Ờ thế cũng được.
Họ làm theo lối ấy, làm xong chồng bảo vợ:
– Sợi đã guồng xong, giờ phải luộc chứ!
Ả vợ lại đâm lo, nhưng ngoài mặt ả vẫn nói:
– Vâng, để mai tôi dậy sớm luộc.
Trong bụng ả đã tính được kế mới.
Hôm sau, sớm tinh mở ả đã dậy, nhóm lửa, bắc nồi. Đáng nhẽ thả chỉ vào luộc, ả lại cho vào nồi một nắm sợi gai rối, rồi cứ thế ninh. Chồng vẫn còn ngủ ở trong giường, ả vào đánh thức và dặn:
– Tôi có việc phải ra ngoài, mình dậy trông nồi sợi ở dưới bếp cho tôi nhé, dậy ngay đi, tới lúc gà gáy mà mình vẫn chưa xuống xem thì sợi sẽ hóa thành một đám sợi gai rồi đấy!
Vốn tính chăm chỉ, không muốn để lỡ cái gì, chồng vội nhỏm dậy đi nhanh xuống bếp. Nhưng khi anh đi xuống tới nơi, nhìn vào nồi, anh hoảng lên vì chỉ thấy có nắm sợi gai rối. Anh chàng đáng thương đành ngậm miệng, tưởng chính mình dậy muộn nên hỏng việc nên phải chịu lỗi. Từ đấy không bao giờ anh nhắc tới kéo sợi, guồng sợi nữa.
Có lẽ chính bạn cũng phải nói: ả kia thật là một người đàn bà đốn mạt.
129. Bốn anh em tài giỏi
Ngày xưa, có một người đàn ông nghèo sinh được bốn người con trai. Khi các con đã trưởng thành, khôn lớn, ông nói với các con:
– Các con thân yêu, bây giờ các con hãy đi chu du thiên hạ, tới miền đất lạ học lấy một nghề để tự mình kiếm kế sinh nhai, cha nghèo chẳng có gì cho các con.
Bốn người con cầm gậy hành trình, chào tạm biệt người cha thân yêu, rồi cùng nhau lên đường. Đi một lát thì họ tới một ngã tư có nhiều hướng đi khác nhau. Họ dừng lại, người anh cả nói:
– Bây giờ anh ta chia tay nhau, mỗi người một ngả, bốn năm nữa, cũng ngày này chúng ta sẽ gặp nhau ở đây, trong thời gian ấy mỗi người học lấy một nghề để kiếm kế sinh nhai.
Nói xong, mỗi người đi một ngả. Người anh cả gặp một người đàn ông, ông này hỏi anh định đi đâu, làm gì. Anh trả lời:
– Tôi muốn học lấy một nghề.
Người kia rủ:
– Vậy thì đi theo ta rồi anh sẽ giỏi nghề… ăn trộm.
Anh ta trả lời:
– Không, nghề ấy đâu phải là một nghề lương thiện, cái kết cục của nghề ấy là bị treo cổ.
Người đàn ông kia nói:
– Chà, anh khỏi phải sợ treo cổ, tôi không dạy anh làm việc bất lương mà chỉ dạy cho anh cách làm sao lấy được những cái mà không người nào lấy được để giúp ích cho mọi người.
Nghe bùi tai, anh chàng bằng lòng đi theo.
Người em thứ hai cũng gặp một người đàn ông hỏi anh muốn học nghề gì trên đời này.
Anh trả lời:
– Tôi cũng chưa biết phải học nghề gì.
Người kia nói:
– Thế thì anh hãy đi với tôi, sau này sẽ trở thành nhà thiên văn, trên đời này không có nghề gì hay bằng. Không có một cái gì lọt qua mắt nhà thiên văn.
Anh ta thấy học nghề ấy cũng hay nên đi theo và trở thành một nhà thiên văn tài giỏi đến mức, sau khi anh ta học xong tạm biệt thầy ra về, thầy đưa cho anh một ống viễn kính và bảo:
– Với viễn kính này anh có thể nhìn thấy hết mọi việc xảy ra trên trời, dưới đất, chẳng có gì lọt qua được mắt anh.
Có người thợ săn nhận dạy người em thứ ba nghề đi săn, ông dạy cho anh tất cả những ngón của nghề săn và đào luyện anh trở thành một nhà thiện xạ.
Trong buổi chia tay từ giã, thầy tặng anh một khẩu súng và bảo:
– Súng này thì chẳng còn chê vào đâu được, anh đã giương súng ngắm là bách phát, bách trúng.
Người em út cũng gặp một người đàn ông. Ông ta hỏi anh:
– Anh có thích học nghề may không?
Anh đáp:
– Ngồi khoanh chân từ sáng đến chiều, cầm kim khâu khâu, vá vá, rồi còn ủi quần áo, tôi không biết liệu mình có nhớ mà làm nổi những việc ấy không?
Người đàn ông nói:
– Đâu có như anh nói và nghĩ. Anh sẽ học ở tôi nghề thợ may khác hẳn những nơi khác, một nghề may lịch thiệp, sung túc và có phần nào vinh hạnh nữa.
Anh ta thấy cũng hay nên đi theo thầy học nghề cho đến nơi, đến chốn.
Trong buổi chia tay từ giã, thầy cho anh một cái kim và bảo:
– Với chiếc kim này anh có thể khâu được mọi thứ trên đời này, mềm như trứng, cứng như thép đều khâu được cả, đường chỉ liền khít tới mức không nhận ra được nữa.
Đúng bốn năm trôi qua, bốn anh em gặp lại nhau ở ngã tư năm xưa, ôm hôn nhau thắm thiết, rồi cùng nhau trở về nhà gặp cha.
Người cha mừng rỡ hỏi:
– Chà, gió nào đã đưa các con trở về thế?
Các con kể cho người cha nghe mọi chuyện xảy ra với họ và họ đã học được nghề mình yêu thích. Lúc ấy năm cha con đang ngồi trước nhà, dưới một cây cổ thụ. Người cha nói:
– Bây giờ cha muốn thử tài các con, xem các con biết làm những gì.
Ông ngước mắt lên và bảo người con thứ hai:
Ở giữa hai cành trên ngọn cây kia có một tổ sáo, đố con biết có mấy trứng nằm trong tổ?
Nhà thiên văn học lấy viễn kính ra, đứng ngước mặt lên ngắm rồi nói:
– Có năm trứng tất cả.
Người cha nói với con cả:
– Con thử trèo lên lấy trứng làm sao chim mẹ đang ấp bị mất trứng mà không hề biết.
Anh chàng khéo tay trèo lên lấy năm quả trứng đang ấp dưới bụng chim mẹ, anh lấy nhẹ nhàng, tài tình đến nỗi chim mẹ không hề hay biết cứ nằm im tiếp tục ấp. Anh trèo xuống đưa trứng cho cha. Ông cầm lấy trứng đặt ở mỗi góc bàn một quả, quả thứ năm đặt ở chính giữa bàn, ông bảo anh thiện xạ:
– Đố con bắn một phát mà thủng được cả năm quả trứng!
Anh thiện xạ lắp đạn và bắn, chỉ một phát đạn cả năm quả trứng đều bể làm đôi. Đúng là anh có tài bắn đạn chạy chữ chi.
Người cha lại bảo người con thứ tư:
– Bây giờ đến lượt con. Đố con khâu vỏ trứng cũng như thai chim non trong trứng liền lại như cũ mà thai chim trong trứng không hề bị ảnh hưởng gì cả.
Anh thợ may lấy kim ra khâu, khâu y như lời cha dặn. Trứng khâu xong, người con trai cả khéo tay trèo lên cây, đặt trứng vào trong ổ dưới bụng chim mẹ và chim mẹ vẫn không hề hay biết.
Chim mẹ ấp vài ngày thì trứng chim nở, cả năm con chim, con nào cũng có khoang đỏ ở cổ là do vết khâu của chàng thợ may.
Người cha bảo các con:
– Cha hết sức mừng cho các con, các con đã biết tận dụng thời gian học được những nghề hữu ích. Cha không thể nói được, ai trong bốn con là tài hơn cả. Chắc chẳng bao lâu các con sẽ có dịp hành nghề để giúp ích cho thiên hạ.
Ít lâu sau, khắp cả nước xôn xao vì chuyện công chúas đã bị một con rồng bắt đi đâu không biết. Vua cha lo lắng ngày đêm, hứa sẽ trọng thưởng cho ai cứu được công chúa.
Bốn anh em bảo nhau:
– Có lẽ đây là dịp tốt để chúng ta đem tài năng giúp ích cho đời.
Rồi bốn anh em cùng nhau ra đi để giải thoát cho công chúa.
Nhà thiên văn nói:
– Tôi sẽ biết ngay công chúa đang ở đâu.
Anh chiếu ống viễn kính lên xem và nói:
– Tôi đã trông thấy nàng, nàng ở cách đây rất xa, đang ngồi trên một tảng đá giữa biển, bên một con rồng đang canh gác nàng.
Anh tới gặp nhà vua, xin cấp cho một chiếc tuyền để bốn anh em vượt biển đi đến chỗ tảng đá.
Công chúa đang ngồi, còn con rồng thì đang ngủ, đầu gối vào lòng nàng. Nhà thiện xạ nói:
– Tôi không dám bắn, sợ đạn xuyên qua thân rồng trúng phải người công chúa.
Anh cả nói:
– Để tôi thử liều xem may ra được chăng.
Rồi anh trườn lại gần và cắp công chúa đi nhẹ nhàng và khéo léo tới mức con quái vật không hề hay biết, vẫn cứ ngáy khò khò.
Mấy anh em mừng rỡ, vội đưa nàng lên thuyền và căng buồm chạy ra khơi.
Rồng thức giấc, tìm mãi không thấy công chúa đâu, nó rượt theo thuyền, miệng thì phì phì dữ tợn, khi nó đuổi kịp thuyền định xà xuống thì anh thiện xã đã lắp đạn vào súng, anh giương súng bắn trúng ngay tim con vật. Con quái vật chết rơi xuống, nhưng nó to và nặng lại rơi trúng xuống thuyền làm chiếc thuyền vỡ tan ra từng mảnh. Mọi người vội bám lấy những tấm ván nổi lềnh bềnh bơi trên mặt biển bao la. Tình cảnh thật khó giải quyết. Nhưng anh thợ may chăm chỉ đi lấy chiếc kim thần diệu của mình ra, khâu vội mấy tấm ván đáy thuyền lại, rồi anh ngồi lên đó nhặt nốt các mảnh thuyền khác khâu vào. Anh khâu khéo tới mức chỉ một lát lại có một chiếc thuyền nguyên vẹn có thể căng buồm lên được, họ trở về nhà bình an vô sự.
Vua cha gặp lại con gái hết sức mừng rỡ. Vua nói với bốn anh em nhà kia:
– Ơn cứu mạng là ơn trời biển. Đáng lẽ ta gả con gái ta cho một trong bốn người. Nhưng người nào cũng tài giỏi cả, không biết cho ai cho xứng. Nay ta chia cho các ngươi một vùng đất để làm ăn, các ngươi có bằng lòng không?
Bốn anh em đều thấy toại nguyện.
Được chia vùng đất tốt, bốn anh em đón cha về chung sức làm ăn. Cuộc sống thật đầm ấm, hạnh phúc.
130. Cô Một Mắt, cô Hai Mắt và cô Ba Mắt
Ngày xưa có một bà có ba cô con gái. Cô con lớn tên là Một Mắt, vì cô chỉ có độc một mắt ở ngay chính giữa trán. Cô thứ hai có hai mắt như những người bình thường khác nên được gọi là cô Hai Mắt. Cô con út có tên là Ba Mắt, vì cô có hai mắt như mọi người khác, nhưng lại có mắt thứ ba ở giữa trán.
Chỉ vì không giống chị và cũng không giống em nên cô Hai Mắt bị chị và em cũng như mẹ ruồng bỏ. Họ bảo cô:
– Có hai mắt thì có gì là hơn người thường, nó chẳng phải là giống nhà ta.
Gặp cô đâu thì cả nhà xua đấy. Mặc thì toàn đồ thừa xấu xí, ăn thì ăn toàn thức ăn còn thừa lại, thôi thì tìm mọi cách để hành hạ cô.
Có lần cô Hai Mắt phải ra đồng chăn dê nhưng bụng còn đói vì chị và em để phần cho ăn ít quá. Ra tới đồng, cô ngồi trên bờ ruộng và khóc nức nở, nước mắt chảy ràn rụa như hai dòng suối nhỏ.
Lúc cô vừa mới ngẩng mặt nhìn lên thì thấy một bà già đang đứng bên cất tiếng hỏi:
– Hai Mắt, vì sao con khóc?
Hai Mắt thưa:
– Con không khóc sao được. Chỉ vì con có hai mắt như những người bình thường khác nên mẹ, chị và em lúc nào cũng thấy khó chịu, xua con từ xó này sang xó khác, quẳng toàn đồ cũ nát cho con mặc, ăn thì ăn toàn những đồ thừa còn lại. Sáng nay cho con ăn có chút xíu, bụng con còn đói meo.
Bà già nói:
– Hai Mắt, con lau nước mắt đi. Bà sẽ nói cho con điều này để con không bị đói nữa. Con chỉ cần bảo con dê cái của con:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Thì lập tức hiện ra trước mắt con một chiếc bàn xinh xắn, bày đủ mọi thứ sơn hào hải vị, con muốn ăn bao nhiêu cũng được. Và khi con đã ăn no, cần dọn hết đi, con chỉ việc nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Và chỉ trong nháy mắt bàn biến đi. Sau đó bà mụ đi. Hai Mắt nghĩ mình phải thử xem lời bà dặn có đúng không. Nhất là lại đúng lúc mình đang đói. Cô nói:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Vừa mới nói dứt lời đã có một chiếc bàn xinh xắn phủ khăn trắng tinh hiện ra. Trên bàn có rất nhiều thức ăn ngon, hơi bay lên nghi ngút, người ta có cảm giác thức ăn vừa mới bưng ở bếp lên. Trên bàn lại có sẵn cả đĩa, dao, dĩa và thìa bằng bạc. Hai Mắt thầm cảm ơn bà già và ngồi vào bàn ăn uống ngon lành.
No nê rồi, cô lại nói đúng như lời bà cụ dặn:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Chiếc bàn xinh xắn cùng tất cả các thứ bày trên bàn đều biến đi ngay lập tức.
Hai Mắt nghĩ bụng: “Làm nội trợ kiểu này thú vị thật.” Cô rất lấy làm hả hê và phấn chấn.
Tối khi cô đi chăn về nhà, thấy có âu thức ăn mà chị em để phần cho, nhưng cô không hề đụng đến. Sáng hôm sau, cô lại cho dê ra đồng, để nguyên mấy mẩu bánh phần cô ở bàn. Lần thứ nhất và lần thứ hai, chị và em không để ý, nhưng rồi cả hai cũng biết và nói với nhau:
– Con Hai Mắt đáng nghi lắm. Mọi khi phần nó cái gì nó ăn hết nhẵn. Tại sao bây giờ không hề thấy nó đụng đến thức ăn phần nó. Chắc nó ăn ở đâu đó rồi.
Để dò cho ra sự thật, Một Mắt được phái đi chăn dê cùng với Hai Mắt. Một Mắt phải cố dò la xem Hai Mắt làm gì để có cái ăn hay có người nào đó đưa thức ăn đồ uống cho Hai Mắt.
Sáng sớm, khi Hai Mắt chuẩn bị đi thì Một Mắt nói:
– Hôm nay tao đi chăn dê cùng với mày, để xem mày có trông nom dê và cho dê ăn ở nơi có cỏ ngon không.
Hai Mắt hiểu ngay ý định của Một Mắt nên cố lùa dê tới cánh đồng cỏ rậm và có cỏ lau cao vút. Hai Mắt nói:
– Chị Một Mắt ơi, chị lại đây, chị ngồi xuống đây, em muốn hát cho chị nghe.
Một Mắt ngồi xuống, người mệt nhoài vì đường xa và vì oi bức của trưa hè. Một Mắt ngồi nghe Hai Mắt hát:
Chị Một Mắt ơi, chị thức đấy à?
Chị Một Mắt ơi, chị đã ngủ chưa?
Nghe tiếng hát đều đều cộng với mệt nên Một Mắt cứ thế mà thiu thiu ngủ.
Thấy Một Mắt đã ngủ say, biết không thể nào lộ được, lúc ấy Hai Mắt mới nói:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Bàn hiện ra, Hai Mắt ngồi vào bàn ăn uống. No nê rồi cô nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Và chỉ trong nháy mắt tất cả lại biến đi.
Mọi việc xong xuôi, Hai Mắt mới đánh thức Một Mắt dậy:
– Chị Một Mắt, chị đi chăn dê mà lại lăn ra ngủ thế à. Chăn dê kiểu chị thì dê nó đi đâu cũng không biết. Dậy đi, mau lên chị, tối rồi, ta về nhà đi.
Hai chị em về nhà. Hai Mắt vẫn không hề đụng đến âu thức ăn. Tuy đi theo nhưng Một Mắt cũng không phát hiện được lý do tại sao Hai Mắt vẫn không ăn ở nhà. Nó đành thú thật, xin lỗi mẹ:
– Ra đồng con ngủ quên mất.
Hôm sau mẹ bảo Ba Mắt:
– Lần này, mày đi chăn cùng, phải để ý xem Hai Mắt có ăn gì ở ngoài đồng không hay có ai mang đồ ăn thức uống cho nó, chắc chắn là nó có ăn uống lén lút.
Ba Mắt bước lại nói với Hai Mắt:
– Em muốn đi chăn dê cùng với chị, để xem đàn dê có được ăn chỗ cỏ non không.
Hai Mắt đoán được ngay ý định của Ba Mắt nên xua đàn dê tới cánh đồng cỏ rậm cao vút và nói:
– Ba Mắt ơi, chị em ta ngồi xuống đây đi, chị sẽ hát cho em nghe.
Ba Mắt ngồi xuống. Vì đường xa, trời nắng nên nó mệt nhoài. Hai Mắt lại cất tiếng hát:
Ba Mắt ơi, em thức đấy à?
Đáng lẽ phải hát tiếp:
Ba Mắt ơi, em đã ngủ chưa?
Nhưng do đãng trí nên cô hát:
Hai Mắt ơi, em đã ngủ chưa?
Và rồi cứ thế mà hát:
Ba Mắt ơi, em thức đấy à?
Hai Mắt ơi, em đã ngủ chưa?
Hai mắt của Ba Mắt nhắm lại ngủ, nhưng mắt thứ ba ở trán không bị phép của câu thần chú nên không ngủ. Để đánh lừa nên Ba Mắt nhắm luôn cả mắt thứ ba, làm như ngủ nhưng thỉnh thoảng nó lại nháy mắt nên vẫn nhìn biết hết được sự việc.
Hai Mắt tưởng Ba Mắt đã ngủ say, liền niệm chú:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Cô ăn uống thỏa thích, xong cô lại nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Ba Mắt trông thấy hết. Hai Mắt đến đánh thức nó và bảo:
– Ui chà, Ba Mắt, em ngủ đấy à? Thế thì sao chăn được dê, thôi chị em ta về đi.
Về đến nhà, thấy Hai Mắt lại không ăn. Ba Mắt liền mách lại:
– Giờ thì con đã rõ tại sao chị ấy làm bộ không thèm ăn ở nhà. Ở ngoài đồng chị ấy nói:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Thì một chiếc bàn nhỏ hiện ra, trên bàn bày toàn thức ăn đồ uống tuyệt ngon mà ở nhà ta không bao giờ có. Ăn uống thỏa thích xong chị ấy lại nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Tức thì mọi thứ đều biến mất. Với mắt thứ ba con trông thấy rõ tất cả mồn một. Chị ấy niệm thần chú nên hai mắt con díu lại và ngủ ngay, nhưng mắt ở trán vẫn còn thức.
Nghe kể, người mẹ vốn đố kỵ liền la:
– Mày tưởng mày hơn mẹ con tao à? Phải cho mày chừa cái thói ấy đi mới được.
Mụ lấy dao mổ lợn, đâm trúng tim dê, dê khuỵu xuống chết.
Thấy vậy, Hai Mắt buồn lặng lẽ bỏ đi ra đồng, ngồi trên bờ ruộng khóc sướt mướt.
Bà mụ bỗng lại xuất hiện đứng bên cô và hỏi:
– Hai Mắt, sao con lại khóc?
Cô đáp:
– Con dê vẫn dọn bàn ăn mỗi khi con niệm thần chú, mẹ con đã đâm chết nó. Bà bảo con không khóc sao được. Giờ con lại rơi vào cảnh đói khát.
Bà mụ bảo:
– Hai Mắt, bà bày cho con kế này nhé: con hãy xin chị và em bộ lòng của con dê ấy, đem chôn ở trước cửa nhà. Chắc chắn con sẽ gặp may.
Rồi bà biến mất. Hai Mắt đi về nhà, nói với chị và em:
– Chị và em gái yêu dấu ơi, hãy cho xin chút gì đó ở con dê của tôi. Tôi chẳng dám đòi lấy những chỗ thịt ngon, tôi chỉ xin bộ lòng thôi.
Thế là cả hai chị em cười ồ lên và nói:
– Ồ, chỉ có thế thôi à, thế thì cứ việc vào mà lấy.
Hai Mắt lấy bộ lòng, theo lời dặn của bà mụ, đêm tối cô lặng lẽ đem chôn bộ lòng ở trước cửa nhà.
Sáng hôm sau, lúc cả nhà thức dậy và ra đứng ở cửa nhà thì thấy một cái cây kỳ lạ, cành lá xum xuê, quả vàng xen giữa những chiếc lá bạc, có lẽ ở trần gian này không có cây nào đẹp bằng, quả nom ngon như thế. Mọi người đều ngạc nhiên rằng chỉ có qua một đêm mà cây đã mọc nhanh như vậy. Chỉ có Hai Mắt là biết rõ nguyên do, đúng nơi chôn bộ lòng mọc lên cái cây lá bạc quả vàng này.
Bà mẹ bảo Một Mắt:
– Một Mắt của mẹ, con trèo lên hái quả đi.
Một Mắt trèo lên, nhưng khi giơ tay hái quả thì cành lại bật tuột khỏi tay. Mà lần nào cũng vậy, tìm đủ mọi cách nhưng Một Mắt vẫn không hái được quả nào.
Lúc đó bà mẹ nói:
– Ba Mắt, con hãy trèo lên, với ba mắt chắc là con nhìn quanh rõ hơn Một Mắt.
Một Mắt tuột xuống để cho Ba Mắt trèo lên. Nhưng Ba Mắt cũng chẳng khéo léo hơn chút nào, ngắm nghía mãi nhưng vẫn không sao với hái được lấy một quả. Chuyện đó làm cho bà mẹ sốt ruột, giờ đích thân bà trèo lên cây, nhưng bà cũng chẳng hơn gì Một Mắt và Ba Mắt, toàn giơ tay quờ quạng trong không trung.
Thấy vậy, Hai Mắt nói:
– Để con trèo thử lên xem, biết đâu con hái được thì sao.
Chị và em gái đồng thanh nói:
– Đồ Hai Mắt thì được trò trống gì mà làm.
Nhưng khi Hai Mắt trèo lên, táo vàng không trượt ra khỏi tay cô, mà còn đung đưa lại gần cho cô dễ hái, cô hái nhiều đến nỗi đầy một tạp dề táo vàng. Đáng lẽ mẹ, Một Mắt và Ba Mắt phải đối xử với Hai Mắt tốt hơn trước, bà mẹ giật phắt lấy tạp dề táo. Chuyện chỉ mình Hai Mắt hái được táo vàng chỉ làm tăng thêm lòng ghen ghét đố kỵ của họ, làm họ trở nên cay nghiệt hơn trước đối với Hai Mắt.
Một hôm cả nhà đang đứng bên cây thì có một hiệp sĩ trẻ tuổi đi tới.
Cô chị và cô em vội la:
– Hai Mắt, mau lên nào, xuống chui vào trong thùng để chúng tao đỡ ngượng vì mày.
Nói rồi hai người dúi ngay Hai Mắt vào trong chiếc thùng không bên gốc cây, tiện tay chúng nhét luôn tất cả táo vàng vào trong đó.
Hiệp sĩ tới gần – đó là một chàng đẹp trai – chàng dừng chân, lặng ngắm cây quả vàng lá bạc và hỏi hai cô gái đứng đó:
– Cây đẹp này của ai thế các cô? Ai ngắt cho ta một cành, người đó muốn gì ta cũng sẵn lòng báo đáp.
Một Mắt và Ba Mắt trả lời ngay là cây của chúng, chúng sẵn sàng ngắt cho chàng một cành quả vàng lá bạc. Hai chị em ra sức trèo và tìm cách ngắt lấy một cành, nhưng cành cây cứ trượt khỏi tầm tay họ.
Lúc đó hiệp sĩ nói:
– Kể cũng kỳ lạ thật, sao cây của các cô mà các cô không ngắt được một cành?
Hai cô gái vẫn cứ khăng khăng nói là cây của họ. Trong khi ấy, Hai Mắt bực mình về sự gian dối của chị và em, cô lăn mấy quả táo vàng tới chỗ hiệp sĩ đứng. Ngạc nhiên về những quả táo vàng, hiệp sĩ hỏi họ táo ở đâu ra thế. Lúc bấy giờ Một Mắt và Ba Mắt mới nói cho biết rằng chúng còn có một người em, nhưng vì nó chỉ có hai mắt như những người bình thường khác nên không dám để nó ra mắt hiệp sĩ. Hiệp sĩ đòi xem mặt và gọi:
– Cô Hai Mắt ơi, bước ra đây nào.
Hai Mắt từ từ chui ở đáy thùng ra. Sắc đẹp lộng lẫy của cô làm cho hiệp sĩ phải ngạc nhiên và nói:
– Cô Hai Mắt ơi, chắc cô có thể bẻ cho tôi một cành quả vàng lá bạc chứ?
Hai Mắt đáp:
– Thưa vâng, cây này là của em nên em hái được.
Hai Mắt trèo lên cây, nhẹ nhàng bẻ một cành lá bạc quả vàng thật đẹp đưa cho hiệp sĩ.
Hiệp sĩ nói:
– Cô Hai Mắt ơi, tôi biết lấy gì trả công cô bây giờ?
Hai Mắt đáp:
– Em biết nói thế nào đây. Đói khát cơ cực buồn tủi là bạn đồng hành của em từ sớm tinh mơ đến tận khuya, nếu chàng cho em đi theo chàng chính là chàng giải thoát cho em khỏi cảnh ấy, như vậy là em hạnh phúc nhất.
Hiệp sĩ liền đỡ Hai Mắt lên ngựa, cùng nàng cưỡi ngựa về lâu đài. Chàng hiệp sĩ rất thương yêu cô Hai Mắt, chàng để cho cô tùy ý lựa chọn quần áo, ăn uống theo ý thích, lễ cưới của hai người được tổ chức rất vui vẻ.
Thấy Hai Mắt được đi cùng với chàng hiệp sĩ đẹp trai, chị và em lồng lộn lên vì ghen tức.
Hai cô tự an ủi: “Cây thần còn nằm trong tay ta, cho dù ta không hái nổi một quả ở cây ấy, nhưng ai đi qua thấy cây lạ cũng phải dừng chân đứng ngắm cây. Ai mà biết trước được ngày nào chúng ta sẽ gặp may.”
Nhưng sáng hôm sau, cây thần kia bỗng biến mất, hy vọng của hai cô thế là tiêu tan. Cũng vào sáng sớm, khi cô Hai Mắt đang đánh phấn tô son, chợt cô nhìn qua cửa sổ, cô hết sức mừng rỡ khi thấy cây thần lại đứng trước cửa.
Hai Mắt sống trong cảnh đầy đủ sung sướng đã nhiều năm. Một hôm có hai người đàn bà nghèo bước tới lâu đài chắp tay xin bố thí. Nhìn kỹ mãi hai người, Hai Mắt nhận ra đó chính là chị và em mình. Cảnh nhà sa sút, hết chỗ nương tựa nên giờ đây Một Mắt và Ba Mắt phải kéo nhau đi ăn xin.
Hai Mắt niềm nở đón tiếp chị và em, chăm sóc và cung phụng họ đầy đủ, khiến hai người thấy hối hận trong lòng vì đã đối xử độc ác với Hai Mắt trong thời tuổi trẻ.
132. Cô Katrinelje xinh đẹp và anh chàng Pif Paf Poltrie
– Xin chào bố, bố Hollenthe!
– Xin cám ơn cậu, cậu Pif Paf Poltrie
– Liệu con có được phép kết duyên với con gái của bố không?
– Ồ, được lắm chứ! Nếu như bà mẹ Malcho (Melkkuh) , anh trai Hohenstolz, chị gái Kãsetraut của nó tán thành, lúc ấy chuyện đó đâu có gì là khó!
– Thế bà mẹ Malcho giờ ở đâu?
– Bà ấy ở trong chuồng bò và đang vắt sữa.
– Xin chào mẹ, mẹ Malcho!
– Xin cám ơn cậu, cậu Pif Paf Polterie.
– Liệu con có được phép kết duyên với con gái của mẹ không?
– Ồ, được lắm chứ! Nếu như ông bố Hollenthe, anh trai Hohenstolz, chị gái Kãsetraut của nó tán thành, lúc ấy chuyện đó đâu có gì là khó!
– Thế giờ anh Hohenstolz đang ở đâu hở mẹ?
– Anh ấy đang ở nhà ngang và bổ củi ở đó.
– Xin chào anh, anh Hohenstolz!
– Xin cám ơn cậu, cậu Pif Paf Poltrie.
– Liệu em có thể kết duyên với em gái của anh được không?
– Ồ, được lắm chứ! Nếu như ông bố Hollenthe, bà mẹ Malcho, chị gái Kãsetraut của nó tán thành, lúc ấy chuyện đó đâu có gì là khó!
– Thế giờ chị Kãsetraut đang ở đâu hở anh?
– Chị ấy đang ở ngoài vườn cắt rau.
– Xin chào chị, chị Kãsetraut.
– Xin cám ơn cậu, cậu Phíp-pháp Poltrie.
– Liệu em có thể kết duyên với em gái của chị được không?
– Ồ, được lắm chứ! Nếu như ông bố Hollenthe, bà mẹ Malcho, anh trai Hohenstolz và cô Katrinelje xinh đẹp của tôi tán thành, lúc ấy chuyện đó đâu có gì là khó!
– Thế giờ cô Katrinelje xinh đẹp đang ở đâu hở chị?
– Cô ấy ở trong phòng, đang đếm những đồng xu của mình.
– Xin chào cô, cô Katrinelje xinh đẹp!
– Xin chào cậu, cậu Pif Paf Poltrie
– Cô có bằng lòng cho tôi kết bạn trăm năm không?
– Ồ, được lắm chứ! Nếu như ông bố Hollenthe, bà mẹ Malcho, anh trai Hohenstolz và chị Kãsetraut của tôi tán thành, lúc ấy chuyện đó đâu có gì là khó!
– Cô Katerinelje xinh đẹp, chắc cô có nhiều của hồi môn lắm nhỉ?
– Có mười bốn xu tiền mặt, còn mắc nợ mười lăm xu, có hai lạng rưỡi táo khô, một vốc tay đầy hoa, một vốc tay đầy rễ cây làm thuốc và một tấm lụa. Liệu ngần ấy làm của hồi môn có được không? Pif Paf Poltrie, thế anh biết làm nghề gì nào? Anh có phải là thợ may không?
– Nghề này còn hay hơn nhiều!
– Là thợ giày phải không?
– Nghề này còn hay hơn nhiều!
– Làm nghề nông phải không?
– Nghề này còn hay hơn nhiều!
– Là thợ mộc phải không?
– Nghề này còn hay hơn nhiều!
– Là thợ rèn phải không?
– Nghề này còn hay hơn nhiều!
– Là thợ xay bột phải không?
– Nghề này còn hay hơn nhiều!
– Có lẽ anh làm nghề bện chổi?
– Đúng đấy, đó chính là nghề của tôi. Nghề ấy không tốt hay sao?
132. Cáo và ngựa
Ngày xưa có một bác nông dân có một con ngựa trung thành. Đến khi ngựa đã già, không còn giúp được việc gì nữa, chủ nó không muốn cho nó ăn uống gì cả và bảo.
– Tao thật chẳng cần gì đến mày nữa. Nhưng nghĩ tao thấy cũng thương mày. Nếu mày tỏ ra còn khỏe mạnh đủ sức mang về đây cho tao một con sư tử thì tao sẽ giữ mày lại nuôi. Nhưng giờ thì mày hãy ra ngay khỏi chuồng của tao.
Nói rồi bác đuổi ngựa ra đồng.
Ngựa buồn rầu đi về phía cánh rừng gần đấy để tìm nơi tránh nắng che mưa. Giữa lúc đó thì gặp cáo, cáo hỏi:
– Sao anh bạn lại gục đầu xuống, đi lang thang một mình như vậy?
Ngựa đáp:
– Trời, keo kiệt và trung thực không thể cùng nhau chung sống trong một nhà được. Chủ tôi quên hết cả công tôi làm việc cho ông ta trong bao năm trời ròng rã. Bây giờ già yếu tôi không kéo nổi cày nữa thì ông ta thôi không cho tôi ăn và đánh đuổi tôi đi.
Cáo hỏi:
– Đuổi đi không có lấy một lời an ủi hay sao?
– Lời an ủi ấy chẳng sao thực hiện được. Ông ấy bảo, nếu tôi đủ sức mang về cho ông một con sư tử thì ông ấy giữ tôi lại nuôi. Nhưng ông ấy thừa biết rằng tôi không còn đủ sức làm được việc ấy.
Cáo nói:
– Trong chuyện này tôi có thể giúp anh được. Anh chỉ việc nằm sóng xoài ra, đừng có động đậy nhúc nhích gì làm như anh nằm chết.
Ngựa làm theo lời cáo dặn. Còn cáo thì đến tìm sư tử ở một cái hang ở gần đó và bảo:
– Ngoài kia có một con ngựa chết, anh đi với tôi ra đó, chắc có thể kiếm được một bữa phè phỡn.
Sư tử cùng đi. Khi chúng đến bên ngựa, cáo nói:
– Ăn ngay ở đây chắc anh không được thoải mái, anh có biết không, để tôi buộc đuôi nó vào người anh, lúc đó anh cứ việc kéo nó về hang rồi tha hồ yên trí mà ăn.
Thấy lời khuyên ấy cũng có lý sư tử xích lại gần, đứng yên cho cáo buộc ngựa vào người mình cho chặt. Nhưng cáo lại lấy đuôi ngựa buộc chân sư tử, gò xiết cho thật chặt, thật chắc đến nỗi sư tử không tài này quẫy đứt tung ra được.
Công việc xong xuôi đâu vào đấy, cáo vỗ vai ngựa bảo:
– Này anh ngựa trắng, kéo đi, kéo đi!
Phắt một cái ngựa đã đứng dậy và kéo sư tử theo sau. Vừa đau vừa tức sư tử gầm vang cả cánh rừng làm cho chim chóc bay nháo nhác cả lên. Ngựa cứ mặc cho nó gầm, cứ tha kéo sư tử qua cánh đồng đến cửa nhà chủ mình. Chủ thấy vậy, nghĩ lại lỗi mình và bảo ngựa:
– Thôi mày cứ ở lại đây mà sống cho sung sướng.
Từ đó chủ cho ngựa ăn uống no nê đầy đủ tới khi nó chết.
133. Những đôi giày nhảy rách
Ngày xửa ngày xưa có một ông vua có mười hai cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp hơn người. Mười hai cô cùng ngủ trong một căn phòng lớn, giường kê liền nhau thành một dãy. Tối tối, khi các cô đi ngủ, vua thân chinh đóng cửa, cài then rất cẩn thận. Nhưng cứ đến sáng hôm sau, vừa mở cửa thì vua nhìn thấy giày của các cô đã hỏng, rách, và không ai đoán được sự tình ra sao. Vua cho loan báo khắp nơi: ai tìm được chỗ các cô đêm đêm thường tới nhảy thì sẽ được phép chọn một cô làm vợ, sau khi vua băng hà thì sẽ được nối ngôi. Nhưng vua lại ra thêm điều kiện cho kẻ tình nguyện nội trong ba ngày đêm phải tìm ra, nếu không sẽ mất mạng.
Không bao lâu sau, có một hoàng tử đến xin sẵn sàng làm việc mạo hiểm ấy. Hoàng tử được tiếp đón rất niềm nở. Tối đến, người ta dẫn chàng tới căn phòng nhỏ ăn thông với phòng ngủ của các công chúa. Giường chàng được kê sát bên cửa, và cửa phòng ngủ của các công chúa để ngỏ, chàng phải theo dõi, rình xem các công chúa đi nhảy ở đâu hoặc lẻn trốn đi chơi ở một nơi nào đó. Đêm khuya, cơn buồn ngủ làm cho mí mắt nặng như chì, chàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Sớm hôm sau, khi chàng thức giấc tỉnh dậy thì cả mười hai cô đi nhảy đã về rồi, giày vứt lỏng chỏng dưới gầm giường, đôi nào cũng rách, gót thủng lỗ chỗ.
Đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba cũng đều như vậy. Không chút tiếc thương, người ta lôi chàng ra pháp trường xử trảm.
Ít lâu sau có một số người khác cũng xin thử sức mình trong trò chơi mạo hiểm ấy, nhưng tất cả đều bỏ mạng.
Cuối cùng có một người lính đáng thương, bị tàn phế nên phải giải ngũ, đang trên đường đi về kinh đô. Anh gặp một bà cụ, bà hỏi:
– Anh định đi đâu?
Anh trả lời:
– Chính con cũng chẳng biết nên đi đâu nữa!
Anh còn nói giỡn cho vui:
– Con đang khoái được thử sức mình cố tìm xem mấy nàng công chúa nhảy ở đâu để con còn lên làm vua chứ!
Bà cụ nói:
– Chuyện đó đâu có khó! Tối, nếu con được mời rượu thì con đừng uống và con giả đò như đang ngủ say.
Sau đó bà cho anh một chiếc áo khoác nhỏ và dặn:
– Mỗi khi mặc áo này vào, con sẽ có phép tàng hình, lúc đó con có thể lẻn đi theo mười hai công chúa.
Được bày kế hay, anh lính trở nên nghiêm túc và quyết tâm làm thật. Anh xin yết kiến nhà vua, tình nguyện làm việc tìm kiếm. Anh cũng được tiếp đón ân cần như những người trước đây và được vua ban áo quần đẹp để mặc.
Buổi tối, khi đến giờ đi ngủ, anh được dẫn vào căn phòng ngoài. Trong lúc anh đang định lên giường ngủ thì nàng công chúa cả bưng vào mời anh một cốc rượu vang. Nhưng anh đã buộc sẵn khăn dưới cằm, làm như uống thật, nhưng thật tình thì anh đã để rượu chảy xuống qua cằm thấm vào khăn mà không hề uống lấy một giọt, rồi anh đi nằm, chỉ một lát sau là anh ngáy làm như đã ngủ say lắm rồi. Mười hai cô nghe tiếng ngáy, đắc chí cười. Cô cả nói:
– Nếu hắn không uống thì chắc đâu đã mất mạng.
Rồi các cô dậy mở tủ, mở hòm, lấy ra những bộ xiêm áo lộng lẫy, ngắm vuốt trước gương, chạy tung tăng trong phòng, hớn hở và lại sắp được đi nhảy. Chỉ có cô út nói:
– Không hiểu sao, các chị vui mà em thấy lần này nó cứ khác lạ thế nào ấy. Có thể có chuyện chẳng lành sẽ đến với chị em chúng ta.
Chị cả mắng:
– Em như con thiên nga ấy, lúc nào cũng sợ hãi. Em không nhớ hay sao, biết bao hoàng tử đã đến đây mà đều công toi. Đối với tên lính ấy, đáng lẽ chị chẳng cần cho nó uống thuốc ngủ làm gì. Cái thằng thô lỗ ấy chắc sẽ không thức giấc nổi đâu!
Khi xiêm áo trang điểm đã xong, các cô còn ngoái nhìn xem người lính có động tĩnh gì không. Nhưng anh ta nằm nhắm mắt, không hề nhúc nhích. Các cô cứ tưởng như vậy là có thể yên trí làm theo ý mình. Cô cả quay vào giường, khẽ gõ mấy cái. Chiếc giường từ từ tụt sâu dưới đất, các cô theo nhau chui qua cửa hầm, đi đầu là cô công chúa cả. Người lính quan sát thấy hết mọi chuyện, không chút bàng hoàng do dự, anh khoác áo tàng hình vào, lần theo gót cô út mà đi xuống. Xuống được nửa cầu thang, bất thần anh giẫm phải gấu áo của cô út. Cô sợ hãi la lên:
– Cái gì thế này? Ai kéo áo tôi đấy?
Chị cả bảo:
– Em chỉ hay nghĩ vẩn vơ! Áo em bị vướng móc đấy mà.
Xuống hết thang thì cả mười hai chị em đứng trước một con đường hai bên là hai hàng cây tuyệt đẹp, lá cây bằng bạc, lấp lánh phản chiếu ánh sáng. Người lính nghĩ bụng:
– Mình phải lấy một vật gì để làm chứng.
Rồi anh ngắt một nhánh lá bên đường, tiếng nhánh cây gãy kêu răng rắc. Cô út lại la lên:
– Không biết có đúng không, hình như có tiếng cây gãy, các chị có nghe thấy không?
Nhưng chị cả bảo:
– Đó là tiếng súng mừng vui, vì chúng ta sắp giải thoát cho những hoàng tử của chúng ta.
Đoàn người lại tới một con đường hai bên trồng cây, lá toàn là vàng ròng, lại tiếp đến một con đường khác nữa, nơi đây là cây óng ánh toàn kim cương. Tại nơi nào cũng vậy, người lính đều bẻ lấy một nhánh cây và lần nào tiếng cây gãy kêu răng rắc cũng làm cho cô út sợ co rúm người lại, nhưng cô chị cả bảo rằng đó là tiếng súng mừng. Đi tiếp tục, họ tới một con sông lớn, trên sông có mười hai chiếc thuyền, mỗi thuyền có một hoàng tử rất đẹp trai. Các hoàng tử đợi sẵn các cô, mỗi người đón một cô lên thuyền. Người lính xuống cùng thuyền với cô út. Hoàng tử ở trên thuyền ấy kêu:
– Chẳng hiểu thuyền hôm nay sao lại nặng hơn mọi hôm? Anh phải ráng sức chèo, thuyền mới lướt đi.
Cô út nói:
– Tại sao lại có chuyện đó nhỉ? Hay tại trời oi bức? Hôm nay em thấy không hiểu sao người nóng ran.
Bên kia sông có tòa lâu đài tráng lệ, đèn nến sáng trưng, rộn rã tiếng kèn trống. Họ ghé thuyền vào bờ, tất cả bước vào lâu đài, mỗi hoàng tử nhảy với người yêu của mình. Người lính cũng nhảy trong đám ấy, nhưng không một ai nhìn thấy anh. Mỗi khi có cô nào cầm cốc rượu vang định uống thì anh lẻn tới uống cạn, lúc các cô đưa cốc tới miệng thì chỉ còn cốc không. Cô út thấy chuyện khác thường nên lo sợ, chị cả lại an ủi để cô yên lòng. Họ nhảy tới ba giờ sáng ngày hôm sau, giày đã rách hỏng khiến họ phải ngưng cuộc vui. Các hoàng tử lại đưa các cô trở về. Lần về, người lính ngồi cùng thuyền với cô cả. Thuyền ghé bờ, các hoàng tử và các nàng công chúa tạm biệt nhau, hẹn tối hôm sau gặp lại. Khi các nàng công chúa tới chân cầu thang thì người lính vụt chạy lên trước, về giường mình nằm. Khi các cô mệt mỏi uể oải về tới nơi, thấy người lính vẫn đang ngáy o o. Cả mười hai cô đều nghe rõ mồn một tiếng anh ngáy, các cô bảo nhau:
– Chúng ta có thể yên tâm, không sợ tên lính này.
Rồi các cô cởi xiêm áo, đem cất đi, để giày nhảy đã hỏng xuống dưới gầm giường, và đi ngủ.
Sáng hôm sau, người lính vẫn im hơi lặng tiếng. Anh muốn được thấy lại cảnh thần tiên ấy, nên đêm sau và đêm sau nữa anh vẫn đi theo các cô. Vẫn như đêm đầu tiên, các cô vui nhảy cho đến khi giày rách hỏng mới chịu thôi. Để có vật làm chứng, đêm thứ ba, người lính lấy một cái cốc mang về.
Đúng giờ hẹn đến trả lời, người lính cầm theo mấy nhánh cây và cái cốc, rồi đến yết kiến vua. Mười hai cô nấp sau cửa để nghe xem anh ta nói gì. Lúc vua hỏi:
– Mười hai cô con gái của ta đã nhảy ở đâu mà đến nỗi giày rách hỏng cả vậy?
Anh tâu:
– Mười hai cô nhảy với mười hai vị hoàng tử trong một lâu đài ngầm dưới đất.
Anh kể lại cho vua nghe câu chuyện diễn biến như thế nào và lấy những vật chứng ra. Vua cha cho gọi các cô tới, hỏi các cô rằng người lính nói có đúng sự thật không. Lúc đó, cả mười hai cô đều thấy chuyện đã lộ, có chối cãi cũng chẳng xong, nên đành thú thật tất cả. Sau đó, vua hỏi người lính muốn lấy cô nào. Anh đáp:
– Thần cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Xin bệ hạ cho lấy cô cả.
Lễ cưới được tổ chức ngay ngày hôm ấy. Vua hứa khi sắp băng hà sẽ truyền ngôi cho anh. Còn các hoàng tử kia lại bị phù phép sống kiếp súc vật một số ngày bằng số đêm họ đã nhảy với mười hai công chúa.
134. Sáu người kỳ tài
Xưa có một nữ vương, vốn là một mụ phù thủy. Con gái mụ xinh đẹp tuyệt trần không ai sánh bằng. Mụ chẳng nghĩ gì khác ngoài cách lôi kéo mọi người vào vòng khổ ải, chết chóc. Mụ bảo, ai đến cầu hôn phải thực hiện được điều kiện mụ đặt ra, làm được mụ sẽ gả con cho, bằng không thì sẽ mất mạng. Đã nhiều người mê mẩn trước nhan sắc của cô gái nên đã liều thử một phen, nhưng chẳng một ai làm nổi công việc mụ giao, đành chịu quỳ gối rơi đầu.
Có một hoàng tử nghe đồn về sắc đẹp tuyệt thế giai nhân của người con gái, tâu vua cha:
– Xin cha cho con đi cầu hôn thử.
Vua khuyên:
– Không khi nào con ạ, con đi là đi vào cõi chết đấy!
Thế rồi hoàng tử đâm ra ốm tương tư, nằm liệt giường suốt bảy năm, không thầy thuốc nào chữa khỏi. Vua thấy đã tuyệt vọng, đành buồn rầu bảo hoàng tử:
– Con hãy đi cầu may xem sao. Cha cũng chẳng còn cách nào khác để giúp con nữa.
Hoàng tử nghe cha nói ưng thận, liền đứng dậy. Chàng thấy mình khỏe mạnh và hớn hở lên đường. Một hôm đang phi ngựa qua thảo nguyên, chàng chợt thấy ở xa một vật gì nom tựa đống cỏ lớn. Lại gần nhìn kỹ hóa ra đấy là bụng một anh chàng đang nằm dài trên mặt đất. Cái bụng ấy nom phải bằng quả núi con. Gã béo thấy có người phi ngựa tới vội đứng lên thưa:
– Nếu ngài cần người, cho tôi xin theo hầu.
Hoàng tử đáp:
– Cồng kềnh như ngươi thì biết dùng vào việc gì.
Gã béo nói:
– Trời, thế chưa thấm vào đâu. Nếu tôi vươn vai người tôi sẽ lớn gấp ba ngàn lần.
Hoàng tử nói:
– Nếu quả như thế ta có thể dùng ngươi được. Nào đi với ta!
Gã béo đi theo hoàng tử. Đi được một quãng thì thấy một người nằm dài dưới đất, tai ghé sát mặt cỏ. Hoàng tử hỏi:
– Ngươi làm gì ở đây?
Người ấy đáp:
– Tôi đang lắng nghe.
– Nghe gì mà chăm chú thế?
– Nghe xem trên thế giới có chuyện gì mới xảy ra. Tôi nghe được mọi thứ, kể cả tiếng cỏ mọc.
Hoàng tử hỏi:
– Thế ngươi nói cho biết, ngươi nghe được gì ở trong triều đình có bà hoàng hậu già và cô công chúa xinh đẹp.
Gã đáp:
– Tôi nghe có tiếng gươm chém vút một cái, chắc có kẻ đến cầu hôn bị chặt đầu.
Hoàng tử bảo gã:
– Có thể ta cần đến ngươi, đi với ta!
Họ lại lên đường. Dọc đường họ thấy như có hai bàn chân ai trước mặt họ. Họ thấy cả bắp chân nhưng phải đi một quãng đường nữa mới trông thấy thân người, rồi đi thêm một quãng mới trông thấy đầu. Hoàng tử nói:
– Trời, người đâu mà dài như dây chão!
Gã người dài đáp:
– Chà, đã thấm vào đâu. Tôi mà vươn vai thì dài gấp ba ngàn lần, cao hơn cả núi cao nhất trần gian. Nếu đồng ý cho nhập bọn, tôi xin đi cùng.
Hoàng tử nói:
– Có thể ta cần đến ngươi, đi với ta!
Họ tiếp tục đi, thấy có người ngồi bên đường, hai mắt bịt chặt. Hoàng tử nói:
– Mắt bị quáng gà hay sao mà không dám nhìn ánh sáng?
Gã đáp.
– Không phải thế. Tôi không dám cởi khăn bịt mắt, vì lực phát ra từ cái nhìn của tôi mạnh lắm, tới mức nhìn vật gì, vật ấy ắt nổ tung. Nếu thấy cần, tôi sẵn sàng đi cùng giúp một tay.
Hoàng tử nói:
– Có thể ta cần đến ngươi, đi với ta!
Họ lại lên đường, thấy một người nằm sưởi giữa nắng mà cứ run cầm cập, tay chân lẩy bẩy. Hoàng tử hỏi:
– Trời nắng nóng đến ngột ngạt mà sao ngươi lại rét run cầm cập?
Gã đáp:
– Chà, cơ thể tôi rất là lạ. Trời càng oi nồng, tôi càng thấy rét, rét tới thấu xương. Trời càng giá rét, tôi càng thấy oi bức. Ngồi giữa băng giá thì thấy nóng nực, ngồi bên lửa thì thấy rét cóng.
Hoàng tử nói:
– Đúng là con người kỳ dị! Nếu ngươi muốn nhập bọn thì đi với ta!
Tiếp tục cuộc hành trình, họ gặp một người đang vươn cổ ngó ngó nghiêng dòm các ngọn núi. Hoàng tử hỏi:
– Nhìn gì mà mải mê thế?
Gã đáp:
– Tôi có cặp mắt sáng, nhìn thấy rừng rậm, thảo nguyên, núi cao, vực thẳm, có thể thấy khắp thế gian.
Hoàng tử nói:
– Nếu ngươi ưng thì đi với ta. Ta đang thiếu người có tài ấy.
Giờ đây, hoàng tử cùng sáu người tới thành đô, nơi hoàng hậu già đang ngự trị. Hoàng tử không để lộ tung tích của mình. Chàng nói:
– Nếu hoàng hậu gả công chúa xinh đẹp cho tôi thì sai gì tôi cũng làm.
Mụ phù thủy rất mừng khi thấy chàng đẹp trai kia lại sa vào tay mụ. Mụ bảo:
– Ta sẽ giao ba việc nếu làm được cả thì ba thì sẽ là chồng của con gái ta.
Chàng hỏi:
– Việc thứ nhất là việc gì?
– Trước kia ta có đánh rơi xuống biển Hồng Hải một cái nhẫn. Hãy tìm cho ta chiếc nhẫn.
Hoàng tử về bàn với sáu người đi cùng và nói:
– Việc thứ nhất không dễ đâu, phải mò tìm cho ra chiếc nhẫn ở dưới biển Hồng Hải. Làm cách nào tìm lấy được?
Người có đôi mắt sáng nói:
– Để tôi xem nó nằm ở chỗ nào?
Ngó nhìn xuống biển, rồi gã nói:
– Kia rồi! Nhẫn mắc trên mũi đá ngầm.
Gã người dài duỗi lưng nói:
– Nếu nhìn thấy, tôi lấy lên ngay được.
Gã béo nói:
– Nếu chỉ cần có thế?
Gã nằm xoài người ra, ghé miệng sát mặt nước, sóng biển xô chảy vào mồm như vào hang ngầm. Gã làm một hơi dài và biển cạn trơ đáy. Lúc ấy gã người dài mới nhoài người ra và cúi xuống nhặt chiếc nhẫn. Hoàng tử rất mừng, cầm nhẫn và đưa đến cho mụ già. Mụ kinh ngạc và nói:
– Chà chà, đúng chiếc nhẫn này. Việc thứ nhất may mắn ngươi đã làm xong. Giờ đến việc thứ hai. Ngươi có thấy ba trăm con bò mộng đang gặm cỏ ở ngoài bãi trước lâu đài không? Ngươi phải ăn cho kỳ hết ba trăm con bò ấy, ăn hết cả lông lẫn da, cả xương lẫn sừng. Dưới hầm có ba trăm thùng rượu vang, ngươi phải uống cho hết. Không được để sót lại một sợi lông bò, một giọt rượu vang. Bằng không, sinh mạng ngươi nằm trong tay ta.
Hoàng tử nói:
– Tôi có được mời bạn cùng ăn không? Ăn uống thiếu bạn còn gì là ngon, là vui!
Mụ già cười nham hiểm và đáp:
– Được mời một người cho có bạn, nhưng không được mời thêm người khác nữa.
Hoàng tử ra tìm sáu người, bảo với gã béo:
– Hôm nay ngươi là khách của ta, cứ ăn cho thật no nhé!
Gã béo vươn vai và ăn một lúc hết sạch đàn bò ba trăm con, ăn hết nhẵn, một sợi lông cũng không còn. Gã còn hỏi, sau bữa tâm còn gì nữa không. Gã tu cạn ba trăm thùng rượu mà chẳng cần phải rót ra ly và cũng chẳng để một giọt rượu vang nào rơi ra ngoài.
Ăn uống xong, hoàng tử vào báo cho mụ biết việc thứ hai đã xong. Hết sức kinh ngạc, mụ nói:
– Xưa nay chưa từng có ai làm được thế, nhưng còn việc thứ ba nữa.
Mụ nghĩ bụng: “Ngươi cũng chẳng thoát được tay tao đâu, cũng chẳng giữ được đầu.” Mụ nói:
– Tối nay, ta sẽ dẫn con gái ta vào phòng. Ngươi phải ôm giữ trong lòng suốt đêm, không được chợp mắt ngủ. Đúng mười hai giờ khuya ta tới xem, nếu lúc ấy đã buông tay tức là ngươi thua cuộc.
Hoàng tử nghĩ: “Việc này dễ. Ta có thể ráng thức khuya được.” Tuy vậy, chàng vẫn gọi sáu người kia vào, kể cho họ nghe điều kiện mụ già đặt ra, rồi nói:
– Ai biết được đằng sau nó là mưu mô gì? Cẩn thận vẫn hơn, các ngươi hãy thức canh để cho nàng không ra được khỏi phòng.
Khi bóng đêm rủ xuống, mụ già và con gái tới, mụ giao tận tay hoàng tử. Gã người dài nằm uốn người thành cái đai quanh hai người, gã người béo đứng lấp luôn cửa ra vào. Như thế thì làm sao mà ra được!
Hai người ngồi, cô gái chẳng nói lấy một lời, ánh trăng chiếu qua cửa sổ soi tỏ khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời của nàng làm hoàng tử đê mê say đắm không hề thấy mỏi mắt. Nhưng lúc mười một giờ khuya mụ già phù thủy niệm chú cho mọi người ngủ thiếp đi, trong khoảnh khắc ấy mụ hóa phép cướp người con gái đi.
Mọi người ngủ thiếp đi tới khi yêu thuật hết linh nghiệm thì đã mười một giờ bốn mươi lăm. Khi tất cả tỉnh dậy, hoàng tử kêu:
– Trời ơi, thật là bât hạnh, ta thua cuộc rồi!
Mọi người cũng than vãn theo. Gã thính tai nói:
– Cô ấy đang ngồi than thân trách phận trong một quả núi cách đây ba trăm giờ đường bộ. Cậu người dài là người duy nhất làm nổi việc này. Cậu vươn người và đi dăm bước là tới nơi.
Gã người dài nói:
– Được, nhưng cậu mắt sắc phải đi cùng, để ta cùng nhau dọn quả núi đó.
Gã người dài sốc vai vác gã có đôi mắt sáng đi, nhanh như trở bàn tay cả hai người đã đứng trước quả núi bị yểm bùa. Gã người dài cởi khăn bịt mắt gã kia. Gã kia quắc mắt nhìn là quả núi nổ tan thành ngàn vạn mảnh. Gã người dài bế bổng cô gái và chỉ trong khoảnh khắc gã đã về đến nơi. Gã quay lại đón bạn về cũng chỉ trong nháy mắt. Trước khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, tất cả đã ngồi ở đó, đều tươi cười tỉnh táo.
Khi đồng hồ điểm mười hai giờ khuya, mụ già rón rén bước lại, vẻ mặt kiêu kỳ như muốn bảo: “Giờ thì ngươi ở trong tay ta rồi!” Mụ cứ tưởng con gái mụ đang ngồi trong núi cách đây ba trăm giờ đi bộ. Khi nhìn thấy con gái ngồi trong vòng tay ôm của hoàng tử, mụ kinh ngạc và kêu:
– Đúng nó là người cao tay hơn ta.
Mụ chẳng còn lý do nào nữa, đành phải gả con gái cho hoàng tử. Nhưng mụ rỉ tai con gái:
– Thật là nhục cho con, không kiếm được tấm chồng tương xứng, kể từ giờ phải vâng lời một kẻ tầm thường.
Tính kiêu kỳ bị tổn thương, cô gái nghĩ cách trả thù.
Sáng hôm sau, cô sai chở ba trăm thước gỗ tới, rồi cô nói với hoàng tử rằng, ba việc đã làm xong, nhưng cô chỉ là vợ khi nào có người dám ngồi giữa đống gỗ mà châm lửa mà không bị sao cả. Cô nghĩ chẳng có ai trong số sáu người cùng đi sẽ chịu thiêu thay cho hoàng tử. Vì yêu cô nên chàng sẽ đích thân vào ngồi, thế là cô thoát. Bọn cùng đi nói:
– Bọn mình ai cũng đã làm một việc, chỉ còn cậu rét cóng chưa làm gì. Giờ đến lượt cậu.
Rồi họ khiêng đặt gã rét cóng vào giữa đống lửa và châm lửa đốt. Lửa bén cháy ba ngày thì cả đống gỗ đã ra tro. Lửa vừa tàn lụi thì thấy gã rét cóng đứng dậy, người run rẩy như tàu lá và nói:
– Đời tôi chưa bao giờ thấy rét như thế này. Rét lâu thêm tí nữa chắc đến chết cóng mất!
Người con gái đẹp chẳng còn cách nào khác là lấy chàng trai lạ mặt. Nhưng lúc họ lên xe ra nhà thờ làm lễ cưới thì mụ lại nói:
– Ta không thể chịu được cái nhục này.
Mụ sai binh tướng đuổi theo, giết và phá tan hoang những gì trên đường đi và đem bằng được con gái về cho mụ. Gã thính tai nghe được những lời dặn dò của mụ già. Gã hỏi gã béo:
– Ta phải làm gì nhỉ?
Gã này biết ngay phải làm gì. Gã nhổ nước biển đã uống khi trước, chỉ một lúc chỗ đó biến thành một cái hồ lớn, chiến xa của quân lính không sao tiến được, lính chết đuối rất nhiều. Biết tin, mụ lại cho một đội giáp binh nữa đuổi theo. Gã thính tai nghe được tiếng vũ khí va vào nhau lách cách, gã liền trừng mắt, thế là cả toán quân tan tác như thủy tinh vỡ vụn.
Đoàn người yên tâm đánh xe đi tiếp. Đợi khi gặp vợ chồng làm lễ cưới ở nhà thờ xong, sáu người tới chia tay và nói:
– Các ngươi đã toại nguyện, không cần đến chúng tôi nữa. Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để tìm vận may của chúng tôi.
Phía trước cung điện, cách chừng nửa giờ đi bộ có một làng. Lúc họ đi ngang đấy, thấy một người đàn ông đang chăn lợn ngoài đầu làng.
Hoàng tử bảo vợ:
– Nàng có biết gốc tích ta từ đâu không? Ta không phải là hoàng tử, mà chính là một chú bé đã từng chăn lợn. Người chăn lợn kia chính là cha ta. Chúng ta hãy lại để giúp ông một tay.
Rồi chàng cùng nàng xuống xe và vào quán trọ. Chàng rỉ tai bảo gia nhân trong quán, đợi đêm khuya cất giấu quần áo sang trọng của hai người. Sáng dậy, quần áo của hai người không còn. Chủ quán đưa cho nàng bộ quần áo cũ với đôi tất len cũ. Mụ còn làm cho món quà lớn lắm, mụ nói:
– Vì có chồng cô, chứ không tôi chẳng cho cô đâu.
Nàng lại càng tin, đúng chồng mình từng chăn lợn và nghĩ bụng:
– Cũng đáng đời mình, kiêu căng hãnh diện lắm mà!
Làm được tám ngày, chân tay chai dộp lên đau nhức, nàng chịu không được nữa. Giữa lúc ấy có vài người đến hỏi:
– Cô có biết chồng cô là ai không?
Nàng đáp:
– Có chứ, là anh chăn lợn. Nhà tôi vừa mới đi để mua bán mấy thứ.
Họ bảo nàng:
– Hãy đi cùng với chúng tôi, chúng tôi đưa chị tới chỗ anh ấy.
Họ dẫn nàng lên cung điện, vào phòng thì trông thấy một người khoác áo hoàng bào. Nàng ngỡ ngàng, mãi đến khi người đó tới ôm hôn, nàng mới biết đó chính là chồng mình. Chàng nói:
– Ta chịu khổ vì em đã nhiều, em cũng nên vì anh mà chịu đựng.
Ngay sau đó đám cưới được tổ chức. Và người kể chuyện này cũng rất muốn đến dự.