Bà mẹ cùng hai cô con gái ra đồng cắt cỏ cho bò. Trong hai cô có một cô là con đẻ, còn cô kia là con riêng của chồng. Họ đang đi thì gặp một người đàn ông nghèo đi qua hỏi đường đi:
– Có phải đường này là đường vào làng phải không bà?
Bà mẹ đáp:
– Ông không tự mình tìm ra hay sao mà hỏi.
Đứa con gái bà ta còn nói chen thêm vào:
– Không tìm thấy thì cứ đi theo người chỉ đường ấy.
Cô con riêng của chồng nói:
– Ông để con chỉ cho. Ông đi theo con nhé.
Người đàn ông kia chính thức là Thượng Đế, người rất phẫn nộ về cách cư xử của hai mẹ con nhà kia. Người đọc thần chú biến hai mẹ con xấu như quỷ, đen như chó mực. Thượng Đế rất hài lòng về việc làm của cô gái dẫn đường, tới gần làng, Thượng Đế nói:
– Ta ban cho con ba điều ước, con hãy chọn đi.
Cô gái nói:
– Con muốn đẹp như ánh nắng ban mai.
Lời nói vừa dứt thì cô gái trở nên trắng xinh, dáng tươi đẹp như ánh nắng ban mai.
– Rồi con muốn có một túi tiền không bao giờ vơi.
Túi tiền đó Thượng Đế cũng cho cô và nói:
– Còn điều thứ ba nữa.
Cô gái nói:
– Điều thứ ba là sau khi chết được lên trời.
Cả ba điều ước đều được toại nguyện.
Về tới nhà, hai mẹ con dì ghẻ soi gương thì thấy mình sao lại xấu xí, đen đủi như than. Nhìn đứa con riêng của chồng thì thấy nó vừa trắng, vừa xinh, hai mẹ con nổi cơn ghen ghét, nghĩ thế nào cũng phải tìm cách hãm hại cho bõ tức.
Cô con gái riêng của ông chồng có một người anh tên là Rêkinơ, cô rất mực tin yêu anh, thường kể cho anh nghe hết mọi chuyện.
Có lần người anh nói với em gái:
– Em ạ, anh muốn vẽ một bức chân dung của em, để những lúc xa em, nhìn vào ảnh là thấy như em đang ở bên.
Người em gái nói:
– Nhưng anh đừng để cho ai thấy bức ảnh đấy nhé.
Người anh vẽ xong ảnh, đem treo ở trong buồng ở của mình. Anh chính là người đánh xe ngựa cho nhà vua nên ở ngay trong khu vực hoàng cung. Ngày nào anh cũng đứng ngắm bức ảnh và thầm cám ơn trời đã ban cho mình một người em gái đẹp xinh.
Một ngày kia bỗng nhiên hoàng hậu ốm và mất. Nhà vua hết sức buồn rầu và thương tiếc người vợ hiền đẹp đã quá cố.
Trong triều đình có người biết chuyện chàng trai đánh xe ngựa thường hay đứng ngắm một bức ảnh một thiếu nữ trắng xinh. Họ tâu trình nhà vua về chuyện bức ảnh. Nhà vua truyền cho chàng đánh xe mang bức ảnh tới.
Nhìn người trong tranh, nhà vua thấy đẹp chẳng khác gì người vợ quá cố của mình, không những thế mà còn có phần tươi trẻ hơn, nhà vua đâm ra say mê đắm đuối người trong tranh. Nhà vua hỏi người đánh xe đó là ai, chàng trai đáp đó chính là em gái của chàng.
Nhà vua quyết định không chọn ai khác nữa ngoài người đẹp trong tranh. Nhà vua cấp xe, ngựa, quần áo cùng đồ trang sức và ra lệnh cho đi đón người mà nhà vua đã chọn làm hoàng hậu.
Nghe tin anh trai nói, người em gái hết sức vui mừng. Cô gái đen thủi đen thui con dì ghẻ thì nổi cơn ghen ghét, lồng lộn lên chạy nói với mẹ:
– Mẹ cũng biết nhiều pháp thuật, sao mẹ không làm cho con được diễm phúc làm hoàng hậu?
Bà mẹ nói:
– Con cứ yên tâm, mẹ sẽ lái diễm phúc kia cho con gái mẹ.
Mụ dùng pháp thuật của mình làm cho người anh – chính là người đánh xe đi đón – mắt mờ đi, chỉ nhìn thấy mọi vật mờ mờ ảo ảo, còn cô gái trắng xinh kia mụ làm cho trở nên nghễnh ngãng, nghe câu được câu chăng.
Ngay sau đó họ lên xe, trước hết là cô gái trắng xinh trong xiêm phục lộng lẫy, tiếp đến hai mẹ con mụ dì ghẻ. Chàng Rêkinơ ngồi vắt vẻo đằng trước đánh xe.
Đi được một đoạn đường, người đánh xe hát:
Em anh ngồi trong xe,
Che mưa không tới mặt,
Che gió không tới đầu,
Để em sạch đẹp đi vào hoàng cung.
Cô dâu hỏi:
– Anh tôi nói gì thế?
Mẹ ghẻ bảo:
– Nó bảo con cởi quần áo đẹp ra đưa cho em nó mặc.
Cô cởi quần áo đẹp của mình đưa cho đứa em đen nhẻm và mặc quần áo màu tro của nó vào. Đi được một đoạn đường, người anh ngồi vắt vẻo đánh xe lại cất giọng hát:
Em anh ngồi trong xe,
Che mưa không tới mặt,
Che gió không tới đầu,
Để em sạch đẹp đi vào hoàng cung.
Cô dâu hỏi:
– Anh tôi nói gì thế?
Mẹ ghẻ nói:
– Nó bảo con bỏ khăn mạng che mặt đưa cho em gái.
Cô tháo mạng đưa cho đứa em gái đen nhẻm, còn mình để đầu trần.
Đi tiếp tục được một thôi đường dài, người anh lại cất giọng hát:
Em anh ngồi trong xe,
Che mưa không tới mặt,
Che gió không tới đầu,
Để em sạch đẹp đi vào hoàng cung.
Cô dâu hỏi:
– Anh con nói gì thế?
Dì ghẻ nói:
– Trời, nó bảo con ngó ra ngoài xe mà coi phong cảnh.
Xe họ đang đi qua cầu bắc qua một con suối sâu, cô dâu đứng dậy nghểnh cổ nhìn ra ngoài ngắm. Mẹ con mụ dì ghẻ liền đẩy cô nhào xuống suối. Khi cô chìm chạm đáy thì ở mặt nước nổi lên một con vịt trắng phau như tuyết, vịt bơi theo dòng nước.
Người anh không hề hay biết, cứ đánh xe tiếp tục chạy tới khi đến hoàng cung mới dừng lại.
Người anh mắt bị quáng nên không nhận rõ được ai cả, chỉ thấy kim tuyến óng ánh ở áo ai thì cho người đó là cô dâu.
Nhà vua ra đón chỉ thấy cô dâu đen nhẻm, xấu xí, nổi trận lôi đình, nhà vua ra lệnh nhốt người đánh xe vào chỗ nuôi trăn và rắn hổ mang.
Mụ dì ghẻ liền giở quỷ thuật, làm cho nhà vua cứ tưởng con gái mụ chính là cô dâu thật, lệnh tổ chức lễ cưới ở hoàng cung.
Một lần vào buổi tối, khi cô dâu đen đang ngồi bên vua thì có một con vịt trắng bơi theo rãnh nước vào trong hoàng cung hỏi người đầu bếp:
Nhóm lửa lên thôi,
Để tôi sưởi ấm.
Người đầu bếp lấy củi nhóm lửa, vịt chạy tới bên rũ và rỉa lông. Ngồi sưởi được một lát, vịt hỏi:
– Anh Rêkinơ giờ đang làm gì?
Người đầu bếp đáp:
Bị đem nhốt chung,
Cùng trăn với rắn.
Vịt lại hỏi tiếp:
– Thế con quỷ đen đang làm gì ở trong phòng?
Người đầu bếp đáp:
– Đang ngồi bên vua.
Vịt nói:
– Có trời chứng giám.
Rồi lại theo rãnh nước bơi ra ngoài.
Tối hôm sau, vịt lại tới và cũng hỏi như vậy. Vịt tới ba tối liền. Người đầu bếp thấy có chuyện lạ nên đến tâu lại nhà vua.
Vua muốn tận mắt nhìn thấy nên đến. Đến tối, vịt lại bơi theo rãnh vào hoàng cung, vịt vừa mới vươn cổ tính lên bờ thì vua rút ngay gươm ra và đâm xuyên cổ vịt. Lập tức hiện ra trước mắt vua là một cô gái đẹp đúng như trong tranh. Vua hết sức vui mừng, ra lệnh mang quần áo đẹp đến cho cô mặc. Cô gái kể cho vua nghe chuyện mình bị đánh lừa, bị ném xuống suối sâu. Điều mong đầu tiên của cô là thả ngay anh cô ra khỏi trại nuôi trăn rắn. Vua ra lệnh thả người đánh xe và tới buồng mụ phù thủy và hỏi:
– Một người đã từng dối trá và lừa đảo thì xử tội như thế nào?
Giờ mụ đã rất già, mắt gần như lòa không nhìn thấy gì. Mụ đáp:
– Loại người như vậy phải lột trần nhét vào thùng có chông đinh bên trong, rồi cho ngựa kéo thùng chạy khắp kinh thành,
Mụ và con gái mụ đều bị xử tội như vậy. Nhà vua tổ chức lễ cưới với cô dâu trắng xinh, và tặng người anh ruột của nàng rất nhiều vàng bạc châu báu để tạ ơn.
Thẻ: Grim
136. Hans sắt
Ngày xửa ngày xưa có một ông vua, bao quanh hoàng cung là một khu rừng lớn với đủ các loài muông thú. Một hôm, vua phái một người thợ săn vào rừng bắn nai, nhưng rồi không thấy anh ta trở về. Vua bảo:
– Có lẽ hắn gặp rủi ro gì chăng?
Ngày hôm sau vua sai hai người thợ săn khác đi tìm người thứ nhất, nhưng rồi cả hai cũng mất hút luôn. Ngày thứ ba vua cho triệu tất cả thợ săn quanh vùng tới và bảo:
– Các người hãy đi khắp cánh rừng, không được bỏ sót một bụi cây nào, tìm cho kỳ được ba người mới thôi.
Trong đoàn thợ săn ấy cũng không có một ai trở về, và cả đoàn chó săn đi theo cũng không thấy bóng con nào cả.
Từ ngày ấy trở đi không có một ai dám đi rừng nữa, khu rừng trở nên âm u hiu quạnh. Họa hoằn người ta mới thấy bóng một con đại bàng hay một con chim ưng bay lượn trên cánh rừng.
Nhiều năm đã trôi qua, ngày kia có một người thợ săn lạ mặt đến yết kiến nhà vua, xin vua chu cấp đồ ăn thức uống thì sẽ sẵn sàng đi vào khu rừng nguy hiểm kia. Nhưng vua không muốn ưng thuận nên bảo:
– Rừng ấy đầy bí hiểm, ta sợ rằng ngươi cũng sẽ gặp chuyện rủi ro như những người đi trước, chắc gì tìm được đường ra.
Người thợ săn thưa:
– Tâu bệ hạ, thần xin liều đi một phen, thần không có biết sợ gì.
Người thợ săn dắt chó vào rừng, mới đi được một lát chó đã đánh hơi được vết thú, lần theo vết đi mới được mấy bước thì thấy ngay một cái đầm sâu chắn trước mặt. Trong lúc người và chó còn đang lưỡng lự tìm đường đi tiếp thì một cánh tay trần trụi từ dưới nước nhô lên, vươn tới và túm lấy con chó kéo xuống nước.
Thấy thế, người thợ săn quay về, gọi thêm ba người nữa đem thùng theo để tát cạn đầm.
Lúc đầm cạn, họ nhìn thấy một người rừng nằm dài dưới đáy, da màu nâu sẫm như màu sắt rỉ, tóc dài tới tận đầu gối, tóc phủ che hết mặt. Họ lấy thừng trói gô hắn lại và điệu ngay hắn về hoàng cung. Dân chúng xôn xao kinh ngạc về người rừng. Vua cho nhốt hắn vào trong nhà lồng bằng sắt ở ngoài sân và nghiêm cấm không ai được mở cửa lồng, ai trái lệnh sẽ bị xử trảm. Chìa khóa nhà lồng ấy thì do hoàng hậu giữ. Từ nay trở đi mọi người có thể yên tâm mà đi rừng.
Vua có một con trai tám tuổi. Một hôm, mải chơi bóng trong sân, hoàng tử nhỡ tay để bóng lăn vào trong lồng. Hoàng tử tới đòi:
– Trả lại bóng cho ta!
Người rừng đáp:
– Hãy mở cửa cho ta. Rồi ta sẽ trả.
Hoàng tử nói:
– Không được, ta không được phép, vua đã ra lệnh cấm.
Nói xong hoàng tử chạy đi. Nhưng hôm sau hoàng tử lại tới đòi quả bóng, người rừng dỗ:
– Thế mở cửa cho ta đi.
Hoàng tử vẫn không chịu mở.
Ngày thứ ba, giữa lúc vua đi săn, hoàng tử lại tới và nói:
– Cho dù ta có muốn đi chăng nữa, ta cũng không mở được, vì ta không có chìa khóa.
Người rừng đáp:
– Chìa khóa ở dưới gối hoàng hậu ấy, vào đó mà lấy.
Hoàng tử còn nhỏ, muốn có bóng chơi nên chẳng suy nghĩ gì cả, vào lấy chìa khóa đem ra. Mở mãi mới được, hoàng tử bị kẹp một ngón tay. Cửa mở, người rừng bước ra, đưa cho hoàng tử quả bóng vàng và đi mất. Hoàng tử hoảng sợ, kêu gọi ầm ĩ:
– Trời, người rừng ơi, đừng đi, kẻo ta bị đòn.
Người rừng quay lại, bế bổng hoàng tử đặt lên vai, và rảo bước đi thẳng vào rừng.
Lúc đi săn về, nhà vua thấy nhà lồng trống không, bèn hỏi hoàng hậu tại sao thế.
Hoàng hậu vẫn không biết chuyện, đi tìm chìa khóa, nhưng chìa khóa đâu còn nữa. Hoàng hậu gọi con, nhưng không thấy đáp lại. Vua sai người đi tìm, họ không tìm thấy hoàng tử. Vua đoán biết ngay là có chuyện gì rồi. Giờ đây không khí tang tóc nặng nề bao trùm khắp hoàng cung.
Khi đã vào tới giữa rừng sâu bạt ngàn, người rừng đặt chú bé xuống và nói:
– Mi sẽ không bao giờ gặp lại bố mẹ, nhưng mi có thể sống bên ta, ta rất thương mi, vì mi đã giải thoát cho ta. Nếu mi nghe theo lời ta dặn mi sẽ có tất cả. Không một ai trên đời này có nhiều vàng bạc châu báu bằng ta.
Người rừng lấy rêu khô làm ổ, chú bé nằm trong ổ và ngủ thiếp đi luôn. Sáng hôm sau, người rừng dẫn chú bé tới bên một cái giếng và nói:
– Mi thấy đấy, nước giếng trong suốt như pha lê. Mi ngồi đây canh giếng, không để một thứ gì rơi xuống đó, bằng không giếng mất thiêng. Cứ chiều tối ta sẽ đến để xem mi có làm theo đúng như lời ta dặn không?
Ngồi bên bờ giếng, chốc chốc chú bé lại thấy có một con cá vàng hoặc một con rắn vàng bơi lên mặt nước. Chú cũng lưu ý, không để cho một thứ gì rơi xuống giếng.
Ngồi như thế một hồi lâu, bỗng nhiên ngón tay bị kẹp nhức nhối đau, đau đến nỗi chú vội đưa ngay ngón tay dúng xuống nước cho đỡ đau, chú rút ngay lên, nhưng ngón tay đã như bị mạ vàng, chú ra sức lau chùi mà không sao sạch được.
Tối Hans sắt trở về, nhìn chú bé hỏi:
– Có chuyện gì xảy ra ở giếng thế?
Chú bé đáp:
– Không có gì cả, không có gì cả.
Chú giấu ngón tay ra sau lưng cho người rừng khỏi thấy. Nhưng người rừng nói:
– Mi đã nhúng ngón tay xuống nước. Lần này thì có thể tha thứ cho. Nhưng nhớ canh chừng không được để rơi bất cứ vật gì xuống nước nhé!
Sáng sớm hôm sau chú bé đã ngồi canh giếng. Khi ngón tay lại bị đau chú giơ tay vuốt tóc, không may có một sợi tóc rớt xuống giếng. Chú vội nhặt ngay sợi tóc, nhưng sợi tóc đã nhuộm một màu vàng óng. Hans sắt về và biết ngay chuyện gì đã xảy ra. Hans sắt nói:
– Mi đã để rơi một sợi tóc xuống giếng. Lần này ta cũng bỏ qua cho mi nhưng để xảy ra lần thứ ba thì giếng mất thiêng. Khi đó mi không được ở đây với ta nữa.
Ngày thứ ba, chú bé cũng ngồi canh giếng. Ngón tay vẫn đau, nhưng chú không dám động đậy. Chú ngồi yên và ngắm soi mình qua bóng mặt nước. Mãi ngắm bóng mình trong mặt nước, chú cứ cúi hoài, cúi mãi, tới khi tóc từ hai vai xõa xuống nước, lúc ấy chú vội đứng thẳng lên, nhưng tóc chú đã bị nhuộm vàng óng như mặt trời.
Bạn có biết, chú bé hoảng hốt như thế nào không? Chú rút vội khăn và quấn quanh đầu để cho người khác không nhìn thấy.
Khi về, Hans sắt biết ngay chuyện gì đã xảy ra. Hắn nói:
– Cởi khăn ra đi!
Tức thì đầu tóc vàng óng của chú lộ ra. Chú bé năn nỉ van nài mãi nhưng cũng chẳng lay chuyển được gì.
– Mi đã không vượt được thử thách, vì thế không thể ở lại được nơi đây. Mi hãy đi chu du thiên hạ, lúc đó mi sẽ thấu hiểu, thế nào là cảnh khổ. Song bản thân mi không có lòng ác độc, vả lại ta cũng mến mi, nên cho phép mi một điều: Khi nào gặp khó khăn, mi cứ gọi lớn: “Hans sắt ơi!,” ngay sau đó ta sẽ tới giúp mi. Quyền thế của ta lớn hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của mi. Ta sống trong đống vàng bạc.
Hoàng tử rời khu rừng và cứ nhắm thẳng hướng mà đi dù đường phẳng hay gồ ghề. Tới thành phố lớn kia, hoàng tử xin việc làm nhưng chẳng có việc gì để làm. Vả lại bản thân hoàng tử cũng chưa từng học nghề bao giờ để mà kiếm sống qua ngày bằng nghề đó. Cuối cùng, hoàng tử tới cung vua hỏi xem có ai mướn chàng hay không. Triều thần không biết dùng chàng vào việc gì, nhưng vì thấy chàng cũng dễ mến nên giữ chàng ở lại. Rồi chàng được nhận làm phụ bếp, công việc hàng ngày là khuân củi, xách nước, quét tro.
Một hôm, vì không có ai để sai, người đầu bếp bảo chàng bưng thức ăn lên dâng vua. Vì chàng không muốn để lộ mái tóc vàng, nên cứ đội nguyên cả mũ vào hầu.
Vua chưa từng thấy chuyện vô lễ như thế bao giờ nên quở ngay:
– Khi mang thức ăn vào dâng vua, mi phải bỏ mũ ra!
Chàng đáp:
– Tâu hoàng thượng, hạ thần bị chốc đầu nên không dám bỏ mũ ra.
Nhà vua cho gọi ngay đầu bếp tới, quở mắng, sao lại lấy một kẻ như vậy giúp việc. Vua hạ lệnh phải đuổi ngay chàng đi. Người đầu bếp thương chàng, nên đổi việc của chàng với người làm vườn.
Giờ đây, công việc của chàng hàng ngày là đào đất, xới đất, trồng cây tưới nước ở ngoài vườn mà chẳng quản gió mưa.
Có lần, trời mùa hè oi bức tới mức chàng bỏ mũ cho mát. Ánh nắng rọi chiếu mớ tóc vàng óng của chàng và ánh nắng phản chiếu lọt vào phòng của công chúa. Thấy lạ, nàng nhỏm dậy ra xem có chuyện gì. Nàng thấy một chàng trai, liền gọi:
– Này chàng kia, mang lại đây cho ta một bó hoa!
Chàng vội đội mũ lên đầu, hái hoa và cột lại thành bó. Khi chàng đang bước trên bậc thang đi lên thì gặp người coi vườn bảo:
– Sao dâng hoa cho công chúa lại toàn những hoa dại thế này. Đi ngay hái hoa đẹp hiếm có lại đây!
Chàng đáp:
– Dạ không, hoa dại thơm hơn nhiều, chắc chắn công chúa thích hơn.
Lúc chàng bước vào phòng, công chúa bảo:
– Bỏ mũ xuống, không được đội mũ trước mặt ta!
Chàng đáp:
– Bẩm thần bị chốc đầu nên không dám bỏ mũ ra.
Công chúa giơ tay nhấc mũ khỏi đầu chàng, tức thì mái tóc vàng kia rũ xuống đến tận vai, nom rất đẹp mắt. Chàng định bỏ chạy. Công chúa kéo tay chàng lại và đưa chàng vốc tay tiền vàng. Chàng cầm tiền đi ra. Chàng chẳng thiết gì vàng nên đem lại đưa cho người làm vườn và nói:
– Tôi cho mấy đứa nhỏ để chúng có đồ chơi.
Hôm sau công chúa lại sai chàng đi hái một đóa hoa đồng cho nàng. Khi chàng vừa mới bước vào phòng, công chúa giật ngay cái mũ định lấy, chàng giơ cả hai tay nắm giữ chặt mũ lại. Công chúa lại cho chàng một vốc tay tiền vàng. Chàng cũng chẳng giữ tiền đó. Chàng đưa cho người coi vườn để mang về làm đồ chơi cho con.
Ngày thứ ba cũng diễn ra như hai ngày trước. Công chúa cũng không lấy được mũ. Chàng cũng không muốn lấy vàng của nàng.
Ít lâu sau, đất nước có chiến tranh. Nhà vua do dự, không biết có chống nổi đạo quân lớn của kẻ thù hay không. Nhà vua triệu tập trăm họ lại. Chàng coi vườn tâu:
– Thần là một chàng trai trưởng thành nên sẵn sàng đánh giặc. Xin hãy ban cho thần một con ngựa.
Thấy thế, những người khác ồ lên cười và nói:
– Khi nào chúng ta ra hết trận, bọn ta sẽ để lại cho một con ngựa, lúc đó vào chuồng mà lấy.
Khi mọi người đã kéo đi hết rồi, chàng vào tàu dắt ngựa ra. Đó lại là con ngựa què một chân, bước đi khập khiễng. Chàng nhảy lên ngựa, đi vào rừng sâu. Khi đến cửa rừng, chàng cất tiếng gọi:
– Hans sắt, Hans sắt, Hans sắt!
Tiếng gọi của chàng vàng khắp cánh rừng. Ngay sau đó Người rừng xuất hiện và nói:
– Mi muốn gì?
– Ta cần một con ngựa chiến để đi đánh giặc.
– Ngựa mi sẽ có ngay, và còn nhiều hơn thế nữa.
Người đó quay trở vào rừng. Chỉ lát sau, người coi ngựa dắt từ trong rừng ra một con ngựa chiến. Con ngựa phì phì lỗ mũi làm tưởng chừng khó mà cầm cương được. Theo sau con ngựa là cả đoàn quân giáp sắt, kiếm đeo sáng loáng.
Chàng giao con ngựa què cho người coi ngựa. Rồi nhảy lên con chiến mã, dẫn đoàn quân đi. Khi chàng tới gần nơi chiến trường thì lính của nhà vua chết gần hết, số sống sót phải thối lui. Chàng cùng đoàn quân lao thẳng về phía trước như một cơn gió lốc và đánh tan tác quân giặc, không để cho một tên giặc nào sống sót. Đáng nhẽ quay trở về hoàng cung, chàng cùng đoàn quân đi đường vòng quay trở lại cánh rừng. Chàng gọi thật to:
– Hans sắt, Hans sắt, Hans sắt!
Người rừng xuất hiện và hỏi:
– Mi muốn gì?
– Nhận lấy người và ngựa của mi. Trả ta con ngựa què.
Những đòi hỏi của chàng đều được toại nguyện.
Chàng cưỡi ngựa trở về.
Khi vua về tới hoàng cung, công chúa ra đón mừng thắng trận. Nhưng vua bảo:
– Ta không phải là người làm nên chiến thắng, trong lúc chiến đấu có một người kỵ sĩ lạ mặt đã đem quân đến giúp ta.
Công chúa rất muốn biết tông tích người ấy, vì không biết rõ nên vua nói:
– Người ấy mải đánh quân giặc nên ta chưa gặp lại.
Công chúa hỏi người coi vườn về người kỵ sĩ lạ mặt, bác ta cười và thưa:
– Người đó cưỡi một con ngựa què và vừa về tới đây. Mọi người nhìn thấy thế nên giễu cợt:
“Anh chàng tập tễnh đã về!” và họ còn hỏi mỉa:
“Suốt thời gian vừa rồi cậu nằm ngủ trong bụi cây nào đó?.”
Anh ta đáp:
– Tôi đã chiến đấu anh dũng, không thế thì đất nước đã lâm nguy.
Đám người kia nghe thấy lại càng phá lên cười.
Nhà vua nói với con gái:
– Ta định truyền cho báo tin, nhà vua sẽ mở hội mừng chiến thắng ba ngày liền. Nhân dịp ấy con sẽ ném một quả táo bằng vàng, biết đâu chàng kỵ sĩ lạ mặt kia lại đến thì sao.
Biết tin vua mở hội, chàng trai kia vào rừng hỏi Hans sắt:
– Mi muốn gì?
– Ta mong bắt được quả táo mà nàng công chúa ném trong khi mở hội.
Hans sắt đáp:
– Mi có thể coi như được toại nguyện. Nhưng lúc tới nhớ mặc áo giáp đỏ và cưỡi một con ngựa hồng thật oai phong.
Đến ngày hội, chàng trai cưỡi ngựa đi lẫn vào trong đám kỵ sĩ nên không ai nhận ra chàng. Công chúa bước ra và ném quả táo vàng vào chỗ kỵ sĩ. Chàng hứng bắt ngay được và phóng ngựa đi mất.
Ngày thứ hai, Hans sắt cho chàng mặc giáp trắng, cưỡi một con ngựa bạch. Lần này chàng cũng hứng bắt ngay được quả táo vàng, rồi thúc ngựa chạy mất.
Nhà vua nổi giận về chuyện đó nên phán:
– Thế là không được, người bắt được táo vàng phải đến trước ta thưa trình tên họ. Bằng không, nếu bỏ chạy sẽ bị rượt đuổi theo, nếu không tự ý quay lại thì sẽ bị đâm chết.
Đến ngày thứ ba, Hans sắt cho chàng một bộ giáp đen và một con ngựa ô. Lần này chàng cũng bắt hứng ngay được quả táo. Rồi chàng phóng ngựa chạy, nhưng quân sĩ của nhà vua liền đuổi theo.
Có một người đuổi theo sát, lao mũi kiếm đâm làm chàng bị thương ở chân, nhưng chàng vẫn chạy thoát, con ngựa hoảng sợ nên cứ nhảy chồm lên, làm chàng rơi cả mũ sắt, để lộ mái tóc vàng của chàng. Đám lính nhà vua quay ngựa về báo cho nhà vua biết tất cả mọi chuyện.
Hôm sau, công chúa hỏi dò người làm vườn về chàng trai kỳ lạ kia, bác ta nói:
– Đó là một anh chàng cú vọ lạ kỳ, anh ta cũng chỉ là một người làm vườn, thế mà lại được đi dự dạ hội mấy ngày liền, lại còn bắt được quả táo vàng mang về nhà và đưa cho trẻ con nhà tôi xem quả táo ấy.
Công chúa kể lại cho vua cha nghe. Vua truyền lệnh đòi chàng tới. Khi chàng đội mũ sắt, công chúa bước lại gần chàng, nhấc bỏ mũ ra, mái tóc vàng của chàng lộ ra, mái tóc vàng rũ xuống tận vai, mái tóc đẹp tới mức mọi người phải ngạc nhiên. Vua hỏi:
– Có phải ngươi chính là người kỵ sĩ ngày nào cũng đến dự hội, mỗi ngày một màu trang phục, và chính là người đón bắt được quả táo vàng phải không?
Chàng thưa:
– Dạ chính thần đó ạ, và đây là ba quả táo.
Chàng lấy táo từ trong túi ra dâng vua và nói:
– Nếu như hoàng thượng chưa tin, vết thương này có thể là một bằng chứng một người trong đám quân lính đuổi theo đã lao kiếm đâm làm thần bị thương ở chân. Chính thần cũng là người kỵ sĩ đã đến giúp hoàng thượng chiến thắng quân giặc.
– Nếu ngươi có những hành động thì chắc chắn ngươi không phải là người làm vườn, hãy nói cho ta biết thân sinh ngươi là ai?
– Thưa thân sinh của thần là vua một nước hùng cường, thần muốn có bao nhiêu vàng bạc châu báu thì thần sẽ có bấy nhiêu.
Vua nói:
– Giờ ta đã rõ, ta hàm ơn ngươi, vậy ta có thể làm gì đẹp lòng ngươi không?
Chàng đáp:
– Tâu hoàng thượng, thần mong được kết duyên cùng công chúa.
Công chúa mỉm cười nói:
– Chàng đi thẳng ngay vào việc, nhưng khi nhìn mái tóc vàng em biết ngay chàng không thể là người làm vườn.
Nàng bước tới gần và ôm hôn chàng.
Vua và hoàng hậu sinh ra chàng cũng tới dự hôn lễ, hai người tưởng chừng không bao giờ gặp lại hoàng tử, nay lại gặp đứa con trai nên hai người hết sức vui mừng. Trong lúc mọi người đang ngồi quanh bàn tiệc, bỗng nhiên ngưng tiếng nhạc, cửa lớn từ từ mở, một vị hoàng đế oai phong bước vào, theo sau là một đám đông tùy tùng. Hoàng để tới chỗ chàng trai, ôm hôn chàng và nói:
– Ta chính là Hans sắt, người bị phù phép và hóa thành người rừng hoang dã. Con đã giải thoát cho ta. Vậy tất cả vàng bạc châu báu ta có, ta cho con làm của hồi môn.
137. Ba công chúa đen
Thành phố kia bị quân địch bao vây. Chừng nào chưa đưa sáu trăm đồng tiền vàng thì chúng còn xiết chặt vòng vây. Trống nổi lên thông báo, ai có tiền mang ra nộp sẽ được làm thị trưởng thành phố.
Có hai bố con nhà kia đang ngồi câu cá. Quân địch tới bắt người con trai và đưa cho sáu trăm đồng tiền vàng.
Người cha đi và nộp tiền. Thành phố được giải tỏa. Quân thù kéo đi nơi khác. Bác đánh cá trở thành thị trưởng. Có tin loan báo, ai không gọi bác là “Ông thị trưởng” sẽ bị treo cổ.
Người con trai trốn được khỏi tay quân thù và chạy trốn vào khu rừng núi hiểm trở hoang vu. Núi bỗng tách ra, chàng bước vào một lâu đài đã bị hóa phép, mọi vật dụng như bàn ghế ghế dài ở đây toàn là màu đen. Bỗng có ba công chúa mặt trắng, ăn mặc toàn đồ đen bước tới, họ nói, chàng đừng có sợ, chàng có thể giải thoát cho họ. Chàng nói mình sẵn sàng nhưng không biết phải làm gì. Họ bảo, chàng không được nói chuyện với họ trong một năm và trong năm ấy cũng không được gặp mặt họ. Muốn gì chàng cứ nói, nếu được họ sẽ trả lời.
Được một thời gian thì chàng nói mình muốn về thăm cha. Họ nói, chàng có thể về thăm cha. Chàng nên thay quần áo và mang túi vàng đi theo. Tám ngày sau chàng phải có mặt ở đây. Chàng được đưa ra khỏi núi và trở về đông Ấn Độ. Chàng không tìm thấy cha ở trong túp lều ngày xưa. Chàng hỏi thăm mọi người xem bác đánh cá giờ ở đâu. Họ nói chàng không được gọi như thế nữa, bằng không chàng có thể bị treo cổ. Chàng tìm được nơi cha đang ở và nói:
– Bác đánh cá ơi, làm sao lại được sung sướng như thế này?
Người cha dặn:
– Con không được gọi thế nữa. Nếu các quan trong tòa thị chính nghe được, con có thể bị mang tới giá treo cổ!
Chàng không nghe lời dặn, cứ nói theo thói quen ngày xưa. Thế là chàng bị điệu ngay ra giá treo cổ. Tới đó chàng nói:
– Trời ơi, xin các quan cho tôi được về thăm túp lều của người đánh cá lần cuối.
Chàng được phép trở lại túp lều người đánh cá. Vào trong túp lều chàng lấy tạp dề bán cá mặc vào, rồi quay trở lại gặp các quan, chàng nói:
– Các quan nhìn xem, giờ có phải là con trai người đánh cá không? Tôi đã từng mặc nó để bán cá nuôi bố mẹ.
Mọi người nhận ra và xin lỗi chàng. Họ đưa chàng về tòa thị chính. Ở đây chàng kể cho mọi người nghe rằng chàng đi lạc vào trong rừng sâu, núi cao, núi tách ra và chàng bước vào một lâu đài đã bị hóa phép, mỗi thứ ở đó toàn màu đen. Bỗng có ba công chúa mặc toàn đồ đen bước tới, chỉ có mặt là trắng. Họ bảo chàng đừng sợ. Chàng có thể giải thoát cho họ. Nghe xong câu chuyện, bà mẹ bảo, cái đó báo hiệu điềm chẳng lành, con nên mang theo mấy cây nến và nhỏ mấy giọt nến đang chảy vào mặt họ.
Thời gian trôi đi nhanh chóng, hạn phải quay lại tới. Chàng trở lại lâu đài khi ba công chúa đang ngủ. Chàng nhỏ mấy giọt nến lên mặt họ. Cả ba người trở thành nửa trắng, nửa đen. Họ bật dậy và la:
– Đồ chó khốn kiếp, chúng ta sẽ trả thù! Chẳng có ai được sinh ra và mai sau sẽ chẳng có ai được sinh ra để giải thoát cho chúng ta. Chúng ta còn ba người anh trai đang bị xiềng bởi bảy cái. Các anh sẽ xé tan xác ngươi ra.
Bỗng có một tiếng thét vang khắp lâu đài. Chàng trai nhảy qua cửa sổ ra ngoài và bị gãy chân. Tòa lâu đài lún xuống sâu, núi khép lại. Không một ai biết tòa lâu đài ấy ở đâu nữa.
138. Klaus và ba đứa con trai
Ông Klaus sống ở trên đường nối giữa Werrel và Soest. Ông có ba người con trai, đứa thì mù, đứa thì liệt, còn đứa thứ ba thì trần như nhộng. Có lần cả ba đứa đi ra đồng, chúng trông thấy một con thỏ. Thằng mù thì nhắm bắn, đứa liệt bắt thỏ, còn thằng trần như nhộng thì cho thỏ vào túi. Rồi cả ba đi tới một con sông lớn. Ở đó có ba chiếc thuyền, chiếc thì bị nước dò chảy vào, chiếc thì đắm, chiếc thứ ba thì không có đáy.
Cả ba bước xuống chiếc thuyền không đáy. Thuyền đưa cả ba tới một cánh rừng rộng mênh mông, ở đó có một cây đại thụ, trong gốc cây là một nhà thờ lớn. Ở trong nhà thờ cha cố và người quản thủ đang vẩy cho nhau nước thánh bằng gậy.
Diễm phúc cho ai
Thoát được vài gậy
Nguyên văn:
Cha cố người nom như dây leo
Người quản thủ gầy trơ xương như cây hạt dẻ.
139. Cô gái vùng Brakel
Một hôm, có cô gái vùng Braken đến nhà thờ, cô tới chân bàn thờ nữ thần Anna – thần thổ công vùng Brakel- Cô nghĩ giờ này chắc không có ai, nên cô cất giọng hát:
Ôi nữ thần Anna,
Xin người linh ứng,
Cho con tấm chồng,
Mắt xanh, tóc vàng.
Tình cờ người trông coi nhà thờ lại đang đứng sau bàn thờ nghe được, anh ta cất giọng nghe như dế kêu:
Chẳng ai lấy cô đâu!
Chẳng ai lấy cô đâu!
Cô gái nghĩ là đứa trẻ mà thánh Anna đang bế nhạo mình. Bực mình cô gái mắng:
Đồ nhãi ranh kia,
Biết gì mà nói,
Để thánh ban ta,
Một tấm chồng đã.
140. Chuyện tán gẫu
– Này chị kia đi đâu thế?
– Tôi đi lên thượng giới.
– Thế thì cho tôi đi với, tôi cũng muốn lên thượng giới.
– Thế chị đã có chồng chưa? Chồng tên là gì?
– Chồng tôi tên là Thằn lằn châu Phi.
– Chồng chị tên là Thằn lằn châu Phi, chồng tôi cũng tên là Thằn lằn châu Phi, chúng ta cùng đi lên thượng giới.
– Thế chị có con không? Con tên là gì?
– Nó tên là Ghẻ lở.
– Con chị tên là Ghẻ lở, con tôi cũng tên là Ghẻ lở, chồng chị Thằn lằn châu Phi, chồng tôi Thằn lằn châu Phi, chúng ta cùng đi lên thượng giới.
– Thế chị có người hầu không? Người hầu tên là gì?
– Hài lòng hết chỗ nói là tên người hầu của tôi.
– Người hầu của chị Hài lòng hết chỗ nói, người hầu của tôi cũng Hài lòng hết chỗ nói. Con chị Ghẻ lở, con tôi Ghẻ lở, chồng chị Thằn lằn châu Phi, chồng tôi Thằn lằn châu Phi, chúng ta cùng nhau đi lên thượng giới.
141. Cừu non và cá con
Ngày xửa ngày xưa có hai anh em nhà kia mẹ mất sớm, hai anh em phải ở với dì ghẻ, mụ chẳng thương gì con chồng, tìm mọi cách để hành hạ hai đứa bé.
Cách nhà không xa là ao, rồi đến một bãi cỏ. Hai anh em cùng với trẻ con hàng xóm chơi đuổi bắt, vừa chơi chúng vừa hát:
Này sên hỡi, sên ơi,
Ta để ngươi sống sót,
Ngươi móc thóc cho chim,
Để chim móc rơm rạ,
Ta đem cho bò ăn,
Bò no căng cho sữa,
Ta nhào bột đưa lò,
Bác thợ làm bánh cho,
Mèo ăn no, bắt chuột
Chuột nhắt trèo hàng rào,
Cắn đứt dây chuột chạy.
Đám trẻ đứng thành vòng tròn, vừa vỗ tay vừa đếm hát, chữ đứt dây rơi vào ai thì người đó chạy ra khỏi hàng, những đứa trẻ khác chạy theo đuổi bắt.
Nhìn qua cửa sổ thấy đám trẻ nô đùa vui vẻ dì ghẻ lại càng bực mình. Vốn biết phép thuật của phù thủy mụ dì ghẻ phù phép biến bé trai thành con cá con và bé gái thành cừu non. Cá con buồn rầu, lặng lẽ bơi đi bơi lại trong ao, còn con cừu non buồn rầu cũng không kém, đi đi lại lại trên bãi cỏ nhưng chẳng hề đụng tới một ngọn cỏ nào cả.
Một thời gian dài trôi qua. Một hôm có khách tới chơi, mụ dì ghẻ độc ác nghĩ dịp may đã đến. Mụ gọi ngay đầu bếp lại và bảo:
– Ra ngoài bãi cỏ bắt con cừu vào làm thịt, hôm nay chẳng còn gì đãi khách.
Nghe lời đầu bếp dắt cừu vào bếp, trói bốn chân lại mà chẳng hề thấy cừu cựa quậy. Nhưng vừa mới rút dao ra liếc vào đá cho sắc để chọc tiết cừu thì bác đầu bếp nhìn thấy một con cá bơi đi bơi lại trong rãnh nước cống, thỉnh thoảng lại ngoi lên ngước nhìn bác. Khi thấy bác đầu bếp dẫn cừu đi cá liền lách theo lạch nước vào tận trong nhà. Đang mải nhìn cá bỗng bác nghe thấy tiếng người nói:
Anh ở trong ao sâu,
Biết đâu em đau khổ
Bác đầu bếp liếc dao,
Chọc cổ em làm thịt.
Cá con đáp:
Em gái anh nơi nao
Biết anh bao phiền muộn.
Nghe thấy cừu nói những lời buồn tủi với cá, bác đầu bếp giật mình sợ hãi, bác nghĩ, có lẽ đây không phải là cừu mà là người bị mụ chủ nhà độc ác phù phép hóa thành cừu. Định thần lại bác nói:
– Cứ yên tâm, ta không làm thịt ngươi đâu.
Bác bắt một con heo làm thịt để đãi khách, còn cừu bác dẫn tới gởi ở nhà một bà nông dân tốt bụng, bác kể cho bà nghe những điều tai nghe mắt thấy. Nghe chuyện bà biết ngay đó là ai, vì trước kia bà là vú nuôi của gia đình hai em bé. Bà dẫn cừu đến chỗ một bà mụ đỡ đầu. Bà đọc thần chú xong thì cừu và cá hiện nguyên hình thành người. Sau đó bà dẫn hai em tới một căn nhà nhỏ ở giữa một khu rừng lớn. Hai anh em sống ở đó tuy lẻ loi nhưng yên ổn và sung sướng.
142. Núi Simeli
Ngày xưa, có hai anh em nhà kia, người anh giàu có còn người em nghèo xác xơ, sống bằng nghề buôn thúng bán mẹt ở chợ phiên, có hôm ế hàng, không kiếm đủ đồng tiền bát gạo để nuôi vợ con.
Có lần người em đẩy xe đi trong rừng thì thấy bên đường sừng sững một quả núi trọc lớn mà anh chưa nhìn thấy bao giờ. Anh dừng chân lặng ngắm một cách hiếu kỳ.
Đang mải ngắm nhìn, anh chợt thấy có mười hai người cao lớn, dáng nom dữ tợn đi về hướng núi, anh đoán chắc đây là bọn cướp nên đẩy xe giấu vào trong bụi cây, rồi trèo lên cây cao ngóng nhìn. Mười hai người kia dừng chân trước núi và cất tiếng gọi:
– Núi Simeli, núi Simeli, hãy mở ra!
Tức thì quả núi trọc kia tách làm đôi để toán cướp đi vào, và sau đó núi từ từ khép lại. Chừng một lát sau lại thấy núi mở ra, và toán cướp đi ra, tất cả đứng trước núi đồng thanh nói:
– Núi Simeli, núi Simeli, hãy khép lại đi!
Hai nửa từ từ khép lại, và chẳng ai nhận biết được là có đường đi vào trong núi. Sau đó cả toán lên đường.
Đợi cho bọn cướp đi khuất hẳn, người em tụt từ trên cây xuống. Tính hiếu kỳ nổi lên, anh muốn biết ở trong ngọn núi kia có gì bí mật. Anh cũng đến trước núi cất tiếng gọi:
– Núi Simeli, núi Simeli, hãy mở ra!
Trước mặt anh quả núi từ từ mở ra. Anh bước vào, bên trong núi là một hang động chứa đầy vàng bạc, phía sau đống vàng bạc là đống ngọc và kim cương tỏa sáng óng ánh, lấp lánh, to như đống lúa. Người em không biết nên tính thế nào, liệu có được phép lấy chút đỉnh mang về hay không. Sau cùng anh nhặt đầy mấy túi vàng còn ngọc và kim cương anh không đụng đến. Khi ra khỏi hang anh cũng đứng trước núi bắt chước nói:
– Núi Simelii, núi Simeli, hãy khép lại đi!
Tức thì quả núi từ từ khép lại và anh đẩy xe về nhà. Từ đó anh không còn phải lo âu nữa, với số vàng lấy được anh đủ sức nuôi vợ con. Anh sống thoải mái và vui vẻ với mọi người, giúp kẻ nghèo khó, làm điều thiện. Lúc tiền tiêu đã hết, anh đi lấy thêm về để dùng và sang nhà người anh mượn cái đấu để đong, nhưng vẫn không đụng đến đống ngọc và kim cương.
Khi đi lấy vàng lần thứ ba, anh cũng mượn đấu của người anh. Lâu nay người anh vẫn ghen ghét và thèm muốn có tài sản và nhà cửa bề thế như của người em. Hắn thắc mắc không hiểu những của ấy ở đâu mà ra, và cũng không hiểu người em mượn đấu để làm gì. Lần này hắn nghĩ ra một kế, lấy nhựa thông quét trong lòng đấu. Và khi hắn nhận lại đấu thì có một mẩu vàng dính lại ở dưới đáy đấu. Lập tức hắn ta chạy sang nhà người em dò hỏi. Người em thành thật kể cho anh biết mọi chuyện.
Người anh liền cho đóng ngựa vào xe, rồi lập tức lên đường, nghĩ bụng mình phải lợi dụng cơ hội hiếm có này, lấy tất cả những gì có thể lấy được, kể cả ngọc và kim cương. Đến trước núi, hắn gọi:
– Núi Simeli, núi Simeli, hãy mở ra!
Núi từ từ mở, hắn vội bước vào. Tới trong hang hắn hoa mắt lên vì đống vàng bạc, ngọc và kim cương không còn biết nên lấy gì trước. Sau hắn chỉ lấy toàn kim cương, mãi đến lúc không thể mang được nữa mới thôi. Rồi hắn tính mang chiếc bao tải nặng ấy ra ngoài, nhưng tâm trí hắn rối bời về những của quý kia, hắn quên bẵng cả tên núi, nên gọi chệch đi là:
– Núi Dimeli, núi Dimeli, hãy mở ra.
Nhưng đó đâu phải là tên của núi mà núi chuyển mình, núi vẫn khép kín. Hắn trở nên hoảng hốt, càng vắt óc suy nghĩ thì hắn càng bối rối, đống của cải kia cũng chẳng giúp ích được gì.
Tối đến, núi từ từ mở và mười hai tên cướp đi vào. Nhìn thấy hắn, chúng cười ầm lên, hét:
– Chà, chú chim này, giờ thì chúng ta tóm được mi, mi đã vào đây ba lần, mi tưởng chúng ta không biết sao? Ba lần trước chúng ta chưa bắt được mi, nhưng lần này thì mi đừng có hòng mà thoát.
Hắn vội kêu:
– Những lần trước không phải là tôi, mà là em tôi đấy chứ!
Nhưng mặc hắn kể lể, van xin, toán cướp vẫn không tha tội chết.
143. Thích đi chu du thiên hạ
Ngày xưa có một bà già nghèo khó có một người con trai. Một hôm anh ta nói với mẹ là muốn đi chu du thiên hạ, bà mẹ nói:
– Con làm sao mà đi được, mẹ nghèo không có tiền cho con làm lộ phí.
Người con trai đáp:
– Con sẽ tìm cách xoay xở sống qua ngày, lúc nào con cũng khấn cầu: “Không nhiều, không nhiều, không nhiều.”
Gặp toán thuyền chài đang quăng lưới đánh cá anh ta nói:
– Mong trời phù hộ các người, không nhiều, không nhiều, không nhiều.
– Này, anh nói gì đấy.
Khi họ kéo lưới lên, mẻ lưới ít cá, họ liền lấy sào nện cho anh ta một trận nên thân và nói:
– Đã nhiều chưa hay không nhiều?
Anh ta hỏi:
– Thế tôi phải cầu khấn như thế nào?
– Anh phải nói: “Bắt được nhiều, bắt được nhiều.”
Anh ta lại tiếp tục cuộc hành trình của mình, giờ thì mồm lúc nào cũng lẩm bẩm:
– Bắt được nhiều, bắt được nhiều.
Đi qua chỗ dân làng đang hành hình một tên cướp, họ đang treo cổ nó lên, anh ta lại nói:
– Chúc dân làng bắt được nhiều, bắt được nhiều.
– Này anh nói gì đấy, bắt được nhiều hở? Một thằng chưa đủ khổ hay sao mà còn phải chúc thế?
Thế là dân làng xúm vào đánh cho anh một trận mềm xương sống.
Ngóc đầu lên anh ta hỏi:
– Thế tôi phải cầu khẩn như thế nào?
– Nói thế này này: Xin trời thương kẻ khốn khó.
Đi được một thôi đường anh thấy một tên trộm đang làm thịt ngựa lấy da. Anh ta lại nói:
– Chào anh bạn, xin trời thương kẻ khốn khó.
– Này, nói gì đấy, thằng khốn khiếp kia?
Rồi tên trộm tiện tay quật roi tới tấp vào mặt anh ta, làm cho xây xẩm cả mặt mày.
Anh ta còn hỏi:
– Thế tôi phải cầu chúc như thế nào?
– Chúc thế này này: Đồ chết toi nằm trong hố.
Rồi anh ta lại lên đường, mồm luôn nói:
– Đồ chết tôi nằm trong hố.
Đúng lúc ấy có một chiếc xe ngựa chở đầy khách đi qua, tới gần xe anh ta nói:
– Xin chào mọi người, đồ chết toi nằm trong hố.
Chiếc xe đang chạy bỗng đổ nghiêng xuống hố, người đánh xe ngựa chạy lại quật roi tới tấp vào chân anh ta.
Bị đòn đau quá, anh ta chỉ còn cách lết bò quay trở về nhà, từ đó anh ta không bao giờ mở mồm nói đến chuyện đi chu du thiên hạ nữa.
144. Hoàng tử lừa
Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua và hoàng hậu sống trong giàu sang tới mức, muốn gì cũng có, chỉ duy một nỗi không có con.
Hoàng hậu than thở ngày đêm và nói:
– Mình như thửa ruộng không có cây mọc!
Cuối cùng trời cũng thương tình, thuận cho sinh được một mụn con, nhưng nó chẳng giống những đứa trẻ khác, mà lại là một con lừa con. Khi nhìn thấy con lừa con, hoàng hậu than khóc om sòm, thà đừng có con còn hơn là có con lừa này và sai gia nhận tính đem ném nó xuống sông làm mồi cho cá.
Nhà vua nói:
– Không được, nếu trời cho vậy thì nó phải là con của ta và là người thừa kế ngai vàng sau khi ta khuất núi, nó sẽ đội vương miện trên đầu.
Con lừa được nuôi nấng chăm sóc cẩn thận nên lớn lên trông thấy. Hai tai nó vểnh lên thẳng đứng. Con lừa vui tính, nhảy tung tăng chơi đùa, đặc biệt nó rất thích nghe âm nhạc. Có lần nó tới chỗ người nhạc sĩ lang thang nổi tiếng và nói:
– Hãy dạy cho tôi cách đánh đàn để tôi có thể đánh được những bản nhạc hay như nhạc sĩ lang thang.
Người nhạc sĩ lang thang đáp:
– Trời ơi, mi làm sao mà học được. Ngón chân mi sinh ra đâu có phải để đánh đàn, nó to ơi là to! Ta chỉ sợ dây đàn không chịu nổi.
Cho dù bị thoái thác, nhưng lừa vẫn cứ khăng khăng đòi theo học và bền gan, chăm chỉ học đàn. Cuối cùng nó chơi đàn cũng hay như nhạc sĩ lang thang kia.
Có lần con lừa đi dạo chơi, nó tới gần một giếng nước. Nó cúi xuống nhìn thì thấy bóng mình là bóng con lừa. Nó rất buồn, nó tính đi chu du thiên hạ, nó đem theo một người hầu trung thành. Cả hai lên đường, đường gập ghềnh đồi núi, cuối cùng cả hai tới một vương quốc nơi có ông vua đã già, nhưng chỉ có một công chúa xinh đẹp, đồng thời là người con duy nhất. Tới trước hoàng cung, lừa nói:
– Chúng ta sẽ dừng chân ở nơi này.
Lừa ta gõ cổng hoàng cung và nói:
– Có khách tới, mở cửa cho khách vào nhé.
Đợi mãi không thấy cổng mở, lừa ta ngồi xuống, lấy đàn và dùng hai chân trước gảy đàn. Nghe tiếng đàn du dương, người gác cổng chạy vào tâu với nhà vua:
– Ngoài cổng hoàng cung có một con lừa đang ngồi gảy đàn, nó chơi hay như một nhạc sĩ lang thang cừ khôi.
Nhà vua phán:
– Thì mở cổng thành cho nhạc sĩ lang thang vào.
Lừa bước vào hoàng cung, dùng hai chân trước gảy đàn, cả hoàng cung cười ồ lên vì tiếng đàn do lừa đánh. Lừa ta được dẫn vào ăn cùng đám gia nhân, lừa không chịu và nói:
– Tôi đâu có phải là loại lừa vẫn nhốt trong chuồng, tôi là loại lừa quý tộc.
Mọi người nói:
– Nếu thế thì cho ăn chung với lính tráng.
Lừa đáp:
– Không, tôi thích ngồi bên cạnh nhà vua.
Nhà vua cười và nói:
– Cũng được, nếu thích thế thì hãy lại đây ngồi.
Sau đó nhà vua hỏi lừa:
– Lừa ơi, mi có ưng công chúa không?
Lừa quay lại phía công chúa nhìn, rồi gật đầu nói:
– Thưa có ạ, thần chưa thấy ai đẹp như thế.
Nhà vua bảo:
– Nếu vậy thì hãy lại ngồi bên cạnh công chúa.
Lừa thưa:
– Thần cũng mong được như vậy.
Lừa lại ngồi bên cạnh công chúa và ăn uống nom rất lịch thiệp.
Ở hoàng cung một thời gian, lừa quý tộc nghĩ:
– Những cái đó cũng chẳng giúp ích gì, ta trở về nhà thôi.
Lừa lững thững cúi đầu tới chỗ nhà vua và xin được cáo từ hoàng cung. Lâu nay nhà vua vẫn quý mến lừa nên nói:
– Lừa ơi, sao vậy? Nom mi buồn rười rượi, hãy ở lại bên ta, ta cho mi tất cả những gì mi muốn, có thích vàng không?
Lừa lắc đầu đáp:
– Không.
– Thế mi có thích ngọc ngà, châu báu không?
– Không.
– Ta cho mi nửa giang sơn này đấy, thế có ưng không?
– Chà, cũng không ạ!
Nhà vua nói:
– Thế mi vui sướng bởi cái gì nhỉ? Có thích lấy công chúa xinh đẹp không?
– Thưa vâng ạ. Điều đó thì thực lòng tôi thích.
Lừa ta vui tính hẳn lên, vì đó chính là điều nó mong ước. Đám cưới được tổ chức rất to và hết sức trang trọng. Đến tối, cô dâu và chú rể được dẫn tới phòng tân hôn. Nhà vua muốn biết cách cư xử của lừa nên để cho một gia nhân nấp ở trong phòng.
Khi đã vào trong phòng, chú rể ngó quanh một lượt. Khi tin là chỉ có hai người trong phòng, chàng ra cài then cửa. Rồi chàng vứt bỏ tấm da lừa trên người. Chú rể hiện nguyên hình là một hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Chàng nói:
– Giờ em thấy đó, anh cũng xứng vai phải lứa với em.
Cô dâu tươi cười ôm choàng lấy chú rể hôn với cả tấm lòng thương yêu. Nhưng khi trời vừa hửng sáng, chàng lại choàng tấm da lừa. Có lẽ chẳng ai biết được, cái gì ẩn giấu trong tấm da lừa kia.
Sáng vua cha tới thăm con gái, vua hỏi:
– Con lừa có vui tính không. Chắc con buồn phiền lắm nhỉ! Đó chẳng phải là một trang nam nhi thực thụ.
– Thưa vua cha, không, con không buồn. Con rất yêu quý anh ấy. Con muốn suốt đời ở bên anh ấy, con người tuyệt vời.
Nhà vua rất đỗi ngạc nhiên, tên gia nhân liền kể cho nhà vua những gì mình chứng kiến. Nhà vua nói:
– Không thể có chuyện đó được.
– Nếu vậy nhà vua cứ thức đêm để tận mắt xem những gì xảy ra. Nhà vua nên vứt ngay tấm da lừa vào trong lửa hồng để cho phò mã hiện nguyên hình.
Nhà vua nói:
– Lời khuyên của ngươi hay đấy.
Đêm khuya, khi cả hai đang ngủ say, nhà vua lẻn vào xem. Dưới ánh trăng, nhà vua thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú nằm bên công chúa, tấm da choàng để ngay sát bên giường. Nhà vua cầm tấm da ném vào ngọn lửa hồng và đứng đợi cho tới khi tấm da cháy hết chỉ còn lại tro. Nhà vua thức thâu đêm tới sáng để xem khi bị mất tấm da choàng thì phò mã sẽ ứng xử như thế nào.
Khi trời hửng sáng, chàng trai thức giấc, tính lấy tấm da choàng nhưng chẳng tìm thấy. Chàng hoảng hốt, than vãn:
– Thế thì chỉ còn cách trốn khỏi nơi này!
Chàng vừa mới bước ra thì gặp ngay nhà vua. Nhà vua nói:
– Con đi đâu mà vội vã thế. Con đang nghĩ gì vậy? Con hãy ở lại đây! Cha cho con nửa giang sơn này, và sau khi cha khuất núi thì cả giang sơn này là của con.
– Con mong rằng, bắt đầu tốt sẽ kết thúc tốt đẹp. Con ở lại đây với cha.
Nhà vua chia cho phò mã nửa giang sơn. Năm sau thì nhà vua băng hà. Phò mã cai trị cả giang sơn rộng lớn. Sau khi vua cha phò mã băng hà, phò mã được thừa kế cả giang sơn ấy nữa, và sống trong giàu sang phú quý.