Ngày xưa có một chàng chăn cừu trẻ tuổi muốn lấy vợ. Có ba chị em nhà kia, cả ba đều xinh và giống nhau như đúc. Anh chàng phân vân, không biết nên tỏ tình cùng ai. Anh ta hỏi mẹ về chuyện đó. Bà nói:
– Con mời cả ba cô đến. Đặt trước mỗi cô một miếng pho mát, con để ý xem các cô ấy cắt pho mát như thế nào?
Chàng trai làm đúng như lời mẹ dặn. Cô thứ nhất cắm đầu cắm cổ mà cắt, cắt pho mát để cả cùi, cô thứ hai cắt vội cắt vàng đến nỗi vất đi bao nhiêu là pho mát cùng với cùi, cô thứ ba gọt cùi cẩn thận, chỉ bỏ đi những phần cứng.
Chàng trai kể lại tất cả chuyện đó với mẹ, bà bảo:
– Con nên lấy cô thứ ba làm vợ.
Theo lời mẹ, chàng lấy cô thứ ba, chàng sống mãn nguyện hạnh phúc bên nàng.
Thẻ: Grim
156. Đám sợi rối
Ngày xưa có một cô gái xinh đẹp, nhưng phải cái lười biếng và cẩu thả. Nếu có phải kéo sợi thì cô làm rất miễn cưỡng, chỉ cần có một nút rối là cô dứt vò luôn cả nắm sợi ném xuống đất cạnh chỗ ngồi.
Cô có một người hầu gái, cô này rất chăm chỉ, hay tìm nhặt những quãng sợi vất đi, đem giặt sạch, se lại cho mịn và dệt được một chiếc áo đẹp.
Một chàng trai trẻ hỏi cô gái lười biếng làm vợ. Tối hôm làm lễ cưới, cô dâu thấy cô hầu gái chăm chỉ mặc chiếc áo đẹp khiêu vũ liền tỏ ý ghen ghét và nói:
– Chà, con bé nhảy nhót kia ơi. Sợi rối lại dệt áo tồi mặc ư?
Chú rể nghe thấy, hỏi cô dâu như thế có nghĩa thế nào? Cô dâu kể cho chàng biết là cô gái kia mặc chiếc áo dệt bằng sợi chính tay cô vứt đi.
Chú rể nghe chuyện mới biết người lười biếng chính là cô dâu, người chăm chỉ chính là cô gái nghèo. Chàng liền bỏ cô dâu đứng đó, tới chỗ cô gái nghèo chăm chỉ và chọn cô làm bạn đời.
157. Chim sẻ mẹ và bốn con
Chim sẻ đẻ được bốn con nuôi trong tổ của chim én. Khi chim non mới biết bay thì ngày kia có lũ trẻ tinh nghịch trèo lên phá tổ. Bốn con chim non bay tán loạn, may mà chúng bay thoát được. Chỉ có chim mẹ là khổ tâm, nghĩ mà thương lũ con tội nghiệp chưa được dạy dỗ đến nơi đến chốn để đủ khả năng tự vệ mỗi khi có khó khăn, nguy hiểm.
Mùa thu đã tới, trên cánh đồng lúa kia có rất nhiều chim sẻ sà xuống ăn, tình cờ chim mẹ lại gặp bốn đứa con của mình. Thế là cả năm mẹ con bay về tổ. Chim mẹ nói:
– Trời, các con thân yêu của mẹ. Các con có biết mẹ lo lắng như thế nào trong suốt mùa hè không? Các con bay đi tha phương cầu thực trong lúc các con còn non nớt, chưa biết cách đi kiếm ăn mà không bị mắc bẫy.
Rồi chim mẹ hỏi đứa con cả sống và kiếm ăn ở đâu trong suốt mùa hè vừa qua. Nó thưa:
– Thưa mẹ, con núp trong vườn, bắt giun, châu chấu sống qua ngày, đợi tới khi anh đào chín.
Mẹ nói tiếp:
– Trời ơi, khổ thân con tôi. Những thứ ấy ăn cũng ngon đấy, nhưng đừng tưởng không nguy hiểm đâu, từ nay trở đi hãy lưu ý nhé: người ta thường đặt bẫy thòng lọng mà mồi là châu chấu hay giun đấy.
Đứa con nói:
– Con xin nghe lời mẹ, có khi người ta còn gắn lá ngụy trang bẫy nữa.
Chim sẻ mẹ hỏi:
– Thế con nhìn thấy nó ở đâu?
– Ở trong vườn của một nhà buôn.
– Trời, con tôi, lái buôn là gian ngoan lắm đấy. Thế thì có lẽ con đã đi khắp đó đây rồi còn gì nữa, con khôn lớn rồi, nhưng hãy dùng trí khôn cho đúng chỗ nhé, cũng đừng có ỷ thế mình khôn mà thiếu cảnh giác nhé.
Sau đó chim mẹ hỏi đứa khác:
– Con đã sống ẩn núp ở đâu?
Đứa con thưa:
– Thưa mẹ ở trong sân vườn một nhà nông dân.
– Chim sẻ và những loài chim yếu đuối khác không nên kiếm ăn ở đây. Chỗ ấy thì đủ các loại chim sà xuống kiếm ăn, thậm chí cả cú vọ, chim cắt, chim ưng. Tốt nhất là con kiếm ăn ở máng thức ăn của bò ngựa hay ở chỗ người ta xay lúa. Kiếm ăn cả ở những nơi ấy nghe chừng là yên thân hơn cả.
Đứa con thưa:
– Thưa mẹ, vâng đúng thế ạ. Đám trẻ chăn bò hay đặt bẫy trong đống rơm, thỉnh thoảng cũng có chim bị bẫy thòng lọng của chúng.
Chim mẹ hỏi:
– Thế con nhìn thấy cái bẫy đó ở đâu?
– Thưa mẹ, ở trong sân, chỗ thường có đám trẻ chăn bò, ngựa.
– Trời con tôi, con có biết không, đám trẻ ấy là tinh nghịch lắm. Con đã từng ở những nơi ấy mà không toi mạng thì con cũng giỏi đấy, thế thì kẻ khác cũng chẳng dễ gì mà bắt nạt được con. Nhưng con cũng phải hết sức cảnh giác nhé, thường chính những con chó dữ và khôn lại bị chính chó sói ăn thịt.
Chim mẹ gọi chim con thứ ba tới hỏi:
– Con kiếm ăn ở đường đi lối lại, lúc thì kiếm được hạt thóc, lúc thì bắt được con châu chấu.
Chim mẹ nói:
– Những thứ ấy ăn cũng ngon đấy, nhưng đặc biệt lưu ý mỗi khi thấy có người cúi xuống nhặt đá nhé, chỉ cần một viên đá là con hết đời đấy.
Đứa con nói:
– Thưa đúng thế ạ. Nhiều người lại còn giấu đá trong túi áo hay túi quần nữa chứ.
– Thế con nhìn thấy họ ở đâu?
– Thưa mẹ, con thấy ở đám con nhà thợ mỏ ạ. Mỗi khi chúng đi đâu, bao giờ chúng cũng mang theo đá.
– Ái chà chà, đám trẻ ấy thì phải nói. Con đã từng ở những nơi ấy thì con đã biết đủ mùi rồi còn gì. Kiếm ăn ở đường đi lối lại cũng tốt, nhưng lưu ý nhé, đám con nhà thợ mỏ có khi dùng nó bắt được chim sẻ đấy.
Sau cùng mẹ hỏi đứa út:
– Nào đứa con hay ốm yếu của mẹ, thôi con sống bên mẹ nhé, ở đời này còn nhiều loài chim ăn thịt lắm, con mỏ dài, con mỏ quặp, con có vuốt sắt, chúng chỉ chuyên bắt những con chim yếu đuối, khờ dại, bắt được con mồi là chúng ăn sống nuốt tươi ngay. Thôi con cứ ở quanh quẩn bên mẹ, kiếm ăn ở mấy cây và sân nhà là yên ổn hơn cả.
– Thưa mẹ, ai làm ăn lương thiện sẽ sống lâu, và cũng chẳng có con vật nào muốn hại những người lương thiện ấy, cho dù đó là lươn, là cò hay là chim ưng đi chăng nữa.
– Con học điều đó ở đâu đấy?
Đứa con đáp:
– Gió đã đưa con đi đây đi đó, tới cả nhà trường nữa. Trong lúc mải bắt nhện ở mái hiên nhà trường con có nghe được câu nói đó. Có một con chim đầu đàn của bầy chim sẻ đã dạy dỗ nuôi nấng và bảo vệ con trong suốt mùa hè qua.
– Nghe con nói có thể tin được, bắt ruồi, nhện cũng là việc tốt. Ở đời là vậy đấy, ở hiền gặp lành, cho dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa thì những người ăn ở nhân nghĩa vẫn cứ gặp may.
Tin ở nơi mình
Sống bằng tình nghĩa
Sự đời là vậy.
Ở hiền gặp lành,
Ác giả, ác báo.
158. Chuyện cổ tích về xứ Schlauraffen
Thời thượng cổ tôi có tới vùng này, tôi thấy thành Rom và cung điện giáo hoàng treo lơ lửng trong không trung bằng một sợi lụa nhỏ xíu, và một người không chân chạy vượt một con ngựa đang phi nước đại, rồi một lưỡi kiếm cùn đâm xuyên suốt qua một chiếc cầu. Hồi đó tôi còn thấy một con lừa mũi bạc chạy sau hai con thỏ, và những chiếc bánh ga tô tròn nóng hổi mọc từ thân một cây bồ đề cổ thụ. Chính mắt tôi nhìn thấy một con dê cái già gầy giơ xương có khối mỡ một vạn cân và khối muối ăn chứa trong thịt nặng sáu nghìn cân. Bạn thấy chuyện có bịa không?
Chính mắt tôi nhìn thấy lưỡi cày cày ruộng băng băng mà chẳng có bò ngựa nào kéo cả, và một em bé tròn một tuổi ném bốn cái cối xay bay từ vùng Regenburg về tận Trier rơi xuống thành phố Strassburg, và một con chim kền kền bơi qua sông Rhein một cách ngon lành. Hồi đó tôi nghe thấy cá nói chuyện với nhau nghe vang khắp trời đất, mật ong thơm ngon chảy như nước lã, chảy từ trong thung lũng sâu dưới núi chảy ngược lên ngọn núi cao. Bạn có thấy những câu chuyện ấy lạ kỳ chưa?
Chỉ có hai con quạ mà cắt hết một cánh đồng cỏ, và tôi thấy hai con muỗi đang xây một chiếc cầu, lại có hai con bồ câu đang làm lông một con chó sói, có hai em bé lấy dê con ném nhau, lại có hai con ếch đứng thi nhau đập lúa, có hai con chuột đang ngồi cầu kinh, hai con mèo cào lôi lưỡi một con gấu. Lúc đó có con sên chạy vội tới đánh chết hai con sư tử hung dữ, có một người thợ cạo đang cạo râu cho một người phụ nữ, có hai đứa bé đang bú nói mẹ ngồi im, có hai con chó săn khiêng một cái cối xay từ dưới nước lên và con ngựa già đứng đó nom thấy thế nói rằng: “Hai con chó săn khỏe thật”; ở trong sân có bốn con ngựa to khỏe ráng sức đập lúa sót ở rơm, và hai con dê cái đang lụi hụi đốt lò, và con bò màu đỏ đút bánh vào lò nướng. Giữa lúc đó có con gà trống cất tiếng gáy:
– Ki-kơ-ri-ki, chuyện kể đến đây là hết, ki-kơ-ri-ki.
159. Chuyện cổ tích tưởng tượng ở miền Đithmarsen
Tôi muốn kể cho các bạn nghe vài câu chuyện. Tôi nhìn thấy hai con gà quay bay, bay rất nhanh, bụng chúng đội trời, lưng quay về mặt đất. Và một cái đe cùng với phiến đá cối xay nhẹ nhàng bơi qua sông Rhein.
Tôi thấy một con ếch ngồi trên mặt nước đóng băng và ăn chiếc lưỡi cày trong dịp lễ Giáng sinh. Rồi lại có ba chàng chống nạng và đi cà kheo nhưng muốn đuổi bắt một con thỏ, người thứ nhất mù, người thứ hai câm, và người thứ ba không cử động được chân. Các bạn có muốn biết câu chuyện xảy ra như thế nào không? Đầu tiên anh mù thấy thỏ chạy băng qua cánh đồng, anh câm gọi anh chàng bị liệt tới và anh chàng bị liệt này tóm ngay lấy cổ chú thỏ.
Lại có vào người muốn đi thuyền buồm trên cạn, họ giương buồm hứng gió và thuyền lướt qua những cánh đồng rộng mênh mông, họ cho thuyền lướt qua một ngọn núi cao và tất cả đều bị chết đuối rất thảm thê.
Có một con tôm hùm săn bắt một con thỏ làm thỏ phải chạy trốn.
Và tít trên mái nhà có một con bì cái leo lên nằm. Ở đó, con ruồi to như những con đê ở nước ta.
Các bạn hãy mở cửa sổ ra để cho những chuyện tưởng tượng ngược đời ấy bay đi.
160. Chuyện đánh đố
Ba phụ nữ kia hóa thành hoa trên đồng nội. Đêm đêm, một trong ba người được về nhà đoàn tụ gia đình. Có một chị dặn chồng:
– Sáng ngày mai anh ra hái hoa, như vậy là em đã được giải cứu để sống bên anh.
Trước khi trời sáng chị ta phải rời nhà và lại hóa thành một bông hoa đứng trên đồng nội.
Nhưng làm thế nào để nhận ra được?
Cả ba bông hoa đều giống nhau như hệt.
Thực ra cũng chẳng có gì là khó: Hai bông hoa đứng trên đồng nội trong buổi tối sẽ có sương đọng ở trên, còn bông hoa kia thì không có.
161. Bạch Tuyết và Hoa Hồng
Ngày xưa, có một người đàn bà góa nghèo khó sống cô quạnh trong một túp lều tranh. Trước lều tranh là một cái vườn có hai cây hồng, một cây ra hoa hồng trắng, còn cây kia lại ra hoa hồng đỏ. Bà có hai cô con gái nom đẹp như hai cây hoa hồng. Vì vậy bà đặt tên cho một cô là Bạch Tuyết và cô kia là Hồng Hoa.
Hai cô bé tính tình vui vẻ, nết na, cần cù, làm việc không hề biết mỏi, trên trần gian này thật hiếm có những đứa trẻ như vậy. Bạch Tuyết tính tình dịu dàng, thùy mị hơn Hồng Hoa. Hồng Hoa hay tung tăng chạy nhảy trên bãi cỏ và ngoài đồng để hái hoa, bắt bướm. Ngược lại, Bạch Tuyết luôn luôn ở nhà với mẹ, giúp mẹ trong công việc nội trợ, nếu không có việc gì nữa cô lấy sách đọc truyện cho mẹ nghe. Hai chị em thương yêu nhau lắm, đi đâu cũng dắt tay nhau. Khi Bạch Tuyết nói:
– Chị em chúng ta chẳng muốn sống xa nhau.
Thì Hồng Hoa nói tiếp:
– Suốt đời chúng ta chẳng muốn xa nhau.
Bà mẹ còn dặn hai con:
– Có gì ăn các con cũng phải chia nhau nhé.
Hai chị em hay đi tha thẩn chơi một mình trong rừng hái quả dâu rừng. Không có một con thú rừng nào có ý hại hai em, chúng mon men lại gần hai em; thỏ ăn lá bắp cải trên tay các em, hoẵng đứng ngay bên cạnh hai em thản nhiên gặm cỏ, hươu nhảy nhót tung tăng qua lại, chim đậu trên cành hót líu lo nghe đến vui tai. Chẳng có chuyện gì xảy ra với hai em cả, nếu hai em có mải chơi trong rừng mà trời đã tối thì hai em nằm sát bên nhau trên rêu và ngủ luôn cho đến sáng. Bà mẹ biết vậy nên cũng chẳng bận tâm lo lắng gì.
Có lần hai chị em ngủ lại trong rừng. Khi trời rạng đông hai em tỉnh giấc thì nhìn thấy một cậu bé xinh đẹp mặc quần áo trắng toát ngồi bên cạnh chỗ mình nằm. Cậu bé thấy hai cô thức giấc liền đứng dậy nhìn hai cô trìu mến và đi vào trong rừng. Hai chị em nhìn quanh thì thấy mình nằm ngủ ngay bên cạnh một vực thẳm mà đêm qua cả hai không nhìn thấy, chỉ cần bước thêm vài bước chắc chắn hai cô đã rơi xuống đấy. Nghe chuyện, mẹ bảo hai cô, chắc đó là thiên thần xuống canh cho những trẻ ngoan ngủ được yên lành.
Bạch Tuyết và Hồng Hoa chăm nom, quét tước nhà cửa sạch sẽ trông đến vui mắt. Việc thu dọn, nội trợ trong mùa hè do Hồng Hoa đảm nhận. Sáng nào cũng vậy, trước khi mẹ thức giấc, cô đã đi ra vườn hái hoa và đặt trước giường mẹ một lọ hoa có một bông hồng trắng và một bông hồng đỏ. Mùa đông thì Bạch Tuyết đốt lò sưởi, treo nồi lên bếp lửa, chiếc nồi bằng đồng thau cô đánh kỹ nên bóng nhoáng như vàng. Tối tối, khi hoa tuyết rơi, mẹ bảo:
– Bạch Tuyết, con hãy ra cài cửa lại.
Rồi ba mẹ con ngồi bên bếp lửa. Mẹ đeo kính, lấy quyển sách to đọc chuyện cho cả nhà nghe. Hai con gái vừa ngồi kéo sợi vừa nghe. Nằm cạnh đó là một con cừu con, đằng sau có một con chim bồ câu trắng đang rúc đầu vào cánh mà ngủ.
Một buổi tối, khi thấy mẹ con đang quây quần bên nhau nghe chuyện thì có tiếng gõ cửa, tiếng gõ dồn dập như người nào đó cần được vào nhà ngay. Mẹ bảo:
– Hồng Hoa, con chạy mau ra mở cửa, chắc đó là khách bộ hành tìm chỗ trú đêm đấy.
Hồng Hoa chạy ra, kéo then cài cửa, nghĩ bụng: chắc lại là một người nghèo khổ nào đó. Ai ngờ đó lại là một con gấu thò cái đầu to tướng và đen sì vào trong nhà. Hồng Hoa thét lên và lùi lại. Dê kêu be be, chim bồ câu vỗ cánh và Bạch Tuyết trốn sau giường mẹ.
Nhưng gấu lại biết nói, gấu nói:
– Các em đừng sợ, tôi không làm gì các em đâu, tôi rét cóng cả người, tôi chỉ muốn sưởi nhờ ở đây một lát.
Bà mẹ bảo gấu:
– Tội nghiệp gấu quá, lại gần lửa mà sưởi, cẩn thận kẻo cháy lông đấy.
Rồi bà gọi con:
– Bach Tuyết, Hồng Hoa, ra đi con, gấu không làm gì các con đâu, gấu rất hiền đấy.
Rồi hai em chạy lại, dần dần cừu và chim bồ câu cũng tới gần, không còn sợ gấu nữa.
Gấu nói:
– Các em hãy rũ tuyết bám ở lông xuống hộ tôi nhé.
Hai em lấy chổi, rồi quét sạch tuyết bám trên lông gấu. Gấu nằm duỗi người ra cho gần lửa, kêu gừ gừ tỏ vẻ sung sướng, dễ chịu. Chẳng mấy chốc hai em đã làm quen với gấu, đùa giỡn với người khách ngờ nghệch vụng về. Hai em lấy tay véo lông gấu, để chân lên lưng gấu, vờn gấu sang trái rồi sang phải, hoặc còn nghịch hơn là lấy cành dẻ làm roi quật gấu, và hễ gấu gừ gừ là các em cười khoái chí.
Gấu cũng thích để hai em nghịch như vậy, nhưng khi hai em nghịch quá thì gấu nói:
Bạch Tuyết, Hồng Hoa!
Đùa chơi thì được các em,
Giết người yêu quý xem chừng không nên.
Đã đến giờ ngủ, khi các em đã đi ngủ, bà mẹ bảo gấu:
– Con có thể nằm lại bên bếp lửa sưởi, tránh được giá lạnh và thời tiết xấu.
Trời vừa hửng sáng, các em mở cửa cho gấu ra, gấu đạp tuyết đi vào trong rừng.
Từ đó trở đi, tối nào cũng vậy, cứ đúng giờ ấy gấu lại tới nằm bên bếp lửa và để cho hai cô bé tha hồ đùa giỡn. Lâu dần thành thói quen, cả nhà đợi lúc nào anh chàng lông đen tới mới cài then cửa.
Mùa xuân đã đến, khắp mọi nơi cây lại xanh tươi, vào một buổi sáng, gấu nói với Bạch Tuyết:
– Bây giờ anh phải ra đi. Suốt mùa hè anh không thể lại đây được.
Bạch Tuyết hỏi:
– Thế anh đi đâu, anh gấu thân yêu?
– Anh phải vào rừng để trông coi của cải của anh kẻo những thằng lùn gian ác lấy trộm mất. Mùa đông đất rắn lại do băng giá, thì bọn lùn đành phải ở lại dưới lòng đất, không sao chui lên được. Nhưng nay mặt trời mùa xuân làm tan băng giá, đất mềm ra, chúng sẽ chui lên được và sẽ lùng sục, tìm cách ăn trộm. Cái gì đã vào tay chúng và đã nằm trong sào huyệt của chúng thì khó lòng mà lấy lại được.
Bạch Tuyết rất buồn vì phải chia tay gấu. Lúc em kéo then cài cửa và lúc gấu né người để ra cổng vì mắc chốt cửa nên trầy một miếng da, Bạch Tuyết thấy hình như có vàng lấp lánh dưới da gấu, nhưng em đâu có biết chuyện riêng của gấu. Gấu rảo bước rồi khuất bóng sau cây rừng.
Ít lâu sau mẹ sai hai em vào rừng nhặt cành cây về làm củi. Trong rừng hai em nhìn thấy một cây cổ thụ đổ nằm trên mặt đất, ở đám cỏ gần gốc cây có vật gì đó đang nhảy lên nhảy xuống. Hai em không biết là cái gì. Khi hai em lại gần thì thấy một người lùn, khuôn mặt già nua, có bộ râu dài trắng như tuyết. Râu bị mắc kẹt vào một kẽ thân cây, người lùn nhảy lung tung nhưng càng nhảy càng vướng vít, không biết cách gỡ ra sao. Hắn quắc đôi mắt đỏ ngầu nhìn hai em trừng trừng và quát:
– Tụi bây đứng đó làm gì? Sao không tới đây giúp tao một tay?
Hồng Hoa hỏi:
– Bác làm gì mà đến nông nỗi vậy, bác người lùn?
Người lùn đáp:
– Cái con ngỗng ngu si, tò mò kia, tao muốn bổ cây để có củi nhỏ đun bếp, đun củi to thì cháy mất thức ăn. Chúng tao chỉ ăn có chút xíu chứ đâu phải nuốt chửng ngốn ngấu như tụi tham ăn, tham uống tụi bây. Tao đã chêm vào một cách chắc chắn, tưởng chừng mọi chuyện sẽ êm xuôi, ai ngờ cái gỗ chết tiệt kia trơn quá, chêm bị văng ra, nhanh như chớp khe gỗ khép kín lại làm cho chòm râu bạc đẹp đẽ của tao mắc kẹt lại không lôi ra được. Có thế mà tụi bây lại cười, lũ nhãi ranh ngu ngốc còn hôi sữa kia, tụi bây không biết xấu hổ hay sao?
Hai em cố hết sức, nhưng không làm sao kéo được chòm râu ra, vì nó bị kẹp chặt quá.
Hồng Hoa nói:
– Để tôi chạy đi gọi người đến giúp.
Thằng lùn khàn giọng quát:
– Đồ cừu điên dại, ai lại đi gọi người tới giúp, tụi bây hai người là thừa sức giúp rồi còn gì, tụi bây không nghĩ ra kế gì hay hơn à?
Bạch Tuyết nói:
– Bác đừng sốt ruột, tôi đã có cách.
Rồi em lấy kéo nhỏ trong túi ra và cất sát chỗ râu bị kẹt.
Thấy mình đã thoát nạn, thằng lùn nhấc chiếc bị đựng đầy vàng nằm trong đám rễ cây và càu nhàu:
– Đồ mất dạy, tụi bây cắt mất một đoạn của bộ râu kiêu hãnh của ông! Quỷ sẽ hành hạ tụi bây.
Nói rồi hắn quẩy bị lên vai đi thẳng không thèm quay lại chào hai em lấy một câu.
Sau đó ít lâu, Bạch Tuyết và Hồng Hoa muốn đi câu cá. Khi hai em tới gần bờ suối thì thấy có cái gì như con châu chấu to muốn nhảy xuống uống nước. Hai em chạy lại thì nhận ra ngay thằng lùn hôm nọ. Hồng Hoa hỏi:
– Bác làm chi vậy, chắc bác không muốn nhảy xuống uống nước chứ?
Thằng lùn thét lên:
– Tao đâu có điên dại như vậy, tụi bây không mở mắt ra mà trông, con cá khốn khiếp nó tính kéo tao xuống.
Thì ra thằng lùn ngồi ăn ở đó, rồi ngồi câu cá. Nhưng không may, gió thổi cuộn luôn râu nó vào cước câu, ngay lúc đó có một con cá to cắn câu, thằng lùn không đủ sức kéo cá lên, cá khỏe hơn cứ thế kéo giật thằng lùn xuống nước. Thằng lùn đã bám lấy cỏ, sậy nhưng cũng chẳng giúp ích bao nhiêu, nó vẫn bị cá kéo và đúng lúc nó sắp bị cá kéo xuống nước, thì hai em đi tới. Hai cô bé giữ chặt dây câu nhưng không được, vì hai thứ đã rối chặt vào nhau, chả còn cách nào khác là phải dùng tới kéo, và tất nhiên một đoạn râu nữa lại bị cắt. Thằng lùn thấy vậy kêu lên:
– Đồ ranh con, có phải đó là cách chơi không, ai lại đi làm méo mó mặt mày người ta thế? Chơi thế chưa đủ hay sao, ở đằng kia tụi bây cắt đoạn dưới, giờ cắt tiếp đoạn râu đẹp nhất của tao, làm cho tao không dám để đồng bọn nhìn thấy mặt nữa. Tao cầu cho tụi bây phải chạy tới bật gót giày thì thôi.
Rồi lấy túi ngọc trai để trong đám sậy và không thèm nói thêm nửa lời, nó vác túi lên vai đi thẳng và lẩn sau một hòn đá lớn.
Một hôm khác, mẹ sai hai chị em ra tỉnh mua kim, chỉ và dây băng. Con đường qua một vùng toàn những bụi cây con thấp lè tè, nhưng đây đó thỉnh thoảng có những tảng đá lớn. Hai cô bé nhìn thấy một con chim to bay liệng mãi trên đầu mình, rồi sà xuống một phiến đá. Tức thì hai cô nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết. Hai cô chạy tới và rất sợ hãi khi nhận ra đại bàng đã quặp lấy thằng lùn mà hai cô đã quen mặt. Đại bàng định tha nó đi. Hai cô gái vốn thương người vội níu chặt lấy thằng lùn, giằng co mãi cho tới khi chim phải buông mồi ra. Nhưng khi đã hoàn hồn, thằng lùn lại quay ra quát mắng:
– Chúng bay đồ hư hỏng! Đồ vụng về thô kệch! Có đời thuở nhà ai lại cứ thế mà cắm cổ kéo làm cho chiếc áo mỏng của người ta rách bươm ra thế này.
Rồi nó cắp túi ngọc, len lỏi qua các kê đá chui vào hang.
Hai cô đã quen với tính bạc bẽo của nó, cứ thế đi thẳng ra tỉnh làm cho xong phần việc mẹ giao.
Khi về hai cô cũng qua vùng đồng hoang ấy. Thằng lùn ngạc nhiên không ngờ muộn rồi mà vẫn có người đi qua. Nó đang đổ những viên ngọc ra một chỗ đất sạch. Dưới ánh nắng chiều hôm, ngọc lóng lánh tỏa muôn màu sắc làm hai cô tò mò đứng lại xem.
Thằng lùn quát:
– Chúng bay đứng đó làm gì, lũ khỉ kia.
Mặt nó vốn trông ềnh ệch nay đỏ lên vì tức giận.
Hắn toan chửi tiếp thì bỗng có tiếng gừ gừ nghe kinh hồn, một con gấu đen từ trong rừng bước ra. Thằng lùn hoảng hồn nhảy chồm dậy, tính chạy về hang nhưng không kịp, gấu đã đứng ngay bên cạnh. Thằng lùn sợ hãi, van xin:
– Ông gấu kính mến, ông tha cho tôi, tôi xin biếu tất cả châu báu, ông thấy những viên ngọc đẹp chưa. Xin ông để cho tôi sống, cái thằng nhỏ bé, gầy gò ăn không bõ nhét răng. Ông xơi hai con ranh gian xảo kia, thịt chúng mềm và béo như thịt chó đồng ấy, xin ông cứ xơi.
Gấu không thèm để ý tới những lời van xin của nó, thẳng cánh tát ho tên gian ác một cái khiến nó chết thẳng cẳng.
Hai cô gái chạy trốn, nhưng gấu gọi theo họ:
– Bạch Tuyết, Hồng Hoa ơi, đừng sợ, đợi anh đi cùng với các em.
Hai cô nhận ra tiếng gấu bèn đứng lại. Khi gấu tới gần hai cô, bỗng nhiên bộ lông gấu rơi xuống, gấu đã biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, quần áo mặc toàn bằng vàng.
Chàng trai nói:
– Anh là hoàng tử. Thằng lùn độc ác kia đã ăn trộm những của quý của anh, rồi phù phép biến anh hóa ra gấu chạy trong rừng tới khi nó chết mới được giải thoát. Giờ thì nó đã được nhận sự trừng phạt đáng với tội của nó.
Bạch Tuyết kết hôn với hoàng tử, Hồng Hoa với em hoàng tử, rồi bốn người chia nhau số của cải mà thằng lùn tha về cất giấu trong hang của nó.
Bà mẹ già còn sống nhiều năm yên vui cùng với các con gái mình. Hai cây hồng bà đem theo trồng ngay trước cửa sổ, năm nào hai cây cũng trổ những bông hoa hồng trắng và đỏ nom thật đẹp.
163. Người đầy tớ thông minh
Chú sẽ sung sướng biết nhường nào khi có một người hầu thông minh, không những biết nghe lời chủ mà còn biết giải quyết mọi công việc một cách thông minh, sáng tạo. Một người thông minh như vậy chính là Hans. Có một lần chú bảo Hans đi tìm bò. Đợi mãi mà chẳng thấy Hans về, chú nghĩ bụng:
– Hans trung thành của ta chắc chắn chẳng quản khó nhọc để làm xong việc.
Gắng đợi hoài, đợi mãi chẳng thấy tăm hơi gì cả, chủ đâm ra lo và nghĩ chắc có chuyện gì rủi ro. Chủ đi tìm. Đi kiếm hoài, cuối cùng thấy Hans đang đi đi lại lại ở phía xa. Chủ đi lại phía ấy và gọi:
– Này Hans, có tìm thấy bò không?
Hanxơ đáp:
– Không thấy, thưa ông chủ. Tôi không đi tìm và cũng chẳng trông thấy bò.
– Này Hans, thế ngươi đi tìm cái chi?
– Dạ, tìm xem có cái gì hay hơn thế không, rất may là tôi tìm thấy.
– Cái đó là cái gì?
– Tôi thấy ba con sáo.
– Thế nó đâu cả rồi?
Hans thản nhiên đáp:
– Một con thì tôi nhìn thấy, con khác thì tôi nghe thấy nó hót, còn con thứ ba tôi đang đuổi bắt nó.
Hans khôn ngoan của chúng ta thông minh sáng tạo như thế đấy.
163. Cỗ quan tài thủy tinh
Bạn đừng nói với ai rằng, một người thợ may nghèo khó không bao giờ đạt được tới những vinh hạnh cao sang. Người đó chỉ có thể là một người thợ cả tài ba. Nhưng vấn đề chính ở đây là gặp may.
Xưa có anh thợ may nghèo, tính tình dễ thương, sống ngăn nắp đi hành nghề khắp mọi nơi. Tới cánh rừng rộng bao la kia, vì không biết đường nên anh bị lạc. Bóng đêm rủ xuống khắp cánh rừng, giữa chốn hoang vu lạnh lẽo ấy, anh chỉ còn cách cố tìm lấy một chỗ trú thân. Chắc chắn là anh ta có thể nằm trên thảm rêu mà ngủ nhưng thú dữ đâu có để cho yên. Cuối cùng anh quyết định trèo lên cây trú cho qua đêm. Anh trèo lên một cây sồi cao và trèo lên tận ngọn. Anh khấn vái nhờ ơn chúa mà anh không bị gió thổi mạnh ào ào cuốn đi.
Ngồi run rẩy và lo sợ khoảng mấy giờ trong bóng tối, chợt anh nhìn thấy ánh đèn ở cách đấy không bao xa. Anh nghĩ bụng, chắc trong nhà có người ở, ta đến đấy ngủ nhờ thì tốt hơn là ngủ trên cành cây. Anh tụt từ từ xuống đất và đi tới phía có ánh đèn. Tới nơi, anh thấy đó là một ngôi nhà nhỏ ghép bằng phên lau sậy. Anh mạnh dạn gõ cửa. Cửa mở, qua ánh đèn chiếu ra, anh thấy một ông già tóc hoa râm, mặc cái áo vá bằng những miếng vải màu sặc sỡ. Ông cụ cất giọng khàn khàn hỏi:
– Anh là ai, đến có việc gì không?
Anh đáp:
– Tôi chỉ là một người thợ may nghèo. Gặp tối giữa rừng, xin ông cho trú nhờ đêm nay.
Ông già xẵng giọng nói:
– Bước ngay đi chỗ khác mà xin trọ. Ta không muốn dây với những đứa lang thang cầu bơ cầu bất.
Nói xong ông cụ định quay vào, nhưng anh thợ may níu gấu áo cụ, năn nỉ xin cụ cho trọ. Ông cụ vốn tính thương người nên rồi cũng cho anh vào trọ, lại còn cho anh ăn và dọn cho một chỗ nằm tươm tất ở góc nhà.
Mệt mỏi nên nằm xuống là anh thợ may đánh ngay một giấc thẳng cho đến sáng. Tiếng hươu kêu, bò rống lọt qua phên vách mỏng vào nhà làm anh giật mình thức giấc. Không biết sao lúc ấy anh thợ may lại bạo thế. Anh nhảy phắt dậy, mặc vội quần áo xông ra. Anh thấy ngay cạnh nhà có con bò mộng đen đang quần nhau dữ dội với một con hươu đẹp, chúng quần nhau làm cả một khu đất bị cày xới lên, tiếng kêu rống vang cả một khoảnh rừng. Hai con vật quần húc nhau thục mạng nhưng không phân thắng bại. Rồi con hươu đưa sừng húc móc vào bụng con bò, bò rống lên khủng khiếp, rồi ngã quỵ. Hươu bồi thêm mấy sừng nữa, bò chết hẳn.
Thấy hai con vật quần nhau dữ dội, anh thợ may lạ lắm nên cứ đứng đờ đẫn cả người. Hươu nhảy tới, xốc anh lên cặp sừng lớn. Anh chưa kịp hoàn hồn, hươu lao vun vút trong rừng, chạy qua núi, thung lũng và thảo nguyên. Anh thợ may chỉ còn biết cố nắm cho chắc cặp sừng và phó mặc số phận mình như đang bay bổng trong không trung. Rồi hươu dừng lại trước vách núi và thả nhẹ anh xuống đất.
Anh thợ may, tưởng chết nhiều hơn là hy vọng sống, lúc lâu sau mới tỉnh lại. Đợi anh tỉnh hẳn con hươu mới lấy sừng húc mạnh vào một cánh cửa trong vách núi làm cho cửa bật tung ra. Lửa bén ra ngoài cửa, tiếp đến là làn nước thốc mạnh bay ra làm chẳng còn trông thấy hình thù hươu đâu nữa. Anh thợ may không biết mình phải làm gì, đi hướng nào để ra khỏi cảnh hoang vu này, về với mọi người.
Trong lúc anh còn đang phân vân, bỗng nghe từ trong vách núi có tiếng gọi:
– Cứ bước vào, đừng sợ! Không ai hại anh đâu!
Anh thợ may choáng váng cả người, nhưng như có sức mạnh vô hình thúc giục, anh đẩy cổng sắt bước vào gian phòng lớn, trần, tường và nền nhà đều lát đá vuông cạnh một mét, đá được mài nhẵn thín, phiến nào cũng khắc một dấu hiệu rất kỳ lạ. Anh bàng hoàng ngạc nhiên đứng ngắm, trong lòng nghĩ định đi ra, thì nghe thấy tiếng gọi lần nữa:
– Hãy bước lại chỗ phiến đá giữa phòng, vận may lớn đang chờ ngươi!
Anh mạnh dạn bước tới làm theo lời dặn. Phiến đá dưới chân anh đang ở trong một gian phòng khác, cũng rộng như gian trên. Nhưng ở đây có nhiều thứ kỳ lạ hơn. Tường có nhiều chỗ lõm vào, ở đó để những bình pha lê trong suốt đựng rượu màu hoặc có khói xanh biết ở trong đó. Trên nền nhà có hai cái quan tài thủy tinh kê đối diện nhau, anh tò mò lại xem. Ở trong quan tài anh đang ngắm là mô hình một lâu đài rất đẹp, xung quanh là nhà phụ, nhà kho, chuồng gia súc và nhiều thứ khác nữa. Mọi vật đều nhỏ xinh, được bàn tay tài nghệ chính xác cao mới tạo nên được.
Anh đang mải ngắm vật báu hiếm, bỗng có tiếng gọi bảo anh quay người lại xem chiếc quan tài thứ hai. Từ ngạc nhiên đến kinh ngạc khi nhìn thấy trong quan tài là một người con gái đẹp tuyệt vời. Nàng nằm nom như đang ngủ, làn tóc vàng dài như tựa cái áo cực kỳ quý giá quấn quanh người. Đôi mắt nhắm, nhưng sắc mặt hồng hào và dải băng lụa vẫn nhẹ rung bởi hơi thở nhịp nhàng, chứng tỏ nàng vẫn sống. Đang mãi ngắm người đẹp, trống ngực còn đang rộn ràng, bỗng anh thấy nàng mở mắt. Người con gái giật mình nhưng mừng lắm. Cô thốt lên:
– Trời thật công bằng, ta sắp thoát rồi! Mau mau giúp em ra khỏi ngục này. Chỉ cần chàng tháo chốt quan tài là giải thoát được em.
Anh bình tĩnh làm theo lời dặn. Nâng nắp quan tài lên, nàng bước ra, đi lại góc phòng lấy áo choàng khoác lên người. Rồi nàng ngồi trên một phiến đá, vẫy gọi chàng tới, hôn môi chàng rất âu yếm và bảo:
– Ân nhân ơi, em mong chờ chàng từ lâu. Lòng trời độ lượng đã khiến chàng đến cứu em. Hôm nay cũng là ngày hạnh phúc của chàng. Chàng là người chồng mà trời đã định sẵn cho em, được em yêu quý, được hưởng mọi của cải trên đời này, có một cuộc sống êm ấm và hạnh phúc. Chàng hãy ngồi hẳn xuống để em kể chuyện đời mình.
“Em là con một bá tước giàu có. Khi em còn nhỏ, bố mẹ em đã qua đời. Bố mẹ em có trối trăng dặn lại rằng, người anh cả sẽ nuôi em cho đến lúc khôn lớn. Hai anh em ăn ở rất hòa thuận, hợp nhau từ lối nghĩ tới sở thích đến mức, hai anh em quyết định không lập gia đình riêng để có thể sống bên nhau trọn đời. Trong nhà không mấy khi ngơi khách, hàng xóm, bạn bè thường xuyên tới chơi. Hai anh em luôn ân cần quý mến khách.
Câu chuyện xảy ra, khi có người khách lạ tới lâu đài, nói hôm nay không kịp tới được trạm sau, xin cho ngủ nhờ. Hai anh em bằng lòng và tiếp đón rất nồng hậu. Ba người ngồi ăn uống, trò chuyện, khách kể chuyện rất có duyên. Anh em rất hài lòng về việc được làm quen với người khách lạ và mời ở thêm vài hôm nữa. Khách lúc đầu từ chồi, nhưng rồi cũng nhận lời. Mãi khuya mới ăn xong. Khách được đưa về phòng. Lúc ấy em cũng đã thấm mệt, đặt người lên giường đệm là thiếp ngủ ngay.
Em vừa mới thiu thiu ngủ thì tiếng nhạc du dương quyến rũ làm em tỉnh. Em không biết tiếng nhạc từ đâu tới, em định gọi con hầu ngủ ở phòng bên, nhưng lạ thay em có cảm giác như núi Alp đè trên ngực em, có cái gì bóp họng làm em không thốt ra được tiếng nào. Trong khi ấy, qua ánh đèn, khuya em thấy rõ gã lạ mặt đi vào phòng em, mặc dù hai lần cửa vẫn khóa. Gã lại gần em và nói, nhờ có phép lạ nên gã đã tạo ra tiếng nhạc du dương kia để đánh thức em dậy, rồi gã chui qua lỗ khóa vào buồng em, nói những lời tỏ tình. Em thấy ghê tởm tới mức không sao nói được nên lời. Gã đứng yên lặng một lúc lâu đợi xem em có nói lời nào không, nhưng em vẫn im lặng. Gã nổi giận, dọa sẽ tìm cách trả thù, trừng phạt tính kiêu kỳ của em, rồi ngay sau đó gã đi khỏi phòng em. Lo sợ làm em thức suốt đêm mãi gần sáng mới chợp mắt được một lúc.
Sáng dậy em định chạy sang phòng anh, kể cho anh nghe những chuyện xảy ra khi đêm, nhưng chẳng thấy anh, người hầu nói, anh cưỡi ngựa đi săn cùng người lạ mặt từ mờ sáng.
Em cảm thấy có điềm không lành, mặc nhanh quần áo, sai thắng ngựa và nhảy ngay lên ngựa phi nước đại vào rừng, chỉ có một người hầu đi theo. Dọc đường, người hầu bị ngã ngựa gãy chân nên không thể theo em được nữa. Em đành phải phóng ngựa đi tiếp để kịp đuổi theo, chỉ mấy phút sau thì thấy gã kia, tay cầm sợi thừng buộc cổ một con hươu rất đẹp, đi lại phía em. Em hỏi hắn, hiện nay anh đang ở đâu và làm sao hắn lại có con hươu đẹp kia – mà mắt con hươu đương ngấn lệ. Thay vì trả lời em, hắn cười rộ lên. Em nổi giận, rút súng ngắn và bắn con quỷ một phát, viên đạnm bật trở lại và bay trúng vào đầu ngựa em. Em ngã ngựa, thấy hắn mồm lẩm bẩm câu gì đó và em ngất đi.
Lúc tỉnh lại em thấy mình đang nằm trong cỗ quan tài thủy tinh ở một cái hầm mồ. Thằng yêu đạo kia lại xuất hiện lần nữa, nó bảo, nó đã biến anh thành con hươu. Tòa lâu đài với cả cơ nghiệp của em bị nó dùng phép thu nhỏ lại và giam vào trong một hòm thủy tinh khác, gia nhân bị nó biến thành khói và nhốt trong một bình thủy tinh. Nếu em làm theo ý muốn của nó, nó sẽ giải phép cho ngay như trò chơi, nó chỉ cần mở nắp bình và nắp hòm và mọi vật sẽ trở lại nguyên hình như cũ. Cũng như lần trước, em chẳng nói gì cả. Nó biến mất và để mặt em bị giam cầm trong ngục và thiếp đi trong giấc ngủ triền miên. Trong lúc hồn phách mơ màng, em thấy hình ảnh một chàng trai đến cứu mình, hình ảnh ấy đã an ủi em nhiều. Lúc em hé mắt nhìn thấy anh tức là giấc mơ kia hôm nay đã thành sự thực. Giờ hãy giúp em thực hiện nốt những hình ảnh khác hiện trong giấc mơ. Việc đầu tiên là chúng ta hãy khuân cái hòm thủy tinh chứa lâu đài của em ở trong đó đặt lên phiến đá lớn này.
Khi hòm đặt lên, phiến đá từ từ chuyển động, đưa cả người lẫn hòm thủy tinh vượt miệng hầm lên tầng trên. Ở tầng này có phòng ăn thông ra ngoài. Ra tới ngoài, người con gái mở nắp hòm. Và kỳ lạ thay: lâu đài, nhà cửa, sân vườn cứ to dần ra, chẳng mấy chốc to bằng thật. Họ lại quay xuống hầm, khuân nốt cát bình khói lên. Người con gái nhận ra, đó chính là gia nhân của cô khi trước.
Cô gái vui mừng, khi thấy người anh bị hóa thành hươu cũng trở lại hình người và từ trong rừng đi ra. Cũng ngay trong ngày hôm ấy, giữ đúng lời hứa khi xưa, cô gái đưa tay để chàng thợ may trao nhẫn cưới trước bàn thờ chúa.
165. Chim ưng thần
Ngày xưa, có một ông vua trị vì vào thời nào, tên gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có một cô con gái duy nhất, cô lại đau ốm luôn, không thầy thuốc nào chữa khỏi được. Nghe lời tiên tri là công chúa ăn táo sẽ khỏi bệnh, nhà vua liền cho truyền báo khắp trong nước: ai dâng lên cho công chúa thứ táo ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật, người ấy sẽ được kết duyên cùng nàng và lên ngôi vua.
Một bác nông dân có ba người con trai cũng hay được tin ấy. Bác liền bảo người con trai cả:
– Con lên buồng kho, lấy một giỏ đầy táo ngon chín đỏ ối, rồi mang vào tiến vua. May ra công chúa ăn táo ấy mà khỏi hết bệnh tật thì con sẽ được phép kết duyên cùng nàng, rồi lên nối ngôi vua cha.
Người con trai cả làm như lời cha dặn và lên đường ra đi. Chàng đi được một thôi đường thì gặp một ông già bé tí hon, tóc hoa râm, ông hỏi chàng mang gì trong giỏ. Chàng trai – tên là Ulrich – đáp:
– Toàn là chân ếch thôi!
Nghe vậy, người Tí Hon nói:
– Ồ thì cứ coi như là vậy đi và cũng chỉ là như vậy.
Nói xong, người Tí Hon lại tiếp tục đi.
Đi hoài, đi mãi, cuối cùng Ulrich đã tới được cung vua. Chàng báo là mình có mang loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật. Nghe tin ấy, vua mừng lắm, cho đòi Ulrich vào. Nhưng ôi thôi, khi chàng mở giỏ ra thì chẳng thấy táo đâu mà chỉ toàn chân ếch nằm trong giỏ, chân ếch hãy còn tươi đang ngọ ngoạy. Việc ấy làm vua nổi giận, cho lính xua đuổi chàng ra khỏi cung điện. Về đến nhà, chàng kể lại cho cha nghe đầu đuôi câu chuyện.
Nghe xong câu chuyện, cha sai con thứ hai là Samuel đi. Nhưng sự việc đến với chàng ta cũng y hệt như đối với Un-rich. Chàng ta cũng gặp một người bé Tí Hon, tóc hoa râm, ông hỏi chàng mang gì trong giỏ, Samuel trả lời:
– Chỉ toàn lông lợn!
Người bé Tí Hon tóc hoa râm nói:
– Ờ thì cứ coi như là vậy đi và cũng chỉ là như vậy!
Tới cung vua, Samuel nói mình có loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật. Lính canh không cho vào, nói đã có một tên đến đây nói như vậy, tên ấy làm họ bị mọi người giễu cợt, coi họ như những thằng điên. Samuel kêu nài mãi, hứa quả quyết rằng mình có loại táo ấy, giờ chỉ cần họ cho vào dâng vua. Rồi lính canh cũng tin chàng, dẫn chàng vào chầu vua. Nhưng khi chàng mở giỏ ra thì chỉ toàn là lông lợn. Chuyện đó làm vua nổi trận lôi đình, sai lính đánh Samuel một trận nên thân rồi đuổi chàng ra ngoài. Về tới nhà, chàng kể lại cho cha nghe đầu đuôi câu chuyện.
Rồi đến lượt người con trai út, cả nhà vẫn gọi chàng là thằng ngốc Hans, chàng hỏi cha liệu mình mang táo đi có được không? Người cha bảo:
– Ờ, có khi trong chuyện này mày lại là người hợp nhất. Mấy đứa tinh khôn còn chẳng làm nên trò trống gì nữa là mày! Mày tính làm gì bây giờ?
Nhưng người con trai út cũng không chịu thôi:
– Ấy, đời thế đấy, cha ạ! Con cũng muốn đi.
Người cha liền bảo:
– Đi ngay cho khuất mắt tao, đồ ngu si! Mày thì phải đợi cho đến khi nào tinh khôn hơn chút nữa.
Nói rồi bác quay lưng đi. Nhưng Hans túm ngay lấy áo cha mà nói:
– Ấy cha ơi, con vẫn cứ muốn đi!
Người cha nổi cáu bảo con:
– Thôi thì mặc xác mày! Mày muốn đi đâu thì đi! Chắc lại trở về tay không thôi!
Cậu út mừng quá, nhảy lên. Người cha nói:
– Ờ, giờ thì mày giỡn như thằng điên ấy, mày thì chỉ có ngày một ngốc hơn mà thôi.
Những lời nói ấy đối với Hans chẳng có nghĩa lý gì cả, chàng ta vẫn cười đùa như thường.
Vì lúc ấy trời đã tối, chàng nghĩ bụng đợi đến mai, hôm nay có đi cũng không tới được cung vua. Đêm nằm mà không tài nào chợp mắt được, chàng vừa thiếp đi đã mơ tưởng ngay tới cô thiếu nữ xinh đẹp, tới những lâu đài, vàng bạc và nhiều thứ khác nữa. Sớm tinh mơ ngày hôm sau chàng đã lên đường. Chàng gặp ngay người bé tí hon, lẻo khoẻo, vận quần áo xám trắng, hỏi chàng có gì trong giỏ. Hans nói là mình có loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏe mạnh, khỏi hết bệnh tật. Người Tí Hon nói:
– Ờ thì cứ coi là như vậy đi và chắc là như vậy!
Nhưng ở cung điện, lính canh khăng khăng từ chối không để cho Hans vào, vì đã có hai tên xưng là mang táo tiến vua, nhưng một đứa thì mang chân ếch tươi đến, còn tên kia thì mang lông lợn. Nhưng vì Hans van nài mãi, chàng nói chàng không mang chân ếch tới, chàng đem toàn táo ngon nhất nước tiến vua. Chàng ăn nói chân thành, lính canh cổng nghĩ chắc chàng không nói dối nên cho chàng vào. Họ đã không lầm, vì khi Hans mở giỏ trước mặt vua thì thấy toàn là táo chín vàng óng nom thật thơm ngon. Vua mừng lắm, cho quân hầu mang táo lại cho công chúa ăn, hồi hộp ngồi đợi người đến báo kết quả ra sao. Chỉ một lát sau đã có người mang tin lại. Nhưng các bạn có biết đó là ai không? Người đó chính là công chúa. Vừa mới ăn xong táo, công chúa thấy người khỏe khoắn hẳn lên, nhảy ra khỏi giường đi đến gặp vua. Không ai tả được hết nỗi vui mừng của nhà vua.
Nhưng giờ nhà vua lại không muốn gả công chúa cho Hans. Vua bảo, trước hết chàng phải đóng một chiếc thuyền đi trên cạn nhanh hơn đi dưới nước. Chàng Hans chấp thuận, về nhà kể lại sự việc xảy ra. Cha liền bảo Ulrich vào rừng lấy gỗ đóng một chiếc thuyền như vậy. Chàng làm việc cần cù, vừa làm vừa huýt sáo. Đúng giữa trưa, khi mặt trời đứng giữa đỉnh đầu, có một người bé nhỏ tóc hoa râm đến hỏi chàng làm gì. Ulrich trả lời người đó:
– Muỗng gỗ!
Người bé nhỏ tóc hoa râm bảo:
– Ờ thì cứ coi là như vậy đi và chắc là như vậy!
Đến tối, Ulrich nghĩ rằng mình đã đóng xong một chiếc thuyền, nào ngờ lúc ngồi vào thì đó chỉ toàn là muỗng gỗ.
Hôm sau Samuel vào rừng, nhưng sự việc xảy ra cũng y hệt như đối với Ulrich.
Đến ngày thứ ba chàng ngốc Hans mới vào rừng. Chàng đẽo, đóng miệt mài, cả khu rừng vang tiếng gỗ chan chát, chàng vừa làm vừa huýt sáo vui vẻ. Đến giữa trưa, lúc trời nóng bức nhất thì có người bé nhỏ tóc hoa râm đến hỏi chàng làm gì. Chàng đáp:
– Đóng một chiếc thuyền đi trên đồng khô cạn nhanh hơn là đi dưới nước.
Và chàng còn nói là khi nào làm xong thuyền, chàng sẽ được cưới công chúa làm vợ. Người bé nhỏ bảo:
– Ồ, giờ thì cứ coi như có một chiếc thuyền như vậy đi và chắc chắn là như vậy!
Chiều tối, khi mặt trời lặn, chàng Hans đã làm xong chiếc thuyền, mái chèo và các bộ phận khác.
Chàng ngồi vào thuyền, chèo thuyền vào kinh thành. Thuyền chạy nhanh như gió.
Thấy chiếc thuyền từ đằng xa, nhưng vua vẫn không muốn gả công chúa cho Hans. Vua bảo, chàng phải làm thêm một việc: chăn một trăm con thỏ từ sớm tinh mơ đến tối mịt, nếu để lạc mất một con thì cũng không lấy được công chúa. Hans cũng vui lòng nhận lời. Ngay ngày hôm sau chàng cùng đàn thỏ ra đồng cỏ, chàng luôn luôn để ý canh chừng, không để con nào trốn cả.
Một vài giờ trôi qua, một nữ tỳ ở cung điện đến bảo Hans phải đưa ngay một con thỏ vì có khách. Han-xơ nhận ra ngay mưu kế, chàng bảo chưa có thỏ, nếu vua có thể đợi đến mai hãy mời khách món thỏ hồ tiêu thì thế nào cũng có thỏ. Nữ tỳ cũng không chịu thôi, lăn ra khóc ăn vạ. Lúc đó Hans bảo, nếu công chúa thân chinh lại, thì chàng sẽ đưa cho một con thỏ. Nữ tỳ về cung và công chúa thân chinh lại thật.
Trước khi công chúa tới gặp Hans thì người bé nhỏ tới, hỏi chàng đang làm gì. Chàng đáp là chàng phải chăn một trăm con thỏ, không được để một con nào trốn mất. Nếu làm được điều đó thì sẽ được lấy công chúa và lên ngôi vua. Người bé nhỏ nói:
– Thế cũng tốt! Đây, cho anh chiếc còi này, nếu có con nào chạy trốn, chỉ cần thổi còi, thế nào nó cũng quay trở lại.
Khi công chúa đến, Hans đặt một con thỏ vào tạp dề của nàng. Nhưng khi nàng mới đi được chừng một trăm thước thì Han-xơ thổi còi. Thỏ nhảy ngay khỏi tạp dề, chạy về với bầy, vì lâu nay nó đã quen sống có bầy rồi. Tối đến, Hans chỉ việc thổi còi, đến xem đã đủ chưa, xua cả đàn về cung điện.
Nhà vua hết sức ngạc nhiên khi thấy Hans chăn nổi một trăm con thỏ, không mất mát con nào. Nhưng rồi vua vẫn nhất định không chịu gả con gái cho Hans. Vua bảo chàng phải mang đến dâng vua một cái lông đuôi chim ưng thần đã.
Hans chuẩn bị hành lý, rồi cứ thế thẳng đường mà đi. Tối thì chàng tới một tòa lâu đài, chàng xin ngủ lại, vì hồi đó chưa có quán trọ dọc đường. Ông chủ lâu đài vui vẻ nhận lời và hỏi chàng định đi đâu. Hans đáp:
– Đến chỗ chim ưng thần.
– Á, đến chỗ chim ưng thần đấy à? Người ta thường kể lại là chim ấy biết mọi chuyện trên đời. Tôi mất chiếc chìa khóa hộp tiền bằng sắt. Anh làm ơn hỏi chim ưng thần xem chiếc chìa khóa biến đi đâu nhé.
Hans đáp:
– Được, tất nhiên chuyện đó tôi có thể giúp được.
Sáng hôm sau chàng lại lên đường. Tối đến, chàng lại nghỉ chân ở một tòa lâu đài nằm ngay bên đường. Khi mọi người ở lâu đài biết chàng định đến chỗ chim ưng thần, họ nói trong gia đình họ có cô con gái ốm, đã dùng nhiều phương thuốc mà vẫn chưa thấy chuyển bệnh, nhờ chàng làm ơn hỏi chim ưng xem có cách gì chữa để cho cô gái trở lại khỏe mạnh. Hans nói là chàng sẵn lòng làm việc ấy, rồi lại ra đi.
Chàng tới một bến sông. Đáng nhẽ bến sông phải có đò ngang, nhưng lại có một người to lớn vạm vỡ chuyên chuyển mọi người qua sông. Người ấy hỏi Hans đi đâu. Hans đáp:
– Đến chỗ chim ưng thần.
Người đó dặn Hans:
– Này, nếu anh có gặp chim, nhớ hỏi chim hộ tôi, tại sao tôi cứ phải chuyển tất cả mọi người qua sông mãi như thế?
Hans đáp:
– Vâng, tôi sẽ hỏi cho.
Người kia đặt chàng lên vai, cõng đưa chàng qua sông.
Đi mãi, cuối cùng Hans tới được nhà chim ưng thần, nhưng chim đi vắng, chỉ có vợ ở nhà. Vợ chim hỏi chàng muốn gì. Hans kể cho vợ chim nghe đầu đuôi câu chuyện: chàng muốn có một chiếc lông đuôi chim ưng thần, rồi ở lâu đài nọ, người ta đánh mất chiếc chìa khóa hộp tiền mới, lại ở một lâu đài khác có cô thiếu nữ bị bệnh, chàng muốn biết cái gì có thể chữa cho nàng bình phục, rồi gần đây có một con sông, có một người đàn ông cứ phải lội đưa người qua sông, chàng cũng muốn biết tại sao người đàn ông đó lại phải cõng đưa mọi người sang sông mãi như thế…
Vợ chim ưng thần bảo:
– Chà, anh bạn thân mến của tôi nên nhớ điều này: không ai nói chuyện với chim ưng thần được đâu. Nó ăn thịt tất cả mọi người. Nhưng nếu anh muốn thì anh cứ chui vào nằm dưới gầm giường nó. Trời khuya, khi nó đã ngủ say, anh có thể vươn tay ra mà giật lấy một chiếc lông đuôi. Còn những điều anh muốn biết thì cứ để tôi hỏi hộ cho.
Hans rất thỏa mãn về chuyện đó. Chàng chui vào nằm dưới gầm giường.
Đến tối, chim ưng thần về. Vừa mới bước chân vào buồng, nó đã nói ngay với vợ:
– Mình này, ta ngửi thấy mùi thịt người.
Vợ đáp:
– Đúng đấy. Hôm nay có một người đã đến đây, nhưng hắn lại đi rồi.
Chim ưng thần không hỏi han gì nữa. Nửa đêm, lúc chim ưng thần đang ngáy o o như kéo gỗ thì Hans vươn tay lên, giật một chiếc lông đuôi của chim ưng thần. Chim ưng thần giật thót một cái và bảo:
– Mình này, ta ngửi thấy mùi thịt người. Mà hình như nó giật một chiếc lông đuôi của ta.
Vợ chim liền bảo:
– Đúng là mình mê ngủ rồi. Tôi đã bảo mình là hôm nay có một người đến đây, nhưng hắn lại đi ngay. Hắn kể tôi nghe đủ thứ chuyện. Nào là ở tòa lâu đài nọ người ta đánh mất chìa khóa hộp tiền mới, không tìm thấy nữa.
Chim ưng thần nói:
– Trời, đúng là đồ ngu! Chìa khóa nằm dưới đống củi sau cửa ra vào ở nhà kho ấy.
– Hắn lại còn bảo là ở một tòa lâu đài khác có một cô con gái bị bệnh, mọi người không biết dùng cách gì để chữa cho cô khỏi bệnh.
Chim ưng thần nói:
– Trời, đúng là đồ ngu dốt! Dưới gầm cầu thang trong hầm nhà có một con cóc lấy tóc của cô ta làm tổ. Nếu cô ấy lấy lại được tóc thì khỏi bệnh.
– Rồi hắn lại kể ở nơi kia có một con sông, có một người đàn ông cứ phải lội cõng đưa mọi người qua sông.
Chim ưng thần nói:
– Trời, đúng là thằng ngu dốt! Nó chỉ việc thả một người xuống giữa sông thì tự khắc nó không phải cõng ai sang sông nữa.
Sớm tinh mơ, chim ưng thần đã dậy đi. Hans chui ở gầm giường ra, tay cầm chiếc lông chim đẹp. Chàng lại nghe biết tất cả những điều chim ưng thần nói về chiếc chìa khóa, về cô con gái và về người đàn ông. Vợ chim ưng thần còn kể lại tất cả một lần nữa cho chàng nghe để khỏi quên. Sau đó chàng lên đường về nhà. Trước tiên chàng đến chỗ người đàn ông ở bên bờ sông, người đó hỏi ngay chàng rằng chim đã nói gì. Han-xơ nói cứ cõng mình qua sông đã rồi chàng sẽ nói cho mà nghe. Người đó cõng ngay chàng qua sông. Sang tới bên kia sông rồi, Han-xơ bảo người đó rằng chỉ việc thả một người xuống giữa dòng sông thì không phải cõng đưa ai sang sông. Người này vô cùng mừng rỡ, bảo Hans là muốn cõng chàng qua sông rồi lại cõng đưa trở về bên này sông để tỏ lòng biết ơn. Hans từ chối, nói là không muốn người kia mệt nhọc vì mình, chàng rất hài lòng về những cử chỉ ấy. Rồi chàng lại đi.
Chàng tới lâu đài nơi cô gái bị bệnh. Vì cô không đi được nên Hans cõng cô trên vai rồi đi xuống hầm nhà, lấy ở gầm cầu thang cái tổ cóc đặt vào tay cô. Cô nhảy từ vai chàng xuống, chạy lên cầu thang trước Hans, trở lại khỏe mạnh như xưa. Cha mẹ cô mừng lắm. Nhà có bao nhiêu vàng bạc đều đưa ra, Hans muốn lấy gì cha mẹ cô cũng xin biếu.
Tới lâu đài mà chàng đã trọ lại đêm đầu tiên, Han-xơ đi thẳng vào nhà kho để củi, tìm thấy ngay chiếc chìa khóa nằm dưới đống củi sau cửa ra vào và mang chìa khóa lên cho chủ lâu đài. Ông ta mừng rỡ vô cùng, liền lấy rất nhiều vàng trong hộp ra để thưởng tặng Hans, ngoài ra còn biếu đủ mọi thứ, cả bò sữa, dê, cừu.
Hans đến cung vua với tất cả những đồ biếu ấy, nào là tiền, vàng bạc, nào là bò sữa, cừu, dê. Vua hỏi chàng lấy ở đâu ra tất cả của cải ấy. Hans bảo là ai muốn lấy bao nhiêu chim ưng thần cũng cho. Lúc đó vua nghĩ bụng, mình cũng cần những thứ đó. Rồi vua lên đường để tới chỗ chim ưng thần. Nhưng khi vua đến sông thì vua đúng là người đầu tiên đến từ khi Hans đi qua. Người đàn ông kia thả vua xuống giữa dòng sông rồi đi mất. Vua bị chết đuối. Còn Hans cưới công chúa và lên ngôi vua.