178. Bác thợ cả Pfriem

Bác thợ cả Pfriem có vóc người bé nhỏ, gầy gò nhưng rất ưa hoạt động, không có giây phút nào ngồi im. Mặt bác rỗ hoa, đã thế lại có cái mũi hếch nhô lên với làn da tái nhợt như da người chết, tóc đã hoa râm nhưng mọc lởm chởm. Hai mắt ti hí, liếc trái, liếc phải liên tục. Không gì lọt được mắt bác. Gì bác cũng chê, gì bác cũng biết hơn người và trong mọi chuyện bác nói bao giờ cũng có lý.
Lúc đi ngoài đường, bao giờ hai tay bác cũng vung lấy vung để như chèo đò. Có lần bác vung tay vào một cô gái đang xách nước, thùng nước văng lên cao, nước dội luôn lên cả người bác. Vừa rung người cho nước chảy xuống, bác vừa la mắng cô gái:
– Đồ ngu như cừu! Mày không nhìn thấy tao từ đằng sau đến à?
Nghề kiếm sống của bác là nghề thợ giày. Mỗi khi ngồi khâu, tay bác rút kim vung bạt mạng, ai không để ý lánh xa một chút là xơi ngay một quả thụi vào mạng sườn. Không có một thợ phụ nào ở với bác được một tháng, vì làm giỏi mấy đi chăng nữa vẫn bị bác chê như thường. Khi bác chê đường khâu không đều, khi thì bác chê gót giày này dài hơn chiếc kia, khi thì chê hai gót giày không cao bằng nhau, lúc lại chê da dập chưa kỹ. Bác bảo chú thợ học việc:
– Ngưng tay cái đã, tớ sẽ chỉ cho chú mày cách dập cho da mềm nhé.
Miệng nói nhưng tay bác đã rút sợi dây da quất luôn mấy roi lên lưng chú bé.
Tất cả thợ phụ, thợ học việc, bác đều gọi là đồ biếng nhác. Nhưng bản thân bác cũng có làm được nhiều cho cam, vì có khi nào bác ngồi khâu vá được quá mười lăm phút.
Sáng nào cũng vậy, hễ bác gái dậy bắc nồi nhóm bếp là bác cũng nhảy ra khỏi giường, rồi cứ thế mà chạy chân không xuống bếp mà la:
– Bà định đốt nhà đấy hả? Chắc lửa bùng lên như để thui cả con bò hay sao? Củi không phải mua tốn xu nào chắc!
Thấy đám con gái ngồi giặt giũ mà rúc rích trò chuyện là bác mắng chúng ngay lập tức:
– Lại có mấy con ngỗng đứng đây quang quác, trò chuyện quên cả công việc. Đem xà bông ra nghịch, thật là phí của trời, lại còn thêm cái tính lười như hủi nữa! Không dám vò mạnh tay một chút, chắc tụi bay sợ hỏng da bàn tay chứ gì?
Bác nhảy đại tới chỗ giặt, nhưng liền vấp xô đổ nhào thùng nước xà bông, nước đổ lênh láng ra khắp bếp.
Thấy người ta xây nhà mới là bác nhảy luôn sang đứng bên cửa sổ, dòm vào rồi la:
– Đám thợ này lại xây tường bằng cát đỏ rồi! Thứ cát ấy có bao giờ ráo nước đâu? Sống trong ngôi nhà rồi cứ là ốm hết lượt! Mọi người cứ thử nhìn xem, đám thợ phụ nó đặt đá xây thế mà coi được à? Vữa chẳng ra vữa. Phải trộn sỏi vào vữa thì lại đi trộn cát. Tôi còn sống đó để nhìn thấy cảnh tượng căn nhà sụp đổ để đè bẹp chết hết mọi người trong nhà.
Ngồi khâu mới được dăm ba mũi, bác đã đứng phắt ngay dậy, tay tháo yếm da, miệng nói:
– Mình phải ra ngoài một chút để nhắc nhở lương tâm mọi người mới được.
Chạy lại chỗ đám thợ mộc đang làm, bác nói:
– Làm chi mà kỳ vậy? Các anh không đẽo theo đường chỉ kẻ rồi. Các anh tưởng những cái xà này thẳng cả sao? Rồi chẳng có cái mộng nào khít đâu!
Bác giật cái rìu từ tay một người thợ mộc, định đẽo mẫu cho họ xem. Nhưng ngay khi đó lại có một xe ngựa chở đầy đất sét đi tới. Bác quăng ngay rìu đi, nhảy xổ tới chỗ người nông dân đi kèm xe và nói:
– Các ngươi không biết thương yêu giống vật hay sao? Ai lại đi thắng ngựa non vào cái xe chở nặng như thế bao giờ! Rồi mấy con vật đáng thương ấy sẽ khụy gục tại chỗ cho các anh coi!
Người nông dân không buồn đáo lại làm bác Pfriem càng cáu bẳn rồi liền ngay đó bác lại chạy về xưởng làm việc.
Bác vừa mới ngồi xuống, tính tiếp tục công việc dở dang thì một chú thợ học nghề đưa bác xem một đôi giày. Bác quát mắng chú bé:
– Lại cái gì đây nữa? Tớ đã bảo chú mày không được khoét quá rộng thế này. Giày gì mà toang hoác gần như chỉ còn thấy đế? Thứ giày này thì ma nào nó mua? Phải làm đúng y như tớ dặn chứ!
Chú thợ học việc đáp:
– Thưa thầy thợ cả, thầy nói chí phải! Đúng là giày chẳng ra giày thật. Nhưng nó chính là chiếc giày thầy cắt và chính tay thầy khâu ạ. Lúc vội chạy ra ngoài, thầy đã quẳng nó xuống gầm bàn, con chỉ nhặt nó lên thôi. Có lẽ đến tiên giáng thế cũng không thể làm vừa được ý thầy.
Một đêm, bác cả Pfriem nằm mơ thấy mình chết, hồn đang trên đường về trời. Đến nơi, bác gõ thật mạnh vào cổng trời. Bác nói:
– Tôi thấy thật là lạ, cổng gì mà cái vòng tròn để lắc gõ cũng không có, phải gõ bằng tay đến nỗi muốn thành thương tật.
Tông đồ Petrus ra xem ai gọi cổng mà đập dữ dội vậy. Pêtơrút nói:
– Chà, tưởng ai, té ra là bác cả Pfriem! Ta sẵn lòng cho bác vào, nhưng ta xin dặn đôi điều: bỏ thói cũ nhé, có nhìn thấy mọi vật ở trên trời thì đừng có chê bai nhé. Không lại tội vạ vào thân.
Bác cả Pfriem đáp:
– Kể ra, tông đồ không dặn thì tôi cũng biết phải xử sự như thế nào. Vả lại ở đây, ơn trời, mọi việc đều hoàn hảo, chẳng có gì để mà chê bai như dưới trần gian.
Bác qua cổng, leo lên leo xuống, qua những khoảng không đất rộng của nhà trời. Bác ngó quanh, hết nhìn sang trái lại nhìn sang phải, chốc chốc lại gật đầu xuýt xoa tỏ vẻ hài lòng mỹ mãn. Giữa lúc ấy, có hai vị thiên thần khiêng một cái xà. Hai người vừa khiêng vừa nhìn vào mắt nhau, xà thì dài nhưng hai thiên thần không khênh đi theo dọc thân xà, mà cứ đi ngang. Bác Pfriem nghĩ:
– Có đời thuở nhà ai lại ngu đến thế nhỉ?
Nhưng bác cứ nín lặng, thấy nó cũng có lý của nó: rốt cuộc cũng thế thôi, khênh xà đi dọc hay đi ngang cũng có sao đâu, miễn là cứ khênh đi được. Mà cũng thật là hay, mình thấy họ có chạm vào cái gì đâu?
Một lát sau, bác lại nhìn thấy hai vị thiên thần khác ngồi trên bờ giếng lấy nước đổ vào thùng. Nhìn kỹ, bác thấy thùng nhiều chỗ có lỗ rò, nước chảy rò ra tứ phía: Các thần đương làm mưa trút xuống trần gian. Bác buột miệng bật ra:
– Toàn đồ vô dụng!
Nhưng may bác lại kìm ngay được và nghĩ: Có lẽ cũng chỉ để tiêu khiển cho vui thế thôi. Đã gọi là tiêu khiển thì toàn là những chuyện vô tích sự. Vả chăng ở trên tiên giới này – như mình đã thấy – mọi người đều rảnh rỗi cả.
Đi được một quãng, bác thấy một cỗ xe mắc kẹt vì một cái hố sâu. Bác bảo người đánh xe:
– Chẳng có gì ngạc nhiên cả! Chẳng có ai chất nặng đến thế bao giờ. Các người chở gì vậy?
Người kia đáp:
– Toàn những điều nguyện sùng đạo cả, nguyện mãi rồi mà tôi vẫn chưa vào được con đường chính, nhưng cũng may là tôi đã đẩy được cỗ xe tới được đây. Ở đây rồi thì chắc không ai lại nỡ để tôi mắc kẹt nằm lại đây.
Quả vậy, có một thiên thần dắt hai con ngựa tới đóng vào xe. Bác Pfriem nghĩ thầm:
– Được lắm, nhưng chỉ có hai con thì làm sao kéo nổi xe ra khỏi hố? Ít nhất cũng phải bốn con mới kéo nổi.
Lại có một thiên thần khác dắt hai con ngựa tới, nhưng lại không đóng nó vào phía trước xe mà đóng vào sau xe. Bác Phơrim không nhịn nổi nữa, buột miệng quát:
– Đồ vô dụng! Mày làm gì ở đó? Từ buổi khai thiên lập địa có ai làm thế không, hở? Thế mà lũ kiêu căng ngu xuẩn kia lại cứ cho là mình gì cũng hơn người.
Bác còn định nói nữa, nhưng một vị nhà trời đã kịp túm lấy gáy bác, quẳng một cái rõ mạnh ra khỏi cổng nhà trời. Ra ngoài rồi, bác còn ngoái cổ nhìn lại, thấy bốn con ngựa có cánh đương nhấc bổng chiếc xe lên khỏi hố.
– Lẽ đương nhiên là trên trời ít nhiều cũng khác dưới trần gian. Có những điều ở đó người ta có thể bỏ qua, nhưng có ai nhẫn nại đứng nhìn họ đóng ngựa vào cả đằng trước lẫn đằng sau xe được! Đã đành mấy con ngựa có cánh thật đấy, nhưng đã ai dám chắc điều đó? Mà lại càng ngu kia: ngựa sinh ra vốn có bốn vó để chạy là được rồi, chắp thêm hai cánh làm gì?
Nhưng mình phải dậy ngay thôi, kẻo ngoài kia chúng nó lại toàn làm những chuyện oái oăm ngược đời. Cũng may là mình chưa chết thật!

179. Cô gái chăn ngỗng bên suối

Ngày xửa ngày xưa có một bà lão già nua sống trong một căn nhà nhỏ ở nơi hẻo lánh giữa rừng. Rừng rộng bao la, mà sáng nào bà cũng chống nạng đi lẩy bẩy vào rừng. Bà luôn chân, luôn tay, việc nhiều đến nỗi tưởng chừng ở tuổi cao như bà không sao làm xuể. Nào là cắt cỏ cho ngỗng, với tay hái quả rừng, rồi đưa tất cả lên vai vác về nhà.
Ai cũng nghĩ, bà sẽ khuỵu xuống vì còng lưng vác nặng, nhưng may là lần nào bà cũng mang về được đến nhà. Mỗi khi gặp ai, bà cũng niềm nở chào hỏi:
– Chào người bà con, trời hôm nay nắng đẹp. Bà con thấy già này mang vác thì ngạc nhiên lắm nhỉ. Nhưng ai mà chẳng vác gánh nặng nợ đời của mình.
Tuy vậy, dân làng không thích gặp bà lão. Họ thường đi đường vòng để tránh bà. Khi hai bố con nhà kia đi ngang qua mặt bà, ông bố khe khẽ nói với con trai:
– Con phải coi chừng mụ già ấy. Mụ mưu mô quỷ quyệt lắm. Đó là một mụ phù thủy.
Vào buổi sáng kia, có một chàng trai trẻ đẹp đi qua rừng. Trời nắng chan hòa, chim hót líu lo, gió mát đung đưa cành lá. Lòng chàng lâng lâng vui sướng. Chàng chẳng gặp một ai. Bỗng chàng nhìn thấy một bà già phù thủy cầm liềm cắt cỏ. Bà đã nhét vào đầy tay nải cỏ. Cạnh đó còn hai giỏ đầy lê và táo rừng. Chàng nói:
– Mẹ già ơi, làm sao mà mẹ mang hết được chỗ này?
Bà già đáp:
– Anh thấy không. Tôi vẫn mang cho kỳ hết về. Con nhà giàu đâu phải làm như vậy. Nông dân có câu:
Ngó quanh làm chi,
Vì lưng vốn còng.
Khi chàng đến gần, bà bảo:
– Chàng giúp tôi một tay nhé, lưng chàng thẳng, chân tay khỏe mạnh, chàng thấy nó nhẹ thôi. Nhà tôi cũng không xa đây, ở khuất sau núi kia, trên đồng cỏ. Chàng đi chỉ một lát là tới.
Chàng thanh niên mủi lòng thương và nói:
– Tôi không phải là con nhà nông, cha tôi là một bá tước giàu có. Nhưng con nhà nông cũng không mang hết được. Để tôi mang giúp chiếc tay nải kia.
Bà già nói:
– Được anh giúp thì tôi mừng quá. Chắc chắn phải đi mất một giờ đấy, nhưng đối với sức trai thì thấm chi. Anh nhớ mang giúp cho cả táo và lê nhé.
Nghe nói đi mất một giờ thì vị bá tước trẻ tuổi hơi phân vân, nhưng bà già cứ nài ép, bà buộc khăn gói lên lưng chàng, khoác đôi giỏ vào cánh tay chàng. Bà nói:
– Chàng thấy không, nhẹ tênh mà.
Bá tước vừa đáp vừa nhăn nhó:
– Cái bọc nặng như bọc đá đè lên lưng. Lê táo cũng nặng như chì. Thở chẳng ra hơi nữa!
Chàng muốn trút tất cả mọi thứ xuống, nhưng bà già không chịu. Bà nói mỉa:
– Trông kìa, cái mà bà già mang thường xuyên thì trai tráng thế kia ý chừng không mang nổi. Nói thì hay lắm, nhưng phải bắt tay vào làm thực sự thì đứng phủi tay.
Bà nói tiếp:
– Sao chàng còn chần chừ nữa. Nào, nhấc chân lên chứ! Chẳng có ai vác đỡ chúng cho đâu.
Đi trên mặt đất bằng phẳng còn chịu được, nhưng chân dẫm trên đá để leo núi thì chàng tưởng chừng muốn kiệt sức. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán, mồ hôi chảy ướt đẫm lưng làm khi thấy nóng, khi thì thấy lạnh toát sống lưng. Chàng nói:
– Mẹ ơi, con không đi nổi nữa, con phải nghỉ một lát.
Bà già đáp:
– Không nghỉ ở đây. Đến nơi ta nghỉ một thể. Bây giờ cứ đi tiếp. Biết đâu thế chả là tốt cho chàng.
Bá tước nói:
– Mụ già kia, mụ thật là xấc xược.
Chàng định vứt tất cả xuống, nhưng loay hoay mãi không được. Chúng dính chặt vào lưng chàng như là nó mọc ở lưng ra. Chàng quay lắc người nhưng nó vẫn ở trên lưng.
Thấy vậy bà già cười và nhảy nhót một cách khoái trá trên đôi nạng. Bà nói:
– Chàng ơi, xin đừng tức giận. Mặt chàng đã đỏ chín lên như gà chọi. Chàng cứ chịu khó mang nó, về đến nhà già sẽ thưởng cho xứng công.
Chàng biết làm sao bây giờ? Đành phải theo số phận mà lẽo đẽo đi theo bà già. Bà ta có vẻ mỗi lúc một lanh lẹ hơn, còn chàng thì thấy đồ trên lưng mỗi lúc một thêm nặng. Rồi bỗng bà nhún người nhảy một cái, ngồi vắt vẻo trên lưng chàng. Bà già gầy khẳng khiu như cái cọc rào mà sao nặng hơn cả một mụ nông dân béo ục ịch.
Chàng lảo đảo bước từng bước một, còn bà thì lấy roi và cành gai đánh thúc chàng đi. Tới lúc đến được nhà thì chàng cũng sắp khuỵu xuống. Đàn ngỗng thấy bà già thì vỗ cánh, vươn cổ, chạy lại đón và kêu quang quác. Một mụ đã có tuổi, khỏe mạnh to lớn, xấu như ma lem cầm roi theo sau đàn ngỗng và nói:
– Mẹ ơi, có việc gì mà sao lâu thế?
Bà lão đáp:
– Con gái cứ yên tâm. Chả gặp điều gì dữ cả. Trái lại, chàng đây mang giúp về cho mẹ. Con gái mẹ, khi mẹ mệt chàng ta lại cõng mẹ trên lưng nữa. Trong lúc đi đường rất vui vẻ, thậm chí còn đùa giỡn nên không thấy đường xa nữa.
Rồi bà già tụt xuống, đỡ đồ trên lưng xuống, lấy giỏ khỏi tay chàng, thân mật nhìn chàng nói:
– Giờ hãy ngồi nghỉ ở chiếc ghế dài trước cửa. Chàng sẽ được trả công xứng đáng với việc làm. Mà nhất định là có thôi.
Rồi bà nói:
– Con gái mẹ, con vào trong nhà. Con đứng một mình bên chàng trai trẻ thật là không tiện, không nên đổ dầu vào lửa. Chàng ta có thể mê con đấy.
Bá tước nửa cười nửa khóc. Chàng nghĩ bụng:
– Những thứ của quý như thế giá có trẻ hơn ba chục tuổi cũng chẳng làm cho tim mình rung động.
Trong lúc ấy, bà lão vuốt ve đàn ngỗng như con, bà cùng cô con gái vào nhà. Chàng trai ngả lưng trên chiếc ghế dài ở gốc cây táo. Không khí êm dịu ấm áp, một cánh đồng cỏ xanh rờn trải ra xung quanh khu nhà. Trên cánh đồng mọc đầy hoa ngọc chân, bách lý và hàng ngàn loại hoa khác. Con suối chảy ngang nước trong veo, phản chiếu lóng lánh ánh mặt trời. Đàn ngỗng trắng nhởn nhơ đi đi lại lại hay lội bì bõm dưới nước. Chàng nghĩ bụng:
– Cảnh ở đây thật yêu kiều, nhưng ta buồn ngủ quá, mắt cứ díp lại không sao mở được. Ta phải ngủ đi một tí mới được. Chỉ mong đừng có cơn gió nào thổi bay đôi chân mình đi, nó đã nhũn ra như bùi nhùi mất rồi.
Chàng ngủ được một lát thì bà già đến lay dậy và bảo:
– Dậy đi, chàng ơi! Chàng không ở lại đây được đâu. Quả là già đã làm cho chàng vất vả, nhưng cũng chưa đến nỗi mất mạng. Giờ thì già trả công cho chàng. Tiền bạc của cải thì chàng không cần đến, để ta cho thứ khác.
Nói rồi, bà nhét vào tay chàng một chiếc hộp nhỏ làm bằng viên ngọc xanh nguyên khối và dặn:
– Hãy giữ hộp này cẩn thận, nó sẽ mang lại hạnh phúc cho chàng.
Bá tước đứng dậy, cảm thấy người mình khỏe hẳn lên, cảm ơn bà già, rồi lên đường mà chẳng đoái hoài gì đến cô con gái bà. Chàng đi được một quãng đường vẫn còn nghe thấy tiếng ngỗng kêu vui vẻ từ xa vọng lại.
Bá tước lang thang ba ngày trong rừng hoang vu, mãi sau mới tìm được lối ra. Chàng đến một thành phố lớn, ở đây không ai biết chàng. Người ta dẫn chàng đến cung điện khi vua và hoàng hậu đang ngự triều. Bá tước quỳ xuống, lấy ra chiếc hộp bằng ngọc xanh đặt bên chân hoàng hậu. Bà truyền cho chàng đứng dậy, chàng cầm chiếc hộp dâng lên. Bà vừa mở ra xem thì té ngã lăn xuống đất bất tỉnh nhân sự. Bá tước bị ngay bọn thị vệ bắt giữ, định đem tống ngục. Nhưng hoàng hậu mở mắt, truyền phải tha chàng và lệnh cho mọi người ra ngoài, để bà một mình nói chuyện riêng với chàng. Khi chỉ còn hai người, hoàng hậu khóc lóc thảm thiết và nói:
– Giàu sang phú quý đối với ta có là gì, khi sáng nào thức dậy ta cũng lo âu phiền não. Ta có ba người con gái, trong đó con út là đẹp nhất, thiên hạ coi nó là của quý kỳ diệu. Nó da trắng như tuyết, má hồng như hoa táo, tóc mượt óng dưới ánh nắng mặt trời. Mỗi khi nó khóc không phải giọt lệ thường mà là hạt châu, hạt ngọc ở mắt rỏ ra. Lúc nó mười lăm tuổi, vua cho đòi ba chị em đến trước ngai vàng. Chàng không thể tưởng tượng được, khi nó bước vào, toàn thể quần thần đều trố mắt ra nhìn như nhìn mặt trời mọc. Vua phán: “Các con ạ, cha không biết ngày nào là ngày cuối đời mình. Hôm nay cha muốn quyết định cho mỗi con được hưởng thừa kế những gì sau khi cha khuất núi. Các con đều yêu cha cả, nhưng con nào yêu quý cha nhất sẽ được hưởng cái quý nhất.”
Cô con gái nào cũng nói là yêu quý cha nhất. Vua hỏi: “Các con hãy nói xem các con yêu quý cha như thế nào, để cha hiểu được lòng các con.” Cô cả nói: “Con yêu quý cha như yêu đường ngọt lịm.” Cô thứ hai nói: “Con yêu quý cha như yêu chiếc áo đẹp nhất của con.” Cô út lặng thinh. Vua cha liền hỏi: “Con gái yêu quý, con yêu quý cha như thế nào?.” Cô đáp: “Con không biết lấy gì ví lòng con yêu cha.” Nhưng vua cha đòi cô phải nói điều ví của mình. Mãi sau cô mới nói: “Thiếu muối món ăn ngon nhất con ăn cũng không thấy ngon. Vậy con yêu quý cha như muối.” Nghe vậy vua cha nổi giận phán: “Nếu mày yêu quý ta như muối thì ta sẽ lấy muối thưởng cho tấm lòng của mày.” Vua chia ngay giang sơn làm hai chia cho cô cả và cô thứ hai. Sai buộc lên lưng cô út bị muối, rồi cho hai người nông nô dẫn cô vào khu rừng hoang.
Hoàng hậu nói tiếp:
– Tất cả chúng tôi đều van xin cho con út, nhưng vua vẫn không nguôi giận. Con út tôi khóc lóc thảm thiết khi phải ra đi. Suốt dọc đường rải đầy châu ngọc tuôn rơi từ mắt nó. Sau đó ít lâu, vua hối hận vì sự trừng phạt quá đáng ấy, cho người đi tìm đứa con đáng thương khắp trong rừng nhưng chẳng ai tìm thấy nó. Mỗi khi nghĩ nó bị thú dữ ăn thịt là lòng ta se lại. Đôi khi ta tự an ủi với hy vọng là nó vẫn còn sống, ẩn náu trong một cái hang nào đó hay có người nào thương hại che chở. Chàng có thể tưởng tượng được không, khi ta mở chiếc hộp ngọc xanh của chàng ra, ta thấy trong đó có hạt ngọc đúng như hạt lệ ở mắt con gái út ta nhỏ ra. Vì thế nên ta xúc động mạnh. Chàng có thể nói cho ta biết làm sao ngọc kia lại vào tay chàng.
Bá tước kể lại cho hoàng hậu biết, rằng một bà lão trong rừng đã đưa ngọc cho chàng, rằng bà lão nom rất khả nghi là một mụ phù thủy. Chàng không hề nghe nói gì về công chúa hoặc trông thấy nàng. Vua và hoàng hậu quyết định đi tìm bà lão, vì nghĩ, ngọc ở đâu thì có thể tìm ra tung tích con mình ở đó.
Bà lão ngồi kéo sợi phía ngoài nhà. Bà ở nơi hoang vu. Trời đã tối. Một thanh củi trong bếp cháy hắt ra ánh sáng loe lắt. Bỗng nghe thấy tiếng ồn ào vang lại. Ngỗng đến giờ từ đồng cỏ về chuồng, chúng kêu quạc quạc ầm cả lên. Một lát sau cô con gái bước vào nhà. Bà lão chẳng buồn nói mà chỉ khẽ gật đầu. Cô con gái lại ngồi bên mẹ và cầm guồng quay sợi nhanh nhẹn, thành thạo. Hai người ngồi bên nhau hai tiếng đồng hồ mà không nói với nhau nửa lời. Mãi sau có tiếng động bên cửa sổ và có đôi mắt sáng như lửa chằm chằm nhòm vào. Đó là con cú già, nó hú lên ba lần. Bà ngẩng lên nhìn một tí, rồi bảo:
– Con gái quý của mẹ, đã đến lúc con ra làm việc.
Cô đứng dậy và đi ra ngoài. Cô đi đâu nhỉ? Cô băng qua đồng cỏ đi tới tận thung lũng kia. Sau đó, cô tới bên dòng suối, nơi có ba cây sồi cổ thụ. Lúc này trăng tròn và đã lên quá đỉnh núi. Ánh trăng sáng tới mức có thể tìm được kim khâu. Cô bỏ mạng che mặt và ra suối rửa mặt. Xong xuôi cô nhúng mạng xuống nước suối rồi đặt trên cỏ để hong khô dưới ánh trăng. Cô gái thay đổi hình dạng. Chắc các bạn chưa từng thấy người đẹp đến thế bao giờ. Mái tóc hoa râm vừa rơi xuống thì mớ tóc vàng óng mượt tuôn ra như ánh mặt trời, tóc phủ lên khắp người như một chiếc áo khoác. Đôi mắt sáng lóng lánh như sao trên trời, đôi má ửng hồng mịn dịu như hoa táo.
Cô gái xinh đẹp nhưng lại buồn. Cô ngồi khóc thảm thiết, nước mắt tuôn lã chã trên mớ tóc dài rơi xuống đất. Cô cứ ngồi như thế rất lâu, bỗng trên cành cây gần đấy có tiếng loạt xoạt, rào rào. Cô bật đứng dậy như con hoẵng nghe thấy tiếng súng của người đi săn, đúng lúc ấy trăng bị mây che khuất. Chỉ trong giây lát cô lại lấy mạng che lại như cũ và biến đi như ngọn đèn bị gió thổi tắt. Run rẩy như lá liễu, cô chạy về nhà. Bà già đứng trước cửa. Cô định kể cho bà nghe, nhưng bà cười thân mật và bảo:
– Mẹ biết hết cả rồi.
Bà dẫn cô vào buồng, nhóm thêm củi vào bếp. Bà không ngồi xuống guồng sợi mà đi lấy chổi quét cho sạch nhà. Bà bảo con gái:
– Tất cả mọi thứ đều phải tinh tươm sạch sẽ.
Cô hỏi:
– Mẹ định làm gì đấy? Sao đã khuya rồi mà mẹ còn quét nhà?
Bà mẹ hỏi lại:
– Thế con có biết, bây giờ là mấy giờ không?
Cô đáp:
– Quá mười một giờ, nhưng chưa tới mười hai giờ khuya.
Bà già nói tiếp:
– Con có nhớ không, cách đây ba năm, cũng ngày này năm ấy con đã đến với mẹ. Vận hạn con đã hết, chúng ta không thể ở tiếp bên nhau nữa.
Cô gái sợ hãi nói:
– Trời, mẹ yêu dấu, mẹ định bỏ con à? Biết đi đâu bây giờ? Con không có bạn bè, quê hương, không biết nương tựa vào đâu. Những gì mẹ muốn con đều làm cả. Con chưa bao giờ làm phật lòng mẹ. Mẹ đừng đuổi con đi!
Bà già không muốn nói cho cô biết việc sắp xảy ra. Bà bảo cô:
– Mẹ không thể ở đây lâu hơn nữa. Khi dọn đi, mẹ muốn nhà cửa phải cho sạch sẽ. Vì vậy con đừng cản trở công việc của mẹ. Về phần con, con đừng có lo. Con sẽ tìm ra mái nhà yên vui và hài lòng với công sá mẹ trả con.
Cô gái lại hỏi:
– Nhưng mẹ hãy nói cho con biết việc sắp xảy ra.
Mẹ bảo con lần nữa, đừng có quấy rầy mẹ trong khi mẹ bận làm. Con đừng nói gì nữa, hãy về phòng riêng của mình, bỏ mạng che mặt ra, mặc chiếc áo lụa vào, chiếc áo mà con mặc khi con đến với mẹ. Rồi cứ đợi ở trong phòng cho đến khi mẹ gọi ra.
Giờ tôi xin kể tiếp về vua và hoàng hậu. Cả hai cùng bá tước ra đi, tìm bà già ở nơi hoang vu. Bóng đêm bao trùm khắp khu rừng, bá tước đi lạc nên phải đi một mình. Nhưng sáng ngày hôm sau chàng có cảm giác là mình đi đúng hướng. Chàng cứ thẳng đường đi mãi cho tới khi trời tối mới dừng chân, trèo lên cây định ngủ qua đêm vì lo có thể đi lạc đường.
Khi ánh trăng tỏa sáng khắp vùng thì chàng thấy có bóng người thờ thẫn đang đi xuống núi. Người ấy không cầm roi trong tay nhưng chàng nhận ra ngay là người chăn ngỗng mà chàng trước kia đã gặp ở nhà bà già. Chàng kêu lên:
– Chà, mụ ấy đến. Đã thấy được mụ phù thủy tất cả tìm ra người kia.
Chàng ngạc nhiên khi thấy người này đến bên suối, bỏ mạng che mặt ra và vục đầu rửa mặt. Mớ tóc vàng óng mượt xõa xuống người nàng. Chàng chưa từng thấy ai đẹp thế ở trên trần gian. Chàng nín thở vươn cổ ra nhìn người đẹp không chớp mắt. Không hiểu tại chàng vươn ra quá xa hay tại duyên cớ nào khác nữa. Bỗng cành cây kêu đánh rắc một cái, và ngay lúc ấy cô gái vội đeo mạng che mặt, bật đứng dậy như con hoẵng biến khỏi nơi đó. Cùng lúc ấy, mây khuất che mặt trăng nên chàng không nhìn thấy nàng đâu nữa.
Nàng vừa biến mất thì bá tước trèo từ trên cây xuống rảo bước theo sau. Chàng đi được một lát, thấy trong bóng tối lờ mờ hai bóng người đi trên đồng cỏ. Đó là vua và hoàng hậu. Từ xa, hai người thấy có ánh đèn trong căn nhà nhỏ của bà già nên cứ hướng ấy đi tới. Bá tước kể cho họ nghe những điều kỳ lạ chàng nhìn thấy bên suối. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, hai người biết đó chính là cô con gái của mình bị lạc. Họ vui mừng đi tiếp và chẳng mấy chốc tới căn nhà nhỏ. Ngỗng ngủ khắp quanh nhà, đầu ấp vào cánh, không con nào động đậy. Nhìn qua cửa sổ, họ thấy cảnh vật tĩnh mịch, chỉ có bà lão ngồi chăm chú kéo sợi, không ngó nhìn quanh.
Trong buồng sạch sẽ, y như là nơi ở của những người sống trong không trung, chân không dính tí bụi nào. Họ ngắm nhìn một lúc lâu, nhưng không thấy con gái mình. Cuối cùng, họ đành đánh bạo khẽ gõ cửa sổ.
Bà lão hình như ngồi đó để chờ họ. Bà đứng dậy, gọi một cách niềm nở:
– Xin cứ vào, già biết các người mà.
Khi họ vào buồng, bà lão nói:
– Nếu cách đây ba năm, các người đừng đuổi đứa con ngoan ngoãn một cách bất công ra khỏi nhà thì có phải đỡ mất công đi quãng đường dài không? Cô ta cũng chẳng thiệt hại gì. Cô ta phải ba năm chăn ngỗng, không bị tiêm nhiễm điều gì xấu cả, vẫn giữ được tấm lòng trong sạch. Các người đã bị trừng phạt sống trong lo sợ suốt thời gian ấy.
Rồi bà lão vào buồng trong gọi:
– Ra đi, con thân yêu!
Cửa mở, công chúa tóc vàng, có đôi mắt sáng long lanh, cô mặc đồ lụa trông cứ như thiên thần bước ra. Nàng ôm hôn cha mẹ. Mọi người đều òa lên khóc vì vui sướng. Vị bá tước trẻ tuổi đứng bên họ. Nhìn thấy chàng, bỗng nàng đỏ ửng hai má như bông hồng mọc trên đồng nội, nàng cũng chẳng hiểu sao lại như vậy. Nhà vua nói:
– Con yêu dấu của cha, biết cho con cái gì bây giờ, giang sơn cha đã tặng rồi.
Bà lão nói:
– Nàng chẳng cần gì cả. Già đã tặng nàng những giọt lệ mà nàng khóc vì các người. Những giọt lệ ấy đã thành những viên ngọc lóng lánh đẹp hơn cả ngọc lấy dưới bể, nó đáng giá hơn cả giang sơn kia. Để trả công cho nàng, già để cho căn nhà nhỏ này của già.
Nói xong, trong nháy mắt bà già biến mất. Quanh tường có tiếng nổ khe khẽ, mọi người mải nhìn quanh thì căn nhà nhỏ đã biến thành một lâu đài nguy nga, tiệc hoàng gia dọn linh đình, kẻ hầu người hạ chạy đi chạy lại tới tấp.
Câu chuyện còn dài, nhưng bà tôi vì tuổi già nên không nhớ những phần còn lại. Tôi tin rằng, công chúa xinh đẹp sẽ lấy bá tước, họ sống trong lâu đài, hưởng diễm phúc trời cho. Tôi cũng không biết rõ, nhưng tôi đoán rằng, những con ngỗng trắng như tuyết ở quanh nhà từng là những thiếu nữ – xin đừng có ai mếch lòng – mà bà cụ đem về nuôi, giờ đã hiện nguyên hình người để làm thị nữ cho bà hoàng trẻ tuổi.
Chắc chắn bà lão trong chuyện không phải là một mụ phù thủy như người ta tưởng, mà là một bà lão thông minh, tốt bụng. Rất có thể, khi công chúa chào đời, bà mụ đã chúc cho nàng khóc ra châu lệ thay vì nước mắt. Ngày nay, những việc như thế không có nữa, nếu không người nghèo chẳng mấy chốc trở nên giàu có.

180. Mỗi người một nghề

Adam và Eva bị đuổi khỏi thượng giới, phải làm nhà và làm ăn sinh sống trên một mảnh đất cằn cỗi. Adam làm ruộng, còn Eva thì dệt vải. Eva sinh năm một nên rất đông con, nhưng chẳng đứa nào giống đứa nào, một số đứa thì kháu khỉnh dễ thương, một số đứa khác thì lại xấu xí. Đã mấy chục năm trôi qua, một ngày kia thượng đế cho một thiên thần xuống báo trước cho vợ chồng Adam và Eva biết rằng thượng đế sẽ đến thăm và xem vợ chồng sống ra sao. Lòng mừng vui, Êva nghĩ thượng đế thật là khoan dung. Bà lau nhà dọn cửa sạch sẽ, trang trí lại cho đẹp mắt, trải cói ra sân phơi. Rồi bà gọi những đứa con kháu khỉnh lại, tắm rửa mặt mày cho sạch sẽ, chải đầu và mặc cho chúng quần áo mới. Êva còn dặn chúng phải vâng lời và ngoan ngoãn khi thượng đến đến thăm. Chúng phải cúi chào ngài, đưa tay cho ngài hôn, trả lời những câu hỏi của ngài cho rõ ràng mạch lạc. Còn những đứa con xấu xí không được ló mặt ra. Một đứa bà giấu trong đống cỏ khô, một đứa khác trên trần nhà, đứa thứ ba trong đống rơm, đứa thứ tư trong lò, đứa thứ năm trong hầm nhà, đứa thứ sáu trong thùng tô nô, đứa thứ bảy trong thùng rượu không, đứa thứ tám trùm cho chiếc áo lông thú đã cũ kỹ, còn đứa thứ chín và thứ mười chui trong chăn, đứa thứ mười một và mười hai giấu dưới tấm da bò. Vừa mới làm xong công việc thì bà nghe thấy tiếng gõ cửa. Nhìn qua khe cửa Adam thấy Thượng đế đang đứng ngoài cửa, ông kính cẩn ra mở cửa cho ngài vào. Những đứa con kháu khỉnh đứng thành hàng cúi chào và quỳ xuống đưa tay cho ngài hôn. Ngài ban ân đức cho từng đứa một. Ngài xoa đầu đứa thứ nhất và nói:
– Con sẽ trở thành vua một nước hùng cường.
Ngày cũng làm như vậy với đứa thứ hai:
– Con làm tể tướng.
Đứa thứ ba:
– Con làm bá tước.
Đứa thứ tư:
– Con là hiệp sĩ.
Đứa thứ năm:
– Con là nhà quý tộc.
Đứa thứ sáu:
– Con là thị dân.
Đứa thứ bảy:
– Con là lái buôn.
Đứa thứ tám:
– Con là nhà học giả.
Lần lượt cả mười hai đứa đều được ngài ban phước.
Thấy Thượng đế hiền lành và rộng lượng. Eva nghĩ bụng:
– Có lẽ mình lôi lũ xấu xí kia ra đây, thế nào ngài cũng ban ân đức cho chúng.
Bà gọi chúng ra khỏi chỗ ẩn, đứa thì ở đống cỏ khô, đứa thì ở đống rơm, đứa ở trong lò, v.v…. Lũ con thô kệch, bẩn thỉu, ghẻ lở lũ lượt bước tới.
Thượng đế mỉm cười và nói:
– Giờ ta ban phước cho các con.
Ngài xoa đầu đứa thứ nhất và nói:
– Con sẽ làm ruộng.
Đứa thứ hai:
– Con làm nghề chài lưới.
Đứa thứ ba:
– Con là thợ rèn.
Đứa thứ tư:
– Con làm nghề thuộc da.
Đứa thứ năm:
– Con làm nghề dệt vải.
Đứa thứ sáu:
– Con làm nghề thợ giày.
Đứa thứ bảy:
– Con làm nghề thợ may.
Đứa thứ tám:
– Con làm nghề gốm.
Đứa thứ chín:
– Con làm nghề kéo xe.
Đứa thứ mười:
– Con làm lái đò.
Đứa thứ mười một:
– Con làm mõ làng.
Đứa thứ mười hai:
– Con suốt đời đi ở.
Chứng kiến cảnh ban phước xong, Eva nói:
– Muôn tâu thượng đế, tại sao ngài ban phước không đồng loạt giống nhau. Tất cả đây đều là những đứa con sinh ra, vậy chúng cũng phải được ban phước lành như nhau mới phải chứ.
Thượng đế đáp:
– Eva, ngươi không hiểu điều ta làm. Ta có nhiệm vụ làm cho những đứa con của ngươi sẽ sống khắp nơi trên trái đất. Nếu đứa nào cũng là tể tướng, bá tước thì ai sẽ là người trồng ngũ cốc, đập lúa, xay bột và làm bánh? Ai sẽ là người làm lò rèn, dệt vải, đóng bàn ghế, xây nhà, làm vườn, thêu thùa may vá? Tùy theo khả năng mà mỗi người một việc, người này đỡ đần người kia để rồi tất cả cùng có ăn có mặc, hỗ trợ nhau như chân với tay.
Nghe xong Eva nói:
– Trời ơi, xin Thượng đế lượng thứ cho con, con nói mà không nghĩ kỹ. Ý định của ngài sẽ thành sự thực ở nơi những đứa con của con.

181. Con nam ở ao

Xưa có hai vợ chồng người xay bột sống rất sung sướng. Ở đời, hễ giàu lại càng giàu thêm. Nhưng chẳng ai ngờ trước được hoạn nạn. Của đến mau, giờ đây nó cũng theo năm tháng đi mau. Rút cục đến ngay cái nhà xay bác cũng không biết liệu có còn là của mình nữa hay không. Làm vất vả cả ngày, đến tối đặt mình xuống giường bác trằn trọc với những lo cùng nghĩ.
Một buổi sớm kia bác dậy đi ra ngoài hóng mát cho thoải mái. Lúc tia nắng đầu tiên đang le lói thì cũng là lúc bác bước tới mô đất cao gần nhà xay, bác nghe thấy có tiếng nước ùng ục. Ngoảnh lại bác thấy một người đàn bà đẹp từ từ nổi lên: Người ấy đưa bàn tay mềm mại vén mớ tóc dài xõa xuống hai vai, tóc dài che phủ cả tấm thân ngà ngọc. Bác biết ngay là con nam ở ao, nhưng sợ quá, không biết nên chạy trốn hay đứng lại. Con nam cất giọng êm ái gọi chính tên bác và hỏi tại sao bác buồn như vậy. Sau một lúc đứng lặng người, khi nghe giọng nói cởi mở thân mật của con nam, giờ bác thợ xay mới định thần lại, kể rằng trước sống sung túc, dư dật. Nay thì nghèo quá, chưa biết xoay sở làm sao.
Con nam bảo bác:
– Bác cứ yên tâm, tôi sẽ làm cho bác giàu có sung sướng hơn trước. Chỉ có một điều bác phải hứa cho tôi cái gì vừa mới được sinh ra ở trong nhà bác.
Bác nghĩ bụng: “Chẳng có gì khác ngoài chó con hay mèo con,” và nhận lời. Con nam lặn xuống, bác thợ xay vững dạ, vui vẻ quay về nhà. Bác vừa về tới cổng, con ở đã chạy ra báo cho bác tin mừng vợ mới đẻ con trai. Bác nghe tin như sét đánh ngang tai, bác nghĩ, con nam tai quái đã biết trước và đánh lừa bác.
Mặt cúi gầm bác lại gần giường vợ. Thấy bác buồn vợ hỏi:
– Thằng con trai kháu khỉnh thế mà mình không vui à?
Lúc đó bác kể cho vợ nghe chuyện gặp con nam và việc bác hứa với nó. Rồi bác tiếp:
– Mất con thì giàu có cũng chẳng để làm gì! Biết phải làm sao bây giờ?
Bà con trong họ lại mừng bác đẻ con trai, họ cũng không mách được phương kế nào.
Lúc này vợ chồng bác tự nhiên lại ăn nên làm ra, làm gì cũng có lời, hình như cứ qua một đêm thóc lại đầy kho, tiền ở trong tủ lại sinh sôi nảy nở. Chẳng mấy chốc bác giàu có hơn trước, nhưng lúc nào bác cũng canh cánh trong lòng vì chuyện hứa với con nam. Mỗi khi đi qua ao bác lại sợ nó nổi lên nhắc nợ. Bác không cho con chơi gần ao và còn dặn:
– Con không được thò tay xuống ao nhé, thò xuống sẽ bị một bàn tay nó giơ lên túm kéo xuống đáy.
Đã nhiều năm trôi qua, con nam cũng chưa thấy hiện lên, bác thấy yên tâm.
Đứa bé khi xưa đã là một chàng trai. Chàng theo học nghề săn bắn, giờ đã là một trong những tay săn cừ khôi của làng, làm việc cho chúa làng.
Trong làng có một cô gái đẹp và phúc hậu, người mà anh rất ưng ý. Ông chủ biết được ý anh nên cho hai người một căn nhà nhỏ, họ cưới nhau, sống yên vui hạnh phúc như một cặp uyên ương.
Một lần anh đi săn hoẵng, con hoẵng chạy quặt ngay ra cánh đồng, anh đuổi theo và bắn chết. Sai khi moi ruột xong, anh đi tìm chỗ có nước để rửa tay vấy máu. Vô tình anh đến ngay cái ao nguy hiểm kia. Anh vừa mới nhúng tay xuống nước, bỗng con nam hiện lên, tươi cười giơ đôi cánh tay ướt, ôm choàng lấy anh mà kéo xuống, sóng nước cuộn lên phủ luôn cả hai.
Trời tối chồng vẫn chưa về, người vợ nao núng lo sợ, đâm bổ đi tìm. Nghĩ tới những lời người chồng thường nhắc phải lưu ý con nam ở ao, không nên đến gần ao. Chị vội chạy đến ao, thấy túi đi săn của chồng ở ngay bờ ao, giờ thì chị chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Chị vật mình than khóc, gào kêu tên chồng, nhưng vô ích. Chị sang bờ ao bên kia gọi chồng, rồi chửi con nam thậm tệ. Nhưng cảnh vật im ắng, không có một tiếng đáp lại, chỉ có vành trăng khuyết chiếu lờ mờ trên mặt nước ao phẳng lặng. Người vợ tội nghiệp kia không rời ao nửa bước, chị lồng lộn chạy quanh ao, lúc thì kêu gào thảm thiết, lúc thì lầm rầm rên rỉ, có lúc đứng lặng người ra. Cuối cùng chị kiệt sức, ngã sóng soài xuống đất và ngủ thiếp đi.
Trong lúc ngủ chị chiêm bao thấy mình đang run rẩy leo núi, đá sắc và gai đâm nát bàn chân, mưa gió táp rát cả mặt, mớ tóc dài của chị bị gió thổi tung. Khi chị leo tới đỉnh núi thì phong cảnh lại khác hẳn: Bầu trời xanh biết, không khí dễ chịu, bề mặt ngọn núi gần như bằng phẳng. Trên cánh đồng cỏ xanh chen lẫn hoa đủ màu sắc có một túp lều xinh xinh. Chị đi ngay tới đó, mở cửa thì thấy một bà già tóc bạc phơ thân mật vẫy chị.
Mơ đến đó bỗng chị tỉnh giấc. Trời đã hửng sáng, chị tính nhất định phải làm theo mộng báo. Chị ráng sức leo núi và mọi chuyện quả nhiên y như những điều thấy trong giấc mơ tối hôm trước. Bà lão tiếp chị rất thân mật, trỏ ghế mời chị ngồi và nói:
– Chắc con có điều gì bất hạnh, nên mới tìm đến chiếc lều của ta ở nơi hẻo lánh này.
Chị vừa khóc vừa kể cho bà nghe những việc xảy ra với chị. Bà lão an ủi:
– Con đừng khóc nữa, cứ yên tâm, ta sẽ giúp con. Đây ta cho con chiếc lược vàng. Con hãy kiên nhẫn, khi nào trăng rằm con ra bờ ao ngồi, lấy lược này chải làn tóc dài đẹp của con. Chải xong, con để lược ở bờ ao, lúc đó con sẽ thấy có chuyện lạ xảy ra.
Chị trở về nhà. Thời gian đối với chị bây giờ sao mà dài thế. Đúng trăng rằm sáng chiếu mọi nơi chị ra ngồi bên bờ ao, ngồi chải làn tóc dài đen nhánh của mình bằng chiếc lược vàng. Chải xong, chị để lược ở ngay bờ ao. Ngay sau đó sóng nước cuộn từ dưới đáy ao cuộn lên, dâng tràn bờ ao và cuốn luôn chiếc lược theo dòng nước.
Lược vừa mới lắng chạm đáy ao, mặt nước bỗng rẽ làm đôi, rồi đầu chồng chị nổi lên. Anh không nói lấy một lời, chỉ nhìn vợ với vẻ mặt buồn rười rượi. Rồi đợt sóng thứ hai nổi lên, cuộn nhấn chìm luôn đầu anh xuống. Tất cả chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Giờ đây mặt ao lại phẳng lặng như trước. Người ta chỉ còn thấy ánh trăng rằm trên mặt nước phản chiếu như gương.
Chán nản chị ta đi về. Đêm ngủ chị chiêm bao thấy túp lều bà lão. Sáng hôm sau chị lại đến than thở với bà về chuyện mình. Bà cho chị một cái sáo bằng vàng và dặn:
– Con hãy kiên nhẫn chờ đến trăng rằm, lúc đó mang sáo này ra ngồi thổi ở bên bờ ao, thổi một bài tình ca thật hay, thổi xong đặt sáo trên cát, con sẽ thấy có chuyện lạ xảy ra.
Chị làm đúng như lời bà mụ dặn. Chiếc sáo vừa chạm cát thì sóng từ đáy ao ào ào nổi lên, sóng tràn cuốn sáo đi theo, ngay lúc đó chồng chị rẽ nước nổi lên, anh giơ tay muốn với lấy chị nhưng ngọn sóng thứ hai dâng lên ngập đầu anh và cuốn giật anh xuống.
Người đàn bà bất hạnh than:
– Trời, cái đó có ích gì: nhìn thấy chồng mình để rồi anh ấy lại đi.
Lại một lần nữa cơn buồn tê tái tràn ngập lòng chị, nhưng trong mơ chị lại thấy mình được dẫn tới nhà bà mụ. Hôm sau chị lại tới nhà bà. Bà mụ cho chị một cái guồng sợi bằng vàng, an ủi chị và nói:
– Mọi chuyện chưa kết thúc đâu con ạ, hãy kiên nhẫn, chờ đến trăng rằm, khi ấy mang guồng sợi vàng này ra bờ ao, ngồi guồng cho đầy một cuộn. Xong việc, con để guồng ở ngay bên bờ ao, và lúc ấy con sẽ thấy có chuyện lạ xảy ra.
Chị làm theo đúng như vậy. Đợi trăng rằm sáng chị mang guồng ra bờ ao, ngồi guồng sợi một cách cần mẫn, guồng cho sợi đầy cuộn. Sợi vừa đầy cuộn thì bỗng có tiếng sóng nước, một ngọn sóng nước cuồn cuộn dâng lên cuốn theo guồng đi. Rồi người chồng chị theo sóng hiện lên trên mặt nước. Anh nhảy vội lên bờ, kéo tay vợ chạy trốn, nhưng hai vợ chồng mới chạy được vài bước thì nước ao dâng lên ầm ầm, ngập luôn cả cánh đồng. Nước chảy xiết, hai vợ chồng tưởng như chết đến nơi, người vợ vội cầu khẩn bà lão. Chỉ trong khoảnh khắc vợ biến thành một con rùa, chồng mình thành ếch. Nước cuốn luôn cả rùa lẫn ếch, cuốn giạt mỗi con một nơi.
Khi nước đã rút hết, hai con vật kia nằm ở trên cạn và hiện lại nguyên hình thành người. Giờ thì mỗi người một nơi, chia cách họ là núi cao, thung lũng sâu họ phải sống chung với những người dân bản xứ, không ai biết họ từ đâu đến.
Để sinh sống họ đi chăn cừu, họ cứ sống như vậy hết năm này sang năm khác, chăn cừu qua hết rừng này sang cánh đồng khác, lòng lúc nào cũng buồn rầu, thương nhớ.
Mùa xuân lại tới, cây cỏ mọc tươi tốt, họ lại xua đàn cừu ra đồng cỏ. Tình cờ họ đi ngược chiều nhau. Anh thấy ở bãi cỏ phía núi xa xa có mọt bầy cừu đang ăn, liền xua đàn cừu của mình tới đó. Mặc dù giờ họ chăn cừu ở cùng một thung lũng nhưng họ vẫn không nhận được nhau, họ chỉ cảm thấy mình không cô đơn như trước. Hàng ngày họ xua đàn cừu ra đồng ăn gần nhau, thỉnh thoảng giữa họ cũng có lời qua tiếng lại, thấy đời cũng vui hơn.
Buổi tối kia, khi trăng tròn đã mọc, đàn cừu đã ngủ, anh chăn cừu rút sáo ra thổi một bài tình ca thống thiết, chàng thổi xong, nhìn thấy người bạn gái chăn cừu khóc nức nở, bèn hỏi:
– Tại sao em khóc?
Người kia đáp:
– Trời, cũng trăng tròn sáng như hôm nay, khi em thổi sáo bài hát này thì thấy chồng em nhô lên khỏi mặt nước.
Anh ngắm nhìn người con gái, hình như tấm màn che ngăn cách đã tan đi, anh lại nhận ra người vợ yêu quí của mình. Nhờ ánh trăng chiếu vào mặt người đàn ông mà chị nhận được ra chồng mình. Hai người ôm hôn nhau. Chuyện họ sống hạnh phúc biết chừng nào khỏi cần phải hỏi.

182. Món quà của những người tí hon

Một bác thợ may và một bác thợ vàng cùng đi trẩy hội. Một hôm, khi mặt trời vừa lặn sau núi, họ nghe thấy có tiếng nhạc từ xa vọng lại, càng đến gần càng rõ. Tiếng nhạc âm vang kỳ lạ, và xao xuyến lòng người khiến hai khách bộ hành quên cả mệt nhọc cứ thẳng hướng đò rảo bước.
Khi trăng lên thì họ cũng vừa đặt chân tới một quả đồi và nhìn thấy một đám đông người nhỏ bé, nam nữ cầm tay nhau nhảy múa vui vẻ và ca hát tưng bừng. Chính đó là âm thanh mà hai khách bộ hành nghe thấy khi đi đường.
Một ông lão to lớn hơn những người khác một tí ngồi ở giữa, áo quần sặc sỡ, chòm râu bạc phơ rũ xuống quá ngực. Hai người ngạc nhiên đứng ngẩn ra xem. Ông lão vẫy tay mời hai người vào nhảy, những người tí hon mở rộng vòng để họ vào. Bác thợ vàng có bướu ở lưng với tính liều lĩnh vốn có ở những người gù, bước vào trước. Bác thợ may cảm thấy ngượng ngùng, do dự nhưng thấy vui quá cũng bước theo vào. Khi vòng múa khép lại, những người tí hon lại ca múa tưng bừng. Ông lão rút ở thắt lưng một con dao to để mài, khi thấy dao đã sắc ông lão ngoảnh lại tìm hai người lạ mặt. Cả hai hoảng hồn chưa kịp định thần suy nghĩ thì ông lão đã nắm lấy bác thợ vàng, chỉ trong nháy mắt ông đã cạo nhẵn tóc và râu của bác. Bác thợ may cũng bị cạo sạch tóc râu. Nhưng họ hoàn hồn ngay vì sau khi làm xong việc ấy, ông lão lại thân mật vỗ vai họ như muốn khen họ biết ngoan ngoãn vâng lời. Với ngón tay trỏ, ông chỉ tay vào đống than gần đó và ra hiệu họ nhét đầy than vào túi áo. Cả hai lặng lẽ làm theo mặc dầu chẳng biết lấy than thì có ích lợi gì cho mình. Sau đó họ tiếp tục lên đường để tìm chỗ ngủ trọ. Khi họ xuống thung lũng thì chuông ở tu viện làmg bên báo mười hai giờ đêm. Ngay lúc ấy tiếng ca hát nhỏ dần, rồi tất cả đều biến mất chỉ còn lại ánh trăng lẻ loi với quả đồi im lặng.
Hai người bạn đường tìm thấy một quán trọ. Nằm trên đệm rơm, lấy quần áo ra đắp, mệt quá họ ngủ mà quên cả bỏ than ở trong túi ra. Than đè nặng làm họ thức giấc sớm hơn thường lệ. Họ thò tay vào túi nhưng không dám tin ở mắt mình khi thấy túi chứa đầy vàng nguyên chất chứ không phải là than. May quá, râu tóc cũng còn nguyên cả. Họ trở thành những người giàu có. Vốn tính tham lam, bác thợ vàng nhét nhiều than hơn vào túi nên số vàng của bác giờ đây nhiều gấp đôi số vàng của bác thợ may. Kẻ tham, hễ có lại muốn có nhiều hơn, bác thợ vàng rủ bạn ở lại thêm một ngày nữa, để tối tới ông già râu bạc trên đồi kiếm thêm nhiều vàng hơn hôm trước. Bác thợ may không muốn và nói:
– Với tôi thế là đủ. Tôi mãn nguyện lắm rồi. Giờ tôi có thể trở thành thợ cả, cưới người dễ thương của tôi (anh ta thường gọi người yêu như vậy), tôi sẽ là con người hạnh phúc.
Nhưng chiều ý bạn nên bác cũng vui lòng ở thêm ngày nữa. Để lấy cho nhiều, tối đến bác thợ vàng vắt thêm lên vai mấy cái túi rồi đi về phía đồi. Cũng như tối trước, bác thấy những người tí hon đang ca hát và nhảy múa. Ông lão lại cạo nhẵn râu tóc bác và ra hiệu bác lấy than về. Không chút ngần ngại, bác ta nhét đầy than vào các túi mang theo, rồi hớn hở về nhà, lấy quần áo đắp lên người rồi ngủ. Bác lẩm bẩm:
– Nếu vàng có đè nặng, ta cũng chịu được.
Rồi bác thiu thiu ngủ, yên trí sáng mai mình sẽ là người giàu nứt đố đổ vách. Vừa mới mở mắt bác đã vội đứng dậy lục túi, bác ta rất đỗi ngạc nhiên khi móc ra chỉ thấy toàn than đen sì, móc mãi cũng vậy. Bác ta nghĩ:
– Nhưng mình hãy còn số vàng lấy được ngày hôm qua.
Bác ta vội chạy đi lấy, bác kinh sợ khi thấy số vàng ấy cũng đã trở thành than. Buồn bực, bác đưa hai tay nhọ nhem lên trán suy nghĩ thì thấy đầu mình nhẵn thín và chòm râu cũng bị cạo nhẵn. Nhưng rủi ro vẫn chưa hết: lưng vốn có một cái bướu giờ đây bác lại thấy thêm một cái bướu nữa cũng to như vậy, mọc trước ngực.
Giờ bác đã thấy rõ hình phạt cho lòng tham của mình và ngồi khóc nức nở.
Bác thợ may tốt bụng nghe tiếng khóc tỉnh dậy cố an ủi ông bạn bất hạnh:
– Tôi với bác đã là bạn đồng hành, bác cứ ở với tôi, ta cùng hưởng số vàng của tôi.
Bác thợ may giữ đúng lời hứa. Nhưng bác thợ vàng kia suốt đời phải mang hai cái bướu và phải đội mũ để che cái đầu nhẵn bóng của mình.

183. Gã khổng lồ và người thợ may

Có một anh thợ may nổi tiếng khắp vùng về nói khoác và về tính khất lần mỗi khi mắc nợ. Một hôm anh ta nảy ra ý định đi dạo một chút để ngắm cảnh trời đất. Anh vội vã rời cửa hàng.
“Mình đi đường mình
Qua cầu lớn nhỏ
Thoắt đó, thoắt đây
Đi hoài, đi mãi.”
Ra khỏi nhà được một đoạn, anh thấy ở tít xa trong đám sương lam có một ngọn núi cao, vách núi dựng đứng. Sau núi là một ngọn tháp vươn lên từ khu rừng già âm u, tháp vươn sát tận trời mây. Anh thợ may reo:
– Trời ơi, sao cảnh vật lại hùng vĩ kỳ lạ như vậy!
Tính tò mò nổi lên, anh thợ may cứ thể thẳng tiến về phía núi. Khi tới gần, anh ta há hốc mồm, trợn tròn mắt. Cái tháp ấy lại có chân, chỉ nhún mình một cái nó đã nhảy qua một ngọn núi cao vách dựng đứng kia. Và trước mặt anh thợ may giờ đây là một người khổng lồ lực lưỡng, giọng nói vang như sấm đánh từ tứ phía:
– Thằng oắt nhỏ xíu bằng cái chân ruồi kia, mày làm gì ở đây hở?
Anh thợ may lúng búng trong miệng.
– Tôi tính dòm quanh xem liệu có kiếm được mẩu bánh nào ở trong rừng không.
– Nếu mày cũng rảnh rỗi như vậy thì mày có thể theo hầu tao được rồi đó.
– Nếu không tránh được thì sao lại không làm? Nhưng công xá tôi nhận được có khá không?
Gã khổng lồ bảo:
– Công xá mày nhận được có khá không hở? Hãy lắng nghe ta nói: Một năm có ba trăm sáu lăm ngày, nếu đó là năm nhuận thì tính thêm một ngày nữa vào đó, tao sẽ trả công mày đầy đủ không sót một ngày. Như thế mày đã thỏa mãn chưa?
– Theo tôi, thế cũng được!
Trả lời như vậy nhưng trong bụng anh thầm nghĩ: phải tùy cảnh ngộ mà liệu chiều. Tất nhiên phải tìm cách tẩu thoát càng sớm càng tốt.
Rồi gã khổng lồ bảo anh thợ may:
– Thế thì đi mau, thằng oắt con nhãi nhép kia, hãy đi lấy cho ta bình nước!
Anh chàng khoác lác còn hỏi vặn:
– Tại sao không lấy luôn cả suối lẫn nguồn, thế có phải tốt hơn không nào?
Mồm nói, nhưng anh bước luôn, tay xách bình đi lấy nước.
Gã khổng lồ lẩm bẩm:
– Nó nói cái gì? Lấy luôn cả suối lẫn nguồn có hơn không à?
Gã khổng lồ vốn vụng về, ngốc nghếch, tay chống cằm, gã bắt đầu thấy lo:
– Thằng này cũng đáng sợ đây! Người nó có chất nhân sâm. Phải coi chừng đó, lão già Hanxơ! Loại người như vậy không thể dùng làm người ở cho mình được đâu.
Anh thợ may vừa mới lấy nước về thì gã khổng lồ lại sai anh vào rừng đốn mấy khúc gỗ lớn mang về làm củi. Nhưng trước khi đi đốn gỗ, anh còn hỏi vặn:
Chặt cả cánh rừng?
Chặt từng khu một?
Chặt tuốt lớn nhỏ?
Không kể thẳng cong?
Gã khổng lồ vốn cả tin, nghe vậy, mồm hắn lẩm bẩm, dáng lo sợ:
Chặt cả cánh rừng?
Chặt từng khu một?
Chặt tuốt lớn nhỏ?
Không kể thẳng cong?
Và: – Lấy luôn cả suối lẫn nguồn có hơn không?
Thằng này cũng đáng sợ đây! Người nó có chất nhân sâm. Phải coi chừng đó, lão già Hanxơ. Loại người như vậy không thể dùng làm người ở cho mình được đâu.
Anh thợ may vừa mới mang củi về tới nhà thì gã khổng lồ lại sai ngay anh vào rừng bắn lấy hai hay ba con heo rừng về làm bữa ăn chiều. Anh chàng khoác lác kênh kiệu kia lại hỏi:
Chỉ nã một phát
Chết cả ngàn con
Thêm cả mày nữa
Thế có hơn không?
Gã khổng lồ nhát như thỏ đế kia lo sợ vội la:
– Mày nói cái gì? Thôi! Thôi! Hôm nay làm như thế là đủ rồi, và giờ mày có thể đi ngủ được đấy.
Gã khổng lồ vô cùng lo sợ, suốt đêm không tài nào chợp mắt được. Gã suy đi tính lại xem có cách nào tống khứ được cái thằng phù thủu lắm tà thuật, cái thằng oắt con đang theo hầu mình kia càng sớm càng tốt.
Nghĩ mãi rồi cũng phải ra.
Sáng sớm hôm sau, gã khổng lồ và anh thợ may đi dạo tới một khu đầm lầy, liễu mọc đầy quanh bờ đầm. Khi đó gã khổng lồ bảo:
– Hãy nghe đây, chú thợ may. Chú thử leo lên một cành cây, rồi lấy sức đu uốn cành cây xuống sát mặt đất, tớ được xem như vậy chết cũng đã đời.
Thoắt một cái, anh thợ may đã ngồi chót vót trên một cành cây cao, rồi nín hơn dún đu mình ở đầu cành cây làm cành cong xuống. Đến khi lực dún hết tác dụng, rồi do anh không bỏ bàn ủi vào túi cho nặng thêm, cành cây liền bật vút trở lại, anh bị văng tít lên không, không ai nhìn thấy bóng dáng anh nữa. Còn gã khổng lồ thì vui mừng vô hạn.
Nếu anh chưa rơi xuống, chắc chắn anh vẫn còn đang bơi lơ lửng trong không trung.

184. Cái đinh

Có một người lái buôn muốn trở về nhà trước lúc trời tối. Anh ta để gói hành lý lên lưng ngựa và lên đường. Đến trưa, anh dừng chân nghỉ ở một thành phố. Khi anh tiếp tục đi thì người coi ngựa báo:
– Thưa ông, móng ngựa chân trái sau đã thiếu một cái đinh.
– Thiếu cũng chẳng sao, ta chỉ đi sáu tiếng nữa thôi, chắc lúc ấy móng sắt ngựa hãy còn chặt. Ta đang vội!
Đến chiều anh ghé vào một quán hàng bên đường để cho ngựa ăn, người coi ngựa lại nói:
– Thưa ông, móng sắt rơi mất rồi. Hãy để tôi dẫn nó tới thợ rèn.
– Chẳng sao! Ngựa còn đi được. Ta phải về nhà trước lúc trời tối.
Anh ta lại đi tiếp. Nhưng chẳng bao lâu ngựa bắt đầu khập khiễng. Rồi lát sau ngựa lại đi vấp, trượt chân. Cuối cùng nó gãy chân và ngã lăn ra. Người lái buôn đành bỏ ngựa và quảy hành lý lên vai. Anh ta đi bộ tới khuya mới về tới nhà.
Anh ta lẩm bẩm một mình:
– Nhanh nhẩu đoảng. Vì cái đinh mà hỏng việc.

186. Cô dâu đích thực

Ngày xửa ngày xưa có một cô gái trẻ xinh đẹp, nhưng mẹ mất sớm. Dì ghẻ kiếm mọi cớ để hành hạ cô. Việc gì nặng nhọc, khó khăn thì mẹ kế bắt cô làm, cô gắng hết sức mình làm cho xong việc, nhưng không bao giờ người dì ghẻ độc ác đó bằng lòng, mụ vẫn hoạnh họe là làm không tốt! Cô càng chịu khó làm việc thì mụ càng giao việc nhiều. Mụ còn tìm cách giao cho cô những việc nặng hơn, khiến cô sống vô cùng khổ sở.
Một hôm, mụ bảo:
– Đây là năm ký lông vũ, mày đem tước hết tơ lông ra cho sạch sẽ. Nếu tối nay mày làm không xong thì một trận đòn sẽ chờ mày. Đừng có tưởng suốt ngày chây lười là xong!
Cô gái đáng thương ngồi tước lông vũ, nước mắt chảy tuôn hai hàng trên má, vì cô biết rằng việc này một ngày không thể nào làm xong được.
Ngồi trước đống lông vũ, cô thở dài hoặc lóng ngóng mà đập hai tay vào nhau, lông bay tứ tung, và cô phải chọn lại từ đầu. Lo sợ, cô chống khuỷu tay lên bàn, hai bàn tay ôm lấy mặt mà kêu lên:
– Lẽ nào ở trên đời này, không có ai thương hại tôi sao?
Chợt cô nghe thấy một giọng nói ấm áp:
– Con của ta, con đừng lo! Ta tới giúp con đây!
Cô gái ngẩng đầu lên thì thấy một bà lão đứng cạnh mình, bà thân thiết nắm tay cô và nói:
– Con hãy tin ở nơi ta. Kể cho ta nghe, trong lòng con có điều gì buồn!
Nghe giọng nói thân tình của bà lão, cô gái thật thà kể hết về cuộc sống bi thảm của cô, rằng cô đã nhẫn nhục làm hết việc nặng nhọc này tới việc nặng nhọc khác, nhưng với việc lần này quả thực là cô không làm nổi, cô nói:
– Nếu tới tối hôm nay con không tước xong số lông vũ này thì bà mẹ kế sẽ đánh con. Bà ta đã dọa như vậy, con biết tính bà ta nói là làm!
Cô nói, mà nước mắt chảy hai hàng. Bà lão tốt bụng nói:
– Con của ta chớ lo. Con cứ nghỉ đi, trong lúc con nghỉ bà sẽ làm xong cho con.
Cô gái nằm xuống giường, rồi thiu thiu ngủ. Bà lão ngồi xuống bên chiếc bàn chất đầy lông vũ, giơ bàn tay gầy guộc lướt nhè nhẹ đụng lên trên đống lông vũ là đã tước xong toàn bộ năm kí lông vũ.
Khi cô gái tỉnh giấc, một đống lông tơ trắng muốt đã chất cao ở đó. Phòng đã quét dọn sạch sẽ, tươm tất, còn bà lão thì không thấy đâu nữa.
Cô gái cảm tạ thượng đế, yên lặng ngồi ở đó cho tới tận tối.
Bà mẹ kế quay về, thấy công việc đã xong thì hết sức kinh ngạc, nói:
– Quân chây lười thấy chưa! Chỉ cần chịu khó thì việc gì mà chẳng làm xong. Lẽ nào mày không tìm thêm việc mà làm à? Tại sao vẫn ngồi ở đó, hai tay thủ vào trong lòng!
Khi bước ra khỏi phòng mụ còn lẩm bẩm:
– Quân súc sinh này ăn tốn, phải giao tiếp cho nó việc nặng hơn mới được!
Sáng sớm hôm sau, mụ dì ghẻ gọi cô gái tới và nói:
– Mày cầm lấy chiếc gàu tát nước này, tát hết nước ao cạnh vườn hoa. Tới tối mà không tát cạn, thì mày biết hậu quả sẽ là gì rồi!
Cô gái nhận chiếc gàu thì phát hiện ra đó là chiếc gàu thủng. Dù gàu không thủng thì cũng không thể tát cạn nước trước khi trời tối!
Cô gái bắt tay ngay vào việc. Cô tát nước, mà nước mắt chảy hai hàng. Giữa lúc đó bà lão tốt bụng lại xuất hiện. Sau khi biết nguyên nhân khiến cô gái đau khổ, bà lão nói:
– Con cứ yên tâm! Con vào trong bụi cây thấp kia mà nằm nghỉ, ta giúp con làm xong việc này.
Khi chỉ còn lại một mình, bà lão chỉ chạm tay vào mặt nước là nước đã bốc hơi bay lên không trung, lẫn vào trong đám mấy. Nước ao dần dần cạn hết. Khi mặt trời lặn cô gái thức giấc, tới bên ao thì chỉ thấy có cá ở trong ao đang quẫy nhảy trong bùn. Cô chạy tới chỗ bà mẹ kế, báo rằng công việc đã làm xong. Mặt trắng bệch vì tức giận, mụ nói:
– Đúng ra mày phải làm xong từ lâu mới phải!
Mụ ta lại nghĩ kế mới để hành hạ cô gái. Sáng sớm ngày thứ ba, mụ nói:
– Mày hãy xây một cung điện tráng lệ ở chỗ kia, tới tối nhất định phải làm xong!
Cô gái vô cùng kinh hoàng nói:
– Cung điện lớn như thế, con làm sao mà hoàn thành được!
– Tao không cho phép mày cãi lại! Dùng gàu thủng cũng tát cạn được ao, thì cũng xây được một cung điện. Ngay trong ngày hôm nay tao muốn dọn vào ở, nếu thiếu thứ gì ở trong đó, cho dù là một vật nhỏ ở nhà bếp, hoặc ở dưới hầm nhà cũng không được. Nếu không làm xong thì mày đã biết rồi đấy, cái gì chờ mày!
Nói xong, mụ đuổi cô gái ra. Cô gái vào tới thung lũng thì nhìn thấy ở nơi đó toàn là những tảng đá xếp thành từng lớp chồng lên nhau. Có lấy hết sức cô cũng chẳng nhấc nổi được tảng đá nhỏ nhất. Cô ngồi xuống khóc nức nở, chờ mong bà lão tốt bụng lại tới. Cô chẳng phải chờ lâu, bà lão tốt bụng tới và an ủi cô gái:
– Con tới bóng cây mà ngủ. Ta giúp con xây xong cung điện. Nếu con thích cung điện đó, thì con có thể sống ở trong cung điện ấy!
Cô gái đi rồi, bà lão đưa tay sờ lên những tảng đá xám, lập tức những hòn đá đó chuyển động, xếp lại với nhau, chồng lên nhau… cứ như có người khổng lồ đang xây. Cung điện cứ hình thành dần lên tựa như có vô số bàn tay vô hình bận rộn với việc xây dựng, đặt đá chồng lên nhau. Mặt đất ầm vang tiếng xây dựng. Những chiếc cột trụ từ từ mọc lên theo hàng, theo lối. Ngói trên mái cũng tự động lợp lên ngay ngắn. Tới trưa, thì cờ chỉ hướng gió dựng đứng trên đỉnh tháp, giống như mái tóc vàng dài của thiếu nữ bay phần phật theo gió. Tới tối thì việc xây dựng bên trong cung điện cũng hoàn thành.
Bà lão đã làm tất cả những việc đó thế nào, tôi không rõ, nhưng trên các bức tường đều có phủ nhung lụa. Trên các ghế là các tấm đệm thêu hoa văn đẹp. Xung quanh chiếc bàn – mặt bàn làm bằng đá hoa cương và những chiếc ghế bành được trang trí tinh xảo. Chùm đèn pha lê treo trên trần nhà soi bóng trên nền nhà, có những con vẹt xanh ở trong những chiếc lồng bằng vàng ròng, lại còn rất nhiều loài chim lạ, cất tiếng hót líu lo, nghe rất vui tai. Cung điện nguy nga, tráng lệ như đang đón chờ nhà vua bước vào.
Mặt trời vừa lặn thì cô gái tỉnh lại. Hàng ngàn vạn ánh nắng chiếu vào mặt cô gái. Cô rảo bước qua cổng để vào cung điện. Trên bậc thềm trải thảm đỏ, tay vịn làm bằng vàng, đây đó trang hoàng bằng những chậu hoa.
Cô gái đứng ngẩn người ra, khi nhìn thấy gian phòng lộng lẫy. Nếu như cô không chợt nhớ tới người mẹ kế thì ai mà biết được cô còn đứng đó bao lâu. Cô lẩm bẩm nói với mình:
– Nếu như lần này mà bà ta thỏa mãn thì mình sẽ không phải sống những ngày khốn khổ!
Cô gái trở về nhà báo cho mẹ kế biết là cung điện đã xây xong. Mụ ta nói:
– Ta phải tới ngay mới được!
Mụ ta vừa nói vừa đứng phắt ngay dậy.
Mụ ta bước vào cung điện, ánh sáng đèn làm mụ lóa mắt, phải dùng tay che. Mụ bảo cô gái:
– Mày làm những thứ này thật quá dễ dàng. Đáng lẽ tao phải giao việc khó hơn!
Mụ ta đi hết lượt qua các phòng, xem xét mọi góc trong nhà xem còn thiếu gì không. Với cặp mắt hằn học xói vào cô gái, mụ nói:
– Nào, đi xuống, còn phải kiểm tra nhà bếp và hầm nhà. Nếu mày quên thứ gì thì sẽ không thoát khỏi bị trừng phạt đâu!
Lửa cháy rực trong lò, các nồi đang nấu thức ăn, còn trên tường treo đủ loại dụng cụ phục vụ cho việc nấu ăn, tất cả đều sáng loáng. Mọi thứ đều có, nào là rỏ than, thùng chứa nước, chẳng thiếu một thứ gì cả. Mụ ta hỏi:
– Cửa xuống hầm nhà đâu? Nếu trong hầm nhà không xếp đầy thùng rượu thì mày sẽ gặp họa đấy!
Mụ tự đẩy cửa hầm nhà, đi xuống, nhưng mới đi được hai bậc thì cánh cửa quay của hầm do chỉ có gá tạm, nên đã đổ sập xuống.
Cô gái nghe tiếng kêu cứu, vội lại nâng cửa hầm lên, ta, nhưng bà ta đã bị cửa đè, nằm chết tại chỗ!
Thế là cung điện tráng lệ thuộc về cô gái. Thoạt đầu cô cũng chẳng biết là mình đã có hạnh phúc đó. Trong các tủ lớn treo những bộ quần áo tuyệt đẹp. Trong các rương chứa đầy vàng bạc châu báu. Mọi ước vọng của cô đã thành hiện thực.
Tin về cô gái xinh đẹp, giàu có lan truyền nhanh chóng đi khắp nơi. Ngày nào cũng có người tới xin cầu hôn, nhưng cô gái chưa ưng ý ai cả. Cuối cùng, một vị hoàng tử đã tới cầu hôn. Lòng cô rạo rực vui mừng. Thế là họ đính hôn với nhau.
Trong vườn của cung điện có một cây sồi xum xuê. Một hôm ngồi ở gốc sồi trò chuyện tâm tình, hoàng tử đã nói với cô gái:
– Anh phải trở về để xin vua cha cho phép chúng ta kết hôn. Anh mong nàng chờ ở dưới cây này, mấy giờ sau anh sẽ quay lại.
Cô gái hôn vào má trái của hoàng tử và nói:
– Chàng hãy hứa với em, chớ để ai hôn vào má bên kia. Em sẽ đợi ở dưới cây sồi này, chờ chàng quay lại.
Cô gái ngồi chờ dưới tán cây sồi, hoàng hôn đã xuống mà chẳng thấy chàng quay lại. Cô gái vẫn chờ suốt ba ngày đêm nữa mà cũng chẳng thấy tăm hơi chàng. Ngày thứ tư, vẫn không thấy chàng quay lại, cô nói:
– Chàng nhất định đã gặp phải chuyện gì bất hạnh rồi. Mình phải đi tìm chàng. Tìm cho bằng được mình mới quay trở về!
Cô gái mang theo một túi châu báu và ba bộ váy áo thêu đẹp nhất: một bộ có thêu những ngôi sao sáng lấp lánh, một bộ thêu mặt trăng màu sáng bạc, bộ thứ ba thêu những tia nắng mặt trời vàng rực. Cô gái đi khắp nơi dò tin về người chồng chưa cưới, nhưng chẳng có ai nhìn thấy chàng, cũng chẳng ai biết chàng ở đâu. Cô cứ lang thang khắp chân trời góc biển, nhưng vẫn chẳng tìm thấy chàng. Cuối cùng, cô đến nhà một người nông dân, xin làm người chăn nuôi gia súc cho họ. Cô gái giấu những bộ quần áo và châu báu của mình ở dưới một tảng đá.
Giờ đây cô gái bắt đầu cuộc sống của một người chăn gia súc. Hàng ngày chăn gia súc, trong lòng cô đầy nỗi sầu nhớ người yêu của mình.
Có một con bê quấn quýt cô, và cô gái vẫn thường dùng tay đưa thức ăn cho nó. Mỗi khi cô nói:
Bê dễ thương, bê dễ thương ơi, nằm xuống đi!
Mi đừng có quên ta – người mục đồng,
Như hoàng tử quên người vợ chưa cưới của chàng
Để nàng ngồi chờ mong dưới cây sồi!
Thì con bê dễ thương nằm xuống cho cô vuốt ve.
Cô gái sống cô độc và buồn bã mấy năm, ngày kia ở đất nước nơi cô trú ngụ có tin lan truyềm: công chúa sắp cử hành hôn lễ.
Con đường tới cung điện của vua đi qua làng cô gái đang ở. Một hôm, khi cô đang chăn bò thì chú rể cưỡi ngựa qua con đường đó, chàng không nhận ra cô, nhưng cô gái thì nhận ngay ra chú rể chính là người yêu của mình, và lòng thấy đau như dao cắt. Cô nói:
– Ôi! Mình nghĩ, chàng vẫn chung thủy, nhưng chàng đã quên mất mình rồi!
Ngày hôm sau, chú rể lại đi qua con đường đó. Khi chàng trai tới gần, cô gái nói với con bê:
Bê dễ thương, bê dễ thương ơi, nằm xuống đi!
Mi đừng có quên ta – người mục đồng,
Như hoàng tử quên người vợ chưa cưới của chàng
Để nàng ngồi chờ mong dưới cây sồi
Chàng trai nghe thấy những âm thanh đó, bất giác cúi đầu xuống nhìn, rồi ghìm cương ngựa, nhìn kỹ cô gái chăn bò, sau đó đặt tay lên trán, như muốn nhớ lại điều gì. Nhưng rồi chàng lại phóng đi, lát sau đã khuất nẻo.
– Thế là chàng đã không nhận ra mình!
Cô gái thốt lên và từ đó về sau lại càng đau khổ hơn.
Không bao lâu sau có tin lan truyền, trong cung điện của vua sẽ có lễ hội tưng bừng ba ngày liền, trăm họ trong nước đều được mời dự. Cô gái nghĩ:
– Đây là cơ hội cuối cùng để mình thử xem!
Tối đến, cô tới chỗ tảng đá ấy, lấy ra bộ váy áo thêu tia nắng mặt trời vàng rực, mặc vào người, và lấy châu báu ra để trang điểm, rồi choàng khăn lên đầu, chỉ để cho đuôi tóc dài thõng xuống. Sau đó, cô gái đi vào hoàng cung. Trời tối, nên không ai chú ý tới cô. Khi cô gái bước vào gian phòng lớn rực rỡ ánh đèn, mọi người đều ngạc nhiên nhường đường cho cô, nhưng không người nào biết cô là ai. Hoàng tử bước tới phía cô nhưng không nhận ra cô. Chàng khiêu vũ cùng cô gái, và đắm say trước sắc đẹp của cô mà quên cả cô dâu. Khi vũ hội vừa kết thúc, cô gái liền đi lẫn vào trong đám người đông đúc về làng. Khi trời sáng, cô đã kịp thay bộ quần áo của người mục đồng.
Hôm thứ hai, cô lấy ra bộ váy áo thêu mặt trăng sáng bạc và một cái trâm gắn toàn ngọc thạch hình trăng lưỡi liềm gài lên mái tóc. Khi cô xuất hiện ở vũ hội, ánh mắt mọi người lại nhìn cả về phía cô. Hoàng tử bước nhanh tới đón cô, cùng cô khiêu vũ, mà chẳng nhìn ngó tới ai khác. Trước khi cô gái rời khỏi nơi đó, cô hứa với hoàng tử, tối thứ ba cũng tới tham dự vũ hội.
Khi cô gái xuất hiện lần thứ ba, thì trên mình cô mặc bộ váy áo thêu những ngôi sao lấp lánh, trâm cài và dây lưng gắn những ngôi sao lấp lánh, trâm vài và dây lưng gắn những ngôi sao bằng đá quý. Hoàng tử đã chờ cô từ lâu, vội bước tới đón cô, và hỏi:
– Tôi muốn biết nàng là ai? Hình như tôi đã quen nàng từ rất lâu rồi!
– Chàng còn nhớ không, khi chàng cùng em chia tay, em đã làm gì?
Nói xong, nàng bước tới và hôn vào má phải của chàng. Hoàng tử bỗng bừng tỉnh, nhận ra nàng chính là cô dâu đích thực. Chàng nói với cô gái:
– Nào, chúng ta chẳng cần ở lại đây nữa!
Chàng nắm tay cô gái đi ra xe ngựa, xe ngựa chạy nhanh về cung điện huyền diệu xưa kia của nàng. Ánh đèn sáng rực rỡ chiếu xuyên qua cửa sổ tới mãi tận nơi xa.
Họ đi qua cây sồi thấy những con đom đóm bay như múa trong lùm cây, cành cây đung đưa như vẫy chào, cây sồi tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Trên bậc thềm hoa tươi đua nở, trong phòng rộn vang tiếng chim hót. Mọi người trong cung điện đều kính cẩn với họ. Cả triều đình đón chào họ trong gian phòng lớn, cha xứ đang chờ họ để cử hành hôn lễ cho chú rể và cô dâu đích thực.

187. Thỏ và nhím

Chuyện này nghe như có vẻ chuyện bịa các bạn ạ, nhưng đó là chuyện có thật đấy. Chuyện này do ông nội tôi kể lại, mỗi lần kể ông tôi thường bảo:
– Các cháu thấy không, đó là chuyện có thật ai mà bịa ra chuyện để kể làm gì.
Đầu đuôi câu chuyện như thế này:
Hồi đó là mùa thu, lúa mạch đen đang trổ bông. Vào một buổi sớm, khi mặt trời đã lên cao, ngọn gió ban mai ấm áp thổi lướt qua thân lúa, chim sơn ca hót vang trong không trung, ong bay vo vo trên cánh đồng, mọi người đều mặc quần áo đẹp, ai nấy vui vẻ, kể cả chú Nhím cũng vậy. Nhím đứng trước cửa nhà mình, hai tay buông thõng, đứng hóng gió mát sớm mai, miệng lẩm bẩm hát một bài ca như chúng ta vẫn thường nghe họ hàng nhà Nhím nghêu ngao hát. Chợt Nhím nảy ra một ý là trong khi đợi vợ rửa ráy mặc quần áo cho con, chú thử dạo ra đồng xem hồi này củ cải đã mọc cao chưa. Chả là củ cải mọc ở cánh đồng cạnh nhà, chú và gia đình vẫn thường ra thu hoạch về dùng, lâu dần coi đó là của riêng của mình.
Đã nói là làm.
Nhím đóng cửa lại rồi đi ra đồng. Nhưng chưa đi khỏi nhà bao xa, Nhím định đi vòng qua hai bụi rậm gai để băng tắt sang ruộng củ cải thì gặp ngay Thỏ cũng đang ra thăm đồng, có nghĩa là Thỏ cũng ra xem bắp cải của mình ra sao. Khi đi giáp mặt Thỏ, Nhím thân mật chào hỏi. Nhưng Thỏ tự cho mình là hạng người cao sang, tỏ vẻ kiêu kỳ, không thèm đáp lễ ngay, mà còn vênh mặt lên dáng khinh khỉnh nói:
– Thế nào, mới sớm tinh mơ mà đã chạy quanh đồng làm gì thế chú mày?
Nhím đáp:
– Tôi đi dạo chơi một chút.
Thỏ mỉm cười hỏi:
– Chú mày mà cũng đi dạo chơi à? Có lẽ chú mày nên dùng chân vào việc khác thì tốt hơn.
Cái lối nói ấy làm nhím tức điên người lên, mọi việc chú đều nhẫn nhục chịu đựng được, nhưng nói đến đôi chân khoèo, cái tật vốn bẩm sinh của chú, thì chú không thể nhịn được. Chú bảo Thỏ:
– Có lẽ anh lầm, chắc gì đôi chân anh đã làm nên chuyện hơn người khác?
Thỏ kiêu hãnh nói:
– Tôi nghĩ, nhất định là hơn hẳn.
Nhím nghĩ bụng: “Có giỏi thì hãy thử sức xem sao,” rồi nói:
– Ta thử cái coi, nếu chạy thi thế nào tôi cũng chạy vượt anh.
Thỏ cười nhạo:
– Thật là nực cười chưa! Chú với đôi chân khoèo ấy à?… Thôi được! Chú muốn thế cũng được, nếu chú cao hứng! Thế cuộc cái gì nào?
Nhím nói:
– Một bình sữa.
Thỏ hồ hởi:
– Được, đập tay cuộc nhé, có thể tiến hành ngay được chưa?
Nhím nói:
– Chưa, làm gì mà vội vã thế. Bụng tôi đang đói cồn cào. Trước tiên phải về nhà, ăn chút lót dạ cái đã. Nửa giờ nữa tôi sẽ lại đây.
Nói xong, Nhím đi, còn lại Thỏ rất khoái chí về chuyện này. Dọc đường về nhà, Nhím nghĩ bụng:
– Thỏ cậy chân dài, nhưng mình sẽ có cách để thắng chứ. Thỏ tuy ra vẻ cao sang thế, nhưng vốn là anh chàng ngốc nghếch nên thế nào cũng thua cuộc.
Về đến nhà, Nhím bảo ngay vợ:
– Nhà nó ơi, mặc quần áo nhanh lên, mình phải ra đồng với tôi cái đã.
Vợ nhím hỏi:
– Có chuyện gì thế?
– Tôi đánh cuộc với thỏ lấy bình sữa. Tôi sẽ chạy thi với Thỏ, trong chuyện này mình phải giúp tôi một tay.
Vợ Nhím càu nhàu la lối:
– Ối trời ơi, ông ơi! Ông thông minh để đâu, mất trí rồi hay sao? Ông nghĩ thế nào mà chạy thi với thỏ.
Nhím nói:
– Này bà nó ơi, bà đừng có gào lên thế, đó là chuyện của tôi, bà đừng lo, bà mặc quần áo nhanh lên rồi đi cùng với tôi.
Cô Nhím không biết làm sao, đành đi theo chồng.
Dọc đường Nhím bảo vợ:
– Lưu ý nghe tôi nói nhé! Có nhìn thấy cánh đồng lớn kia không, chúng tôi sẽ chạy trên cánh đồng ấy. Thỏ sẽ chạy trong một luống, tôi trong một luống khác, mà chúng tôi sẽ bắt đầu chạy từ trên xuống. Nhà chỉ việc đứng đây, chỗ cuối luống này. Khi Thỏ chạy từ phía kia tới thì nhà chỉ việc kêu lên gọi: “Tôi ở đây rồi!.”
Đến cánh đồng, Nhím chỉ chỗ cho vợ đứng rồi đi ngược lên. Tới đầu đằng kia đã thấy thỏ đợi ở đấy rồi. Thỏ bảo:
– Chạy được chưa nào?
Nhím đáp:
– Được, nào chạy!
Hai con mỗi con đứng vào một luống. Thỏ đếm: “Một, hai, ba!” rồi chạy như gió bão dọc theo cánh đồng. Nhím chỉ chạy ba bước rồi rúc vào luống cày ngồi im. Khi Thỏ chạy như bay xuống tới đầu cánh đồng thì vợ Nhím kêu lên:
– Tôi ở đây rồi!
Thỏ giật mình, ngạc nhiên lắm. Nó đinh ninh là chính Nhím gọi nó. Vì vợ Nhím giống chồng y hệt, điều đó ai cũng biết.
Thỏ nghĩ bụng: “Có cái gì không ổn đây!.”
Thỏ nói:
– Chạy lần nữa. Lần này chạy ngược lên!
Rồi nó chạy như gió bão, tai đập phần phật vào đầu. Nghe lời chồng, vợ Nhóm vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Thỏ chạy lên đến nơi, Nhím lại gọi:
– Tôi ở đây rồi!
Thỏ tức điên, kêu:
– Chạy lần nữa, nào chạy xuống!
Nhím đáp:
– Chẳng sao cả. Theo tôi, anh thích chạy bao nhiêu lần cũng được.
Thỏ chạy như vậy đến bảy mươi ba lần, mà Nhím vẫn đủ sức chạy. Mỗi lần Thỏ chạy tới đầu trên hay đầu dưới thì Nhím chồng hay Nhím vợ lại nói: “Tôi ở đây rồi!.”
Đến lần thứ bảy mươi tư thì Thỏ đành bỏ cuộc, ngã lăn ra đất, nằm ngay đơ giữa đồng. Nhím thắng cuộc liền gọi vợ ra uống sữa rồi cùng nhau vui vẻ về nhà. Nếu hai vợ chồng Nhím chưa chết thì ắt hẳn là còn sống, các cháu ạ!
Như vậy là ở cánh đồng Buxtehud, Nhím đã thắng Thỏ trong cuộc chạy thi và từ đó không có con thỏ nào nghĩ đến chuyện chạy thi với loài nhím Buxtehud nữa.

188. Suốt, thoi và kim

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn bé. Một bà cụ sống một mình trong căn nhà nhỏ cuối thôn đón cô bé mồ côi bơ vơ về nuôi, truyền cho cô nghề kéo sợi, dệt vải, vá may, và dạy dỗ cô ăn ở cho nết na. Khi cô bé mười lăm tuổi, bà cụ bị bệnh nặng, bà gọi cô đến bên giường và bảo:
– Con gái yêu dấu, mẹ cảm thấy mẹ đã sắp gần đất xa trời, mẹ để lại cho con căn nhà nhỏ này để tránh gió mưa, mẹ để lại cho con ống suốt, con thoi và kim, con hãy kiếm ăn bằng những thứ đó.
Rồi bà cụ để hai bàn tay lên đầu cô và nói thêm:
– Ở đời, ở hiền gặp lành con ạ!
Nói xong bà từ từ nhắm mắt qua đời. Khi đưa đám tang, cô gái đi sát sau quan tài khóc lóc thảm thiết. Cô làm tròn bổn phận với người mẹ nuôi đã qua đời một cách chu đáo.
Từ đó cô sống một mình trong căn nhà nhỏ, cô rất chăm chỉ làm ăn, kéo sợi, dệt vải, vá may, nhờ bà cụ phù hộ nên cô làm ăn cũng được khấm khá.
Dường như sợi trong nhà cứ tự sinh sôi nẩy nở ra, và khi cô vừa dệt xong một cái khăn hay một tấm thảm hoặc vừa may xong chiếc áo mới là tự nhiên có khách tới đòi mua và trả giá cao, vậy nên cô chẳng bao giờ thấy mình túng thiếu, không những thế cô còn giúp đỡ người nghèo khổ khác.
Vào đúng hồi đó hoàng tử đang đi khắp trong nước để kén vợ. Hoàng tử không muốn chọn người nghèo nhưng cũng chẳng muốn lấy người giàu có. Chàng nghĩ bụng:
– Mình phải chọn người giàu nhất nhưng đồng thời lại là người nghèo nhất.
Khi tới làng cô gái, cũng như thường lệ hoàng tử hỏi thăm ai là người giàu nhất làng và ai nghèo nhất làng. Trước tiên dân làng kể tên người giàu nhất làng cho hoàng tử biết. Họ bảo hoàng tử, có lẽ người nghèo nhất làng là cô gái sống trong căn nhà nhỏ ở cuối thôn kia.
Cô gái nhà giàu ngồi sẵn trước cửa, ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Khi hoàng tử đi tới, cô đứng dậy ra đón và khép nép cúi chào hoàng tử. Trông thấy cô, hoàng tử chẳng nói một lời và cứ thế cưỡi ngựa đi tiếp.
Hoàng tử tới nhà cô gái nghèo thì không thấy cô đứng trước cửa, mà ngồi ở trong nhà. Chàng dừng ngựa lại, dòm qua cửa sổ đầy ánh nắng thấy cô gái ngồi bên guồng sợi đang miệt mài quay sợi. Cô gái có cảm giác có người nhìn mình, cô ngước mắt lên thì thấy người nhìn mình chính là hoàng tử. Cô thẹn đỏ mặt, cúi nhìn xuống và tiếp tục quay sợi. Liệu sợi có quay đều tay hay không thì không biết, nhưng cô gái cứ cắm cúi quay cho tới khi hoàng tử đi khuất. Sau đó cô bước tới bên cửa sổ, mở cửa và nói:
– Sao hôm nay trong nhà oi bức thế!
Đứng bên cửa sổ cô ngước mắt trông theo bóng hoàng tử cho đến khi chàng khuất hẳn.
Cô quay trở vào tiếp tục ngồi quay sợi, chợt cô nhớ tới một câu ca mà xưa kia mẹ nuôi cô vẫn thường hát khi ngồi quay sợi. Cô cất tiếng hát một mình:
Suốt ơi, suốt hỡi, hãy đi,
Nhắn người chiến sĩ nhớ về thăm quê.
Bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Trong nháy mắt suốt nhảy khỏi tay cô, chạy bon bon ra ngoài cửa. Cô sửng sốt đứng dậy nhìn theo thì thấy suốt nhảy tung tăng ra ngoài cánh đồng kéo theo sau mình một sợi chỉ vàng óng ánh, trong nháy mắt không còn nhìn thấy đâu nữa. Không còn suốt để quay cô gái liền lấy thoi lắp vào khung cửi rồi ngồi dệt.
Suốt tung tăng chạy nhảy, khi tháo hết chỉ thì cũng vừa đuổi kịp hoàng tử. Hoàng tử nói to:
– Có lẽ thế mà hay, hình như suốt muốn dẫn đường ta đi?
Hoàng tử bèn quay ngựa, lần theo sợi chỉ vàng mà đi trở lại.
Trong khi đó cô gái vẫn ngồi dệt bên khung cửi và cất giọng hát:
Dệt đều, thoi nhé, thoi ơi,
Đón người thương nhớ phương trời về đây.
Tức thì thoi nhảy ra khỏi khung dệt, chạy bon ra phía cửa. Tới ngưỡng cửa, thoi dệt một tấm thảm đẹp chưa ai từng thấy bao giờ, hai bên hai hàng hồng, huệ đua nhau nở; ở chính giữa, trên nền màu vàng óng nổi lên những cành cây cảnh xanh tươi; thỏ rừng, thỏ nhà chạy nhảy tung tăng, hươu, hoẵng ló đầu ra nhìn; trên cành cây các loài chim đủ màu sắc tới đậu, người ta có cảm giác chúng đang đua nhau hót. Thoi chạy thoăn thoắt; cây cối, chim chóc, loài vật thi nhau hiện lên.
Thoi đi khỏi khung dệt, cô gái lại lấy kim ra khâu, vừa khâu cô vừa hát:
Kim ơi, kim nhọn, kim xinh,
Nhà cửa kim dọn, đón người mình thương.
Tức thì kim nhảy khỏi ngón tay cô gái, bay đi bay lại trong phòng. Và nhanh như chớp, như có bàn tay tiên giúp sức, nhà cửa sạch sẽ, bàn được phủ bằng khăn màu xanh, nhung xanh phủ ghế, bên cửa sổ giờ có rèm lụa treo. Kim vừa đưa mũi cuối cùng xong thì qua cửa sổ cô gái đã nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng hoàng tử. Suốt đã cùng sợi chỉ vàng dẫn hoàng tử tới. Hoàng tử xuống ngựa, bước lên thảm đi vào nhà. Hoàng tử bước vào phòng thì thấy một cô gái đứng đó ăn mặc giản dị nhưng trông thanh nhã cao sang như bông hồng đứng giữa bụi gai hoang dại.
Hoàng tử nói với cô gái:
– Nàng đúng là cô gái nghèo nhất, nhưng cũng chính là cô gái giàu nhất, xin cho tôi được phép đón nàng về cung để ra mắt vua và hoàng hậu.
Cô không nói gì chỉ đưa tay đặt lên tay hoàng tử, hoàng tử hôn bàn tay cô, rồi cùng cô lên ngựa trở về cung vua. Đám cưới được tổ chức linh đình, vui vẻ.
Suốt, thoi và kim được giữ gìn cẩn thận, trưng bày trong cung vua như những vật kỷ niệm yêu quý.