189. Bác nông dân và con quỷ

Ngày xưa, có một bác nông dân thông minh và nhanh trí. Có rất nhiều chuyện kể về sự thông minh nhanh trí của bác. Nhưng câu chuyện hay nhất là chuyện bác chơi khăm con quỷ và biến nó thành thằng hề ngu xuẩn.
Một ngày kia, bác nông dân làm ruộng trên cánh đồng, khi chuẩn bị về nhà thì trời đã xẩm tối. Đúng lúc ấy, bác chợt nhìn thấy giữa ruộng của mình có một khối lửa hồng. Bác rất đỗi ngạc nhiên, đi lại phía đó thì thấy một con quỷ nhỏ xíu, đen xì, ngồi trên ngọn lửa. Bác nông dân nói:
– Mi ngồi trên một đống của quý phải không?
– Đúng vậy, trên một đống của quý chứa nhiều vàng bạc hơn số vàng bạc mà ngươi đã nhìn thấy trong đời.
– Đống của quí ấy nằm trên cánh đồng của ta nên thuộc về ta.
– Nó là của ngươi, nếu ngươi chịu chia nửa số hoa lợi của cánh đồng này cho ta trong hai năm liền. Tiền ta không thiếu, nhưng ta thích hoa lợi của cánh đồng.
Bác nông dân chấp nhận yêu cầu đó. Bác nói:
– Trong chuyện chia hoa lợi, chẳng cần bàn cãi làm gì, mi thu hoạch phần trên mặt đất, còn ta thu hoạch phần nằm dưới mặt đất.
Con quỷ rất hài lòng về chuyện đó, nhưng bác nông dân khôn ngoan kia lại gieo củ cải đường. Khi vụ thu hoạch tới, con quỷ xuất hiện và đòi phần hoa lợi của mình, nhưng nó nhìn mãi vẫn chẳng thấy gì ngoài những chiếc lá vàng úa, còn bác nông dân lòng hân hoan vui mừng đào bới thu hoạch củ cải đường. Con quỷ nói:
– Mối lợi hoa mầu lần này mi lấy, nhưng lần sau thì không thế nữa. Mi lấy phần mọc trên mặt đất, còn của ta là những gì nằm dưới mặt đất.
Bác nông dân trả lời:
– Đối với ta thế cũng tốt thôi.
Đến thời vụ gieo trồng, bác không gieo hạt củ cải nữa mà gieo hạt lúa mì. Khi lúa chín trĩu bông, bác nông dân ra đồng cắt lúa. Lúc còn quỷ tới thì chỉ thấy toàn gốc rễ cây lúa mì, nó điên cuồng bực bội chạy về hang trong núi. Bác nông dân nói:
– Con người cần phải thắng lũ quỷ tinh ranh như thế đó!
Bác ra đồng và lấy của quý.

190. Vụn bánh trên bàn

Có lần gà trống nói với đám gà mái:
– Nào, nhanh lên vào nhà mổ vụn bánh trên bàn! Bà chủ đi rồi, chúng ta viếng thăm nhà đi.
Gà mái đáp:
– Không, không vào nhà. Anh biết đấy, bà chủ sẽ la mắng chúng ta.
– Các chị biết đấy, có bao giờ bà ấy cho chúng ta ăn cái gì ngon đâu.
– Không, không nói chuyện ấy nữa, chúng tôi không vào.
Gà trống không để cho đám gà mái yên thân. Nó nói mãi, nói hoài. Cuối cùng đám gà mái cũng đi vào nhà, chăm chú vội vàng nhặt vụn bánh trên bàn. Giữa lúc đó, bà chủ bước vào nhà. Bà cầm ngay một cái nỉa và cứ thế mà xỉa túi bụi vào đám gà.
Đám gà chạy thục mạng ra ngoài. Ở sân, đám gà mái mắng gà trống:
– Cạc, cạc, cạc, cạc, cạc, cạc, cạc, đã nói rồi mà!
Trong lúc đó gà trống đứng cười và đáp:
– Ha, ha, ha, ha, ha, ha, ha, ta biết ngay là sẽ có chuyện mà.

191. Con thỏ biển tí hon

Ngày xửa ngày xưa có một cô công chúa sống trong một lâu đài rộng lớn. Trên tầng thượng lâu đài là một căn phòng có mười hai cửa sổ quay hướng ra khắp phương trời. Mỗi khi lên đấy, công chúa có thể nhìn thấy toàn cảnh giang sơn đất nước. Nhìn qua cửa sổ thứ nhất, công chúa thấy rõ người ở phía xa tít tắp mà mắt người không nhận thấy. Độ phóng đại của các cửa sổ cứ tăng dần. Nhìn qua cửa sổ thứ ba thì thấy cảnh vật hiện ra rõ hơn là nhìn qua cửa sổ thứ hai. Đứng ở cửa sổ thứ mười hai, công chúa có thể nhìn thấy mọi thứ có trên đất hay nằm sâu trong lòng đất, không gì qua được mắt nàng. Chính vì lẽ ấy nên công chúa rất kiêu kỳ, không muốn khuất phục một ai cả, muốn độc tôn chiếm giữ ngai vàng. Một ngày kia, nàng cho loan báo tin kén chồng, ai náu mình mà nàng không thể tìm ra sẽ là chồng nàng. Nhưng nếu nàng tìm thấy, người ấy sẽ bị chết chém. Công chúa đinh ninh rằng chẳng ai thành công trong chuyện này. Chưa có ai đi ẩn trốn mà nàng không tìm ra. Đã từ lâu không có một ai xin thử nữa. Công chúa rất lấy làm hả dạ, khoái chí, nghĩ bụng: “Ta sẽ được sống tự do suốt đời.”
Bỗng có ba anh em nhà kia xuất hiện, tới xin thử tài trong chuyện may rủi này. Người anh cả chui trốn ở trong hang đá vôi, đinh ninh tưởng chắc không ai tìm được, không ngờ công chúa chỉ liếc mắt nhìn qua cửa sổ thứ nhất đã trông thấy anh ta. Anh ta bị chết chém. Người em thứ hai lẩn trốn ở dưới căn hầm của lâu đài, số phận của anh ta cũng chẳng khác gì người anh cả. Đến lượt người em út, anh xin công chúa cho một ngày để suy nghĩ, xin công chúa rộng lòng bỏ qua, tha chết cho anh, nếu hai lần đầu đều bị công chúa tìm thấy. Nếu lần thứ ba đi ẩn náu mà cũng không thành công, lúc đó anh xin nộp mạng mà không hề ta thán. Thấy anh khôi ngô tuấn tú, ăn nói chân thành, công chúa xiêu lòng ưng thuận và nói:
– Được, ta sẵn lòng để ngươi trổ hết tài mình, nhưng chắc ngươi cũng chả thành công đâu.
Tay ôm trán, anh vắt óc suy nghĩ xem nên trốn thế nào, nhưng cũng chẳng nghĩ được kế gì hay cả. Rồi anh lấy súng đi vào rừng săn cho khuây khỏa. Anh nhìn thấy một con quạ, liền giơ súng lên ngắm. Đúng lúc anh sắp bấm cò thì quạ cất tiếng nói:
– Đừng bắn, tôi sẽ đền ơn anh.
Anh buông súng xuống rồi lại tiếp tục đi lang thang trong rừng. Vừa tới bên bờ một cái hồ lớn, anh hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy một con cá thật là to lao vút lên khỏi mặt nước. Khi anh giương súng lên bắn thì cá cất tiếng gọi:
– Đừng bắn, tôi sẽ đền ơn anh.
Cá lặn xuống, anh lại đi tiếp thì gặp một con cáo đang khập khiễng đi. Anh bắn, nhưng không trúng. Cáo liền gọi:
– Tốt nhất là hãy lại đây, nhổ giúp tôi chiếc gai ở chân.
Anh nhổ gai giúp cáo, nhưng trong bụng lại tính giết luôn cáo làm thịt và lột da phơi. Cáo nói:
– Để tôi đi, tôi sẽ đền ơn anh.
Chàng trai để cáo chạy đi, khi ấy trời đã tối nên anh đành quay về nhà.
Ngày hôm sau là ngày anh phải tìm chỗ ẩn trốn. Nghĩ đau cả đầu, buốt cả óc mà anh vẫn không nghĩ ra chỗ có thể trốn được. Anh lại đi lang thang trong rừng, tới chỗ quạ và nói:
– Ta đã để mi sống. Giờ hãy nói cho ta biết, ta nên ẩn trốn nơi nào để công chúa không nhìn thấy?
Quạ cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ một lúc. Cuối cùng, quạ nói giọng khàn khàn:
– Tôi đã nghĩ ra rồi.
Quạ lấy trong ổ một quả trứng, mổ đôi ra rồi để chàng trai chui tọt vào trong. Quạ gắn trứng liền lại như cũ rồi tha vào tổ và nằm lên ấp trứng. Đứng trước cửa sổ thứ nhất, công chúa không tìm thấy anh, nhìn qua cửa sổ tiếp theo cũng chẳng thấy tăm hơi anh đâu cả, công chúa bắt đầu lo sợ. Nhưng rồi nhìn qua cửa sổ thứ mười một thì nàng phát hiện được chỗ anh đang ẩn nấp. Nàng sai bắn chết quạ, leo lên lấy trứng xuống, đập trứng vỡ. Chàng trai trẻ kia đành phải chui ra. Công chúa nói:
– Đây là lần thứ nhất ta tha cho ngươi. Nếu ngươi không tìm kế khác hay hơn nữa ngươi sẽ thua cuộc.
Ngày hôm sau, anh tới bên bờ hồ, gọi cá bơi vào gần và nói:
– Ta đã để mi sống. Giờ hãy nói cho ta biết ta nên ẩn trốn ở nơi nào để công chúa không tìm thấy?
Cá trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi reo lên:
– Tôi đã nghĩ ra rồi. Tôi sẽ giấu anh vào trong bụng tôi.
Cá nuốt anh vào bụng, rồi lặn thẳng xuống đáy hồ. Công chúa lên căn phòng ở tầng thượng, lần lượt nhìn qua các cửa sổ, tới cửa sổ thứ mười một mà vẫn không tìm ra. Công chúa vô cùng lo lắng. Nhưng rồi đến cửa sổ thứ mười hai thì nàng phát hiện ra chỗ ẩn nấp. Nàng sai người kéo lưới bắt cá, mổ bụng: chàng trai trẻ đành phải bước ra. Chắc các bạn ai cũng biết tâm trạng rối bời của anh ta lúc đó.
Công chúa nói:
– Đây là lần cuối cùng.
Lòng nặng trĩu lo âu, anh ra đồng tìm cáo, anh nói:
– Mi khôn ngoan, biết tìm chỗ ẩn nấp. Ta đã để mi sống. Giờ hãy nói cho ta biết, ta nên ẩn trốn ở nơi nào để công chúa không tìm thấy?
Cáo làm bộ đăm chiêu suy nghĩ:
– Cái đó khó gặm đấy?
Lát sau, nó reo lên:
– Tôi đã nghĩ ra rồi!
Cáo dẫn anh ta tới một con suối. Cáo lặn xuống suối, một lát sau cáo nhô lên khỏi mặt nước, đổi dạng thành một người lái buôn vẫn đi mua bán súc vật ở chợ. Chàng trai trẻ cũng ngụp lặn dưới suối và biến thành một con thỏ biển tí hon. Người lái buôn mang thỏ biển vào kinh đô để bán, cố ý phô con vật nhỏ xíu lạ kỳ đáng yêu kia. Cả chợ xúm đông lại xem. Tin đồn đến tai công chúa, nàng tới, thấy con vật nhỏ xinh thật dễ thương ấy, nàng mua ngay, trả cho người lái buôn rất nhiều tiền. Trước khi giao thỏ tí hon cho công chúa, lái buôn khẽ dặn thỏ:
– Đợi lúc công chúa sắp tới bên cửa sổ để tìm thì bò thật nhanh, lẩn trốn vào trong bím tóc nàng.
Đã đến lúc công chúa lên căn phòng ở tầng thượng để tìm đối thủ. Nàng đi lần lượt từ cửa sổ thứ nhất tới cửa sổ thứ mười một mà chẳng nhìn thấy chàng trai. Nhìn qua cửa sổ thứ mười hai, công chúa cũng chẳng thấy tăm hơi anh đâu. Lòng nàng rối bời, vừa sợ hãi, vừa tức giận điên khùng. Trong cơn tức giận ấy, nàng đập phá lung tung, kính ở mười hai cửa sổ vỡ vụn thành trăm ngàn mảnh, cả lâu đài rung chuyển.
Lúc bình tĩnh trở lại, công chúa cảm thấy hình như con vật tí hon đang ở trong bím tóc mình, nàng túm nó kéo ra, vứt nó xuống đất, miệng thét lớn:
– Xéo đi cho khuất mắt ta!
Thỏ biển tí hon chạy về với cáo lái buôn. Cả hai vội vã ra bờ suối nhảy xuống ngụp lặn. Lát sau, cả hai lại hiện nguyên hình. Chàng trai cám ơn cáo:
– So với chú thì quạ và cá thật quá khờ dại. Mưu mẹo của chú thật tuyệt vời!
Chàng trai trở lại lâu đài. Công chúa đành lòng theo số mệnh, đứng sẵn ở trong lâu đài đợi chàng. Đám cưới được tổ chức linh đình. Chàng nghiễm nhiên trở thành nhà vua, trị vì cả một giang sơn hùng vĩ. Chàng không bao giờ kể cho nàng biết, lần thứ ba chàng đã ở ẩn náu ở đâu, và cũng không nói ai đã giúp chàng. Công chúa cứ đinh ninh chồng mình thật là tài ba lỗi lạc, nàng rất kính trọng chàng và thầm nghĩ: “Anh ta tài ba hơn mình nhiều lắm!”

192. Vua trộm

Một hôm, hai vợ chồng bác nông dân làm việc xong, định ngồi nghỉ một lát trước căn nhà đơn sơ của họ thì bỗng nhiên có một chiếc xe lộng lẫy bốn ngựa kéo tới đỗ ngay trước nhà. Một quý ông ăn mặc sang trọng từ trên xe bước xuống. Bác nông dân đứng dậy, đi tới vị khách sang trọng hỏi cần gì, hoặc có cần giúp đỡ gì không. Người đó bắt tay bác nông dân, và nói:
– Tôi chẳng cần thứ gì cả, chỉ muốn có một bữa ăn mang phong vị nông thôn xem sao. Hãy nấu cho tôi một món ăn bằng khoai tây như ông bà thường nấu, rồi cho tôi ngồi vào bàn ăn, ăn một bữa thoải mái với ông bà.
Bác nông dân mỉm cười, nói:
– Xem ra ngài là một bá tước hoặc hầu tước, thậm chí cũng có thể là một công tước. Những người quí phái như các ngài đôi khi lại nổi hứng thế đấy. Được thôi, nguyện vọng của ngài sẽ được đáp ứng!
Vợ của bác nông dân đi vào bếp, rửa khoai tây, sau đó làm thành món viên bột khoai tây hấp như thường ngày những người nông dân vẫn ăn. Trong khi bác gái làm những việc đó, bác trai nói với người khách lạ:
– Trong khi chờ đợi, mời ngài cùng tôi ra vườn xem tôi làm vườn.
Trong vườn bác nông dân đã đào xong một số hố, bây giờ bác trồng cây vào đấy. Người khách lạ hỏi:
– Bác không có con cái à? Tại sao không để con làm giúp?
Bác nông dân trả lời:
– Không! Tôi đã từng có một đứa con trai, nhưng nó bỏ nhà đi. Nó là đứa con hư hỏng. Tuy thông minh lanh lợi, nhưng nó không học hành gì cả, chỉ toàn làm những chuyện tinh nghịch, cuối cùng thì bỏ chúng tôi mà đi, đến giờ tôi chẳng nghe được tin tức gì của nó.
Bác nông dân lấy ra một cây giống cho xuống hố trồng cây, rồi cắm một cọc chống ở bên cạnh, sau đó vun đất, dậm chặt, và dùng sợi rơm buộc ở phía trên, giữa và dưới của cây vào cọc chống. Người khách lạ hỏi:
– Làm ơn cho tôi biết: vì sao bác không buộc cho cái cây mọc cong queo, còi cọc ở chỗ kia, để cho nó mọc thẳng lên?
Bác nông dân cười, trả lời:
– Nghe những điều quý ông nói. Xem ra quý ông không hiểu nhiều về nghề vườn. Cái cây ở đấy già rồi, thân có rất nhiều mấu, chẳng ai có thể uốn thẳng nó được nữa. Muốn uốn cây mọc thẳng, thì phải uốn khi nó còn non!
Người khách lạ nói:
– Điều đó cũng như con trai của bác vậy. Nếu như bác dạy dỗ nó khi nhỏ, thì nó đã chẳng bỏ nhà ra đi. Bây giờ nó đã lớn rồi, làm sao mà uốn nắn được tính ương bướng của nó nữa.
– Cũng chưa chắc vậy. Nó đã đi lâu rồi, sợ rằng đã có những thay đổi. – Bác nói.
Người khách lạ hỏi:
– Nếu bây giờ nó tới trước mặt, bác có nhận ra nó không?
– Nhìn nét mặt thì khó, nhưng nó có một nốt ruồi to bằng hạt đậu ở vai.
Bác vừa nói xong, người khách lạ cởi áo ra cho bác nông dân thấy nốt ruồi to bằng hạt đậu ở vai. Bác nông dân thốt lên:
– Trời ơi, nó đúng thực là con trai tôi.
Bác nói tiếp:
– Có ai ngờ rằng đó lại là con trai tôi. Con giờ là một người giàu sang phú quý. Làm thế nào mà con được như bây giờ?
Đứa con trai đáp:
– Ồ, thưa cha, cây non không uốn theo cọc thì mọc cong queo. Giờ thì nó cũng già nên không thể mọc thẳng được nữa. Làm sao con lại trở nên giàu có ư? Con đã trở thành một tên trộm. Nhưng cha đừng có sợ, con là vua trộm. Đối với con, khóa cửa then cài chẳng có nghĩa lý gì cả. Con thích cái gì thì cái đó là của con. Cha chớ nghĩ con ăn trộm như những tên ăn trộm tầm thường. Con chỉ lấy của người giàu. Của cải của người nghèo con không bao giờ đụng tới, thậm chí con còn phát chẩn cho họ. Con lấy được của mà chẳng cần phải nhúc nhích người, chẳng phải vất vả suy nghĩ.
– Ừ, con trai của cha, cha chẳng vui gì về chuyện đó. Quân ăn trộm vẫn là quân ăn trộm. Cha nói con biết, nghề ấy kết thúc bằng cái bị và cái gậy của thằng ăn mày.
Bác nông dân dẫn con trai ra mắt mẹ. Nhìn con trai bác gái mừng đến phát khóc. Khi nghe con trai nói mình là vua trộm thì hai dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt người mẹ. Bà mẹ bảo:
– Dù nó có là quân ăn trộm đi nữa thì nó vẫn là con tôi. Tôi vẫn muốn nhìn gặp lại con mình.
Cả nhà ngồi ăn bên bàn. Người con trai ăn một bữa đạm bạc mà lâu rồi anh ta không ăn. Người cha nói:
– Nếu ông chủ của chúng ta – bá tước sống ở trong lâu đài bên kia mà biết được con là ai và con làm gì. Ông ta sẽ không ôm con giống như trong lễ đặt tên của con. Ông ta sẽ sai người treo con đung đưa trên giá treo cổ.
Người con nói:
– Cha đừng lo, cha ạ. Ông ta sẽ không làm thế với con đâu, vì con rất sành sỏi trong nghề của mình. Hôm nay, chính con muốn đến thăm bá tước.
Khi trời chập tối, vua trộm lên xe tới lâu đài của bá tước. Bá tước tiếp anh ta như tiếp một con người quyền quý.
Sau khi nghe người khách lạ tự giới thiệu, mặt bá tước trắng nhợt ra, ông đứng lặng người không nói một lời. Cuối cùng ông nói:
– Ta là cha đỡ đầu của anh, thế nên ta phải xử lý khoan dung và độ lượng với anh. Anh tự xưng là vua trộm, ta muốn thử tài anh xem. Nếu anh thất bại thì anh sẽ bị treo cổ, tiếng quạ kêu là nhạc cưới của anh.
Vua trộm trả lời:
– Thưa ngài bá tước, ngài hãy nghĩ ba việc khó như ngài muốn. Nếu tôi không làm nổi thì ngài cứ xử như ý ngài nói.
Bá tước suy nghĩ một lát rồi nói:
– Được rồi, việc thứ nhất là anh phải lấy trộm được con ngựa của ta ở trong chuồng ngựa. Việc thứ hai là khi vợ chồng ta ngủ, anh phải lấy được khăn trải giường mà ta không hề hay biết, đồng thời còn phải lấy được chiếc nhẫn cưới ở ngón tay của vợ ta. Việc thứ ba cũng là việc cuối cùng, anh phải bắt cóc được vị cha xứ và người giúp việc của ta. Anh nhớ kỹ mọi việc, vì đây là chuyện mất đầu như chơi.
Vua trộm tới một thành phố gần đó. Ở đây anh mua của một bà lão nông dân quần áo, rồi mặc vào. Anh bôi da mặt thành màu nâu sẫm, lại vẽ thêm những nếp nhăn làm cho không ai có thể nhận ra anh nữa. Cuối cùng anh ta cho rất nhiều thuốc ngủ vào trong thùng rượu vang Hungary. Anh đặt thùng rượu lên một cái giá rồi đeo vác ở lưng. Anh đi chậm rãi, loạng choạng về phía lâu đài của bá tước.
Khi anh tới nơi thì trời đã tối. Anh ngồi xuống một tảng đá trong sân của lâu đài và ho lụ khụ như một bà già bị đau ngực khó thở, hai tay xoa vào nhau như là người đang bị rét cóng.
Trước cửa chuồng ngựa có mấy người lính đang ngồi, nằm quây quần quanh đống lửa. Một người lính trông thấy và gọi:
– Mẹ già thân yêu, mẹ lại gần đây mà sưởi cho ấm. Nếu mẹ chưa có chỗ nào nghỉ qua đêm thì lại đây tìm tạm một chỗ mà nghỉ.
Bà già lò dò bước lại, nhờ những người lính tháo hộ chiếc giá và thùng rượu ở trên lưng xuống, sau đó ngồi bên cạnh họ mà sưởi cho ấm. Một người lính hỏi:
– Bà già lọ mọ, bà có cái gì trong thùng vậy?
Bà già đáp:
– Có chút rượu vang. Bà dựa vào việc bán rượu mà sống. Các anh ăn nói tử tế lại trả cho tiền thì bà sẵn sàng rót mời mỗi người một cốc.
– Lại rót đi! – Một người lính nói.
Uống xong một cốc anh ta nói:
– Rượu ngon quá, cho xin một cốc nữa.
Anh ta uống thêm một cốc nữa. Thấy thế những người lính khác cũng uống rượu theo anh ta.
Một anh lính gọi mấy người lính trong chuồng ngựa:
– Này, các cậu ơi, có bà bán rượu ngon tới, rượu lâu năm như tuổi bà cụ. Ra mà uống vài ngụm cho nóng người, còn tốt hơn cả sưởi lửa ấy.
Bà già mang thùng rượu vào trong chuồng ngựa. Một người lính ngồi trên yên ngựa, một người vịn tay vào hàng rào, người khác đang cầm đuôi ngựa. Đám lính thi nhau uống cho tới lúc cạn thùng rượu mới thôi. Một lát sau, anh lính vịn tay hàng rào buông tay và gục xuống ngủ và ngáy. Người lính cầm đuôi ngựa cũng buông tay và ngả người xuống ngủ, anh này còn ngáy to hơn. Người lính ngồi trên yên ngựa thì thân gập xuống xoài người ra tới cổ ngựa mà ngủ. Anh này ngáy như thổi bễ lò rèn.
Những người lính ở ngoài chuồng ngựa thì đã ngủ say từ lâu. Họ nằm ngủ bất động, la liệt trên mặt đất như những tảng đá. Vua trộm thấy thời cơ đã thuận lợi, lấy một sợi dây thừng đặt vào tay anh lính từng vịn hàng rào, lấy cái chổi rơm đặt vào tay anh lính khi trước nắm đuôi ngựa. Nhưng biết làm thế nào với anh lính ngồi trên yên ngựa? Vua trộm không muốn đẩy anh ta xuống, làm thế có thể anh ta thức giấc và hô hoán lên. Vua trộm nhanh trí nghĩ ra một cách: tháo dây đai buộc yên ngựa ra, dùng mấy sợi dây luồn qua các vòng treo ở trên tường, buộc chắc yên ngựa lại, rồi kéo cả yên ngựa lẫn anh lính đang ngủ lên trên không, rồi quấn dây vào một cái cột mấy vòng cho thật chắc.
Sau đó vua trộm cởi dây xích, nhưng khi dắt ngựa đi trên con đường lát đá thì có thể tiếng vó ngựa vang vào tận trong lâu đài nên vua trộm lấy giẻ buộc vào móng ngựa, rồi cẩn thận dắt ngựa ra khỏi lâu đài và phóng đi mất.
Sáng hôm sau, vua trộm cưỡi ngựa tới lâu đài, đúng lúc đó bá tước cũng vừa mới dậy đang đứng bên cửa sổ nhìn ra. Vua trộm hướng về phía cửa sổ nói lớn:
– Xin chúc bá tước một buổi sáng tốt lành. Tôi đang cưỡi con ngựa lấy từ chuồng ngựa đó. Ngài ngoảnh ra xem, lính của ngài đang ngon giấc. Ngài tới đó sẽ thấy lính canh sống thoải mái như thế nào.
Bá tước đành phải cười trừ và nói:
– Lần này anh thành công, nhưng lần thứ hai thì không đâu! Ta cảnh cáo trước, nếu ta bắt gặp anh đang ăn trộm thì ta sẽ xử anh như một tên trộm.
Buổi tối, khi nữ bá tước lên giường đi ngủ, bà nắm chặt bàn tay có ngón tay đeo nhẫn cưới, còn bá tước thì nói:
– Tất cả các cửa đều khóa then cài. Tôi sẽ thức rình chờ tên trộm. Thấy hắn nhảy qua cửa sổ vào là tôi bắn chết ngay tại chỗ.
Vào lúc đêm khuya, vua trộm tới trước giá treo cổ cắt đứt dây treo cổ, rồi cõng xác tử tội chạy về phía lâu đài. Vua trộm bắc thang dựa vào tường cửa sổ phòng ngủ của bá tước. Sau đó vua trộm vác xác chết lên vai, trèo thang lên cửa sổ. Vua trộm để đầu người chết nhô qua cửa sổ. Bá tước vẫn thức rình liền bóp cò súng. Vua trộm thả xác chết xuống, còn mình cũng nhảy vội xuống, nấp vào một góc. Dưới ánh trăng, vua trộm nhìn rõ bá tước ra cửa sổ leo thang xuống và đem người chết ra vườn, rồi đào hố chôn. Vua trộm nghĩ, giờ đúng là lúc thuận tiện. Vua trộm nhanh nhẹn ra khỏi nơi nấp, trèo thang lên cửa sổ vào phòng ngủ và giả giọng bá tước nói:
– Phu nhân yêu quý, tên trộm bị bắn chết rồi, nhưng tôi lại là cha đỡ đầu nó. Nó không phải là kẻ độc ác, nhưng là kẻ tinh nghịch. Tôi không muốn mọi người sỉ nhục nó và cũng rất cảm thông với bố mẹ nó. Trước khi trời sáng, tôi sẽ chôn nó trong vườn để cho mọi người không biết. Bà đưa cho tôi cái khăn trải giường để liệm nó, chứ không thể vùi nó như một con chó.
Bá tước phu nhân đưa chiếc khăn trải giường. Vua trộm nói tiếp:
– Bà biết tính tôi đấy. Tôi vốn hào hiệp, bà đưa cho tôi chiếc nhẫn, con người bất hạnh này vì chiếc nhẫn mà mất mạng thì cũng đáng được chôn cùng cái nhẫn.
Nữ bá tước không dám trái ý chồng, mặc dù trong lòng không ưng nhưng vẫn tháo nhẫn đưa. Vua trộm cầm hai thứ đó đi. Trước khi bá tước chôn xong người chết thì vua trộm bình an trở về nhà mình.
Bạn có biết không, bá tước dài mặt ngẩn người ra, khi sáng hôm sau vua trộm mang khăn trải giường và chiếc nhẫn cưới của bá tước tới. Bá tước bảo vua trộm:
– Lẽ nào mày có phép phù thủy? Chính tay ta đào huyệt chôn mày. Vậy ai bới mày lên và làm cho sống lại?
Vua trộm trả lời:
– Người ngài chôn không phải là tôi, mà là kẻ tử tù treo ở giá treo cổ.
Rồi anh ta kể cho bá tước hết đầu đuôi câu chuyện. Bá tước thừa nhận, anh ta là một tên trộm tinh ranh. Nhưng bá tước nói:
– Nhưng việc của mày chưa xong. Còn việc thứ ba nữa. Nếu không làm được thì việc mới làm này cũng chẳng giúp mày thoát chết.
Vua trộm không trả lời, chỉ tủm tỉm cười.
Đợi lúc đêm khuya, vua trộm vác trên lưng một bao tải t, nách cắp một bó nến, tay cầm cái đèn đi về phía nhà thờ. Trong bao tải toàn cua là cua. Ngồi trong nghĩa địa của nhà thờ, vua trộm lấy cua ra, cắm nến trên lưng, rồi thắp nến cho sáng, thả cho cua bò trên nghĩa địa. Cứ như thế, vua trộm làm với tất cả cua có trong bao tải.
Làm xong việc đó, vua trộm mặc vào người chiếc áo choàng đen giống như chiếc áo choàng đen của cha xứ. Lại dán lên cằm một bộ râu hoa râm. Khi đã cải trang xong, vua trộm mang theo mình chiếc bao tải khi trước đựng cua đi vào nhà thờ, bước lên bục giảng. Đúng lúc đó tháp chuông điểm mười hai tiếng. Khi tiếng chuông cuối cùng vừa dứt, vua trộm nói lớn với giọng ồm ồm vang:
– Hãy nghe đây, những con người tội lỗi. Ngày tận thế đã tới rồi! Ngày phán xử cuối cùng gần kề! Hãy nghe đây! Hãy nghe đây! Ai muốn cùng ta lên thiên đường thì chui vào trong chiếc bao này. Ta là thánh Petrus, người canh cổng trên thiên đường. Các người cứ nhìn ra ngoài nghĩa địa của nhà thờ. Những người chết đang đi mang theo hài cốt của mình. Hãy mau mau chui vào bao, ngày tận thế đã tới!
Giọng nói vang khắp xóm làng. Cha xứ và người giúp việc ở ngay sát nhà thờ nên họ nghe thấy trước tiên, nhìn thấy ánh đèn lấp loáng di chuyển khắp mọi nơi trong nghĩa địa. Họ hiểu ngay, có chuyện không bình thường xảy ra. Họ tới nhà thờ, lắng nghe những lời phán truyền. Người giúp việc huých cha xứ và nói:
– Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội nhỉ. Chúng ta hãy nhẹ chân lên thiên đường trước khi ngày phán xử cuối cùng tới!
Cha xứ trả lời:
– Đúng thế, cha cũng nghĩ vậy. Con có ưng thì ta cùng nhau đi!
Người giúp việc nói:
– Vâng, thưa đức cha, xin người đi trước, con đi theo sau.
Cha xứ đi trước và tới chỗ bục giảng. Vua trộm đã mở sẵn miệng bao. Cha xứ chui vào bao trước, tiếp theo là người giúp việc. Vua trộm lập tức buộc chặt miệng bao lại, tay túm miệng bao lôi từ trên bục giảng xuống đất. Đầu của hai kẻ ngu ngốc va đập liên tiếp vào các bậc lên xuống. Vua trộm bảo:
– Bây giờ đang đi qua vùng núi!
Vua trộm kéo bao qua làng. Lúc kéo qua vũng nước, vua trộm bảo:
– Giờ đang đi qua vùng có mây mưa!
Khi kéo bao lên các bậc thang của lâu đài, vua trộm nói lớn:
– Giờ đang leo lên các bậc thang ở trên thiên đường. Sắp tới sân trước của thiên đường rồi.
Khi lên tới sân thượng của lâu đài, vua trộm đẩy cái bao vào trong khu nuôi chim bồ câu làm chim bồ câu vỗ cánh bay. Vua trộm nói:
– Các vị có nghe thấy tiếng vỗ cánh của các thiên thần không?
Vua trộm cài then khu nuôi chim bồ câu, rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau, vua trộm tới gặp bá tước và nói rằng mình đã làm việc thứ ba, đã bắt cóc được cha xứ và người giúp việc. Bá tước hỏi:
– Thế mày để họ ở đâu?
– Họ đang nằm trong bao tải ở khu nuôi chim bồ câu. Họ cứ tưởng mình đang ở trên thiên đường.
Bá tước đích thân lên xem, chính mắt mình trông thấy nên tin rằng vua trộm nói đúng. Lúc cởi bao tải thả cha xứ và người giúp việc, bá tước nói:
– Mày quả là vua trộm. Mày hoàn tất công việc. Ta không chạm tới người mày lần này, nhưng mày phải rời khỏi xứ sở này. Nếu mày còn quay trở lại đây thì mày phải lên giá treo cổ đấy!
Vua trộm chào từ biệt cha mẹ và ra đi tới những miền xa xôi. Không một ai được tin gì về hắn.

193. Anh chàng đánh trống

Một buổi tối kia, anh chàng đánh trống đi lang thang một mình ở giữa cánh đồng, tới bên bờ hồ, anh thấy có ba chiếc áo trắng, anh nói:
– Vải mịn đẹp đấy!
Rồi anh cho luôn một cái vào túi. Về nhà, anh quên khuấy mất chuyện được của rơi và lên giường ngủ. Vừa mới chợp mắt, anh chợt nghe hình như có tiếng gọi mình rất khẽ:
– Anh đánh trống ơi, anh đánh trống ơi, dậy đi!
Trời tối nên anh không nhận được ra ai, nhưng anh thấy rõ ràng là một cái bóng lơ lửng trên giường mình nằm. Anh lên tiếng hỏi:
– Người kia muốn gì?
Có tiếng người đáp:
– Cho tôi xin lại chiếc áo anh cầm ở bên hồ lúc tối.
Anh chàng đánh trống đáp:
– Nếu nói cho tôi biết là ai thì tôi sẽ trả áo.
Có tiếng người đáp:
– Trời, tôi vốn là công chúa con vua một nước hùng cường, chẳng may tôi sa vào tay một mụ phù thủy, và tôi bị đày lên núi thủy tinh. Ngày nào ba chị em tôi cũng tới hồ tắm. Hai chị tôi đã về, nhưng tôi vì không có áo nên không về được. Xin anh trả cho tôi chiếc áo.
Anh đánh trống nói:
– Tôi sẵn lòng trả lại áo, cô cứ yên tâm, cô bé đáng thương ơi!
Anh lấy áo trong túi ra và đưa chiếc áo cho người kia trong bóng tối lờ mờ. Người con gái giơ tay nhận chiếc áo và định đi ngay, nhưng anh nói:
– Hãy khoan nào, biết đâu tôi có thể giúp cho cô được gì thì sao.
– Muốn cứu tôi thoát khỏi vòng pháp thuật của phù thủy thì phải lên ngọn núi thủy tinh. Dù anh có tới chân núi thủy tinh thì anh cũng không làm sao lên được ngọn núi.
Anh đánh trống đáp:
– Điều gì tôi muốn là tôi làm được. Tôi không biết sợ là gì, tôi rất thương cô, nhưng tôi không biết đường tới đó.
Cô gái đáp:
– Đường xuyên qua một cánh rừng lớn, ở đó có một bọn chuyên ăn thịt người. Tôi chỉ được phép nói với anh điều đó thôi.
Ngay sau đó anh chỉ nghe thấy tiếng gió và cô gái biến mất.
Hôm sau, trời vừa hửng sáng, anh đánh trống đã thức giấc, đeo trống lên vai và cứ thẳng đường đi tới rừng, lòng hoàn toàn thanh thản. Vào trong rừng sâu mà anh đánh trống vẫn chưa gặp một ai, anh nghĩ:
– Mình phải đánh thức cái bọn ngủ trưa dậy mới được!
Anh đưa trống ra phía trước và khua vang một hồi làm cho chim chóc náo động cả lên, xao xác bay đi.
Lát sau có một tên khổng lồ nằm ngủ trên bãi cỏ nhỏm dậy, hắn đứng cao lênh khênh như một cây thông. Hắn nói:
– Này thằng nhóc kia, làm gì mà khua trống ầm lên làm tao đang ngủ ngon bị đánh thức dậy.
Anh đáp:
– Ta đánh trống để cho hàng ngàn người định hướng mà tới đây.
Tên khổng lồ nói:
– Họ định làm gì ở trong rừng của ta?
– Họ tới để kết liễu đời mày, để dọn sạch khu rừng khỏi những quái vật như loại mày.
Tên khổng lồ đáp:
– Hay đấy, nhưng ta sẽ giẫm chết cả bọn như giẫm kiến.
Anh đánh trống đáp:
– Đừng tưởng vậy nhé, mày chẳng làm gì nổi họ đâu. Mày chưa kịp giơ chân ra thì họ đã nhảy đi ẩn mất. Đợi lúc mày ngủ say họ mới kéo nhau ra, trèo lên người mày, rút từ thắt lưng ra một cái búa sắt và sẽ đập nát đầu mày ra.
Tên khổng lồ đâm ra ngán, nó nghĩ:
– Chơi với lũ tinh quái này chỉ có thiệt thân. Sói hay gấu ta có thể tóm quật chết tươi. Nhưng đám sâu đất này thì không đùa được với chúng.
Rồi hắn nói:
– Nghe đây, thằng nhóc, hãy đi cho khuất mắt, từ nay trở đi ta cũng không bao giờ dám giây với mày cùng đồng bọn. Nhưng ta cũng sẵn lòng giúp một tay nếu mày cần.
Anh đánh trống nói:
– Chân cao như mày thì chạy nhanh lắm, thế mày cõng tao tới núi thủy tinh nhé, để tao ra hiệu cho đồng bọn rút lui, để mày được yên thân.
Tên khổng lồ nói:
– Thì lại đây, quân nhãi nhép, trèo lên vai, ta sẽ đưa mày tới đó.
Tên khổng lồ nhấc anh lên vai, ngồi trên vai anh đánh liền một hồi trống. Tên khổng lồ nghĩ bụng:
– Chắc nó đánh trống hiệu cho đồng bọn rút.
Đi được một thôi đường thì gặp một tên khổng lồ khác. Hắn nhấc anh từ vai tên kia và cho ngồi vào một chiếc khuy áo to bằng chậu sành. Ngồi trong đó anh tỏ ra thích chí, hết ngó lại nghiêng. Rồi lại gặp tên thứ ba, tên này cho anh lên vành mũ hắn mà ngồi. Ngồi ở đó anh tha hồ ngắm, nhìn qua các ngọn cây, anh thấy xa xa có một ngọn núi. Anh nghĩ bụng:
– Chắc đó là núi thủy tinh.
Đó chính là núi thủy tinh. Tên khổng lồ mới rảo bước một lúc là đã tới chân núi, hắn đặt anh xuống đất. Anh đánh trống đòi hắn đưa mình lên tận ngọn núi, nhưng hắn lắc đầu, nói lẩm bẩm gì đó rồi quay vào trong rừng.
Giờ đây trước mặt anh chàng đánh trống đáng thương là một ngọn núi cao ngất trời, tưởng chừng như nó là do ba ngọn núi chồng lên nhau vậy. Sườn núi láng như gương, anh không biết có cách nào trèo lên được. Anh trèo lên được một tí rồi lại bị trượt xuống ngần ấy. Anh nghĩ bụng:
– Giá ta là chim nhỉ.
Nhưng mong ước có giúp ích gì, cánh vẫn không thể vì thế mà mọc lên. Giữa lúc anh đang đứng tần ngần chưa biết cách nào thì thấy có hai người đang cãi nhau rất to tiếng. Anh đi lại phía họ, và thấy họ cãi nhau chỉ vì chiếc yên ngựa vất trên mặt đất, ai cũng muốn lấy cái yên ngựa.
Anh nói:
– Các ngươi có khùng không đấy, ngựa không có mà lại tranh nhau cái yên ngựa.
Một trong hai người đáp:
– Vì cái yên ngựa rất quí nên mới tranh nhau. Muốn đi đâu, dù có tới tận cùng thế giới đi chăng nữa, chỉ cần ngồi lên yên, nói nơi mình muốn tới, chỉ trong nháy mắt là nó đã đưa mình tới đó. Cái yên vốn là của chung, hôm nay đến lượt tôi được sử dụng, song anh ta lại không chịu.
Anh đánh trống nói:
– Thế để tôi phân xử chuyện này cho!
Rồi anh đi một quãng xa và cắm một cái cọc trắng làm mốc, khi quay lại anh nói:
– Cọc trắng là đích, giờ hai người chạy, ai tới đích trước thì được ngồi yên trước.
Khi họ đua nhau chạy thì anh đánh trống ngồi luôn lên yên, nói ước được đưa tới núi thủy tinh, chưa trở xong bàn tay thì yên đã đưa anh tới đó.
Trên ngọn núi là dải bằng phẳng, có một ngôi nhà bằng đá, trước cửa nhà là ao cá, phía sau nhà là rừng âm u. Anh chẳng thấy bóng dáng người cũng như thú vật nào cả, chỉ thấy gió thổi đung đưa ngọn cây nghe vi vu, mây trôi lững lờ ngay trên đầu mình.
Anh bước tới gõ cửa. Khi anh gõ cửa tới lần thứ ba mới có một bà già mặt đen xạm, mắt đỏ như lửa ra mở cửa. Bà mang một cặp kính trên cái sống mũi dài khoằm, mắt trừng trừng nhìn anh và hỏi anh muốn gì. Anh đánh trống đáp:
– Cho tôi vào nhà, cho ăn và cho ngủ nhờ.
Bà già nói:
– Được, nếu chịu làm ba việc cho ta.
Anh đáp:
– Tại sao lại từ chối nhỉ? Tôi không lười và cũng không sợ khó khăn, nặng nhọc.
Bà cho anh vào nhà, cho ăn và thu xếp giường đệm cho anh ngủ.
Sáng hôm sau, khi anh ngủ đã đẫy giấc, bà già rút bao tay của mình, để lộ ra những ngón tay khẳng khiu, bà đưa cho anh bao tay và nói:
– Cầm lấy bao tay này, ra tát cạn ao trước cửa nhà, trước khi trời sập tối phải tát xong ao, bắt hết cá và xếp phân loại chúng, thứ nào vào thứ ấy.
Anh đánh trống nói:
– Thật là chuyện lạ đời.
Nói thế, nhưng anh vẫn ra ao tát nước. Ao thì lớn mà dụng cụ tát nước lại bằng bao tay, tát có đến ngàn năm chắc cũng không cạn? Tát từ sáng tới trưa mà chẳng thấy suy suyển gì, anh nghĩ:
– Tát hay không tát thì cũng vậy, thế là toi công!
Rồi anh ngồi xuống nghĩ, đúng lúc đó một cô gái đi từ trong nhà ra, tay xách một làn thức ăn đưa cho anh, cô nói:
– Sao anh nom buồn vậy? Có chuyện chi không anh?
Anh ngước mắt lên, thấy trước mặt mình là một người con gái tuyệt đẹp. Anh nói:
– Trời ơi, việc thứ nhất chắc không làm xong nổi, vậy làm sao được những việc khác. Tôi ra đi để tìm nàng công chúa trên núi thủy tinh, tôi chẳng thấy bóng dáng nàng đâu cả, có lẽ tôi phải tiếp tục lên đường.
Người con gái bảo:
– Anh cứ ở lại đây. Tôi sẽ giúp anh vượt khó khăn này. Anh mệt, hãy tạm ngả đầu vào lòng tôi mà ngủ. Khi nào anh thức giấc thì việc cũng xong.
Chẳng phải đợi đến mời lần thứ hai, lúc anh ngủ thiếp, người con gái kia xoay nhẫn thần và ước:
– Tát cạn nước, bắt cá lên bờ!
Tức thì nước dâng cuộn lên không trung như làn sương trắng, cùng mây trôi đi. Cá cứ thế nhảy lên bờ, loại nào nằm vào loại ấy.
Khi anh đánh trống tỉnh dậy, anh hết sức ngạc nhiên thấy mọi việc đã xong. Người con gái còn dặn:
– Có một con cá nằm riêng một chỗ mà không nằm cùng với đồng loại nó. Khi đến xem, thấy mọi việc đúng y như lời mụ dặn, thế nào mụ cũng hỏi: tại sao con cá này lại nằm riêng ra? Khi ấy anh hãy ném ngay con cá vào mặt mụ và nói: Để phần mụ đấy, mụ phù thủy ạ!
Chập tối mụ phù thủy tới, xem mọi việc xong rồi mụ hỏi tại sao có một con nằm riêng, đúng lúc đó anh đánh trống ném ngay con cá đó vào mặt mụ. Mụ đứng đó, chẳng nói chẳng rằng, làm như không có chuyện gì xảy ra cả, nhưng mụ nhìn anh với con mắt đầy căm tức. Sớm hôm sau, mụ bảo:
– Công việc hôm qua dễ quá. Hôm nay nhận việc khó hơn. Từ giờ tới tối phải chặt hết khu rừng này, chẻ thành củi, xếp thành từng đống một!
Mụ đưa cho anh rìu, dao rựa và hai con nêm, tất cả đều bằng sắt tây. Anh mới làm được một lúc thì rìu quằn lưỡi, dao rựa và nêm bẹp rúm. Anh không còn biết xoay sở ra sao. Đúng trưa thì lại có người con gái mang thức ăn tới cho anh và nói an ủi:
– Anh tạm ngả đầu vào lòng tôi mà ngủ. Khi nào anh thức giấc thì việc cũng xong.
Người con gái lại xoay nhẫn thần và ước. Chỉ trong nháy mắt, cả khu rừng chuyển động, kêu răng rắc, cây đổ xuống rầm rầm, tự nó tách ra thành củi, những thanh củi nhảy lại với nhau thành từng đống một. Người ta có cảm tưởng những việc là do những người khổng lồ vô hình làm.
Khi anh đánh trống tỉnh dậy, cô gái dặn:
– Như anh thấy đấy, gỗ đã được bổ và xếp thành từng đống một. Chỉ còn một cành duy nhất là lẻ. Tối nay, khi tới thế nào mụ già cũng hỏi vặn, sao còn sót một cành. Lúc ấy, anh cầm lấy cành quát cho mụ một cái và nói: “Để phần mụ ấy, mụ phù thủy ạ!.”
Mới đến là mụ nói ngay:
– Thấy không, việc cũng dễ đấy chứ. Nhưng còn cái cành kia để cho ai?
Anh đáp:
– Để phần mụ đấy, mụ phù thủy ạ!
Rồi anh cầm cành quất cho mụ một cái. Mụ cố làm lơ, cười mỉa mai và bảo:
– Việc thứ ba là chất củi cả cánh rừng thành một đống lớn và đốt trụi hết cho ta!
Sớm tinh mơ anh đã dậy, chuyển các đống nhỏ lại với nhau, nhưng một người làm sao chuyển nổi củi cả cánh rừng lại thành mong to được! Cả buổi mà chuyển chẳng được bao nhiêu. Đúng trưa lại có con gái mang thức ăn tới cho anh. Nàng không bỏ anh trong lúc khó khăn. Ăn xong, anh ngả đầu vào lòng cô và ngủ thiếp.
Lúc tỉnh dậy, anh đánh trống thấy lửa cháy rực trời, ngọn lửa chập chờn tới tận mây xanh. Cô gái nói với anh:
– Anh nghe em nói nhé, khi đến đây mụ phù thủy sẽ bày đủ chuyện cho anh làm. Anh đừng sợ, cứ làm, nếu anh hoảng sợ lửa sẽ liếm luôn anh và thiêu anh ra tro ngay tức khắc. Làm xong mọi việc thì anh túm ngay mụ phù thủy mà ném vào giữa ngọn lửa hồng.
Khi cô gái đi khuất thì mụ phù thủy rón rén bước tới, mụ nói:
– Trời, tôi rét cóng cả người. Nhưng ngọn lửa hồng này chắc cũng đủ ấm để sưởi nắm xương già. Chà, dễ chịu thật! Này, trong ngọn lửa sao lại có một khúc gỗ không cháy, lấy nó ra cho ta. Làm xong việc này thì được tự do, muốn đi đâu thì đi. Cứ việc đi cho thỏa chí!
Chẳng nghĩ gì lâu, anh nhảy vào giữa ngọn lửa, lấy khúc gỗ ra đưa cho mụ. Lửa chẳng hề bén tới chân tơ kẽ tóc của anh.
Vừa chạm mặt đất, khúc gỗ biến ngay thành người con gái đẹp, áo quần bằng lụa óng ánh như dệt bằng sợi vàng. Anh đánh trống nhận ngay ra, đó chính là người con gái từng giúp anh trong lúc khó khăn, chính là công chúa. Ngay lúc đó, với nụ cười nham hiểm mụ phù thủy nói:
– Tưởng thế là có nàng à, chưa đâu!
Mụ định tới lôi người con gái đi, nhưng anh đánh trống ngăn lại, túm ngay mụ ném vào giữa ngọn lửa, lửa cháy bùng cháy to hơn như cũng reo mừng vì đã trừ khử được mụ phù thủy độc ác.
Công chúa ngước nhìn người con trai cường tráng, nàng nhớ tới người không quản khó khăn, nguy hiểm để giải thoát nàng. Nàng đưa tay cho anh hôn và nói:
– Vì em mà anh không tiếc cả tính mạng, em cũng sẵn lòng làm tất cả vì anh. Anh sẽ là người bạn đời của em, nếu anh có mối tình chung thủy. Chúng ta chẳng thiếu gì trên đời, số châu báu mụ phù thủy gom góp thừa đủ để chúng ta dùng suốt đời.
Nàng dẫn anh đánh trống vào nhà, trong nhà toàn rương với hòm đựng vàng bạc, châu báu, hai người chỉ lấy châu báu. Công chúa nói không muốn ở lâu trên núi thủy tinh. Anh đánh trống nói:
– Thế em ngồi lên yên ngựa đi, hai ta sẽ bay đi như chim.
Nàng nói:
– Em chẳng thích cái yên ngựa cũ kỹ kia. Em chỉ cần xoay nhẫn và ước là hai chúng ta về ngay tới nhà trong nháy mắt.
Anh đánh trống nói:
– Thế thì hay quá, em hãy ước về trước cổng thành!
Trong nháy mắt hai người đã ở đó. Anh đánh trống nói:
– Giờ anh muốn về nhà báo tin cho cha mẹ anh biết. Em đứng đây đợi nhé, anh trở lại ngay.
Công chúa dặn anh:
– À, anh nhớ lời em nhé, anh đừng hôn lên má bên phải cha mẹ anh, bằng không anh sẽ lú, quên hết hứa hẹn, để em đứng bơ vơ một mình giữa cánh đồng.
Anh đáp:
– Làm sao anh có thể quên em được!
Anh hôn tay nàng và hứa sẽ trở lại ngay.
Ở nhà không ai nhận ra anh nữa, vì nom anh thay đổi quá nhiều. Ba ngày trên núi thủy tinh dài bằng ba năm dưới trần gian. Sau khi nghe anh kể hết sự tình, cha mẹ anh hết sức vui mừng, ôm chầm lấy con trai. Quá xúc động… anh quên bẵng lời dặn của công chúa, hôn luôn cả hai bên má, khi anh hôn lên má bên phải bố và mẹ anh thì anh không còn nhớ nghĩ tới nàng nữa. Anh dốc túi và đặt lên những hạt ngọc thật lớn. Bố mẹ anh không biết nên làm gì với đống của cải ấy. Bố anh cho xây một tòa nhà thật nguy nga, bao quanh là vườn, rừng, đồng cỏ, cứ như dinh cơ của lãnh chúa một vùng. Khi nhà xây xong, mẹ anh nói:
– Mẹ đã kén nàng dâu rồi, ba ngày nữa sẽ làm lễ cưới cho hai con.
Giờ bố mẹ anh muốn sao, anh cũng ưng thuận.
Còn công chúa đáng thương kia cứ đứng đợi chàng ở cổng trước cổng thành. Lúc trời xẩm tối, nàng nghĩ:
– Chắc chàng đã hôn lên má bên phải bố mẹ chàng nên chàng quên lời ước.
Lòng tràn ngập những buồn bực, nàng ước gì mình sống trong một túp lều cô quạnh trong rừng, nàng chẳng còn lòng nào trở về hoàng cung nữa.
Cứ tối tối nàng lại vào thành, đi qua trước cửa nhà chàng, thỉnh thoảng chàng cũng nhìn thấy một người con gái đi qua nhà, nhưng chàng không nhận ra được là ai. Một hôm, nàng nghe thiên hạ nói với nhau:
– Ngày mai nhà ấy có đám cưới đấy!
Lúc ấy nàng nghĩ:
– Mình cứ thử xem sao, biết đâu trái tim chàng lại vẫn thuộc về ta.
Trong ngày lễ cưới đầu tiên, nàng xoay chiếc nhẫn thần và ước:
– Ước gì ta có chiếc áo lóng lánh như ánh mặt trời.
Tức thì chiếc áo hiện ra ngay trước mặt nàng, nó lóng lánh cứ như áo dệt bằng tia nắng mặt trời vậy.
Khi khách đến đông đủ, nàng liền bước vào phòng. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy chiếc áo đẹp, người ngạc nhiên nhất là cô dâu. Vốn xưa nay rất thích quần áo đẹp nên cô dâu liền bước tới chỗ người khách lạ, hỏi xem khách có thể nhượng bán cho mình chăng. Người kia đáp:
– Tôi không lấy tiền, nếu được ở qua đêm tân hôn trước phòng chú rể ngủ, tôi sẵn lòng biếu không tất cả.
Do lòng ham muốn có quần áo đẹp nên cô dâu đồng ý ngay. Để cho chú rể không thể tỉnh dậy được, cô dâu đã trộn thuốc ngủ vào cốc rượu đêm của chú rể. Đợi lúc đêm khuya thanh vắng, công chúa mới rón rén khẽ hé cánh cửa buồng và nói vọng vào:
Chàng đánh trống ơi,
Nghe lời thiếp nói,
Khỏi tay phù thủy,
Tuy đã khó khăn,
Nhưng chuyện trăm năm,
Còn băn khoăn lắm!
Tất cả những việc ấy cũng chẳng có tích sự gì, anh đánh trống vẫn không thể nào tỉnh dậy được. Rạng sáng hôm sau công chúa đành phải rồi bỏ đi mà chẳng được gì cả.
Tối thứ hai, công chúa lại xoay chiếc nhẫn thần và ước:
– Ước gì cho ta chiếc áo bằng bạc lóng lánh như ánh trăng.
Thấy chiếc áo đẹp lóng lánh bạc như ánh trăng cô dâu lại ao ước và đồng ý cho người đưa áo được ở qua đêm trước phòng ngủ của chú rể. Đúng lúc đêm khuya thanh vắng nàng cất tiếng hát:
Chàng đánh trống ơi,
Nghe lời thiếp nói,
Khỏi tay phù thủy,
Tuy đã khó khăn,
Nhưng chuyện trăm năm,
Còn băn khoăn lắm!
Nhưng làm sao mà đánh thức nổi người đã uống một liều thuốc ngủ! Sáng hôm sau, công chúa buồn rầu trở về căn nhà nhỏ trong rừng. Những người khác ở đó nghe được tiếng nàng than thở và đem chuyện ấy kể cho chú rể nghe. Họ còn nói, vì chàng uống rượu có thuốc ngủ nên ngủ say đến nỗi không hề nghe thấy gì cả.
Tối thứ ba, công chúa lại xoay nhẫn thần và ước:
– Ước gì ta mặc áo óng ánh như sao lấp lánh!
Khi nàng bước vào phòng dự lễ, cô dâu nhìn ngay thấy chiếc áo người kia mặc còn đẹp hơn chiếc áo mình có rất nhiều nên đâm ra choáng váng, cô dâu nghĩ:
– Áo ấy ta phải có và nhất định phải chiếm được nó chứ!
Cũng như những lần trước, để được áo, cô dâu đồng ý cho người đưa áo được qua đêm trước phòng ngủ của chú rể. Tối nay, chú rể không uống rượu trước khi đi ngủ, mà đổ rượu ra mé sau giường. Đúng lúc đêm khuya thanh vắng, chàng nghe có tiếng nói dịu dàng gọi mình:
Chàng đánh trống ơi,
Nghe lời thiếp nói,
Khỏi tay phù thủy,
Tuy đã khó khăn,
Nhưng chuyện trăm năm,
Còn băn khoăn lắm!
Bỗng nhiên, trí nhớ nhắc chàng nghĩ tới chuyện xưa, chàng thốt lên:
– Trời ơi, sao ta lại ăn ở bội bạc thế được nhỉ? Trong lúc quá xúc động ta đã hôn lên má bên phải bố mẹ, đó chính là lầm lỗi gây nên chuyện lú lẫn của ta.
Rồi chàng bật dậy, cầm tay công chúa, dẫn nàng tới bên giường bố mẹ và thưa:
– Đây mới là cô dâu thật. Con sẽ có tội lớn, nếu con lấy người khác.
Khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, bố mẹ chàng cũng ưng thuận. Đèn trong phòng lớn được thắp sáng trưng, tiếng kèn trống lại vang lên, họ hàng thân thích lại được mời tới dự lễ cưới thật sự của công chúa với anh chàng đánh trống, lễ cưới được tổ chức thật lộng lẫy và tưng bừng.
Cô dâu giữ những chiếc áo đẹp mà cô ham thích nên cũng rất hài lòng.

194. Bông lúa

Từ thuở xa xưa… khi thánh thần còn dạo chơi dưới trần gian, lúc đó đất màu mỡ hơn bây giờ rất nhiều. Hồi ấy bông lúa không chỉ có năm hay sáu chục chẽ mà là bốn tới năm trăm chẽ. Lúc bấy giờ hạt lúa bám quanh nhánh lúa từ gốc đến ngọn: nhánh lúa dài bao nhiêu thì bông lúa dài bấy nhiêu. Sống trong cảnh thừa thãi nên mọi người trở nên thờ ơ với lúa. Một ngày kia có một người đàn bà đi ngang qua cánh đồng lúa chín, đứa con nhỏ con bà chạy nhảy bị té xuống vũng bùn bẩn hết quần áo. Bà mẹ bứt ngay một nắm lúa chín để gột quần áo cho con. Vừa lúc ấy, thượng đế đi ngang qua. Nhìn thấy vậy, thượng đế nổi giận và nói:
– Từ nay trở đi lúa sẽ không trổ bông nữa, loài người không biết quý lộc trời.
Những người đứng quanh đó thấy vậy rất kinh hoàng, vội cầu khẩn thượng đế thương tình cho lúa trổ ít bông. Nếu như con người không xứng đáng với nó thì hãy vì những con gà vô tội kia, kẻo chúng lại phải chết đói. Thượng đế thấy trước cảnh khổ cực của con người nên rủ lòng thương và chấp thuận lời thỉnh cầu ấy. Do vậy nên lúa chỉ còn trổ bông như ngày nay.

195. Ngôi mộ

Một hôm, người nông dân giàu có kia đứng giữa sân nhìn cảnh ruộng vườn của mình: ngoài đồng lúa trĩu bông, trong vườn cây trĩu quả. Vào trong nhà, bác ta thấy lúa đầy vựa, nhiều đến nỗi dầm gỗ lún cong xuống. Trong chuồng dưới nhà nhốt toàn bò, ngựa, con nào con nấy béo mỡ màng, khỏe mạnh. Trở về buồng mình, bác say sưa ngắm những của cải đồ đạc cùng tủ sắt đựng tiền vàng. Bỗng bác nghe có tiếng gõ cửa mà là tiếng gõ ở chính tim mình, rồi lại nghe thấy có tiếng ai nói với mình:
– Ngươi đã bao giờ làm điều thiện chưa? Ngươi có trông thấy còn biết bao nhiêu người nghèo đói không? Ngươi có cho những kẻ đói nghèo bánh mì không đấy? Nhiều ngần này đã đủ chưa hay ngươi lúc nào cũng còn muốn có nhiều hơn nữa?
Không ngần ngừ, tim hắn đáp:
– Ta vốn nhẫn tâm và tàn bạo, ta chưa bao giờ lấy của cải ra để làm điều thiện. Thấy người ăn xin tới ta ngoảnh mặt làm ngơ. Có trời chứng giám, ta lúc nào cũng muốn của cải của ta sinh sôi nảy nở, dù tất cả những gì dưới bầu trời này thuộc về ta, ta vẫn thấy mình chưa có đủ.
Nghe câu trả lời ấy xong, chính hắn lại thấy sợ, đầu gối run rẩy đến nỗi hắn phải ngồi thụp xuống. Lại có tiếng gõ cửa, nhưng là tiếng gõ cửa của người hàng xóm nghèo đông con. Bác ta nghĩ bụng:
– Hàng xóm mình giàu nhưng keo kiệt, chắc chẳng ưng giúp mình lúc này, nhưng bọn trẻ đang la đói, mình cứ liều thử sang hỏi xem sao.
Bác ta nói:
– Tôi cũng biết ông không thích cho vay, nhưng trong lúc này tôi là kẻ chết đuối vớ được cọc, mong ông cho tôi vay bốn đấu lúa mì, lũ trẻ nhà tôi đói lả cả rồi.
Người giàu nhìn bác ta trừng trừng một lúc lâu, một tia sáng mặt trời đã làm trái tim băng giá của hắn nhỏ một giọt của lòng thương hại, hắn nói:
– Vay thì tôi không cho vay, nhưng tôi cho bác tám đấu với một điều kiện…
Người nghèo hỏi ngay:
– Thưa điều kiện gì ạ?
– Sau khi tôi chết, bác phải ngồi canh mộ tôi ba đêm.
Nghe đòi hỏi ấy người nghèo thấy rùng cả mình, nhưng trong lúc khốn đốn này điều kiện gì bác cũng phải nhận. Bác đồng ý và mang lúa mì về nhà.
Người nhà giàu hình như có linh cảm trước việc sắp xảy ra. Đúng ba ngày sau, bỗng hắn lăn đùng ra chết, chẳng ai biết là hắn chết vì sao, nhưng có điều là chẳng thấy ai mủi lòng thương hắn. Khi chôn cất hắn, người nghèo kia mới chợt nhớ tới lời hứa, bác cũng muốn lờ đi, nhưng rồi lại nghĩ:
– Người ấy đã tỏ lòng rộng rãi với mình, đưa lúa để mình nuôi con qua cơn đói kém. Nhưng nếu không có việc ấy đi nữa, đã hứa thì phải giữ lời hứa.
Đêm đến, bác ra nghĩa địa của nhà thờ, ngồi bên mộ người mới mất. Ánh trăng chiếu chênh chếch qua các nấm mộ, thỉnh thoảng cú lại bay qua để vọng lại tiếng kêu nghe hãi sợ. Đến lúc trời tảng sáng bác nghèo kia đi về nhà. Đêm thứ ba cũng trôi qua vô sự như vậy.
Đến đêm thứ ba thì người nghèo kia linh cảm thấy hình như sẽ có chuyện. Vừa mới tới gần nhà thờ thì bác gặp ngay một người đứng sừng sững ở chân tường nhà thờ, mặt đầy vết sẹo, mắt sáng quắc đang ngó nghiêng tìm gì đó, mình khoác chiếc áo măng tô cũ kỹ và để lộ thấy đôi ủng kỵ binh đeo bên người.
Bác nông dân cất tiếng hỏi:
– Ông tìm gì ở nơi đây? Ở nghĩa địa thanh vắng mà ông không thấy sợ sao?
Người kia đáp:
– Ta chẳng tìm gì mà cũng chẳng sợ gì. Ta như một chàng trai, thích đi chu du khắp thiênhạ để xem thế nào gọi là sợ hãi. Nhưng ta chẳng thấy gì cả, ta như kẻ giàu nhất trong thiên hạ mà vẫn chẳng có gì, nghèo vẫn hoàn nghèo. Ta chỉ là một tên lính bị thải hồi, vì không còn chốn nương thân nào khác nên đêm nay ngủ ở đây.
Bác nông dân nói:
– Ờ, nếu bác không biết sợ là gì thì ở đây canh mộ này cùng với tôi.
Người kia đáp:
– Canh gác vốn là việc của lính. Có chuyện lành hay dữ thì cả hai chúng ta cùng chung nhau hưởng, chịu chứ lo gì.
Hai người nắm tay nhau thề và cùng ngồi xuống bên nhau.
Cho đến nửa đêm, cảnh vật vẫn yên lặng như tờ, bỗng có tiếng gió rít, hai người ngửng lên nhìn thì đã thấy con quỷ đang đứng sừng sững trước mặt, nó hét:
– Bước ngay, quân lừa đảo. Kẻ nằm trong mồ này là của ta, ta đến để đem nó đi. Cút mau, không ta vặn cổ cả hai bây giờ.
Người lính cất tiếng:
– Này ông lông đỏ, ông không có phải là đại úy chỉ huy tôi mà tôi phải tuân lệnh. Tôi không biết sợ là gì. Ông hãy đi đường ông, để mặc chúng tôi ở đây.
Quỷ nghĩ bụng:
– Chỉ có vàng mới tống khứ nổi hai tên khốn kiếp này.
Rồi nó đổi giọng, thân mật hỏi hai người nếu được túi vàng thì có chịu về nhà không.
Người lính đáp:
– Có thế chứ. Nhưng một túi vàng thì không bõ. Nếu ông chịu cho chúng tôi số vàng vừa đầy một chiếc giày ủng của tôi thì cả hai chúng tôi sẵn lòng rời khỏi nơi đây.
Quỷ nói:
– Nhiều như vậy ta không có ở đây, nhưng để ta đi lấy. Ở trong thành phố gần đây ta có một người bạn thân giàu có, người đó sẵn sàng ứng trước cho ta.
Quỷ vừa đi khuất bóng, người lính tháo ủng trái và nói:
– Ta phải cho tên quỷ đen này một vố, phải không anh bạn, cho tôi mượn con dao nào.
Người lính cắt đế giày, dựng giày vào trong một cái hố cỏ lau mọc cao, rồi nói:
– Thế là mọi việc đâu đã đâu vào đấy. Giờ lão quỷ đen như người thông ống khói có thể trở lại được.
Cả hai ngồi xuống đợi. Chẳng mấy chốc quỷ đã tới, tay xách một bao tải nhỏ đầy vàng. Người lính nói:
– Thì cứ để vào coi.
Người lính khẽ nhấc ủng lên và nói:
– Trông chừng không đủ rồi.
Quỷ đen đổ vàng vào ủng, vàng lọt đáy ủng ra hố, ủng vẫn rỗng không. Người lính la lớn:
– Đồ quỷ ngu xuẩn. Ta đã nói rồi mà, thế sao đủ, quay đi lấy nữa đi.
Quỷ lắc đầu rồi đi. Một giờ sau nó quay trở lại, tay cắp một bao vàng to hơn trước.
Người lính nói:
– Cứ đổ vào, chắc gì đã đầy ủng.
Vàng rơi loảng xoảng mà vẫn không đầy ủng. Quỷ trố mắt nhòm vào và nói:
– Gân bắp cũng như ủng của chúng mày to kỳ lạ thật.
Người lính đáp:
– Tưởng tao cũng có chân ngựa như mày sao? Mày học đâu ra thói keo bẩn ấy. Đi lấy vàng nữa về đây, nếu không thì thôi nhé.
Quỷ lại phải lộn đi lần nữa. Chuyến này đi lâu hơn. Nó về với một bao tải vác nặng è cổ. Nó đổ vàng vào ủng, nhưng ủng vẫn không đầy. Nó nổi cơn tức giận, định giật lấy ủng từ tay người lính. Nhưng đúng trong khoảnh khắc ấy, tia nắng đầu tiên chiếu rọi vào mặt quỷ, nó thét lên một tiếng rồi biến mất. Thế là linh hồn đáng thương kia được cứu thoát.
Bác nông dân định chia vàng, người lính nói:
– Phần của tôi bác hãy phân phát cho người nghèo khó. Tôi sẽ đến ở với bác trong túp lều tranh. Với số vàng còn lại chúng ta có thể sống với nhau trong yên bình tới trọn đời.

196. Ông già Rinkrank

Ngày xửa ngày xưa có một ông vua cho đắp một ngọn núi thủy tinh, nhà vua hứa gả công chúa cho ai trèo qua được ngọn núi thủy tinh mà không ngã sẽ được làm phò mã.
Có chàng trai kia muốn lấy công chúa nên hỏi nhà vua có đồng ý không. Nhà vua nói:
– Được! Nhưng phải trèo qua ngọn núi thủy tinh mà không ngã.
Nghe chàng trai nói, công chúa xin vua cha cho trèo núi cùng, để chàng khỏi trượt chân ngã. Mới trèo tới lưng chừng núi thì công chúa trượt chân ngã. Núi thủy tinh nứt ra và công chúa rơi ngay vào kẽ hở núi. Núi khép ngay lại nên chàng trai không biết công chúa đang ở nơi nào. Chàng than vãn và khóc nức nở. Nhà vua rất buồn, ra lệnh đập vỡ núi thủy tinh với hy vọng tìm thấy công chúa, nhưng chẳng biết công chúa rơi kẹt ở chỗ nào. Trong khi đó công chúa rơi xuống đáy một cái hang và gặp một ông già râu dài bạc phơ. Ông nói, nếu cô chịu khó làm những việc ông giao phó thì để cô sống, nếu không cô sẽ mất mạng.
Tất cả những việc ông sai khiến cô đều làm. Sáng sáng ông ta rút thang từ trong núi ra, bắc thang và trèo ra khỏi miệng núi, lên tới đỉnh ông rút thang lên. Công chúa phải nấu ăn, dọn dẹp giường và hoàn tất mọi chuyện trong nhà. Mỗi lần trở về nhà ông mang theo rất nhiều vàng bạc. Cứ như vậy, năm tháng trôi qua, công chúa đã đứng tuổi, ông gọi cô là bà Mansrot và cô phải gọi ông là ông già Rinkrank.
Có lần ông đi khỏi nhà. Cô dọn dẹp giường, rửa thẩu, rồi cô đóng tất cả cửa sổ, cửa ra vào, chỉ chừa cửa thông ánh sáng là cô để ngỏ. Khi ông già Rinkrank về, ông gõ cửa và gọi:
– Bà Mansrot, mở cửa cho tôi đi!
– Không, tôi không mở cửa cho ông già Rinkrank!
Ông ta lại nói:
Rinkrank khốn khó đứng đây,
Trên mười bảy bàn chân,
Trên chiếc chân mạ vàng,
Bà Mansrot, rửa thẩu cho tôi!
Bà đáp:
– Tôi đã rửa thẩu cho ông.
Ông ta lại nói:
Rinkrank khốn khó đứng đây,
Trên mười bảy bàn chân,
Trên chiếc chân mạ vàng,
Bà Mansrot, dọn giường cho tôi!
Bà đáp:
– Tôi đã dọn giường cho ông.
Ông Ring Răng lại nói:
Rinkrank khốn khó đứng đây,
Trên mười bảy bàn chân,
Trên chiếc chân mạ vàng,
Bà Mansrot, mở cửa cho tôi!
Rồi ông chạy quanh nhà, thấy cửa thông ánh sáng còn để ngỏ. Ông nghĩ, mình phải ngó vào xem bà ta đang làm gì mà không mở cửa. Ông vừa mới thò bộ râu dài qua cửa thì bà Mansrot tới đóng ngay cửa lại, còn lấy dây buộc lại cho chặt. Râu bị kẹt làm ông đau, ông kêu la, xin bà mở cửa. Bà nói:
– Chỉ khi nào ông đưa thang cho tôi, tôi mới mở cửa.
Ông đành phải nói chỗ giấu chiếc thang.
Bà lấy dây buộc cửa thông ánh sáng cho chặt hơn. Rồi bà bắc thang và trèo ra khỏi ngọn núi. Lên tới đỉnh núi, bà mở cửa thông ánh sáng. Bà đi thẳng về hoàng cung, kể cho vua nghe những chuyện đã xảy ra.
Nghe xong, nhà vua rất mừng. Chú rể khi xưa cũng hãy còn sống. Cả ba cùng tới đó, đào hang núi và tìm thấy ông già Rinkrank cùng số vàng bạc. Nhà vua ra lệnh xử trảm ông già Rinkrank và tịch biên số vàng bạc. Công chúa lại lấy chàng trai khi xưa cùng mình leo núi.
Họ sống bên nhau trong giàu sang vui sướng.

197. Quả cầu pha lê

Ngày xưa có một mụ phù thủy có ba người con trai, ba anh em rất mực thương yêu nhau. Mụ không tin con nào cả và nghĩ chúng định đoạt phát thuật của mụ, thế rồi mụ hóa phép biến con trai cả thành chim đại bàng, nó sống ở trên núi đá cao, thỉnh thoảng người ta mới trông thấy nó bay lên lượn xuống ở quanh vùng đó.
Người con trai thứ hai bị hóa thành cá voi sống ngoài bể khơi sâu thẳm, người ta chỉ nhìn thấy nó khi nó bơi lên với một tia nước mạnh phụt lên cao. Cả hai anh em hàng ngày chỉ được sống hai giờ dưới nguyên hình người.
Người con trai thứ ba sợ mụ biến mình thành thú dữ – thành gấu hay sói chẳng hạn – nên bèn lén bỏ nhà ra đi.
Chàng nghe nói, ở lâu đài Mặt trời vàng đang có giam một nàng công chúa bị phù phép, nàng đang nóng lòng chờ ngày được giải thoát. Nhưng chỉ có ai dám xả thân, không sợ bị nguy hại tới tính mạng mới dám tới nơi đó. Đã có hai mươi ba chàng trai bị chết thảm thương, chỉ duy có một người thoát chết. Vì vậy nên không ai dám đến đó nữa.
Vốn tính dũng cảm, chàng quyết định tìm cho kỳ được lâu đài Mặt trời vàng.
Chàng đi khắp chốn mọi nơi mà vẫn không tìm thấy lâu đài ấy. Một hôm, chàng bị lạc ở trong một cánh rừng lớn, không còn biết lối ra ở đâu. Bỗng chàng thấy ở phía xa có hai người khổng lồ giơ tay vẫy chàng lại. Khi chàng đến gần, họ nói:
– Hai đứa chúng ta đang tranh nhau một cái mũ, ai cũng cho nó là của mình, mà cả hai chúng tao đều khỏe, kẻ chín lạng, người một cân nên bất phân thắng bại. Những người nhỏ con thường khôn ngoan hơn những kẻ to con như chúng ta. Vì vậy chúng tao muốn nhờ mày phân xử giúp.
Chàng trai nói:
– Chỉ vì cái mũ cũ kỹ kia mà hai bác cũng tranh cãi nhau ư?
– Đó chẳng qua là mày chưa được biết phép lạ của chiếc mũ. Đây chính là chiếc mũ thần, kẻ nào muốn đi xa đến đâu cũng được, chỉ cần đội mũ vào, trong nháy mắt là tới nơi.
Chàng bảo:
– Hai bác đưa tôi cái mũ. Tôi sẽ đi một quãng đường, khi nào tôi gọi thì hai bác chạy thi, ai đến chỗ tôi trước, người đó sẽ được cái mũ.
Đội mũ lên đầu, chàng buột miệng nói:
– Chà, giờ này mà ta tới được lâu đài Mặt trời vàng thì hay biết bao.
Vừa mới nói dứt lời thì chàng đã đứng trên một ngọn núi cao trước cổng lâu đài. Chàng bước vào lâu đài, đi qua tất cả các phòng, tới phòng cuối cùng thì chàng nhìn thấy công chúa. Chàng kinh hoàng khi nhìn thấy một người con gái mặt xám nhợt như tro bếp, da nhăn nheo, mắt lờ đờ, tóc đỏ hoe. Chàng phải thốt lên:
– Phải chăng đây chính là nàng công chúa xinh đẹp nổi tiếng khắp thiên hạ?
Nàng đáp:
– Chao ôi, đây đâu phải là hình dáng em. Người trần mắt thịt thì chỉ nhìn thấy em qua hình thù xấu xí này. Nếu chàng muốn biết dung nhan của em thì chàng hãy nhìn vào tấm gương này, hình trong gương chính là dung nhan thật của em.
Nàng trao tay cho chàng chiếc gương, chàng nhìn thấy hình ảnh một thiếu nữ tuyệt đẹp và hình như lệ sầu đang lăn trên gò má đỏ. Chàng thốt lên câu hỏi:
– Anh không sợ gian nguy. Nhưng làm thế nào để giải thoát được cho em?
Nàng đáp:
– Ai chiếm được quả cầu pha lê, cầm nó chiếu thẳng vào mặt tên phù thủy. Lúc đó pháp thuật của y sẽ hết hiệu nghiệm và em lại hiện nguyên hình như xưa.
Nàng còn nói thêm:
– Trời, cũng đã có những chàng trai phải thiệt mạng cũng chỉ vì chuyện ấy. Em sẽ khổ tâm biết bao nếu như chàng gặp phải chuyện không may?
Chàng nói:
– Không có gì cản giữ được anh. Em hãy nói cho anh biết những điều anh phải làm.
Công chúa đáp:
– Công việc phải làm như sau: Rời khỏi lâu đài xuống núi, tới chân núi chàng sẽ gặp một con bò rừng đang đứng bên suối. Chàng phải đánh nhau với nó. Nếu may mà chàng hạ thủ được nó, ngay lúc đó từ thây con bò sẽ có một con chim lửa bay lên, nó mang theo trong người một quả trứng nóng bỏng. Lòng đỏ quả trứng chính là quả cầu pha lê. Nếu không vì chuyện chạy thoát thân thì không bao giờ mó thả trứng rơi xuống. Nhưng nếu rơi xuống đất trứng sẽ làm cháy mọi vật bởi sức nóng của chính nó, lửa sẽ thiêu hủy mọi vật và cả quả trứng cũng như quả cầu pha lê. Thế là bao công phu khó nhọc cũng đổ xuống sông xuống biển cả.
Theo sườn núi, chàng đi xuống. Con bò rừng đang đứng bên bờ suối, thấy chàng nó rống lên, hăm he xông tới. Đánh nhau một hồi lâu thì chàng lừa thế hở của con bò mà lao thẳng gươm vào bụng nó, con bò đổ ngã quỵ xuống. Ngay lúc ấy, từ trong bụng con bò bay ra một con chim lửa, nó định bay đi mất nhưng đại bàng – chính đó là anh cả của chàng – đang bay lượn trên tầng mây cao vợi lao thẳng xuống đuổi theo con chim lửa, chúng đuổi nhau bay ra hướng biển, chim lửa bị đại bàng lao tới lấy mỏ mổ vào người chim lửa, nó vội thả trứng xuống để dễ chạy thoát thân. Trứng không rơi xuống biển mà rơi trúng một túp lều của người đánh cá ở ven biển. Túp lều bắt đầu bén lửa cháy thì ngay tức khắc sóng biển ào ào xô tới, ngọn sóng cao bằng mái nhà, sóng đánh qua lều và dập tắt ngay ngọn lửa. Sóng đó chính là cá voi – người anh thứ hai của chàng – bơi quẫy làm cho biển nổi sóng xô vào bờ.
Khi lửa đã tắt ngấm, chàng mới tìm quả trứng. May mắn thay chàng đã tìm thấy trứng. Trứng chưa bị chảy ra, vỏ trứng nóng gặp nước biển tràn tới nên bị vỡ tan từng mảnh, để lộ quả cầu ở trong. Chàng cầm lấy quả cầu pha lê hãy còn nguyên vẹn.
Chàng tìm đến chỗ ở của tên phù thủy, giơ chiếu thẳng quả cầu pha lê ra trước mặt nó. Hắn liền nói:
– Thế là phép thuật của ta hết hiệu nghiệm. Từ giờ phút này trở đi, chính ngươi là vua trị vì ở lâu đài Mặt trời vàng, cùng với việc đó thì hai anh của ngươi cũng hiện lại nguyên hình người.
Chàng trai vội tìm đến nơi công chúa ở. Chàng thấy công chúa giờ đây sao mà đẹp lộng lẫy! Trong lúc vui mừng khôn xiết ấy, chàng và nàng đã trao nhẫn cưới cho nhau.

198. Nàng Maleen

Ngày xửa ngày xưa, hoàng tử nước kia muốn xin cưới nàng Maleen đẹp tuyệt trần, con gái vua một nước hùng cường. Vì nhà vua định gả nàng cho một người khác nên lời hỏi của hoàng tử bị khước từ. Nhưng hoàng tử và Maleen rất mực thương yêu nhau, không muốn phải sống xa nhau. Một hôm, nàng Maleen thưa với vua cha:
– Con không thể nào và cũng không muốn lấy ai khác.
Nhà vua nổi giận, truyền cho xây một cái tháp kín mít, không có ánh sáng mặt trời, cũng như mặt trăng nào lọt vào được trong tháp. Tháp xây xong, vua phán:
– Con phải sống ở trong tháp này bảy năm, cha muốn biết, liệu đến lúc đó con có còn bướng bỉnh nữa hay không.
Trong tháp để đầy đủ thức ăn dùng trong bảy năm. Khi công chúa và người thị nữ đã vào trong tháp thì cửa được xây kín lại, hai người giờ đây sống cách biệt với trời đất bên ngoài. Ở trong tháp tối không thể nào phân biệt được ngày và đêm. Hoàng tử thường lui tới quanh tháp, gọi tên nàng, nhưng tiếng gọi làm sao đi qua nổi những bức tường dày mà vào trong tháp. Họ còn biết làm gì nữa ngoài khóc than! Thời gian trôi qua, thức ăn đồ uống trong tháp đã cạn, công chúa biết là thời hạn bảy năm cũng sắp hết. Công chúa tưởng giờ phút giải thoát cũng sắp tới, nhưng nàng vẫn không nghe thấy tiếng búa phá tường, không thấy có một viên gạch, đá nào rơi ở tường xuống. Hình như nhà vua quên công chúa rồi!
Thấy lương thực chỉ đủ dùng cho một thời gian ngắn và thấy trước cái chết bi thảm có thể tới với mình, công chúa nói:
– Trong bước đường cùng này, chúng ta phải tìm cách phá tường thôi.
Nàng lấy dao ăn khoét vữa, khi nào mệt thì thị nữ làm tiếp. Làm mãi thì họ cũng lấy được viên đá thứ nhất ra, rồi viên thứ hai, thứ ba… Sau ba ngày thì ánh sáng mặt trời có thể rọi vào trong tháp, lỗ hổng đào cũng khá to, đủ để nhìn ngắm ra ngoài được. Trời trong xanh, một luồng gió mát thổi vào họ, nhưng quang cảnh sao mà điêu tàn vậy! Hoàng cung đổ nát, hoang tàn. Kinh thành, làng mạc bị đốt trụi, đồng ruộng bỏ hoang, không có một bóng người nào qua lại! Hai người tiếp tục đào, khi lỗ hổng to đủ để chui ra ngoài thì người thị nữ chui ra trước, nàng Malêen theo sau. Nhưng đi đâu bây giờ?
Quân thù đã dày xéo đất nước, đuổi nhà vua, tàn sát trăm họ. Hai người định đi lang thang tìm một xứ sở khác, không chốn nương thân, không ai cho chút bánh nào ăn. Trong cảnh khốn cùng ấy, họ đành phải ăn vỏ, lá cây cho đỡ đói.
Cuối cùng họ cũng tới một xứ sở khác, nhưng mỗi khi gõ cửa xin việc họ đều bị từ chối, hắt hủi, không ai động lòng thương tới tình cảnh của họ. Sau họ tới kinh thành, vào hoàng cung xin việc, nhưng ở đây người ta lại chỉ bảo họ nên đi nơi khác. Mãi sau có người đầu bếp nhận, bảo họ quét tro bếp.
Hoàng tử con vua nước này chính là chồng chưa cưới của nàng Maleen. Vua cha hỏi cho chàng một người xấu cả người lẫn nết, ngày cưới đã được định, cô dâu cũng đã tới. Nhưng vì xấu quá, không muốn để ai thấy nàng nên cô dâu cấm cung, nàng Maleen phải bưng thức ăn vào trong buồng cho cô dâu.
Sắp đến ngày đi nhà thờ làm lễ cưới, cô dâu thẹn vì mình xấu xí, sợ ló mặt ra đường sẽ bị thiên hạ nhạo báng, chê cười. Cô dâu gọi Maleen tới bảo:
– Thật là đại phúc cho mày! Tao bị sai khớp xương nên không đi ra phố được. Mày hãy thay tao, mặc quần áo cô dâu vào. Thật không còn vinh dự nào lớn hơn cho mày nữa.
Nàng Maleen mới khước từ:
– Tôi đâu dám nhận phần vinh dự đó.
Cô dâu lấy vàng mua chuộc nàng cũng chối từ.
Cô dâu tức giận nói:
– Nếu không nghe lời tao thì toi mạng. Ta chỉ nói một lời là đầu lìa khỏi cổ.
Nàng Maleen đành tuân lời, mặc quần áo cô dâu, đeo đồ trang sức, nom nàng đẹp thật lộng lẫy.
Khi nàng Maleen bước vào phòng khách hoàng cung, mọi người phải sửng sốt vì sắc đẹp tuyệt vời của nàng. Nhà vua bảo hoàng tử:
– Đó là cô dâu mà cha đã chọn cho con. Con hãy dẫn nàng đi nhà thờ.
Hoàng tử hết sức ngạc nhiên, và nghĩ bụng:
– Biết đâu đây chính là nàng Maleen mà ta hằng yêu mến. Nhưng nàng bị giam trong tháp kín và đã chết rồi cơ mà.
Hoàng tử cùng cô dâu tới nhà thờ. Trên đường đi, thấy bụi gai trên đường, cô dâu nói:
Bụi gai, bụi gai,
Bụi gai nho nhỏ,
Đứng đó một mình,
Hình như ta đã,
Xả vỏ lá cành,
Đem nấu thành canh.
Hoàng tử hỏi cô dâu:
– Em vừa nói gì đấy?
Nàng đáp:
– Thưa không. Em chợt nhớ tới nàng Malêen.
Hoàng tử ngạc nhiên khi thấy cô dâu cũng biết nàng Malêen, nhưng chàng cứ lặng thinh không nói gì. Khi xe ngựa sắp qua chiếc cầu nhỏ để vào sân nhà thờ, cô dâu nói:
Đừng gãy cầu nhá,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Hoàng tử lại hỏi cô dâu:
– Em vừa nói gì đấy?
Nàng đáp:
– Không ạ, em chợt nhớ tới nàng Maleen.
– Thế em có quen với nàng Maleen không?
– Em làm sao mà quen được nàng, em chỉ nghe nói đến tên nàng.
Khi hai người đến trước cửa nhà thờ, nàng nói:
Đừng gãy cửa nhé,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Hoàng tử hỏi:
– Em vừa nói gì đấy?
Nàng đáp:
– Trời, em vừa lại nhớ tới nàng Maleen.
Hoàng tử lấy chiếc dây chuyền đeo vào cổ nàng và cài móc lại. Hai người bước vào nhà thờ, cha đạo đặt tay họ vào nhau và làm lễ thành hôn. Chàng đưa nàng về, nhưng dọc đường nàng không nói nửa lời. Về đến hoàng cung, nàng về ngay phòng cô dâu, cởi quần áo đẹp, tháo hết đồ nữ trang, mặc chiếc tạp dề màu xám của người quét tro bếp, chỉ đeo chiếc dây chuyền vàng mà chú rể tặng.
Đến đêm người ta dẫn cô dâu tới phòng chú rể. Để cho hoàng tử không nhận ra sự đánh tráo, cô dâu mặt che mạng. Khi mọi người đã lui ra hết, chú rể nói với cô dâu:
– Hôm nay em nói những gì với bụi gai ở bên đường thế?
Cô dâu hỏi:
– Với bụi gai nào nhỉ? Em có nói với bụi gai nào đâu.
Chú rể nói:
– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Để tránh ngờ vực, cô nói:
Để em ra tìm con hầu,
Nó làm em rối cả đầu, anh ơi.
Cô chạy ra la hỏi nàng Malêen:
– Này con hầu, mày đã nói gì với bụi gai thế?
– Thưa tôi chỉ nói:
Bụi gai, bụi gai,
Bụi gai nho nhỏ,
Đứng đó một mình,
Hình như ta đã,
Xả vỏ lá cành,
Đem nấu thành canh.
Cô dâu chạy về buồng và nói:
– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với bụi gai.
Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.
Hoàng tử lại hỏi:
– Khi đi qua cầu, em nói gì với chiếc cầu trước nhà thờ?
Cô đáp:
– Chiếc cầu trước nhà thờ! Em có nói với chiếc cầu trước nhà thờ nào đâu.
– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Cô lại nói:
Để em ra tìm con hầu,
Nó làm em rối cả đầu, anh ơi.
Cô chạy ra la hỏi nàng Malêen:
– Này con hầu, mày đã nói gì với chiếc cầu trước nhà thờ thế?
– Thưa tôi chỉ nói:
Đừng gãy cầu nhá,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Cô dâu hét lớn:
– Tội mày đáng chết lắm đấy!
Rồi cô vội vã chạy về phòng và nói:
– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với chiếc cầu.
Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.
Hoàng tử lại hỏi:
– Thế em đã nói gì với cửa nhà thờ?
Cô đáp:
– Với cửa nhà thờ! Em có nói gì với cửa nhà thờ đâu.
– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Cô chạy ra và la mắng, hỏi nàng Maleen:
– Này con hầu, mày đã nói gì với cửa nhà thờ?
– Thưa tôi chỉ nói:
Đừng gãy cửa nhé,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Cô dâu nổi giận, hét lớn:
– Tội mày đáng vặn cổ chết.
Rồi cô vội vã chạy về phòng và nói:
– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với chiếc cửa nhà thờ.
Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.
Hoàng tử lại hỏi:
– Nhưng thế thì đồ nữ trang anh trao tặng em giờ đâu rồi?
Cô đáp:
– Đồ nữ trang! Anh có đưa tặng em đồ nữ trang đâu nhỉ?
– Chính anh đeo cho em chiếc dây chuyền vàng và móc cài khóa dây chuyền. Nếu em lại không biết điều đó thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Hoàng tử gỡ tấm mạng che mặt cô dâu. Chàng nhảy lùi lại vì sợ hãi, khi nhìn thấy rõ khuôn mặt xấu xí kia. Chàng nói:
– Cô ở đâu tới đây? Cô là ai?
– Em là vợ chưa cưới của chàng. Em sợ ra ngoài thiên hạ nhìn thấy em họ sẽ dè bỉu chê cười, em đã ra lệnh cho con hầu quét tro bếp mặc quần áo cưới và thay em đi nhà thờ.
Hoàng tử nói:
– Cô bé ấy ở đâu? Đi gọi cô ấy lại đây, ta muốn thấy mặt cô ấy.
Cô ra bảo thị vệ là con bé quét tro bếp là đồ phản trắc, phải đưa nó ngay ra trước sân mà chém. Đám thị vệ nắm tay nàng Maleen kéo đi, nàng la hét cầu cứu, tiếng kêu cứu vang tới buồng hoàng tử. Nghe tiếng kêu cứu, hoàng tử vội chạy ra, truyền lệnh thả ngay nàng ra. Đuốc được mang tới, hoàng tử nhận ra ngay chiếc dây chuyền vàng chính chàng đã tặng ở nhà thờ. Hoàng tử nói:
– Em mới là cô dâu thật, người đã cùng đi với anh tới nhà thờ để làm lễ. Em hãy cùng anh về buồng.
Khi chỉ còn lại hai người trong buồng, hoàng tử nói:
– Trên đường tới nhà thờ, em có nhắc tới tên nàng Maleen – người vợ chưa cưới của anh. Anh không thể tưởng tượng được, chính nàng Maleen lại giống em như hệt.
Nàng đáp:
– Chính em là Maleen, người vì chàng mà bị giam bảy năm trời trong ngục tối, chịu đói chịu khát cùng những lầm than cơ cực trong suốt những năm trời ấy. Nhưng hôm nay em đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời, được cùng anh tới nhà thờ làm lễ và giờ đây em là người vợ chính thức của anh.
Chàng và nàng hôn nhau. Họ sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi tóc bạc răng long. Cô dâu giả bị trừng phạt thích đáng.
Tháp giam nàng Malêen còn đứng đó. Mỗi khi đi qua tháp, trẻ con thường hát:
Tính tình tang tang,
Nàng nào trong đó?
Có phải Maleen,
Khen người có chí,
Bền bỉ đợi chờ,
Thương nhớ Hans.Ngày xửa ngày xưa, hoàng tử nước kia muốn xin cưới nàng Maleen đẹp tuyệt trần, con gái vua một nước hùng cường. Vì nhà vua định gả nàng cho một người khác nên lời hỏi của hoàng tử bị khước từ. Nhưng hoàng tử và Maleen rất mực thương yêu nhau, không muốn phải sống xa nhau. Một hôm, nàng Maleen thưa với vua cha:
– Con không thể nào và cũng không muốn lấy ai khác.
Nhà vua nổi giận, truyền cho xây một cái tháp kín mít, không có ánh sáng mặt trời, cũng như mặt trăng nào lọt vào được trong tháp. Tháp xây xong, vua phán:
– Con phải sống ở trong tháp này bảy năm, cha muốn biết, liệu đến lúc đó con có còn bướng bỉnh nữa hay không.
Trong tháp để đầy đủ thức ăn dùng trong bảy năm. Khi công chúa và người thị nữ đã vào trong tháp thì cửa được xây kín lại, hai người giờ đây sống cách biệt với trời đất bên ngoài. Ở trong tháp tối không thể nào phân biệt được ngày và đêm. Hoàng tử thường lui tới quanh tháp, gọi tên nàng, nhưng tiếng gọi làm sao đi qua nổi những bức tường dày mà vào trong tháp. Họ còn biết làm gì nữa ngoài khóc than! Thời gian trôi qua, thức ăn đồ uống trong tháp đã cạn, công chúa biết là thời hạn bảy năm cũng sắp hết. Công chúa tưởng giờ phút giải thoát cũng sắp tới, nhưng nàng vẫn không nghe thấy tiếng búa phá tường, không thấy có một viên gạch, đá nào rơi ở tường xuống. Hình như nhà vua quên công chúa rồi!
Thấy lương thực chỉ đủ dùng cho một thời gian ngắn và thấy trước cái chết bi thảm có thể tới với mình, công chúa nói:
– Trong bước đường cùng này, chúng ta phải tìm cách phá tường thôi.
Nàng lấy dao ăn khoét vữa, khi nào mệt thì thị nữ làm tiếp. Làm mãi thì họ cũng lấy được viên đá thứ nhất ra, rồi viên thứ hai, thứ ba… Sau ba ngày thì ánh sáng mặt trời có thể rọi vào trong tháp, lỗ hổng đào cũng khá to, đủ để nhìn ngắm ra ngoài được. Trời trong xanh, một luồng gió mát thổi vào họ, nhưng quang cảnh sao mà điêu tàn vậy! Hoàng cung đổ nát, hoang tàn. Kinh thành, làng mạc bị đốt trụi, đồng ruộng bỏ hoang, không có một bóng người nào qua lại! Hai người tiếp tục đào, khi lỗ hổng to đủ để chui ra ngoài thì người thị nữ chui ra trước, nàng Malêen theo sau. Nhưng đi đâu bây giờ?
Quân thù đã dày xéo đất nước, đuổi nhà vua, tàn sát trăm họ. Hai người định đi lang thang tìm một xứ sở khác, không chốn nương thân, không ai cho chút bánh nào ăn. Trong cảnh khốn cùng ấy, họ đành phải ăn vỏ, lá cây cho đỡ đói.
Cuối cùng họ cũng tới một xứ sở khác, nhưng mỗi khi gõ cửa xin việc họ đều bị từ chối, hắt hủi, không ai động lòng thương tới tình cảnh của họ. Sau họ tới kinh thành, vào hoàng cung xin việc, nhưng ở đây người ta lại chỉ bảo họ nên đi nơi khác. Mãi sau có người đầu bếp nhận, bảo họ quét tro bếp.
Hoàng tử con vua nước này chính là chồng chưa cưới của nàng Maleen. Vua cha hỏi cho chàng một người xấu cả người lẫn nết, ngày cưới đã được định, cô dâu cũng đã tới. Nhưng vì xấu quá, không muốn để ai thấy nàng nên cô dâu cấm cung, nàng Maleen phải bưng thức ăn vào trong buồng cho cô dâu.
Sắp đến ngày đi nhà thờ làm lễ cưới, cô dâu thẹn vì mình xấu xí, sợ ló mặt ra đường sẽ bị thiên hạ nhạo báng, chê cười. Cô dâu gọi Maleen tới bảo:
– Thật là đại phúc cho mày! Tao bị sai khớp xương nên không đi ra phố được. Mày hãy thay tao, mặc quần áo cô dâu vào. Thật không còn vinh dự nào lớn hơn cho mày nữa.
Nàng Maleen mới khước từ:
– Tôi đâu dám nhận phần vinh dự đó.
Cô dâu lấy vàng mua chuộc nàng cũng chối từ.
Cô dâu tức giận nói:
– Nếu không nghe lời tao thì toi mạng. Ta chỉ nói một lời là đầu lìa khỏi cổ.
Nàng Maleen đành tuân lời, mặc quần áo cô dâu, đeo đồ trang sức, nom nàng đẹp thật lộng lẫy.
Khi nàng Maleen bước vào phòng khách hoàng cung, mọi người phải sửng sốt vì sắc đẹp tuyệt vời của nàng. Nhà vua bảo hoàng tử:
– Đó là cô dâu mà cha đã chọn cho con. Con hãy dẫn nàng đi nhà thờ.
Hoàng tử hết sức ngạc nhiên, và nghĩ bụng:
– Biết đâu đây chính là nàng Maleen mà ta hằng yêu mến. Nhưng nàng bị giam trong tháp kín và đã chết rồi cơ mà.
Hoàng tử cùng cô dâu tới nhà thờ. Trên đường đi, thấy bụi gai trên đường, cô dâu nói:
Bụi gai, bụi gai,
Bụi gai nho nhỏ,
Đứng đó một mình,
Hình như ta đã,
Xả vỏ lá cành,
Đem nấu thành canh.
Hoàng tử hỏi cô dâu:
– Em vừa nói gì đấy?
Nàng đáp:
– Thưa không. Em chợt nhớ tới nàng Malêen.
Hoàng tử ngạc nhiên khi thấy cô dâu cũng biết nàng Malêen, nhưng chàng cứ lặng thinh không nói gì. Khi xe ngựa sắp qua chiếc cầu nhỏ để vào sân nhà thờ, cô dâu nói:
Đừng gãy cầu nhá,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Hoàng tử lại hỏi cô dâu:
– Em vừa nói gì đấy?
Nàng đáp:
– Không ạ, em chợt nhớ tới nàng Maleen.
– Thế em có quen với nàng Maleen không?
– Em làm sao mà quen được nàng, em chỉ nghe nói đến tên nàng.
Khi hai người đến trước cửa nhà thờ, nàng nói:
Đừng gãy cửa nhé,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Hoàng tử hỏi:
– Em vừa nói gì đấy?
Nàng đáp:
– Trời, em vừa lại nhớ tới nàng Maleen.
Hoàng tử lấy chiếc dây chuyền đeo vào cổ nàng và cài móc lại. Hai người bước vào nhà thờ, cha đạo đặt tay họ vào nhau và làm lễ thành hôn. Chàng đưa nàng về, nhưng dọc đường nàng không nói nửa lời. Về đến hoàng cung, nàng về ngay phòng cô dâu, cởi quần áo đẹp, tháo hết đồ nữ trang, mặc chiếc tạp dề màu xám của người quét tro bếp, chỉ đeo chiếc dây chuyền vàng mà chú rể tặng.
Đến đêm người ta dẫn cô dâu tới phòng chú rể. Để cho hoàng tử không nhận ra sự đánh tráo, cô dâu mặt che mạng. Khi mọi người đã lui ra hết, chú rể nói với cô dâu:
– Hôm nay em nói những gì với bụi gai ở bên đường thế?
Cô dâu hỏi:
– Với bụi gai nào nhỉ? Em có nói với bụi gai nào đâu.
Chú rể nói:
– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Để tránh ngờ vực, cô nói:
Để em ra tìm con hầu,
Nó làm em rối cả đầu, anh ơi.
Cô chạy ra la hỏi nàng Malêen:
– Này con hầu, mày đã nói gì với bụi gai thế?
– Thưa tôi chỉ nói:
Bụi gai, bụi gai,
Bụi gai nho nhỏ,
Đứng đó một mình,
Hình như ta đã,
Xả vỏ lá cành,
Đem nấu thành canh.
Cô dâu chạy về buồng và nói:
– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với bụi gai.
Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.
Hoàng tử lại hỏi:
– Khi đi qua cầu, em nói gì với chiếc cầu trước nhà thờ?
Cô đáp:
– Chiếc cầu trước nhà thờ! Em có nói với chiếc cầu trước nhà thờ nào đâu.
– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Cô lại nói:
Để em ra tìm con hầu,
Nó làm em rối cả đầu, anh ơi.
Cô chạy ra la hỏi nàng Malêen:
– Này con hầu, mày đã nói gì với chiếc cầu trước nhà thờ thế?
– Thưa tôi chỉ nói:
Đừng gãy cầu nhá,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Cô dâu hét lớn:
– Tội mày đáng chết lắm đấy!
Rồi cô vội vã chạy về phòng và nói:
– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với chiếc cầu.
Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.
Hoàng tử lại hỏi:
– Thế em đã nói gì với cửa nhà thờ?
Cô đáp:
– Với cửa nhà thờ! Em có nói gì với cửa nhà thờ đâu.
– Nếu không phải là em nói thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Cô chạy ra và la mắng, hỏi nàng Maleen:
– Này con hầu, mày đã nói gì với cửa nhà thờ?
– Thưa tôi chỉ nói:
Đừng gãy cửa nhé,
Cô bé ở nhà,
Mới là cô dâu,
Tôi đâu có phải.
Cô dâu nổi giận, hét lớn:
– Tội mày đáng vặn cổ chết.
Rồi cô vội vã chạy về phòng và nói:
– Giờ thì em nhớ là em đã nói gì với chiếc cửa nhà thờ.
Và cô nhắc lại những lời cô vừa nghe được.
Hoàng tử lại hỏi:
– Nhưng thế thì đồ nữ trang anh trao tặng em giờ đâu rồi?
Cô đáp:
– Đồ nữ trang! Anh có đưa tặng em đồ nữ trang đâu nhỉ?
– Chính anh đeo cho em chiếc dây chuyền vàng và móc cài khóa dây chuyền. Nếu em lại không biết điều đó thì chắc em không phải là cô dâu thật.
Hoàng tử gỡ tấm mạng che mặt cô dâu. Chàng nhảy lùi lại vì sợ hãi, khi nhìn thấy rõ khuôn mặt xấu xí kia. Chàng nói:
– Cô ở đâu tới đây? Cô là ai?
– Em là vợ chưa cưới của chàng. Em sợ ra ngoài thiên hạ nhìn thấy em họ sẽ dè bỉu chê cười, em đã ra lệnh cho con hầu quét tro bếp mặc quần áo cưới và thay em đi nhà thờ.
Hoàng tử nói:
– Cô bé ấy ở đâu? Đi gọi cô ấy lại đây, ta muốn thấy mặt cô ấy.
Cô ra bảo thị vệ là con bé quét tro bếp là đồ phản trắc, phải đưa nó ngay ra trước sân mà chém. Đám thị vệ nắm tay nàng Maleen kéo đi, nàng la hét cầu cứu, tiếng kêu cứu vang tới buồng hoàng tử. Nghe tiếng kêu cứu, hoàng tử vội chạy ra, truyền lệnh thả ngay nàng ra. Đuốc được mang tới, hoàng tử nhận ra ngay chiếc dây chuyền vàng chính chàng đã tặng ở nhà thờ. Hoàng tử nói:
– Em mới là cô dâu thật, người đã cùng đi với anh tới nhà thờ để làm lễ. Em hãy cùng anh về buồng.
Khi chỉ còn lại hai người trong buồng, hoàng tử nói:
– Trên đường tới nhà thờ, em có nhắc tới tên nàng Maleen – người vợ chưa cưới của anh. Anh không thể tưởng tượng được, chính nàng Maleen lại giống em như hệt.
Nàng đáp:
– Chính em là Maleen, người vì chàng mà bị giam bảy năm trời trong ngục tối, chịu đói chịu khát cùng những lầm than cơ cực trong suốt những năm trời ấy. Nhưng hôm nay em đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời, được cùng anh tới nhà thờ làm lễ và giờ đây em là người vợ chính thức của anh.
Chàng và nàng hôn nhau. Họ sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi tóc bạc răng long. Cô dâu giả bị trừng phạt thích đáng.
Tháp giam nàng Malêen còn đứng đó. Mỗi khi đi qua tháp, trẻ con thường hát:
Tính tình tang tang,
Nàng nào trong đó?
Có phải Maleen,
Khen người có chí,
Bền bỉ đợi chờ,
Thương nhớ Hans.