Nhà vua chỉ có một người con gái. Công chúa đẹp tuyệt trần, nhưng vì vậy công chúa kiêu ngạo và ngông cuồng, không một ai vừa lòng nàng cả. Nàng chối từ hết người này đến người khác, không những vậy lại còn chế giễu, nhạo báng họ. Có một lần, nhà vua cho mời các chàng trao ở khắp các nước xa gần tới mở tiệc linh đình để chọn phò mã. Khách đứng thành hàng theo ngôi thứ, đứng trên cùng là vua các nước rồi các công tước, các ông hoàng, các bá tước, các nam tước, cuối cùng là những người dòng dõi quí tộc. Công chúa được dẫn đi xem mặt. Chẳng ai được công chúa tha, người nào nàng cũng có cớ để giễu cợt. Người thì nàng cho là quá mập, nàng đặt tên là thùng tô nô, người quá mảnh khảnh thì nàng nói, mảnh khảnh thế thì gió thổi bay, người thứ ba thì lại lùn, nàng chê: Lùn lại mập thì vụng về lắm, người thứ tư mặt mày xanh xao, bị đặt tên Nhợt nhạt như chết đuối, người thứ năm mặt đỏ như gấc, nàng gọi Xung đồng đỏ, người thứ sáu đứng dáng hơi cong, nàng chê là cây non sấy lò cong cớn, nhìn ai nàng cũng tìm cách nhạo báng, nàng lấy làm khoái chí khi thấy một người có cằm hơi cong như mỏ chim chích chòe, nàng nói giỡn, chà, anh ta có cái cằm chẳng khác gì chim chích choè có mỏ, từ đó trở đi ông vua tốt bụng ấy có tên là vua chích choè.
Thấy con mình chỉ giễu cợt, nhạo báng chối từ và chê tất cả mọi người có mặt trong buổi kén phò mã, nhà vua nổi cơn thịnh nộ và ban truyền, nếu có người ăn mày nào đi qua cung vua, vua sẽ gả công chúa cho người ấy.
Vài hôm sau, có một người hát rong đi qua, đứng ngây dưới cửa sổ cất tiếng hát, mong sẽ được ban thưởng cho vài xu. Nghe thấy vậy nhà vua ban truyền:
– Hãy gọi tên hát rong vào cung.
Với bộ quần áo rách, bẩn thỉu, người hát rong đi vào cung vua, hát cho vua và công chúa nghe, rồi đưa tay xin tiền thưởng. Nhà vua bảo:
– Ta rất ưa tiếng hát của ngươi, vì vậy ta gả con gái ta cho ngươi.
Công chúa sợ hãi, nhưng nhà vua vẫn nói:
– Cha đã thề rằng sẽ gả con cho người ăn mày đầu tiên đi qua cung vua, cha muốn giữ lời thề đó.
Mọi van xin đều không có ích gì. Linh mục được mời ngay tới để làm hôn lễ công chúa lấy người hát rong. Hôn lễ cử hành xong, nhà vua bảo:
– Theo tục lệ, vợ một người hát rong không được ở lâu lại trong cung vua, giờ thì con phải theo chồng ra khỏi cung.
Người hát rong cầm tay nàng, cả hai đi ra khỏi cung vua, nàng phải đi bộ theo chồng. Tới một khu rừng lớn, nàng lên tiếng hỏi:
– Chà, rừng đẹp này của ai?
– Rừng của vua chích choè.
Nàng lấy người đó, rừng kia của nàng.
– Tôi cô gái dịu hiền đáng thương
Đáng ra nên lấy ông vua chích choè.
Một lúc sau họ tới một thảo nguyên, công chúa lại hỏi:
– Thảo nguyên xanh đẹp của ai?
– Thảo nguyên của vua chích choè
Nàng lấy người đó, thảo nguyên của nàng.
– Tôi cô gái dịu hiền đáng thương
Đáng ra nên lấy ông vua chích choè.
Rồi họ tới một thành phố lớn, công chúa lại hỏi:
– Thành phố mỹ lệ này của ai?
– Thành phố mỹ lệ của vua chích choè.
Nàng lấy người đó, thành kia của nàng.
– Tôi cô gái dịu hiền đáng thương
Đáng ra nên lấy ông vua chích choè.
Người hát rong nói:
– Tôi chẳng hài lòng tí nào cả, tại sao nàng lại cứ luôn luôn mong có người chồng khác, thế tôi không xứng đáng hay sao?
Cuối cùng họ tới trước một túp lều nhỏ xíu, công chúa thốt lên:
– Trời ơi, nhà gì mà bé ẩm ương,
Nhà ai mà nhỏ, thảm thương thế này?
Người hát rong đáp:
– Nhà của anh, của nàng
Nơi chàng thiếp sống chung.
Công chúa phải cúi gập người xuống mới đi qua được chiếc cửa ra vào thấp lè tè.
Công chúa hỏi:
– Người hầu của anh đâu?
Người hát rong đáp:
– Người hầu nào? Muốn làm gì thì tự mình làm lấy. Giờ em hãy nhóm bếp nấu ăn đi, anh mệt lắm rồi.
Nhưng công chúa đâu có biết nhóm bếp và nấu ăn, người hát rong đành phải nhúng tay vào làm công việc mới xong. Bữa ăn thật là đạm bạc, ăn xong cả hai mệt mỏi lăn ra ngủ ngay.
Hôm sau, khi trời mới hửng sáng chồng đã đánh thức vợ dậy để làm việc nhà. Cứ như vậy họ sống được với nhau mấy ngày thì lương ăn dự trữ hết. Người chồng nói với vợ:
– Mình ạ, chỉ ngồi ăn không kiếm được thêm gì cả cứ như thế này mãi chắc không được lâu, hay là em đan sọt bán.
Chồng vào rừng lấy tre nứa về, vợ chẻ lạt đan sọt. Nhưng bàn tay mềm mại của nàng bị cạnh sắc của tre nứa cửa rỉ máu. Chồng nói:
– Thế thì không được, có lẽ dệt vải hợp với em hơn.
Nàng ngồi tập quay sợi, nhưng rồi những ngón tay mềm mại của nàng lại bị sợi cứa, máu chảy rơi xuống nền nhà. Người chồng nói:
– Em thấy không, em chẳng được việc gì cả, sống với em thật là khổ. Giờ thì chắc ta phải xoay ra đi buôn nồi và bát đĩa. Em ngồi ở chợ và bán hàng.
Nàng nghĩ bụng:
– Nếu như dân nước mình họ tới đây mua bán, nhìn thấy mình ngồi bán hàng ở chợ chắc họ sẽ dè bỉu nhạo báng mình.
Việc không thể tránh được nên nàng đành phải làm, nếu không thì chắc chắn sẽ chết đói. Thoạt đầu mọi chuyện đều tốt lành, thấy người bán hàng hiền lành dễ thương nên khách mua đông, họ trả tiền hàng mà không hề mặc cả, thậm chí có người trả tiền nhưng không lấy hàng. Với số lời do bán hàng, hai vợ chồng sống cũng sung túc. Có lần hàng bán hết, chồng lấy hàng mới về cho vợ bán ở chợ. Nàng đang ngồi coi hàng thì có một anh chàng hiệp sĩ từ xa phi ngựa lao thẳng vào chợ làm cho đống hàng sành sứ của nàng đổ vỡ hết cả ra thành hàng nghìn mảnh lớn nhỏ ngổn ngang ở chợ. Nàng ngồi ôm mặt khóc nức nở, không biết cuộc đời rồi sẽ ra sao, nàng la khóc:
– Trời, khổ thân tôi thế này, còn mặt mũi nào mà nhìn chồng nữa?
Về nhà, nàng kể cho chồng nghe chuyện chẳng may ấy. Nghe xong chuyện, chồng nói:
– Đời thuở nhà ai lại thế, bán sành sứ mà lại ngồi ngay đầu chợ chỗ người ta qua lại, khóc làm chi nữa. Anh thấy em chẳng làm gì cho đến đầu đến cuối. Lúc nãy anh có đến cung vua hỏi xem nhà bếp có cần người phụ không, họ hứa sẽ nhận em vào làm và nuôi cơm.
Giờ đây công chúa là một chị phụ đầu bếp, thôi thì thượng vàng hạ cám việc gì cũng phải làm. Hai bên tạp dề nàng buộc chặt hai chiếc nồi con, nàng bỏ phần cơm của mình vào đó và mang về nhà để hai vợ chồng cùng ăn.
Lần ấy trong cung vua tổ chức hôn lễ cho hoàng tử con đầu lòng của nhà vua, tò mò chị phụ bếp cũng len vào đứng trước cửa ngõ vào.
Khi đèn lần lượt được thắp sáng, cảnh đẹp lộng lẫy trong cung vua mới hiện lên hết, khách lần lượt bước vào phòng đại tiệc, cảnh cũng như người nom thật huy hoàng, tráng lệ, ai thấy cũng phải vui mắt. Lúc này, chị phụ bếp thấy lòng buồn tủi thay cho số phận của mình, thầm trách tính kiêu căng, ngông cuồng của mình, cũng chính vì những tính ấy đã làm nàng trở nên thấp hèn và khổ cực như bây giờ. Kẻ hầu người hạ ra vào tới tấp, bưng lên cho khách toàn sơn hào hải vị, mùi thơm nức mũi. Thỉnh thoảng kẻ hầu người hạ ném cho ít đồ ăn thừa, nàng cúi nhặt cho vào nồi. Bỗng nhiên hoàng tử bước vào, lụa là châu báu đầy người, cổ đeo dây chuyền vàng. Nhìn thấy người đẹp đứng ngó bên cửa, hoàng tử nắm tay nàng, muốn cùng nàng vui nhảy, nhưng nàng sợ hãi giật tay lại.
Nàng nhận ra đó chính là vua chích choè, người đã từng muốn làm phò mã và bị nàng nhạo báng, từ chối. Nàng cố sức giật tay lại nhưng chẳng ăn thua gì cả, vẫn bị chàng kéo vào tới giữa phòng làm dây buộc nồi đứt, hai cái nồi rơi xuống đất, súp và bánh mì vung ra khắp nền nhà. Khách khứa và những người đứng đó thấy cảnh tượng ấy đều bật cười và chêm pha những lời nhạo báng. Xấu hổ quá, nàng ước gì độn thổ xuống sâu một ngàn sải tay. Nàng giật mạnh một cái khỏi tay vua chích choè, lao thẳng ra phía cửa để chạy trốn, nhưng mới tới được cầu thang lại bị một người đàn ông lôi lại, khi định thần lại được, nàng thấy người đó lại chính là vua chích choè. Chàng vui vẻ nói nhỏ vào tai nàng:
– Em đừng có sợ hãi, người hát rong sống chung với em trong căn lều lụp xụp chính là anh. Vì yêu em nên anh đóng giả người hát rong. Chính anh cũng là kỵ sĩ cho ngựa chạy đổ vỡ hết hàng sành sứ của em. Tất cả những việc đó chỉ nhằm uốn nắn tính kiêu ngạo của em và để trừng phạt tính ngông cuồng thích nhạo báng người khác của em.
Lúc ấy nàng bật òa lên khóc nức nở và nói:
– Em đã làm những điều sai trái, thật không xứng đáng là vợ của anh.
Chàng đáp:
– Em đừng buồn nữa, những ngày cay đắng đã qua, giờ chúng ta hãy làm đám cưới.
Nàng vào thay quần áo, toàn thể triều đình đều có mặt, chúc mừng công chúa kết hôn với vua chích choè. Nỗi vui mừng thật sự cũng bắt đầu từ đây. Tôi tin rằng, tôi và bạn đều có mặt trong buổi lễ cưới.
Thẻ: Grim
53. Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Hồi ấy đang giữa mùa đông, hoa tuyết như những lông chim bay khắp bầu trời, có một bà hoàng hậu ngồi khâu bên cửa sổ. Khung cửa làm bằng gỗ mun đen nhánh. Hoàng hậu ngồi khâu nhưng lại mải ngắm tuyết rơi nên bị kim đâm vào ngón tay, và ba giọt máu đỏ rơi xuống tuyết trắng phau. Nhìn màu đỏ tươi nổi bật trên tuyết, hoàng hậu tự nhủ:
– Giá mình có một đứa con da trắng như tuyết, môi đỏ hồng hào như màu máu đỏ tươi, tóc đen nhánh như gỗ mun khung cửa sổ này thì hay quá nhỉ.
Ít lâu sau bà sinh được một cô con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như son và tóc đen nhánh như gỗ mun, vì thế bà đặt tên con gái là Bạch Tuyết. Nhưng ngay sau khi đứa trẻ sinh ra thì hoàng hậu qua đời.
Sau một năm để tang, nhà vua lấy vợ khác. Hoàng hậu mới xinh đẹp, nhưng tính tình kiêu ngạo, ngông cuồng. Mụ sẽ tức điên người khi nghe thấy nói rằng còn có người đẹp hơn mình. Mụ này có một chiếc gương thần, mỗi khi đứng ngắm mình trước gương, thường hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Gương trả lời:
– Muôn tâu hoàng hậu, hoàng hậu chính là người đẹp nhất ở nước này.
Hoàng hậu hài lòng lắm, vì mụ biết rằng gương nói thật.
Bạch Tuyết càng lớn, càng đẹp. Khi Bạch Tuyết lên bảy nàng đẹp như nắng sớm mai và đẹp hơn chính cả hoàng hậu nữa. Có lần hoàng hậu ngồi trước gương và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Gương trả lời:
– Thưa hoàng hậu,
Ở đây bà đẹp tuyệt trần
Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.
Hoàng hậu nghe nói giật mình, mặt tái xanh lại vì ghen tức. Từ đó trở đi, mỗi khi thoáng nhìn thấy Bạch Tuyết là mụ đã khó chịu, bực tức, rồi đâm ra căm ghét cô bé. Những cơn ghen ghét và lòng đố kỵ của mụ ngày càng mãnh liệt làm cho mụ ngày đêm bực bội, bứt rứt. Mụ cho gọi một người thợ săn đến và bảo:
– Ngươi hãy mang con bé này vào trong rừng sâu, ta không muốn nhìn mặt nó nữa. Ngươi hãy giết nó đi, mang gan, phổi nó về cho ta để chứng tỏ ngươi đã giết nó.
Người thợ săn vâng lệnh và dẫn cô bé vào rừng sâu. Nhưng khi bác rút dao ra định đâm thì cô bé khóc và nói:
– Trời ơi, bác thợ săn yêu quý, bác hãy để cháu sống, cháu sẽ chạy trốn trong rừng hoang vu này, cháu xin thề là sẽ không bao giờ trở lại cung nữa.
Thấy cô bé xinh đẹp, bác thợ săn động lòng thương và bảo:
– Con trốn vào rừng đi, tội nghiệp con quá.
Bác nghĩ: “Rồi có khi thú dữ lại ăn thịt cô bé mất thôi!.” Nhưng dù sao bác cảm thấy trút được gánh nặng trong lòng vì chẳng phải giết người. Đúng lúc đó có một con lợn rừng con nhảy tới, bác đâm chết lấy gan phổi mang về nộp hoàng hậu làm bằng chứng. Mụ dì ghẻ độc ác sai nhà bếp xào gan phổi cho mụ ăn. Mụ đinh ninh là gan phổi Bạch Tuyết nên mụ cố ăn cho kỳ hết.
Còn lại cô bé bất hạnh lủi thủi một mình trong rừng rộng mênh mông, cô sợ hãi, ngơ ngác nhìn lá cây ngọn cỏ chẳng biết làm gì. Đột nhiên cô cắm đầu chạy, chạy giẫm cả lên gai và đá nhọn. Thú dữ lượn quanh cô, nhưng chẳng có con nào đụng đến người cô. Cô bé cứ thế chạy mãi, chạy mãi, tới lúc trời sẩm tối cô mới nhìn thấy một căn nhà nhỏ, liền vào đó nghỉ chân.
Trong nhà tất cả mọi đồ vật đều nhỏ xíu, xinh xắn và sạch sẽ đến nỗi không thể chê vào đâu được. Giữa nhà có một cái bàn trải khăn trắng tinh, trên bàn bày bảy cái đĩa nhỏ xinh xinh, mỗi đĩa có một thìa con, một dao con, một nĩa on và cạnh đó là một ly cũng nho nhỏ xinh xinh như thế. Sát hai bên tường kê bảy chiếc giường nhỏ nối tiếp nhau, giường nào cũng phủ khăn trắng như tuyết.
Đang đói và khát, Bạch Tuyết ăn ở mỗi đĩa một ít rau, ít bánh và uống ở mỗi ly một hớp rượu vang, vì cô không muốn để một ai phải mất phần. Suốt ngày chạy trốn trong rừng, giờ cô đã thấm mệt muốn đặt mình xuống giường nằm ngủ nhưng giường lại không vừa, cái thì dài quá, cái khác lại ngắn quá. Thứ đến cái thứ bảy mới thấy vừa, Bạch Tuyết nằm và ngủ thiếp đi.
Khi trời tối mịt, những chủ nhân của căn nhà nhỏ mới về: đó là bảy chú lùn thường ngày đào bới quặng sắt ở trong núi. Họ thắp bảy ngọn đèn xinh xinh, và khi đèn tỏa sáng khắp căn nhà, họ cảm thấy hình như có ai đã vào nhà, vì mọi vật không còn giữ nguyên như khi họ rời căn nhà đi làm nữa.
Chú thứ nhất nói:
– Ai đã ngồi lên ghế xinh đẹp của tôi?
Chú thứ hai nói:
– Ai đã ăn ở đĩa nho nhỏ của tôi?
Chú thứ ba nói:
– Ai đã ăn bánh của tôi?
Chú thứ tư nói:
– Ai đã nếm rau ở đĩa của tôi?
Chú thứ năm nói:
– Ai đã lấy nĩa bé xíu của tôi đem cắt gì rồi?
Chú thứ sáu nói:
– Ai đã lấy dao xinh xắn của tôi đem cắt gì rồi?
Chú thứ bảy nói:
– Đã có ai uống nước ở ly xinh đẹp của tôi?
Những chú khác cũng chạy lại giường mình và kêu:
– Hình như đã có ai nằm lên giường tôi?
Khi chú thứ bảy nhìn vào giường mình thì thấy Bạch Tuyết đang ngủ. Thế là chú gọi những chú kia chạy tới. Ai nấy đều ngạc nhiên, họ cầm bảy ngọn đèn soi Bạch Tuyết và reo lên:
– Cha, cô bé sao mà xinh đẹp thế!
Cả bảy chú đều vui mừng lắm, không đánh thức cô dậy, để yên cho cô bé ngủ.
Chú lùn thứ bảy đành ngủ nhờ giường bạn, mỗi người một giờ, thế rồi cũng hết một đêm.
Khi trời hửng sáng, Bạch Tuyết tỉnh dậy thấy bảy chú lùn đứng nhìn quanh thì rất sợ. Nhưng bảy người đều vui vẻ thân mật, hỏi cô:
– Cô tên là gì?
Cô trả lời:
– Em tên là Bạch Tuyết.
Mấy chú lùn lại hỏi tiếp:
– Làm sao mà cô tới được nhà của chúng tôi?
Thế là cô kể cho họ nghe chuyện dì ghẻ định ám hại cô, nhưng người thợ săn đã để cho cô sống và cô đã chạy trốn suốt cả ngày trong rừng tới khi sẩm tối thì thấy căn nhà của họ.
Các chú lùn bảo cô:
– Nếu cô đồng ý trông nom nhà cửa, nấu ăn, rũ giường, giặt quần áo, khâu vá, thêu thùa, quét tước, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ ngăn nắp thì cô có thể ở lại với chúng tôi, cô sẽ chả thiếu thứ gì cả.
Bạch Tuyết nói:
– Vâng, thực lòng mà nói, em cũng muốn vậy.
Và từ đó, Bạch Tuyết ở với bảy chú lùn. Cô đảm đương mọi việc trong nhà, sáng sáng các chú lùn vào mỏ tìm sắt và vàng cho mãi tới chiều tối mới về, thì thức ăn của họ đã bày sẵn trên bàn. Suốt cả ngày, Bạch Tuyết ở nhà một mình. Các chú lùn tốt bụng nhắc nhở, căn dặn cô:
– Hãy canh chừng mụ dì ghẻ nhé! Chẳng bao lâu mụ sẽ biết là cô ở đây. Đừng có cho ai vào nhà đấy!
Hoàng hậu đinh ninh tưởng mình đã ăn gan phổi Bạch Tuyết nên chắc rằng chỉ còn có mình là người đẹp nhất trần gian.
Mụ đứng ngắm mình trước gương và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Gương trả lời:
– Thưa hoàng hậu,
Ở đây bà đẹp tuyệt trần,
Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn,
Nàng ta ở khuất núi non,
Nơi nhà của bảy chú lùn sống chung.
Mụ giật mình, vì mụ biết rằng gương không bao giờ nói dối. Mụ nghĩ ngay là người thợ săn đã đánh lừa mụ và Bạch Tuyết hãy còn sống. Mụ ngồi nghĩ mưu giết Bạch Tuyết cho bằng được, chừng nào mụ chưa được gương gọi là người đẹp nhất thì ghen tức còn làm cho mụ mất ăn mất ngủ.
Sau mụ nghĩ ra một kế, mụ bôi mặt, mặc quần áo trá hình thành một bà lão bán hàng, ai có gặp cũng khó lòng nhận ra được. Với hình dạng như vậy, mụ vượt bảy ngọn núi tới nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa và rao:
– Hàng tốt, hàng đẹp đây, có ai mua không, mua đi!
Bạch Tuyết thò đầu qua cửa sổ hỏi:
– Chào bà, bà có gì bán đấy?
Bà lão trả lời:
– Hàng tốt hàng đẹp đây, dây lưng đủ màu đây!
Vừa nói bà vừa rút ra một chiếc dây lưng ngũ sắc dệt bằng tơ.
Bạch Tuyết nghĩ:
– Bà cụ này thật thà mình có thể cho vào nhà được.
Bạch Tuyết mở cửa và mua một chiếc dây lưng thật đẹp.
Bà lão nói:
– Con ơi, trông con buộc vụng về lắm, lại đây bà buộc thật đẹp, cẩn thận cho con.
Bạch Tuyết không chút e ngại, lại đứng trước bà cụ để bà buộc chiếc dây lưng mới cho.
Thế là mụ già buộc thoăn thoắt, mụ thắt chặt cứng làm cho Bạch Tuyết nghẹt thở, ngã lăn ra bất tỉnh.
Mụ nói:
– Giờ thì con chỉ là người đẹp của quá khứ mà thôi.
Rồi mụ vội vã ra về.
Một lát thì trời tối, bảy chú lùn về nhà, thấy Bạch Tuyết yêu quý của họ nằm sóng soài trên mặt đất như chết, người không hề nhúc nhích cử động, họ rất lo lắng. Họ nhấc cô lên thì thấy chiếc dây lưng thắt chặt cứng, lấy dao cắt đứt dây, Bạch Tuyết lại khe khẽ thở và dần dần tỉnh dậy.
Sau khi nghe Bạch Tuyết kể chuyện vừa xảy ra, bảy chú lùn bảo cô:
– Mụ già bán hàng ấy chắc chẳng ai khác ngoài mụ hoàng hậu độc ác, cô phải giữ mình cẩn thận nhé, khi chúng tôi đi vắng thì đừng cho ai vào nhà cả.
Về tới nhà, mụ hoàng hậu độc ác đến trước gương soi và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Cũng như mọi lần, gương trả lời:
– Thưa hoàng hậu,
Ở đây bà đẹp tuyệt trần,
Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn,
Nàng ta ở khuất núi non,
Nơi nhà của bảy chú lùn sống chung.
Khi nghe vậy, hoàng hậu máu trào sôi lên vì tức giận, mụ biết chắc là Bạch Tuyết đã sống lại.
Mụ nói:
– Được rồi, tao sẽ nghĩ ra kế khác để cho mày về âm phủ.
Với những phép quỷ thuật, mụ làm một chiếc lược tẩm thuốc độc. Mụ ăn mặc trá hình thành một bà già khác lần trước, rồi vượt bảy ngọn núi tới nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa và rao to:
– Hàng tốt, hàng đẹp, ai mua ra mua!
Bạch Tuyết ngó ra và nói:
– Bà đi đi, tôi không được phép cho một ai vào nhà.
Mụ già nói:
– Nhưng chắc không ai cấm con cầm cái lược này xem chơi một chút chứ?
Rồi mụ lấy chiếc lược tẩm thuốc độc giơ lên.
Bạch Tuyết thích chiếc lược quá nên quên cả lời dặn dò, chạy vội ra mở cửa.
Khi đôi bên thỏa thuận giá cả xong, mụ già nói:
– Giờ để bà chải cho con nhé, bà chải cho thật đẹp nhé!
Cô bé đáng thương ấy không nghi ngờ gì cả, cô để mụ chải đầu cho. Nhưng lược vừa mới cắm vào tóc, Bạch Tuyết đã bị ngấm thuốc độc, ngã lăn ra bất tỉnh.
Mụ già độc ác nói:
– Thế là người đẹp nhất nước đã đi đời nhà ma!
Nói xong mụ bỏ đi.
Nhưng may thay trời sắp tối, một lát au thì bảy chú lùn về tới nhà. Thấy Bạch Tuyết nằm như chết ở dưới đất, họ nghi ngay mụ dì ghẻ, họ lùng sục và tìm thấy chiếc lược tẩm thuốc độc cài trên đầu, vừa mới lấy lược ra thì Bạch Tuyết tỉnh dậy kể lại sự việc đã xảy ra. Một lần nữa bảy chú lùn lại căn dặn cô phải cẩn thận, bất cứ ai đến cũng không mở cửa.
Bước chân về tới nhà, hoàng hậu lại soi gương và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Cũng như mọi lần, gương trả lời:
– Thưa hoàng hậu,
Ở đây bà đẹp tuyệt trần,
Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn,
Nàng ta ở khuất núi non,
Nơi nhà của bảy chú lùn sống chung.
Nghe gương như vậy toàn thân mụ run lên vì tức giận, mụ thét lên:
– Bạch Tuyết, mày phải chết, dù tao có mất mạng cũng cam lòng.
Sau đó mụ vào một căn phòng hẻo lánh trong lâu đài nơi không hề có ai bước chân tới, và mụ tẩm thuốc độc vào táo, quả táo chín đỏ trông rất ngon, ngon đến nỗi ai nhìn thấy cũng muốn ăn. Nhưng ai ăn một miếng sẽ chết ngay tức khắc.
Khi tẩm thuốc xong, mụ bôi mặt, mặc quần áo trá hình thành một bà nông dân. Rồi mụ lại vượt bảy quả núi đến nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa, Bạch Tuyết thò đầu qua cửa sổ nói:
– Cháu không được phép cho ai vào nhà, vì bảy chú lùn đã cấm rồi.
Bà già nói:
– Thế cũng chẳng sao. Chỗ táo ngày bà muốn bán rẻ nốt để còn về. Đây, để bà cho con một quả.
Bạch Tuyết nói:
– Không, cháu không được phép nhận một thứ gì cả.
Bà già nói:
– Con sợ ăn phải thuốc độc chứ gì? Trông đây này, bà bổ táo làm hai, con ăn nửa táo chín đỏ, bà ăn phần táo trắng còn lại.
Quả táo được tẩm thuốc rất khéo léo: chỉ nửa táo chín đỏ ngấm thuốc độc, Bạch Tuyết mắt hau háu nhìn quả táo chín ngon, thấy bà nông dân ăn mà không sao cả nên không dằn lòng được nữa, thò tay ra đón lấy nửa táo ngấm thuốc độc. Cô vừa cắn được một miếng thì ngã lăn ra chết liền.
Hoàng hậu nhìn cô với con mắt gườm gườm, rồi cười khanh khách và nói:
– Trắng như tuyết, đỏ như máu, đen như gỗ mun. Lần này thì những thằng lùn đừng hòng đánh thức con sống lại nữa, con ạ!
Vừa về đến cung, mụ hỏi ngay gương:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Lần này gương đáp:
– Muôn tâu hoàng hậu, hoàng hậu chính là người đẹp nhất ở nước này.
Lúc đó, tính ghen ghét đố kỵ của mụ mới nguôi, mụ mới cảm thấy mãn nguyện.
Theo thường lệ, đến tối bảy chú lùn mới về nhà, vừa bước vào cửa thì thấy ngay Bạch Tuyết nằm dưới đất, tim đã ngừng đập, không thấy hơi thở ra nữa, Bạch Tuyết đã chết.
Bảy chú lùn nâng cô dậy, tìm xem có dấu vết chất độc nào không, rồi lấy nước và rượu lau mặt cho cô nhưng chẳng ăn thua gì; cô bé tội nghiệp ấy đã chết, chết thật rồi. Họ cho cô vào quan tài, cả bảy người ngồi quanh quan tài, khóc cô ba ngày liền. Sau đó họ muốn đem đi chôn nhưng thấy sắc người cô vẫn tươi tỉnh như người sống, đôi má xinh đẹp vẫn ửng hồng. Họ nói với nhau:
– Thi hài như vậy, ai nỡ lòng nào đem vùi xuống đất đen ấy.
Họ đặt làm một chiếc quan tài trong suốt bằng thủy tinh, bốn phía đều nhìn thấy được. Họ đặt cô vào trong đó, khắc tên Bạch Tuyết bằng chữ vàng và đề thêm rằng cô là một nàng công chúa. Rồi họ khiêng đặt quan tài nàng trên núi, cắt phiên nhau gác. Các loài vật cũng đến viếng khóc Bạch Tuyết.
Bạch Tuyết nằm trong quan tài đã lâu lắm mà thi thể vẫn nguyên, nom như nàng đang nằm ngủ, vì nàng vẫn trắng như tuyết, đỏ hồng như máu, tóc vẫn đen như gỗ mun.
Hồi đó, có một hoàng tử nước láng giềng đi lạc vào rừng và tới căn nhà của bảy chú lùn xin ngủ nhờ qua đêm. Hoàng tử nhìn thấy chiếc quan tài thủy tinh trên núi, Bạch Tuyết nằm trong chiếc quan tài có khắc dòng chữ vàng, đọc xong dòng chữ hoàng tử nói:
– Để cho tôi chiếc quan tài này, các anh muốn lấy bao nhiêu tôi cũng trả.
Bảy chú lùn đáp:
– Đem tất cả vàng trên thế giới này để đổi, chúng tôi cũng chẳng bằng lòng.
Hoàng tử nói:
– Thế thì tặng tôi vậy, vì tôi không thể sống nếu không được trông thấy Bạch Tuyết, tôi thương yêu và kính trọng nàng như người yêu nhất trần đời của tôi.
Nghe hoàng tử nói tha thiết vậy, những chú lùn tốt bụng động lòng thương và bằng lòng. Hoàng tử sai thị vệ khiêng quan tài trên vai mang về. Thị vệ đi vấp phải rễ cây rừng làm nảy thi hài Bạch Tuyết lên, miếng táo tẩm thuốc độc nàng ăn phải bắn ra khỏi cổ họng.
Ngay sau đó, nàng từ từ mở mắt ra, nâng nắp quan tài lên, ngồi nhỏm dậy và nói:
– Trời ơi, tôi đang ở đâu đây?
Mừng rỡ, hoàng tử nói:
– Ta quý nàng hơn tất cả mọi thứ trên đời này, nàng hãy cùng ta về cung điện của vua cha, nàng sẽ là vợ của ta.
Bạch Tuyết bằng lòng theo hoàng tử về hoàng cung. Lễ cưới Bạch Tuyết và hoàng tử được tổ chức rất linh đình và trọng thể. Mụ dì ghẻ độc ác của Bạch Tuyết cũng được mời tới dự. Sau khi ăn mặc thật lộng lẫy, mụ lại đứng trước gương soi và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Nước này ai đẹp được dường như ta.
Gương trả lời:
– Thưa hoàng hậu,
Ở đây bà đẹp tuyệt trần,
Nhưng hoàng hậu trẻ muôn phần đẹp hơn.
Mụ dì ghẻ độc ác chửi đổng một câu, mụ trở nên sợ hãi không biết tính thế nào. Mới đầu mụ toan không đi dự đám cưới, nhưng mụ đứng ngồi không yên, mụ sốt ruột và muốn xem mặt hoàng hậu trẻ.
Khi bước vào phòng, mụ nhận ngay ra Bạch Tuyết. Sợ hãi và hoảng loạn mụ đứng đó như trời trồng, không dám nhúc nhích. Nhưng giày sắt đã đặt trên lửa rồi, nhà vua trừng phạt buộc mụ phải xỏ chân vào đôi giày sắt nung đỏ và nhảy cho tới khi ngã lăn ra đất mà chết.
54. Chiếc túi dết, chiếc mũ, cái tù và bằng sừng
Ngày xửa ngày xưa có ba anh em nhà kia, cảnh nhà cứ mỗi ngày một nghèo túng hơn. Khi nhà chẳng còn gì để ăn nữa, ba anh em bảo nhau:
– Không thể như thế này được. Tốt nhất là chúng ta đi chu du thiên hạ để kiếm sống.
Ba anh em quyết định lên đường. Họ đi được chặng đường dài, đi qua nhiều cánh đồng cỏ, nhưng vẫn chưa gặp may. Một hôm họ tới cánh rừng lớn kia, giữa rừng là một ngọn núi. Khi tới gần, họ mới thấy đó là núi bạc. Người anh cả nói:
– Thế là vận may đã đến, anh chẳng còn mong mỏi gì hơn nữa.
Anh lấy bạc nhiều đến mức sức anh mang được. Anh mang bạc quay trở về nhà. Hai người em nói:
– Vận may của chúng ta phải là cái gì quí hơn bạc mới được.
Hai người không ai động tới núi bạc. Họ tiếp tục đi. Đi được mấy ngày đường thì họ tới ngọn núi kia, một ngọn núi vàng. Người anh thứ hai đứng đắn đo:
– Làm gì bây giờ? Lấy vàng nhiều đến mức đủ sống cả đời hay là đi tiếp?
Cuối cùng anh quyết định lấy vàng. Anh lấy đầy một túi to toàn vàng là vàng. Anh chúc người em út gặp may và lên đường trở về nhà.
Người em ít nói:
– Vàng bạc mình chẳng màng. Sao lại chối từ hạnh phúc nhỉ, biết đâu lại có hay hơn đến với ta!
Anh lại lên đường. Sau ba ngày anh tới một khu rừng rộng bao la tưởng chừng như không bao giờ hết rừng. Cơn đói khát nó hành hạ anh. Anh trèo lên ngọn một cây cao phóng tầm mắt nhìn xem bìa rừng ở đâu, anh chỉ nhìn thấy toàn ngọn cây. Anh lại trèo xuống dưới đất. Cơn đói làm cồn cào cả người. Anh nghĩ:
– Ước sao có gì ăn cho qua cơn đói này.
Bỗng anh ngó thấy có bàn bày sẵn thức ăn còn nóng bốc hơi, anh nói:
– Lần này thì ước mong của mình mới thành hiện thực.
Anh bước tới ngồi ăn mà chẳng hề nghĩ ai đã nấu bưng bày trên bàn. Anh ăn thật ngon miệng và ăn cho tới hết cơn đói mới thôi. Ăn xong, anh nghĩ:
– Thật là hoài phí nếu như để những món ăn này thiu thối đi.
Chàng túm tất cả lại trong chiếc khăn trải bàn, rồi tiếp tục lên đường. Chập tối, anh thấy đói bụng nên giở khăn ra và nói:
– Ước gì lại đầy khăn trải bàn toàn những món ăn ngon!
Anh vừa mới mấp máy môi nói xong thì bỗng toàn thức ăn ngon có trên kín khăn trải bàn. Anh lẩm bẩm:
– Giờ thì mình biết rồi, chiếc khăn trải bàn thần này còn quí hơn cả núi bạc, núi vàng.
Anh thấy mình chưa thể quay về nhà với chiếc khăn trải bàn thần này. Anh muốn đi chu du thiên hạ tiếp tục để tìm vận may. Một buổi tối anh gặp người đốt than mặt mày đầy bụi than ở trong rừng. Bữa ăn tối của người này chỉ toàn khoai tây. Anh nói:
– Xin chào bác sáo đen! Trong cảnh hoang vu này bác có khỏe không?
Người đốt than đáp:
– Ngày nào cũng như ngày nào, tối tối ăn toàn khoai tây là khoai tây. Anh bạn lại ăn cùng cho vui!
Anh nói:
– Cám ơn bác. Đấy là phần ăn tối của bác. Nếu bác vui lòng ăn cùng, tôi muốn mời bác ăn cùng với tôi.
Người đốt than nói:
– Ai bày cho mà ăn? Quanh đây chẳng có ai, mà nhìn thấy anh cũng chẳng mang theo thứ gì.
Anh đáp:
– Thế mà có đồ ăn đấy! Thức ăn ngon tới mức bác chưa từng ăn bao giờ.
Rồi chàng rút tấm khăn trải bàn từ cái túi mang theo, trải khăn ra nền đất và nói:
– Nào khăn ơi, bày thức ăn ra đi!
Lập tức đủ các món xào, món rán (chiên) nóng bốc hơi bày đầy khăn trải bàn, thức ăn còn nóng cứ tưởng như mang từ bếp ra. Bác thợ đốt than trố mắt nhìn. Chẳng đợi mời tới lần thứ hai, bác ngồi vào ăn cùng với anh, bác đưa từng miếng một vào mồm một cách ngon lành.
Ăn xong, bác thợ đốt than tủm tỉm cười nói:
– Tôi thích cái khăn trải bàn của anh. Nó rất tiện cho tôi, vì ở trong rừng chẳng có ai nấu cho ăn. Tôi muốn đổi cho anh cái túi dết của lính, nom nó đã cũ rích, nhưng nó có sức mạnh kỳ lạ lắm. Tôi không biết làm gì với cái túi dết ấy. Tôi muốn đổi nó lấy chiếc khăn trải bàn.
Anh đáp:
– Thế sức mạnh kỳ lạ của cái túi dết như thế nào?
Bác thợ đốt than nói:
– Tôi xin nói anh rõ. Cứ mỗi lần đập vào túi dết là có sáu người lính có đầy đủ khí giới nhảy từ trong túi ra. Anh sai làm gì, họ sẽ làm cho anh.
Anh nói:
– Theo tôi, thế thì chúng ta đổi cho nhau cũng được.
Anh đưa cái khăn trải bàn cho người đốt than, lấy chiếc túi dết đeo vào người, rồi chào bác thợ đốt than và lên đường. Đi được một quãng đường dài, anh muốn thử xem phép lạ của chiếc túi dết. Anh vỗ tay vào chiếc túi dết. Lập tức có bảy người lính đứng thẳng hàng trước mặt anh, người tiểu đội trưởng nói:
– Thưa ông chủ và lãnh chúa của chúng tôi, xin ông cứ ra lệnh!
– Hãy hành quân cấp tốc tới chỗ người thợ đốt than đòi lại chiếc khăn trải bàn!
Cả hàng quay trái, rồi tức tốc tới lấy chiếc khăn trải bàn mà chẳng hỏi bác thợ đốt than lấy một câu. Họ mang ngay về cho anh chiếc khăn trải bàn chỉ trong khoảnh khắc. Anh ra lệnh rút và tiếp tục lên đường. Anh nghĩ mình sẽ còn gặp nhiều may mắn hơn nữa.
Đến tối thì anh tới chỗ một người thợ đốt than khác, người này đang chuẩn bị ăn tối. Bác thợ người đen nhẻm nói:
– Nào xin mời ăn cùng cho vui, chỉ có khoai tây chấm muối, nào ngồi xuống đi!
Anh đáp:
– Không, nhưng tôi muốn mời bác ăn với tôi.
Anh trải khăn ra là có ngay những món ăn ngon. Hai người ngồi ăn uống vui vẻ. Sau bữa ăn, bác thợ đốt than nói:
– Ở trên cái ngăn kia có một cái mũ đã sờn cả mép vành, nhưng nó có phép lạ, ai đội nó trên đầu, rồi xoay vòng tròn là lập tức có mười hai khẩu pháo đứng hàng ngang bắn tới tấp làm cho tất cả đổ nát tan tành, không có gì chịu nổi sức công phá của nó. Cái mũ ấy chẳng có ích gì đối với tôi. Cho tôi cái khăn này đi, tôi đưa cho anh cái mũ đó.
Anh đáp:
– Kể ra nghe cũng có lý đấy.
Anh đưa cho bác thợ đốt than cái khăn trải bàn và cầm mũ đội lên đầu. Đi được một đoạn đường, anh đập tay vào chiếc túi dết cho lính đi lấy lại chiếc khăn trải bàn. Chàng nghĩ:
– Hết cái này sang cái khác. Có lẽ vận may của mình chưa hết.
Nhưng đúng như anh nghĩ. Sau một ngày đi đường, anh lại gặp người thợ đốt than thứ ba. Người này cũng mời anh ăn khoai tây chấm muối. Anh lại trải khăn ra và mời người thợ đốt than cùng ăn. Được ăn toàn món ngon, bác thợ đốt than nói muốn đổi chiếc tù và bằng sừng lấy chiếc khăn. Đó là chiếc tù và có phép lạ, mỗi khi nó được thổi lên thì lâu đài, thành quách, thành phố, làng xóm xụp đổ hết thành đống gạch vụn.
Anh đổi cho người thợ đốt than cái khăn để lấy chiếc tù và bằng sừng. Nhưng rồi anh lại sai lính đi lấy lại chiếc khăn trải bàn.
Giờ đây anh có trong tay mọi thứ: chiếc khăn trải bàn, chiếc túi dết, chiếc mũ cũ sờn vành, chiếc tù và bằng sừng. Anh nói:
– Giờ thì mình cũng thỏa mãn rồi. Đến lúc ta phải quay về xem các anh của ta sống ra sao.
Về tới quê nhà, anh thấy hai người anh có nhà cao cửa rộng, sống trong cảnh nhàn hạ, nhưng xa hoa phung phí bởi số vàng, bạc họ có. Anh tới thăm hai anh, nhưng quần áo cũ rách, đầu đội mũ sờn vành, vai đeo túi dết và chiếc tù và bằng sừng nên hai người anh không muốn nhận đó là em mình. Hai người nhạo báng nói:
– Chú coi khinh vàng bạc, chú muốn mình phải hơn thế nữa. Tưởng chú trở về trong sang trọng lộng lẫy như một ông vua, chứ ai lại như một người ăn xin thế này.
Rồi hai người anh đuổi chú em út ra khỏi cổng. Người em út nổi cơn thịnh nộ, tay đập liên tục vào cái túi dết cho tới khi có một trăm năm mươi lính đứng chỉnh tề trước mặt thì mới thôi. Anh ra lệnh cho lính bao vây hai căn nhà, hai người lính cầm roi bằng gỗ dẻ đánh cho hai người hợm hĩnh kia mềm xương nhũn thịt ra, để họ biết anh là ai. Cả làng xôn xao tới giúp hai người kia chống đỡ, nhưng họ không sao chống đỡ nổi.
Việc đến tai nhà vua. Vua sai quan quân tới dẹp. Anh lại đập tay vào túi dết, số lính giờ nhiều hơn trước nên đánh tan tác toán quân do nhà vua gởi tới. Cả toán quân đành phải rút lui, ai cũng máu me đầy mặt. Được tin, nhà vua phán:
– Phải bắt trói cho kỳ được tên giặc đó!
Ngày hôm sau vua phái một đoàn quân lớn tới để dẹp. Nhưng đoàn quân cũng chẳng làm được gì, anh đập tay vào túi dết liên tục nên quân của anh cũng đông vô kể. Rồi anh xoay mũ mấy vòng, thế là đạn pháo bay tới tấp vào quân của nhà vua, quan quân đành tháo chạy. Anh nói:
– Chỉ khi nào nhà vua gả công chúa cho mình và nhường cả giang sơn này cho mình thì khi ấy mình mới chịu ký hòa ước.
Anh cho người nói với nhà vua điều ấy. Nhà vua nói với con gái:
– Điều phải làm thật là đau khổ. Nhưng biết làm sao bây giờ, cha đành phải làm những gì hắn đòi hỏi. Cha đành phải gả con cho hắn.
Lễ cưới được tổ chức linh đình, nhưng công chúa trong lòng không được vui, vì chồng mình là một thứ dân, ăn mặc lôi thôi, đầu đội mũ đã sờn vành, vai đeo túi dết. Nàng chỉ muốn thoát khỏi cảnh ấy, nên nghĩ ngày nghĩ đêm nghĩ cách làm sao thực hiện được ý đồ ấy. Bỗng nàng chợt nghĩ:
– Biết đâu chính cái túi dết ấy có phép lạ?
Nàng tỏ ra hết sức yêu chiều chồng, làm cho chồng hết sức cảm động. Lúc ấy nàng nói:
– Chàng nên bỏ chiếc túi dết cũ kia đi, nom chàng đeo nó lôi thôi lếch thếch lắm, em cũng lấy làm xấu hổ thay ấy.
Chàng đáp:
– Em yêu quý của anh, chiếc túi dết ấy chính là của báu vật quí nhất của anh. Chừng nào anh còn nó bên mình, anh không sợ bất kỳ một sức mạnh nào.
Rồi chàng kể cho nàng biết về phép lạ của chiếc túi dết. Nàng giả vờ ôm hôn chàng để lấy chiếc túi dết khỏi vai chàng, rồi nàng vội chạy đi.
Đến lúc chỉ có một mình, công chúa đập tay vào túi dết, ra lệnh cho lính tới bắt trói chàng lại và đuổi khỏi hoàng thành. Công chúa còn ra lệnh cho những toán lính khác theo đuổi chàng từ vùng này sang vùng khác và tính đuổi chàng ra khỏi vương quốc.
Công việc tưởng chừng đã kết thúc, nhưng khi vừa mới được cởi trói, chàng liền xoay cái mũ trên đầu mấy vòng, lập tức đạn pháo báy tới tấp vào hoàng thành làm cả hoàng thành đổ nát. Công chúa đành phải tới cầu xin. Nàng năn nỉ van xin khéo tới nỗi chàng mủi lòng tha thứ cho.
Giờ công chúa lúc nào cũng niềm nở săn đón chàng, làm cho chàng không nghĩ tới chuyện đề phiòng khi nàng còn giữ chiếc túi dết. Công chúa nghĩ, chừng nào cái mũ kia còn ở bên chàng thì nàng làm được gì chàng. Đợi cho chàng ngủ say, nàng tới nhấc chiếc mũ và ném ngay nó ra đường. Nhưng chàng còn chiếc tù và bằng sừng. Trong lúc nổi giận, chàng lấy tù và thổi. Lâu đài, thành quách sụp đổ hết, nhà vua và công chúa bị chết trong đống đổ nát. Chẳng có quan quân nào địch lại nổi sức tàn phá. Thấy thế chàng ngưng không thổi nữa. Chàng lên ngôi vua trị vì đất nước.
55. Đồ bỏ xó
Ngày xửa ngày xưa có một người xay bột nghèo nhưng lại có một cô con gái xinh đẹp. Có lần do tình cờ mà bác được nói chuyện với nhà vua. Để được nhà vua lưu ý, bác tâu:
– Tâu bệ hạ, tôi có một đứa con gái kéo được rơm thành vàng.
Vua bảo bác thợ xay bột:
– Đó là một nghề hiếm người làm được, nghề ấy trẫm rất quý. Nhưng lời ngươi nói thì quả con ngươi khéo lắm, mai ngươi dẫn nó vào cung, ta muốn thử tài nó.
Khi cô gái đến, nhà vua chỉ cô vào một cái buồng chất đầy rơm, cho đem guồng và ống lõi lại, bảo:
– Giờ ngươi làm đi, từ đêm cho tới sáng mai mà ngươi không kéo được hết chỗ rơm này thành vàng thì ngươi phải tội chết chém.
Rồi chính tay nhà vua đóng cửa buồng, để cô gái một mình ở trong đó.
Cô con gái bác thợ xay thật là tội nghiệp, cô ngồi bần thần cả người, không nghĩ ra được kế nào để thoát chết. Cô đâu biết cách kéo rơm thành vàng. Sự lo sợ ngày càng tăng, cuối cùng cô òa lên khóc.
Bỗng nhiên cửa từ từ mở ra, một người bé nhỏ bước vào và nói:
– Chào cô con gái bác xay bột, tại sao cô lại khóc nức nở như thế?
Cô đáp:
– Trời ơi, cháu phải kéo rơm thành vàng, cái đó cháu đâu biết.
Người tí hon nói:
– Cô sẽ thưởng cho tôi cái gì nếu tôi kéo rơm thành vàng cho cô?
Cô gái đáp:
– Cháu xin biếu bác chiếc vòng đeo cổ của cháu.
Người tí hon nhận chiếc vòng đeo cổ, rồi ngồi xuống bên cạnh chiếc guồng sợi và quay, tiếng guồng quay vo vo, chỉ quay có ba lần đã đầy ống. Người tí hon lắp ống khác vào, vo, vo, vo, guồng quay ba lần là ống thứ hai lại đầy. Cứ như vậy cho đến sáng. Tới sáng thì quay xong tất cả chỗ rơm, tất cả các ống đều đầy sợi vàng.
Mặt trời vừa ló đằng đông thì vua đã tới. Nhìn thấy vàng, nhà vua ngạc nhiên nhưng trong lòng mừng lắm, lòng tham lại nổi lên. Vua lệnh dẫn cô sang một căn buồng khác lớn hơn, rơm chất đến tận nóc và ra lệnh nếu cô muốn sống thì một đêm phải kéo hết chỗ rơm ấy thành vàng.
Cô gái chẳng biết làm thế nào lại đành ngồi khóc. Lần này cánh cửa lại từ từ mở ra, một người bé nhỏ xuất hiện và nói:
– Cô thưởng cho tôi cái gì nếu tôi kéo rơm thành vàng cho cô?
Cô gái đáp:
– Cháu xin biếu bác chiếc nhẫn đeo tay của cháu.
Người tí hon nhận chiếc nhẫn và bắt đầu quay guồng, tiếng guồng quay vo vo đều đều, hết đêm tới sáng thì kéo xong toàn bộ số rơm trong buồng thành những sợi chỉ vàng óng ánh.
Nhìn đống sợi vàng vua mừng rỡ cả người, nhưng lòng thèm vàng vẫn chưa chán. Vua cho dẫn cô gái con bác xay bột sang một căn buồng khác lớn hơn nữa, rơm chất đến tận nóc. Vua ra lệnh:
– Ngươi phải quay guồng nốt đêm nay. Nếu ngươi hoàn tất được ngươi sẽ là hoàng hậu của ta.
Vua nghĩ bụng, tuy đó chỉ là một cô gái con bác xay bột, nhưng mình tìm đâu ra một người vợ giàu có hơn nữa trên thế gian này.
Khi cô chỉ còn một mình trong buồng, lần thứ ba người tí hon lại đến và nói:
– Cô thưởng cho tôi cái gì nếu tôi lần này cũng kéo rơm thành sợi vàng cho cô?
Cô gái đáp:
– Cháu không còn gì để biếu bác cả.
Vậy cô có đồng ý hứa với tôi, nếu cô thành hoàng hậu thì cho tôi đứa con đầu lòng của cô nhé.
Cô gái con bác thợ xay bột nghĩ bụng, ai mà biết được chuyện đời sẽ đi đến đâu. Mà biết làm thế nào được, giờ đang bí. Cô hứa làm theo lời đòi hỏi của người tí hon. Một lần nữa, người tí hon lại quay rơm thành sợi vàng cho cô.
Sáng hôm sau vua đến thấy mọi việc hoàn tất như mình mong muốn nên làm lễ cưới với cô gái con bác xay bột. Thế là cô trở thành hoàng hậu.
Một năm sau hoàng hậu sinh được một đứa bé rất kháu và quên bẵng đi chuyện hứa với người tí hon. Đang lúc vui mừng như vậy thì bỗng nhiên người tí hon xuất hiện và nói:
– Bây giờ cô hãy đưa cho tôi cái cô đã hẹn trước kia.
Hoàng hậu hoảng hốt sợ hãi, xin người tí hon để bà đứa con, bà sẵn sàng đổi tất cả của cải châu báu trong vương quốc để lấy con.
Người tí hon đáp:
– Không được, tất cả của cải trên thế gian này đối với tôi không quý bằng chút động đậy của sự sống.
Không biết làm sao bây giờ, hoàng hậu òa lên khóc than thảm thiết, khóc than đến nỗi người tí hon phải động lòng thương và bảo:
– Thôi, tôi hẹn cho cô ba ngày, tới đó nếu cô biết được tên tôi thì cô được giữ con lại.
Thế là hoàng hậu trằn trọc suốt đêm cố nhớ lại những tên mình đã từng nghe thấy, và còn cho sứ giả đi khắp nơi trong nước dò hỏi xem còn những tên gì nữa trong dân gian.
Ngày hôm sau, người tí hon đến, hoàng hậu kể các tên mà bà biết: Kátspar (người giữ kho vàng cho vua), Mênxior (vua ánh sáng), Banxơ (Trời phù hộ)… bà lần lượt kể hết tên này đến tên khác, nghe xong mỗi tên người tí hon lại nói:
– Tên tôi không phải như vậy.
Hôm thứ hai, hoàng hậu cho người đi khắp vùng lân cận hỏi xem liệu còn có những tên gì khác nữa không. Rồi, bà kể cho người tí hon nghe những tên hiếm có và kỳ lạ.
– Phải chăng bác tên là: Ripenbit (gầy giơ xương sườn), Hatnêlvađơ (Bắp vế đùi cừu) hay là Snuyabai (chân cò hương).
Nhưng luôn luôn bị người tí hon đáp:
– Tên tôi không phải như vậy.
Ngày thứ ba sứ giả trở về kể:
– Thần không tìm ra một tên mới nào cả. Nhưng khi thần tới một ngọn núi cao phía góc rừng, nơi đây thanh vắng lắm, thì thần nhìn thấy một căn nhà nhỏ. Trước nhà là một đống lửa đang bùng cháy, một người tí hon dáng nom đến nực cười nhảy nhót xung quanh đống lửa, mà lại nhảy lò cò một chân và hát rêu rao:
Hôm nay nướng bánh, ngày mai nấu bia,
Ngày mai đi đón con vua mang về
Đề huề sung sướng ai hay
Tên “Đồ bỏ xó” gặp may chuyến này.
Các bạn có biết hoàng hậu mừng biết bao khi nghe thấy cái tên ấy.
Chỉ một lát sau người tí hon bước vào và hỏi:
– Thế giờ hoàng hậu biết tên tôi là gì chưa?
Hoàng hậu giả vờ hỏi lại:
– Phải chăng tên bác là Gun (Táo bạo)?
– Không phải.
– Phải chăng tên bác là Hanxơ (Hùng cường)?
– Không phải.
– Chắc có lẽ tên bác là Rumpênstinxen (Đồ bỏ xó) phải không?
– Chỉ có quỷ nói ngươi mới biết, chỉ có quỉ nói ngươi mới biết.
Tức quá hắn la ầm lên, đứng dậm chân xuống đất, hắn dậm chân mạnh đến nỗi người hắn lún xuống đất sâu.
56. Anh Roland yêu dấu
Ngày xưa có một người đàn bà, vốn là một mụ phù thủy. Mụ có hai người con gái, nhưng mụ chỉ quý đứa con riêng của mụ, nó vừa xấu lại gian ác. Đứa con riêng của chồng vừa đẹp người lại tốt bụng thì mụ rất ghét.
Đứa con riêng của chồng có một chiếc tạp dề rất đẹp, con gái mụ ganh ghét và nói mẹ phải lấy cho bằng được. Mụ nói:
– Con cứ nín lặng, con sẽ có cái đó. Nó đáng chết từ lâu, tối nay, đợi nó ngủ say, mẹ sẽ chặt đầu nó. Con khi đi ngủ, đẩy nó ra phía ngoài cho mẹ.
Cô gái đáng thương kia, tình cờ đứng ở góc nhà, đã nghe được toàn câu chuyện. Cả ngày cô ở nhà, tối cô lên giường ngủ trước, đợi con dì ghẻ ngủ say, cô đẩy ra phía ngoài, còn mình nằm bên trong sát tường.
Đến khuya mụ già lẻn vào buồng, tay trái quơ xem có ai nằm phía ngoài không, rồi hai tay mụ nắm chiếc rìu, mụ vung cao lên và thẳng tau chém phật đứt ngay đầu người nằm ngoài, không ngờ chém chính con cưng của mình.
Khi mụ ra khỏi buồng, cô gái dậy và đi thẳng tới nhà người yêu là Roland và gõ cửa. Cô nói:
– Khi trời hửng sáng, mụ sẽ nhìn thấy việc mình làm, lúc ấy sẽ nguy cho chúng ta.
Roland nói:
– Anh khuyên em hãy lấy đi chiếc gậy thần của mụ ấy, để mụ không thể dùng nó mà đuổi theo chúng ta. Có thế mới mong tự cứu được mình.
Cô gái quay lại lấy gậy thần, rồi vẩy ba giọt máu, một giọt lên nền nhà trước giường, một giọt ở bếp, giọt thứ ba ở cầu thang. Rồi ngay lập tức tới thẳng nhà người yêu.
Sáng hôm sau mụ phù thủy gọi con gái để đưa cho chiếc tạp dề, nhưng không thấy con tới. Mụ gọi:
– Con ở đâu, con?
Một giọt máu đáp:
– Con đang ở đây, ở chỗ cầu thang mẹ ạ.
Mụ ra phía ấy, nhưng chẳng thấy ai, mụ lại gọi:
– Con ở đâu, con?
Giọt máu thứ ba đáp:
– Trời ơi, con đang ở trong giường, con đang ngủ.
Mụ đi vào buồng, tới bên giường. Mụ nhìn thấy gì? Chính con gái cưng của mụ nằm trong vũng máu, mà mụ là người chặt đầu. Mụ khùng điên lên, nhảy tới bên cửa sổ, phóng tầm mắt nhìn xa, mụ thấy con riêng của chồng đang chạy trốn cùng với Roland. Mụ thét:
– Chúng mày có chạy xa tới đâu cũng không thoát khỏi tay ta. Chẳng có gì cứu giúp được chúng mày.
Mụ đi đôi giày vạn dặm. Mỗi bước đi bây giờ bằng người khác đi hàng giờ đồng hồ, nên chẳng mấy chốc mụ đuổi kịp hai người. Khi thấy dì ghẻ sắp tới gần, cô gái dùng gậy thần biến Roland thành hồ và mình thành một con vịt đang bơi giữa hồ. Mụ tới bên bờ hồ, ném thức ăn xuống hồ để vịt bơi vào gần, nhưng vịt cứ bơi đi lại giữa hồ. Tối rồi mà mụ vẫn không bắt được vịt, đành quay trở về. Ngay sau đó, cô gái và Roland lại hiện nguyên hình người và tiếp tục chạy trốn, họ đi suốt đêm cho tới khi trời hửng sáng. Cô gái biến thành bông hoa đẹp giữa bụi gai, Roland biến thành người chơi vĩ cầm. Chẳng mấy chốc mụ phù thủy đã tới nơi. Mụ nói với người chơi nhạc:
– Nhạc sĩ lang thang ơi, cho phép tôi hái cái bông hoa đẹp kia nhé?
Người kia đáp:
– Dạ vâng, tôi sẽ dạo nhạc lên để bà hái hoa.
Mụ vội chui ngay vào bụi gai để hái hoa, vì mụ biết hoa kia chính là ai. Nhưng khi mụ đang chui vào bụi gai thì chàng trai dạo nhạc lên và mụ bị tiếng nhạc mê hoặc và mụ bắt đầu nhảy, tiếng nhạc càng dồn dập mụ càng nhảy nhanh và mạnh. Mụ bị gai làm rách hết quần áo, đâm xước khắp người, máu chảy nhưng chừng nào còn tiếng nhạc mụ vẫn cứ phải nhảy theo nhịp của nhạc. Tới khi chàng trai ngừng chơi đàn, chỉ lát sau đó mụ lăn ra chết.
Thế là cả hai được giải thoát. Roland nói:
– Giờ anh muốn về nhà nói với bố, xin phép được làm lễ cưới.
– Trong lúc đó em ở lại đây đợi anh, em sẽ biến thành tảng đá đỏ ở trên cánh đồng, để không ai nhận biết được.
Rồi Roland ra đi, ở trên cánh đồng là tảng đá đỏ đợi người yêu.
Về tới nhà, Roland ăn phải bùa lú, quên ngay lời hứa với người yêu. Cô gái đáng thương kia đợi mãi không thấy người yêu trở lại. Cô buồn rầu biến thành bông hoa và nghĩ:
– Thế nào cũng có người tới đây gặp mình.
Một ngày kia, có chàng trai chăn cừu trên cánh đồng, thấy hoa đẹp, chàng hái hoa, mang về nhà và hộp.
Từ ngày ấy trở đi, cứ sáng sáng, khi chàng thức giấc dậy thì thấy căn buồng đã quét sạch, bàn ghế được lau chùi sạch, lửa đỏ lò, nước đã sắp sẵn. Và trưa, khi chàng về tới nhà, thức ăn ngon đã để sẵn trên bàn, chàng không hiểu nổi, tại sao chuyện ấy lại có thể xảy ra. Chàng chẳng thấy có ai trong nhà và trong túp lều nhỏ này chẳng có chỗ nào để ai vào ẩn náu được.
Sự việc cứ thế tiếp diễn ngày này qua ngày khác, chàng cảm thấy thoải mái dễ chịu, nhưng rồi bỗng chàng đâm ra sợ, và đi đến hỏi bà già thông minh trong làng, bà nói:
– Đây chính là câu chuyện do phép thuật tạo thành. Sớm tinh mơ, hãy lưu ý quan sát xem có gì động đậy ở trong nhà, cứ để nó làm gì thì làm, hãy lấy ngay một chiếc khăn trắng phủ lên thì phép thuật sẽ hết hiệu nghiệm.
Hôm sau khi trời vừa hửng sáng, chiếc hộp mở ra và bông hoa đi ra. Chàng nhìn thấy, vội nhào tới và choàng phủ chiếc khăn trắng lên. Đứng trước chàng là một cô gái xinh đẹp, chàng nhận ra đó chính là người hàng ngày chăm sóc mọi công việc trong nhà cho chàng. Cô kể lại đời mình cho chàng nghe. Chàng hỏi cô có ưng thuận lấy chàng không, cô đáp:
– Không được anh ạ, em đã có anh Roland thân yêu mà muốn giữ thủy chung với anh ấy, cho dù anh ấy đã không trở lại như đã hứa. Nhưng em vẫn ở đây lo việc nội trợ cho anh.
Theo phong tục địa phương, tất cả các cô gái trong vùng đều tới hát mừng ngày thành hôn của đôi trai gái. Trước đó họ phải xin phép và thông báo cho mọi người trong vùng biết ngày cưới của họ.
Khi nghe tin Roland sắp cưới vợ, cô gái thủy chung kia rất buồn rầu, tim như muốn vỡ ra từng mảnh. Cô chẳng muốn tới đám cưới. Nhưng các bạn gái tới và mời kéo cô đi cùng. Cứ đến lượt mình hát thì cô lùi lại phía sau. Mọi người đều đã hát, chỉ còn mỗi mình cô, cô đành phải hát. Khi cô cất giọng hát và Roland nghe được thì chàng bật đứng dậy và nói:
– Giọng hát này quen thuộc quá, đây là giọng hát của người yêu chưa cưới của tôi. Tôi không ưng ai khác nữa.
Tất cả những gì trong trí nhớ khi xưa bỗng thức tỉnh trong lòng chàng. Cô gái thủy chung làm lễ thành hôn với chàng Roland mà cô hằng yêu dấu. Nỗi buồn tan đi nhường cho niềm vui của ngày cưới.
57. Con chim vàng
Ngày xưa có một ông vua cho trồng một vườn hoa ở phía sau cung điện của mình để làm nơi tản bộ vui chơi. Trong vườn hoa ấy có một cây táo kết quả vàng. Khi quả táo sắp chín, vua phái người tới đếm số quả, nhưng tới sáng hôm sau thì lại thiếu đi một quả.
Biết được việc đó, nhà vua ra lệnh phải canh cây hàng đêm. Vua có ba hoàng tử. Hoàng tử lớn nhất phải canh buổi đầu tiên. Tới khuya hoàng tử không sao cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Sáng hôm sau lại thiếu một quả táo. Hoàng tử thứ hai canh đêm tiếp theo, nhưng mọi chuyện cũng chẳng tốt đẹp gì hơn. Khi đồng hồ điểm mười hai giờ thì hoàng tử đã thiu thiu ngủ, sáng hôm sau lại thiếu một quả táo. Ngày thứ ba đến lượt hoàng tử út. Hoàng tử thích đi, nhưng vua lại không tin, cho rằng chàng làm sao bằng hai anh, nhưng rồi cuối cùng nhà vua cũng cho đi canh cây. Chàng nằm ngay dưới gốc cây và cố thức. Khi đồng hồ điểm mười hai tiếng thì có tiếng rào rào trong không trung. Nhìn qua ánh trăng, hoàng tử thấy một con chim lông vàng óng ánh bay tới đậu trên cây, nó mổ một quả táo. Hoàng tử giương cung bắn. Mũi tên trúng một chiếc lông cánh, lông rơi xuống. Chàng nhặt cất giữ chiếc lông chim. Sáng hôm sau hoàng tử dâng vua xem và kể lại những gì mình thấy. Vua triệu quần thần lại bàn bạc. Quần thần cho rằng chiếc lông vàng quý hơn cả một vương quốc. Vua phán:
– Nếu chiếc lông chim quí như vậy thì trẫm không những muốn có một chiếc, mà muốn có cả con chim!
Hoàng tử con cả tự cho mình là người thông minh tài trí liền lên đường đi tìm con chim đó. Đi được một quãng thì chàng thấy một con cáo ở ven rừng. Chàng giương súng tính ngắm bắn cáo. Cáo nói:
– Đừng có bắn tôi, tôi sẽ cho anh một lời khuyên. Anh đang đi đúng con đường tới chỗ con chim vàng. Tối nay anh sẽ tới một làng, ở đó có hai quán trọ nằm đối diện nhau. Một quán trọ thì đèn sáng trưng, người ra vào tấp nập. Đừng có vào quán đó mà vào quán đối diện, dù nhìn vẻ bề ngoài nó không hấp dẫn lắm.
Hoàng tử nghĩ bụng:
– Một con vật hay giỡn cợt thì làm sao có thể cho một lời khuyên nghiêm túc được!
Thế là chàng bấm cò, chàng bắn trượt. Cáo cong đuôi chạy thẳng vào rừng. Chàng lại tiếp tục lên đường và tới được làng khi màn đêm đang buông xuống. Hai quán trọ nằm đối diện nhau. Một quán thì ca hát, nhảy múa tưng bừng, quán kia thì có vẻ tiêu điều. Hoàng tử nghĩ:
– Nếu ta bỏ qua quán trọ tốt mà vào ở trong quán trọ tồi tàn thì ta quả là một tên ngu ngốc!
Vì vậy anh ta bước vào quán trọ đang náo nhiệt để thỏa sức ăn chơi mà quên mất việc đi tìm con chim vàng cùng những lời khuyên của cha anh ta.
Thời gian trôi qua mà chẳng thấy người con cả quay trở về nên người con thứ hai lên đường để tìm con chim vàng. Cũng như người anh cả, anh ta cũng gặp con cáo, nó khuyên anh với những ý tốt, nhưng anh ta chẳng thèm để ý. Anh tới chỗ có hai quán trọ. Người anh cả đang đứng bên cửa sổ của quán trọ có tiếng ồn vang ra nhìn thấy em thì gọi vào. Anh bước vào trong quán trọ ấy để ăn uống vui chơi cho thỏa thích.
Lại một thời gian trôi qua, hoàng tử út xin được thử sức mình, nhưng nhà vua không cho. Nhà vua nói:
– Chỉ mất công vô ích. Con làm sao mà bì được với hai người anh, nên không hy vọng tìm được con chim vàng. Khi gặp trở ngại khó khăn con lại không biết đường xoay sở. Con không đủ tài trí để làm việc đó.
Người con út cứ nài nỉ không để cho vua cha được yên thân, nên cuối cùng nhà vua cũng bằng lòng cho đi. Hoàng tử gặp một con cáo ở ven rừng, nó xin chàng tha chết và nói cho chàng biết những lời khuyên tốt. Hoàng tử út là người tốt bụng. Chàng nói:
– Cáo thân yêu, cứ yên tâm, ta không hại mi đâu!
Cáo nói:
– Anh sẽ không phải hối hận vì điều đó. Anh hãy cưỡi đuôi tôi mà đi cho nhanh tới đó.
Hoàng tử vừa ngồi lên đuôi cáo, cáo liền chạy vượt qua các bụi gai, đá tảng, gió thổi dựng đứng lông cáo lên. Khi cả hai tới một làng kia, hoàng tử bước xuống. Theo lời khuyên của cáo, hoàng tử vào nhà trọ tồi tàn và ngủ bình yên qua đêm ở trong nhà trọ đó. Sáng hôm sau, hoàng tử ra cánh đồng thì gặp cáo, nó nói:
– Giờ tôi nói anh biết mình phải làm gì. Anh cứ thẳng đường mà đi thì sẽ tới một lâu đài có tốp lính đang nằm ngủ say và ngáy. Đừng để ý tới chuyện đó, anh cứ đi thẳng vào trong lâu đài, đi qua nhiều phòng, rồi tới một căn phòng ở trong có treo lồng chim. Trong lồng có con chim vàng. Cạnh đó có một cái lồng bằng vàng trang trí rất đẹp, nhưng là lồng không. Anh cần nhớ, không được bắt con chim vàng ở trong lồng cho sang lồng bằng vàng. Làm như vậy anh sẽ gặp nguy hiểm đấy.
Xong sau đó, hoàng tử ngồi lên đuôi cáo, cáo liền chạy vượt qua các bụi gai, đá tảng, gió thổi dựng đứng lông cáo. Khi cả hai tới lâu đài, mọi việc đúng như lời cáo nói. Hoàng tử tới gian phòng có chiếc lồng gỗ nhốt con chim vàng, cạnh đó là một chiếc lồng bằng vàng. Táo vàng ở khắp nơi trong phòng. Chàng nghĩ: “Nếu cứ để con chim vàng ở trong cái chuồng tầm thường xấu xí thì thật vô lý.” Chàng mở cửa lồng, bắt chim thả vào trong chiếc lồng vàng. Lập tức con chim vàng kêu inh ỏi lên. Binh lính thức dậy, xông lại bắt chàng, đem giam vào trong ngục. Sáng hôm sau, hoàng tử bị điệu ra tòa án. Chàng nhận hết mọi việc nên bị án tử hình. Nhưng vua nước đó nói rằng có thể tha thứ cho chàng với điều kiện, nếu chàng đem cho nhà vua một con ngựa vàng phi nhanh hơn gió. Nhà vua sẽ thưởng cho chàng con chim vàng.
Hoàng tử buồn thở dài lên đường, vì biết tìm ở đâu ra con ngựa vàng bây giờ? Đúng lúc đó chàng gặp lại anh bạn cáo khi trước đang ngồi bên vệ đường. Cáo nói:
– Anh thấy không! Anh không nghe lời tôi nên mới như vậy. Hãy dũng cảm nhé! Tôi sẽ giúp anh tìm ra con ngựa vàng. Anh cứ thẳng đường mà đi sẽ tới một lâu đài. Trong chuồng ngựa của lâu đài có một con ngựa vàng. Đám chăn ngựa nằm ngay trước cửa chuồng, nhưng chúng ngủ say và ngáy. Anh có thể im lặng dắt con ngựa vàng ra. Nhưng anh phải chú ý một điều: chỉ đặt chiếc yên ngựa bằng gỗ và da lên lưng ngựa, nếu lấy chiếc yên ngựa vàng treo cạnh đó thì anh sẽ gặp nguy hiểm đấy.
Đuôi cái trải ra, hoàng tử ngồi lên, cáo liền chạy vượt qua các bụi gai, đá tảng, gió thổi dựng đứng lông cáo lên. Khi cả hai tới nơi thì mọi chuyện giống như lời cáo nói. Hoàng tử vào chuồng có con ngựa vàng, đang định đặt chiếc yên cũ lên lưng ngựa thì chàng nghĩ:
– Thật là tủi hổ thay nếu ngựa vàng không có yên đẹp.
Chàng vừa mới đặt yên lên ngựa thì con ngựa hí vang lên. Những người trông ngựa tỉnh giấc, xông lại bắt chàng đem giam vào trong ngục. Sáng hôm sau, hoàng tử bị điệu ra trước tòa án và bị án tử hình. Nhưng nhà vua sẽ miễn tội tử hình và cho anh con ngựa vàng với điều kiện, anh phải đưa được công chúa xinh đẹp ra khỏi cung điện vàng tới đây.
Hoàng tử lên đường, lòng trĩu nặng lo âu. May thay chàng gặp lại anh bạn cáo trung thành. Cáo nói:
– Tôi vốn muốn anh chịu một số khổ sở, nhưng tôi lại rất thương anh nên sẵn lòng giúp anh khi khó khăn. Con đường ấy đi thẳng tới cung điện vàng. Khoảng chập tối anh sẽ tới nơi. Đêm khuya yên tĩnh thế nào công chúa sẽ vào buồng tắm để tắm. Đợi khi công chúa bước vào nhà tắm thì hãy bước tới hôn nàng. Nàng sẽ đi theo anh. Anh có thể dẫn nàng đi nhưng không cho nàng đến chào từ biệt bố mẹ, vì như vậy anh sẽ gặp nguy hiểm.
Đuôi cáo trải dài ra, hoàng tử ngồi lên đuôi. Cáo liền chạy xuyên rừng vượt núi, gió thổi dựng đứng lông cáo lên. Khi chàng tới cung điện vàng thì mọi việc đúng như lời cáo nói. Hoàng tử đợi đến nửa đêm, khi cả cung điện yên tĩnh trong giấc ngủ, công chúa xinh đẹp đi vào bồn tắm, hoàng tử tới ôm hôn nàng. Nàng nói, nàng sẽ vui vẻ theo chàng, nhưng cầu xin chàng tới chào từ biệt cha mẹ trước khi đi. Thoạt đầu chàng cự tuyệt, nàng khóc van, rồi quỳ xuống dưới chân nàng cầu xin, cuối cùng chàng cũng bằng lòng. Công chúa vừa tới giường vua và hoàng hậu thì cả hoàng cung tỉnh dậy. Hoàng tử liền bị bắt giam vào ngục. Sáng hôm sau vua bảo hoàng tử út:
– Ngươi đáng tội chết. Nhưng nếu trong vòng tám ngày ngươi có thể di chuyển ngọn núi che mất tầm mắt nhìn từ cửa sổ. Nếu làm được thì ta thưởng bằng cách gả con gái cho ngươi.
Hoàng tử bắt tay ngay vào làm, chàng đào, xúc liên tục. Nhưng sau bảy ngày chàng mới chỉ làm được một ít trông chả đáng là bao. Hoàng tử buồn rầu chán nản đâm ra mất hết hy vọng. Tối thứ bảy cáo đến và nói:
– Anh làm không được bao nhiêu, để tôi làm thay cho. Anh đi nằm nghỉ đi.
Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, hoàng tử nhìn qua cửa sổ thì thấy ngọn núi đã biến mất. Hoàng tử hết sức vui mừng, voi lại báo nhà vua rằng mình đã làm xong công việc và xin nhà vua, dù muốn hay không, giữ đúng lời hứa, gả công chúa cho chàng.
Hoàng tử và công chúa cùng nhau đi, không bao lâu sau cáo trung thành cũng nhập đoàn. Cáo nói:
– Anh có được điều mong ước, nhưng con ngựa vàng lại thuộc về công chúa.
Hoàng tử hỏi:
– Thế phải làm gì bây giờ?
Cáo đáp:
– Điều đó tôi xin nói anh rõ. Anh hãy đưa thiếu nữ xinh đẹp kia tới nhà vua cử anh tới cung điện vàng. Đó là một điều vui mừng khôn tả. Họ sẽ sẵn sàng dẫn tới trước mặt anh con ngựa vàng. Hãy nhảy ngay lên ngựa, rồi bắt tay chào mọi người và đưa tay bắt chào công chúa. Nhân lúc bắt tay thì kéo luôn công chúa lên ngựa và phóng đi, con ngựa ấy phi nhanh hơn gió.
Tất cả mọi việc đều mỹ mãn. Hoàng tử và công chúa xinh đẹp cưỡi ngựa vàng mà đi. Cáo cũng chạy cùng với họ. Cáo nói:
– Giờ tôi sẽ giúp anh đoạt được chim vàng. Khi anh tới gần cung điện có con chim vàng thì hãy cho công chúa xuống ngựa, đứng đợi ở ngoài cùng với tôi. Rồi anh cưỡi ngựa vào trong cung điện. Người trong cung điện mừng vui đón anh và lấy con chim vàng ra đưa cho anh. Cầm lồng chim trong tay rồi thì anh quay ngay ngựa phóng ra ngoài để đón công chúa.
Dự định đã hoàn thành. Trước khi hoàng tử trở về nhà cùng công chúa và con chim vàng, cáo nói:
– Giờ đã đến lúc anh đền đáp công tôi.
– Thế cáo muốn gì nào? – Hoàng tử hỏi.
Cáo đáp:
– Khi nào tới khu rừng thì anh hãy bắn tôi chết, rồi chặt đầu và chân.
Hoàng tử nói:
– Phải chăng đó là một cách cám ơn! Ta không thể làm việc đó với cáo.
– Nếu anh không muốn làm thì thôi. Giờ chúng ta chia tay nhau. Tôi cho anh hai lời khuyên: đừng có bỏ tiền chuộc kẻ phạm tội bị treo cổ, không ngồi ở bờ giếng. – Nói xong, cáo chạy thẳng vào rừng.
Hoàng tử nghĩ:
– Thật là một con vật kỳ lạ. Có đời nhà ai lại bỏ tiền chuộc kẻ phạm tội bị treo cổ. Mình cũng chưa bao giờ lại muốn ngồi bên giếng.
Chàng cùng thiếu nữ xinh đẹp lên đường. Trên đường đi họ tới một làng, nơi hai người anh của chàng dừng chân. Trong làng mọi người đang xì xào bàn tán. Chàng hỏi thì biết sắp có hai người sẽ bị treo cổ. Khi tới gần chàng mới biết đó là chính hai người anh của mình. Họ đã làm mọi việc lừa gạt xấu xa, rồi tiêu xài hết. Chàng dò hỏi, liệu có cách gì cứu được hai người đó không. Đám đông bảo:
– Nếu anh đem tiền chuộc tội cho họ, nhưng bỏ tiền cứu những con người xấu xa để làm gì?
Hoàng tử út đưa tiền chuộc mà chẳng cần suy nghĩ. Hai người anh được phóng thích. Tất cả mọi người cùng nhau lên đường.
Họ tới ven rừng, nơi khi xưa lần đầu tiên họ gặp Cáo. Nắng như thiêu như đốt, nhưng trong rừng lại mát mẻ dễ chịu. Hai người anh nói:
– Ta hãy nghỉ chân ngồi bên giếng ăn uống chút đi.
Hoàng tử quên mất lời dặn của cáo. Chàng không nghĩ tới điều gian ác có thể xảy ra, và ngồi bên bờ giếng. Hai người anh lao tới xô chàng rơi xuống giếng. Hai người anh mang theo con chim vàng, ngựa vàng và dẫn công chúa về giao nộp cho vua cha. Họ nói:
– Chúng con không những chỉ mang chim vàng, mà còn mang về cả ngựa vàng và công chúa ở lâu đài vàng về. Đó là những thứ chúng con đoạt được.
Nhà vua hết sức vui mừng, nhưng ngựa không ăn cỏ, chim không hót, còn công chúa thì ngồi khóc.
Hoàng tử út rơi xuống giếng, nhưng giếng cạn chỉ còn bùn nên chàng không bị sao cả. Chỉ có là chàng không sao lên khỏi giếng được. Đúng lúc khó khăn thì con cáo lại tới, nó nhảy xuống và trách chàng không lưu ý lời khuyên của nó. Cáo nói:
– Tôi không thể để anh như thế này. Tôi sẽ giúp anh lên khỏi giếng.
Nó bảo anh nắm chặt đuôi nó, rồi nó kéo anh lên khỏi giếng. Con cáo nói:
– Anh vẫn chưa thoát nạn đâu. Hai người anh không biết là anh đã chết hay chưa nên phái người canh phòng cánh rừng. Nếu họ bắt gặp anh họ sẽ giết ngay.
Khi đó có một ông già nghèo ngồi bên đường. Hoàng tử đổi quần áo cho ông già. Với quần áo cải trang, hoàng tử út về được tới hoàng cung. Chẳng ai nhận ra chàng, nhưng chim bắt đầu hót, ngựa lại ăn cỏ và thiếu nữ xinh đẹp không khóc nữa.
Nhà vua ngạc nhiên hỏi:
– Thế này nghĩa là thế nào?
Công chúa trả lời:
– Con cũng không biết việc đó. Trước con rất buồn, nhưng giờ thì con thấy vui vẻ. Con có linh cảm là người chồng chưa cưới của con đã về rồi.
Công chúa kể hết đầu đuôi câu chuyện cho nhà vua nghe, cho dù những người anh khác dọa sẽ giết nếu nàng nói lộ mọi chuyện. Nhà vua ra lệnh trong hoàng cung phải tới trình diện. Hoàng tử út quần áo tả tơi trông như một người đàn ông nghèo cũng tới, nhưng công chúa nhận ra ngay, chạy lại ôm hôn. Hai người anh bụng dạ xấu xa bị bắt giữ và bị hành hình. Hoàng tử út cùng công chúa kết hôn với nhau và được thừa kế ngai vàng.
Nhưng còn con cáo đáng thương thì sao? Sau đó rất lâu, có lần hoàng tử lại đi vào rừng. Chàng gặp con cáo, cáo nói:
– Chàng đã có những gì chàng mong muốn, nhưng nỗi đau khổ của tôi thì chưa kết thúc. Việc giải thoát tôi nằm trong quyền của chàng.
Cáo năn nỉ chàng, dù chàng có bắn chết nó, chặt đầu hay tháo móng nó. Hoàng tử giải xóa lời bùa yểm cáo. Cáo lại biến thành người. Đó chẳng phải là ai khác, mà là người anh của công chúa xinh đẹp. Từ đó trở đi họ sống suốt đời trong no đủ và hạnh phúc.
59. Anh Frieder thân yêu ơi!
Ngày xưa có chàng trai tên là Frieder và cô gái tên là Katherlieschen. Họ lấy nhau và sống trong cảnh hạnh phúc của vợ chồng trẻ.
Có lần Frieder nói với vợ:
– Giờ tôi ra đồng Katherlieschen nhé, khi nào ở đồng về thì nhớ có chút gì rán ăn cho đỡ đói, một chút gì uống cho đỡ khát.
Katherlieschen đáp:
– Anh cứ đi, anh Frieder yêu quý.
Sắp sửa tới giờ ăn trưa, người vợ lấy dồi treo ở gần ống khói, lấy chảo đặt lên bếp cho nóng rồi đặt dồi và cho bơ vào chảo. Nàng chợt nghĩ, trong lúc đợi dồi rán, ta có thể xuống hầm lấy bia. Nàng liền cầm bình xuống hầm lấy bia. Trong lúc đang hứng bia, Katherlieschen chợt nghĩ:
– Mình quên chưa xích chó. Nó có thể tha mất dồi rán. May quá mình còn nhớ tới!
Nàng vội vàng bước lên thì cũng là lúc con chó đang tha dồi rán. Katherlieschen đâu có chịu thua, nàng rượt đuổi theo chó ra tận cánh đồng. Nhưng chó chạy nhanh hơn Katherlieschen, nó cũng chẳng chịu bỏ miếng mồi ngon, cứ thế chạy băng băng ra cánh đồng. Katherlieschen nói:
– Mất thì thôi!
Katherlieschen mệt bở hơi tai nên đành uể oải đi về, vừa đi vừa thở. Vội chạy lên, Katherlieschen quên không vặn khóa vòi ở thùng bia, trong lúc Katherlieschen rượt đuổi theo chó thì bia cứ chảy, chảy đầy bình rồi tràn ra khắp nền nhà tầng hầm. Khi Katherlieschen về tới nhà, xuống tầng hầm thì chỉ còn thùng không, bia chảy lai láng khắp nền nhà tầng hầm. Nàng than:
– Thế là hết đường nói! Giờ phải làm gì nhỉ để cho Frieder không biết chuyện này.
Nàng nghĩ và chợt nhớ còn bao bột mì để từ Hội làng năm trước. Nàng lấy bao bột mì xuống và rắc khắp nền nhà tầng hầm. Vừa làm nàng vừa nói:
– Ai biết tiết kiệm thì có mà dùng khi cần.
Trong lúc rắc bột mì, Katherlieschen đá phải bình bia làm nó đổ hết ra nền nhà. Thế là chút bia của Frieder cũng chảy nốt ra nền nhà. Katherlieschen tự an ủi:
– Thì cũng cùng một thứ nên nó đi với nhau là phải.
Rắc xong khắp nền nhà tầng hầm, Katherlieschen hết sức vui mừng vì đã làm xong việc. Nàng tự nhủ:
– Nom cũng sạch đáo để!
Đến trưa Frieder về nhà và nói:
– Nào, em đã nấu nướng gì chưa đó?
Vợ nói:
– Trời, anh Frieder thân yêu. Em rán dồi cho anh, nhưng trong lúc em đang hứng bia ở tầng hầm thì chó tha mất dồi rán, em đuổi theo chó thì bia chảy hết cả thùng ra nền, em lấy bột rắc cho đỡ lầy lội nền nhà, trong lúc loay hoay rắc bột em lại đánh đổ cả bình bia. Anh cứ yên tâm. Nền nhà giờ khô rồi.
Frieder bảo:
– Katherlieschen, Katherlieschen, đáng nhẽ không nên đổ bao bột mì ngon rắc nền nhà, cứ để cho chó tha dồi rán, bia đã chảy hết thì thôi. Phí cả bao bột ngon mịn!
– Vâng, anh Frieder thân yêu, em có biết đâu đó lại là bột ngon mịn. Đáng nhẽ anh phải dặn trước em mới phải.
Chồng nghĩ:
– Vợ mình lẩn thẩn như thế thì phải canh chừng.
Lâu nay chàng dành dụm được ít tiền, chàng đổi tiền ra vàng, rồi bảo vợ:
– Em nhìn xem, những đồng màu vàng này anh sẽ cho vào trong nồi và chôn ở chân cột chuồng bò. Em không được tới gần đó nhé, không thì sẽ khốn đấy!
Vợ đáp:
– Anh Frieder thân yêu, không, không bao giờ em làm chuyện đó.
Trong lúc Frieder vắng nhà, có mấy người mua ve chai đồng nát tới hỏi mua đồ ve chai. Vợ nói:
– Ờ, mấy bác ve chai ơi, nhà chẳng có gì để mua bán đổi chác, chỉ có mấy đồng màu vàng, không biết có dùng được không?
– Tại sao lại không? Cứ lấy cho xem những đồng màu vàng ấy đi.
– Thì cứ ra chuồng bò, đào dưới chân cột chuồng bò thì sẽ thấy những đồng màu vàng. Tôi không được phép tới đó.
Bọn ve chai đồng nát láu cá lại đó đào và thấy toàn vàng ròng vội vã đi khỏi làng, để lại những gánh ve chai cùng những nồi ấm mới dùng để đổi lấy đồ cũ nát.
Katherlieschen nhìn những gánh ve chai, nghĩ:
– Mình cũng cần mấy thứ.
Nhưng khi vào bếp thì thấy có đủ cả, Katherlieschen đem đập hết nồi đất ở những gánh ve chai, mảnh đem găm hàng rào quanh nhà.
Về tới nhà, Frieder nhìn thấy là lạ ở hàng rào quanh nhà, hỏi vợ:
– Katherlieschen em làm gì ở hàng rào quanh nhà mà lạ thế?
– Đổi ve chai đấy, anh Frieder thân yêu. Đổi những đồng màu vàng ở chân cột chuồng bò. Em không có tới đó nhé. Chỉ có đám ve chai ra đó đào.
Frieder nói:
– Trời ơi, vợ tôi ơi! Em làm gì vậy. Đó đâu phải là những đồng màu vàng, mà là vàng ròng đấy, là cả gia sản của nhà mình. Có đời nhà ai lại như vậy!
Vợ nói:
– Vâng, anh Frieder thân yêu, em có biết đâu đó lại là vàng ròng. Đáng nhẽ anh phải dặn em trước mới phải.
Đứng tần ngần một lúc, Katherlieschen nói:
– Anh nghe em nói nhé, anh Frieder thân yêu. Ta sẽ lấy lại số vàng đó. Giờ ta chạy đuổi theo bọn ăn cướp đó.
Frieder bảo:
– Thế cũng hay đấy. Ta cứ thử xem. Nhớ mang theo bơ, bánh mì và pho mát để dọc đường còn cái mà ăn.
– Vâng, anh Frieder thân yêu, để em gói mang theo.
Hai vợ chồng lên đường đuổi theo. Chồng đi nhanh hơn, vợ lẽo đẽo theo sau. Vợ nghĩ:
– Khi quay trở về thì Frieder lại là đi đằng sau.
Rồi hai người tới một ngọn núi. Hai bên đường đều có đường ray đã bị ăn mòn sâu trông thấy. Katherlieschen lẩm bẩm:
– Bánh xe chạy hoài mòn cả đường ray như thế này thì đến đời nào nó trở về bằng phẳng được.
Katherlieschen động lòng thương hại đường ray nên lấy bơ ra, lấy tay quết lên đường ray để bánh xe chạy trơn. Trong lúc mải cúi quết bơ đường ray thì một miếng pho mát rớt ra, lăn xuống dưới chân núi. Katherlieschen nói:
– Ta đã đi từ dưới đó lên đây, ta không xuống nữa. Để cho miếng pho mát khác nó xuống kéo mày lên.
Thế rồi Katherlieschen thả một miếng pho mát khác lăn xuống chân núi. Không thấy miếng pho mát nào trở lên, Katherlieschen thả tiếp miếng nữa và nghĩ:
– Có lẽ chúng đợi nhau để đi tập đoàn, chứ không đi lẻ.
Chẳng thấy pho mát nào trở lên, Katherlieschen nói:
– Chẳng biết chúng nghĩ thế nào. Có lẽ miếng pho mát vừa rồi lạc đường, ta phái miếng thứ tư xuống gọi lên mới được.
Tới miếng thứ tư cũng chẳng thấy tăm hơi gì. Bực mình, Katherlieschen thả miếng thứ năm, rồi miếng thứ sáu xuống. Thế là chẳng còn miếng pho mát nào. Katherlieschen đứng chờ, nghe ngóng, may ra chúng kéo nhau lên.
Đợi mãi chẳng thấy chúng lên, Katherlieschen nói:
– Trời, quân này đến chết cũng thế thôi. Cứ ở đó, tưởng ta còn đợi nữa hay sao? Ta còn phải đi đường ta nữa. Chúng bay có thể rượt theo ta, chân khỏe sợ gì.
Katherlieschen đi tiếp và gặp Frieder đang đứng đợi. Frieder đã đói nên bảo:
– Nào giở thức ăn ra thôi, đói rồi!
Katherlieschen đưa cho bánh mì khô không khốc, Frieder hỏi:
– Thế bơ và pho mát đâu?
Vợ đáp:
– Trời ơi, anh Frieder thân yêu, bơ em quệt đường ray rồi. Pho mát thì sắp tới. Có một miếng rớt khỏi túi và lăn xuống chân núi. Em đã cho miếng khác đi gọi về.
Frieder bảo:
– Katherlieschen, chẳng có ai lại đi quết bơ lên đường ray, để pho mát lăn xuống chân núi.
Vâng, anh Frieder thân yêu. Đáng nhẽ anh phải dặn em trước mới phải.
Hai vợ chồng ngồi ăn bánh mì không. Chợt nhớ ra, chồng hỏi:
– Katherlieschen, khi đi em đã cài khóa cửa chưa?
– Chưa. Đáng nhẽ anh phải dặn em trước mới phải.
– Thế thì em về cài khóa cửa cho cẩn thận. Nhớ mang theo chút thức ăn. Anh đợi ở đây. Sau đó ta lại tiếp tục lên đường.
Katherlieschen quay trở về nhà. Nàng nghĩ:
– Chắc Frieder không thích ăn bơ và pho mát, thế thì ta mang táo khô và một bình giấm.
Rồi Katherlieschen cài khóa ngăn phía trên của cửa, ngăn phía dưới tháo vác lên vai, Katherlieschen nghĩ mình cài khóa cẩn thận rồi, giờ có thể cứ thong thả mà đi, Frieder càng được ngồi nghỉ.
Khi gặp lại chồng, Katherlieschen nói:
– Đây, anh Frieder thân yêu, cánh cửa đây, anh giữ lấy.
– Trời, có đời thuở nhà ai lại có bà vợ quý như vậy. Phía trên cửa cài khóa cẩn thận, phần dưới cửa gỡ ra để cho cái gì chui vào nhà cũng được. Giờ thì muộn quá rồi, làm sao mà về được nhà nữa. Thôi đã trót mang tới đây thì cứ thế mà mang vác tiếp.
– Cánh cửa cứ để em vác tiếp, anh Frieder thân yêu. Táo khô và giấm thì em treo ở cửa, nó sẽ mang vác cho chúng ta.
Hai vợ chồng vào rừng tìm bọn người lừa đảo kia, nhưng chẳng thấy ai. Trời tối, hai vợ chồng trèo lên cây, tính đành ngủ qua đêm trên cây.
Hai vợ chồng vừa mới trèo lên cây thì bọn lừa đảo kia cũng tới, mỏi mệt vì đường xa, chúng ngồi nghỉ ngay dưới gốc cây, rồi nhóm lửa lên để chia nhau số của lừa được. Frieder chuyền sang cây khác, tụt xuống đất lượm đá, rồi lại trèo lên cây ném đá xuống bọn lừa đảo, nhưng chẳng ném trúng ai. Bọn lừa đảo nghe tiếng rào rào nên nói:
– Có lẽ trời sắp sáng, gió thổi mạnh làm rụng quả thông nhiều quá.
Katherlieschen vẫn vác trên vai cánh cửa, giữ lâu đâm ra đau vai, nàng nghĩ, có lẽ do túi táo khô, nàng nói:
– Anh Frieder thân yêu, em ném túi táo khô đi nhé.
Frieder đáp:
– Không được, Katherlieschen, bây giờ không được, sẽ lộ mất.
– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải ném đi đây.
– Ừ thì ném xuống đi. Đồ quỷ tha ma bắt.
Thế là táo khô rơi lộp độp xuống. Bọn lừa đảo nghĩ đó là phân chim. Katherlieschen vẫn thấy đau vai nên nói:
– Trời ơi, anh Frieder thân yêu, em phải đổ bình giấm đi đây.
– Không được, Katherlieschen, em không được làm thế, sẽ lộ mất.
– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải đổ đi thôi.
– Ừ thì ném đổ đi. Đồ quỷ tha ma bắt.
Katherlieschen đổ bình giấm xuống, nước giấm bắn tung tóe vào người bọn lừa đảo. Chúng bảo nhau:
– Sương đêm rơi xuống nhiều quá.
Giờ Katherlieschen mới nghĩ ra, chính cánh cửa đè đau vai. Nàng nói:
– Anh Frieder thân yêu, em phải ném cánh cửa đi.
– Không được, Katherlieschen, bây giờ không được, sẽ lộ mất.
– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải ném xuống đây.
– Không được, Katherlieschen, giữ chặt lấy.
– Trời, anh Frieder thân yêu, đau vai quá, em phải ném xuống thôi.
Frieder nổi nóng:
– Chà, thì ném xuống. Đồ quỷ tha ma bắt.
Cánh cửa rơi đánh rầm một cái xuống đất. Bọn lừa đảo nghĩ:
– Đúng là quỷ nhảy từ trên cây xuống.
Thế là chúng ù té chạy, bỏ lại tất cả.
Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng tụt từ trên cây xuống thì thấy túi vàng. Hai vợ chồng mang vàng về nhà.
Về tới nhà, Frieder bảo vợ:
– Katherlieschen, giờ em phải chăm chỉ làm việc nhé.
– Vâng, anh Frieder thân mến. Em sẽ làm tất cả. Để em ra đồng, thái các thứ để phơi.
Ra tới ngoài đồng, Katherlieschen tự nhủ:
– Ăn rồi hãy thái, hay ta đánh một giấc cho đã rồi thái? Chà, ta ăn trước đã!
Thế là Katherlieschen lấy đồ ra ăn, ăn no lại thấy buồn ngủ, vừa ngủ gà ngủ gật, nên nàng thái cả vào quần áo. Đến khi tỉnh hẳn, nhìn nhắm lại mình thì thấy người gì mà rách bươm như tổ đỉa, nàng tự hỏi:
– Không biết có phải là mình hay không?
Về tới nhà thì trời tối, Katherlieschen đứng bên cửa sổ gọi:
– Frieder thân yêu.
– Hỏi cái gì?
– Cho hỏi, Katherlieschen có nhà không?
Frieder đáp:
– Có, có nhà. Cô ấy đang nằm ngủ.
Katherlieschen nói:
– Tốt, thế là mình đang ở nhà.
Rồi nàng lại đi. Katherlieschen gặp bọn lừa đảo kia, chúng tính ăn trộm. Nàng bảo:
– Tôi sẽ giúp cho một tay.
Bọn lừa đảo cứ yên trí là người đàn bà kia sẽ chỉ cho chỗ giấu của. Tới trước dãy nhà, Katherlieschen nói lớn:
– Các ông các bà có biết cái gì không? Chúng tôi tới ăn trộm.
Bọn lừa đảo muốn chia tay với Katherlieschen nên bảo:
– Nào, hãy ra thửa ruộng đầu làng mà nhổ củ cải đường.
Katherlieschen lại thửa ruộng đầu làng và nhổ củ cải, nhưng nàng chỉ hờ hững túm nhấc củ cải lên nửa chừng. Có người đàn ông đi ngang qua, đứng nhìn rồi nghĩ, chắc là quỷ nó đang nghịch củ cải đường. Người đó chạy về làng báo với mục sư xứ đạo:
– Thưa cha, ở ngoài thửa ruộng của nhà thờ có con quỷ đang bới củ cải.
Mục sư đáp:
– Một chân tôi liệt, tôi không đi ra đó được để đuổi nó.
Người đàn ông nói:
– Để tôi cõng cha ra đó.
Khi hai người ra tới ruộng thì đúng lúc Katherlieschen giựt bứt củ cải làm đất rơi tung tóe. Mục sư kêu:
– Trời ơi, đúng là quỷ rồi.
Thế là cả hai bỏ chạy. Trong lúc quá sợ hãi, cái chân liệt lại co duỗi bình thường nên mục sư chạy còn nhanh hơn người đàn ông kia.
60. Hai anh em
Xưa có hai anh em, người anh giàu có mà người em thì nghèo. Người anh là thợ vàng, vốn tính ác nghiệt, người em sống bằng nghề bện chổi bán. Người em có hai đứa con trai sinh đôi, chúng giống nhau như hai giọt nước. Hai đứa bé thỉnh thoảng lui tới nhà bác, mong kiếm chút thức ăn thừa.
Có lần, người em nghèo khó vào rừng đốn củi, thấy một con chim lông vàng óng ánh mà xưa nay chưa từng trông thấy. Anh nhặt đá ném, may mà trúng chim, nhưng chỉ rụng có một chiếc lông vàng, còn chim bay mất. Anh nhặt lông chim mang về cho người anh.
Ngắm nhìn lông chim, rồi người anh bảo:
– Đúng là vàng thật đấy!
Rồi trả cho người em nhiều tiền để lấy lông chim vàng.
Một hôm, người em trèo lên cây bạch dương chặt cành làm củi, lại thấy con chim hôm trước vụt bay từ một cành cây. Anh liền dò theo nó, tìm một lúc thì thấy tổ chim, trong tổ có quả trứng vàng. Anh nhặt trứng đem về đưa cho người anh. Người anh bảo:
– Đúng là vàng thật đấy!
Và tính tiền đưa trả người em, nhưng rồi lại nói tiếp:
– Ta muốn có cả con chim kia!
Người em vào rừng lần thứ ba, và lại thấy con chim vàng đang đậu trên cây. Anh nhặt đá ném nó rơi xuống, xách đem về cho người anh. Người anh trả cho em một lượng vàng lớn. Người em nghĩ bụng: “Giờ ta có thể sống sung sướng!” và rất hài lòng với số vàng có mang về nhà. Gã thợ vàng vốn tham lam tinh quái, gã thừa biết giá trị của con chim kia. Gã gọi vợ và nói:
– Em mang chim vào làm và quay thơm lên, nhớ đừng để mất đi tí gì nhé, anh muốn ăn thịt cả con chim.
Con chim này không phải là giống chim bình thường, nó là loài chim lạ kỳ. Ai ăn cả tim và gan nó thì sáng sáng, mỗi khi lật gối lên sẽ thấy một đồng tiền vàng. Người vợ vặt lông, mổ chim xong thì cắm nó vào một cái xiên, bỏ lò quay. Lát sau, chị ta có việc đi ra ngoài thì hai đứa con của người em vào bếp xem quay chim. Chúng quay xiên chim mấy vòng, thấy có hai miếng gì nho nhỏ rơi từ bụng chim xuống lòng chảo, một đứa bảo:
– Hai miếng nhỏ xíu chẳng ai để ý đâu, ta ăn đi, em đói lắm.
Mỗi đứa nhặt một miếng ăn. Giữa lúc ấy, người bác gái vào bếp, thấy chúng đang nhai, mới hỏi:
– Hai đứa ăn gì thế?
Hai đứa thưa:
– Chúng con ăn mấy miếng rơi từ bụng chim xuống chảo.
– Tim gan chim ấy mà!
Người đàn bà hãi quá, vội làm thịt ngay một con gà, lấy tim gan cho vào bụng chim vàng, để cho chồng không biết thiếu mà xung cơn tức giận. Chim quay chín, vợ mang lên cho chồng, anh ngồi ăn một mình với cả con chim, không để sót lấy một miếng.
Sáng sớm hôm sau, người chồng luồn tay dưới gối, cứ đinh ninh sẽ được một đồng tiền vàng, nhưng chẳng thấy gì hết.
Hai đứa nhỏ cũng không hề hay biết vận may đã đến với chúng. Sáng sớm hôm sau, khi đứng dậy khỏi giường, bỗng có vật gì rơi xuống đất kêu lẻng xẻng, chúng lượm lên thì ra là hai đồng tiền vàng. Chúng đưa tiền cho bố. Bố hết sức ngạc nhiên, lẩm bẩm:
– Sao lại có chuyện lạ kỳ thế nhỉ?
Nhưng sáng hôm sau lại được hai đồng nữa và ngày nào cũng thế. Người em sang chơi nhà người anh và kể cho anh nghe câu chuyện lạ. Người thợ kim hoàn hiểu ngay, biết hai đứa bé đã ăn tim gan con chim vàng. Vốn hay ganh ghét, cay nghiệt, gã muốn báo thù, nên nói dọa:
– Các cháu nó giỡn với quỷ rồi đó, chú chớ có lấy vàng và cũng chẳng nên cho chúng ở nhà nữa. Chúng đã bị quỷ ám và có thể chú cũng bị quỷ hại nữa.
Người em hoảng sợ, mặc dù trong lòng đau như cắt, nhưng đành dắt hai con vào rừng, ngậm ngùi bỏ con lại đó.
Hai đứa trẻ lẩn quẩn chạy quanh rừng, nhưng chẳng tìm ra lối về. Mỗi lúc lại càng đi lạc sâu hơn ở trong rừng. Cuối cùng chúng gặp một người thợ săn, người này hỏi:
– Các cháu là con nhà ai?
Chúng đáp:
– Chúng cháu là con người bện chổi nghèo.
Rồi chúng kể cho người đi săn biết, cha không muốn giữ chúng ở nhà nữa chỉ vì sáng nào dưới gối của chúng cũng có hai đồng tiền vàng.
Người đi săn nói:
– Nào, cái đó có gì là xấu đâu, miễn là các cháu sống ngay thực và không lười biếng.
Người thợ săn tốt bụng này vốn không có con, thấy hai đứa trẻ dễ thương nên đưa luôn chúng về nhà mình và bảo:
– Ta coi các cháu như con mình và sẽ nuôi cho khôn lớn.
Hai đứa bé được học đi săn. Những đồng tiền vàng mà chúng sáng sáng vẫn được, người thợ săn cất hộ chúng để sau này dùng tới khi cần. Khi cả hai đã trưởng thành, một hôm bố nuôi dẫn cả hai vào rừng và nói:
– Hôm nay các con bắn thử để ta làm lễ cho các con chính thức vào nghề thợ săn.
Ba người núp ẩn, nhưng đợi mãi chẳng có con thú nào tới. Ngẩng đầu nhìn lên trời, bác thợ săn thấy một đàn ngỗng trời trắng như tuyết xếp theo hình tam giác bay qua. Bác bảo con lớn:
– Bắn mỗi góc một con rơi xuống.
Người con lớn bắn đạt đúng như lời bố dặn. Lát sau lại có đàn nữa bay tiếp theo hình số hai. Bác bảo con thứ hai bắn mỗi góc một con rơi xuống. Anh chàng này bắn cũng đạt đúng như lời bố dặn. Bố nuôi bảo:
– Ta chính thức tuyên bố, các con giờ đây là thợ săn thực thụ.
Ngay sau đó, hai anh em đi ra chỗ vắng trong rừng bàn bạc và nhất trí với nhau điều gì đó. Tối đến, lúc ngồi vào bàn ăn, hai con thưa với bố nuôi:
– Chúng con sẽ chẳng chịu ăn đâu nếu như bố không ưng thuận cho chúng con một điều.
Bố nuôi hỏi:
– Các con có điều gì thì cứ nói.
Hai con thưa:
– Chúng con đã học xong nghề săn. Giờ chúng con muốn đi thử tài với thiên hạ một phen, xin cho chúng con đi.
Bác thợ săn vui mừng nói:
– Các con ăn nói như những người thợ săn thực thụ. Điều mong muốn của các con cũng chính là điều ước nguyện của bố. Các con cứ ra đi, chắc các con sẽ toại nguyện.
Tới ngày đã định, bố nuôi tặng mỗi con một khẩu súng tốt với một con chó săn. Số vàng dành dụm bấy lâu nay, bác đưa cho con mang theo tùy ý muốn. Bác đi tiễn các con một đoạn đường. Lúc chia tay, bác đưa cho mỗi người một con dao sáng loáng và nói:
– Khi nào các con chia tay nhau mỗi người một ngã, nhớ cắm dao này vào một thân cây. Lúc trở về, cứ xem dao khắc biết tin nhau. Rút dao ra, nếu thấy han rỉ tức là người vắng mặt đã chết. Trái lại, nếu còn sống thì nước dao sáng loáng.
Hai anh em lên đường, tới một khu rừng rộng mênh mông, đi trọn một ngày mà chưa hết rừng. Cả hai phải ngủ lại trong rừng và lấy lương khô của thợ săn ra ăn. Họ đi hết ngày thứ hai mà chưa ra được khỏi rừng. Đồ ăn mang theo đã hết. Anh bảo em:
– Chúng ta phải bắn con gì ăn cho đỡ đói.
Anh nạp đạn vào súng, nhìn quanh, thấy con thỏ chạy ngang, anh liền giương súng ngắm, nhưng thỏ kêu:
Hỡi anh thợ săn đừng bắn
Tôi xin đền bằng hai chú thỏ con.
Nó nhảy ngay vào bụi, tha ra hai con thỏ con. Thỏ con tung tăng chạy nom rất đáng yêu làm hai anh em động lòng thương không nỡ giết. Họ giữ nuôi và hai con thỏ chạy bám rất sát dấu chân hai người.
Lát sau có con cáo rón rén tới. Hai anh em định bắn thì cáo kêu:
Hỡi anh thợ săn đừng bắn
Tôi xin đền bằng hai chú cáo con.
Cáo tha ra hai chú cáo con. Hai anh em không nỡ giết, cho đi cùng đàn với thỏ.
Không bao lâu sau, có một con sói từ trong rừng rậm đi ra, hai người định bắn thì sói kêu:
Hỡi anh thợ săn đừng bắn
Tôi xin đền bằng hai chú sói con.
Hai người cho sói con nhập đàn với mấy con kia cùng đi.
Ngay sau đó lại gặp gấu, gấu liền kêu:
Hỡi anh thợ săn đừng bắn
Tôi xin đền bằng hai chú gấu con.
Hai gấu con nhập đàn với mấy con kia, đàn giờ đây là tám con thú con.
Bạn có biết không, con thú họ gặp cuối cùng là con gì? Sư tử lừ lừ bước tới, nó rũ bờm, nhưng hai anh em thợ săn không hề nao núng. Họ giương súng ngắm thẳng vào sư tử định bắn, sư tử vội kêu:
Hỡi anh thợ săn đừng bắn
Tôi xin đền bằng hai sư tử con.
Nó tha ra hai sư tử con. Giờ đây hai anh em thợ săn có một đôi sư tử, một đôi gấu, một đôi sói, một đôi cáo và một đôi thỏ theo hầu.
Giờ họ lại cảm thấy đói cồn cào nên bảo cáo:
– Này hai chú cáo đa mưu nhanh nhẹn kia, hãy kiếm cái gì ăn đi.
Cáo đáp:
– Cách đây không xa có một thôn nhỏ, chúng tôi đã từng tới đó ăn trộm gà, để chúng tôi chỉ chỗ cho.
Hai người vào thôn mua thức ăn cho mình và thức ăn cho đàn súc vật. Hai con cáo biết quá rõ vùng này nên chúng chỉ đúng ngay những chỗ có thể kiếm mua được thức ăn.
Cả đoàn người và súc vật đi loanh quanh khá lâu mà không tìm được chỗ nào có việc cho cả đoàn, hai anh em thợ săn bàn nhau:
– Chẳng có cách nào khác là chúng ta chia đoàn ra, mỗi nhóm đi một hướng.
Mỗi nhóm có một sư tử, một cáo, một gấu, một sói và một thỏ. Hai anh em chia tay nhau, hứa giữ tình anh em trọn đời, phóng cắm dao bố nuôi cho vào một thân cây, rồi người đi về hướng tây, người đi về hướng đông.
Người em dẫn đàn súc vật đi tới một thành thị kia, khắp nơi trong thành treo dải lụa đen. Chàng vào một quán trọ hỏi chủ quán có chỗ cho súc vật của chàng trọ không. Chủ quán chỉ chuồng nhốt súc vật. Vách chuồng có lỗ hổng, thỏ chui ngay ra ngoài ăn bắp cải trắng. Cáo đi ra kiếm được một con gà mái, ăn xong, nó lại xơi luôn nốt con gà trống. Những con thân hình to lớn như sư tử, gấu, sói không vào chuồng được, chủ quán dẫn chúng ra thảm cỏ gần đó, nơi có con bò sữa, ba con kia ăn thịt ngay con bò. Lo cho đàn súc vật xong, chàng thợ săn mới hỏi chủ quán, tại sao trong thành treo rũ dải băng tang. Chủ quán nói:
– Ngày mai công chúa sẽ phải chết.
Chàng thợ săn hỏi:
– Thế nàng ốm thập tử nhất sinh à?
Chủ quán đáp:
– Không, nàng tươi tỉnh khỏe mạnh, nhưng nàng sẽ phải chết.
Chàng thợ săn hỏi tiếp:
– Tai sao lại có chuyện như vậy?
– Trước cổng thành là một ngọn núi cao. Một con rồng sống ở đó. Năm nào cũng phải hiến cho nó một người con gái đẹp, bằng không nó sẽ tàn phá khắp cả nước. Bao nhiêu con gái đẹp trong thành đã hiến cho nó rồi, giờ chỉ còn lại công chúa nên phải hiến nàng cho nó thôi. Ngày mai là ngày phải làm việc đó.
Chàng thợ săn hỏi:
– Tại sao không giết rồng đi?
Chủ quán đáp:
– Trời ơi, tất cả các hiệp sĩ tới đó đều không có ai trở về. Nhà vua hứa, ai giết được rồng, sẽ được làm phò mã và sau khi vua băng hà thì được lên ngôi báu.
Chàng thợ săn không nói gì nữa. Sáng hôm chàng, chàng lẳng lặng dẫn đàn súc vật lên ngọn núi cao. Trên núi có một nhà thờ. Ở bàn thờ có ba ly rượu đầy và dòng chữ: “Ai uống hết ba ly rượu này sẽ trở thành người khỏe nhất thế gian và có thể múa nổi thanh gươm chôn ở dưới bậc cửa.”
Chàng không uống rượu, mà ra tìm kiếm. Chàng không sao nhấc được thanh kiếm lên, đành phải quay vào uống rượu. Rượu vào, người chàng khỏe hẳn lên và nhấc thanh kiếm lên, nhẹ nhàng vung kiếm múa.
Tới giờ nộp công chúa cho rồng, nhà vua, nguyên soái và quần thần đưa tiễn nàng. Chàng thợ săn đứng trên ngọn núi, công chúa nhìn cứ ngỡ là rồng nên không chịu đi nữa. Nghĩ tới số phận của cả thành, nàng đành dấn bước, những bước đi nặng trĩu. Lòng buồn vô hạn, vua và quần thần quay về. Nguyên soái phải đứng lại đó để chứng kiến từ xa việc sắp xảy ra.
Lên đến đỉnh núi, công chúa thấy chẳng phải là rồng mà là một chàng thợ săn. Chàng an ủi nàng, nói chàng sẽ cứu nàng, rồi dẫn nàng vào trong nhà thờ và khóa cửa lại.
Một lát sau, có tiếng gió cuốn dữ dội, rồi một con rồng bảy đầu xuất hiện. Nó ngạc nhiên khi nhìn thấy chàng thợ săn, nên liền hỏi:
– Mi đứng trên ngọn núi để làm gì?
Chàng thợ săn đáp:
– Ta muốn cùng ngươi đọ sức.
Rồng nói:
– Biết bao hiệp sĩ đã bỏ mình nơi đây. Chắc mi cũng vậy thôi.
Cả bảy cái đầu rồng đều phun lửa phì phì, cỏ khô bắt lửa cháy, may nhờ mấy con vật của chàng kịp chạy tới dập tắt, không thì chàng đã chết trong khói lửa. Con rồng lao tới phía chàng, vút một cái thanh kiếm chàng vung chém rụng ba đầu rồng. Nổi điên, rồng bay vút lên khạc lửa đồng thời định đâm bổ xuống. Chàng thợ săn vung kiếm chém rụng luôn ba đầu nữa. Con quái vật kiệt sức rơi xuống, nó muốn xông tới, chàng thợ săn lấy hết sức còn lại chém đứt đuôi nó. Chàng không đánh nữa, bèn gọi mấy con vật của chàng tới xé tan xác con rồng. Thắng rồng, chàng tới mở cửa nhà thờ, thấy công chúa đang nằm lăn dưới đất. Tiếng gió cuốn dữ dội cùng tiếng gươm vun vút làm cho công chúa hoảng sợ lăn ra đất ngất đi. Chàng thợ săn vực nàng ra ngoài. Khi nàng tỉnh lại và mở mắt, chàng chỉ cho nàng thấy xác rồng và nói nàng đã được giải thoát.
Công chúa mừng lắm nói:
– Rồi chàng sẽ là chồng thân yêu của em, vì cha em có hứa sẽ gả con gái cho người giết được rồng.
Nàng tháo chiếc vòng san hô đang đeo ở cổ, chia cho mấy con vật để thưởng công cho chúng. Con sư tử được cái khóa bằng vàng. Chiếc khăn tay có thêu tên nàng, nàng tặng chàng thợ săn. Chàng bèn ra cắt bảy cái lưỡi của bảy đầu rồng, lấy khăn bọc giữ cẩn thận.
Vì bị khói lửa hun và đánh nhau kịch liệt nên giờ chàng đã thấm mệt, chàng nói với công chúa:
– Hai ta đều đã quá mệt mỏi, ta hãy ngủ một lúc cho lại sức.
Công chúa ưng thuận. Hai người ngả lưng nằm ngay dưới đất. Chàng bảo sư tử:
– Mày hãy canh gác, đừng cho ai xâm phạm chúng ta trong lúc đang ngủ.
Hai người ngủ. Sư tử nằm cạnh hai người để canh, nhưng nó cũng rất mệt, nó gọi gấu và bảo:
– Mày nằm cạnh tao. Tao cần ngủ một chút. Có chuyện gì thì đánh thức ngay tao dậy.
Gấu nằm bên sư tử, nhưng vì nó cũng mệt, nó gọi sói tới và bảo:
– Mày nằm cạnh tao. Tao cần ngủ một chút. Có chuyện gì thì đánh thức ngay tao dậy.
Sói nằm bên gấu, nhưng vì nó cũng mệt, nó gọi cáo và bảo:
– Mày nằm cạnh tao. Tao cần ngủ một chút. Có chuyện gì thì đánh thức ngay tao dậy.
Cáo tới nằm bên sói, nhưng vì cáo cũng mệt, nó gọi thỏ và bảo:
– Mày nằm cạnh tao. Tao cần ngủ một chút. Có chuyện gì thì đánh thức ngay tao dậy.
Thỏ lại nằm bên cáo, nhưng chính chú thỏ đáng thương cũng mệt mà chẳng còn ai để nhờ canh giùm. Nó ngủ thiếp đi mất.
Công chúa, anh thợ ăn ngủ, sư tử, gấu, sói, cáo, thỏ tất cả đều ngủ say.
Tên nguyên soái vẫn đứng quan sát từ xa, không thấy rồng cắp công chúa bay lên, thấy trên núi vẫn yên tĩnh, hắn đánh bạo đi lên.
Đến nơi, hắn thấy rồng bị chặt làm mấy khúc, xác vất lăn lóc trên mặt đất. Cách đó một quãng, công chúa, chàng thợ săn và mấy con vật đang ngủ say. Vốn là tay gian ác xảo quyệt, hắn rút ngay kiếm chặt đầu người thợ săn, rồi hắn bế công chúa xuống núi.
Thức giấc, công chúa giật mình sợ hãi. Tên nguyên soái nói:
– Giờ nàng đang ở trong tay ta. Nàng phải nói, chính ta đã chém chết rồng.
Công chúa đáp:
– Ta sẽ không nói thế, vì công giết rồng là của chàng thợ săn với mấy con vật.
Tên nguyên soái rút kiếm ra dọa, nếu nàng không chịu nghe, hắn sẽ giết nàng. Công chúa đành phải nhận lời.
Ngay sau đó, hắn đưa nàng về gặp vua cha. Vua hết sức vui mừng khi nhìn thấy con gái trở về khi trong lòng đinh ninh là con gái yêu của mình đã bị quái vật xé xác.
Tên nguyên soái tâu:
– Thần đã giết được rồng, cứu công chúa, giải thoát được nạn tàn phá đất nước. Vậy xin bệ hạ cho thần được lấy nàng như lời bệ hạ hứa hẹn.
Vua hỏi công chúa:
– Có thật thế không con?
Công chúa đáp:
– Trời ơi, cái đó cũng có thể là thật, nhưng con xin đợi một năm và một ngày nữa mới làm lễ cưới.
Nàng hy vọng, trong thời gian đó có thể được tin tức về chàng thợ săn yêu quý.
Mấy con vật vẫn còn nằm ngủ say sưa bên cạnh người chủ đã chết của chúng. Bỗng có con ong bay đến đậu ngay mũi thỏ. Thỏ giơ chân lên gạt, rồi lại tiếp tục ngủ. Ong bay đến lần thứ hai, thỏ cũng gạt đi, rồi lại ngủ tiếp. Ong bay đến lần thứ ba, đốt luôn vào mũi thỏ. Thỏ giật mình tỉnh dậy. Tỉnh hẳn, thỏ đánh thức cáo, cáo đánh thức sói, sói đánh thức gấu, gấu đánh thức sư tử. Thức giấc, sư tử thấy công chúa đã biến mất, ông chủ thì chết nằm đó. Nó rống vang cả vùng và hét:
– Kẻ nào đã làm việc này? Gấu, tại sao mày không đánh thức tao?
Gấu hỏi sói:
– Sao mày không đánh thức tao?
Sói hỏi cáo:
– Sao mày không đánh thức tao?
Cáo lại hỏi thỏ:
– Sao mày không đánh thức tao?
Thỏ đáng thương không biết trả lời thế nào, thành thử tội lỗi đổ cả lên đầu nó.
Mấy con vật kia định xông tới vồ thỏ, thỏ van nài:
– Các anh đừng có giết tôi, để tôi làm cho chủ chúng ta sống lại. Tôi biết một quả núi, ở đó có thứ rễ cây. Chỉ cần ngậm thứ rễ ấy là bệnh tật, thương tích gì cũng khỏi. Nhưng quả núi lại cách đây tới hai trăm giờ đồng hồ đường bộ.
Sư tử nói:
– Hẹn cho mày nội trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ cả đi lẫn về và mang cho bằng được thứ rễ ấy về đây.
Thỏ nhảy chạy đi ngay. Đúng hai mươi bốn giờ sau nó mang được thứ rễ cây kia về. Sư tử chắp đầu chủ, thỏ nhét rễ cây vào miệng chủ. Chẳng mấy chốc đầu lại liền ngay với mình, tim lại đập, người chết sống lại. Khi tỉnh dậy chàng thợ săn thấy mất công chúa đâm hoảng sợ. Chàng nghĩ bụng:
– Chắc nàng thừa lúc ta đang ngủ mà trốn đi, bỏ ta ở lại đây.
Do vội vã nên sư tử chắp đầu cho chủ trái chiều. Còn đang mải nghĩ buồn bực về công chúa nên chủ nó không nhận ra điều đó.
Tới trưa, lúc sắp ăn, chàng mới biết đầu mình ngoảnh ra phía sau. Chàng không hiểu sao cả. Bèn hỏi mấy con vật, đã có chuyện gì xảy ra trong lúc chàng ngủ. Sư tử kể rằng khi ấy tất cả chúng đều lăn ra ngủ vì mệt. Khi chúng tỉnh thấy chủ đã chết, đầu lìa khỏi thân. Thỏ đã đi lấy thuốc trường sinh, còn nó trong lúc quá vội vã chắp đầu trái chiều. Giờ nó muốn sửa lại thiếu sót ấy. Rồi nó rứt đầu chàng thợ săn ra, xoay lại cho đúng chiều, thỏ lấy rễ cây cho chủ ngậm để cho liền lại.
Chàng thợ săn buồn lắm. Chàng đi đây đi đó, dạy mấy con vật nhảy múa làm trò vui cho thiên hạ xem. Tình cờ đúng một năm sau chàng trở lại thành thị, nơi chàng giết rồng cứu công chúa khi trước. Lần này thấy phố xá toàn treo cờ đỏ. Chàng hỏi chủ quán:
– Thế là thế nào hở ông chủ quán? Năm trước phố xá treo toàn cờ đen, năm nay sao lại thấy treo toàn cờ đỏ?
Chủ quán đáp:
– Năm trước, vua chúng tôi phải dâng nộp công chúa cho rồng. Quan nguyên soái đã đánh nhau với rồng và đã chém chết nó. Ngày mai là ngày cưới nàng. Chính vì thế năm trước phố xá treo toàn dải băng đen để chịu tang, còn hôm nay treo cờ đỏ để ăn mừng.
Hôm sau là ngày cưới, trong lúc cơm trưa, chàng thợ săn nói với chủ quán:
– Ông chủ ơi, ông có tin là bữa nay ta sẽ lấy được bánh mì từ bàn tiệc của nhà vua về đây ăn không?
Chủ quán đáp:
– Nếu nó đúng như vậy tôi xin thua cuộc với anh trăm đồng vàng đấy.
Chàng thợ săn nhận đánh cuộc. Chàng cũng đưa ra một cái túi đựng trăm đồng vàng. Rồi chàng gọi thỏ và bảo:
– Chú thỏ thân mến, chú có tài chạy nhảy, chú vào bàn tiệc của vua lấy bánh mì ra đây cho ta.
Thỏ nhỏ nhất đám súc vật, chẳng thể sai khiến con nào khác nên đành co cẳng chạy. Thỏ nghĩ bụng:
– Trời, một mình mình chạy giữa phố thế này có thể bị chó nhà hàng thịt đuổi rượt.
Quả đúng như nó nghĩ. Đàn chó rượt theo, định lột da nó. Bạn có biết không, thỏ co cẳng chạy biến ngay vào trong chòi gác mà tên lính chẳng hay biết gì hết. Đàn chó xông đến định lôi thỏ ra nhưng tên lính canh lại ngỡ đàn chó muốn giỡn với mình, hắn nổi nóng phang luôn mấy báng súng. Lũ chó sủa om sòm rồi chạy mất.
Thấy đã hết nguy, thỏ nhảy ngay vào trong lâu đài. Nó đến thẳng chỗ công chúa, lẻn dưới gầm ghế nàng, nó khẽ cào chân nàng. Công chúa tưởng là con chó của nàng nên mắng:
– Mi có đi chỗ khác không!
Thỏ cào chân nàng lần thứ hai, công chúa lại mắng:
– Mi có đi chỗ khác không!
Thỏ không hề bối rối, nó cào lần thứ ba, lúc đi công chúa mới nhìn xuống và nhận ra chiếc dây buộc ở cổ thỏ. Công chúa bế nó lên vào lòng, mang vào phòng hỏi:
– Thỏ yêu quý ơi, thỏ muốn gì thế?
Thỏ đáp:
– Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã tới đây. Chủ sai tôi vào xin bánh mì từ bàn tiệc của vua.
Công chúa nghe nói mừng lắm. Nàng cho gọi ngay người làm bánh vào, sai lấy nguyên một cái bánh mì, thứ mà vua vẫn thường ăn. Thỏ lại nói:
– Xin cho người thợ mang bánh ra ngoài cho tôi, để cho lũ chó nhà hàng thịt không dám rượt theo tôi.
Người thợ làm bánh bế thỏ đến tận trước cửa nhà trọ. Rồi thỏ ôm bánh mì bằng hai chân trước đi bằng hai chân sau, đem bánh vào cho chủ. Lúc đó chàng thợ săn nói:
– Thấy chưa, ông chủ quán ơi, trăm đồng vàng kia là của tôi rồi.
Trong khi chủ quán còn đang kinh ngạc, chàng thợ săn nói tiếp:
– Vâng, ông chủ ơi, bánh đã có rồi, giờ tôi lại muốn ăn cả món thịt rán của nhà vua nữa kia.
Chủ quán đáp:
– Để xem thế nào!
Nhưng chủ quán không dám đánh cuộc nữa. Chàng thợ săn gọi cáo và bảo:
– Chú cáo thân mến, chú hãy vào lấy món thịt rán của vua ăn ra đây cho ta.
Con cáo lông đỏ này luồn tài hơn thỏ. Nó cứ tìm ngõ ngách mà đi nên không con chó nào nhìn thấy. Nó lẻn vào dưới gầm ghế công chúa ngồi, cào chân nàng. Công chúa nhìn xuống, nhận ra sợi dây buộc ở cổ cáo. Nàng bế cáo vào phòng, và hỏi:
– Cáo yêu quý ơi, cáo muốn gì thế?
Cáo đáp:
– Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã tới đây. Chủ sai tôi vào xin thịt rán, thứ mà vua vẫn ăn.
Công chúa cho gọi đầu bếp, sai làm món thịt rán vua vẫn ăn, đem ra cửa cho cáo. Cáo bưng lấy dĩa thịt, vẫy đuôi đuổi ruồi bâu trên thịt, rồi mới đem về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán:
– Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh mì, thịt đã có rồi. Bây giờ ta muốn ăn cả món rau của nhà vua nữa.
Chàng gọi sói và bảo:
– Chú sói thân mến, chú hãy vào lấy món rau của vua ăn ra đây cho ta.
Sói chẳng sợ ai nên nó vào thẳng lâu đài, đến phòng công chúa, nó khẽ kéo áo nàng để nàng quay lại. Nàng nhận ra sợi dây buộc ở cổ nó, đưa nó vào phòng và hỏi:
– Sói yêu quý ơi, sói muốn gì thế?
Sói đáp:
– Chủ tôi là người đã giết rồng, hiện đã tới đây, chủ sai tôi vào xin món rau, thứ mà vua vẫn ăn.
Công chúa cho gọi đầu bếp, sai làm món rau như vua vẫn ăn đem ra tận cửa cho sói. Sói bưng thẩu rau đem về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán:
– Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh mì, thịt, rau đã có. Giờ ta lại muốn ăn đồ ngọt của vua nữa.
Chàng gọi gấu và bảo:
– Chú gấu thân mến, chú vốn thích liếm đồ ngọt, chú hãy vào lấy món đồ ngọt của vua ăn ra đây cho ta.
Gấu lạch bạch chạy vào lâu đài. Dọc đường, ai thấy cũng tránh đường cho chú đi. Tới vọng gác, lính canh giơ súng ngăn không cho vào. Gấu nhảy lên, vả cho tên lính mấy cái tát vào má phải và má trái. Nó đạp đổ cả chòi gác. Rồi gấu đi thẳng vào chỗ công chúa, đứng ngay sau lưng nàng, khẽ gầm gừ. Công chúa quay lại, nhận ra gấu, bèn gọi nó vào phòng và hỏi:
– Gấu yêu quý ơi, gấu muốn gì thế?
Gấu đáp:
– Chủ tôi là người đã giết rồng, hiện đã ở đây. Chủ sai tôi vào xin món đồ ngọt mà nhà vua vẫn dùng.
Công chúa cho gọi người thợ làm bánh ngọt, sai làm thứ bánh ngọt vua vẫn ăn, mang ra cửa cho gấu. Gấu liếm cho đường rơi bên dưới lên cả phía trên bánh, rồi nó đứng dậy, bưng bánh về cho chủ. Chàng thợ săn bảo với chủ quán:
– Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh mì, thịt, rau, đồ ngọt có cả rồi. Giờ ta lại muốn uống thứ rượu vang mà vua thường uống.
Chàng gọi sư tử và bảo:
– Chú sư tử thân mến, chú vốn cũng thích nhâm nhi chút rượu. Chú hãy vào lấy thứ rượu vang vua vẫn uống mang về đây cho ta.
Sư tử đi nghênh ngang giữa đường, ai thấy nó cũng chạy. Tới chỗ chòi gác, lính canh cản đường nó, nó rống lên một tiếng, mọi thứ bắn tứ tung. Sư tử đến trước phòng công chúa, lấy đuôi quất gõ cửa. Công chúa ra, nhìn thấy sư tử, nàng hoảng sợ, nhưng nàng nhận ra ngay nó nhờ cái khóa vàng ở cổ. Nàng gọi nó vào phòng và hỏi:
– Sư tử yêu quý ơi, sư tử muốn gì thế?
Sư tử đáp:
– Chủ tôi là người đã giết rồng, hiện đã ở đây. Chủ sai tôi vào xin rượu vang mà nhà vua vẫn uống.
Công chúa cho gọi người hầu rượu, sai lấy thứ rượu vang vua vẫn uống ra cho sư tử. Sư tử nói:
– Để tôi đi xem có đúng thứ rượu ấy không.
Sư tử đi theo người hầu xuống hầm rượu. Người này định lấy thứ rượu dùng cho gia nhân. Sư tử bảo:
– Khoan, đợi ta nếm xem đã.
Sư tử tự rót nửa bình, tu một hơi cạn. Nó bảo:
– Không, không phải thứ này.
Người hầu rượu liếc ngó sư tử, rồi ra chỗ thùng rượu khác, định lấy thứ rượu dùng cho quan nguyên soái. Sư tử lại bảo:
– Khoan, để ta nếm xem đã.
Sư tử tự rót nửa bình, rồi uống hết. Nó nói:
– Có khá hơn, nhưng vẫn chưa phải.
Người hầu rượu nổi nóng nói:
– Đồ súc vật đần độn mà cũng nói chuyện rượu.
Sư tử vả ngay cho gã một cái vào sau gáy làm gã ngã ra bất tỉnh nhân sự. Lúc tỉnh dậy gã lẳng lặng dẫn sư tử đến hầm rượu dành cho nhà vua. Sư tử lại rót nửa bình nếm thử và nói:
– Có thể đúng thứ này rồi.
Sư tử sai gã kia rót đầy sáu chai, rồi cùng đi lên. Lúc ra tới bên ngoài, sư tử chuếnh choáng hơi say. Gã kia đem rượu ra tận cửa cho nó. Nó ngoạm giỏ rượu vào mồm và tha về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán:
– Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh mì, thịt, rau, đồ ngọt và rượu vang của vua có đầy đủ cả. Giờ ta mới cùng mấy con vật thưởng thức đây.
Chàng ngồi vào ăn uống, lại chia cho thỏ, cáo, sói, gấu, sư tử cùng ăn và cùng uống. Chàng thấy công chúa vẫn yêu mình nên vui lắm. Ăn xong, chàng nói:
– Ông chủ ơi, tôi đã ăn uống như vua rồi. Giờ tôi muốn vào hoàng cung xin cưới công chúa đây.
Chủ quán nói:
– Làm sao có chuyện đó được. Công chúa đã có nơi có chốn rồi. Hôm nay làm lễ cưới mà?
Chàng rút khăn tay mà công chúa đã trao cho chàng ở trên núi rồng khi trước, chiếc khăn gói bảy cái lưỡi của con quái vật. Chàng nói:
– Ta đã có vật này trong tay. Nó sẽ giúp ta trong việc ấy.
Chủ quán xem cái khăn rồi nói:
– Những việc khác có thể tin được, nhưng việc này không dám tin. Tôi sẵn lòng xin cuộc cả cửa nhà, sân vườn đây.
Chàng thợ săn lấy ra một cái túi có nghìn đồng vàng đặt lên bàn, rồi nói:
– Tôi cũng xin cuộc chỗ vàng này.
Ở trong hoàng cung, vua hỏi công chúa:
– Mấy con vật cứ đi ra đi vào trong cung, chúng đến con có việc gì thế?
Nàng đáp:
– Con chẳng dám nói ra điều đó. Xin cha cứ cho người đi gọi chủ nhân của chúng tới đây, khi đó cha sẽ rõ.
Vua cho kẻ hầu đến quán trọ mời người đàn ông lạ mặt. Kẻ hầu đến đúng lúc chàng thợ săn đánh cuộc với chủ quán. Lúc đó chàng nói:
– Ông thấy chưa, ông chủ. Vua sai kẻ hầu đi mời tôi đó, nhưng tôi chưa đi đâu.
Chàng bảo người hầu:
– Ngươi về tâu vua xin gởi quần áo hoàng tộc cho ta, cấp cho ta cỗ xe sáu ngựa với một số quân hầu.
Vua được tin báo, hỏi công chúa:
– Cha biết làm sao bây giờ?
Công chúa thưa:
– Xin cứ triệu vào và chu cấp mọi thứ như chàng đòi. Cha sẽ hài lòng về việc ấy.
Vua sai đem quần áo hoàng tộc với một cỗ xe sáu ngựa cấp cho chàng, lại cấp cho một số người để hầu hạ cho chàng.
Thấy đoàn người kéo đến, chàng thợ săn nói với chủ quán:
– Thấy chưa, ông chủ ơi, thế là tôi được triệu vào cung đúng nghi lễ mà tôi đòi.
Chàng mặc quần áo hoàng tộc, cầm theo chiếc khăn gói lưỡi rồng, rồi lên xe vào chầu.
Thấy chàng đến, vua hỏi công chúa:
– Ta nên tiếp hắn thế nào đây?
Nàng đáp:
– Xin cha cứ ra đón, sẽ không uổng công đâu.
Vua ra đón chàng vào, mấy con vật cũng vào theo. Vua chỉ cho chàng ngồi giữa vua và công chúa. Viên nguyên soái ngồi ghế chú rể ở phía bên kia nên hắn không nhận ra được chàng.
Bảy chiếc đầu rồng được đem ra trưng bày. Vua phán:
– Hôm nay ta gả con gái cho quan nguyên soái là để thưởng cái công đã chém được bảy cái đầu rồng này.
Chàng thợ săn liền đứng lên, mở từng đầu rồng một và hỏi:
– Thế bảy cái lưỡi rồng đâu rồi?
Hoảng sợ, nguyên soái tái mặt, không biết trả lời sao bây giờ, nhưng hắn cố nói liều:
– Rồng không có lưỡi.
Chàng thợ săn nói:
– Chỉ những đứa gian trá mới không có lưỡi. Còn lưỡi rồng chính là vật làm chứng cho người chiến thắng.
Chàng mở gói ra, người ta thấy bảy cái lưỡi rồng. Chàng gắn lưỡi vào từng cái đầu rồng, quả nhiên đều khớp hết. Sau đó chàng đưa cho công chúa xem chiếc khăn thêu tên nàng và hỏi, nàng đã cho ai chiếc khăn ấy. Công chúa đáp:
– Cho người đã chém chết con rồng.
Chàng lại gọi từng con vật một lại, tháo sợi dây buộc ở cổ chúng, tháo cái khóa vàng ở cổ sư tử. Chàng đưa tất cả cho công chúa và hỏi của ai. Nàng đáp:
– Mấy sợi dây buộc cổ và cái khóa vàng này là của tôi, tôi chia cho mấy con vật để thưởng công chúng đã góp công giết rồng.
Khi ấy chàng thợ săn mới nói:
– Đánh rồng xong, thần quá mệt nên ngủ thiếp đi, thừa lúc đó tên nguyên soái đến chặt đầu thần. Sau đó gã đưa công chúa đi và mạo nhận chính hắn là người đã giết rồng. Mấy cái lưỡi, mấy sợi dây và chiếc khăn tay của công chúa là minh chứng cho việc lừa dối của hắn.
Rồi chàng kể tiếp chuyện mấy con vật đã đi kiếm rễ cây trường sinh về để cứu chàng như thế nào. Một năm qua chàng đã đi phiêu bạt những nơi nào, rồi cuối cùng cũng quay trở lại đúng nơi đây. Nhờ chủ quán nói cho nghe mà chàng biết được mưu mẹo lừa dối của tên nguyên soái.
Vua hỏi công chúa:
– Có đúng người này đã chém chết rồng không?
Nàng đáp:
– Thưa đúng thế ạ. Giờ con mới dám nói công khai cái tội bẩn thỉu của tên nguyên soái. Con không nói thì chuyện cũng lộ rồi. Nguyên soái đã bức con hứa phải giữ kín. Việc con xin để sau một năm một ngày mới làm lễ cưới cũng chính vì chuyện ấy.
Vua cho triệu mười hai vị mưu sĩ đến để luận tội. Tên nguyên soái bị khép án phanh thây do bốn con bò mộng kéo. Xử tội hắn xong, vua cho chàng thợ săn lấy công chúa. Phong chàng làm phó vương trong cả nước. Đám cưới được tổ chức rất trọng thể. Phó vương cho người đi đón bố đẻ và bố nuôi mình, tặng hai người rất nhiều châu báu. Phó vương cũng không quên người chủ quán trọ, cho triệu người ấy vào và bảo:
– Ông chủ thấy không, tôi đã lấy công chúa. Nhà cửa, sân vườn nhà ông giờ là của tôi.
Chủ quán thưa:
– Thưa như vậy là đúng lý.
Nhưng phó vương trẻ tuổi đáp:
– Ta khoan hồng cho ông đấy. Nhà cửa, sân vườn vẫn là của ông, còn nghìn vàng nọ ta tặng thêm cho ông đó.
Từ đó phó vương và công chúa sống vui vẻ và rất hạnh phúc. Theo sở thích cũ, chàng thường hay đi săn, mấy con vật trung thành cũng thường đi theo chủ.
Gần đó có một khu rừng. Người ta đồn trong rừng có quỷ, vì ít ai đã vào rừng mà lại ra được. Phó vương trẻ tuổi rất muốn vào khu rừng ấy đi săn. Chàng cứ nài mãi tới khi nhà vua cho phép mới thôi. Chàng lên ngựa, đem theo một đoàn tùy tùng rất đông. Vừa mới vào trong rừng, chàng thấy con hươu lông trắng như tuyết. Chàng bảo những người theo hầu:
– Hãy chờ ta ở đây! Ta muốn săn con thú đẹp kia.
Chàng thúc ngựa đuổi theo con hươu, chỉ có mấy con vật theo chàng thôi.
Đoàn tùy tùng đợi cho đến chiều tối mà không thấy phó vương trẻ tuổi quay ra. Họ đành quay ngựa về báo với công chúa:
– Phó vương săn đuổi theo một con hươu trắng ở trong khu rừng thiêng và không thấy người trở ra.
Công chúa lo cho chồng vô cùng. Trong lúc ấy, chàng vẫn mãi đuổi theo con thú mà không sao theo kịp được nó. Cứ đúng lúc chàng thấy vừa tầm bắn thì nó lại nhảy xa hơn và cuối cùng chạy biến mất.
Lúc này chàng mới thấy mình đã vào quá sâu trong rừng. Chàng đưa chiếc tù và bằng sừng lên rúc một hồi, không thấy trả lời vì không ai nghe được tiếng tù và của chàng.
Bóng đêm bao trù, cả khu rừng, chàng thấy mình không thể về kịp nữa. Chàng xuống ngựa, lại bên một gốc ây đốt lửa định bụng sẽ ngủ đêm ở đó.
Chàng vừa ngồi xuống bên đống lửa, mấy con vật cũng nằm xuống quanh đó. Chàng có cảm tưởng có tiếng người vọng lại. Chàng nhìn quanh chẳng thấy gì. Lát sau lại thấy hình như có tiếng rên hừ hừ từ trên cao vọng xuống. Chàng ngước lên thì thấy một mụ bà ngồi vắt vẻo trên cành cây. Mụ rên:
– Hừ, hừ, hừ, tôi rét cóng cả người.
Chàng nói:
– Rét thì xuống đây sưởi cho ấm người.
Nhưng mụ ta đáp:
– Chịu thôi. Bầy thú của ngươi sẽ xé xác ta.
Chàng đáp:
– Mẹ già, mẹ cứ xuống! Chúng không làm gì mẹ đâu.
Bà già chính là một mụ phù thủy. Mụ bảo:
– Để ta ném một cây gậy xuống. Ngươi cứ lấy gậy đập lên lưng chúng là chúng sẽ không làm gì ta nữa đâu.
Rồi mụ ném xuống một cái gậy nhỏ. Chàng lấy gậy đập lên lưng mấy con vật. Chúng nằm yên và bị hóa đá ngay tức khắc. Không phải lo về mấy con vật nữa, mụ phù thủy mới nhảy xuống, lấy gậy đập vào người chàng, biến chàng hóa đá. Mụ cười rú lên, lôi chàng và mấy con vật xuống một cái hố mà trong hố cũng có nhiều vật hóa đá như vậy.
Công chúa ở nhà đợi chàng, đợi mãi không thấy chồng về, nàng càng lo sợ. Đúng lúc đang lo âu ấy thì người anh đi về hướng đông nay cũng tới xứ này. Chàng đi tìm việc làm chẳng được, cứ lang thang đây đó, dạy mấy con vật nhảy múa làm trò vui. Bỗng chàng chợt nghĩ ra ý đến gốc cây có cắm lưỡi dao khi hai anh em chia tay mỗi người một ngả để xem em mình ra sao.
Tới nơi, chàng thấy bên mặt dao của em, một nửa bị rỉ, nửa còn lại vẫn còn sáng. Chàng đâm ra lo sợ thầm nghĩ:
– Chắc em ta gặp nạn lớn, nhưng có lẽ còn cứu được vì nửa dao kia vẫn còn sáng.
Chàng vội dẫn đám súc vật đi về hướng tây. Lúc tới cổng thành, lính canh ra hỏi có cần phải tin cho hoàng hậu biết không: từ mấy ngày nay, hoàng hậu rất lo về sự vắng mặt của phó vương, chỉ sợ phó vương đã bỏ mình trong rừng thiêng.
Lính canh tưởng chàng chính là vị phó vương trẻ tuổi, vì nom hai người giống nhau quá, và chàng lại cũng có một đàn súc vật đi theo. Chàng biết ngay là lính canh đã lầm mình với em mình. Chàng nghĩ:
– Tốt nhất là ta hãy nhận đi. Có thế ta càng dễ cứu em ta hơn.
Chàng để lính canh dẫn vào trong cung, chàng được đón tiếp rất vui vẻ. Công chúa cứ tưởng đó là chồng mình nên hỏi:
– Sao chàng vắng nhà lâu thế?
Chàng đáp:
– Anh bị lạc trong rừng. Tìm mãi mới thấy đường ra.
Tối đến chàng vào nằm giường của phó vương, nhưng chàng đặt thanh gươm hai lưỡi chắn giữa mình và công chúa. Công chúa cũng chẳng hiểu thế nào, nhưng cũng không dám hỏi.
Chàng ở lại vài ngày để thăm dò tin tức về khu rừng thiêng kia, rồi chàng nói:
– Ta phải đến đó săn lần nữa!
Vua và công chúa can ngăn, nhưng chàng vẫn đi và dẫn một đoàn tùy tùng rất đông. Ở trong rừng chàng trông thấy một con hươu trắng, chàng cũng gặp mọi sự như em mình trước đó, chàng bảo đoàn tùy tùng:
– Ta muốn săn con thú kia. Hãy ở đây đợi đến khi ta quay trở lại.
Chàng phi ngựa rượt săn con mồi, mấy con vật chạy theo chàng. Chàng không sao đuổi kịp con hươu ở trong rừng sâu. Bóng đêm buông xuống lúc nào không hay, chàng phải ngủ lại trong rừng.
Lửa vừa nhóm lên thì chàng nghe trên đầu có tiếng rên:
– Hu, hu, hu, tôi lạnh cóng cả người.
Nhìn lên thấy mụ phù thủy đang ngồi trên cây, chàng nói:
– Nếu rét thì xuống đây sưởi cho ấm người lên.
Mụ đáp:
– Chịu thôi, mấy con vật kia nó sẽ cắn xé ta.
Chàng nói:
– Chúng không làm gì mẹ đâu.
Mụ nói với xuống:
– Ta ném cho ngươi một cái roi, ngươi quất mỗi con một roi thì chúng không làm gì được ta nữa.
Chàng thợ săn không tin điều đó. Chàng nói:
– Ta không đánh mấy con vật của ta. Mày hãy xuống bằng không ta sẽ lôi mày xuống.
Mụ thét lớn:
– Mày muốn gì nào? Mày làm gì được tao nào?
Chàng đáp:
– Không xuống thì tao bắn cho mày rơi xuống.
Mụ nói:
– Mày cứ việc bắn, ta không sợ đạn đâu.
Chàng nạp đạn và bắn mụ, nhưng đạn thì chẳng xuyên được người mụ. Mụ cười sằng sặc và hét:
– Mày đã bắn trúng ta đâu.
Chàng thợ săn chợt nghĩ ra cách. Chàng bứt ba cái cúc bạc trên áo và nạp vào súng. Như vậy, tà thuật của mụ sẽ hết linh. Chàng bấm cò bắn thì mụ la lên một tiếng và lộn nhào rơi xuống đất. Chàng dậm chân lên người mụ và nói:
– Con mụ phù thủy già, nếu mày không nói em tao hiện giờ ở đâu, ta sẽ túm mụ ném vào lửa.
Mụ sợ quá, van xin tha và nói:
– Chàng cùng mấy con vật đã bị hóa đá nằm ở trong một cái hố.
Chàng bắt mụ dẫn tới đó, đe mụ và nói:
– Con mụ phù thủy già kia, giờ mày phải làm cho em ta và mọi con vật này sống lại. Hoặc thế hay là ta ném mày vào lửa.
Mụ cầm chiếc roi khẽ đập vào đá, tức thì em chàng và mấy con vật sống lại. Những người khác như lái buôn, thợ thủ công, mục đồng cũng sống lại. Họ đứng dậy cảm ơn chàng đã cứu họ, rồi kéo nhau ai về nhà nấy.
Anh em sinh đôi lại gặp nhau. Họ hết sức vui mừng và ôm choàng nhau hôn. Hai anh em túm lấy mụ phù thủy, trói ghì lại và quẳng vào lửa. Mụ phù thủy bị chết thiêu. Ngay sau đó, cả cánh rừng bừng sáng, có thể nhìn thấy cung điện phía xa, cách đó chỉ ba giờ đường bộ.
Giờ đây hai anh em cùng đi về nhà. Dọc đường anh em kể cho nhau nghe chuyện mình. Nghe em nói, chàng được lên thay vua trị vì đất nước, thì người anh bảo:
– Điều ấy anh đã biết. Khi anh vào thành, người ta tưởng nhầm anh là chú nên đã đón anh với mọi nghi lễ của bậc vương giả. Công chúa cứ tưởng anh là chồng, nên anh ngồi ăn cạnh nàng, ngủ chung một giường với nàng.
Nghe tới đó, người em nổi cơn ghen, rút ngay kiếm chém anh đầu lìa khỏi thân. Thấy anh nằm chết, máu tuôn chảy, lúc ấy người em hối hận vô cùng. Chàng thốt lên:
– Anh đã cứu ta, mà ta lại giết anh!
Và chàng khóc lóc thảm thiết. Thấy vậy thỏ chạy tới nói để mình đi lấy rễ cây cải tử hoàn sinh. Rồi thỏ chạy ngay đi lấy và về kịp lúc, người chết sống lại và không hề hay biết về vết thương trên mình. Hai người lại lên đường. Người em nói:
– Nom anh giống em y hệt. Anh cũng mặc áo hoàng bào như em, cũng có mấy con vật đi theo.
Giờ mỗi người vào thành bằng một cổng, và từ hai phía cùng đến chỗ vua ngự.
Hai anh em từ hai ngã cùng một lúc tới hai cổng thành, lính canh ở hai cổng cùng vào trình báo vua là phó vương dẫn mấy con vật đi ăn đã về. Vua phán:
– Sao lại có chuyện ấy, hai cổng thành cách nhau có đến một giờ đường bộ kia mà!
Giữa lúc ấy, từ hai phía khác nhau, hai anh em cùng bước tới sân rồng. Vua hỏi công chúa:
– Con hãy nói ai là chồng con! Người này giống y hệt người kia, ta không sao phân biệt được.
Công chúa hoảng sợ, không biết nói sao. Nàng chợt nhớ tới mấy sợi dây vàng buộc cổ mấy con vật. Nàng ngó tìm thì thấy con sư tử có đeo khóa vàng ở cổ. Nàng mừng quá, reo lên:
– Người có con sư tử này đi theo mới thật là chồng con.
Phó vương bật cười nói:
– Thưa đúng như vậy.
Mọi người ngồi vào bàn, ăn uống rất vui vẻ. Tối hôm ấy, khi phó vương vào giường nằm, công chúa nói:
– Tại sao mấy đêm trước, đêm nào chàng cũng đặt một thanh kiếm giữa giường, thiếp cứ nghĩ là chàng muốn giết thiếp.
Lúc đó phó vương mới biết được tấm lòng của người anh.
61. Bác nông dân nghèo khó
Ngày xưa ở làng kia, cả làng giàu có, duy chỉ có một người nghèo. Cả làng gọi bác nông dân nghèo kia là Nhà Nông. Bác ta nghèo tới mức không có lấy một con bò, mà tiền để mua bò bác cũng không có nốt. Hai vợ chồng chỉ mong sao có một con bò. Có lần bác nói với vợ:
– Tôi vừa mới nghĩ ra, chúng ta có người bà con làm thợ mộc, vợ chồng ta đến nói chú ấy làm cho một con bê bằng gỗ, rồi cho đánh màu giống như những con bê khác. Rồi con bê nó sẽ lớn lên thành con bò.
Vợ bác Nhà Nông đến nói với người bà con. Bác phó mộc đẽo gỗ, rồi bào cho nhẵn con bê gỗ, bác đánh màu cho giống những con bê khác. Con bê gỗ cúi đầu xuống làm như nó đang gặm cỏ.
Sáng sớm chú mục đồng đã đánh bò ra đồng cỏ, thấy chú mục đồng, bác nông dân gọi:
– Này chú mục đồng, ta có con bê, nhưng nó còn bé nên phải ôm nó theo ra đồng cỏ.
Chú mục đồng đáp:
– Vâng, cũng được.
Rồi chú cắp nách con bê và mang nó đặt trên đồng cỏ. Con bê đứng nguyên tại chỗ và bắt đầu gặm cỏ. Nhìn thấy thế, chú mục đồng nói:
– Hay quá, nó gặm được cỏ thì chắc chắn nó sẽ chạy được!
Đến sẩm tối, chú mục đồng chăn đàn bò về, chú nói với con bê:
– Đứng ăn cho no đi, giờ thì mi có thể đi bằng bốn chân được rồi, ta khỏi phải cắp nách mang mi về nữa.
Bác Nhà Nông đứng sẵn ở cửa chờ bê của mình. Khi chú mục đồng cùng đàn bà đi qua, nhưng không thấy con bê, bác nông dân cất tiếng hỏi. Chú mục đồng đáp:
– Con bê còn ở ngoài đồng cỏ. Nó đang gặm cỏ nên không về cùng.
Bác Nhà Nông nói:
– Trời ơi, tôi phải ra dắt nó về mới được!
Thế là cả hai ra đồng cỏ, nhưng đã có người ăn trộm mất con bê. Chú mục đồng nói:
– Hay là con bê nó chạy lạc đâu đó.
Bác Nhà Nông nói:
– Theo tôi thì không phải thế.
Rồi bác dẫn chú mục đồng tới trưởng làng. Trưởng làng kết tội chú mục đồng về sự cẩu thả và bắt phải đền bằng một con bò.
Giờ đây hai vợ chồng bác Nhà Nông có con bò mà bấy lâu nay mơ ước. Vợ chồng hết sức vui mừng. Nhưng vì không có lúa mạch cho bò nên ít lâu sau phải giết bò. Thịt ướp muối để dành. Da bò bác đem đi bán ở thành phố để lấy tiền mua một con bê.
Khi đi qua cái cối xay gió, bác nông dân nhìn thấy một con quạ gãy cánh. Mủi lòng thương hại, bác nhấc nó cho vào tấm da bò.
Trời bỗng nổi gió, mưa như trút nước, bác đành phải vào trú nhờ trong nhà cối xay gió. Chỉ có vợ bác thợ cối xay ở nhà. Bà bảo bác Nhà Nông.
– Bác nằm nghỉ tạm trên đống rơm ấy.
Rồi bà mời bác bánh mì có phết pho mát. Bác Nhà Nông ăn xong, rồi ngả lưng trên đống rơm. Tấm da bò ở ngay bên cạnh người. Vợ bác thợ cối xay nhìn và nghĩ:
– Ông ấy mệt nên ngủ ngay.
Ngay sau đó thì linh mục tới. Vợ bác thợ cối xay niềm nở tiếp đón và nói:
– Chồng tôi không có nhà. Chúng ta có thể ăn uống đôi chút.
Bác Nhà Nông lắng nghe họ nói với nhau thì biết vợ bác thợ cối xay lấy rượu, bánh ngọt, thịt nướng và món sa lát ra để ăn uống với linh mục. Bác tức giận vì mình trước đó chỉ được mời ăn suông bánh mì phết pho mát.
Hai người vừa mới ngồi vào bàn thì nghe có tiếng gõ cửa. Vợ bác thợ cối xay nói:
– Trời ơi, lại đúng chồng tôi rồi.
Bà giấu ngay thịt nướng vào trong lò sưởi, chai rượu dưới gối, sa lát để trên giường, còn bánh ngọt giấu dưới gầm giường, ấn giấu linh mục vào trong tủ. Xong xuôi, bà ra mở cửa cho chồng và nói:
– Nhờ trời mà ông về được tới nhà đó. Mưa to gió lớn cứ như muốn cuốn đi tất cả.
Nhìn thấy người lạ nằm trên đống rơm, chồng hỏi:
– Ai mà lại nằm đó?
Vợ đáp:
– À, đó là người qua đường, gặp mưa to gió lớn vào xin trú nhờ, tôi có đưa cho bánh mì phết bơ và bảo nằm tạm trên đống rơm.
Chồng nói:
– Ờ thế cũng được, nhưng làm cho tôi chút ít thức ăn đi, đói rồi.
Vợ đáp:
– Nhà chỉ còn bánh mì phết pho mát.
Chồng nói:
– Thì bánh mì phết pho mát cũng được.
Chồng ngắm nhìn người lạ nằm trên đống rơm, rồi gọi:
– Dậy đi, ra ăn với tôi cho vui!
Chẳng phải đợi nói tới lần thứ hai, bác Nhà Nông vươn vai đứng dậy ra ngồi ăn cùng. Bác thợ cối xay lại thấy có tấm da bò ở trên đống rơm, tò mò bác hỏi:
– Này, bác có cái gì đó?
Bác Nhà Nông đáp:
– Có nhà tiên tri ở trong đó.
– Thế nhà tiên tri có thể đoán cho tôi được không?
– Sao lại không được nhỉ! Nhưng nhà tiên tri chỉ nói cho biết bốn điều. Điều thứ năm thì giữ lại.
Bác thợ cối xay trở nên tò mò. Bác bảo:
– Thì cho đoán thử cái xem.
Bác Nhà Nông ấn cổ nhà tiên tri, nó kêu “cu qua quạ.” Bác bảo:
– Điều thứ nhất nó nói là rượu vang ở dưới gối.
Bác thợ cối xay nói:
– Thế cũng hay đấy nhỉ!
Rồi bác lật gối thì thấy rượu vang. Bác bảo:
– Nói tiếp tục đi!
Bác Nhà Nông lại ấn cho quạ kêu, rồi bảo:
– Điều thứ hai nó nói là thịt nướng ở trong lò sưởi.
Bác thợ cối xay nói:
– Thế cũng hay đấy nhỉ!
Rồi bác lại chỗ lò sưởi và tìm thấy thịt nướng. Bác Nhà Nông lại để cho quạ tiên đoán tiếp. Bác bảo:
– Điều thứ ba nó nói là món sa lát để ở trên giường.
Bác thợ cối xay nói:
– Thế cũng hay đấy nhỉ!
Rồi bác lại phía giường và thấy món sa lát. Cuối cùng bác Nhà Nông ấn cổ quạ lần nữa cho nó kêu. Rồi bác bảo:
– Điều thứ tư nó nói là bánh ngọt để ở dưới gầm giường.
Bác thợ cối xay nói:
– Thế cũng hay đấy nhỉ!
Bác lại phía giường và thấy bánh ngọt ở dưới gầm giường.
Rồi hai người ngồi vào bàn ăn. Vợ bác thợ cối xay hoảng sợ, lên ngay giường trùm chăn, tay giữ khư khư chùm chìa khóa. Bác thợ cối xay nóng lòng muốn biết điều thứ năm. Bác Nhà Nông nói:
– Trước tiên chúng ta cứ thong thả ăn bốn thứ này đã. Điều thứ năm là một tin dữ.
Ăn xong, cả hai ngồi mặc cả với nhau, nếu nói điều thứ năm thì bác thợ cối xay gió trả bao nhiêu tiền. Cuối cùng cả hai nhất trí là ba trăm Taler (ba trăm quan tiền). Bác Nhà Nông ấn mạnh cổ quạ làm nó kêu lớn “quạ quạ.”
Bác thợ cối xay hỏi:
– Nó nói cái gì vậy?
Bác Nhà Nông nói:
– Nó bảo, ở trong tủ có con quỷ nấp.
Bác thợ cối xay bảo:
– Quỷ thì phải ra khỏi nhà mau!
Vợ bác thợ cối xay đưa chìa khóa cho bác Nhà Nông mở tủ. Linh mục chạy tháo thân bán sống bán chết ra khỏi cổng nhà. Bác thợ cối xay nói:
– Đúng là chính mắt tôi nhìn thấy cái bóng đen chạy vụt từ trong tủ ra.
Tờ mờ sáng ngày hôm sau là bác Nhà Nông ôm ba trăm Taler biến mất.
Có tiền, bác Nhà Nông thuê thợ xây nhà. Căn nhà nom khang trang, đẹp hơn các ngôi nhà khác trong làng.
Thấy vậy, nông dân trong làng nói:
– Cái thằng Nhà Nông phải đã từng tới nơi, tuyết là vàng ròng, cầm chổi quét được tiền.
Bác Nhà Nông bị gọi lên gặp trưởng làng, trả lời của cải lấy đâu ra. Bác trả lời:
– Tôi bán tấm da bò ở thành phố được ba trăm Taler.
Biết được tin ấy, nông dân trong làng thi nhau giết bò lấy da, họ mong sẽ bán được nhiều tiền. Trưởng làng nói:
– Phải để cho con gái tôi đi đầu đoàn.
Tới thành phố, cô đưa da bò bán cho thương gia. Thương gia chỉ trả ba Taler. Những người sau bán không được đến ba Taler. Thương gia nói:
– Dễ gì lại có người mua cho đống da bò này!
Nông dân trong làng tức giận về chuyện lừa dối họ của bác Nhà Nông và tìm cách trả thù, họ thưa kiện với trưởng làng về chuyện đó. Bác Nhà Nông vô tội kia bị dân làng biểu quyết kết án tử hình bằng cách nhốt vào trong thùng rượu lớn có đục lỗ, rồi lăn thùng xuống sông.
Bác Nhà Nông bị dẫn tới nơi hành hình. Một cha đạo sẽ đọc kinh. Thoáng nhìn bác Nhà Nông nhận ngay ra cha đạo chính là linh mục đã ở nơi vợ bác thợ cối xay. Bác nói với cha đạo:
– Khi trước tôi đã cứu cha khỏi tủ, giờ cha hãy cứu tôi khỏi thùng rượu.
Đúng lúc đó người mục đồng đánh đàn cừu đi qua. Bác Nhà Nông vẫn biết người mục đồng muốn được làm trưởng làng. Bỗng bác nói lớn:
– Tôi không làm đâu, dù cho khắp thiên hạ muốn thế thì tôi cũng không làm đâu!
Người mục đồng nghe nói thế thì lại hỏi:
– Bác định thế nào? Bác không thích làm cái gì?
Bác Nhà Nông nói:
– Họ bảo tôi ngồi vào trong thùng rượu, họ sẽ bầu làm trưởng làng. Tôi không muốn làm.
Người mục đồng nói:
– Chỉ có thế mà được làm trưởng làng thì để tôi ngồi vào trong thùng rượu cho!
Bác Nhà Nông nói:
– Bác cứ ngồi vào là được làm trưởng làng ngay.
Người mục đồng khoái chí, ngồi ngay vào trong thùng rượu. bác Nhà Nông đóng nắp thùng lại. Rồi bác đánh đàn cừu đi tiếp.
Linh mục trở về làng báo là đã đọc kinh cầu siêu. Lúc đó dân làng tới chỗ hành hình lăn xuống sông. Người mục đồng nói lớn:
– Tôi muốn làm trưởng làng.
Dân làng cứ tưởng bác Nhà Nông kia ở trong thùng. Họ nói:
– Thì cũng được chẳng sao. Nhưng khi nào ở dưới nước đã.
Rồi họ lăn thùng rượu xuống sông.
Xong việc, họ kéo nhau về làng thì gặp bác Nhà Nông đang thủng thẳng đánh đàn cừu về. Họ hết sức ngạc nhiên nên hỏi:
– Bác Nhà Nông, bác từ đâu ra đây? Từ dưới sông lên hả?
Bác Nhà Nông đáp:
– Tất nhiên rồi! Xuống tới đáy sông, tôi đạp nắp thùng và chui ra. Trước mắt tôi là những cánh đồng cỏ có rất nhiều cừu. Tôi gom lấy một đàn cho mình.
Dân làng hỏi:
– Thế còn nhiều cừu không?
Bác Nhà Nông đáp:
– Ối chà, nhiều ơi là nhiều, cả làng cũng không lấy hết nổi.
Thế là dân làng hẹn nhau đi lấy cừu. Ai cũng muốn lấy cho mình một đàn cừu. Trưởng làng nói:
– Để tôi lấy trước đấy nhé!
Thế là cả làng tụ tập lại để rủ nhau xuống sông. Trên bầu trời xanh bỗng có đám mây nom như đám lông cừu. Bóng mây phản chiếu xuống mặt nước, dân làng nhìn thấy nên nói:
– Đúng là ở dưới đáy sông có cừu.
Trưởng làng len ra phía trước và nói:
– Để tôi xuống trước xem sao, nếu đúng như vậy, tôi sẽ gọi mọi người.
Trưởng làng nhảy “tũm” một cái xuống nước. Dân làng nghe cứ tưởng là gọi “xuống đi!.” Dân cả làng nhảy ùa xuống sông. Tất cả đều chết đuối. Người giàu có bây giờ lại là bác Nhà Nông.
62. Ong chúa
Ngày xửa ngày xưa… có hai hoàng tử thích phiêu lưu, lâu dần quen sống hoang dã nên không trở về nhà nữa. Người em út thường gọi là “chú Ngốc,” lên đường đi tìm hai anh. Tìm mãi gặp được hai anh nhưng chàng lại bị hai anh giễu cợt rằng: ngu như “chú Ngốc” mà cũng tính chuyện đi cùng trời cuối đất, khôn ngoan như hai anh đây mà còn chẳng đi đến đâu.
Ba anh em đang đi thì gặp một tổ kiến, hai anh muốn phá tổ kiến để xem kiến vỡ tổ chạy tha trứng đi như thế nào. Nhưng chú Ngốc can ngăn:
– Để chúng sống yên thân, em không thích chuyện các anh quấy nhiễu chúng.
Ba anh em lại tiếp tục lên đường, tới bên một cái hồ đầy vịt đang bơi. Hai người anh muốn bắt một đôi làm thịt quay ăn, nhưng chú Ngốc không tán thành và nói:
– Để cho chúng sống yên lành, em không thích chuyện giết súc vật.
Cuối cùng ba anh em trông thấy một tổ ong đầy mật, mật tràn ra cả thân cây. Hai người anh muốn đốt lửa ở dưới gốc cây hun cho ong sặc khói để trèo lên lấy mật, nhưng chú Ngốc giữ hai anh lại và nói:
– Để cho chúng sống yên thân, em không thích chuyện các anh đốt tổ ong.
Rồi ba anh em tới một tòa lâu đài vắng tanh vắng ngắt, chỉ thấy toàn ngựa đá đứng trong chuồng chứ không thấy một bóng người nào. Họ đi dạo qua tất cả các phòng, đến trước một cái cửa đóng im ỉm, có ba chiếc khóa. Chính giữa cửa có đục một cửa sổ nhỏ, qua đó có thể nhòm vào trong buồng được. Họ trông thấy một người đàn ông bé nhỏ, tóc hoa râm đang ngồi trên bàn. Họ gọi lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, nhưng người kia không hề nghe thấy, mãi đến lần gọi thứ ba người kia mới nghe rõ, đứng dậy mở cửa và bước ra.
Người ấy chẳng nói một lời, dẫn họ đến trước một cái bàn bày la liệt thức ăn.
Khi họ đã ăn uống xong, người ấy dẫn mỗi hoàng tử vào trong một buồng ngủ riêng.
Sáng hôm sau người tí hon tóc đã lốm đốm bạc tới buồng người anh cả, vẫy anh ra và dẫn tới một cái bảng đá, trên bảng có ghi rõ ba việc phải làm thì mới có thể giải thoát được cho cả lâu đài.
Việc thứ nhất: có một ngàn viên ngọc của công chúa nằm dưới những đám rêu ở trong rừng, phải tìm nhặt cho hết nghìn viên ngọc ấy, nếu trước khi mặt trời lặn mà không tìm đủ số ngọc ấy, dù chỉ thiếu một viên, thì người đi tìm sẽ bị hóa đá.
Người anh cả đi vào rừng, anh tìm cả ngày trời ròng rã đến khi mặt trời sắp lặn anh ta chỉ nhặt được một trăm viên ngọc. Y như lời viết trên bảng, người anh cả bị hóa đá.
Tiếp đến ngày hôm sau người anh thứ hai lại tính chuyện phiêu lưu, số phận anh ta cũng chẳng hơn gì người anh cả, anh chỉ tìm thấy hai trăm viên ngọc và cũng bị hóa đá.
Sau cùng đến lượt chú Ngốc, chú tìm trong rêu, nhưng tìm ngọc đâu phải là dễ, công việc chạy chậm lắm. Chú ngồi lên một tảng đá và khóc nức nở, bỗng chúa kiến mà chú đã cứu sống khi xưa cùng với năm nghìn quân kiến kéo tới, chỉ trong chốc lát những con vật nhỏ xíu kia chia nhau đi tìm ngọc và đã tha về xếp thành một đống.
Việc thứ hai: phải mò ở dưới đáy bể sâu lên chiếc chìa khóa buồng ngủ của công chúa.
Khi chú Ngốc vừa ra tới bể thì đàn vịt mà chú cứu thoát khi xưa bơi lại gần chú, chúng hụp lặn và mò được chiếc chìa khóa ở dưới đáy biển khơi.
Việc thứ ba làm việc khó nhất: phải tìm ra trong ba công chúa đang ngủ cô nào là trẻ nhất và đáng yêu nhất. Cả ba đều giống nhau như đúc, họ chỉ khác nhau ở chỗ: trước khi đi ngủ ba nàng ăn những đồ ngọt nhau; cô cả ăn một cục đường, cô thứ hai uống nước xi rô, cô em út ăn một thìa đầy mật ong.
Giữa lúc đang băn khoăn thì ong chúa của loài ong bay tới, ong chúa mà chú Ngốc đã cứu khi xưa muốn tới giúp chú, ong bay đậu trên môi từng người rồi ngửi, cuối cùng ong chúa đậu lại trên môi cô công chúa đã ăn mật ong do vậy hoàng tử nhận ra ngay người mình phải tìm.
Thế là quỷ thuật hết mầu nhiệm, cả lâu đài thoát khỏi giấc ngủ triền miên, ai đã hóa đá lại trở thành người.
Chú Ngốc cưới nàng công chúa trẻ nhất, đáng yêu nhất và được nối ngôi sau khi vua cha băng hà, còn hai anh ruột lấy hai nàng công chúa kia.