Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo khổ và ngoan đạo. Sau khi chết bác đến đứng trước cổng nhà trời. Cùng lúc đó cũng có một nhà quí phái giàu có vô kể muốn qua cổng nhà trời. Thánh Petrus mang chìa khóa ra và mở cửa cho nhà quý phái kia vào. Thánh lờ đi làm như không nhìn thấy bác nông dân đứng đó và từ từ đóng cửa lại.
Đứng ngoài cổng nhưng bác nông dân vẫn nghe thấy rõ tiếng đàn hát rộn rã, hân hoan chào đón nhà quí phái kia. Được một lúc thì tất cả lại trở nên yên ắng.
Thánh Petrus lại ra mở cửa để cho bác nông dân vào. Bác cứ đinh ninh là khi bác vào, thế nào cũng có tiếng đàn hát chào đón, nhưng cảnh vật vẫn thấy yên lặng. Thực ra người ta tiếp đón bác cũng rất niềm nở. Các vị thiên thần cũng có mặt đầy đủ khi tiếp đón bác, nhưng không có một ai ca hát cả.
Bác hỏi thánh Petrus, tại sao khi tiếp đón bác lại không có đàn hát như khi tiếp đón nhà quí phái giàu có vừa mới vào trước đó. Phải chăng ở trên trời cũng có sự thiên vị như ở dưới trần gian. Thánh Petrus liền nói:
– Làm gì có chuyện thiên vị ấy, chúng tôi quí mến bác cũng như mọi người khác. Bác sẽ được hưởng mọi thú vui trên trời y như nhà quí phái giàu có kia. Nhưng nông dân nghèo như bác thì ngày nào cũng có người lên trời, mà một người giàu có quí phái như người kia thì hàng trăm năm mới có một người được lên trời.
Thẻ: Grimm
168. Mụ Liese gầy nhom
Khác hẳn với vợ chồng anh chàng lừơi Heinz và ả mập Trine, cả hai đều lười biếng như nhau, chẳng thèm nhúc nhích chân tay, mụ Liese gầy nhom lúc nào cũng tất bật, đăm chiêu. Mụ làm quần quật từ sớm tinh mơ tới khi trời tối không còn nhìn thấy gì mới thôi, mụ bắt chồng là bác Lenz cao kều làm việc tối tăm mặt mũi, vất vả hơn cả con lừa phải tải ba tạ thóc. Nhưng rồi tất cả những khó nhọc ấy cũng là công cốc, tay không vẫn hoàn tay không, hai vợ chồng cũng chẳng có gì đáng gọi là dư dật.
Một buổi tối, mụ nằm trên giường, mệt nhừ người đến nỗi chân tay không buồn nhúc nhích, nhưng mụ không sao chợp mắt được vì nghĩ vơ nghĩ vẩn. Mụ thích khuỷu tay vào cạnh sườn chồng thì thào:
– Lenz à, để tôi kể cho mình nghe tôi đang nghĩ gì nhé! Nếu tôi bắt được một đồng mà lại có người cho một đồng, tôi sẽ đi vay thêm một đồng, còn mình thì phải cho tôi thêm một đồng nữa, như vậy vị chi tất cả là bốn đồng, tôi sẽ lấy số tiền đó đi tậu một con bò cái.
Nghe chuyện thấy cũng bùi tai, chồng nói:
– Quả là tôi cũng chẳng biết mò đâu cho ra một đồng để đưa tặng mình. Nhưng nếu mình gom đủ được số tiền để tậu bò thì cứ mua lấy một con mà thôi. Kể có tiền mua bò thì còn gì bằng.
Chồng lại nói thêm:
– Tôi lấy làm mừng nếu con bò cái ấy lại đẻ một con bê, chắc lúc ấy thỉnh thoảng tôi cũng được uống chút đỉnh sữa tươi cho bõ khát khi trời oi bức.
Vợ ngắt ngay lời:
– Sữa không phải để phần mình nhé, sữa chỉ để bê con bú cho chóng nhớn mập mà bán cho được giá.
Chồng đáp:
– Dĩ nhiên là thế! Nhưng ta uống chút đỉnh thì có hại gì.
Vợ bắt đầu bực:
– Hừ! Ai dạy mình chăm nom bò thế? Dù có hại hay không có hại đi chăng nữa thì tôi cũng không để cho mình làm thế đâu nhé. Nếu mình có tài đi bằng đầu mình cũng không được một giọt sữa nào đâu nhé. Này lão Lenz cao kều kia, ăn thì thủng nồi trôi rế lại còn định phá sạch của cải mà tôi khó nhọc vất vả mới làm ra được hả!
Chồng cũng bực nói:
– Này, mụ im đi nhé! Có muốn ta lấy giẻ bịt miệng lại không.
Vợ lớn tiếng:
– Ái chà chà, lại định dọa bà hả? Đúng là quân lười thối thây, quân ăn hại, đồ dây leo ăn bám!
Mụ định nắm lấy tóc chồng, nhưng Lenz cao kều chồm dậy được, một tay túm lấy cánh tay khẳng khiu của Lidơ gầy nhom, tay kia dúi đầu mụ xuống gối. Mặc cho mụ Liese gầy nhom chửi rủa, Lenz cứ ghì như vậy cho đến khi mụ mệt quá ngủ thiếp đi mới thôi.
Tôi không biết sáng hôm sau khi thức dậy hai vợ chồng còn cãi nhau nữa không hay là mụ vợ ra đi để tìm mấy đồng tiền vàng mà mụ ước ao.
169. Ngôi nhà trong rừng
Có một bác tiều phu nghèo sống với vợ và ba cô con gái trong một túp lều nhỏ ở ven một khu rừng hẻo lánh. Một buổi sớm, lúc sắp đi làm, bác dặn vợ:
– Hôm nay mình sai đứa con cả mang cơm trưa vào rừng cho tôi nhé, về giữa buổi sợ làm không xong việc.
Bác còn nói thêm:
– Để con khỏi lạc đường, tôi đem theo một túi kê, rải dọc lối đi.
Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu thì cô con gái lớn mang một nồi xúp lên đường. Nhưng sẻ đồng, sẻ rừng, chim sơn ca và hoa mai, sáo sậu và phù dung đã mổ nhặt ăn hết kê từ lâu rồi, vì thế cô bé không tìm thấy dấu đường nào cả.
Cô cứ đi liều, đi mãi cho tới khi mặt trời đã lặn, bóng đêm trùm xuống. Trong bóng đêm mờ tối ấy cô nghe thấy tiếng cây rì rào, tiếng cú kêu, cô bắt đầu sợ. Chợt cô nhìn thấy phía xa có ánh đèn lấp ló sau hàng cây. Cô nghĩ bụng chắc là ở đó có người, họ có thể cho mình ngủ nhờ qua đêm nay. Rồi cô nhắm hướng có ánh đèn mà đi. Chỉ một lát sau, cô đã tới một ngôi nhà, cửa sổ chiếu hắt ánh đèn ra. Cô gõ cửa. Một giọng khàn khàn từ trong nhà nói vọng ra:
– Cứ vào!
Cô bước lên nền nhà tối mò và gõ cửa buồng thì lại có tiếng người nói:
– Cứ vào đi!
Cô mở cửa. Ngồi bên bàn là một ông già tóc đã hoa râm, đầu gục trên hai bàn tay, chòm râu bạc phơ dài chấm gần đến đất. Nằm bên lò sưởi là ba con vật: một con gà mái, một con gà trống, và một con bò lông đốm sặc sỡ. Cô bé kể cho ông nghe chuyện mình, xin ông cho ngủ qua đêm. Ông hỏi mấy con vật:
Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
Mấy con vật đồng thanh trả lời:
– Đ… u… ú… c!
Như thế có nghĩa là: “Chúng tôi bằng lòng.”
Rồi ông cụ nói tiếp:
– Ở đây thứ gì cũng sẵn và nhiều, con hãy xuống bếp nấu bữa ăn tối cho chúng ta đi!
Cô bé xuống bếp, thấy quả thật là thức gì cũng thừa thãi, cô nấu một bữa ăn thật ngon, song cô không nghĩ tới việc nấu cho mấy con vật. Cô mang lên một thẫu đầy, đặt lên bàn, ngồi vào cùng ăn với ông cụ cho nguôi cơn đói. Khi đã ăn xong, cô hỏi:
– Giờ con đã mệt, xin cụ chỉ giùm giường ở đây, Con chỉ muốn đặt mình xuống là ngủ ngay.
Mấy con vật đồng thanh đáp:
Cô đã ăn với cụ ấy,
Cô đã uống với cụ ấy,
Chúng tôi, cô chẳng đoái hoài.
Giờ cô còn hỏi, nơi nào ngả lưng?
Ônh cụ bảo:
– Con cứ đi lên thang gác, con sẽ thấy một cái phòng có hai giường, nhớ giũ giường và trải giường bằng khăn trắng, rồi ta sẽ lên ngay, ta cũng muốn ngả lưng đi ngủ rồi.
Cô bé trèo lên, vừa mới giũ giường trải khăn xong là cô lăn ngay ra ngủ, không hề nhớ tới việc đợi ông vụ già.
Một lát sau, ông cụ tóc hoa râm lên, soi đèn thấy cô đã ngủ say rồi, ông cụ lắc đầu, mở một cái cửa hầm cho cô bé rơi xuống đó.
Mãi tới khuya, bác tiều phu mới về tới nhà. Bác trách bác gái đã để bác phải nhịn đói cả ngày.
Bác gái phân trần:
– Tôi đâu có lỗi? Con bé lớn nó đem bữa trưa cho mình. Chắc hẳn nó lạc trong rừng, mai nó sẽ về.
Trời vừa hừng sáng, bác tiều phu đã dậy để đi rừng, lần này bác bắt cô con gái thứ hai phải mang cơm trưa cho mình. Bác nói:
– Tôi đem theo một túi đậu. Hạt đậu to hơn hạt kê nên con gái dễ nhận ra hơn, nó không thể lạc đường được.
Đúng giữa trưa thì cô gái thứ hai mang đồ ăn cho cha. Nhưng cũng như ngày hôm trước, đậu đã bị chim rừng nhặt sạch không còn sót lấy một hạt. Cô bé lạc, đi loanh quanh trong rừng. Tới khi trời xẩm tối thì cô cũng tới căn nhà của ông cụ. Cô cùng vào xin ăn và xin trọ. Ông già có chòm râu bạc phơ quay lại hỏi ba con vật:
Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
Lần này cũng vậy, ba con vật đồng thanh đáp:
– Đ… u… ú… c!
Mọi việc xảy ra y hệt đêm hôm trước. Cô bé nấu một bữa cơm rất ngon, cùng ngồi ăn uống với ông cụ và cũng chẳng đoái hoài gì đến mấy con vật. Đến lúc cô hỏi chỗ ngủ, ba con vật đồng thanh đáp:
Cô đã ăn với cụ ấy,
Cô đã uống với cụ ấy,
Chúng tôi, cô chẳng đoái hoài.
Giờ cô còn hỏi, nơi nào ngả lưng?
Khi cô ngủ say, ông cụ lên, nhìn cô lắc đầu. Rồi ông cũng cho cô tụt xuống hầm.
Sáng ngày thứ ba, bác tiều phu dặn vợ:
– Bữa nay mình để con bé út mang đồ ăn cho tôi nhé. Con bé vốn tính hiền lành, nết na, đi đến nơi về đến chốn chứ không như các chị nó. Hai đứa ấy chẳng khác gì mấy con ong rừng, suốt ngày chỉ nhởn nhơ chạy quanh.
Người vợ không muốn vậy nên nói:
– Lại muốn tôi mất nốt đứa con gái tôi cưng nhất hay sao?
Chồng đáp:
– Khỏi phải lo! Con bé ấy thông minh và rất khôn, nó không lạc đâu. Hôm nay tôi đem theo đậu Hòa Lan để rắc dọc đường. Hạt đậu Hòa Lan to hơn nên con nó dễ nhận ra đường đi hơn.
Nhưng đến lúc cô bé xách làn ra đi thì lũ chim gáy đã nhặt hết đậu. Cô chẳng còn biết đường đi lối lại ra sao nữa. Cô lo lắm, lúc nào cũng nghĩ sợ cha bị bỏ đói, lo mẹ buồn phiền một khi cô không về.
Rồi tới khi trời tối, cô chợt thấy có ánh đèn. Cô đi theo hướng ấy thì tới ngôi nhà trong rừng. Cô nói rất lễ phép rằng cô muốn xin ngủ trọ qua đêm. Ông cụ già có chòm râu bạc phơ lại hỏi mấy con vật:
Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
– Đ… u… ú… c!
Chúng đồng thanh trả lời. Lúc ấy, cô bé bước tới bên lò sưởi, chỗ mấy con vật đang nằm, lấy tay vuốt nhẹ bộ lông óng mượt của gà mái và gà trống, rồi lại xoa đầu bò đốm hoa. Theo lời ông cụ dặn, cô đi nấu một bữa ăn ngon lành. Nấu xong, cô bưng thức ăn, bày lên bàn, rồi cô tự hỏi:
– Mình ăn cho no chán, để mấy con vật hiền lành tốt bụng rỗng có đành lòng không? Ở bếp thức ăn bày la liệt, mình phải cho chúng ăn nó cái đã.
Cô đi lấy lúa mạch vung cho gà mái, gà trống ăn, lấy cho bò một ôm rơm còn thơm mùi lúa. Cô thì thầm với mấy con vật:
– Mấy bạn thân mến của tôi. Chúc các bạn ăn ngon. Nếu khát, tôi sẽ kiếm nước mát để các bạn uống.
Rồi cô xách một thùng nước đầy mang vào cho chúng uống. Gà trống, gà mái nhảy ngay lên mép thùng, nhúng mỏ xuống nước rồi lại vươn cổ lên nom y hệt như chim uống nước, còn bò đốm hoa làm luôn một hơi dài thoải mái. Cho mấy con vật ăn uống xong xuôi, cô bé mới lại ngồi vào bàn ăn, ăn những thức ăn ông cụ để dành phần cô. Một lát sau, gà trống, gà mái bắt đầu rúc đầu dưới cánh và bò đốm hoa chớp mắt liên hồi. Đúng lúc đó, cô bé hỏi:
– Liệu giờ chúng ta đi nghỉ được chưa?
– Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
Mấy con vật đồng thanh đáp:
– Đ… u… ú… c!
Cô ăn với chúng tôi,
Cô uống với chúng tôi,
Cô nghĩ tới chúng tôi,
Chúc cô ngủ ngon giấc!
Cô đi lên thang gác, giũ gối, trải khăn mới xong xuôi đâu đấy thì ông cụ cũng đi lên, ngả lưng lên một chiếc giường, râu ông cụ dài chấm gót chân. Cô bé lên chiếc giường kia để ngủ.
Cô ngủ được một giấc ngon lành. Đến nửa đêm, bỗng nhà cửa rung chuyển làm cô thức giấc. Cả bốn góc nhà đều rung chuyển, kêu răng rắc, cánh cửa lớn cứ sập vào rồi lại mở ra, đập vàp tường rầm rầm. Xà nhà đung đưa như muốn rời khỏi mộng, gác như muốn sụp xuống. Rồi có tiếng ngói xô vào nhau như cả mái nhà muốn sập. Nhưng rồi tất cả lại yên tĩnh, cô bé thấy mình chẳng việc gì nên cứ nằm yên trên giường, nhắm mắt ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, trong ánh nắng chói chang, cô tỉnh dậy, thấy mắt mình như hoa lên. Kỳ lạ chưa? Cô thấy mình đang nằm trong một căn phòng lớn, mọi cảnh vật xung quanh trang hoàng vô cùng lộng lẫy như trong cung vua. Những cụm hoa bằng vàng nhô lên từ bức tường bọc toàn bằng lụa màu lá cây. Giường trạm trổ bằng ngà voi, chăn bọc nhung đỏ. Trên chiếc ghế kê bên giường là một đôi hài thêu điểm trân châu. Trong lúc cô còn đang ngỡ là mình nằm mơ thì có ba người hầu ăn mặc sang trọng bước vào, hỏi cô có sai bảo gì không.
Cô bảo họ:
– Các bác cứ ra đi, tôi dậy ngay bây giờ để nấu xúp cho ông cụ ăn, rồi còn cho chị gà mái tơ, anh gà trống, chị bò đốm hoa ăn nữa.
Cô nghĩ chắc ông cụ đã dậy rồi. Cô ngoảnh sang giường bên xem sao, nhưng nằm ở trên giường không phải là một ông cụ mà lại là một chàng trai nom rất lạ. Trong lúc cô còn đương mải ngắm nhìn người lạ mặt, trẻ đẹp kia thì người ấy bật dậy và nói với cô:
– Tôi chính là một hoàng tử bị một phù thủy độc ác phù phép biến ra thành một ông cụ già tóc bạc sống giữa rừng sâu với ba người hầu, cả ba đều bị mụ phù phép biến thành gà mái, gà trống và bò đốm hoa. Phép yêu ấy chỉ được giải khi nào có một người con gái tốt bụng tới đây, không những biết thương người mà biết thương cả các loài vật nữa. Và người con gái đó chính là nàng. Nửa đêm hôm qua chính nàng đã giải thoát cho chúng tôi, ngôi nhà cổ giữa rừng cũng đã trở lại nguyên hình là cung điện nguy nga ngày xưa.
Khi cả hai đã đứng dậy, hoàng tử bảo ba người hầu đi mời bố mẹ cô đến để làm lễ cưới.
Cô nói:
– Nhưng còn hai chị của thiếp giờ này ở đâu?
– Ta giam hai người đó ở dưới hầm nhà. Ngày mai hai người sẽ được dẫn vào trong rừng. Họ phải làm lụng cho một người đốt than cho tới khi nào họ sửa được lỗi, biết thương yêu các loài vật, không để chúng phải đói bụng.
170. Chia vui sẻ buồn
Ngày xửa ngày xưa có một bác phó may ưa cãi lộn với mọi người. Bà vợ thì chăm làm, hiền lành và tốt bụng, nhưng bà cũng chưa bao giờ được người chồng ưng ý. Bác phó may chẳng hài lòng một việc gì với vợ cả, cái gì bác cũng dúng mũi vào, vợ làm, chồng càu nhàu, chửi bới, túm tóc đánh vợ.
Cuối cùng thì quan trên cũng biết chuyện, cho đòi bác đến cửa quan, rồi bỏ tù để bác tự sửa mình. Sau một thời gian ăn bánh mì đen với uống nước lã, bác được thả ra. Bác hứa rằng sẽ không đánh vợ nữa, vợ chồng hòa thuận cùng nhau chia sẻ vui buồn, ăn ở sao cho phải nghĩa vợ chồng.
Sống hòa thuận với nhau được một thời gian, nhưng rồi bác lại tính nào tật ấy, hay càu nhàu, ưa cãi lộn. Vì không được phép đánh vợ nên bác bèn nắm tóc vợ giật. Người vợ gỡ được và chạy ra ngoài sân. Bác phó may cầm cả thước lẫn kéo đuổi theo, đuổi vợ chạy quanh, rồi ném cả thước lẫn kéo, vớ được gì ném nấy. Nếu ném trúng thì bác cười hô hố, ném trượt thì đuổi vợ càng hung hơn và còn la lối om xòm. Bác chạy đuổi vợ tới khi hàng xóm xô lại can mới chịu thôi. Quan trên lại cho đòi bác đến trình diện, nhắc hỏi bác lời hứa khi xưa. Bác thưa:
– Thưa quan tòa, tôi vẫn giữ lời hứa, tôi không đánh đập vợ tôi, tôi chỉ chia vui sẻ buồn với nhà tôi thôi.
Quan tòa hỏi:
– Thế nghĩa là thế nào? Vì sao mà vợ anh lại phải kêu kiện về anh?
– Thưa tôi không có đánh vợ, mà chỉ muốn lấy tay vuốt mái tóc, vì cô ấy có mái tóc đẹp tuyệt vời, chỉ có thế mà cô ta tránh né tôi, rồi còn bực dọc bỏ tôi mà đi, thế nên tôi mới chạy theo cô ấy, tiện tay vớ được gì ném theo nấy, cốt cho cô ấy một kỷ niệm thấy được ý tốt của tôi và đồng thời cũng nhằm nhắc nhở cô ấy làm nhiệm vụ của mình. Tôi chia vui sẻ buồn với cô ấy, nếu ném trúng cô ấy thì tôi vui mà cô ấy buồn, ném trượt thì cô ấy vui mà tôi buồn.
Quan tòa không thể hài lòng với câu trả lời ấy, bắt bác phải nộp tiền phạt xứng đáng với tội của mình.
172. Sự tích con cá thờn bơn
Đã lâu lắm rồi các giống cá sống hỗn độn trong thế giới dưới nước. Chẳng ai thèm chơi với ai, có con lúc thì bơi bên trái, lúc khác lại bơi bên phải, cứ tùy hứng mà bơi. Có con bơi đâm ngang hoặc đứng cản đường của cả một đàn cá. Con nào khỏe thì lấy đuôi đánh một cái là con yếu hơn phải dạt ngang một bên, cá lớn nuốt cá bé mà chẳng hề mảy may suy nghĩ.
Các giống cá đồng thanh nói:
– Nếu chúng ta có một ông vua thì hay biết chừng nào, vua sẽ dùng pháp luật để giữ công bằng trong chúng ta.
Chúng thống nhất là sẽ bầu con cá nào lướt bơi nhanh nhất làm chúa tể loài cá, chúng hy vọng chúa tể sẽ kịp thời đến cứu giúp những con yếu đuối.
Tất cả các loài cá bơi vào bờ xếp hàng. Cá măng vẫy đuôi ra hiệu, tất cả các loài cá đều xuất phát. Cá măng lao nhanh như tên bắn, theo sau là cá mòi, cá bống mú, cá măng rổ, cá chép cùng các loài cá khác. Thờn bơi cũng tham dự cuộc bơi với hy vọng cũng bơi được tới đích.
Bỗng nhiên có tiếng hô:
– Cá mòi dẫn đầu! Cá mòi dẫn đầu rồi!
Cá thờn bơn mình dẹt, vốn hay ganh ghét, bơi mãi phía sau, nghe vậy vội lớn tiếng tỏ bất bình:
– A… ai… dẫn… đầu?
– A… ai… dẫn… đầu?
Có tiếng đáp lại:
– Cá mòi, cá mòi.
Anh chàng tị nạnh lại la:
– Co… con mòi ranh con ấy à, co… con mòi ranh con ấy à.
Cũng vì lần ấy mà thờn bơn bị trời trừng phạt nên mồm mới méo như ngày nay.
173. Con chim vạc và chim dẻ quạt
Một người đàn ông hỏi ông già chăn bò:
– Bác hay cho bò ăn ở đâu?
– Ở chỗ này, nơi cỏ không được mỡ màng lắm nhưng cũng không thưa thớt và cứng; cả hai loại đều không tốt.
Người đàn ông lại hỏi:
– Tại sao lại không tốt?
Người mục đồng đáp:
– Ông có nghe thấy tiếng gọi ầm ì từ ngoài đồng cỏ vọng lại không? Đó là tiếng con chim vạc, ngày xưa nó cũng từng là mục đồng, và con chim rẻ quạt cũng vậy. Giờ tôi xin kể cho ông nghe sự tích câu chuyện:
“Con vạc chăn bò của mình trên cánh đồng cỏ màu mỡ có rất nhiều loài hoa mọc xen kẽ. Ăn cỏ ấy nên bò trở nên bướng bỉnh và dữ tợn. Rẻ quạt thì đánh bò lên ăn ở núi trọc cao tít, gió thổi cát bay suốt ngày, nơi ấy cỏ mọc thưa thớt và cứng nên bò của nó gầy còn ốm yếu.
Khi trời bắt đầu tối, khi những mục đồng khác chăn đàn bò của mình về nhà thì vạc ta loay hoay mà vẫn không gom được đàn bò của mình, lũ bò bướng bỉnh mỗi con đi một ngả. Vạc gọi:
– Bò khoang, quay lại!
Nhưng cũng vô ích, chúng chẳng thèm quay lại.
Còn rẻ quạt thì không sao thúc bò đứng dậy được, chúng quá mệt mỏi, ốm yếu. Rẻ quạt la:
– Hấp, hấp, hấp!
Nhưng chẳng ăn thua gì cả, chúng cứ nằm ì trên cát.
Nếu không biết chọn cỏ cho bò ăn sự thể sẽ như vậy. Mặc dù chúng không còn chăn bò nữa nhưng vạc vẫn kêu: “Bò khoang quay lại!” và rẻ quạt thì “Hấp, hấp, hấp!.”
174. Con cú
Hồi đó cách đây khoảng mấy trăm năm, khi con người còn chưa tinh khôn, ranh mãnh như chúng ta ngày nay, ở thị trấn kia đã xảy ra một chuyện lạ kỳ như sau:
– Tình cờ có một con cú thuộc giống cú lớn bay đi ăn đêm từ một khu rừng gần đó rồi lạc vào kho lúa và rơm của một gia đình kia. Đến sáng hôm sau, nó vẫn náu mình trong góc kho chẳng dám bay ra nữa vì sợ các giống chim khác thấy nó tất sẽ khiếp đảm mà kêu la ầm lên.
Khi trời đã rạng hẳn, người đầy tớ nhà kho ấy vào kho lấy rơm, hắn sợ hãi co cẳng chạy lên báo chủ là trong kho có một con quái vật suốt đời hắn chưa từng thấy bao giờ. Con quái vật đảo mắt lia lịa, chắc là nó nuốt chửng người ta dễ như chơi. Chủ nhà nói:
– Tao biết tính mày rồi! Mày chỉ có gan đuổi sẻ ngoài đồng, còn hễ thấy dù chỉ là một con gà mái đã chết lăn ra đó. Trước tiên mà cũng cứ đi kiếm gậy cầm lăm lăm trong tay rồi mới dám đến gần. Để tao thân chinh xuống xem con vật kỳ quái ấy hình thù thế nào?
Chủ nhà đứng phắt ngay dậy, hùng hổ vẻ can đảm lắm, đi thẳng xuống kho, tìm ngó quanh quẩn. Nhưng khi chính mắt bác nhìn thấy con vật lạ kỳ và gớm ghiếc kia thì hoảng sợ cũng chẳng kém gì người đầy tớ. Chỉ vài bước nhảy, bác đã ra khỏi nhà kho, chạy sang khẩn khoản xin hàng xóm cứu giúp chống lại con vật lạ kỳ nguy hiểm. Nếu không sẽ nguy cho cả thị trấn một khi con quái lọt được ra ngoài.
Khắp phố xá huyên náo, bàn tán về chuyện đó. Người người khắp mọi nơi đổ về, tay giáo, tay mác, tay liềm, tay hái, tay rìu, cứ như đi đánh giặc. Mấy vị trong tòa thị chính do viên thị trưởng dẫn đầu cũng có mặt. Đoàn người tụ tập ở bãi chợ để chỉnh đốn hàng ngũ, rồi nhất tề kéo đến vây kín kho. Tiếp đấy, một người dũng cảm táo tợn nhất trong đám đông, tay lăm lăm ngọn giáo, xông vào. Nhưng mới thấy con quái, hắn đã ù té chạy, mặt nhợt như da người chết, miệng lắp bắp không nói được lời nào. Thêm hai người nữa liều mình xông đến, nhưng cũng chẳng hơn gì người kia.
Mãi sau, có một người cao lớn, lực lưỡng bước ra. Anh nổi tiếng xưa nay vì những chiến công trong chiến trận. Anh nói:
– Các người chỉ nhìn suông thì làm sao đuổi được quái vật! Trong chuyện này, phải nghiêm túc mới được. Nhưng tôi thấy hình như các ông đã hóa thành loại đàn bà nhút nhát cả rồi thì phải, chẳng ai có gan đấu trí với cáo cả.
Anh đòi đem giáp, trụ, giáo, kiếm lại. Binh giáp đã sẵn sàng, mọi người đâm lo cho tính mạng anh, nhưng ai cũng khen anh là dũng cảm. Hai cánh cổng kho được mở và người ta thấy con cú đã bay lên đậu chính giữa một cái xà ngang rất lớn. Anh bảo đi lấy thang. Khi anh đặt thang xong, chuẩn bị trèo lên, ở bốn phía mọi người reo hò, cổ vũ anh, cầu thánh Gioóc, vị thánh đã giết rồng khi xưa phù hộ độ trì cho anh. Khi anh trèo sắp tới gần, con cú mới nhận ra là anh muốn trèo đến chỗ nó. Nó lại nhìn thấy đám đông người ở ngoài hô hoán huyên náo cả một vùng nên càng bàng hoàng, không biết trốn đi đâu. Mắt nó long lên, chớp liên tục, xù lông, giương cánh, cất giọng khàn khàn: “Cú… cú….” Đám đông hò hét khích lệ người anh hùng dũng cảm:
– Đâm đi, đâm luôn đi thôi!
Anh thanh niên đáp:
– Có giỏi cứ lên đây đứng, xem có còn dám hô “đâm đi” nữa không.
Thực ra anh cứ bước lên thêm được một nấc thang nữa, nhưng rồi toàn thân run rẩy. Anh rút lui trong tình trạng gần ngất xỉu.
Giờ không còn một ai dám dấn thân vào chỗ nguy hiểm ấy nữa. Mọi người bảo nhau:
– Con quái vật mới há mỏ, hà hơi thôi mà đã làm cho tráng sĩ cừ nhất của chúng ta trúng độc và bị thương rồi. Những loại như chúng ta dù có liều thân cũng chẳng được tích sự gì.
Họ đứng bàn tán, tìm xem có cách nào để cứu cả thị trấn khỏi đổ nát không. Tất cả mọi cách gần như không có hy vọng gì. Mãi sau, viên thị trưởng mới nghĩ ra một kế. Ông nói:
– Tôi nghĩ thế này: Ta đốt cả nhà kho cùng con quái vật kia. Rồi ta quyên góp tiền bồi thường cho chủ nhà cả kho lẫn rơm, lúa, cỏ, cùng những vật dụng để trong đó. Như vậy thì chẳng một ai phải liều thân nữa. Trong chuyện này không thể tính chi li được. Bủn xỉn chỉ mang hại cho chính mình.
Tất cả mọi người đều nhất trí như vậy. Mọi người, mỗi người một tay, châm lửa bốn góc nhà kho. Chẳng mấy chốc, nhà kho bị cháy rụi, con cú cũng bị chết thảm hại trong lò lửa.
Ai không tin chuyện kể, xin cứ đến đó mà hỏi.
175. Sự tích mặt trăng
Đất nước này có từ hồi mới khai thiên lập địa, ở đây ban đêm trời tối đen như mực, vì chẳng có trăng, sao chiếu sáng, bầu trời như một tấm thảm đen bao trùm khắp đất nước.
Một ngày kia có bốn chàng trai ở đất nước này rủ nhau đi chu du thiên hạ, họ tới một vương quốc khác, ở đây, sau khi mặt trời khuất núi thì thấy xuất hiện một quả cầu sáng dịu treo trên một cây sồi cổ đại. Ánh sáng tỏa chiếu khắp đất nước. Tuy không chói chang như ánh sáng mặt trời, nhưng dưới ánh sáng dịu ấy người ta cũng có thể nom rõ và phân biệt mọi vật.
Mấy khách bộ hành dừng chân đứng ngắm, họ hỏi một người nông dân đánh xe ngựa đi ngang, vật sáng đó là cái gì. Người kia đáp:
– Đó là mặt trăng. Ông trưởng thôn của chúng tôi mua ba Thalơ và đem treo ở đó. Hàng ngày ông ta phải đổ dầu và lau cho sạch để nó cháy đều và phát ra ánh sáng dịu. Ông ta nhận tiền công mỗi tuần một Thalơ.
Khi người nông dân đã đi khuất, một người trong bọn khách bộ hành nói:
– Loại đèn như thế này chắc chúng ta cũng cần, ở quê hương chúng ta cũng có một cây sồi cổ đại, chúng ta có thể treo nó lên cây. Vui sướng biết bao khi chúng ta không còn phải mò mẫm đi trong đêm.
Người thứ hai nói:
– Các anh có biết không, những người ở đây có thể đi mua cái khác về treo, chúng ta hãy mau mau lấy xe và ngựa chở ngay mặt trăng này đi.
Người thứ ba nói:
– Tôi trèo cây giỏi, để tôi trèo lên lấy nó xuống.
Người thứ tư dẫn xe và ngựa tới. Người thứ ba trèo lên cây, khoan một lỗ xuyên qua mặt trăng, lấy dây thừng xỏ buộc lại rồi thả nó xuống.
Khi quả cầu lóng lánh kia đã nằm gọn trên xe, họ lấy khăn phủ lên để cho không ai biết chuyện, họ lấy mặt trăng đem đi.
Họ đem được mặt trăng về nước mình một cách yên ổn và treo nó lên trên ngọn cây sồi cao. Ánh trăng chiếu sáng khắp cánh đồng, trong nhà ngoài ngõ tràn ngập ánh trăng, già trẻ lớn bé đều vui mừng. Những người tí hon đua nhau ra khỏi hang động để thưởng thức trăng, và trên thảo nguyên các thổ công xúng xính trong bộ quần áo đó cùng nhau dung dăng dung dẻ nhảy múa vòng tròn.
Bốn người hàng ngày lo đổ dầu, lau bồ hóng hàng tuần được lãnh tiền công.
Nhưng rồi cùng với năm tháng, họ trở nên già nua. Khi người thứ nhất ốm, biết mình không qua khỏi nên căn dặn mọi người mình muốn lấy một phần tư mặt trăng đem theo xuống chín suối. Sau khi người này chết, trưởng thôn trèo lên cây, lấy chiếc kéo tỉa cây cắt lấy một phần tư mặt trăng, đặt nó vào trong quan tài của người quá cố. Ánh trăng tuy không sáng như trước nhưng ít người nhận thấy điều đó. Khi người thứ hai qua đời, một phần tư khác cũng được cắt chia cho người đó. Ánh trăng không còn sáng tỏ nữa. Nhưng khi người thứ ba chết, một phần tư nữa lại bị cắt chôn theo cùng, giờ đây ánh trăng mờ ảo. Đến khi người thứ tư xuống mồ thì phần tư cuối cùng cũng được lấy xuống chôn cùng người quá cố. Giờ đây ban đêm lại tối đen như mực như khi trước kia. Mỗi khi đi đêm mọi người lại phải mang theo đèn nếu không thì lại cụng đầu vào nhau.
Ở dưới địa ngục lúc nào cũng tối tăm, bốn mảnh trăng kia được ghép lại thành một quả cầu sáng. Ánh trăng không chói chang như mặt trời, mà là ánh sáng dịu nên rất hợp với những cặp mắt của những người ở dưới địa ngục, họ động đậy, rồi thức tỉnh khỏi cơn ngủ triền miên. Họ vươn vai đứng dậy, trở nên vui tính và lại tiếp tục những nhịp điệu sống cũ của mình. Một số lại đi cờ bạc, nhảy múa, số khác lại đến các quán rượu vòi rượu uống, khi đã ngà ngà say thì bắt đầu cãi lộn làm huyên náo cả vùng, tiếp đến là rút gậy ăn mày ra đánh nhau. Tiếng huyên náo bởi cãi nhau và đánh lộn ngày càng to và vang xa, nó vang lên đến tận thiên đình.
Thánh Pétrus có nhiệm vụ canh giữ cổng trời nghe thấy huyên náo nghĩ rằng dưới địa ngục có nổi loạn. Thánh thổi tù và báo động tập hợp quân lính phòng khi quân ô hợp dưới địa ngục kéo lên thì đánh đuổi chúng xuống. Đợi mãi nhưng không thấy chúng kéo lên. Thánh Pétrus lên ngựa và phóng qua cửa trời xuống dưới địa ngục. Thánh dẹp yên và ra lệnh ai về mộ người ấy. Dẹp xong, thánh lấy mặt trăng đem theo về trời. Vì vậy mặt trăng treo trên trời như ngày nay chúng ta thấy.
176. Tuổi thọ
Thượng đế sinh ra muôn loài và ngài cũng muốn ban tuổi thọ cho chúng. Con lừa bước tới hỏi:
– Xin tâu thượng đế, con sống bao nhiêu năm?
Thượng đế trả lời:
– Ba chục năm, thế ngươi đã hài lòng chưa?
Lừa than van:
– Xin thượng đế rủ lòng thương, đó quả thật là một thời gian quá dài đối với cuộc sống đầy vất vả của con: Từ sáng sớm đến tận đêm khuya lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, hết thồ lại kéo xe lúa mì đi xay bột để cho những người khác ăn bánh mì, còn mình thì luôn luôn được thăm hỏi, bồi dưỡng bằng roi vọt và những cái đạp chân. Xin giảm cho con ít năm.
Thượng đế động lòng thương, giảm xuống cho còn có 18 năm.
Được an ủi, lừa vừa đi khỏi thì chó tới trình. Thượng đế hỏi:
– Ngươi muốn sống bao lâu? Đối với con lừa ba mươi năm là quá nhiều, nhưng có lẽ như vậy đối với ngươi là vừa.
Chó thưa:
– Xin thượng đế rủ lòng thương, đó chẳng phải là ý con, con suốt ngày chạy, chân con chắc không chạy nổi ngần ấy năm trường, khi răng con không còn nữa, sủa không ra tiếng, lúc bấy giờ con chỉ còn mỗi cách là chạy quanh xó nhà gầm gừ.
Thượng đế nghe thấy chó nói cũng có lý và giảm xuống còn 12 năm.
Tiếp đến là con khỉ. Thượng đế nói:
– Ngươi có thích sống ba mươi năm không? Ngươi chẳng phải làm lụng vất vả như lừa và chó, lúc nào cũng ăn ngon mặc đẹp.
Khỉ đáp:
– Muôn tâu Thượng đế, nhìn bề ngoài thì thế thật, nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Con lúc nào cũng gặp phải rủi ro. Con luôn luôn phải cau mày, nhăn mặt làm trò tiêu khiển mua vui cho thiên hạ. Nếu có được quả táo họ ném cho, cắn ăn thì té ra quả táo chua. Đằng sau những bông đùa ấy thường là những cay đắng buồn tủi. Chắc con chẳng sống được tới lúc ấy.
Thượng đế vốn tính thương người nên tha thứ cho, giảm xuống còn 10 năm.
Trình diện cuối cùng là con người. Với dáng khỏe mạnh, vui tươi, con người xin Thượng đế ban cho tuổi thọ. Thượng đế nói:
– Ngươi sẽ sống ba mươi năm. Thế đã đủ chưa?
Con người kêu phàn nàn:
– Quả là một thời gian ngắn ngủi! Khi con mới xây nhà xong và còn đang nhóm lửa ở trong căn bếp vừa mới làm xong, khi những cây con trồng vừa mới ra hoa kết quả vụ đầu, khi ấy con mới được sung sướng để ngắm sự đời, chính lúc ấy con lại phải từ giã cuộc đời. Xin Thượng đế tăng thêm tuổi thọ.
Thượng đế nói:
– Ta cho người thêm 18 năm của lừa.
– Dạ thế vẫn chưa đủ.
– Cho ngươi thêm mười hai năm của chó.
– Thế vẫn quá ít.
– Được, ta cho ngươi thêm mười năm của khỉ, nhưng hơn nữa thì không được.
Con người ra đi nhưng trong lòng vẫn chưa được thỏa mãn.
Thế là con người sống 70 năm, 30 năm đầu là những năm làm người, những năm tháng ấy trôi qua nhanh chóng, đó là lúc con người còn khỏe mạnh, vui tươi, hay làm việc, biết vui với đời. Tiếp đến là 18 năm lừa, lúc đó phải cáng đáng hết gánh nặng này đến gánh nặng khác. Sau đó là 12 năm chó, lúc bấy giờ chỉ nằm ru rú trong xó nhà mà càu nhàu suốt ngày vì chẳng còn răng mà nhai. Nếu như những năm ấy trôi qua, còn lại đoạn kết cuộc đời là 10 năm của khỉ. Lúc bấy giờ phần lớn đã trở nên lẩm cẩm.
177. Sứ giả thần chết
Cách đây hàng ngàn vạn năm, có lần một người khổng lồ đang đi trên đường, bỗng từ đâu tới không biết, có một người lạ mặt đi ngược chiều xuất hiện và gọi:
– Dừng lại ngay! Không được bước thêm một bước nào nữa!
Người khổng lồ ngạc nhiên và đáp:
– Ái chà, quân nhãi nhép mà cũng đòi ra lệnh à, ta chỉ cần dùng hai ngón tay kẹp chặt ngươi vào giữa là ngươi đủ chết bẹp rồi, ngươi là ai mà dám mở mồm nói những điều ngớ ngẩn như vậy? Lại còn dám đứng cản đường đi của ta?
Người kia đáp:
– Ta là thần chết, chẳng một ai có thể cưỡng lại ta, ngươi cũng vậy thôi, lắng nghe ta ra lệnh đây.
Người khổng lồ không chịu tuân theo và xông vào đánh nhau với người kia. Hai bên vật nhau quyết liệt, không bên nào chịu thua bên nào. Nhưng rồi Thần chết đuối sức, bị khổng lồ đấm cho những cú đấm như trời giáng. Thần chết loạng quạng, cuối cùng nằm sóng xoài bên cạnh một tảng đá, người khổng lồ lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Thần chết nằm đó, sức cùng lực kiệt, không còn đủ sức để gượng dậy nữa. Thần chết lẩm bẩm:
– Mọi việc sẽ ra sao, nếu mình nằm đây? Sẽ chẳng có ai chết nữa, trên trần gian này sẽ chật ních những người là người, người sẽ đông đến mức không còn chỗ mà đứng nữa chứ chẳng chơi.
Giữa lúc đó có một chàng trai dáng tươi cười hớn hở đi tới, mồm hát mắt liếc ngang liếc dọc. Nhìn thấy có người nằm ở bên đường, chàng trai đi lại gần, thấy thương hại người kia, nhấc người đó dậy và cho anh ta uống một hơi rượu mạnh. Tới khi thấy người đã tỉnh, kẻ được cứu giúp kia mới cất tiếng nói:
– Anh bạn có biết là anh bạn đã giúp ai không, anh bạn có biết tớ là ai không nào?
Chàng trai đáp:
– Không, không biết anh là ai.
Người kia nói tiếp:
– Ta là thần chết, ta không có quên ai cả, đối với anh bạn cũng như vậy, không có ngoại lệ. Để tỏ lòng cám ơn anh đã giúp ta, ta hứa sẽ không đến bất chợt kéo anh đi, mà ta sẽ cử sứ giả tới báo trước, rồi ta mới tới để bắt anh đi.
Chàng trai nói:
– Thế thì hay đấy, biết được anh bạn lúc nào sẽ tới đón đi thì còn gì hay bằng.
Rồi chàng trai lại tiếp tục đi, vừa đi vừa hát, không hề biết lo âu sầu muộn là gì cả.
Tuổi thanh xuân cũng trôi đi nhanh chóng, tuổi già ập tới cùng với bệnh tật đau yếu, chúng dày vò dằn vặt ban ngày và làm cho mất ngủ về ban đêm. Chàng trai khi xưa giờ đây đã là một ông già. Ông tự nhủ mình:
– Ta không thể chết được, những ngày khó chịu vì bệnh tật và đau yếu rồi cũng phải qua. Thần chết chỉ đến gọi đi, khi đã cho sứ giả đến báo trước.
Những ngày bị dày vò dằn vặt vì bệnh tật và già yếu kia cũng trôi qua, ông già thấy mình lại khỏe mạnh, những ngày kế tiếp ông lại sống trong niềm vui và hạnh phúc.
Rồi bỗng một ngày kia, có người vỗ vai ông, quay lại xem thì ông thấy đúng là Thần chết đang đứng sau mình, Thần chết nói:
– Giờ hãy đi theo ta, giờ vĩnh biệt trần gian của người đã điểm.
Ông già ngạc nhiên nói:
– Sao lại thế nhỉ? Ngươi định thất hứa hay sao? Chính ngươi có hứa, trước tiên ngươi cho sứ giả tới báo khi nào ngươi tới gọi đi, nhưng ta chưa thấy sứ giả nào tới báo cả.
Thần chết đáp:
– Lặng im nghe ta nói, ta đã liên tiếp cho sứ giả tới, ngươi đã bị những cơn sốt hành hạ, ngươi mất ăn mất ngủ, ngươi gầy rộc đi một cách thảm hại, ngươi đã bị những cơn choáng váng trong đầu, những cơn đau khắp mình mẩy làm cho ngươi đứng ngồi không yên, tiếp theo là những cơn đau răng hết ngày này đến ngày khác, đau răng kèm theo ù tai, nhức óc làm cho ngươi thấy tối sầm cả mặt mày. Tất cả những cái đó chính là sứ giả của ta, nó làm cho ngươi ngày không ăn, đêm không ngủ, chính nó làm cho ngươi nhớ tới ta. Ngươi còn nhớ không, có những ngày đêm nằm ngươi tưởng chừng sẽ qua đời trong đêm ấy?
Người kia chẳng còn biết nói năng sao nữa, đành nhắm mắt đưa chân đi theo Thần chết.