Có một người nông dân nghèo nhưng đông con, con nhiều tới mức chẳng còn ai là chưa đứng ra làm cha đỡ đầu cho con của gia đình nông dân này.
Khi lại có thêm một đứa nữa chào đời, bác nông dân đâm ra lo buồn, chẳng biết nhờ ai làm cha đỡ đầu cho đứa bé. Trong lúc lo nghĩ như vậy thì bác ngủ thiếp đi. Trong lúc ngủ bác nằm mơ, người lạ mặt đầu tiên mà bác gặp ở cổng thành thì nên mời làm cha đỡ đầu.
Khi thức giấc, bác nghĩ có lẽ mình cứ làm đúng như trong giấc mơ. Bác ra khỏi nhà, đi tới cổng thành. Gặp người lạ mặt đầu tiên, bác năn nỉ họ làm cha đỡ đầu. Người lạ mặt tặng bác nông dân một ly nước và nói:
– Đây là ly nước kỳ diệu. Bệnh nhân uống vào sẽ khỏe lại. Nhưng phải nhìn xem, thần chết đứng chỗ nào. Nếu thần chết đứng ở phía đầu bệnh nhân thì hãy đưa nước này cho uống. Con bệnh sẽ khỏe lại. Nếu như thần chết đứng ở phía dưới chân bệnh nhân thì có chạy chữa thuốc men cũng vô ích. Con bệnh chắc chắn sẽ chết.
Từ đó trở đi, bác nông dân trở nên nổi tiếng, bác chữa được cho nhiều người khỏi bệnh và kiếm được rất nhiều tiền.
Có lần con nhà vua ốm nặng, bác được triệu tới. Tới nơi, bác thấy thần chết đứng ở phía đầu con bệnh, bác cho uống nước, con bệnh khỏe lại. Lần thứ hai cũng vậy. Nhưng tới lần thứ ba, thần chết đứng ở phía dưới chân con bệnh, lần này đành để con bệnh chết.
Lần ấy, bác nông dân muốn tới thăm cha đỡ đầu của con và nhân tiện kể chuyện chữa bệnh bằng nước kia.
Vừa mới bước vào nhà, bác đã thấy cảnh tượng lạ kỳ. Ở bậc thang thứ nhất thì chổi và xẻng đang đánh nhau dữ dội, ném đủ mọi thứ vào nhau. Bác hỏi chúng:
– Ông chủ cha đỡ đầu ở chỗ nào?
Chổi đáp:
– Ở bậc thang trên.
Khi bước lên tới bậc thang thứ hai, bác thấy một đống ngón tay đã chết. Bác lại hỏi:
– Ông chủ cha đỡ đầu ở chỗ nào?
Một ngón tay cất tiếng:
– Ở bậc thang trên.
Lên tới bậc thang thứ ba, bác thấy toàn sọ người, chúng bảo bác cứ lên bậc thang nữa.
Lên tới bậc thang thứ tư, bác thấy toàn cá là cá. Chúng bơi lượn trong chảo mỡ và tự rán mình (chiên mình). Chúng nói:
– Lên một bậc nữa.
Khi bước lên bậc thang thứ năm, bác bước tới trước một căn phòng và ngó vào trong qua lỗ chìa khóa. Bác thấy cha đỡ đầu có cặp sừng dài. Khi bác mở cửa bước vào thì cha đỡ đầu nhảy vội lên giường đắp chăn. Bác nông dân hỏi cha đỡ đầu:
– Thưa cha đỡ đầu, sao cảnh nhà nom kỳ lạ vậy? Ở bậc thang thứ nhất thì chổi và xẻng cãi lộn và đánh nhau dữ dội.
– Bác sao ngây thơ vậy, thằng ở và con hầu, chúng đứng nói chuyện với nhau mà.
– Ở bậc thang thứ hai thì toàn ngón tay chết khô.
– Bác khờ khạo quá, đó là đống rễ cây đấy.
– Ở bậc thang thứ ba thì toàn sọ người.
– Quân ngô nghê, đấy là đống bắp cải.
– Ở bậc thang thứ tư tôi thấy cá bơi trong chảo và tự chiên mình.
Bác vừa nói xong thì cá ở đâu bay tới.
– Tới bậc thang thứ năm, ngó qua lỗ khóa tôi thấy cha đỡ đầu có hai cái sừng dài.
– Ái chà, sao lại có chuyện thế nhỉ!
Lúc này bác nông dân đâm hoảng sợ, chạy ngay khỏi nhà cha đỡ đầu. Ai mà biết được, bác có bị sao không.
Thẻ: Grimm
43. Bà Trude
Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé bướng bỉnh và hiếu động. Cô không nghe lời cha mẹ: Các bạn có biết cô bé như thế nào không? Mời các bạn nghe câu chuyện sau.
Một ngày kia cô nói với bố mẹ:
– Con nghe kể nhiều về bà Trude, con muốn đến chỗ bà ấy, mọi người kể rằng, ở nhà bà mọi thứ đều lạ kỳ, bí ẩn. Con rất muốn được xem tận mắt.
Bố mẹ cấm cô rất nghiêm ngặt và còn dặn:
– Bà Trude rất độc ác, toàn làm những điều ma quỷ. Con không được tới đó, nếu con đi thì con không phải là con của cha mẹ nữa.
Cô bé vẫn không nghe lời cha mẹ, tự ý đi đến chỗ bà Tơruđơ.
Thấy cô bé tới, bà Trude hỏi:
– Sao con lại xanh xám cả mặt mày thế?
Cô bé run rẩy đáp:
– Trời ơi, những vật mà con nhìn thấy làm con sợ hết hồn.
– Thế con nhìn thấy cái gì?
– Ở bậc cửa nhà, con nhìn thấy một người đàn ông đen như than.
– Đó chính là người chuyên đốt củi lấy than.
– Rồi con lại nhìn thấy một người đàn ông xanh như màu lá.
– Đó là một người thợ săn.
– Sau đó con lại nhìn thấy một người đàn ông màu đỏ chói.
– Đó là ông mổ bò.
– Trời, sao nhìn qua cửa sổ con không thấy bà, con chỉ thấy hình một con quỷ có cái đầu đỏ như lửa đang cháy.
Bà Trude nói:
– Ái chà chà, thế thì con nhìn thấy dung nhan thật của mụ phù thủy rồi. Ta đợi con đã từ lâu và mong con đến. Nay ta đã rõ con là người thế nào.
Bà biến cô bé thành một khúc gỗ và ném vào lửa. Khi khúc gỗ bùng cháy, bà ngồi bên cạnh lửa để sưởi ấm và nói:
– Giờ thì ta đã rõ mọi việc!
44. Thần chết đỡ đầu
Ngày xưa có một người đàn ông nghèo có mười hai người con. Bác phải làm ngày làm đêm để kiếm cho đủ tiền nuôi chúng. Khi đứa con thứ mười ba ra đời, bác không biết xoay xở thế nào nữa trong cảnh bần hàn. Bác đành chạy ra đường cái, người nào gặp đầu tiên, bác sẽ nhờ người đó làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ. Người bác gặp đầu tiên là Đức Chúa Trời. Người biết ý định của bác nên nói ngay:
– Ta thấy ngươi tội nghiệp mà động lòng thương. Ta muốn làm cha đỡ đầu cho cháu, chăm sóc nó, để nó được sung sướng.
Người ấy hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là Đức Chúa Trời.
– Thế thì tôi không muốn để ông đỡ đầu cho con tôi, vì ông chỉ phò người giàu sang, bỏ mặc kẻ nghèo khó đói rét.
Thế là bác quay đi, đi tìm người khác. Bỗng có một con quỷ xuất hiện, nó hỏi người đàn ông:
– Bác tìm gì nào? Bác có muốn ta đỡ đầu cho đứa con bác không? Ta cho nó của cải châu báu để nó giàu nứt đố đổ vách, được hưởng mọi khoái lạc trên đời.
Người kia hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là quỷ.
– Thế thì tôi không muốn ông đỡ đầu cho con tôi, ông chuyên môn lừa dối và quyến rũ mọi người.
Bác lại tiếp tục đi. Bỗng thần chết chân tay khẳng khiu từ đâu bước tới bảo bác:
– Để ta đỡ đầu cho con bác nhé!
Người kia hỏi:
– Ông là ai?
– Ta là thần chết, ta coi ai cũng như ai.
Người kia liền nói:
– Bác công bằng, không phân biệt người giàu kẻ nghèo, cứ đến lượt là bác gọi. Vậy xin bác đỡ đầu cho con tôi.
Thần chết nói:
– Ta sẽ làm cho con bác giàu sang phú quí như ta đã từng giúp bạn bè của ta.
– Đến chủ nhật sau tôi sẽ làm phép rửa tội cho cháu, ông nhớ đến đúng hẹn nhé!
Như đã hứa, đúng hẹn Thần chết đến và làm hết mọi việc của người cha đỡ đầu.
Khi thằng bé đã khôn lớn, một hôm cha đỡ đầu đến gọi bảo nó đi theo. Cha đỡ đầu dẫn nó vào rừng chỉ cho nó một loại cây thuốc và dặn:
– Giờ con sẽ nhận được món quà của cha đỡ đầu của con. Ta sẽ làm cho con trở thành một thầy thuốc lừng danh. Mỗi lần con đi thăm bệnh thì ta sẽ hiện đến. Nếu con thấy ta đứng ở phía đầu bệnh nhân, con có thể nói chắc chắn rằng, con chữa cho họ qua khỏi, và con lấy cây thuốc này mà điều trị. Nhưng nếu ta đứng ở phía chân họ, điều đó có nghĩa là ta bắt họ đi. Con cứ việc nói cho họ biết rằng, dù có tìm mọi cách chạy chữa đi chăng nữa cũng vô ích. Không có một thầy thuốc nào ở trần gian chữa khỏi. Nhưng con phải cẩn thận, chớ có ngược ý ta, nếu không sẽ lụy đến thân.
Chẳng bao lâu, chàng thanh niên đã là một thầy thuốc lừng danh bốn phương trời: “Chỉ thoáng nhìn thấy bệnh nhân, thầy đã có thể nói chắc chắn là bệnh nhân sẽ lành phục hay sẽ chết!.”
Tiếng lành đồn xa, từ khắp mọi nơi người ta kéo đến mời thầy, biếu tạ thầy vàng bạc, vì vậy nên chẳng bao lâu sau thầy trở nên một người giàu có.
Lúc bấy giờ nhà vua lâm bệnh. Thầy được mời tới xem liệu bệnh tình còn cứu chữa được nữa hay không. Khi thầy bước tới bên giường bệnh nhân thì Thần chết đã đứng ở phía chân. Như vậy là không thuốc nào trị được nữa. Thầy nghĩ, giá mình có đánh lừa thần chết lần này thì chắc Người bực lắm, nhưng vì là cha đỡ đầu của mình nên có lẽ Người sẽ nhắm mắt làm ngơ. Vậy mình cứ liều thử cái xem. Rồi thầy đặt bệnh nhân quay đầu lại, và cho nhà vua uống cây thuốc, vua thấy người tỉnh lại, khỏe lên và khỏi bệnh.
Thần chết tối sầm mặt lại, hầm hầm đến chỉa ngón tay trỏ vào mặt thầy lang mà la mắng:
– Mày đã lừa ta. Lần này thì ta lượng thứ tha cho vì mày là con đỡ đầu của ta. Nhưng nếu mày còn liều lĩnh như vậy lần nữa, dù gươm có kề cổ, đích thân ta sẽ bắt ngươi đi.
Ít lâu sau, công chúa ốm nặng. Vì vua chỉ sinh được một mình công chúa nên khóc đêm, khóc ngày đến nỗi mù cả hai mắt. Vua ra chiếu chỉ, ai chữa cho công chúa khỏi bệnh sẽ được làm phò mã và nối ngôi vua. Khi thầy thuốc tới bên giường bệnh nhân thì thoáng thấy Thần chết đã đứng ở phía chân. Lẽ ra thầy phải nhớ tới lời nhắc nhở của cha đỡ đầu, nhưng vì công chúa đẹp tuyệt trần, vì sẽ được làm phò mã nên thầy lấp lú quên hết. Thầy không hề trông thấy Thần chết đang đứng quắc mắt, giơ nắm đấm cảnh cáo thầy. Thầy nâng bệnh nhân lên, quay đầu lại phía Thần chết, rồi cho uống cây thuốc. Lập tức hai má công chúa lại ửng hồng, sức xuân mơn mởn.
Lần thứ hai bị lừa, Thần chết rảo bước về phía thầy lang và bảo:
– Thế là mày hết đời. Giờ thì đến lượt mày chết.
Thần chết đưa bàn tay lạnh giá túm chặt lấy thầy lang, khiến thầy hết đường cựa quậy. Thần chết điệu thầy đến một cái hang ở dưới âm phủ. Thầy lang thấy hằng hà sa số đèn lớn, đèn nhỏ đang cháy: lớn có, nhỡ có, nhỏ có. Khi có một số ngọn tắt lụi thì lập tức có những ngọn đèn khác bừng sáng lên, muôn nghìn ngọn lửa thay nhau tắt, sáng trông tựa như đèn cù.
Thần chết nói:
– Mày thấy chưa? Đó là những ngọn đèn sinh mệnh của con người. Những ngọn của trẻ con cháy lớn, những ngọn nhỡ là của những cặp vợ chồng đang xuân, những ngọn nhỏ là của các cụ già. Nhưng cũng có những ngọn đèn sinh mệnh của trẻ em và thanh niên mà chỉ có ít ánh sáng.
Thầy lang tưởng ngọn đèn sinh mệnh của mình còn to nên nói:
– Xin Thần chỉ cho con ngọn đèn sinh mệnh của con.
Thần chết chỉ vào ngọn đèn rất nhỏ, ánh sáng chập chờn như sắp tắt và nói:
– Mày đã thấy chưa, ngọn đèn của mày đấy.
Thầy lang khiếp sợ nói:
– Trời ơi, cha kính yêu, cha hãy thương con, thắp cho con ngọn đèn mới khác để con được hưởng cuộc đời của con, được lấy nàng công chúa xinh đẹp, được lên làm vua.
Thần chết trả lời:
– Điều đó ta không làm được, vì phải có ngọn đèn này tắt trước thì mới thắp ngọn khác lên được.
Thầy lang khẩn khoản:
– Xin cha ghép chiếc đèn cũ của con với một ngọn đèn mới cháy để đèn con cháy tiếp tục.
Thần chết làm ra bộ chiều ý con đỡ đầu, với tay lấy một ngọn đèn to mới cháy lại phía mình. Nhưng trong thâm tâm Thần muốn trả thù, nên trong lúc chuẩn bị ghép đèn, Thần cố tình đánh rơi chiếc đèn nhỏ xuống đất, đèn tắt ngấm. Thầy lang lăn ra đất và bị Thần chết bắt đi.
45. Cuộc ngao du của tí hon
Một bác thợ may có đứa con trai, người chỉ bằng ngón tay cái, nên mọi người gọi là Tí Hon. Nhưng bé hạt tiêu, Tí Hon rất can đảm. Một hôm nó thưa bố:
– Bố ơi, con phải đi ngao du thiên hạ một phen mới được.
Ông bố nói:
– Được thôi, con ạ.
Bác lấy kim thêu, hơ lên lửa gắn vào kim một cái núm bằng xi để làm đốc kiếm, rồi đưa cho con và nói:
– Đây, con cũng có kiếm để hộ thân dọc đường!
Tí Hon còn muốn ăn với bố mẹ một bữa nữa, nên nó nhảy chạy xuống bếp xem mẹ nấu gì trước buổi chia tay. Nồi vừa mới đặt lên bếp, Tí Hon hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, hôm nay cho ăn gì thế?
Mẹ bảo:
– Con cứ ngó xem là gì?
Tí Hon nhảy tót lên thành bếp, vươn cổ dòm vào nồi. Nó nhoai người và vươn cổ vào sâu quá nên bị hơi nước bốc lên từ nồi cuốn luôn nó lên ống khói. Nó bị cuốn theo hơi nước, chới với lơ lửng mãi trên không, lúc lâu sau mới rơi xuống.
Thế là chú bé con bác thợ may có dịp đi ngao du thiên hạ. Rồi đến xin tập việc ở một người thợ cả. Nhưng ở đây họ cho chú ăn chẳng được ngon. Chú nói với bà chủ nhà:
– Bà chủ à, mai bà không cho tôi ăn khá hơn, tôi sẽ đi nơi khác, lấy phấn viết trước cửa: “Khoai quá nhiều, thịt quá ít. Xin chào vua khoai tây.”
Bà chủ giận lắm, quát:
– Con châu chấu ranh kia, mày còn muốn gì hử?
Bà rút cái giẻ lau định quất chú. Chú phó nhỏ đã lẹ bò lên cái bao ngón tay của bà, từ đó nó dòm xuống, thè lưỡi nhạo bà chủ.
Bà tháo bao định chộp chú thì chú nhảy tót sang cái giẻ lau. Thừa lúc bà rũ giẻ tìm chú, chú trốn sang bàn kế, thò đầu lên giễu bà:
– Hô, hô, bà chủ ơi.
Lúc bà sắp đánh, chú lẩn xuống ngăn kéo. Nhưng rồi bà cũng tóm được chú và tống chú ra khỏi cửa.
Tí Hon lại đi lang thang và đến cánh rừng lớn kia ở đó chú gặp bọn kẻ trộm đang bàn nhau đi ăn trộm châu báu của nhà vua. Trông thấy Tí Hon chúng nảy ra ý nghĩ:
– Nhỏ xíu như nó nhất định chui lọt lỗ khóa, có thể dùng nó như chìa khóa giả được.
Một tên gọi:
– Này, ông khổng lồ Gôliát ơi, có muốn nhập bọn đến kho báu không? Ông có thể chui vào ném tiền ra cho bọn mình.
Tí Hon nghĩ một lát rồi bằng lòng nhận, đi cùng với chúng tới kho báu. Đến nơi chú ngắm kỹ cửa trên cửa dưới xem có kẽ hở nào không. Chú tìm thấy một khe hở khá rộng, đủ cho chú lọt qua. Chú đang chui vào thì bị một trong hai tên lính canh cửa nhìn thấy. Nó bảo tên kia:
– Nhện chi mà gớm ghiếc chưa, tao phải giẫm chết nó mới được.
Tên kia can:
– Để nó đi. Nó có làm gì mày đâu.
Thế là Tí Hon chui tiếp qua khe hở vào trong kho. Chú mở cửa sổ nơi bọn trộm đang đứng đợi, và ném tiền vàng ra tới tấp cho chúng. Đang lúc mê mải ném tiền, chợt có tiếng chân vua vào soát kho Tí Hon vội bò ra. Vua thấy kho bạc vơi đi, nhưng không hiểu ai đã lấy trong khi khóa cửa, then cài không có chút dấu hiệu suy suyển. Vua đi ra và ra lệnh cho hai lính gác:
– Phải canh chừng, có kẻ rình lấy tiền đấy!
Khi Tí Hon quay trở vào tiếp tục ném tiền ra, hai tên lính đứng ngoài rình, nghe thấy tiếng tiền vàng rơi lách cách, lách cách. Chúng nhảy ngay vào trong kho để bắt kẻ trộm. Nhưng Tí Hon nhanh hơn, đã tót được vào một xó, nấp sau một đồng tiền vàng. Chú trêu bọn lính:
– Tớ đây cơ mà!
Cứ thế, Tí Hon nhử làm cho hai tên lính chạy loanh quanh hết xó này sang xó khác làm chúng mệt nhoài đành phải bỏ cuộc. Chú tiếp tục ném tiền cho bọn trộm, ném tiền đồng này sang đồng khác. Chú ráng sức ném một đồng tiền cuối cùng và đồng thời nhảy theo cưỡi trên đồng tiền bay vút qua cửa sổ. Bọn trộm hết lời tán tụng chú:
– Chú quả là tay anh hùng, thế có đồng ý làm chủ tướng cả bọn không?
Tí Hon cám ơn. Chú nói, chú còn muốn đi ngao du thiên hạ. Bọn trộm chia nhau tiền. Tí Hon chỉ lấy một đồng xu vàng, vì có lấy nữa cũng chẳng mang đi nổi.
Chú buộc thanh kiếm bên sườn, chào bọn cướp, rồi lên đường. Chú đến mấy bác thợ cả xin việc nhưng ở đâu chú cũng chán. Sau cùng chú đến làm cho một quán trọ. Đám hầu gái nhà này không ưa chú. Họ không hiểu tại sao ông chủ lại biết những chuyện lén lút ăn uống vụng trộm hay chuyện ăn cắp mang đi nơi khác. Họ dọa chú:
– Thằng nhóc táo tợn thế nào cũng có bữa chúng tao dìm chết!
Họ bàn nhau chơi xỏ Tí Hon. Một hôm chú đang mải nhảy nhót, leo trèo giữa đám cỏ dại ngoài vườn thì bị một cô hầu gái ra cắt cỏ bắt gặp, tiện tay cô vơ luôn cả Tí Hon với cỏ, buộc túm vào một cái khăn lớn, rồi lén ném cho bò.
Một con bò mộng đen nuốt chửng Tí Hon vào bụng, nên chú không bị đau đớn gì. Nhưng nằm trong ấy thật khó chịu quá, đèn nến không có, tối như bưng. Khi có người vào vắt sữa; chú ra sức gào:
Này nắn, này bóp, này vắt.
sắp đầy thùng chưa hở chị?
Tiếng sữa tia rào rào, át mất tiếng chú kêu nên không ai nghe thấy. Lát sau chủ quán vào bảo:
– Mai thịt con bò này.
Tí Hon sợ quá, lại gân cổ gào:
– Thả tôi ra đã, tôi ở trong này mà!
Chủ quán nghe thấy, nhưng không biết là ai gọi ở đâu. Bác hỏi lại:
– Ở đâu thế?
Tí Hon vội đáp:
– Trong bụng con đen ấy mà!
Nhưng chủ quán không hiểu nghĩa câu nói, bỏ đi. Sáng hôm sau họ thịt con bò đen. Cũng may lúc họ lôi bò để xẻ thịt không có nhát dao nào chém phải Tí Hon. Chú bị lẫn trong đống thịt để làm dồi. Lúc người thợ băm dồi sắp làm, Tí Hon ra sức bình sinh gào:
– Đừng băm sâu quá, đừng băm sâu quá. Tôi ở dưới đấy.
Tiếng dao băm gõ rộn lên làm chẳng ai nghe được tiếng chú gọi. Giờ mới thật nguy cho chú, nhưng thói thường cái khó nó ló cái khôn. Chú phải nhảy tránh giữa các đường dao băm, chú nhảy tài tình khiến chẳng một nhát nào chạm vào người chú. Chưa kịp nhảy ra, chú bị họ tra lẫn với mấy miếng mỡ vào khoanh dồi tiết. Trong khoanh dồi chật chội quá, đã thế họ lại còn mắc lên ống khói lò bếp để hun cho kỹ. Tí Hon thấy thời gian lúc này mới dài làm sao! Nhưng rồi mùa đông đến, họ lấy dồi xuống. Nhà chủ định đem dồi ra đãi khách. Lúc bà chủ thái dồi, Tí Hon hết sức chú ý, cố tránh vươn cổ quá dài, sợ bị lưỡi dao ngang cổ. Chờ lúc thuận lợi, chú nhún hai chân nhảy tót ra ngoài.
Chú không muốn ở lại nhà ấy nữa, vì ở nơi đây chú gặp toàn chuyện khó chịu. Tí Hon lại lên đường đi chu du. Nhưng cuộc đời tự do cũng chỉ trong chốc lát. Chú đang lang thang vơ vẩn giữa đồng thì chạm trán cáo. Cáo đớp luôn chú. Nằm trong miệng cáo chú van nài:
– Trời, bác cáo ơi, tôi chả bõ vướng họng bác, bác thả tôi ra đi!
Cáo đáp:
– Mày nói cũng có lý. Ăn mày cũng như không ăn gì. Mày hứa cho tao mấy con gà của bố mày ở nhà đi, tao sẽ thả mày.
Tí Hon đáp:
– Thực lòng mà nói, nhà có bao nhiêu gà xin hứa biếu bác hết.
Cáo thả Tí Hon ra, lại còn thân chinh đưa về tận nhà. Ông bố gặp lại đứa con trai yêu quý mừng quá. Nhà có bao nhiêu gà biếu cáo tất. Tí Hon nói:
– Con có đồng tiền vàng rất đẹp để cho bố đây.
Chú đưa cho bố đồng tiền vàng mà chú kiếm được khi đi chu du thiên hạ. Chú hỏi:
– Nhưng sao bố lại cho cáo thịt hết cả đàn gà đáng thương của nhà mình?
– Trời, sao ngốc thế con, con trai cưng của bố, lẽ dĩ nhiên là bố quý con hơn đàn gà rồi.
46. Con chim kỳ lạ
Ngày xửa ngày xưa, có một tên phù thủy thường giả dạng người ăn xin để lân la tới các nhà và bắt đi những cô gái đẹp. Không có một ai biết các cô bị đem đi đâu, chỉ biết chẳng có cô nào trở về.
Ngày kia, hắn đến nhà người đàn ông có ba cô con gái xinh đẹp. Ai cũng tưởng hắn là một người ăn xin ốm yếu, lưng đeo sọt để đựng những gì xin được. Hắn xin chút thức ăn. Người chị lớn nhất ra đưa cho bánh mì bị hắn vuốt tay và cô chị nhảy ngay vào trong sọt. Ngay sau đó hắn vội vã đi khỏi nhà và vào trong rừng. Ngôi nhà của hắn ở giữa rừng sâu. Mọi vật dụng trong nhà đều đẹp và sang trọng. Cô thích gì cũng được hắn chiều theo. Hắn nói:
– Của quý của anh, những gì em muốn, em sẽ được hài lòng khi ở bên anh.
Được vài ngày như vậy, một hôm hắn nói:
– Anh phải xa nhà mấy ngày, em ở nhà một mình. Đây là chùm chìa khóa. Em có thể mở cửa các phòng để xem, duy có căn phòng mở bằng chiếc chìa khóa này thì cấm em không được mở ra. Em có thể mất mạng vì chuyện đó đấy!
Rồi hắn đưa cho cô quả trứng và dặn:
– Em hãy giữ cẩn thận quả trứng này, tốt nhất là luôn giữ bên mình. Nếu mất quả trứng thì điều bất hạnh lớn sẽ ập đến.
Cô nhận chùm chìa khóa và quả trứng, hứa sẽ làm đúng như lời hắn dặn. Sau khi hắn đi khỏi nhà, cô cầm chùm chìa khóa đi mở các buồng trên, buồng dưới trong nhà, cô thấy buồng nào cũng toàn đồ bằng vàng, bạc. Đúng là đời cô chưa từng nhìn thấy cảnh giàu sang lộng lẫy như vậy! Cuối cùng cô tới căn phòng cấm mở, cô định đi qua, nhưng tính tò mò thôi thúc làm cô không kiềm chế được, cô thấy chìa khóa phòng cũng na ná giống như những chiếc chìa khóa khác. Cô cắm chìa mở. Cánh cửa bật mở. Bước vào trong phòng cô thấy một vạc máu ở giữa phòng, xung quanh là xác người bị chặt thành từng khúc, cạnh đó là cái rìu sáng loáng cắm phập trên thớt gỗ. Trong lúc hoảng sợ, cô đánh rơi quả trứng vào trong vạc máu. Cô vớt trứng ra, đem lau rửa, nhưng không làm sao lau rửa cho hết được.
Sau đó ít lâu người chồng trở về. Việc đầu tiên hắn hỏi là chùm chìa khóa và quả trứng. Cô vừa run vừa đưa cho cồng chìa khóa và quả trứng. Nhìn vết đỏ ở quả trứng hắn biết ngay là cô đã ở trong căn phòng đầy máu. Hắn nói:
– Tại sao mi lại dám trái ý ta mở căn phòng ấy. Vậy thì mi phải vào căn phòng ấy trở lại. Mi tự ý thì đời mi coi như chấm dứt.
Hắn túm tóc cô kéo đi tới căn phòng, hắn cầm rìu chặt đầu, chặt người thành nhiều khúc làm máu chảy lênh láng khắp nền nhà. Rồi hắn ném tất cả vào trong một cái vạc. Làm xong, hắn nói:
– Giờ ta đi bắt đứa thứ hai.
Tên phù thủy lại giả dạng là người ăn xin tới nhà, cô thứ hai mang bánh mì cho người ăn xin thì bị hắn vuốt tay và cô nhảy ngay vào trong sọt của hắn. Hắn vội vã đi khỏi nhà và mang cô về ngôi nhà hắn ở giữa rừng sâu. Số phận cô cũng chẳng khác gì cô chị. Cô cũng bị tính tò mò thôi thúc nên mở căn phòng cấm và bước vào xem. Sau chuyến đi xa trở về của tên phù thủy, cô cũng bị hắn ám hại. Rồi sau đó tên phù thủy lại đi bắt người thứ ba, cô em út này rất khôn ngoan láu lỉnh.
Trước khi ra đi tên phù thủy giao chìa khóa và quả trứng cho cô. Đợi cho hắn đi khỏi nhà, cô cất quả trứng đi và tay cầm chìa khóa đi mở cửa các buồng xem. Buồng cô mở cuối cùng là căn phòng cấm.
Trời, cảnh khủng khiếp hiện trước mặt cô: xác hai chị bị giết và bị chặt ra từng khúc vất ở trong vạc. Cô bình tĩnh nhặt xác đặt trên nền nhà, xếp theo thứ tự đầu, thân, tay, chân. Các bộ phận tự động gắn liền lại với nhau, hai cô chị sống lại và từ từ mở mắt. Ba chị em hết sức vui mừng, ôm hôn nhau thắm thiết.
Vừa mới về tới nhà tên phù thủy đã hỏi ngay chìa khóa và quả trứng. Hắn không thấy có vết gì ở quả trứng nên nói:
– Cô đã vượt qua thử thách. Giờ đây cô là vợ chưa cưới của tôi.
Cùng với lời nói đó, phép thuật của tên phù thủy cũng hết hiệu lực. Giờ đây hắn phải làm tất cả những gì cô gái nói. Cô bảo:
– Cũng được. Anh phải mang ngay một sọt đầy vàng tới cho cha mẹ em. Trong lúc đó thì em chuẩn bị cho lễ cưới.
Cô liền chạy tới chỗ ẩn của hai chị và nói:
– Khoảnh khắc em có thể cứu hai chị đã đến. Tên quái ác kia sẽ mang hai chị về nhà. Về tới nhà, hai chị phái ngay người đến cứu em nhé!
Cô đặt hai chị vào trong sọt và phủ đầy vàng lên trên. Rồi cô gọi tên phù thủy tới và nói:
– Anh đem sọt này cho cha mẹ em, nhớ đừng có dừng nghỉ dọc đường, em sẽ nhìn qua cửa sổ theo dõi anh!
Tên phù thủy đeo sọt lên lưng và lên đường. Đường dài, sọt nặng làm hắn nhễ nhãi mồ hôi. Hắn vừa mới dừng chân, tính ngồi nghỉ một lát thì nghe thấy có tiếng vọng ra từ cái sọt:
– Nhìn qua cửa sổ em thấy anh dừng nghỉ, anh tiếp tục lên đường nhé!
Tên phù thủy cứ tưởng vợ mình nhắc, hắn đứng dậy đi tiếp.
Đi được một chặng dài, hắn vừa mới dừng chân tính ngồi xuống nghỉ thì lại nghe tiếng nói:
– Nhìn qua cửa sổ em thấy anh dừng nghỉ, anh tiếp tục lên đường nhé!
Cứ mỗi khi dừng lại tính nghỉ, hắn lại nghe tiếng nói nhắc, hắn lại phải gắng đi tiếp. Cuối cùng hắn phải vừa đi vừa thở phì phò, gắng sức lắm hắn mới tới được nhà bố mẹ vợ để đưa sọt đầy vàng.
Ở nhà cô dâu chuẩn bị cho lễ cưới, cô mời bè bạn của tên phù thủy tới dự. Cô lấu một cái đầu lâu, lấy một vòng hoa trùm lên cái đầu lâu và lấy hoa lá trang trí thêm lên. Rồi cô treo nó lên cửa sổ ở trên mái nhà, nom như nó đang ngó xuống nhìn khách tới.
Mọi việc xong đâu vào đấy, cô tự trang điểm cho mình bằng lông chim nên nom cô như một con chim kỳ lạ, không ai nhận ra được cô nữa. Cô vừa mới ra khỏi nhà được một quãng thì gặp khách mời dự đám cưới. Họ hỏi:
– Này chim kỳ lạ, chim bay từ đâu tới đây?
– Chim từ chỗ Fitze tới đây.
– Thế cô dâu đang làm gì?
– Cô dâu đã quét dọn nhà cửa,
Cô đang ở bên cửa sổ trên mái nhà ngó xuống.
Cô đi tiếp một quãng nữa thì gặp tên phủ thủy đang trên đường về nhà. Hắn hỏi:
– Này chim kỳ lạ, chim bay từ đâu tới đây?
– Chim từ chỗ Fitze tới đây.
– Thế cô dâu đang làm gì?
– Cô dâu đã quét dọn nhà cửa,
Cô đang ở bên cửa sổ trên mái nhà ngó xuống.
Về tới nhà, tên phù thủy ngó lên cửa sổ trên mái nhà cứ tưởng là vợ chưa cưới của mình nên hắn vẫy tay gật đầu chào.
Khi khách dự đám cưới tới đông đủ thì cũng là lúc cô gái và các anh trai và bà con họ hàng cô dâu tới nơi. Họ đóng tất cả các cửa lại, không cho một ai ra ngoài. Rồi họ châm lửa đốt nhà. Thế là tên phù thủy cùng đồng bọn bị thiêu chết.
47. Cây đỗ tùng
Câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu, có tới hai nghìn năm. Một người đàn ông giầu có, vợ xinh đẹp dịu dàng nên họ sống với nhau rất êm ấm, nhưng họ lại không có con. Họ rất mong có được một người con. Người vợ ngày đêm cầu nguyện, nhưng họ vẫn chưa có người con nào cả. Ở sân phía trước ngôi nhà của họ có cây đỗ tùng. Mùa đông, người vợ ngồi dướigốc cây gọt táo, vô ý cắt phải ngón tay khiến máu chảy rơi xuống tuyết. Bà kêu lên một tiếng:” Ối! ” rồi nhìn giọt máu ở trước mặt lòng buồn thay cho mình. Bà nói:
– Ước gì ta có một đứa con da trắng như tuyết và môi đỏ như son!
Khi nói xong những lời nói đo, bà thấy trong lòng rất vui, nên cho rằng ý nguyện của mình rồi sẽ trở thành hiện thực. Bà đi vào nhà. Sau một tháng thì tuyết tan. Sau hai tháng, cây cỏ mọc xanh tươi. Đến tháng thứ ba thì hoa nở khắp đất trời. Tới tháng thứ tư thì cây rừng đâm chồi nảy lộc, chim hót líu lô. Qua tháng thứ năm, ngồi ở dưới gốc cây đỗ tùng, ngửi hương thơm của hoa, người vợ rất mừng vui. Tới tháng thứ sáu trên cây đầy quả non, người vợ cảm thấy tĩnh tâm hơn. Đến tháng thứ bảy, bà hái một quả ăn thì thấy trong lòng sầu muộn, người không khoẻ. Khi tháng tám qua đi, bà gọi chồng tới rồi khóc và nói:
Nếu như em chết. Hãy chôn em dưới gốc cây đỗ tùng nhé!
Nói xong, trong lòng bà cảm thấy thanh thản. Sang tháng thứ chín, bà sinh ra một đứa con trắng như tuyết, môi đỏ như son. Bà nhìn thấy đứa con vừa lọt lòng thì mừng lắm, rồi sau đó thì qua đời.
Người chồng mai táng vợ ở dưới gốc cây đỗ tùng. Tháng đầu người chồng khóc suốt ngày, rồi ông ta thỉnh thoảng lại khóc, thời gian sau ông không khóc nữa. Và cuối cùng thì ông đã nguôi buồn nhớ, rồi cưới một người vợ kế.
Người vợ sau của ông đẻ một đứa con gái, còn đứa con trai của vợ trước da trắng như tuyết, môi đỏ hồng như son. Người vợ kế chỉ yêu đứa con gái do mình đẻ ra, nên thường cảm thấy khó chịu với đứa con trai của người vợ cả.Bà ta luôn cảm thấy nó cản trở mình trong việc tính mưu bàn kế thu vén tài sản về cho con gái. Bà ta thường xua đuổi đứa con trai từ góc này tới góc kia trong nhà, có lúc tiện tay đánh nó túi bụi, khiến nó vô cùng sợ hãi, vì hễ từ trường học về nhà là không bao giờ nó được yên thân. Một lần người vợ kế tới phòng ngủ, đứa con gái đi theo và nói với mẹ:
– Mẹ, cho con một quả táo.
Người mẹ nói:
– Được mà, con gái của mẹ.
Bà ta lấy từ trong hòm ra một quả táo, đưa cho con gái. Nắp hòm vừa to vừa nặng, được khoá bằng chiếc khoá lớn. Đứa con gái nói:
– Mẹ, anh trai cũng được một quả chứ?
Bà mẹ kế quỷ quyệt chẳng muốn thế, nhưng ngoài miệng vẫn nói:
– Ừ, nó đi học về thì cho nó.
Từ phía trong cửa sổ, bà nhìon thấy đứa con trai đang đi về nhà thì như bị quỷ tha ma khiến, bà giật lấy quả táo ở trong tay con gái và nói:
– Đợi anh trai con về cùng ăn!
Nói rồi bà ném quả táo vào trong hòm và đóng nắp hòm lại. Khi đứa con trai bước tới cửa nhà, bà ta giả bộ âu yếm con trai, bảo nó:
– Con trai của ta, con có muốn ăn một quả táo không?
Mắt bà nhìn nó chằm chằm. Đứa con trai nói:
– Mẹ, sao mẹ lại nhìn con chằm chằm như vậy? Vâng, mẹ cho con một quả táo.
Bà gọi nó lại:
– Lại đây với ta!
Và rồi, bà ta mở nắp hòm lên, nói tiếp:
– Con lấy táo ở trong hòm này!
Khi đứa con trai cúi đầu vào trong hòm thì bà ta thả nắp hòm xuống. Nắp hòm rơi xuống “sầm” một tiếng, đầu đứa con trai bị đứt lìa khỏi thân, rơi vào trong đống táo. Bà ta vô cùng hoảng sợ, nghĩ:
– Mình phải xoá sạch mọi dấu tích đi mới được!
Nghĩ rồi bà ta vào trong buồng, lấy từ ngăn kéo trên cùng của chiếc tủ lớn ra một miếng vải trắng, rồi đem đầu của đứa con trai buộc chặt vào trên cổ của nó, để không ai nhận ra dấu vết bị cắt rời. Sau đó bà ta đem nó đặt ngồi ở chỗ cửa ra vào, lại đặt quả táo vào trong tay nó.
Cô em gái Marleenken đi vào bếp tìm mẹ thì thấy bà ta đứng bên bếp lò và đang khuấy một nồi nước nóng, bèn hỏi:
– Mẹ, anh con ngồi ở chỗ cửa, sắc mặt xám ngoét, tay cầm một quả táo. Con bảo anh đưa quả táo cho con, mà anh chẳng nói gì làm con sợ hãi quá!
Bà mẹ kế nói:
– Con lại ra đấy đi. Nếu vẫn chẳng trả lời thì cho nó một cái bạt tai!
Thế là Marleenken tới, và bảo người anh:
– Anh, đưa táo cho em nào!
Nhưng chẳng có lời đáp nào cả. Thế là cô bé cho anh một cái bạt tai, làm đầu của anh rơi xuống đất. Marleenken hoảng hốt, oà khóc, chạy tới bên bà mẹ, nói:
– Ối, mẹ ơi! Con vừa bạt tai một cái mà đầu anh ấy đã rơi xuống đất!
Marleenken khóc hoài, khóc mãi, tưởng như chẳng bao giờ dứt. Bà mẹ nói:
– Marleenken, con làm sao vậy? Con chớ làm ồn lên khiến mọi người chú ý.Chẳng có cách nào khác là mẹ phải chặt nó ra từng khúc nấu súp thôi!
Nói rồi bà mẹ kế chặt đứa con trai thành từng khúc, cho vào nồi và nấu. Marleenken đứng cạnh bà ta khóc, nước mắt ràn dụa chảy trên má, rơi cả vào trong nồi súp nên súp chẳng phải cho thêm muối nữa. Người cha trở về nhà, ngồi xuống bên bàn, hỏi:
– Con trai của tôi ở đâu?
Bà mẹ kế đáp:
– Ối dào, nó về quê thăm bà ngọai rồi, nó định ở đó một thời gian.
– Nó làm gì ở đó? Sao cũng chẳng hỏi lấy một lời trước khi đi!
– Nó muốn đi, có xin tôi cho phép nó ở đấy sáu tuần. Sống ở đó cũng tốt!
Người chồng nói:
– Trời ơi, tôi rất buồn. Hình như có gì không ổn. Đúng ra nó phải hỏi tôi một câu chứ!
Người chồng vừa ăn vừa nói:
– Marleenken, sao con lại khóc? Anh con rồi sẽ về thôi mà!
Ông lại nói:
– Ôi bà nó, món súp này ngon quá, cho tôi thêm một ít nữa nào!
Ông càng ăn càng thèm, nên bảo:
– Cho tôi nhiều một chút. Chưa bao giờ ăn thấy ngon như vậy, thôi đưa tất cả cho tôi nào!
Ông ăn ngon lành, vứt tất cả xương xuống gầm bàn. Marleenken lấy ra một chiếc khăn lụa tốt nhất từ ngăn kéo tầng dưới tủ áo của cô, rồi nhặt hết những chiếc xương to, nhỏ ở dưới gầm bàn gói cả vào trong chiếc khăn tay đó, đem ra phía trước cửa, khóc nhiều tới mức chảy cả máu mắt ra. Sau đó cô bé chôn cả bọc xương ấy ở đám cỏ xanh dưới gốc cây đỗ tùng. Làm xongcô thấy trong lòng nhẹ nhõm, và không khóc nữa. Trong khi đó cây đỗ tùng bỗng rung lên, cành cây tản ra, rồi chụm lại với nhau nom giống như người ta vỗ tay khi vui mừng. Từ giữa cây bốc lên một cột khói như sương mù, ở giữa cột khói đó như có lửa đang cháy, rồi một con chim rất đẹp bay ra, nó cất tiếng hót véo von, và bay cao mãi vào trong không trung. Sau khi chim bay đi thì cây đỗ tùng trở lại như trước đó, còn chiếc khăn gói xương lại không cánh mà biến mất. Marleenken thấy trong lòng vui vẻ. Cô vào nhà, ngồi xuống bên bàn và ăn.
Con chim sau khi bay đi thì tới đậu trên nóc nhà người thợ kim hoàn. Nó cất giọng hót:
Mẹ kế của tôi đã làm thịt tôi.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Em gái tôi là Marleenken (Marie xinh đẹp yêu quý)
Đã nhặt tất cả xương của tôi gói vào trong chiếc khăn bằng lụa,
Đem chôn ở dưới gốc cây
Kywitt, kywitt – Tôi là con chim xinh đẹp!
Người thợ kim hoàn đang làm một sợi dây chuyền bằng vàng ở trong xưởng, nghe thấy tiếng chim hót rất hay trên nóc nhà, bèn đứng dậy bước qua hàng rào và làm rơi một chiếc giầy. Thế là một chân đi giầy, một chân chỉ có bít tất, ngực vẫn đeo tạp dề, một tay cầm dây chuyền vàng, một tay còn cầm chiếc kìm, bác bước ra đường. Mặt trời chiếu chói chang trên đường phố. Bác đứng ở đó nhìn chăm chú con chim ấy, và nói:
– Này chim, chim hót nghe hay quá. Hót lại một lần nữa bài ấy cho ta nghe nào!
Chim nói:
– Không, tôi không hót suông lần thứ hai đâu. Bác cho tôi dây chuyền vàng thì tôi sẽ hót lần nữa cho bác nghe.
Người thợ kim hoàn đồng ý, nói:
– Cho chim dây chuyền vàng thì hót ta nghe lần nữa nhé!
Thế là chim dùng móng quặp lấy sợi dây chuyền vàng, chim hót cho bác thợ kim hoàn nghe:
Mẹ kế của tôi làm thịt tôi.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Em gái tôi là Marleenken
Đã nhặt tất cả xương của tôi gói vào trong
Chiếc khăn bằng lụa,
Đem chôn dưới gốc cây đỗ tùng.
Kywitt, kywitt – Tôi là con chim xinh đẹp!
Con chim lại bay đến nhà bác thợ giầy, hót trên nóc nhà bác ta:
Mẹ kế của tôi làm thịt tôi.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Em gái tôi là Marleenken
Đã nhặt tất cả xương của tôi gói vào trong chiếc khăn bằng lụa,
Đem chôn dưới gốc cây đỗ tùng.
Kywitt, kywitt. Tôi là con chim xinh đẹp!
Bác thợ giầy nghe tiếng chim hót, chẳng kịp xỏ áo mặc, chạy vội ra ngoài nhà, nhìn lên nóc nhà, dùng bàn tay che nắng để khỏi bị chói mắt, và nói:
– Chim ơi, chim hót rất hay!
Nói rồi bác gọi với vào trong nhà:
– Bà nó đâu, ra mà xem! Chim hót hay lắm!
Bác gọi cả con gái và những đứa con khác, cùng người học việc, cô gái làm thuê… tất cả, tất cả đều ra đường để xem con chim rất đẹp, có bộ lông xanh đỏ rực rỡ, quanh cổ lấp lánh sắc vàng, hai mắt sáng như sao. Bác thợ giầy nói:
– Chim ơi, chim hót lại cho ta nghe một lần nữa nào!
– Không được, hót suông thì tôi chẳng hót đâu!Bác phải tặng tôi một thứ gì đó!
Bác thợ giầy bảo vợ:
– Bà vào lấy đôi giầy ở trên giá gỗ cao nhất trên lầu xuống đây!
Khi người vợ mang đôi giầy đỏ xuống, bác ta bảo chim:
– Chim ơi, lấy đôi giầy này đi, rồi hót cho nghe lần nữa nhé!
Chim dùng móng chân trái quặp lấy đôi giầy, rồi lại bay lên nóc nhà mà hót:
Mẹ kế của tôi làm thịt tôi.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Em gái tôi là Marleeken
đã nhặt tất cả xương tôi gói vào trong chiếc
khăn bằng lụa
Đem chôn dưới gốc cây đỗ tùng.
Kywitt, kywitt- Tôi con chim xinh đẹp!
Hót xong chim lại bay đi, chân phải quắp dây chuyền vàng, chân trái quắp đôi giầy đỏ. Nó bay tới nơi xay bột. Cối xay đang quay tít, phát ra tiếng:
– Klippe klappe, klippe klappe, klippe klappe.
Trong nhà xay bột có 26 người. Họ đang đẽo đá, làm phát ra tiếng:
– Hick hack, hick hack, hick hack.
Cối xay vẫn đang quay:
– Klippe klappe, klippe klappe, klippe klappe.
Chim đậu trên cây sồi phía trước xưởng xay bột mà hót:
Mẹ tôi đã làm thịt tôi.
Một người thợ dừng tay.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Lại có hai người thợ nữa dừng tay.
Em gái tôi là Marleenken
Tiếp đến lại có bốn người thợ dừng làm việc.
Đã nhặt tất cả xương tôi
Gói vào trong chiếc khăn bằng lụa.
Tới lúc đó chỉ còn 8 người đang đẽo đá.
Chôn ở
Bây giờ chỉ có 7 người làm việc.
Dưới gốc cây đỗ tùng.
Chỉ còn sót một người làm việc.
Kywitt, kywitt – Tôi là con chim xinh đẹp!
Người thợ cuối cùng cũng dừng việc lại, và cũng nghe được mấy từ sau cùng mà con chim đã hót. Người đó nói:
– Chim ơi, chim hót hay quá. Hót cho tôi nghe một lần nữa đi!
Chim nói:
– Không được, tôi không hót suông đâu. Ông đem hòn đá mài cho tôi thì tôi sẽ hót lần nữa!
Người đó nói:
– Được rồi, nếu chim hót lần nữa cho tất cả mọingười nghe thì sẽ biếu chim hòn đá mài.
Những người khác đồng thanh:
– Đúng vậy, nếu chim hót lại lần nữa thì hòn đá mài này thuộc về chim.
Thế là chim sà xuống, đưa cổ xuyên qua lỗ của hòn đá mài, làm như một chiếc vòng, còn 20 người thợ thì dùng thanh gỗ bảy hòn đá lên. Chim bay lên cao và hót:
Mẹ kế của tôi làm thịt tôi.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Em gái tôi là Marleenken
Đã nhặt tất cả xương tôi gói vào trong
Chiếc khăn bằng lụa.
Đem chôn dưới gốc cây đỗ tùng.
Kywitt, kywitt- Tôi là con chim xinh đẹp!
Chim hót xong xoè hai cánh ra bay, chân phải quắp chiếc dây chuyền vàng, chân trái quắp đôi giầy đỏ, cổ mang hòn đá mài. Nó bay đi rất xa, rất xa cho tới khi bay tới nhà cha nó. Cha, mẹ kế và Marleenken đang ngồi bên bàn ăn ở trong nhà. Cha nó nói:
– Trời, sao tôi cảm thấy khoan khoái dễ chịu thế!
Mẹ kế nói:
– Không, sao tôi lại sợ hãi vậy cứ như là có sét đánh, chớp giật vậy!
Còn Marleenken thì oà khóc. Chim bay tới nóc nhà và hót ca. Người cha nói:
-Ôi, tôi rất vui mừng. Mặt trời chiếu sáng chan hoà. Tôi như gặp người bạn thân cũ vậy.
Người mẹ kế thì nói:
– Không, tôi sợ hãi thật sự, răng lợi cứ va vào nhau, mạch máu như bốc lửa.
Bà giật đứt cúc áo ỡ ngực. Marleenken ngồi ở góc nhà khóc, tay cầm tạp dề ôm lấy mặt. Chiếc tạp dề ướt sũng nước mắt. Chim bay đậu trên cây đỗ tùng mà hót:
Mẹ kế của tôi làm thịt tôi.
Người mẹ kế bịt tai không muốn nghe, nhắm nghiền mắt lại không muốn nhìn, nhưng trong tai bà vẫn nghe thấy tiếng của bão táp, mắt bà ta thấy những tia chớp sáng loè.
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Người cha nói:
– Trời, bà ơi. Chim hót rất hay. Mặt trời toả sáng chan hoà. Hoa toả hương thơm khắp nơi!
Em gái tôi là Marleenken
Marleenken gục đầu lên gối mà khóc. Người cha nói:
– Tôi ra ngoài sân để ngắm kỹ con chim ấy.
Người mẹ kế nói:
– Ôi, ông đừng đi. Tôi cảm thấy căn nhà nghiêng ngả, đang bốc cháy!
Người cha vẫn ra ngoài để xem con chim.
Đã nhặt tất cả xương của tôi
Gói vào trong chiếc khăn bằng lụa
Đem chôn dưới gốc cây đỗ tùng.
Kywitt, kywitt- Tôi là con chim xinh đẹp!
Chim vừa hót vừa thả dây chuyền vàng xuống. Sợi dây chuyền vàng rơi lồng vào đúng cổ của người cha rất vừa vặn. Ông đi vào nhà và nói:
– Bà xem này, đây là dây chuyền vàng mà con chim xinh đẹp cho tôi. Nom có đẹp biết bao.
Người mẹ kế khiếp sợ, ngã lăn ra đất, mũ rơi ra. Tiếp đó chim lại hót:
Mẹ kế của tôi làm thịt tôi.
Mẹ kế nói:
– Ối, tôi mong mình đang ở dưới đất sâu hàng ngàn sải tay (lối đo của người xưa) để không phải nghe lời than vãn kia!
Cha tôi đã ăn hết tôi.
Người mẹ kế nằm ngây người ra như đã chết vậy.
Em gái tôi là Marleenken.
Marleenken nói:
– Ôi con cũng phải ra khỏi nhà, xem chim có cho con gì không!
Nói rồi cô ra đi.
Đã nhặt tất cả xương tôi
Gói vào trong chiếc khăn bằng lụa
Chim tung đôi giầy đỏ xuống cho cô em gái.
Đem chôn dưới gốc cây đỗ tùng.
Kywitt, kywitt – Tôi là con chim xinh đẹp!
Marleenken cảm thấy hết sức vui mừng. Cô đi đôi giầy đỏ vào rồi nhảy nhót. Cô nói:
– Ôi khi con bước ra cửa, lòng nặng trĩu, còn bây giờ lòng thấy dễ chịu. Đó là một con chim kỳ lạ. Nó cho con một đôi giầy đỏ.Bà mẹ kế chồm dậy, tóc dựng đứng lòng như lửa cháy, bà nói:
– Tôi cảm thấy như trời sắp sập tới nơi rồi. Tôi cũng ra xem sao cho dễ chịu một chút!
Khi bà ta khỏi cửa, chim ném hòn đá mài xuống đầu bà ta. “Rầm” một tiếng, bà ta chỉ còn là một đống thịt bầy nhầy. Sau khi nghe tiếng động ấy, người cha và Marleenken vội chạy ra thì chỉ thấy khói và lửa. Khói lửa tan đi thì người anh trai của Marleenken đang đứng ở đấy. Cậu bé cầm lấy tay của cha và Marleenken, rồi cả ba nắm tay nhau vui vẻ bước vào trong nhà, tới bàn để cùng ăn.
48. Chó Sultan trung thành
Bác nông dân có con chó tên là Sultan, nó rất trung thành với chủ. Nhưng giờ nó đã già nua, răng rụng hết chẳng còn chiếc này nên chẳng cắn và tha mồi được.
Một hôm, đứng trước cửa nhà, bác nông dân nói với vợ:
– Con Sultan già nua kia ngày mai cho nó phát đạn, giữ nuôi nó chẳng có ích gì.
Bác gái thương hại con chó trung thành nên can chồng:
– Nó sống bao nhiêu năm nay ở nhà mình, được bao nhiêu là việc, giờ thì cứ bố thí cho nó ăn đâu có hại gì.
Người chồng đáp:
– Ái chà, bà chẳng biết gì cả. Nó làm gì còn chiếc răng nào, chẳng có thằng trộm nào sợ nó nữa, giờ thì nó có thể đi chỗ khác cho khuất mắt. Khi trước nó có công thì đã nuôi cho ăn uống đầy đủ rồi còn gì.
Con chó đáng thương nằm phơi nắng cách đấy cũng không xa, nó nghe được hết đầu đuôi câu chuyện, nó buồn lắm và nghĩ, có lẽ mai là ngày cuối cùng của cuộc đời. Người bạn tốt của nó là sói. Tới đêm nó lẻn vào rừng gặp sói và kể lại cho sói nghe số phận hẩm hiu của mình. Nghe xong sói nói:
– Này anh bạn, dũng cảm lên chứ, tôi có thể giúp anh qua cơn hoạn nạn được. Tôi đã nghĩ ra một kế. Sáng sớm mai hai vợ chồng người nông dân sẽ đi phơi cỏ ở ngoài đồng, thế nào họ cũng mang theo đứa con nhỏ vì chẳng có một ai ở nhà. Trong lúc làm việc, để tránh nắng thế nào họ cũng đặt con ở trong bóng râm của mấy bụi cây gần đó. Anh bạn nằm sát ngay cạnh đứa trẻ làm như nằm canh vậy. Tôi sẽ lẻn từ trong rừng ra và tha đi đứa trẻ. Anh phải gắng sức đuổi theo tôi làm như anh muốn giành lại đứa trẻ từ tôi. Tôi sẽ nhả đứa trẻ ra, anh tha nó về cho bố mẹ. Họ sẽ nghĩ rằng chính anh đã cứu đứa trẻ nên rất cảm ơn anh. Đáng lẽ họ tống cổ anh đi, thì ngược lại họ sẽ chẳng đả động gì đến chuyện ấy nữa và chẳng bao giờ để anh bị đói khát.
Chó nghe thấy bùi tai. Sự việc xảy ra đúng như đã bàn. Khi nhìn thấy sói tha con mình người bố la ầm lên. Rồi thấy Sultan chạy đuổi theo và cứu được con mình tha về, lúc đó bác ta hết sức vui mừng, lấy tay vuốt ve con chó và nói:
– Từ nay trở đi không bao giờ ta để ai động tới chân tơ kẽ tóc của mi, chừng nào mi còn sống thì mi lúc nào cũng no đủ.
Rồi bác bảo vợ:
– Mình về ngay nhà đi, nấu cho Sultan nồi cháo. Không còn răng thì húp cháo. Nhớ lấy cái gối của tôi ở đầu giường để cho nó nằm cho ấm.
Từ đó trở đi Sultan sống sung sướng đến nỗi chẳng còn lý do gì để kêu ca phàn nàn.
Ít lâu sau sói đến thăm Sultan, rất vui mừg vì mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Sói nói:
– Này anh bạn, nếu tôi có lấy đi của chủ anh một con cừu béo thì anh nhắm mắt làm ngơ nhé. Hồi này kiếm miếng ăn khó khăn lắm anh bạn ạ.
Chó đáp:
– Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đó, tôi trung thành với chủ tôi nên tôi không thể đồng ý với anh bạn về chuyện đó được.
Sói nghĩ chó chỉ nói giả bộ thế thôi. Tối khuya sói rón rén tới tính bắt một con cừu.
Bác nông dân được chó Sultan báo cho biết trước ý định của sói, bác nấp đợi sói. Mới vào gần tới chuồng cừu sói ta đã bị bác nông dân cầm gậy phang tới tấp, sói bị một trận nên thân. Ráng sức sói mới chạy nổi được về rừng, vừa chạy sói vừa nói: “Cứ đợi đấy, anh bạn đểu cáng. Rồi sẽ biết tay ta.”
Sáng hôm sau, sói bảo lợn gọi chó vào rừng để tính chuyện ân oán. Duntan già nua không biết dựa vào ai bao giờ, đành phải gọi mèo đi cùng với mình vào rừng, nhưng khốn nỗi mèo lại chỉ có ba chân. Chó đi trước, mèo tập tễnh đi theo sau, đuôi chỏng ngược lên trời. Sói và trợ thủ của mình đứng đợi ở địa điểm đã hẹn, nhìn thấy địch thủ của mình đang đi. Nhìn thấy đuôi mèo dựng đứng chổng ngược lên trời chúng cứ tưởng là địch thủ mang theo gươm, đã thế lại thấy mèo ba chân bước thấp bước cao, nhìn xa cứ tưởng là lấy đà để ném đá, lợn liền lao thẳng vào bụi cây gần đó để tránh, sói nhảy lên ngay cành cây để né. Khi tới đúng điểm hẹn, chó và mèo vô cùng ngạc nhiên vì chẳng thấy bóng dáng sói đâu cả. Lợn rừng chui vào bụi cây nhưng tai lại vểnh lên, vẫy vẫy. Nhìn quanh chẳng thấy động tĩnh gì, mèo thấy hình như có chuột chạy trên bụi cây, mèo liền chạy ngay tới, lấy đà vồ cắn. Bị cắn vào tai đau quá lợn ta nhảy cẫng lên la lối: “Ở trên cây ấy, thủ phạm ở trên cây ấy!.”
Chó và mèo ngoảnh lại thì thấy sói đang ở trên cây, sói xấu hổ vì thấy mình sợ sệt một cách vô cớ. Sói đồng ý giảng hòa với chó.
49. Sáu con thiên nga
Lần ấy vua đi săn trong một khu rừng rộng mênh mông, nhà vua mải đuổi săn theo một con thú rừng, quân hầu không ai theo kịp.
Khi bóng đêm đổ xuống cánh rừng, nhà vua mới đứng lặng nhìn quanh, bối rối, thấy mình đã lạc đường, không tìm được đường ra. Bỗng nhà vua thấy một bà già đầu lắc lư đi tới – đó là một phù thủy – nhà vua bảo:
– Bà cụ ơi, bà có thể làm ơn chỉ cho tôi lối ra khỏi rừng không?
Bà già đáp:
– Tâu bệ hạ, được ạ. Cái đó già làm được, nhưng chỉ khi nào điều kiện đặt ra được thực hiện, bằng không, bệ hạ không ra được khỏi khu rừng và sẽ chết đói ở đây.
Nhà vua hỏi:
– Điều kiện ấy như thế nào?
– Già có một đứa con gái xinh đẹp không ai trên trần gian sánh bằng. Nó thật xứng đáng thành hoàng hậu. Nếu bệ hạ ưng chọn làm hoàng hậu, già sẽ chỉ cho bệ hạ đường ra khỏi khu rừng.
Trong lúc hoảng sợ, vua bằng lòng ngay. Mụ già dẫn vua đến căn nhà nhỏ của mụ. Cô con gái mụ ngồi bên bếp lửa. Cô đứng dậy chào đón vua như thể đang chờ vua tới. Tuy thấy cô gái đẹp nhưng nhà vua trong lòng vẫn còn chưa ưng, cảm thấy rờn rợn. Sau khi vua đưa cô lên ngựa, mụ chỉ đường cho vua. Vua về trở lại hoàng cung để làm lễ cưới.
Nguyên vua đã có vợ, hoàng hậu sinh được bảy người con, sáu trai một gái. Cả bảy người con đều được vua yêu quý vô cùng. Sợ người dì ghẻ đối với con mình không tốt, thậm chí có thể hành hạ chúng nữa, nên vua cho các con mình đến ở trong một lâu đài hiu quạnh nằm khuất giữa rừng sâu. Đường đi đến đó khó mà tìm ra được. Chính vua cũng không tìm thấy đường đến đó. Một bà lão đã cho nhà vua một cuộn chỉ có phép lạ. Nhà vua chỉ cần ném cuộn chỉ về phía trước, nó sẽ tự cuộn lại và chỉ đường đi cho vua.
Nhà vua thường xuyên đi thăm các con yêu dấu. Sự vắng mặt của nhà vua làm hoàng hậu để ý. Mụ trở nên tò mò, muốn biết vua đi một mình vào rừng làm gì. Mụ ban phát cho thị vệ rất nhiều tiền để chúng đi rình mò, nói lộ bí mật sự việc, chúng nói cho mụ biết cả về cuộn chỉ có phép lạ, biết đưa đường.
Mụ đứng ngồi không yên, lục tìm khắp mọi nơi cho đến khi thấy cuộn chỉ mới thôi.
Mụ may một số áo bằng lụa trắng và khâu bùa phép vào áo, bùa phép này khi xưa mụ được mẹ truyền lại cho.
Một hôm nhà vua đi săn vắng, mụ mang áo và cuộn chỉ chỉ đường vào rừng. Bọn trẻ thấy từ xa có bóng người đi đến tưởng là cha kính yêu nên mừng chạy ra đón. Mụ tung trùm lên mỗi đứa một chiếc áo lụa trắng, áo vừa chạm người thì chúng biến ngay thành thiên nga, bay vượt cánh rừng biến mất.
Mụ hớn hở về nhà, tưởng như vậy là đã trừ được lũ con chồng. Nhưng mụ không ngờ là cô con gái, cô không cùng các anh chạy ra đón.
Một hôm, vua đến thăm các con thì chỉ thấy con gái. Vua hỏi:
– Các anh con đâu?
Cô đáp:
– Trời ơi, cha kính yêu! Các anh con đi bỏ lại con một mình ở đây.
Rồi cô kể cho vua rằng, khi cô đứng ở cửa sổ thì nhìn thấy các anh biến thành thiên nga và bay vượt qua cánh rừng, rồi cô đưa cho vua xem những lông chim cô nhặt được ở ngoài sân.
Vua rất buồn, nhưng không nghĩ hoàng hậu làm việc độc ác như vậy. Vua sợ con gái cũng sẽ bị bắt nên có ý định mang cô về hoàng cung. Nhưng cô sợ dì ghẻ nên xin vua cho cô đêm nay ngủ lại trong lâu đài giữa rừng. Cô nghĩ bụng:
– Mình không ở đây lâu hơn được nữa, mình phải đi tìm các anh!
Khi bóng đêm phủ xuống, cô lẻn vào trong rừng. Cô đi mãi, đi hoài, đi thâu đêm và suốt cả ngày hôm sau. Khi chân tay rã rời mỏi mệt, cô dừng chân thì thấy phía trước có một căn lều. Cô đi tới, bước vào nhà thì thấy có sáu chiếc giường nhỏ. Cô không dám ngả lưng trên chiếc giường nào, mà chui xuống gầm một chiếc giường, định ngủ qua đêm trên nền nhà đất.
Lúc mặt trời sắp lặn, cô nghe có tiếng lào xào và thấy sáu con thiên nga bay qua cửa sổ vào nhà. Cả sáu con đứng trên nền nhà và thổi lông cho nhau. Bộ lông thiên nga trút ra như chiếc áo. Cô gái nhận ra các anh mình nên rất mừng, chui từ gầm giường ra. Các anh gặp lại em gái nên hết sức mừng rỡ, biết vui chẳng được bao lâu, các anh bảo em:
– Em không ở lại đây được. Đây là sào huyệt của bọn cướp, chúng về thấy em, sẽ giết em ngay.
Em gái hỏi:
– Thế các anh có cách nào che chở em không?
Các anh đáp:
– Không có cách nào cả. Tối tối các anh chỉ có thể trút bộ lông thiên nga, hiện nguyên hình người trong một khắc đồng hồ – mười lăm phút – sau đó lại biến thành thiên nga.
Em gái òa lên khóc và hỏi:
– Thế không có cách nào giải thoát được các anh sao?
Các anh đáp:
– Trời, không được đâu! Điều kiện khó lắm, em không được nói cười sáu năm. Trong thời gian ấy em may cho các anh sáu cái áo bằng hoa thủy cúc. Chỉ cần một lời từ miệng em là mọi việc đều hỏng cả.
Các anh vừa nói xong thì khắc đồng hồ đã điểm, các anh lại biến thành thiên nga, bay vút qua cửa sổ.
Cô quyết định giải thoát cho các anh bằng mọi cách, dù cho có nguy hiểm tới tính mạng đi chăng nữa. Cô rời chiếc lều hoang vắng, đi mãi vào trong rừng sâu, leo lên cây ngủ đêm. Sáng sớm hôm sau cô đi hái hoa thủy cúc, và bắt đầu khâu áo. Rừng vắng lặng chẳng nói được với ai, và cô cũng chẳng buồn hé miệng cười. Cô ngồi chăm chú khâu áo.
Ngày tháng cứ thế trôi qua. Một ngày kia, có một ông vua cùng tùy tùng đi săn. Họ vào trong rừng sâu và thấy có cô gái trên cây. Họ gọi hỏi cô:
– Cô là ai mà ở đây.
Không có tiếng đáp. Họ nói:
– Cứ xuống đây với chúng tôi, chúng tôi không làm gì cô đâu!
Cô chỉ lắc đầu. Họ cứ hỏi mãi, hỏi hoài, khi ấy cô tung sợi dây chuyền bằng vàng xuống, tưởng thế để mình yên thân. Nhưng đám người kia vẫn cứ đứng đó. Cô cởi dây lưng thả xuống, rồi đến vớ và những thứ cô có. Trên thân cô chỉ còn đồ lót. Đám thợ săn không lui đi mà còn trèo lên cây ẵm cô xuống, và dẫn cô tới chỗ vua. Vua hỏi:
– Nàng là ai? Nàng ngồi trên cây làm gì?
Cô không đáp. Vua hỏi cô bằng nhiều thứ tiếng, nhưng cô vẫn nín lặng như cá trong nước. Sắc đẹp của cô làm lòng vua rộn ràng xao xuyến. Vua cảm thấy yêu cô vô cùng. Vua quàng áo ngự lên người cô, để nàng ngồi phía trước và đưa về hoàng cung. Cô được mặc quần áo sang trọng, vẻ đẹp của cô trở nên lộng lẫy như một ngày nắng đẹp chan hòa, nhưng cô vẫn nín lặng, không nói nửa lời. Vào bàn ăn, cô được ngồi bên cạnh vua. Dáng điệu khiêm nhường và thùy mị của cô làm vua rất hài lòng. Vua nói:
– Ta thiết tha được chung sống với nàng, chứ không với ai khác trên đời này!
Mấy ngày sau, hôn lễ được cử hành.
Vua có một bà mẹ ghẻ độc ác, bà không ưng thuận việc cưới xin này nên bà nói xấu hoàng hậu trẻ tuổi. Bà bảo:
– Không biết con này ở đâu ra, mà nó câm, không nói được nửa lời. Nó chẳng xứng đáng làm hoàng hậu.
Hơn một năm sau, khi hoàng hậu sinh con đầu lòng, mụ bắt trộm đi và lừa khi nàng ngủ, bôi máu vào mồm nàng. Rồi mụ đi tâu vua, nàng là loài ăn thịt người. Vua không tin và không để ai hại nàng. Lúc nào nàng cũng chăm chú ngồi khâu áo. Năm sau, nàng lại sinh một đứa con trai kháu khỉnh. Mụ ghẻ chồng độc ác lại quỷ quyệt lừa vua như lần trước, nhưng vua nhất định không tin lời mụ. Vua bảo:
– Nàng ngoan đạo và tốt bụng, nên không thể làm việc ấy. Nếu nàng không bị câm thì nàng có thể tự minh oan, để cho mọi việc sáng tỏ.
Nhưng đến lần thứ ba, dì ghẻ lại ăn trộm đứa bé mới sinh và lại tố cáo hoàng hậu. Vua không làm sao khác được là đưa quan tòa xét xử. Nàng bị tội chết thiêu.
Ngày hành hình cũng là ngày cuối cùng của hạn sáu năm nàng không được nói, được cười.
Đó là ngày nàng sẽ giải thoát được các anh khỏi yêu thuật. Sáu chiếc áo đã khâu xong, cái cuối cùng còn thiếu cánh tay trái. Khi nàng đã bị dẫn tới giàn hỏa thiêu, nàng vắt mấy chiếc áo lên cánh tay. Khi nàng đứng trên giàn hỏa thiêu, ở dưới sắp châm lửa, nàng nhìn quanh thì thấy sáu con thiên nga từ xa bay tới. Nàng biết mình sắp được cứu thoát, lòng mừng khôn xiết.
Thiên nga vỗ cánh lượn sà xuống chỗ nàng để nàng phất quàng áo lên. Áo vừa đụng chim thì bộ lông thiên nga rơi xuống liền, các anh nàng hiện nguyên hình là những chàng trai khôi ngô, tươi cười đứng trước nàng. Chỉ có người em út nhận chiếc áo thiếu cánh tay trái nên còn một cánh thiên nga ở lưng. Anh em vui mừng ôm hôn nhau thắm thiết. Hoàng hậu bước lại phía nhà vua, khi vua còn rất đỗi ngạc nhiên, hoàng hậu nói:
– Hoàng thượng kính mến, giờ thiếp mới được phép nói và thổ lộ hết nỗi oan của mình.
Rồi nàng kể cho vua việc mụ già đã lấy ba đứa con giấu đi. Được gặp lại các con, vua rất mừng. Mụ dì ghẻ độc ác phải đền tội, bị trói đưa lên giàn hỏa thiêu, thiêu ra tro.
Vua và hoàng hậu cùng sáu anh hưởng hạnh phúc thái bình suốt đời.
50. Công chúa ngủ trong rừng
Ngày xưa, có một ông vua và một bà hoàng hậu ngày nào cũng mong: “Ước gì mình có một đứa con nhỉ?.” Nhưng ước hoài mà vua và hoàng hậu vẫn chưa có con.
Một hôm hoàng hậu đang tắm thì có một con ếch ở dưới nước nhảy lên bờ nói với bà:
– Điều bà mong ước bấy lâu sẽ thành sự thực. Hết năm nay bà sẽ sinh con gái.
Lời ếch tiên tri quả là đúng. Hoàng hậu sinh con gái đẹp tuyệt trần. Vua thích lắm, mở hội lớn ăn mừng. Vua mời tất cả bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc, người quen và mời cả các bà mụ đến để họ tận tâm săn sóc, thương yêu con mình.
Trong nước bấy giờ có mười ba bà mụ. Nhưng vua chỉ có mười hai đĩa vàng, do đó một bà mẹ không được mời.
Hội hè linh đình. Lúc tiệc sắp tàn, các bà mụ đến niệm chú chúc mừng công chúa: Bà đầu chúc đức hạnh, bà thứ hai chúc sắc đẹp, bà thứ ba chúc giàu sang, phú quý… cứ như vậy các bà mụ chúc công chúa tất cả những điều tốt đẹp có thể mơ ước được ở trần gian. Bà thứ mười một vừa dứt lời chúc tụng thì bỗng bà mụ thứ mười ba xuất hiện. Bà muốn trả thù vì không được mời dự tiệc. Bà xăm xăm tiến tới chỗ công chúa chẳng thèm nhìn ai, chào ai. Bà hét lên:
– Đến năm mười lăm tuổi công chúa sẽ bị mũi quay sợi đâm phải rồi lăn ra chết!
Rồi chẳng thèm nói thêm nửa lời, bà đi ra khỏi phòng. Mọi người còn đang kinh hoàng thì bà mụ thứ mười hai bước ra. Bà tuy chưa niệm chú chúc tụng công chúa nhưng lời chú của bà cũng không giải được lời chú độc địa kia, mà chỉ làm giảm nhẹ được thôi. Bà nói:
– Công chúa sẽ không chết, mà chỉ ngủ một giấc dài trăm năm.
Nhà vua muốn tránh cho con khỏi bị nạn nên ra lệnh cấm kéo sợi trong cả nước. Tất cả những lời chúc của các bà mụ đều thành sự thực: công chúa xinh đẹp, đức hạnh, thùy mị, thông minh, ai thấy cũng phải yêu.
Chuyện xảy ra đúng lúc công chúa tròn mười lăm tuổi. Hôm ấy, vua và hoàng hậu đi vắng, công chúa ở nhà một mình, màng đi lang thang khắp cung điện, tạt vào xem tất cả các buồng và các phòng. Sau cùng nàng tới một chiếc cầu thang, nàng trèo lên từng bậc thang xoáy trôn ốc chật hẹp và dừng chân trước một chiếc cửa nhỏ. Ổ khóa có cắm một chiếc chùa đã rỉ, nàng cầm chìa quay thì cửa mở tung ra. Trong buồng có một bà già đang ngồi chăm chú kéo sợi. Nàng hỏi:
– Cháu xin chào bà, bà làm gì vậy?
Bà lão gật đầu đáp:
– Bà đang kéo sợi.
– Cái gì nhảy nhanh như cắt thế kia hở bà?
Nàng vừa mới sờ vào xa kéo sợi thì lời chú của bà mụ thứ mười ba hiệu nghiệm: nàng bị mũi quay đâm vào tay. Nàng ngã ngay xuống chiếc giường ở cạnh đó và thiếp đi. Cùng lúc, cả cung điện cũng rơi vào một giấc ngủ triền miên. Vua và hoàng hậu vừa về, mới bước chân vào buồng đã nhắm mắt ngủ luôn. Cả triều đình cũng lăn ra ngủ. Ngựa trong chuồng, chó ngoài sân, bồ câu trên mái nhà, ruồi đậu trên tường, tất cả đều ngủ. Cả ngọn lửa bếp đang chập chờn cũng đứng lặng. Thịt quay cũng ngừng xèo xèo. Bác đầu bếp thấy chú phụ bếp đãng trí, đang kéo tóc chú, bác cũng buông ra ngủ. Gió ngừng thổi. Cây trước lâu đài không một chiếc lá rụng.
Quanh lâu đài, bụi hồng gai mọc mỗi ngày một rậm, phủ kín cả lâu đài, chẳng còn nhìn thấy gì nữa, cả đến lá cờ trên mái cũng không thấy. Rồi ở trong miền ấy, nhân dân truyền tụng lại là có một bông hồng xinh đẹp đang ngủ triền miên. Người ta gọi công chúa là công chúa Hồng Hoa. Thỉnh thoảng cũng có một vài hoàng tử nghe kể về câu chuyện truyền thuyết ấy đã chui vào bụi hồng gai tìm cách vào lâu đài, nhưng bụi gai như có tay giữ chặt họ lại, khiến họ bị mắc nghẽn.
Cứ thế năm tháng trôi qua. Một ngày kia lại có một hoàng tử tới nước này. Chàng nghe một ông lão kể lại rằng sau bụi gai có một tòa lâu đài, ở đó có nàng công chúa Hồng Hoa ngủ triền miên đã được trăm năm. Vua, hoàng hậu và cả triều đình cũng đều ngủ cả. Ông lão còn bảo là theo lời tổ phụ kể lại thì đã có nhiều hoàng tử tìm cách chui qua bụi hồng gai nhưng đều bị mắc lại ở đó.
Nghe xong, hoàng tử nói:
– Con không sợ, con muốn tới đó để gặp nàng Hồng Hoa xinh đẹp.
Ông lão hết sức can ngăn, nhưng hoàng tử không nghe.
Hạn ngủ triền miên trăm năm đã qua, đã đến lúc công chúa Hồng Hoa tỉnh giấc. Hoàng tử đến gần bụi gai thì chỉ thấy toàn những bông hồng to tươi nở như đón chào và giãn lối để chàng đi khỏi bị xây xát. Chàng đi qua tới đâu bụi hồng gai khép kín lại đến đó. Vào tới sân lâu đài, chàng thấy ngựa và những con chó tam thể đang nằm ngủ. Trên mái nhà, chim bồ câu rúc đầu vào cánh lặng lẽ. Chàng vào cung thấy ruồi đậu im trên tường, bác đầu bếp ngủ trong tư thế giơ tay như định tóm đầu chú phụ bếp. Còn cô hầu gái thiếp đi khi đang ngồi làm dở lông con gà đen. Chàng đi vào điện chính thấy cả triều đình đều ngủ. Trên ngai vàng vua và hoàng hậu cũng đang ngủ. Cảnh vật im lặng như tờ. Có thể nghe thấy rõ hơi thở của chàng. Tiếp tục đi, chàng tới trước một căn phòng, đó chính là căn phòng nơi công chúa Hồng Hoa ngủ. Chàng mở cửa bước vào thấy nàng đang nằm, dáng đẹp lộng lẫy. Chàng ngắm nhìn không rời mắt, rồi cúi xuống hôn nàng. Chàng vừa đụng môi thì công chúa Hồng Hoa bừng tỉnh. Nàng mở mắt nhìn chàng trìu mến. Hai người dắt tay nhau đi xuống lầu. Vua, rồi hoàng hậu và cả triều đình đều đã tỉnh dậy. Ngựa ngoài sân đứng lên quẫy mình, chó săn nhảy lên ngoe ngoẩy đuôi, bồ câu trên mái nhà vươn cổ, ngóc đầu nhìn quanh rồi bay ra cánh đồng, ruồi bậu trên tường lại tiếp tục bò, lửa trong bếp lại bùng lên, chập chờn và đun thức ăn, thịt quay lại xèo xèo, bác đầu bếp cho chú phụ bếp một bạt tai làm hắn kêu toáng lên, cô hầu bếp làm nốt lông gà.
Lễ cưỡi của hoàng tử và công chúa Hồng Hoa được tổ chức linh đình. Hai vợ chồng sống trọn đời hạnh phúc.
51. Bé Fundevogel
Ngày xửa ngày xưa có một người lục lâm vào trong rừng đi săn. Vừa mới đi được một quãng thì bác nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Theo hướng tiếng khóc bác đi tới. Tới nơi bác thấy trên cây cao có một đứa bé đang đu trên cành mà khóc.
Câu chuyện xảy ra như sau: Hai mẹ con đang ngủ ngon lành dưới gốc cây. Có một con đại bàng bay qua, nó nhìn thấy đứa bé đang ngủ ngon trong lòng mẹ, mà mẹ cũng đang ngủ say. Chim sà xuống cắp đứa bé mang theo, nó đặt đứa bé trên ngọn cây.
Người lục lâm trèo lên, đưa đứa bé xuống. Bác nghĩ:
– Mình có thể đưa đứa bé này về nuôi cùng với Lenchen con mình cho chúng có bạn bè.
Bác mang đứa bé về nhà nuôi. Hai đứa bé từ đó sống vui vẻ bên nhau, chúng lớn lên trông thấy. Vì đứa bé tìm thấy ở trên ngọn cây nên nó được đặt tên làFundevogel. Hai đứa bé rất quyến luyến nhau. Chúng thương nhau đến nỗi, nếu đứa này vắng nhà một lúc là đứa kia mặt buồn rười rượi vì nhớ.
Bếp núc trong nhà người lục lâm do một bà già đảm nhiệm. Vào một buổi tối kia, hai tay xách hai cái xô bà ra giếng lấy nước. Thấy bà lấy nước nhiều lần hơn mọi ngày. Lenchen hỏi:
– Bà ơi, bà Sanne ơi, sao hôm nay bà xách nhiều nước thế?
– Bà kể cho cháu nghe điều này nhé, nhưng cháu không được kể lại cho ai biết nhé.
Lenchen hứa sẽ giữ mồm, không nói cho ai biết. Bà già nói:
– Sớm mai, khi bố cháu ra khỏi nhà, vào rừng đi săn, bà sẽ đun chảo nước, nước sôi bà ném thằng Fundevogel vào chảo mà nấu.
Sớm tinh mơ người lục lâm kia đã dậy đi săn. Khi bác đi khỏi nhà thì hai đứa bé hãy còn nằm ở trong giường. Lúc đi Lenchen nói với Fundevogel:
– Nếu bạn không bỏ mình thì mình cũng không bao giờ xa bạn một bước.
Fundevogel đáp:
– Không, không bao giờ tớ bỏ rơi bạn.
Lenchen nói tiếp:
– Giờ tớ nói cho bạn nghe điều này nhé, bà Sanne tối qua xách rất nhiều nước đổ chum, thấy vậy mình mới hỏi bà, tại sao bà lại xách nhiều nước thế, bà nói nếu mình giữ kín câu chuyện thì bà sẽ nói cho mà nghe. Mình nói, mình hứa sẽ không nói cho ai biết. Lúc đó bà bảo: ngày mai, khi chủ nhà vào rừng đi săn, lúc đó bà sẽ đun chảo nước nóng và quẳng bạn vào trong chảo nước sôi mà đun. Giờ chúng mình phải dậy ngay, mặc quần áo và trốn đi thật nhanh.
Thế là cả hai bật dậy thay quần áo, và trốn thật nhanh ra khỏi buồng ngủ. Khi người lục lâm đi khuất, mụ già chất bếp, tính vào bắt Fundevogel ném vào chảo nước sôi. Nhưng vào tới trong buồng ngủ mụ thấy buồng trống. Biết ngay là hai đứa trẻ đã đi trốn nên mụ đâm ra hoảng, mụ lẩm bẩm:
– Biết ăn nói sao với chủ nhà bây giờ khi ông biết lũ trẻ chạy trốn vì sợ ta, tốt nhất là ta hãy mau đuổi theo, bắt chúng lại.
Mụ sai ba tên người hầu chạy đuổi theo hai đứa bé. Hai em ngồi ở bên cánh rừng. Nhìn thấy ba tên người hầu đang đi ở phía xa, lúc đó Lenchen nói với Fundevogel:
– Nếu bạn không bỏ mình thì mình cũng không bao giờ xa bạn một bước.
Fundevogel đáp:
– Không, không bao giờ mình bỏ rơi bạn.
Lenchen nói tiếp:
– Bạn sẽ thành bụi hồng gai và mình là bông hồng.
Khi ba tên người hầu tới bên cánh rừng thì chỉ thấy bụi hồng gai, giữa bụi là một bông hồng mới nở, ngó quanh chẳng thấy có đứa bé nào. Chúng nói với nhau:
– Có bóng dáng đứa nào đâu mà tìm.
Về tới nhà chúng bảo mụ đầu bếp, chúng chẳng thấy gì ngoài bụi hồng gai có một bông hồng mới nở ở giữa bụi. Bực mình mụ la mắng chúng.
– Tụi bay ngu ngốc cả lũ. Đáng lẽ tụi bây phải chặt trụi bụi hồng gai, ngắt bông hồng kia mang về. Đi mau, có thế mà cũng không xong.
Chúng hộc tốc kéo nhau ra cánh rừng, nhìn thấy chúng từ xa, Lenchen nói với Fundevogel:
– Nếu bạn không bỏ mình thì mình cũng không bao giờ xa bạn một bước.
Fundevogel đáp:
– Không, không bao giờ mình bỏ rơi bạn.
Lenchen nói tiếp:
– Bạn sẽ là hồ nước và mình là vịt bơi trên hồ.
Tới bên cánh rừng mụ đầu bếp chỉ thấy hồ nước và vịt, mụ với tay ra định dìm vịt xuống. Nhưng vịt bơi ra xa hơn, lấy mỏ cắn chặt mớ tóc của mụ và kéo mụ đầu bếp xuống hồ nước. Mụ đầu bếp quái ác ngã xuống hồ và chết đuối.
Vui mừng hai anh em lại kéo nhau về nhà.