Giới thiệu truyện Lĩnh Nam Trích Quái

Nguyên tác chữ Hán

Tác giả: Trần Thế Pháp (đời Trần)

Dịch giả: Lê Hữu Mục

Nhà xuất bản Khai Trí xuất bản năm 1961

Tựa Liệt Truyện Lĩnh Nam Chích Quái

Vũ Quỳnh hiệu đính

Quế Dương tuy ở Lĩnh ngoại, nhưng núi sông kỳ, đất đai linh, những người hào kiệt thường thường vẫn có. Từ đời Xuân Thu, Chiến quốc đến nay, nước dựng chưa lâu lắm, tục nước Nam đang còn giản lược, chưa có sử sách để chép việc thực cho nên việc cũ bị di vong rất nhiều, may chỉ nhờ nhân gian khẩu truyền mà còn lại không mất.

Kịp đến đời Tây Hán, Tam Quốc, Đông Tây Tấn, Nam Bắc Triều, rồi Đường, Tống, Nguyên mới có sử truyện để chép công việc, như mấy bản Lĩnh Nam Chí, Giao Quảng Chỉ Lược, rõ ràng có thể khảo được.

Nhưng, nước Việt ta từ xưa là đất yêu hoang, sự biên tập còn phần khuyết lược. Nước Việt ta lập quốc bắt đầu từ Hùng Vương, mà văn minh tiệm tiến thì tràn lan từ đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến bây giờ cho nên quốc sử biên tập có phần tường tận hơn, thời bản liệt truyện này làm ra, không biết làm từ đời nào và người nào làm, ngờ rằng các bậc hồng sinh thạc nho đời Lý, Trần thảo sáng ra rồi các bậc quân tử hiếu cổ bác nhã ngày nay nhuận sắc lại.

Ngu đinh này xin xét lại đầu đuôi, cứ từ chuyện mà trình bày để suy minh thêm ý của tác giả, như truyện họ Hồng Bàng nói rõ lý do khai sáng ra nước Hoàng Việt, truyện Dạ Xoa Vương bày tỏ triệu chứng tiệm tiến của nước Chiêm Thành; Bạch Trĩ có chuyện chép đời Việt Thường; Kim Qui có truyện chép đời An Dương; tục sính lễ của người Nam không gì quý bằng trầu cau, nêu cho rõ ra, thời nghĩa vợ chồng, tình anh em càng thêm rõ rệt. Đến mùa hạ không gì quý bằng dưa hấu, cậy có vật của mình không cần đến ân chúa, như thế là rõ ràng. Truyện bánh chưng là để khen sự hiếu dưỡng, hạnh kiểm Ô Lôi là để răn sự tà dâm. Đổng Thiên Vương phá giặc Ân; Lý Ông Trọng uy hiếp hung nô là biết nước Nam có người tài đáng kể, Chử Đồng Tử gặp gỡ nàng Mị Nương, Thôi Vỹ gặp gỡ bạn tiên thì là chuyện người làm lành được có âm chất nên xem vậy. Đạo Hạnh, Không Lộ, mấy truyện ấy là tưởng lệ sự trả thù cha, bọn thuyền sư cũng không nên bỏ sót. Mấy truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh là nêu lên tài trừ yêu quái, đức của Long Vương cũng không thể bỏ quên. Trung nghĩa của hai Bà Trưng, chết làm thổ thần, nêu cao danh dự, ai bao không nên? Anh linh thần Tản Viên đã bài trừ loài thủy tộc, rõ ràng hiển dị, ai gọi không thiêng? Cùng với nước Nam Chiếu là dòng dõi Triệu Vũ, nước mất còn biết phục thù, nàng Man Nương là mẹ Mộc Phật, năm hạn làm được mưa rào, sông Tô Lich có thần Long Đậu, Xương Cuồng có tinh Chiên Đàn; một bên thời lập đền thờ cúng mà dân chịu được phúc, một bên thời dụng thuật trừ khử mà dân khỏi điều họa, việc tuy quái mà không đến đản, văn tay dị mà không đến yêu, tuy rằng có hơi hoang đàng, nhưng tông tích còn có căn cứ, đó chẳng qua là để khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ điều ngụy, tồn điều chân, làm cho phong tục thêm phần khích lệ vậy, so với Sưu Thần Ký của người nhà Tấn, Địa Quái Lục của người nhà Đường thì cùng một ý đó.

Than ôi! Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải ít bổ ích đâu?

Mùa xuân năm Nhâm Tý niên hiệu Hồng Đức 1 , ngu sinh mới được bản truyện này, giở ra xem, không khỏi có sự lầm lẫn như Lỗ Ngư Âm Đào, quên mình là quê hèn, sắp đặt và hiệu chỉnh lại chia làm ba quyển nhan đề là Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, cất ở trong nhà đề phòng xem lại. Bằng như đính chính và nhuận sắc để cho việc được đầy đủ, văn được xác thực, lời được tinh thông, ý được xa rộng, thời nhờ các bậc quân tử hậu lai hiếu cổ, há lại không có người hay sao? Vậy nên làm bài Tựa.

Niên hiệu Hồng Đức năm thứ hai mươi ba tiết Trọng thu. 2

Yến Xương Vũ Quỳnh, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, 3

Giám sát đạo Kinh Bắc, Ngự sử, người Hồng Châu, xã Trạch Ổ 4 .

Lời nói đầu

Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh Tập là hai văn phẩm có liên quan với nhau, bởi vậy, trong khi tác phẩm của Lý Tế Xuyên đang được ấn hành thì chúng tôi cũng cho tác phẩm của Trần Thế Pháp lên khuôn. Phương pháp nghiên cứu tác phẩm này vẫn là phương pháp nghiên cứu quyển trước. Những điều đã chú thích ở quyển trên sẽ không nhắc lại ở cuốn sau.

Bản Lĩnh Nam Chích Quái này được dịch theo một bản chép tay do Phạm Quỳnh đã thuê viết lại. Nhà học giả Phạm Quỳnh trong khi cho người sao lục những bản cổ văn thường sửa chữa lại những điểm mà ông cho là sai. Do đấy, bản chép tay mà chúng tôi gọi là bản Phạm Quỳnh này có nhiều chỗ khác với những bản A.33, A.749, A.750, A.1200, A.1300, A.1897, A.1920 v. v… mà Gaspardone đã nhắc tới trong Bibliographie Annamite. Chúng tôi sẽ có dịp làm hiệu bản một khi có đầy đủ những bản chép tay của Lĩnh Nam Chích Quái.

Bản phiên dịch cũng như phần dẫn nhập chắc chắn còn nhiều khuyết điểm; chúng tôi nhận thấy còn có thể nghiên cứu tác phẩm một cách kỹ lưỡng hơn nếu có đầy đủ thì giờ và phương tiện, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng nếu không bắt đầu bằng chỗ bắt đầu thì không có một công cuộc gì được khởi sự; do đấy, chúng tôi mạnh bạo cho ấn hành tập sách này để góp phần vào việc soạn thảo một bộ Việt Nam Văn Học Toàn Thư hiểu đúng nghĩa của chữ Toàn Thư. Trong tinh thần này, những tác phẩm cổ văn như Khóa Hư Lục, Thiền Uyển Tập Anh, Nhị Khê Thi Tập, Ức Trai Thi Tập, Kiến Văn Tiểu Lục, Hoàng Việt Thi Tuyển và Hoàng Việt Văn Tuyển v. v… đã nghiên cứu và phiên dịch xong, sẽ được lần lượt ấn hành.

Chúng tôi mong rằng những nỗ lực của chúng tôi sẽ được các học giả trong nước, các bạn giáo sư, sinh viên và học sinh tán thành ủng hộ để cho công cuộc nghiên cứu của chúng tôi được phổ biến một cách sâu rộng.

Huế ngày 1-2-1960

Lê Hữu Mục

Dẫn nhập

I. Nhan đề của tác phẩm:

Các nhà khảo cứu về Lĩnh Nam Chích Quái tỉ dụ Guspardone, Dương Quảng Hàm, Hoa Bằng, Maurice Durand v. v… đều viết tên của tác phẩm là Lĩnh Nam Trích Quái, chua chữ trích là 摭 và hiểu 摭 nghĩa là gom góp lượm lặt; trong bài Bibliographie Annamite 5 , Gaspardone đã dịch Lĩnh Nam Trích Quái là Recueil des êtres extraordinaires du Lĩnh Nam, nghĩa là chữ trích đã được hiểu theo nghĩa chữ recueil, một tập thu góp những bài đã có sẵn. Cố giáo sư Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, tuy đã chua chữ Trích là 摘 nhưng cũng đã hiểu Trích là nhặt lấy, là góp nhặt 6 . Như vậy chữ Trích đã được chua hai cách khác nhau, nhưng đã được hiểu theo một nghĩa. Sự thực ý nghĩa của hai chữ 摭 và 摘 trái ngược hẳn nhau; theo Từ Hải thì 摭 phải đọc là chi ích thiết, âm chích, và nghĩa là từ trên đất mà lượm lặt lên; do đấy, 摭 đọc là Chích cho đúng cách phát âm 7 diễn tả hành động của một người cúi xuống để lấy một vật gì ở dưới lên; cái ở dưới đất là một cái gì tầm thường, là cát bụi chẳng hạn, một cái gì lẻ tẻ, rời rạc, không có giá trị; về văn chương thì những cái tầm thường ấy có thể là những mẩu chuyện vu vơ, một vài tình tiết không có liên lạc gì với nhau, nay được một nhà trí thức chích lên, nghĩa là thu góp lại, sắp đặt cho có đầu đuôi, rồi tổ chức những tình tiết vụn vặt khi trước thành một câu chuyện có hệ thống, có ý nghĩa. Phải phân tích sâu xa chữ chích, ta mới thấy sự góp phần quan trọng của tác giả Lĩnh Nam Chích Quái trong công cuộc duy trì và phát huy những giá trị cũ của dân tộc; từ những câu chuyên Hồng Bàng, Ngư Tinh, Mộc Tinh mà có lẽ người bình dân đã được nghe lõm bõm đây đó, ông đã đúc kết thành một câu chuyện hấp dẫn về đời Hùng Vương, trình bày cả một bức tranh lịch sử linh hoạt và sinh động, người nghe đã bị chinh phục hoàn toàn đến nỗi ngộ nhận đó là một câu chuyện có thực.

Ngược lại, chữ 摘 8 có một ý nghĩa khác hẳn; nó diễn tả cử chỉ của một người giơ tay ra để hái những quả đã có sẵn ở trên cây; việc làm của người ấy không có gì là mới mẻ; quả hái được vẫn giữ những màu sắc cũ; một đôi khi những màu sắc ấy có thể phai nhạt đi, quả hái được cũng có thể héo khô đi. Nói một cách rõ hơn, chữ 摘 không bao hàm một cử chỉ sáng tạo; nó chỉ việc lấy của người ta đã làm sẵn sàng mà sử dụng; dĩ nhiên, trích cũng một đôi khi giả thiết một sự lựa chọn, nhưng dù sao, sự lựa chọn ấy cũng chỉ là một sự lựa chọn những cái đã hình thành, chẳng hạn những mẫu chuyện đã được viết xong, những tình tiết đã được sắp đặt một cách ngăn nắp. Do đấy, công việc chích 摭 tích cực bao nhiêu thì công việc trích 摘 tiêu cực bấy nhiêu; chích càng sáng tạo thì trích càng máy móc.

Vì những lý do đó, công việc của tác giả Lĩnh Nam là đã chích quái chứ không phải trích quái; bao nhiêu những chuyện truyền kỳ của ta xưa, ông đã không cứ để nguyên như vậy mà góp nhặt thành sách; công việc ấy quá dễ dàng; nhưng đàng này, tác giả đã chích quái nghĩa là từ những mẩu chuyện bé nhỏ rơi rớt trong dân gian, ông xây nên một lâu đài truyện cổ nguy nga; từ những cát bụi muôn phương, ông trau chuớt thành châu ngọc. Công sáng tạo của tác giả đáng được kể như là công trình của một nhà tiểu thuyết; tác phẩm của ông là một trong hai tập đoản thiên đầu tiên của văn học Việt Nam. Ta nói đến tác phẩm như là một sản phẩm tinh thần của tác giả cũng như là một tinh hoa của cuối đời Trần.

Căn cứ vào những lý do trên, tôi đề nghị nên để nhan đề của tác phẩm này là Lĩnh Nam Chích Quái. Những tên khác của tác phẩm cũng nên viết lại như thế, tỉ dụ Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện; Lĩnh Nam Chích Quái Truyện Lục; Lĩnh Nam Chích Quái Lục; Tham Bổ Lĩnh Nam Truyền Văn Thần Dị Chích Quái Liệt Truyện.

II. Trần Thế Pháp, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái.

Những phân biệt ở trên cho ta thấy sự cần thiết phải biết tên tác giả.

Đầu tiên, ta không thể theo các nhà khảo cứu đời Lê mà cho rằng tác giả của Lĩnh Nam Chích Quái là Vũ Quỳnh hay Kiều Phú. Trước hết, Phan Huy Ôn trong cuốn Thiên Nam Lịch Triều Liệt Huyện Đăng Khoa Bị Khảo, quyển thứ tư nói về tỉnh Hải Dương, huyện Đường An tức là khi nói về quê quán của Vũ Quỳnh, đã cho rằng Vũ Quỳnh, đỗ tiến sĩ năm 1478 là tác giả của Lĩnh Nam Chích Quái nhưng điều này, chính Vũ Quỳnh đã tự cải chính trước; trong bài tựa Lĩnh Nam Chích Quái đề năm 1492, ông thú nhận không biết sách được khởi tác vào thời nào, hoàn thành do ai mà tính danh bị bỏ khuyết không thấy chép 9 ; như vậy, công việc của Vũ Quỳnh chỉ là một công việc hiệu chỉnh, sắp đặt, là công việc tất nhiên của một nhà khảo cứu văn học và sử học như Vũ Quỳnh; ta cũng không thể vì công trình hiệu chính ấy mà để tên của Vũ Quỳnh lên đầu tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái. Điều này, chính Gaspardone đã nhắc nhở từ năm 1934 khi viết Bibliographie Annamite. Đã đành bản mà ta phỏng đoán là bản chính rất có thể không được bố cục một cách hợp lý như bản đã được Vũ Quỳnh sắp đặt lại 10 ; bản chính, nghĩa là bản mà Vũ Quỳnh chưa hiệu đính 11 , chưa được chia thành quyển, và thứ tự của các truyện 12 khác hẳn với thứ tự của các truyện trong bản của Vũ Quỳnh. Đây là bố cục của bản chính, theo như Vũ Quỳnh đã nói trong bài Tựa, và cũng dựa theo Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí 13 :

1) Hồng Bàng

2) Dạ Soa

3) Bạch Trĩ

4) Kim Qui

5) Tân Lang

6) Tây Qua

7) Chưng Bỉnh

8) Ô Lôi

9) Phù Đổng

10) Lý Ông Trọng

11) Chử Đồng Tử

12) Thôi Vỹ

13) Từ Đạo Hạnh

14) Dương Không Lộ

15) Ngư Tinh

16) Hồ Tinh

17) Nhị Trưng

18) Tản Viên

19) Nam Chiếu

20) Man Nương

21) Tô Lịch

22) Mộc Tinh.

Bố cục này không được hợp lý vì không tôn trọng thứ tự thời gian; truyện Hồng Bàng đi với truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, biểu dương những vĩ tích của Lạc Long Quân thì truyện Hồng Bàng được sắp ở số 1, Ngư Tinh số 15, Hồ Tinh số 16 và Mộc Tinh số 22; truyện Ô Lôi xảy ra đời Trần Dụ Tôn (1341-1357) lại được để trước truyện Nhị Trưng v. v… Vũ Quỳnh đã thấy những khuyết điểm này và đã sắp đặt theo như mục lục mà ta đọc ở sau bài Tựa của tác phẩm này. Tuy vậy, việc làm của Vũ Quỳnh cũng không được đúng lắm; đáng lẽ ra ông phải tôn trọng bố cục của tác giả, và chỉ được phê bình những khuyết điểm của bố cục ấy ở một chỗ khác. Công việc chỉ có thế mà Vũ Quỳnh đã được coi là tác giả của Lĩnh Nam Chích Quái thì thực là một điều lạ.

Trong khi Phan Huy Ôn công nhận một cách sai lầm như thế thì Nguyễn Hoàn cũng sai lầm không kém. Trong Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục 14 ghi tên những thí sinh trúng tuyển các kỳ thi từ năm 1075 đến năm 1787, Nguyễn Hoàn, trong quyển 1, tờ 20 đã cho Kiều Phú là tác giả của Lĩnh Nam Chích Quái; Kiều Phú người xã Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn (nay là phủ Quốc Oai, Sơn Tây) sinh năm 1447 và đỗ tiến sĩ năm 1475; như vậy, ông chỉ là một người đồng thời với Vũ Quỳnh vì Vũ Quỳnh sinh năm 1453; nếu Vũ Quỳnh công nhận Lĩnh Nam Chích Quái đã được khởi thảo từ đời Lý hay đời Trần 15 thì Kiều Phú không thể là tác giả của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái; tựa của Kiều Phú đề năm 1493, nghĩa là sau bài Tựa của Vũ Quỳnh một năm, không thể nào ông đảm nhận cho ông cái vinh dự làm tác giả cuốn Lĩnh Nam Chích Quái 16 .

Nếu Vũ Quỳnh và Kiều Phú không phải là tác giả của Lĩnh Nam Chích Quái thì ai là người đã sáng tác ra nó? Tôi có thể nói người đó là Trần Thế Pháp.

Không ai biết rõ về Trần Thế Pháp cả. Toàn Thư cũng như Sử Ký không thấy nhắc đến tên ông; Bị Khảo cũng như Đăng Khoa Lục cũng vậy. Theo Lê Quý Đôn thì Trần Thế Pháp là người huyện Thạch Thất (Sơn Tây) và có tên hiệu là Thức Chi. Ông đã không có cái hân hạnh được sử sách nhắc nhở đến tên, nhưng ông được người bình dân quen biết, bởi vậy, trong Kiến Văn Tiểu Lục 17 , Lê Quý Đôn đã viết “Lĩnh Nam Chích Quái, 1 q. 18 tương truyền là tác phẩm của Trần Thế Pháp; bài Tựa Nam Bản của Thiếu Vi cũng nói thế; không biết Thế Pháp là người xứ nào” 19 . Giọng nói của Lê Quý Đôn là một giọng nói khẳng định; ông chỉ không biết Thế Pháp là người ở đâu, nhưng ông cho rằng theo lời người ta nói thì Trần Thế Pháp là người đã viết ra Lĩnh Nam Chích Quái; sợ rằng hai chữ “tương truyền” chưa đủ mạnh mẽ để cho người đọc tin, ông vội vã nói thêm đấy cũng là chủ trương của Thiếu Vi trong Nam Bản; ta tiếc không biết Thiếu Vi là ai và Nam Bản là gì, nhưng nếu đã là người mà tác giả đã dùng để tăng cường cho uy tín của mình thì nhất định phải là một người đáng kể, nhất là người ấy cũng từng là một người có vinh dự đề tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái. Do đấy, trong khi chờ đợi những bằng chứng xác đáng hơn, ta có thể coi Trần Thế Pháp là tác giả của Lĩnh Nam Chích Quái chính bản, gồm 22 truyện mà ta đã liệt kê ở trên; 19 truyện phụ lục là của một nho sĩ họ Đoàn đời nhà Mạc đã thêm vào; ta sẽ không chú ý đến phần phụ lục này (tức Lĩnh Nam Chích Quái quyển 3) cũng như ta sẽ không nói tới quyển Tục Biên Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện do Nguyễn Nam Kim đã hoàn thành, quyển Lĩnh Nam Chích Quái Tiếm Đỉnh của một nho sĩ vô danh 20 v. v…

III. Soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái:

Vì không biết Trần Thế Pháp là người thời nào, ở đâu, ta khó lòng xác định được soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái, nhưng ta có thể lý luận để thử tìm hiểu tác phẩm đã được viết vào khoảng những năm nào.

Đầu tiên, căn cứ vào bài Tựa của Vũ Quỳnh đề năm 1492 trong đó nhà hiệu chỉnh thú nhận không biết Lĩnh Nam Chích Quái đã được hoàn thành vào thời kỳ nào, ta có thể nói tác phẩm đã được viết lâu năm trước thế hệ của Vũ Quỳnh. Vũ Quỳnh sinh năm 1453, đỗ tiến sĩ năm 1478, đề tựa Lĩnh Nam Chích Quái năm 1492, viết xong Đại Việt Thông Giám Thông Khảo năm 1510, như vậy, nhà văn học kiêm sử gia ấy có đủ phương tiện và học thức đề biết rõ về tác phẩm và tác giả mà đã đành chịu không nắm được tài liệu nào đủ biết thời Trần Thế Pháp còn sống phải rất xa đối với thời đại của Vũ Quỳnh. Ý kiến này cũng là ý kiến của Gaspardone. Từ năm 1492 trở lại năm 1428 là năm Lê Lợi lên ngôi, tình thế đã được ổn định, năm này qua năm khác không xảy ra một biến cố nào quan trọng, do đấy, nếu đến năm 1492 mà Vũ Quỳnh không biết gì về soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái thì từ 1428 trở đi, không có một tài liệu nào về tác phẩm nói trên đã được công bố; nếu đã có một tài liệu nào được công bố thì không có lý do gì tài liệu ấy lại bị thất lạc, không đến tay Vũ Quỳnh, giữa một thời kỳ mà không có một biến cố chính trị nào có thể làm cho tài liệu kia bị tiêu hủy. Như vậy, ta có thể nói soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái phải kể trước năm 1428.

Từ 1428 trở về 1407, lịch sử trải qua bao nhiêu giai đoạn khủng khiếp; đất nước rung chuyển dưới gót giày xâm lăng của quân Minh; giữa khói lửa tơi bời, trước những lời kêu gọi xuất quân của Giản Định Đế, của Trấn Quí Khoách, của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, khó lòng có một nhà nho nào ngồi yên lặng rở những cuốn Tài Quỷ KýNam Hải Cổ Tích Ký mà ghi lại những chuyện xa xưa. Nếu nhà nho ấy có can đảm sáng tác trong thời gian này thì những sáng tác phẩm ấy đã hồi quang những cảnh hỗn loạn của chiến tranh, những hình ảnh rùng rợn của máu lửa, hoặc đã là những lời ca tụng khí phách anh hùng như Nghĩa Sĩ Truyện, những lá thư khuyến dụ địch như những lá thư hùng dũng của Nguyễn Trãi gửi cho quân Minh. Ngược lại, Lĩnh Nam Chích Quái mang một nội dung khác hẳn; không khí của tác phẩm trang nghiêm nhưng yên tĩnh; đâu cũng là hòa bình, đơn giản, nghĩa là Lĩnh Nam Chích Quái không thể là một tác phẩm được hoàn thành trong khoảng thời gian từ 1407 đến 1427. Như vậv, ta có thể nói rằng soạn niên của Lĩnh Nam Chích Quái là từ khoảng Trần Dụ Tôn đến hết đời Hồ, nghĩa là từ 1341 đến 1407 nhưng soạn niên của tác phẩm ấy có thể đặt vào cuối đời Trần 21 thì đúng hơn là đặt vào đời Hồ.

Tại sao lại kể từ đời Trần Dụ Tôn mà thôi? Đó là ta căn cứ vào truyện Hà Ô Lôi xảy ra năm Thiệu Phong thứ 6 tức là năm 1346 đời Trần Dụ Tôn. Truyện Hà Ô Lôi là truyện thứ 8 trong mục lục của bản chính và là truyện thứ 21 trong bản hiệu đính của Vũ Quỳnh. Vai chính trong truyện là vua Trần Dụ Tôn và Hà Ô Lôi, một đứa con hoang có tài mà nhà vua rất tín sủng. Năm Ô Lôi 15 tuổi, tức là năm 1360 thì được nhà vua đãi vào hàng tân khách. Năm sau, tức là năm 1361, chàng được mật lệnh đi chinh phục cho nhà vua bà Quận chúa A Kim trẻ đẹp nhưng góa chồng ở làng Mọc. Theo sử, từ năm 1358, sau khi Trương Hán Siêu và Minh Tông mất đi, Dụ Tôn tha hồ tự do sống phóng túng, cờ bạc, rượu chè, say mê ca kịch đến nỗi đã cướp vợ của kịch sĩ Dương Khương mặc dầu bà này đã có mang hai tháng chỉ vì bà này là nữ kịch sĩ; bảy tháng sau, Dương Nhật Lễ ra chào đời, được làm con nuôi của Dụ Tôn và trước khi Dụ Tôn băng hà đã được chiếu nối ngôi dù Dụ Tôn còn có một người anh là Cung Định Vương Phủ; Dương Nhật Lễ làm vua từ 1369 đến 1370, sau bị Trần Ngô Lang lừa vào cung, Tuyên Vương Kính đem quân về kinh giết chết, nhưng trước khi chết còn được Cung Định Vương (sau đó là vua Nghệ Tông) chạy đến ôm lấy mà khóc, chứng tỏ anh em vua Dụ Tông vẫn còn say mê mẹ con Dương Nhật Lễ. Ta có thể nói Dương Nhật Lễ của lịch sử là Hà Ô Lôi của Lĩnh Nam Chích Quái. Cũng một nguồn gốc không có gì đẹp đẽ ấy, cũng một cái tài về ca kịch và cũng được mọi người say mê đến nỗi quên cả địa vị của họ và bỏ bê trễ cả công việc. Đọc truyện Hà Ô Lôi, ta thấy mọi tình tiết của câu chuyện ăn khớp với đời sống xa hoa trụy lạc của Trần Dụ Tông, từ cái tính quay cuồng vì nghệ thuật, những mánh khỏe cỏn con để săn sắc đẹp, đến cái vẻ quyến rũ của tiếng hát v. v… Phải là một người đương thời với Trần Dụ Tông mời có thể là một chứng nhân nhãn tiền như vậy. Căn cứ trên câu truyện Hà Ô Lôi, ta có thể nói rằng Trần Thế Pháp sống vào đời Trần Dụ Tông, và cuốn Lĩnh Nam Chích Quái đã được hoàn thành ngay sau thời kỳ ấy, từ 1370 đến 1400.

IV. Nguồn gốc Lĩnh Nam Chích Quái.

Dân tộc nào cũng vậy, trong giai đoạn đầu tiên, cũng sản xuất ra một số truyện thần thoại, nghĩa là những truyện linh quái 22 để giải thích nguồn gốc của mình. Thần thoại nghĩa là nói đến thần, nhưng chữ thần ở đây không nhất thiết chỉ là những thực thể siêu nhiên, vô hình; thần ở đây có thể là những thần thánh, hoặc nửa thần nửa người, hoặc những anh hùng liệt sĩ mà những vĩ tích oai linh trong thế gian đã liệt vào hàng thần thánh. Sau truyện thần thoại là những truyện chắc chắn đã có từ khi có loài người, ta thấy xuất hiện nhiều loại truyện truyền thuyết trong đó tính cách linh quái đã phai nhạt rất nhiều và các tình tiết phô diễn được ẩn náu dưới những màu sắc của lịch sử. Cùng với hai loại này, ta còn nhận thấy loại truyện cổ tích, cốt yếu ở điểm duy trì và phát huy những phong tục, những tập quán, những quy ước luân lý cũ. Phân tích ba khuynh hướng này trong truyện truyền miệng của ta xưa, ta thấy rõ ràng nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái.

Đầu tiên về phương diện thần thoại, nói theo Lê Quý Đôn 23 , Lĩnh Nam Chích Quái “giả thác truyện hội rất nhiều, không thể kể xiết”. Maspéro 24 chứng minh truyện Hùng Vương là truyện trích ở các tác phẩm Trung Hoa 25 . Nguyễn Đổng Chi cho rằng “chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh hay chiến tranh giữa Cường Bạo Đại Vương với Thần Sét có nhiều điểm rất giống chiến tranh giữa thần Chúc Dong với thần Cộng Công trong truyện thần thoại Trung Hoa, giữa thần Chang Lô Cô với thần Lun Cung trong truyện thần thoại của dân tộc Mán, giữa cua và quạ trong truyện thần thoại Ba-na”. Przyluski 26 có cảm tưởng đã đọc truyện Kim Qui ở đâu rồi bởi vì các miền vùng Nam Hải ngày xưa đều có những truyện tương tự. Những quan điểm này về nguồn gốc các truyện thần thoại trong Lĩnh Nam Chích Quái không phủ nhận bản sắc của truyện này bởi vì cùng nằm trong một địa phương, các dân tộc Đông Nam Á dĩ nhiên có sự giao lưu về phương diện văn hóa. Ngay từ thời Bắc Thuộc, Triệu Xương và Tăng Cổn là hai nhà hành chính Trung Hoa đã có cơ hội biên tập một ít truyện cổ của ta trong Giao Châu Ký đủ biết người Việt đã đủ khả năng sáng tạo văn nghệ từ trước rồi. Còn về những tác phẩm mà Maspéro 27 đã dẫn, làm thế nào để chứng minh rằng các tác phẩm ấy có trước những câu truyện truyền miệng của ta? Mọi quả quyểt về vấn đề này đều vội vã và sai lầm.

Về loại truyền thuyết, nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái là do sự truyền khẩu của dân gian, đúng như lời Vũ Quỳnh đã nói trong bài Tựa danh tiếng của ông. Những lời truyền khẩu này căn cứ trên những hiện tượng lịch sử xác thực, đồng thời được óc tưởng tượng hồn nhiên và phong phú của nhân dân tô điểm đã dựng nên những tình tiết lý thú. Qua những truyện Trầu Cau, Dưa Hấu, Bánh Chưng v. v…. ta thấy thức dậy cả một quá khứ xa xăm trong những nét vàng son rực rỡ. Về loại này, nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái là óc tưởng tượng rất sáng tạo của người Việt, những phong tục đặc biệt của ta xưa, những thổ sản mà chỉ riêng ta có.

Sau cùng, về loại truyện cổ tích, ta có thể tìm thấy ba nguồn gốc. Nguồn gốc Trung Hoa như Việt Tỉnh, và điều này, chính Lê Quý Đôn đã nói đến trong Kiến Văn Tiểu Lục; ngoài ra còn có nguồn gốc ở khẩu truyền, ở dã sử như truyện Lý Ông Trọng, truyện Nhị Trưng, Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ; sau cùng, có truyện là tác phẩm của chính Trần Thế Pháp. Có lẽ tác giả vì một lý do thận trọng hay khiêm tốn nào đó đã để lẫn lộn tác phẩm của mình vào với những truyện truyền miệng, gần giống như La Bruyère của văn học Pháp, khi xuất bản cuốn Les Caractères lần đầu tiên năm 1688 vì muốn đánh lạc dư luận, đã phải nhan đề tác phẩm của ông là tác phẩm dịch của một triết gia Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 4 trước Thiên Chúa Giáng Sinh 28 . Truyện rõ rệt là tác phẩm của Trần Thế Pháp là truyện Hà Ô Lôi.

V. Phân tích Lĩnh Nam Chích Quái.

A. Những truyện thần thoại:

Đây là những truyện như Hồng Bàng, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, Đổng Thiên Vương, Tản Viên.

Đầu tiên, ta thử phân tích truyện Hồng Bàng, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh mà ta có thể mệnh danh là Bốn vĩ tích của Lạc Long Quân 29 . Lạc Long Quân tên là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương, con cháu Thần Nông và Long Nữ, con gái của thần Động Đình Hồ.

Vĩ tích thứ nhất của Lạc Long Quân là triệt hạ Ngư Tinh. Ngư Tinh là một quái vật ăn thịt người; thân nó dài hơn năm mươi trượng, mặt như mặt người, chân giống như chân rết, biến hiện như gió bão. Dân chúng vô cùng kinh dị. Lạc Long Quân thương dân mới đóng một chiếc thuyền lớn chèo đến tận hang Ngư Tinh ở giữa biển Đông, rèn một khối sắt rồi bế một người lên giứ cho Ngư Tinh ăn; Ngư Tinh há miệng định nuốt mồi thì khối sắt nung đỏ đã được lao thẳng vào miệng. Cuộc thủy chiến giữa Lạc Long Quân và Ngư Tinh bùng nổ dữ dội. Được sự cộng tác của Thủy Dạ Xoa ngăn gió bão, Lạc Long Quân toàn thắng, đầu tiên chém được khúc đuôi của Ngư Tinh, sau chém được khúc đầu. Ngư Tinh chỉ còn một khúc giữa nổi lềnh bềnh trên mặt biển.

Vĩ tích thứ hai là diệt trừ Hồ Tinh chín đuôi. Con hồ này là một con yêu quái đã sống hơn một ngàn năm, chuyên môn dụ dỗ con trai con gái vào hang để làm gì không biết. Lạc Long Quân sai bộ hạ lái nước sông vào làm cho hang của hồ tinh bị ngập lụt trôi đi để lại một cái vực sâu nay gọi là Tây Hồ. Lạc Long Quân còn dùng bùa phép trấn yểm để cho hồ tinh không lai vãng đến được nữa.

Vĩ tích thứ ba của Lạc Long Quân là cộng tác với thân phụ là Kinh Dương Vương để sát hại Mộc Tinh. Mộc Tinh nguyên là cây chiên đàn sống hơn ngàn năm, thân cao nghìn tầng nên biến thành yêu tinh hay ăn thịt người, mỗi năm phải chọn một người cho nó ăn nó mới để cho dân chúng yên ổn. Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân thắng được yêu tinh nhưng cuộc giao chiến rất khủng khiếp; Mộc Tinh không bị giết mà chỉ thua chạy để rồi được nhân dân suy tụng là thần Xương Cuồng.

Vĩ tích thứ tư của Lạc Long Quân là bắt cóc nàng Âu Cơ, vợ yêu của Đế Lai. Đế Lai chống cự mãnh liệt nhưng Lạc Long Quân có sức mạnh quán thế lẽ nào lại chịu bó tay, nhất là khi Âu Cơ đã thỏa thuận chung sống với chàng. Đế Lai buồn bã trở về Bắc, sau bị hại vào tay Hoàng Đế.

Truyện thần thoại thứ hai là truyện Đổng Thiên Vương tức truyện Thánh Gióng. Câu truyện xảy ra đời Hùng Vương thứ ba, tức là đời khuyết sử. Trong khi Hùng Vương đang lo âu vì bị Ân Vương đàn áp thì Long Quân xuất hiện báo trước sự giáng sinh của một kỳ nhi. Kỳ nhi giáng thế, ba năm qua rồi mà vẫn chưa biết nói; một hôm, một sứ giả đến làng Phù Đổng tức là làng của kỳ nhi và kỳ nhi bỗng biết nói; sau đấy, kỳ nhi lớn như thổi, cưỡi ngựa sắt xông ra mặt trận, gươm sắt của kỳ nhi vung lên làm cho lực lượng của Ân Vương tan tành. Nạn can qua chấm dứt, kỳ nhi cỡi ngựa bay thẳng lên trời, chỉ để lại cho thế gian một vết chân trên núi đá.

Truyện núi Tản Viên cũng là một truyện thần thoại rất lý thú. Thần Tản Viên hay là Tản Viên Sơn Đại Vương là một trong số năm mươi người con trai của Lạc Long Quân theo bố lên núi. Đại Vương từ phía cửa Thần Phù mà đi lên, thường thích dừng chân ở những nơi đồi núi để ngắm cảnh. Sau Đại Vương cùng với Thủy Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương; Vương được Mỵ Nương nhưng bị Thủy Tinh muôn đời căm thù, lúc nào cũng muốn làm cho hạnh phúc của Vương ngập lụt trong cơn phẫn nộ của chàng.

Như vậy, qua phần phân tích trên, ta thấy rằng truyện thần thoại trong Lĩnh Nam Chích Quái là những truyện giải thích nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, biểu dương những công trình gian khổ của tổ tiên trong nỗ lực xây dựng đất nước, đề cao tính cách thần thánh của giống nòi. Ta không dám nói đó chỉ là những chuyện hoang đường, bởi vì truyện dù hoang đường đến đâu cũng chứa đựng một phần sự thực và truyện thực đến đâu cũng pha trộn đôi chút hoang đường. Tính cách nổi bật trong loại truyện này là thần lực đã giữ một vai trò chủ yếu, nhưng thần lực tán trợ cho nhân lực để cho nhân lực thực hiện được những vĩ tích siêu phàm. Các nhân vật trong truyện còn mang những kích thước kỳ dị của thời đại ban sơ; không khí còn thơm mùi đất mới; cả thế gian đang bừng nở trong ánh nắng buổi đầu.

B. Những truyện truyền thuyết:

Sau truyện thần thoại là truyện truyền thuyết. Truyện này không biểu dương năng lực của giống nòi trong quá khứ mà chỉ giải thích lý do của một phong tục, biện minh nguồn gốc của một hiện tượng lịch sử hay địa lý. Dĩ nhiên thời gian của câu truyện vẫn có thể là thời tiền sử như truyện Trầu Cau, Truyện Bánh Chưng, Dưa Hấu, hoặc trong những thời đại sau như trong truyện Kim Qui v. v…. Truyện thường được dựng trong khung cảnh của một di tích lịch sử mà ý nghĩa đã bị lớp bụi thời gian làm phai mờ; đó là truyện Kim Qui, một truyện truyền thuyết lịch sử; có khi truyện nhắc lại nguồn gốc sâu xa của một tập tục như truyện Trầu Cau, truyện Bánh Chưng và đó là những truyện truyền thuyết phong tục; ngoài ra, còn có những truyện truyền thuyết giải thích một hiện tượng địa lý, tỉ dụ truyện Dưa Hấu, truyện sông Tô Lịch.

1) Lịch sử:

Về loại truyền thuyết lịch sử, ta có thể kể truyện Kim Qui là một truyện điển hình. Truyện và lịch sử có thể xác nhận An Dương Vương không phải là một nhân vật hoang đường. Theo Giao Châu Ngoại Vực Ký 30 viết vào thế kỷ thứ 3 thì Triệu Đà “cử chúng công An Dương Vương”, như vậy An Dương Vương thực sự là một nhân vật lịch sử, mặc dầu bị Maspéro phủ nhận 31 . Nhưng câu chuyện xảy ra giữa An Dương Vương và Triệu Đà đã được nhà viết truyện truyền thuyết sắp đặt lại. Mở đầu là dòng dõi của An Dương Vương và mối thù truyền kiếp của nhà vua với Hùng Vương mà duyên do cũng chỉ là một câu truyện tình. Sau đấy là những nỗi khó khăn của nhà vua khi xây thành, việc nhà vua gặp một ông già từ phương Tây đi đến báo cho nhà vua biết sự cộng tác của Sứ giả Thanh Giang tức thần Kim Qui. Thế rồi tác giả kể lại những phút sôi nổi khi thần Kim Qui đương đầu với chủ quán Ngộ Không là người đã dùng tà thuật để làm cho thành của An Dương Vương bị lay đổ. Ngộ Không thất bại, quỷ tinh tan rã, thành Cổ Loa được xây cất, nhưng lúc thần Kim Qui ra đi là lúc An Dương Vương gặp khó khăn với Triệu Đà. Triệu Đà không thắng được Vương vì Vương có nỏ thần của Kim Qui trao tặng. Một mưu nhỏ của Đà đã đủ làm cho Trọng Thủy là con thành phò mã và chính vì sự nhẹ dạ của Mỵ Nương mà Trọng Thủy biết được bí quyết của Vương và làm cho Vương thất bại. Trên đường đi tìm thần Kim Qui, Vương đã giết Mỵ Nương; Trọng Thủy tìm đến với nàng thì chỉ còn ôm ấp một thây ma đã lạnh ngắt. Thành Cổ Loa vẫn còn đấy cùng với giếng Trọng Thủy, cách Hà Nội 17 cây số về phía Đông quan lộ số 3, ở giới hạn hai tỉnh Bắc Ninh và Phúc Yên. Câu truyện có lẽ chỉ có một phần nào đúng sự thực, và khung cảnh sẵn có của thành Cổ Loa chắc đã cung cấp nhiều tài liệu cho nhà làm truyện vốn giàu tưởng tượng sáng tạo. Nhà viết truyện truyền thuyết chỉ cần một di tích lịch sử đã đủ xây dựng nên cốt truyện. Cái tài của ông là tìm cho những thành phần của di tích lịch sử ấy một sự liên lạc hợp lý. Sự liên lạc hợp lý ấy đã có trong truyện Kim Qui.

2) Phong tục:

Về loại phong tục, ta có thể kể hai truyện điển hình là truyện Trầu Cau và truyện Bánh Chưng.

Truyện Trầu Cau giải thích tục lệ ăn trầu và cưới xin của ta. Đó là truyện của hai người anh em ruột là Cao Tân và Cao Lang đang ở thuận hòa với nhau thì bỗng nhiên một người con gái đến làm cho hạnh phúc của họ tan vỡ. Người em buồn bã đi lang thang rồi chết hóa thành cây; người anh về sau cũng chết hóa thành một tảng đá; người vợ thương chồng đi tìm cũng lại chết hóa thành cây trầu. Sau đấy Hùng Vương biết truyện và tình cờ khám phá ra cái thú ăn cau trầu. Đó là một cách bóng bẩy để nói đến căn bản của hôn nhân Việt Nam là ái tình.

Truyện Bánh Chưng kể lại sự quý trọng của người Việt Nam đối với bánh dày và bánh chưng. Nguồn gốc của hai thứ bánh ấy có tính cách thần thánh vì chính thần thánh đã báo mộng cho Lang Liệu biết cách làm bánh. Bánh dày hình tròn là hình trời; bánh chưng hình vuông là hình của đất, nhân là chất làm cho trời đất có liên hệ và do đấy có sinh sản.

Hai truyện này được xếp vào loại truyền thuyết vì tính cách giải thích của truyện quá rõ rệt; lời giải thích rất khách quan và có cứ điểm trong thực tại. Có lẽ ý định giáo huấn cũng cảm thấy thấp thoáng sau khung của câu truyện, nhưng ý định ấy chỉ gián tiếp và hoàn toàn phụ thuộc. Bởi vậy, ta không xếp những truyện này vào loại cổ tích bởi vì cổ tích bao giờ cũng chứa đựng một ý hướng giáo huấn.

3) Địa lý:

Truyện truyền thuyết còn có một tính cách là giải thích một hiện tượng địa lý. Trong Lĩnh Nam Chích Quái, hiện tượng đó là sự sản xuất dưa hấu của ta và lịch sử sông Tô Lịch.

Tại sao ta chú ý đến việc trồng tỉa dưa hấu? Nhà viết truyện truyền thuyết giải thích cho ta hiểu nguồn gốc của cây dưa hấu ở nước ta. Đây cũng là một nguồn gốc thần thánh vì chính chim – sứ giả của trời – đã mang hạt dưa đến cho An Tiêm lấy giống. An Tiêm đã tin ở trời; vì lòng tin ấy mà An Tiêm bị Hùng Vương nghi kỵ rồi đẩy ra một hòn đảo hoang vắng; bị đầy ải, An Tiêm vẫn tin ở trời, và tin ở cần lao. Trời đã cảm động trước cuộc đời nhẫn nại ấy và đã sai chim mang hạt dưa đến. Nhờ dưa, An Tiêm đã sống sung túc và làm hòa được với Hùng Vương.

Ngoài ra, ta còn có sự tích sông Tô Lịch kể trong truyện Nam Chiếu. Tô Lịch là tên một vị thần tóc trắng xóa mà Cao Biền thường thấy xuất hiện ở một phụ lưu của sông Cái; sau đấy, Biền lấy tên của thần để đặt cho tên sông. Đó là sông Tô Lịch.

Những truyện này là những giai thoại liên can đến lịch sử, phong tục hay địa lý. Những giai thoại này không được chính sử nhắc đến nhưng chúng rất ích lợi để cho ta hiểu rõ bộ mặt sau của sử học, địa lý và phong tục học.

C. Những truyện cổ tích:

Trong khi truyện thần thoại nói về thần thánh thì truyện cổ tích nói về người với một mục đích ám tàng hay hiển thị là giáo huấn người ấy theo tinh thần của câu truyện đã xảy ra ngày xưa, bởi vậy, truyện cổ tích thường có tính cách luân lý. Trong Lĩnh Nam Chích Quái, ta có thể phân biệt nhiều loại cổ tích.

1) Lịch sử:

Đầu tiên là loại cổ tích lịch sử đề cập đến một nhân vật lịch sử như Lý Ông Trọng, sau đấy cường điệu nhân vật ấy bằng những nét mạnh bạo hơn cốt nhấn mạnh vào một ưu điểm nào như truyện Không Lộ, Giác Hải, hoặc tô điểm cho truyện thêm những nét kỳ dị khác thường, tỉ dụ truyện Từ Đạo Hạnh và Minh Không.

Truyện Lý Ông Trọng xảy ra cuối đời Hùng Vương, qua An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng. Lý Ông Trọng tên thực là Lý Thân, thân cao hai trượng ba thước, cống hiến sang Tần Thủy Hoàng được trọng dụng và trở thành một sự sợ hãi cho Hung Nô; ngay sau khi đã chết mà Lý Thân vẫn đủ uy lực làm cho Hung Nô khiếp đảm và dân Trung Hoa thờ phụng. Truyện cổ tích này có mục đích nêu lên những cái hùng mạnh của dân Việt để tiêu trừ tinh thần tự ti mặc cảm của người mình đối với Bắc phương.

Truyện Không Lộ và Giác Hải kể lại tiểu sử của hai vị thiền sư danh tiếng đời Lý cốt đề cao cuộc đời tu hành khổ hạnh của hai ngài, trình bày một tấm gương sáng về đạo đức cho người đời noi theo.

Truyện Từ Đạo Hạnh và Minh Không cũng vậy, nhưng nhiều chi tiết ly kỳ đã được thêm thắt ra để cho đời sống của hai vị ấy có một màu sắc đặc biệt hấp dẫn.

2) Thế sự:

Loại cổ tích thế sự trình bày những bức tranh tả chân về người đời, lột trần những hành vi xấu xa giả dối của họ, tố cáo những cảnh bất công ngang trái của đời người.

Truyện Man Nương đưa ra ánh sáng đời sống mâu thuẫn của một tăng già, một đàng chăm chỉ tụng niệm, một đàng lại phạm những tội ác ghê tởm sau khi đã xâm phạm tiết hạnh của một người con gái trong chùa tên là Man Nương.

Truyện Hà Ô Lôi phản ảnh những nếp sống hư đốn đời Trần Dụ Tôn, tố cáo cuộc sống bê tha trụy lạc của các bậc vua chúa ngày xưa, sự dâm ô của họ không kiêng nể một ai và sẵn sàng bênh vực cho tội lỗi. Cảnh sống giả dối của các bà góa cũng được phơi bày bằng những nét thô bạo. Cả một xã hội suy tàn được trưng ra với tất cả những cái xấu xa bỉ ổi. Kết luận của câu truyện là một con người say mê thanh sắc như Hà Ô Lôi đã bị đền tội một cách xứng đáng. Xã hội đã phỉ nhổ con người điếm đàng ấy. Giọng ca dâm dật của nó không làm cho phong tục dịu dàng hơn mà chỉ gây ra những cảnh náo nức dục tình.

Nhưng thế sự không phải chỉ có những cảnh bế tắc bi đát. Truyện Việt Tỉnh cho ta hiểu rằng cái thiện sẽ thắng thế gian, đạo đức bao giờ cũng được trọng thưởng bằng một đời sống đầy đủ về sau. Thôi Vỹ nhờ công đức của cha mẹ cũng như của chính mình đã được Ân Vương muôn đời hàm ân và tưởng lệ.

3) Tình cảm:

Sau cùng, truyện cổ tích còn mang những màu sắc tình cảm rất đậm đà. Đàm Nhất Dạ là khung cảnh của một truyện tình thi vị như ca dao giữa một công chúa trẻ đẹp và một bác dân quê chài lưới nghèo nàn. Nhưng công chúa đã gặp chàng đánh cá trong một trường hợp hết sức tiền định. Công chúa tưởng rằng sẽ mãi mãi không lập gia đình đã trở về với tình yêu. Họ đã sống với nhau những ngày chứa chan hạnh phúc, trong một tình yêu trong sáng, một tín ngưỡng vững vàng và một tinh thần lao động rất đáng khen. Truyện Đầm Nhất Dạ đã đưa ra một mô hình về tình yêu chân chính trong tự do.

VI. Giá trị của Lĩnh Nam Chích Quái.

A. Nội dung.

Qua phần phân tích trên, ta thấy Lĩnh Nam Chích Quái có những ưu điểm này về nội dung:

1) Một căn bản triết học chắc chắn:

Đầu tiên, tác giả tin vào nguồn gốc thần thánh của nhân loại, nghĩa là tin vào sự sáng thế, vào uy quyền tuyệt đối của Hóa Công và tính cách bất tất, hữu hạn của loài người. Luôn luôn giữa Hóa Công và nhân loại có một sự liên lạc chặt chẽ. Tưựng trưng cho quan niệm này là chiếc bánh chưng và chiếc bánh dày. Cái nhân ở giữa là một yếu tố quan hệ của sự hóa dục của trời đất. Nhờ sự sáng tạo, còn người xuất hiện ở trần gian. Sự hiện diện ấy không vô lý vì nó có một ý nghĩa. Con người hoàn toàn tự do trong chấp thuận hay không chấp thuận ý nghĩa ấy. An Tiêm đã lựa chọn cho đời mình có một giá trị. Tiên Dung cũng thế. Kết quả là Tiên Dung đã sống một cuộc đời vật chất hoàn toàn sung sướng trong hiện tại và hai vợ chồng về sau trở thành tiên bay về trời. Cuộc đời có ý nghĩa là ý nghĩa trong tự do. Cả tác phẩm toát ra cái không khí tự do ấy; nhưng tự do là tự do trong một vị trí, trong một vài điều kiện. Điều kiện ấy có thể là cần lao. An Tiên đã lao động cần cù. Chàng tin ở bàn tay mình cũng như tin ở Thượng đế. Trên hai nghìn năm, chàng đã là “tiền thân” của “ông già và biển cả”. Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng đã cần lao cặm cụi, hy sinh và nhẫn nại. Điều kiện ấy là tin yêu. An Tiêm đã tin và đã yêu. Tiên Dung cũng đã tin và đã yêu. Điều kiện ấy là những hàng động vị tha, những thực hiện đạo đức. Thôi Vỹ xả kỷ và Thôi Vỹ đã được sống ở Dao Trì. Con người là một thực thể bất diệt nên sẽ trở về nơi trường sinh. Xác thịt có thể tàn tạ nhưng linh hồn thì bất tử. Trần gian chỉ là một nơi thử thách tạm bợ. Dao Trì, Thủy Phủ, Thiên Cung mới là nơi vĩnh phúc. Đó là lời của Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Không Lộ và Giác Hải. Tin tưởng này dẫn đến một tinh thần lạc quan tích cực và nồng nhiệt. Tinh thần lạc quan tiêu cực chỉ sinh ra thất bại, tỉ dụ trường hợp An Dương Vương. Sự thành thực dù yếu đuối mà đưa đến tan vỡ cũng sẽ được đền bù, tỉ dụ trường hợp Mỵ Nương. Sự hối hận có thể sửa chữa những tội ác vô ý thức, tỉ đụ trường hợp Trọng Thủy. Vũ trụ quan sâu xa của Trần Thế Pháp cũng như của dân chúng vô danh đã gây được một nhân sinh quan rất lành mạnh.

2) Tinh thần đấu tranh:

Trước hết là tinh thần đấu tranh để thống nhất dân tộc. Những vĩ tích của Lạc Long Quân đối xứng với những giai đoạn bình định của xứ sở. Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh là những lực lượng phá hoại ẩn náu trong dân chúng làm cho họ điêu đứng khổ sở. Người anh hùng dân tộc là người biết hy sinh cuộc đời của mình cho chính nghĩa.

Sau đấy là tinh thần đấu tranh để bảo vệ giang sơn. Thánh Gióng là một anh hùng dân tộc luôn luôn nêu cao ý nghĩa quốc gia. Tinh thần ấy vô vị lợi, nhưng mãnh liệt và quả cảm. Lý Ông Trọng tượng trưng cho tinh thần bất khuất của người Việt. Thân hình vĩ đại của Lý Ông Trọng là lòng ước muốn to lớn của nhân dân Việt Nam được sống quật khởi và anh hùng hơn cả người Trung Hoa là người thường đàn áp họ.

Sau cùng là tinh thần đấu tranh để san bằng những cảnh bất công trong xã hội. Cái chết ô nhục của Hà Ô Lôi mang lại sự đắc thắng cho công lý. Kẻ có tội phải đền bù. Người xấu xa phải bị trừng phạt.

3) Giá trị lịch sử:

Ngoài ra, Lĩnh Nam Chích Quái còn mang nhiều giá trị lịch sử, lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước (truyện Hồng Bàng), lịch sử chính trị của ta ngày xưa, khi 50 người trai theo mẹ xuống biển, 50 người trai theo bố lên núi, ám chỉ nguồn gốc duy nhất của người Việt, người Mán, người Thổ, người Mường. Các sử gia có thể đưa ra những lý thuyết ưu bác, nhưng qua truyện Hồng Bàng, Lạc Long Quân cùng hậu duệ vẫn là hình ảnh oai hùng của những người Việt đầu tiên. Truyện Tản Viên cũng như truyện Phù Đổng Thiên Vương cho ta hiểu sâu hơn về hành động của tiên tổ. Những truyện truyền thuyết còn cho ta biết rõ hơn về những thổ sản của nước ta ngày xưa, về phong tục, về hôn nhân, về tri thức và tình cảm của người Việt trong quá khứ. Lĩnh Nam Chích Quái làm chứng một cách xác thực rằng dân Việt là một dân tộc có tinh thần tôn giáo từ buổi đầu, ưa thích nghề nghiệp và cần lao, có tinh thần gia đình từ những ngày đầu tiên của lịch sử và đã biết đặt hôn nhân trên căn bản ái tình và lễ giáo. Giá trị lịch sử còn được thể hiện trong những tên thôn, tên làng, tên của đền đài lăng miếu làm cho tác phẩm ấy có một sắc thái cổ kính và chứa đựng nhiều tài liệu cho người đi sau. Những truyện mà Maspéro hoặc Przyluski đã thấy giống những truyện Trung Hoa, Phù Nam, chỉ chứng tỏ một cách rõ ràng hơn sự liên lạc giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Sự vay mượn những tác phẩm Trung Hoa như Thái Bình Hoàn Vũ Ký 32 , Thủy Kinh Chú 33 , Tục Bác Vật Chí 34 nếu có thực đi chăng nữa không làm giảm bớt giá trị lịch sử của Lĩnh Nam Chích Quái mà còn làm chứng cho một phần sự thực lịch sử của những dân tộc Á Châu.

B. Hình thức.

1) Văn chương:

Ta thấy ngay một khuyết điểm lớn của Lĩnh Nam là đã được viết bằng chữ Hán; tuy vậy, ta cũng nên biết rằng Hán văn của tác phẩm không phải là Hán văn thuần túy của Trung Hoa nữa mà là một thứ văn riêng, một thứ văn lai, tuy đôi chỗ còn tuân theo văn phạm cú pháp của Hán văn. Đọc Lĩnh Nam Chích Quái, ta biết ngay tác giả của nó là một người Việt, Việt từ nội dung đến văn chương, ta không biết đời Trần đọc Hán văn như thế nào, nhưng ta có thể phỏng đoán cách đọc đến đời Trần đã dị biệt với cách đọc của Trung Hoa nhiều và do đó, chữ Hán ở đây đã trở thành chữ Hán Việt, tiếng Hán là tiếng Hán Việt.

Theo nhận xét ấy, ta có thể khảo sát văn chương của Lĩnh Nam Chích Quái. Đó là một lối văn kể chuyện giản dị và nhẹ nhàng; không có một điển tích nào xa xôi, không có một từ ngữ nào mà ngày nay không có trong những Từ Điển Hán Việt; lối văn được viết theo lời nói thông thường nên không có tính cách bát cổ của trường thi, không có những câu đối ý đối chữ kéo dài từng hai vế đi đôi với nhau. Đâu cũng sáng sủa, gọn gàng, có tính cách Việt Nam đến nỗi nhiều đoạn chỉ cần phiên âm là thành một câu tiếng Việt.

Ngoài ra, truyện Hà Ô Lôi trong Lĩnh Nam Chích Quái có ghi ba bài thơ tứ tuyệt bằng chữ nôm, do đấy có thể cho ta một ý niệm về thi ca đời Trần và về tình trạng của chữ nôm. Chữ nôm không biết đã được sáng chế từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải từ đời Sĩ Nhiếp, đời Phùng Hưng hay đời Đinh Tiên Hoàng. Từ những thời kỳ này, ta đã thấy lẻ tẻ có một vài chữ nôm được cấu tạo theo lối giả tá là một lối giản dị nhất vì chỉ cần tìm những chữ Hán đồng âm với tiếng Việt là có được một chữ nôm, tỉ dụ chữ 布蓋, chữ 瞿 để phiên âm những tiếng Bố, Cái, Cồ. Theo lý luận và kinh nghiệm của ngôn ngữ học thì loại giả tá dễ nhất được cấu tạo trước hết, sau đến loại hình thanh và hội ý là những loại đòi hỏi một sự đối chiếu, một sự suy luận; loại hội ý là loại tương đối ít nhất bởi vậy loại chữ hình thanh là một cứ điểm để cho chúng ta nhận định về sự hình thành của chữ nôm. Ta đã thấy những gì trong những bài thơ nôm ghi trong truyện Hà Ô Lôi. Đây là câu thơ thứ nhất:

đọc là:

Chỉn đà náu đến nguyện làm tôi

Hai chữ thiên tiên để cha Lôi.

Những chữ chỉn, đà, náu, nquyện, tôi, thiên, để, cha, Lôi, tuy trình độ âm thanh khác nhau nhưng đều là những chữ giả tá, chỉ có ba chữ đến, hai, chữ là những chữ hình thanh. Chữ đến có thể viết bên là chữ chí để chỉ ý đi đến, bên là chữ điển để chỉ cách đọc; nhưng chữ đến cũng có thể viết 旦 (đán) theo lối giả tá. Như vậy, nhận xét của ta về câu thơ này là tuy những chữ giả tá chiếm đa số, chứng tỏ chữ nôm đang ở vào giai đoạn đầu nhưng cách viết chữ đến theo lối hình thanh chứng tỏ rằng đã bắt đầu có chữ hình thanh thuộc vào giai đoạn sau của chữ nôm. Bây giờ ta xét đến bài thơ thứ 2:

Sương kể dầu sương vẹn được mười

Những nơi quyền quý thiếu chi người

Bởi vì thanh sắc nên say đắm,

Khá tiếc cho mà lại khá cười.

Xem bài thơ trên, ngoài những chữ Hán Việt, ta thấy rất nhiều chữ giả tá như: kể, dầu, vẹn, được, mười, những nơi, thiếu, chi, vì, khả, tiếc, cho, tại, khá; những chữ hình thanh là: người, bởi, nên, mà, cười; như vậy, loại chữ hình thanh vẫn ít hơn loại chữ giả tá; những chữ hình thanh đáng chú ý là chữ người do bộ nhân đứng bên chữ ngại; chữ  đáng lẽ chỉ là một chữ giả tá (nghĩa là chữ ma đọc trại đi) ở đây đã thành một chữ hình thanh vì có chữ nhi ở dưới để biểu ý; chữ cười bộ khẩu bên chữ kỳ để biểu âm; những nhận xét này cho biết chữ nôm đã hình thành nhưng chưa có nhiều chữ hình thanh, nghĩa là vừa mới thoát khỏi giai đoạn giả tá. Trong bài thơ thứ ba, chữ hình thanh đã nhiều hơn, lên đến 8 chữ đối 10 chữ giả tá; đặc biệt trong bài này, ta thấy chữ  (trời) là một chữ hội ý (thiên + thượng = cao); đó là một chữ hội ý đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam. Vậy xét về cách chế tác của chữ, ta thấy chữ nôm trong giai đoạn trước nhà Hồ đang thoát dần từ giai đoạn giả tá mà ta gọi là giai đoạn thứ nhất của chữ nôm, kể từ đời Sĩ Nhiếp đến Nguyễn Thuyên, dần dần chuyển sang giai đoạn hình thanh mà ta gọi là giai đoạn thứ hai của chữ nôm kể từ Nguyễn Thuyên trở đi đến Hồ Quý Ly; từ Hồ Quý Ly trở đi, chữ nôm mới đủ từ ngữ để phô diễn những ý tình phức tạp; những bài thơ nôm nói trên làm chứng cho giai đoạn chuyển tiếp của chữ nôm từ thời kỳ thứ nhất sang thời kỳ thứ hai.

Xét về lời thơ thì ta thấy hình thức thi ca còn vụng về, hai câu thơ đầu gần như vô nghĩa; tại sao lại nói là “náu đến”? Câu sau có ý nói về nguồn gốc thần thánh của Lôi (hai chữ thiên tiên để cha Lôi) nhưng lời nặng nề biết chừng nào. Tuy chắc là mấy bài thơ này đã bị người sau sửa chữa nhưng ý thơ là một cái gì không thể sửa chữa được có thể cho ta một ý niệm về văn thơ chữ nôm đời Trần.

2) Kỹ thuật:

Đầu tiên là kỹ thuật bố cục toàn thể tác phẩm. Ai xem mục lục của Trần Thế Pháp (do Phan huy Chú ghi lại) cũng thấy rõ trật tự thời gian của các truyện đã bị xáo trộn như thế nào; có lẽ vì thế rnà Vũ Quỳnh đã hiệu đính tác phẩm và đã làm lại một bố cục khác; nhưng Vũ Quỳnh đã không thấy rằng sự xáo trộn ấy là một kỹ thuật của tác giả. Đọc Lĩnh Nam Chích Quái, ta công nhận tính chất lịch sử so với Việt Điện U Linh Tập đã được giảm bớt rất nhiều; tính chất thực sự của truyện là tính chất thần thoại biến thái thành truyền kỳ và cổ tích, do đấy, tác giả hình như đã có ý không tôn trọng trật tự thời gian, làm cho Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những cuốn sách mà người ta có thể mở đọc bất cứ chỗ nào, lật trang này sang trang khác, đọc qua loa một vài đoạn rồi lại có thể ngừng bất cử ở đâu, như thế, người đọc không cảm thấy mỏi mệt, chán nản mà lại thấy rất nhiều thú vị.

Kỹ thuật kể chuyện cũng không kém tài tình. Người đọc cảm thấy có một sức lôi cuốn huyền bí. Ta đọc chuyện này sang chuyện kia một cách dễ dàng. Đó là nhờ ở cách tác giả dàn xếp các tình tiết của câu chuyện. Các tình tiết ấy liên tiếp nhau, ăn khớp với nhau chặt chẽ, theo một trật tự mà chỉ có một ý thức già giặn về kỹ thuật hành văn mới có thể trực giác thấy. Thường truyện được bắt đầu bằng phần giới thiệu nhân vật, giới thiệu dòng dõi, tên tuổi, quê quán; sau đấy, tác giả trình bày một vài đặc điểm của nhân vật, qua cuộc đối thoại của nhân vật với những nhân vật phụ thuộc đến một đoạn tả cảnh, tả tình rồi những tình tiết khác lại xảy ra làm cho câu chuyện ly kỳ hơn, phức tạp hơn, hấp dẫn hơn. Phần tả cảnh không được tác giả trau chuốt lắm như trong Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên nhưng phần tả tình đã được đặc biệt chú ý. Có thể nói, Lĩnh Nam Chích Quái là một tập ái tình tiểu thuyết, một thứ ái tình tự do nhưng lành mạnh, trong sạch, dù bị lễ giáo cấm đoán trong lúc đầu nhưng rồi về sau cũng được lễ giáo tha thứ và công nhận. Trong những lúc này, ngòi bút của Trần Thế Pháp rất phóng túng, dễ dàng và mỹ lệ. Một truyện như truyện Đầm Nhất Dạ hay truyện Trầu Cau vẫn để lại cho người đọc những ấn tượng sâu xa. Nhờ tính cách này mà sự phỏng đoán của ta về soạn niên của tác phẩm có căn cứ vững chắc. Năm 1329, Việt Điện U Linh Tập xuất hiện trong bầu không khí mới của Nho giáo vừa manh nha. Rồi sự quật khởi của nhà Minh, sự suy yếu của nhà Trần rõ rệt từ 1370 trở đi làm cho sự bành trướng của Nho học bị lâm vào một thời kỳ khủng hoảng từ 1370 đến 1400. Sự khủng hoảng về một ý thức hệ lấy Nho giáo làm căn bản bao giờ cũng đi đôi, ở Việt Nam, với một phong trào đối kháng chủ điểm dân tộc. Lĩnh Nam Chích Quái xuất hiện trong giai đoạn này.

Kỹ thuật của tác giả luôn luôn được nâng đỡ bằng những hình ảnh đặc sắc. Có khi hình ảnh là do sự tưởng tưởng của tác giả tạo thành, tỉ dụ hình ảnh thần Kim Qui đuổi quỷ tinh, hình ảnh thánh Gióng xông ra mặt trận; đấy là những bức tranh vĩ đại, những cuốn phim đại vĩ tuyến ngày xưa; những đường viền, đường nổi, bề sâu, bề rộng của bức tranh đều được vẽ bằng những nét mạnh bạo sắc sảo. Nhiều khi hình ảnh trong Lĩnh Nam Chích Quái là những chi tiết tả thực để nguyên vẹn hay được tô điểm thêm, được cường điệu hay kiểu thức hóa, tỉ dụ hình ảnh của Ngư tinh “mình dài hơn năm mươi trượng, có nhiều chân giống như hình con rết” Những hình ảnh này mang đến cho tác phẩm một sự sinh động riêng, một màu sắc cổ sơ của những thời hoang dại.

VII. Kết luận:

Xét một cách đại lược, Lĩnh Nam Chích Quái là một tác phẩm hay. Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu khoa học hơn, ta có thể nói rằng dù Trần Thế Pháp đã viết Lĩnh Nam Chích Quái bằng Hán văn, tác phẩm vẫn nói được với mọi người Việt Nam, qua những mẩu chuyện xảy ra ở Việt Nam, những rung động của một tâm hồn người Việt.

MỤC LỤC

1. Truyện Hồng Bàng
2. Truyện Ngư Tinh
3. Truyện Hồ Tinh
4. Truyện Mộc Tinh
5. Truyện trầu cau
6. Truyện đầm Nhất Dạ
7. Truyện Đổng Thiên Vương
8. Truyện bánh chưng
9. Truyện dưa hấu
10. Truyện bạch trĩ
11. Truyện Lý Ông Trọng
12. Truyện Việt Tỉnh
13. Truyện Kim Qui
14. Truyện Man nương
15. Truyện núi Tản Viên
16. Truyện hai vị thần Long Nhãn và Như Nguyệt
17. Truyện Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không
18. Truyện Nam Chiếu
19. Truyện Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải
20. Truyện Hà Ô Lôi
21. Truyện Dạ Xoa Vương
22. Truyện Sĩ Vương Tiên
23. Truyện Sóc Thiên Vương
24. Truyện ba vị phu nhân Kiền Hải
25. Truyện Long Độ Vương Khí
26. Truyện thần Minh Chủ núi Đồng Cổ
27. Truyện thần Ứng Thiên hóa Dục Hậu Thổ
28. Truyện Long Trào Khước Lỗ [1]
29. Truyện Bố Cái Đại Vương
30. Truyện Trinh Linh Nhị Trưng phu nhân
31. Truyện Mỵ Ê Trinh Liệt Phu Nhân
32. Truyện Hồng Thánh Đại Hồng Vương
33. Truyện Minh Ứng An Sở Thần Từ
34. Truyện Đại Than Đỗ Lỗ Thạch Thần
35. Truyện Xung Thiên Chiêu Ứng Thần Vương
36. Truyện Khai Thiên Trấn Quốc Đằng Châu Phúc Thần
37. Truyện Bạch Hạc Thần Từ
38. Truyện Thần Châu Long Vương
39. Truyện ni sư Đức Hạnh
40. Truyện Phạm Tử Hư thờ thầy