Hồi 03: Ma Thiên Nhai

Cỗ kiệu kia đi thêm mấy dặm rồi rẽ vào một con đường nhỏ. Hễ bọn phu khuân kiệu đi thong thả lại một chút, là roi ngựa từ trong kiệu lại vung ra veo véo đập vào lưng hai tên đi trước. Hai tên phu kiệu đằng trước không dám chạy chậm, hai tên đằng sau cũng chỉ còn cách cố sống cố chết chạy theo, bọn quan sai ở phía sau cũng phải chạy theo. Thêm bốn năm dặm nữa, người trong kiệu bỗng lên tiếng: “Được rồi! Dừng lại đi!”

Bốn tên phu kiệu nghe câu này, chẳng khác gì được nhà vua ban lệnh đại xá. Chúng thở hồng hộc, hạ kiệu xuống. Rèm kiệu vừa vén lên, một lão già dắt một thằng nhóc ăn xin bước ra. Lão già này chính là Tạ Yên Khách, chủ nhân Huyền Thiết Lệnh.

Lão nhìn mấy tên sai nha lớn tiếng quát: “Các ngươi quay về bảo với lão cẩu quan, việc hôm nay không được đồn đãi lung tung. Nếu ta mà nghe bất cứ tin tức gì về vụ này, thì lập tức chặt hết đầu của bọn ngươi, lại còn lấy cả ấn tín của lão cẩu quan đó liệng xuống sông Hoàng Hà.”

Mấy tên sai nha vừa lạy vừa đáp: “Dạ! Dạ! Bọn tiểu nhân nhất định không dám nhiều chuyện, lão gia cứ yên tâm thủng thẳng mà đi.”

Tạ Yên Khách nói: “Kêu ta đi chậm ư? Muốn gọi quan binh đến tróc nã ta phải không?”

Bọn sai nha vội đáp: “Không dám, không dám! Vạn vạn lần không dám.”

Tạ Yên Khách lại hỏi: “Ta dặn bọn ngươi về nói gì với lão cẩu quan, bọn ngươi đã nhớ chưa?”

Bọn sai nha đáp ngay: “Bọn tiểu nhân đã thuộc lòng rồi. Bây giờ bọn tiểu nhân về trình quan là đã đến Hầu Giám Tập, chính mắt trông thấy lão già bán bánh tiêu cùng một tên giúp việc trong tiệm tạp hóa bị một người tên là Bạch Tự Tại giết chết. Hung thủ chính là chưởng môn phái Tuyết Sơn, ngoại hiệu là Uy Đức tiên sinh, nhưng thực ra là vô uy vô đức. Hung khí là thanh đơn đao hãy còn vết máu. Nhân chứng vật chứng đều đủ cả, chắc lão không còn chối vào đâu được nữa.” Bọn sai nha này đã bị lão Tạ Yên Khách đánh cho sợ đến vỡ mật, bịa ra những gì nhân chứng vật chứng là để nịnh nọt lão. Chuyện tìm một thanh đao để làm vật chứng, cũng chính là ngón nghề của bọn sai nha trong quan phủ.

Tạ Yên Khách cười khẩy, nói: “Nhưng lão họ Bạch kia lại sử kiếm chứ không dùng đao.”

Sai nha đáp ngay: “Dạ! Dạ! Hung thủ cầm một thanh kiếm thép đâm vào lưng lão bán bánh tiêu ở Hầu Giám Tập, mọi người đều trông thấy rõ ràng.”

Tạ Yên Khách cười thầm trong bụng, nghĩ thầm: “Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại muốn giết Ngô Đạo Thông mà phải dùng đến binh khí ư?” Lão không lý gì đến bọn sai nha nữa, tay trái dắt gã ăn xin, tay phải cầm đôi Hắc Bạch Song Kiếm của vợ chồng Thạch Thanh, thong thả bước đi, ra chiều đắc ý.

Thì ra từ lúc Tạ Yên Khách đem gã ăn xin đi, trong lòng vẫn nghi ngờ vợ chồng Thạch Thanh cùng bọn đệ tử phái Tuyết Sơn có mưu đồ bất lợi cho mình. Lão đi được mấy dặm thì điểm huyệt gã ăn xin, giấu vào một bụi cỏ rậm, rồi quay lại nghe trộm. Võ công Tạ Yên Khách so với vợ chồng Thạch Thanh còn cao thâm hơn nhiều, lão lén nấp sau một gốc cây mà Thạch Thanh và Mẫn Nhu cũng không phát giác ra, còn bọn Cảnh Vạn Chung thì chẳng nói làm gì. Tạ Yên Khách nghe rõ đầu đuôi, thấy hoàn toàn chẳng can dự gì đến mình. Lão thấy Thạch Thanh giao song kiếm cho Cảnh Vạn Chung, nảy ý đoạt lấy hai thanh kiếm này, liền quay lại bụi rậm giải khai huyệt đạo cho gã ăn xin, rồi dắt gã ra đi. Dọc đường lão gặp quan tri huyện dẫn sai nha đến điều tra vụ án mạng tại Hầu Giám Tập. Lão liền lôi quan huyện ra khỏi kiệu, uy hiếp bọn sai nha và bắt bọn kiệu phu khiêng lão cùng gã ăn xin đi đoạt song kiếm. Bọn Cảnh Vạn Chung không nhìn thấy mặt Tạ Yên Khách, dĩ nhiên phải cho rằng đây là thủ đoạn của vợ chồng Thạch Thanh.

Tạ Yên Khách dắt gã ăn xin đi tìm một nơi vắng vẻ. Lão ra đến bờ một con sông nhỏ thấy bốn bề vắng vẻ chẳng có một ai, liền buông tay gã ăn xin ra, cầm thanh Bạch Kiếm của Mẫn Nhu kề vào cổ gã, lớn tiếng quát hỏi: “Ai đã sai khiến ngươi? Nói dối nửa câu là ta giết ngay tức khắc.” Rồi lão vung thanh Bạch Kiếm lên, chém nhẹ vào một gốc cây nhỏ ở ven đường. Nghe soạt một tiếng, cái cây đứt thành hai khúc, nửa trên cả cành lẫn lá đều rớt xuống sông, theo dòng nước trôi đi.

Gã ăn xin sợ cuống quít, miệng nói lắp bắp: “Cháu… cháu… cái gì… sai khiến…”

Tạ Yên Khách lấy tấm Huyền Thiết Lệnh ra, lớn tiếng hỏi: “Ai giao cho ngươi cái này?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu… cháu… ăn bánh tiêu… lòi ra…”

Tạ Yên Khách cả giận, xoay tay trái lại toan tát vào miệng gã. Nhưng tay lão vừa sắp chạm tới mặt gã, thì đột nhiên nhớ tới lời thề độc ngày trước, là quyết không gia hại người nào đã giao tấm Huyền Thiết Lệnh cho mình. Lão vội ngừng tay, lại quát hỏi: “Ngươi chỉ ăn nói hồ đồ. Làm sao mà ăn bánh lại lòi miếng sắt ra được? Ta hỏi ngươi, ai đã giao cho ngươi cái này?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu lượm cái bánh tiêu ở dưới đất lên cắn ăn. Suýt nữa… cháu cắn phải nó… suýt gãy cả hàm răng.”

Tạ Yên Khách nghĩ thầm: “Không chừng Ngô Đạo Thông đem lệnh bài này nhét vào trong tấm bánh tiêu.” Nhưng lão lại nghĩ: “Sao lại có chuyện quái dị đến thế? Thằng cha Ngô Đạo Thông nắm được tấm lệnh bài này, phải quý hơn cả tính mạng mới đúng, có lý đâu lại nhét vào trong tấm bánh?” Lão không biết lúc đó tình trạng khẩn cấp, người ngựa Kim Đao Trại đột ngột kéo đến vây kín cả bốn phương tám hướng Hầu Giám Tập, Ngô Đạo Thông cuống quít không còn đủ thì giờ để giấu cho cẩn thận. Lúc cấp bách lão bèn dùng kỳ mưu, nhét vội Huyền Thiết Lệnh vào trong cái bánh tiêu, rồi trao thẳng vào tay tên đầu lĩnh của Kim Đao Trại. Tên này trong lúc thịnh nộ, vứt luôn xuống rãnh nước bẩn dọc đường. Bọn cường đạo Kim Đao Trại tuy đã nghiêng cả trời xuống, lật cả đất lên mà lục lọi lung tung trong tiệm bánh tiêu, nhưng quên không nhặt mấy cái bánh tiêu bẩn thỉu vương vãi dưới đất lên mà xé ra xem.

Tạ Yên Khách quắc mắt lên nhìn gã ăn xin, lớn tiếng quát: “Tên họ ngươi là gì?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu… cháu tên là Cẩu Tạp Chủng.”

Tạ Yên Khách rất lấy làm kỳ, hỏi: “Sao? Tên ngươi là Cẩu Tạp Chủng ư?”

Gã ăn xin đáp: “Đúng đấy! Mẹ cháu vẫn kêu cháu là Cẩu Tạp Chủng.”

Trung bình một năm Tạ Yên Khách chỉ cười mấy tiếng, thế mà bây giờ không nhịn được phải cười ha hả. Lão nghĩ bụng: “Trên đời lắm người mê tín thường đặt những cái tên xấu xí cho con nít mới sinh, mong nó không bị ma quỷ quấy nhiễu, cũng chẳng có chi là lạ. Những cái tên chó, tên mèo mình thường nghe thấy luôn. Nhưng thằng nhỏ này tên là Chó Lộn Giống đã ít thấy, lại là tên do chính mẫu thân đặt cho mới thật là kỳ lạ.”

Tạ Yên Khách cười ngặt nghẹo. Gã ăn xin thấy lão cười rộ, cũng cười hì hì. Tạ Yên Khách hết cười rồi lại hỏi: “Vậy gia gia ngươi tên họ là gì?”

Gã ăn xin lắc đầu đáp: “Gia gia cháu ư? Cháu… làm gì có gia gia?…”

Tạ Yên Khách lại hỏi: “Trong nhà ngươi có những ai?”

Gã ăn xin đáp: “Chỉ có cháu, má cháu và A Hoàng.”

Tạ Yên Khách hỏi: “A Hoàng là người thế nào?” Gã ăn xin đáp: “A Hoàng là một con chó vàng. Má cháu đi rồi không thấy về, cháu đi tìm má, A Hoàng cũng đi theo. Sau chắc nó đói quá, đi kiếm cái gì ăn rồi mất hút. Cháu tìm tới tìm lui mãi mà vẫn không thấy.”

Tạ Yên Khách nghĩ thầm: “Thì ra đây chỉ là một thằng ngốc. Huyền Thiết Lệnh lọt vào tay nó thì thật là may mắn. Ta kêu nó xin ta một việc gì nhỏ để hoàn thành lời thề, thế là xong xuôi.”

Lão bèn hỏi: “Ngươi muốn yêu cầu ta…” Còn hai chữ “điều gì”, lão chưa nói ra miệng thì vội nuốt lại, chợt nghĩ: “Nếu thằng ngốc này lại bắt mình tìm má nó, thậm chí tìm con A Hoàng cho nó thì biết đâu mà tìm kiếm. Má má nó chắc là đã đi theo thằng cha nào rồi, còn con A Hoàng cũng bị người ta giết ăn thịt rồi chưa biết chừng. Mình tội gì mà rước lấy cái khó nhọc vào thân? Chẳng thà nó bảo mình đi hạ sát chín mười tay cao thủ võ lâm còn dễ hơn là đi kiếm má má nó hay con A Hoàng.”

Tạ Yên Khách trầm ngâm một lúc, sực nghĩ ra một kế, liền nói: “Hay lắm! Ta nói cho ngươi biết, bất luận là ai tra hỏi ngươi với ta đã nói chuyện gì, thì ngươi cũng không được kể lại. Nếu không, ta sẽ lập tức chặt cái đầu ngươi rụng xuống. Ngươi đã biết chưa?” Dĩ nhiên vụ gã ăn xin giao tấm Huyền Thiết Lệnh lại cho Tạ Yên Khách chẳng bao lâu sẽ đồn đại khắp võ lâm. Lão chỉ sợ có người xúi giục gã ăn xin cầu khẩn lão một việc nan giải mà lão không thể khước từ được, vì đã có lời thề ngày trước.

Gã ăn xin gật đầu đáp: “Xin vâng!”

Tạ Yên Khách vẫn chưa yên lòng, lại hỏi: “Ngươi đã nhớ chưa? Là việc gì?”

Gã ăn xin đáp ngay: “Ông dặn, nếu có ai hỏi cháu đã nói chuyện với ông những gì, cháu cũng không được mở miệng. Cháu chỉ nói một câu là ông chém đầu lập tức.”

Tạ Yên Khách nói: “Không sai! Thằng ngốc này cũng không đến nỗi ngu ngốc quá, trí nhớ cũng tốt. Nếu ngươi quả là đứa si ngốc thì khó mà nhớ được. Bây giờ ngươi hãy theo ta!”

Nói xong, lão dắt nó rời khỏi nơi hẻo lánh trở lại đường quan lộ. Hai người đi chẳng mấy chốc thì đến một quán bán bánh bên đường. Tạ Yên Khách mua hai tấm bánh bao rồi há miệng ra cắn ăn, tỏ vẻ ngon lành. Đồng thời lão liếc mắt nhìn gã ăn xin thử xem gã có mở miệng xin mình cho ăn không? Tạ Yên Khách vừa ăn vừa khen ngon luôn miệng. Một tay lão cầm bánh ăn, còn tay nữa lão với lấy thêm một tấm bánh bò thứ hai đưa qua đưa lại trước mặt gã ăn xin, nghĩ thầm trong bụng: “Thằng lỏi này đi ăn xin đã quen rồi. Nó thấy mình ăn bánh bao, có lý đâu lại không thèm đến chảy nước miếng? Chỉ cần nó mở miệng xin, mình đưa tấm bánh này cho nó là đã giữ trọn lời thề với tấm Huyền Thiết Lệnh, từ đây tiêu dao tự tại, không còn phải băn khoăn về vụ này nữa.” Lão nghĩ đến chuyện trọng đại là thu tấm Huyền Thiết Lệnh về, mà chỉ mất một tấm bánh bao để giải quyết thì có vẻ không nghiêm chỉnh, nhưng lại nghĩ đối với một gã ăn xin thì chỉ một cái bánh tiêu hay bánh bao gì đó là đủ rồi.

Nào ngờ gã ăn xin vừa nhìn tấm bánh bao vừa nuốt nước miếng không ngớt, nhưng mãi vẫn không mở miệng xin ăn. Tạ Yên Khách trong lòng nóng nảy, ăn hết một cái bánh bao rồi lại cầm cái thứ hai đưa lên miệng, còn toan thò tay vào nồi hấp lấy thêm. Gã ăn xin bỗng quay vào bảo chủ quán: “Cháu cũng ăn hai cái.” Rồi gã tự thò tay vào nồi hấp mà lấy.

Chủ quán đưa mắt nhìn Tạ Yên Khách, xem lão có cho thằng nhỏ ăn không. Tạ Yên Khách mừng thầm trong bụng, gật đầu một cái. Trong lòng lão nghĩ: “Thử xem lát nữa chủ quán tính tiền, ngươi có phải xin ta không.”

Gã ăn xin ăn xong cái này lại lấy cái khác, ăn hết thảy bốn cái bánh bao mới nói: “Cháu no rồi, không ăn nữa.”

Tạ Yên Khách ăn hết hai cái bánh rồi thôi, quay lại hỏi chủ quán: “Bao nhiêu tiền?”

Chủ quán đáp: “Hai đồng một cái. Cả thảy sáu cái, cộng là mười hai đồng.”

Tạ Yên Khách đáp: “Không được. Phần ai ăn người nấy trả tiền. Ta ăn hai tấm, vậy ta trả bốn đồng là đủ.”

Lão thò tay vào bọc toan móc tiền ra trả, nhưng sờ đi sờ lại mà chẳng còn một đồng nào. Thì ra hôm qua lão vào thành Biện Lương uống rượu, đã xài hết bạc vụn rồi. Trong mình lão có mang nhiều vàng lá, nhưng lúc ở Biện Lương lại quên chưa đổi ra tiền lẻ. Cái quán nhỏ xíu bên lề đường này thì lấy đâu ra tiền để đổi vàng? Trong lúc Tạ Yên Khách chưa biết giải quyết cách nào, thì gã ăn xin đã móc trong bọc ra một thỏi bạc, đưa cho chủ quán nói: “Tất cả mười hai đồng, để cháu trả cho.”

Tạ Yên Khách chưng hửng hỏi: “Sao? Ngươi lại trả tiền cho ta ư?”

Gã ăn xin cười đáp: “Ông không có tiền mà cháu có, cháu mời ông ăn mấy cái bánh bao phỏng có chi đáng kể?” Chủ quán cũng lấy làm kinh ngạc, lấy mấy miếng bạc vụn và mấy xâu tiền đồng thối lại. Gã ăn xin thu tiền cất vào bọc, rồi nhìn Tạ Yên Khách xem lão sai bảo gì.

Tạ Yên Khách bất giác nở một nụ cười chua chát, nghĩ thầm: “Tạ mỗ cố chấp thành tính, trước nay dù là một miếng cơm, một ly nước cũng chẳng chịu ơn ai, không ngờ hôm nay lại để một gã ăn xin mời ăn hai cái bánh bao.” Lão bèn hỏi: “Sao ngươi biết ta không có tiền?”

Gã ăn xin cười đáp: “Mỗi khi cháu vào chợ, thấy ai thò tay vào túi định lấy tiền trả, mà móc cả nửa ngày vẫn không ra, sắc mặt biến đổi kỳ dị, thì dĩ nhiên người đó không có tiền. Cháu còn nghe người ta nói, những người không có tiền mà muốn ăn quịt của người ta đều giống như thế cả.”

Tạ Yên Khách không nhịn nổi phải cười khổ, nghĩ thầm: “Chắc ngươi cũng tưởng là ta tính chuyện ăn quịt.” Nhưng lão chỉ hỏi: “Đĩnh bạc đó ngươi ăn cắp được ở đâu?”

Gã ăn xin đáp: “Sao lại ăn cắp? Vừa rồi một vị thái thái giống Quan Âm áo trắng đã cho cháu.”

Tạ Yên Khách hỏi lại: “Ai mà ngươi lại nói là giống Quan Âm áo trắng?” Nhưng rồi lão hiểu ngay đó chính là Mẫn Nhu, liền lẩm bẩm: “Con mụ ấy lại làm hư chuyện của mình rồi.”

Hai người sóng vai mà đi, chừng vài chục trượng thì Tạ Yên Khách lại cầm thanh Bạch Kiếm của Mẫn Nhu giơ lên nói: “Thanh kiếm này sắc lắm. Vừa rồi ta chỉ khẽ cắt một nhát đã chặt được cái cây làm hai đoạn, ngươi cũng nhìn thấy đó. Ngươi có thích không? Nếu ngươi thích thì chỉ cần mở miệng xin ta một câu là ta cho ngay.”

Thực ra Tạ Yên Khách chẳng muốn phiền hà thêm với gã ăn xin dơ bẩn này. Lão chỉ mong cho gã mở miệng xin một điều gì, cho lão được hoàn thành tâm nguyện. Không ngờ gã ăn xin lại lắc đầu đáp: “Cháu không lấy đâu. Thanh kiếm này là của vị Quan Âm thái thái đó. Thái thái đó là người tốt, cháu không muốn lấy đồ vật của bà.”

Tạ Yên Khách lại rút thanh Hắc Kiếm ra, vung lên chém đứt một gốc cây khá lớn rồi nói: “Được lắm! Vậy ngươi có xin thanh Hắc Kiếm này không?”

Gã ăn xin lại lắc đầu đáp: “Thanh Hắc Kiếm này là của vị tướng công mặc áo đen. Tướng công cùng đi một đường với Quan Âm thái thái, cháu cũng không lấy đồ của tướng công đâu.”

Tạ Yên Khách hắng giọng một tiếng rồi nói: “Cẩu Tạp Chủng! Ngươi cũng có nghĩa khí lắm nhỉ!”

Gã ăn xin không hiểu, hỏi lại: “Nghĩa khí là cái gì?”

Tạ Yên Khách lại hắng giọng một tiếng, nghĩ thầm: “Ngươi đã chẳng hiểu chuyện này thì có nói cũng như không.”

Gã ăn xin lại nói: “Thì ra ông không muốn nói đến nghĩa khí. Ông… ông không thích nghĩa khí phải không?”

Tạ Yên Khách giận xanh mặt, vung chưởng lên toan đập xuống đỉnh đầu gã ăn xin. Nhưng lão thấy vẻ mặt nó rất ngây thơ, liền thu tay về nghĩ thầm: “Ta đã thề không đụng tới nó dù chỉ một ngón tay, huống hồ nó chẳng biết nghĩa khí là gì, đương nhiên không cố ý mỉa mai mình.” Lão hỏi lại: “Sao ngươi bảo ta không thích chuyện nghĩa khí? Ta thích nghĩa khí lắm chứ!”

Gã ăn xin lại hỏi: “Nói đến nghĩa khí thì có tốt không ông?”

Tạ Yên Khách đáp: “Có nghĩa khí là hay lắm. Nói chuyện nghĩa khí hiển nhiên là việc tốt.”

Gã ăn xin lại nói: “Cháu biết rồi! Ai làm việc tốt là hảo nhân, ai làm việc không tốt là ác nhân. Ông lúc nào cũng làm việc tốt, nhất định phải là người rất tốt.”

Giả tỉ ai khác nói câu này thì Tạ Yên Khách sẽ coi là lời châm biếm, vung chưởng đánh chết lập tức. Suốt đời lão chưa nghe ai khen mình là người tốt, tuy đôi khi cũng làm mấy chuyện tốt nhưng chỉ là do hứng thú mà thôi, so với những chuyện không tốt của lão đã làm thì thật chẳng đáng gì. Tạ Yên Khách thấy gã ăn xin nói rất chân thành, cũng không biết mình nên cười hay nên khóc. Lão nghĩ bụng: “Thằng lỏi này ăn nói điên điên khùng khùng, đã bảo mình không thích chuyện nghĩa khí, lại bảo mình là người rất tốt. Giả tỉ chuyện này mà lọt vào tai địch thủ của mình, thì thật là thành chuyện cả võ lâm đàm tiếu, Tạ mỗ chẳng biết phải giấu mặt vào đâu nữa. Bây giờ ta phải mau mau kết thúc vụ này, nhất định không chuốc thêm họa vào thân.”

Gã ăn xin đã không muốn lấy Hắc Bạch Song Kiếm, Tạ Yên Khách liền lấy một tấm vải xanh gói đôi kiếm lại, đeo vào sau lưng. Lão tự hỏi: “Không hiểu mình phải dụ nó yêu cầu mình chuyện gì đây?” Lão còn đang ngẫm nghĩ, chợt trông qua bên đường thấy có ba cây táo lớn, đầy quả chín đỏ, liền trỏ vào cây táo nói: “Mấy trái táo kia ngon quá!”

Lão thấy mấy cây táo rất cao, chỉ mong gã ăn xin nhờ mình hái giúp cho, thì đó cũng là một yêu cầu. Không ngờ gã ăn xin chẳng những không nhờ lão hái cho, lại còn hỏi: “Đại hảo nhân! Ông thích ăn táo phải không?”

Tạ Yên Khách ngạc nhiên hỏi lại: “Đại hảo nhân cái gì?”

Gã ăn xin đáp: “Ông là người rất tốt, nên cháu gọi ông là đại hảo nhân.”

Tạ Yên Khách trầm mặt xuống hỏi: “Ai nói ta là người tốt?”

Gã ăn xin liền đáp: “Ông đã không phải là người tốt thì tất nhiên phải là người xấu. Vậy để cháu gọi ông là đại hoại nhân.”

Tạ Yên Khách đáp: “Ta cũng không phải là người xấu.”

Gã ăn xin hỏi: “Thế thì kỳ thật. Ông đã không phải là người tốt mà cũng không phải là người xấu… À, đúng rồi, ông không phải là người.”

Tạ Yên Khách phẫn nộ quát lên: “Ngươi nói gì?”

Gã ăn xin đáp: “Bản lãnh ông rất giỏi, ông có phải là thần tiên không?”

Tạ Yên Khách lại quát: “Không phải!”, nhưng thanh âm cũng bớt phần nghiêm khắc. Rồi lão lại mắng: “Ăn nói bậy bạ!”

Gã ăn xin lắc lắc đầu, lẩm nhẩm trong miệng: “Thế này cũng không phải, thế kia cũng không phải, thế là thế nào?” Rồi đột nhiên nó chạy lại gốc táo, nhảy lên ôm lấy thân cây, đạp đạp hai chân trèo lên thoăn thoắt.

Tạ Yên Khách thấy nó tuy không hiểu võ công, nhưng chân tay rất linh hoạt. Nó lựa những trái táo lớn nhất, hái nhét vào trong áo, chỉ khoảnh khắc là bụng nó đã phình lên như cái trống. Nó liền tuột xuống, vốc một nắm đưa cho Tạ Yên Khách rồi nói: “Ông ăn táo đi! Ông không phải người, cũng không phải ma quỷ, chẳng lẽ lại là bồ tát? Nhưng cháu thấy cũng không giống.”

Tạ Yên Khách không lý gì đến nó, cầm mấy trái táo bỏ vào miệng ăn. Táo này ăn vừa ngọt vừa mát, thật là thượng phẩm. Lão nghĩ thầm: “Té ra nó chưa yêu cầu mình điều gì mà mình đã phải yêu cầu nó.” Lão động tâm, lại hỏi: “Ngươi muốn biết ta là ai phải không? Chỉ hỏi ta một tiếng là được. Ngươi chỉ cần nói: Xin ông nói cho cháu biết ông là ai, có phải thần tiên hay bồ tát không? Ta sẽ trả lời ngươi.”

Gã ăn xin lắc đầu đáp: “Cháu không cầu xin ai hết.”

Tạ Yên Khách giật mình vội hỏi: “Sao ngươi lại không cầu xin ai?”

Gã ăn xin đáp “Má má cháu thường bảo rằng: “Cẩu Tạp Chủng! Suốt đời ngươi đừng đi cầu xin ai cái gì hết. Khi người ta muốn cho ngươi cái gì, thì chẳng xin họ cũng cho. Nếu người ta không chịu cho, thì dù ngươi có cầu xin khổ sở cũng chỉ vô ích, lại còn bị ghét cay ghét đắng nữa.” Một hôm cháu thấy má má đang ăn cái gì ngon lành lắm, bèn mở miệng xin. Má má cháu đã không cho mà còn đánh cho một trận, vừa đánh vừa mắng: “Cẩu Tạp Chủng! Ngươi cầu xin ta làm gì? Sao không đi cầu xin cái con tiểu tiện nhân vừa xinh xắn vừa yểu điệu kia?” Từ đó cháu nhất quyết không cầu xin ai bất cứ một chuyện gì.”

Tạ Yên Khách hỏi: “Con tiểu tiện nhân xinh xắn đó là ai?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu cũng không biết.”

Tạ Yên Khách vừa thất vọng vừa ngạc nhiên. Lão nghĩ thầm: “Thằng lỏi này đã nhất định không cầu xin cái gì, thì ta biết làm thế nào để hoàn thành tâm nguyện được? Mẫu thân gã này không chừng là một mụ điên. Khi nào con xin ăn mà mẹ đánh đòn bao giờ, lại còn mắng “tiểu tiện nhân xinh xắn yểu điệu” gì gì đó. Chắc là chồng của mụ có mới nới cũ, ruồng bỏ mụ nên mụ mới đem lòng phẫn nộ mà trút lên đầu con. Bọn đàn bà nhà quê đa số đều ngu dốt.” Lão lại hỏi: “Ngươi là một đứa ăn xin, chẳng lẽ lại không xin tiền xin cơm của người ta hay sao?”

Gã ăn xin vẫn lắc đầu đáp: “Cháu chẳng xin bao giờ. Người ta đưa cho cái gì thì cháu cầm lấy. Có lúc người ta không cho, nhưng lúc họ xoay mình đi không để ý là cháu lấy luôn rồi chạy trốn.”

Tạ Yên Khách cười khẩy: “Nếu vậy thì ngươi không phải là một đứa ăn xin, mà là một thằng ăn cắp.”

Gã ăn xin lại hỏi: “Thằng ăn cắp là như thế nào?”

Tạ Yên Khách hỏi lại: “Ngươi không hiểu ư? Hay là ngươi giả ngốc?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu không hiểu nên mới hỏi ông, sao ông lại bảo là cháu giả ngốc? Giả ngốc là như thế nào?”

Tạ Yên Khách chăm chú nhìn gã ăn xin, thấy mặt gã lem luốc đầy bùn đất, nhưng cặp mắt đen lay láy, chẳng có vẻ gì ngu xuẩn. Lão liền nói: “Ngươi chẳng phải là đứa con nít lên ba, ít ra cũng được mười mấy tuổi rồi mà sao chẳng hiểu một cái gì cả?”

Gã ăn xin đáp: “Má má cháu không ưa nói chuyện với cháu, còn nói hễ thấy mặt cháu là phát ghét lên rồi. Nhiều khi cả chín mười ngày, má má cứ mặc kệ cháu, chẳng nhìn gì đến, chẳng nói câu nào. Cháu chỉ thích nói chuyện với A Hoàng. Nó chỉ biết nghe chứ không biết nói, chẳng bao giờ nó bảo cháu là tiểu tặc hay giả ngốc chi hết.”

Tạ Yên Khách thấy ánh mắt gã ăn xin không có vẻ gì là lừa gạt hay xảo trá, bèn nghĩ bụng: “Xem chừng thằng lỏi này không cố ý nói bóng gió để chửi xéo mình.” Lão lại hỏi: “Thế ngươi không nói chuyện với hàng xóm hay sao?”

Gã ăn xin lại hỏi: “Hàng xóm là gì hả ông?”

Tạ Yên Khách chán ngán đáp: “Hàng xóm là những người ở gần nhà mình.”

Gã ăn xin nói: “Gần nhà cháu ư? Gần nhà cháu chỉ có mười một cây tùng lớn. Trên cây có rất nhiều sóc, còn trong đồng cỏ thì có gà rừng, có thỏ rừng. Đó đều là hàng xóm của cháu ư? Bọn chúng chỉ biết kêu chiêm chiếp hay chí chóe chứ không biết nói.”

Tạ Yên Khách lại hỏi: “Ngươi đã lớn từng ấy rồi, chẳng lẽ chưa nói chuyện với ai ngoài má má hay sao?”

Gã ăn xin đáp: “Nhà cháu ở trên núi, cháu chẳng xuống núi bao giờ, nên ngoài má má cháu ra, cháu cũng không gặp ai để nói chuyện. Mấy hôm trước đây cháu không thấy má má đâu nữa, mới chạy từ trên núi xuống đi tìm, rồi con A Hoàng cũng chẳng thấy đâu nữa. Cháu gặp người nào cũng hỏi má cháu đâu, A Hoàng đâu, nhưng ai cũng nói là không biết. Như vậy có phải là nói chuyện không?”

Tạ Yên Khách bụng bảo dạ: “Té ra gã này ở chốn hoang sơn hẻo lánh, mẫu thân nó lại không nói năng gì với nó, chẳng trách nó không biết một tí gì cả.”

Tạ Yên Khách liền đáp: “Thế cũng kể là người ta đã nói chuyện với ngươi. Sao ngươi lại biết dùng tiền để mua bánh bao ăn?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu đã thấy người ta mua rồi. Bây giờ ông không có tiền mà cháu lại có tiền, ông muốn lấy phải không? Ông muốn lấy thì cháu cho ông.” Gã vừa nói vừa đưa tay vào bọc lấy mấy miếng bạc vụn đưa vào tay Tạ Yên Khách.

Tạ Yên Khách lắc đầu đáp: “Ta không lấy đâu.” Lão nghĩ thầm: “Thằng lỏi này lôi thôi lếch thếch, nhưng tính tình không phải hẹp hòi.” Lão càng nói chuyện lâu với nó càng thấy yên tâm, đã tin chắc nó không phải là một cái bẫy của kẻ khác bố trí hại mình nữa.

Gã ăn xin lại hỏi: “Ông vừa bảo cháu không phải là đứa ăn xin mà là thằng ăn cắp. Vậy cháu là đứa ăn xin hay thằng ăn cắp?”

Tạ Yên Khách mỉm cười đáp: “Người ta có bằng lòng cho ngươi tiền bạc hay thức ăn rồi ngươi mới lấy, thế là ăn xin. Còn nếu ngươi chưa biết người ta có cho hay không mà đã thò tay ra lấy, thì là ăn cắp.”

Gã ăn xin nghiêng đầu suy nghĩ một chút rồi nói: “Cháu chưa từng hỏi xin ai cái gì bao giờ, nhưng bất cứ người ta có chịu cho hay không, cháu cũng lấy ăn. Vậy thì cháu là thằng ăn cắp. Phải rồi! Ông là lão ăn cắp!”

Tạ Yên Khách giật mình hỏi: “Sao? Ngươi bảo ta là gì?”

Gã ăn xin hỏi lại: “Chẳng lẽ ông không phải là lão ăn cắp ư? Rõ ràng người ta không muốn cho ông hai thanh kiếm mà ông cứ cướp lấy. Ông lại không phải là thằng nhỏ, dĩ nhiên phải gọi là lão ăn cắp.”

Tạ Yên Khách không nổi giận, lại mỉm cười: “Mấy chữ thằng ăn cắp, lão ăn cắp đều dùng để mắng người ta. Ngươi không thể tùy tiện mắng ta như thế.”

Gã ăn xin hỏi lại: “Thế sao ông mắng cháu?”

Tạ Yên Khách đáp: “Được rồi! Ta không mắng ngươi nữa. Ngươi chẳng phải là đứa ăn xin, cũng không là thằng ăn cắp. Ta kêu ngươi là tiểu nhai nhi, ngươi kêu ta bằng lão bá bá.”

Gã ăn xin lắc đầu đáp: “Cháu không phải là tiểu nhai nhi gì hết. Cháu chỉ là Cẩu Tạp Chủng thôi.”

Tạ Yên Khách nói: “Cái tên Cẩu Tạp Chủng khó nghe lắm. Má má ngươi gọi ngươi như vậy thì được, còn người ngoài không thể gọi ngươi như vậy. Ta không hiểu sao má má ngươi lại kỳ cục đến thế, gọi con mình bằng Cẩu Tạp Chủng.”

Gã ăn xin nói: “Cẩu Tạp Chủng thì có gì không tốt đâu? Con A Hoàng cũng là con chó, mà cháu đi với nó thấy thích thú lắm, cũng như đi với ông vậy. Có điều con A Hoàng không biết nói, chỉ sủa gâu gâu, còn ông thì nói được.” Gã vừa nói vừa đưa tay lên vuốt ve sau lưng Tạ Yên Khách mấy cái, ra chiều nhẹ nhàng tình cảm, chắc cũng như lúc vuốt ve con chó của gã.

Tạ Yên Khách liền vận nội lực lên lưng. Gã ăn xin vừa đụng vào người lão đã giật bắn người lên, tựa như sờ phải miếng than hồng. Gã vội buông tay ra, cảm thấy ruột gan nhộn nhạo cực kỳ khó chịu, tựa như muốn nôn ọe ra. Tạ Yên Khách cười nửa miệng, ngó gã ăn xin nghĩ thầm: “Ai bảo ngươi vô lễ với ta? Một vố này đủ cho ngươi biết thân chưa?”

Gã ăn xin vuốt ngực nói: “Lão bá bá! Người bá bá nóng quá, mau lại gốc cây kia nghỉ một lúc. Cháu đi lấy nước về cho bá bá uống. Lão bá bá có thấy chỗ nào khó chịu không? Người bá bá sốt quá, e rằng lâm trọng bệnh mất rồi.” Thanh âm của gã cực kỳ quan tâm thân thiết, lại đưa tay ra định dắt lão vào gốc cây ngồi nghỉ.

Tạ Yên Khách tuy hết sức cố chấp ngang tàng, nhưng thấy gã ăn xin đối đãi với mình chân thành như vậy, cũng không tiện vận nội lực đả thương gã nữa. Lão nói: “Ta vẫn mạnh khỏe như thường, có bệnh tật gì đâu? Ngươi xem, có phải ta đã hết sốt rồi không?” Rồi lão cầm lấy bàn tay nhỏ xíu của nó đặt lên trán mình.

Gã ăn xin sờ trán lão thấy mát rượi, lại càng hoang mang hơn, hốt hoảng la lên: “Úi chao! Nguy rồi! Lão bá bá chết đến nơi rồi!”

Tạ Yên Khách tức giận quát: “Ăn nói hồ đồ! Ta mà sắp chết ư?”

Gã ăn xin đáp: “Có một lần má má cháu mắc bệnh, cũng lúc nóng lúc lạnh như thế. Má má cháu kêu la rầm rĩ: “Ta sắp chết rồi! Ta sắp chết rồi! Đau đớn thế này thà chết đi còn hơn!” Quả nhiên lần đó má má cháu bệnh rất nặng, mấy lần chết hụt, phải nằm mấy tháng trời mới khỏi.”

Tạ Yên Khách mỉm cười nói: “Ta không chết đâu.” Gã ăn xin khẽ lắc đầu, ra vẻ không tin.

Hai người lại nhằm hướng Đông Nam đi một hồi nữa. Bây giờ đã vào giờ ngọ, mặt trời nóng như thiêu như đốt. Gã ăn xin đột nhiên chạy vào bên đường hái bảy tám chiếc lá cây lớn. Tạ Yên Khách thấy vậy thì cho là nó còn tính con nít ham chơi, cũng không hỏi gì đến. Ngờ đâu gã ăn xin hái mấy lá cây đó để kết thành cái nón, đưa cho Tạ Yên Khách rồi nói: “Trời nắng nóng rất khó chịu. Bá bá đang bệnh, đội cái nón này lên cho đỡ nắng.”

Tạ Yên Khách bị gã ăn xin làm cho nửa giận nửa cười, nhưng cũng không nỡ từ chối tấm lòng tốt của nó, bèn cầm cái nón bằng lá cây đội lên đầu. Dưới nắng chói chang, đội cái nón như thế cũng thấy mát mẻ dễ chịu hẳn. Trước nay chỉ có người sợ lão, hận lão, chưa hề có ai quan tâm, tử tế với lão như thế, nên bất giác trong lòng lão cũng hơi thấy ấm áp.

Hai người đi chẳng mấy chốc lại tới một thị trấn nhỏ. Gã ăn xin nói: “Bá bá không có tiền, không chừng phen này sinh bệnh là vì bụng đói. Vậy bây giờ chúng ta hãy vào quán cơm ăn một bữa thật no.” Rồi nó kéo tay Tạ Yên Khách đi thẳng vào một quán cơm gần đó. Từ nhỏ tới lớn, gã ăn xin chưa từng vào quán cơm bao giờ. Nó cũng không hiểu cách gọi thức ăn, liền thò tay vào bọc moi hết bạc vụn cùng tiền đồng ra để trên bàn, rồi gọi tiểu nhị lại nói: “Cháu cùng lão bá bá này muốn ăn một bữa cơm có thịt có cá. Chú cầm lấy số tiền này.” Chỗ bạc đó có tới hơn ba lạng, đủ làm một bữa tiệc thịnh soạn.

Tiểu nhị cả mừng, liền dặn nhà bếp giết gà vịt, nấu cả thịt cá. Chẳng bao lâu, một mâm cơm đầy thức ăn bày ra. Tạ Yên Khách lại gọi hai cân rượu trắng. Gã ăn xin cũng thử uống một hớp rượu, nhưng nhổ ra ngay rồi kêu lên: “Cay quá, không ngon gì hết.” Rồi gã tự xới cơm gắp thịt mà ăn.

Tạ Yên Khách bụng bảo dạ: “Thằng nhỏ này ngây thơ không hiểu việc đời, nhưng được trời phú cho đức tính hào hiệp, mà cũng không đến nỗi ngu xuẩn. Giả tỉ nó được dạy dỗ đến nơi đến chốn, tất sẽ thành một hảo thủ võ lâm.” Nhưng rồi lão lại nghĩ: “Hỡi ơi, trên đời nhiều tên vong ơn phụ nghĩa lắm. Tư chất thằng súc sinh đồ đệ của mình cũng khá, trên đời ít gặp, nhưng đã hại ta thật chẳng thiếu chuyện gì. Sao ta còn định thu đồ đệ nữa làm gì?” Lão nghĩ tới tên đồ đệ cũ thì lửa giận lại bốc lên, im lặng ngồi gắp mấy miếng, uống sạch hai cân rượu trắng rồi bảo: “Đi thôi!”

Gã ăn xin hỏi: “Lão bá đã khỏe chưa?”

Tạ Yên Khách đáp: “Khỏe rồi!” Trong bụng lão nghĩ thầm: “Ngươi hết sạch tiền rồi, muốn ăn cơm nữa thì nhất định phải mở miệng xin ta. Ta phải tìm đến thị trấn lớn, đổi vàng lấy tiền rồi sẽ tính.”

Hai người rời thị trấn, đi về phía đông. Tạ Yên Khách bỗng hỏi: “Tiểu nhai nhi! Má má ngươi họ gì, đã nói với ngươi chưa?”

Gã ăn xin đáp: “Má má là má má, lại cần có họ hay sao?”

Tạ Yên Khách nói: “Dĩ nhiên là có chứ, người ta ai mà chẳng có họ tên?”

Gã ăn xin hỏi: “Thế cháu họ gì?”

Tạ Yên Khách đáp: “Chính ta cũng không biết. Cái tên Cẩu Tạp Chủng khó nghe lắm. Ngươi có muốn ta đặt cho một cái tên không?”

Giả tỉ gã ăn xin mở miệng xin lão đặt cho một cái tên, thì lão chỉ cần đặt bừa một cái là hoàn thành tâm nguyện.

Không ngờ gã ăn xin lại đáp: “Bá bá thích đặt tên cho cháu thì cũng được, nhưng sợ má má cháu không chịu. Má má cháu vẫn gọi cháu là Cẩu Tạp Chủng, cháu cũng quen rồi. Bây giờ cháu đổi tên chắc má má cháu không thích đâu. Mà cái tên Cẩu Tạp Chủng sao lại khó nghe?”

Tạ Yên Khách nhíu mày nghĩ thầm: “Tại sao ba chữ Cẩu Tạp Chủng lại khó nghe thì nhất thời mình cũng không biết giải thích thế nào cho nó hiểu được.”

Giữa lúc ấy, bỗng trong một khu rừng phía trước có tiếng khí giới chạm nhau chan chát. Tạ Yên Khách vừa nghe thấy, liền động tâm tự hỏi: “Ở đây sao lại có người đánh nhau? Hai người này thủ pháp rất mau lẹ, võ công nhất định không phải tầm thường.” Lão liền khẽ bảo gã ăn xin: “Chúng ta qua bên đó xem sao, nhưng tuyệt đối đừng có lên tiếng.”

Rồi lão đưa tay nắm lưng gã ăn xin xách lên, thi triển khinh công chạy về phía có tiếng động, chỉ nhô lên hụp xuống mấy cái đã đến sau một gốc cây lớn. Gã ăn xin tưởng như mình đi trên mây, thích thú vô cùng, muốn bật lên tiếng cười, nhưng lại nhớ lời Tạ Yên Khách dặn nên vội đưa tay lên bịt miệng.

* * *

Hai người nấp sau một gốc cây nhìn ra, thấy bốn người đang quần nhau thành cục diện ba người đánh một. Người bị bao vây là một lão già mặt đỏ, râu bạc chùng xuống đến ngực, tay không binh khí. Một thanh đơn đao rơi dưới đất cách đó một quãng, thân đao đã bị cong, hiển nhiên là bị người ta đánh rơi. Tạ Yên Khách nhận ra lão này là Đại Bi Lão Nhân ở đảo Bạch Kình, năm xưa đã từng thua mình một chiêu, võ công cũng rất khá.

Ba gã hợp công thì một gã thân hình cao lêu nghêu mà gầy khẳng gầy khiu, một đạo nhân mặt vàng ửng, còn gã nữa thì tướng mạo cực kỳ xấu xa quái dị. Trên má gã có hai vết sẹo rất lớn giao nhau thành hình chữ thập. Gã cao gầy sử thanh trường kiếm, đạo nhân sử liễn tử chùy, còn hán tử xấu xí thì sử một thanh quỷ đầu đao.

Tạ Yên Khách thấy lão già bị vây đánh đã thọ thương, máu đang nhỏ giọt xuống, nhưng song chưởng của lão vẫn đảo đi đảo lại phóng ra những chiêu cực kỳ dũng mãnh. Lão đang chạy quanh một gốc cây tránh tả né hữu, nhờ gốc cây lớn để cầm cự với ba người cầm khí giới. Tay trái lão xuất những chiêu cầm nã, còn tay phải lúc quyền lúc chưởng rất mau lẹ, vừa đây vừa kéo để dẫn dụ binh khí của ba người kia chạm vào nhau. Bản lãnh lão thật không phải tầm thường. Tạ Yên Khách đứng xa xa chỉ xem mấy chiêu đã nhận ra lão già kia lâm vào thế hạ phong, nghĩ thầm: “Hôm nay Đại Bi Lão Nhân lâm vào cảnh hổ xuống bình nguyên bị chó lờn, xem chừng khó mà thoát khỏi kiếp nạn.”

Ngọn liễn tử chùy thường xuyên uốn vòng qua thân cây để tập kích vào cạnh sườn Đại Bi Lão Nhân, lại còn tý lực của gã hán tử xấu xí mạnh mẽ kinh người, cây quỷ đầu đao phát ra những tiếng vù vù. Tạ Yên Khách ngấm ngầm kinh hãi: “Đã lâu mình không lăn lộn giang hồ, bây giờ mới biết võ lâm Trung Nguyên đã xuất hiện nhiều nhân vật lợi hại đến thế, lại không nhận ra chiêu số của ba tên này thuộc môn phái nào. Nếu bản lãnh chúng tầm thường thì Đại Bi Lão Nhân đâu đến nỗi phải hoang mang đến thế?”

Bỗng đạo nhân mặt vàng khàn khàn hét lên: “Bạch Kình đảo chúa! Bang Trường Lạc chúng ta với đảo chúa vốn không thù oán, Tư Đồ bang chúa lại ngưỡng mộ ông là nhân vật nổi danh, có hảo ý dùng lễ vật để mời ông nhập bang, thế mà ông lại đem lời nhục mạ. Bây giờ ông đầu hàng đi, ưng thuận gia nhập bổn bang thì chúng ta lập tức sẽ trở thành hảo huynh đệ, hảo bằng hữu, những việc đã qua nhất định không truy cứu. Như vậy há chẳng hay hơn ư? Chúng ta hợp lực với nhau để đối phó với Thưởng Thiện Phạt Ác Lệnh của Hiệp Khách Đảo, cùng vượt qua kiếp nạn này lại không tốt hơn ư?”

Tạ Yên Khách vừa nghe câu cuối cùng của lão, trong lòng bỗng dưng chấn động. Chẳng lẽ Thưởng Thiện Phạt Ác Lệnh của Hiệp Khách Đảo lại tái xuất giang hồ rồi ư?

Đại Bi lão nhân tức giận đáp: “Ta đường đường là đại trượng phu, có lý đâu lại hòa mình với bọn đê hèn vô liêm sỉ như các ngươi, chẳng thà nhận Thưởng Thiện Phạt Ác Lệnh này để chết ở Hiệp Khách Đảo còn hơn. Các ngươi muốn ta gia nhập vào tà phái, làm những việc đồi bại, thì không được đâu. Các ngươi đừng mơ tưởng hão huyền nữa!”

Đột nhiên lão vươn tay trái ra một chiêu cầm nã chụp xuống vai hán tử xấu xí. Tạ Yên Khách la thầm: “Chiêu Long Trảo Thủ thật là tuyệt diệu!” Chiêu này nhìn có vẻ chậm chạp, nhưng thật ra thần tốc phi thường. Gã hán tử xấu xí tuy thân pháp mau lẹ, cố tránh né ngay, nhưng vẫn chậm mất một chút. Gã cao kều thấy vậy giật mình kinh hãi, hoa trường kiếm lên nhằm đâm vào mắt Đại Bi Lão Nhân.

Bỗng nghe đánh roạc một tiếng, vai áo bên hữu gã hán tử xấu xí đã bị xé rách một mảng lớn, máu tươi chảy ra đầm đìa. Long Trảo Thủ của Đại Bi Lão Nhân đã móc đứt một miếng thịt ở vai gã. Ba người lại càng giận dữ, liên tiếp xuất chiêu tấn công tới tấp như gió táp mưa sa.

Tạ Yên Khách kinh ngạc nghĩ thầm: “Không hiểu Trường Lạc Bang là bang hội như thế nào mà có lắm cao thủ thế này? Mình chưa từng nghe thấy, thì chắc bang này cũng mới sáng lập. Còn Tư Đồ bang chúa là ai, chẳng lẽ chính là Đông bá thiên Tư Đồ Hành? Trong võ lâm cũng ít hảo thủ ở họ Tư Đồ, ngoài người này ra thì không còn ai nữa.”

Bốn người càng đánh càng ác liệt. Gã hán tử xấu xí gầm lên một tiếng điên cuồng, vung đao quét ngang. Đại Bi Lão Nhân né mình tránh khỏi, đồng thời phóng một quyền về phía đạo nhân mặt vàng. Nghe “phập” một tiếng, thanh quỷ đầu đao của hán tử xấu xí đã chém ngập vào thân cây. Gã vận sức cố giật ra, nhưng không được. Đại Bi Lão Nhân thừa cơ hội này, thúc khuỷu tay phải xuống lưng gã hán tử xấu xí.

Thì ra Đại Bi lão nhân đang bị ba cao thủ vây đánh, phải chống đỡ vất vả vô cùng, tự lượng sức mình khó lòng thoát nạn. Giữa lúc đánh nhau khốc liệt, thỉnh thoảng lão vẫn liếc mắt quan sát bốn phương tám hướng, thấy sau gốc cây lớn thấp thoáng có bóng người ẩn nấp. Lão tưởng đây cũng là địch nhân nên nghĩ thầm: “Trước mắt mới có ba tên mà mình chưa chắc đã chống chọi nổi. Nếu đối phương lại thêm cường viện, thì hậu quả thật khó lường.” Đại Bi lão nhân còn nhận ra trong ba địch nhân trước mặt thì gã hán tử xấu xí là võ công kém nhất, nên cách duy nhất để thoát thân là phải mạo hiểm trừ khử bớt một tên. Vì thế khi thúc khuỷu tay vào lưng hán tử xấu xí, lão đã vận đến chín phần công lực.

Nghe “binh” một tiếng, khuỷu tay Đại Bi Lão Nhân đã cắm trúng ngay giữa lưng hán tử xấu xí. Lão mừng thầm trong bụng, chuyển mình lẹ quanh gốc cây để tới bồi thêm một đòn nữa. Giữa lúc ấy đạo nhân từ phía sau lại vung đồng chùy đập tới.

Đại Bi Lão Nhân vung tay trái gạt quả chùy, đột nhiên thấy bạch quang lấp loáng trước mắt. Lão vội né sang bên trái để tránh. Không ngờ lão tuổi già lại giao đấu đã lâu nên tinh lực không được sung mãn như người trẻ tuổi, định lạng người đi ba thước mới tránh khỏi, nhưng mới lạng ra được bảy tấc thì đã nghe “sột” một tiếng. Mũi trường kiếm của gã cao kều đã đâm trúng vai bên tả Đại Bi Lão Nhân, ghim lão dính vào một cành cây.

Biến cố này thật quá đột ngột, thằng bé ăn xin trong lúc vô ý không nhịn nổi, la lên một tiếng kinh hãi. Từ lúc nó thấy ba người vây đánh một lão già, trong lòng đã thấy bất bình. Bây giờ nó thấy lão nhân bị kiềm chế thì vừa kinh hãi, vừa tức giận vô cùng.

Gã cao kều lạnh lùng hỏi: “Bạch Kình đảo chúa! Rượu mời không uống lại uống rượu phạt, bây giờ đã chịu đầu hàng Trường Lạc Bang chưa?”

Đại Bi Lão Nhân trợn mắt, tức giận hét lên: “Ngươi đã biết ta là Bạch Kình Đảo Chúa, chẳng lẽ trên Bạch Kình Đảo lại có những kẻ như nhược quỳ gối đầu hàng hay sao?” Lão dùng hết sức giãy giụa, quyết tâm chịu bỏ cánh tay trái để thoát khỏi thanh trường kiếm, liều mạng với gã cao kều.

Đạo nhân mặt vàng lại vẫy tay phải một cái, ngọn liễn tử trùy bay tới, sợi xích sắt quấn mấy vòng quanh thân người Đại Bi Lão Nhân, rồi đầu chùy lại đánh vào ngực lão một đòn rất nặng, nghe “bịch” một tiếng. Đại Bi Lão Nhân gào lên một tiếng rồi ngoẹo đầu đi, trong miệng phun máu tươi ra.

Gã ăn xin không nhẫn nại được nữa, nhảy xổ ra la lớn: “Trời ơi! Ba người xấu lại vây đánh một người tốt.”

Tạ Yên Khách nhíu mày nghĩ thầm: “Thằng nhỏ này lại gây chuyện rắc rối rồi. Nhưng thế cũng hay, không chừng ba tên kia giết quách gã đi càng tốt. Dù mình thấy gã chết mà không cứu cũng chẳng phải là phản bội lời thề. Còn nếu thằng nhãi này mở miệng cầu cứu, thì ta giúp nó xử lý ba tên này là xong.”

Tạ Yên Khách còn đang ngẫm nghĩ thì gã ăn xin đã chạy đến gốc cây, đứng chặn trước mặt Đại Bi Lão Nhân la lên: “Các ngươi không được làm khó dễ lão bá này nữa.”

Từ nãy gã cao kều cũng đã nhận thấy sau gốc cây lớn thấp thoáng có bóng người ẩn núp. Bây giờ gã thấy thằng nhỏ từ sau gốc cây chạy ra, vừa nhìn đã biết ngay nó không hiểu võ công chi hết, mà dám cả gan xông vào chỗ đánh nhau, nhất định đã bị người nào sai khiến. Gã cao kều nghĩ thầm: “Ta phải dọa thằng tiểu quỷ này kinh sợ một phen, người đứng sau giật dây dĩ nhiên phải chường mặt ra.” Hắn bèn rút lấy cây quỷ đầu đao đang dính trên thân cây, hét lớn: “Thằng quỷ con kia! Ai đã sai ngươi ra can thiệp vào chuyện của lão già? Để ta giết ngươi trước rồi mới giết tới lão già này. Ngươi có cút đi ngay không?”

Gã vừa nói vừa vung thanh quỷ đầu đao lên, tựa hồ chém gã ăn xin đứt đôi ngay tức khắc. Gã ăn xin vẻ mặt thản nhiên đáp: “Lão bá đây là người tốt, các ngươi đều là người xấu. Ta nhất định phải giúp cho người tốt, ngươi định giết người thì ta không đi đâu.” Hiển nhiên là mẫu thân của nó cũng có lúc vui vẻ mà kể cho nghe một vài câu chuyện, trong chuyện kể bao giờ cũng có người tốt người xấu. Trong lòng của trẻ con bao giờ cũng hướng về điều thiện, thích người tốt, ghét người xấu. Nhân chi sơ tính bản thiện, đây là chuyện thiên kinh địa nghĩa.

Gã cao kều tức giận hỏi: “Ngươi có quen biết lão không mà bảo là người tốt?”

Gã ăn xin đáp: “Vừa rồi lão bá bảo các ngươi là bọn tà bang ác đảng gì đó, lão bá dù chết cũng không chịu nhập bọn với các ngươi. Thế thì dĩ nhiên các ngươi là hạng người xấu xa rồi.” Gã nói xong, quay mình lại toan tháo dây xích của liễn tử trùy xuống. Lão nhân mặt vàng bèn xoay tay tát bốp vào mặt gã ăn xin, khiến nó phải đầu váng mắt hoa. Má bên trái nó sưng vù lên, hằn rõ năm vết ngón tay.

Gã ăn xin thực sự không biết trời cao đất rộng gì cả. Hôm qua tại Hầu Giám Tập, lúc Ngô Đạo Thông bị bọn người Kim Đao Trại đến vây đánh, một là gã chưa biết Ngô Đạo Thông là người tốt hay người xấu, hai là mấy người đánh nhau trên nóc nhà, Ngô Đạo Thông vừa lăn xuống đã bị song câu của Lý Đại Nguyên đâm thủng bụng ngay, nếu không thì có thể nó cũng chạy ra can thiệp. Chuyện có nguy hại đến bản thân mình hay không, thì nó thật sự không tính đến.

Gã cao kều thấy tên ăn xin tính khí cương cường không biết sợ hãi là gì, trong lòng không khỏi ngờ vực tự hỏi: “Thằng tiểu quỷ này ỷ vào cái gì mà dám ngang nhiên lảm nhảm trước mặt bản hương chủ ở Trường Lạc Bang?” Gã bèn quay đầu liếc nhìn về phía sau gốc cây lớn đó, quả nhiên nhìn thấy một bóng người gầy ốm. Người này trông rất giống chủ nhân Huyền Thiết Lệnh, được giang hồ gọi là Ma Thiên cư sĩ Tạ Yên Khách, chẳng lẽ chính là ông ấy? Gã liền vung quỷ đầu đao lên, quát lớn: “Ta đếch cần biết lai lịch ngươi, cũng đếch cần biết sư trưởng cùng môn phái ngươi. Ngươi một mình đến đây phá đám thì ta cứ coi ngươi như một đứa ăn xin ngu ngốc, chẳng hiểu biết gì, có chém chết ngươi cũng chẳng sao.”

Nghe một tiếng “vù”, thanh đao đã chém thẳng đến cổ của thằng bé ăn xin. Không ngờ nó cũng khá cứng đầu cứng cổ, lại cũng không biết nguy hiểm là gì, hoàn toàn không nhúc nhích. Gã cao kều vung đao lên bổ xuống, còn cách vài tấc đỉnh đầu gã ăn xin vài tấc lại thu đao về, buột miệng khen: “Hảo tiểu tử! Gan mật ngươi cũng không nhỏ lắm!”

Đạo nhân mặt vàng tính nóng như lửa, lại vung tay phải lên đánh một chưởng. Chưởng này tát vào má bên phải thằng bé, so với cái tát lần trước còn nặng hơn nhiều. Gã ăn xin đau quá không nhịn được, khóc òa lên.

Gã cao kều nói: “Ngươi đã biết sợ đau mà khóc, thì mau mau rời khỏi nơi đây!”

Gã ăn xin vừa khóc vừa nói: “Các ngươi hãy bỏ đi trước, đừng làm khó dễ lão bá nữa, là ta nín ngay lập tức.” Gã cao kều không nín được, phải phì cười. Còn đạo nhân lại phóng cước đá gã ăn xin lăn xuống đất. Nó té mạnh đến nỗi mặt mày sưng húp lên, nhưng vẫn lồm cồm bò dậy, lại đứng trước mặt Đại Bi Lão Nhân để hộ vệ cho lão.

Đại Bi Lão Nhân bản tính có phần cổ quái nên trong đời lão rất ít bạn bè. Bây giờ lão thấy thằng bé này chưa từng quen biết, lại dám liều mạng để hộ vệ cho mình, nhất là nó chẳng biết chút võ công nào, trong lòng lão xiết bao cảm kích. Lão liền nói: “Tiểu huynh đệ! Ngươi liều mình với chúng thì chỉ uổng mạng mà thôi. Trình mỗ đã đến tuổi già xế bóng, dù nhắm mắt xuống suối vàng cũng không tiếc gì nữa.”

Gã ăn xin nghe không hiểu lắm, nhưng cũng biết lão giục mình tránh đi, liền lớn tiếng nói: “Lão bá là người tốt. Cháu quyết không để bọn người xấu này hại chết lão bá.”

Trong ba người kia thì gã cao kều là tinh minh hơn hết. Gã nghĩ: “Thằng nhỏ này thật là kỳ lạ. Mình chẳng hiểu người núp sau gốc cây kia có phải là Tạ Yên Khách hay không, nhưng cũng chẳng nên kết thêm cừu địch. Nhưng giả tỉ thằng lỏi con mới nói mấy câu mà mình đã rút lui, thì chẳng hóa ra Trường Lạc Bang của chúng ta khiếp nhược lắm ư?” Gã bèn giơ thanh quỷ đầu đao lên, bảo gã ăn xin: “Thằng nhãi kia! Bây giờ ta tỉ thí với ngươi. Ta chém liền ba mươi sáu đao, nếu ngươi vẫn đứng yên không nhúc nhích, thì coi như ta phục ngươi. Nếu ngươi sợ chết thì cút đi là hơn, đừng bướng bỉnh vô ích.”

Gã ăn xin đáp: “Ngươi chém liền ba mươi sáu đao thì ai mà không sợ?”

Gã cao kều nói: “Ngươi biết sợ là phải. Vậy ngươi mau mau tránh đi!”

Gã ăn xin nói: “Trong lòng ta tuy sợ, nhưng không chịu bỏ đi đâu.”

Gã cao kều giơ ngón tay cái lên khen: “Hay lắm! Ngươi có gan thì hãy xem lưỡi đao của ta đây!” Nghe vù một tiếng, thanh đao lạng qua đỉnh đầu gã ăn xin.

Tạ Yên Khách đứng sau gốc cây nhìn ra rất rõ ràng. Gã cao kều lướt đao qua hết sức nhẹ nhàng, chỉ vận sức ở cổ tay để ra chiêu, dùng kiếm pháp để sử đao. Tuy lão không biết chiêu thức đó tên là gì, nhưng gã này vung thanh quỷ đầu đao rất nặng mà coi nhẹ như không, thật không phải tầm thường.

Nhát đao này lướt qua sát đỉnh đầu gã ăn xin, hớt đứt một mảng tóc. Nhưng gã ăn xin đó lại rất cứng đầu cứng cổ, người gã vẫn đứng thẳng, hoàn toàn không nhúc nhích. Tiếp theo đao quang lấp lóe liên tiếp, tựa như con linh xà bò đi bò lại, thè lưỡi ra rồi lại rụt vào. Thanh đao quét tả chém hữu, nhát nào cũng gần sát đỉnh đầu gã ăn xin. Tóc gã bị lưỡi đao hớt rơi lả tả.

Gã cao nghêu chém đến đao thứ ba mươi hai thì hét lên một tiếng, quỷ đầu đao từ trên cao chém xuống. Nghe soạt một tiếng, tay áo bên phải của gã ăn xin bị đứt một miếng. Kế tiếp tay áo bên trái cũng mất một mảng. Tiếp theo là ống quần bên trái, ống quần bên phải chỉ trong nháy mắt đều bị cắt đứt. Gã cao kều thu đao về, chuôi đao tiện đà thích vào huyệt Đản Trung trước ngực Đại Bi Lão Nhân một cái thật mạnh. Đoạn gã cười ha hả nói: “Thằng nhãi này thật là hay, thật là giỏi.”

Tạ Yên Khách thấy gã cao kều dùng kiếm pháp để sử đao, ba mươi sáu chiêu liên miên không dứt mà không để lộ chút sơ hở nào thì không khỏi khen thầm. Đến lúc lão thấy hắn thu chiêu lại dùng chuôi đao điểm vào tử huyệt của Đại Bi Lão Nhân, thì không khỏi nghĩ thầm: “Tên này hạ thủ thật là ác độc!”

Đầu tóc bù xù của thằng bé ăn xin đã bị cạo qua ba mươi hai đao, biến thành trọc lóc chẳng khác gì đầu chú tiểu. Nó bị gã cao kều vung đao quét liền ba mươi mấy nhát mà không nhúc nhích, thì dĩ nhiên một phần là cố làm gan để bảo vệ sinh mạng cho Đại Bi Lão Nhân, còn một phần là sợ quá mà đứng ngây người ra. Có thể nói là không phải nó không thèm nhúc nhích, mà là không thể nhúc nhích được. Nó đợi gã cao kều thi triển xong ba mươi sáu đao mới sờ lên đầu mình, thấy còn nguyên chưa đứt thì thở phào một cái, hết sức nhẹ nhõm.

Đạo nhân mặt vàng cùng hán tử xấu xí thấy đao pháp của gã cao kều cực kỳ thần diệu, cùng lên tiếng khen ngợi: “Mễ hương chủ! Kiếm pháp của hương chủ thật là tuyệt diệu!”

Gã cao kều mỉm cười nói: “Vị tiểu bằng hữu này gan dạ hơn người, hôm nay chúng ta đành nhượng bộ một chút vậy. Đi thôi!”

Đạo nhân cùng hán tử xấu xí đều thấy Đại Bi Lão Nhân đã trúng một chuôi đao cực kỳ trầm trọng, chỉ còn thoi thóp thở, trong chốc lát là chết hẳn. Chúng liền rút lấy binh khí rồi rảo bước ra đi. Gã hán tử xấu xí đó chân bước loạng choạng, hình như bị thương cũng không phải nhẹ. Còn gã cao kều vung tay phóng ra một chưởng. Thanh trường kiếm đâm sâu vào cành cây hơn một thước bị chưởng lực của gã rung động làm bật ra ngoài, máu tươi trên vai Đại Bi Lão Nhân lập tức phun ra. Gã cao kều đưa tay ra đón lấy thanh kiếm, cười vang lên rồi bỏ đi, không nhìn đến Tạ Yên Khách đứng sau gốc cây lần nào nữa.

Tạ Yên Khách chau mày, nghĩ bụng: “Té ra gã cao kều này họ Mễ, là một hương chủ ở bang Trường Lạc. Gã thi triển mấy thủ pháp sau này hiển nhiên là muốn ta trông thấy. Kiếm pháp của gã tuy có mau lẹ hiểm độc, nhưng so với vợ chồng Thạch Thanh của Huyền Tố Trang thì nhiều chỗ không bằng. Chỉ bằng chút công phu này mà muốn ra oai trước mặt ta ư? Hà hà…” Theo tính khí bình thường của lão, gã họ Mễ này đã xuất hai chiêu để khoe khoang trước mặt, đáng lẽ phải tiến lên mà dạy cho gã một bài học, nếu đối phương có chút xíu gì bất kính thì phải giết luôn. Chỉ vì tâm nguyện của Huyền Thiết Lệnh còn chưa hoàn thành, thật sự lão không muốn lúc này lại rước thêm chuyện phiền hà, nên chỉ đứng xem một cách thản nhiên, không hề lộ diện.

Gã ăn xin quay lại hỏi Đại Bi lão nhân: “Lão bá! Lão bá để cháu buộc vết thương cho nhé.” Gã vừa nói vừa lượm mấy mảnh áo mà gã cao nghêu đã hớt đứt định buộc vết thương trên vai cho Đại Bi lão nhân.

Đại Bi lão nhân hai mắt nhắm nghiền, gắng gượng đáp: “Không… không cần nữa. Trong túi áo ta… có mấy cái tượng đất nhỏ… Ta… cho ngươi…” Lão nói xong, ngoẹo đầu ra mà chết, thân hình cao lớn từ từ tuột xuống gốc cây.

Gã ăn xin kinh hãi gọi luôn mấy tiếng: “Lão bá! Lão bá!…” Gã đưa tay ra định đỡ lão dậy, nhưng người Đại Bi Lão Nhân co rúm lại, không nhúc nhích được nữa.

Bây giờ Tạ Yên Khách mới ra khỏi gốc cây, đến bên gã ăn xin hỏi: “Trước khi chết ông ấy nói gì thế?”

Gã ăn xin đáp: “Lão bá nói là… trong túi có tượng đất gì đó, nói là cho cháu.”

Tạ Yên Khách nghĩ: “Đại Bi Lão Nhân là một quái kiệt trong võ lâm. Về võ học thì lão chẳng kém gì ta. Không chừng vật lão đem theo bên mình đó hết sức quan hệ.” Tuy lão nghĩ vậy, nhưng bản tính cao ngạo nên không thèm lấy, dù lão biết chắc trong mình Đại Bi Lão Nhân có vật kỳ bảo hiếm thấy trong đời thì cũng thế thôi. Lão bèn không nhìn đến, bỏ ra chỗ khác, rồi quay lại bảo gã ăn xin: “Lão đã cho ngươi, thì ngươi cứ lấy!”

Gã ăn xin hỏi lại: “Lão bá đã cho mà cháu lấy, thì có phải là thằng ăn cắp không?”

Tạ Yên Khách mỉm cười đáp: “Như thế không phải là thằng ăn cắp!”

Gã ăn xin bèn thò tay vào bọc Đại Bi Lão Nhân, lấy ra một cái hộp gỗ, mấy đỉnh bạc cùng bảy tám mũi ám khí. Ngoài ra còn có mấy phong thư, một bức họa, dường như là một tấm địa đồ. Tạ Yên Khách cũng tò mò muốn xem trong thư viết gì, và bức vẽ đó như thế nào. Nhưng lão lại nghĩ rằng, nếu mình mà động vào đó thì mất cả thể diện của một cao nhân trên chốn giang hồ, nên lại không động đậy.

Gã ăn xin mở cái hộp gỗ ra, trong đó nhét đầy bông gòn, lại có ba hàng tượng đồ chơi nặn bằng đất, mỗi hàng có sáu cái, tổng cộng là mười tám cái.

Thứ đồ chơi này rất tinh xảo, mỗi cái là tượng một người đàn ông trần truồng, bên ngoài sơn trắng và vẽ những vạch đỏ, lại còn vô số chấm đen, đều là phương vị của kinh mạch và huyệt đạo. Tạ Yên Khách vừa thấy là biết ngay những món đồ chơi này vẽ đồ phổ để luyện nội công thượng thặng, chắc là bí quyết về nội công của phái Bạch Kình. Hiển nhiên Đại Bi Lão Nhân đem lòng cảm kích thằng nhỏ liều mạng hộ vệ cho mình, dù chẳng thành công cũng là nghĩa cử của bậc anh hùng, nên tặng cho gã hết. Tạ Yên Khách nghĩ bụng: “Lão Đại Bi này lúc chết còn nói chuyện ân tình vớ vẩn. Giả tỉ lão chẳng cho, thì nó cũng sờ vào tử thi, có cái gì mà chẳng lấy chơi?”

Thằng bé ăn xin thấy nhiều tượng đất thì hết sức thích thú, lại nghĩ: “Không hiểu sao chúng không mặc áo quần chi hết. Nếu má má chịu may y phục cho chúng mặc thì thật là tuyệt diệu.”

Tạ Yên Khách nghĩ thầm: “Tuy Đại Bi lão nhân với mình có điều xích mích, nhưng dù sao lão cũng là một nhân vật lừng danh trong võ lâm, không nên để thi thể lộ ra nơi hoang dã.” Lão bèn cất tiếng hỏi: “Lão bằng hữu của ngươi chết rồi, ngươi không mai táng ông ấy ư?”

Gã ăn xin vội đáp: “Có chứ, có chứ! Không hiểu phải mai táng như thế nào?”

Tạ Yên Khách hững hờ đáp: “Nếu ngươi có sức thì đào một cái hố mà chôn xuống đất. Nếu ngươi không đủ sức thì dùng một cái xẻng xúc đá phủ lên người lão cho kín cũng được rồi.”

Gã ăn xin nói: “Ở đây chẳng có cuốc xẻng, không thể đào hố. Để cháu lấy đất đá cành cây phủ lên thi thể vậy.” Rồi nó đi bốc đất, khuân đá, thu lượm cành cây phủ lấp lên thi thể Đại Bi Lão Nhân. Nó tuổi nhỏ sức yếu, cực nhọc lắm mới lấp xong xác chết, mệt quá mồ hôi toát ra đầm đìa.

Tạ Yên Khách đứng một bên, không hề ra tay giúp đỡ. Lão đợi nó chật vật lấp xong xác chết rồi bảo: “Chúng ta đi thôi!”

Gã ăn xin hỏi: “Đi đâu bây giờ? Cháu mệt lắm rồi, không đi với lão bá nữa.”

Tạ Yên Khách hỏi: “Sao ngươi lại không đi với ta?”

Gã ăn xin đáp: “Cháu còn phải đi kiếm má má và A Hoàng.”

Tạ Yên Khách băn khoăn nghĩ thầm: “Đến bây giờ thằng lỏi này vẫn chưa mở miệng xin mình một điều gì. Nếu nó không chịu đi theo mình nữa, thì thật là một điều nan giải, mình không thể dùng sức mà cưỡng bách nó đi theo được.” Lão tần ngần một lúc rồi lại nghĩ: “Ngày trước mình phát thệ, chỉ thề là không dùng cường lực để bức bách người trao Huyền Thiết Lệnh, không thề là không được lừa người. Bây giờ ta phải lừa gạt nó cho được việc.” Quyết định xong, lão nói: “Ngươi cứ đi với ta. Ta dẫn ngươi đi tìm má má và con A Hoàng.”

Gã ăn xin cả mừng đáp: “Hay lắm! Cháu đi theo lão bá. Bản lãnh lão bá rất cao, nhất định sẽ tìm thấy má má cùng A Hoàng.”

Tạ Yên Khách lại nghĩ: “Nói nhiều vô ích, may mà nó vẫn chưa mở miệng chính thức nhờ mình đi kiếm mẫu thân và con chó kia. Giả tỉ nó lên tiếng cầu xin thì mình thật là khó xử.” Lão vội nắm lấy tay thằng nhỏ rồi bảo: “Chúng ta đi lẹ lên!”

Gã ăn xin vừa “Vâng” một tiếng thì chợt thấy người mình được kéo đi như bay. Miệng gã không ngớt la lên: “Thích quá! Thích quá!” Thì ra Tạ Yên Khách đã thi triển khinh công, vận nội lực lôi gã đi rất nhanh. Gã ăn xin thấy gió thổi vào mặt mát lạnh, cây hai bên đường vèo vèo chạy lùi lại phía sau, bèn trầm trồ khen ngợi: “Lão bá giỏi quá! Lão bá dắt cháu chạy nhanh thế này thì ghê thực!”

* * *

Hai người chạy đến tối mịt, chẳng hiểu đã chạy được bao nhiêu đường đất. Đến một khu rừng núi âm u, Tạ Yên Khách mới buông tay.

Gã ăn xin cảm thấy cặp giò nhũn ra, người loạng choạng rồi ngồi phệt xuống đất. Nó vừa ngồi xuống thì hai chân đau đớn vô cùng, chỉ một lúc chân đã sưng lên đỏ ửng. Nó kinh hãi la lên: “Lão bá! Hai chân cháu bị sưng lên rồi!”

Tạ Yên Khách nói: “Nếu ngươi xin ta chữa cho, thì ta lập tức làm cho chân ngươi khỏi sưng và hết đau ngay.”

Gã ăn xin đáp: “Nếu lão bá chịu chữa cho cháu khỏi, thì đương nhiên cháu phải biết ơn lão bá rồi.”

Tạ Yên Khách chau mày hỏi: “Có thật là trước nay ngươi chưa chịu mở miệng cầu xin ai cái gì không?”

Gã ăn xin nói: “Nếu lão bá muốn chữa trị cho cháu thì hà tất cháu phải năn nỉ. Nếu lão bá không muốn thì cháu có cầu xin cũng vô ích.”

Tạ Yên Khách hỏi: “Sao lại vô ích?”

Gã ăn xin đáp: “Lão bá đã không muốn chữa, thì dù cháu có khóc lóc lão bá cũng không chữa, lại còn khó chịu hơn là khác.”

Tạ Yên Khách hắng giọng rồi nói: “Ta chẳng khó chịu chi hết. Thôi bây giờ ngủ lại đây đi.” Trong lòng lão nghĩ: “Thằng bé này đã không chịu mở miệng cầu xin người khác, mà gọi nó bằng gã ăn xin thì thật là không hợp lý.”

Thằng bé ngồi tựa vào một gốc cây. Tuy hai chân đau đớn, nhưng nó chạy nửa ngày đã mệt nhoài nên chẳng bao lâu là ngủ thiếp đi, quên cả đói khát. Tạ Yên Khách nhảy lên ngọn cây mà ngủ. Lão chỉ mong nửa đêm có thú dữ qua đây ăn thịt thằng bé để giải quyết chuyện rắc rối giúp lão. Ngờ đâu suốt đêm cả con thỏ dại cũng không thấy bò ra, đừng nói đến mãnh thú. Tạ Yên Khách nghĩ thầm: “Ta đành dắt nó lên Ma Thiên Nhai. Nếu nó mở miệng cầu xin ta một việc dễ dàng thì may mắn, bằng không thì ta sẽ tìm cách kết liễu tính mạng nó đi là xong. Một thằng lỏi con mà mình cũng không xử lý xong, thì còn xưng là Ma Thiên Cư Sĩ thế nào được?”

Sáng sớm hôm sau Tạ Yên Khách lại dắt tay thằng bé đưa đi. Nó mới đi được mấy bước thì chân tựa hồ có hàng ngàn mũi kim nhọn đâm vào, đau quá không nhịn được phải “úi chao” một tiếng. Tạ Yên Khách hỏi: “Ngươi làm sao vậy?”

Lão đã chắc mẩm là nó sẽ yêu cầu mình ngồi nghỉ, không ngờ nó lại đáp: “Không sao hết. Chân cháu chỉ hơi đau một chút. Chúng ta đi thôi!” Tạ Yên Khách không biết làm thế nào, tức quá lôi nó chạy như bay.

Tạ Yên Khách chân không ngừng bước, mỗi lúc đi qua thị trấn lại tiện tay lấy bánh lấy thịt trong hàng cơm, đem theo vừa đi vừa ăn. Lão đưa cho thằng bé cái gì thì nó ăn cái ấy, không cho thì thôi, nó không xin xỏ lần nào. Hai người chạy luôn mấy ngày như vậy, đến ngày thứ sáu thì tới một nơi toàn núi non hiểm trở. Thằng bé tuy không hiểu võ công, nhưng Tạ Yên Khách dắt tới đâu thì nó vẫn đi tới đó được. Trong lòng Tạ Yên Khách chỉ mong nó xin được nghỉ ngơi, nhưng nó mãi không mở miệng, về sau thì lão cũng không nhịn nổi, phải khâm phục tính khí ngang nhiên cứng cổ của nó.

Hai người lại đi thêm mấy ngày, đường núi ngày càng dựng đứng, thằng bé khó mà trèo lên được. Tạ Yên Khách đành cõng nó lên lưng, dù gặp vách núi dựng thẳng hay sườn đồi cheo leo, lão vẫn chạy lên một cách dễ dàng. Thằng bé thấy vậy kinh hãi vô cùng, tim đập loạn xạ. Nhiều chỗ nguy hiểm quá, nó phải nhắm mắt lại không dám nhìn đến.

Một hôm vào giờ Ngọ, Tạ Yên Khách trèo đến một vách núi dựng đứng, liền đưa tay ra nắm lấy một sợi dây sắt thòng từ trên đỉnh núi xuống để trèo lên. Đây là một ngọn núi trọc, sườn núi lại trơn tuột không có chỗ đặt chân. Nếu không có sợi dây sắt này, dù võ công Tạ Yên Khách có cao thâm hơn nữa cũng không thể trèo lên được. Lên đến đỉnh núi, Tạ Yên Khách đặt thằng bé xuống nói: “Đây là Ma Thiên Nhai. Ngoại hiệu của ta là Ma Thiên Cư Sĩ, chính là lấy tên ngọn núi này. Bây giờ ngươi ở đây với ta.”

Thằng bé đảo mắt nhìn bốn phía, thấy đỉnh núi này cũng khá rộng rãi, chung quanh toàn là mây. Nó thấy mình đứng giữa mây, bất giác trong lòng kinh hãi hỏi: “Lão bá nói là dẫn cháu đi kiếm má má cùng A Hoàng kia mà?”

Tạ Yên Khách lạnh lùng đáp: “Thiên hạ bao la rộng lớn như thế, ta biết đi đâu tìm cho thấy mẫu thân ngươi? Bây giờ chúng ta hãy chờ ở đây, không chừng có một ngày mẫu thân ngươi sẽ dẫn A Hoàng đến đây tìm ngươi cũng không biết chừng.”

Thằng bé tuy còn nhỏ tuổi chưa biết gì, nhưng cũng hiểu là Tạ Yên Khách lừa gạt nó, vì ngọn núi cực kỳ hiểm trở, hoang sơ hẻo lánh thế này thì má má biết đâu mà tìm đến, cũng chẳng trèo lên đây được. A Hoàng thì lại càng không thể. Nó đứng thộn mặt ra, không biết phải nói gì nữa.

Tạ Yên Khách nói: “Bao giờ ngươi muốn xuống núi thì xin ta một tiếng, ta sẽ lập tức đưa ngươi xuống!” Lão nghĩ: “Ta không cho ngươi cái gì mà ăn, bảo đảm ngươi không nhịn nổi. Để xem lúc ngươi đói rã họng thì có mở miệng cầu xin ta không?”

Mẫu thân thằng bé tuy lạnh nhạt với nó, nhưng cũng chưa hề gạt nó bao giờ. Đây là lần đầu tiên nó bị người ta lừa gạt, nước mắt chảy quanh nhưng cố giữ cho khỏi trào ra. Tạ Yên Khách đi vào trong sơn động, lát sau khói đen trong động bốc ra nghi ngút. Thì ra lão vào động để nấu ăn. Một lúc sau, mùi thơm của thức ăn đưa ra ngào ngạt. Thằng bé đã đói meo, liền đi vào trong, thì thấy sơn động này rất rộng.

Tạ Yên Khách cố ý bày thức ăn ra trước mặt nó, khiến nó thèm thuồng mà phải xin mình cho ăn. Ngờ đâu, từ nhỏ nó chỉ ở với mẫu thân, chưa biết phân biệt của người hay của ta, hễ muốn ăn gì thì lấy, không hỏi xin bao giờ. Bây giờ nó thấy trên bàn đá đặt một đĩa thịt ướp và một nồi cơm, liền tự mình lấy đũa xới cơm, rồi ngồi xuống cầm đũa gắp thịt ăn tự nhiên.

Tạ Yên Khách thộn mặt ra nghĩ thầm: “Dọc đường đi, nó đã mời mình ăn bánh bao, ăn táo, ăn cơm, uống rượu. Nếu bây giờ không cho nó ăn thì rõ ràng Tạ mỗ không có nghĩa khí.” Lão nghĩ vậy, nên để mặc. Cứ như thế, hai người không nói chuyện gì, cứ cúi xuống ăn. Thằng bé ăn no bụng rồi tự động đi rửa chén bát nồi niêu, rồi lại đi bổ củi. Đó là những việc thông thường mà nó vẫn quen làm khi còn ở với mẫu thân.

Một hôm, nó chặt củi xong, toan gánh về sơn động thì bỗng nghe trong bụi rậm có tiếng xào xạc, rồi một con chồn nhảy ra. Thằng bé liền giơ búa lên đập trúng đầu, con vật chết ngay lập tức. Nó đem con chồn xuống khe suối mổ rửa sạch sẽ rồi đem về sơn động, chặt con chồn ra làm đôi, đem một nửa treo lên phơi khô, còn hai đùi thì cắt ra bỏ vào nồi nấu.

Tạ Yên Khách ngửi thấy mùi thịt chồn thơm ngon, liền lấy cái muôi gỗ múc một chút nếm thử, bất giác khoan khoái vô cùng. Món thịt chồn này rất ngon, so với lão thì thằng bé nấu nướng ngon gấp mười lần. Tạ Yên Khách nghĩ bụng: “Thật không ngờ thằng lỏi này lại nấu ăn giỏi như thế, sau này chắc ta thường được ăn ngon miệng. Nhưng nó đã biết săn bắn lại biết nấu nướng thì chẳng cần xin ta xuống núi, ta cũng không làm gì nó được.”

Mấy ngày sau thằng bé cứ ở trên Ma Thiên Nhai mà chăng lưới giăng bẫy, bắt chim chóc cùng dã thú. Chuyện này thì nó khá thạo, ngày nào cũng kiếm được thịt tươi để cùng ăn với Tạ Yên Khách, ăn không hết thì lại đem phơi khô hoặc ướp muối. Nghề làm bếp của nó thật có chỗ độc đáo, dù ở nơi núi thẳm rừng sâu mà vẫn nấu được ngon lành, Tạ Yên Khách cứ vừa ăn vừa khen ngợi. Có lần lão hỏi đến cách nấu ăn thì thằng bé nói là do mẫu thân dạy bảo. Hỏi tiếp, lão mới biết mẹ nó tuy nấu nướng rất giỏi, nhưng vừa nóng nảy vừa lười biếng. Mười bữa thì nó nấu hết chín bữa, nếu món nào nấu không hợp khẩu vị, bà ta mà vui thì chỉ bảo cho, còn không vui thì la mắng. Tạ Yên Khách nghĩ: “Mẹ của nó nấu ăn ngon như thế thì tất cũng thông minh lắm. Chắc mụ nhà quê này bị chồng ruồng bỏ nên mới ngang chướng như thế, mà cũng không chừng vì tính tình ngang chướng nên mới bị chồng ruồng bỏ.”

Tạ Yên Khách thấy thằng bé rất ít khi nói chuyện thì không khỏi ngấm ngầm sầu muộn. Lão nghĩ bụng: “Vụ này mà không giải quyết cho xong thì cũng là một cái họa trong lòng. Giả tỉ một ngày nào đó, có tên nào xúi nó yêu cầu mình tự phế võ công, hoặc tự chặt chân tay thành người tàn phế, thì thật là nguy hiểm. Không chừng nó lại yêu cầu mình suốt đời không được rời khỏi Ma Thiên Nhai, thế thì Tạ Yên Khách này biến thành một tên tù bị nhốt ở chốn rừng núi hoang vu này hay sao? Cho dù nó chỉ nhờ ta đi tìm mẹ và con chó A Hoàng, thì cũng là chuyện đau đầu lắm rồi.”

Tuy Tạ Yên Khách là người thông minh, lắm mưu nhiều trí, mà nghĩ mãi vẫn không ra kế hoạch gì.

* * *

Một hôm trời đã xế chiều, Tạ Yên Khách chắp hai tay lưng, lững thững thả bước trong rừng. Lão chợt thấy thằng bé đang đứng tựa lưng vào một khối đá, vẻ mặt tươi cười hớn hở nhìn vật gì trên tảng đá. Tạ Yên Khách chú ý nhìn kỹ, thì ra đó là mười tám pho tượng nhỏ xíu mà Đại Bi Lão Nhân đã cho nó. Thằng bé để mỗi pho tượng một chỗ, có lúc bày tượng thành hàng, có lúc bày thành trận thế đánh nhau. Nó nhìn ngắm ra chiều thích thú lắm.

Tạ Yên Khách lẩm bẩm: “Năm xưa Đại Bi Lão Nhân cùng ta tỉ thí trên núi Bắc Mang, chưởng pháp của lão đã mãnh liệt mà phép cầm nã cũng thần tốc biến ảo phi thường. Đánh nhau tới nửa giờ, lão mới thua một chiêu Khống Hạc Công của ta, lập tức nhận kém rút lui. Võ công lão tuy cao thâm, nhưng chỉ sở trường về ngoại gia công phu. Vậy đồ hình nội công vẽ trên tượng đất này chắc cũng chỉ thô sơ, chẳng đáng làm trò cười cho người khác.”

Lão cầm lấy một hình nhân đưa lên xem, thì thấy trên tượng có vẽ những huyệt đạo Dũng Tuyền, Nhiên Cốc, Chiếu Hải, Thái Khuê, Thủy Tuyền, Thái Chung, Phục Lựu, Giao Tín từ dưới chân ngược lên đến bụng. Còn phần trên là những huyệt Hoành Cốt, Thái Hách, Khí Huyệt, Tứ Mãn, Trung Chú, Mang Du, Thương Khúc tụ cả vào huyệt Liêm Tuyền ở dưới lưỡi. Lão biết ngay đó chính là họa đồ Túc Thiếu Âm Thận Kinh, vẽ thành một đường chỉ đỏ chạy từ bàn chân lên đến cổ họng. Lão nghĩ thầm: “Đây tuy là phép luyện nội công chính phái. Các môn phái lớn đều dùng phương pháp tương tự để luyện từ lúc nhập môn, chẳng có chi là đặc biệt. Phải rồi! Đại Bi Lão Nhân suốt đời chỉ rèn luyện ngoại công, nên mới đến tuổi tráng niên đã lăn lộn khắp giang hồ, mà rốt cuộc bản lãnh cũng chẳng bằng người. Không hiểu lão tìm đâu được mười tám cái tượng đất này, chắc là để kiêm luyện cả hai mặt nội ngoại công, không chừng thua dưới tay ta mới nghĩ đến chuyện này. Nhưng luyện nội công thượng thặng đâu phải chuyện một sớm một chiều? Huống chi, lão đã tuổi ngoại thất tuần, nội công phải đem xuống âm phủ mà luyện mới xong.”

Nghĩ tới đây, bất giác lão nổi lên một tràng cười ha hả. Thằng bé thấy Tạ Yên Khách ngó tượng đất của mình rồi cười rộ, thì cũng cười theo: “Lão bá nhìn xem, những tượng này đều có râu trên mặt, tất nhiên không phải là trẻ nít, thế mà lại chẳng mặc quần áo, trông thật là buồn cười.”

Tạ Yên Khách đáp: “Đúng rồi! Thật là tức cười!” Lão xem tiếp những pho tượng khác, thì thấy trên mười hai pho tượng có vẽ các kinh mạch là Thủ Thái Âm Phế Kinh, Thủ Dương Minh Đại Trường Kinh, Túc Dương Minh Vị Kinh, Túc Thái Âm Tì Kinh, Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh, Thủ Thái Dương Tiểu Trường Kinh, Túc Thái Dương Bàng Quang Kinh, Túc Thiếu Âm Thận Kinh, Thủ Thiếu Âm Tâm Bao Kinh, Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu Kinh, Túc Thiếu Dương Đởm Kinh, Túc Quyết Âm Can Kinh. Đó là mười hai kinh mạch chính. Còn sáu tượng kia thì vẽ Nhâm Mạch, Đốc Mạch, Âm Duy, Dương Duy, Âm Khiếu và Dương Khiếu.

Trong kỳ kinh bát mạch thì phức tạp khó hiểu nhất là Xung Mạch và Đới Mạch, hai mạch này cũng được vẽ rất rõ ràng. Tạ Yên Khách nghĩ thầm: “Đây hình như là nội công nhập môn của phái Thiếu Lâm. Đại Bi Lão Nhân coi đây là bảo bối nên mới giấu trong mình, nhưng hãy còn khiếm khuyết chưa đầy đủ. Thật ra nếu lão muốn luyện nội công thượng thặng thì những cái nông cạn khiếm khuyết này đã ăn thua gì? Chỉ cần một gã đệ tử tầm thường ở chính phái nội gia chỉ bảo vài tháng là hiểu rõ ngay. Nhưng lão đã là tiền bối nổi tiếng võ lâm, khi nào lại hạ mình đi cầu người chỉ dẫn?” Nghĩ tới đó, Tạ Yên Khách cũng thấy thương hại đôi chút.

Tạ Yên Khách nhớ lại năm xưa cùng Đại Bi Lão Nhân tỉ đấu ở núi Bắc Mang, tuy có thắng được một chiêu, nhưng cũng dựa vào may mắn mà thôi.

Lão lại nghĩ: “May mà Đại Bi Lão Nhân không có căn bản nội công. Giả tỉ hồi còn thiếu niên mà lão được luyện nội công, thì chỉ sợ chưa tới ba trăm chiêu mình đã bị lão hất xuống vực thẳm rồi. Ha ha! Lão chết là hay lắm! Hay lắm!”

Trên mặt của Tạ Yên Khách lộ ra một nụ cười, toan quay lưng bước đi, nhưng đột nhiên lão sực nghĩ ra mộ chuyện: “Thằng lỏi này đang ngắm nghía tượng đất tới chỗ say sưa. Sao mình không nhân cơ hội này chỉ điểm cho nó học nội công theo hình tượng, rồi dẫn dụ nó tẩu hỏa nhập ma, nội lực xung tâm mà chết. Lời thề năm trước chỉ nói là ta không dùng sức, dù chỉ là một ngón tay, để hại người đã trao Huyền Thiết Lệnh cho mình. Nhưng đây là chính nó luyện nội công mà chết, chứ đâu phải ta giết? Cho dù mình bày kế dụ nó phải uổng mạng, cũng không phải là dùng sức để hại gã, không trái với lời thề. Phải lắm, phải lắm! Mình cứ thế mà làm.”

Tạ Yên Khách trước nay hành sự chỉ theo ý mình, bất phân thiện ác. Lão rất trọng chữ tín, đã nói ra cái gì là làm đúng theo cái ấy, còn những chuyện nhân nghĩa đạo đức trong mắt lão thì không đáng một đồng. Lão cầm pho tượng vẽ kinh mạch Túc Thiếu Âm Thận Kinh giơ lên hỏi: “Thằng nhóc kia! Ngươi có biết những chấm đen và chỉ đỏ này là cái gì không?”

Thằng bé suy nghĩ một chút rồi đáp: “Đây chắc là người đất mắc bệnh.”

Tạ Yên Khách tức cười hỏi lại: “Sao lại nói nó mắc bệnh?”

Thằng bé đáp: “Năm ngoái cháu bị bệnh, khắp người cũng nổi những chấm đỏ.”

Tạ Yên Khách bật cười nói: “Đó là ngươi bị phát ban, còn đây là tượng đất thì có ốm đau gì được đâu? Những điểm này là bí quyết về võ học do người ta vẽ vào. Ngươi đã thấy ta cõng ngươi bay lên núi rồi đó, biết võ công thì có tốt hơn không?”

Lão nói tới đây, vì muốn cho thằng bé nổi lòng muốn học võ, liền điểm chân xuống đất, vọt người thẳng lên đánh vù một cái, nhảy lên ngọn cây thông. Lão điểm chân trái vào một cành cây để mượn đà nhảy vọt cao hơn nữa, cứ như bay lên tới trời, rồi từ từ hạ mình xuống cành cây. Lão hạ mình xuống rồi lại vọt lên ba lần như vậy, thì vừa lúc có hai con chim sẻ bay ngang. Tạ Yên Khách muốn khoe tài, bèn vươn hai tay ra chộp lấy hai con sẻ, rồi từ từ hạ xuống đất.

Thằng bé thích quá vỗ tay cười nói: “Lão bá giỏi quá! Giỏi quá!” Tạ Yên Khách xòe hai bàn tay ra, hai con sẻ vỗ cánh toan bay đi. Nhưng nó chỉ vỗ cánh chứ bay lên không được, vì lão đã vận nội lực vào lòng bàn tay, hút giữ lại. Thằng bé thấy hai con chim đập cánh mãi mà vẫn không bay thoát khỏi bàn tay đang mở, phấn khởi hoan hô: “Hay quá, hay quá!”

Tạ Yên Khách mỉm cười nói: “Ngươi lại đây thử xem!”, rồi đặt hai con sẻ vào lòng bàn tay nó. Thằng bé nắm chặt lấy, không dám xòe bàn tay ra. Tạ Yên Khách lại tiếp: “Những nét vẽ trên tượng đất này là để dạy cho người ta luyện công. Ngươi đã liều mạng để giúp Đại Bi Lão Nhân, lão cảm on ngươi mới cho ngươi mấy món quý báu này. Ngươi đừng tưởng đó là đồ chơi, chỉ cần học theo hình vẽ trên tượng này thì có thể xòe bàn tay ra mà con chim không bay lên được.”

Thằng bé nói: “Trò này hay lắm! Cháu muốn tập, nhưng làm sao mà tập được?” Rồi nó xòe hai bàn tay ra, hai con sẻ chỉ vỗ cánh một cái là bay vù đi mất. Tạ Yên Khách ha hả cười lớn tiếng, thằng bé cũng ngây ngô cười theo.

Tạ Yên Khách nói: “Nếu ngươi xin ta dạy cho ngươi bản lãnh này thì ta có thể dạy cho ngươi, sau khi học xong thì vui thú vô cùng, ngươi có thể tự mình lên núi xuống núi mà không cần ta dắt.” Sắc mặt thằng bé phấn khởi hẳn lên. Tạ Yên Khách chăm chú nhìn, chỉ mong nó nói ra mấy chữ “xin lão bá dạy cho cháu.” Lão chờ đợi nôn nóng quá, hơi thở như cũng nặng nề hơn.

Qua một lúc sau, thằng bé mới nói: “Nếu cháu xin lão bá, thì lão bá sẽ đánh cháu mất. Cháu nhất định không cầu xin lão bá.”

Tạ Yên Khách nói: “Ngươi cứ xin đi, ta đã nói là không đánh ngươi mà. Ngươi đi theo ta lâu rồi, ta đã đánh ngươi bao giờ chưa?”

Thằng bé lắc đầu nói: “Chưa. Cháu cũng muốn học, nhưng cháu không xin ông dạy đâu.” Nó ở với mẹ từ nhỏ, đã chịu không biết bao nhiêu cực khổ, những kỷ niệm đó đã ăn sâu vào lòng. Bất kề nó mở miệng cầu xin chuyện gì, chắc chắn bị đòn lập tức, mà sau mỗi lần như thế thì mẹ nó lại khóc lóc mấy ngày không vui lên được. Mẹ nó thường quát tháo: “Con người vô lương tâm kia, ngày nào đêm nào ta cũng đợi ngươi cầu xin ta, mà đợi suốt mấy năm ngươi vẫn không đến, lại đi cầu xin con tiểu tiện nhân thua kém ta đủ mọi thứ. Bây giờ còn đến cầu xin ta làm gì nữa?” Nó nghe không hiểu gì, rồi lại bị mẹ mắng tiếp: “Bây giờ ngươi đến cầu xin ta thì đã trễ rồi, sao trước kia không đến?” Rồi bà lại xách cây đập lên đầu nó. Cảm giác bị mắng, bị đánh mà không hiểu tại sao thật là khó chịu. Nó cứ ăn đòn no nê như thế, lúc lên tám chín tuổi thì không thèm cầu xin mẹ một cái gì nữa. Lúc này nó ở chung với Tạ Yên Khách nơi rừng núi hoang vu, hoàn toàn không khác gì như khi còn ở với mẹ, nên bất giác trong lòng cũng đã coi lão bá này như mẹ của mình.

Trên mặt Tạ Yên Khách thoáng hiện ánh xanh, nghĩ bụng: “Vừa rồi giả tỉ ngươi mở miệng cầu xin, giúp ta hoàn thành tâm nguyện, thì ta chắc chắn dạy ngươi đủ bản lãnh để ngạo thị võ lâm. Thế mà ngươi lại tự tìm vào con đường chết, sau này không thể trách ta được.” Lão bèn gật đầu nói: “Được, ngươi không xin ta, nhưng ta cũng dạy cho ngươi.” Rồi lão cầm lấy pho tượng đất có vẽ kinh mạch Túc Thiếu Âm Thận Kinh, giải thích và chỉ rõ vị trí và tên gọi của các huyệt đạo trên kinh mạch đó.

Thằng bé này thiên tư cũng không đến nỗi ngu dại, đã nghe là nhớ kỹ, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại ngay. Tạ Yên Khách cũng dạy nó không giấu giếm gì, lại còn truyền thêm phương pháp luyện khí, bắt nó phải tự tập luyện lấy.

Sau hơn nửa năm, thằng bé đã luyện được thành thuộc cách vận khí theo kinh mạch Túc Thiếu Âm Thận Kinh. Tạ Yên Khách thấy nó tiến triển rất nhanh chóng, nghĩ thầm: “Xem ra cái thằng Chó Lộn Giống này lại có thiên bẩm rất tốt, luyện võ rất nhanh. Nhưng ngươi luyện càng nhanh thì chết càng sớm thôi.” Lão lại dạy cho nó về kinh mạch Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh, rồi cứ dần dần theo từng pho tượng một.

Thấm thoắt hai năm, thằng bé lại học xong thêm Thủ Thiếu Âm Tâm Bao Kinh, Túc Thái Âm Tì Kinh, Thủ Thái Âm Phế Kinh, Túc Quyết Âm Can Kinh, tổng số sáu âm kinh mạch này. Sau đó nó lại luyện tiếp Âm Duy và Âm Khiếu.

Thời gian này, thằng bé cứ siêng năng luyện nội công mỗi ngày ba lần sáng trưa chiều, lại vẫn tiếp tục săn bắt, nấu nướng, hoàn toàn không nghi ngờ Tạ Yên Khách dạy cho nó là có tư tâm. Lão cứ hướng nó tập luyện theo âm hàn, về sau lúc nào thân thể nó cũng thấy lạnh buốt, giá rét cơ hồ không chịu nổi. Tạ Yên Khách lại nói rằng những hiện tượng này, người luyện võ nào cũng phải gặp, nên nó cũng không lưu tâm lắm.

Nào ngờ Tạ Yên Khách lại nham hiểm đến thế, tuy dạy dỗ nó luyện công không có gì dối trá, nhưng thứ tự lại hoàn toàn đảo ngược. Lẽ ra thì thủy hỏa phải hòa hợp, âm dương phải tương tế, sau khi luyện Túc Thiếu Âm Thận Kinh thì phải luyện Túc Thiếu Dương Đảm Kinh, để Thiếu Dương và Thiếu Âm dung hợp mà điều hòa, khí lực mới dần dần tiến triển. Thế mà Tạ Yên Khách lại bảo nó luyện Thiếu Âm, Thái Âm, Âm Duy, Âm Khiếu, còn những kinh mạch về dương cương như Thiếu Dương, Dương Minh thì hoàn toàn không luyện. Vì thế mà sau mấy năm, âm khí trong người thằng bé đã rất dồi dào, nhưng dương khí thì không có chút nào. Âm hàn tích tụ đã trở thành cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần một chút sai lệch là không sao cứu chữa được nữa.

Tạ Yên Khách thấy nó đến lúc này còn chưa chết thì rất kinh ngạc, suy nghĩ mãi mới hiểu ra. Thằng bé này đầu óc chưa được mở mang, chuyện đời hoàn toàn không biết, trong lòng không có tạp niệm, vì thế mới không bị tẩu hỏa nhập ma. Nếu là người khác thì trong suốt mấy năm này dĩ nhiên phải có vui buồn giận ghét, chỉ cần thất tình lục dục nổi lên, chân khí lập tức hỗn loạn mà chết từ lâu rồi. Lão lại nghĩ: “E rằng thằng Cẩu Tạp Chủng này còn sống với ta trên núi nhiều năm. Nếu thả nó xuống núi, vào trong thế giới phồn hoa đó chỉ vài ngày là cái mạng nhỏ xíu của nó đi đời lập tức. Nhưng nó mà xuống núi không chừng lại gặp phải nhân vật võ lâm, chỉ cần thằng Chó Lộn Giống này còn thở là bọn chúng lại có thể lợi dụng nó để uy hiếp ta. Mối hiểm họa này nhất định không thể coi thường.”

Tạ Yên Khách suy nghĩ một lúc, lại nảy ra một ý: “Bây giờ ta dạy thêm cho nó những mạch Cửu Dương, mà không dạy phương pháp phối hợp âm dương. Đến khi dương khí của nó tích tụ, một lúc nào đó âm dương sẽ xung khắc, long hổ sát đấu không chết không thôi. Cho dù trong lòng nó không khởi tạp niệm gì, nhưng nội tức không điều hòa cũng đủ bỏ mạng. Đúng vậy, ta cứ thế mà làm.”

Lão bèn truyền cho nó phương pháp luyện các dương kinh mạch. Lần này lão không dạy theo thứ tự từ Thiếu Dương trước, mà lại bắt đầu từ chỗ khó nhất là mạch Dương Khiếu. Lẽ ra luyện xong mạch này thì đến giai đoạn đả thông Nhâm Đốc, âm dương được tương thông, nhưng thằng bé làm sao mà luyện ngay lúc này được? Nhưng đó là theo đúng ý đồ của Tạ Yên Khách, nên lão cứ mặc kệ.

Thằng bé cứ theo phương pháp đó mà tu luyện, tuy tiến bộ chậm, nhưng nó hết sức kiên trì và có nghị lực, nên sau hơn một năm cũng luyện xong mạch Dương Khiếu. Từ đó trở đi, nó càng luyện càng thấy dễ dàng hơn.

Cứ mỗi lần gạo muối rượu tương trên núi sắp hết thì Tạ Yên Khách lại dẫn thằng bé xuống núi để mua. Lão không dám để nó một mình trên núi, chỉ sợ có ai thừa cơ hội lên cướp nó đi, thì sinh mạng của lão coi như giao vào tay người khác. Mỗi năm hai người đều xuống núi vài lần, vào một thị trấn nhỏ mua sắm rồi lập tức trở về, chưa từng ở lâu. Thằng bé ngày càng cao lớn, quần áo giày dép đều phải mua những thứ lớn hơn.

Thằng bé ăn xin năm nào nay đã trở thành một thiếu niên mười tám mười chín tuổi, thân thể rất cường tráng, cao hơn Tạ Yên Khách nửa cái đầu. Tạ Yên Khách ngoài việc truyền thụ nội công thì hoàn toàn không dạy bảo nó gì khác, cũng may thiếu niên này từ nhỏ đã ở với một bà mẹ lạnh lùng như thế, nên cũng quen rồi. Mẹ của nó còn thường xuyên la mắng nó, chứ Tạ Yên Khách thì không cười đùa, không giận dữ, lại càng không đánh đập nó bao giờ. Trên núi không có việc gì phải lo lắng phân tâm, ngoài những lúc săn bắn và nấu nướng ra, chàng thiếu niên cứ lo tập võ để lấp đầy thời gian trống. Những kinh mạch âm dương chàng đều đã luyện thành thuộc hết.

Năm Tạ Yên Khách ba mươi tuổi, lão gặp một việc không vừa ý nên chọn Ma Thiên Nhai để ẩn cư, rất ít khi lui tới giang hồ. Mấy năm gần đây lão phải ở chung với chàng thiếu niên này không dám rời đi, ngoài việc luyện tập công phu bản môn, lại còn sáng tác ra một đường quyền pháp và một đường chưởng pháp.

* * *

Một hôm Tạ Yên Khách dậy rất sớm, đã thấy chàng thiếu niên đang ngồi xếp bằng luyện công trên một tảng đá, quay về hướng mặt trời mọc. Nửa mặt bên phải của nó đã hơi có khí trắng xông lên, nội lực đã sắp đến lúc đủ hỏa hầu. Tạ Yên Khác không nén nổi phải gật gật đầu, trong lòng nghĩ: “Thằng nhóc này đã đặt một chân vào quỷ môn quan rồi.” Lão biết nó luyện như thế phải một lúc lâu mới dừng lại được, liền thi triển khinh công chạy đến khu rừng ở sau núi. Sương sớm còn chưa khô, trong rừng hết sức tĩnh mịch. Tạ Yên Khách hít một hơi rất sâu rồi từ từ nhả ra, đột nhiên hướng tay trái về phía trước, hữu chưởng đánh ra, thân thể di chuyển giữa mười mấy cây thông luồn qua lách lại, càng chạy càng nhanh. Song chưởng phát ra chỉ nghe những tiếng va chạm nhẹ nhàng trên cành cây, bước chân càng lúc càng nhanh, nhưng xuất chưởng thì càng ngày càng chậm.

Bộ pháp nhanh mà không gấp gáp, chưởng pháp thư thái mà không kém phần hiểm độc, đó chính là cảnh giới thượng thừa của võ công. Tạ Yên Khách luyện đến chỗ hưng phấn, quát lên một tiếng rồi vỗ hai bàn tay vào một cây thông. Lập tức nghe thấy những tiếng loạt soạt, lá thông rơi xuống như mưa. Lão lại thi triển chưởng pháp, hất ngược hàng ngàn hàng vạn lá thông đang rơi xuống bay trở lên trời, không để chúng rớt xuống đất. Những lá thông nhọn như kim, còn dễ bị gió thổi bạt đi hơn những lá cây bình thường, thế mà lão có thể dùng chưởng lực để điều khiển hàng ngàn hàng vạn lá thông múa may theo ý muốn. Nội lực tuy là vật vô hình vô chất, nhưng lúc này lại như ngưng tụ tại thành vật hữu hình.

Hàng ngàn hàng vạn lá thông biến thành một tấm lưới màu xanh, rung động không ngừng xung quanh người lão.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.