Hồi 05: Đinh Đinh Đang Đang

Chàng thiếu niên càng lúc càng thấy mơ hồ, gãi gãi đầu nói: “Kỳ lạ! Kỳ lạ!” Bỗng chàng nhìn thấy hộp tượng đất còn đặt ngay ngắn trên bàn, liền nghĩ bụng: “Người đất còn cả đây, ta đâu có nằm mơ?” Chàng mở nắp hộp lấy người đất ra xem.

Hiện giờ thần công mới thành tựu, chàng không biết cách thu phát kình lực, cũng chưa biết nội lực mình đã ghê gớm đến mức nào. Tay chàng cứ mân mê tượng đất như mọi khi. Bỗng nghe sạo sạo mấy tiếng, lớp đất bên ngoài tượng bỗng vụn ra như bột phấn. Chàng thiếu niên la lên một tiếng “Ái chà”, còn đang tiếc ngơ tiếc ngẩn thì bỗng thấy bên trong tượng có lõi gỗ lộ ra. Chàng tò mò bóp nát hết lớp đất bọc ngoài, thì ra bên trong lại là một pho tượng gỗ, cũng không có y phục chi hết.

Tượng gỗ được quang dầu màu đồng, có vẽ những đường chỉ đen, chứ không ghi vị trí các huyệt đạo. Chàng thiếu niên thấy pho tượng gỗ này điêu khắc rất tinh xảo, linh động như người thật. Hai tay pho tượng đang ôm bụng, toét miệng ra cười, thần sắc vừa kỳ lạ vừa tức cười, tướng mạo khác hẳn tượng đất bên ngoài.

Chàng thiếu niên cả mừng thầm nghĩ: “Thì ra trong những hình nhân này là tượng gỗ, ngoài lại đắp một lớp đất dày có vẽ các đường kinh mạch và huyệt đạo. May mà mấy năm nay ngày nào mình cũng xem để tập luyện, đã thuộc lòng hết, nên phá đi cũng không tiếc. Chàng liền bóc đến những pho tượng khác, thì quả nhiên trong mỗi tượng đều xuất hiện một hình nhân bằng gỗ, vẻ mặt và dáng điệu đều khác nhau. Mặt tượng này cười cợt vui vẻ, mặt tượng kia khóc mếu nhăn nhó, có tượng thì mặt mũi hầm hầm giận dữ, có tượng lại lầm lì trầm ngâm, cặp mắt đăm chiêu. Những đường kinh mạch vẽ trên tượng gỗ cũng khác hẳn với người đất bên ngoài.

Chàng thiếu niên nghĩ bụng: “Những tượng gỗ này cũng thú vị lắm. Ta cứ theo những đường vẽ trên mình tượng để luyện công thử xem. Tượng này khóc mếu khó coi, còn tượng này suốt ngày cười hềnh hệch cũng chẳng tốt đẹp gì.” Sau chàng chọn lấy một pho tượng nét mặt hòa nhã vui tươi, nhưng có vẻ đứng đắn, quyết định: “Ông này được đây! Ta theo ông mà luyện công.” Chàng thiếu niên liền ngồi xếp bằng, đặt pho tượng gỗ vui tươi ở trước mặt. Chàng khẽ vận chân khí, thì thấy một luồng nội tức ấm áp trong huyệt Đan Điền từ từ đưa lên. Chàng điều động cho chân khí theo những đường vẽ trên tượng gỗ đi qua các huyệt đạo.

Chàng thiếu niên không biết, hình vẽ trên bộ tượng gỗ này là pho La Hán Phục Ma Thần Công do những vị thần tăng tiền bối của phái Thiếu Lâm sáng tác ra, mỗi pho tượng gỗ là một vị La Hán. Môn thần công này là một loại nội công thượng thừa của Phật gia, thâm sâu tinh diệu vô cùng, nhưng rất khó luyện. Chỉ bước đầu tiên là “nhiếp tâm quy nguyên”, phải dứt bỏ hết tạp niệm tục lụy trong lòng, mười vạn người chưa chắc đã có một người làm được. Muốn luyện La Hán Phục Ma Thần Công, phải bỏ hết tạp niệm thì việc tu luyện mới có thể thành. Người thông minh thường nhiều tạp niệm, còn những người tư chất ngu độn thì lại không thể hiểu nổi những biến hóa thiên hình vạn trạng của môn tuyệt kỹ này.

Năm xưa, những vị cao tăng sáng lập ra bộ thần công này cũng biết trên thế gian hiếm có nhân tài vừa thông minh vừa chất phác. Trong cửa Phật tuy có những người căn cốt thuận lợi, có nhiều vị tăng lữ đã tu tập đến mức không nhiễm vào vật dục, nhưng nếu luyện môn thần công này cũng không

tránh khỏi tâm ý để cả vào võ công, thì đó cũng là chướng ngại rất lớn trong bước đường tu đạo. Trong Phật pháp thì tham sân si gọi là tam độc, tham tài tham sắc dĩ nhiên là tham rồi, nhưng tham võ học cũng là một thứ tham. Vì thế nên các vị cao tăng mới đem bộ tượng La Hán này đắp thêm một lớp đất bên ngoài, vẽ lên những loại nội công nhập môn chính phái của Thiếu Lâm, để người đời sau khỏi phải nhìn thấy những tượng La Hán bên trong. Đó là họ đề phòng những người không biết tự lượng, cứ thấy võ công là luyện tập bừa bãi để đến nỗi mất mạng, hoặc là tham luyện đến mức rời khỏi con đường chính đạo của Phật môn.

Đại Bi Lão Nhân biết mười tám hình nhân này là vật chí bảo của phái Thiếu Lâm, đã phải tốn bao nhiêu tâm huyết mới đoạt lấy được. Nhưng lão chỉ thấy những môn nội công tâm pháp vẽ trên tượng đất hết sức bình thường, không có chi kỳ dị. Lão đã mất nhiều năm nghiên cứu mà vẫn không tìm ra được chút manh mối nào. Đại Bi Lão Nhân đã biết đây là một vật kỳ bảo, dĩ nhiên lão giữ rất cẩn thận không dám suy suyển chút nào. Nhưng lớp đất tô bên ngoài không vỡ nát, thì tượng La Hán bằng gỗ bên trong lại không xuất hiện. Cho đến lúc chết, lão vẫn chưa hiểu rõ được những bí mật ảo diệu bên trong bộ tượng này.

Cũng chẳng phải một mình Đại Bi Lão Nhân thắc mắc. Từ khi được các vị thần tăng phái Thiếu Lâm sáng tác, bộ tượng La Hán này đã qua tay đến mười hai người, nhưng người nào người nấy cứ một mực gìn giữ cẩn thận, rồi cùng ôm mối hoài nghi xuống tuyền đài.

Chàng thiếu niên được trời cho tư chất thông minh, lại ở trong rừng sâu núi thẳm từ khi còn nhỏ xíu, không hiểu việc đời nên vẫn giữ được thuần phác, thật là phù hợp. Cũng may là chàng vừa tỉnh dậy thì lập tức phát hiện ra thần công bí mật, nếu không thì làm bang chúa một thời gian cũng sẽ bị ô nhiễm, không bị thanh sắc làm cho mê muội, thì cũng dây vào những chuyện tranh đoạt hung ác. Giả tỉ tính tình chàng đủ lương thiện để không bị nhiễm, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, nhưng trong lòng cũng không tránh khỏi rất nhiều tư lự. Khi đó mà phát hiện mười tám vị La Hán bằng gỗ này, thì chàng luyện thần công chẳng những không thể thành tựu, mà lại có hại rất lớn.

Hiện nay trong người chàng thiếu niên đã âm dương hòa hợp, thủy hỏa tương tế, nội lực cực kỳ thâm hậu. Chàng vận nội lực theo những đường chỉ trên tượng gỗ đều được thông suốt, những chỗ ngưng trệ đều vượt qua rất dễ dàng. Chàng vận hành ba lượt, rồi nhắm mắt lại không nhìn vào tượng gỗ nữa mà vẫn vận công theo đúng đường lối, cảm thấy trong người cực kỳ khoan khoái. Sau đó chàng lại đổi sang một tượng La Hán khác để luyện công, toàn tâm toàn ý cực kỳ hứng thú, cứ hết tượng này lại sang tượng khác. Những sự vật bên ngoài chàng đều không nghe không thấy, cứ luyện từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, lại từ tối cho đến sáng.

Ban đầu Thị Kiếm sợ thiếu gia trêu ghẹo, chỉ thò đầu vào cửa phòng nhìn trộm, thấy chàng đang tập trung luyện công, lúc thì cười có vẻ ngu ngốc, lúc lại nhăn nhó như có gì khó chịu. Nàng có phần lo lắng, nên nhẹ nhàng đi vào phòng xem xét, thấy bang chúa luyện công không dừng suốt ngày suốt đêm thì trong lòng cũng hết sợ hãi, nhưng vẫn không yên tâm, cứ ra ngoài ngủ được một hai tiếng thì lại vào trong để phục thị chủ nhân.

Bối Hải Thạch cũng thỉnh thoảng lại ở ngoài phòng ngấp nghé nhòm trộm. Lão thấy đỉnh đầu bang chúa bốc lên một luồng bạch khí thì biết rằng chàng đang luyện công tới chỗ khẩn yếu, liền ra lệnh cho thuộc hạ phải canh phòng nghiêm mật bên ngoài, bất luận là ai cũng không được vào quấy nhiễu.

* * *

Đến khi chàng thiếu niên luyện xong môn Phục Ma Thần Công vẽ trên mười tám tượng La Hán thì đã đến bình minh ngày thứ ba. Chàng thở phào một cái khoan khoái vô cùng, đặt mười tám pho tượng vào hộp rồi đậy nắp lại. Bây giờ chàng thấy tinh thần thanh sảng, nội lực vận chuyến hoàn toàn như ý, nhưng chưa biết đó là môn La Hán Phục Ma Thần Công hiếm thấy trên võ lâm. Lẽ ra luyện công đến cảnh giới này phải mất năm sáu năm, thậm chí mấy chục năm, không ai có thể luyện trong một ngày một đêm mà được. Chàng thiếu niên này đã luyện được, chỉ vì nhị khí âm dương trong cơ thể chàng đã dung hợp một cách tự nhiên, căn cơ đã rất tốt, giống như nước biển hay hồ lớn đã tích tụ nhiều năm, còn pho La Hán Phục Ma Thần Công này chỉ là đường lối tự nhiên, cũng giống như nước tràn từ hồ lớn ra thì phải thành sông. Chàng khổ luyện mấy năm nội lực thuần âm rồi lại thuần dương, cũng chỉ là tích trữ nước mà thôi, lúc này đã điều vận tuần hoàn được như sông lớn.

Chàng thiếu niên chợt nhìn thấy Thị Kiếm nằm phục ở cạnh giường mà ngủ li bì, bèn từ từ bước xuống giường. Hiện giờ đã qua tiết Trung thu, hạ tuần tháng tám khí trời hơi lạnh. Chàng thấy Thị Kiếm chỉ vận y phục mong manh, bèn lấy chăn trên giường khẽ đắp lên người nàng.

Rồi chàng đi tới cửa sổ để hít thở không khí trong lành. Một làn hương hoa thơm ngát tràn vào mặt mũi, thật là dễ chịu. Bỗng có tiếng nói nhè nhẹ của Thị Kiếm: “Thiếu gia! Thiếu gia… thiếu gia đừng giết người nữa.”

Chàng thiếu niên quay đầu lại hỏi: “Sao cô cứ gọi ta bằng thiếu gia, lại bảo ta đừng giết người mãi thế?”

Thị Kiếm tuy đang ngủ, nhưng trong lòng lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Cô nghe giọng chàng thiếu niên lập tức giật mình tỉnh dậy, vỗ nhẹ lên ngực mấy cái rồi lẩm bẩm: “Ôi chao… sợ quá…” Nàng nhìn lên giường không thấy thiếu gia đâu, liền quay đầu nhìn thấy chàng thiếu niên đứng bên cửa sổ, thì vừa kinh hãi vừa vui mừng cười nói: “Thiếu gia! Thiếu gia dậy rồi ư? Tiểu tỳ ngủ say quá…”

Cô đứng dậy, chợt thấy tấm chăn đắp trên vai tụt xuống thì cả kinh thất sắc, nghĩ ngay đến chuyện trong lúc mình ngủ say đã bị chủ nhân giở trò khinh bạc làm ô uế tấm thân, nhưng trông lại xiêm áo mình thì thấy hãy còn tề chỉnh. Trong lúc thảng thốt, cô vừa kinh hãi vừa nghi ngờ, run run hỏi: “Thiếu gia… thiếu gia… tiểu tỳ…”

Chàng thiếu niên mỉm cười nói: “Vừa rồi tỷ tỷ nói mê gì đó, lại kêu ta đừng giết người. Chẳng lẽ tỷ tỷ nằm mơ cũng thấy ta giết người hay sao?”

Thị Kiếm nghe chàng thiếu niên nói rất bình tĩnh, không có gì khác lạ, thì trong lòng trấn tĩnh lại liền tự hỏi: “Chẳng lẽ mình đã trách lầm thiếu gia rồi sao? Thật là cảm ơn trời đất.” Cô liền nói: “Vâng! Tiểu tỳ vừa nằm mơ thấy thiếu gia hai tay cầm đao, giết người thây chết ngổn ngang. Người nào cũng không… không…” Nói tới đây, bỗng cô đỏ mặt lên không nói nữa. Thì ra lúc ban ngày thấy gì thì đêm thường nằm mơ thấy cái đó. Suốt một ngày một đêm, nàng thấy mười tám pho tượng gỗ khỏa thân trước giường của chàng thiếu niên, nên lúc ngủ lại mơ thấy chàng thiếu niên giết toàn là nam nhân lõa thể.

Chàng thiếu niên không hiểu, liền hỏi lại: “Người nào cũng không… không… cái gì?”

Thị Kiếm lại đỏ mặt lên nói: “Người nào cũng không… phải là người xấu.”

Chàng thiếu niên hỏi: “Thị Kiếm tỷ tỷ! Trong lòng ta có nhiều điều không hiểu, tỷ tỷ có thể nói cho ta biết được không?”

Thị Kiếm mỉm cười nói: “Ái chà! Thiếu gia mới một phen trọng bệnh mà tính tình đã biến đổi hết, là nghĩa làm sao? Thiếu gia nói chuyện với bọn nô tỳ mà cứ kêu tỷ tỷ muội muội hoài.”

Chàng thiếu niên nói: “Ta thật sự không hiểu tại sao tỷ tỷ cứ kêu ta bằng thiếu gia, mà tự xưng là nô tỳ. Rồi vị lão bá kia lại gọi ta là bang chúa, Triển đại ca lại bảo là ta cướp vợ ông ấy. Thật ra đó là những chuyện gì?”

Thị Kiếm chần chừ không đáp, nhìn chàng thiếu niên một lúc, vẫn thấy vẻ mặt chàng rất thành thực tuyệt không có ý gì đùa giỡn, bèn nói: “Thiếu gia đã một ngày một đêm chưa ăn gì. Ngoài kia đã có người nấu cháo nhân sâm, để nô tỳ lấy một bát cho thiếu gia ăn.”

Chàng thiếu niên nghe Thị Kiếm nhắc tới chuyện ăn uống thì bỗng thấy đói cồn cào không chịu được, bèn nói: “Để ta tự lấy cũng được, không dám làm phiền tỷ tỷ. Cháo để ở đâu?” Chàng hít hít mấy cái rồi mỉm cười nói tiếp: “Thôi, ta cũng biết rồi!” Rồi chàng sải bước ra ngoài.

Bên ngoài phòng ngủ của chàng là một gian phòng rất rộng. Trong góc phòng có một lò than nhỏ, nồi cháo đang sôi sùng sục. Chàng thiếu niên đưa mắt nhìn Thị Kiếm. Cô lập tức đỏ mặt la lên: “Trời ơi! Cháo bị khê mất rồi! Thiếu gia! Thiếu gia hãy tạm dùng một chút điểm tâm, nô tỳ lập tức nấu nồi cháo khác. Thật là hỏng bét! Nô tỳ ngủ say như chết, chẳng còn biết gì nữa.”

Chàng thiếu niên mỉm cười: “Khê rồi ăn cũng ngon, có sao đâu.” Chàng mở nắp ra thì mùi cháy khét bay vào mũi, nửa nồi cháo đã cháy thành cơm. Chàng liền múc một thìa cho vào miệng. Thứ cháo nhân sâm này có vị hơi đắng, chưa bỏ đường mà lại bị khê nên càng đắng hơn. Chàng chau mày một cái, húp hết một muỗng, thè lưỡi nói: “Đắng quá.” Rồi lại múc một muỗng nữa cho vào miệng, rồi nhăn mặt lại nói: “Đắng quá!”

Thị Kiếm giơ tay toan giật lấy cái muỗng trong tay chàng thiếu niên, đỏ mặt lên nói: “Cháo khê thế này mà thiếu gia còn ăn được ư?” Chàng thiếu niên không chịu buông muỗng xuống. Ngón tay cô vừa chạm tới, tay chàng tự nhiên sinh ra một sức đàn hồi làm Thị Kiếm thấy ngón tay rung lên, vội vàng rụt tay lại.

Chàng thiếu niên hoàn toàn không biết gì cả, lại ăn một thìa cháo nữa. Thị Kiếm ngước lên nhìn, chỉ thấy thiếu gia đang húp cháo khê rất nhanh như người sắp chết đói, thần sắc vừa kỳ lạ vừa tức cười. Món cháo này đương nhiên là không thơm ngọt gì, chỉ vừa đắng vừa ngán đến tận cổ. Nàng nhịn không nổi, cười nói: “Cũng không trách được, mấy ngày nay thiếu gia đã đói quá rồi.”

Chàng thiếu niên đã ăn hết nửa nồi cháo cháy. Thứ cháo nhân sâm này tuy khê nặc, nhưng nấu bằng lão sâm rất nhiều chất bổ. Chàng ăn một lát đã thấy tỉnh táo hẳn lên.

Thị Kiếm thấy sắc mặt chàng hồng hào liền cười hỏi: “Thiếu gia! Thiếu gia luyện thứ công phu gì vậy? Ngón tay nô tỳ vừa đụng vào tay thiếu gia đã bị giật bắn ra, mà mặt thiếu gia lại tươi tỉnh thế kia.”

Chàng thiếu niên nói: “Ta cũng chẳng biết đó là công phu gì, chỉ chiếu theo những nét vẽ trên hình nhân bằng gỗ đó mà luyện. Thị Kiếm tỷ tỷ! Ta… ta cuối cùng là ai?”

Thị Kiếm lại cười, hỏi lại: “Thiếu gia không nhớ thật, hay là đang đùa giỡn?”

Chàng thiếu niên gãi gãi đầu, đột nhiên hỏi: “Tỷ tỷ đã từng thấy mẹ của ta chưa?”

Thị Kiếm ngạc nhiên đáp: “Tiểu tỳ chưa được gặp! Thiếu gia! Trước nay tiểu tỳ chưa nghe ai nói đến thiếu gia còn có một vị lão thái thái. À phải rồi! Chắc là thiếu gia được lão thái thái chỉ bảo nhiều, nên mấy ngày gần đây tính tình thay đổi.” Nói xong, cô khẽ liếc chàng thiếu niên rồi nghĩ: “Sợ rằng chàng lại ngựa quen đường cũ mà thôi, cũng may là chưa có động tĩnh gì.”

Chàng thiếu niên nói: “Má má đã dạy bảo điều gì, dĩ nhiên ta phải nghe theo.” Chàng thở dài một hơi rồi nói tiếp: “Nhưng không biết mẹ của ta đã đi đâu rồi.”

Thị Kiếm nói: “Tạ ơn trời phật! Trên thế gian này vẫn còn có người quản cố được thiếu gia…”

Giữa lúc ấy, ngoài cửa bỗng có tiếng người dõng dạc hỏi: “Bang chúa đã tỉnh rồi ư? Thuộc hạ có việc xin vào bẩm báo.”

Chàng thiếu niên ngạc nhiên không đáp, hỏi nhỏ Thị Kiếm: “Có phải y hỏi ta không?”

Thị Kiếm nói: “Dĩ nhiên là y hỏi thiếu gia. Y nói là có việc cần vào trình lên thiếu gia.”

Chàng thiếu niên lo lắng nói: “Tỷ tỷ bảo y hãy chờ một chút. Bây giờ tỷ tỷ hãy nói cho ta hiểu trước đã.”

Thị Kiếm đưa mắt nhìn chàng, rồi lớn tiếng hỏi vọng ra: “Vị nào ở ngoài đó?”

Người kia đáp: “Thuộc hạ là Trần Xung Chi ở Sư Oai Đường.”

Thị Kiếm nói: “Bang chúa có lệnh, Trần hương chủ hãy chờ một chút.”

Trần Xung Chi ở ngoài cửa đáp vọng vào: “Xin tuân lệnh bang chúa.”

Chàng thiếu niên vẫy tay gọi Thị Kiếm trở về phòng, khẽ hỏi: “Thật ra thì ta là ai?”

Thị Kiếm nhíu mày ra chiều lo lắng, đáp: “Thiếu gia là Bang chúa của bang Trường Lạc, họ Thạch tên gọi Phá Thiên.”

Chàng thiếu niên lẩm nhẩm: “Thạch Phá Thiên… Thạch Phá Thiên!… Té ra mình là Thạch Phá Thiên. Thế là tên của ta không phải là Cẩu Tạp Chủng…”

Thị Kiếm thấy nét mặt chàng có vẻ lo lắng, liền mở lời an ủi: “Thiếu gia! Thiếu gia bất tất phải phiền não, từ từ trí nhớ sẽ phục hồi như cũ. Thiếu gia là Thạch Phá Thiên, là bang chúa của Trường Lạc Bang, đương nhiên không phải là Cẩu… Cẩu… gì gì đó.”

Chàng thiếu niên đó, từ nay xin gọi là Thạch Phá Thiên, nhỏ nhẹ hỏi: “Bang Trường Lạc là cái gì? Còn bang chúa là gì vậy?”

Thị Kiếm nghĩ bụng: “Bang chúa là gì, thật khó mà trả lời.” Cô im lặng một lúc rồi đáp: “Trường Lạc Bang có rất nhiều người, ví dụ như Bối tiên sinh, Trần hương chủ ở ngoài kia, đều là những người rất có bản lãnh. Thiếu gia là bang chúa, thì mọi người đều phải nghe lời của thiếu gia.”

Thạch Phá Thiên hỏi: “Thế ta phải nói với họ những gì mới đúng?”

Thị Kiếm đáp: “Nô tỳ chỉ là một tiểu a đầu thì hiểu thế nào được? Thiếu gia! Nếu thiếu gia chưa có chủ ý thì có thể hỏi Bối tiên sinh thử xem. Tiên sinh là quân sư của bản bang, lại là người thông minh lanh lợi, lắm mưu nhiều trí.”

Thạch Phá Thiên nói: “Bối tiên sinh hiện giờ không có ở đây. Thị Kiếm tỷ tỷ! Tỷ tỷ có biết vị Trần hương chủ kia sẽ nói gì với ta không? Ông ấy hỏi ta cái gì, nhất định ta cũng không trả lời được. Tỷ tỷ… hay là tỷ tỷ bảo y về đi.”

Thị Kiếm nói: “Bảo ông ta quay về, e rằng không được hay lắm. Bất luận ông ấy nói gì, thiếu gia chỉ cần gật đầu là được rồi.”

Thạch Phá Thiên mừng rỡ nói: “Thế thì hay lắm. Việc đó chẳng khó gì, ta có thể làm được.”

Thị Kiếm liền đi trước, dẫn Thạch Phá Thiên ra phòng khách, ở phía ngoài, một hán tử thân hình cao lớn đang ngồi ghế vội đứng lên khom lưng thi lễ nói: “Thì ra bang chúa khỏe mạnh rồi ư? Thuộc hạ là Trần Xung Chi xin có lời vấn an.”

Thạch Phá Thiên cũng nghiêng mình thi lễ nói: “Trần… Trần hương chủ cũng khỏe mạnh đấy ư? Ta cũng có lời vấn an hương chủ.”

Trần Xung Chi cả kinh thất sắc, lùi lại hai bước. Gã vốn biết bang chúa là người kiêu ngạo vô lễ, tàn nhẫn hiếu sắc. Mình đến thi lễ vấn an, mà ông ấy thi lễ vấn an trở lại, thì chắc đã động lòng hiếu sát, toan hạ thủ mình rồi. Trần Xung Chi tuy cực kỳ hoảng sợ, nhưng gã bản lãnh cao cường, vôn là một tay hào kiệt thảo khấu ngang tàng, tính tình ngạo mạn cương cường, sao có thể đứng đó mà chờ chết được? Gã liền ngấm ngầm vận công lực vào song chưởng, trầm giọng nói: “Chẳng hiểu thuộc hạ đã phạm vào điều luật nào trong bản bang? Nếu bang chúa muốn xử phạt, thì hãy gọi bang chúng đến hội họp mà tuyên án trước đã.”

Thạch Phá Thiên chẳng hiểu chi hết, kinh ngạc hỏi: “Xử phạt? Xử phạt cái gì? Trần hương chủ muốn xử phạt ai?”

Trần Xung Chi phẫn nộ nói: “Trần Xung Chi này đối với bản bang cùng bang chúa vốn trung tâm bất nhị, hoàn toàn không chút lỗi lầm. Sao bang chúa lại có những lời lẽ chua cay đến thế?”

Thạch Phá Thiên chợt nhớ đến Thị Kiếm đã dặn, nếu gặp điều gì không hiểu thì cứ gật đầu, rồi sau sẽ hỏi lại Bối Hải Thạch cũng chưa muộn. Chàng bèn gật đầu lia lịa rồi nói: “Trần hương chủ hãy ngồi xuống đã, bất tất phải khách khí như vậy.”

Trần Xung Chi nói: “Trước mặt bang chúa, có lý đâu thuộc hạ lại dám ngồi?”

Thạch Phá Thiên lại gật đầu nói: “Phải, phải!”

Hai người cứ đứng đối diện nhau trơ ra như phỗng, chẳng ai nói câu gì, chỉ nhìn nhau không nháy mắt. Trần Xung Chi vẫn ngấm ngầm cảnh giác, nét mặt vốn khiếp sợ lại thêm phần phẫn nộ. Còn Thạch Phá Thiên thì lơ mơ chẳng hiểu gì, vẻ mặt nghi ngờ, nhưng vẫn ôn hòa niềm nở. Theo luật lệ của bang Trường Lạc thì khi thuộc hạ trình việc cơ mật lên bang chúa, không ai được đứng bên nghe ngóng, nên Thị Kiếm đã rút lui khỏi phòng khách. Giả tỉ lúc này nàng có ở đây thì đã giải thích mấy câu cho Trần Xung Chi, chỉ cần nói là bang chúa trọng bệnh mới khỏi, tinh thần chưa được sáng suốt thì Trần Xung Chi cũng đỡ phải lo lắng.

Thạch Phá Thiên thấy trên kỷ trà đặt hai chung trà thơm, liền tự mình cầm lấy một chén, còn chén kia đưa mời Trần Xung Chi. Họ Trần vừa sợ trong nước trà có thuốc độc, vừa sợ Thạch Phá Thiên thừa cơ động thủ. Gã không dám đưa tay ra đón lấy chén trà, bước lui lại. Chén trà bằng sứ rớt xuống nền nhà nghe choang một tiếng, vỡ tan.

Thạch Phá Thiên la lên: “Trời ơi!”, rồi mỉm cười nói: “Xin lỗi! Xin lỗi!” Rồi chàng đưa chung trà mình chưa uống cho Trần Xung Chi, nói: “Ngươi uống chén này đi.”

Lông mày Trần Xung Chi dựng ngược lên. Gã nghĩ thầm: “Đằng nào mình cũng không thoát khỏi độc thủ của hắn, đã là đại trượng phu thì sao lại sợ chết làm gì?” Hắn tự biết võ công mình cao hơn bang chúa, nhưng nếu ra tay đả thương chàng thì chắc chắn không sao trốn khỏi chốn đầm rồng hang cọp này. Gặp phải Bối đại phu thì không sao qua khỏi mười chiêu, lúc đó thì phải chết một cách thê thảm không lường nổi. Gã bèn đón lấy chén trà, nhanh chóng uống cạn rồi đặt mạnh cái chén xuống kỷ, nói bằng một giọng thê thảm: “Thuộc hạ đối với bang chúa vẫn một dạ trung thành. Mong rằng Trường Lạc Bang trường lạc ngàn năm, Thạch bang chúa sống lâu trăm tuổi.”

Thạch Phá Thiên nghe câu “Thạch bang chúa sống lâu trăm tuổi” thì cũng hiểu đó là một câu chúc, nhưng chàng không biết Trần Xung Chi nói như thế lại là phản ngữ, bèn đáp lại: “Ta cũng mong rằng Trần hương chủ sống lâu trăm tuổi.”

Vào tai Trần Xung Chi, thì câu này lại biến thành một câu châm biếm cay độc. Gã cười lạt, nghĩ bụng: “Mạng của ta chỉ còn trong khoảnh khắc, ngươi còn chúc ta sống lâu trăm tuổi ư?” Rồi gã dõng dạc nói: “Thuộc hạ không hiểu đã phạm tội gì với bang chúa, nhưng số mạng thuộc hạ đã thế, thì cũng không cần phải nói nhiều nữa. Hôm nay thuộc hạ chỉ muốn bẩm báo cùng bang chúa là đêm qua có hai người tự tiện xông vào Sư Oai Đường. Một người là hán tử trung niên bốn mươi mấy tuổi, còn người kia là một cô gái chừng hai mươi bảy hai mươi tám tuổi. Cả hai người này đều sử dụng trường kiếm, chiêu thức võ công giống như phái Tuyết Sơn ở thành Lăng Tiêu. Thuộc hạ dẫn bộ thuộc đi truy bắt, nhưng kiếm pháp của đối phương rất cao minh. Bên ta bị giết mất ba tên đệ tử, còn bên địch thì cô gái trúng một đao vào đùi nên đã bắt được, còn gã hán tử đã chạy mất. Thuộc hạ đến trình lên bang chúa để xin định tội.”

Thạch Phá Thiên nói: “Hừ! Hai người thì một bị bắt, còn một đã chạy mất ư? Không hiểu hai người này đến làm gì, định ăn trộm đồ đạc hay sao?”

Trần Xung Chi đáp: “Sư Oai Đường không mất mát gì hết.”

Thạch Phá Thiên chau mày nói: “Hai người này thật là hung ác! Sao lại giết chết ba người của chúng ta?” Rồi chàng nổi tính hiếu kỳ nói: “Trần Hương chủ! Ngươi đưa ta đi xem cô gái đó có được không?”

Trần Xung Chi khom lưng đáp: “Thuộc hạ xin tuân mệnh!” Nói xong gã quay lưng bước ra khỏi phòng khách, nghĩ thầm: “Cô gái mà ta bắt được dung mạo rất xinh đẹp. Tuy nàng lớn hơn bang chúa vài tuổi, nhưng nếu bang chúa ưa thích thì nổi hứng sẽ cho ta thuốc giải cho ta cũng chưa biết chừng.” Rồi gã lẩm bẩm: “Trần Xung Chi ơi là Trần Xung Chi! Thạch bang chúa hỉ nộ thất thường, kiêu ngạo vô lễ, bang Trường Lạc này không phải là chỗ yên thân. Nếu hôm nay mà ta may mắn sống sót thì về sau phải liệu đường xa chạy cao bay, mai danh ẩn tích, không nên nhúng mình vào cái ao nước bẩn này nữa. Nhưng rời khỏi bang lại là tội lớn, bản bang không thể tha thứ được, Trường Lạc Bang chắc chắn sẽ truy sát ta đến tận chân trời góc bể. Vậy ta phải làm sao đây?”

* * *

Thạch Phá Thiên theo Trần Xung Chi đi băng qua một căn phòng, hai khu vườn hoa thì đến trước một cái cổng đá. Ở đây có bốn gã hán tử tay cầm binh khí chia nhau đứng gác hai bên cổng. Bốn tên này thấy bang chúa cùng Trần hương chủ tới nơi, liền khom lưng thi lễ vừa cung kính vừa sợ hãi.

Trần Xung Chi đưa tay ra hiệu, hai tên hán tử lập tức mở cánh cổng đá ra. Bên trong cổng đá lại còn một cánh cửa sắt khóa bằng khóa lớn. Trần Xung Chi lấy chìa khóa bên mình ra, tự tay mở khóa. Đi vào trong cửa thì có một đường hầm khá dài, trong đường hầm có đốt những cây đuốc lớn, cuối đường hầm lại có bốn gã hán tử canh giữ một cái cửa sắt rất dày.

Trần Xung Chi mở cửa sắt ra. Bên trong là một gian phòng đá vuông vắn chừng hai trượng. Một thiếu nữ áo trắng ngồi trong nhà quay lưng ra ngoài, nghe tiếng kẹt cửa liền ngoảnh đầu nhìn lại. Trần Xung Chi đã cầm theo một cây đuốc trong đường hầm, bèn đặt lên ghế bên trong căn phòng. Ánh đuốc soi rõ mặt thiếu nữ. Thạch Phá Thiên “À” một tiếng rồi hỏi: “Cô nương phải chăng là Mai hoa nữ hiệp Hoa Vạn Tử ở phái Tuyết Sơn?”

Năm xưa ở Hầu Giám Tập, Hoa Vạn Tử đã có mấy câu khích bác Tạ Yên Khách. Hôm ấy họ nói chuyện gì, Thạch Phá Thiên chẳng hiểu gì hết. Thậm chí chàng cũng không hiểu những chừ “Mai hoa nữ hiệp” “Phái Tuyết Sơn”… nghĩa là gì, nhưng chàng có trí nhớ rất tốt, đã nghe nói gì thì dù không hiểu cũng nhớ rất lâu.

Câu chuyện ở Hầu Giám Tập đến nay đã cách bảy tám năm, mà diện mạo Hoa Vạn Tử cũng chưa thay đổi gì mấy, Thạch Phá Thiên vừa thấy đã nhận ra ngay. Nhưng ngày đó Thạch Phá Thiên là một thằng bé ăn xin mặt mũi lem luốc, hôm nay không những chàng ăn mặc rất sang trọng, mà đã trở thành một thanh niên phong tư tuấn nhã. Đương nhiên Hoa Vạn Tử không thể nhận ra, bèn giận dữ hỏi: “Sao ngươi lại biết ta?”

Trần Xung Chi thấy Thạch Phá Thiên vừa nhìn mặt thiếu nữ này là lập tức biết được môn phái, ngoại hiệu, cùng tên họ của nàng, thì ngấm ngầm kính phục vô cùng. Gã tự nhủ: “Nhãn lực bang chúa thật là lợi hại, người tầm thường không thể bì kịp.” Gã liền lớn tiếng quát bảo Hoa Vạn Tử: “Vị này là bang chúa của chúng ta, ngươi nói chuyện phải cung kính hơn mới được.”

Hoa Vạn Tử giật mình kinh hãi. Nàng không ngờ trong nhà ngục này mình phải gặp bang chúa Trường Lạc bang Thạch Phá Thiên, một người tiếng ác đồn đại khắp giang hồ. Nàng cùng sư ca Cảnh Vạn Chung nửa đêm xâm nhập Trường Lạc Bang cũng chỉ vì muốn tìm hiểu lai lịch của Thạch Phá Thiên. Nàng đã từng nghe đồn y là con quỷ háo sắc đã phá hoại danh tiết không biết bao nhiêu thiếu nữ, hôm nay lọt vào tay hắn chắc là dữ nhiều lành ít, không nên để hắn thấy mặt là hơn. Nàng nghĩ vậy, liền quay mặt vào vách đá. Chân tay nàng đều bị xiềng bằng xích sắt, va động vang lên những tiếng leng keng.

Thạch Phá Thiên từng nghe mẫu thân kể chuyện tù phạm phải bị xiềng xích chân tay, bây giờ chính mắt mới được nhìn thấy. Chàng quay lại hỏi Trần Xung Chi: “Trần hương chủ! Những thứ đeo trên tay chân Hoa cô nương chính là xiềng xích đấy phải không?”

Trần Xung Chi nghe mà không biết câu hỏi này có dụng ý gì, nên chỉ đáp gọn một tiếng “Vâng.”

Thạch Phá Thiên lại hỏi: “Cô ta đã phạm tội gì mà phải xiềng xích tay chân?”

Trần Xung Chi không khỏi ngạc nhiên thầm nghĩ: “Chắc hẳn bang chúa trách ta về tội ngược đãi Hoa cô nương, nên mới hạ độc thủ giết ta. Thế thì ta phải tìm cách gỡ mới được. Nhưng bang chúa đường đường là nam tử hán đại trượng phu, vì một mụ đàn bà mà nỡ lòng sát hại thuộc hạ trung thành, thật là quá đáng.” Gã vội đáp: “Vâng, vâng! Thuộc hạ biết tội rồi!” Đoạn gã móc túi lấy chìa khóa, mở hết xiềng xích đang đeo trên tay chân Hoa Vạn Tử.

Hoa Vạn Tử tuy chân tay đã được tự do, nhưng trong lòng càng kinh hãi hơn, tay chân run lẩy bẩy. Ta nên biết Mai Hoa nữ hiệp Hoa Vạn Tử không những bản lãnh phi thường, lại còn mưu trí đảm lược chẳng kém gì những nam tử anh hùng hào kiệt trong võ lâm. Giá tỉ Thạch Phá Thiên ra oai uy hiếp, thì chẳng những nàng không chau mày mà còn thẳng thắn dùng lời nghĩa khí để thống mạ đối phương. Nhưng lúc này Thạch Phá Thiên tuyệt nhiên không uy hiếp một câu, mà lại ra vẻ trách móc Trần Xung Chi ngược đãi mình, thì rõ ràng tên này muốn lấy lòng để mưu chuyện không tốt với mình.

Hoa Vạn Tử quyết chí giữ mình băng thanh ngọc khiết, nghĩ đến tên Thạch Phá Thiên dâm ác mà sợ phát run, úp mặt vào vách đá lạnh lẽo. Trong lòng nàng cũng thắc mắc: “Không biết có phải gã tiểu tử đó không? Ta mà nhìn hắn mấy cái thì nhận ra ngay.” Nhưng nói gì thì nói, nàng cũng không dám nhìn Thạch Phá Thiên.”

Trần Xung Chi âm thầm điều hòa nội tức, cảm thấy sau khi uống chén trà có độc, trong thân thể hoàn toàn chưa có biểu hiện gì. Hắn nghĩ bụng: “Chất độc này cũng không cấp bách lắm, không chừng còn cách cứu chữa.” Gã lại càng muốn lấy lòng bang chúa, bèn nói: “Bang chúa! Thuộc hạ cho rằng bây giờ nên mời Hoa cô nương về phòng của bang chúa để cùng trò chuyện, ở đây tối tăm hôi hám, lại không có trà nước để khoản đãi quý khách, thì làm sao tỏ được tình địa chủ?”

Thạch Phá Thiên cả mừng đáp: “Phải lắm! Hoa cô nương! Bên phòng ta có yến sào ngon lắm. Mời cô nương qua đó ăn một chén.”

Hoa Vạn Tử giẫy nẩy đáp: “Không! Ta nhất định không đi!”

Thạch Phá Thiên nói: “Mùi vị yến sào rất ngon, cô qua đó ăn thử một chén đi!”

Hoa Vạn Tử tức giận nói: “Ngươi muốn giết thì cứ giết, bản cô nương đường đường là đệ tử phái Tuyết Sơn, nhất quyết không bao giờ cầu xin ngươi tha mạng. Tên ác ôn này mà toan sàm sỡ, thì ta thà đập đầu vào vách đá mà tự sát còn hơn. Ta quyết… quyết không đi đến phòng của ngươi.”

Thạch Phá Thiên ngạc nhiên hỏi: “Ta mà là tên ác ôn thích giết người ư? Thật là kỳ lạ! Khi nào ta lại dám vô cớ giết cô? Cô không thích ăn yến sào thì thôi, nhưng không ăn yến sào thì ăn gà vịt, thịt cá gì đó cũng được chứ?” Chàng quay lại hỏi Trần Xung Chi: “Trần hương chủ! Chúng ta có những thứ đó không?”

Trần Xung Chi đáp ngay: “Có! Có! Có! Hoa cô nương thích ăn bất cứ món gì trên thế gian, trong nhà bếp này cũng có hết.”

Hoa Vạn Tử “phì” một cái rồi giận dữ nói: “Bản cô nương thà chết chứ không chịu ăn những thức của Trường Lạc Bang, để ô uế lây đến miệng mình.”

Thạch Phá Thiên nói: “Thế thì Hoa cô nương muốn tự mình ra chợ mua lấy thức ăn có phải không? Cô nương có tiền bạc gì chưa? Trần hương chủ! Hương chủ có tiền không, tặng cho cô ấy một ít.”

Trần Xung Chi đáp: “Dạ dạ! Thuộc hạ xin đi lấy tiền.”

Hoa Vạn Tử lại càng phẫn nộ la lên: “Không cần, không cần! Ta có chết cũng không cần.”

Thạch Phá Thiên nói: “Thế thì chắc cô nương đã có tiền bạc rồi. Ta nghe Trần hương chủ nói chân của cô đã bị thương, định mời Bối tiên sinh đến xem xét. Nhưng cô đã chán ghét bang Trường Lạc thế này, thì cứ ra ngoài tự tìm y sĩ điều trị cũng được. Để máu chảy nhiều, e rằng không tốt.”

Hoa Vạn Tử nhất định không thể tin tên bang chúa này lại định thả mình ra thật. Nàng cho đây là trò mèo giỡn chuột, bèn hằn học đáp: “Bất kể ngươi dùng quỷ kế gì, ta cũng không để ngươi lừa gạt.”

Thạch Phá Thiên càng lấy làm lạ nói: “Gian phòng đá này giống hệt như nhà lao vậy, có gì vui đâu? Ta chưa thấy nhà lao, nhưng nghe mẹ ta kể chuyện thì chắc nhà lao cũng chẳng khác gì căn nhà này. Hoa cô nương! Cô nương nên ra ngoài cho thoải mái.”

Hoa Vạn Tử nghe gì mà “mẹ ta kể chuyện” thì cũng không hiểu ý, nhưng hình như hắn định thả mình ra thật chứ không phải chuyện giả trá. Nàng hắng giọng rồi hỏi: “Trường kiếm của ta đâu rồi? Bọn ngươi có trả hay không?” Nàng định bụng: “Giả tỉ trong tay mình có khí giới, thì nếu Thạch Phá Thiên giở trò bỉ ổi, dù mình không địch nổi cũng có thể dùng kiếm mà tự vẫn.”

Trần Xung Chi quay lại nhìn bang chúa hỏi ý. Thạch Phá Thiên nói: “Hoa cô nương muốn lấy trường kiếm lại. Trần hương chủ! Ngươi trả lại cho cô ấy có được không?”

Trần Xung Chi đáp: “Được chứ, được chứ! Kiếm ở ngoài kia, cô nương cứ đi ra rồi tại hạ xin trả lại ngay.”

Hoa Vạn Tử nghĩ bụng: “Mình cũng không thể ngồi đây làm tù phạm mãi được, cứ thử tùy cơ ứng biến. Mình đã liều mạng, chuyện sống chết chẳng để vào lòng, thì còn sợ gì nữa?”

Nàng quyết định được chủ ý, đứng phắt dậy, băng băng tiến ra ngoài cửa. Thạch Phá Thiên và Trần Xung Chi đi theo sau, qua hết đường hầm, cửa đá, rồi ra khỏi nhà lao. Trần Xung Chi muốn lấy lòng bang chúa, chạy vội đi lấy thanh trường kiếm của Hoa Vạn Tử, kính cẩn đưa cho Thạch Phá Thiên. Chàng đón lấy rồi đưa lại cho Hoa Vạn Tử.

Hoa Vạn Tử sợ chàng thừa cơ hạ thủ, liền vận chân lực vào đôi tay rồi đột ngột vươn tay ra chộp lấy thanh kiếm đánh vèo một cái. Lúc nàng chộp kiếm, tay phải cầm ngay lấy chuôi, khi giật kiếm về thì mũi kiếm cũng đã rút ra khỏi vỏ năm tấc. Sau đó nàng nhìn Thạch Phá Thiên, trong lòng chợt nghĩ; “Đúng là hắn rồi! Đây chính là thằng lỏi đó, không nghi ngờ gì nữa.”

Trần Xung Chi đã biết kiếm pháp nàng tinh diệu vô cùng. Gã sợ nàng ra tay đả thương người, vội xoay tay rút lấy thanh đơn đao trong tay một tên đệ tử đứng sau lưng. Thạch Phá Thiên nói: “Hoa cô nương! Chân cô bị thương có đau lắm không? Để ta coi thử, nếu bị gãy xương thì ta nối lại cho cô, cũng như con A Hoàng vậy.”

Câu này người nói vô tình, nhưng người nghe lại có ý. Hoa Vạn Tử thấy Thạch Phá Thiên chằm chằm nhìn chân mình, thì đỏ mặt lên mắng ngay: “Ngươi thật là đê hèn vô sỉ, nói toàn giọng hạ lưu.”

Thạch Phá Thiên ngạc nhiên hỏi: “Cái gì? Ta nói không đúng hay sao? Để ta xem vết thương cho cô.”

Chàng là con người ngây thơ chất phác, tuyệt không có tà niệm gì hết, nhưng Hoa Vạn Tử lại tưởng chàng có ý trêu cợt mình. Nàng rút trường kiếm ra khỏi vỏ đánh soạt một tiếng, rồi quát lên: “Gã họ Thạch kia! Nếu người còn tiến thêm một bước thì bản cô nương phải liều mạng với ngươi!” Mũi kiếm vung lên, một làn thanh quang lấp lánh vọt tới ngực Thạch Phá Thiên.

Trần Xung Chi mỉm cười nói: “Hoa cô nương! Bang chúa ta là một bậc thiếu niên anh tuấn, cô nương được người để mắt đến là phúc phận to lắm rồi. Cô nương nên biết, trong thiên hạ chẳng thiếu gì mỹ nữ thanh tân, nhan sắc đổ quán xiêu đình, tuổi mới cập kê, muốn kề cận tệ bang chúa một đêm mà phải xếp hàng chờ đến lượt.”

Hoa Vạn Tử sắc mặt lợt lạt, phóng ra chiêu Đại Mạc Phi Sa. Kiếm phong rít lên veo véo, nhằm đâm thẳng vào ngực Thạch Phá Thiên. Thạch Phá Thiên hiện giờ chỉ có nội công cực kỳ thâm hậu, còn về mặt nghinh địch giao phong thì trước nay chưa học tí gì. Chàng thấy Hoa Vạn Tử phóng kiếm đâm tới thì chân tay luống cuống, xoay mình chạy trốn. May mà nội công chàng luyện đến mực tinh thâm, nên tuy chân tay vụng về nhưng cũng chạy lẹ vô cùng, chỉ nghe vù một cái, đã ra xa ngoài mấy trượng.

Hoa Vạn Tử không ngờ Thạch Phá Thiên lại xoay mình chạy trốn, chỉ cất bước đã cách xa, chẳng khác nào con chim vừa đập cánh đã mất hút. Bình sinh nàng chưa thấy khinh công ai kỳ diệu đến thế, bất giác đứng thộn mặt ra, ngây người như tượng gỗ, không nói gì nữa.

Thạch Phá Thiên đứng xa xa, xua tay loạn lên mà nói: “Hoa cô nương! Ta sợ cô rồi, sao cứ động một tí là vung kiếm giết người. Được rồi! Cô muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, ta… ta không nói gì với cô nữa.” Chàng nghĩ bụng: “Hoa Vạn Tử định vung kiếm lên giết mình tất phải vì một lý do nào đó, nhưng mình lại không hiểu những cốt lõi bên trong. Ta phải đi hỏi Thị Kiếm tỷ tỷ xem thế nào đã.” Thạch Phá Thiên nghĩ vậy rồi quay lưng bước đi.

Hoa Vạn Tử lại càng cảm thấy ngạc nhiên, lên tiếng hỏi: “Thạch bang chúa! Có thật ngươi thả ta ra không? Hay là ngoài kia ngươi đã đặt mai phục để ngăn cản rồi?”

Thạch Phá Thiên quay người lại hỏi: “Ta ngăn cản cô làm chi? Nếu ta không cẩn thận, bị cô đâm cho một nhát thì thật là hỏng bét.”

Hoa Vạn Tử nghe thì nghe vậy, nhưng trong lòng vẫn nghi hoặc, không thể tin hắn không làm khó dễ mình nữa. Nàng tự nhủ: “Thôi, mặc kệ hắn có quỷ kế gì cũng được, ta phải đi một bước rồi mới tính bước nữa.” Rồi nàng trợn mắt lên nhìn kỹ chàng, trong lòng lại nghĩ: “Quả nhiên là ngươi! Hèn gì thằng lỏi này lại vô lễ với phái Tuyết Sơn đến thế.” Rồi nàng quay gót đi luôn. Chân trái nàng đã bị thương, nên phải khập khiễng đi từng bước, nhưng trong lòng nghĩ là xa tên ác tặc này một bước thì an toàn thêm một chút, nên cứ nhịn đau mà bước đi cho lẹ.

Trần Xung Chi mỉm cười nói: “Tổng đà Trường Lạc Bang tuy chẳng ghê gớm gì lắm, nhưng ít ra cũng có mấy người giữ cửa. Giả tỉ Hoa cô nương muốn đi là đi, muốn đến là đến, chẳng hóa ra chúng ta là đồ giá áo túi cơm cả hay sao?”

Hoa Vạn Tử mày liễu dựng ngược, cầm ngang lưỡi kiếm nói: “Theo ý ngươi thì sao?”

Trần Xung Chi mỉm cười đáp: “Theo ý Trần mỗ, thì cô nương phải để tại hạ hộ tống ra ngoài là hay nhất.”

Hoa Vạn Tử nghĩ thầm: “Qua cửa phải cúi đầu, lần này mình lỗ mãng xem thường đối phương nên mới thất thủ. Thật sự mình muốn ra khỏi tổng đà Trường Lạc Bang này cũng không phải dễ dàng, bây giờ phải tạm thời ẩn nhẫn. Sau này sẽ hội họp các vị sư huynh sư đệ mở cuộc đại tấn công, mới mong rửa được cái nhục hôm nay.” Nàng nghĩ vậy liền hạ giọng đáp: “Nếu vậy thì xin làm phiền hương chủ vậy.”

Trần Xung Chi quay lại nói với Thạch Phá Thiên: “Bang chúa! Bây giờ thuộc hạ đưa Hoa cô nương ra ngoài.” Rồi gã hỏi nhỏ: “Bang chúa để cô ấy đi thật, hay là cho ra ngoài rồi bắt cô ta trở lại?”

Thạch Phá Thiên ngạc nhiên nói: “Dĩ nhiên là cho cô ấy đi, còn bắt lại làm gì nữa?”

Trần Xung Chi đáp: “Vâng, vâng.” Trong lòng gã nghĩ: “Chắc là bang chúa chê cô ta lớn tuổi nên không để vào mắt. Thật ra cô nương này da dẻ trắng nõn, cũng không phải là tệ. Nhưng bang chúa đã không thèm thì ta cũng chẳng cần khách sáo quá làm gì.” Gã bèn nói với Hoa Vạn Tử: “Đi thôi.” Thạch Phá Thiên thấy thanh trường kiếm sắc bén trong tay Hoa Vạn Tử tỏa thanh quang lấp lánh thì không khỏi kinh hãi. Chàng không dám nói chuyện nhiều, thấy Trần Xung Chi đưa nàng ra ngoài cửa thì thật không có gì tốt hơn nữa.

* * *

Thạch Phá Thiên một mình tìm đường trở về phòng, dọc đường ai gặp chàng cũng khép nép tránh sang bên để nhường bước, vẻ mặt người nào cũng ra chiều cung kính. Thạch Phá Thiên trở về tới phòng, đang muốn hỏi Thị Kiếm tại sao Hoa Vạn Tử bị Trần hương chủ nhốt trong lao, tại sao cô ta rút kiếm đâm mình, thì đột nhiên nghe người gác cửa hô lớn: “Bối tiên sinh đến.”

Thạch Phá Thiên cả mừng, đi lẹ vào trong phòng khách, vừa thấy Bối Hải Thạch đã nói ngay: “Bối tiên sinh! Vừa rồi đã xảy ra một việc rất kỳ lạ.” Rồi chàng đem vụ gặp Hoa Vạn Tử ra kể lại một lượt.

Bối Hải Thạch gật đầu, sắc mặt rất trịnh trọng nói: “Thuộc hạ cầu xin bang chúa một việc. Trần hương chủ ở Sư Oai Đường trước nay với bang chúa hết lòng kính cẩn, một dạ trung thành. Y lại là người có công lớn với bản bang, xin bang chúa rộng lượng tha mạng cho y.”

Thạch Phá Thiên ngạc nhiên hỏi: “Tha mạng cho y ư? Sao lại không thể tha mạng cho y được? Y là người rất tốt. Bối tiên sinh! Nếu y có mắc bệnh gì thì tiên sinh chữa cho y nhé.”

Bối Hải Thạch cả mừng xá dài nói: “Đa tạ bang chúa khai ân”, rồi lập tức rời đi.

Thì ra Trần Xung Chi đưa Hoa Vạn Tử đi rồi, liền chạy đến chỗ Bối Hải Thạch nhờ năn nỉ Thạch bang chúa cho thuốc giải. Bối Hải Thạch vạch mắt của hắn ra xem, rồi bắt mạch thử, biết hắn nếu có trúng độc thì cũng chẳng nặng gì, nghĩ thầm: “Chỉ cần bang chúa gật đầu một cái thì ta giải độc dễ như trở bàn tay.” Lão chỉ sợ Thạch bang chúa không phải là người dễ dàng khoan thứ, tuổi còn trẻ mà ra tay đã độc ác vô cùng, không ngờ vừa mở miệng đã xin được bang chúa tha mạng cho Trần Xung Chi. Lão hết sức vui mừng vì cứu được bằng hữu, lại giữ được thực lực cho bản bang để đối phó với những họa hoạn sắp xảy ra.

Bối Hải Thạch đi rồi, Thạch Phá Thiên liền đem những chuyện nghi ngờ ra hỏi Thị Kiếm. Bây giờ chàng mới biết địa phương này thuộc Trấn Giang, một nút giao thông quan trọng giữa hai vùng Nam Bắc. Đây là tổng đà của Trường Lạc Bang, và Thạch Phá Thiên là bang chúa. Bang Trường Lạc chia làm tam nội đường, ngũ ngoại đường để thống suất bang chúng các nơi, trong bang có rất nhiều cao thủ, mấy năm gần đây thanh thế lại càng thịnh vượng. Những nhân vật bản lãnh cao thâm như Bối Hải Thạch cũng đầu nhập trong bang, như vậy đủ thấy thanh thế của Trường Lạc Bang thật không yếu kém. Còn như Trường Lạc Bang ở trên giang hồ đã làm những việc gì, đã có thù hiềm gì với phái Tuyết Sơn, thì Thị Kiếm chỉ là một ả nha hoàn nhỏ tuổi, không thể nào biết được.

Thạch Phá Thiên nghe Thị Kiếm nói về tình hình bang Trường Lạc, chỉ hiểu sơ qua một phần mà thôi. Tuy chàng là người thông minh, nhưng chưa am hiểu thế sự, nên dĩ nhiên không có cách nào nhìn bao quát được hết tình thế bang này. Chàng suy nghĩ một lúc lâu rồi nói: “Thị Kiếm tỷ tỷ! Nhất định là các vị nhận lầm ta rồi, không phải là ta mơ ngủ đâu. Vị bang chúa đó, nhất định phải là một người nào khác. Còn ta chỉ là một gã thiếu niên ở nơi rừng núi, không phải là bang chúa chi hết.”

Thị Kiếm mỉm cười nói: “Trong thiên hạ cũng có lắm người tướng mạo giống nhau, nhưng không thể giống đến mức độ như thế này. Thiếu gia! Gần đây thiếu gia luyện những công phu gì đó, e rằng đã bị chấn động đến đầu óc. Nô tỳ không nói chuyện với thiếu gia nữa, để thiếu gia nghỉ ngơi cho tâm thần thoải mái. Chắc chắn thiếu gia sẽ dần dần nhớ ra mọi chuyện thôi.”

Thạch Phá Thiên nói: “Không! Không! Trong lòng ta còn nhiều chuyện nghi ngờ không thể giải thích được, cần phải hỏi tỷ tỷ. Thị Kiếm tỷ tỷ! Tại sao tỷ tỷ lại thích làm nha hoàn?”

Thị Kiếm mắt đỏ hoe đáp: “Chẳng lẽ lại có ai thích làm nha hoàn ư? Từ thuở nhỏ nô tỳ đã mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa. Có người đem nô tỳ về nuôi, rồi đưa đến bán cho bang Trường Lạc. Đậu tổng quản giao cho nô tỳ hầu hạ thiếu gia, dĩ nhiên là nô tỳ phải tuân mệnh.”

Thạch Phá Thiên nói: “Nếu thế thì không phải tỷ tỷ muốn làm nha hoàn, vậy tỷ tỷ cứ việc đi đi. Ta cũng không cần người phục dịch, bất luận chuyện gì ta cũng tự làm lấy được.”

Thị Kiếm lo lắng nói: “Hiện giờ nô tỳ không còn ai thân thuộc nữa, thiếu gia bảo nô tỳ đi đâu? Đậu tổng quản mà biết thiếu gia không muốn cho nô tỳ hầu hạ nữa, thì nhất định sẽ trách phạt nô tỳ không hết lòng thị phụng. Nô tỳ sẽ bị đòn đến chết mất.”

Thạch Phá Thiên nói: “Để ta bảo ông ấy không đánh mắng tỷ tỷ là được rồi.”

Thị Kiếm lắc đầu nói: “Thiếu gia bệnh còn chưa khỏi, nô tỳ không thể bỏ mà đi được. Hơn nữa, nếu thiếu gia không khinh rẻ nô tỳ, thì nô tỳ cũng tình nguyện phục thị thiếu gia.”

Thạch Phá Thiên nói: “Cô không chịu đi thì càng tốt, thật ra trong lòng ta cũng không muốn cô đi. Sao ta có thể khinh rẻ cô được? Từ trước đến giờ ta chẳng khinh rẻ ai cả.”

Thị Kiếm vừa tức mình vừa buồn cười, đưa tay bịt miệng nói: “Thiếu gia nói vậy, thì mọi người phải tưởng rằng Thạch đại bang chúa đã cải tà qui chính rồi.” Cô thấy chàng nói chuyện đàng hoàng, hoàn toàn không có thái độ khinh mạn chọc ghẹo như mọi khi, tuy có nghĩ rằng đây chỉ là chàng hứng thú nhất thời mà làm như thế, nhưng dẫu sao cũng là chuyện đáng mừng.

Thạch Phá Thiên im lặng không nói gì nữa, nghĩ thầm: “Vị Thạch bang chúa nào đó có vẻ rất ác độc, thích giết người, lại thích bức hiếp người, ai thấy ông ấy cũng phải sợ. Ông ấy còn đi cướp vợ của người khác, cũng không hiểu cướp để làm gì, muốn người ta nấu cơm giặt áo cho mình hay sao? Còn ta… ta phải làm sao đây? Ngày mai ta phải nói rõ cho Bối tiên sinh nghe, không thể để họ nhận lầm mình là bang chúa mãi được.” Thạch Phá Thiên ngẫm nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Có lúc chàng cảm thấy làm bang chúa thì được mọi người kính trọng, cũng thấy rất vui. Nhưng có lúc chàng nghĩ tới chỗ mình mạo danh người khác, khi bang chúa thật sự trở về chắc sẽ nổi nóng, không chừng còn hạ thủ giết mình, như thế thì thật là nguy hiểm.

* * *

Vào lúc hoàng hôn, dưới nhà bếp đem lên tám món ăn rất tinh tế, Thị Kiếm phục thị chàng dùng bữa. Thạch Phá Thiên bảo nàng ngồi xuống cùng ăn, cô đỏ mặt lên, nói sao cũng không chịu, Thạch Phá Thiên chỉ còn biết mặc kệ. Mấy món ăn thật là ngon, chàng ăn luôn bốn chén cơm lớn. Sau đó, chàng lại nói chuyện cùng Thị Kiếm, cứ hỏi hết chuyện này sang chuyện khác, dường như chuyện gì đối với chàng cũng là mới lạ.

Thị Kiếm thấy trời đã tối mà thiếu gia vẫn chưa để mình ra ngoài, bèn nghĩ thầm: “E rằng bệnh cũ thiếu gia lại tái phát, nảy ra ý đồ bất chính.” Nàng liền cáo từ ra khỏi phòng, tiện tay đóng cửa lại. Thạch Phá Thiên ngồi trên giường một mình cũng buồn vì chẳng có việc gì làm, lại luyện công theo đồ hình kinh mạch trên mười tám pho tượng La Hán gỗ.

Đêm đã khuya, bốn bề im vắng. Bất thình lình Thạch Phá Thiên nghe bên ngoài cửa sổ có ba tiếng gõ, chàng mở mắt lên nhìn thì thấy cánh cửa từ từ mở ra, một bàn tay nhỏ nhắn thò vào vẫy vẫy chàng. Chàng thấp thoáng nhìn thấy bên ngoài cửa sổ có một ống tay áo màu xanh nhạt, rất uyển chuyển. Thạch Phá Thiên động tâm, chợt nhớ tới thiếu nữ mặt trái xoan, mặc áo xanh nhạt đêm trước. Chàng liền nhảy xuống giường, chạy tới cửa sổ cất tiếng gọi: “Tỷ tỷ!…”

Bên ngoài cửa sổ, một thanh âm thiếu nữ trong trẻo đáp lại: “Sao lại gọi ta bằng tỷ tỷ? Ra đây nhanh lên!”

Thạch Phá Thiên đẩy cửa sổ nhảy ra, thì không thấy bóng một người nào. Chàng còn đang ngẩn ngơ thì đột nhiên thấy trước mắt hoa lên một cái rồi tối sầm lại. Một bàn tay mềm mại đã bịt lấy mắt chàng, sau lưng lại có tiếng cười khúc khích, rồi một mùi hương thanh nhã như hoa lan thoảng bay vào mũi.

Thạch Phá Thiên vừa ngạc nhiên vừa hoan hỉ, biết thiếu nữ này muốn đùa giỡn với mình. Từ thuở nhỏ chàng phải ở chốn hoang sơn hiu quạnh không có ai để chuyện trò, đành làm bạn với con chó vàng, bây giờ đột nhiên có bạn chơi đùa, dĩ nhiên khoan khoái vô cùng. Chàng quành tay ra sau định ôm lấy nàng, vừa nói: “Nào, thử xem ta có bắt được cô không?”

Ngờ đâu, chàng xoay tay đã nhanh, nhưng thiếu nữ tránh né lại càng mau lẹ dị thường, chớp nhoáng đã biến mất. Thạch Phá Thiên ngơ ngác, rồi bỗng thấy tà áo xanh phất phới trong bụi hoa hồng. Chàng liền chạy tới đưa tay chụp lấy, nhưng chỉ nắm được toàn là gai góc. Chàng đau không nhịn được, la lên một tiếng: “Úi chà!”

Thiếu nữ từ một khóm hoa khác ló đầu ra cười nhỏ nhẹ nói: “Chàng ngốc ơi, đừng lên tiếng nữa! Hãy đi theo ta!” Thạch Phá Thiên thấy thân hình nàng chuyển động, liền chạy theo sau.

Thiếu nữ chạy đến chân tường, toan nhảy lên mặt tường thì trong bóng tối đột nhiên có tiếng động rồi có hai người chạy đến, một người cầm đơn đao, còn một người xách đôi phán quan bút. Cả hai đứng chắn trước mặt thiếu nữ quát hỏi: “Ai đó? Đứng lại!”

Giữa lúc này Thạch Phá Thiên vừa chạy tới nơi. Hai gã kia là đệ tử bang Trường Lạc đang tuần tiễu trong vườn hoa. Chúng thấy Thạch Phá Thiên mỉm cười với cô gái kia, vội vàng tránh ra, thi lễ nói: “Thuộc hạ không biết cô nương đây là bạn của bang chúa, nên đã đắc tội. Xin bang chúa lượng thứ cho!” Rồi chúng quay lại nhìn thiếu nữ nghiêng mình thi lễ. Thiếu nữ nhìn bọn họ lè lưỡi một cái, rồi quay lại đưa tay ra vẫy Thạch Phá Thiên. Rồi nàng không nói gì, nhảy vọt lên mặt tường.

Thạch Phá Thiên tự lượng mình không đủ bản lãnh để nhảy lên bức tường cao như vậy. Nhưng thiếu nữ đang vẫy tay, mà hai tên đệ tử lại đang chăm chăm nhìn, chẳng lẽ chàng lại kêu người đi lấy thang để trèo lên? Chàng đành bấm bụng, co giò nhảy vọt lên. Thật là kỳ lạ, chân chàng tựa hồ phát sinh một sức mạnh không biết từ đâu mà có, chỉ nghe vù một tiếng là thân hình chàng đã vọt qua cả bức tường cao lẫn thiếu nữ đang đứng trên đầu tường. Hai tên đệ tử giật mình, không nhịn được phải lớn tiếng reo hò: “Công phu tuyệt diệu!”

Giữa lúc ấy, bên ngoài tường bỗng nghe đánh “bịch” một tiếng như có vật nặng rớt xuống. Thì ra Thạch Phá Thiên không biết cách hạ người xuống, nên té nhào xuống đất. Hai tên đệ tử ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu là tiếng động gì. Dĩ nhiên là chúng không đoán nổi, khinh công bang chúa đã tuyệt diệu như vậy mà lại té bịch xuống đất, ngửa mặt lên trời trông rất khó coi.

Thiếu nữ ở trên đầu tường nhìn rất rõ, thấy một lúc sau Thạch Phá Thiên vẫn chưa dậy được. Nàng giật mình kinh hãi, liền tung mình nhảy xuống, vừa đưa tay đỡ chàng, vừa dịu dàng nói: “Thiên ca! Thiên ca làm sao vậy? Thiên ca chưa khỏi bệnh hẳn, chớ nên vận công lực.” Nàng luồn tay vào nách, từ từ dìu chàng dậy.

Phen này Thạch Phá Thiên té nhào, mông đau quá không chịu nổi, phải nhờ thiếu nữ nâng đỡ chàng mới đứng lên được. Thiếu nữ lại nói: “Chúng ta đi đến chỗ cũ có được không? Huynh té có đau không, còn chạy được không?”

Thạch Phá Thiên công lực rất thâm hậu, tuy bị té nặng nhưng chỉ một lúc là hết đau ngay. Chàng nói: “Được! Ta không thấy đau đớn gì nữa, dĩ nhiên là đi được.”

Thiếu nữ kéo tay chàng nói: “Mấy hôm không gặp, Thiên ca có nhớ muội không?” Nàng mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Thạch Phá Thiên.

Trước mắt Thạch Phá Thiên hiện ra một bộ mặt thanh tao thoát tục, khóe miệng đang nở nụ cười tinh nghịch, đôi mắt long lanh dưới ánh trăng trông tựa hai vì sao. Mũi chàng ngửi thấy trong người thiếu nữ thoảng ra một mùi u hương êm dịu, lòng chàng không khỏi mơ màng. Tuy chàng chưa hiểu gì về chuyện nam nữ, nhưng dẫu sao cũng là thanh niên tuổi đã hai mươi, dù có ngốc nghếch gấp đôi thì trước một thiếu nữ xinh đẹp như thế cũng phải nảy lòng ngưỡng mộ. Chàng thẫn thờ nói: “Tối hôm ấy cô nương lại thăm ta rồi bỏ đi ngay. Ta cũng hay nghĩ đến cô nương lắm.”

Thiếu nữ chúm chím đôi môi, cười nói: “Thiên ca đã mất tích bấy lâu, rồi lại hôn mê bất tỉnh mấy ngày, có biết trong lòng người ta lo lắng đến thế nào không? Đêm nào người ta cũng đến thăm Thiên ca, Thiên ca có biết không? Chỉ vì muội thấy Thiên ca đang ngưng thần luyện công, sợ mình quấy nhiễu thì nguy hại cho cuộc trị thương của Thiên ca, nên không dám lên tiếng gọi.”

Thạch Phá Thiên vui mừng hỏi: “Thật thế ư? Tại sao ta không biết? Hảo tỷ tỷ… sao tỷ tỷ lại tử tế với ta như thế?”

Thiếu nữ đột nhiên biến sắc, hất tay chàng ra nói: “Ngươi kêu ta bằng gì? Ta… ta… muội đã đoán ra rồi. Bấy lâu huynh không trở về… nhất định ở bên ngoài đã… đã ở cùng một nơi với những cô gái hư hỏng. Huynh gọi bọn chúng là hảo tỷ tỷ quen mồm, rồi cũng thuận miệng gọi muội như thế.”

Thạch Phá Thiên thấy thiếu nữ vừa mới tươi tỉnh vui cười, nói chuyện ôn hòa uyển chuyển, mà đột nhiên biến thành giận dữ thì chàng kinh ngạc chẳng hiểu ra sao, cứ ấp úng: “Ta… ta…”

Thiếu nữ thấy chàng ấp úng không nói gì thì lại càng tức giận. Nàng giơ tay ra nắm lấy tai chàng, giận dữ nói: “Lâu nay ngươi đã ở chung với đứa con gái nào? Có phải ngươi kêu nó bằng “hảo tỷ tỷ” không? Nói mau, nói mau, nói mau!” Mỗi câu “nói mau” là nàng kéo tai chàng một cái, nói ba câu thì đã kéo luôn ba cái.

Thạch Phá Thiên đau quá chịu không nổi phải kêu lên: “Úi chao!” Rồi chàng nói: “Cô hung dữ như thế, ta không chơi với cô nữa!”

Thiếu nữ lại kéo tai chàng một cái thật mạnh rồi quát: “Ngươi muốn ta để mặc như thế ư? Không dễ như vậy đâu. Ngươi đã ở chung với đứa con gái nào, mau mau khai ra.”

Thạch Phá Thiên nhăn nhó đáp: “Ta có ở cùng với một cô gái, cô ấy cũng ngủ trong phòng của ta.”

Thiếu nữ lại càng tức giận, kéo tai Thạch Phá Thiên đến chảy máu ra, gằn giọng: “Ta phải đi giết nó ngay lập tức.”

Thạch Phá Thiên bở vía la lên: “Đừng, đừng! Đó là Thị Kiếm tỷ tỷ. Cô ấy đã nấu yến sào, nấu cháo sâm cho ta ăn, tuy nấu cháo bị khê hơi đắng, nhưng cô ấy vẫn là người rất tốt. Cô… cô không nên đi giết cô ấy.”

Nước mắt đã chảy ròng trên má thiếu nữ, nhưng bỗng nhiên nàng phì cười, lập tức giật tai chàng một cái thật mạnh rồi nói: “Cứ tưởng “hảo tỷ tỷ” đó là ai, té ra là con nha đầu đó. Huynh cứ gạt muội hoài, chẳng được câu nào thành thật, quả không thể nào tin được. Mấy đêm nay muội đứng ngoài cửa sổ nhìn, thấy Thiên ca cùng con nha đầu vẫn rất đàng hoàng, cũng coi như huynh còn ngoan ngoãn.” Nàng lại giơ tay ra toan kéo tai chàng một cái nữa.

Thạch Phá Thiên kinh hãi, ngoẹo đầu đi để tránh. Thiếu nữ xòe tay xoa vào tai chàng, rồi mỉm cười hỏi: “Thiên ca, huynh có đau không?”

Thạch Phá Thiên đáp: “Dĩ nhiên là đau lắm.”

Thiếu nữ lại mỉm cười nói: “Huynh đau thì mặc kệ. Ai bảo huynh lừa gạt muội, lại còn kêu muội bằng “hảo tỷ tỷ” làm chi?”

Thạch Phá Thiên nói: “Ta thường nghe mẫu thân bảo, gọi người khác bằng tỷ tỷ là lịch sự. Chẳng lẽ như thế lại không đúng ư?”

Thiếu nữ nguýt chàng một cái rồi nói: “Huynh có lịch sự với muội hồi nào đâu? Được rồi, huynh không phục thì để muội đưa tai cho Thiên ca kéo lại là xong.” Nàng nói xong, nghiêng đầu lại cho mặt kề sát vào mặt chàng. Mùi thơm thoang thoảng ở má thiếu nữ lại lọt vào mũi Thạch Phá Thiên.

Chàng giơ tay lên nắm lấy tai cô, lắc đầu nói: “Ta không kéo đâu.” Rồi chàng lại hỏi: “Vậy ta phải gọi cô thế nào mới đúng?”

Thiếu nữ nhõng nhẽo hỏi lại: “Trước nay Thiên ca vẫn gọi muội là gì? Chẳng lẽ Thiên ca quên cả tên muội rồi ư?”

Thạch Phá Thiên định thần lại, nghiêm nghị nói: “Cô nương! Ta nói cho cô biết, cô nhận lầm người rồi. Ta không phải là Thiên ca gì gì của cô đâu, mà cũng không phải là Thạch Phá Thiên. Ta là Cẩu Tạp Chủng.”

Thiếu nữ ngơ ngác, nắm lấy hai vai chàng xoay đi nửa vòng để ánh trăng soi vào mặt chàng. Nàng ngưng thần nhìn kỹ lại một hồi, rồi cười khanh khách nói: “Thiên ca! Thiên ca thật là khéo nói giỡn, nghe cứ như thật. Vừa rồi muội sợ hết hồn, cứ tưởng mình nhận lầm người! Thôi, chúng ta đi thôi!” Rồi nàng kéo tay chàng, toan cất bước đi.

Thạch Phá Thiên vội nói: “Ta không nói giỡn đâu, cô nhận lầm người thật đấy. Ngay cả tên cô là gì, ta cũng không biết.”

Thiếu nữ dừng bước, quay đầu lại. Tay phải nàng vẫn nắm lấy tay trái Thạch Phá Thiên, mặt cười tươi như hoa, dịu dàng nói: “Được rồi! Thiên ca đã nhất định ăn thua với muội, thì muội chịu thua cho xong. Muội họ Đinh tên Đang, Thiên ca vẫn gọi đùa là Đinh Đinh Đang Đang, huynh đã nhớ chưa?” Nàng nói xong mấy câu này, lại vội chạy về phía trước. Thạch Phá Thiên bị nàng lôi kéo, loạng choạng mấy cái rồi cũng hướng về phía trước mà chạy. Ban đầu chàng thở hổn hển ra chiều nhọc mệt, nhưng một lúc sau nội lực điều hòa, càng chạy càng thấy nhẹ nhàng, tựa hồ không hao tổn một chút khí lực nào.

Thạch Phá Thiên cũng không biết đã chạy được bao xa, bỗng thấy trước mắt là mặt nước đang gọn sóng, thì ra đã đến bờ sông. Đinh Đang kéo tay chàng, khẽ vọt một cái đã nhảy lên một chiếc thuyền nhỏ đang neo ở bờ sông. Thạch Phá Thiên chưa hiểu cách vận nội lực cho thân thể nhẹ đi. Chàng gieo người xuống đầu thuyền nghe huỵch một tiếng, thuyền tròng trành, nước bắn lên tung tóe.

Đinh Đang “A” lên một tiếng rồi cười nói: “Cái anh này, muốn thuyền lật ngược lên mới vừa lòng ư?” Rồi nàng cầm cây sào tre, khẽ đẩy một cái cho thuyền ra giữa sông.

Lúc này trời yên gió lặng, mặt nước phẳng lì trong suốt, mảnh trăng khuyết in rõ xuống lòng sông. Lúc cây sào tre của Đinh Đang chống vào bờ đẩy chiếc thuyền đi, mặt nước lăn tăn sóng gợn. Mảnh trăng in đáy nước tan ra biến mất, ánh trăng chiếu xuống mặt sông lung linh như dát bạc. Con thuyền lướt nhẹ về phía trước.

Hai bên bờ sông là những rặng liễu um tùm, xa xa ẩn hiện mấy túp nhà thưa thớt. Canh khuya vắng vẻ, một mùi thơm man mác thoảng đưa vào mũi Thạch Phá Thiên. Chàng cũng chẳng hiểu đó là mùi thơm của hoa cỏ trên bờ đưa xuống, hay từ người thiếu nữ tiết ra.

Con thuyền nhỏ đi quanh co uốn khúc theo dòng sông rồi rẽ vào một ngách nhở, đến một cây cầu đá bắc ngang. Đinh Đang cho thuyền đậu dưới gầm cầu, rồi buộc dây vào một cành liễu. Rặng liễu cành lá um tùm xòe ra che kín cả cây cầu nhỏ bé. Ánh trăng luồn qua những khe lá liễu, gieo xuống những chấm vàng lốm đốm. Chiếc thuyền con đậu dưới gầm cầu rất kín đáo, chẳng khác một gian nhà nhỏ giữa thiên nhiên.

Thạch Phá Thiên cất tiếng khen: “Quang cảnh nơi đây thực là đẹp! Dù là ban ngày, ai vô tình cũng khó mà biết được có thuyền neo ở dưới này.”

Đinh Đang mỉm cười nói: “Thế sao mãi đến hôm nay Thiên ca mới chịu khen?” Nàng chui vào trong khoang lấy ra một chiếc chiếu cỏ, sắp chén bát cho hai người, vừa đặt hồ rượu xuống vừa cười bảo: “Thiên ca ngồi xuống đây mà uống rượu!” Rồi nàng lại lấy thêm mấy thứ rau đậu, thịt khô bày ra trước mặt Thạch Phá Thiên.

Thạch Phá Thiên thấy Đinh Đang cầm hồ rót rượu, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Mấy năm trời chàng ở với Tạ Yên Khách trên Ma Thiên Nhai, thi thoảng chàng cũng uống với lão vài ly rượu, nhưng chỉ là thứ rượu trắng. Lúc này chàng đón lấy chén rượu Đinh Đang vừa rót giơ lên hứng lấy ánh trăng bạc chiếu vào, lại thấy sắc rượu nửa vàng nửa đỏ. Chàng uống một hơi cạn sạch, nghe nóng ran cả bụng, miệng lưỡi cũng thấy mùi cay đắng, không khỏi chau mày. Đinh Đang mỉm cười nói: “Đây là rượu Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng, cất đã hai chục năm mà còn không ngon ư?”

Thạch Phá Thiên toan đáp, thì bỗng ngay trên đầu chàng có một thanh âm khàn khàn cất lên: “Rượu Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng cất đã hai mươi năm, sao lại không ngon?”

* * *

Nghe choảng một tiếng, ly rượu trong tay Đinh Đang rớt xuống sàn thuyền, rượu đổ ra ướt cả áo, cái ly lăn ra rồi rớt xuống sông đánh tõm một tiếng. Đinh Đang mặt mày thất sắc toàn thân run rẩy, kéo tay Thạch Phá Thiên nói rất khẽ: “Gia gia của muội đã đến đó!”

Thạch Phá Thiên ngẩng đầu nhìn về phía có âm thanh, chỉ thấy một đôi chân không ngừng đung đưa ngay trên đỉnh đầu mình. Dĩ nhiên người đó đang ngồi trên cầu, hai chân xuyên qua cành lá dương liễu thòng xuống, chỉ cần thấp hơn một thước nữa là đụng vào đầu Thạch Phá Thiên. Đôi chân này mang một đôi vớ màu trắng thêu chữ thọ, đôi giày bằng vải đoạn màu tím, giày vớ đều rất sạch sẽ.

Lão già ở trên đầu lại nói: “Không sai! Gia gia ngươi đã đến đây! Con nha đầu kia, ngươi lén lút đi gặp tình lang đã là quá rồi. Ta đã tốn biết bao công phu mới cất được thứ rượu Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng hai mươi năm, sao ngươi lại dám lấy cắp đem cho tình lang uống?”

Đinh Đang gượng cười nói: “Y… y không phải là tình lang gì hết, chỉ là… là… một người bạn bình thường.”

Lão già tức giận nói: “Hừ! Bạn bình thường mà ngươi cũng đối đãi tốt như thế hay sao, ngay cả thứ rượu gia gia quý như tính mạng cũng dám ăn cắp đi mời.” Lão ngừng một chút rồi nói tiếp: “Ngươi mau ra đây, để lão già này xem thử tình lang của cháu gái ta là một thằng Xú Bát Quái như thế nào.”

Tay trái của Đinh Đang kéo tay phải của Thạch Phá Thiên lại, dùng ngón trỏ bên tay phải viết chữ vào lòng bàn tay chàng. Miệng nàng thì đáp: “Gia gia ơi! Người bạn này vừa dốt nát vừa xấu xí, gia gia mà nhìn thấy nhất định phải ngán ngẩm. Hài nhi lấy cắp rượu của gia gia không phải cố ý để mời y đâu, y không xứng đáng uống thứ rượu đó. Hài nhi lấy để tự mình uống, rồi nổi hứng muốn tìm một người cùng uống rượu mà thôi.”

Nàng đã viết vào lòng bàn tay Thạch Phá Thiên bảy chữ “Chớ có xưng là Thạch bang chúa.” Nhưng mẹ chàng chưa bao giờ dạy chàng đọc sách viết chữ, Tạ Yên Khách lại càng không dạy, nên ngay cả chữ nhất là một chàng cũng không biết. Chàng chỉ cảm thấy cô ta ngoáy qua ngoáy lại trong bàn tay của mình chẳng biết để làm gì, chỉ cảm thấy nhồn nhột, lại nghe nàng nói những lời khinh bạc, chê mình vừa ngu dốt vừa xấu xí, không đáng uống rượu của nàng, nên bất giác hơi bực mình, hất tay nàng ra. Đinh Đang lại kéo bàn tay Thạch Phá Thiên, viết vào mấy chữ “Có thể mất mạng, nhất nhất phải nghe lời.” Rồi nàng siết chặt tay chàng mấy cái để tỏ ý thân thiết, ra vẻ những lời dặn này quan trọng vô cùng.

Thạch Phá Thiên biết nàng thân mật với mình, dĩ nhiên rất vui lòng nhưng lại chẳng hiểu gì. Lão già trên cầu lại nói: “Cả hai đứa nhãi nhép chui ra đây hết cho ta! A Đang, hôm nay gia gia đã giết mấy người rồi?”

Đinh Đang run rẩy nói: “Hình như… mới giết một người.”

Thạch Phá Thiên nghĩ bụng: “Mình thật là xúi quẩy, toàn gặp phải những người cứ mở miệng ra là nói chuyện giết người.”

Chàng lại nghe lão già ngồi trên cầu nói: “Hay lắm! Hôm nay ta mới giết có một người, thì còn giết được hai tên nữa. Giết hai mạng để nhắm rượu kể ra cũng thích.”

Thạch Phá Thiên tự hỏi: “Giết người để nhắm rượu ư? Ông lão này nói chuyện thật là tức cười.” Đột nhiên chàng thấy Đinh Đang buông tay chàng ra, rồi trước mắt hoa lên một cái, trên thuyền đã có thêm một người nữa.

Lão này râu tóc bạc phơ, miệng cười toe toét trông ra vẻ một ông lão hiền hòa vui vẻ. Nhưng lúc mắt chàng chạm vào mắt lão thì lập tức không chịu nổi phải phát run. Cặp mắt lão chiếu ra những tia sáng hung dữ tà ác, khiến ai nhìn thấy cũng phải nổi da gà, tưởng chừng như bị giá lạnh thấu xương. Lão già cười khà khà, giơ tay lên vỗ vào vai Thạch Phá Thiên một cái rồi nói: “Hảo tiểu tử! Phúc khí của ngươi không nhỏ mới được uống rượu Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng đã hai mươi năm của lão gia.”

Lão chỉ khẽ vỗ vai Thạch Phá Thiên mà xương cốt chàng kêu răng rắc, tưởng chừng như bị gãy nát hết. Đinh Đang cả kinh, níu lấy cánh tay lão năn nỉ: “Gia gia… gia gia đừng đả thương y.” Lão già tiện tay vỗ vai một cái, nhưng đã vận đến bảy thành công lực, lẽ ra xương vai Thạch Phá Thiên gãy vụn ra mới phải. Ngờ đâu bàn tay lão vừa chạm vào vai Thạch Phá Thiên thì lập tức trên vai chàng phát ra một luồng nội lực rất hùng hậu và trầm ổn, chẳng những hộ vệ được toàn thân mà còn hất bàn tay lão ngược lại. Nếu lão không vội thúc đẩy thêm nội lực thì chắc chắn tay mình phải bị hất ngược lên trời, lúc đó thật là xấu hổ.

Lão già trong lòng kinh ngạc chẳng kém gì Đinh Đang, liền cười khà khà nói: “Hay lắm, hay lắm! Tiểu tử này cũng xứng đáng uống rượu của ta. A Đang! Rót thêm mấy chén nữa để gia gia mời hắn uống. Gia gia không trách phạt ngươi về tội trộm rượu nữa.” Đinh Đang vui mừng khôn xiết. Nàng vốn biết gia gia tính tình kiêu ngạo, trước nay chẳng coi ai ra gì. Chưa có cao thủ võ lâm nào được lão mời uống rượu. Thế mà lão vừa gặp Thạch Phá Thiên đã mời chàng uống rượu, thật là một chuyện ra ngoài dự liệu.

Đinh Đang đối với Thạch Phá Thiên tình ý nồng nàn, vốn coi chàng là một thiếu niên anh hùng trong thiên hạ. Gia gia coi trọng nhân cách chàng, thì nàng cũng chẳng lấy chi làm lạ. Nhưng rõ ràng nàng vừa nghe thấy giọng lưỡi của gia gia có ý muốn giết người, mà vừa gặp mặt chàng đã đổi giọng ngay, thì rõ ràng Thạch lang tuấn tú tiêu sái hơn người, ngay cả gia gia cũng bị làm khuynh đảo.

Đinh Đang tuyệt không biết Thạch Phá Thiên vừa trải qua một cơn đại nạn. Sở dĩ gia gia nàng thay đổi thái độ, chỉ vì lão phát giác ra nội lực của tên tiểu tử này đã đến chỗ kinh người. Thật ra tướng mạo Thạch Phá Thiên tuy không đến nỗi xấu xí nhưng cũng chẳng tuấn tú gì, còn hai chữ tiêu sái lại càng không xứng đáng chút nào. Đinh Đang vui mừng đi vào trong khoang thuyền lấy thêm ly chén. Nàng rót rượu vào đầy chén cho lão gia trước, rồi đến Thạch Phá Thiên, cuối cùng mới rót cho mình.

Lão già nói: “Hay lắm! Hay lắm! Ngươi đã lọt vào mắt xanh của A Đang, thì tất nhiên phải có chút lai lịch. Vậy ngươi tên họ là chi?”

Thạch Phá Thiên nói: “Cháu… cháu…” Lúc này thì chàng sực nhớ ra người ta thường dùng ba chữ Cẩu Tạp Chủng để thóa mạ nhau, nói với người quen thì không sao, còn nói với người lạ thì có điều bất nhã. Nhưng ngoài tên này ra thì chàng chẳng có tên nào khác, nên cứ “Cháu… cháu…” rồi không nói được nữa.

Lão già tỏ vẻ không bằng lòng hỏi lại: “Ngươi không dám nói tên với gia gia hay sao?”

Thạch Phá Thiên ngang nhiên đáp: “Có gì mà không dám? Bất quá tên của cháu khó nghe mà thôi. Cháu tên là Cẩu Tạp Chủng!”

Lão già sửng sốt một chút, rồi đột nhiên phá lên cười ha hả, tiếng cười vọng đi rất xa, cười đến nỗi chòm râu bạc bay tung cả lên. Hồi lâu lão mới nói: “Tốt! Tốt! Tốt! Thằng lỏi này có cái tên rất hay! Cẩu Tạp Chủng!”

Thạch Phá Thiên đáp ngay: “Gia gia gọi cháu có việc gì?”

Đinh Đang cũng hé môi cười, hết nhìn gia gia lại nhìn Thạch Phá Thiên, khóe thu ba đưa đẩy rất hữu tình. Nàng nghe Thạch Phá Thiên bỗng gọi gia gia mình bằng gia gia, rõ ràng đã thừa nhận là thân thiết với mình. Nàng viết chữ vào bàn tay bảo chàng đừng thổ lộ thân phận, quả nhiên chàng ngoan ngoãn nghe ta lời. Đường đường là một bang chúa tôn quý, chịu tự nhận mình là Chó Lộn Giống, chàng vì ta mà chịu uất ức như thế, rõ ràng mối tình thân thiết với ta đã đến cực điểm rồi.

Còn lão già cũng rất hoan hỉ, vì lão gọi chàng bằng Cẩu Tạp Chủng mà chàng vui vẻ đáp ngay. Như thế thì người thiếu niên thân mang tuyệt kỹ này hết sức phục tùng, không dám quật cường với lão chút nào, nên lão rất lấy làm đắc ý. Lão già lại hỏi: “A Đang! Ngươi đã nói tên của gia gia cho tình lang biết chưa?”

Đinh Đang bẽn lẽn lắc đầu đáp: “Cháu chưa nói.”

Lão già trầm mặt xuống nói: “Ngươi thương yêu gã thật sự hay là chỉ giả vờ? Sao lại chưa kể thân thế cùng dòng dõi nhà mình cho gã nghe? Nếu ngươi chỉ lấy trộm thứ rượu Thiệu Hưng đã cất hai mươi năm đem cho gã uống, thì còn có thể tha thứ được. Nhưng cả Huyền Băng Bích Hỏa Tửu mà gia gia cố để dành làm thuốc cứu mạng, ngươi cũng lấy đem cho gã uống mấy ngày liền là nghĩa làm sao?” Lão càng nói càng lên giọng ra chiều tức tối. Mấy câu sau cùng, cả nét mặt lẫn thanh âm lão đều cực kỳ nghiêm khắc. Nhất là lúc nói đến năm chữ Huyền Băng Bích Hỏa Tửu, lão vừa dằn từng tiếng, tà khí trong mắt lão vừa lộ ra ghê gớm vô cùng.

Thạch Phá Thiên ngồi cạnh nhìn thấy, không khỏi sợ run lên. Đinh Đang nghiêng mình đi, lăn vào lòng lão già năn nỉ: “Gia gia! Cái gì gia gia cũng biết hết rồi. Gia gia tha cho A Đang đi!”

Lão già cười lạnh nói: “Tha cho A Đang! Ngươi nói thì dễ lắm. Ngươi có biết Huyền Băng Bích Hỏa Tửu công hiệu như thế nào không? Ngươi tự tiện lấy như thế thì có đáng tội hay không?”

Đinh Đang đáp: “Để A Đang gắng công chế lại thứ rượu đó, gia gia đừng lo lắng chi hết.”

Lão già nói: “Ngươi nói thì dễ lắm. Nếu thứ rượu đó muốn chế là chế được ngay, thì gia gia cũng chẳng để trong lòng làm gì.”

Đinh Đang nói: “A Đang thấy toàn thân chàng lúc thì nóng như lửa, lúc lại rét run, liền nghĩ ngay chỉ có thứ thần tửu của gia gia mới điều hòa được âm dương nhị khí, liền lấy cắp cho chàng uống một chút thì quả nhiên công hiệu ngay. Thế rồi nay uống một ít, mai uống một ít, bình rượu hết nhẵn lúc nào không biết. Bây giờ gia gia nói cách chế thứ rượu này cho A Đang nghe đi. A Đang ăn trộm cũng được mà ăn cướp cũng được, nhất định sẽ chế lại mấy bình cho gia gia.”

Ông lão cười gằn nói: “Ha ha, mấy bình, mấy bình… Lúc tóc ngươi bạc trắng hết, cũng chưa chắc đã tìm được đủ những thứ thuốc trân quý để chế lại cho ta nửa bình.”

Thạch Phá Thiên nghe hai ông cháu A Đang đối đáp với nhau thì mới vỡ lẽ ra, nghĩ bụng: “Té ra lúc mình bị hai luồng khí hàn nhiệt xung kích nhau trong thân thế mà mê man bất tỉnh, mỗi ngày Đinh Đang đã lấy thứ rượu quý Huyền Băng Bích Hỏa Tửu gì gì đó của gia gia mà đút cho mình uống, nhờ vậy mình mới không chết, cũng là do nàng rót rượu cho mình. Vậy nàng là đại ân nhân cứu mạng cho mình.” Bây giờ chàng thấy lão già gay gắt với nàng, liền lên tiếng: “Gia gia! Cháu đã uống rượu quý của gia gia, vậy gia gia cứ cháu mà đòi, cháu sẽ nghĩ cách lấy rượu về trả gia gia. Nếu cháu không trả được thì gia gia muốn trách phạt thế nào cháu cũng chịu, xin gia gia đừng làm khó dễ Đinh Đinh Đang Đang nữa.”

Lão già cười khà khà nói: “Hay lắm, hay lắm! Ngươi nói thế thì còn nghe được. A Đang! Sao ngươi không đem thân thế mình mà nói cho y biết?”

Đinh Đang vẫn ra vẻ thẹn thùng, ấp úng đáp: “Y… y chẳng khi nào hỏi đến, nên cháu cũng không nói ra. Gia gia đừng có nghi ngờ, cháu không có ý gì khác.”

Lão già hỏi: “Không có ý gì khác hay sao? Chưa chắc, chỉ sợ trong đó còn nhiều chuyện khác. Còn có chuyện gì trong lòng con tiểu nha đầu này mà gia gia không biết? Ngươi thật lòng thật dạ yêu thằng lỏi này, chỉ mong gã cưới về làm vợ. Ngươi sợ nói gốc gác mình ra thì hắn hồn phi phách tán mà chạy mất, nên cố ý giấu giếm được lúc nào hay lúc ấy. Ngươi nói thử xem có đúng thế không?”

Lão già nói một tràng dài đều đúng tâm sự của A Đang. Võ công của lão cao cường, nhưng quen giết người không nháy mắt, trong giang hồ ai nghe tên lão đều sợ vỡ gan vỡ mật. Chẳng ai muốn đến gần, chẳng ai dám giao hảo với lão, mà mỗi khi lão muốn thân thiết với ai, chỉ cần đối phương lộ vẻ sợ hãi hoặc chán ghét là lão hạ sát thủ ngay lập tức.

Đinh Đang hết sức khó nghĩ, trong lòng bối rối trăm chiều. Gia gia đã biết hết rồi, mình còn nói dối chỉ khiến lão giận thêm, việc này càng khó mà vãn hồi được. Còn nếu đem tên họ gia gia nói cho Thạch Phá Thiên nghe, thì mười phần hết chín là chàng kinh hãi, từ nay không dám gặp mình nữa. Một đằng nàng sợ gia gia tức giận hạ sát Thạch lang, một đằng nàng sợ Thạch lang biết được lai lịch của mình, thì mối tình hoài bão bấy lâu sẽ trôi theo dòng nước. Bất luận Thạch lang bị giết chết hay bỏ đi, thì nàng cũng đau lòng đến không sống được. Mặt Đinh Đang tái mét, ấp úng: “Gia gia! Cháu… Cháu…”

Lão già cười rộ rồi nói: “Ngươi sợ người ta coi mình không ra gì phải không? Ái chà, Đinh lão gia oai trấn giang hồ mà ngay cả cô cháu gái cũng không dám nhắc đến tên ông nội. Chẳng những ngươi có một vị gia gia như thế, đã không lấy làm vinh dự mà còn lại thấy tủi hổ ư? Ha ha! Thật là buồn cười!” Lão nói xong, cứ ôm bụng mà cười ra chiều khoái chí.

Đinh Đang đã hiểu nguy cơ tới trong khoảnh khắc. Nàng chẳng lạ gì gia gia vốn coi thứ rượu Huyền Băng Bích Hỏa Tửu quý hơn tính mạng, nàng đã ăn cắp rượu đem đi cứu tính mạng cho Thạch lang, mà lại không dám đem tên tuổi gia gia nói cho chàng biết, lão đã giận dữ đến cực điểm nên mới cười lớn như thế. Đinh Đang không làm gì được, đành nhìn Thạch Phá Thiên, nghiến răng nói: “Thiên ca! Gia gia muội ở họ Đinh.”

Thạch Phá Thiên nói: “Phải rồi! Cô nương họ Đinh thì dĩ nhiên gia gia cũng họ Đinh. Họ Đinh thật là dễ nghe.”

Đinh Đang nói: “Danh tự gia gia thượng Bất hạ Tam, ngoại hiệu của lão nhân gia là… là… Nhất Nhật Bất Quá Tam.” Nàng yên trí vừa nói ra danh hiệu Nhất nhật bất quá tam Đinh Bất Tam là Thạch Phá Thiên phải hồn xiêu phách lạc. Trong lòng nàng hoang mang đến cực điểm, cứ chăm chú nhìn Thạch Phá Thiên.

Ngờ đâu Thạch Phá Thiên vẫn thản nhiên, chỉ mỉm cười nói: “Ngoại hiệu gia gia cũng thật là dễ nghe.”

Đinh Đang hết sức kinh ngạc. Nàng hoan hỉ vô cùng, nhưng vẫn không yên tâm, chỉ sợ chàng nói kiểu châm biếm, bèn hỏi lại: “Sao Thiên ca nói là dễ nghe?”

Thạch Phá Thiên đáp: “Ta cũng không biết tại sao, chỉ thấy dễ nghe. Nhất Nhật Bất Quá Tam, thật là thú vị.”

Đinh Đang liếc mắt nhìn gia gia, chỉ thấy lão đắc ý vuốt râu ra vẻ vui mừng, lại đưa tay vỗ vào vai Thạch Phá Thiên một cái, nhưng lần này hoàn toàn không dùng nội lực. Lão lắc lắc đầu rồi nói: “Đời người chỉ tìm được một người tri kỷ là đủ mãn nguyện rồi. Mọi người nghe đến cái tên Nhất Nhật Bất Quá Tam, kẻ xu nịnh thì ca tụng công đức, kẻ nhát gan thì kinh hồn vỡ mật, cũng có mấy tên cuồng đồ trỏ tay vào mặt ta mà thóa mạ, chỉ một mình thằng lỏi này là giữ được vẻ thản nhiên, lại còn khen là danh hiệu ta dễ nghe. Tốt lắm! Tốt lắm! Gia gia phải thưởng cho ngươi, để nghĩ xem nên thưởng cái gì mới được.” Lão nói xong, ôm gối ngồi ngơ ngẩn xuất thần.

Xưa kia lão giết người nhiều quá, sau này đã tự mình sửa đổi bớt, đặt ra lề luật để hạn chế mình là một ngày không giết quá ba người. Nhưng một ngày ba mạng, mỗi năm cũng tới một ngàn. Không phải ngày nào lão cũng giết đủ ba người, nhưng trải qua mấy chục năm trời, con số đương nhiên không ít. Những người bị Đinh Bất Tam hạ sát thường thường chưa trông rõ mặt lão đã tắt hơi mà chết, ví dụ như hai tên đệ tử phái Tuyết Sơn là Tôn Vạn Niên và Chữ Vạn Xuân đã mất mạng về tay lão một cách không minh bạch.

Ngoại hiệu Nhất Nhật Bất Quá Tam cũng có chỗ hay, nhưng tiếc là mọi người trên giang hồ đều không thấy được mặt tốt của nó. Đinh Bất Tam thấy chàng thiếu niên Thạch Phá Thiên khi nghe danh hiệu của lão lại tỏ ra không khinh mạn, không chán ghét, mà còn thành thực vui mừng, bèn tự thấy mình được an ủi rất nhiều.

Năm nay Đinh Bất Tam đã ngoại lục tuần, thấu hiểu lòng người, hạng con nít giả vờ đóng kịch nhất định không thể qua mắt lão được. Trên đời trừ cô cháu gái Đinh Đang, không còn một người nào thực tâm yêu mến lão. Bây giờ lão được một chàng thiếu niên có ý thân thiết, lấy làm sung sướng vô cùng. Đinh Bất Tam trầm ngâm một lúc rồi nói: “Gia gia vốn có ba thứ bảo bối. Một là Huyền Băng Bích Hỏa Tửu thì con nhỏ kia đã ăn cắp cho ngươi uống hết rồi, nhưng đó là gia gia cho ngươi vay tạm thôi, sau này phải trả lại cho ta. Bảo bối thứ hai là võ công của gia gia, nếu ngươi học được thì dĩ nhiên rất có ích. Còn bảo bối thứ ba thì chắc ngươi đã biết rồi, chính là con cháu gái A Đang của ta. Trong hai bảo vật này, ngươi chỉ được chọn một. Ngươi muốn học võ công của gia gia, hay là muốn lấy A Đang?”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.