Phi Hồ Ngoại Truyện được viết vào các năm 1960 – 1961, ban đầu được đăng tải trong tạp chí tiểu thuyết “Võ hiệp dữ lịch sử”. Mỗi kỳ đăng 8000 chữ.
Tiểu thuyết đăng trên báo, mỗi đoạn ước chừng từ 1.000 đến 1.400 chữ. Phi Hồ Ngoại Truyện cứ 8.000 chữ là gộp thành một đoạn, cho nên cách các phương thức mô tả cũng khác nhau. Tôi cứ mười ngày là viết xong một đoạn, toàn viết về đêm. Cứ 12 giờ đêm là bắt đầu viết, đến 7 giờ sáng hôm sau thì ngưng. Viết một bộ trường thiên tiểu thuyết mà cứ 8.000 chữ phân thành một đoạn thì rõ ràng tiết tấu tuyệt đối không ổn. Lần sửa đổi này chủ yếu là điều chỉnh tiết tấu cho trôi chảy, loại bỏ hết những đoạn không cần thiết.
Phi Hồ Ngoại Truyện là “tiền truyện” của Tuyết Sơn Phi Hồ, tả lại sự tích của Hồ Phỉ thời quá khứ. Tuy vậy, những mối tương quan của hai bộ tiểu thuyết này không phải hoàn toàn thống nhất nhau. Trong Phi Hồ Ngoại Truyện, khi chưa gặp Miêu Nhân Phụng thì Hồ Phỉ đã có ý trung nhân. Khi hiệu đính Tuyết Sơn Phi Hồ, tình tiết này không cưỡng cầu cho hợp điệu.
Văn tự và phong cách của bộ tiểu thuyết này, so với tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống, có sự khác biệt rất lớn, nhưng có hai điểm phải sửa:
- Thứ nhất: trong câu đối thoại, loại bỏ bớt những quan niệm cùng câu chữ mang dáng vẻ hiện đại.
- Thứ hai: viết theo văn phong đổi mới. Cách sắp câu giống như văn chương nước ngoài.
Nhân vật chính trong Phi Hồ Ngoại Truyện thật ra là Hồ Nhất Đao. Tính cách của Hồ Phỉ trong Tuyết Sơn Phi Hồ quá sức đơn bạc, đến bộ này mới dần dần thành hình.
Ý đồ của tôi trong bộ sách này là tả một hiệp sĩ hành hiệp trượng nghĩa, cứu khốn phò nguy. Tiểu thuyết võ hiệp tả hiệp sĩ chân chính thực ra không nhiều. Phần lớn hành vi của nhân vật chính chủ yếu thiên về yếu tố “võ” chứ không thiên về yếu tố “hiệp”.
Mạnh Tử nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” nghĩa là “Kẻ không mê đắm vì phú quý, không đổi thay vì hoàn cảnh nghèo hèn, không khuất phục trước uy vũ thì đó là đại trượng phu”.
Các nhân vật võ hiệp đối với phú quý thì chẳng hề để tâm, lại không chịu khuất phục trước uy vũ, cả ba điều kiện của một bậc đại trượng phu, bọn họ đều làm được không khó. Trong cuốn sách này, tôi muốn đặt ra cho Hồ Phỉ một yêu cầu, đó là “Bất vị mỹ sắc sở động, bất vị ai khẩn sở động, bất vị diện tử sở động”. (*)
Anh hùng xưa nay thường khó qua cửa ải mỹ nhân. Một cô nương xinh đẹp như Viên Tử Y dường như lại vì Hồ Phỉ mà xiêu lòng, giữa lúc hai người đang tình cảm dạt dào, nàng lại dùng lời nhỏ nhẹ thỏ thẻ cầu xin, thật khó lòng mà từ chối.
Anh hùng hảo hán xưa nay đều ưa nói ngọt, chứ không thể dùng sức mạnh. Phụng Thiên Nam tặng cho Hồ Phỉ nào là vàng bạc, nào là cửa nhà tráng lệ nhưng chàng đều không thèm để mắt, vậy mà khi hắn thành tâm thành ý chịu khuất phục để cầu xin thì lại thấy khó lòng mà không tha hắn được. Giang hồ rất chú trọng đến thể diện và nghĩa khí. Bọn Chu Thiết Tiêu đã xuống nước nhỏ giọng để năn nỉ Hồ Phỉ bỏ qua lỗi lầm của Phụng Thiên Nam, vậy mà Hồ Phỉ vẫn không ưng thuận, không vì nể mặt họ mà bỏ qua chuyện, e rằng đó là việc khó làm nhất của anh hùng hảo hán.
Hồ Phỉ sở dĩ làm vậy cũng chỉ vì bốn mạng người của gia đình Chung A Tứ, mà chàng với Chung A Tứ hoàn toàn không quen biết, lại không có một chút giao tình.
Mục đích là nhằm tả tính cách, chẳng qua là vì không tả đạt được chiều sâu. Tuy vậy, trong các nhân vật chính giàu nam tính của tôi thì Hồ Phỉ, Tiêu Phong, Dương Quá, Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung là những nhân vật tôi rất thích.
Trong tiểu thuyết võ hiệp, khi nhân vật phản diện bị nhân vật phản diện giết chết thì phương thức xử lý thông thường là “đáng chết”, và không cần phải quan tâm thêm. Nhân vật Thương lão thái được tả trong sách dùng để biểu đạt ý đồ: nhân vật phản diện bị giết thì thân nhân của họ không chịu thừa nhận là họ đáng chết, mà vẫn sùng bái, vô cùng yêu quý họ, đến già vẫn không giảm, đến chết vẫn không đổi; đối với cái chết của họ vẫn mãi mãi đau lòng, đối với người đã giết họ vẫn vĩnh viễn hờn căm.
Tháng giêng năm 1965