Hồi 29: Bốn nữ cùng thuyền muốn gì hơn

Đúng lúc đó, bỗng nghe từ đằng sau vọng tới hai tiếng leng keng kỳ dị, có ba người từ đâu chạy vụt tới. Trương Vô Kỵ thoáng nhìn, thấy ba người đó mặc áo bào trắng rộng thùng thình, hai người thân hình cao lớn, còn người bên trái là một phụ nữ. Ba người ấy quay lưng về phía ánh trăng, nên không nhìn rõ mặt họ, nhưng trên chéo áo của cả ba đều có thêu hình ngọn lửa, hẳn là người theo Minh giáo. Ba người giơ cao hai tay, trong tay là một tấm hắc bài màu đen dài chừng hai thước; người cao nhất đứng giữa lớn tiếng nói:

– Thánh hỏa lệnh của Minh giáo tới, Hộ giáo Long Vương, Sư Vương sao chưa quỳ xuống nghênh tiếp, còn chờ đến khi nào?

Giọng nói của người này ngượng nghịu rất khó nghe.

Trương Vô Kỵ ngạc nhiên nghĩ thầm: “Trong di ngôn của Dương giáo chủ có nói, Thánh hỏa lệnh của bản giáo bị thất lạc từ đời giáo chủ thứ ba mươi mốt, là Thạch giáo chủ, sao bây giờ lại ở trong tay ba người này? Liệu Thánh hỏa lệnh là thật hay giả? Ba người này phải chăng là đệ tử bản giáo?”

Chỉ nghe Kim Hoa bà bà nói:

– Bổn nhân đã phá môn xuất giáo từ lâu, bốn chữ “Hộ giáo Long Vương” đừng nhắc đến nữa. Quý tính đại danh của các hạ là gì? Thánh hỏa lệnh là thật hay giả đây? Lấy từ đâu ra vậy?

Người kia quát:

– Bà đã phá môn xuất giáo, thì còn hỏi han lôi thôi gì nữa?

Kim Hoa bà bà lạnh lùng nói:

– Kim Hoa bà bà ta xưa nay chưa có kẻ nào dám nói nặng một câu, hồi Dương giáo chủ còn sống cũng kính nể ta ba phần. Ngươi là cái thá gì trong Minh giáo mà đòi phách lối với ta?

Đột nhiên ba người kia xông tới, ba cánh tay trái của họ cùng chộp vào Kim Hoa bà bà. Kim Hoa bà bà vung cây gậy quét ngang ba người, không ngờ họ di chuyển chân cách nào chẳng rõ, thân hình đã biến đổi sang vị trí khác. Cây gậy của Kim Hoa bà bà quét vào chỗ trống không, bà ta lại bị tay phải của ba người kia cùng chộp vào sau gáy mà vung tay quẳng ra rất xa bên ngoài.

Võ công của Kim Hoa bà bà cao cường là thế, dẫu có ba cao thủ bậc nhất thiên hạ vây đánh, cũng chẳng thể nào chỉ trong một chiêu đã thộp cổ bà ta quẳng ra ngoài xa như vậy. Thế nhưng bộ pháp của ba bạch y nhân này thực là kỳ dị, họ phối hợp với nhau lại cực kỳ nhịp nhàng, cứ y như một người có ba đầu sáu tay. Trương Vô Kỵ không khỏi thốt lên thán phục. Ba người kia di chuyển, chàng đã nhìn rõ, người cao nhất râu xồm, mắt xanh, người thứ hai râu vàng, mũi khoằm; còn người phụ nữ thì tóc đen không khác gì người Trung Hoa, song tròng mắt rất nhạt, như không có màu, mặt trái xoan, trạc ba mươi tuổi, trông lạ lùng nhưng tướng mạo vô cùng xinh đẹp. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Thì ra họ là người Hồ, thảo nào nói năng ngọng nghịu, nghe đều đều như đọc thuộc lòng vậy”.

Chỉ nghe gã râu xồm cao giọng nói:

– Thấy Thánh hỏa lệnh như thấy giáo chủ, Tạ Tốn còn chưa quỳ xuống nghênh tiếp?

Tạ Tốn nói:

– Ba vị rốt cuộc là ai? Nếu là đệ tử bản giáo, Tạ Tốn hẳn phải quen biết, còn nếu không phải là đệ tử bản giáo, thì Thánh hỏa lệnh đâu có liên quan gì với các vị.

Gã râu xồm nói:

– Minh giáo bắt nguồn từ đâu?

Tạ Tốn đáp:

– Bắt nguồn từ đất Ba Tư.

Gã râu xồm nói:

– Không sai! Ta là Lưu Vân sứ của Tổng giáo Ba Tư, còn hai vị này là Diệu Phong sứ và Huy Nguyệt sứ. Bọn ta phụng mệnh của đức Tổng giáo chủ từ Ba Tư đến Trung thổ.

Tạ Tốn và Trương Vô Kỵ đều kinh ngạc. Trương Vô Kỵ đã đọc cuốn Minh giáo lưu truyền Trung thổ ký của Dương Tiêu, biết Minh giáo quả thật từ Ba Tư truyền sang, xem ra ba vị này là người Hồ ở Ba Tư, võ công thân pháp như thế, chắc không phải giả. Chỉ nghe gã râu vàng Diệu Phong sứ nói:

– Tổng giáo chủ hay tin giáo chủ chi phái Trung thổ mất tích, các đệ tử tàn sát lẫn nhau, bổn giáo ngày một suy yếu, nên phái Vân, Phong, Nguyệt ba sứ giả sang chỉnh đốn giáo vụ. Toàn bộ giáo chúng từ trên xuống dưới đều phải tuân lệnh, không được sai sảy.

Trương Vô Kỵ cả mừng: “Tổng giáo chủ có lệnh truyền đến, thật không còn gì tốt hơn. Mình đỡ phải gánh vác trọng nhiệm, kiến thức nông cạn, dễ hỏng đại sự”.

Tạ Tốn nói:

– Minh giáo Trung thổ tuy bắt nguồn từ Ba Tư, nhưng đứng riêng một cõi như một môn phái đã mấy trăm năm nay, chưa hề chịu sự quản hạt của Tổng giáo Ba Tư. Ba vị từ xa tới đây, Tạ Tốn rất mừng, song cái chuyện quỳ nghênh gì đó thì không hiểu từ đâu ra vậy?

Gã râu xồm tên Lưu Vân sứ bèn cầm hai tấm hắc bài gõ vào nhau, nghe “keng” một tiếng, âm thanh không phải tiếng kim khí hoặc ngọc khí, thập phần cổ quái, nói:

– Đây là Thánh hỏa lệnh của Minh giáo Trung thổ. Giáo chủ họ Thạch đời trước đã đánh mất ra bên ngoài, nay bọn ta lấy lại được. Xưa nay thấy Thánh hỏa lệnh như thấy giáo chủ, Tạ Tốn còn chưa tuân lệnh ư?

Khi Tạ Tốn gia nhập Minh giáo, thì Thánh hỏa lệnh đã thất lạc từ lâu, ông chưa từng nhìn thấy; song về sự thần kỳ của Thánh hỏa lệnh, ông đã được nghe, trong kinh thư điển tịch của Minh giáo cũng có nhắc đến, nay nghe âm thanh cổ quái kia, biết rằng ba người này quả đang cầm Thánh hỏa lệnh của bản giáo; huống hồ họ vừa ra tay đã thộp cổ Kim Hoa bà bà mà quẳng ra xa, thường nhân quyết không làm nổi, nên ông không còn nghi hoặc nữa, hỏi:

– Tại hạ tin lời tôn giá, không biết có điều chi sai bảo?

Lưu Vân sứ phất tay trái một cái, Diệu Phong sứ, Huy Nguyệt sứ cùng với gã lập tức nhảy tới, chỉ sau hai lần nhô lên hụp xuống đã đến bên Kim Hoa bà bà. Kim Hoa bà bà phóng các bông kim hoa vào ba sứ giả. Họ lạng người né tránh, Huy Nguyệt sứ sấn tới, giơ ngón tay chọc vào yết hầu Kim Hoa bà bà. Kim Hoa bà bà giơ gậy chặn lại, tiện thể trả đòn; đột nhiên người bị nhấc bổng, thì ra đã bị Lưu Vân sứ và Diệu Phong sứ túm lưng giơ lên. Huy Nguyệt sứ tiến lên ba bước, vỗ vào ngực và bụng bà ta liền ba chưởng, tuy không nặng, nhưng Kim Hoa bà bà đã không còn cử động được nữa.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Ba người này thân pháp nhô lên hụp xuống chẳng hơn ai, song họ phối hợp rất nhịp nhàng. Huy Nguyệt sứ dụ địch ở mặt trước, hai người còn lại bắt giữ Kim Hoa bà bà một cách xuất quỷ nhập thần. Nếu tính riêng võ công từng người, xem ra chưa bằng Kim Hoa bà bà. Gã kia vỗ ba chưởng, tuy không phải là đả huyệt, nhưng công hiệu thì chẳng khác gì phép điểm huyệt của Trung thổ”.

Lưu Vân sứ giơ Kim Hoa bà bà lên, ném bà ta tới trước mặt Tạ Tốn, nói:

– Sư Vương, theo giáo quy bản giáo, đã gia nhập bản giáo thì suốt đời không được từ bỏ. Mụ này tự bảo đã phá môn xuất giáo, là phản đồ của bản giáo, Sư Vương hãy chém đầu mụ ta đi.

Tạ Tốn sững người, nói:

– Minh giáo Trung thổ trước nay không có thứ giáo quy ấy.

Lưu Vân sứ lạnh lùng nói:

– Từ nay trở đi Minh giáo Trung thổ phải tuân thủ hiệu lệnh của Tổng giáo Ba Tư. Đối với tên phản đồ xuất giáo, để lại chỉ là mầm họa, hãy mau trừ khử mụ ta đi.

Tạ Tốn hiên ngang nói:

– Tứ Vương của Minh giáo tình nghĩa như ruột thịt. Hôm nay tuy bà ta đối với Tạ mỗ vô tình, song Tạ mỗ không thể bất nghĩa, không thể ra tay làm hại bà ta.

Diệu Phong sứ cười ha hả, nói:

– Người Trung Quốc thật là lắm lời, chuyện gì cũng dây dưa nhùng nhằng. Kẻ đã từ bỏ bản giáo, sao lại không giết quách đi? Thế là nghĩa lý gì? Thật là kỳ quặc, khó hiểu.

Tạ Tốn nói:

– Tạ mỗ giết người không chớp mắt, nhưng không giết bằng hữu đồng giáo.

Huy Nguyệt sứ nói:

– Ngươi phải giết mụ ta. Ngươi không tuân lệnh, bọn ta sẽ giết ngươi trước.

Tạ Tốn nói:

– Ba vị vừa tới Trung thổ, trước hết đã ép buộc Kim Mao Sư Vương giết Tử Sam Long Vương, có phải là để ra oai dọa người hay không?

Huy Nguyệt sứ mỉm cười, nói:

– Ngươi hai mắt tuy mù, nhưng lòng rất sáng, mau ra tay đi!

Tạ Tốn ngẩng mặt cười một tràng, lớn tiếng nói vang động cả sơn cốc:

– Kim Mao Sư Vương quang minh lỗi lạc, đừng nói không sát hại bằng hữu đồng giáo, dù cho người này có thâm cừu đại oán, nhưng đã bị các người bắt giữ, không còn sức kháng cự, Tạ mỗ cũng không đời nào ra tay sát hại.

Trương Vô Kỵ nghe lời lẽ hào sảng của nghĩa phụ, lòng thầm cảm phục ông và đâm ra có ác cảm với ba vị sứ giả Minh giáo Ba Tư.

Lại nghe Diệu Phong sứ nói:

– Giáo đồ Minh giáo thấy Thánh hỏa lệnh như thấy giáo chủ, ngươi cả gan phản giáo chăng?

Tạ Tốn hiên ngang nói:

– Tạ mỗ bị mù đã hơn hai chục năm, các vị dẫu có chìa Thánh hỏa lệnh ngay trước mặt Tạ mỗ, Tạ mỗ cũng chẳng nhìn thấy, còn nói gì đến việc “thấy Thánh hỏa lệnh như thấy giáo chủ”?

Diệu Phong sứ cả giận, hỏi:

– Được! Vậy là nhà ngươi quyết ý phản giáo phải không?

Tạ Tốn nói:

– Tạ mỗ không dám phản giáo, nhưng tôn chỉ của Minh giáo là hành thiện trừ ác, lấy nghĩa khí làm trọng. Tạ Tốn thà mất đầu, chứ nhất định không làm việc xấu.

Kim Hoa bà bà tuy không cử động được, nhưng từng câu từng chữ Tạ Tốn nói ra đều lọt vào tai.

Trương Vô Kỵ biết nghĩa phụ đã lâm vào tình thế nguy đến tính mạng, bèn nhẹ nhàng đặt Ân Ly xuống đất. Chỉ nghe Lưu Vân sứ nói:

– Người trong Minh giáo không tuân theo Thánh hỏa lệnh đều phải bị giết sạch!

Tạ Tốn quát:

– Bản nhân là Hộ giáo pháp vương, dù là giáo chủ muốn giết ta, cũng phải lập đàn bẩm cáo với trời đất và Minh tôn bản giáo, nói rõ tội trạng cái đã.

Diệu Phong sứ cười hì hì, nói:

– Minh giáo ở Ba Tư đâu ra đấy, vừa tới Trung thổ đã đẻ ra lắm thứ quy định thối tha.

Ba sứ giả hò nhau xông tới. Tạ Tốn múa thanh đao Đồ Long bảo hộ phía trước mặt, ba sứ giả tấn công liên tiếp ba chiêu, vẫn chưa thể đến gần.

Huy Nguyệt sứ tiến thẳng lên, tay trái cầm Thánh hỏa lệnh đập xuống đỉnh đầu Tạ Tốn. Tạ Tốn vung đao gạt, nghe “keng” một tiếng rất quái dị. Thanh đao Đồ Long mọi khi chém gãy tất cả, dù là thứ binh khí cứng rắn nhất, đằng này không chém đứt được Thánh hỏa lệnh. Trong nháy mắt, Lưu Vân sứ lạng người sang bên trái, giáng một quyền trúng đùi Tạ Tốn. Tạ Tốn đang loạng choạng thì Diệu Phong sứ xoay Thánh hỏa lệnh đánh vào sau lưng ông. Đột nhiên cổ tay y bị ai nắm chặt, Thánh hỏa lệnh trên tay đã bị cướp mất. Y cả kinh quay lại, thấy tấm Thánh hỏa lệnh đã nằm trong tay phải của một thanh niên.

Trương Vô Kỵ nhảy tới cướp Thánh hỏa lệnh cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo. Huy Nguyệt sứ và Lưu Vân sứ ngạc nhiên và tức giận, từ hai bên cùng đánh tới. Trương Vô Kỵ xoay người sang trái tránh né, không ngờ nghe “bộp” một tiếng, chàng bị Huy Nguyệt sứ đánh một Thánh hỏa lệnh vào lưng.

Thánh hỏa lệnh làm bằng một chất liệu quái dị, cực kỳ cứng rắn; chàng bị trúng đòn, mắt tối sầm như muốn ngất đi. May có “Cửu dương thần công” hộ thể lập tức phát sinh uy lực, chàng vội trấn tĩnh, nhảy tới trước ba bước. Ba sứ giả Ba Tư bèn vây lại. Trương Vô Kỵ tay phải cầm Thánh hỏa lệnh đánh nhứ một chiêu về phía Lưu Vân sứ, tay trái vươn ra chộp Thánh hỏa lệnh trong tay trái của Huy Nguyệt sứ. Không ngờ Huy Nguyệt sứ vừa bung ra liền nhấn xuống một cái, đầu bên kia của tấm Thánh hỏa lệnh bật lên, cách một tiếng, trúng ngay cổ tay Trương Vô Kỵ. Năm ngón tay chàng tê dại, đành buông tấm Thánh hỏa lệnh vừa cướp được, Huy Nguyệt sứ liền đoạt lại.

Từ khi Trương Vô Kỵ luyện thành tâm pháp “Càn khôn đại na di”, sau lại được Trương Tam Phong chỉ điểm thêm cái tinh diệu của “Thái cực quyền”, chàng chưa hề gặp địch thủ; không ngờ lúc này lại bị một phụ nữ là Huy Nguyệt sứ liên tiếp đánh trúng; lần trúng đòn thứ hai, nếu không nhờ thần công hộ thể tự động thoái lực, thì cổ tay đã gãy rồi. Chàng kinh hãi, không dám cùng kẻ địch đối công, chỉ chăm chú theo dõi để nhận rõ chiêu số của đối phương.

Ba sứ giả Ba Tư thấy Trương Vô Kỵ hai lần trúng đòn, nhưng dường như không hề bị thương, cũng hết sức ngạc nhiên. Diệu Phong sứ đột nhiên cúi đầu, lấy đầu làm chùy húc thẳng vào người Trương Vô Kỵ. Lối đánh này vốn là đại kỵ trong võ học, dùng bộ phận trọng yếu nhất của cơ thể mình tông vào địch thủ. Trương Vô Kỵ đứng yên bất động, biết chiêu này của hắn trông tưởng vụng về, thực ra tinh diệu, ắt phục sẵn một chiêu khác lợi hại, chờ đầu hắn tới cách người mình một thước, chàng mới lùi lại một bước. Đúng lúc đó Lưu Vân sứ nhảy vọt lên trên không trung, rồi nhắm đỉnh đầu Trương Vô Kỵ mà ngồi xuống. Chiêu này lại càng quái dị, dùng mông đít tấn công đối phương, võ học thiên hạ tuy đa dạng thật, song chưa có chiêu số nào vừa vô dụng, vừa vụng về kiểu đó. Trương Vô Kỵ bình thản như không, lách sang một bên, bỗng cảm thấy ngực đau nhói, hóa ra đã bị Diệu Phong sứ lấy cùi chỏ thúc trúng, hắn cũng bị “Cửu dương thần công” dội ngược ra, phải lùi ba bước, loạng choạng lùi thêm ba bước, vẫn chưa đứng vững, lại phải lùi tiếp ba bước.

Ba sứ giả Ba Tư ngạc nhiên tái mặt, hai tấm Thánh hỏa lệnh trong tay Huy Nguyệt sứ vội quét ngang, còn Lưu Vân sứ thì đột nhiên nhảy lộn ba vòng trên không trung. Trương Vô Kỵ chưa hiểu ý định của gã là gì, nghĩ bụng nên tránh né là hơn, bèn bước sang trái một bước, thấy một luồng bạch quang loang loáng trước mắt, vai bên phải đã bị Lưu Vân sứ dùng Thánh hỏa lệnh giáng cho một đòn rất mạnh. Chiêu này hết sức bất ngờ, trước đó đối phương không có triệu chứng nào cả, Lưu Vân sứ rõ ràng lộn vòng trên không, tại sao lại tung Thánh hỏa lệnh đánh trúng vai chàng được kia chứ?

Trương Vô Kỵ kinh hãi, không dám ham đấu, huống hồ vai chàng vừa trúng một đòn rất nặng, tuy đã nhờ Cửu dương thần công dội ngược ra, song vẫn đau nhói tận xương. Nhưng chàng biết rằng chỉ cần mình lùi bước, thì nghĩa phụ sẽ mất mạng, nên vội hít một hơi thật dài, nghiến răng phi thân tới phía trước, giơ chưởng đánh vào ngực Lưu Vân sứ.

Lưu Vân sứ cũng đồng thời nhảy tới, hai tấm Thánh hỏa lệnh gõ vào nhau “keng” một tiếng, Trương Vô Kỵ cảm thấy choáng váng, thân hình đang ở trên không liền rơi thẳng xuống, chỉ cảm thấy bên sườn đau nhói vì bị Diệu Phong sứ đá trúng. Nghe “bịch” một cái, Diệu Phong sứ ngã ngửa ra sau; trong khi Thánh hỏa lệnh của Huy Nguyệt sứ lại đánh trúng tay phải của Trương Vô Kỵ.

Tạ Tốn ở bên cạnh nghe thấy hết, biết rằng chàng thanh niên của bang Cự Kình kia liên tiếp trúng đòn, hiện đang gắng sức chống đỡ; ông thì khổ nỗi bị mù, không có cách gì tiếp cứu chàng, trong bụng lo lắng bội phần, giả dụ chỉ một mình đối địch, ông còn có thể căn cứ tiếng gió để phân biện đường đi nước bước của binh khí và quyền cước đối phương; nếu tiến lên hiệp lực, thì biết quyền cước nào là của bằng hữu, binh khí nào là của kẻ địch? Nếu vung thanh đao Đồ Long lên không may chém chết bằng hữu, thì chẳng ân hận lắm ru? Bèn nói:

– Thiếu hiệp, hãy mau chạy thoát đi, đây là việc của Minh giáo, không liên can gì tới thiếu hiệp. Hôm nay được thiếu hiệp cứu giúp, Tạ Tốn cảm kích vô cùng.

Trương Vô Kỵ nói to:

– Tại hạ… tại hạ… Sư Vương mau chạy đi!

Thấy Lưu Vân sứ vung Thánh hỏa lệnh đánh tới, chàng đưa Thánh hỏa lệnh ra đỡ, hai tấm Thánh hỏa lệnh đụng nhau, phát ra một âm thanh cực kỳ khó nghe, khó tả. Tấm Thánh hỏa lệnh trong tay Lưu Vân sứ bị văng đi, Trương Vô Kỵ nhún mình nhảy lên định đoạt lấy, bỗng nghe “soạt” một tiếng, lưng áo chàng đã bị Huy Nguyệt sứ chộp rách toang một mảnh to. Móng tay nàng ta cào vào lưng chàng thành mấy vệt rách dài, cảm thấy khá rát; chàng bị chậm một chút, Lưu Vân sứ đã kịp chộp lại được tấm Thánh hỏa lệnh.

Sau một hồi tiếp chiến, Trương Vô Kỵ biết rõ công lực của ba người này so với chàng kẻ nào cũng kém xa; nhưng võ công của họ quái dị vô cùng, binh khí thì cực kỳ thần diệu, nguy hiểm nhất là ba người liên thủ trận pháp không ra trận pháp, bài bản không ra bài bản, kỳ bí và nham hiểm khôn lường; chỉ cần đánh bại một trong ba người, thì trận chiến hôm nay có thể thủ thắng. Chàng đánh một người, thì hai người kia liền tiếp ứng, quyền pháp không ngừng biến đổi, trước sau vẫn không sao phá vỡ cục diện liên thủ của họ, ngược lại còn bị Thánh hỏa lệnh đánh trúng hai lần. Rất may ba sứ giả Ba Tư mỗi lần đánh trúng người chàng, thì họ cũng bị phản kích mạnh mẽ, khiến họ không dám dùng quyền cước đụng tiếp vào cơ thể chàng.

Tạ Tốn quát lớn một tiếng, ôm thanh đao Đồ Long trước ngực, nhảy vào vòng chiến, tới bên cạnh Trương Vô Kỵ, nói:

– Thiếu hiệp, hãy dùng đao!

Ông đưa thanh đao cho chàng. Trương Vô Kỵ nghĩ dựa vào thần uy của thanh bảo đao có thể đẩy lui đại địch, bèn nhận lấy. Tạ Tốn nhún chân phải nhảy lùi ra sau, thì ngay lúc ấy lưng bị trúng một quyền cực mạnh của Diệu Phong sứ, tưởng chừng lục phủ ngũ tạng của ông đều bị đảo lộn. Cú đòn vừa rồi vô hình vô tung, Tạ Tốn không nghe thấy tiếng gió gì cả.

Trương Vô Kỵ vung đao chém Lưu Vân sứ. Lưu Vân sứ giơ hai tấm Thánh hỏa lệnh ra đỡ, hai tay kẹp thanh đao Đồ Long lại. Trương Vô Kỵ chỉ cảm thấy lòng bàn tay rung động mạnh, thanh đao như tuột khỏi tay; chàng kinh hãi, vội vận kình giữ lại. Lưu Vân sứ dùng Thánh hỏa lệnh định cướp binh khí đối phương, vốn ra tay là được, chưa lần nào hụt; lần này không đoạt được thanh đao của đối phương thì hết sức kinh ngạc. Huy Nguyệt sứ quát lên, cũng lấy hai tấm Thánh hỏa lệnh kẹp vào thanh đao, thành thế bốn tấm Thánh hỏa lệnh đoạt đao, uy lực càng thêm mạnh mẽ.

Trương Vô Kỵ đã bị thương bảy tám chỗ trên thân mình, tuy nhẹ, song cũng làm cho nội lực giảm hẳn đi, lúc này cảm thấy một nửa người nóng bừng, tay phải cầm đao run run. Chàng biết thanh đao Đồ Long can hệ mật thiết với tính mạng của nghĩa phụ, ông chưa biết chàng là ai, nhưng đã đưa đao cho chàng sử dụng, quả là một cử chỉ hào sảng; nếu chàng để bọn kia đoạt mất đao, thì còn mặt mũi nào nhìn nghĩa phụ? Bèn quát lớn một tiếng, “Cửu dương thần công” trong cơ thể cuồn cuộn tuôn trào. Huy Nguyệt sứ và Lưu Vân sứ mặt cùng biến sắc; Diệu Phong sứ thấy tình thế không ổn, còn tấm Thánh hỏa lệnh trong tay cũng đè luôn lên thanh đao Đồ Long.

Trương Vô Kỵ một chọi ba, song không hề núng thế; chàng tự mừng là đã cướp được một tấm Thánh hỏa lệnh của Diệu Phong sứ, nếu không cả sáu tấm cùng kẹp đao, thì sẽ khó đối phó hơn nhiều. Hiện thời bốn người đã tới giai đoạn tỷ thí nội lực. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm, họ tỷ thí nội lực với chàng tức là lấy sở đoản chống sở trường, chàng hoàn toàn không sợ. Trong giây lát cả bốn người đứng bất động, ai nấy vận công. Đột nhiên Trương Vô Kỵ thấy ngực đau nhói, tựa hồ bị một vật sắc nhọn đâm vào.

Cơn đau nhói ấy bất ngờ xuyên vào tim phổi, tay Trương Vô Kỵ liền lỏng ra, thanh đao Đồ Long bị năm tấm Thánh hỏa lệnh hút đi. Trong cơn nguy biến, chàng không rối trí, thuận tay rút phăng thanh kiếm Ỷ Thiên đeo bên hông, sử chiêu “Viên chuyển như ý” trong Thái cực kiếm pháp, vạch một vòng tròn chéo, đâm vào bụng dưới của cả ba sứ giả Ba Tư. Ba người kia đang nhảy lùi ra né tránh, thì Trương Vô Kỵ đã gài kiếm vào bao, giơ tay đoạt lại thanh đao Đồ Long. Bốn bước mất đao, rút kiếm, hoàn kiếm, đoạt đao, thủ pháp nhanh như chớp, chính là công phu “Càn khôn đại na di” cấp thứ bảy.

Ba sứ giả Ba Tư cùng ồ lên kinh ngạc. Nội lực của họ kém xa Trương Vô Kỵ, nên họ vừa mở miệng, thì ba tấm Thánh hỏa lệnh liền bị thanh đao Đồ Long hút theo. Ba người kia vội vận sức giữ lại, thành thế giằng co không bên nào hơn bên nào. Trương Vô Kỵ bỗng lại cảm thấy ngực bị đâm nhói một cái.

Nhưng lần này chàng đã đề phòng, bảo đao không tuột khỏi tay. Hai lần đau nhói này tưởng là hữu hình, thực chất không phải, có một luồng hàn khí đã đột phá “Cửu dương thần công hộ thể” mà xuyên vào nội tạng. Chàng biết ba sứ giả Ba Tư này có nội lực cực kỳ âm hàn, tập trung vào một điểm, theo tấm Thánh hỏa lệnh truyền đi, sẽ đột phá mà xuyên vào cơ thể chàng. Lấy chí âm công chí dương, thì vị tất đã thắng được “Cửu dương thần công”. Nhưng “Cửu dương thần công” của chàng thì trải ra toàn thân, còn âm kình của ba người kia tụ lại nhỏ như sợi tóc mà xuyên vào, cho nên rất khó đề phòng và chống đỡ. Chuyện đó giống như một con voi lớn tuy có sức mạnh khổng lồ, song vẫn có thể bị đàn bà trẻ con dùng kim nhọn chọc thủng da vậy. Âm kình xuyên vào cơ thể tuy sẽ biến mất ngay, nhưng cũng gây đau buốt thấu xương.

Huy Nguyệt sứ sử dụng liên tiếp hai lần nội kình “Thấu cốt châm”, thấy đối phương hầu như chả tốn sức lực chống đỡ, thì rất lấy làm lạ. Diệu Phong sứ tuy tay trái để không, nhưng kình lực toàn thân đã dồn vào cánh tay phải, tay trái chẳng khác gì tê liệt. Trương Vô Kỵ biết rằng nếu cứ để giằng co thế này, âm kình của đối phương cứ liên tiếp xuyên phá sang, thì chàng sẽ không chịu nổi, thực chưa có cách gì đối phó. Tai nghe tiếng thở của Tạ Tốn rõ dần, rõ ràng ông đang tới gần, chàng biết nghĩa phụ muốn giúp chàng đánh địch. Lúc này bốn người nội kình trải rộng toàn thân, nếu Tạ Tốn giáng đòn vào kẻ địch thì cũng đánh vào Trương Vô Kỵ, nên ông cứ chần chừ chưa dám ra tay.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Tình thế nguy hiểm thế này, để nghĩa phụ thoát thân trước đi là hơn”, bèn nói to:

– Tạ đại hiệp, võ công của ba sứ giả Ba Tư tuy kỳ dị, nhưng tại hạ muốn thoát đi không khó. Xin đại hiệp lánh đi trước cho, tại hạ sẽ chạy theo, trả lại bảo đao sau.

Ba sứ giả Ba Tư thấy chàng đang dốc toàn lực tỷ thí nội kình mà vẫn mở miệng nói năng thản nhiên như thường, thì không khỏi kinh ngạc.

Tạ Tốn nói:

– Quý tính đại danh của thiếu hiệp là gì?

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm lúc này chưa thể cùng ông nhận thân, nếu không nghĩa phụ vì quá yêu thương chàng, sẽ liều chết với ba sứ giả Ba Tư để bảo vệ chàng, bèn đáp:

– Tại hạ họ Tăng, tên A Ngưu. Tạ đại hiệp sao chưa chạy đi, chẳng lẽ không tin tại hạ, sợ tại hạ lấy mất bảo đao?

Tạ Tốn cười ha hả, nói:

– Tăng thiếu hiệp khỏi cần nói khích Tạ mỗ. Hai ta lo lắng cho nhau, Tạ mỗ vào lúc cuối đời còn được kết giao với một vị bằng hữu như Tăng thiếu hiệp, thật là một việc thú vị. Tăng thiếu hiệp, Tạ mỗ muốn dùng “Thất Thương Quyền” đánh nữ nhân này. Khi Tạ mỗ phát kình, Tăng thiếu hiệp hãy buông đao, thu tay về.

Trương Vô Kỵ biết “Thất Thương Quyền” của nghĩa phụ lợi hại vô cùng, chỉ cần chàng buông tay khỏi đao cho địch nhân, thì một quyền của Tạ Tốn sẽ đánh chết ngay Huy Nguyệt sứ; nhưng như thế bản giáo sẽ kết thù chuốc oán với Tổng giáo Ba Tư; bản thân chàng vẫn luôn miệng khuyên nhủ huynh đệ đồng giáo coi trọng hòa mục; hôm nay chẳng hỏi đầu đuôi lại đánh chết sứ giả Ba Tư, thì có giống một vị giáo chủ Minh giáo hay chăng? Chàng vội nói:

– Hãy khoan!

Rồi quay sang nói với Lưu Vân sứ:

– Chúng ta hãy tạm dừng tay, tại hạ có mấy lời muốn nói rõ cùng ba vị.

Lưu Vân sứ gật đầu. Trương Vô Kỵ nói:

– Tại hạ có liên hệ mật thiết với Minh giáo, ba vị lại mang Thánh hỏa lệnh tới đây, vậy là khách quý của tại hạ, vừa rồi vô lễ đắc tội. Bây giờ tất cả cùng thu hồi nội lực, dừng tay thôi đấu, được chăng?

Lưu Vân sứ liên tiếp gật đầu. Trương Vô Kỵ cả mừng, lập tức thu kình, ôm thanh đao Đồ Long vào ngực; cứ tưởng ba sứ giả Ba Tư cũng đồng thời thu hồi nội kình. Đột nhiên một luồng âm kình như đao như kiếm, như mũi dùi đâm thẳng vào huyệt Ngọc Đường ở ngực chàng.

Luồng khí âm hàn ấy tuy vô hình vô chất, nhưng khi xuyên vào cơ thể thì cũng sắc bén chẳng khác gì đao kiếm. Trương Vô Kỵ tức thời ngừng thở, toàn thân đờ đẫn không thể cử động, trong óc vụt thoáng hàng loạt ý nghĩ: “Sau khi ta chết, nghĩa phụ chắc cũng khó thoát khỏi độc thủ; không ngờ sứ giả Ba Tư lại bất chấp tín nghĩa như thế. Biểu muội Ân Ly có sống được chăng? Triệu cô nương và Chu cô nương sẽ ra sao? Tiểu Chiêu, ôi, cô bé thật đáng thương! Sự nghiệp cứu dân kháng Nguyên của bổn giáo cuối cùng sẽ tới đâu?” Chỉ thấy Lưu Vân sứ tay phải giơ tấm Thánh hỏa lệnh đập xuống đỉnh đầu chàng. Trương Vô Kỵ gấp vận nội lực, xung kích huyệt Ngọc Đường đang bị điểm trên ngực, song vẫn chậm một bước.

Bỗng có tiếng nữ giới quát to:

– Đại đội binh mã của Minh giáo Trung thổ đã tới!

Lưu Vân sứ kinh ngạc, cánh tay cầm Thánh hỏa lệnh đang giơ lên bỗng sững lại, chưa đánh xuống. Chỉ thấy một bóng xám nhanh như tia chớp vụt tới, rút thanh kiếm Ỷ Thiên bên hông Trương Vô Kỵ, cả người lẫn kiếm lao thẳng vào bụng Lưu Vân sứ.

Trương Vô Kỵ không cử động được, nhưng vẫn nhìn thấy rõ ràng, người đó chính là Triệu Mẫn; chàng cả mừng, song cũng kinh hãi không sao kể xiết.

Nguyên nàng đang sử dụng một sát chiêu của phái Côn Luân, gọi là chiêu “Ngọc toái côn cương[121], một lối đánh thí mạng, mình và đối phương cùng chết. Trương Vô Kỵ tuy không biết tên gọi của chiêu này, song biết nàng sử kiếm xuất chiêu, kiếm Ỷ Thiên sắc bén như thế, Lưu Vân sứ hẳn sẽ bị nàng đâm chết, còn nàng thì cũng khó thoát khỏi độc thủ của địch.

Lưu Vân sứ thấy thế kiếm quá ghê gớm, đừng nói ba sứ giả liên thủ, tự mình gã bảo vệ cũng chẳng xong, trong cơn nguy cấp liền giơ Thánh hỏa lệnh gạt kiếm, rồi bất kể sống chết, lăn ngay xuống đất. Chỉ nghe “keng” một tiếng, Thánh hỏa lệnh đã gạt được kiếm Ỷ Thiên ra, nhưng thấy má bên trái mát rượi, nhất thời cũng chả biết là mình sống hay chết, đến lúc đứng dậy, giơ tay lên sờ má, thấy ướt dính và đau đớn dị thường, thì ra một mảng râu lẫn với thịt đã bị kiếm Ỷ Thiên sớt đi, nếu Thánh hỏa lệnh không phải là kỳ vật, gạt được nhát kiếm, thì nửa cái đầu của gã đã bị chém đứt rồi.

Sau khi Trương Vô Kỵ đi gặp Tạ Tốn, Triệu Mẫn nghĩ đến Kim Hoa bà bà gian trá ngụy bí, Trần Hữu Lượng hình tích khả nghi, nàng không thể yên tâm bèn len lén bám theo. Nàng tự biết mình khinh công không phải loại thượng thừa, chỉ cần theo gần sẽ bị phát giác, nên phải theo rất xa phía sau. Đến khi Trương Vô Kỵ ra tay đấu với ba sứ giả Ba Tư, nàng mới dám tới gần. Khi Trương Vô Kỵ tỷ thí nội lực với ba người đó, nàng mừng thầm, nghĩ bụng ba người Hồ kia tuy võ công quái dị, nhưng nội lực làm sao thâm hậu bằng “Cửu dương thần công” của Trương Vô Kỵ. Bỗng dưng Trương Vô Kỵ kêu gọi ba người kia ngừng đấu, Triệu Mẫn đang định lên tiếng nhắc chàng cẩn thận, thì đối phương đã sử dụng “Âm phong đao”, khiến Trương Vô Kỵ bị thương ngã lăn ra đất. Nàng cả kinh, bất chấp hết thảy, nhảy bổ tới, sau khi rút kiếm Ỷ Thiên từ bên hông chàng, liền sử ngay chiêu số thí mạng của phái Côn Luân mà nàng học được ở chùa Vạn An.

Triệu Mẫn chỉ một chiêu đã buộc Lưu Vân sứ phải lui ra, song kiếm Ỷ Thiên cũng bật vòng lại, xén đứt một nửa cái vành mũ của nàng, để lộ ra mái tóc dài mượt. Trường kiếm của nàng vòng xéo lại, thì nàng lao người vào Diệu Phong sứ, thành thử kiếm Ỷ Thiên lại theo phía sau thân hình nàng. Chiêu này gọi là “Nhân quỷ đồng đồ”, một tuyệt chiêu của phái Không Động, cùng một kiểu như chiêu “Ngọc toái côn cương” của phái Côn Luân, đều là loại chiêu số biết mình thua, nên quyết ý cùng chết với địch. Lối đánh này rất thảm liệt. Võ công cửa Phật như hai phái Thiếu Lâm, Nga Mi không có loại chiêu số này. “Ngọc toái côn cương” và “Nhân quỷ đồng đồ” không phải là những chiêu chuyển bại thành thắng, tìm đường sống trong cái chết, mà chỉ cốt cả hai cùng tử thương, cùng xuống suối vàng. Ngày trước ở chùa Vạn An, các cao thủ phái Côn Luân và Không Động bị nhốt, bị làm nhục, lúc tỷ võ thì công lực đã mất hết, không còn cách nào thủ thắng, vài người tính nết nóng nảy đã giở chiêu số này ra, nhưng vì họ đã mất nội lực, nên có liều chết cũng không thành. Triệu Mẫn đã ghi nhớ lại.

Diệu Phong sứ thấy nàng sử dụng các chiêu số hung hãn như thế thì cả kinh, bỗng dưng toàn thân lạnh ngắt, đứng sững bất động. Diệu Phong sứ võ công tuy cao, nhưng rất nhát gan, thấy không có cách gì chống đỡ chiêu này, thì sợ cứng người lại, đứng im chịu chết.

Thân hình Triệu Mẫn chạm tới tấm Thánh hỏa lệnh của Diệu Phong sứ, cổ tay nàng xoay một cái, trường kiếm liền đâm tới ngực Diệu Phong sứ. Chiêu này trước tiên dùng thân mình lao vào binh khí của đối phương, bất kể trong tay đối phương là đao kiếm, giáo rìu gì cũng mặc, khi đụng vào thân mình rồi cũng phải chững lại một chút; lúc đó mình sẽ đâm kiếm tới, thì kẻ địch võ công cao mấy cũng khó lòng tránh thoát. Diệu Phong sứ nhận ra chiêu này quá nguy hiểm, mới sợ đứng chết trân như vậy. Cũng may binh khí trong tay hắn chỉ là tấm Thánh hỏa lệnh bằng kim loại dài một thước, không nhọn không sắc, nên Triệu Mẫn lao người đụng vào cũng không bị thương; trường kiếm vừa đâm ra, thì nàng đã bị Huy Nguyệt sứ ôm chặt lấy từ sau lưng.

Ba sứ giả Ba Tư liên thủ nghênh địch, phối hợp với nhau tài tình không chê vào đâu được. Triệu Mẫn vừa xông tới, tung ra hai chiêu thí mạng, khiến cho trận pháp của ba đại cao thủ rối loạn; đến lúc này Huy Nguyệt sứ mới từ sau lưng ôm được nàng. Hành vi này của Huy Nguyệt sứ tưởng không có gì lạ, kỳ thực rất chuẩn xác, không sai một ly, ứng biến thần tốc như sao băng. Thế kiếm của Triệu Mẫn tuy lợi hại, nhưng đâm chưa tới Diệu Phong sứ thì tay nàng đã bị kéo lại. Triệu Mẫn biết là không ổn, thuận theo cái thế Huy Nguyệt sứ kéo nàng về đằng sau mà hồi kiếm luôn vào bụng dưới của mình.

Chiêu này rất tráng liệt, là một chiêu kiếm của phái Võ Đang, tên là “Thiên địa đồng thọ”, không phải do Trương Tam Phong sáng tạo, mà là do Ân Lê Đình khổ tâm nghĩ ra, cốt là để cùng chết với Dương Tiêu. Sau khi Kỷ Hiểu Phù chết đi, Ân Lê Đình chỉ nghĩ đến việc duy nhất là giết bằng được Dương Tiêu để trả thù, song Ân Lê Đình tự biết võ công của mình không thể địch nổi Dương Tiêu; sư phụ tuy là đệ nhất cao thủ trong thiên hạ, nhưng tư chất, ngộ tính của mình không học được ba, bốn thành của thầy, cho nên chỉ cốt giết được Dương Tiêu, mình cũng chẳng thiết sống nữa; do đó ở trên núi Võ Đang mới nghĩ ra vài chiêu đánh thí mạng.

Khi Ân Lê Đình lén luyện tập các chiêu kiếm ấy, Trương Tam Phong bắt gặp, chỉ đành thở dài, biết chuyện loại này khó bề khuyên giải, mới đặt cho nó cái tên “Thiên địa đồng thọ”, ngụ ý là sau khi người chết đi, tinh thần bất hủ, có thể xanh tươi muôn đời, thực là một chiêu kiếm bi tráng, giết mình để giữ điều nhân nghĩa. Tại chùa Vạn An, Ân Lê Đình sử dụng chiêu này, được Phạm Dao xông ra cứu kịp. Triệu Mẫn lúc này đem ra sử dụng, chính là để kiếm Ỷ Thiên xuyên qua bụng mình đâm vào bụng kẻ đang ôm mình phía sau, Huy Nguyệt sứ làm sao tránh nổi?

Giả dụ Diệu Phong sứ chưa sợ đến cứng đờ cả người, hoặc Lưu Vân sứ đứng gần ngay bên, với lối đánh ba người kết thành một khối, thì may ra còn có thể cứu mạng hai nữ nhân.

Nhìn kiếm Ỷ Thiên sắp đâm lút vào bụng cả Triệu Mẫn lẫn Huy Nguyệt sứ, trong một sát-na đó, Trương Vô Kỵ lúc này đã xung huyệt thành công, liền giơ tay đoạt lấy thanh kiếm.

Triệu Mẫn cố vùng vẫy, thoát khỏi vòng tay Huy Nguyệt sứ ôm nàng, nàng suy nghĩ cực nhanh, cầm ngay tấm Thánh hỏa lệnh trong tay Trương Vô Kỵ ném ra xa, nghe “keng” một tiếng, rơi ngay vào bãi chông do Kim Hoa bà bà sắp sẵn.

Tấm Thánh hỏa lệnh được ba sứ giả Ba Tư coi ngang tính mạng; Lưu Vân sứ và Huy Nguyệt sứ không còn thiết đối địch với Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn, thậm chí chẳng thèm biết Diệu Phong sứ sống chết ra sao, cùng nhảy đi tìm. Hai người đó chạy được hơn một trượng, đã tới bãi chông của Kim Hoa bà bà. Huy Nguyệt sứ kêu ối một tiếng thất thanh, đã đạp phải một mũi chông. Trăng mờ gió mạnh, cỏ cao lút gối, hai người khó lòng nhìn rõ Thánh hỏa lệnh và các cây chông, đành rờ rẫm vừa nhổ chông vừa tìm Thánh hỏa lệnh. Diệu Phong sứ như từ trong giấc mơ choàng tỉnh, vội vã chạy lại chỗ đồng bọn.

Triệu Mẫn vì muốn cứu mạng Trương Vô Kỵ, vừa rồi tung ra ba chiêu thí mạng nhanh như cắt, không kịp suy tính gì hết; lúc này bình tâm lại một chút, càng nghĩ càng rùng mình, kêu “ôi” một tiếng, sà vào lòng Trương Vô Kỵ.

Trương Vô Kỵ giơ tay ôm nàng, trong lòng cảm kích bội phần, nhưng biết ba sứ giả Ba Tư kia tìm thấy Thánh hỏa lệnh sẽ lập tức quay trở lại, vội nói:

– Chúng ta chạy đi thôi!

Chàng quay sang trả thanh đao Đồ Long cho Tạ Tốn, ôm nàng Ân Ly bị trọng thương, nói với Tạ Tốn:

– Tạ đại hiệp, tạm thời nên tránh đi đã.

Tạ Tốn nói:

– Phải.

Ông cúi xuống giải huyệt cho Kim Hoa bà bà. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm Kim Hoa bà bà qua cơn đại nạn thập tử nhất sinh này, sẽ không còn hiềm khích gì với Tạ Tốn nữa.

Bốn người chạy xuống được vài trượng, Trương Vô Kỵ nghĩ bụng Ân Ly tuy là biểu muội của chàng, nhưng dẫu sao nam nữ thụ thụ bất thân, bèn trao lại Ân Ly cho Kim Hoa bà bà. Triệu Mẫn đi trước dẫn đường, tiếp đến Kim Hoa bà bà và Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ đi sau cùng, đề phòng kẻ địch đuổi theo. Chàng ngoảnh lại, thấy ba sứ giả Ba Tư vẫn đang lom khom tìm Thánh hỏa lệnh trong đám cỏ cao. Hôm nay chàng bị thảm bại, nhớ lại tình thế hung hiểm vừa rồi, cảm thấy có điều hổ thẹn, lại không biết Ân Ly trọng thương như thế, có thể cứu sống được chăng.

Đang đi, bỗng nghe Tạ Tốn giận dữ quát to một tiếng, đấm ngay một quyền vào sau lưng Kim Hoa bà bà.

Kim Hoa bà bà đưa tay ra phía sau gạt đòn, đồng thời quẳng Ân Ly xuống đất. Trương Vô Kỵ cả kinh, phi thân tới. Tạ Tốn quát:

– Hàn phu nhân, sao bà lại nỡ ra tay sát hại Ân cô nương?

Kim Hoa bà bà cười khẩy, nói:

– Ông giết hay không giết lão bà tử là việc của ông. Lão bà tử giết hay không giết con bé này là chuyện của lão bà tử, ông quản được ư?

Trương Vô Kỵ nói:

– Có tại hạ ở đây, không cho phép bà tùy tiện giết người.

Kim Hoa bà bà nói:

– Tôn giá hôm nay lo chuyện bao đồng như thế vẫn chưa đủ sao?

Trương Vô Kỵ nói:

– Chưa chắc là chuyện bao đồng. Ba sứ giả Ba Tư sắp đuổi theo đó, bà còn chưa chịu đi cho mau?

Kim Hoa bà bà hừ một tiếng, chạy về hướng tây, đột nhiên vung tay ném ngược lại ba bông kim hoa vào phía sau gáy Ân Ly. Trương Vô Kỵ dùng ngón tay búng mạnh, chỉ nghe “keng keng keng” ba tiếng, ba bông kim hoa bay ngược trở lại phía Kim Hoa bà bà, kèm theo tiếng rít trong không trung, xem ra còn mạnh hơn cả bắn đi từ cung nỏ. Lúc chàng ôm Ân Ly ban đầu, chàng đã lột râu ria hóa trang trên mặt mình, Kim Hoa bà bà đã nhận ra diện mạo của chàng, nay thấy chàng nội công quá ư thâm hậu, thì không dám giơ tay đón bắt, phải nằm mọp xuống né tránh. Ba bông kim hoa bay xẹt sát qua lưng bà ta, xé rách lưng áo ba vệt dài, khiến bà ta hoảng hồn, cắm đầu chạy, không dám ngoảnh lại nữa.

Trương Vô Kỵ bế Ân Ly lên, bỗng nghe Triệu Mẫn rên một tiếng, cúi người xuống, hai tay ôm bụng. Chàng vội chạy lên, hỏi:

– Sao thế?

Chỉ thấy tay nàng máu chảy qua các kẽ ngón tay. Nguyên khi nàng sử chiêu “Thiên địa đồng thọ” ban nãy, mũi kiếm đã chạm vào bụng. Trương Vô Kỵ cả kinh thất sắc, vội hỏi:

– Bị thương có nặng không?

Bỗng nghe tiếng Diệu Phong sứ reo to trong bãi chông:

– Tìm thấy rồi, tìm thấy rồi!

Triệu Mẫn nói:

– Mặc kệ muội, mau chạy đi, mau chạy đi!

Trương Vô Kỵ ôm nàng lên, chạy nhanh xuống núi. Triệu Mẫn nói:

– Xuống thuyền thôi! Nhổ neo đào tẩu!

Trương Vô Kỵ nói:

– Đúng thế!

Chàng một tay ôm Ân Ly, một tay ôm Triệu Mẫn, chạy xuống rất nhanh. Tạ Tốn theo sau, thầm kinh ngạc: “Chàng trai này giỏi thật, hai tay ôm hai người mà vẫn chạy nhanh đến thế!”

Trương Vô Kỵ lòng rối như tơ vò, nếu một trong hai thiếu nữ bị thương trên tay chàng mà không cứu được, thì sẽ là mối đại hận của đời chàng; rất may chàng cảm thấy thân thể hai nàng vẫn ấm, không có dấu hiệu lạnh dần.

Ba sứ giả Ba Tư tìm được Thánh hỏa lệnh rồi, lại đuổi theo, nhưng ba người đó khinh công cố nhiên thua xa Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn. Trương Vô Kỵ chạy gần tới thuyền, gọi to:

– Triệu Mẫn quận chúa có lệnh: các thủy thủ nhổ neo giương buồm lập tức ra khơi!

Lúc chàng và Tạ Tốn lên thuyền, buồm đã kéo lên. Gã tài công phải chờ chính miệng Triệu Mẫn ra lệnh, nên gã chạy tới hỏi. Triệu Mẫn bị mất quá nhiều máu, chỉ thều thào nói:

– Hãy nghe… lệnh Trương công tử… là được…

Gã tài công lái thuyền ra, khi ba sứ giả Ba Tư chạy tới bờ biển, thì thuyền đã rời bờ mấy chục trượng.

*

*   *

Trương Vô Kỵ đặt Triệu Mẫn và Ân Ly trong khoang thuyền, Tiểu Chiêu ở bên trợ giúp, cởi áo hai nàng để lộ chỗ vết thương. Trương Vô Kỵ xem xét thương thế, thấy bụng Triệu Mẫn bị vết kiếm rạch sâu nửa tấc, máu chảy tuy nhiều, nhưng không nguy đến tính mạng. Ân Ly thì bị trúng ba bông kim hoa vào chỗ yếu hại, Kim Hoa bà bà đã ra tay rất nặng, liệu có thể cứu sống nàng hay không, thật khó nói trước. Chàng rắc thuốc, băng vết thương cho hai nàng. Ân Ly đã hôn mê từ lâu, không biết gì. Triệu Mẫn thì nước mắt lưng tròng, Trương Vô Kỵ hỏi nàng cảm thấy thế nào, nàng chỉ cắn răng không đáp.

Tạ Tốn nói:

– Tăng thiếu hiệp, Tạ mỗ xa rời nhân thế đã lâu, nay tình cờ trở về Trung thổ, lại quen biết được một vị bằng hữu nghĩa khí sâu nặng như thiếu hiệp, thật là niềm vui bất ngờ.

Trương Vô Kỵ đỡ Tạ Tốn ngồi lên ghế trong khoang thuyền, rồi chàng quỳ xuống lạy, nói:

– Nghĩa phụ, hài nhi Vô Kỵ bất hiếu, không thể đi đón nghĩa phụ sớm hơn, để nghĩa phụ phải chịu bao nhiêu khổ sở.

Tạ Tốn cả kinh, hỏi:

– Thiếu hiệp… nói gì lạ thế?

Trương Vô Kỵ nói:

– Hài nhi chính là Trương Vô Kỵ đây.

Tạ Tốn làm sao tin nổi, vẫn ấp úng:

– Thiếu hiệp… nói gì lạ thế?

Trương Vô Kỵ liền đọc:

– Quyền học chi đạo tại ngưng thần, ý tại lực tiên năng chế thắng…

Chàng cứ đọc thuộc lòng thao thao bất tuyệt, từng câu từng chữ đều là yếu quyết võ học mà Tạ Tốn đã truyền thụ cho chàng trên Băng Hỏa đảo. Sau khi chàng đọc hơn hai chục câu, thì Tạ Tốn vừa kinh ngạc vừa vui mừng nắm chặt hai cánh tay chàng, nói:

– Con… con quả thật là hài nhi Vô Kỵ của ta ư?

Trương Vô Kỵ đứng lên, ôm lấy ông, kể lại sơ qua mấy sự việc quan trọng nhất, riêng việc lên làm giáo chủ Minh giáo thì tạm chưa nhắc đến, để nghĩa phụ khỏi phải theo tôn ti bản giáo hành lễ với chàng. Tạ Tốn như trong mơ, lúc này không thể không tin, cứ nhắc đi nhắc lại:

– Thật ông trời có mắt, thật ông trời có mắt!

Bỗng nghe các thủy thủ ở phía đuôi thuyền kêu lên:

Có thuyền địch đuổi theo!

Trương Vô Kỵ chạy ra đuôi thuyền, thấy xa xa có một chiếc thuyền lớn giương cả năm cánh buồm đang lướt gió đuổi theo. Trong bóng đêm không không nhìn rõ thân thuyền, nhưng năm cánh buồm trắng thì nổi rõ mồn một. Trương Vô Kỵ nhìn một lát, thấy thuyền địch nhiều buồm, thân nhẹ, càng lúc càng đuổi tới gần, trong bụng hoang mang chưa biết đối phó thế nào; nghĩ thầm cứ để cho ba sứ giả Ba Tư sang thuyền, cùng với chúng giao đấu một phen trong khoang, ở chỗ hẹp như thế, ba sứ giả Ba Tư sẽ khó bề liên thủ với nhau. Chàng bèn dời Triệu Mẫn và Ân Ly sang một bên, ra ngoài xách vào hai cái neo sắt lớn, đặt trong khoang làm chướng ngại vật để buộc ba kẻ đó phải đấu riêng từng người một với chàng.

Vừa bố trí xong, bỗng nghe “ùm” một tiếng lớn, con thuyền nghiêng sang một bên, một cột nước biển bắn lên không trung, tạt cả vào trong khoang thuyền. Thủy thủ ở đuôi thuyền kêu lên:

– Thuyền địch nã pháo! Thuyền địch nã pháo!

Quả đạn nổ bên cạnh, may chưa trúng thuyền. Triệu Mẫn vẫy vẫy Trương Vô Kỵ, nói nhỏ:

– Thuyền mình cũng có đại bác đó!

Trương Vô Kỵ liền nhớ ngay, chàng chạy ra ngoài sai các thủy thủ gỡ vật che đậy các khẩu đại bác, nhồi thuốc, lắp đạn, châm mồi bắn trả. Chỉ nghe “đoành” một tiếng lớn, một khẩu đã bắn đi. Thế nhưng các thủy thủ này đều là võ sĩ thuộc hạ của Triệu Mẫn cải trang, võ công tuy khá, song bắn đại bác hải chiến thì không thạo, thành thử quả đạn bắn ra rơi tõm xuống khoảng cách giữa hai chiếc thuyền, nước tung lên cao hàng mấy trượng, nhưng thuyền địch chẳng bị chòng chành gì hết. Thuyền địch thấy bên đối phương cũng có đại pháo, thì không dám tiến thật gần. Một hồi sau, thuyền địch lại bắn sang một quả pháo nữa, lần này trúng mũi thuyền, thuyền liền bốc cháy.

Trương Vô Kỵ chỉ huy đám thủy thủ giội nước cứu hỏa, bỗng thấy tầng trên của khoang thuyền lại có ngọn lửa bùng lên. Chàng xách hai tay hai thùng nước lớn, đạp tung cửa khoang, hắt nước vào, dập tắt luôn ngọn lửa. Trong đám khói, chàng thấy một thiếu nữ nằm trên giường, người ướt mèm bởi nước chàng vừa hắt vào. Thiếu nữ chính là Chu Chỉ Nhược. Chàng vội hỏi:

– Chu cô nương, không sao chứ?

Chu Chỉ Nhược đầu tóc ướt sũng, hình dạng thảm hại; đang cơn nguy biến, nhìn thấy Trương Vô Kỵ xuất hiện thì sửng sốt vô cùng. Nàng vừa cử động hai tay, lập tức có tiếng loảng xoảng, nguyên Kim Hoa bà bà đã dùng dây xích khóa chân tay nàng. Trương Vô Kỵ chạy xuống khoang dưới, lấy kiếm Ỷ Thiên lên chặt đứt dây xích. Chu Chỉ Nhược nói:

– Trương giáo chủ, sao giáo chủ lại tới được đây?

Trương Vô Kỵ chưa kịp trả lời, thân thuyền đột nhiên lại rung động dữ dội. Hai chân nàng loạng choạng, ngã thẳng vào lòng Trương Vô Kỵ. Chàng vội giơ tay đỡ, ánh lửa bên ngoài chiếu vào, thấy khuôn mặt tái nhợt của nàng chợt ửng hồng, điểm mấy giọt nước trông mỹ lệ thanh nhã, như nàng tiên dưới nước hiện lên. Trương Vô Kỵ định thần, nói:

– Nào, mình xuống khoang dưới thôi.

Hai người vừa ra khỏi cửa khoang, thấy thuyền chòng chành dữ dội, thì ra một quả đạn của địch vừa trúng vào làm gãy nát bánh lái, người tài công đã bị văng xuống biển mất tăm.

Viên thuyền trưởng hoảng hốt, đích thân nhồi thuốc bắn trả, muốn đánh chìm thuyền địch, nên nhồi thật nhiều thuốc súng, dùng gậy sắt nén chặt, chỉnh cho miệng súng ngóc lên cao một chút, đốt mồi lửa. Chỉ thấy một ánh lửa nhoáng lên, một tiếng nổ vang trời, cỗ đại bác vỡ tan, sắt thép bay tung tóe, viên thuyền trưởng cùng các thủy thủ vây quanh đều tan xác. Chỉ vì viên thuyền trưởng muốn cho sức nổ thật mạnh, đã nhồi quá nhiều thuốc súng, làm nổ tan cả cỗ đại bác.

Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược chạy ra ngoài boong, thấy trên thuyền chỗ nào cũng có lửa cháy, chỉ chốc lát thuyền sẽ chìm, thấy ở mạn thuyền bên trái có buộc một chiếc thuyền nhỏ, bèn gọi:

– Chu cô nương, mau nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ kia đi.

Lúc này Tiểu Chiêu bế Ân Ly, Tạ Tốn bồng Triệu Mẫn từ khoang dưới chạy ra. Nguyên tiếng nổ vừa rồi làm cho đáy thuyền thủng một lỗ lớn, nước biển lập tức tràn vào ùng ục.

Trương Vô Kỵ chờ Tạ Tốn, Tiểu Chiêu đã xuống chiếc thuyền nhỏ, liền vung kiếm chặt đứt các sợi chão buộc nó với chiếc thuyền lớn, “ùm” một tiếng, chiếc thuyền nhỏ hạ xuống biển. Trương Vô Kỵ nhẹ nhàng nhảy xuống đó, cầm ngay hai mái chèo chèo thuyền tách ra.

Lúc này trên chiếc thuyền lớn lửa bốc cao và cháy to, làm đỏ rực cả một vùng biển. Trương Vô Kỵ dốc sức chèo thuyền, nghĩ thầm chỉ cần bơi ra được vùng ánh lửa không chiếu tới, thì các sứ giả Ba Tư sẽ không nhìn thấy chiếc thuyền nhỏ này, tưởng mọi người đã chết chìm dưới biển, sẽ không đuổi theo nữa. Tạ Tốn bóc một mảnh ván mà chèo phụ.

Chiếc thuyền nhỏ lướt như bay trên mặt nước, chẳng mấy chốc đã ra tới vùng tối. Chỉ nghe chỗ chiến thuyền nổ vang mấy tiếng lớn do thuốc nổ bốc cháy. Chiếc thuyền Ba Tư không dám lại gần, chỉ đậu ở xa quan sát. Một số võ sĩ của Triệu Mẫn thạo bơi lội, bơi lại gần thuyền địch cầu cứu, đều bị bọn Ba Tư trên thuyền dùng cung tên bắn chết.

Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn không dám ngừng tay chèo. Nếu là trên đất liền, bị ba sứ giả Ba Tư đuổi kịp, còn có thể tử chiến một phen. Đằng này giữa biển cả mênh mông, thuyền địch chỉ cần bắn một quả đại bác, rơi cách thuyền vài trượng, sóng ập tới cũng đủ lật thuyền. May mà hai người nội lực thâm hậu, chèo đến nửa đêm cũng chưa thấm mệt.

Đến lúc trời sáng, thấy mây kéo đầy trời, dưới mặt biển thì sương mù dăng dăng. Trương Vô Kỵ mừng rỡ nói:

– Sương mù thế này hay lắm, cứ thế này kéo dài nửa ngày nữa, bọn địch không thể nào tìm thấy chúng ta.

Không ngờ chiều hôm đó gió bỗng thổi mạnh, mưa như trút. Chiếc thuyền nhỏ bị gió thổi trôi giạt về phía nam. Bấy giờ bắt đầu vào mùa đông, quần áo ai nấy ướt sũng, Tạ Tốn và Trương Vô Kỵ nội lực thâm hậu, còn không sao; Chu Chỉ Nhược và Tiểu Chiêu thì mỗi cơn gió bấc thổi tới, lại rét run cầm cập; nhưng trên thuyền chẳng có gì để làm cho bớt lạnh. Lúc này mấy chiếc giầm không ai chèo nữa, bốn người liền cởi giày làm tám cái gàu nhỏ liên tục tát nước mưa ra khỏi lòng thuyền.

Tạ Tốn cuối cùng gặp được Trương Vô Kỵ, trong lòng vui sướng; tuy tình cảnh hiện thời đầy nguy hiểm, song ông không coi ra gì, trong mưa to gió lớn vẫn cười nói không ngớt. Tiểu Chiêu ngây thơ trong trắng, cũng cười nói vui vẻ. Chỉ riêng Chu Chỉ Nhược cứ lẳng lặng không nói gì, mỗi khi bắt gặp ánh mắt của Trương Vô Kỵ, nàng lại quay mặt đi.

Tạ Tốn nói:

– Vô Kỵ, năm xưa ta cùng cha mẹ con giong thuyền ra biển khơi, giữa đường gặp một trận bão ghê gớm gấp nhiều lần thế này. Về sau bọn ta lên được núi băng, bắt hải cẩu ăn thịt. Có điều hồi ấy là gió nam thổi đưa bọn ta lên vùng cực bắc băng giá; còn hôm nay là gió bắc. Chẳng lẽ ông trời ghét Tạ Tốn muốn đày ta xuống Nam cực, đến phủ Tiên Ông, bắt sống ở đó hai chục năm nữa chăng? Ha ha, ha ha!

Ông cười một tràng, rồi nói tiếp:

– Năm xưa cha mẹ con một nam một nữ, trai tài gái sắc, đúng là duyên trời xe cho. Bây giờ con lại dẫn theo những bốn cô nương, thì phải làm thế nào đây? Ha ha, ha ha!

Chu Chỉ Nhược đỏ mặt, cúi đầu xuống. Còn Tiểu Chiêu thản nhiên như không, nói:

– Tạ lão gia tử, tiểu nhân chỉ là tiểu a hoàn hầu hạ công tử, không được tính vào trong đó ạ.

Triệu Mẫn tuy bị thương không nhẹ, lúc này chợt tỉnh, bỗng lên tiếng:

– Tạ lão gia tử, ông còn ăn nói bông phèng lung tung, đợi tiểu nữ khỏi rồi, sẽ cho ông một trận.

Tạ Tốn lè lưỡi, cười nói:

– Ầy, cô nương này ghê thật!

Ông không cười nữa, ngẫm nghĩ rồi nói:

– Này, đêm qua cô nương đánh thí mạng ba chiêu, thứ nhất là chiêu “Ngọc toái côn cương” của phái Côn Luân, thứ hai là chiêu “Nhân quỷ đồng đồ” của phái Không Động, còn chiêu thứ ba, hừ, lão phu quê mùa dốt nát này nghĩ chưa ra.

Triệu Mẫn thầm kinh hãi: “Thảo nào Kim Mao Sư Vương ngày xưa danh chấn thiên hạ, làm cho giang hồ một phen thất điên bát đảo. Ông ta mù cả hai mắt mà vẫn đoán trúng tuyệt chiêu ta dùng, quả thật danh bất hư truyền”, bèn nói:

– Chiêu thứ ba là của phái Võ Đang, có tên “Thiên địa đồng thọ”, hình như là chiêu số mới sáng tạo, Tạ lão gia tử không biết là phải.

Giọng nàng lúc này đã trở nên cung kính.

Tạ Tốn thở dài:

– Cô nương dốc toàn lực cứu Vô Kỵ, dĩ nhiên rất quý nhưng hà tất phải thí mạng? Việc gì cô nương phải thí mạng như thế?

Triệu Mẫn ấp úng:

– Chàng… chàng ta…

Nàng ngập ngừng không biết có nên nói ra điều này hay chăng, cuối cùng không nhịn được, giọng nghẹn ngào:

– Ai bảo chàng ta… ôm… Ân cô nương… tình tứ quá như thế, tiểu nữ chả thiết sống nữa!

Nói xong, nước mắt chảy ròng ròng.

Bốn người nghe cô nương trẻ tuổi thổ lộ tâm sự thầm kín trước mặt mọi người thì đều kinh ngạc, họ không biết rằng Triệu Mẫn là con gái Mông Cổ, yêu ai thì nói là yêu, hận ai thì nói là hận, không vờ vĩnh giấu giếm, khác hẳn con gái Trung thổ vốn thấm sâu khuôn sáo lễ giáo. Hơn nữa đang ở trên con thuyền nhỏ giữa biển khơi, mưa như trút, con thuyền có thể đắm bất cứ lúc nào, sống chết chỉ trong đường tơ kẽ tóc, chẳng cần phải kiêng dè gì nữa.

Trương Vô Kỵ nghe Triệu Mẫn nói mấy câu ấy thì vô cùng xúc động: “Triệu cô nương vốn là đại địch của ta, lần này ta theo nàng ra hải ngoại, cốt đón nghĩa phụ trở về, nào ngờ nàng lại có mối thâm tình với ta như thế”. Không cầm lòng được, chàng bèn nắm lấy tay nàng, ghé tai nàng nói nhỏ:

– Từ nay dù thế nào cũng đừng dại thế nghe!

Triệu Mẫn nói xong thì hối hận, mình là con gái, sao không giữ gìn lời ăn tiếng nói, sao lại đi tự thốt ra thế để chàng ta coi thường mình? Nhưng nghe lời chàng vừa ân cần âu yếm dặn dò, thì vừa lo vừa mừng, vừa thẹn vừa yêu, cảm thấy hết sức êm đềm ngọt ngào, nghĩ rằng ba lần vào sinh ra tử đêm qua, nỗi lênh đênh trôi giạt trên biển hôm nay đều không uổng phí.

Mưa to một trận rồi cũng tạnh dần, nhưng sương mù càng lúc càng dày. Bỗng có tiếng quẫy nước mạnh, rồi một con cá lớn chừng ba chục cân từ dưới nước nhảy vọt lên không. Tạ Tốn giơ tay phải chộp nhanh, năm ngón tay ông cắm sâu vào bụng cá, lôi nó vào lòng thuyền. Mọi người reo vui. Tiểu Chiêu rút kiếm, đánh vẩy, mổ bụng cá, cắt thành nhiều khúc. Mọi người ai nấy đói bụng, tuy cá sống rất tanh, song cũng đành nhắm mắt mà ăn vài miếng. Riêng Tạ Tốn thì ăn rất ngon lành; ông sống trên hoang đảo hơn hai mươi năm, món gì ăn được cũng đã ăn, nói chi món cá sống? Huống hồ món cá sống nhai kỹ một chút, sau cái mùi tanh tanh sẽ thấy cái vị ngọt tươi của nó.

Sóng gió trên biển lặng dần, mọi người ăn cá xong đều nhắm mắt dưỡng thần. Cả một ngày đêm vừa qua giao chiến ác liệt, ai cũng mỏi mệt tâm và lực. Chu Chỉ Nhược và Tiểu Chiêu tuy không tham chiến, song cũng bị một phen kinh hãi quá chừng. Biển lớn đung đưa con thuyền như đưa võng, cả sáu người trên thuyền trước sau đều ngủ thiếp đi.

Họ ngủ ngon một giấc dài, phải tới ba canh giờ. Tạ Tốn tuổi già, tỉnh dậy trước, nghe hơi thở của năm người trai gái hòa với tiếng gió biển thổi nhẹ. Triệu Mẫn và Ân Ly bị thương, hơi thở có phần gấp gáp; Chu Chỉ Nhược thì thở nhẹ và dài. Hơi thở của Trương Vô Kỵ lúc đứt quãng lúc tiếp nối, không phân biệt rõ ràng thở ra hít vào, khiến Tạ Tốn thầm kinh ngạc: “Thằng bé này nội lực thâm hậu quá chừng, ta bình sinh chưa gặp ai được như thế”. Hơi thở của Tiểu Chiêu thì lúc nhanh lúc chậm, rõ ràng là nàng luyện một môn nội công đặc dị. Tạ Tốn cau mày nghĩ thầm: “Lạ thật, không lẽ con bé này lại là…”

Đột nhiên Ân Ly quát to:

– Tiểu tử Trương Vô Kỵ kia, sao không đi ra đảo Linh Xà với ta?

Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Chiêu nghe tiếng thét đó đều choàng tỉnh. Lại nghe nàng Ân Ly nói:

– Ta thui thủi một mình ở đảo… Sao chàng không theo ta ra đó? Ta đêm ngày thương nhớ chàng da diết; chàng… ở cõi âm có thấu cho chăng?

Trương Vô Kỵ đưa tay sờ trán nàng, thấy nóng như hòn than, biết là nàng bị thương nặng, lên cơn sốt nói mê nói sảng. Chàng tuy y thuật tinh thâm, nhưng trên chiếc thuyền nhỏ này không có thuốc men gì, cũng đành bó tay, chỉ xé một mảnh áo, nhúng nước, đắp lên trán Ân Ly.

Ân Ly vẫn nói lảm nhảm, đột nhiên thét to:

– Cha, cha đừng… giết mẹ con, đừng giết mẹ con! Dì hai là do con giết đó, cha cứ việc… giết con đi, việc đó không liên can gì đến mẹ con… Mẹ chết rồi! Ôi mẹ chết rồi! Con làm hại mẹ rồi! Hu hu, hu hu…

Nàng cất tiếng khóc thật thương tâm. Trương Vô Kỵ dịu dàng nói:

– Thù Nhi, Thù Nhi, muội tỉnh lại đi nào. Cha muội không ở đây đâu, đừng sợ.

Ân Ly giận dữ nói:

– Cha muội không tốt, muội không sợ ông ấy đâu! Tại sao ông ấy lại lấy vợ hai, vợ ba? Mỗi người đàn ông lấy một vợ còn không đủ hay sao? Cha ơi, cha thay lòng đổi dạ, cha có mới nới cũ, lấy hết người này lại lấy người khác, làm khổ mẹ con, làm khổ lây cả con nữa! Ông không phải là cha ta, ông là kẻ bạc tình, là kẻ đại ác!

Trương Vô Kỵ bỗng giật mình kinh hoảng, sợ tái cả mặt. Thì ra chàng vừa mới mơ một giấc mơ đẹp, thấy mình đã lấy Triệu Mẫn, lại cưới cả Chu Chỉ Nhược. Khuôn mặt sưng phù của Ân Ly cũng biến thành đẹp, luôn cả Tiểu Chiêu cũng làm vợ chàng luôn. Ban ngày ban mặt không dám nghĩ lung tung, nhưng trong giấc ngủ lại thành như thế, chỉ cảm thấy cả bốn cô nương, nàng nào cũng tốt đẹp, không nỡ chia tay với một nàng nào cả. Trong lúc chàng an ủi Ân Ly, trong óc vẫn còn mang máng cái cảm giác ngọt ngào của giấc mơ kia.

Bây giờ nghe Ân Ly trách mắng phụ thân, Trương Vô Kỵ nhớ lại câu chuyện ngày trước nàng kể, nàng không nỡ để mẹ nàng bị thiệt thòi, đã giết chết ái thiếp của cha, mẹ nàng vì vậy mà phải tự vẫn, thậm chí cả cậu ruột của Trương Vô Kỵ là Ân Dã Vương đã toan một đao giết luôn con gái mình. Câu chuyện luân thường thảm khốc ấy xảy ra chẳng qua là vì Ân Dã Vương không chung tình, năm thê bảy thiếp. Chàng liếc Triệu Mẫn, rồi lại nhìn trộm Chu Chỉ Nhược, nghĩ đến giấc mơ, không khỏi ngượng ngùng.

Ân Ly vẫn nói lảm nhảm một hồi, đột nhiên nàng đổi qua giọng van xin:

– Vô Kỵ, chàng hãy theo ta đi, theo ta đi nào. Chàng cắn tay ta đau quá, nhưng ta không giận chàng đâu. Ân Ly sẽ suốt đời hầu hạ chàng, chiều chuộng chàng, coi chàng như chủ nhân của ta vậy. Chàng đừng ngại ta xấu xí, chỉ cần chàng thích ta, ta sẽ hủy hết võ công, trừ hết chất nhện độc để chàng thấy ta đẹp như buổi ban đầu…

Lời này nàng nói bằng giọng dịu dàng, ngọt ngào vô cùng. Trương Vô Kỵ nghĩ biểu muội hành sự tùy tiện, hỉ nộ thất thường, bề ngoài có vẻ quái dị ngang ngạnh, nhưng bên trong đầy sự dịu dàng âu yếm.

Lại nghe Ân Ly nói:

– Vô Kỵ, muội đi khắp nơi tìm chàng, chân trời góc biển nào cũng đến, không được tin tức gì; mãi sau mới biết chàng ở Tây Vực đã rơi xuống vực chết rồi, muội đau lòng chẳng thiết sống nữa. Ở Tây Vực muội gặp một chàng trai tên là Tăng A Ngưu, chàng ta võ công đã cao cường, tính nết lại tử tế, chàng ta bảo sẽ lấy muội làm vợ.

Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Chiêu ba nàng đều biết Tăng A Ngưu là tên giả của Trương Vô Kỵ, không hẹn mà cùng quay lại nhìn chàng.

Trương Vô Kỵ đỏ bừng cả mặt, thấy ba thiếu nữ nhìn mình bằng ánh mắt khác lạ, thì chỉ tiếc không thể nhảy ngay xuống biển, chờ khi nào Ân Ly tỉnh lại mới quay trở lên.

Lại nghe Ân Ly lẩm bẩm nói:

– Anh chàng Tăng A Ngưu ấy bảo muội rằng “Cô nương, ta thành thật mong được lấy cô nương làm vợ, chỉ mong cô nương đừng cho là ta không xứng đáng”. Chàng ta còn nói: “Từ nay trở đi, ta sẽ hết lòng ái mộ cô nương, săn sóc cô nương, bất kể ai đến gây khó dễ với cô nương, dù hắn tài ba đến mấy, ta cũng sẽ xả thân bảo vệ cho cô nương được chu toàn. Ta chỉ mong cô nương sung sướng trong lòng, quên đi mọi khổ đau từ trước”. Vô Kỵ, anh chàng Tăng A Ngưu ấy nhân phẩm còn hơn chàng nhiều, võ công còn giỏi hơn cả Diệt Tuyệt sư thái phái Nga Mi cơ. Nhưng trong lòng muội đã có một gã tiểu quỷ lang tâm đoản mệnh là chàng rồi, nên muội không nhận lời chàng ta. Chàng đoản mệnh mất đi, muội sẽ thủ tiết một đời với chàng. Vô Kỵ, chàng nói xem, Ân Ly đối với chàng tốt hay không tốt? Hồi ấy chàng coi thường muội, bây giờ trong lòng chàng có ân hận hay không?

Khi Trương Vô Kỵ nghe nàng nhắc lại những lời chàng từng nói với nàng, chàng rất ngượng nhưng càng nghe càng cảm động, tự nhiên nước mắt ứa ra ròng ròng. Lúc này sương mù đã tan hết, trăng non chiếu xuống, Ân Ly trở mình nằm nghiêng, chỉ nhìn thấy thân hình thon thả của nàng.

Lại nghe nàng nói nhỏ nhẹ:

– Vô Kỵ, chàng ở chốn u minh có vắng vẻ lắm không? Có cô đơn không? Muội cùng bà bà lên Băng Hỏa đảo ở biển bắc đón nghĩa phụ chàng về, sau đó sẽ còn phải đến núi Võ Đang cúng tế phần mộ cha mẹ chàng, cuối cùng muội sẽ đi Tây Vực, đến đỉnh núi tuyết, nơi chàng bỏ mạng, nhảy xuống vực mà bầu bạn với chàng. Có điều muội phải chờ bà bà trăm tuổi đã, nên chưa thể về với chàng sớm hơn, để bà bà ở lại một mình khổ sở. Bà bà đối với muội rất tốt, nếu không có bà bà cứu cho, thì cha muội đã giết muội rồi. Vì nghĩa phụ của chàng mà muội phản lại bà bà, chắc bà bà ghét muội lắm. Muội chỉ muốn đối thật tốt với bà bà thôi. Vô Kỵ, chàng nghĩ có phải thế không?

Những lời này nàng như bàn bạc với Trương Vô Kỵ, trong lòng nàng, Trương Vô Kỵ đã thành ma ở cõi âm, những lời nói dịu dàng với một hồn ma, dưới ánh trăng suông, trên con thuyền lênh đênh giữa biển trong đêm vắng, nghe thật thê lương.

Ân Ly còn nói mãi, câu nọ xọ câu kia, không liền mạch với nhau; có lúc hoảng hốt thét to, có lúc giận dữ chửi mắng, mỗi câu đều bộc lộ tâm trạng sầu khổ bi thương của nàng. Nàng nói mê lảm nhảm một hồi, cuối cùng giọng nhỏ dần, rồi ngủ thiếp đi.

Năm người không ai nói gì, mỗi người một tâm sự, nghe tiếng sóng vỗ nhẹ mạn thuyền, thấy rằng gió mát trăng thanh là vĩnh viễn tồn tại, mối âu lo của kiếp người không bao giờ dứt được.

Bỗng nhiên một tiếng hát hết sức nhẹ nhàng, hết sức phiêu diêu lan vang trên mặt biển:

Cõi trần kẻ trước người sau

Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay.

Hôm nay hãy biết bữa nay,

Trăm năm thấm thoắt đã hay một đời.

Mấy ai thọ được bảy mươi,

Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu.

Đó là nàng Ân Ly trong giấc mơ cất lên tiếng hát.

Trương Vô Kỵ giật mình, nhớ lại trong đường hầm bí mật lên đỉnh Quang Minh, khi bị Thành Côn bít mất lối ra, không còn cách gì thoát thân, Tiểu Chiêu cũng từng hát lên bài này. Chàng bất giác đưa mắt nhìn Tiểu Chiêu. Dưới ánh trăng, chàng thấy nàng cũng đang ngơ ngẩn nhìn mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.