Hồi 10: Đường thi tuyển tập

Tương Tây và Kinh Châu cách nhau không xa, mấy ngày sau đã đến Kinh Châu. Con đường này năm ấy chàng đã cùng sư muội theo sư phụ đi qua. Núi sông vẫn thế, con đường vẫn thế. Năm ấy trong khi đi, trên đường đầy tiếng cười của Thích Phương. Lần này, từ Ma Khê Phố đến Kinh Châu, chàng không còn nghe thấy tiếng cười. Đương nhiên có người cười nhưng chàng không nghe thấy.

Ở ngoài thành nghe ngóng, biết Lăng Thoái Tư vẫn làm tri phủ. Địch Vân mặt vẫn lấm lem bùn đất, giấu kín bộ mặt cũ, lặng lẽ vào thành.

Ý nghĩ đầu tiên là: “Mình phải tận mắt xem xem Vạn Khuê chịu khổ ra sao. Chẳng biết y đã về chưa, biết đâu còn ở Hồ Nam trị thương.”

Đến trước cửa nhà họ Vạn, xa xa thấy Thẩm Thành vội vàng từ cổng đi ra, vẻ mặt lo lắng. Địch Vân nghĩ bụng: “Thẩm Thành đã ở đây, Vạn Khuê có lẽ cũng đã về. Đến tối mình sẽ tới xem xem.” Bèn đi về phía khu vườn hoang kia.

Khu vườn hoang này cách nhà họ Vạn không xa, ngày Đinh Điển qua đời, giết Chu Kỳ, giết Cảnh Thiên Bá, giết Mã Đại Minh đều ở trong vườn này.

Lần này trở lại chốn cũ, chỉ thấy khắp nơi cỏ dại như cũ, khắp nơi gạch ngói vỡ ngổn ngang như cũ. Chàng đi đến bên gốc lão mai, vuốt ve thân cây sù sì, nghĩ bụng: “Ngày ấy Đinh đại ca qua đời dưới gốc mai già này, gốc mai vẫn như thế, không thay đổi chút nào. Mà Đinh đại ca thì xương đã thành tro.”

Chàng bèn ngồi dưới gốc mai nhắm mắt ngủ.

Ngủ đến canh hai, lấy lương khô trong túi ra ăn, rồi ra khỏi khu vườn hoang, đi về phía nhà họ Vạn, vượt tường mà vào, đến vườn hoa phía sau, bất giác trong lòng chua xót: “Ngày ấy mình bị trọng thương, nấp trong kho củi, sư muội không giúp mình, không cứu giúp mình.” Đang định bước tới bỗng thấy bên một tảng đá có ba đốm lửa leo lét.

Chàng lập tức nấp vào sau một gốc cây nhìn về phía ánh lửa. Chăm chú nhìn thì thấy ba đốm lửa ấy là ở đầu ba que hương, lư hương đặt trên một chiếc ghế nhỏ, trước ghế có hai người đang quỳ, chốc lát thì đứng dậy. Địch Vân nhìn rõ, một người là Thích Phương, còn một người nữa là một bé gái, con gái của cô, cũng tên là “Không Tâm Thái”.

Nghe thấy Thích Phương khe khẽ cầu khấn:

– Cây hương thứ nhất, cầu trời che chở cho phu quân con thoát khỏi khô nạn, giải được chất độc, đừng bị đau đớn vì độc rết. Không Tâm Thái, con nói đi, nói cầu Bồ Tát che chở cho gia gia lành bệnh.

Bé gái nói:

– Vâng, mẹ, cầu Bồ Tát che chở cho gia gia khỏi đau, không kêu la nữa.

Địch Vân đứng cách khá xa nhưng cũng nghe rõ lời mẹ con cô ta cầu khấn, biết Vạn Khuê sau khi trúng độc quả nhiên vẫn còn chịu khổ, trong lòng vừa cảm thấy một chút vui mừng, vừa giận Thích Phương đối với chồng tình nghĩa sâu nặng thế.

Lại nghe Thích Phương nói:

– Cây hương thứ hai, cầu trời che chở cho cha con được bình an, vô tai vô nạn, sớm quay về. Không Tâm Thái, con nói cầu Bồ Tát che chở cho ông ngoại sống lâu trăm tuổi.

Bé gái nói:

– Vâng, ông ngoại, ông mau mau trở về, sao ông không trở về?

Thích Phương nói:

– Cầu Bồ Tát che chở.

Bé gái nói:

– Bồ Tát che chở cho ông ngoại, che chở cả cho cha và ông nội.

Con bé chưa hề gặp Thích Trường Phát, mẹ bảo nó cầu, trong lòng nó lại chỉ nhớ ông nội và cha của mình.

Thích Phương im lặng một chút, hạ giọng nói:

– Cây hương thứ ba này, cầu trời che chở cho huynh ấy được bình an, cho huynh ấy được mọi điều như ý, cho huynh ấy sớm lấy được vợ, sớm sinh quý tử…

Nói đến đây, giọng nói bỗng nghẹn ngào, lấy tay áo lau nước mắt. Bé gái nói:

– Mẹ, mẹ lại nhớ cậu rồi.

Thích Phương nói:

– Con nói đi, cầu trời che chở cho cậu Không Tâm Thái bình an…

Khi Địch Vân nghe cô ta cầu với cây hương thứ ba đang tự lấy làm lạ: “Cô ấy đang cầu chúc cho ai?” Bỗng nghe cô nói đến bốn chữ “Cậu Không Tâm Thái”, trong tai bất giác bỗng “òa” lên một tiếng, trong lòng thầm nói: “Cô ấy đang nói về mình? Cô ấy đang nói về mình ư?”

Bé gái lại nói:

– Mẹ nhớ cậu Không Tâm Thái, cầu Bồ Tát che chở cho cậu phát tài, mua một con búp bê to cho con. Cậu là Không Tâm Thái, con cũng là Không Tâm Thái. Mẹ ơi, cậu Không Tâm Thái đi đâu thế? Sao cậu cũng không trở về?

Thích Phương nói:

– Cậu Không Tâm Thái đi đến một nơi rất xa, rất xa, cậu bỏ mẹ không hề để ý, mẹ thì lại ngày ngày nhớ cậu….

Nói đến đây, cô ôm lấy con gái, giấu mặt vào ngực con, bước nhanh vào.

Địch Vân bước đến bên lư hương, nhìn ba đốm lửa, bất giác ngẩn người.

Chàng cứ đứng ngơ ngẩn như thê, ba que hương đã cháy thành tro, chàng vẫn đứng im bất động.

* * *

Sáng sớm hôm sau, Địch Vân từ vườn sau nhà họ Vạn đi ra, đi lang thang trong thành Kinh Châu, bỗng nghe thấy tiếng “leng reng leng reng”, thì ra là một thầy thuốc rong đang đi bán thuốc. Địch Vân bỗng nảy ra một ý. Chàng muốn tận mắt nhìn thấy thảm trạng Vạn Khuê kêu la rên rỉ, thế là lấy ra mười lạng bạc, mua hết y phục, hòm thuốc của ông ta. Ông thầy thuốc lấy làm lạ, tất cả những thứ ấy đâu có quý giá gì, tối đa cũng chỉ ba bốn lạng, bèn vui vẻ bán cho chàng.

Địch Vân vào vườn hoang, thay bộ y phục thầy thuốc vào, lấy thảo dược giã ra, bôi nước thuốc lên mặt, lại bôi một đám cao lên dưới mắt trái, làm cho mặt mũi khác hẳn, rồi lắc lắc cái chuông, đi đến trước nhà họ Vạn.

Sắp đến trước cổng, chàng liền lắc cái chuông “leng reng leng reng” kêu vang lên, khi đến gần lại lên giọng ê a rao:

– Chuyên chữa các chứng nan y đê… ây, nhọt độc không tên, vết thương do trùng độc rắn độc cắn, tức khắc công hiệu đây!

Đi đi lại lại như thế ba lần, đã thấy một người vội vội vàng vàng chạy ra, vẫy tay nói:

– Ê, thầy lang, ông tới đây, tới đây.

Địch Vân nhận ra y là đệ tử Vạn môn, chính là Ngô Khảm, kẻ năm ấy đã chém đứt năm ngón tay của chàng. Nhưng Địch Vân lúc này đã cải trang, diện mạo hoàn toàn khác, Ngô Khảm tất nhiên không thể nhận ra chàng. Địch Vân sợ y nhận ra giọng nói của mình, càng làm khàn giọng đi, nói:

– Cậu chủ bảo sao? Nhưng trên người có chứng trạng gì nan y, bị ung nhọt lạ phải không?

Ngô Khảm “phì” một tiếng, nói:

– Ông nhìn tôi có vẻ bị ung nhọt gì không? Ê, tôi hỏi ông, bị rết cắn, ông có chữa được không?

Địch Vân nói:

– Thanh trúc xà, xích luyện xà, kim tước đới, thiết sản đầu… người bị những loại rắn độc trong thiên hạ cắn tại hạ đều chữa được, thuốc đến là lành ngay. Rết cắn à? Hi hi, có đáng kể gì.

Ngô Khảm nói:

– Ông chớ khoe khoang, loại rết này chẳng phải tầm thường. Các danh y trong thành Kinh Châu trông thấy đều lắc đầu, ông lại có thể chữa được à?

Địch Vân chau mày nói:

– Ghê gớm thế cơ à? Rết trong thiên hạ chẳng qua cũng chỉ có mấy chục loại như rết lông xám, rết đen trắng, rết kim tiền, rết ma đầu, rết đuôi đỏ, rết rơi xuống đất cắn, rết chân trắng…

Chàng cứ thuận miệng nói bừa, nói liền hơn hai mươi loại rết, rồi mới nói:

– Mỗi loại rết độc tính mỗi khác, mỗi loại đều có cách trị riêng, mới gọi là danh y. Nếu không có bản lĩnh thực sự thì chưa chắc hiểu được thấu đáo.

Ngô Khảm thấy thầy lang xấu xí, áo quần lam lũ, tuy kể tên nhiều loại rết nhưng lắp ba lắp bắp, giọng nói không rõ đoán là cũng chả có bản lĩnh gì, bèn nói:

– Đã thế, ông cứ vào xem xem.

Địch Vân gật gật đầu, theo y vào phủ họ Vạn.

Chàng mới bước vào cửa lập tức nhớ lại cảnh năm xưa cùng sư phụ và sư muội đến chúc thọ, lúc ấy là anh chàng nhà quê ra tỉnh, thấy cái gì cũng mới lạ, cùng với sư muội cứ ngó đông trông tây, chỉ chỉ chỏ chỏ, hôm nay trở lại, cửa nhà như cũ nhưng trong lòng chỉ cảm thấy chua xót. Chàng theo Ngô Khảm đi qua hai khu vực thiên tỉnh, đến trước lầu phía đông.

Ngô Khảm ngẩng đầu, lớn tiếng gọi:

– Tam sư tẩu, có một vị lang trung ông ấy bảo trị được rết độc, có cần ông ấy đến xem cho sư ca không?

“Két” một tiếng, cửa sổ trên lầu mở ra, Thích Phương thò đầu ra ngoài cửa sổ, nói:

– Được, đa tạ Ngô sư đệ, sư ca của đệ hôm nay đau ghê gớm, mời tiên sinh lên lầu.

Ngô Khảm nói với Địch Vân:

– Ông lên đi.

Còn mình thì không lên theo.

Thích Phương nói:

– Ngô sư đệ, mời đệ cũng lên đi, giúp thầy thuốc xem bệnh.

Ngô Khảm đáp:

– Vâng!

Rồi mới theo bước lên lầu.

Địch Vân lên lầu, thấy một chiếc án thư lớn đặt ở giữa phòng, trên bàn có giấy, bút, nghiên mực và khoảng mươi quyển sách, lại còn một chiếc áo trẻ con đang may dở. Thích Phương từ phòng trong bước ra đón, mặt không son phấn, dung nhan tiều tụy. Địch Vân chỉ nhìn cô một cái, sợ cô nhận ra mình nên không dám nhìn lâu, liền bước vào phòng. Thấy một người đang ngủ trên một chiếc giường lớn, không ngừng rên rỉ, chính là Vạn Khuê. Con gái của y ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trước giường, đang nhè nhẹ đấm chân cho cha. Nó thấy vẻ mặt cổ quái bẩn thỉu của Địch Vân, sợ hãi hét lên một tiếng, vội nấp vào sau mẹ.

Ngô Khảm nói:

– Sư ca của tôi bị rết độc cắn, chất độc không tiêu.

Địch Vân nói:

– Ờ, thế à?

Khi ở bên ngoài chàng nói chuyện với Ngô Khảm một cách thoải mái tự nhiên, lúc này gặp Thích Phương, trái tim cứ đập loạn lên, cảm thấy hai má nóng ran, môi khô lưỡi đắng, không nói được gì nữa. Chàng bước đến trước giường, vỗ vỗ lên vai Vạn Khuê.

Vạn Khuê chầm chậm trở mình, mở mắt ra nhìn Địch Vân, bỗng cảm thấy hơi sờ sợ. Thích Phương nói:

– Tam ca, vị này là thầy thuốc do Ngô sư đệ mời đến. Ông ta… ông ta có lẽ… có lẽ có linh dược trị được vết thương của huynh.

Trong giọng nói của cô có vẻ không tin tưởng chút nào.

Địch Vân không nói một lời, xem đi xem lại bàn tay sưng vù của Vạn Khuê, thấy mu bàn tay đen sậm, trông rất dễ sợ, bèn lấy giọng khàn khàn nói:

– Đây là loại rết độc đốm hoa ở vùng Nguyên Lăng Tương Tây cắn đây, ở Hồ Bắc ta không có loại rết này.

Thích Phương và Ngô Khảm cùng nói:

– Phải, phải, chính là bị cắn ở Nguyên Lăng Tương Tây.

Thích Phương lại nói:

– Tiên sinh đã nhận ra lai lịch của loại rết này, chắc là có thể chữa được chứ? Giọng nói đầy hy vọng.

Địch Vân bấm đốt ngón tay tính ngày, nói:

– Đây là bị cắn vào buổi tối, đến nay… ầy, đã bảy ngày bảy đêm rồi.

Thích Phương nhìn Ngô Khảm một cái, nói:

– Tiên sinh quả là liệu việc như thần, đúng là bị cắn vào buổi tối, đến nay đã bảy ngày bảy đêm.

Địch Vân lại nói:

– Ông chủ trẻ này có phải là đã trở tay đánh chết con rết không? Nếu không như thế thì còn có thể cứu được. Nay đã đánh chết con rết trên mu bàn tay, chất độc ngấm hết cả vào tay, muốn giải cứu thì thật là… vô cùng khó.

Thích Phương nghe thấy đến cả thời gian cũng tính cực chuẩn cho rằng chắc chắn trị được mặt đã có vẻ mừng, đến khi nghe nói vậy lại lo lắng, nói:

– Tiên sinh đã hiểu rõ như thế, vô luận thế nào, cũng xin tiên sinh cứu cho tính mạng của huynh ấy.

Địch Vân chuyến này đóng vai lương y đến nhà họ Vạn vốn là muốn tận mắt nhìn thấy tình cảnh thống khổ thê thảm rên rỉ cho đến chết của Vạn Khuê, cho hả nỗi oán hận bấy lâu, còn như cái ý cứu y tất nhiên là không hề có. Nhưng chàng từ nhỏ luôn chiều ý Thích Phương, chưa từng làm cô phật lòng, nay thấy cô lo sợ khẩn cầu như thế, lòng bỗng mềm đi, đã muốn mở hòm thuốc lấy bình thuốc giải của Ngôn Đạt Bình, nhưng lại thay đổi ý nghĩ: “Thằng Vạn Khuê này hại mình đến khốn khổ, lại cướp sư muội của mình, mình không tự tay giết hắn đã là khách khí lắm rồi, sao lại còn cứu mạng hắn?” Bèn lắc đầu nói:

– Không phải là tôi không chịu cứu, thực sự là cậu chủ trúng độc quá sâu, lại đề lâu ngày, chất độc vào não, không cứu được nữa rồi.

Thích Phương rơi nước mắt, kéo tay con gái, nói:

– Không Tâm Thái, Bảo Bảo, con khấu đầu lạy vị bá bá này, xin bá bá cứu mạng cha đi.

Địch Vân vội vàng xua tay:

– Không, đừng lạy…

Nhưng con bé rất ngoan, luôn nghe lời mẹ, lại biết phụ thân bị trọng thương, trong lòng cũng rất lo lắng, liền quỳ xuống đất, rập đầu lạy chàng. Địch Vân đã mất năm ngón tay phải, cứ giấu ở trong tay áo, liền đưa tay trái ra, đỡ con bé dậy. Khi con bé đứng dậy, chàng bỗng thấy từ trên cổ nó thòng xuống một cái khóa vàng, trên mặt khóa đúc bốn chữ “Đức dung song mậu”.

Địch Vân nhìn thấy, ngẩn người, nhớ lại ngày ấy mình bị ngất đi trong kho chứa củi nhà họ Vạn, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong một con thuyền nhỏ trôi trên sông Trường Giang, bên mình có một gói vàng bạc và nữ trang, trong đó có một chiếc khóa vàng của trẻ con, trên mặt cũng đúc bốn chữ này, có phải là… có phải là…

Chàng chỉ nhìn một cái, không dám nhìn thêm lần nữa, trong óc rối bời, rốt cuộc đã hiểu rõ: “Mình bị ngất đi trong kho củi nhà họ Vạn, nếu không phải là sư muội cứu, thì còn có ai vào đó nữa? Trước kia mình cứ nghi cô ấy có ý hại mình, nhưng đêm qua… đêm qua cô ấy cầu trời, thổ lộ tâm sự, cô ấy đối với mình tình sâu như thế, thì ngày ấy chắc chắn là không hại mình. Lẽ nào, lẽ nào ông trời có mắt, mình với sư muội trải qua bao phen khổ nạn lại có thể đoàn tụ?”

Chàng nghĩ đến đó, trái tim lại đập rộn lên, nghiêng đầu nhìn Thích Phương, thấy vẻ mặt cô đầy vẻ lo âu tha thiết, mắt đăm đăm nhìn vào Vạn Khuê, ánh mắt đầy thương yêu.

Địch Vân thấy ánh mắt của cô, trái tim lập tức lặng đi, sống lưng ớn lạnh. Chàng nhớ rất rõ, ngày ấy chàng đấu với tám đệ tử nhà họ Vạn, bị tám tên kia liên thủ đánh cho mặt mũi sưng vù, sư muội đã vá áo cho chàng, trong ánh mắt cũng đầy tình thương yêu như thế. Còn bây giờ sóng mắt cô đã dành cho chồng chứ không còn dành cho chàng nữa.

“Nếu như mình không cho thuốc giải thì cũng không ai trách mình được. Đợi Vạn Khuê chết rồi, một đêm nào đó mình lặng lẽ đến đưa sư muội đi, ai có thể ngăn cản được mình? Mình sẽ không nhắc đến chuyện cũ, cùng với cô ấy… lại làm vợ chồng. Còn đứa con gái, mình đưa đi luôn với cô ấy. Ôi, không được, không được! Sư muội mấy năm nay ở nhà họ Vạn làm thiếu phu nhân, thoải mái sung sướng quen rồi, làm sao lại có thể theo mình cày ruộng chăn bò? Huống nữa mình tướng mạo xấu xí, biết được vài trăm chữ, tay lại tàn phế, làm sao xứng với cô ấy? Cô ấy làm sao chịu đi theo mình?” Thế là chàng lại tự coi rẻ mình, thấy xấu hổ, cúi đầu xuống.

Thích Phương nào có biết trong lòng ông lang đang quay cuồng bao nhiêu ý nghĩ, chỉ ngơ ngác nhìn chàng, chỉ mong chàng thốt ra hai chữ “Cứu được!”

Vạn Khuê tiếng dài tiếng ngắn rên rỉ, lúc này độc rết đã vào đến khớp hố nách, cả cánh tay và bàn tay đều sưng vù lên, đau đớn không chịu nối.

Thích Phương đợi một hồi lâu, không nghe Địch Vân nói năng gì, lại cầu xin:

– Tiên sinh, xin tiên sinh thử một chút, chỉ cần… chỉ cần giảm nhẹ một chút… đau đớn, cũng không thể… không thể trách được tiên sinh.

Ý cô muốn nói dẫu không giữ được tính mạng của Vạn Khuê thì cũng xin tiên sinh cho chút thuốc giảm đau, dẫu không thoát chết cũng đỡ khổ sở đến thế!

Địch Vân “ủa” một tiếng, từ trong trầm tư chợt tỉnh, trong lòng trống rỗng, tắt ngấm mọi hy vọng, hận không thể chết ngay tức khắc. Chàng hết lòng yêu sư muội, nhưng cô đã lấy kẻ đại thù của chàng, lại còn khổ sở khẩn cầu chàng cứu kẻ thù. “Mình thà như thằng Vạn Khuê này, phải chịu đau đớn khổ sở mà được su muội thương yêu, dù chỉ được sống mấy ngày nữa cũng có hề gì.” Chàng khẽ thở dài một tiếng, mở hòm thuốc, lấy bình thuốc giải của Ngôn Đạt Bình, đổ ra một ít thuốc bột đen, rắc lên mu bàn tay Vạn Khuê.

Ngô Khảm kêu lên:

– Ái chà… chính… chính là thứ thuốc giải này, thế… thế là có thể cứu được rồi.

Địch Vân nghe thấy giọng y có vẻ khác lạ, đáng ra khi nói năm chữ “có thể cứu được rồi” y vui mừng mới phải, nhưng giọng y lại có vẻ thất vọng dị thường, lại còn có vẻ buồn phiền tức giận.

Địch Vân rất lấy làm lạ, nghiêng đầu nhìn y một cái, chỉ thấy trong mắt y lóe hung quang ác độc.

Địch Vân càng cảm thấy kỳ lạ, chỉ nghĩ rằng trong tám đệ tử Vạn môn không được một người tốt.

Vạn Chấn Sơn, Ngôn Đạt Bình đồng môn mà tàn sát lẫn nhau, giao tình giữa Vạn Khuê và Ngô Khảm cũng chắc gì đã tốt hơn, nhưng không hiểu vì sao y lại đi mời thầy thuốc đến xem bệnh cho Vạn Khuê.

Mu bàn tay của Vạn Khuê vừa được bôi thuốc, trong vết thương đã chảy ra máu đen, nỗi đau đớn giảm dần, y nói:

– Đa tạ tiên sinh, thuốc giải này tốt quá.

Thích Phương mừng rỡ, lấy một cái chậu đồng hứng máu, chỉ thấy “tách, tách, tách” từng giọt từng giọt máu chảy vào chậu. Thích Phương luôn miệng cảm tạ.

Ngô Khảm nói:

– Tam sư tẩu, tiểu đệ có công rồi nhé.

Thích Phương nói:

– Phải, phải đa tạ Ngô sư đệ mới được.

Ngô Khảm cười, nói:

– Nói suông mấy tiếng cảm ơn đâu có được!

Thích Phương không để ý đến y nữa, nói với Địch Vân:

– Xin hỏi quý tính của tiên sinh? Chúng tôi xin được hậu tạ.

Địch Vân lắc đầu nói:

– Không cần phải tạ ơn, loại rết độc này cần phải bôi thuốc mười lần mới giải trừ hết.

Trong lòng cảm thấy chua xót, chỉ cảm thấy mọi sự trên đời đều là khổ, nói:

– Tặng hết cho các vị.

Rồi giao cả bình thuốc giải.

Thích Phương không ngờ lại dễ dàng đến thế, nhất thời không dám nhận, nói:

– Chúng tôi xin mua, không biết bao nhiêu tiền!

Địch Vân lắc đầu:

– Tặng các vị, không cần tiền.

Thích Phương cả mừng, hai tay nhận lấy, cúi mình chúc lời vạn phúc, vô cùng biết ơn, nói:

– Tiên sinh trượng nghĩa như thế, thật không biết phải tạ ơn thế nào cho được. Ngô sư đệ, đệ hãy mời tiên sinh xuống lầu ngồi lại một chút.

Địch Vân nói:

– Không ngồi đâu, xin cáo từ.

Thích Phương nói:

– Không, không, đại ân cứu mạng của tiên sinh, chúng tôi không biết báo đáp bằng cách nào, một chén rượu nhạt, dù sao cũng phải kính mời tiên sinh. Tiên sinh đừng đi!

“Tiên sinh đừng đi!” Bốn tiếng ấy lọt vào tai Địch Vân, trái tim chàng lập tức mềm đi, nghĩ ngợi: “Mối thù này mình không báo được rồi. Sau khi an táng Đinh đại ca, mình sẽ không trở lại thành Kinh Châu nữa. Kiếp này, thế là không gặp lại sư muội nữa. Cô ấy muốn mời mình một chén rượu, ôi, được nhìn cô ấy thêm lần nữa cũng tốt rồi.” Bèn gật đầu.

* * *

Tiệc rượu được bày biện trong phòng khách nhỏ dưới lầu. Địch Vân ngồi giữa, Ngô Khảm bồi tiếp. Thích Phương vô cùng cảm kích ân đức của vị thầy thuốc này, thân tự tiếp thức ăn. Trong Vạn phủ, Vạn Chấn Sơn không ở nhà, mấy tên đệ tử khác cũng không đến dự tiệc.

Thích Phương cung cung kính kính mời ba chén rượu. Địch Vân nhận lấy, đều uống cạn, lòng xót xa, nước mắt ngập tròng, biết rằng không thể nào chịu đựng được nữa, nếu ngồi thêm một lúc, e sẽ lộ tung tích, bèn đứng dậy, nói:

– Rượu đủ rồi, tôi phải đi đây! Từ nay về sau không trở lại nữa!

Thích Phương nghe nói năng lộn xộn, nhưng vị lang trung này hết sức cổ quái nên cô cũng không lấy làm điều, nói:

– Tiên sinh, đại ân đại đức, chúng tôi không có cách nào báo đáp được, đây là một trăm lạng bạc để tiên sinh uống rượu.

Nói rồi hai tay bưng đến một bao bạc.

Địch Vân quay đầu, ngẩng mặt lên trời ha ha cười lớn:

– Là ta cứu sống y, là ta cứu sống y, ha ha, ha ha! Thật tức cười! Thiên hạ còn có kẻ nào ngốc như ta nữa không?

Chàng cất tiếng cười vang, trên hai má ròng ròng hai dòng nước mắt.

Thích Phương và Ngô Khảm thấy chàng như cuồng như điên, bất giác nhìn nhau ngạc nhiên.

Không Tâm Thái lại nói:

– Bá bá khóc rồi, bác ấy khóc rồi!

Địch Vân giật mình, sợ lộ, không dám nói chuyện với Thích Phương nữa, nghĩ bụng: “Từ nay về sau, huynh không còn gặp muội nữa.” Bèn thò tay vào trong lòng, rút tập thơ kẹp mẫu đế giày mà mình đã lấy trong hang đá ở Nguyên Lăng ra, kẹp trong tay áo, rồi từ trong tay áo nhè nhẹ cho “trôi” xuống chiếc ghế, không dám nhìn Thích Phương cũng không dám ngoái đầu lại, bước ra.

Thích Phương nói:

– Ngô sư đệ, đệ tiễn tiên sinh giùm tôi.

Ngô Khảm nói:

– Được!

Rồi bước ra theo.

Thích Phương trong tay vẫn bưng gói bạc, tim đập thình thịch: “Vị tiên sinh này rốt cuộc là người nào? Tiếng cười của ông ta sao lại giống người ấy? Ôi, mình sao thế này? Mấy ngày nay, vết thương của tam ca nặng thế, lòng mình lại cứ ngơ ngẩn nhớ tới huynh ấy… huynh ấy… huynh ấy…” Rồi thuận tay đặt gói bạc lên bàn, chống tay ngồi xuống ghế.

Cái ghế này Địch Vân vừa ngồi, Thích Phương cảm thấy mặt ghế có vật gì, vội đứng dậy, thấy có một cuốn sách cũ màu vàng vàng, ngoài bìa đề bốn chữ “Đường thi tuyển tập.”

Cô khẽ kêu lên một tiếng, đưa tay cầm lấy, tiện tay giở ra, từ trong sách rơi ra một tờ mẫu đế giày, chính là do mình cắt ở nhà cũ tại Tương Tây dạo trước. Cô há miệng ra, hai tay run bần bật, lại giở mấy trang nữa, thấy một đôi bướm giấy làm mẫu thêu. Ngày ấy cùng Địch Vân sánh vai ngồi trong hang núi, cắt đôi bướm này… cảnh thấy vụt qua trong đầu. Cô không nén được, buột miệng “a” lên một tiếng, trong lòng thầm hỏi: “Quyển… quyển sách này từ… từ đâu đến? Là… là ai đem đến? Lẽ nào lại là vị thầy lang kia?”

Bé gái thấy vẻ mặt mẹ khác lạ, kinh hoảng kêu lên:

– Mẹ, mẹ… làm sao thế?

Thích Phương ngẩn ra một lúc, cầm lấy cuốn sách nhét vào trong áo, chạy như bay xuống, lao thẳng ra ngoài cửa. Từ khi cô làm dâu nhà họ Vạn đến nay luôn giữ gìn ý tứ, chưa từng có chuyện chạy xồng xộc như thế này. Đám đầy tớ nhà họ Vạn bỗng thấy mợ chủ triển khai khinh công lao ra, thảy đều kinh ngạc.

Thích Phương chạy đến tiền sảnh, gặp Ngô Khảm từ ngoài cửa đi vào, vội hỏi:

– Vị lang trung kia đâu rồi?

Ngô Khảm nói:

– Người này thật là cổ quái, không nói một lời nào mà đi. Tam sư tẩu, sư tẩu tìm ông ta làm gì? vết thương của sư ca lại tấy lên à?

Thích Phương nói:

– Không, không!

Vội bước ra cổng, trông bốn phía, đã không thấy tung tích vị thầy thuốc đâu nữa.

Cô đứng ngẩn ngơ trước công một lúc, thò tay lấy cuốn sách cũ ra, giở giở, mỗi khi nhìn thấy tờ mẫu giày, tờ mẫu thêu, những hình ảnh hoan lạc thời niên thiếu lại xao động như sóng trong lòng, nước mắt trào ra.

Cô bỗng nghĩ lại: “Sao mình ngốc thế, công công[1] và tam sư ca gần đây đến Tương Tây gặp Ngôn sư thúc, biết đâu chẳng tình cờ vào trong hang núi, tiện tay nhặt lấy quyển sách này về. Vị lang trung kia thì có quan hệ gì với cuốn sách này?” Nhưng rồi lại nghĩ: “Không, không! Làm gì có chuyện tình cờ như thế, cái hang núi ấy cực kỳ kín đáo, đến gia gia cũng không biết, trên đời này ngoài mình ra, thì chỉ có sư ca… sư ca biết nữa mà thôi, công công và tam ca làm sao mà tìm được? Họ đi tìm Ngôn sư thúc, vào trong hang núi làm gì? Mới rồi, mình bày tiệc rượu, rõ ràng là đã lau cái ghế, đâu có quyển sách nào? Quyển sách này nếu không do vị lang trung kia đem đến thì từ đâu ra?”

Lòng đầy nghi hoặc, cô chầm chậm bước vào phòng, thấy Vạn Khuê sau khi bôi thuốc, tinh thần đã khá hơn nhiều. Cô cầm quyển sách trong tay, định hỏi chồng nhưng lại đổi ý: “Hãy khoan lỗ mãng, nếu vị lang trung kia… vị lang trung kia…”

Vạn Khuê nói:

– Phương muội, vị lang trung ấy thật là ân nhân cứu mạng của huynh, phải hậu tạ ông ấy mới được.

Thích Phương nói:

– Vâng ạ, muội biếu ông ta một trăm lạng bạc, ông ta lại không chịu nhận, thật là một dị nhân giang hồ. Bình thuốc ấy… ôi, bình thuốc đâu rồi? Huynh cất đi rồi à?

Sau khi vị lang trung đưa bình thuốc giải cho cô, cô đã để trên chiếc bàn trước giường Vạn Khuê, bây giờ lại không thấy.

Vạn Khuê nói:

– Không, không có ở trên ghế à?

Thích Phương tìm khắp nơi – trên bàn, bên giường, bàn trang điểm, ghế, tủ, gầm giường, gầm bàn… vẫn chẳng thấy bình thuốc giải đâu. Cô hết sức lo lắng: “Lẽ nào mình vừa rồi thần trí bất định, khi chạy ra đã để rơi mất rồi? Không, mình nhớ rõ ràng là đã đặt bên cạnh bát thuốc trên bàn mà.” Vạn Khuê cũng rất lo lắng nói:

– Muội mau tìm lại xem, sao lại không thấy? Huynh vừa chợp mắt, khi sắp ngủ, nhớ là còn thấy cái bình sứ trên bàn.

Y nói vậy, Thích Phương càng thêm lo lắng, quay ra ngoài phòng, kéo con gái lại hỏi:

– Vừa rồi khi mẹ đi ra, có ai vào đây không?

Con bé nói:

– Ngô thúc thúc có lên, chú ấy thấy cha đang ngủ bèn xuống ngay.

Thích Phương buông một tiếng thở dài, biết sự tình rắc rối rồi đây, nhưng tam ca đang đau, không nên để huynh ấy lo thêm, bèn nói:

– Không Tâm Thái, con ở đây với cha, nói là mẹ đi tìm vị lang trung mua một bình thuốc để chữa vết thương cho cha.

Con bé gật gật đầu, nói:

– Mẹ, mẹ về mau lên nhé.

Thích Phương định thần, rút ngăn kéo bàn, lấy ra một thanh chủy thủ, giấu vào bên mình, thong thả bước xuống lầu, ngẫm nghĩ: “Cái thằng Ngô Khảm gặp mình ở chỗ vắng người cứ có ý đồ bậy bạ gì đó. Vị lang trung kia là do y mời đến, biết đâu y với vị lang trung kia cấu kết với nhau, sắp đặt âm mưu quỷ kế gì? Nếu không sao lang trung kia không cần tiền, thuốc giải lại không thấy nữa?”

Cô vừa nghĩ vừa bước ra vườn rau, chỉ thấy Ngô Khảm đang đứng tựa lan can đang ngắm cá vàng. Thích Phương nói:

– Ngô sư đệ, chú đứng đây một mình à?

Ngô Khảm quay đầu lại, vẻ mặt tươi cười, nói:

– Đệ tưởng là ai, hóa ra là tam sư tẩu. Sao không ở trên lầu chăm sóc tam sư ca, mà ngẫu hứng xuống đây?

Thích Phương thở dài nói:

– Ầ y, tôi buồn quá. Suốt ngày chăm sóc bệnh nhân, sư ca của đệ đau quá, tính khí càng khó chịu, không ra xả hơi một chút, tìm người nói chuyện cho khuây thì buồn chết đi được.

Ngô Khảm nghe nói vậy, thật là mừng quá mức mong đợi, cười nói:

– Tam sư ca quả là không biết thế nào mới đủ, có mỹ nhân như hoa tựa ngọc bầu bạn còn tức giận nỗi gì?

Thích Phương bước đến bên cạnh hắn, cũng tựa lan can, ngắm cá vàng trong ao, cười nói:

– Sư tẩu thành bà già rồi, còn nói “như hoa tựa ngọc” gì nữa, không sợ người ta cười méo miệng đi à?

Ngô Khảm vội nói:

– Đâu có? Đâu có? Sư tẩu khi còn khuê nữ có vẻ xinh tươi của khuê nữ, khi làm mợ chủ lại có vẻ mặn mà của mợ chủ. Mọi người đều nói:

“Trong thành Kinh Châu một đóa hoa,

Trăm xinh ngàn đẹp ở Vạn gia.”

Thích Phương “hừ” một tiếng, đưa tay ra, nói:

– Đưa đây!

Ngô Khảm cười hỏi:

– Đưa cái gì?

– Thuốc giải!

Ngô Khảm lắc đầu:

– Thuốc giải nào? Để chữa cho Vạn sư ca ấy à?

Thích Phương nói:

– Đúng thế. Rõ ràng là đệ lấy.

Ngô Khảm mỉm cười giảo hoạt:

– Lang trung là do đệ mời đến, thuốc giải là do đệ tìm ra, Vạn sư ca đã bôi một lần, ít nhất cũng bớt đau đớn được mấy ngày.

Thích Phương nói:

– Lang trung tiên sinh nói cần phải bôi mười lần.

Ngô Khảm lắc đầu, nói:

– Đệ hối hận quá đi, hối hận quá đi.

Thích Phương hỏi:

– Hối hận cái gì?

Ngô Khảm nói:

– Đệ thấy tay thầy thuốc ấy bẩn thỉu, đầu bù tóc rối như đứa ăn mày, tưởng là chẳng được tích sự gì, mới dẫn hắn lên lầu, chẳng qua là kiếm cớ đề gặp sư tẩu một lần, đâu có ngờ cái thằng chó chết ấy lại làm hỏng việc, có thuốc giải hiệu nghiệm, thế là làm hỏng cả ý định của đệ.

Lửa giận trong lòng Thích Phương bốc lên, nhưng thuốc giải lại đang ở trong tay hắn, phải lừa hắn lấy được thuốc giải đã, rồi mới tính chuyện trị hắn, bèn cố nén giận, cười nói:

– Theo ý đệ, sư ca phải cảm tạ đệ như thế nào thì đệ mới giao lại thuốc giải?

Ngô Khảm thở dài:

– Tam sư ca đã hưởng diễm phúc bao nhiêu năm nay, chết cũng được rồi.

Thích Phương biến sắc, cắn môi không nói.

Ngô Khảm tiếp tục:

– Năm ấy, chị mới đến Kinh Châu, tám sư huynh đệ bọn này, có đứa nào không thần hồn điên đảo vì chị? Cái thằng tiểu tử ngốc Địch Vân kia cứ suốt ngày ở bên chị, bọn này nhìn mà cứ tức lộn ruột, cả bọn cùng bày mưu, trước hết phải đánh y sứt đầu mẻ trán cái đã…

Thích Phương nói:

– Thì ra các người đánh sư ca của ta lại là vì ta.

Ngô Khảm cười nói:

– Mọi người phải mượn cớ khác chứ, bảo là y ngạo mạn nhảy ra đánh lui đại đạo Lữ Thông, làm mất mặt đệ tử Vạn môn. Kỳ thực trong lòng mỗi người đều là vì sư tẩu cả đấy! Sư tẩu vá áo cho y, ân cần tha thiết, bọn này nhìn mà tức nổ con ngươi. Tám sư huynh đệ bọn này kẻ nào là không ghen tức, nghiến muốn gãy cả ba mươi sáu cái răng.

Thích Phương thầm kinh hãi: “Lẽ nào vì mình mà sinh tai họa? Tam ca, tam ca, sao xưa nay huynh không hề nói với muội?” Nhưng cô vẫn làm như không biết gì, cười nói:

– Ngô sư đệ, đệ cứ nói đùa, lúc ấy tôi là một cô bé nhà quê, dáng vẻ ngờ nghệch, có gì là đẹp?

Ngô Khảm nói:

– Không, không! Thực sự mỹ nhân thì cần gì trang điểm, nếu chị không khiến cho người ta thất điên bát đảo thì…

Nói đến đó, y bỗng im bặt.

Thích Phương hỏi:

– Thì… thế nào?

Ngô Khảm nói:

– Để giữ được chị ở lại nhà họ Vạn, họ Ngô này cũng góp sức nhiều đấy. Nhưng, sư tẩu, sư tẩu gặp đệ chưa bao giờ thèm cười một tiếng, như thế chẳng khiến người ta tức giận lắm sao?

Thích Phương “hứ” một tiếng, nói:

– Tôi ở lại nhà họ Vạn, lấy Vạn sư ca của đệ là do tôi cam lòng như thế, đệ góp sức gì vào đó? Có lúc nào đệ khuyên tôi một lời đâu, thật là nói cuội nói nhăng!

Ngô Khảm lắc đầu cười, nói:

– Đệ… đệ sao lại không góp sức? Tẩu chẳng biết gì cả.

Thích Phương càng kinh hãi, dịu giọng nói:

– Ngô sư đệ, chú nói cho tôi biết, chú đã góp sức gì nào, sư tẩu quyết không quên ý tốt của chú.

Ngô Khảm lắc đầu:

– Chuyện xưa tích cũ, còn nhắc đến làm gì? Chị biết cũng chẳng ích gì, chúng ta chỉ nên nói chuyện mới thôi.

Thích Phương nói:

– Được, chú không chịu nói thì thôi. Mau đưa thuốc giải đây, nếu không, có người thấy hai chúng ta ở đây thì thật không ổn.

Ngô Khảm lại cười:

– Ban ngày thì có người thấy, còn ban đêm thì ở đây chả có ai đâu.

Thích Phương bước lui một bước, mặt lạnh như băng, nghiêm giọng nói:

– Chú nói gì?

Ngô Khảm cười:

– Chị muốn chữa vết thương cho Vạn sư ca cũng không khó. Canh ba đêm nay, đệ chờ chị ở trong kho chứa củi, nếu chị chiều ý đệ, đệ sẽ cho chị một liều thuốc để bôi cho sư ca một lần nữa.

Thích Phương nghiến răng mắng:

– Đồ chó má, ngươi dám nói chuyện ấy à, to gan thật!

Ngô Khảm trầm giọng nói:

– Đệ đã sớm quên mất cái mạng này rồi, như thế gọi là “dám cưỡi cổ hoàng đế”. Tiểu tử Vạn Khuê có cái gì hơn họ Ngô này nào? Chẳng qua y là con đẻ của sư phụ, khéo chọn được chỗ đầu thai. Mọi người đều góp sức, vì sao lại để cho tên tiểu tử thối tha ấy một mình hưởng diễm phúc?

Thích Phương nghe y liên tiếp mấy lần nói đến hai chừ “góp sức”, trong bụng sinh nghi, chỉ vì lời lẽ của y bẩn thỉu, thật khó nghe nên không tiện nhắc lại, bèn nói:

– Đợi công công về, tôi cứ bẩm lại sự thực, xem ông ấy có lột da chú ra không?

Ngô Khảm nói:

– Tôi cứ đợi ở đây. Sư phụ về gọi tôi một tiếng, tôi sẽ ném bình thuốc giải này xuống ao sen nuôi cá vàng. Chị hỏi ông lang trung kia, ông ta nói thuốc giải chỉ có một bình này, nếu cần bào chế phải mất sáu tháng nửa năm cũng chưa chắc đã được.

Y vừa nói vừa rút bình thuốc giải trong áo ra, mở nắp, đưa ra trên mặt ao, chỉ cần bàn tay hơi nghiêng một chút, thuốc giải sẽ rơi hết vào trong ao, mạng Vạn Khuê sẽ đi tong.

Thích Phương vội nói:

– Ê, ê, giữ lấy thuốc giải, chúng ta hãy từ từ thương lượng cũng không muộn mà.

Ngô Khảm cười nói:

– Còn gì phải thương lượng nữa, chị muốn cứu mạng chồng thì phải nghe lời đệ.

Thích Phương nói:

– Nếu trước kia đệ thực có lòng với tôi, đã từng góp sức, vậy thì… cứ nói thực ra, tôi mới…

Ngô Khảm cả mừng, đậy nắp bình lại, nói:

– Sư tẩu, nếu như đệ nói thực, đêm nay tẩu sẽ đến… với đệ, phải không?

Thích Phương nói:

– Để xem đệ nói có thật không đã, lừa người ta thì được ích gì?

Ngô Khảm nói:

– Vạn phần chuẩn xác, sao lại có chút giả nào? Đó là mưu kế của sư đệ Thẩm Thành. Chu sư ca và Bốc sư ca thì giả đóng vai thái hoa tặc để dẫn dụ thằng tiểu tử ngốc Địch Vân đến phòng của Đào Hồng cứu người. Còn những đồ vàng bạc dưới gầm giường thằng ngốc đó thì do Ngô Khảm này tự tay đặt vào. Sư tẩu, nếu cánh tôi không thực thi xảo kế ấy thì sao có thể giữ được sư tẩu ở lại Vạn phủ?

Thích Phương cảm thấy đầu óc quay cuồng hoảng loạn, trước mắt tối sầm, lời của Ngô Khảm như từng lưỡi đao đâm vào tim cô, cô bất giác khẽ kêu lên:

– Muội… muội đã trách nhầm huynh, nghi oan cho huynh!

Thân hình cô lảo đảo chực ngã, giơ tay bíu chặt lấy lan can, nói:

– Tôi không tin, sao lại có chuyện đó được? Chú bịa ra đề lừa tôi.

Giọng nói của cô thật là khổ não.

Ngô Khảm vội nói:

– Chị không tin à? Được, người khác thì không thể hỏi, chị cứ đi hỏi Đào Hồng là xong, mụ ấy ở trong cái từ đường hư nát sau kia. Sau khi hỏi, chị đừng nói lại với ai. Mấy sư huynh đệ chúng tôi đã thề độc không được tiết lộ bí mật này. Nếu không vì canh ba đêm nay, vì sư tẩu, Ngô Khảm tôi cũng không nói ra đâu!

Thích Phương kêu lên một tiếng kinh hoàng, chạy ào ra, xô cửa sau vườn hoa, vội lao ra ngoài.

* * *

Lòng dạ rối bời, cô chạy ra ngoài cửa sau, qua vườn rau, định thần, tìm đến cái từ đường đổ nát ở góc tây bắc, thấy cửa khép hờ, liền xô cửa chạy vào.

Thấy dưới đất đầy tro bụi, bàn ghế đều mục nát, cô nghĩ bụng: “Thị thiếp Đào Hồng của công công, sao lại ở một nơi như thế này? Hay là thằng giặc Ngô Khảm đánh lừa. Phải chăng hắn lừa mình đến đây với ý đồ xấu? Hay là mình mau quay về.”

Bỗng nghe thấy bước chân thậm thịch từ từ đi lại, một người đàn bà từ sau nội đường đi ra. Đó là một mụ ăn mày trạc tuổi trung niên, cúi đầu khom lưng, đầu bù tóc rối, áo quần bẩn thỉu rách nát.

Mụ ăn mày thấy có người, giật mình, lập tức quay người. Mụ sắp bước vào nội đường lại ngoái đầu nhìn một cái, lần này nhìn rõ mặt Thích Phương, bất giác kinh hoảng “a” lên một tiếng. Mụ bước lùi hai bước, đột nhiên quỳ xuống nói:

– Mợ chủ, mợ… mợ đừng nói… đừng nói tôi ở đây.

Thích Phương lấy làm lạ, hỏi:

– Ngươi là ai? ở đây làm gì?

Mụ ăn mày nói:

– Không… không… làm gì! Tôi… tôi… Nói rồi lập tức đứng dậy đi vào.

Nghe tiếng bước chân gấp gáp, mụ ăn mày kia từ cửa sau vội vã chạy ra. Thích Phương nghĩ:

– Mụ đàn bà này không hiểu vì sao thấy mình lại sợ hãi như thế… ái dà, nhớ ra rồi, mụ ta… mụ ta chính là Đào Hồng!

Vừa mới nhớ ra, Thích Phương ba chân bốn cẳng chạy ra, giẫm bừa lên gạch ngói, chạy ra phía cửa sau, thò tay rút thanh chủy thủ bên hông ra, quát:

– Đào Hồng, ngươi làm trò ma quỷ gì thế, làm gì ở đây?

Mụ ăn mày chính là Đào Hồng, nghe Thích Phương gọi tên mình đã hoảng hốt, đến khi thấy thanh chủy thủ lấp loáng trong tay cô, càng sợ hãi, hai đầu gối run lẩy bẩy, quỳ xuống, run run nói:

– Thiếu phu nhân… mợ chủ… mợ tha cho tôi.

Ở trong nhà họ Vạn, Thích Phương chỉ nhìn thấy Đào Hồng có mấy lần, không bao lâu sau thì không thấy mụ ta nữa, mỗi khi nghĩ đến việc Địch Vân định rủ người đàn bà này trốn đi lòng lại như đao cắt cho nên mụ ta đi đâu cô không hề hỏi. Dù có ai nhắc đến cô cũng không thèm nghe, bởi đó là vết thương đau đớn nhất trong lòng cô. Nào ngờ mụ ta lại trốn ở đây. Từ đường này cách nhà họ Vạn không xa, nhưng từ khi làm thiếu phu nhân Thích Phương việc gì cũng cẩn thận, hoàn toàn khác với thời thiếu nữ ở Tương Tây. Cô không đi lung tung ra ngoài bao giờ, tuy nhiều lần nhìn thấy cửa ngôi từ đường hư nát này nhưng chưa hề đặt chân tới.

Đào Hồng lúc này đầu bù mặt bẩn, nét mặt tiều tụy phờ phạc, mấy năm không gặp mà giống như đã già đi hai chục tuổi. Ngô Khảm bảo Thích Phương đến từ đường này tìm Đào Hồng mà hỏi sự thật. Tuy cô đã thấy rõ mặt nhưng nếu Đào Hồng cứ từ từ bước ra như không có việc gì thì chắc là cô cũng không thê nhận ra.

Cô giơ cây chủy thủ trong tay lên, dọa:

– Ngươi nấp ở đây làm gì? Mau nói ra.

Đào Hồng nói:

– Tôi, tôi chẳng làm gì cả. Mợ chủ, lão gia đuổi tôi ra. Ông ấy bảo nếu thấy tôi ở Kinh Châu thì sẽ giết tôi. Nhưng… nhưng… tôi lại không biết đi đâu, đành trốn ở đây ăn mày. Mợ chủ, ngoài thành Kinh Châu ra, tôi không biết chỗ nào cả, bảo tôi đi đâu được? Mợ… mợ làm ơn, xin đừng nói với lão gia.

Thích Phương nghe mụ ta nói đáng thương, hạ cây chủy thủ xuống, nói:

– Vì sao lão gia lại đuổi ngươi đi? Sao ta không biết điều ấy?

Đào Hồng rơi nước mắt nói:

– Tôi cũng không biết vì sao lão gia bỗng không thích tôi nữa. Cái thằng Hồ Nam kia… việc cái thằng họ Địch kia… không phải là tôi sai. Ái dà… tôi, tôi… tôi không nên nói chuyện này.

Thích Phương gằn giọng:

– Được, ngươi không nói, thì ngươi theo ta đi gặp lão gia.

Cô đưa tay trái ra, túm chặt lấy cổ áo mụ. Thích Phương vốn thích sạch sẽ, áo Đào Hồng bẩn thỉu, mới nắm lấy, lòng bàn tay cảm thấy nhầy nhụa rất khó chịu. Nhưng cô đang nôn nóng muốn tra rõ sự thật oan uổng của Địch Vân nên dù có bẩn hơn thế nữa cô cũng chẳng để ý.

Đào Hồng run bần bật, vội nói:

– Tôi nói, tôi nói, mợ chủ, mợ cần tôi nói cái gì?

Thích Phương nói:

– Địch… Địch… Việc của người họ Địch ấy, rốt cuộc là thế nào? Vì sao mụ lại muốn trốn theo người ấy?

Đào Hồng kinh hoảng, giương mắt lên, nhất thời không nói được.

Thích Phương chăm chú nhìn mụ, trong lòng lại cảm thấy sợ, có lẽ còn sợ hơn cả Đào Hồng. Cô quả thực không dám nghe chính miệng Đào Hồng nói chuyện ấy ra. Nếu như mụ ta nói: quả thực lúc ấy Địch Vân có rủ mụ ta trốn đi, quả thực làm nhục mụ ta… Thế thì sao đây? Đào Hồng nhất thời không nói nên lời, mặt Thích Phương trắng bệch, trái tim cơ hồ ngừng đập.

Cuối cùng, Đào Hồng đã nói được:

– Việc ấy… việc ấy, không thể trách tôi được, cậu chủ ép tôi làm, bảo tôi phải ôm chặt lấy cái thằng nhà quê Hồ Nam họ Địch kia, vu oan cho hắn là đến để cưỡng hiếp tôi, định dẫn tôi trốn đi. Tôi đã nói điều này với lão gia, lão gia không phải là không tin, chỉ dặn tôi không được nói ra, còn cho tôi áo quần và tiền bạc. Nhưng… nhưng… tôi không nói mà lão gia vẫn đuổi tôi.

Thích Phương vừa cảm kích vừa đau lòng, vừa cảm thấy uất ức, vừa thương xót, trong lòng thầm kêu lên: “Sư ca, là muội hiểu nhầm huynh rồi, đáng ra muội phải biết huynh dành cho muội một tấm chân tình, thật là khổ cho huynh, thật là khổ cho huynh!” Lúc ấy cô hoàn toàn không căm giận Đào Hồng, ngược lại còn cảm ơn mụ ta, may mà mụ ta đã giải cho cô mối nghi ngờ uất kết trong lòng. Thậm chí đối với Ngô Khảm cũng có chút cảm kích vì chính hắn đã nói ra sự thật, chính hắn đã chỉ cho cô đến cái từ đường này tìm hỏi Đào Hồng.

Trong đau lòng và buồn thảm, cô bỗng cảm thấy một vị ngọt ngào. Tuy đã lấy Vạn Khuê nhưng trong sâu thẳm lòng cô, người mà cô tha thiết thương yêu vẫn chỉ là Địch sư ca, dù huynh ấy có thay lòng đổi dạ lúc lâm nguy, dù huynh ấy vô sỉ, dù huynh ấy ngàn điều sai lầm, vạn lần bạc bẽo, nhưng chỉ có huynh ấy, vẫn chỉ là huynh ấy, mới là người Thích Phương luôn tưởng nhớ mỗi lúc thở than hay ngậm ngùi rơi lệ.

Bỗng, bao nhiêu nỗi buồn khổ và căm giận đều biến thành nỗi ân hận day dứt: “Nếu mình sớm biết thì dù có phải chịu muôn đao ngàn kiếm mình cũng đến nhà lao cứu huynh ấy ra. Huynh đã phải chịu bao nhiêu đau khổ. Trong lòng huynh… trong lòng huynh nghĩ sao?”

Đào Hồng nhìn trộm nét mặt Thích Phương, run giọng nói:

– Mợ chủ, cảm ơn mợ, xin mợ thả cho tôi đi, tôi sẽ đi khỏi thành Kinh Châu, vĩnh viễn không trở lại.

Thích Phương thở dài nói:

– Lão gia vì sao lại đuổi ngươi đi? Hay là sợ ngươi biết chuyện ấy? Ôi, mãi đến hôm nay ta mới hỏi rõ được.

Nói rồi, cô buông áo mụ ta ra, muốn cho mụ ta một ít bạc nhưng vì vội vàng chạy ra nên không mang theo.

Đào Hồng thấy Thích Phương buông mình ra, sợ cô đổi ý, vội vàng bỏ đi, lẩm bẩm nói:

– Lão gia cứ tối đến lại gặp ma, cần phải xây tường, sao lại trách tôi? Lại… lại không phải là tôi nói quàng.

Thích Phương đuổi theo hỏi:

– Thế nào là gặp ma? Xây tường?

Đào Hồng biết đã lỡ mồm, vội nói:

– Không có gì, không có gì. À, lão gia ban đêm thường gặp ma, nửa đêm lại dậy xây tường.

Thích Phương thấy mụ ta nói điên điên khùng khùng nghĩ mụ ta bị công công đuổi, sống quá khổ sở, đầu óc mụ mẫm đi. Công công sao lại nửa đêm dậy xây tường? Trong nhà xưa nay chưa hề thấy công công xây tường.

Đào Hồng sợ cô không tin, lại nói:

– Là giả xây tường thôi. Lão gia… lão gia, giờ tí canh ba thích làm thợ nề. Tôi nói với ông ấy mấy câu, lão gia liền đùng đùng nổi giận, đánh tôi chết đi sống lại, lại đuổi tôi, nói là nếu gặp tôi nữa thì sẽ đánh chết tôi…

Mụ cứ làm ràm không ngớt, khòm lưng bước đi.

Thích Phương nhìn theo bóng mụ, nghĩ: “Mụ ta nhiều lắm cũng chỉ hơn mình mười tuổi thế mà ra nông nỗi ấy. Công công không biết vì sao lại đuổi mụ ta ra khỏi cửa? Sao lại gặp ma, xây tường, e mụ này chỉ nói điên điên khùng khùng. Ôi, vì một mụ đàn bà ngu ngốc như thế mà sư ca phải khổ suốt một đời.”

Nghĩ đến đó không ngăn được nước mắt rơi, rồi cất tiếng khóc vang.

* * *

Cô tựa vào cây ngô đồng, khóc một hồi, lòng nhẹ đi một chút, chầm chậm bước về nhà, cô tránh cửa sau, đi vòng ra cửa phía đông mà vào, lại lên lầu.

Vạn Khuê nghe thấy tiếng chân cô bước lên lầu liền vội hỏi:

– Phương muội, có tìm được thuốc giải không?

Thích Phương bước vào phòng, thấy Vạn Khuê đã ngồi dậy, vẻ rất sốt ruột, cánh tay bị thương gác bên giường, máu đen vẫn ứa ra, một lúc sau mới kêu “tách” một tiếng, rơi vào chậu đồng. Con bé phục bên chân cha, ngủ say.

Thích Phương nghe lời Ngô Khảm và Đào Hồng, vốn hết sức tức giận Vạn Khuê, hận y dùng thủ đoạn ti bỉ hãm hại Địch Vân. Lúc này thấy khuôn mặt tiều tụy mà thanh tú của y, ân ái mấy năm qua lại khiến cô mềm lòng: “Rốt cuộc, tam ca vì yêu mình nên mới hãm hại sư ca, thủ đoạn của y cố nhiên là âm hiểm độc ác, khiến sư ca phải chịu bao đau khổ, nhưng rốt cuộc lại là vì yêu mình.”

Vạn Khuê lại hỏi:

– Có mua được thuốc giải không?

Thích Phương nhất thời không biết có nên kể lại với chồng những lời vô sỉ của Ngô Khảm không, thuận miệng nói:

– Tìm được lang trung, giao bạc cho ông ta, nhờ ông ta mua dược liệu bào chế thuốc ngay.

Vạn Khuê thở phào, trong lòng cảm thấy nhẹ đi, mỉm cười nói:

– Phương muội, tính mạng của huynh là nhờ muội cứu.

Thích Phương gượng cười, cảm thấy mùi máu độc trong chậu rất nồng nặc, bèn bưng một cái chậu sứ đến hứng máu, bê cái chậu đồng đi, chỉ mới đi được hai bước, mùi máu độc xông lên, đầu óc choáng váng, nhủ thầm: “Loại rết độc này thật là ghê gớm.” Bèn bước nhanh ra khỏi phòng, đặt cái chậu xuống bên chân ghế, quay mình rút khăn tay ra định che kín mũi rồi mới đi đổ chậu máu.

Tay cô chạm phải cuốn Đường thi, ngẩn người ra, tim đập thình thịch, rút cuốn sách cũ ra, ngồi xuống bên bàn, mở từng trang ra. Cô nhớ rõ, ngày ấy mở rương ra tìm áo cũ đã thấy cuốn sách cũ này dưới đáy rương, cha thì chữ to như quả bí cũng biết chưa đầy một gánh, không biết nhặt cuốn sách này từ đâu về. Vừa khéo cô mới cắt xong hai tấm mẫu thêu, thuận tay bèn kẹp vào trong trang sách. Một buổi chiều cô cùng Địch sư ca đến hang núi, bèn đem cuốn sách này theo, về sau cứ để ở đó. Tại sao bây giờ nó lại đến đây? Là Địch sư ca bảo ông lang trung kia đưa tới ư?

“Vị lang trung ấy… phải chăng là… huynh ấy… năm ngón tay của huynh ấy đều bị Ngô Khảm chặt đứt rồi. Vị lang… lang trung ấy… Vì sao? Vì sao tay phải… tay phải của người ấy không hề đưa ra?” Đột nhiên, cô nhớ ra điều này. Cô chăm chú nhớ lại vị lang trung kia đỡ con gái, hồi tưởng lại ông ta mở hòm thuốc, lấy bình thuốc, mở nắp bình… đổ thuốc ra, hồi tưởng lại khi ông ta nhận cốc rượu mà mình mời, đưa cốc rượu lên môi uống cạn… tất cả bao nhiêu việc ấy hình như toàn dùng tay trái, nhưng lúc bấy giờ cô không để ý, bây giờ nhớ lại rõ mồn một.

“Lẽ nào, lẽ nào người ấy chính là sư ca? Tại sao tướng mạo lại không giống một chút nào?” Đầu óc cô quay cuồng rối loạn, không nén được nỗi đau buồn, nước mắt từng giọt từng giọt roi xuống cuốn sách cầm trên tay.

Nước mắt rơi lên trang sách, rơi lên hai con bướm được cắt bằng giấy hoa, đó là “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài”, họ phải chết rồi mới được đoàn viên…

Vạn Khuê ở phòng trong nói với ra:

– Phương muội, huynh buồn quá thể, muốn dậy đi lại một chút.

Nhưng Thích Phương đang đắm chìm trong hồi ức, không nghe thấy. Cô nghĩ: “Ngày nọ, huynh ấy đánh chết một con bướm, chia lìa đôi bạn tình. Phải chăng vì thế mà ông trời trừng phạt huynh ấy phải chịu khổ chịu nạn…?”

Bỗng, sau lưng có một thanh âm giật giọng kêu lên:

– Đây… đây là… “Liên… liên thành kiếm phổ”!

Thích Phương giật mình, ngoái đầu lại, thấy Vạn Khuê vẻ mặt mừng rỡ, sung sướng nói:

– Phương muội, Phương muội, muội được cuốn sách này từ đâu vậy? Muội xem, a thì ra là thế này, phải rồi, là thế này đây!

Hai tay Vạn Khuê đè lên cuốn “Đường thi tuyển tập”, thấy bên cạnh bài thơ có mục là “Thánh quả tự” hiện lên ba chữ màu vàng nhạt “ba mươi ba”, trên mấy hàng chữ này thấm đầy nước mắt của Thích Phương.

Vạn Khuê vui sướng vạn phần, quên cả kiềm chế, kêu lên:

– Bí mật ở đây rồi, thì ra cần phải làm ướt đi, dấu chữ mới hiện ra! Hay quá, diệu cực! Nhất định là quyến sách này. Không Tâm Thái! Không Tâm Thái!

Hắn lớn tiếng kêu gọi, đánh thức con gái, nói:

– Không Tâm Thái, mau đi mời ông nội lên đây, nói là việc khẩn.

Con gái nhỏ vâng lời đi.

Vạn Khuê giữ chặt tập thơ, quên cả đau đớn trên tay, nhắc đi nhắc lại:

– Nhất định đúng rồi, không sai, cha bảo là kiếm phổ này ở trong “Đường thi tuyển tập”, chẳng phải đây sao? Họ đã không tìm ra bí mật này. Thì ra cần phải làm ướt trang sách, bí mật mới hiện ra.

Hắn vừa mừng vừa kêu toáng lên, Thích Phương cũng đã rõ quá nửa, nghĩ bụng: “Đây là bộ “Liên thành kiếm phổ” gì đó mà cha và công công tranh nhau à? Nói đúng ra, chính gia gia đã có được, mình lại chẳng biết hay dở gì cả, lấy để kẹp mẫu giày mẫu thêu. Gia gia không thấy quyển sách này, sao không tìm? Ồi, có lẽ cha cũng có tìm, tìm đi tìm lại tìm không được, lại cho là sư bá lấy trộm, sao cha không hỏi mình? Thật kỳ lạ!”

Nếu là Địch Vân thì lúc này chàng sẽ chẳng hề lấy làm lạ chút nào. Chàng đã biết chỉ vì Thích Trường Phát là con người lắm mưu nhiều kế, dù là trước con gái cũng chẳng hề để lộ một chút bí mật. Không thấy sách, lão gắng sức tìm, tìm không thấy liền giả vờ như không có chuyện gì, âm thầm theo dõi, dùng đủ mọi cách điều tra thám thính, xem có phải là thằng tiểu tử Địch Vân lấy trộm không? Có phải là con gái lấy trộm không? Chỉ vì Thích Phương không phải là “kẻ trộm”, không có sự hốt hoảng của “kẻ trộm” nên Thích Trường Phát không thể nào điều tra ra.

Vạn Chấn Sơn từ ngoài phố trở về, đang ngồi ăn điểm tâm ở trước sảnh, nghe thấy cháu gái kêu gọi, cho là vết thương của con trai nguy cấp, đang ăn dở vội buông đũa, ôm lấy cháu gái, đi nhanh lên lầu của con trai, vừa mới đến cầu thang đã nghe thấy giọng nói vui mừng của Vạn Khuê:

– Trong thiên hạ sao lại có chuyện tình cờ đến thế? Phương muội, sao muội lại làm ướt trang sách này? Thật là ý trời, ý trời!

Vạn Chấn Sơn nghe thấy giọng của con trai, liền yên tâm, đạp cửa bước vào phòng.

Vạn Khuê cầm cuốn “Đường thi tuyển tập”, vui mừng nói:

– Cha, cha, cha xem, đây là cái gì?

Vạn Chấn Sơn vừa nhìn thấy cuốn sách màu vàng mỏng mảnh lòng đã chấn động, vội đặt cháu xuống, cầm lấy cuốn sách từ trong tay con trai, tim đập rộn ràng, bộ “Liên thành kiếm phổ” mười mấy năm nay tốn bao tâm huyết kiếm tìm, cuối cùng lại xuất hiện ngay trước mắt.

Không sai, chính là cuốn sách ấy! Lão và Ngôn Đạt Bình, Thích Trường Phát liên thủ hợp lực, mưu hại sư phụ mà cướp được, chính là cuốn sách này đây. Ba người ở trong khách sạn, giở đi giở lại cùng xem bộ kiếm phổ này. Nhưng chỉ là một bộ Đường thi bình thường chẳng có gì lạ, hoàn toàn giống những bộ “Đường thi tuyển tập” bày bán trong các hiệu sách. Sư phụ của họ dạy họ một bộ “Đường thi kiếm pháp”, lấy những câu thơ trong thơ Đường đặt tên cho những chiêu kiếm, những câu thơ ấy đều có trong cuốn sách này. Nhưng nào có liên quan gì với “Liên thành kiếm phổ” trong truyền thuyết đâu?

Ba người sư huynh sư đệ từng đem cuốn sách này ra soi từng trang dưới ánh mặt trời muốn phát hiện ra điều ẩn bí giấu trong sách, họ cũng đã từng đọc đi đọc lại mấy chục bài thơ, đọc xuôi, đọc ngược, đọc ngang, đọc chéo, đọc từng chữ, đọc từng hai chữ một… muốn phát hiện điều ẩn bí giấu giữa các hàng chữ, nhưng tất cả tâm huyết đều uổng phí. Ba người nghi ngờ lẫn nhau, đều sợ người khác phát hiện ra điều bí mật mà mình không biết. Ba người đêm ngủ lại đem quyển sách đặt vào trong một chiếc hộp sắt khóa lại, lại dùng ba sợi dây sắt chằng cái hộp lại, ba đầu dây buộc vào cổ tay ba người. Nhưng một sớm mai thức dậy, cuốn sách đã không cánh mà bay, từ đó không còn tung tích.

Thế là mười mấy năm qua tranh giành dò xét không ngừng không nghỉ. Đột nhiên, cuốn sách ấy xuất hiện ngay trước mắt.

Vạn Chấn Sơn giở đến trang bốn, không sai, góc trên bên trái của cuốn sách bị xé đi một góc nhỏ, đó là năm ấy lão ngầm đánh dấu, sợ sư đệ Ngôn Đạt Bình hoặc Thích Trường Phát đánh tráo bằng một cuốn “Đường thi tuyển tập” khác.

Vạn Chấn Sơn lại giở đến trang mười sáu, không sai, cái dấu móng tay mà mình vạch vào để đánh dấu từ năm ấy vẫn còn đây. Đây là chân bản! Lão gật gật đầu, cố nén niềm vui trong lòng, nói với con trai:

– Chính là cuốn sách này, con được nó từ đâu vậy?

Ánh mắt Vạn Khuê chuyển sang Thích Phương, hắn hỏi:

– Phương muội, cuốn sách này từ đâu đến?

Thích Phương từ khi thấy thần thái của Vạn Khuê, lòng chỉ nghĩ đến cha: “Không biết bây giờ cha đang ở đâu? Mình là đứa con bất hiếu, đem quyển sách của cha vào trong hang núi, chắc là cha phải tìm kiếm khổ sở lắm. Trong lòng cha chắc chắn cuốn sách này là vô cùng quý giá. Không biết cuốn sách cũ này thì có tác dụng gì? Thế nhưng đây là cuốn sách mà mình lấy của cha, là cuốn sách của cha, quyết không thể để cho công công chiếm.”

Nếu như ngày hôm qua, còn chưa biết sự thực về việc Địch Vân bị hãm hại thê thảm, lòng còn đầy tình thương yêu đối với chồng thì trong lòng cô chồng chưa chắc đã không bằng cha, huống nữa không biết bây giờ cha đang ở đâu, không biết cha có trở về không. Nhưng bây giờ thì đã khác rồi. “Quyết không để cuốn sách này của cha rơi vào tay họ. Địch sư ca đã lấy cuốn sách này trao vào tay mình để mình bảo quản cho cha, đương nhiên không thể để cho họ cướp mất. Không những là vì gia gia mà còn vì Địch sư ca!”

Khi Vạn Khuê hỏi cô “cuốn sách này ở đâu đến”, cô chỉ nghĩ: “Làm thế nào để đoạt lại cuốn sách.” Sách đang ở trong tay bố chồng (công công). Vạn Chấn Sơn võ công trác tuyệt, huống nữa chồng lại đang ở bên cạnh, ra tay cướp đoạt thì không được. Những ý nghĩ loáng lướt qua trong đầu cô, tròng mắt chuyền động.

Cô nhìn thây cái chậu đồng ở bên bàn, nửa chậu là máu đen bầm, đó là nước Vạn Khuê đã rửa mặt, trong đó có rất nhiều máu độc chảy ra từ vết thương rết cắn, nước trong chậu một màu bầm đen… nếu như lén bỏ cuốn sách vào trong chậu máu này, họ sẽ không thể tìm ra được. Nhưng, chỉ sợ cuốn sách sẽ bị nước làm hư nát. Nhưng nếu không nhân lúc này mà ra tay thì không còn thời cơ nào nữa, thà hủy cuốn sách đi chứ không thể để cho họ thỏa lòng như ý…

Cha con họ Vạn chăm chú nhìn Thích Phương. Vạn Khuê lại hỏi:

– Phương muội, cuốn sách này từ đâu đến?

Thích Phương lặng người, nói:

– Muội cũng không biết, muội vừa mới từ trong phòng ra thì thấy cuốn sách này ở trên bàn. Đây không phải là của huynh à?

Vạn Khuê nhất thời nghĩ không ra, tạm thời không truy cứu nữa, chỉ một lòng đem điều mới phát hiện được nói cho phụ thân biết:

– Cha, cha xem, trang sách này bị thấm nước, liền có chữ hiện lên.

Hắn đưa ngón tay trỏ ra, chỉ vào ba chữ “ba mươi ba” màu vàng nhạt bên cạnh bài thơ “Thánh quả tự”.

(Nếu như hắn biết đây là nước mắt của vợ, những giọt nước mắt trào ra vì thương nhớ Địch Vân, lòng hắn sẽ nghĩ sao?)

Vạn Chấn Sơn đưa ngón tay chỉ vào bài thơ ấy, đếm từng chữ từng chữ một:

“Lộ tự trung phong thượng,

Bàn hồi sơn bích la.

Đáo giang Ngô địa tận,

Cách ngạn Việt sơn đa.

Cổ mộc tùng thanh ái,

Dao thiên tẩm bạch ba.

Hạ phương thành…”

chữ thứ ba mươi ba, đó là chữ thành!

Vạn Chấn Sơn vỗ đùi đánh đét, la lên:

– Đúng rồi, chính là cách này! Thì ra bí mật là đây. Khuê nhi, con thật thông minh, con đã nghĩ ra được cách này! Phải dùng nước, không sai, chúng ta năm ấy không nghĩ đến việc phải dùng nước!

(Nếu như lão biết đây là nước mắt của con dâu, là những giọt nước mắt trào ra vì một người đàn ông khác, không hiểu lòng lão sẽ nghĩ sao?)

Thích Phương thấy cha con họ vui sướng như điên, chụm đầu vào tìm hiểu bí mật trong sách, bèn kéo tay con gái vào phòng trong, ôm nó vào lòng, khẽ nói:

– Không Tâm Thái, cái chậu kia, con thấy không?

Con bé gật gật:

– Con thấy rồi.

Thích Phương nói:

– Lát nữa ông nội, cha và mẹ cùng chạy ra ngoài, mẹ đem quyển sách trong tay ông nội đặt vào ngạch cửa, con đến cầm quyển sách lén thả vào trong chậu cho nước ngấm vào, đừng cho ông nội và cha nhìn thấy, để họ tìm không ra.

Con bé cả mừng, cho rằng mẹ lại bày một trò chơi thật vui, nó vỗ tay cười nói:

– Hay, hay!

Thích Phương lại dặn:

– Nhưng đừng để cho ông nội và cha biết, cũng đừng nói với họ!

Con bé nói:

– Không Tâm Thái không nói, Không Tâm Thái không nói!

Thích Phương bước ra phòng ngoài, nói:

– Công công, con thấy cuốn sách này có chút cổ quái.

Vạn Chấn Sơn quay lại hỏi:

– Có gì lạ?

Trong lòng lão đã sớm mơ hồ cảm thấy cuốn sách này đột nhiên xuất hiện, có được một cách quá dễ dàng, e không phải là điềm lành, con dâu nói vậy càng khiến lão thêm nghi ngờ. Thích Phương nói:

– Ở đây!

Nói rồi đưa tay ra.

Vạn Chấn Sơn trao cuốn sách cho cô.

Thích Phương giở trang sách, lấy hai con bướm bằng giấy ra, nói:

– Công công, trong cuốn sách này vốn có hai con bướm này không?

Vạn Chấn Sơn cầm lấy hai con bướm, xem xét kỹ lưỡng, nói:

– Không có!

Thích Phương nói:

– Thế là ý nghĩa gì? Trong võ lâm có người nào ngoại hiệu là “Hoa hồ điệp” gì đó không? Trên giang hồ có “Hồ điệp bang” không? Họ để hai com bướm giấy này vào trong sách, chắc là không có ý tốt.

Nhân vật giang hồ để lại ký hiệu để cảnh cáo kẻ thù vốn là việc rất bình thường, Vạn Chấn Sơn bình sinh làm nhiều việc xấu, kẻ thù rất nhiều, nghe Thích Phương nói, lại thấy hai con bướm giấy được cắt rất tinh xảo, không khỏi cảm thấy sờ sợ, trầm ngâm suy nghĩ: “Mình có kẻ thù nào ngoại hiệu là “Hoa hồ điệp” không nhỉ? Có “Hồ điệp bang” không nhỉ?”

Lão đang trầm ngâm bỗng nghe Thích Phương quát:

– Ai đấy, ma ma quỷ quỷ, lén lén lút lút làm gì vậy?

Rồi đưa tay chỉ lên nóc nhà ngoài cửa sổ. Cha con họ Vạn cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Thích Phương xoay người gỡ hai thanh trường kiếm treo trên tường xuống, ném một thanh cho Vạn Chấn Sơn, một thanh cho Vạn Khuê, kêu lên:

– Trên nóc nhà có người!

Cha con họ Vạn cầm chắc binh khí, Thích Phương kéo cái ngạch cửa, nhét cuốn Đường thi vào đó, nói khẽ:

– Chớ để kẻ địch cướp mất!

Cha con họ Vạn gật gật đầu. Ba người vọt qua cửa sổ, nhảy lên mái ngói, nhìn khắp bốn xung quanh không thấy một bóng người. Vạn Chấn Sơn nói:

– Ra đằng sau xem xem!

Ba người chạy thẳng ra phía sân sau, chỉ thấy ở góc tường thoáng một bóng người, Vạn Chấn Sơn quát:

– Ai?

Rồi nhảy vọt tới, thấy người kia là đệ tử thứ sáu Ngô Khảm, lão hỏi:

– Có thấy kẻ địch không?

Ngô Khảm thấy sư phụ, tam sư huynh, tam sư tẩu đều cầm kiếm chạy tới, cho rằng đã xảy ra sự cố, sợ tái mặt, đến khi nghe sư phụ hỏi, mới nhẹ người, vội nói:

– Có người bên này chạy qua, đệ tử đuổi theo tra hỏi xem.

Y vốn là che giấu cho mình, vừa khéo lại hợp với lời Thích Phương bịa đặt.

Bốn người đuổi ra ngoài cửa sau, Ngô Khảm hò hét luôn mồm, gọi bọn Lỗ Khôn, Bốc Viên chạy ra, nhưng đều chẳng tìm thấy tung tích “địch nhân” đâu cả.

Vạn Chấn Sơn và Vạn Khuê nhớ đến “Liên thành kiếm phổ”, ra lệnh cho bọn Lỗ Khôn tiếp tục tìm tung tích địch nhân, gọi Thích Phương, trở lại lầu. Vạn Chấn Sơn kéo cái ngạch cửa ra, thò tay vào lấy…

Trong cái ngạch cửa đâu có quyển sách nào?

Cha con họ Vạn giật mình, kinh hãi vô cùng, tìm kiếm khắp nơi trong thư phòng, cũng làm sao tìm thấy. Hỏi con gái:

– Có người vào đây không?

Con bé đáp:

– Không có đâu ạ.

Nó quay đầu về phía mẹ nháy nháy mắt, hết sức đắc ý.

Cha con họ Vạn thấy rõ ràng Thích Phương đã đặt vào trong ngạch cửa, khi đuổi theo kẻ địch, không hề rời xa cô ta, đương nhiên là không phải là cô ta ra tay lấy mất. Nhất định là kẻ địch đã dùng kế “điệu hổ ly sơn”, lấy trộm mất kiếm phổ!

Cha con họ Vạn nhìn nhau vô cùng buồn bã.

Mẹ con Thích Phương nhấm nháy với nhau rất đỗi vui mừng.

————————————–

[1] Công công: con dâu gọi bố chồng là công công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.