Hồi 14: Mỹ tửu chảy theo lục mạch – Đệ huynh uống đủ thiên bôi

Đoàn Dự đã từng bị phái Vô Lượng và bang Thần Nông hiếp đáp, bị Nam Hải Ngạc Thần cưỡng bách làm đồ đệ, bị thái tử Diên Khánh bỏ tù thực thi độc kế, bị Cưu Ma Trí bắt đi dọa thiêu sống, đến Mạn Đà Sơn Trang phải làm anh thợ trồng hoa, trải qua bao nhiêu giày vò lăng nhục. Nhưng từ trước đến nay chàng chưa có tâm trạng oán hận bực bội như vậy.

Nói đúng ra thì ở Thính Hương Thủy Tạ chẳng có một ai quá quắt. Bao Bất Đồng tuy đuổi chàng ra mặt, nhưng cũng không đến nỗi cạn tàu ráo máng như đánh Chư Bảo Côn gãy tay nát vai, hay như quảng Diêu Bá Đương lăn ra cửa. Vương Ngữ Yên mở lời bảo chàng ở lại thêm một đêm, còn A Châu, A Bích ân cần lễ độ tiễn chân. Vậy mà trong lòng chàng vẫn nặng trĩu nỗi thương thân.

Trên mặt hồ khuya, từng làn gió đưa mùi hương thoang thoảng của lá lăng lên mũi. Đoàn Dự ra sức chèo thuyền, không biết bực bội ai mới phải, cũng không biết vì sao mình bực bội. Trước kia Mộc Uyển Thanh, Nam Hải Ngạc Thần, thái tử Diên Khánh, Cưu Ma Trí, Vương phu nhân ai ai cũng làm cho chàng nhục nhã, khổ sở, điêu đứng mà chàng vẫn thản nhiên chịu đựng, chưa hề có những trận bão lòng như hôm nay. Trong thâm tâm chàng lờ mờ hiểu rằng chẳng qua vì mình đem lòng quyến luyến Vương Ngữ Yên, mà nàng lại không thèm đếm xỉa, đến cả A Châu A Bích cũng không để ý đến mình. Chàng từ bé đã được mọi người yêu quý nâng niu coi như vàng ngọc, từ hoàng đế, hoàng hậu nước Đại Lý trở xuống, chẳng ai dám coi thường. Kẻ địch ghê gớm hung ác như Nam Hải Ngạc Thần còn quyết tâm thu chàng làm đồ đệ. Cưu Ma Trí không ngại gian lao đem chàng từ Đại Lý đến Giang Nam, đối xử với chàng cũng có đôi phần kính trọng. Những thiếu nữ như Chung Linh, Mộc Uyển Thanh chỉ gặp chàng một vài lần là xiêu lòng.

Suốt đời, chàng chưa từng bị ai lạnh nhạt, khinh rẻ như thế, tuy người ta vẫn giữ lễ nhưng chẳng qua cũng chỉ bề ngoài. Trong bụng họ hẳn là coi Mộ Dung công tử trọng hơn chàng nhiều, trong mấy hôm vừa qua hễ có ai hơi nhắc đến hắn là những người chung quanh tíu tít cả lên, không ai không chú ý. Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích, Bao Bất Đồng cho chí những người như Đặng đại gia, Công Dã nhị gia, Phong tứ gia chi chi đó, ai nấy dường như sống chỉ vì Mộ Dung Công tử mà thôi.

Đoàn Dự xưa nay chưa từng có cái tâm đố kỵ, ghen tức với ai. Lúc này một mình lênh đênh trên mặt hồ, chàng cứ tưởng như thấy bóng Mộ Dung công tử ở trên trời nhìn chàng cười nhạt, buông lời nhạo báng: “Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự, ngươi chẳng bằng một sợi lông chân của ta! Ngươi tơ tưởng đến biểu muội ta có khác gì thân phận cóc nhái mà đòi ăn thịt ngỗng trời? Tự mi, mi có thấy thẹn không?”

Càng bực bội trong lòng, chàng khua mái chèo càng mạnh. Chèo thuyền hồi lâu, nội lực sung mãn dần dần phát ra hai cánh tay, lúc sau đã thấy thoải mái, bao nhiêu buồn phiền dần dần tiêu giảm. Lại chèo thêm chừng một giờ nữa, trời bắt đầu hừng sáng, Đoàn Dự ngẩng đầu nhìn về phương bắc, một ngọn núi cao chót vót nhô lên trong đám sương mù mờ mịt. Chàng liệu chừng Thịnh Hương Thủy Tạ và Cầm Vận Tiểu Trúc đều ở phía đông, nếu cứ nhắm hướng bắc mà bơi thì sẽ không quay về chỗ cũ. Có điều mỗi cái khua chèo là chàng cảm thấy tơ lòng thêm vướng vít. Thuyền tiến về phía bắc bao nhiêu thì lại xa người ngọc bấy nhiêu.

Đến giờ ngọ chàng đã chèo đến chân núi, lên bờ hỏi thăm thổ dân mới hay ngọn núi đó tên là Mã Tích, cách Vô Tích chẳng bao xa. Trong sách có nói đến Vô Tích từ thời Xuân Thu đã là một thành lớn nổi tiếng. Chàng bèn trở xuống thuyền, chèo tiếp lên hướng bắc, tới khoảng giờ thân thì đã đến Vô Tích.

Đoàn Dự vào thành, thấy người đi lại tấp nập, thật là một nơi phồn hoa đô hội, ở Đại Lý không nơi nào sánh bằng. Chàng đang thuận chân mà đi, chợt ngửi thấy mùi xào nấu thơm phức bay vào mũi. Chàng đã lâu không ăn uống gì, chèo thuyền mấy giờ liền bụng đã đói meo nên ngửi thấy mùi thức ăn mừng quá, liền rảo bước tìm đến, vừa tới ngã ba đường phố đã thấy một tòa tửu lầu cao ngất đứng sững ngay trước mặt. Cái biển ba chữ “Tùng Hạc Lâu” lâu ngày bị khỏi ám đen kịt nhưng chữ vàng vẫn còn lóng lánh. Mùi rượu thịt từ bên trong tiệm đưa ra, tiếng dao thớt rộn ràng lẫn tiếng tửu bảo gọi nhau huyên náo cả lên.

Chàng đi lên lầu, vừa ngồi xuống đã có hầu bàn chạy lại chào hỏi. Đoàn Dự gọi một hồ rượu, thêm bốn món nhắm, tựa lưng vào lan can uống một mình, lòng tràn đầy nỗi thê lương cô quạnh, bất giác buông một tiếng thở dài não ruột. Tiếng thở dài chưa dứt, một đại hán ngồi đầu mé tây, đôi mắt sáng như điện, quay lại nhìn chàng hai lần. Đoàn Dự cũng nhìn lại, thấy người đó thân thể thật là cao lớn, tuổi chừng trên dưới ba mươi, mặc áo vải màu tro cũ kỹ đã sờn rách, khuôn mặt vuông vức hình chữ quốc, tướng mạo tuy không tuấn tú nhưng oai phong lẫm liệt,

Đoàn Dự trong bụng tấm tắc khen thầm: “Quả là một đại hán hiên ngang, có lẽ là một tráng sĩ đất Yên Triệu nơi miền bắc, chứ Giang Nam hay Đại Lý quyết không có nhân vật thế này. Bao Bất Đồng tự mình huênh hoang anh khí ngất trời nhưng phải người như thế này mới xứng đáng bốn chữ đó.” Trên bàn đại hán đó để một bát thịt bò, một bát canh và hai hồ rượu lớn, ngoài ra không còn gì khác. Thấy thế đủ biết y ăn uống cũng cực kỳ sảng khoái không câu nệ.

Đại hán đó nhìn Đoàn Dự mấy bận rồi quay đầu đi, tiếp tục ăn uống. Đoàn Dự đang thấy tịch mịch nên có ý muốn làm quen, liền gọi tửu bảo tới, trỏ vào lưng người kia nói: “Tiền ăn uống của quý khách đây tính luôn vào cho ta.”

Đại hán nghe chàng nói thế quay lại mỉm cười gật đầu nhưng không nói gì. Đoàn Dự muốn nói chuyện đôi câu cho khuây khỏa, nhưng thấy không tiện nên lại thôi.

Chàng uống thêm ba chén nữa, bỗng nghe thấy tiếng bước chân ở cầu thang, có hai người đi lên. Một người khập khiễng, phải chống gậy nhưng đi đứng nhanh nhẹn, còn người thứ hai là một ông già mặt mày thiểu não. Hai người đó đi đến bàn của đại hán nọ kính cẩn cúi chào, y chỉ gật đầu chứ không đứng lên hoàn lễ.

Người què chân nói khẽ: “Bẩm đại ca, đối phương hẹn sáng sớm ngày mai gặp mình tại lương đình trên núi Huệ Sơn.” Đại hán gật đầu, hỏi: “Như thế có gấp quá chăng?” Lão già đáp: “Huynh đệ đã nói với bọn chúng để sau ba ngày nữa. Song dường như đối phương biết bọn ta chưa đông đủ, ra điều chế nhạo nói là nếu không dám phó hội thì đêm nay không đến cũng chẳng sao.” Đại hán nói: “Được rồi. Người truyền ra cho tất cả anh em canh ba hôm nay tề tựu tại Huệ Sơn. Chúng ta đến trước để đợi đối phương.” Hai người cung kính vâng lời, trở gót xuống lầu.

Ba người nói chuyện với nhau rất khẽ, những khách ngồi ăn trên lầu không ai nghe tiếng. Nhưng Đoàn Dự nội lực sung mãn, mắt tinh tai thính, không cố ý nghe lỏm chuyện người mà câu nào câu nấy vào tai rõ mồn một.

Đại hán kia không hiểu cố ý hay vô tình lại liếc mắt nhìn Đoàn Dự, giữa lúc chàng cúi đầu trầm tư hiển nhiên có nghe câu chuyện của mình, đột nhiên đôi mắt sáng lóe lên, hừ một tiếng. Đoàn Dự thất kinh, tay run bần bật đánh rớt ly rượu xuống đất vỡ tan tành. Đại hán mỉm cười, hỏi: “Huynh đài có việc gì mà kinh hoảng thế? Xin mời lại đây đồng ẩm cho vui.”

Đoàn Dự cười nói: “Hay lắm! Hay lắm!” Chàng sai hầu bàn dọn chén bát qua bàn của người kia rồi hỏi tính danh. Đại hán kia mỉm cười: “Đã biết rồi mà còn hỏi làm chi? Chúng ta không câu nệ hình thức, cứ việc cùng nhau ăn uống no say, há chẳng hào hứng hơn không? Đến khi chia ra thành ta và địch đâm ra mất thú đi.” Đoàn Dự đáp: “Chắc huynh đài nhận lầm người nên tưởng tại hạ là kẻ địch. Thế nhưng mấy chữ Không Câu Nệ Hình Thức làm cho tiểu đệ thích thú vô cùng. Xin mời, xin mời!” Chàng cầm chén lên nốc một hơi cạn sạch.

Đại hán mỉm cười nói: “Huynh đài quả là sảng khoái, có điều cái chén đó bé quá.” Y cất tiếng gọi: “Tửu bảo, lấy ra đây hai cái bát lớn, thêm mười cân rượu hảo hạng.” Tin tửu bảo và Đoàn Dự nghe gọi đều giật nảy mình. Tửu bảo cười hỏi lại: “Đại gia! Những mười cân rượu thì làm sao uống hết?” Đại hán chỉ vào Đoàn Dự nói: “Vị công tử này mời khách, ngươi việc gì phải tiết kiệm giùm y? Mười cân chưa chắc đã đủ, lấy hai chục cân.” Tửu bảo cười đáp: “Vâng! Vâng!” Chẳng mấy chốc y mang ra hai cái tô và một hũ rượu để lên bàn.

Đại hán bảo: “Rót đầy hai tô cho ta.” Tửu bảo vâng lời rót ra. Đoàn Dự nghe hơi rượu nồng nặc xông lên mũi, chàng có vẻ khó chịu. Khi chàng ở Đại Lý thỉnh thoảng mới uống vài ly để trợ thi hứng, bây giờ thấy uống rượu bằng tô bất giác chau mày. Đại hán vừa cười vừa hỏi: “Chúng ta hãy đối ẩm mười bát rồi có gì tính sau, được chăng?”

Đoàn Dự nhìn thấy đôi mắt đại hán đầy vẻ giễu cợt khinh nhờn. Giá như vào lúc bình thường, chàng ắt hẳn sẽ cung kính từ chối, thú thực là tửu lượng không bằng ai, thế nhưng tối hôm qua ở Thính Hương Thủy Tạ bị người ta rẻ rúng đã nhiều, liền nghĩ thầm: “Gã này hẳn cùng một bọn với Mộ Dung công tử, không là Đặng đại gia, Công Dã nhị gia thì cũng là Phong tứ gia chi chi đó. Bọn chúng đã ước hẹn đấu võ tại Huệ Sơn, kẻ địch nếu không là Cái Bang thì cũng là Nhất Phẩm Đường của Tây Hạ. Hừ, Mộ Dung công tử thì đã là gì? Ta quyết không để cho thủ hạ y khinh miệt, quá lắm say chết là cùng, có gì là ghê gớm đâu?” Chàng nghĩ thế nên ngồi thẳng người lên, đáp: “Tại hạ đành liều mạng để bồi tiếp quân tử, nếu vì quá say mà khiếm lễ mong huynh đài đừng trách.” Nói xong bưng tô rượu lên, uống ừng ực một hơi cạn sạch. Chàng uống tô rượu này chẳng qua chỉ vì tức khí, tuy không có Vương Ngữ Yên ngồi bên cạnh nhưng chẳng khác nào uống để tỏ cho nàng biết nếu mình có cạnh tranh với Mộ Dung Phục cũng không chịu thua đâu. Đừng nói đây chỉ là một tô rượu mạnh, mà nếu là một tô thuốc độc chắc chàng cũng uống không thèm nghĩ.

Đại hán kia thấy chàng uống một cách hào sảng như vậy thật không ngờ, liền cười ha hả khen rằng: “Thật là sảng khoái!” Y cũng bưng tô của mình lên ngửa cổ uống cạn rồi lại trót đầy hai tô khác. Đoàn Dự cười nói: “Rượu ngon lắm!” Chàng hít một hơi rồi lại bưng tô lên uống hết. Đại hán uống hết ngay tô thứ hai, lại rót hai tô nữa. Mỗi tô đó phải đến nửa cân, Đoàn Dự uống một cân rượu mạnh vào bụng rồi, trong bụng tưởng như có lửa đốt bừng bừng, đầu óc choáng váng quay cuồng nhưng vẫn nghĩ bụng: “Mộ Dung Phục thì đã là gì? Chắc gì hơn được ai? Ta lẽ nào lại thua thủ hạ của hắn?”. Chàng lại uống một hơi hết sạch tô thứ ba. Đại hán kia thấy chàng uống hai tô đã có vẻ say, thì cười thầm trong bụng, biết tên đồ gàn này uống tô thứ ba vào là phải ngã quay xuống đất.

Đoàn Dự chưa uống tô thứ ba đã thấy trong người nôn nao khó chịu muốn nôn ra, đến lúc thêm nửa cân rượu trắng nữa vào bụng, ngũ tạng lục phủ tựa hồ như đảo lộn cả lên. Chàng cố gắng mím môi, không để cho rượu trong bụng ọc ra. Đột nhiên chàng cảm thấy huyệt Đan Điền rung động, một luồng chân khí xông lên, chạy lung tung khắp nơi trong người y như cái ngày mà chàng chưa biết thu nạp chân khí vào chỗ chứa. Chàng vội chiếu theo phương pháp của bá phụ truyền thụ cho, quy nạp chân khí vào huyệt Đại Truy. Hơi rượu trong cơ thể bốc lên, trộn với chân khí, rượu vốn là vật hữu hình hữu chất nên không chịu nằm yên trong khí hải, chàng đành để nó chảy tự nhiên từ huyệt Thiên Tông sang huyệt Kiên Trinh rồi theo các huyệt Tiểu Hải, Chi Chính, Dưỡng Lão nơi cánh tay trái xuống đến các huyệt Dương Cốc, Hậu Khoát, Tiền Cốc nơi bàn tay rồi theo huyệt Thiếu Trạch ở ngón tay út tiết ra ngoài. Lúc này chân khí đi theo đường lối giống như Thiếu Trạch Kiếm trong Lục Mạch Thần Kiếm. Thiếu Trạch Kiếm vốn là một luồng kiếm khí vô hình, nhưng lúc này nơi ngón tay út của chàng lại có rượu chảy ri rỉ ra ngoài.

Lúc đầu Đoàn Dự chưa nhận ra nhưng chẳng bao lâu, đầu óc thấy tỉnh táo trở lại, khám phá ra rượu theo ngón tay út mà ra ngoài liền kêu thầm: “Tuyệt diệu!” Chàng để thõng tay trái, đại hán kia nào có để ý, chỉ thấy Đoàn Dự vừa sắp say mèm, chỉ một loáng lại tỉnh táo, không khỏi lạ lùng cười nói: “Tửu lượng của huynh đài quả không phải kém!” Y lại rót thêm hai tô nữa.

Đoàn Dự cười nói: “Tửu lượng của tiểu đệ cũng tùy theo bạn đồng ẩm mà thay đổi. Người ta thường nói rằng: Tửu phòng tri kỷ thiên bôi thiểu. Cái tô này chắc cũng độ hai chục chén, một nghìn ly thì phải năm chục tô mới đủ, tiểu đệ xem ra uống không nổi năm chục tô đâu.” Chàng nói xong lại bưng bát nữa lên uống. Tay trái chàng gác lên lan can, rượu từ ngón út tiết ra theo bờ lan can chảy xuống dưới chân tường, thế thì còn trời nào biết được, nên không bị lộ tẩy. Chẳng mấy chốc, bốn tô rượu lớn uống vào đều theo kinh mạch chảy ra hết, trong người chàng không còn chút hơi men nào.

Đại hán kia thấy Đoàn Dự uống hết bốn tô rượu mà người vẫn như không, rất là vui vẻ nói: “Phải lắm! Phải lắm! Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, tại hạ cạn trước để kính huynh đài.” Gã tự rót hai tô rượu, uống luôn một lúc. Đoạn, y lại rót cho Đoàn Dự hai tô. Đoàn Dự thản nhiên bưng hai tô rượu lên uống cạn, thái độ tiêu sái chẳng khác gì người ta uống trà.

Chuyện hai người đấu rượu đã làm kinh động tất cả tửu khách lầu trên lầu dưới của Tùng Hạc Lâu, ngay cả đầu bếp, phụ bếp cũng chạy lên lầu xúm quanh mà xem.

Đại hán kia lại gọi: “Tửu bảo! Lấy thêm hai mươi cân rượu nữa ra đây!” Tên tửu bảo lắc đầu lè lưỡi nhưng động tính hiếu kỳ không ngăn trở gì nữa, chạy vào lấy hũ rượu. Hai người không ai chịu kém ai, chỉ chừng một bữa cơm, mỗi người đã uống ba chục tô rượu lớn rồi.

Đoàn Dự biết rằng mình dùng ngón tay làm trò ma mãnh tiết được rượu ra ngoài, tửu lượng có thể nói là vô cùng vô tận, còn đại hán kia mới là bản lãnh chân thực, thấy y uống liên tiếp hơn ba mươi bát mà mặt không đổi sắc cũng không có vẻ gì say sưa, trong lòng hết sức bội phục. Lúc đầu chàng nghĩ y là bè lũ Mộ Dung công tử nên có ý đối địch, đến lúc này thấy y đầy vẻ hào sảng, anh phong nên nổi lòng yêu mến nghĩ bụng: “Nếu cứ như thế này mà uống thì phần thắng chắc chắn về mình. Nhưng để gã uống nhiều quá không khỏi tổn hại đến thân thể”. Đến khi uống tới bát thứ bốn mươi, chàng bèn nói: “Nhân huynh! Mỗi người chúng ta đã uống đến bốn chục bát rồi.”

Đại hán kia cười nói: “Huynh đài đầu óc còn tỉnh táo lắm, nhớ được số mục đâu ra đấy.” Đoàn Dự cũng cười: “Hai ta kỳ phùng địch thủ, gặp gỡ nơi đây quả là có duyên, nếu uống đến phân thắng bại e rằng không phải dễ. Thôi mình uống đến đây thôi, chẳng giấu gì nhân huynh, trong người tiểu đệ cũng không có nhiều tiền.” Nói xong bèn móc trong bọc ra một cái túi gấm quẳng lên bàn, chỉ nghe đánh “xạch” một tiếng nho nhỏ, đủ tỏ hầu bao của chàng thật vô cùng khiêm tốn. Nguyên lúc Đoàn Dự bị Cưu Ma Trí bắt từ Đại Lý đến đây không đem tiền bạc theo nhiều. Cái túi gấm kết bằng tơ vàng chỉ bạc, thoáng trông cũng biết là vật quí, nhưng tiếc rằng lép kẹp. Đại hán thấy vậy cười ha hả, y móc trong người ra một đĩnh bạc vứt lên bàn, nắm tay Đoàn Dự nói: “Chúng ta đi thôi!”

Đoàn Dự cả mừng. Khi chàng còn ở Đại Lý đứng vào địa vị hoàng tử cao sang, khó mà tìm được người bạn chân thành. Nay đã không lấy văn tài, lại không dùng võ nghệ, chỉ lấy tửu lượng kết giao với một tráng sĩ hào sảng, kể ra cũng là một chuyện ly kỳ.

Hai người xuống dưới lầu, đại hán kia đi mỗi lúc một nhanh, ra khỏi thành liền rảo bước, cứ vùn vụt theo đường lớn thẳng tiến. Đoàn Dự nín thở đi bên cạnh gã. Tuy chàng không biết võ công nhưng nội lực có thừa, đi nhanh như vậy mà không thở mạnh chút nào. Đại hán đưa mắt nhìn chàng rồi mỉm cười, nói: “Được lắm, mình tỉ thí cước lực xem sao.” Nói rồi y liền ra sức chạy thật nhanh.

Đoàn Dự theo được ba bước đã lảo đảo suýt ngã. Chàng nghiêng người đi nửa bước gượng lại được, bước chân ngẫu nhiên đúng pháp Lăng Ba Vi Bộ. Đoàn Dự vì vô ý đặt chân đúng bộ pháp mà vọt lên được mấy thước, trong bụng mừng thầm, cứ thế áp dụng Lăng Ba Vi Bộ đuổi kịp đại hán kia. Hai người lại cùng nhau chạy, chỉ thấy gió thổi vù vù, cây cối hai bên đường vùn vụt chạy về phía sau.

Khi Đoàn Dự học Lăng Ba Vi Bộ, chàng tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện cùng người chạy thi. Lúc này chân chàng chẳng khác chi mũi tên đặt trên cung, không thể không bắn ra được, cứ thế mà bước, tuyệt không nghĩ đến chuyện thắng thua. Trong mình lại có nội lực cực kỳ hùng hậu, chàng chỉ chuyên tâm chú ý mà chạy cho đúng bộ pháp đã học trong sơn động, còn đại hán đang ở trước mặt hay sau lưng cũng không để ý nữa.

Đại hán kia sải những bước thật dài, càng lúc càng mau, trong khoảnh khắc đã bỏ xa Đoàn Dự. Thế nhưng y chỉ chậm lại một chút để lấy hơi thì Đoàn Dự đã đuổi tới sau lưng rồi. Đại hán liếc mắt nhìn chàng, thấy thân hình nhẹ nhõm chân bước ung dung, tựa như người đi dạo trong sân, không hề hấp tấp. Y càng xem càng lấy làm kỳ dị, trong lòng thầm phục, ra sức chạy nhanh thêm mấy bước thì lại bỏ chàng tụt lại phía sau. Thử như thế mấy lần, đại hán kia biết Đoàn Dự cực kỳ dai sức, xem ra còn hơn cả mình. Giả tỷ mà chỉ chạy vài dặm thì gã thắng chàng một cách dễ dàng, nhưng nếu chạy đến vài chục dặm thì chuyện hơn thua chưa biết về ai, nếu chạy đến ngoài trăm dặm thì bại là cái chắc. Y cười ha hả đứng lại nói: “Mộ Dung công tử, hôm nay Kiều Phong này chịu phục công tử rồi. Cô Tô Mộ Dung quả nhiên danh bất hư truyền.”

Đoàn Dự đang đà chạy vọt lên, nghe thế vội vàng quay lại, thấy y gọi mình là Mộ Dung công tử vội nói: “Tiểu đệ họ Đoàn tên Dự, nhân huynh nhận lầm rồi.” Đại hán kia thần sắc kinh ngạc hỏi lại: “Sao? Huynh đài… không phải Mộ Dung Phục công tử ư?” Đoàn Dự mỉm cười, đáp: “Tiểu đệ đến Giang Nam, ngày nào cũng được nghe đại danh Mộ Dung công tử, trong lòng rất là ngưỡng mộ nhưng tới nay vẫn chưa có duyên bái kiến.” Chàng trong bụng nghĩ thầm: “Hán tử này nhận lầm ta là Mộ Dung Phục, thì ra y không phải bè lũ nhà Mộ Dung”. Nghĩ vậy, chàng đối với đại hán càng thêm phần thiện cảm, bèn hỏi: “Dường như vừa rồi nhân huynh tự giới thiệu họ Kiều tên Phong phải không?”

Người kia vẫn chưa hết vẻ kinh ngạc, nói: “Chính thế, tại hạ là Kiều Phong.” Đoàn Dự nói: “Tiểu đệ là người Đại Lý, mới đến Giang Nam lần đầu đã được biết đến một nhân vật anh hùng như Kiều huynh thực là đại hạnh.” Kiều Phong trầm ngâm nói: “Ồ thì ra huynh đài là con cháu họ Đoàn Đại Lý, thảo nào, thảo nào! Đoàn huynh đến Giang Nam có chuyện gì vậy?” Đoàn Dự đáp: “Nói ra thật là hổ thẹn, tiểu đệ bị người ta bắt đến đây.” Chàng đem chuyện vì sao bị Cưu Ma Trí bắt được, rồi gặp hai cô a hoàn của Mộ Dung Phục thế nào sơ lược kể qua. Tuy chàng kể tóm tắt một câu chuyện dài nhưng không giấu diếm nào, dù là những tật xấu của mình cũng không che đậy.

Kiều Phong nghe xong, vừa kinh ngạc vừa vui mừng nói: “Đoàn huynh quả là người sảng khoái chính trực, bình sinh trong đời mỗ chưa từng gặp qua. Ta với huynh đài một lần gặp gỡ như quen đã lâu, mình kết thành huynh đệ kim lan có được không?” Đoàn Dự cả mừng nói: “Tiểu đệ chỉ cầu được vậy thôi.” Hai người so tuổi tác, Kiều Phong lớn hơn Đoàn Dự mười một tuổi dĩ nhiên làm anh. Sau đó hai người nặn đất thành hương, lạy trời tám lạy kêu đệ gọi huynh vui mừng khôn xiết.

Đoàn Dự nói: “Tiểu đệ nơi Tùng Hạc Lâu, trộm nghe đại ca tối nay có ước hẹn với kẻ địch. Tiểu đệ tuy không biết võ công nhưng cũng muốn đến xem trò náo nhiệt, đại ca có cho phép không?”

Kiều Phong tra hỏi chàng mấy câu mới hay quả nhiên Đoàn Dự không biết võ công, lại càng rất lấy làm kỳ, nói: “Hiền đệ có nội lực hùng hậu như thế mà muốn học võ công thượng thừa thật dễ như lấy đồ trong túi, chẳng khó khăn gì cả. Hiền đệ muốn đi xem cuộc đấu đêm nay cũng được, chỉ e rằng địch nhân ra tay tàn độc âm hiểm, tuyệt nhiên chớ nên ra mặt.” Đoàn Dự vui mừng nói: “Tiểu đệ xin tuân lời đại ca.” Kiều Phong cười nói: “Bay giờ hãy còn sớm, anh em ta lại trở về thành Vô Tích uống rượu lúc nữa đã rồi hãy lên Huệ Sơn cũng vừa.”

Đoàn Dự nghe y đòi uống rượu nữa, không khỏi hoảng hồn, nghĩ thầm: “Mới uống bốn chục bát rồi, mới một chốc đã đòi uống thêm sao?”. Chàng bèn thú thật: “Đại ca, lúc tiểu đệ cùng đại ca uống thi, thực ra có giở trò bịp bợm, xin đại ca miễn trách.” Chàng nói rõ mình đã dùng nội lực dồn rượu chảy ra huyệt Thiếu Trạch ở ngón tay út như thế nào, Kiều Phong kinh hoảng nói: “Phải chăng đó là… đó là kỳ công Lục Mạch Thần Kiếm?” Đoàn Dự đáp: “Chính thị, tiểu đệ mới học chưa lâu, còn sơ sài lắm.”

Kiều Phong ngẩn người ra một hồi, thở dài nói: “Ta từng nghe gia sư nói qua, võ lâm tương truyền họ Đoàn Đại Lý có môn công phu Lục Mạch Thần Kiếm có thể dùng kiếm khí vô hình giết người, không biết thực hay hư. Thì ra quả có môn thần công đó.” Đoàn Dự nói: “Thực ra môn công phu đó của tiểu đệ ngoài việc dùng để bịp đại ca khi uống rượu ra chẳng được tích sự gì. Khi tiểu đệ bị nhà sư Cưu Ma Trí bắt giữ, không cách nào chống trả. Người đời ca tụng môn Lục Mạch Thần Kiếm này quá đáng, thực ra chẳng được như vậy đâu. Đại ca ơi! Rượu rất hại người, nên uống ít đi là hơn. Hôm nay uống nhiều quá rồi, xin miễn đi thôi.”

Kiều Phong cười ha hả nói: “Hiền đệ khuyên như vậy là phải lắm. Có điều ngu huynh khỏe như voi, từ bé đã thích uống rượu, càng uống tinh thần càng sáng khoái. Đêm nay gặp đại địch, lại càng cần uống nhiều rượu đánh nhau mới hứng.” Hai người vừa nói vừa quay lại thành Vô Tích, nhưng lần này đi thong thả chứ không chạy đua nữa.

Đoàn Dự vui mừng có được một người bạn tốt, trong lòng cực kỳ sung sướng, thế nhưng vẫn không quên được chuyện Mộ Dung Phục và Vương Ngữ Yên. Chàng nói chuyện gẫu mấy câu lại nhịn không nổi hỏi: “Đại ca ơi! Lúc đầu đại ca trông nhầm tiểu đệ ra Mộ Dung Công tử, phải chăng tiểu đệ có điểm nào giống hắn ta ư?” Kiều Phong đáp: “Ta đã từng nghe đại danh của nhà Mộ Dung đất Cô Tô, lần này đến Giang Nam cũng là vì y mà đến. Nghe nói Mộ Dung Phục nho nhã anh tuấn, tuổi chừng hăm tám hăm chín, số ra còn lớn hơn hiền đệ vài tuổi. Nhưng ta cứ tưởng ở Giang Nam ngoài Mộ Dung Phục chẳng còn thanh niên công tử nào dung mạo tuấn nhã, võ công cao cường như thế nên mới nhận lầm, quả là đáng hổ thẹn.”

Đoàn Dự nghe Kiều Phong nói Mộ Dung Phục võ nghệ cao cường, dung mạo tuấn nhã thì chua xót trong lòng, lại hỏi thêm: “Đại ca từ xa đến kiếm y cốt để kết giao bằng hữu chăng?”. Kiều Phong thở dài một tiếng, vẻ mặt buồn bã lắc đầu: “Ta vẫn hằng mong được kết giao với một người bạn như thế nhưng khó lòng được như nguyện.” Đoàn Dự hỏi thêm: “Sao vậy?” Kiều Phong đáp: “Ta có một người bạn chí thân, hai tháng trước đây bị giết, ai cũng bảo là Mộ Dung Phục hạ độc thủ.” Đoàn Dự thảng thốt kêu lên: “Gậy ông đập lưng ông ư?” Kiều Phong đáp: “Đúng thế. Người bạn đó bị một vết tử thương, chính là do tuyệt kỹ thành danh của y.” Tới đây Kiều Phong nghẹn ngào, sắc mặt cực kỳ đau xót, ngừng lại một chút nói tiếp: “Nhưng trên chốn giang hồ có biết bao điều bí ẩn khôn lường, không thể căn cứ vào tin đồn mà khăng khăng coi y là có tội. Ngu huynh đến Giang Nam chính là để điều tra cho rõ.” Đoàn Dự hỏi: “Thế sự thực ra sao?” Kiều Phong lắc đầu nói: “Cái đó cũng thật là khó nói. Bạn ta thành danh đã lâu, là người ngay thẳng khiêm hòa, xưa nay hành sự cực kỳ cẩn trọng, không lẽ tự nhiên vô cớ xúc phạm Mộ Dung công tử. Chẳng biết vì sao y lại bị ám toán, thực khó hiểu quá.”

Đoàn Dự gật đầu nghĩ thầm: “Đại ca bề ngoài thô hào nhưng trong lòng thực là tinh tế, không phải như bọn Hoắc tiên sinh, Quá Ngạn Chi, Tư Mã Lâm chưa điều tra rõ đã nhất mực cho rằng Mộ Dung công tử là hung thủ.” Chàng lại hỏi thêm: “Đêm nay đại ca ước hội với bọn cường địch nào?” Kiều Phong đáp: “Đó là…” Mới nói được hai tiếng, đã thấy trên đường lớn có hai người áo quần rách rưới như kẻ ăn mày chạy tới. Kiều Phong vội vàng ngừng lại, hai người đó thi triển khinh công chỉ nháy mắt đã tới trước mặt, cùng khom lưng, một người nói: “Bẩm bang chủ, có bốn người xông vào Đại Nghĩa phân đà, thân thủ có vẻ khá lắm, Tưởng đà chủ thấy bọn họ xem chừng bất thiện, ngại rằng chống đỡ không nổi nên sai thuộc hạ đi mời Đại nhân phân đà đến tiếp viện.”

Đoàn Dự nghe hai người kia gọi Kiều Phong là “bang chủ”, thần thái cực kỳ cung kính, nghĩ thầm: “Thì ra đại ca ta là chủ một bang hội gì đó”.

Kiều Phong gật đầu hỏi: “Bọn kia là người như thế nào?” Một người đáp: “Trong đám này có ba thiếu nữ và một gã đứng tuổi cao nghều, gầy nhom, cực kỳ ngang tàng vô lễ.” Kiều Phong hừ một tiếng nói: “Đối phương chỉ có một người, không lẽ Tưởng đà chủ không đối phó nổi ư?” Hán tử đáp: “Bẩm bang chủ, ba thiếu nữ kia xem chừng cũng biết võ công.” Kiều Phong bật cười nói: “Hay nhỉ, để ta đến xem sao”. Hai người kia lộ vẻ vui mừng, cùng đáp “Vâng” rồi thõng tay lui ra sau lưng Kiều Phong. Kiều Phong quay sang nói với Đoàn Dự: “Hiền đệ có đi với ta không?” Đoàn Dự đáp: “Dĩ nhiên là tiểu đệ đi với đại ca.”

Hai người kia đi trước dẫn đường, chừng hơn dặm thì rẽ sang mé tả, đường bờ ruộng khúc khuỷu quanh co, chỗ này là miền ruộng đất phì nhiêu, trên bến dưới thuyền. Đi được mấy dặm nữa qua một khu rừng hạnh, nghe từ trong vọng ra một giọng nói cổ quái: “Mộ Dung huynh đệ của ta đi lên Lạc Dương để gặp bang chủ các ngươi. Vậy mà bọn Cái Bang các ngươi lại xuống cả Vô Tích này, phải chăng cố ý lánh mặt? Bọn ngươi hèn nhát chẳng kể làm chi, nhưng để Mộ Dung công tử phải phí một chuyến đi thì các ngươi nghĩ sao? Không được, thế là không được!” .

Đoàn Dự vừa nghe giọng nói tim đã đập thình thình, đó chính là cái gã Bao tam tiên sinh lúc nào cũng lèm bèm “Sai bét, sai bét” nên nghĩ thầm: “Vương cô nương có đi cùng với y chăng? Chẳng phải có ba thiếu nữ là gì?”.Chàng lại nghĩ: “Cái Bang là đại bang số một trong thiên hạ, không lẽ hôm nay mình đã bái kết cùng bang chủ của họ hay sao?”.

Chỉ nghe một người nói giọng phương bắc lớn tiếng đáp: “Mộ Dung công tử có hẹn trước với Kiều bang chủ của tệ bang không?” Bao tam tiên sinh nói: “Hẹn hay không hẹn thì cũng thế. Mộ Dung công tử đã đến Lạc Dương thì bang chủ Cái Bang không được tự tiện đi đâu cả, để công tử khỏi mất công. Không được, thế là không được!” Người kia lại hỏi: “Mộ Dung công tử không ước hẹn, thế có đưa thiếp sang trước không?” Bao tam tiên sinh đáp: “Làm sao ta biết? Ta có phải là Mộ Dung công tử đâu, cũng có phải là bang chủ Cái Bang đâu, làm sao biết được? Ngươi hỏi câu ấy thật là ngu quá, không được, thế là không được!”

Kiều Phong nghe vậy sầm mặt xuống, tiến vào trong rừng. Đoàn Dự đi theo sau, thấy trong rừng hạnh hai bên đang đối diện nhau, đằng sau Bao tam tiên sinh có ba cô gái, Đoàn Dự vừa nhìn thấy một nàng mắt liền dán chặt vào không sao rời ra được nữa.

Người con gái đó dĩ nhiên là Vương Ngữ Yên, nàng cũng ngạc nhiên, khẽ hỏi: “Ngươi cũng đến đây à ?” Đoàn Dự đáp: “Tôi cũng đến.” Rồi cứ ngây người ra mà nhìn nàng. Vương Ngữ Yên hai má ửng hồng, ngoảnh mặt đi nơi khác, nghĩ bụng: “Gã này cứ trân trân nhìn mình, thực là vô lễ”. Nhưng nàng đã biết Đoàn Dự ngưỡng mộ nhan sắc mình, trong lòng lại thấy sung sướng chứ không bực bội.

Đối diện với Bao Bất Đồng là một đám ăn mày quần áo lam lũ, người đứng trước thấy Kiều Phong đến lập tức vui mừng chạy ra nghênh tiếp, bang chúng Cái Bang đứng ở sau y cùng khom lưng hành lễ, lớn tiếng nói: “Thuộc hạ tham kiến bang chủ.” Kiều Phong ôm quyền đáp: “Các anh em khỏe chứ?” Bao tam tiên sinh thấy thế lập tức sắc mặt khẩn trương, hỏi: “Vị này có phải Kiều bang chúa ở Cái Bang không? Chắc đã biết Bao Bất Đồng này rồi chứ?” Kiều Phong đáp: “Thì ra là Bao tam tiên sinh. Tại hạ bấy lâu vẫn hâm mộ anh danh, bữa nay được gặp mặt thật là hân hạnh.” Bao Bất Đồng đáp: “Sai bét, sai bét! Trên giang hồ ta làm gì có anh danh, xú danh thì chắc có. Ai mà chẳng biết Bao Bất Đồng đi đâu cũng gây gổ với người ta, mở mồm là thành chuyện. Ha ha! Kiều bang chủ, ngươi tự tiện tới Giang Nam, thế là có lỗi đấy nhé.”

Cái Bang là bang hội lớn nhất thiên hạ, địa vị bang chủ cực kỳ tôn qúi, bang chúng kính ngưỡng như thần minh. Mọi người thấy Bao Bất Đồng vô lễ với bang chủ như thế, vừa mở mồm đã trách móc, không ai là không phẫn nộ. Sáu bảy người đứng sau lưng Đại Nghĩa phân đà Tưởng đà chủ, kẻ nắm chuôi đao, người cung tay lấy thế như toan bước ra động thủ ngay.

Kiều Phong chỉ thản nhiên hỏi lại: “Tại hạ có lỗi chỗ nào, xin Bao tam tiên sinh chỉ giáo.” Bao Bất Đồng đáp: “Mộ Dung công tử nhà ta biết Kiều bang chủ là một nhân vật đáng kể, biết Cái Bang có ít nhiều nhân tài, vì thế mà đi Lạc Dương phó hội cùng các hạ. Sao bang chủ lại tự ý xuống Giang Nam tìm lạc thú? Ha ha, không được, thế là không được!”

Kiều Phong cười nửa miệng, nói: “Mộ Dung công tử đến tệ bang ở Lạc Dương, nếu tại hạ biết tin trước nhất định phải ở nhà nghênh tiếp. Vì không biết trước nên thất nghinh, xin có lời tạ lỗi.” Nói xong ôm quyền với chào.

Đoàn Dự trong bụng khen thầm: “Mấy câu đó của đại ca thật là lễ độ, quả nhiên xứng đáng làm chúa tể một bang, chứ nếu như nổi giận với Bao Bất Đồng thì thật mất thân phận.”

Nào ngờ Bao Bất Đồng lại gật đầu, đáp: “Cái tội thất nghinh đành là phải có lời tạ lỗi. Tuy người ta thường nói rằng không biết là không có tội, nhưng muốn phạt muốn đánh hay không là quyền của người ta.” Y đang dương dương tự đắc, bỗng nghe từ trong rừng hạnh có mấy người cười ồ lên vang động cả không gian. Có người vừa cười vừa nói: “Thường nghe Bao Bất Đồng đất Giang Nam hay đánh rắm chó, quả nhiên danh bất hư truyền.” Bao Bất Đồng đáp lại:“Ta vẫn thường nghe rắm kêu thì không thối, rắm thối thì không kêu, thế nhưng loại rắm chó vừa thối vừa kêu như của Cái Bang lục lão quả nhiên danh bất hư truyền.”

Trong rừng hạnh có người đáp: “Bao Bất Đồng đã nghe danh Cái Bang lục lão, sao còn dám đứng đây nói nhăng nói cuội?” Lời vừa dứt, từ trong rừng hạnh bước ra bốn ông già, người thì râu tóc trắng xóa, người thì mặt mũi hồng hào. Trong tay bốn người đều cầm binh khí, chia ra bốn góc vây bọn Bao Bất Đồng, Vương Ngữ Yên lại.

Lẽ dĩ nhiên Bao Bất Đồng đã biết Cái Bang là đệ nhất bang hội trong thiên hạ, trong bang cao thủ nhiều vô số kể, Cái Bang lục lão danh cao trọng vọng. Dù y tính khí cao ngạo, từ bé đã không sợ trời sợ đất, mà bây giờ thấy bốn trong sáu người của Cái Bang lục lão ra mặt vây quanh cũng kêu khổ thầm: “Nát bét ôi là nát bét! Phen này thì tiếng tăm Bao tam tiên sinh tất phải đi đời!”. Thế nhưng mặt y không lộ vẻ gì sợ hãi, chỉ nói: “Bốn lão già kia muốn gì, tính cùng Bao tam tiên sinh này đánh nhau một trận hay sao? Sao bốn lão không xông lên một lượt, thập thò lén lút ở một bên, toan ám toán hả? Hay lắm, hay lắm, thật là hay! Bao tam tiên sinh thích nhất là đánh nhau.”

Bỗng từ trên không có tiếng người vọng xuống: “Trên đời này ai là người khoái đánh nhau nhất? Là Bao tam tiên sinh chăng? Sai rồi, sai rồi, đó phải là Giang Nam nhất trận phong Phong Ba Ác.”

Đoàn Dự ngẩng đầu lên thấy một người đứng trên một cành hạnh, cành cây rung động không ngớt, người đó cũng nhấp nhô theo. Y thân hình vừa nhỏ bé vừa gầy guộc, tuổi chừng ba mươi hai ba mươi ba, mặt đã choắt lại để hai chòm râu đuôi chuột, lông mày rủ thấp, dung mạo thật là xấu xí. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Xem ra đây là người A Châu, A Bích gọi là Phong tứ ca đây.” Quả nhiên Bích cả mừng kêu lên: “Phong tứ ca đấy ư? Tứ ca có được tin tức gì về công tử không?” Phong Ba Ác nói lớn: “Hay lắm, hôm nay kiếm được đối thủ rồi. A Châu, A Bích, chuyện của công tử từ từ rồi nói cũng không sao.” Đoạn y từ trên không lộn một vòng lao thẳng xuống, xông luôn vào tấn công ông già béo mập, thấp lủn thủn ở phía bắc.

Lão này cầm cây cương trượng vụt phóng ra nhằm trước ngực Phong Ba Ác điểm vào. Cây trượng đó phải to bằng quả trứng ngỗng, lúc vung ra kình phong thật là uy mãnh. Phong Ba Ác liền sấn tới, giơ tay định đoạt cương trượng, ông già liền rung tay một cái, chiếc gậy hất lên, điểm luôn vào ngực y. Phong Ba Ác kêu lên: “Hay lắm!” Y đột nhiên lún người xuống, giơ tay chộp vào mạng sườn đối phương. Cây trượng của ông già lùn mập kia đang đánh ra ngoài, thấy địch nhập nội muốn rút về chống đỡ cũng không kịp, lão bèn giơ chân lên đá vào bụng dưới y. Phong Ba Ác nghiêng qua tránh được, lại xông ngay lên trước mặt ông già mặt mũi hồng hào ở phía đông. Bỗng thấy một luồng bạch quang sáng lóe, tay gã cầm thêm một thanh đơn đao, chém phạt ngang vào lão mặt đỏ. Lão mặt đỏ cầm thanh quỷ đầu đao, sống dày lưỡi mỏng, thân đao rất dài, vừa thấy Phong Ba Ác chém tới liền giơ quỷ đầu đao lên gạt, ắt hẳn lưỡi dao của lão ta phải rất cứng. Phong Ba Ác kêu lên: “Khí giới của ngươi ghê quá, ta không chạm vào đâu.” Y nhảy ra ngoài hơn một trượng, nhắm ngay ông già râu bạc ở phía nam chém ngược lại một đao.

Ông già đó tay cầm thiết giản, trên thân giản đầy răng cắm ngược như móc câu, chuyên dùng để khóa binh khí của đối phương. Ông ta thấy đơn đao của Phong Ba Ác chém vào mà quỉ đầu đao của ông già mặt đỏ còn chưa thu về, nếu mình xông lên sẽ thành thế tiền hậu giáp công hai người đánh một nên tự trọng thân phận, nhẹ nhàng tránh ra nhường y một chiêu.

Chẳng ngờ Phong Ba Ác bản tính hiếu chiến, càng đánh càng hăng, càng hùng hổ. Gã chẳng kể gì được thua mà cũng chẳng thèm giữ đúng quy củ. Ông già râu bạc né lùi lại ai cũng biết là có ý nhường nhịn, nhưng y không kể gì đến lề lối võ lâm, thấy có chỗ sơ hở liền vung đao chém luôn bốn nhát, thế như gió lốc mau lẹ dị thường. Ông già râu bạc đâu ngờ y lại thừa cơ tấn công, thực là vô lý hết sức, vội vàng vung giản lên chống đỡ, phải lùi liên tiếp bốn bước mới đứng vững được. Lúc này lưng ông ta đã tựa vào một cây hạnh, không còn đường nào lùi thêm, vội tạt ngang cây giản nghe vù một tiếng, đánh ra đòn thứ nhất trong Sát Thủ Giản chuyển thủ thành công. Ngờ đâu Phong Ba Ác quát lên: “Còn lão này nữa.” Y không đỡ mà lùi lại, đơn đao múa lên thành một vòng tròn, xông vào người thứ tư trong Cái Bang tứ lão. Lão râu bạc phóng ra một giản thì thấy đối phương đã lùi ra xa. Lão bực mình thở phù phù khiến chòm râu bạc bay tung lên.

Vị trưởng lão thứ tư kia có hai cánh tay thật dài, tay trái cầm một món binh khí mềm mại, thấy Phong Ba Ác xông tới, vung tay trái lên quăng binh khí ra, hóa ra là một cái túi đựng gạo bằng vải gai. Chiếc túi gặp gió liền phồng lên, chụp xuống đầu Phong Ba Ác. Y vừa kinh hãi vừa mừng rỡ, kêu lên: “Thú lắm! Ta đánh với ngươi.”Y bình sinh thích nhất là đánh nhau, đối thủ võ công càng kỳ lạ, binh khí càng kỳ dị là y càng khoái, chẳng khác nào kẻ ưa du ngoạn trông thấy núi cả sông dài, người ham ăn gặp được của ngon vật lạ. Kẻ địch dùng bao tải làm vũ khí, Phong Ba Ác chẳng những trước nay chưa hề đọ sức với loại võ khí đó bao giờ mà cũng chưa từng nghe đến nên y mừng rỡ lắm, càng thêm dè dặt, cẩn thận dùng mũi dao đâm thẳng vào thử xem có thủng không. Lão già tay dài liền đổi chiếc bao qua tay phải, tay trái co lại, múa chưởng đánh thẳng vào mặt y.

Phong Ba Ác nghiêng đầu qua tránh, đang định xoay đao chém vào hạ bàn đối phương, ngờ đâu ông già tay dài luyện được môn Thông Tí Quyền cực kỳ cao siêu. Thế quyền này tựa hồ đi hết đà, nhưng khi cánh tay vừa duỗi ra hết lại sinh ra một luồng kình lực mới, đầu quyền bỗng dưng vươn ra thêm nửa thước nữa. Cũng may Phong Ba Ác bản tính hiếu chiến, từng đại chiến tiểu chiến kể cả hàng nghìn trận nên kinh nghiệm ứng biến phong phú, trên đời này khó có người thứ hai. Y trong cơn nguy cấp liền há mồm ngoạm luôn một cái vào nắm tay kẻ địch. Ông già tay dài những tưởng cú đấm của mình sẽ đánh gãy vài cái răng của y, ngờ đâu lại bị cắn một miếng, vội rụt tay về nhưng đã trễ, kêu lên một tiếng, mấy ngón tay đã bật máu tươi. Người đứng xem chung quanh kẻ thì lớn tiếng thóa mạ, kẻ lại cười sằng sặc.

Bao Bất Đồng nghiêm trang nói: “Phong tứ đệ, chiêu Lã Động Tân Giảo Cẩu của ngươi danh bất hư truyền, quả nhiên đã luyện đến mức xuất thần nhập hóa, không uổng công lao mười năm khổ luyện bất kể nắng mưa, cắn chết một nghìn tám trăm con đủ loại chó trắng, chó đen, chó đốm nên mới đạt đến mức như ngày nay.”

Vương Ngữ Yên và A Châu, A Bích cùng bật cười. Đoàn Dự nói: “Vương cô nương võ học uyên bác, trong thiên hạ môn nào cô cũng biết, cũng thông. Thế cái tuyệt kỹ kia là thuộc môn phái nào thế?” Vương Ngữ Yên mỉm cười nói: “Đó là tuyệt nghệ độc đáo của Phong tứ ca sáng chế, trong sách chưa thấy ghi.” Bao Bất Đồng nói: “Cô không biết ư? Ha ha, thế thì kém quá. Lã Động Tân Giảo Cẩu Đại Cửu Thức chia làm chín thức, mỗi thức lại có tám lối biến hóa, vị chi là bảy mươi hai thế biến cực kỳ cao thâm.” Đoàn Dự thấy Vương Ngữ Yên vui vẻ, lại nghe Bao Bất Đồng ba hoa, cũng định diễu góp vài câu nhưng chợt nghĩ ra: “Ông già tay dài này là thuộc hạ của Kiều đại ca, lẽ nào ta lại nhạo báng y?” nên đành ngậm miệng.

Trong lúc đó ngoài trường đấu tiếng gió vù vù, ông già tay dài vung tít túi vải, đứng ngoài chỉ thấy một vùng bóng vàng lấp loáng, tựa hồ như đã chụp vào đầu Phong Ba Ác rồi. Nhưng họ Phong đao pháp tinh kỳ, che đón đánh đỡ tuyệt hay, không có vẻ gì thua sút. Chiêu số của chiếc bao tải chưa biết đến đâu nhưng Thông Tí Quyền lợi hại thế nào thì Phong Ba Ác đã nếm qua. Tuyệt kỹ Lã Động Tân Giảo Cẩu may mắn tránh được nguy cơ nhưng gã cũng không hi vọng gì đớp trúng lần nữa, thành thử hết sức dè dặt không dám coi thường chút nào.

Kiều Phong thấy Phong Ba Ác ác đấu với một trong Cái Bang tứ lão đến hơn trăm chiêu mà chưa kém sút, trong bụng cũng ngạc nhiên, lại coi trọng Mộ Dung Công tử thêm một chút. Ba vị trưởng lão Cái Bang còn lại lui ra một bên chăm chú xem hai người giao đấu.

A Bích thấy Phong Ba Ác đánh mãi không thắng, trong bụng cũng đâm lo, quay sang hỏi Vương Ngữ Yên: “Vương cô nương, lão tiên sinh tay dài kia dùng chiếc bao bố là môn võ công chi vậy?” Vương Ngữ Yên nhíu mày đáp: “Môn võ này trong sách ta chưa xem qua. Quyền cước của y là Thông Tí Quyền, thủ pháp sử dụng bao bố là mười ba đường Hồi Đả Nhuyễn Tiên của Đại Biệt Sơn, lại pha với tám mươi mốt đường Tam Tiết Côn của họ Nguyễn ở Hồ Bắc. Xem ra cái bao tải là do y tự mình sáng chế.”

Mấy câu đó nàng nói không có gì lớn tiếng, thế nhưng hai cái tên “Đại Biệt Sơn Hồi Đả Nhuyễn Tiên Thập Tam Thức” và “Hồ Bắc Nguyễn Gia Bát Thập Nhất Lộ Tam Tiết Côn” lọt vào tai ông già thật chẳng khác gì sấm động bên tai. Ông ta nguyên là con cháu nhà họ Nguyễn ở Hồ Bắc, Tam Tiết Côn chính là công phu gia truyền, về sau y lỡ tay giết trưởng bối trong nhà, phạm vào đại tội phải thay họ đổi tên, bỏ Tam Tiết Côn không dùng đến nữa. Ngờ đâu sở học hồi trẻ đã giấu kín, mà hôm nay lâm vào tình thế cấp bách không giữ gìn được, để lộ chân tướng Lão trong lòng kinh hãi nghĩ thầm: “Con nhãi này sao lại biết được gốc tích của ta nhỉ?”. Y sợ bại lộ hình tích đã giấu giếm mấy chục năm nên hơi phân tâm, bị Phong Ba Ác liên tiếp tấn công mấy đao, lâm vào tình thế không chống đỡ được, phải lùi lại ba bước.

Lão vờ dợm chân bỏ chạy, thấy Phong Ba Ác múa đao chém tới, lập tức phóng chân trái lên đá vào cổ tay y. Phong Ba Ác liền nghiêng đao qua chém xuống chân trái đối thủ, Lão lại vọt lên không đá luôn chân bên phải ra theo thế Uyên Ương Liên Hoàn. Phong Ba Ác thấy lão tuổi già mà thân thủ mau lẹ chả kém gì người còn trẻ, bất giác bật lên tiếng khen: “Hay tuyệt!” Rồi vung quyền đấm vào đầu gối lão nghe vù một tiếng. Y thấy đối phương đang lơ lửng trên không khó bề xoay chuyển, chắc mẩm lão không vỡ xương bánh chè thì cũng gãy đùi.

Phong Ba Ác thấy phát quyền đánh gần tới đầu gối mà đối phương vẫn chưa xoay trở được thì trong bụng mừng thầm. Bỗng nghe hơi gió ập tới, chiếc túi trong tay lão già đã mở ra chụp xuống đầu Phong Ba Ác. Y biết mình có thể đánh trúng xương đùi của ông già tay dài thật, nhưng nếu để đầu bị chụp vào trong cái bao thì e rằng nguy hiểm, lập tức vung tay gạt. Chiếc túi đó đang từ trên chụp xuống đột nhiên biến thành quét ngang, miệng túi lệch sang chộp luôn vào đầu quyền của Phong Ba Ác.

Miệng bao lớn hơn nắm tay Phong Ba Ác nhiều nên chụp được thì dễ mà giữ được thì khó, y chỉ co tay lại là đã rút ra khỏi cái bao ngay. Đột nhiên tay y nhói lên một cái như bị kim đâm phải, y nhìn xuống bỗng giật nảy người, có một con bò cạp trên mu bàn tay. Con bò cạp đó nhỏ hơn loại bình thường, nhưng đầy vằn vện ngũ sắc trông thật ghê rợn. Phong Ba Ác biết không xong, vẩy mạnh tay một cái nhưng đuôi con bò cạp vẫn cắm chặt, lắc cách nào cũng không nhả. Y vội lật bàn tay lại đập vào sống đao, con bò cạp lập tức nát bét. Thế nhưng con vật này mới nhìn đã thấy ghê gớm, lại của bọn Cái Bang lục lão ắt không phải tầm thường. Y lập tức nhảy ra khỏi vòng chiến, móc ngay một viên thuốc giải độc bỏ vào miệng nuốt. Lão già tay dài cũng không đánh nữa mà thu bao về, đứng nhìn Vương Ngữ Yên, tự hỏi: “Sao con nhãi này lại biết ta thuộc Nguyễn gia ở Hồ Bắc?”.

Bao Bất Đồng hết sức quan tâm vội hỏi:”Tứ đệ thấy thế nào?” Phong Ba Ác vẫy tay hai cái, không thấy khác lạ cũng không hiểu ra sao, nghĩ bụng: “Trong túi gai có giấu bò cạp ngũ sắc, ắt phải có chỗ kỳ quái” bèn đáp: “Chưa thấy gì…”Y mới nói tới đây, đột nhiên nghe bịch một cái ngã nhào ra trước. Bao Bất Đồng vội đỡ y lên, hỏi dồn: “Sao vậy? Sao vậy?” Chỉ thấy Phong Ba Ác mặt mũi đã cứng đơ, miệng đang nở một nụ cười thật gượng gạo.

Bao Bất Đồng cả kinh vội vàng giơ tay điểm các huyệt đạo trên cổ tay, khuỷu tay và trên vai ba nơi khớp xương để cho chất độc khởi chạy ngược về tim, ngờ đâu chất độc của con bò cạp ngũ sắc kia uy lực dũng mãnh hiệu quả tức thời, tuy chẳng phải là “kiến huyết phong hầu” nhưng còn nhanh hơn nọc rắn nhiều. Phong Ba Ác há mồm toan nói gì đó, nhưng chỉ ú ở được mấy tiếng khó nghe. Bao Bất Động thấy độc tính lợi hại như vậy sợ rằng không còn cách nào chạy chữa, trong cơn bi phẫn, gầm lên một tiếng, xông luôn vào lão tay dài.

Lão lùn mập cầm cương trượng quát lên: “Định xa luân chiến hay sao? Để thằng lùn này tỉ thí với anh hào nhà Mộ Dung.” Cương trượng liền nhắm thẳng vào Bao Bất Đồng phóng ra. Món binh khí đó vốn thật nặng nề nhưng lão cầm coi nhẹ như không, xuất chiêu linh động chẳng khác gì một thanh trường kiếm. Bao Bất Đồng tuy đau thương phẫn uất nhưng gặp phải đại kình địch nên không dám sơ hở. Y chỉ mong bắt được lão lùn mập này để ép lão tay dài đưa thuốc giải cứu Phong tứ đệ, lập tức thi triển cầm nã thủ, theo những khe hở của cương trượng mà tấn công vào.

A Châu, A Bích đứng hai bên Phong Ba Ác, nước mắt chạy quanh, luôn miệng gọi: “Tứ ca! Tứ ca!” Vương Ngữ Yên không biết tí gì về cách sử dụng cùng điều trị chất độc, trong bụng hối hận vô cùng: “Ta đọc sách võ học thấy phương pháp trị độc nhiều vô số kể, nhưng tưởng không bao giờ dùng tới nên chẳng thèm liếc qua. Giá như mình chịu khó đọc, nhớ được chút nào hay chút ấy thì bây giờ đâu đến nỗi chịu bó tay nhìn Phong tứ ca chết bất đắc kỳ tử.”

Kiều Phong thấy Bao Bất Đồng và trưởng lão lùn đánh nhau ngang ngửa, không thể trong chốc lát mà phân thắng bại, liền quay sang nói với ông già tay dài: “Trần trưởng lão! Xin trưởng lão lấy thuốc cho vị Phong tứ gia kia giải độc.” Trần trưởng lão ngạc nhiên: “Bẩm bang chủ, tên này vô lễ, võ công cũng không phải vừa, cứu sống cho y tức là di họa về sau.” Kiều Phong gật đầu nói: “Trưởng lão nói đúng lắm. Nhưng bọn ta chưa gặp chủ nhân đã giết chết thuộc hạ, không khỏi mang tiếng cậy mạnh hiếp yếu. Mình nên phân định rõ ràng hãy có biện pháp.” Lão tay dài hậm hực đáp: “Mã phó bang chúa rõ ràng bị gã tiểu tử họ Mộ Dung sát hại. Đã gọi là báo thù rửa hận thì còn nói đến chuyện nhân nghĩa tình lý làm gì?” Kiều Phong thoáng lộ vẻ không bằng lòng, nói: “Trưởng lão cứ giải độc cho y trước, chuyện khác nói sau cũng chưa muộn.”

Trần trưởng lão tuy trong lòng không muốn chút nào nhưng lệnh của bang chủ không thể cãi được, bèn đáp:”Vâng!” Y móc trong bọc ra một cái bình nhỏ, tiến lên mấy bước nói với A Châu và A Bích: “Bang chủ chúng ta lấy nhân nghĩa làm đầu. Bọn ngươi mau cầm lấy thuốc giải.”

A Bích cả mừng chạy đến trước mặt Kiều Phong cung kính thi lễ, rồi quay sang chắp tay nói với Trần trưởng lão: “Đa tạ Kiều bang chủ, đa tạ Trần trưởng lão.” Nàng đón lấy cái bình nhỏ rồi hỏi: “Xin trưởng lão chỉ bảo cho cách dùng giải dược.” Trần trưởng lão đáp: “Hút hết chất độc ở vết thương ra, lấy thuốc giải bôi lên.” Y ngừng lại một chút nói tiếp: “Độc dịch chưa hút hết thì bôi thuốc giải lên cũng bằng thừa, nên biết như thế.” A Bích vâng lời chạy lại nắm tay Phong Ba Ác, há miệng toan hút máu độc ở vết thương trên lưng bàn tay cho y.

Lão tay dài lớn tiếng quát: “Khoan đã!” A Bích ngạc nhiên nói: “Sao thế?” Trần trưởng lão nói: “Đàn bà con gái hút không được.” A Bích mặt hơi đỏ lên hỏi lại: “Sao con gái lại không hút được?” Trần trưởng lão đáp: “Con bò cạp này thuộc về âm hàn. Con gái cũng là âm, âm độc mà lại thêm khí âm vào thì độc tính lại tăng thêm.” A Châu, A Bích, Vương Ngữ Yên ba người bán tín bán nghi, tuy lời đó có vẻ quái lạ nhưng không phải là hoàn toàn vô lý, nếu như chất độc lại tăng thêm thì e không xong. Khốn nỗi bên mình chỉ có Bao Bất Đồng là đàn ông nhưng y đang cùng ông già lùn kịch đấu, chỉ thấy trượng ảnh thấp thoáng, chưởng thế vù vù, nhất thời không thể ngừng tay được. A Châu cất tiếng gọi to: “Tam ca! Tạm ngừng tay, quay lại cứu tứ ca đã.”

Thế nhưng Bao Bất Đồng với ông già lùn kia võ công suýt soát nhau, muốn bãi chiến thoát ra không phải chỉ vài chiêu là xong. Cao thủ tỉ võ, chiêu nào cũng là sinh tử, sơ hở một chút sẽ bị đối phương lấy mạng ngay chứ đâu phải muốn ra là ra, muốn vào là vào? Bao Bất Đồng nghe tiếng A Châu gọi, tưởng rằng thương thế Phong Ba Ác biến chuyển, trong lòng nôn nao cố gắng tấn công gấp rút mong thoát ra được vòng vây của ông già lùn.

Hai người kịch đấu đã trên trăm chiêu, tuy thắng bại chưa phân, nhưng ông già lùn tay cầm binh khí vừa dài vừa nặng, đối phương lại tay không, ai yếu ai mạnh đã rõ rệt. Lão múa cây cương trượng liên hoàn tiến kích đều bị Bao Bất Đồng hóa giải cả, biết rằng đánh thêm thì chỉ có thua chứ không mong thắng, thấy bên địch tấn công gấp rút lại tưởng y muốn đánh bại mình ngay nên dốc toàn lực ra chống đỡ. Cái Bang tứ lão người nào võ công cũng có chỗ độc đáo. Bọn Chư Bảo Côn, Tư Mã Lâm phái Thanh Thành, Diêu Bá Đương của Tần gia trại thì Bao Bất Đồng chỉ nói nói cười cười mà đánh như đánh trẻ con, nhưng lão già lùn này quả không dễ đối phó. Bao Bất Đồng tuy chiếm thượng phong nhưng nếu muốn thực sự thắng được một chiêu nửa thức thì còn phải chờ cho công lực của đối phương sút kém, mà lão lùn lại dai sức vô cùng, đánh lâu chưa có vẻ gì mệt mỏi.

Kiều Phong thấy Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ba cô gái mặt mày kinh hoảng, biết rằng con bò cạp của Trần trưởng lão nuôi cực kỳ lợi hại, cũng chẳng biết cái câu “đàn bà không được hút chất độc” kia thực hay giả. Nếu như ông ra lệnh cho thuộc hạ tấn công kẻ địch, dù cho tình thế hung hiểm bội phần cũng không ai dám buông lòng oán hận, nhưng sai người liều mạng cứu chữa cho địch nhân thì quả không thể mở miệng. Nghĩ như thế Kiều Phong bèn nói: “Để ta hút chất độc cho Phong tứ gia.” Nói xong ông đi đến bên cạnh Phong Ba Ác.

Đoàn Dự trông thấy Vương Ngữ Yên mặt mày râu rĩ, từ nãy đã muốn ra hút độc dịch cho Phong Ba Ác, có điều Kiều Phong đã cùng mình kết nghĩa anh em, nếu lại ra tay giúp cho kẻ địch của nghĩa huynh thì không phải lẽ. Tuy Kiều Phong đã bảo Trần trưởng lão lấy giải được nhưng chàng cũng chưa biết rõ là ông thực lòng hay chỉ giả vờ. Đến khi thấy Kiều Phong đi đến bên cạnh Phong Ba Ác quả thực chân tâm muốn cứu y, chàng vội nói: “Xin đại ca để tiểu đệ làm thay cho.” Chàng bước ra, tự nhiên sử dụng ngay Lăng Ba Vi Bộ, thân hình lạng qua đã chen lên trước Kiều Phong, cầm tay Phong Ba Ác, ghé miệng vào vết thương trên tay y hút luôn.

Lúc này một bên tay Phong Ba Ác đã đen sì, hai mắt mở trừng trừng, đến mi mắt cũng đã cứng đời không còn nhắm lại được. Đoàn Dự hút ra một ngụm máu độc, nhổ xuống đất thấy máu đó đen như mực, mọi người trông thấy đều kinh hãi. Đoàn Dự đang định hút tiếp lại thấy trên vết thương máu đen từng giọt nhỏ ra, chàng ngạc nhiên nghĩ thầm: “Để máu đen này ra hết rồi mình hãy hút tiếp.” Có ngờ đâu chàng đã ăn phải con Mãng Cổ Chu Cáp là vua của các loại độc nên có thể khắc chế mọi độc tính, nọc độc của con bò cạp hoa kia còn kém xa nên vừa gặp phải nước dãi của Đoàn Dự đã lập tức chảy ra. Đột nhiên Phong Ba Ác cựa mình một cái rồi nói: “Đa tạ!”

Bọn A Châu ai nấy cực kỳ mừng rỡ, A Bích la lên: “Tứ ca, anh nói được rồi!” Chỉ thấy máu độc càng lúc càng nhạt, từ từ biến thành màu tím, chảy thêm một lát nữa, màu tím trở thành đỏ sậm. A Bích vội vàng thoa thuốc giải lên vết thương. Chỉ trong giây lát, lưng bàn tay sưng húp của Phong Ba Ác dần dần xẹp xuống, hành động nói năng lại trở lại bình thường.

Phong Ba Ác quay sang vái Đoàn Dự một cái thật sâu nói: “Đa tạ công tử cứu mạng.” Đoàn Dự vội vàng hoàn lễ đáp: “Cái chuyện nhỏ ấy có gì đáng nói đâu.” Phong Ba Ác cười nói: “Tính mệnh của ta đối với công tử là chuyện nhỏ, đối với ta lại là chuyện lớn.” Y cầm lấy chiếc bình ném tới trước mặt Trần trưởng lão, nói: “Ta trả thuốc giải độc cho mi!” Y lại quay sang Kiều Phong ôm quyền nói: “Kiều bang chủ nhân nghĩa hơn người, không hổ là thủ lĩnh của đại bang lớn nhất trong võ lâm, Phong Ba Ác mười phần bội phục.” Kiều Phong cũng vòng tay đáp lễ đáp: “Không dám!”

Phong Ba Ác nhặt đơn đao lên, giơ tay trỏ vào Trần trưởng lão nói: “Bữa nay ta chịu thua ngươi, để lần khác sẽ đánh lại. Hôm nay không đấu nữa.” Trần trưởng lão mỉm cười, đáp: “Thế nào cũng xả thân hầu tiếp.” Phong Ba Ác xoay qua trưởng lão tay cầm giản, kêu lên: “Để ta lãnh giáo cao chiêu của các hạ.” A Châu, A Bích đều hoảng hồn cất tiếng can; “Không được! Tứ ca chưa hoàn toàn hồi phục đâu.” Phong Ba Ác kêu lên: “Có người để đánh mà không được đánh thì uổng cả đời.” Y múa tít đơn đao, cả đao lẫn người xông vào trưởng lão cầm giản.

Ông già cầm giản râu tóc bạc phơ thành danh đã mấy chục năm nay, trên giang hồ đã gặp đủ loại nhân vật. Thế mà lão thấy Phong Ba Ác vừa mới mười phần chết chín, chỉ chớp mắt đã hung hăng như rồng như cọp xông lên quả là hiếm có, trong bụng không khỏi sợ thầm. Thiết giản của ông ta vốn biến hóa phức tạp, ngoại trừ đâm quật đánh quét ra, lại còn thủ pháp kỳ dị để khóa binh khí địch nhân, lúc này vì chột dạ nên công phu giảm đi mấy thành, chỉ đỡ gạt mà không tấn công, chẳng có cách nào đánh trả.

Kiều Phong hơi nhíu mày nghĩ thầm: “Vị Phong bằng hữu này thật không biết điều chút nào. Đoàn huynh đệ vừa có hảo ý cứu mạng cho y, thế mà y lại xông lên đánh nữa!”. Chàng thấy Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác đều có vẻ thắng thế, nhưng không phải trong giây lát đã phân thắng bại. Những tay cao thủ tỷ thí với nhau biến ảo vô cùng. Chỉ một chiêu khéo léo hay một chút sơ hở là có thể biến đổi cục diện. Dĩ nhiên bốn người đang đấu không ai dám sơ suất còn người đứng ngoài thì chăm chú xem.

Đoàn Dự bỗng nghe thấy từ phía đông có vô số người rảo bước đi tới, rồi kế đó phương bắc cũng có tiếng chân, nhân số quả là rất đông. Chàng quay sang nói nhỏ với Kiều Phong: “Đại ca, có người tới.” Kiều Phong cũng đã nghe thấy nên gật đầu nghĩ thầm: “Hẳn là Mộ Dung công tử mai phục người ở đây. Thì ra hai tên họ Bao và họ Phong kia tới đây trước giữ chân, sau đó đại bộ phận mới kéo đến tấn công.” Kiều bang chủ đang định truyền lệnh cho bang chúng ở phía tây phía nam triệt thoái trước, chính mình cùng bốn trưởng lão và Tưởng đà chủ đoạn hậu, bỗng thấy phương tây và phương nam cũng có tiếng chân người lao xao, hóa ra bốn phương tám hướng đều có kẻ địch cả. Kiều Phong hạ giọng nói: “Tưởng đà chủ! Mặt nam nhẹ hơn cả, thấy ta ra hiệu thì lập tức suất lĩnh anh em chạy về phía nam.” Tưởng là chủ đáp: “Vâng!”

Ngay lúc đó phía sau những cây hạnh ở phía đông tiến ra năm sáu chục người, ai nấy đầu bù tóc rối, ăn mặc rách rưới, kẻ cầm binh khí, người cầm mảnh bát, gây tre, toàn là bang chúng Cái Bang cả. Kế đó phía bắc cũng có tám chín chục đệ tử Cái Bang bước ra, ai nấy thần sắc nghiêm trọng, trông thấy Kiều Phong đã không thi lễ mà còn có vẻ thù hằn.

Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác thấy bỗng nhiên có nhiều người trong Cái Bang như thế, không khỏi kinh hãi nghĩ thầm: “Làm sao cứu được Vương cô nương, A Châu, A Bích ba người đây?” Thế nhưng lúc đó người kinh ngạc nhất lại là Kiều Phong, bọn người này đều là bang chúng trong bản bang, bình thời đối với mình cực kỳ kính trọng, thấy mình từ xa đã vội vàng chạy tới hành lễ, hôm nay sao lại đột nhiên tới đây, ngay đến hai tiếng “bang chủ” cũng không chào. Chàng còn đang nghi hoặc, lại thấy phương tây và phương nam cũng tiến ra mấy chục bang chúng khác, chẳng mấy chốc đã đứng chật tất cả khoảng đất trống trong khu rừng hạnh. Thế nhưng không thấy các thủ lãnh trong bang, ngoại trừ bốn vị trưởng lão và Tưởng đà chủ ra. Kiều Phong lại càng lo sợ, tay đẫm mồ hôi mà không biết. So với những lúc gặp cường địch hung hãn, ông cũng không đến nỗi sợ hãi như bữa nay, tự hỏi: “Không lẽ Cái Bang phát sinh nội loạn, Truyền Công, Chấp Pháp hai trưởng lão cùng các đà chủ phân đà đều bị hạ độc thủ rồi?”. Thế nhưng Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác cùng hai trưởng lão còn đang kịch chiến, lại thêm bọn Vương Ngữ Yên là người ngoài ở bên cạnh nên không tiện mở lời hỏi rõ.

Trần trưởng lão đột nhiên cao giọng nói: “Kết Đả Cấu trận!” Tất cả các bang chúng bốn mặt đông tây nam bắc cùng tiến ra, nơi thì mươi người, nơi thì hai chục người, ai nấy đều cần binh khí, vây bốn người đang đánh nhau lại.

Bao Bất Đồng thấy Cái Bang trong khoảnh khắc đã lập thành trận thế, nếu thành đại chiến thì mình có thể miễn cưỡng thoát thân, Phong Ba Ác sau khi trúng độc nguyên khí hao tổn thể nào cũng bị trọng thương, còn muốn cứu bọn Vương Ngữ Yên thì lại khó hơn một tầng. Trong tình thế đó, nếu như quần cái xông lên tấn công, bên y chỉ có hai người quả bất địch chúng, cho dù ngừng đấu chịu thua thì thanh danh cũng không có gì sứt mẻ. Thế nhưng Bao Bất Đồng tính tình cố chấp, những chuyện người thường coi là lý đương nhiên thì y lại muốn làm ngược lại, còn Phong Ba Ác lại coi trọng việc đánh nhau hơn là tính mạng, gã chỉ cần đánh cho sướng tay, bất luận thua, được, phải, trái cũng chẳng quan tâm. Thế yếu mạnh hai bên đã rõ ràng, vậy mà Bao Phong hai người vẫn hò hét đánh đấm không chịu kém thế chút nào.

Vương Ngữ Yên kêu lên: “Bao tam ca, Phong tứ ca, không xong rồi. Hai người không phá nổi Đả Cẩu trận của Cái Bang đâu, ngừng tay đi là hơn.” Phong Ba Ác đáp: “Để ta đánh thêm một chập nữa, đến lúc quả thật không xong, khi đó ngừng tay cũng vừa.” Y nói chuyện nên phân tâm, nghe bộp một cái đầu vai đã bị trưởng lão râu bạc đánh trúng một giản, những móc trên cây giản lôi bật cả máu thịt ra. Phong Ba Ác chửi liền: “Con bà ngươi, chiêu đó quả là ghê gớm thật!” Chát! Chát! Chát: Gã chém luôn ba nhát chẳng khác gì muốn hai bên cùng chết. Lão già râu bạc nghĩ thầm: “Ta với ngươi đâu có thù bất công đái thiên, sao lại phải thí mạng như vậy?”, rồi thủ chặt môn hộ, không tấn công nữa.

Trần trưởng lão lại dài giọng ra hát lên: “Anh em phía nam đi xin cơm thừa canh cặn, lạy ông lạy bà…”

Y hát điệu xin cơm, thực ra là hiệu lệnh tấn công. Mấy chục người ăn mày ở phía nam cùng giơ binh khí lên, chỉ còn chờ Trần trưởng lão dứt câu ca là xông vào.

Kiều Phong biết rằng Đả Cẩu trận của bản bang một khi phát động rồi không ngăn cản được nữa, bang chúng bốn phía sẽ kẻ lên người xuống, giết cho kỳ được đối phương mới thôi. Chàng không muốn trước khi tra xét rõ ràng đã kết mối thâm cừu với nhà Mộ Dung, liền vẫy tay quát lên: “Khoan đã!”, nói xong lắc người vọt tới bên cạnh Phong Ba Ác, giơ tay trái chộp vào mặt y. Phong Ba Ác né qua bên phải, Kiều Phong thuận thế vòng xuống chụp lấy cổ tay, cướp lấy thanh đơn đao.

Vương Ngữ Yên kêu lên: “Sang Châu Tam Thức trong Long Trảo Thủ hay tuyệt! Bao tam ca! Đối phương sẽ huých khuỷu tay trái vào trước ngực, bàn tay phải chém xuống sau lưng rồi tay trái chụp vào huyệt Khí Hộ, đó là chiêu Bái Nhiên Hữu Vũ trong Long Trảo Thủ.” Miệng nàng nói tới đâu thì Kiều Phong động thủ tới đó, một người nói, một người làm, thật là ăn nhịp với nhau. Đến khi Vương Ngữ Yên nói dứt câu, năm ngón tay của Kiều Phong đã biến thành móc, khum khum chộp trúng huyệt Khí Hộ của Bao Bất Đồng.

Bao Bất Đồng cảm thấy toàn thân đau buốt không nhúc nhích được. Y hậm hực nói: “Chiêu Bái Nhiên Hữu Vũ quả là hay! Muội tử, cô nói không sớm mà cũng không muộn thì còn làm quái gì được nữa? Giả tỷ nói sớm hơn một chút có phải ta kịp phòng bị không?” Ngữ Yên xịu mặt, đáp: “Võ công ông ta ghê quá, ra tay không có triệu chứng gì trước nên tiểu muội nhìn không ra, thật là có lỗi.” Bao Bất Đồng nói: “Cái gì mà có lỗi với không có lỗi? Hôm nay bọn mình đánh thua rồi, Yến Tử Ổ thật là mất mặt.” Y quay lại nhìn Phong Ba Ác, thấy gã cũng đứng đực người ra. Nguyên lúc Kiều Phong cướp đơn đao tiện tay điểm huyệt luôn, không thì y đâu có chịu ngừng tay.

Trần trưởng lão thấy bang chúa đã kiềm chế hai gã Bao Phong, không cần phải hát tiếp nên bỏ dở câu ca ra lệnh. Tứ lão Cái Bang cùng các tay cao thủ trong bang thấy thủ pháp Kiều Phong tuyệt diệu không thể tưởng tượng được, không ai là không bội phục.

Kiều Phong buông huyệt Khí Hộ của Bao Bất Đồng ra, lật tay vỗ nhẹ lên vai Phong Ba Ác mấy cái, giải các huyệt đạo bị đóng cho y nói: “Xin hai vị cứ tự nhiên.”

Bao Bất Đồng tính tình quái đản, nhưng biết võ công mình so với Kiều Phong hơn kém quá xa, chẳng cần gì phải Đả Cẩu trận, cũng không cần tứ lão hiệp công, chỉ mình ông ta đã thắng dễ như chơi. Y biết rằng còn nói nữa chỉ tổ thêm bực mình, liền lẳng lặng lùi lại đến bên Vương Ngữ Yên. Phong Ba Ác vẫn nói: “Kiều bang chủ: Võ công ta không bằng bang chủ thật, nhưng vừa rồi bang chủ đánh bất thình lình không kịp đề phòng, ta không tâm phục.” Kiều Phong đáp: “Đúng thế! Ta quả là xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị. Vậy mình thử thêm lần nữa, để ta tiếp vài chiêu đơn đao của các hạ.” Nói chưa dứt, Kiều Phong vẫy tay trên không, một luồng kình lực phóng vào thanh đao đang nằm dưới đất, thanh đao liền tự lật lại rồi vọt lên tay ông ta. Ngón tay Kiều Phong đảo một cái, cán đao quay ngược lại phóng tới trước mặt Phong Ba Ác.

Phong Ba Ác lắp bắp kêu lên: “Cái… cái đó có phải Cầm Long Công chăng? Trên đời này quả… quả thực có người biết môn võ công thần kỳ này ư?” Kiều Phong mỉm cười đáp: “Tại hạ cũng mới học, không bị làm trò cười.” Chàng vừa nói vừa đưa mắt liếc Vương Ngữ Yên. Khi nãy Vương Ngữ Yên nói ra được chiêu Bái Nhiên Hữu Vũ chẳng khác gì có tài tiên tri, khiến chàng vô cùng ngạc nhiên, lúc này muốn xem vì cô nương tinh thông võ học này sẽ bình phẩm ra sao về môn công phu của mình.

Ngờ đâu Vương Ngữ Yên không nói một lời, đối với tuyệt kỹ của Kiều Phong tưởng như trông mà không thấy, thì ra nàng đang xuất thần:“Võ công của vị Kiều bang chủ này thật cao cường, vậy mà giang hồ vẫn xếp cùng hàng bắc Kiều Phong nam Mộ Dung. Thế nhưng… thế nhưng võ công biểu ca, làm sao… làm sao…”

Phong Ba Ác lắc đầu: “Ta đánh không lại bang chủ, mạnh yếu cách nhau một trời một vực, giao đấu chẳng thú vị gì. Kiều bang chủ, hẹn gặp lại.” Y thua trận nhưng không mảy may sa sút tinh thần. Đúng là được cũng vui mà thua cũng vui, chỉ mong có người đánh nhau với mình là mãn nguyện, dường như đã đạt tới đỉnh cao của “đấu đạo”. Y giơ tay chào từ biệt Kiều Phong, quay sang Bao Bất Đồng: “Tam ca, nghe nói công tử gia đến chùa Thiếu Lâm, ở đó đông người lắm, chắc thế nào cũng được một phen đánh nhau thỏa thích. Đề tiểu đệ đến xem thế nào, các người thủng thẳng đi sau.” Y chỉ sợ lỡ mất cuộc đấu, không đợi Bao Bất Đồng trả lời vội vàng chạy đi. Bao Bất Đồng cao giọng ngâm nga: “Đi thôi đi thôi, hề, đánh chẳng bằng người. Luyện mười năm nữa, hề, cũng chỉ vậy thôi, Chi bằng bỏ cuộc, hề, chịu thua cho rồi.” Y vừa ngâm vừa hiên ngang đi thẳng, xem ra thua trận mà vẫn không hề bận tâm, đầy vẻ tiêu sái.

Vương Ngữ Yên quay sang nói với A Châu, A Bích: “Tam ca, tứ ca đều đi cả rồi, mình cũng đến đó kiếm… kiếm anh ta chứ?” A Châu cúi đầu đáp: “Người trong Cái Bang ở đây còn thương lượng chuyện hệ trọng, bọn mình về thành Vô Tích rồi tính sau.” Nàng quay sang Kiều Phong nói: “Kiều bang chủ, ba người chúng tôi xin cáo từ.” Kiều Phong gật đầu, đáp: “Xin ba vị cứ tự nhiên.”

Đột nhiên mé đông có một thành viên Cái Bang tướng mạo thanh nhã bước ra hỏi Kiều Phong:“Kiều bang chủ! Mã phó bang chủ chết thảm, đại thù chưa báo, sao bang chủ tùy tiện thả kẻ địch đi?” Giọng nói y lễ độ nhưng ý tứ chất vấn, không phải là lời của thuộc hạ nói với cấp trên. Kiều Phong đáp: “Bọn ta đến Giang Nam chính là vì muốn báo thù cho Mã nhị ca. Thế nhưng mấy ngày qua ta đã cố gắng tra xét, biết được hung thủ giết hại Mã nhị ca chưa chắc đã là Mộ Dung công tử.”

Người ăn mày kia tên Toàn Quan Thanh, ngoại hiệu Thập Phương Tú Tài, là kẻ túc trí đa mưu, võ công cao cường. Y là đệ tử tám túi hiện đang chưởng quản Đại Trí phân đà, địa vị trong bang chỉ kém lục đại trưởng lão. Toàn Quan Thanh hỏi: “Bang chủ nhận xét thế nào mà bảo vậy?”

Vương Ngữ Yên và A Châu, A Bích đáng toan ra đi, bỗng thấy trong Cái Bang có người đề cập đến Mộ Dung Phục, cả ba đều rất quan tâm nên đứng nép sang một bên lắng tai. Chỉ nghe Kiều Phong đáp: “Ta suy đoán vậy thôi, chưa tìm được bằng cớ chắc chắn.” Toàn Quan Thanh nói: “Không biết bang chủ suy đoán thế nào, xin cho bạn thuộc hạ chúng tôi được biết.” Kiều Phong đáp: “Khi ta ở Lạc Dương, nghe thấy Mã nhị ca bị chết vì công phu Tỏa Hầu Cầm Nã Thủ, lập tức nghĩ ngay đến nhà Cô Tô Mộ Dung hay dùng thủ đoạn gậy ông đập lưng ông. Tỏa Hầu Cầm Nã Thủ của Mã nhị ca thật là thiên hạ không ai sánh kịp, trừ nhà Mộ Dung ra, không ai có thể dùng chính tuyệt kỹ của Mã nhị ca giết y được.” Toàn Quan Thanh nói: “Đúng thế!” Kiều Phong nói tiếp: “Thế nhưng mấy ngày gần đây, ta nhận ra rằng cách suy luận ấy chưa chắc đã đúng, bên trong dường như có nhiều điều uẩn khúc.” Toàn Quan Thanh nói: “Huynh đệ chúng tôi ai nấy đều mong được nghe, cho rõ ràng, xin bang chủ nói tiếp.”

Kiều Phong nghe thấy giọng y có chiều bất thiện, lại thấy số đông bang chúng vẻ mặt khác thường, trong bang hẳn đã phát sinh biến cố trọng đại, bèn hỏi lại: “Truyền Công, Chấp Pháp hai vị trưởng lão đâu?” Toàn Quan Thanh đáp: “Thuộc hạ hôm nay chưa gặp hai vị” Kiều Phong hỏi tiếp: “Thế Đại Nhân, Đại Tín, Đại Dũng, Đại Lễ bốn đà chủ đâu cả rồi?” Toàn Quang Thanh ngoảnh đầu về phía tây bắc, hỏi một tên đệ tử: “Trương Toàn Tường! Đà chúa bọn ngươi sao không tới đây?” Gã đệ tử bảy túi kia ấp úng: “Dạ… dạ… thuộc hạ không biết.”

Kiều Phong biết Đại Trí phân đà đà chủ Toàn Quan Thanh là người lắm mưa nhiều kế, hành động rất kín đáo, nguyên là một tay thuộc hạ rất đắc lực của mình, bây giờ tính chuyện biến loạn tất sẽ thành kẻ địch thật lợi hại. Chàng thấy Trương Toàn Tường lộ vẻ hổ thẹn, nói năng ấp úng, mắt không dám nhìn thẳng vào mình, liền quát hỏi: “Trương Toàn Tường! Có phải ngươi đã hạ sát đà chủ ở phân đà ngươi rồi không?” Trương Toàn Tường hoảng hốt chối: “Không! Không! Đà chúa rõ ràng chưa chết, chưa chết! Chuyện đó không liên quan gì đến thuộc hạ, không phải thuộc hạ làm.” Kiều Phong dằn giọng hỏi: “Vậy thì ai làm?” Câu nói đó âm lượng tuy không lớn nhưng đầy vẻ uy nghiêm. Trương Toàn Tường run như cầy sấy, đưa mắt nhìn Toàn Quan Thanh.

Kiều Phong biết là đã có biến loạn, Truyền Công, Chấp Pháp các trưởng lão nếu như chưa chết thì cũng đang bị nguy hiểm, thời cơ nếu không nắm lấy sẽ mất ngay, bèn thở dài một tiếng quay sang hỏi tứ đại trưởng lão: “Bốn vị trưởng lão, chẳng hay có chuyện gì thế?” Tứ lão người nọ nhìn người kia, không ai chịu lên tiếng trước. Kiều Phong biết ngay rằng họ đều có tham dự vào việc này, liền mỉm cười nói: “Trong bản bang từ ta trở xuống, ai ai cũng lấy nghĩa khí làm trọng…” Chàng nói tới đây, đột nhiên đạp chân vọt ngược về sau luôn hai bước, mỗi bước phải hơn một trượng. Người khác dẫu có nhảy về phía trước cũng không nhanh bằng, bước chân cũng không xa được đến thế. Kiều Phong giật lùi hai bước chỉ còn cách Toàn Quan Thanh chừng ba thước, cũng không quay người, tay trái quờ phía sau, tay phải dùng cầm nã chộp ngay được hai huyệt Trung Đình và Cưu Vĩ trên ngực y.

Toàn Quan Thanh võ công cao cường không kém gì bốn vị trưởng lão, ngờ đâu chưa kịp trở tay đã bị bắt rồi. Kiều Phong vận khí lên bàn tay, tống nội lực vào hai huyệt, theo kinh mạch chạy thẳng xuống huyệt Trung Ủy, Dương Đài ở đầu gối. Toàn Quang Thanh hai chân tê buốt, không tự chủ được nữa phải quỳ ngay xuống đất. Bang chúng ai nấy thất sắc, kinh hoàng không biết làm thế nào cho phải.

Thì ra Kiều Phong trông mặt mà bắt hình dong, xem chừng cuộc biến loạn này là do Toàn Quang Thanh chủ mưu. Nếu không chế ngự y ngay, họa hoạn không phải là nhỏ, dẫu có dẹp được bạn đồ thì không tránh khỏi một cuộc tàn sát. Cường địch đang ở trước mặt làm sao có thể tự làm tổn thương nguyên khí? Nhìn bang chúng chung quanh, trừ người thuộc về Đại Nghĩa phân đà ra, còn bao nhiêu xem ra đều bị Toàn Quan Thanh dụ dỗ cả, nếu họ nổi lên chống đối thì khó lòng thu phục lại được. Thành ra chàng giả vờ tiến lên hỏi bốn vị trưởng lão, thừa cơ Toàn Quan Thanh không phòng bị, nhảy lùi lại nắm kinh mạch y. Mấy động tác đó nhanh như cắt, tưởng như đơn giản nhưng thật ra chàng đã thi triển toàn bộ sở học trong đời.

Nếu như vung tay ngược về sau chỉ sai bộ vị nửa tấc, tuy vẫn chế ngự được Toàn Quan Thanh nhưng không thể nào dùng nội lực xung kích huyệt đạo nơi đầu gối, những kẻ đồng mưu có thể xông vào cứu viện thì không sao tránh được một cuộc xung sát. Thế nhưng ép được y quỳ xuống rồi, người ngoài ai cũng tưởng Toàn Quan Thanh tự ý đầu hàng, chẳng dám ho he gì nữa.

Kiều Phong quay người lại, tay trái khẽ vỗ vào vai y, nói: “Nếu người đã biết là sai quấy rồi thì cũng chẳng phải quì làm gì. Tội làm phản phạm thượng không thể bỏ qua, nhưng để từ từ rồi giải quyết.” Chàng vừa nói vừa huých nhẹ khuỷu tay phải trúng ngay á huyệt của y.

Kiều Phong biết Toàn Quan Thanh là kẻ nói năng hùng biện, nếu có cơ hội mở lời ắt sẽ kích động bang chúng làm loạn. Không thể nói là chàng hành động man trá, hiện giờ bốn bề đều có nguy cơ, bắt buộc phải dùng thủ đoạn để xử trí. Chế ngự Toàn Quan Thanh rồi, Kiều Phong để mặc y gục đầu quì đó, lớn tiếng quát Trương Toàn Tường: “Ngươi mau dẫn đường cho Đại Nghĩa phân đà Tưởng đà chủ đi mời Truyền Công, Chấp Pháp trưởng lão các vị về đây, nếu nghe lệnh ta mà làm thì được giảm tội. Còn những người khác hãy ngồi xuống đất, không ai được tự tiện đứng lên.” Trương Toàn Tường vừa mừng vừa sợ, vâng dạ luôn mồm.

Đại Nghĩa phân đà Tưởng là chủ không tham dự mật mưu của đám phản loạn, thấy bọn Toàn Quan Thanh dám gây rối phạm thượng vốn đã tức giận lắm, mặt đỏ bừng, thở hồng hộc, đến khi nghe Kiều Phong sai đi cùng Trương Toàn Tường để cứu người, lúc ấy mới hơi trấn tĩnh, quay sang nói với hơn hai chục tên bang chúng thuộc bản đà: “Bản bang không may xảy ra biến loạn, đây là lúc toàn thể bọn ngươi phải nỗ lực liều chết để báo đáp ân đức của bang chủ. Tất cả phải xuất lực tuân theo hiệu lệnh của bang chủ, không được vi phạm.” Y sợ bốn vị trưởng lão cùng xông lên gây khó dễ, bang chúa chỉ có một mình, một tay khó vỗ cho kêu. Tuy phân đà Đại Nghĩa ít người, so với bọn phản loạn vẫn là thiểu số, nhưng thanh thế đã khá hơn nhiều.

Kiều Phong liền nói: “Không cần! Tưởng huynh đệ phải đem hết anh em bản đà đi, cứu người mới là việc lớn, chớ để sơ suất.” Tưởng đà chúa không dám trái lệnh, đáp: “Vâng !” Y lại tiếp: “Xin bang chủ thận trọng giữ mình, thuộc hạ sẽ quay về ngay.” Kiều Phong mỉm cười nói: “Nơi đây phần nhiều là anh em đã từng đồng sinh cộng tử, chẳng qua nhất thời có chuyện hiểu lầm, chả có gì nghiêm trọng đâu, ngươi cứ yên tâm.” Chàng lại nói tiếp: “Ngươi sai người đến gặp Nhất Phẩm Đường của Tây Hạ nói rằng ước hẹn nơi Huệ Sơn xin hoãn lại bảy ngày.” Tưởng đà chủ khom lưng chấp lệnh, dẫn bang chúng trong bản đà lên đường ngay.

Kiều Phong tuy miệng nói ung dung nhưng trong lòng hết sức lo ngại, thấy hơn hai chục bang chúng trong Đại Nghĩa phân đà đi rồi, trong khu rừng hạnh ngoài Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ra, còn lại hơn hai trăm người đều tham dự âm mưu. Giả tỷ có người hô một tiếng thì tất cả sẽ cùng xông lên, quả thực thật khó đối phó. Chàng nhìn quanh quần hào thấy ai nấy vẻ mặt ngượng ngập, có người cố ra vẻ trấn tĩnh, có kẻ lại hốt hoảng, một số ít thì nhấp nhổm như muốn bỏ chạy thoát thân. Chung quanh hơn hai trăm người, không ai nói lời nào, thế nhưng nếu có người chủ xướng lập tức biến loạn sẽ bùng lên ngay.

Lúc đó trời đã sâm sẩm tối, hình bóng chỉ còn thấy mờ mờ, bên bìa rừng sương mù đã bắt đầu tỏa xuống. Kiều Phong nghĩ thầm: “Lúc này chỉ còn cách bình tĩnh mà đợi, tốt hơn hết là ta chuyển tâm ý mọi người sang hướng khác, đợi cho bọn Truyền Công trưởng lão trở về thì đại sự mới ổn được”, Chàng chợt nhìn thấy Đoàn Dự, bèn nói: “Các vị huynh đệ! Bữa nay ta rất vui mừng vì mới kết giao được một vị hảo bằng hữu. Người huynh đệ mới kết nghĩa của ta là Đoàn Dự công tử đây.”

Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ba người nghe nói anh chàng đồ gàn kia đã cùng với Kiều bang chủ của Cái Bang bái kết đều rất lấy làm ngạc nhiên.

Lại nghe Kiều Phong nói tiếp: “Đoàn huynh đệ, để ta đưa ngươi đi chào các nhân vật thủ lĩnh Cái Bang.” Chàng cầm tay Đoàn Dự dẫn đến lão râu bạc sử cây giản có ngạnh, nói: “Vị này là Tống trưởng lão, là nguyên lão mà bản bang ai nấy đều kính trọng. Cây thiết giản rằng ngược của trưởng lão đã vùng vẫy giang hồ từ thuở hiền đề chưa ra đời.” Đoàn Dự đáp: “Ngưỡng mộ đã lâu. Hôm nay được gặp cao hiền, thật là may mắn vô cùng.” Nói xong ôm quyền hành lễ, Tống trưởng lão miễn cưỡng vái trả lại.

Kiều Phong lại đưa chàng đến gặp ông già lùn mập cầm cương trượng nói: “Vị này là Hề trưởng lão, một cao thủ có tiếng về ngoại công của bản bang. Mười năm trước đây, ca ca vẫn thường đến nhờ trưởng lão dạy võ công cho. Có thể nói Hề trưởng lão đối với ta là nửa thầy nửa bạn, tình nghĩa rất là thâm trọng.” Đoàn Dự đáp: “Mới rồi tại hạ được coi Hề trưởng lão động thủ cùng vị huynh đài kia, võ công quả là ghê gớm, bội phục, bội phục!” Hề trưởng lão bản tính bộc trực, thấy Kiều Phong không quên tình xưa nghĩa cũ, đặc biệt nhấn mạnh đến việc ngày xưa mình chỉ điểm võ công cho y, vậy mà mình lại hồ đồ nghe lời Toàn Quan Thanh, không khỏi hổ thẹn tự trách.

Kiều Phong đưa Đoàn Dự đến chào người dùng chiếc bao bố làm vũ khí là Trần trưởng lão xong, đang định đưa chàng đến chào người mặt đỏ sử Quỉ đầu đao là Ngô trưởng lão, bỗng phía đông bắc có tiếng chân rầm rập, tiếng người lao xao, nghe có ai đó hỏi dồn: “Bang chủ ra sao rồi? Phản đồ ở nơi nào?” Lại có tiếng người nói: “Mắc phải gian kế, bị bắt giữ quả là bực mình.”

Kiều Phong nghe thấy cả mừng nhưng vẫn không khiếm khuyết lễ nghi. Chàng tiếp tục đưa Đoàn Dự đến chào, nói rõ danh vọng và thân phận Ngô trưởng lão, lúc đó mới quay lại. Chỉ thấy Truyền Công trưởng lão, Chấp Pháp trưởng lão cùng Đại Nhân, Đại Dũng, Đại Lễ, Đại Tín các đà chủ dẫn theo một đoàn bang chúng cùng chạy đến. Mọi người đều có nhiều điều muốn nói, song trước mặt bang chủ ai cũng không dám tự ý lên tiếng.

Kiều Phong nói: “Các anh em chia nhau ngồi xuống, ta có chuyện muốn trình bày.” Mọi người vâng lệnh, kẻ bên đông, người bên tây, kẻ đằng trước, người đằng sau, tùy theo chức phận mà ngồi. Trong mắt Đoàn Dự, Cái Bang tưởng chừng ngồi lung tung, thực ra ai trước, ai sau địa vị đều rất rõ ràng minh bạch.

Kiều Phong thấy mọi người đều giữ qui củ đã hơi yên lòng, mỉm cười, nói: “Cái Bang chúng ta được bằng hữu giang hồ nể mặt, trong hơn trăm năm qua coi là đệ nhất đại bang trong võ lâm. Thế nhưng bọn ta người nhiều thế mạnh, suy nghĩ có chỗ khác nhau là chuyện không thể tránh được. Có gì thì nên trình bày đầu đuôi rõ ràng, bàn luận cho kỹ, tất cả mọi người là anh em tương thân tương ái, chớ coi những khác biệt nhất thời là quá quan trọng.” Chàng nói mấy câu đó thần sắc thật là hòa ái hiền từ, trong bụng đã quyết tâm xử sự bình tĩnh để tiêu giải một trường đại họa, không để Cái Bang lâm vào cảnh tự tàn sát lẫn nhau.

Tâm trạng mọi người vốn đang căng thẳng như sắp quyết một trận sống mái, nay nghe bang chủ nói vậy bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Một ông già mặt vàng ngồi mé hữu Kiều Phong đứng lên hỏi: “Xin hỏi Tống Hề Trần Ngô bốn vị trưởng lão, các ông sai người bắt giữ chúng tôi giam trên một chiếc thuyền nhỏ ở giữa Thái Hồ là có ý gì? “ Đó là Chấp Pháp trưởng lão Bạch Thế Kính, xưa nay thiết diện vô tư, hết thảy mọi người lớn nhỏ trong bang, dù không phạm tội gì mà thấy mặt ông cũng e sợ ba phần.

Trong tứ lão thì Tống trưởng lão cao tuổi hơn cả, đương nhiên coi như thủ lãnh. Ông mặt hơi đỏ lên, đằng hắng một tiếng đáp: “Chúng… chúng ta là anh em, hoạn nạn có nhau đã lâu, dĩ nhiên là không ai có ác ý gì cả. Bạch… Bạch chấp pháp? Nên nể mặt lão huynh mà bỏ qua đi.”

Mọi người nghe thấy đều nghĩ Tống trưởng lão ăn nói hồ đồ. Trong bang xảy ra việc biến loạn phạm thượng động trời, thế mà lão chỉ nói “xin nể mặt lão huynh mà bỏ qua đi”, không lẽ chỉ một câu mà có thể bỏ qua?

Bạch Thế Kính đáp: “Tống trưởng lão bảo là không có ác ý, nhưng sự thực không phải thế. Ta và Truyền Công trưởng lão hai người, không những chỉ bị nhốt ở trên thuyền bỏ ngoài hồ, mà trên thuyền còn chất đầy củi rơm lưu huỳnh, bảo là nếu bọn ta có ý đào tẩu thì lập tức phóng hỏa đốt thuyền ngay. Thế mà Tống trưởng lão bảo là không có ác ý sao?” Tống trưởng lão đáp: “Cái đó… cái đó thật là quá tệ. Người cùng một nhà sao lại cạn tàu ráo máng đến thế, còn mặt mũi nào mà nhìn nhau?” Mấy câu nói sau cùng là ông ta nói với Trần trưởng lão,

Bạch Thế Kính lại chỉ vào một hán tử, lạnh lùng hỏi: “Ngươi đánh lừa ta lên thuyền, bảo là bang chủ gọi đến. Giả truyền hiệu lệnh bang chủ thì là tội gì?” Gã đó sợ đến nỗi người run như cầy sấy, lập cập đáp: “Đệ tử… thân phận hèn mọn, làm sao dám có chuyện phạm thượng khi chủ như thế? Đó là… đó là…” Y vừa nói vừa đưa mắt nhìn Toàn Quang Thanh, tỏ ra là Toàn đà chúa sai y lừa lão lên thuyền, nhưng y là thuộc hạ nên không dám nói toạc ra. Bạch Thế Kính lại hỏi: “Có phải mi vâng lệnh Toàn đà chúa không?”

Gã kia cúi đầu im lặng, không nói rằng phải cũng chẳng bảo là không. Bạch Thế Kính lại hỏi: “Toàn đà chủ bảo ngươi giả truyền hiệu lệnh bang chủ lừa ta lên thuyền, ngươi có biết là hiệu lệnh giả hay không?” Hán tử mặt cắt không còn một giọt máu, đứng đờ người ra.

Bạch Thế Kính cười lạt, hỏi: “Lý Xuân Lai, ngươi xưa nay vẫn là người cương trực thẳng thắn. Đại trượng phu có gan ăn cướp, lẽ nào lại chẳng có gan chịu đòn?” Lý Xuân Lai mặt bỗng lộ vẻ cứng cỏi, vỗ ngực một cái lớn tiếng đáp: “Bạch trưởng lão nói phải lắm. Lý Xuân Lai này đã làm nên tội, trưởng lão muốn chém giết, mổ xẻ thế nào cũng đành chịu, nếu Lý mỗ nhăn mặt cau mày thì không phải là hảo hán. Lúc Lý mỗ tống đạt mệnh lệnh bang chủ, đã biết rõ đó là lệnh giả.”

Bạch Thế Kính hỏi lại: “Thế thì vì bang chủ đối với ngươi có điều bất công hay vì ta đối với ngươi có điều lầm lỗi? Lý Xuân Lai đáp: “Không phải thế. Bang chủ đối với thuộc hạ nghĩa trọng như non, Bạch trưởng lão công minh chính trực, không ai dám dị nghị.” Bạch Thế Kính nghiêm giọng nói: “Thể thì vì cớ gì mà ngươi hành sự như vậy?” Lý Xuân Lai nhìn Toàn Quan Thanh đang quì dưới đất, lại nhìn Kiều Phong, lớn tiếng đáp: “Thuộc hạ vi phạm bang qui, có chết cũng đáng, cái nguyên nhân bên trong, thuộc hạ không dám nói ra”. Bàn tay y lật một cái, bạch quang thấp thoáng, nghe phập một tiếng, một lưỡi dao đã đâm vào trước ngực. Y ra tay vừa nhanh vừa chuẩn xác, đao đâm thẳng qua tim tắt thở chết ngay lập tức.

Các bang chúng đều “A” lên một tiếng kinh hoàng nhưng đâu vẫn ngồi đấy, không ai nhúc nhích.

Bạch Thế Kính vẫn mặt lạnh như tiền, nói: “Ngươi biết rõ hiệu lệnh là giả đã không bẩm báo cho bang chủ, lại đi lừa ta, chết là phải lắm.” Ông ta quay sang nói với Truyền Công trưởng lão: “Hạng huynh! Ai đã đánh lừa Hạng huynh lên thuyền để cầm tù?”

Đột nhiên giữa đám đông có một kẻ nhỏm lên, chạy vụt vào trong rừng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.