Hồi 1: Thành Phúc Châu sinh trọng án

Làn gió mát ru êm cành liễu

Hương hoa thơm say đắm lòng người

Tiết trời vào xuân, ánh xuân quang rực rỡ khắp miền Nam. Trên con đường rộng lát đá xanh trải thẳng đến cửa Tây phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, tọa lạc một tòa nhà có lối kiến trúc rất hùng vĩ. Trước tòa nhà có hai trụ đá đứng hai bên; trên đầu mỗi trụ cắm một cột cờ cao đến hai trượng. Lá cờ bên phải thêu hình một con sư tử bằng chỉ vàng đang nhe nanh múa vuốt, thần thái dũng mãnh. Khi lá cờ bay, hình ảnh con sư tử trông sống động như thật. Trên đỉnh đầu sư tử, hai bên thêu một cặp dơi bằng tơ ngũ sắc đang tung cánh bay lượ n. Lá cờ bên trái thêu bốn chữ “Phước Oai tiêu cục” bằng chỉ đen, đường cong nét thẳng mạnh mẽ phi phàm, cổng chính của tòa nhà sơn đỏ, những chiếc đinh đồng lớn bằng chén uống trà được đính vào tỏa ánh sáng lấp lánh. Trên nóc cổng treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng cũng đề b ốn chữ “Phước Oai tiêu cục”, bên dưới có chua thêm hai chữ nhỏ “Tổng hiệu”. Phía trong cổng bày hai chiếc trường kỷ. Tám hán tử ngồi phân ra hai bên; tất cả đều vai nở lưng ngay, thể hiện khí phách dũng mãnh.

Bỗng có tiếng vó ngựa rộn ràng phía hậu viện. Tám vị hán tử nhất tề đứng dậy chạy ra, thấy ở cửa Tây tiêu cục có năm kỵ mã đang xông thẳng đến trước cổng chính. Dẫn đầu là một con bạch mã, yên ngựa và bàn đạp đều gắn lục lạc rung lên leng keng, trên yên là một chàng thiếu niên mặc áo gấm khoảng mười tám, mười chín tuổi. Trên vai trái chàng đậu một con chim ưng dùng để đi săn, lưng đeo bảo kiếm, vai khoác trường cung. Theo sau chàng là bốn kỵ mã đều mặc áo ngắn màu xanh. Cả năm người cùng cưỡi ngựa phóng ra cửa tiêu cục. Ba trong tám hán tử cùng thốt lên:

– Thiếu tiêu đầu lại đi săn rồi!

Chàng thiếu niên cười ha ha, vung roi ngựa lên đánh vụt một tiếng trong không trung. Con bạch mã ngẩng cao đầu hý vang, phóng nhanh trên con đường rộng lát đá xanh. Một hán tử dặn với theo:

– Hôm nay, Sử tiêu đầu phải đem cho được cái đầu heo rừng về để anh em đánh chén một trận túy lúy nhé!

Một hán tử khoảng bốn mươi tuổi cười, nói thêm:

– Một sợi lông đuôi cũng không thể thiếu nha, bằng hữu. Nhưng trước tiên đừng có uống nhiều rượu, hãy để bụng mà ăn thịt heo rừng cho đã!

Mọi người cùng cười ồ. Năm kỵ mã đã chạy xa rồi.

Năm kỵ mã cùng ra khỏi thành. Thiếu tiêu đầu Lâm Bình Chi nhẹ nhàng thúc hai đùi vào hông ngựa. Bốn vó bạch mã phi nhanh cuồn cuộn, phóng thẳng về phía trước; trong chốc lát, bốn kỵ mã đã bị bỏ xa phía sau.

Lâm Bình Chi cho ngựa đi dọc sườn núi, thả chim ưng bay thẳng vào rừng. Một cặp thỏ phóng ra.

Chàng lấy trường cung trên vai xuống, móc một mũi tên ở trong túi da đeo bên yên ngựa, giương cung lắp tên bắn nghe so ạt một phát. Một con thỏ lông vàng trúng tên ở đầu ngã lăn ra, còn con kia lập tức chạy trốn vào bụi rậm không thấy đâu nữa. Trịnh tiêu đầu ruổi ngựa đến, trầm trồ:

– Thiếu tiêu đầu, hảo tiễn pháp!

Bỗng nghe tiếng gã cầm cờ hiệu Bạch Nhị ở trong mé trái khu rừng gọi lớn:

– Thiếu tiêu đầu, lại đây mau! Chỗ này có gà rừng!

Lâm Bình Chi phóng ngựa đến, chỉ thấy một con dã kê ở trong rừng bay ra. Nó thấy chàng đuổi theo liền cắm đầu bay nhanh. Chàng bắn theo một phát nhưng không trúng. Lâm Bình Chi liền vung roi ngựa đánh vút một cái vào khoảng không. Con gà rừng bị trúng roi rơi xuống, những sợi lông ngũ sắc rụng bay lả tả trong gió. Cả năm người cùng cười rộ. Sử tiêu đầu tấm tắc khen:

– Đừng nói là gà rừng, đến chim đại bàng cũng phải nhào xuống với phát roi này của Thiếu tiêu đầu.

Năm người cùng ở trong rừng truy đuổi chim thú. Sử, Trịnh hai vị tiêu đầu và Bạch Nhị, Trần Thất hiểu Thiếu tiêu đầu đang cao hứng nên đuổi muông thú đến gần chàng để chàng tha hồ săn bắn, họ có cơ hội tốt cũng không xuống tay. Cuộc săn kéo dài hơn hai canh giờ . Lâm Bình Chi săn thêm được hai con thỏ và hai con gà rừng nữa, nhưng chưa săn được con thú lớn nào như heo rừng, hươu nai nên lòng chưa thỏa mãn, bèn nói:

– Chúng ta đến ngọn núi phía trước để lùng tiếp đi!

Sử tiêu đầu nghĩ thầm: Qua núi bên kia, với bản tính hiếu thắng của Thiếu tiêu đầu thì có săn đến tối mịt cũng chưa chịu dừng. Chúng ta tìm cách quay về thôi kẻo lại phải nghe phu nhân quở trách. Lão bèn nói:

– Trời sắp tối rồi, núi bên kia lại có nhiều đá lởm chởm sợ làm hư vó của con bạch mã mất. Để đến sáng mai chúng ta dậy sớm, lại tiếp tục đi săn heo rừng.

Lão biết dù nói như thế nào cũng khó lay chuyển được tính khí của Thiếu tiêu đầu, nhưng chàng lại vô cùng yêu quý con bạch mã nên không thể để nó bị tổn thương. Đây là giống ngựa danh tiếng của nước Đại Uyển, món quà do bà ngoại của Lâm Bình Chi ở Lạc Dương tặng nhân sinh nhật lần thứ mười bảy của chàng ta cách đây hai năm.

Quả nhiên, khi nghe chuyện có thể tổn thương chân ngựa, Lâm Bình Chi liền vỗ vào đầu ngựa, nói:

– Con Tiểu tuyết long của ta thông minh lắm, không dẫm phải đá nhọn đâu, nhưng sợ bốn con ngựa của các ngươi thì không được như vậy. Được, chúng ta quay về thôi kẻo mông của gã Trần Thất lại no đòn.

Năm người cùng cười rộ, quay đầu ngự a lại. Lâm Bình Chi cho ngựa phóng nhanh, nhưng không đi theo đường cũ, mà đi về hướng Bắc. Chàng để ngựa phi nhanh một mạch cho thỏa thích rồi mới ghìm cương cho đi thong thả. Bỗng thấy bên vệ đường phía trước có treo một tấm biển chào mời khách uống rượu. Trịnh tiêu đầu đề nghị:

– Thiếu tiêu đầu, chúng ta vào uống mấy bát rượu được không? Có thịt thỏ, thịt gà rừng tươi mà nướng lên nhắm với rượu thì tuyệt vời.

Lâm Bình Chi cười nói:

– Té ra ngươi đi săn với ta là chuyện giả, còn uống rượu mới là chuyện thật. Nếu không cho ngươi uống thỏa thích thì ngày mai lại vênh mặt không chịu đi với ta nữa.

Chàng nhảy phóc xuống khỏi yên ngựa rồi khoan thai bước vào quán rượu.

Bình thường, lão chủ quán rượu họ Thái đã sớm chạy ra đón lấy dây cương từ tay chàng rồi đưa lời tâng bốc:

– Hôm nay Thiếu tiêu đầu lại săn được nhiều thịt rừng. Đúng là một tay thiện xạ, thế gian hãn hữu!

Nhưng lần này đến trước cửa tiệm vẫn thấy bên trong vắng lặng. Chàng chỉ thấy một thiếu nữ mặc áo xanh đứng bên lò cất rượu, đầu thắt hai bím tóc và cài hai cây thoa, mặt hướng vào phía trong, biết có người đến cũng không buồn quay ra nhìn. Trịnh tiêu đầu gọi:

– Lão Thái đâu? Sao không ra buộc ngựa?

Bạch Nhị, Trần Thất kéo gh ế dài ra, dùng tay áo phủi bụi, mời Lâm Bình Chi ngồi. Hai tiêu đầu Sử , Trịnh ngồi phía dưới để bồi tiếp; hai gã cầm cờ Bạch Nhị, Trần Thất ngồi sang một bàn khác. Bên trong quán bỗng có tiếng người ho húng hắng. Một lão già râu tóc bạc phơ bước ra, chào khách:

– Khách quan, xin mời ngồi. Có dùng rượu không?

Giọng nói của lão mang âm sắc phương Bắc. Trịnh tiêu đầu gằn giọng:

– Không uống rượu, chẳng lẽ lại uống trà à? Trước hết, hãy mang ba cân Trúc diệp thanh ra đây. Lão Thái đi đâu rồi? Sao? Tiệm rượu này đổi chủ rồi à?

Lão già nói:

– Dạ, dạ. Uyển Nhi! Đem ra ba cân Trúc diệp thanh.

Lão nói tiếp:

– Không giấu gì các vị khách quan, tiểu lão họ Tát, vốn là người ở đây nhưng từ nhỏ đã phải tha phương cầu thực. Con trai và con dâu đều chết cả rồi. Lòng lão buồn vô hạn khi nghĩ tới câu “Lá rụng về cội” nên mới dẫn đứa cháu nội trở về quê cũ. Xa quê đã hơn bốn mươi năm rồi, bà con bạn bè không còn ai nữa. Vừa may, lão Thái không muốn buôn bán nữa nên đã sang tiệm rượu này lại cho lão với giá ba chục lạng bạc. Ôi, rốt cục quay về cố hương; nghe nhiều người kể chuyện quê nhà, tiểu lão không còn thích thú, lòng hổ thẹn vô cùng. Tiểu lão thật không biết nói gì hơn.

Thiếu nữ mặc áo xanh cúi mặt xuống, bưng một cái bàn gỗ đặt trước mặt bọn Lâm Bình Chi. Nàng sắp chén đũa và ba hũ rượu lên bàn rồi cúi đầu quay gót, không hề liếc mắt nhìn các vị khách dù chỉ một lần.

Lâm Bình Chi thấy thân hình thiếu nữ thướt tha, nhưng nước da đen đúa, mặt lại rỗ chằng rỗ chịt, dung mạo rất xấu. Chàng nghĩ đây là lần đầu tiên cô làm nghề bán rượu nên cử chỉ còn cứng nhắc, rồi không để ý đến nữa. Sử tiêu đầu cầm một con gà rừng và một con thỏ đưa cho lão Tát và bảo:

– Đem mổ và rửa cho thật sạch rồi làm thành hai món.

Lão Tát gật đầu:

– Dạ, dạ! Các vị muốn uống rượu, trước tiên xin dùng tạm một ít thịt bò, đậu phộng, đậu răng ngựa.

Không đợi ông ra lệnh, Uyển Nhi đi lấy ngay các thứ thịt bò, đậu phộng, đậu răng ngựa đặt lên bàn.

Trịnh tiêu đầu giới thiệu:

– Lâm công tử là Thiếu tiêu đầu của Phước Oai tiêu cục, một bậc thiếu niên anh hùng, hành hiệp trượng nghĩa, coi tiền như rác. Nếu lão làm hai món nhắm này hợp với khẩu vị của Thiếu tiêu đầu, thì vốn liếng ba mươi lạng bạc của lão không đợi đến hai tháng cũng thu hồi đủ.

Lão Tát nói:

– Dạ, dạ. Đa tạ, đa tạ!

Rồi lão xách con gà rừng và con thỏ đi. Trịnh tiêu đầu rót rượu vào bát của Lâm Bình Chi, Sử tiêu đầu và bát của mình, nâng bát rượu lên ngửa cổ uống một hơi cạn sạch, thè lưỡi liếm mép rồi khen:

– Quán đổi chủ nhưng rượu thì không đổi mùi.

Gã rót thêm một bát nữa định uống, bỗng nhiên nghe có tiếng vó ngựa. Hai kỵ mã từ phía Bắc quan đạo chạy đến.

Hai con ngựa phi nhanh, chẳng mấy chốc đã đến ngoài quán rượu. Một người lên tiếng:

– Nơi đây có quán rượu, vào uống mấy bát đi!

Sử tiêu đầu nghe giọng nói biết là dân Tứ Xuyên, quay đầu nhìn ra thì thấy hai gã hán tử. Họ buộc cương ngựa vào gốc cây dong trước quán rượu rồi bước vào trong, liếc mắt nhìn qua bọn Lâm Bình Chi rồi ngồi xuống một cách ngổ ngáo.

Đầu hai gã hán tử quấn khăn trắng, mình mặc áo bào xanh trông ra vẻ nho nhã, nhưng hai chân thì rất nở nang, lại mang giày đỏ. Sử tiêu đầu biết người Tứ Xuyên đều phục sức như vậy. Sở dĩ trên đầu họ quấn khăn trắng là vì họ vẫn giữ tục lệ để tang Gia Cát Lượng. Gia Cát Võ Hầu được người dân Tứ Xuyên kính yêu sâu sắc, cho nên dù ông đã chết hơn một ngàn năm qua, họ vẫn để tang. Lâm Bình Chi lấy làm lạ về cách phục sức của họ, nghĩ bụng: Hai người này văn không ra văn, võ không ra võ, trông dáng vẻ kỳ dị, cổ lai chưa thấy.

Gã hán tử trẻ tuổi gọi:

– Đem rượu lại đây! Đem rượu lại đây! Núi Lão Tử tỉnh Phúc Kiến còn xa lắm, cứ để cho ngựa được nghỉ ngơi thêm.

Uyển Nhi cúi đầu, đi đến trước bàn của hai người khẽ hỏi:

– Quý khách dùng rượu gì ạ?

Tuy cô nói nhỏ nhưng giọng nói trong trẻo, dễ nghe. Gã hán tử trẻ cười hô hố, đột nhiên giơ tay trái nâng cằm Uyển Nhi lên, nói:

– Đáng tiếc. Quả thật đáng tiếc!

Uyển Nhi sợ hãi, vội vàng lùi lại. Gã hán tử kia cười nói:

– Dư huynh đệ, thân hình nở nang của cô nương này trông hấp dẫn lắm. Nhưng nếu nhìn vào bộ mặt cộm sẹo, rỗ chằng rỗ chịt của cô ta, sẽ nghe mùi xú uế như bùn dưới đế giày. Nó sẽ chuyển thành da vỏ lựu, các “lão tử” thấy sẽ ớn da gà ngay.

Gã họ Dư bật cười hô hố.

Lâm Bình Chi giận cành hông, vỗ tay xuống bàn đánh chát một cái, quát:

– Đồ láu cá! Hai con chó có mắt không tròng, dám đến phủ Phúc Châu của chúng ta mà giở thói ngông nghênh.

Gã hán tử trẻ tuổi họ Dư cười đáp:

– Giả lão nhị, người ta đang chửi đấy. Ngươi đoán thử “con thỏ già” đang chửi ai vậy?

Lâm Bình Chi có khuôn mặt rất giống mẹ, mày xanh mắt sáng, trông rất bảnh trai. Bình thường, hễ gã nào trộm nhìn chàng thì phải ăn ngay một cái bạt tai. Bây giờ, nghe gã hán tử gọi mình là “con thỏ già” thì làm sao chàng nhịn cho được? Chàng cầm lấy hũ rượu trên bàn ném qua phía hai gã hán tử. Hán tử họ Dư né được, hũ rượu bay thẳng ra ngoài đám cỏ trước cửa, rượu đổ bung xòe. Sử tiêu đầu và Trịnh tiêu đầu đứng phắt dậy, đến bên hai gã hán tử.

Gã họ Dư cười nói:

– Gã tiểu tử này mà lên sân khấu làm đào hát thì có thể sẽ thu hút nhiều khán giả nhưng nếu tham gia đánh nhau thì không được đâu!

Trịnh tiêu đầu quát:

– Đây là Lâm thiếu tiêu đầu của Phước Oai tiêu cục. Các ngươi to gan lắm mới dám đến đây vuốt râu Thái Tuế!

Chưa nói dứt lời, lão đã vung tay trái đánh một quyền thật m ạnh vào gã họ Dư. Hán tử họ Dư giơ tay nắm được huyệt Mạch môn của Trịnh tiêu đầu, dùng sức đẩy mạnh một cái. Trịnh tiêu đầu loạng choạng ngã chúi xuống bàn. Gã hán tử họ Dư dùng cùi chỏ trái đè mạnh xuống gáy của Trịnh tiêu đầu. Lão la oai oái, gục xuống bàn rồi nguyên cả người đổ xuống.

Trong Phước Oai tiêu cục, Trịnh tiêu đầu tuy không được xem là cao thủ, nhưng cũng không phải là hạng kém cỏi. Sử tiêu đầu thấy lão bị gã kia mới đánh có một chiêu mà đã ngã nhào, liền biết đối phương không phải là hạng tầm thường, bèn hỏi:

– Tôn giá là ai? Đã là đồng đạo võ lâm, lẽ nào lại coi Phước Oai tiêu cục không ra gì?

Gã hán tử họ Dư cười nhạt, đáp:

– Phước Oai tiêu cục ư? Trước nay ta chưa hề nghe tới! Cái đó chuyên làm trò gì?

Lâm Bình Chi nhảy ra, quát:

– Cái đó chuyên đánh quân chó má!

Tay trái chàng đánh ra một quyền, không đợi sử hết chiêu thức thì tay phải đã xuyên qua tay trái, xuất chiêu Vân lý càn khôn trong Phiên thiên chưởng tổ truyền.

Gã họ Dư nói:

– Ở đây có đến hai con đào hát chứ không phải một.

Hắn vung chưởng lên gạt, tay phải chụp vào vai trái Lâm Bình Chi. Lâm Bình Chi trầm vai trái xuống, tay trái tung ra. Gã họ Dư né đầu, không đoán được tay trái của Lâm Bình Chi tung ra đột ngột. Quyền biến thành chưởng, chuyển từ thế đánh thẳng sang thế quét ngang. Đó là chiêu Vụ lý khán hoa, tát vào mặt gã họ Dư một cái nảy đom đóm. Gã họ Dư giận dữ, đá Lâm Bình Chi một cước. Lâm Bình Chi né sang phải, đá trả lại một cước.

Lúc này, Sử tiêu đầu cũng xáp vào giao thủ với gã họ Giả. Bạch Nhị đến đỡ Trịnh tiêu đầu dậy.

Trịnh tiêu đầu ngoác miệng ra thóa mạ ầm ĩ rồi định nhảy vào đánh xáp lá cà với gã họ Dư.

Lâm Bình Chi bảo:

– Hãy qua giúp Sử tiêu đầu. Con chó này cứ để ta trị cho.

Trịnh tiêu đầu biết tánh chàng hiếu thắng, không muốn ai đứng bên cạnh hỗ trợ. Thuận tay lão vơ lấy cái chân bàn, quay sang đánh gã họ Giả.

Hai tên cầm cờ hiệu vội chạy ra ngoài cửa, một tên giở yên ngựa của Lâm Bình Chi ra lấy cây trường kiếm; còn tên kia rút cây hãn liệp xoa chỉ chỏ vào gã họ Dư mà chửi bới. Những tên chạy cờ trong tiêu cục võ nghệ thì tầm thường nhưng việc cầm cờ, hô hiệu là “nghề của chàng” nên tiếng chửi rủa của chúng nghe rất bài bản. Cả hai chửi bằng thổ ngữ Phúc Châu, hai gã Tứ Xuyên kia chẳng hiểu ất giáp mô tê gì, nhưng biết chắc đó không phải là những lời đẹp đẽ.

Lâm Bình Chi được phụ thân truyền dạy Phiên thiên chưởng nay mới có dịp thi thố. Bình thường, chàng đã đem những chiêu thức này ra chiết giải cùng với các tiêu sư trong tiêu cục. Một là chưởng pháp được tổ truyền rất phi phàm; hai là đối với thiếu chủ nhân, vị tiêu sư nào cũng nhân nhượng vài ba phân, không ai đem hết công lực của mình ra giao đấu với chàng cả. Tuy chàng được chỉ giáo nhiều kinh nghiệm lâm trận nhưng giao đấu thực sự thì lại rất ít. Ở thành Phúc Châu, đôi khi chàng cũng động thủ với vài gã lưu manh bằng vài ba chiêu xoàng xĩnh nhưng chúng làm sao có thể địch lại tuyệt nghệ của nhà họ Lâm được? Chàng không cần dùng đến ba chiêu là đã đánh cho bọn chúng mặt mày sưng húp, phải chuồn ngay kẻo toi mạng. Lần này chỉ đấu được hơn mươi chiêu, tính kiêu ngạo của Lâm Bình Chi đã bị khuất phục, cảm thấy đối phương là một tay kình địch vì chàng đã triển khai chưởng pháp chiết giải đến chỗ lâm ly biến ảo mà miệng hắn vẫn thốt ra những lời thối tha:

– Tiểu huynh đệ, ta càng nhìn càng thấy ngươi không phải là đàn ông mà là một đại cô nương cải trang. Má tiểu huynh đệ trắng hồng, hãy cho ta thơm một cái nào. Mình đừng choảng nhau nữa, được không?

Lâm Bình Chi phẫn nộ, liếc mắt nhìn hai tiêu đầu Sử, Trịnh; thấy cả hai đang liên thủ đánh gã họ Giả nhưng vẫn bị kém thế.

Mũi của Trịnh tiêu đầu bị đánh một quyền khá mạnh, máu văng tung tóe nhuộm đỏ cả vạt áo. Lâm Bình Chi càng xuất chiêu nhanh hơn. Bỗng nhiên nghe một tiếng “bốp”, gã họ Dư lại bị tát một cái tóe lửa. Đây là một chiêu thâm hậu trong Phiên thiên chưởng. Gã họ Dư giận dữ, quát:

– Đồ rùa đen không biết thế nào là phải trái. Ta thấy ngươi xinh xắn như một đại cô nương nên đùa với ngươi một chút chơi, sao rùa con lại dám thẳng tay đánh ta?

Nói xong, gã biến đổi quyền pháp, đột ngột đánh ra như cuồng phong sậu vũ. Cả hai mê trận, đấu dần ra ngoài quán. Lâm Bình Chi thấy đối phương vung quyền đánh thẳng vào giữa, chàng liền nhớ đến bí quyết chữ “Tá” mà phụ thân đã dạy, lập tức vung tay trái gạt ra. Chàng đã dùng hết sức lực ra quyền, không ngờ thể trạng của gã họ Dư này quá mạnh nên chẳng ăn thua gì, giữa ngực bị trúng một quyền nghe “bịch” một tiếng. Lâm Bình Chi lảo đảo người, cổ áo bị tay trái đối phương nắm được, tay phải gã dùng sức đè khiến cho nửa người Lâm Bình Chi gập xuống. Gã xuất chiêu Thiết môn hạm đè lên gáy của chàng, cười ha hả rồi nói:

– Thỏ con ơi, ngươi dập đầu lạy ta ba cái rồi gọi ba tiếng “hảo thúc thúc” thì ta mới tha cho!

Hai tiêu đầu Sử, Trịnh kinh hãi định chạy đến cứu Lâm Bình Chi nhưng bị gã họ Giả phóng cước đá tới tấp không để cho hai gã tháo chạy. Tên cầm cờ Bạch Nhị cầm cây hãn liệp xoa nhằm lưng gã họ Dư đâm tới, miệng la:

– Ngươi có mấy cái đầu mà chưa chịu buông tay?

Sau lưng gã họ Dư như có mắt. Chân trái gã đá ngược về sau khiến cây hãn liệp xoa văng xa ra mấy trượng; chân phải gã đá thêm một cước liên hoàn khiến gã Bạch Nhị lăn lông lốc bảy tám vòng, không đứng dậy nổi. Trần Thất ngoác miệng chửi:

– Tiên sư quân rùa đen! Mẹ quân lộn giống! Bà nội các ngươi đẻ ra toàn đứa có mắt không tròng!

Hắn chửi cứ một câu thì thụt lùi một bước, chửi liền một hơi tám chín câu thì thụt lùi tám chín bước.

Gã họ Dư cười nói:

– Đại cô nương, nàng có chịu lạy không?

Gã lại đè mạnh thêm, làm đầu của Lâm Bình Chi càng lúc càng thấp xuống gần chạm đất. Lâm Bình Chi cố đấm vào bụng gã nhưng tay vẫn không chạm được tới bụng. Chàng cảm thấy xương cổ đau đớn tưởng chừng như gãy ra từng đoạn, mắt hoa tai ù. Hai tay chàng huơ loạn cả lên, bỗng nhiên đụng phải một vật gì cứng cứng ở dưới bắp chân mình. Không kịp suy nghĩ, chàng thuận tay rút luôn lưỡi dao ra, đâm ngược vào bụng dưới hán tử họ Dư.

Gã hán tử họ Dư rú lên một tiếng rồi buông hai tay ra, lùi lại sau hai bước, thần sắc đầy vẻ kinh hãi. Lưỡi dao cắm vào bụng gã sâu đến tận chuôi. Mặt gã hướng về phía Tây, bóng tịch dương chiếu vào chuôi dao bằng vàng sáng lấp loáng. Gã cố há miệng nói nhưng không ra lời, đưa tay định rút dao ra nhưng không được. Lâm Bình Chi cũng hoảng sợ, trái tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, vội vàng lùi mấy bước. Hai tiêu đầu Sử, Trịnh và gã họ Giả ngừng tay không đấu nữa, nhìn hán tử họ Dư kinh ngạc khác thường. Gã họ Dư loạng choạng mấy cái, giơ tay phải cố dùng sức rút lưỡi dao. Máu tươi chảy lênh láng ra ngoài, mấy người lớn tiếng la hoảng. Gã họ Dư lắp bắp:

– Giả…  Giả… Nói với gia gia… báo… báo thù cho ta…

Gã hất tay về sau, quăng lưỡi dao cho gã họ Giả. Gã họ Giả thét lên:

– Dư huynh đệ! Dư huynh đệ!

Rồi vội vàng chạy đến. Gã họ Dư ngã nhào xuống đất, toàn thân co giật mấy cái rồi bất động.

Sử tiêu đầu nhắc khẽ:

– Chuẩn bị “đồ chơi” đi, anh em!

Rồi chạy đến bên ngựa rút cây cương đao ra. Hắn vốn già dặn kinh nghiệm giang hồ, mắt hướng về cảnh náo loạn vừa qua, đề phòng gã họ Giả đánh liều mạng.

Gã họ Giả nhìn Lâm Bình Chi một cái rồi cầm cây dao găm, chạy đến bên ngựa nhảy phốc lên yên. Không kịp tháo dây cương, gã lấy đoản đao cắt đứt dây, hai đùi thúc mạnh phóng ngựa lao về hướng Bắc. Trần Thất bước tới chỗ gã họ Dư nằm, đá một cước, thi thể gã họ Dư lật ngửa lên, máu ở chỗ vết thương chảy ra không ngừng. Gã nói:

– Ngươi đắc tội với Thiếu tiêu đầu của chúng ta là không muốn sống nữa rồi. Ngươi chết là phải!

Trước nay, Lâm Bình Chi chưa hề giết người nên bây giờ mặt chàng không còn chút máu. Chàng ấp úng nói:

– Sử… Sử tiêu đầu. Làm… làm thế nào đây? Ta đâu… đâu có muốn giết hắn.

Sử tiêu đầu nghĩ bụng: Phước Oai tiêu cục đã ba đời đi khắp giang hồ. Việc giết người là chuyện khó tránh khỏi nhưng chỉ giết những nhân vật hắc đạo trong rừng sâu núi thẳm. Sau khi giết xong đem xác đi chôn. Việc giết người này chỉ là giết những tên đạo tặc, và mấy ai đã dám thưa kiện Phước Oai tiêu cục lên phủ huyện. Nhưng lần này người bị giết không phải là đạo tặc, lại bị giết ngay tại ngoại thành Phúc Châu giữa ban ngày ban mặt thì không phải là chuyện nhỏ. Đừng nói là Thiếu tiêu đầu của Phước Oai tiêu cục, dẫu là con của quan tổng đốc, tuần phủ đi nữa cũng không thể được coi là nhẹ tội.

Hắn chau mày nói:

– Chúng ta mau đem cái xác này vào trong quán rượu. Ở đây gần quan đạo, dễ bị người ta nhìn thấy, đợi đến lúc chạng vạng không còn người đi hãy hay.

Bạch Nhị, Trần Thất khiêng cái xác vào trong quán. Sử tiêu đầu nói khẽ:

– Thiếu tiêu đầu có đem vàng bạc theo đó không?

Lâm Bình Chi vội đáp:

– Có, có, có!

Chàng móc ra hai chục lạng bạc đưa cho Sử tiêu đầu. Sử tiêu đầu nhận bạc, đi vào trong quán, đặt lên bàn, hướng về lão Tát nói:

– Này Tát lão đầu, có người đến trêu chọc cháu gái của lão, Thiếu tiêu đầu của ta đã ra tay giúp đỡ, bất đắc dĩ mới giết hắn. Mọi người đều thấy rõ cả. Việc này một phần cũng là trách nhiệm của lão, hễ làm ầm ĩ lên thì ai cũng bị liên lụy. Trước hết, lão hãy cầm số bạc này. Phải chôn cất cái xác trước đã rồi từ từ nghĩ cách che lấp việc này đi.

Lão Tát gật đầu:

– Dạ. Dạ. Dạ.

Trịnh tiêu đầu nói:

– Phước Oai tiêu cục chúng ta đi khắp giang hồ, diệt nhiều lục lâm đạo tặc là chuyện bình thường. Hai con chuột Tứ Xuyên này là bọn đầu trâu mặt ngựa, ta thấy nếu không là bọn giang dương đại đạo thì cũng là thái hoa dâm tặc, đến Phúc Châu chỉ để gây án. Thiếu tiêu đầu của chúng ta mưu trí sáng suốt nên mới trừ khử một tên để bảo đảm sự bình an cho phủ Phúc Châu. Việc này có thể đến quan phủ lãnh thưởng, nhưng Thiếu tiêu đầu không muốn phiền phức và cũng không cầu hư danh. Lão Tát nên kín mồm kín miệng, đừng để chuyện này lọt ra ngoài. Chừng đó chúng ta sẽ nói hai tên đạo tặc này là do lão dẫn đến vì ta nghe giọng nói của lão không giống người ở đây chút nào. Lão mở quán rượu là chuyện giả, còn làm tai mắt cho chúng mới là chuyện thật. Nếu không thì tại sao hai gã này trước đây không đến mà nhè đúng cái ngày lão khai trương quán rượu mới đến? Trong thiên hạ sao lại có chuyện ngẫu nhiên như thế được!

Lão Tát vội nói:

– Không dám nói! Không dám nói!

Sử tiêu đầu cùng hai tên Bạch Nhị, Trần Thất khiêng cái xác đem chôn trong vườn rau phía sau quán rượu rồi dùng cuốc phớt sạch những vệt máu trước cửa quán.

Trịnh tiêu đầu quay vào bảo lão Tát:

– Nội trong mười ngày, nếu bọn ta không nghe tin tức thẩm lậu ra ngoài thì sẽ đưa thêm cho lão năm chục lạng bạc nữa để làm vốn. Nếu cái miệng của lão mà bép xép thì lưỡi dao của Phước Oai tiêu cục dù chưa giết tới một ngàn tặc tử nhưng cũng đã được tám trăm. Nay có giết thêm một già một trẻ nhà lão thì bất quá chỉ vùi thêm hai cái xác trong vườn rau nữa mà thôi.

Lão Tát nói:

– Đa tạ. Đa tạ! Không dám nói. Không dám nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.