Hồi 123: Cuộc mật nghị trong chùa Huyền Không

Xung Hư đạo nhân vui mừng nói:

– Từ lâu bần đạo đã nghe chùa Huyền Không trên Thúy Bình Sơn được xây dựng vào đời Bắc Ngụy là nơi cây tùng không thể mọc, con vượn không thể trèo. Vậy mà bằng nỗ lực của mình, con người đã xây dựng ngôi chùa ở trên cao đó. Đây là kì cảnh trong thiên hạ, bần đạo ngưỡng mộ đã lâu, muốn được xem cho mở rộng tầm mắt.

Lệnh Hồ Xung đưa Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng xuống ngọn Kiến Tính, vượt qua cửa Từ Diêu đến dưới Thúy Bình Sơn. Phương Chứng và Xung Hư ngước mắt lên nhìn, thấy hai tòa phi các dựng đứng trên đỉnh núi, giống như lầu các của các vị tiên hiện ra trong mây. Phương Chứng than:

– Người tạo nên lầu các này thật là diệu tương thiên khai, quả nhiên trong thiên hạ không có chuyện gì khó, chỉ sợ lòng người không bền.

Ba người thong thả lên núi, đến chùa Huyền Không. Chùa Huyền Không chỉ có hai tòa lầu cao ba tầng, dài khoảng mấy chục trượng, giữa hai tòa cách nhau mấy chục bước, nối nhau bằng một cây cầu treo. Trong chùa có một bà già quét dọn, thấy bọn Lệnh Hồ Xung ba người đến, giương mắt nhìn, không chào hỏi cũng không hành lễ. Trước đây mười mấy ngày, Lệnh Hồ Xung cùng với bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh, Nghi Lâm lên đây, biết bà già này vừa câm vừa điếc, chuyện gì cũng không hiểu nên không ai để ý tới. Chàng cùng với Phương Chứng, Xung Hư đi lên cầu treo.

Cầu treo rộng khoảng mấy thước, người đi lên đưa mắt nhìn bốn phía đều thấy chỗ trống không, mây sà dưới chân giống như đang lơ lửng trên trời, không tránh khỏi dao động tinh thần, tay chân luống cuống. Nhưng ba người này đều là cao thủ hạng nhất, đến thăm thắng cảnh này, lòng rất sảng khoái.

Phương Chứng và Xung Hư đưa mắt nhìn về hướng Bắc thấy trong làn mây khói thấp thoáng thành quách, giữa hai ngọn núi ở cửa Từ Diêu có một dòng suối chảy qua, cảnh quan rất hùng vĩ. Phương Chứng nói:

– Cổ nhân nói một người đóng lại, vạn người không mở ra được. Cảnh quan ở đây đúng là như vậy.

Xung Hư nói:

– Vào những năm Bắc Tống, Dương lão lệnh công canh giữ Tam quan, trấn binh ở đây, nơi đây trở thành cứ điểm quan trọng mà cả hai bên đều muốn tranh đoạt. Chùa Huyền Không đúng là một công trình tuyệt tác, thể hiện nghị lực kinh người của cổ nhân, nhưng so với sơn đạo được mở ra dài năm trăm dặm thì công trình chùa Huyền Không chưa đáng vào đâu.

Lệnh Hồ Xung lấy làm lạ hỏi:

– Đạo trưởng, đạo trưởng nói sơn đạo dài mấy trăm dặm này đều là do sức người khai phá ra ư?

Xung Hư nói:

– Sử thư chép rằng vào năm thứ nhất đời Ngụy Võ Đế niên hiệu Thiên Hưng, nhà vua đánh dẹp nước Yên, đưa quân từ Trung Sơn về Bình Thành, điều động mấy vạn quân khai phá Hằng Lĩnh, thông đường ra ngoài năm trăm dặm. Cửa Từ Diêu là đầu phía Bắc của sơn đạo này.

Phương Chứng nói:

– Cái gọi là con đường thẳng ngoài năm trăm dặm phần nhiều đã có sẵn tự nhiên. Hoàng đế thời Bắc Ngụy điều động mấy vạn binh tốt chỉ là để khai phá những chướng ngại vật trên núi mà thôi. Nhưng như vậy cũng là một công trình vĩ đại khiến cho người ta phải thán phục.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Chẳng trách có nhiều người muốn làm hoàng đế. Hoàng đế chỉ mở miệng nói một câu thì mấy vạn binh tốt phải khai phá đường lên núi.

Xung Hư nói:

– Xưa nay biết bao anh hùng hào kiệt đều khó vượt qua cửa ải quyền thế. Đừng nói là làm hoàng thượng, ngay đến trong võ lâm, sở dĩ phong ba nổi lên, phân tranh không ngừng cũng vì hai chữ “quyền thế” mà ra.

Lệnh Hồ Xung hồi hộp, nghĩ: Lão vào chính đề rồi. Chàng bèn nói:

– Vãn bối không hiểu, xin hai vị tiền bối chỉ giáo cho.

Phương Chứng nói:

– Lệnh Hồ chưởng môn, hôm nay Lạc lão sư phái Tung Sơn thống lãnh mọi người đến là vì lý do gì?

Lệnh Hồ Xung nói:

– Lão truyền đạt hiệu lệnh của Tả minh chủ, không cho vãn bối tiếp nhiệm chưởng môn phái Hằng Sơn.

Phương Chứng hỏi:

– Tại sao Tả minh chủ không cho Lệnh Hồ chưởng môn làm chưởng môn phái Hằng Sơn?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Tả minh chủ muốn đem Ngũ Nhạc kiếm phái hợp lại làm một. Vãn bối đã từng cản trở âm mưu của lão, giết không ít người trong phái Tung Sơn. Tả minh chủ đương nhiên rất thống hận vãn bối.

Phương Chứng hỏi:

– Tại sao Lệnh Hồ chưởng môn cản trở âm mưu của lão?

Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra, nhất thời khó mà trả lời. Chàng thuận miệng lặp lại câu hỏi của Phương Chứng:

– Tại sao vãn bối cản trở âm mưu của lão ư?

Phương Chứng hỏi:

– Lệnh Hồ chưởng môn cho rằng Ngũ Nhạc kiếm phái hợp lại thành một là chuyện không ổn ư?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Lúc đó vãn bối không nghĩ tới chuyện ổn hay không ổn. Nhưng phái Tung Sơn muốn uy hiếp phái Hằng Sơn phải đồng ý nên đã giả làm giáo chúng Nhật Nguyệt thần giáo, bắt hết đệ tử phái Hằng Sơn, vây đánh Định Tĩnh sư thái, dùng thủ đoạn đê hèn. Vãn bối vô tình gặp chuyện này, lòng cảm thấy bất bình nên phải ra tay tương trợ. Sau đó, phái Tung Sơn đốt Chú Kiếm cốc để thiêu sống hai vị sư thái Định Nhàn và Định Dật thì lòng dạ họ càng ác độc hơn nữa. Vãn bối nghĩ đến Ngũ Nhạc kiếm phái hợp lại làm một là mỹ sự thì tại sao phái Tung Sơn không thương nghị quang minh chính đại với chưởng môn mà lén lút làm những hành động bỉ ổi như vậy?

Xung Hư gật đầu nói:

– Chưởng môn nghĩ vậy cũng phải. Tham vọng của Tả Lãnh Thiền rất lớn, lão muốn trở thành một nhân vật đệ nhất trong võ lâm. Lão tự biết khó làm cho mọi người phục nên đành ngấm ngầm sử dụng âm mưu.

Phương Chứng than:

– Tả minh chủ văn tài võ lược, đúng là một nhân vật kiệt xuất trong võ lâm. Trong Ngũ Nhạc kiếm phái, không có người thứ hai nào bì kịp lão. Nhưng tham vọng lão quá lớn, muốn đè bẹp ngay hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang nên không khỏi có những thủ đoạn đê hèn.

Xung Hư nói:

– Phái Thiếu Lâm xưa nay là lãnh tụ của võ lâm, mấy trăm năm nay ai cũng công nhận. Sau phái Thiếu Lâm là phái Võ Đang. Sau nữa là các phái Côn Luân, Nga My, Không Động. Lệnh Hồ hiền đệ, một môn phái được sáng lập thành danh là do vô số anh hùng hào kiệt mấy trăm năm hao tổn không biết bao tâm huyết mà tích lũy thành. Toàn bộ gia số võ công đều được tích lũy từng li từng tí, luyện đi luyện lại mấy trăm ngàn lần mới được, quyết không phải là chuyện kết quả trong một sớm một chiều. Ngũ Nhạc kiếm phái nổi bật lên trong võ lâm chỉ là chuyện mới sáu bảy chục năm nay; tuy hưng thịnh rất nhanh nhưng vẫn chưa bằng được các phái Côn Luân, Nga My; càng không thể so sánh với bảy mươi hai tuyệt nghệ bác đại tinh thâm của phái Thiếu Lâm.

Lệnh Hồ Xung gật đầu khen phải.

Xung Hư nói tiếp:

– Trong các phái, ngẫu nhiên cũng có một vài kẻ sĩ tài trí, võ công tinh thâm cao cường, hùng bá một thời. Một người đứng trong võ lâm xuất đầu lộ diện, dương danh lập thế là chuyện bình thường. Nhưng chỉ dựa vào sức của một người để áp đảo các đại môn phái trong thiên hạ thì không bao giờ làm được. Tả Lãnh Thiền bụng đầy dã tâm, muốn làm nên chuyện đó. Năm xưa, hắn nhậm chức minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái thì phương trượng đại sư đã đoán được rằng trong võ lâm từ đây phát sinh lắm chuyện. Mấy năm nay, những hành động tác oai tác quái của Tả Lãnh Thiền quả nhiên đã chứng minh được tiên kiến của đại sư.

Phương Chứng niệm:

– A Di Đà Phật.

Xung Hư nói:

– Tả Lãnh Thiền lên làm minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái chỉ là bước thứ nhất, bước thứ hai là hắn muốn đem ngũ phái hợp lại thành một để hắn làm chưởng môn. Sau khi năm phái hợp lại thành một thì thế lực hùng hậu, hắn đã có thể vững vàng đứng thế chân vạc cùng với Thiếu Lâm và Võ Đang. Lúc đó hắn sẽ tiến thêm một bước nữa là thôn tính các phái Côn Luân, Nga My, Không Động, Thanh Thành; hợp các phái lại là bước thứ ba. Sau đó hắn quay sang gây hấn với Ma giáo rồi thống lãnh các phái Thiếu Lâm, Võ Đang cùng khiêu chiến với Ma giáo là bước thứ tư.

Lệnh Hồ Xung cảm thấy sợ hãi, bèn nói:

– Hàng loạt chuyện rất khó làm mà võ công của Tả Lãnh Thiền chưa chắc đã là vô địch thiên hạ, tại sao lão hao công tổn sức như vậy?

Xung Hư nói:

– Lòng người khó lường. Chuyện trên đời dù khó làm đến đâu cũng có người muốn thử sức. Hiền đệ nghĩ xem, sơn đạo năm trăm dặm này không phải đã được người khai phá ư? Chùa Huyền Không này không phải có người xây nên ư? Nếu Tả Lãnh Thiền có thể tiêu diệt được Ma giáo, thì trong võ lâm hắn sẽ ở vào vị trí duy ngã độc tôn, muốn nuốt Võ Đang, san bằng Thiếu Lâm cũng không khó gì. Mà để làm được những đại sự này thì cũng không hoàn toàn phải dựa vào võ công.

Phương Chứng lại niệm:

– A Di Đà Phật.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Thì ra Tả Lãnh Thiền muốn tất cả kẻ sĩ trong thiên hạ ai ai cũng tuân theo hiệu lệnh của hắn.

Xung Hư nói:

– Đúng vậy! Lúc đó không chừng hắn muốn làm hoàng đế, sau khi làm hoàng đế lại muốn trường sinh bất lão, vạn thọ vô cương. Đây gọi là “lòng người không đủ như rắn nuốt voi”; từ xưa đến nay, đều là như vậy. Anh hùng hào kiệt rất ít người có thể vượt qua cửa ải quyền thế là vậy.

Lệnh Hồ Xung lặng yên. Một luồng gió bấc thổi qua, bất giác cảm thấy ớn lạnh. Chàng bèn nói:

– Con người sống chỉ mấy chục năm, nhưng quý nhất là sống cho thoải mái, sao lại phải khổ sở như vậy? Tả Lãnh Thiền muốn tiêu diệt phái Côn Luân, Không Động; thôn tính Thiếu Lâm, Võ Đang, không biết sẽ giết bao nhiêu người, máu chảy không biết bao nhiêu?

Xung Hư vỗ tay nói:

– Chính vì vậy nên ba chúng ta phải gánh lấy trọng trách ngăn cản Tả Lãnh Thiền, không để cho hắn thực hiện dã tâm, để giang hồ thoát khỏi nạn máu chảy đầu rơi.

Lệnh Hồ Xung rùng mình nói:

– Đạo trưởng nói như vậy khiến cho vãn bối hoảng sợ vô cùng. Vãn bối kiến thức nông cạn, xin kính cẩn nghe theo lời giáo huấn của hai vị tiền bối.

Xung Hư nói:

– Ngày hôm đó, hiền đệ thống lãnh quần hào đến chùa Thiếu Lâm nghênh đón Nhậm đại tiểu thư, không làm tổn hại một cành cây, ngọn cỏ của chùa Thiếu Lâm. Phương Chứng đại sư đã chịu mối ân tình của hiền đệ.

Mặt Lệnh Hồ Xung hơi ửng đỏ. Chàng nói:

– Vãn bối làm náo loạn, rất là hoảng sợ.

Xung Hư nói:

– Sau khi hiền đệ đi rồi, bọn Tả Lãnh Thiền cũng lần lượt cáo từ, nhưng bần đạo còn ở lại trong chùa Thiếu Lâm, đàm đạo với Phương Chứng đại sư, rất lo lắng về dã tâm của Tả Lãnh Thiền. Hôm đó Nhậm Ngã Hành sử dụng ngụy kế nên chiếm được thượng phong trước Phương Chứng đại sư, Tả Lãnh Thiền liền lấy cớ đó mà trị lại Nhậm Ngã Hành cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng trong võ lâm, những kẻ vô tri sẽ cho rằng: “Phương Chứng đại sư địch không lại Nhậm Ngã Hành, Nhậm Ngã Hành lại địch không lại Tả Lãnh Thiền…”

Lệnh Hồ Xung liên tục lắc đầu, nói:

– Chưa chắc, chưa chắc!

Xung Hư nói:

– Chúng ta đều biết chưa chắc như vậy. Nhưng sau trận đấu đó, oai danh của Tả Lãnh Thiền vang dội, càng làm tăng thêm lòng tự phụ và dã tâm của hắn. Sau đó, bọn bần đạo nhận được tin lão đệ lên nhậm chức chưởng môn phái Hằng Sơn nên quyết định đích thân đến Hằng Sơn, một là để chúc mừng lão đệ, hai là để thương nghị đại sự này.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Hai vị tiền bối đề cao vãn bối như vậy, vãn bối thật không dám nhận.

Xung Hư nói:

– Lạc Hậu truyền hiệu lệnh của Tả Lãnh Thiền nói ngày rằm tháng ba, mọi người trong Ngũ Nhạc kiếm phái cùng tụ tập ở Tung Sơn để bầu chưởng môn nhân của Ngũ Nhạc phái. Phương Chứng đại sư đã sớm đoán được, nhưng bọn bần đạo không ngờ Tả Lãnh Thiền nóng vội như vậy. Hắn nói bầu ra chưởng môn nhân của Ngũ Nhạc phái đương nhiên là coi việc hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái đã là chuyện đương nhiên. Kỳ thực, Mạc Đại tiên sinh phái Hành Sơn tánh tình quái dị, lão sẽ không phụ họa theo Tả Lãnh Thiền. Thiên Môn đạo huynh phái Thái Sơn tính cương liệt, cũng quyết không chịu khuất phục dưới người. Lệnh sư Nhạc tiên sinh bên ngoài tròn mà trong thì vuông, và rất xem trọng địa vị chưởng môn phái Hoa Sơn. Tả Lãnh Thiền muốn thủ tiêu phái Hoa Sơn thì Nhạc tiên sinh cũng dùng lý để tranh đoạt lại. Chỉ có phái Hằng Sơn, ba vị sư thái tiền bối lần lượt viên tịch, tất cả chúng đệ tử không đủ sức để đối kháng với Tả Lãnh Thiền, không chừng sẽ khuất phục. Nào ngờ Định Nhàn sư thái lại phá bỏ cả quy củ, đem chức chưởng môn nhân ủy thác cho lão đệ. Bần đạo và phương trượng sư huynh khi bàn đến tầm nhìn xa trông rộng của Định Nhàn sư thái thì rất khâm phục. Lúc sư thái bị trọng thương, vẫn có thể nghĩ ra được nước cờ như vậy thì thật là giỏi, đủ thấy Định Nhàn sư thái đạo hạnh rất cao, cho đến lúc sắp về Tây thiên mà vẫn còn linh mẫn sáng suốt. Chỉ cần bốn phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn liên thủ với nhau, không đồng ý hợp nhất ngũ phái thì âm mưu gây họa giang hồ của Tả Lãnh Thiền không thể đạt được.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Nhưng qua oai thế của bọn Lạc Hậu hôm nay đến truyền lệnh thì dường như ba phái Hoa Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn đều đã bị Tả Lãnh Thiền chế ngự.

Xung Hư gật đầu nói:

– Đúng vậy. Lệnh sư Nhạc tiên sinh chuyển hướng cũng khiến cho bần đạo và Phương trượng đại sư vô cùng nghi hoặc. Nghe nói có một tên đệ tử nhà họ Lâm ở Phúc Châu, bái lệnh sư làm môn hạ phải không?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Đúng vậy. Lâm sư đệ đó tên đầy đủ là Lâm Bình Chi.

Xung Hư nói:

– Tổ truyền nhà hắn có một bộ Tịch tà kiếm phổ. Giang hồ đồn đãi đã lâu, cho rằng kiếm pháp ghi trong kiếm phổ này oai lực rất lợi hại, chắc lão đệ cũng đã nghe rồi.

Lệnh Hồ Xung dạ. Chàng liền kể lại chuyện nhìn thấy được tấm áo cà sa trong ngõ Hướng Dương thành Phúc Châu thế nào, người phái Tung Sơn mưu đoạt ra sao, rồi mình bị thương hôn mê ra sao, chàng lần lượt kể ra hết.

Xung Hư trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Theo tình lý mà nói, lệnh sư thấy được tấm áo cà sa này thì sẽ trả lại cho Lâm sư đệ.

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Dạ. Nhưng sau đó sư muội lại đuổi theo vãn bối mà đòi Tịch tà kiếm phổ. Trong chuyện này có rất nhiều điểm đáng nghi ngờ, thật không có cách nào lý giải nổi. Vãn bối bị oan đã lâu mà không sao minh oan được. Tịch tà kiếm pháp thực lực ra sao xin thỉnh giáo hai vị tiền bối.

Xung Hư liếc Phương Chứng một cái rồi nói:

– Phương trượng đại sư, uẩn khuất trong chuyện này xin đại sư nói rõ cho Lệnh Hồ lão đệ rõ.

Phương Chứng gật đầu nói:

– Lệnh Hồ chưởng môn, chưởng môn có từng nghe cái tên Quỳ hoa bảo điển bao giờ chưa?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Vãn bối từng nghe sư phụ nói qua. Sư phụ lão nhân gia nói Quỳ hoa bảo điển là bí cấp chí cao vô thượng trong võ học, nhưng bị thất truyền đã lâu, không biết lạc vào đâu. Sau đó, vãn bối lại nghe Nhậm giáo chủ nói giáo chủ đã từng đem Quỳ hoa bảo điển truyền cho Đông Phương Bất Bại. Vậy thì bộ Quỳ hoa bảo điển đang ở trong tay của Nhật Nguyệt thần giáo.

Phương Chứng lắc đầu nói:

– Cái mà Nhật Nguyệt giáo có được thì không đủ bộ.

Lệnh Hồ Xung dạ. Chàng nghĩ chuyện bí mật trọng đại trong võ lâm, nếu hai vị tiền bối này không biết thì không ai biết được. Chàng đoán rằng Phương Chứng đại sư sắp nói ra một đại sự võ lâm.

Phương Chứng ngẩng đầu lên nhìn đám mây bay bay trên trời rồi nói:

– Năm xưa, phái Hoa Sơn phân làm hai phe Kiếm tông và Khí tông, một phái mà có hai tông. Các tiền bối phái Hoa Sơn vì vậy mà đại động can qua, huynh đệ tương tàn, chuyện này Lệnh Hồ chưởng môn có biết không?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Dạ. Có điều sư phụ của vãn bối cũng chưa nói rõ.

Phương Chứng gật đầu nói:

– Sư huynh sư đệ đồng môn tàn sát lẫn nhau, thật không phải là chuyện hay, cho nên Nhạc tiên sinh không muốn nói nhiều về chuyện đó. Sở dĩ phái Hoa Sơn phân ra làm hai phe Kiếm tông và Khí tông, nguyên nhân là do bộ Quỳ hoa bảo điển mà ra.

Phương Chứng ngừng một lúc rồi từ từ nói:

– Xưa nay võ lâm đều nói rằng bộ Quỳ hoa bảo điển này là do một vị hoạn quan trong hoàng cung trước tác.

Lệnh Hồ Xung hỏi:

– Hoạn quan ư?

Phương Chứng đáp:

– Hoạn quan tức là thái giám.

Lệnh Hồ Xung ừm một tiếng. Phương Chứng nói:

– Còn về tên họ của vị tiền bối này thì không khảo cứu được, nhưng một vị đại cao thủ lão tiền bối thì tại sao lại làm thái giám trong hoàng cung là điều không ai biết. Võ công ghi chép trong bảo điển rất tinh thâm, hơn ba trăm năm nay, vẫn không có ai có thể dựa theo sách mà luyện thành. Hơn một trăm năm trước, bộ bảo điển này rơi vào hạ viện của chùa Thiếu Lâm ở Bồ Điền tỉnh Phúc Kiến. Lúc đó, phương trượng Hồng Diệp thiền sư chùa Thiếu Lâm ở Bồ Điền là một nhân vật đại trí đại huệ, đáng lẽ ra năng lực và nhận thức võ công của thiền sư lão nhân gia xứng đáng luyện thành võ công ghi chép trong bảo điển mới phải. Nhưng theo đệ tử của thiền sư lão nhân gia nói thì Hồng Diệp thiền sư vẫn chưa luyện thành. Có người còn nói Hồng Diệp thiền sư nghiên cứu bao nhiêu năm cho đến lúc tạ thế mà vẫn chưa luyện được công phu ghi chép trong bảo điển.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Không chừng còn có một bí quyết kỳ ảo khác không được ghi trong sách khiến một kẻ sĩ trí tuệ như Hồng Diệp thiền sư mà cũng không lĩnh ngộ hết toàn bộ, thậm chí căn bản cũng không luyện được.

Phương Chứng đại sư gật đầu nói:

– Cũng có thể như vậy. Lão nạp và Xung Hư đạo huynh đều không có duyên thấy được bộ bảo điển. Nếu có, tuy không dám nói là tu luyện nhưng cũng muốn thử xem văn tự trong cuốn sách ghi chép những bí quyết cao thâm khôn lường gì thì cũng thỏa lòng.

Xung Hư mỉm cười nói:

– Đại sư lại động lòng trần rồi. Chúng ta là người học võ, không gặp được bảo điển thì thôi, nếu gặp được thì nhất định sẽ nghiên cứu tu tập đến quên ăn bỏ ngủ, kết quả không những dở dang việc thanh tu mà còn rước thêm phiền não vào thân. Chúng ta không có duyên phận gặp được kỳ thực cũng là cái phúc.

Phương Chứng cười ha hả nói:

– Đạo huynh nói rất đúng, lão nạp chưa dứt hết lòng trần, thật là hổ thẹn.

Đại sư quay qua Lệnh Hồ Xung nói:

– Người ta nói phái Hoa Sơn có hai vị sư huynh đệ, đã từng làm khách ở chùa Thiếu Lâm ở Bồ Điền, không biết vì cơ duyên nào mà lại xem được bộ Quỳ hoa bảo điển này.

Lệnh Hồ Xung thầm nghĩ: Quỳ hoa bảo điển đã quan trọng như vậy, chùa Thiếu Lâm Bồ Điền đương nhiên phải giữ kín không cho ai biết. Hai vị sư huynh đệ phái Hoa Sơn này lại xem được thì nhất định là xem lén. Phương Chứng đại sư nói khách khí nên không nhắc đến chữ “xem lén” mà thôi.

Phương Chứng lại nói:

– Lúc vội vàng nên hai vị không kịp đọc hết toàn bộ, liền chia nhau ra đọc, một người đọc một nửa, sau đó về Hoa Sơn cùng thảo luận nghiên cứu. Không ngờ hai người đem công phu trong sách ra ấn chứng lại thì đầu trâu mình ngựa, hoàn toàn không ăn khớp với nhau. Người nầy cho rằng người kia đọc sai, chỉ có mình mới nhớ đúng. Nhưng chỉ dựa vào cái nhớ được phân nửa của mình thì không thể chiếu theo đó mà luyện tập được. Hai người vốn là sư huynh đệ thân thiết như tay với chân, sau đó lại trở thành oan gia đối đầu nhau. Phái Hoa Sơn phân làm hai phe Kiếm tông và Khí tông là do đó mà ra.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Hai vị sư huynh đệ tiền bối này chắc là hai vị tiền bối Hoa Sơn Nhạc Túc và Thái Tử Phong?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.