Giữa lúc Mộc Cao Phong và Dư Thương Hải đang thủ thế chờ cơ hội xuất chiêu, bỗng nghe tiếng kêu la, hai người từ phía sau vọt ra nghe đánh phịch một cái, rơi xuống nằm sấp dưới đất không nhúc nhích. Hai người này mặc trường bào màu xanh, chỗ mông đít còn in dấu chân đá. Bỗng nghe giọng nói trong trẻo của một cô gái nhỏ tuổi nói:
– Đây là bản lĩnh giữ nhà của phái Thanh Thành gọi là Thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn thức!
Dư Thương Hải cả giận, vội quay người lại, không kịp nhìn xem rõ là ai, bèn nhảy vọt về phía phát ra tiếng nói. Chỉ thấy một ti ểu cô nương mặc áo màu lục đứng bên bức mành sáo. Lão đưa tay nắm chặt cổ tay của cô. Cô kêu to hai tiếng má ơi rồi khóc òa lên. Dư Thương Hải giật mình sợ hãi. Lão tưởng cô ta nói ra những lời vũ nhục, trong lúc tức giận như điên không kịp suy nghĩ, liền nhận định hai tên đệ tử phái Thanh Thành bị đá nhất định có liên quan đến cô. Lão sử dụng luồng lực đạo rất mạnh nắm chặt tay cô. Khi nghe cô khóc la lên, mới hiểu ra người này chẳng qua chỉ là một tiểu cô nương, lão xử sự với cô nặng tay như vậy thì trước mặt anh hùng thiên hạ đã tự mình làm tổn thất thân phận chưởng môn của phái Thanh Thành rồi. Lão vội vàng buông tay cô ra, nào ngờ tiểu cô nương càng khóc to hơn. Cô vừa khóc vừa la:
– Lão làm gãy xương ta rồi! Má ơi! Hài nhi bị gãy tay rồi! Hu hu, đau quá, đau quá! Hu hu!
Chưởng môn phái Thanh Thành đã kinh qua trăm trận, ứng phó với vô vàn phong ba bão táp, nhưng bây giờ lại vô cùng bối rối trước một tình huống xưa nay chưa bao giờ xảy ra. Hàng trăm con mắt đang đăm đăm nhìn vào mặt lão lộ vẻ trách móc khinh bỉ. Bất giác mặt lão đỏ lên, chân tay luống cuống. Lão dỗ dành cô bé:
– Đừng khóc, đừng khóc nữa! Không gãy tay đâu! Không gãy tay đâu!
Tiểu cô nương vừa khóc vừa nói:
– Đã gãy rồi. Lão ăn hiếp người ta, người lớn mà ăn hiếp con nít xem đẹp mặt chưa! Đau quá, hu hu hu!
Mọi người thấy tiểu cô nương này chừng mười ba, mười bốn tuổi, mặc áo màu lục, da trắng nõn nà như tuyết, gương mặt trái xoan thanh tú trông rất dễ thương nên ai cũng có ý thương mến.
Có mấy người thô lỗ ngoác miệng chửi:
– Trói lão mũi trâu lại!
– Đánh chết đạo sĩ lùn beo đó đi!
Dư Thương Hải cuống quýt lên, biết mình phạm lỗi làm cho mọi người tức giận, không dám mở miệng chửi lại. Lão khẽ nói:
– Tiểu muội muội đừng khóc nữa! Cho ta xin lỗi, cho ta xem cánh tay của tiểu muội có bị thương không?
Lão nói xong liền vén tay áo cô bé lên. Cô bé không chịu, la lớn:
– Không, không, đừng đụng đến ta! Má má, má má, lão đạo sĩ thấp lùn này đánh gãy cánh tay của hài nhi rồi.
Dư Thương Hải đang lúc không biết phải làm sao thì trong đám đông một gã hán tử áo xanh chạy ra. Người đó chính là Phương Nhân Trí, con người cơ trí nhất của phái Thanh Thành. Gã nhìn cô bé rồi nói:
– Tiểu cô nương thật giỏi đóng kịch, tay của sư phụ ta không động đến tay áo của cô thì làm sao có thể đánh gãy cánh tay của cô được?
Tiểu cô nương la lên:
– Má má, lại có người nữa đến đánh hài nhi kìa!
Định Dật sư thái đứng bên thấy vậy cả giận, bước đến giơ tay tát vào mặt Phương Nhân Trí một cái bốp rồi quát:
– Người lớn ăn hiếp con nít mà không biết nhục ư?
Phương Nhân Trí giơ cánh tay muốn gạt nhưng tay phải của Định Dật rất nhanh nắm được tay của gã, rồi tay trái bẻ chặt cổ tay vào cánh tay. Lão ni chỉ cần vận sức thêm một chút nữa thì xương tay của Phương Nhân Trí sẽ bị gãy từng đoạn. Dư Thương Hải phóng ngón tay vào sau lưng Định Dật định điểm huyệt. Định Dật đành phải buông Phương Nhân Trí, xoay tay lại xuất chưởng chống đỡ. Dư Thương Hải không muốn đánh nhau với lão ni, bèn nói:
– Tại hạ xin lỗi!
Rồi lão nhảy lùi lại hai bước.
Định Dật cầm tay tiểu cô nương, ôn hòa nói:
– Hảo hài tử, hài tử đau ở đâu? Để ta xem rồi ta trị thương cho.
Lão ni sờ nắn cánh tay của tiểu cô nương, thấy không bị gãy, cũng yên tâm. Lão ni vén tay áo của cô bé lên thì thấy trên cánh tay trắng nõn nà như tuyết còn in rõ bốn dấu ngón tay xanh lè. Định Dật cả giận nhìn Phương Nhân Trí quát:
– Tiểu tử nói láo! Sư phụ của ngươi không đụng đến cánh tay của cô bé thì dấu bốn ngón tay này là do ai nắm vào đây?
Tiểu cô nương nói:
– Là con rùa đen nắm, là con rùa đen nắm!
Cô vừa nói vừa chỉ vào sau lưng Dư Thương Hải.
Bỗng nhiên, mọi người cười ầm cả lên; có người cười đến nỗi nước trà trong miệng văng tung tóe, có người cười bò lăn bò càng. Trong đại sảnh chỗ nào cũng có tiếng cười rần rần.
Dư Thương Hải không biết mọi người cười cái gì, bụng nghĩ tiểu cô nương này chửi mình là con rùa đen, nhưng chẳng qua là hài tử bị đau đớn nên tiện miệng thốt ra, có gì đáng cười đâu.
Nhưng lão thấy ai cũng nhìn mình mà cười thì luống cuống cả lên, xấu hổ vô cùng. Phương Nhân Trí nhảy ra, chạy đến sau lưng Dư Thương Hải, lấy ra một mảnh giấy từ trên áo của lão rồi vo tròn lại.
Dư Thương Hải tiếp lấy mở ra xem, thấy mảnh giấy vẽ một con rùa đen to, chắc là do cô bé đã dán sau lưng mình. Dư Thương Hải tức giận, nghĩ bụng: Con rùa đen này đã được vẽ từ trước rồi, nhưng người khác quyết không thể dán vào lưng mình được. Nhất định là con bé to mồ m này nhân lúc ta bối rối liền dán lên. Như vậy hẳn là trong bóng tối có người lớn chỉ dẫn cho nó rồi.
Lão đưa mắt nhìn Lưu Chính Phong một cái rồi nghĩ bụng: Con bé này chính là người của Lưu gia. Thì ra Lưu Chính Phong ngấm ngầm giở trò ma với ta.
Lưu Chính Phong bị lão liếc nhìn như vậy, lập tức hiểu ra ngay, biết lão có ý nghi ngờ mình. Lão liền tiến lên một bước, nhìn cô bé hỏi:
– Tiểu muội muội, tiểu muội muội là hài tử của nhà ai? Gia gia và má má của tiểu muội muội đâu?
Lão hỏi hai câu này, một là biểu thị lời thanh minh với Dư Thương Hải, hai là chính lão cũng hoài nghi, muốn biết tiểu cô nương này là do người nào dẫn tới.
Tiểu cô nương đáp:
– Gia gia, má má của tiểu nữ có việc đi rồi, bảo tiểu nữ ngồi ở đây cho ngoan đừng có đi lung tung và nói chút xíu nữa sẽ được coi hý kịch: sẽ có hai người bay đi nằm im không nhúc nhích, đó là bản lĩnh giữ nhà của phái Thanh Thành, gọi cái gì gì là Thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn thức. Quả nhiên kịch rất hay!
Cô nói xong liền vỗ tay. Những giọt nước mắt long lanh trên má cô vẫn còn nguyên, chưa kịp lau thì đã cười lên giòn giã.
Mọi người thấy vậy đều mừng thầm, biết rằng đó là lời xỉa xói phái Thanh Thành. Trước mắt, hai tên đệ tử củ a phái Thanh Thành vẫn còn nằm bất động, đít chổng lên trời, mông đít vẫn còn in rõ vết chân, là nỗi xấu hổ lớn nhất của phái Thanh Thành.
Dư Thương Hải giơ tay vỗ lên người đệ tử, mới phát hiện cả hai đều bị điểm huyệt đạo, cũng giống như Thân Nhân Tuấn và Cát Nhân Thông. Nếu lão vận nội lực giải khai huyệt đạo thì nhất thời bị tiêu hao công lực, không những Mộc Cao Phong đang đứng bên cạnh nhìn gườm gườm như con cọp đang rình mồi mà sẽ còn có kẻ khác ngấm ngầm tìm cách đối đầu với lão nữa. Lúc này, lão không thể giải huyệt đạo cho đệ tử để khỏi hao tổn nội công. Lão nói khẽ với Phương Nhân Trí:
– Khiêng chúng đi đi.
Phương Nhân Trí vẫy tay cho các đồng môn. Mấy tên đệ tử Thanh Thành chạy đến khiêng hai đồng môn ra khỏi sảnh.
Tiểu cô nương bỗng nhiên la lên:
– Người của phái Thanh Thành thật là đông! Một người “bình sa lạc nhạn” thì có hai người khiêng; hai người “bình sa lạc nhạn” thì có bốn người khiêng!
Dư Thương Hải sắc mặt xanh lè, nhìn tiểu cô nương hỏi:
– Gia gia của tiểu cô nương họ gì? Những câu nói vừa rồi phải chăng là gia gia dạy cho?
Lão nghĩ hai câu nói của cô bé này rất là châm chọc, nếu không phải người lớn dạy cho thì cô bé nhỏ tuổi thế này quyết sẽ không biết nói như vậy. Lão lại nghĩ: Cái gì là Thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn th ức? Chính là do thằng nhóc bịp bợm Lệnh Hồ Xung đặt ra. Chắc có lẽ phái Hoa Sơn không nhịn được việc Lệnh H ồ Xung bị La Nhân Kiệt giết nên tìm cách đả thương người của phái Thanh Thành ta. Người điểm huyệt này võ công rất cao cường, chẳng lẽ… chẳng lẽ… chưởng môn Nhạc Bất Quần đã ngấm ngầm giở trò ma quỷ?
Lão nghĩ đến việc Nhạc Bất Quần ngấm ngầm ám hại mình; người này không những võ công rất thâm hậu mà còn liên minh với Ngũ Nhạc kiếm phái, nếu hôm nay cùng động thủ với lão, nhất định phái Thanh Thành sẽ thất bại ê chề. Nghĩ tới đó, thần sắc lão biến đổi thấy rõ.
Trả lời câu hỏi của lão, tiểu cô nương cười nói:
– Một lần hai là hai, hai lần hai là bốn, hai lần ba là sáu, hai lần bốn là tám, hai lần năm là mười… Cô đọc thuộc lòng bảng cửu chương từ một đến chín.
Dư Thương Hải hỏi:
– Ta hỏi tiểu cô nương đó!
Giọng lão rất nghiêm khắc. Tiểu cô nương há miệng khóc òa rồi úp mặt vào lòng Định Dật sư thái.
Định Dật vỗ nhè nhẹ vào lưng an ủi cô bé:
– Đừng sợ, đừng sợ! Hảo hài tử đừng sợ!
Nói xong lão ni quay qua nhìn Dư Thương Hải nói:
– Các hạ làm bộ hung tợn như vậy để hù dọa con nít ư?
Dư Thương Hải hứ lên một tiếng, nghĩ bụng: Ngũ Nhạc kiếm phái hôm nay có thể đụng độ với phái Thanh Thành ta, cho nên ta phải thận trọng.
Tiểu cô nương từ trong lòng Định Dật thò đầu ra nói:
– Lão sư thái, hai lần hai là bốn, hai người phái Thanh Thành “Thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn” có bốn người khiêng; hai lần ba là sáu, ba người “Thí cổ hướng hậu bình sa lạc nhạn” thì được sáu người khiêng; hai lần bốn là tám.
Cô bé không nói nữa, cười lên khanh khách.
Mọi người thấy tiểu cô nương này động một tí là khóc, sau khi khóc lại cười. Bỗng cười bỗng khóc là chuyện thường ngày của những đứa trẻ bảy tám tuổi, còn tiểu cô nương này xem vóc dáng cũng đã mười ba mười bốn tuổi, thân hình rất cao, huống hồ mỗi câu nói của cô bé đều nhằm xỉa xói Dư Thương Hải, rõ ràng không phải là những lời ngây thơ của trẻ con. Nhất định trong bóng tối còn có người lớn xui khiến, giật dây; điều đó không còn nghi ngờ gì nữa.
Dư Thương Hải nói to:
– Đại trượng phu hãy hành động cho quang minh lỗi lạc. Vị bằng hữu nào có điều xích mích với bần đạo xin cứ hiện thân đi chớ đừng có lén lút giấu đầu lòi đuôi, dạy cho con nít nói ra những lời vô vị như vậy thì đâu phải là phong độ bậc anh hùng hảo hán?
Lão tuy thấp lùn, nhưng lời nói phát ra từ huyệt Đan điền trung khí tràn đầy, thanh âm hùng tráng, lọt vào tai người nghe oang oang. Quần hào nghe lão nói vậy bỗng nhiên đem lòng kính trọng chứ không còn lộ vẻ khinh khi như trước nữa.
Lão nói xong đại sảnh yên lặng, không có tiếng người đáp trả.
Một lúc lâu sau, bỗng nhiên tiểu cô nương nói:
– Thưa lão sư thái, lão đó hỏi anh hùng hảo hán ở môn phái nào vậy? Phái Thanh Thành của lão không phải là anh hùng hảo hán ư?
Định Dật là nhân vật tiền bối của phái Hằng Sơn, tuy đối với phái Thanh Thành có phần bất mãn nhưng không thể công nhiên phỉ báng cả môn phái, liền trả lời mập mờ:
– Phái Thanh Thành… đời trước có rất nhiều anh hùng hảo hán.
Tiểu cô nương lại hỏi:
– Vậy ngày nay thì sao? Họ còn anh hùng hảo hán nào không?
Định Dật trề môi nhìn Dư Thương Hải rồi nói:
– Cái đó ngươi hãy hỏi Dư quán chủ đây.
Cô gái quay lại hỏi Dư Thương Hải:
– Dư quán chủ, cầm kiếm giết một người khi người đó đã bị trọng thương có phải là anh hùng hảo hán không?
Nghi Lâm nghe cô bé hỏi thì chấn động cả lòng. Bản tính cô hiền hòa, lại kính trọng người trên vì dù sao Dư Thương Hải cũng là bậc tiền bối nên không tiện hỏi. Bây giờ tiểu cô nương này lại thay cô nói ra những lời ẩn ức trong lòng; cô không kìm được nỗi đau đớn ngậm ngùi, nước mắt lã chã.
Dư Thương Hải trầm giọng hỏi khẽ:
– Ai đã dạy tiểu cô nương câu hỏi này?
Tiểu cô nương đáp:
– Có một người tên La Nhân Kiệt phái Thanh Thành là đệ tử của đạo trưởng phải không? Hắn thấy người ta bị trọng thương mà người ta lại là người tốt, chẳng những đã không cứu người ta mà ngược lại, còn đâm cho người ta một kiếm. Đạo trưởng nói xem La Nhân Kiệt có phải là anh hùng hảo hán không? Đây không phải là bản lĩnh hiệp đạo của phái Thanh Thành mà đạo trưởng đã dạy cho hắn ư?
Các câu hỏi này do chính miệng cô bé nói ra, nhưng cô nói một cách lanh lẹ, có ý bức ép dồn người vào thế bí.
Dư Thương Hải không còn biết phải trả lời thế nào, bèn la lớn:
– Rốt cuộc là ai đã chỉ bảo ngươi hỏi ta? Phụ thân của ngươi là người phái Hoa Sơn phải không?
Tiểu cô nương quay qua Định Dật hỏi:
– Lão sư thái, lão đó hù dọa ăn hiếp tiểu nữ, có phải là bậc đại trượng phu quang minh lỗi lạc không?
Định Dật thở dài đáp:
– Ta không thể trả lời được câu này.
Mọi người càng nghe càng lấy làm kỳ. Những lời nói trước đây của tiểu cô nương có lẽ do người lớn đã dạy cho, nhưng những câu hỏi vừa rồi rõ ràng là cô nắm bắt lời nói của Dư Thương Hải mà vặn lại, có ý châm chích mười phần cay độc, hiển nhiên là cô đã tùy cơ ứng biến. Họ không ngờ cô còn nhỏ tuổi mà miệng lưỡi đã sắc bén lợi hại đến như vậy.
Nghi Lâm nước mắt ràn rụa. Cô nhìn cái dáng thon thả của tiểu cô nương từ phía sau lưng bèn nhớ lại:
– Hình như ta đã gặp tiểu muội muội này ở đâu đây?
Cô nghiêng đầu suy nghĩ chợt nhớ ra:
– Đúng rồi. Ngày hôm qua trên Hồi Nhạn lâu, cô bé này có mặt ở đó.
Những hình ảnh ngày hôm qua lần lượt hiện lên trong đầu Nghi Lâm. Sáng sớm hôm qua, cô bị Điền Bá Quang bức bách lên tửu lâu thì ở đây đã có bảy tám cái bàn đầy khách ngồi uống rượu. Sau đó có hai người phái Thái Sơn khiêu chiến, rồi Điền Bá Quang đâm chết một người, các tửu khách sợ hãi bỏ chạy tán loạn; tửu bảo cũng không dám lên rót rượu. Nhưng ở trong góc tửu lâu, có một cái bàn nhỏ ngồi nhìn ra đường, một hòa thượng thân người cao to ngồi đó. Lại có hai người ngồi bên cạnh một cái bàn nhỏ khác. Cho đến lúc Lệnh Hồ Xung bị giết, cô ôm thi thể của Lệnh Hồ đại ca xuống lầu, lão hòa thượng và hai người đó vẫn chưa rời khỏi bàn. Lúc đó, lòng cô bàng hoàng kinh sợ vô cùng, mọi chuyện cứ dồn dập đến, còn lòng dạ nào để lưu tâm đến lão hòa thượng cao to và hai người kia nữa. Bây giờ, thấy hình ảnh sau lưng của cô bé cũng giống như hình bóng còn lưu lại trong trí thì cô mới nhớ rõ lại rằng ngày hôm qua, một trong hai người ngồi ở bàn nhỏ chính là tiểu cô nương này. Cô bé ngồi quay lưng về hướng cô nên cô chỉ nhớ được hình bóng sau lưng của cô bé. Ngày hôm qua, cô bé mặc áo màu vàng nhạt; bây giờ, cô lại mặc áo màu lục. Nếu như lúc này cô bé không quay lưng lại thì Nghi Lâm đã không thể nhớ ra.
Nhưng còn người kia nữa là ai? Cô chỉ nhớ chắc chắn đó là một nam tử, còn nam tử ấy già hay trẻ, ăn mặc thế nào thì cô không nhớ rõ. Cô còn nhớ được lúc lão đại hòa thượng bưng bát rượu lên uống, Điền Bá Quang bị Lệnh Hồ đại ca phỉnh gạt phải chấp nhận thất bại, lão đại hòa thượng đã cười ha hả. Lúc đó, tiểu cô nương này cũng cười theo; tiếng cười của cô ta rất giòn giã. Bên tai cô như vọng lên tiếng “đúng là cô ta, chính là cô ta!”. Lão đại hòa thượng là ai? Tại sao hòa thượng cũng uống rượu?
Toàn bộ tâm thần của Nghi Lâm đều chìm ngập trong tình cảnh ngày hôm qua. Trước mặt cô, dường như lại xuất hiện nét mặt tươi cười của Lệnh Hồ Xung. Lúc đại ca sắp chết, đã lừa La Nhân Kiệt đến gần rồi giơ kiếm đâm vào bụng dưới của địch nhân. Cô ôm thi thể của Lệnh Hồ Xung loạng choạng đi xuống lầu, lòng vô cùng hoang mang, không biết mình đang ở nơi nào. Cô lững thững ra khỏi thành Hành Dương rồi loạng choạng đi trên đường…
Cô cảm thấy thi thể Lệnh Hồ Xung đang ôm trong tay từ từ lạnh dần. Cô không cảm thấy nặng chút nào, cũng không đau lòng, lại càng không biết phải ôm cái thi thể này đến phương nào nữa.
Khi cô đến bên một đầm sen, trông hoa sen nở tươi thắm, ngực cô như bị ai đánh một chùy. Cô không chịu đựng được nữa, cả cô và thi thể Lệnh Hồ Xung cùng nhào xuống rồi cô ngất đi…
Đến khi cô tỉnh dậy, thấy mặt trời sáng tỏa, cô vội choàng tay ôm thi thể Lệnh Hồ Xung thì chẳng thấy đâu cả. Cô sợ hãi vùng dậy, thấy mình vẫn ở bên cạnh đầm sen, hoa sen vẫn tươi thắm ngọt ngào, nhưng thi thể của Lệnh Hồ Xung lại biến mất đâu rồi. Cô vô cùng kinh hoàng, chạy một vòng quanh đầm sen. Thi thể đại ca ở đâu? Cô không tìm thấy chút dấu vết gì. Cô cúi xuống nhìn những vệt máu còn lấm tấm trên áo mình, rõ ràng biết mình không phải đang nằm mơ, suýt nữa cô lại ngất đi. Nhưng cô định thần lại, tìm kiếm bốn phía thêm một lần nữa, cái thi thể như sống lại mà bay đi mất tiêu rồi. Thấy nước trong đầm sen rất cạn, cô liền bước xuống mò tìm cũng chẳng thấy tăm tích gì cả.
Cô đành thất thểu đến thành Hành Sơn, hỏi đường đến Lưu phủ để tìm sư phụ. Lòng cô lúc nào cũng canh cánh tự hỏi: Thi thể Lệnh Hồ đại ca ở đâu? Có người qua đường đã đem đi chôn cất rồi hay đã bị dã thú tha mất?
Cô nghĩ đến Lệnh Hồ đại ca đã vì cứu cô mà không màng đến tính mạng, vậy mà ngay cả thi thể của Lệnh Hồ đại ca cô cũng không chăm sóc chu toàn, nếu thự c sự bị dã thú tha mất thì chính cô không muốn sống nữa. Nhưng dù có tìm được thi thể của Lệnh Hồ Xung nguyên vẹn thì cô cũng không muốn sống nữa.
Bỗng nhiên, từ tận đáy lòng cô ẩn hiện một ý niệm, mà ý niệm đó cô không hề dám nghĩ tới. Thế nhưng cái ý niệm này cứ lướng vướng trong đầu cô suốt cả ngày. Cô cố nén nó xuống, nghĩ bụng: Tại sao ta không định tâm được? Tại sao ta lại nghĩ vớ vẩn thế này? Thật là quá vớ vẩn! Không, quyết không thể có chuyện như vậy được!
Nhưng lúc này, đầu óc cô lại không đè nén được ý niệm đó nữa, nó đang trỗi dậy mãnh liệt trong cô: Lúc ôm thi thể của Lệnh Hồ đại ca trong tay, lòng ta vô cùng bình thản, thậm chí còn cảm thấy vui vui, giống như đang ngồi luyện công, lòng không nghĩ ngợi gì cả. Dường như ta muốn được ôm thi thể đại ca để cả đời có được một người mà người đó không tùy tiện đi lại trên chốn giang hồ, vĩnh viễn không rời xa ta. Dù gì đi nữa cũng phải tìm cho được thi thể của đại ca về. Vậy thì phải làm sao? Sao có thể không đau thương được khi thi thể của đại ca bị dã thú tha mất? Không, không thể. Ta muốn ôm thi thể của đại sư ca chạy loạn trên đường, đến bên đầm sen yên tĩnh để ngơi nghỉ. Sao ta lại ngất đi? Thật là đáng chết! Thôi ta không nên nghĩ như vậy; sư phụ không cho phép, Bồ Tát cũng không tha thứ. Đây là ý niệm ma chướng, ta không nên giữ lại trong lòng. Nhưng… nhưng thi thể của Lệnh Hồ đại ca đâu rồi?
Đầu cô bấn loạn cả lên, có khi nhìn thấy Lệnh Hồ đại ca nhếch mép cười, nụ cười hồn nhiên; có lúc lại thấy đại ca chửi: “Tiểu sư muội xui xẻo” với vẻ mặt cau có khó chịu. Lòng cô đau nhói như bị dao cắt.
Giọng nói của Dư Thương Hải lại vang lên:
– Lao Đức Nặc, tiểu cô nương này có phải là người phái Hoa Sơn các ngươi không?
Lao Đức Nặc đáp:
– Không phải, đệ tử hôm nay mới gặp tiểu muội muội này lần đầu; cô không phải là người của tệ phái.
Dư Thương Hải nói:
– Được, ngươi không thừa nhận thì thôi.
Bỗng nhiên lão vung tay, ánh sáng lóe lên, một mũi phi tiêu đã bắn về hướng Nghi Lâm, miệng quát lớn:
– Tiểu sư điệt, ngươi xem đây là cái gì?
Nghi Lâm còn đang ngẩn ngơ, không ngờ Dư Thương Hải lại phóng ám khí vào mình.
Lòng cô bỗng nhiên nghĩ ra một ý tưởng rất hạnh phúc: Lão muốn giết ta thì tốt lắm. Ta vốn không muốn sống nữa, lão giết ta càng hay!
Cô không có ý muốn né tránh. Trước mắt cô, ngọn phi tiêu vù vù bay tới; mấy người hô toáng lên:
– Cẩn thận đó, ám khí!
Không hiểu sao, Nghi Lâm lại cảm thấy hạnh phúc nói không nên lời. Cô thấy sống trên đời đầy rẫy đau khổ, khó mà chịu đựng được sự quạnh quẽ thê lương này. Mũi phi tiêu giết cô chính là điều mà cô mong muốn.
Định Dật đẩy nhẹ cô bé, phóng người ra chắn trước mặt Nghi Lâm. Đừng tưởng lão ni già lụ khụ mà chậm chạp, chỉ trong nháy mắt lão ni phóng người nhanh đến kỳ lạ. Mũi phi tiêu tuy bay chậm nhưng cũng là một loại ám khí; Định Dật nhảy ra sau nhưng lại đến trước, kịp thời đưa tay ra định chụp lấy.
Định Dật sư thái đưa tay để đón mũi phi tiêu, nào ngờ phi tiêu bay đến cách lão ni hai tấc thì rơi xuống, keng một tiếng đã nằm dưới đất. Định Dật chụp hụt, vậy là đã bị thua một chiêu trước mặt mọi người. Bất giác, khuôn mặt lão ni đỏ lên nhưng không phản ứng gì. Ngay lúc đó, Dư Thương Hải lại giơ tay lên liệng cục giấy vo tròn vào mặt cô bé. Cục giấy này là từ mảnh giấy vẽ con rùa đen vo lại. Định Dật nghĩ bụng:
– Lão mũi trâu này phóng phi tiêu, thì ra là hắn muốn giương Đông kích Tây đánh lừa ta chớ không phải cố ý đả thương Nghi Lâm.
Cục giấy nhỏ liệng tới thế bay rất nhanh, còn nhanh hơn thế bay của phi tiêu vừa rồi, trong đó hàm chứa nội lực rất lớn. Nếu nó đập vào trúng mặt tiểu cô nương thì cô không khỏi bị thương. Lúc này, Định Dật đang đứng bên Nghi Lâm; sự việc xảy ra quá nhanh, nên lão ni không kịp ngăn đỡ, chỉ kêu lên được một chữ “Ngươi…”. Bỗng thấy cô bé cúi thấp người xuống đất, khóc to gọi:
– Má má! Má má! Người ta muốn đánh chết hài nhi kìa!
Cô lùi lại rất nhanh, kịp thời né tránh cục giấy. Rõ ràng cô là người có võ công, và lại muốn chọc tức họ Dư. Mọi người đều cảm thấy buồn cười. Dư Thương Hải cũng cảm thấy không nên bức bách cô bé nữa, bụng lão lại đầy mối hoài nghi, không thể lý giải được.
Định Dật sư thái thấy Dư Thương Hải lộ vẻ bối rối. Lão ni cười thầm cho rằng hôm nay phái Thanh Thành bị bêu xấu như vậy cũng đủ rồi, không nên gây thêm phiền phức cho lão nữa, bèn nói với Nghi Lâm:
– Nghi Lâm, cha mẹ của tiểu cô nương này không biết đi đâu. Ngươi dẫn cô bé đi tìm, để không có ai chăm nom dễ bị người ta hiếp đáp.
Nghi Lâm đáp:
– Dạ!
Cô nắm tay cô bé dẫn đi. Cô bé nhìn cô cười rồi cùng ra khỏi sảnh. Dư Thương Hải cười nhạt một tiếng, biết không thể cản được liền quay qua nhìn Mộc Cao Phong.