Hồi 5: Cô bán rượu cứu thiếu tiêu đầu

Lâm Bình Chi thầm nghĩ cách để xông tới té ngã lên người Phương Nhân Trí và Vu Nhân Hào cho chúng giết quách mình đi nhưng sau lưng bị điểm mấy huyệt đạo, không thể nhúc nhích được. Chàng lại nghĩ nếu để chúng cắt gân tay ra từng đoạn, lại bị x ỏ dây vào xương tỳ bà thì từ đây trở thành người tàn phế, chẳng thà bây giờ chết đi còn khỏe hơn. Bỗng nhiên phía sau nhà bếp vọng lại tiếng kêu thảm thiết của gã Giả Nhân Đạt.

Phương Nhân Trí và Vu Nhân Hào giật nẩy mình, cầm trường kiếm xông thẳng về phía sau. Chợt thấy một bóng người thoáng qua cửa lớn, cước bộ không một tiếng động, nắm cổ Lâm Bình Chi kéo lên. Lâm Bình Chi la khẽ một tiếng, nhìn khuôn mặt người ấy, thấy toàn là vết rỗ sẹo đậu mùa. Ấy chính là cô gái bán rượu xấu xí, nguyên nhân dẫn đến tai họa cho chàng.

Cô gái xấu xí đó dắt Lâm Bình Chi ra ngoài cửa, đến nơi cột ngựa dưới gốc đại thụ, tay trái nắm chặt lưng chàng, rồi hai tay nâng chàng lên lưng ngựa. Lâm Bình Chi ngây người kinh ngạc. Chỉ thấy cô gái xấu xí rút thanh trường kiếm ra, rồi kiếm quang lấp loáng, cô đã vung kiếm cắt đứt dây cương, lại thúc kiếm nhẹ vào hông ngựa. Ngựa bị thúc, hí lên một tiếng, tung bốn vó phi thẳng vào rừng.

Lâm Bình Chi kêu lớn:

– Má má, gia gia!

Lòng chàng chợt nhớ đến cha mẹ, không muốn chạy trốn một mình. Hai tay chàng vỗ lên lưng ngựa ra lệnh dừng ngựa nhưng con ngựa cứ phi. Chàng lăn xuống ngựa, nhào mấy vòng rơi vào đám cỏ trong khi con ngựa vẫn phi nhanh về phía trước. Lâm Bình Chi nắm lấy một cành cây, muốn đứng dậy nhưng hai chân không còn khí lực. Chàng chỉ đi được một thước lập tức té ngã, lại cảm thấy hông đau dữ dội do lúc lăn xuống lưng ngựa đụng phải cục đá.

Bỗng nhiên, chàng nghe tiếng kêu la, tiếng chân bước. Có người đuổi đến, Lâm Bình Chi vội vàng núp vào đám cỏ, rồi chợt nghe tiếng đao kiếm va chạm phát ra thật lớn. Từ trong đám cỏ, Lâm Bình Chi khẽ ló đầu ra nhìn phía trước, thấy hai bên đang giao đấu. Một bên là Vu Nhân Hào và Phương Nhân Trí của phái Thanh Thành, bên kia là cô gái xấu xí. Lại có một ông già dùng vải đen che mặt, đầu tóc bạc phơ đứng lược trận. Lâm Bình Chi nhận biết đó chính là lão già họ Tát, ông nội của cô gái xấu xí.

Chàng nghĩ thầm: Trước đây ta nghĩ hai người này là người của phái Thanh Thành, nào ngờ cô gái lại cứu ta. Ôi, sớm biết võ công của cô ta tuyệt diệu như vậy thì ta đã không phải bất bình ra tay đánh đấm làm gì để phải rước đại họa vào thân!

Chàng lại nghĩ: Chúng đang đấu với nhau thật kịch liệt chính là cơ hội giúp ta đi tìm gia gia và má má. Nhưng trên lưng huyệt đạo chưa giải, có muốn cũng không nhúc nhích được.

Bỗng nghe Phương Nhân Trí quát hỏi:

– Ngươi… Ngươi là ai? Tại sao ngươi biết sử kiếm pháp phái Thanh Thành của ta?

Lão già không trả lời. Bỗng nhiên, một luồng bạch quang tỏa ra, cây trường kiếm trong tay Phương Nhân Trí rời khỏi tay bay đi. Phương Nhân Trí vội nhảy lùi về sau. Vu Nhân Hào liền huơ kiếm tiến lên. Lão già che mặt xuất một chiêu. Vu Nhân Hào quát:

– Ngươi… ngươi…

Giọng nói của gã biểu lộ sự kinh hãi. Chỉ nghe “keng” một tiếng, trường kiếm của gã cũng bị văng khỏi tay. Cô gái xấu xí tiến lên một bước, giơ kiếm đâm nhanh. Lão già che mặt giơ kiếm chặn lại rồi nói:

– Đừng làm tổn thương tính mệnh hắn!

Cô gái xấu xí nói:

– Không hạ độc thủ với chúng không được. Chúng đã giết quá nhiều người.

Lão già nói:

– Chúng ta đi thôi!

Cô gái xấu xí chần chừ một lúc. Lão già lại nói:

– Đừng quên lời dặn của sư phụ!

Cô gái đó gật gật đầu, nói:

– Thôi thì tha cho chúng.

Rồi cô đi xuyên vào rừng. Lão già bịt mặt theo sau cô ta, chẳng mấy chốc đã đi rất xa.

Hai gã Vu, Phương sợ hết hồn, nhặt trường kiếm lên mà không phân biệt được kiếm nào của mình.

Vu Nhân Hào nói:

– Đúng là tà môn! Cái đồ thập vật này làm sao mà biết sử kiếm pháp của chúng ta?

Phương Nhân Trí đáp:

– Hắn cũng chỉ biết mấy chiêu nhưng… nhưng chiêu Hồng phi minh minh, thật là khiến cho… khiến cho…

Vu Nhân Hào nói:

– Chúng đã cứu gã tiểu tử họ Lâm đi rồi…

Phương Nhân Trí nói:

– Úi chao, bọn ta đã trúng kế điệu hổ ly sơn. Vợ chồng Lâm Chấn Nam trốn mất!

Vu Nhân Hào nói:

– Phải.

Cả hai xoay mình chạy nhanh về phía quán cơm.

Một lúc sau, tiếng vó ngựa dồn dập vọng đến. Hai con ngựa song song đi vào rừng, Phương Nhân Trí và Vu Nhân Hào dắt ngựa. Lâm Chấn Nam và Vương phu nhân bị trói chặt trên lưng ngựa. Lâm Bình Chi muốn mở miệng kêu: Má má! Gia gia! May thay lúc đó chàng không gọi. Chàng biết nếu phát ra nửa lời thì sẽ bị uổng phí tính mạng, lại mất cơ hội cứu song thân.

Cách hai con ngựa vài trượng, một người chống gậy đi khập khiễng, đó là Giả Nhân Đạt. Trên đầu gã quấn vải trắng dính đầy máu tươi, miệng không ngớt chửi:

– Bọn quỷ ám! Các ngươi cứu được con rùa con rồi, còn hai con thỏ già này cứu không được đâu.

Lão tử mỗi ngày sẽ cho hai con thỏ già này một đao, từ đây đến núi Thanh Thành, coi xem thử chúng còn mấy cái mạng…

Phương Nhân Trí quát:

– Giả sư đệ, vợ chồng họ Lâm là “bạn thân” của sư phụ. Sư phụ đã dặn nhiều lần chúng ta phải dẫn được họ về, nếu như họ có mệnh hệ nào, khi gặp sư phụ, ngươi sẽ bị lột mấy lớp da.

Giả Nhân Đạt hừ một tiếng không dám nói bậy nữa.

Lâm Bình Chi nghe ba người phái Thanh Thành bắt song thân đi, trong lòng lại có cảm giác an ủi: Chúng đem gia gia, má má về núi Thanh Thành, đường dài nhưng không dám làm khó dễ gia gia, má má. Từ Phúc Kiến đến núi Thanh Thành tỉnh Tứ Xuyên nghìn dặm xa xôi, thế nào ta cũng nghĩ được cách cứu gia gia, má má ra khỏi tay chúng.

Rồi chàng lại nghĩ: Đến phân cục của tiêu cục gần nhất, ta sẽ phái người đi Lạc Dương đưa tin cho ông ngoại.

Chàng nằm im trong bụi cỏ không động đậy, muỗi ong đến đậu cũng không cách nào xua đi được. Trải qua mấy canh giờ, trời đã tối, mấy huyệt đạo rốt cuộc cũng được giải khai. Chàng cựa mình đứng dậy, từ từ đi về phía quán cơm.

Chàng lại nghĩ: Ta nên thay hình đổi dạng để mấy tên ác gian đó có thấy cũng không nhận ra được. Nếu không thì sẽ bị chúng giết, làm sao còn cứu được gia gia, má má?

Chàng bèn vào phòng chủ nhân quán cơm, đánh lửa đốt đèn lên, muốn tìm một bộ quần áo. Nào ngờ nhà này nghèo túng cùng cực, ngay cả một bộ đồ để thay đổi cũng không có. Chàng đi ra ngoài quán cơm, thấy xác hai vợ chồng chủ quán nằm trên đất, bèn nghĩ: Ta đành phải đổi y phục của người chết vậy.

Chàng cởi bộ đồ người chết cầm trên tay, cảm thấy mùi xú uế xông lên mũi, tính đem đi giặt rồi mới thay. Nhưng chàng lại nghĩ: Nếu ta đem bộ đồ này đi giặt sạch thì chậm mất, có khi vì thế mà lỡ việc, không cứu được gia gia, má má, phải ân hận ngàn năm!

Chàng cắn răng, cởi quần áo trên người ra, mặc bộ đồ của người chết vào. Rồi chàng đốt một bó đuố c, quan sát bốn phía, thấy kim đao của mẫu thân, trường kiếm của phụ thân và của mình đều còn ở dưới đất. Chàng liền nhặt trường kiếm của phụ thân lên, gói vào trong miếng vải rách, đeo phía sau lưng rồi đi ra khỏi quán.

Nghe tiếng ếch kêu inh ỏi từ trong khe suối vọng lại, bỗng nhiên chàng cảm thấy đau khổ tột cùng, không cầm được bèn khóc rống lên. Chàng liệng bó đuốc đi. Trong đêm tối, ánh đuốc sáng rực lên một đường rồi phụp một tiếng, bó đuốc rơi thẳng xuống một cái ao, lập tức tắt ngấm. Bốn bề lại tối đen như mực.

Chàng nhủ thầm: Lâm Bình Chi hỡi Lâm Bình Chi! Nếu ngươi không cẩn thận, không nhẫn nại, lại rơi vào tay bọn ác tặc phái Thanh Thành thì cũng tắt ngấm như bó đuốc rơi xuống cái ao kia.

Chàng giơ vạt áo lên định lau nước mắt, nhưng chưa kịp lau thì mùi xú uế đã xông lên mũi muốn nôn ọe. Chàng hét lên:

– Có chút mùi hôi thối mà cũng không chịu nổi, chẳng xứng đáng là nam tử hán đại trượng phu! Rồi lập tức cất bước đi.

Đi được mấy bước, giữa lưng lại thấy đau buốt, chàng nghiến chặt hai hàm răng, càng đi nhanh hơn nữa. Chàng chạy loạng choạng trên đường núi nhấp nhô, không biết phụ mẫu có đi qua con đường này không. Chàng đi suốt đêm đến khi trời sáng. Ánh thái dương chiếu vào mặt khiến chàng hoa cả mắt. Lâm Bình Chi run sợ tự hỏi: Hai tên ác tặc đó áp giải gia gia, má má lên núi Thanh Thành. Tứ Xuyên nằm ở phía Tây tỉnh Phúc Kiến, mà sao ta lại đi về hướng Đông?

Chàng vội vàng quay gót xoay lưng về hướng mặt trời mọc mà đi thật nhanh, rồi nghĩ thầm: Gia gia, má má đã đi được hơn nửa ngày, mà ta lại đi ngược lại đến nửa đêm. Ta và họ cách nhau đã quá xa, phải đi mua một con ngựa rượt theo mới được. Nhưng không biết phải mất bao nhiêu lạng bạc mới mua được ngựa.

Chàng thọc tay vào trong túi, bất giác kêu lên một tiếng đau khổ. Lúc ra đi, vàng bạc châu báu đều để trong cái túi treo bên yên ngựa. Bên người Lâm Chấn Nam và Vương phu nhân đều có vàng bạc, nhưng trên người chàng lúc này một xu cũng không có. Chàng đã sốt ruột lại càng thêm sốt ruột, dậm chân la to:

– Biết làm sao bây giờ? Biết làm sao bây giờ?

Chàng ngây người một lúc rồi nghĩ bụng:

– Cứu cha mẹ là việc khẩn cấp, dù có chết cũng không sợ gì cả!

Rồi co giò chạy thật nhanh xuống núi.

Đến giữa trưa, bụng đã đói cồn cào, chàng thấy bên đường có mấy cây nhãn lúc lỉu đầy trái xanh, tuy chưa chín nhưng cũng có thể ăn cho đỡ đói. Chàng đi đến dưới gốc cây, giơ tay định hái, nhưng lại nghĩ bụng: Những cây nhãn này là vật có chủ. Không xin mà hái là đạo tặc. Ba đời nhà họ Lâm ta chuyên làm việc bảo vệ tài sản tính mạng cho người khác, luôn đối đầu với bọn lục lâm đạo tặc, ta làm sao có thể làm đạo tặc được? Nếu bị người ta phát hiện, sẽ chửi ta là một tên tiểu tặc thì cũng là chửi vào mặt gia gia của ta. Gia gia của ta dạy ta làm người như vậy sao? Bảng hiệu “Phước Oai tiêu cục” lại đứng không vững nữa!

Chàng từ bé đã được dạy bảo rằng bọn đạo tặc đều do tiểu tặc mà biến thành, mà tiểu tặc lúc đầu thì chỉ ăn cắp trái dưa, trái chuối nhỏ nhặt, từ ít đến nhiều, cuối cùng như chân lún sâu xuống bùn không th ể tự rút lên được. Nghĩ đến đây, bất giác lưng đổ mồ hôi hột. Chàng nghĩ: Có một ngày, gia gia và ta gầy lại thanh danh của Phước Oai tiêu cục. Bậc đại trượng phu phải giữ vững lập trường làm người, chẳng thà ăn xin chứ không làm đạo tặc.

Chàng bước vội vàng về phía trước, không dám liếc nhìn những cây nhãn bên đường nữa.

Đi được mấy dặm, đến một thôn nhỏ, chàng bước về hướng một ngôi nhà, ấp a ấp úng xin thức ăn. Trong đời chàng, trà đưa đến tay, cơm đưa tới miệng, nào có biết cầu xin ai bao giờ nên chàng chỉ nói được vài câu thì đã đỏ mặt lên. Gặp nhà nông nầy mụ vợ vừa mới gây gổ với chồng, bị anh chồng đánh cho một trận, lòng mụ đang đầy bực tức. Nghe Lâm Bình Chi xin ăn, mụ liền ngoác miệng chửi như tát nước vào mặt rồi giơ cán chổi quát:

– Thằng tiểu tặc kia, điệu bộ lén lút không phải người đàng hoàng. Lão nương bị mất con gà mái, chắc chắn là ngươi bắt ăn rồi, còn muốn đến đây để trộm gà bắt chó nữa ư? Lão nương mà có gạo cơm thừa cũng chẳng bố thí cho cái thứ hạ lưu như ngươi. Ngươi ăn cắp con gà của nhà ta để lão trời đánh nổi trận lôi đình đánh lão nương thâm tím cả mình mẩy…

Mụ nông dân đó chửi một câu thì Lâm Bình Chi thụt lùi một bước. Mụ chửi càng lúc càng hăng, giơ cán chổi đánh vào mặt Lâm Bình Chi. Lâm Bình Chi tức giận, nghiêng người né tránh, muốn đánh cho mụ ta một chưởng, nhưng lại thầm nghĩ: Ta xin ăn không được, lại còn đánh người đàn bà quê mùa dốt nát này há chẳng phải là chuyện buồn cười sao?

Chàng nghĩ vậy liền thu chưởng lại, nhưng vì dùng sức quá mạnh nên thu chưởng về không dễ. Chàng loạng choạng, chân trái dẫm lên đống phân trâu, bị trượt một cái chổng gọng lên trời. Mụ nhà nông thấy vậy cười ha hả, rồi chửi:

– Tiểu mao tặc, ngươi đứng còn không vững nữa mà định đánh lão nương ư?

Mụ cầm chổi đánh lên đầu chàng, nhổ toẹt nước bọt lên người chàng rồi mới quay người đi vào nhà.

Lâm Bình Chi gắng chịu nhục, lòng đầy phẫn nộ nhưng không nói nên lời. Chàng lồm cồm bò dậy, mặt mũi và tay chân dính đầy phân trâu. Đang lúc khốn đốn, mụ lại từ trong nhà đi ra, tay cầm bốn trái bắp luộc đưa cho chàng, vừa cười vừa chửi:

– Tiểu quỷ kia, cầm mà ăn đi! Trời sinh ra ngươi có bộ mặt tròn trịa xinh đẹp, còn đẹp hơn cả cô dâu mới về nhà chồng. Sao ngươi không chịu học điều hay lẽ phải mà lại ngửa tay ăn xin? Thật là đồ vô dụng thối tha!

Lâm Bình Chi tức giận, muốn liệng mấy trái bắp đi. Mụ nhà nông cười nói:

– Giỏi thì ngươi liệng đi, ngươi liệng đi! Ngươi không sợ chết đói thì đem mấy trái bắp này liệng đi, đồ tiểu tặc chết đói!

Lâm Bình Chi nghĩ bụng: Muốn cứu gia gia má má, trả mối đại thù, chấn hưng Phước Oai tiêu cục thì từ nay về sau ta nên trăm nhẫn ngàn nhẫn. Gặp chuyện gian nan nhục nhã cũng phải cắn răng chịu đựng, gặp kẻ hung tợn cũng phải nhẫn nhịn. Bây giờ ta bị người đàn bà quê mùa dốt nát này sỉ nhục một trận cũng có sao đâu.

Chàng bèn nói:

– Đa tạ lão nương!

Chàng há miệng cắn bắp ăn. Mụ nhà nông cười nói:

– Ta đoán ngươi không dám liệng đâu!

Mụ nói xong, quay người đi, miệng vẫn lảm nhảm:

– Tiểu quỷ này đói thảm hại. Con gà của ta xem ra không phải hắn bắt trộm. Ấy có lẽ lão già giết rồi nhưng có tên quỷ đói này để ta trút bớt cơn tức giận cũng rất hay.

Lâm Bình Chi đi đến đâu xin ăn đến đó, lúc qua nơi sơn dã thì chàng hái trái dại ăn cho đỡ đói. Cũng may, năm ấy tỉnh Phúc Kiến được mùa, lương thực dồi dào, người dân có của dư của để. Chàng tuy đã bôi mặt lem luốc, người ngợm bẩn thỉu, nhưng ăn nói nhã nhặn, được người ta cảm mến nên xin ăn cũng không khó khăn gì. Dọc đường, chàng hỏi thăm tin tức phụ mẫu nhưng không có một chút âm hao nào. Đi được tám chín ngày đã đến địa phận tỉnh Giang Tây, chàng hỏi thăm đường đến Nam Xương, lòng nghĩ ở Nam Xương có phân cục của tiêu cục Phước Oai, may ra có được vài tin tức, nếu không thì cũng có thể lấy một ít tiền lộ phí và một con ngựa. Đến thành Nam Xương, chàng hỏi thăm Phước Oai tiêu cục. Một người đi đường nói:

– Phước Oai tiêu cục ư? Ngươi hỏi để làm gì? Tiêu cục đã bị thiêu rụi làm mười mấy nhà ở gần đó cũng bị vạ lây. Cháy sạch cả rồi!

Lâm Bình Chi khổ sở vô cùng. Chàng tìm đến tiêu cục, quả nhiên chỉ thấy còn trơ nền đất trống, cột cháy đen sì, gạch ngói tan hoang. Chàng lặng người một lúc, nghĩ bụng: Việc này do bọn ác tặc phái Thanh Thành gây ra! Mối thù này mà không trả được thì ta không làm người nữa!

Chàng không thể nấn ná lại Nam Xương, bèn lập tức đi về hướng Tây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.