Hồi 58: Bọn Lục Tiên cũng đến Phủ Khai Phong

Một hôm sắp đến phủ Khai Phong, vợ chồng Nhạc Bất Quần và bọn đệ tử bàn về nhân vật võ lâm ở đây. Nhạc Bất Quần nói:

– Phủ Khai Phong tuy là đô thị lớn nhưng võ nghệ không thịnh, các nhân vật như Hoa lão tiêu đầu, Hải lão quyền sư, Dự trung tam anh, những người này võ công và danh vọng đều không cao lắm. Chúng ta ở Khai Phong thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, khỏi viếng thăm bằng hữu để khỏi làm kinh động người ta.

Nhạc phu nhân mỉm cười nói:

– Phủ Khai Phong có một nhân vật rất nổi tiếng, sư ca quên rồi sao?

Nhạc Bất Quần nói:

– Nhân vật rất nổi tiếng ư? Sư muội định nói là… là ai vậy?

Nhạc phu nhân cười nói:

– Cứu một người thì giết một người, giết một người thì cứu một người. Cứu người giết người phải bằng nhau, hễ lỗ vốn thì không làm. Sư ca nói đó là ai?

Nhạc Bất Quần mỉm cười nói:

– Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ đúng là một nhân vật có tiếng tăm lớn. Nhưng tính tình lão rất kỳ cục, nếu chúng ta đi thăm, chưa chắc lão cho gặp mặt.

Nhạc phu nhân nói:

– Đúng vậy, vì nội thương của Xung nhi rất khó chữa, chúng ta vừa đến Khai Phong phải đi cầu xin vị Sát nhân danh y này mới phải.

Nhạc Linh San lấy làm lạ hỏi:

– Má má, vì sao gọi là Sát nhân danh y? Đã giết người sao còn được gọi là danh y?

Nhạc phu nhân mỉm cười nói:

– Bình lão tiên sinh là một quái… là một kỳ nhân trong võ lâm, y thuật cao minh, nổi tiếng là thầy thuốc giỏi, bất luận thương thế bệnh tật nặng cỡ nào chỉ cần lão đồng ý trị liệu thì trị khỏi. Nhưng tính nết lão rất cổ quái. Lão nói trên đời này nhiều người hay ít người, Ngọc hoàng và Diêm vương đã tính toán với nhau cả rồi. Nếu lão trị khỏi nhiều người, thì số người chết ít đi, người sống nhiều mà người chết ít thì sẽ có lỗi với Diêm vương. Sau này nếu lão chết đi, dù Diêm vương không hỏi tới thì phán quan, tiểu quỷ nhất định sẽ làm khó dễ lão, e rằng những ngày sống ở âm cung rất khó chịu.

Bọn đệ tử nghe nói đều cười rộ. Nhạc phu nhân nói tiếp:

– Vì vậy lão lập lời thề hễ cứu sống một người thì phải giết một người để bù vào. Còn nếu lão giết một người thì nhất định phải cứu sống một người để trả lại. Nghe nói trong nhà lão có treo một tấm biển ở gian đại sảnh, viết rõ: “Trị một người, giết một người. Giết một người, cứu một người. Cứu người giết người bằng nhau, lỗ vốn quyết không làm”. Lão nói làm như vậy thì Ngọc hoàng sẽ không trách lão sát thương nhân mạng mà Diêm vương cũng không oán lão đã cướp sức sống của âm phủ.

Bọn đệ tử nghe Nhạc phu nhân kể chuyện đều cười rộ lên. Nhạc Linh San nói:

– Bình Nhất Chỉ đại phu lý luận hay tuyệt. Nhưng sao lão lại lấy cái tên kỳ cục như vậy? Có lẽ nào lão chỉ có một ngón tay?

Nhạc phu nhân nói:

– Hình như không phải lão chỉ có một ngón tay. Sư ca, sư ca có biết tại sao lão lấy tên như vậy không?

Nhạc Bất Quần nói:

– Bình đại phu có đủ mười ngón tay nhưng lão tự xưng “nhất chỉ” có nghĩa là muốn nói giết người hay cứu người chỉ dùng một ngón tay là đủ. Muốn giết người thì điểm huyệt người bằng một ngón tay cho người đó chết, muốn cứu người cũng chỉ dùng một ngón tay để chẩn mạch.

Nhạc phu nhân nói:

– Thì ra là như vậy. Công phu điểm huyệt của lão nhất định rất lợi hại.

Nhạc Bất Quần nói:

– Ta cũng không rõ lắm, thật ra động thủ với Bình Nhất Chỉ đại phu này chỉ e không có được mấy người. Cao thủ võ lâm đều biết lão rất cao minh về y thuật; người sống trên thế gian mấy ai bảo đảm mình không có mệnh hệ nào, không chừng có ngày sẽ đến cầu xin lão, cho nên ai cũng không dám đắc tội với lão. Nhưng nếu không phải là bất đắc dĩ thì cũng không dám ngang nhiên xin lão trị bệnh.

Nhạc Linh San hỏi:

– Tại sao vậy?

Nhạc Bất Quần đáp:

– Người trong võ lâm xin lão trị bệnh hoặc trị thương đều bị lão buộc phải lập lời trọng thệ trước, sau khi khỏi bệnh hay vết thương lành thì phải nghe lời lão đi giết một người mà lão chỉ định. Đó gọi là lấy mạng đổi mạng. Nếu người lão muốn giết không có liên can gì thì không sao, còn nếu người chỉ định phải giết lại là người chí thân hoặc bằng hữu của người cần trị bệnh, thậm chí là phụ thân, huynh đệ, thê tử, hài nhi, há không phải là khó xử sao?

Bọn đệ tử đều nói:

– Bình đại phu đúng là con người tà môn.

Nhạc Linh San nói:

– Đại sư ca, nếu nói như vậy thì đại sư ca không thể đi cầu xin lão trị thương thế cho rồi.

Lệnh Hồ Xung vẫn ngồi bên cửa khoang thuyền phía sau, nghe sư phụ và sư nương thuật lại thói quen kỳ quặc của Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ, nghe tiểu sư muội nói như vậy, chàng cười nhạt đáp:

– Đúng vậy, chỉ sợ sau khi lão trị lành thương thế cho ta thì bảo ta đến giết tiểu sư muội.

Bọn đệ tử phái Hoa Sơn đều cười ồ.

Nhạc Linh San nói:

– Bình đại phu không thù không oán với tiểu muội, tại sao buộc đại sư ca giết tiểu muội?

Cô quay lại hỏi phụ thân:

– Gia gia, Bình đại phu là người tốt hay là người xấu?

Nhạc Bất Quần nói:

– Nghe đồn lão hành sự hỉ nộ thất thường, khi chính khi tà, không thể nói là người tốt cũng không thể coi là người xấu. Hễ tốt một chút thì là kỳ nhân, hễ xấu một chút thì là quái nhân.

Nhạc Linh San nói:

– Chỉ e rằng lời đồn trên giang hồ hơi quá sự thật. Đến phủ Khai Phong, hài nhi muốn xin bái kiến vị Bình đại phu này.

Nhạc Bất Quần và Nhạc phu nhân cùng quát:

– Ngươi không được làm rộn!

Nhạc Linh San thấy sắc mặt của phụ thân và mẫu thân đều vô cùng nghiêm trọng, sợ hãi hỏi:

– Tại sao vậy?

Nhạc Bất Quần nói:

– Ngươi muốn rước họa vào thân ư? Loại người này dễ gặp lắm sao?

Nhạc Linh San đáp:

– Gặp một lần mà cũng rước họa vào thân ư? Hài nhi không đi cầu xin lão trị bệnh thì sợ cái gì?

Nhạc Bất Quần nghiêm nét mặt nói:

– Chúng ta đi là để du sơn ngoạn thủy chứ không phải để sinh chuyện thị phi.

Nhạc Linh San thấy phụ thân nổi nóng, không dám nói nữa nhưng đối với Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ lại đầy tính hiếu kỳ.

Giờ Thìn ngày hôm sau, thuyền đến phủ Khai Phong, nhưng vào phủ thành còn một quãng đường nữa. Nhạc Bất Quần cười nói:

– Cách đây không xa, có một nơi mà họ Nhạc chúng ta ngày trước lừng lẫy tiếng tăm, không thể không đến đó.

Nhạc Linh San vỗ tay cười:

– Hay quá, hài nhi biết rồi. Đó là Chu Tiên trấn, nơi Nhạc Bằng Cử, Nhạc gia gia đại phá quân Kim Ngột Truật.

Phàm là người học võ, ai cũng vô cùng kính ngưỡng Nhạc Phi chống giặc Kim bảo vệ tổ quốc. Chu Tiên trấn là nơi ngày xưa Nhạc Phi đại phá giặc Kim, dĩ nhiên ai cũng muốn đi xem. Nhạc Linh San là người đầu tiên nhảy lên bờ. Cô reo lên:

– Chúng ta mau đi Chu Tiên trấn trước rồi mới vào thành Khai Phong ăn cơm sau.

Mọi người từ từ lên bờ, chỉ còn Lệnh Hồ Xung ngồi ở phía sau thuyền. Nhạc Linh San gọi:

– Đại sư ca không đi ư?

Từ khi mất nội lực, Lệnh Hồ Xung mệt mỏi, làm biếng đi lại, lòng nghĩ đợi mọi người lên bờ đi hết mình mới có cơ hội học khúc “Thanh tâm phổ thiện chú”. Chàng nhìn thấy Lâm Bình Chi đứng cạnh Nhạc Linh San ra chiều thân mật thì càng tê tái. Lệnh Hồ Xung nói:

– Ta không còn nội lực, đi không nhanh.

Nhạc Linh San nói:

– Được rồi, đại sư ca ở lại thuyền nghỉ ngơi, tiểu muội vào phủ Khai Phong mua về cho mấy cân rượu ngon.

Lệnh Hồ Xung thấy cô ta và Lâm Bình Chi sánh vai nhau đi cho kịp mọi người phía trước, lòng bỗng quặn đau. Chàng cảm thấy học xong khúc “Thanh tâm phổ thiện chú” thì có thể trị khỏi được nội thương, nhưng trị được nội thương để làm gì? Học đàn để làm gì? Chàng nhìn sông Hoàng Hà cuồn cuộn ch ảy về phương Đông, chợt thấy kiếp người đau khổ cũng giống như dòng nước chảy dài vô tận. Ý nghĩ tác động đến nội lực, chàng bỗng nghe huyệt Đan điền đau buốt.

Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi đi song song bên nhau ngắm nhìn cảnh vật chuyện trò to nhỏ, chẳng khác nào đôi bạn tâm tình. Nhạc phu nhân kéo tay áo Nhạc Bất Quần, khẽ nói:

– San nhi và Bình nhi còn trẻ, nam nữ đi chung nơi sơn dã thì không sao nhưng đến thành thị lớn thì không được. Hai chúng ta phải đi với chúng mới được.

Nhạc Bất Quần cười nói:

– Sư muội và ta tuổi không còn trẻ nữa, vả lại nam nữ đồng hành thì có sao đâu.

Nhạc phu nhân cười khanh khách rồi bước nhanh lên đi cạnh con gái. Bốn người hỏi thăm khách đi đường rồi đi thẳng về hướng Chu Tiên trấn.

Gần đến thị trấn thấy bên đường có tòa miếu lớn, trên tấm biển viết bốn chữ vàng “Dương tướng quân miếu”.

Nhạc Linh San nói:

– Gia gia, hài nhi biết rồi. Đây là miếu của Dương Tái Hưng. Dương tướng quân chạy nhầm vào sông Tiểu Thương mới bị quân Kim bắn chết.

Nhạc Bất Quần gật đầu nói:

– Đúng vậy. Dương tướng quân vì nước quên mình khiến người đời đem lòng kính ngưỡng. Chúng ta hãy vào miếu chiêm ngưỡng di dung, quỳ lạy anh linh đi.

Bọn đệ tử còn ở đằng xa, bốn người không đợi nữa bèn đi vào miếu trước. Nhìn thần tượng Dương Tái Hưng mặt phấn, áo giáp bạc oai phong lẫm liệt, Nhạc Linh San thầm nghĩ: Dương tướng quân thật là anh tuấn. Rồi cô xoay lại liếc Lâm Bình Chi có ý ngấm ngầm so sánh.

Bỗng nghe ngoài miếu có tiếng người nói:

– Ta nói miếu Dương tướng quân nhất định để thờ Dương Tái Hưng.

Vợ chồng Nhạc Bất Quần vừa nghe tiếng đều biến sắc, đặt tay vào chuôi kiếm. Lại nghe một người khác nói:

– Trong thiên hạ, tướng quân mang họ Dương rất nhiều, vì sao cứ phải là Dương Tái Hưng? Không chừng là Hậu Sơn kim đao Dương lão linh công, lại có thể là Dương lục lang, Dương thất lang thì sao?

Người khác nói:

– Tại sao không phải là Dương tứ lang?

Người trước nói:

– Dương tứ lang đầu hàng Phiên bang, không ai lập miếu thờ cả.

Người khác nói:

– Ta đứng vào hàng thứ tư, ngươi muốn châm biếm ta đầu hàng Phiên bang phải không?

Người trước nói:

– Ngươi đứng hàng thứ tư thì kệ ngươi, có liên can gì với Dương tứ lang đâu?

Người khác nói:

– Còn ngươi đứng vào hàng thứ năm mà Dương ngũ lang cạo đầu đi tu ở Ngũ Đài Sơn, tại sao ngươi không đi làm hòa thượng luôn cho rồi?

Người trước nói:

– Nếu ta đi làm hòa thượng thì ngươi đầu hàng Phiên bang.

Hai vợ chồng Nhạc Bất Quần nghe giọng nói đầu tiên thì biết là bọn Đào Cốc quái nhân tới, liền vẫy tay ra hiệu cho con gái và Lâm Bình Chi nấp vào sau tượng thần. Vợ chồng Nhạc Bất Quần nấp ở bên trái, Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi nấp bên phải.

Bọn Đào Cốc lục tiên vẫn đứng ngoài miếu cãi nhau om sòm chứ không chịu vào bên trong xem cho rõ. Nhạc Linh San cười thầm: Có gì đâu mà cãi chày cãi cối, Dương Tái Hưng hay là Dương tứ lang thì vào trong mà xem không rõ hơn sao?

Nhạc phu nhân lắng tai nghe cuộc cãi vã bên ngoài nhận ra chỉ có tiếng năm người, còn một người kia quả nhiên đã bị bà đâm chết rồi. Chính bà và trượng phu rời xa Hoa Sơn là để tránh mặt bọn ngũ quái này đề phòng chúng lên núi báo thù. Không ngờ oan gia đối đầu trong đường hẻm, bà lại đụng họ ở đây, bây giờ tuy chưa gặp nhưng một lát nữa bọn đệ tử kéo đến thì làm sao có thể lẩn trốn được. Lòng bà rất lo âu.

Bọn ngũ quái càng tranh cãi càng quyết liệt, cuối cùng một người nói:

– Chúng ta vào coi xem rốt cuộc miếu này thờ cái thứ Bồ Tát thúi tha nào.

Năm lão ùa vào miếu. Một lão lớn tiếng reo lên:

– A ha, các ngươi nhìn đi, đây viết rõ là “Dương công Tái Hưng chi thần” đương nhiên là thờ Dương Tái Hưng rồi.

Người vừa nói là Đào Chi Tiên. Đào Căn Tiên vò đầu nói:

– Ở đây viết là Dương Công Tái chứ đâu phải là Dương Tái Hưng. Thì ra Dương tướng quân họ Dương tên gọi là Công Tái. Ồ, Dương Công Tái, Dương Công Tái, tên nghe thật hay!

Đào Chi Tiên tức giận lớn tiếng nói:

– Ở đây rõ ràng là Dương Tái Hưng, sao ngươi dám nói bậy là Dương Công Tái?

Đào Căn Tiên nói:

– Ở đây viết rõ là Dương Công Tái chứ không phải là Dương Tái Hưng.

Đào Cán Tiên nói:

– Vậy ba chữ “Hưng chi thần” nghĩa là gì?

Đào Diệp Tiên nói:

– Chữ Hưng ở đây đọc là Hứng. Hứng là cao hứng, “Hứng chi thần” nghĩa là tinh thần rất cao hứng. Dương Công Tái là gã họ Dương, chết rồi được người thờ cúng nên tinh thần gã rất cao hứng.

Đào Cán Tiên nói:

– Đúng quá! Đúng quá!

Đào Hoa Tiên nói:

– Ta bảo ở đây thờ Dương thất lang, quả nhiên không sai. Đào Hoa Tiên ta thật là sáng suốt.

Đào Chi Tiên tức giận nói:

– Dương Tái Hưng sao gọi là Dương thất lang được?

Đào Cán Tiên cũng tức giận nói:

– Dương Công Tái sao gọi là Dương thất lang được?

Đào Hoa Tiên nói:

– Tam ca, Dương Tái Hưng đứng hàng thứ mấy?

Đào Chi Tiên lắc đầu đáp:

– Ta không biết.

Đào Hoa Tiên nói:

– Dương Tái Hưng đứng vào hàng thứ bảy nên gọi là Dương thất lang. Nhị ca, Dương Công Tái đứng vào hàng thứ mấy?

Đào Cán Tiên nói:

– Trước kia ta biết, bây giờ quên rồi.

Đào Hoa Tiên nói:

– Tiểu đệ vẫn nhớ lão cũng đứng vào hàng thứ bảy nên gọi là Dương thất lang.

Đào Căn Tiên nói:

– Nếu tượng thần này là Dương Tái Hưng thì không phải là Dương Công Tái, nếu là Dương Công Tái thì không phải là Dương Tái Hưng. Làm sao lại vừa là Dương Tái Hưng vừa là Dương Công Tái được?

Đào Diệp Tiên nói:

– Có chỗ đại ca chưa biết. Chữ “tái” nghĩa là làm sao? Tái có nghĩa là lặp lại một người nữa cho nên hóa thành hai người chứ không phải là chỉ một người. Vì vậy nên Dương Công Tái cũng là Dương Tái Hưng.

Đào Cốc tứ tiên cùng nói:

– Nói có lý lắm!

Bỗng nhiên Đào Chi Tiên nói:

– Ngươi trong tên có chữ Tái nghĩa là thêm một người nữa, vậy Dương thất lang có đến bảy người con, mọi người đều biết chuyện này.

Đào Căn Tiên nói:

– Vậy nếu trong tên có chữ Thiên thì sinh một ngàn người con, có chữ Vạn thì sinh một vạn người con à?

Đào Cốc ngũ tiên càng cãi càng đi xa vấn đề. Nhạc Linh San mấy lần muốn bật cười thành tiếng nhưng cố nén lại được. Bọn ngũ quái tranh cãi một lúc, Đào Cán Tiên bỗng nói:

– Dương thất lang ơi Dương thất lang, chỉ cần ngài phù hộ cho lục đệ chúng ta không chết thì lão tử khấu đầu lạy ngài mấy cái cũng không ngại gì. Ta lạy trước đây.

Lão liền quỳ xuống lạy.

Vợ chồng Nhạc Bất Quần đưa mắt nhìn nhau, lộ vẻ vui mừng, thầm nghĩ: Lão nói vậy thì quái nhân kia tuy bị kiếm đâm nhưng vẫn còn sống.

Vợ chồng Nhạc Bất Quần không hiểu lai lịch bọn Đào Cốc lục tiên ra sao cho nên cũng không muốn kết mối oan gia với họ.

Đào Chi Tiên nói:

– Nếu lục đệ chết thì sao?

Đào Cán Tiên đáp:

– Thì ta sẽ đập nát tượng thần rồi đi tiểu lên.

Đào Hoa Tiên nói:

– Dù ngươi có đập nát tượng thần Dương thất lang lại đi tiểu vào thì có nhằm nhò gì đâu? Lục đệ thì chết rồi, ngươi quỳ lạy trước là bị thiệt thòi.

Đào Chi Tiên nói:

– Nói đúng lắm. Ta hãy khoan quỳ lạy, đi hỏi cho rõ vết thương của lục đệ trị khỏi hay không khỏi. Nếu trị khỏi thì đến đây quỳ lạy, còn trị không khỏi thì đến đây đi tiểu vào.

Đào Căn Tiên nói:

– Nếu trị khỏi thì không cần quỳ lạy cũng trị khỏi. Nếu trị không khỏi thì có đi tiểu lên cũng trị không khỏi nên cũng không cần đi tiểu nữa.

Đào Diệp Tiên nói:

– Nếu lục đệ trị không khỏi thì mọi người không đi tiểu ư? Không đi tiểu thì chịu trướng bụng lên mà chết ư?

Đào Cán Tiên òa lên khóc nói:

– Nếu lục đệ không sống nữa thì mọi người không đi tiểu thì không tiểu, trướng bụng chết thì trướng bụng chết.

Bọn tứ tiên đều khóc òa cả lên. Bỗng nhiên, Đào Chi Tiên cười ha hả nói:

– Nếu lục đệ không chết chúng ta bỏ công khóc một trận không phải thiệt thòi lắm sao? Đi, hãy hỏi cho rõ ràng rồi khóc cũng chưa muộn.

Đào Hoa Tiên nói:

– Câu nói này lỗi nặng về cách dùng từ. Nếu lục đệ không chết, bốn chữ “khóc cũng chưa muộn” dùng không đúng rồi.

Đào Cốc ngũ tiên vừa tranh luận vừa bước nhanh ra khỏi miếu.

Nhạc Bất Quần nói:

– Người đó sống chết thế nào là việc rất quan trọng, ta đi thám thính xem sao. Sư muội, sư muội và San nhi bảo bọn đồ đệ ở đây chờ ta về.

Nhạc phu nhân nói:

– Sư ca đi một mình rất nguy hiểm, không có người cứu ứng. Để tiểu muội cùng đi với sư ca.

Bà nói rồi bước ra khỏi miếu. Xưa nay, Nhạc Bất Quần mỗi lần gặp đại sự thì hai vợ chồng liên thủ. Bây giờ nghe vợ nói vậy lão biết là ngăn cản cũng không được, nên không nhiều lời với bà nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.