Lộc Đỉnh ký bắt đầu khởi đăng trên Minh báo từ ngày 24.10.1969, đến ngày 23. 9. 1972 thì kết thúc, tổng cộng đăng liên tục trong hai năm mười một tháng. Trước nay thói quen của tôi khi viết đăng báo nhiều kỳ là mỗi ngày viết một đoạn, hôm sau đăng báo, nên bộ tiểu thuyết này cũng viết liên tục trong hai năm mười một tháng. Nếu không có chuyện bất ngờ đặc biệt (trong cuộc sống luôn luôn có chuyện bất ngờ đặc biệt), thì đây là bộ tiểu thuyết cuối cùng của tôi.
Nhưng Lộc Đỉnh ký không mấy giống tiểu thuyết võ hiệp, cũng không thể nói là tiểu thuyết lịch sử. Lúc bộ tiểu thuyết này đăng trên báo, có nhiều độc giả liên tiếp gửi thư tới hỏi Lộc Đỉnh ký có phải do người khác viết không?”. Vì họ phát giác ra rằng giữa bộ này với các tác phẩm trước đây của tôi có sự khác biệt rất lớn. Thật ra bộ này đương nhiên hoàn toàn do chính tôi viết. Rất cảm ơn người đọc đã yêu mến và khoan dung đối với tôi, lúc không thích một tác phẩm hay một đoạn văn của tôi là đoán rằng “Đây là do người khác viết thay”, dành những lời khen ngợi cho tôi, đẩy sự bất mãn vào một “người viết thay” trong tâm tưởng.
Lộc Đỉnh ký khác hẳn với những tiểu thuyết võ hiệp trước đó của tôi, đó là cố ý. Một tác giả không nên lặp lại phong cách và hình thức của mình, phải cố gắng hết sức tìm kiếm những sáng tạo mới.
***
Có những độc giả bất mãn Lộc Đỉnh ký, vì nhân phẩm của nhân vật chính Vi Tiểu Bảo quá trái ngược với các quan niệm giá trị thông thường. Độc giả tiểu thuyết võ hiệp quen đem mình thay cho anh hùng trong tiểu thuyết, nhưng Vi Tiểu Bảo thì không thể thay được. Trên phương diện này, cướp đi mất niềm vui của bấy nhiêu độc giả, tôi cảm thấy rất có lỗi.
Nhưng nhân vật chính trong tiểu thuyết không nhất định phải là “người tốt”. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiểu thuyết là sáng tạo nhân vật, người tốt, người xấu, người tốt có khuyết điểm, người xấu có ưu điểm vân vân, đều có thể miêu tả. Việc Trung Quốc thời Khang Hy có loại nhân vật như Vi Tiểu Bảo hoàn toàn không phải là chuyện không có khả năng. Ha Mầu Lai Đặc ưu nhu quyết đoán, La Đình nói được không làm được, mục sư trong “Hồng tự” thông gian với người ta, An Ná Tạp Liệt Ni Ná phản bội chồng, tác giả chỉ là miêu tả những nhân vật như thế chứ không phải khuyến khích độc giả làm theo hành vi của họ. Độc giả Thủy hử thích nhất không phải loại người như Lý Quỳ, đánh bạc thua thì cướp tiền, cũng không phải là loại người như Tống Giang, một đao chém chết người vợ bạc tình không ngừng làm tiền. Lâm Đại Ngọc rõ ràng không phải là đối tượng mà độc giả phụ nữ hiện đại học theo, số phụ nữ có quan hệ tình dục với Vi Tiểu Bảo không nhiều hơn Giả Bảo Ngọc bao nhiêu, nhưng ít nhất Vi Tiểu Bảo cũng không đồng tính luyến ái như Giả Bảo Ngọc, đã có Tần Chung, lại có Tưởng Ngọc Hàm. Lỗ Tấn miêu tả AQ, cũng hoàn toàn không phải khuyến khích phép thắng lợi tinh thần.
Nếu nhân vật trong tiểu thuyết trọn vẹn mười phần, thì không khỏi không chân thực. Tiểu thuyết phản ảnh xã hội, trong hiện thực xã hội không có con người hoàn mỹ tuyệt đổi. Tiểu thuyết hoàn toàn không phải là sách giáo khoa đạo đức. Có điều người đọc tiểu thuyết của tôi có rất nhiều thiếu niên thiếu nữ, vậy thì cũng nên đề tỉnh với những người bạn trẻ trong trắng ấy một câu: Vi Tiểu Bảo coi trọng nghĩa khí, đó là phẩm đức tốt, còn như những hành vi còn lại, thì ngàn vạn lần đừng nên học theo.
***
Tôi viết tiểu thuyết võ hiệp tổng cộng có mười hai bộ trường thiên, ba bộ đoản thiên. Từng dùng mười bốn chữ đầu tên sách làm một đôi câu đối “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc, Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên” (Bay tuyết liền trời bắn hươu trắng, Cười sách thân hiệp dựa uyên xanh)(*), bộ Việt nữ kiếm viết sau cùng không có trong đó.
Bộ Thư kiếm ân cừu lục viết sớm nhất năm 1955, bộ Việt nữ kiếm viết cuối cùng tháng 1.1970. Mười lăm bộ tiểu thuyết dài ngắn viết trong mười lăm năm. Công việc sữa chữa bắt đầu từ tháng 3. 1970, đến giữa 1980 thì kết thúc, tất cả trong mười năm. Đương nhiên trong khoảng thời gian ấy tôi còn làm nhiều việc khác, chủ yếu là biện lý tờ Minh báo và viết xã luận trên Minh báo.
Lúc gặp các độc giả gặp nhau lần đầu, câu hỏi mà tôi thường gặp nhất là “Ông thích bộ tiểu thuyết nào của mình nhất?”. Câu hỏi này rất khó trả lời, nên tôi thường không trả lời. Còn nếu bàn về “mình thích”, thì tôi thích mấy bộ có tình cảm mãnh liệt hơn như Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký, Phi hồ ngoại truyện, Tiếu ngạo giang hồ. Lại thường có người hỏi “Theo ông bộ tiểu thuyết nào của mình là hay nhất?”, thì bộ này là hay nhất. Có điều rất nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý. Tôi rất thích sự không đồng ý của họ.
Ngày 22.6.1981
—
(*) Đây là một câu đối chơi chữ nên không thể dịch thật chính xác. Mười bốn chữ trên là chữ đầu tên mười bốn bộ Phi hồ ngoại truyện, Tuyết Sơn phi hồ, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Xạ điêu anh hùng truyện, Bạch mã khiếu tây phong, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thư kiếm ân cừu lục, Thần điêu hiệp lữ, Hiệp khách hành, Ỷ thiên Đồ long ký, Bích huyết kiếm, Uyên ương đao của Kim Dung.