Nhạc Túc là sư tổ của phe Khí tông; Thái Tử Phong là sư tổ của phe Kiếm tông. Phái Hoa Sơn phân làm hai tông là chuyện xảy ra nhiều năm về trước.
Phương Chứng nói:
– Đúng vậy. Việc hai vị Nhạc, Thái xem được Quỳ hoa bảo điển không bao lâu thì bị Hồng Diệp thiền sư phát giác. Thiền sư lão nhân gia biết võ học ghi chép trong bộ bảo điển này không những tinh thâm bác đại mà còn rất hung hiểm. Nghe nói nó có một cửa ải đầu tiên rất khó, chỉ cần qua được cửa ải này thì đả thông được hết, sau đó không còn gì khó nữa. Võ công trong thiên hạ đều tuần tự tiến dần, càng lên cao càng khó. Quỳ hoa bảo điển này chỗ khó nhất là bước đầu tiên, lúc tu luyện chỉ cần có chút sơ suất thì lập tức không chết cũng bị thương. Do đó, thiền sư liền phái một đệ tử đắc ý là Độ Nguyên thiền sư đến Hoa Sơn khuyên hai vị Nhạc, Thái không nên tu luyện võ học trong bảo điển.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Môn võ công này khó nhất là bước đầu tiên, nếu không có người chỉ điểm, cứ dựa theo sách mà tự luyện thì đương nhiên gặp hung hiểm vô cùng. Nhưng chắc chắn là hai vị tiền bối Nhạc, Thái không nghe theo.
Phương Chứng nói:
– Kỳ thực cũng không trách được hai vị Nhạc, Thái. Đến hạng người học võ như lão nạp mà vớ được bí ảo võ học tinh thâm vô cùng thì làm sao chịu bỏ qua được? Lão nạp xuất gia tu hành mấy chục năm, khi nghĩ đến võ học trong bảo điển cũng không khỏi động lòng trần như vừa rồi Xung Hư đạo huynh đã cười cho, huống chi là võ sư tục gia? Không ngờ Độ Nguyên thiền sư đi chuyến này lại sinh thêm một chuyện khác.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Chẳng lẽ hai vị Nhạc, Thái lại bất kính với Độ Nguyên thiền sư sao?
Phương Chứng lắc đầu nói:
– Không phải vậy. Độ Nguyên thiền sư lên Hoa Sơn, hai vị Nhạc, Thái rất tương kính thiền sư, thừa nhận là đã xem lén Quỳ hoa bảo điển, một mặt thì xin lỗi, mặt khác lại đem võ học ghi chép trong sách ra thỉnh giáo thiền sư. Độ Nguyên thiền sư tuy là đệ tử đắc ý của Hồng Diệp thiền sư nhưng chưa được truyền thụ võ học trong bảo điển. Nay chính Hồng Diệp thiền sư cũng chưa hiểu rõ, tất nhiên không thể đem ra truyền thụ cho đệ tử được. Hai vị Nhạc, Thái cho rằng Độ Nguyên thiền sư học vấn cao cường nhất định tinh thông những gì ghi chép trong bảo điển. Độ Nguyên thiền sư không hiểu chút gì, nhưng nghe hai người đọc thuộc làu ra thì cứ thuận miệng giải thích, riêng thiền sư lại cố ghi nhớ trong đầu. Võ công của Độ Nguyên thiền sư vốn rất cao minh, lại là người cơ trí tuyệt đỉnh, nghe một câu võ học, liền theo sự hiểu biết của mình mà diễn giải ra mấy câu một cách trơn tru.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Như vậy thì Độ Nguyên thiền sư lại nhờ hai vị Nhạc, Thái mà biết được võ học trong bảo điển ư?
Phương Chứng gật đầu nói:
– Đúng vậy. Nhưng trí nhớ của hai vị Nhạc, Thái cũng không nhiều, nên khi thuật lại thì không khỏi rơi rụng từ ngữ đi. Nghe nói Độ Nguyên thiền sư ở trên Hoa Sơn tám ngày mới từ biệt xuống núi và từ đó cũng không quay về chùa Thiếu Lâm ở Bồ Điền nữa.
Lệnh Hồ Xung lấy làm lạ hỏi:
– Thiền sư không về sao? Vậy ngài đi đâu?
Phương Chứng đáp:
– Lúc đó thì không ai biết. Nhưng không bao lâu Hồng Diệp thiền sư nhận được một phong thư của Độ Nguyên thiền sư nói rằng thiền sư không bỏ được lòng trần nên quyết ý hoàn tục, không còn mặt mũi nào dám gặp sư phụ.
Lệnh Hồ Xung càng rất lấy làm lạ, lòng nghĩ chuyện này thật quá sức tưởng tượng.
Phương Chứng nói:
– Vì chuyện này mà giữa phái Hoa Sơn và hạ viện Thiếu Lâm ở Bồ Điền phát sinh nhiều hiềm khích, chuyện đệ tử phái Hoa Sơn xem lén Quỳ hoa bảo điển cũng đồn đãi ra ngoài. Không bao lâu, mười trưởng lão Ma giáo tấn công Hoa Sơn.
Lệnh Hồ Xung liền nhớ lại chuyện mình thấy mấy bộ xương khô ở hậu động trên ngọn sám hối cùng với võ công kiếm pháp khắc trên vách đá. Bất giác chàng a lên một tiếng.
Phương Chứng hỏi:
– Sao vậy?
Lệnh Hồ Xung đỏ mặt nói:
– Vãn bối làm gián đoạn lời nói của phượng trượng, xin phương trượng lượng thứ.
Phương Chứng gật đầu nói:
– Tính ra lúc đó, ngay cả sư phụ của Lệnh Hồ chưởng môn cũng chưa ra đời. Mười trưởng lão Ma giáo tấn công Hoa Sơn vì muốn đoạt bộ Quỳ hoa bảo điển này. Phái Hoa Sơn đã cùng với các phái Thái Sơn, Tung Sơn, Hành Sơn và Hằng Sơn kết thành Ngũ Nhạc kiếm phái; bốn phái kia được tin liền đến viện trợ. Trận đại chiến dưới chân núi Hoa Sơn, mười trưởng lão Ma giáo đa số bị trọng thương bỏ chạy, nhưng Nhạc Túc và Thái Tử Phong đều bị giết chết. Cuối cùng Quỳ hoa bảo điển mà hai người sao chép lại đã bị Ma giáo đoạt đi, cho nên chuyện thua thắng trận này khó mà nói được. Năm năm sau, Ma giáo ngóc đầu dậy. Lần này mười trưởng lão đã có chuẩn bị, đối với kiếm thuật tinh thông của Ngũ Nhạc kiếm phái đều nghĩ ra được cách phá giải. Xung Hư đạo huynh và lão nạp thiết nghĩ, võ công của mười trưởng lão tuy cao nhưng trong vòng năm năm ngắn ngủi mà nghĩ ra cách phá giải hết những chiêu kiếm tinh diệu của Ngũ Nhạc kiếm phái chắc cũng là do luyện trong Quỳ hoa bảo điển mà được vậy. Quyết đấu lần thứ hai, Ngũ Nhạc kiếm phái bị thất bại nặng nề, các cao thủ nổi danh bị tử thương thảm hại, nhiều kiếm pháp tinh diệu của ngũ phái từ đó thất truyền. Nhưng mười trưởng lão Ma giáo đó cũng không rời được Hoa Sơn. Lão nạp tưởng tượng trận ác chiến đó nhất định rất thảm khốc.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Vãn bối đã từng ở trong thạch động trên ngọn sám hối Hoa Sơn, thấy di cốt của mười trưởng lão Ma giáo, lại thấy vô số chữ khắc trên vách đá.
Xung Hư nói:
– Có chuyện vậy sao? Những chữ đó viết gì?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Có mười sáu chữ lớn viết là “Ngũ Nhạc kiếm phái, vô sỉ hạ lưu, tỉ võ bất thắng, ám toán hại nhân”. Ngoài ra còn có rất nhiều chữ nhỏ thóa mạ Ngũ Nhạc kiếm phái bỉ ổi, vô lại, không biết xấu hổ v.v…
Xung Hư nói:
– Tại sao phái Hoa Sơn lại để những chữ phỉ báng ấy lưu lại trên vách đá? Thật kỳ lạ.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Thạch động này do vãn bối vô tình phát hiện, người ngoài không ai biết.
Chàng liền kể lại lúc phát hiện thạch động ra sao, lại nói người sử búa đã dùng búa bén phá núi ra mấy trăm trượng, chỉ còn không đầy một thước thì đã kiệt lực mà chết, nghị lực đáng khâm phục mà vận mệnh lại không may thật khiến cho người thương cảm.
Phương Chứng đại sư hỏi:
– Sử búa ư? Chẳng lẽ là Đại lực thần ma Phạm Tùng, một trong mười trưởng lão?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Đúng vậy! Trên vách đá khắc một hàng chữ nói “Phạm Tùng, Triệu Hạc[7] phá kiếm pháp phái Hằng Sơn ở đây”.
Phương Chứng nói:
– Triệu Hạc ư? Lão là Phi thiên thần ma trong mười trưởng lão. Không phải lão sử lôi chấn đán ư?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Chuyện này vãn bối cũng không biết, nhưng ở dưới đất trong thạch động đúng là có một cây lôi chấn đán. Vãn bối nhớ chữ đề trên vách đá, phá kiếm pháp của phái Hoa Sơn là hai vị họ Trương, gọi là cái gì Trương Thừa Phong, Trương Thừa Vân.
Phương Chứng nói:
– Quả nhiên không sai, Kim hầu thần ma Trương Thừa Phong, Bạch viên thần ma Trương Thừa Vân là hai huynh đệ, nghe nói cả hai sử binh khí là thục đồng côn.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Đúng vậy. Đồ hình trên vách đá quả thực là dùng côn bổng để phá kiếm pháp phái Hoa Sơn của vãn bối, thiết tưởng cũng rất kỳ lạ khiến cho người ta phải thán phục.
Phương Chứng nói:
– Từ những điều Lệnh Hồ chưởng môn trông thấy mà suy ra thì dường như mười trưởng lão của Ma giáo bị trúng kế mai phục của Ngũ Nhạc kiếm phái, bị dụ vào sơn động, rồi giam cầm lại, không cách nào thoát ra được.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Vãn bối cũng nghĩ vậy. Chắc hẳn vì vậy mà những người này căm hận, đã khắc chữ nguyền rủa Ngũ Nhạc kiếm phái trên vách đá, còn khắc pháp môn phá giải kiếm pháp của Ngũ Nhạc kiếm phái, để người đời sau biết, bọn họ không bị bại trận mà bị trúng cạm bẫy mà thôi. Kiếm pháp phái Hoa Sơn khắc trên vách đá quả thật tinh diệu phi phàm; sư phụ, sư nương của vãn bối dường như cũng không biết. Nguyên do trong chuyện này vãn bối vẫn nghi hoặc mà không sao lý giải nổi. Vừa rồi nghe phương trượng đại sư thuật lại chuyện xưa, thì vãn bối mới biết tiền bối phái Hoa Sơn đều bị táng mạng ở đó, những cao chiêu vì vậy mà thất truyền. Bốn phái Hằng Sơn, Thái Sơn… xem ra cũng bị như vậy.
Xung Hư nói:
– Đúng là như vậy.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Bên bộ hài cốt của mười trưởng lão Ma giáo, còn có nhiều thanh trường kiếm, là binh khí của Ngũ Nhạc kiếm phái.
Phương Chứng xuất thần một lúc rồi nói:
– Vậy thì khó mà suy đoán. Không chừng mười trưởng lão đoạt được kiếm ở trong tay Ngũ Nhạc kiếm phái. Những điều mà Lệnh Hồ chưởng môn thấy trong hậu động vẫn chưa nói với ai chứ?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Sau khi vãn bối phát hiện chuyện kỳ lạ trong hậu động, thì nhiều biến cố xảy ra nên vẫn chưa có dịp kể chuyện này với sư phụ, sư nương. Phong thái sư thúc tổ đã sớm biết rồi.
Phương Chứng gật đầu nói:
– Phương Sinh sư đệ của lão nạp năm xưa đã có duyên mấy lần gặp Phong lão tiền bối, nhận ân huệ của Phong lão tiền bối. Phương Sinh sư đệ nói, kiếm pháp của Lệnh Hồ chưởng môn quả thật là do Phong lão tiền bối truyền thụ. Bọn lão nạp cho rằng sau trận thôn tính nhau của hai phe Kiếm – Khí phái Hoa Sơn năm xưa Phong lão tiền bối đã quy tiên rồi, thì ra Phong lão tiền bối vẫn còn sống ở trên đời. Thật là vui mừng.
Xung Hư nói:
– Năm xưa trong võ lâm đồn rằng, lúc hai phe Kiếm – Khí phái Hoa Sơn thôn tính nhau, Phong lão tiền bối còn ở Giang Nam cưới vợ, khi được tin liền trở về Hoa Sơn, hảo thủ Kiếm tông đã bị thương vong hết, thất bại thảm hại. Nếu không thì với kiếm pháp tinh thâm của Phong lão tiền bối mà tham dự cuộc đấu kiếm thì phe Khí tông bất luận thế nào cũng không chiếm được thượng phong. Phong lão tiền bối liền phát giác việc tiền bối lấy vợ ở Giang Nam là một trò lừa bịp. Thì ra lão nhạc gia đã nhận sự ủy thác của phe Khí tông phái Hoa Sơn mua một kỹ nữ về mạo xưng là tiểu thư, ràng buộc tiền bối ở lại Giang Nam. Khi Phong lão tiền bối quay lại nhạc gia ở Giang Nam thì cả nhà nhạc gia giả mạo đều đã trốn đi hết. Trên giang hồ đều nói Phong lão tiền bối vừa tức giận vừa xấu hổ liền tự tử.
Phương Chứng liên tục liếc mắt, muốn Xung Hư đừng nói nữa. Nhưng Xung Hư giả bộ như không hiểu ý, nói:
– Lệnh Hồ chưởng môn, bần đạo rất kính ngưỡng Phong lão tiền bối, quyết không dám gợi đến chuyện riêng tư của Phong lão tiền bối ngày xưa. Hôm nay, sở dĩ bần đạo nhắc lại chuyện này vì muốn Lệnh Hồ chưởng môn hiểu rõ anh hùng khó vượt qua cửa ải mỹ nhân, bậc đại trượng phu nhất thời lầm lẫn bị trúng gian kế, đó cũng chưa thành vấn đề nhưng đừng để càng lúc càng lún sâu hơn.
Lệnh Hồ Xung biết ý của lão muốn ám chỉ Doanh Doanh, trong giọng nói của lão có ý dè chừng, nhưng cũng là vì hảo ý. Chàng lặng yên không nói, nghĩ thầm: Phong thái sư thúc tổ nhiều năm nay vẫn ẩn cư trên ngọn núi sám hối thì ra là vì sám hối chuyện trước kia. Chắc Phong thái sư thúc tổ không còn mặt mũi nào gặp đồng đạo trong võ lâm, vì vậy bảo ta quyết không được tiết lộ hành tung của lão nhân gia, còn nói từ đây không còn gặp người của phái Hoa Sơn nữa. Cuộc đời của lão nhân gia gặp phải thảm cảnh, nên mấy chục năm nay chịu cô đơn tịch mịch. Đợi làm xong đại sự, ta phải lên ngọn sám hối chuyện trò bầu bạn giải khuây với lão nhân gia mới phải. Bây giờ, ta đã không còn là người của phái Hoa Sơn, đi bái kiến Phong thái sư thúc tổ lão nhân gia thì coi như không phải không tuân theo lời dặn của lão nhân gia.
Ba người nói chuyện hết nửa ngày, mặt trời sắp xuống núi, ráng chiều nhuộm đỏ nửa vòm trời.
Phương Chứng nói:
– Hai vị Nhạc Túc, Thái Tử Phong của phái Hoa Sơn sao chép Quỳ hoa bảo điển không bao lâu thì bị mười trưởng lão Ma giáo giết. Hai vị chưa kịp tập luyện thì bảo điển đã bị Ma giáo đoạt mất. Cho nên trong phái Hoa Sơn không ai học được một chút võ công nào trong bảo điển. Nhưng hai vị này do sở kiến bảo điển kinh văn bất đồng, trong võ học thì người trọng khí người trọng kiếm, lại phân đệ tử môn hạ ra giảng luận tỉ mỉ, nên sau đó phái Hoa Sơn phân làm hai phe Kiếm – Khí. Đồng môn tương tàn chỉ vì nguyên nhân đó. Nói bộ bảo điển này chỉ vẽ không tường tận cũng không có gì là quá đáng.
Xung Hư gật đầu nói:
– Ngũ sắc khiến cho người ta lóa mắt, ngũ âm khiến cho người ta điếc tai, vốn cũng từ đạo lý này.
Phương Chứng nói:
– Ma giáo được quyển bảo điển chép tay của hai vị Nhạc, Thái e rằng cũng không có lợi ích gì. Mười trưởng lão thảm tử ở Hoa Sơn thì khỏi phải nói. Lệnh Hồ chưởng môn nói Nhậm giáo chủ đã đem bảo điển truyền cho Đông Phương Bất Bại. Vậy thì hai người thù địch nhau, không chừng cũng có liên quan đến bộ bảo điển chép tay này. Kỳ thực bộ bảo điển chép tay này bị khiếm khuyết nhiều, e rằng không bằng sự hiểu biết về bảo điển của Lâm Viễn Đồ.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Lâm Viễn Đồ là ai?
Phương Chứng nói:
– Lâm Viễn Đồ là tằng tổ của Lâm sư đệ của Lệnh Hồ chưởng môn, người sáng lập ra Phước Oai tiêu cục, có bảy mươi hai đường Tịch tà kiếm pháp oai chấn giang hồ.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Vị Lâm tiền bối này cũng từng được thấy Quỳ hoa bảo điển sao?
Phương Chứng nói:
– Lão chính là Độ Nguyên thiền sư, là đệ tử của Hồng Diệp thiền sư.
Lệnh Hồ Xung giật mình nói:
– Thì ra là như vậy.
Phương Chứng nói:
– Độ Nguyên thiền sư vốn là họ Lâm, sau khi hoàn tục thì lấy lại họ cũ.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Thì ra bảy mươi hai đường Tịch tà kiếm pháp oai chấn giang hồ của Lâm tiền bối tức là của Độ Nguyên thiền sư, thật là điều không ngờ tới.
Lệnh Hồ Xung bỗng nhớ lại tình cảnh đêm ở trong tòa phá miếu ngoài thành Hành Sơn, lúc Lâm Chấn Nam sắp chết.
Phương Chứng nói:
– Độ Nguyên chính là Lâm Viễn Đồ. Vị tiền bối thiền sư này sau khi hoàn tục lấy lại họ cũ, đổi luôn pháp danh, lấy tên là Viễn Đồ, sau đó lấy vợ sinh con, sáng lập tiêu cục, làm nên sự nghiệp oanh liệt trên giang hồ. Vị Lâm tiền bối này lập thân rất liêm chính, tuy ăn cơm tiêu cục nhưng hành hiệp trượng nghĩa, giúp người hoạn nạn. Tiền bối không ở Phật môn mà lại làm chuyện của người nhà Phật. Một người chỉ cần có tấm lòng tốt thì tâm tức là Phật, không khác gì người xuất gia. Hồng Diệp thiền sư biết vị Lâm tiêu đầu này là đệ tử đắc ý của thiền sư, nhưng nghe nói giữa hai sư đồ sau này không còn qua lại nữa.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Vị Lâm tiền bối này nghe từ miệng của hai vị tiền bối Nhạc, Thái phái Hoa Sơn mà hiểu được chỗ tinh yếu của Quỳ hoa bảo điển, nhưng không biết Tịch tà kiếm phổ từ đâu mà ra. Mà Tịch tà kiếm pháp gia truyền của Lâm gia tại sao lại chẳng cao minh chút nào?
Phương Chứng nói:
– Tịch tà kiếm pháp là võ công từ Quỳ hoa bảo điển chép tay mà ra, hai người cùng đọc nhưng đều chỉ lĩnh hội được một phần nhỏ của bảo điển gốc.
Đại sư quay qua Xung Hư nói:
– Đạo huynh, về kiếm đạo, đạo huynh là đại hành gia hiểu biết hơn lão nạp rất nhiều. Đạo lý trong chuyện này xin đạo huynh nói cho Lệnh Hồ thiếu hiệp nghe đi.
Xung Hư cười nói:
– Đại sư nói vậy, nếu không phải là tri kỷ lâu năm thì lão đạo đã trách lão sư cười nhạo lão đạo. Kiếm thuật tinh thâm đương thời ngoài Phong lão tiền bối ra thì còn ai bì kịp Lệnh Hồ thiếu hiệp nữa.
Phương Chứng nói:
– Kiếm pháp của Lệnh Hồ thiếu hiệp tuy tinh thâm nhưng hiểu biết về kiếm đạo thì còn thua xa đạo huynh. Mọi người đều là người nhà, nên nói ra hết, đừng khách khí.
Xung Hư thở dài nói:
– Kỳ thực theo sở tri của lão đạo, so với hiểu biết về kiếm đạo cũng như hạt cát trên sa mạc, hạt thóc trong kho đụn mà thôi. Sau này, nếu còn có cơ duyên được bái kiến Phong lão tiền bối, sẽ xin Phong lão tiền bối chỉ giáo những nghi nan.
Lão nói với Lệnh Hồ Xung:
– Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm ngày nay tầm thường, nhưng tiền bối Lâm Viễn Đồ dùng kiếm pháp này mà oai chấn giang hồ thì tuyệt không phải là giả dối. Năm xưa, Trường Thanh Tử chưởng môn phái Thanh Thành hiệu xưng là “Tam hạp dĩ Tây kiếm pháp đệ nhất” cũng bị bại dưới tay Lâm tiền bối. Ngày nay kiếm pháp phái Thanh Thành so với Tịch tà kiếm pháp của Phước Oai tiêu cục cao cường hơn nhiều, trong chuyện này nhất định có nguyên nhân khác. Đạo lý này, lão đạo đã suy nghĩ rất lâu. Ngay đến kẻ sĩ học kiếm trong thiên hạ, ai ai cũng từng nghĩ qua đạo lý này.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Lâm sư đệ nhà tan cửa nát, phụ mẫu bị chết thảm cũng là vì mối nghi nan khó giải này mà ra ư?
Xung Hư đáp:
– Đúng vậy. Oai danh của Tịch tà kiếm pháp rất lớn, mà võ công của Lâm Chấn Nam quá thấp. Sự cách biệt như vậy đương nhiên khiến cho người ta suy đoán nhất định Lâm Chấn Nam quá ngu muội nên học không được võ công gia truyền. Tiến thêm một bước nữa, người ta nghĩ nếu kiếm phổ này lọt vào tay mình thì nhất định có thể học được kiếm pháp oai danh hiển hách của Lâm Viễn Đồ năm xưa. Lão đệ, hơn một trăm năm nay nhờ kiếm pháp này mà nổi danh thì không chỉ có một mình Lâm Viễn Đồ. Những Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Điểm Thương, Thanh Thành cùng với các phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái đời sau đều có truyền nhân, nên người ngoài không có chủ ý quyết kế đi đánh bọn họ. Chỉ vì võ công của Lâm Chấn Nam quá kém cỏi, chẳng hơn gì đứa con nít lên ba, tay cầm nắm vàng đi lại giữa chợ đông người khiến ai cũng sinh lòng muốn cướp đoạt.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Vị tiền bối Lâm Viễn Đồ này đã từng là cao đồ của Hồng Diệp thiền sư thì đương nhiên lúc ở trong chùa Thiếu Lâm Bồ Điền, tiền bối đã sớm học được võ công kinh người. Tịch tà kiếm pháp này không chừng chỉ là do tiền bối đem kiếm pháp của phái Thiếu Lâm mà thêm thắt biến hóa ra mà thôi, chưa chắc có kiếm phổ nào khác.
Xung Hư nói:
– Điều này cũng không ít người nghĩ đến. Nhưng Tịch tà kiếm phổ khác với võ công của phái Thiếu Lâm, bất cứ người học kiếm nào hễ thấy qua thì biết ngay. Hì hì, tuy người sinh lòng cướp đoạt kiếm phổ thì nhiều nhưng cuối cùng lão lùn mặt dày phái Thanh Thành là người đầu tiên động thủ. Nhưng lão lùn họ Dư cái mặt tuy dày mà đầu óc ngu xuẩn, làm sao bì kịp lệnh sư Nhạc tiên sinh không cần động móng tay mà thu được lợi to.
Lệnh Hồ Xung mặt biến sắc, nói:
– Đạo trưởng, đạo trưởng… đạo trưởng nói sao?
Xung Hư mỉm cười nói:
– Lâm Bình Chi bái nhập môn hạ Hoa Sơn của lão đệ, thì Tịch tà kiếm phổ đương nhiên cũng đi theo. Nghe nói Nhạc tiên sinh có một ái nữ độc nhất cũng đem gả cho Lâm sư đệ của lão đệ có phải không? Quả nhiên là thâm mưu khôn lường.
Lúc đầu Lệnh Hồ Xung nghe Xung Hư nói “Lệnh sư Nhạc tiên sinh không cần động móng tay mà thu được lợi to”, là sỉ nhục đến tôn sư thì rất tức giận. Nhưng nghe lão nói đến thâm mưu khôn lường của sư phụ, đột nhiên chàng nhớ đến ngày đó sư phụ phái nhị sư đệ Lao Đức Nặc cải trang dẫn tiểu sư muội đến ngoại thành Phúc Châu mở tửu điếm. Lúc đó chàng không biết dụng ý của sư phụ, bây giờ nghĩ lại, biết rõ là sư phụ đã muốn dò xét Phước Oai tiêu cục. Võ công của Lâm Chấn Nam bình thường, mà sư phụ lại dày công suy nghĩ như vậy, nếu nói không phải vì Tịch tà kiếm phổ thì là vì cái gì? Nhưng sư phụ dùng kế sách tinh vi, không giống như Dư Thương Hải và Mộc Cao Phong ra mặt cướp đoạt. Chàng lại nghĩ: Tiểu sư muội là một khuê nữ nhỏ tuổi mà sao sư phụ lại cho xuất đầu lộ diện đi mở tửu điếm ở Phúc Châu?
Lệnh Hồ Xung nghĩ đến đây, bất giác lòng cảm thấy ớn lạnh, đột nhiên hắn hiểu ra: Sư phụ đem tiểu sư muội hứa gả cho Lâm sư đệ kỳ thực hai người đã quen biết nhau trước, đã an bài tất cả rồi.
Phương Chứng và Xung Hư thấy vẻ mặt Lệnh Hồ Xung thay đổi liên tục, rất khó coi, biết là hắn xưa nay rất tôn kính sư phụ, những lời nói này làm tổn thương tình cảm của hắn. Phương Chứng nói:
– Những lời nói này cũng chỉ là lời đàm đạo lúc lão nạp và đạo huynh nhàn rỗi mà thôi, tôn sư là người đứng đắn, trong võ lâm được xưng là quân tử. Chỉ e bọn lão nạp lấy lòng của kẻ tiểu nhân mà đo bụng người quân tử.
Xung Hư mỉm cười.
Lòng Lệnh Hồ Xung rối bời, chỉ mong lời nói của Xung Hư không phải là sự thật, nhưng tận đáy lòng chàng lại biết mỗi câu nói của Xung Hư đều đúng sự thật. Lệnh Hồ Xung chợt nghĩ: Đúng rồi. Thì ra Lâm Viễn Đồ tiền bối đúng là hòa thượng cho nên trong ngôi nhà cũ ở ngõ Hướng Dương của lão có tòa Phật đường, mà Tịch tà kiếm phổ lại viết trên áo cà sa. Chàng đoán rằng Độ Nguyên lên Hoa Sơn cùng hai vị tiền bối Nhạc Túc và Thái Tử Phong nghiên cứu, thảo luận Quỳ hoa bảo điển, nhớ từng câu từng chữ, lúc đó tiền bối còn là thiền sư. Đến tối, tiền bối chép lại vào áo cà sa để khỏi quên.
Xung Hư nói:
– Đến hôm nay, võ học bí ảo ghi trên bộ Quỳ hoa bảo điển, một phần trong tay Ma giáo, một phần trong tay lệnh sư Nhạc tiên sinh. Lâm sư đệ của Lệnh Hồ lão đệ đã bái nhập môn hạ Hoa Sơn, Tả Lãnh Thiền tìm trăm phương ngàn kế quấy rầy Nhạc tiên sinh, hiển nhiên có hai dụng ý: một là muốn giết Nhạc tiên sinh để tiện hợp nhất Ngũ Nhạc phái, hai là cướp đoạt cho được Tịch tà kiếm phổ.
Lệnh Hồ Xung gật đầu lia lịa nói:
– Đạo trưởng suy đoán rất phải, bảo điển ấy vốn là sách ở Thiếu Lâm Bồ Điền; Tả Lãnh Thiền có biết không? Nếu hắn biết chuyện này, e rằng hắn sẽ sang chùa Thiếu Lâm Bồ Điền để sinh sự.
Phương Chứng mỉm cười nói:
– Quỳ hoa bảo điển tại chùa Thiếu Lâm Bồ Điền đã bị hủy rồi, cũng chẳng cần bận tâm.
Lệnh Hồ Xung lấy làm lạ hỏi:
– Hủy rồi ư?
Phương Chứng nói:
– Hồng Diệp thiền sư lúc sắp viên tịch, triệu tập đệ tử môn hạ nói rõ tiền nhân hậu quả của bộ bảo điển này, rồi bỏ ngay vào trong lò lửa mà đốt đi. Thiền sư nói: “Bộ bí kíp võ học này tinh vi ảo diệu nhưng trong đó có rất nhiều chỗ then chốt mà người viết ra năm xưa chưa chắc có thể lý giải thông suốt được; để lại nhiều vấn đề nan giải, nhất là cửa ải đầu tiên khó mà vượt qua. Không những khó vượt qua mà còn không thể truyền lại cho đời sau thì thật là đại họa cho võ lâm”. Thiền sư có di thư để lại cho phương trượng chùa Thiếu Lâm Tung Sơn, cũng nói rõ chuyện này.
Lệnh Hồ Xung than:
– Vị Hồng Diệp thiền sư này kiến thức phi phàm. Nếu trên đời chưa bao giờ có Quỳ hoa bảo điển thì bao nhiêu biến cố đã không phát sinh.
Lòng chàng thầm nghĩ: Không có Quỳ hoa bảo điển thì cũng không có Tịch tà kiếm phổ, sư phụ sẽ không bố trí đưa tiểu sư muội mà gả cho Lâm sư đệ. Lâm sư đệ cũng sẽ không đầu nhập phái Hoa Sơn, sẽ không gặp tiểu sư muội.
Nhưng chàng lại xoay chuyển ý nghĩ: Lệnh Hồ Xung ta phù phiếm vô hạnh, kết giao với bàng môn tả đạo, lại quan hệ đến Quỳ hoa bảo điển ư? Bậc nam tử hán đại trượng phu tự mình gieo mầm, tự mình hái quả, không cần oán trời, đổ thừa cho người khác.
Xung Hư nói:
– Ngày rằm tháng sau, Tả Lãnh Thiền triệu tập Ngũ Nhạc phái ở Tung Sơn để bầu chưởng môn. Lệnh Hồ thiếu hiệp có cao kiến gì không?
Lệnh Hồ Xung mỉm cười nói:
– Bầu cái gì? Ngôi vị chưởng môn không thuộc về Tả Lãnh Thiền thì còn ai vào nữa?
Xung Hư hỏi:
– Lệnh Hồ thiếu hiệp không phản đối sao?
Lệnh Hồ Xung nói:
– Hắn đã sớm thương nghị ổn thỏa với bốn phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn; phái Hằng Sơn của vãn bối đã cô thế thì dù có phản đối cũng vô ích.
Xung Hư lắc đầu nói:
– Không đâu! Ba phái Thái Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn sợ uy thế của phái Tung Sơn không dám công nhiên dị nghị, dù không muốn cũng phải nói tán thành việc hợp phái vì có lý sự cũng không được.
Phương Chứng nói:
– Theo ý kiến của lão nạp, thiếu hiệp nên phản đối việc hợp nhất năm phái bằng lý lẽ chính đáng. Phái Tung Sơn của hắn chưa chắc được người ta nể phục hết. Nếu năm phái hợp làm một đã thành cục diện thì cái ghế chưởng môn nhân phải dựa vào võ công mà quyết định. Nếu thiếu hiệp đem toàn lực ra thi triển thì kiếm pháp thiếu hiệp có thể thắng được Tả Lãnh Thiền, đoạt lấy ngôi vị chưởng môn nhân trong tay của hắn.
Lệnh Hồ Xung kinh hãi nói:
– Vãn bối… vãn bối… làm sao được? Vạn lần không thể được.
Xung Hư nói:
– Phương trượng đại sư và lão đạo đã thương nghị rất lâu, thấy lão đệ là người trực tính, phóng khoáng, không có gì là không làm được, lại có kết giao với phe tả đạo Ma giáo. Nếu lão đệ làm chưởng môn nhân Ngũ Nhạc phái thì thật tình mà nói môn quy của Ngũ Nhạc phái không khỏi bị lỏng lẻo, hành vi chúng đệ tử phóng túng, chưa chắc đã là cái phúc của võ lâm…
Lệnh Hồ Xung cười ha hả nói:
– Đạo trưởng nói thật đúng, nếu muốn vãn bối đi quản thúc người khác thì sao được? Trên thì bất chính, dưới thì dối trá, ngay chính Lệnh Hồ Xung này cũng là một lãng tử vô hạnh mê rượu.
Xung Hư nói:
– Phù phiếm vô hạnh cũng không hại gì lắm, ham mê rượu cũng không tổn hại đến ai, nhưng dã tâm tàn độc thì hại rất nhiều người. Nếu lão đệ làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái, một là sẽ không coi thường tiền bối và đệ tử môn hạ của Ngũ Nhạc phái, hai là sẽ không đại động can qua đi diệt trừ Ma giáo, không thôn tính phái Võ Đang, Thiếu Lâm của bọn lão đạo; ba là lão đệ sẽ không hứng chí thái quá mà thôn tính các phái Nga Mi, Côn Luân.
Phương Chứng mỉm cười nói:
– Xung Hư đạo huynh và lão nạp đã tính toán như vậy, tuy nói là tạo phúc cho đồng đạo giang hồ, nhưng thật ra một nửa là từ tư lợi của mình.
Xung Hư nói:
– Mở cửa trời mới nói là sáng. Lão hòa thượng và lão đạo sĩ đến Hằng Sơn, một là để chúc mừng lão đệ, hai là vì chính tà ngàn vạn đồng đạo mà hai người chúng ta phải thỉnh cầu.
Phương Chứng chấp tay nói:
– A Di Đà Phật, nếu Tả Lãnh Thiền làm chưởng môn nhân Ngũ Nhạc phái thì kiếp nạn sẽ dấy lên, không biết sẽ ra sao?
Lệnh Hồ Xung trầm ngâm nói:
– Hai vị tiền bối dạy bảo như vậy, Lệnh Hồ Xung không dám chối từ. Nhưng xin hai vị minh giám, vãn bối là tiểu tử hậu sinh, vô tài bất tướng mà được làm chưởng môn phái Hằng Sơn là đã quá ngồng cuồng, thật là bất đắc dĩ. Nếu còn muốn làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái, thì chắc bị anh hùng thiên hạ cười rớt cả răng. Tự biết rõ như vậy nên vãn bối mới ngần ngại. Làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái thì vãn bối một vạn lần không dám, nhưng ngày rằm tháng ba, vãn bối nhất định lên Tung Sơn đại náo một phen, phải quậy cho Tả Lãnh Thiền không làm được chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Lệnh Hồ Xung làm chuyện gì cũng không xong, nhưng làm loạn quấy rối thì được.
Xung Hư nói:
– Chỉ làm loạn quấy rối thì không thành vấn đề. Lúc đó nếu tình thế yêu cầu lão đệ phải làm chưởng môn nhân thì lão đệ không thể chối từ.
Lệnh Hồ Xung chỉ lắc đầu. Xung Hư nói:
– Nếu lão đệ không tranh đoạt với Tả Lãnh Thiền thì đương nhiên hắn làm chưởng môn. Ngũ Nhạc kiếm phái sẽ quy làm một, Tả chưởng môn nắm trong tay quyền sinh sát, người đầu tiên hắn đối phó đương nhiên là lão đệ.
Lệnh Hồ Xung lặng yên thở dài rồi mới nói:
– Vậy thì chẳng biết làm sao.
Xung Hư nói:
– Dù lão đệ bỏ đi, không bắt được lão đệ thì Tả Lãnh Thiền sẽ đối phó với đệ tử môn hạ phái Hằng Sơn của lão đệ không khách khí đâu. Định Nhàn sư thái ủy thác bao nhiêu đệ tử vào tay lão đệ mà lão đệ để mặc cho bọn Tả Lãnh Thiền mổ xẻ bọn họ được ư?
Lệnh Hồ Xung vỗ tay vào lan can, lớn tiếng nói:
– Không thể được!
Xung Hư lại nói:
– Lúc đó, nhất định Tả Lãnh Thiền sẽ không để yên sư phụ, sư nương, sư muội, sư đệ của lão đệ. Trong vòng mấy năm, bọn họ từng người bị đại họa ụp lên đầu, lão đệ cũng nhẫn tâm bỏ mặc được sao?
Lệnh Hồ Xung rùng mình, nổi cả gai ốc. Chàng lùi lại hai bước, quay về hướng Phương Chứng và Xung Hư xá dài, nói:
– Nhờ hai vị tiền bối chỉ giáo, nếu không thì Lệnh Hồ Xung không biết lẽ tiến thoái, làm liên lụy đến nhiều người.
Phương Chứng và Xung Hư đáp lễ. Phương Chứng nói:
– Ngày rằm tháng ba lão nạp và Xung Hư đạo huynh cùng thống suất đệ tử bổn môn đến Tung Sơn trợ oai cho Lệnh Hồ thiếu hiệp.
Xung Hư nói:
– Nếu phái Tung Sơn có chút hành động khác lạ để làm loạn thì hai phái Võ Đang và Thiếu Lâm của bọn lão đạo sẽ đương nhiên ra tay chế ngự.
Lệnh Hồ Xung vui mừng nói:
– Được hai vị tiền bối chủ trì đại cục tại hiện trường thì Tả Lãnh Thiền cũng không dám tác oai tác quái.
Ba người bàn kế hoạch xong, tuy cảm thấy tiền đồ còn lắm gian nan, nhưng đã tính toán thì cảm thấy yên lòng.