Ngày xưa, có một người có ba đứa con trai, đứa con út được gọi là chàng Ngốc. Chàng thường bị khinh rẻ, chế giễu và nếu có việc gì thì cũng chẳng ai đếm xỉa đến chàng.
Một hôm, người con trai cả muốn vào rừng đốn củi. Trước khi anh ta đi, người mẹ cho anh ta một chiếc bánh trứng ngon lành và một chai rượu vang để mang theo ăn và uống khi đói và khát. Vừa vào tới rừng, một ông lão bé nhỏ tóc bạc phơ chào anh và nói:
– Cho lão xin một miếng bánh ở trong bị của anh và cho lão uống một ngụm rượu vang. Lão đói và khát quá!
Nhưng anh chàng khôn ngoan đáp:
– Nếu tôi cho lão bánh và rượu vang của tôi thì chính tôi sẽ chẳng có gì cả, thôi lão có thể đi đường lão được rồi đấy!
Rồi anh ta để mặc ông lão đứng đó và đi tiếp.
Anh ta đẵn cây được một lát thì tự nhiên trượt tay, rìu chém vào cánh tay nên anh phải về nhà để băng bó. Tai nạn ấy chính là do ông lão bé nhỏ tóc bạc phơ gây ra.
Sau đó đến người con thứ hai đi rừng. Người mẹ cũng cho một chiếc bánh trứng và một chai rượu vang y như đối với người con cả. Anh ta cũng gặp đúng ông lão bé nhỏ tóc bạc phơ, ông cũng xin anh một mẩu bánh và một ngụm rượu vang. Nhưng người con thứ hai nói nghe có vẻ có lý lắm:
– Tôi cho lão cái gì là tôi không có cái đó, thôi lão có thể đi đường lão được rồi đấy!
Rồi anh ta cũng để mặc ông lão đứng đó mà đi tiếp.
Làm sao tránh khỏi bị trừng phạt: anh vừa mới chặt được vài nhát thì tự nhiên vung rìu chặt ngay vào chính chân mình nên phải khiêng về nhà.
Sau đó chàng Ngốc cũng xin cha:
– Thưa cha, cha để cho con đi rừng đốn củi một bận xem sao.
Người cha đáp:
– Hai anh mày đã bị thương trong chuyện đó, thôi đừng có đi, mày thì biết gì về việc đi rừng đốn củi.
Chàng Ngốc xin mãi, xin cho kỳ được mới thôi. Người cha bảo:
– Muốn đi thì cứ đi đi. Có thất bại, đau đớn thì mới khôn ra được.
Mẹ đưa cho anh một chiếc bánh luộc ủ tro và một chai rượu bia chua.
Vừa vào tới rừng thì ông già nhỏ bé tóc bạc phơ lại bước tới chào anh và nói:
– Cho lão xin một miếng bánh và một ngụm rượu ở chai, lão đói và khát quá.
Chàng Ngốc đáp:
– Cháu chỉ có bánh ủ tro và bia chua thôi. Nếu cụ thấy dùng tạm được thì xin cụ cùng ngồi ăn với cháu.
Hai người ngồi xuống. Khi chàng Ngốc lấy bánh ủ tro thì hóa ra là một chiếc bánh trứng ngon lành, và rượu bia chua kia đã biến thành rượu vang ngon.
Ăn uống xong đâu đấy, ông lão bảo:
– Vì cháu tốt bụng và sẵn sàng chia của của mình cho người khác nên lão cũng muốn ban phước cho cháu. Ở đằng kia có một cây cổ thụ, cháu đẵn xuống thế nào cũng thấy trong đám rễ cây một cái gì đó.
Ngay sau đó, ông lão chào từ biệt.
Chàng Ngốc đi lại đẵn cây cổ thụ. Cây vừa đổ xuống thì thấy trong đám rễ một con ngỗng lông bằng vàng thật.
Anh nhấc ngỗng lên và bế nó theo vào một quán trọ để ngủ trọ một đêm.
Chủ quán có ba cô con gái. Ba cô thấy ngỗng thì thắc mắc không hiểu là chim gì và chỉ muốn lấy được một chiếc lông bằng vàng của nó.
Cô cả nghĩ bụng:
– Thế nào mà chả có dịp để mình nhổ lấy một chiếc lông.
Khi chàng Ngốc đi ra ngoài, cô ta nắm ngay lấy cánh ngỗng, nhưng vừa đụng vào thì cả ngón lẫn tay của cô dính chặt luôn vào đó không rút ra được.
Một lát sau, cô thứ hai bước tới với ý định nhổ lấy một chiếc lông vàng. Cô vừa chạm tay vào người cô chị thì bị dính luôn vào người chị.
Sau cùng cô thứ ba bước tới cũng định nhổ một chiếc lông ngỗng. Ngay lúc đó, hai cô chị thét lên:
– Tránh ra, trời ơi là trời, tránh ra!
Cô em út chẳng hiểu tại sao mình lại phải tránh ra, cô nghĩ bụng:
– Cái gì các chị làm được thì mình cũng làm được.
Rồi cô nhảy tới, vừa đụng tới các chị thì cô cũng bị dính luôn vào, thế là cả ba cô phải ngủ chung với ngỗng đêm đó.
Sáng hôm sau, chàng Ngốc bế ngỗng đi chẳng để ý gì đến ba cô dính vào ngỗng, các cô đành phải lẽo đẽo theo sau, mặc anh muốn rẽ sang phải hay trái tùy ý. Cha xứ gặp đoàn người ở giữa đồng, cha xứ nói:
– Không biết xấu hổ hay sao hả lũ con gái quạ tha ma bắt kia? Kéo đàn kéo lũ theo đàn ông đi giữa đồng ban ngày ban mặt thế kia thì coi sao được.
Cha liền nắm tay cô trẻ nhất tính kéo lại, cha vừa đụng đến cô thì chính cha cũng không thoát. Cha bị dính chặt luôn vào và cũng cứ thế lẽo đẽo đi theo sau.
Một lát sau, người giữ đồ thánh đi tới. Thấy cha xứ bám sát gót ba cô gái thì rất lấy làm ngạc nhiên, kêu lên:
– Trời ơi, cha đi đâu mà vội vàng như vậy? Cha nhớ là hôm nay con phải làm lễ rửa tội cho một đứa trẻ nữa cơ đấy.
Người giữ đồ thánh chạy lại nắm lấy tay áo cha thì cũng bị dính vào.
Năm người đang bước thấp bước cao như vậy thì có hai bác nông dân vác cuốc ở đồng về. Cha xứ gọi họ, nhờ họ kéo mình và người giữ đồ thánh ra. Nhưng hai bác nông dân vừa sờ vào người giữ đồ thánh thì lại bị dính chặt luôn vào. Thế là cả bảy người đành phải lẽo đẽo theo sau chàng Ngốc ôm ngỗng.
Sau đó chàng Ngốc tới kinh đô. Vua ngự trị đất nước hồi bấy giờ có một cô con gái, nàng quá ư là nghiêm nghị, nghiêm nghị tới mức không ai có thể làm cho nàng bật cười được. Vua truyền lệnh cho khắp thiên hạ, ai làm công chúa bật cười thì được phép cưới nàng làm vợ.
Chàng Ngốc nghe tin ấy, cũng ôm ngỗng cùng đoàn người thất thểu bước thấp bước cao đến trước mặt công chúa. Nàng thấy bảy người lếch thếch nối đuôi nhau tức cười quá nên bật cười lên, cười mãi, cười hoài như không muốn dứt.
Rồi chàng Ngốc đòi cưới công chúa. Nhưng vua không thích chàng rể ấy, viện hết cớ này đến cớ khác để từ chối. Vua ra điều kiện cho chàng Ngốc phải tìm và dẫn tới một người có thể uống cạn hết một hầm rượu vang thì mới được cưới công chúa.
Chàng Ngốc nghĩ ngay tới ông lão bé nhỏ tóc bạc phơ, người có thể giúp anh chuyện này. Anh đi vào rừng, tới chỗ cây bị đẵn anh thấy có một người đàn ông ngồi mặt buồn rườu rượi. Chàng Ngốc hỏi người đó lý do vì sao buồn như vậy.
Người đó trả lời:
– Tôi khát khô cả cổ, tôi đã uống mà vẫn còn khát. Tôi không chịu được nước lã. Thực ra, tôi đã uống cạn một thùng rượu, nhưng nó chỉ như muối bỏ bể.
Chàng Ngốc nói:
– Thế thì anh có thể giúp tôi. Anh hãy đi với tôi, anh có thể uống no, uống tới chán thì thôi.
Sau đó chàng Ngốc dẫn anh ta tới hầm rượu của nhà vua. Anh chàng này nhảy tới các thùng rượu to tướng, uống mãi, uống hoài, uống tới khi căng tức cả bụng, chưa đến một ngày mà anh ta uống cạn hết cả một hầm rượu vang.
Chàng Ngốc lại đòi cưới công chúa. Vua bực mình lắm, một tên vớ vẩn mà mọi người đặt tên là chàng Ngốc mà lại đòi cưới con gái ông ư? Vua lại đưa ra những điều kiện mới: Chàng Ngốc phải tìm sao cho ra một người có khả năng ăn hết một núi bánh.
Chàng Ngốc ngồi suy nghĩ một lát rồi đi vào rừng. Vẫn chỗ đẵn cây cũ có một người đàn ông ngồi hai tay đang thắt bụng bằng một chiếc dây da, bộ mặt nom thật thiểu não, anh ta nói:
– Tôi đã ăn một lò bánh, nhưng nó chẳng thấm tháp vào đâu cả đối với một người ăn thủng nồi trôi rế như tôi. Dạ dày tôi vẫn lép kẹp, tôi phải thắt bụng cho nhỏ lại kẻo chết đói mất.
Chàng Ngốc mừng quá nói ngay:
– Anh đứng dậy đi với tôi, anh sẽ được ăn no nê.
Chàng Ngốc dẫn anh ta tới sân rồng, nhà vua cho chở bột mì của cả nước về cung, rồi sai nướng một núi bánh khổng lồ. Anh chàng người rừng bước ra, rồi bắt đầu ăn. Chỉ trong một ngày cả núi bánh biến mất.
Lần thứ ba chàng Ngốc đòi lấy công chúa. Một lần nữa vua lại tìm cách thoái thác nên bắt chàng Ngốc phải tìm cho ra một chiếc thuyền có thể đi được cả trên cạn lẫn dưới nước.
Vua nói:
– Nếu ngươi cập bến bằng thuyền đó thì ngươi có thể cưới con gái ta.
Chàng Ngốc đi thẳng vào rừng. Ông lão nhỏ bé tóc bạc phơ, người mà anh mời ăn bánh trước đây đã ngồi ở đó. Ông lão nói:
– Chính lão đã uống và ăn hộ anh. Để lão cho anh chiếc thuyền, tất cả những chuyện đó đều do lão làm giúp anh, vì anh đã cư xử với lão tử tế.
Rồi ông lão tóc bạc phơ cho chàng Ngốc một chiếc thuyền đi được cả trên cạn lẫn dưới nước.
Vua nhìn thấy thuyền cập bến thì không còn cách gì giữ con gái được nữa. Đám cưới được tổ chức linh đình. Sau khi vua băng hà, chàng Ngốc lên nối ngôi và sống hạnh phúc bên người vợ của mình.
Danh mục: LSVH Thế giới
Nhóm chủ đề về lịch sử văn hóa thế giới
65. Allerleirauh hay là công chúa lốm đốm
Ngày xửa ngày xưa có một ông vua. Hoàng hậu tóc vàng xinh đẹp tới mức chẳng có ai trên trần gian này có thể so sánh nổi.
Lần ấy hoàng hậu ốm và biết rằng mình chẳng sống bao lâu nữa. Hoàng hậu nói với nhà vua:
– Sau khi thiếp qua đời thì hoàng thượng chỉ nên kết hôn với người nào đẹp như thiếp và có mái tóc vàng như thiếp. Thiếp chỉ mong muốn như vậy.
Nhà vua rất buồn và chẳng ai có thể an ủi được và cũng chẳng nghĩ tới lấy hoàng hậu thứ hai. Cả hoàng cung cuối cùng tâu trình:
– Hoàng thượng cần kết hôn chứ để như thế này không được. Phải có hoàng hậu sống bên hoàng thượng mới được.
Sứ giả được cử đi khắp nơi trong nước để tìm một cô dâu xinh đẹp như hoàng hậu đã khuất núi. Tìm khắp trong nước chẳng được một ai, được người đẹp như hoàng hậu thì lại không có mái tóc vàng. Các sứ giả lần lượt trở về mà không được việc gì cả.
Năm tháng trôi qua, con gái của hoàng hậu khi xưa giờ đã trưởng thành, nom xinh đẹp như hoàng hậu và cũng có mái tóc vàng.
Có lần nhà vua nhìn thấy con gái mình sao mà giống mẹ như đúc. Nhà vua bỗng thấy hết sức yêu thương và nói với toàn thể hoàng cung:
– Trẫm muốn lấy con gái mình, vì đó chính là hình ảnh của hoàng hậu khi xưa. Trẫm chẳng thấy có ai đẹp sánh bằng.
Cả hoàng cung giật mình hoảng sợ và thưa:
– Trời cấm cha lấy con gái. Từ tội lỗi đó sẽ sinh ra những điều xấu. Đất nước sẽ rơi vào cảnh hoang tàn.
Cô con gái hết sức kinh hãi khi nghe được tin ý định của nhà vua. Nàng hy vọng có thể lay chuyển được ý định đó. Nàng thưa với vua cha:
– Trước khi con thực hiện đúng ước vọng của vua cha, con muốn có ba chiếc áo, chiếc vàng óng như mặt trời, chiếc ánh bạc như mặt trăng, chiếc lóng lánh như sao trên trời. Ngoài ra con còn muốn có chiếc áo khoác mùa đông được tạo bởi hàng ngàn miếng lông thú có trong vương quốc này.
Nàng nghĩ: “Làm sao mà kiếm được những thứ đó. Chỉ có vậy mới mong vua cha từ bỏ ý định tồi tệ kia.”
Nhà vua thì vẫn cứ theo đuổi ý định của mình. Những phụ nữ khéo tay nhất được giao dệt vải may ba chiếc áo, chiếc vàng óng như mặt trời, chiếc ánh bạc như mặt trăng, chiếc lóng lánh như sao trên trời. Thợ săn trong cả nước được giao săn bắt các loài thú để có lông may chiếc áo khoác mùa đông bằng hàng ngàn miếng lông thú.
Cuối cùng thì chiếc áo khoác mùa đông bằng hàng ngàn miếng lông thú cũng đã làm xong. Nhà vua đưa cho con gái xem và nói:
– Ngày mai hôn lễ sẽ được cử hành.
Công chúa thấy không còn hy vọng gì trong việc lay chuyển ý định của vua cha. Nàng quyết định trốn đi.
68. Trò và thầy
Ông Jan muốn cho con theo học nghề. Ông tới nhà thờ cầu khẩn. Người trông coi việc tế lễ của nhà thờ đứng sau bàn thờ, nghe tiếng cầu khẩn, ông ta liền nói nho nhỏ:
– Học nghề ăn trộm, học nghề ăn trộm.
Về nhà, ông Jan bảo con theo học nghề ăn trộm. Thế rồi hai bố con đi tìm thầy để học. Đi cả một ngày đường mới tới được cánh đồng hoang vắng kia, giữa rừng có một căn nhà nhỏ, một bà già đang ngồi trong nhà. Ông Jan cất tiếng hỏi:
– Xin bà chỉ cho biết nhà ông thầy dạy nghề ăn trộm ở đâu?
Bà già đáp:
– Học nghề ấy có thể học tại đây. Con tôi cũng là một người tài ba trong nghề ấy.
Ông Jan dặn con gắng theo học nghề mà thánh đã linh ứng.
Người thầy dạy nghề nói với ông Jan:
– Tôi sẽ dạy con ông thành nghề. Một năm sau mời ông lại đây, nếu ông nhận được ra con trai ông thì tôi không lấy tiền bạc, nếu không ông phải trả tôi 200 Thalơ.
Rồi ông bố quay trở về làng. Đứa con ở lại học nghề.
Thấm thoát đã một năm. Ông Jan lên đường, ông vừa đi vừa đăm chiêu suy nghĩ, tìm cách sao nhận được con mình. Trong lúc ông đang mải nghĩ thì một người tí hon đi tới và hỏi:
– Ông có việc chi mà đăm chiêu vậy?
Ông Jan đáp:
– Trời, cách đây một năm tôi có cho con trai đi học nghề ăn trộm, ông thầy dạy cháu có nói, sau một năm, nếu tôi nhận ra cháu thì không lấy tiền dạy, nếu không thì tôi phải trả 200 Thalơ. Tôi rất lo, không biết có nhận được ra cháu nữa không, nếu không thì gay lắm, lấy đâu ra tiền mà trả.
Người tí hon dặn ông mang theo bánh mì, tới nơi nên đứng bên cạnh lò sưởi. Người tí hon còn nói:
– Ở trên xà nhà có một cái rỏ, nếu con chim ở trong vỏ ngoái cổ ra ngoài thì chính nó là con trai ông.
Tới nhà ông thầy dạy nghề, ông Jan đặt mấy miếng bánh mì đen trước chiếc rỏ, con chim trong rỏ thò ngay đầu ra ngoài, ông Jan gọi ngay:
– Hello, con trai yêu quý, con ở trong đó à?
Con chim vỗ cánh mừng khi cha nhận được ra mình. Thầy dạy nghề bực mình nói:
– Chỉ có quỷ rỉ tai thì ông ta mới biết được.
Đứa con nói:
– Cha con ta về đi.
Rồi hai cha con lên đường về nhà. Dọc đường họ gặp một chiếc xe ngựa chạy ngang qua, đứa con nói:
– Con sẽ biến thành chó săn, bố đem bán đi sẽ có nhiều tiền tiêu.
Người bố vẫy tay gọi xe và nói:
– Này, ông có muốn mua chó không?
Người đánh xe hỏi:
– Thế bao nhiêu thì ông bán?
– Ba mươi Taler.
– Ái chà, thế thì đắt đấy chứ, thôi cũng được, đưa chó đây.
Người đánh xe cho chó vào trong xe và tiếp tục cuộc hành trình. Xe mới chạy được một thôi đường thì chó nhảy phốc ra khỏi xe lao thẳng vào rừng, chạy ngược lại chỗ người cha đang đứng.
Lại một lần khác, đúng hôm chợ phiên, người con nói với bố:
– Hôm nay con sẽ hóa thành ngựa, bố mang ngựa ra chợ bán, mua bán xong xuôi con lại hiện nguyên hình người.
Người bố dắt ngựa ra chợ bán. Ông tổ nghề trộm đi chợ, thấy ngựa đẹp liền mua và trả một trăm Taler.
Người mua dắt ngựa về nhà và nhốt ngựa vào chuồng. Thấy cô gái hầu đi ngang qua, ngựa nói:
– Mở cửa chuồng cho tôi, mở cửa chuồng cho tôi.
Cô gái lại mở cửa chuồng, ngựa biến ngay thành chim sẻ và bay vút qua nóc nhà. Chủ nhà cũng là tay phép thuật, liền biến ngay thành chim sẻ và bay đuổi theo. Một lát sau thì đuổi kịp. Hai con chim thách đố nhau. Ông tổ ăn trộm biến thành cá bơi dưới nước, học trò cũng biến luôn thành cá, hai bên lại thách đố nhau tiếp. Ông tổ ăn trộm biến thành gà trống, trò biến thành cáo và nhảy tới cắn đứt đôi cổ gà. Gà lăn ra chết thẳng cẳng và hãy còn nằm đó cho tới ngày nay.
69. Jorinde và Joringel
Ngày xửa ngày xưa có một lâu đài cổ nằm sâu giữa một khu rừng rộng lớn rậm rạp. Sống trong lâu đài là một mụ phù thủy độc ác. Ban ngày thì mụ biến thành một con mèo hiền lành, có khi mụ lại biến thành một con cú. Nhưng cứ tối đến mụ hiện nguyên hình như một bà già. Mụ khiến gió thổi, gọi chim bay về hướng mình đứng. Rồi mụ bắt chim làm thịt, đem rán ăn.
Người nào đến gần lâu đài của mụ, khi còn cách một trăm bước thì bỗng nhiên người đó như bị trời trồng, không nhúc nhích như tượng. Nếu đó lại là một thiếu nữ trinh tiết thì mụ phù thủy biến người đó thành chim, mụ nhốt chim vào trong lồng và đem treo trong một phòng của lâu đài. Mụ có tất cả bảy nghìn lồng chim với đủ các loài chim hiếm.
Đẹp nhất làng là cô Jorinde, cô đã hứa hôn cùng với chàng Giôringên. Trong những ngày ăn hỏi, họ càng quyến luyến nhau. Có lần họ rủ nhau đi chơi rừng, họ vừa đi vừa thủ thỉ tâm tình. Trời đã xế bóng lúc nào mà họ cũng không hay, giờ này người ta chỉ còn thấy những tia nắng yếu ớt chiếu qua rừng cây rậm rạp âm u. Tiếng chim cu gọi nhau về tổ nghe lòng càng bồn chồn buồn tiếc.
Giôringên nói với người yêu:
– Em nhớ nhé, không được tới gần lâu đài!
Thỉnh thoảng Jorinde lại khóc, cô ngồi khóc nức nở, than thở với ánh nắng xế chiều; Joringel cũng vậy. Họ than thân trách phận cứ như là họ sắp phải vĩnh biệt nhau.
Bóng tối đã đổ xuống, chỉ còn nhìn thấy nửa mặt trời đang khuất dần sau núi xa xa. Họ đã lạc trong rừng sâu lúc nào mà không hay, giờ không biết tìm đường ra khỏi rừng. Joringel ngẩng đầu lên nhìn qua bụi cây thì thấy mình đang đứng gần lũy cổ, chàng kinh hoàng và choáng váng muốn té xỉu. Jorinde hát:
Chim đeo vòng đỏ hót vang
Tiếc thay, tiếc thay, chẳng mày:
Bồ câu đã xuống suối vàng
Mang theo luyến tiếc bạn đời, chim ơi!
Giôringên nhìn quanh thì thấy giờ đây Jorinde đã hóa thành chim họa mi, chim hót: “Xin chào bạn đời!.”
Rồi có một con cú bay tới, mắt nó như đốm lửa, nó lượn ba vòng quanh chim họa mi, rồi kêu: “Xu, hu, hu, hu.”
Joringel không tài nào nhúc nhích được chân tay, chàng đứng đó như bức tượng đá, không khóc mà cũng không nói được tiếng nào, chàng đứng chết lặng đi.
Giờ đây mặt trời đã khuất hẳn sau núi, chim cú bay lượn xuống một bụi cây gần đó. Từ trong bụi cây một bà già lưng còng bước ra, bà gầy khẳng khiu, da vàng khè, có đôi mắt đỏ chói to tướng; có chiếc mũi đã quặp lại dài nom đến là kinh. Bà ta lẩm bẩm gì đó, rồi bước tới gần chim họa mi, lấy tay tóm lấy chim mang đi.
Joringel không tài nào nhấc được chân lên, và cũng chẳng nói được một lời nào.
Một lát sau, bà già kia lại quay lại, nói với giọng khàn khàn:
– Vào lúc tốt giờ ta nhốt chim vào lồng, đồng thời lúc đó ngươi cũng được trả lại tự do.
Joringel chạy đến, quỳ trước mặt bà, cầu xin bà trả lại Jorinde, bà nói rằng không bao giờ có chuyện đó, rồi bà quay người lại và đi mất.
Chàng trai đứng đó kêu gào, khóc lóc, than thân trách phận, nhưng tất cả những cái đó cũng chẳng giúp ích gì. Vừa khóc chàng vừa nói:
– U, u, u, tôi biết làm gì bây giờ, trời ơi!
Chàng cắm đầu cắm cổ mà đi, đi hoài đi mãi, cuối cùng chàng tới một vùng quê xa lạ, chàng trú ngụ lại ở đây chăn cừu.
Chàng hay chăn cừu ở khu rừng quanh lâu đài cổ, nhưng không bao giờ dám tới gần.
Một đêm nằm ngủ chàng mơ thấy một bông hoa đỏ chói, giữa bông hoa là một hòn ngọc to đẹp. Chàng ngắt bông hoa ấy và cầm hoa theo đi vào lâu đài cổ, hoa đụng vào đâu thì những phép bùa chú đều tan hết hiệu lực. Chàng mơ thấy gặp lại Giôrinđơ. Sớm ngày hôm sau, vừa mới tỉnh dậy chàng đã lên đường đi tìm hoa. Đi hết ngày này sang ngày khác, vào sáng ngày thứ chín thì chàng tìm thấy một bông hoa đỏ chói, có một giọt sương to đọng trong nhụy hoa trông giống như một hòn ngọc đẹp. Ngày cũng như đêm, lúc nào chàng cũng mang theo hoa bên người, chàng đi tới lâu đài cổ trong rừng. Chàng không dừng chân ở bên ngoài mà cứ thế thẳng bước tới cổng lâu đài.
Chàng đưa hoa chạm cổng thành, chàng hết sức vui mừng khi thấy nó từ từ mở. Chàng bước vào, rồi đi qua sân, chàng nghe thấy hình như đâu đó có tiếng chim hót, càng đi vào sâu chàng càng nghe thấy tiếng chim rõ hơn. Cuối cùng chàng tới một gian phòng lớn. Mụ phù thủy đang đứng cho chim ăn, trong phòng chứa tới bảy ngàn lồng chim. Vừa mới thoáng trông thấy Giôringên là mụ nổi sùng, mụ chửi rủa om sòm, mụ nhảy chồm chồm về phía chàng, nhưng mụ không tài nào bước tới gần chàng được. Chàng cũng chẳng buồn để ý gì đến mụ. Chàng đi xem các lồng chim, nhưng có tới mấy trăm con chim họa mi, làm sao nhận ra được Jorinde bây giờ?
Chợt chàng thấy mụ phù thủy mang đi một lồng chim và tính đi ra phía cửa. Nhanh như chớp, chàng nhảy về phía ấy, chạm hoa vào lồng chim và người mụ phù thủy. Mụ chẳng còn làm được gì nữa, và Jorinde hiện nguyên hình, nàng ôm hôn chàng như những ngày xưa. Sau đó chàng đưa hoa đụng vào những lồng chim khác, những con chim hiện thành những thiếu nữ xinh đẹp. Chàng dắt tay Jorinde, cả hai vui vẻ đi về nhà. Từ đó hai người sống với nhau rất hạnh phúc cho tới khi tóc bạc răng long.
70. Ba người số đỏ
Ngày xưa, có một người đàn ông có ba con trai. Một hôm, ông gọi ba con trai đến, cho con cả con gà trống, con thứ hai cái hái, đứa con út con mèo, rồi nói:
– Nay cha đã già, trước khi nhắm mắt xuôi tay, cha muốn lo liệu cho các con. Tiền bạc thì cha không có, mà những thứ cha cho các con thì chẳng đáng giá là bao, nhưng nếu biết sử dụng đúng chỗ thì chắc nó cũng được việc. Các con hãy đi tới những nước không có những thứ này thì mới có cơ hội làm ăn phát đạt được.
Sau khi cha chết, người con cả ra đi và mang theo con gà trống. Khốn một nỗi, anh đi đến đâu cũng thấy người ta nuôi gà trống. Đến thành phố ư? Từ xa đã trông thấy gà trống đậu trên ngọn tháp và luôn luôn quay theo chiều gió thổi. Đến các làng thì thấy gà thi nhau gáy, chẳng một ai thèm để ý đến gà trống của anh. Anh chắc mẩm mình hết hy vọng cầu may. Đi hoài, đi mãi, cuối cùng anh lạc đến một hòn đảo, thổ dân ở đây chưa từng biết tới tiếng gà trống gáy. Họ cũng không biết chia thời gian như thế nào cho đúng. Họ chỉ phân biệt được buổi sáng, buổi chiều. Ban đêm, nếu có ai tự nhiên thức giấc thì không biết bao lâu nữa trời sẽ sáng.
Anh nói với họ:
– Các người cứ nhìn xem con vật này có hiên ngang hùng dũng không? Đầu đội vương miện bằng ngọc đỏ, chân mang bàn thúc ngựa như một kỵ mã, đêm nào cũng gáy ba lần để báo giờ cho các người biết. Khi nó gáy lần thứ ba là mặt trời sắp mọc. Nhưng nếu giữa ban ngày mà nó lại gáy thì các người biết ngay là thời tiết sắp thay đổi.
Nghe nói thế, thổ dân thích lắm. Đêm hôm nay họ không ngủ, háo hức suốt đêm để nghe gà gáy cầm canh, họ nghe tiếng gà gáy to, dõng dạc ba lần, sau tiếng gà gáy lần thứ ba thì trời sáng. Thế rồi là họ đòi mua gà, hỏi anh đòi bao nhiêu tiền. Anh đáp:
– Chẳng nhiều, khoảng chừng bằng số vàng một con lừa tải nặng.
Đám thổ dân đồng thanh nói:
– Thật là hài hước, đổi một con vật quý giá như vậy lấy một chút vàng.
Họ đưa ngay số vàng anh đòi.
Thấy anh cả tải vàng về, hai người em rất đỗi ngạc nhiên. Người em thứ hai nói:
– Nếu vậy em cũng phải ra đi mới được, xem liệu có thể làm giàu với cái hái của em hay không.
Đi đến đâu anh cũng thấy nông dân vác hái, tưởng chừng đã hết hy vọng. Nhưng rồi anh tới một hòn đảo. Thật may cho anh, thổ dân ở đây chưa biết cái hái là gì.
Lúc chín, dân đảo kéo súng thần công ra đầu làng, nạp đạn bắn cho đứt thân cây lúa. Làm như thế thường không được đúng như ý muốn. Có lúc đạn bay vèo vèo trên ngọn lúa, lúc thì đạn không trúng thân lúa mà trúng ngay giữa bông làm cho lúa rụng hết xuống đồng, không những thế, mọi người còn khổ vì nghe tiếng đạn nổ inh tai nhức óc.
Thấy mọi người loay hoay như vậy, anh liền lấy ngay hái ra, nom anh gặt thật êm ả, ngon lành, thổ dân ngạc nhiên, đứng há hốc mồm ra nhìn. Rồi họ gạ mua cái dụng cụ gặt lúa kỳ lạ ấy, anh đòi bao nhiêu tiền họ cũng trả. Thế là anh được một con ngựa thồ nặng trên lưng toàn vàng là vàng.
Người em thứ ba cũng muốn đem mèo đi đổi cho đúng người đang cần mèo. Hoàn cảnh người em út cũng chẳng khác gì hai anh. Ở đất liền chẳng có ma nào hỏi đến, chỗ nào cũng nhan nhản những mèo là mèo. Mèo nhiều đến nỗi người ta phải dìm chết bớt số mèo con mới đẻ.
Rời đất liền, tàu đưa anh tới một hòn đảo. Thật là may mắn cho anh, ở đây chưa từng có mèo bao giờ, vì thế chuột tha hồ tung hoành, chủ nhà có mặt hay đi vắng chuột cũng cứ thản nhiên nô giỡn trên mặt bàn. Dân ở đây hết sức phàn nàn kêu ca về chuyện chuột hoành hành. Ngay cả nhà vua cũng đành bó tay, góc nào trong cung điện cũng có tiếng chuột rúc rích, tiếng răng chuột gặm cắn, thôi thì chẳng thứ gì chúng không cắn nát.
Trong cảnh tượng ấy, anh thả mèo ra cho nó bắt chuột, chỉ một lúc sau, mấy căn buồng đã hết sạch chuột. Dân đảo đến xin vua mua con vật thần ấy để trừ nạn chuột cho cả nước. Nhà vua ưng mua, và sẵn lòng hết bao nhiêu tiền cũng trả. Anh lấy một con la thồ nặng trên lưng toàn là vàng.
Người em út chính là người mang về nhà nhiều của cải nhất.
Ở trong cung vua, mèo tha hồ mà nô giỡn, mỗi cái giỡn của mèo là một chú chuột chết, chuột chết nhiều đến nỗi đếm không được. Mèo bắt chuột hăng đến nỗi người nóng ran, khát khô cả cổ mới dừng nghỉ, rướn cổ lên “meo, meo.” Vua và quần thần nghe thấy tiếng kêu kỳ lạ, hoảng hốt chạy ra khỏi cung. Ra tới ngoài, vua tôi mới định thần được để bàn mưu tính kế. Cuối cùng, vua quyết định cử một sứ giả vào yêu cầu mèo rời ngay khỏi hoàng cung, bằng không sẽ dùng vũ lực đuổi ra.
Các mưu sĩ đều thưa:
– Bọn thần đã quen nạn chuột hoành hành, thà bị lũ chuột hành hạ còn hơn là đem tính mạng mình phó mặc cho con quái vật kia.
Theo lệnh, một tên thị vệ được cử vào hỏi xem mèo có thiện chí mà rút khỏi hoàng cung không. Giờ đây cơn khát lại càng dữ tợn hơn trước, mèo nghển cổ lên kêu “meo, meo.” Tên thị vệ tưởng mèo nói:
– Tao không, tao không rút.
Tên thị vệ về tâu lại vua. Nghe vậy, các mưu sĩ đều thưa:
– Đã thế thì dùng vũ lực cho biết tay.
Súng thần công được kéo đến, bắn cháy cả hoàng cung. Lúc ngọn lửa lan tới phòng mèo đang ngồi, nó nhảy vọt qua cửa sổ ra ngoài để thoát thân. Quân lính không hề hay biết chuyện đó, cứ tiếp tục bắn cho tới khi lâu đài bằng địa mới ngưng.
71. Sáu người đi khắp thế gian
Ngày xửa ngày xưa, có một người giỏi bách nghệ. Nhưng theo lệnh nhà vua, anh bị thải hồi, chỉ được cấp ba đồng tiền làm lộ phí. Anh nghĩ bụng: “Được, đợi đấy xem! Sao ta lại có thể chấp nhận sự bất công như vậy được. Nếu ta mà gặp được những người bạn tri kỷ thì thế nào nhà vua cũng phải mang tất cả của cải trong cả nước cho ta.”
Lòng căm phẫn, tức giận, anh đi vào rừng thì gặp một người hai tay nhổ sáu cây cổ thụ lên một cách ngon lành như ta nhổ sáu bông lúa vậy. Anh lính nói với người kia:
– Liệu anh có đồng ý làm đồ đệ của ta và cùng ta đi chu du thiên hạ không?
Người kia đáp:
– Điều đó có thể được. Nhưng trước tiên, tôi phải mang bó củi nhỏ này về cho mẹ tôi đã.
Thế rồi người kiếm củi lấy một cây vặn làm lạt, bó nắm cây kia lại thành bó, xốc lên vai và mang về nhà. Một lát sau, anh trở lại chỗ người lính đợi. Người lính bảo:
– Hai chúng ta chắc chắn thế nào cũng đi khắp thế gian.
Đi được một lát, hai thầy trò trông thấy một người thợ săn đang quỳ, tay vừa mới nạp đạn xong, hình như đang ngắm bắn một vật gì đó.
Người lính hỏi:
– Bác thợ săn ơi, bác tính ngắm bắn cái gì thế?
Người đi săn đáp:
– Cách đây hai dặm có một con ruồi đậu trên cành cây sồi, tôi muốn bắn lòi con ngươi mắt trái của nó.
Người lính nói:
– Ồ, thế thì hay quá, bác đi với tôi, ba chùng ta chắc chắn sẽ đi được khắp thế gian.
Người thợ săn bằng lòng đi cùng. Ba người tới một khu có bảy cái cối xay gió, cánh quạt bay vù vù mà tứ phía quanh đó không hề có tí gió nào thổi, không có lấy một chiếc lá đung đưa. Người lính hỏi:
– Không có tí gió nào thổi mà sao cánh quạt cối xay lại quay tít mù thế nghĩa là thế nào, tôi không hiểu được?
Ba người lại tiếp tục cuộc hành trình. Đi được chừng hai dặm, họ nhìn thấy một người vắt vẻo trên cây, tay bịt một lỗ mũi, thở ra bằng lỗ mũi kia. Người lính hỏi:
– Anh bạn thân mến, cậu chơi cái trò gì ở trên đó?
Người kia đáp:
– Cách đây hai dặm có bảy chiếc cối xay gió, hơi tôi thở ra làm cả bảy cái quay tít, các anh có thấy không?
Người lính nói:
– Ồ, thế thì hay quá, cậu đi với chúng tôi. Cả bốn chúng ta hợp sức với nhau, chắc thế nào cũng đi được khắp thế gian.
Người thổi gió trèo xuống, cùng đi với ba người kia. Đi được một lúc, bốn người trống thấy một anh chàng đứng bằng một chân, chân kia tháo ra để bên cạnh. Người lính trưởng toán nói:
– Cậu tháo bớt một chân ra để nghỉ cho thoải mái phải không?
Người kia đáp:
– Nghề tôi là nghề chạy: khi tôi chạy bằng hai chân thì nhanh hơn cả chim bay, tôi đi bộ cũng bằng người khác chạy nhanh, vì thế nên tôi tháo bớt một chân để đi là vừa.
– Ồ, thế thì hay quá, cậu đi với chúng tớ, năm chúng ta hợp sức nhau, chắc thế nào cũng đi được khắp thế gian.
Người kia nhập bọn đi cùng. Họ đi được một lát thì gặp một người đội mũ lệch hẳn sang một bên, chụp kín cả một bên tai. Người lính trưởng toán nói:
– Lịch sự quá nhỉ! Đội mũ lệch sang một bên, chen kín cả tai, cậu trông cứ như thằng hề Han-xơ ấy.
Người kia đáp:
– Tôi phải đội vậy vì nếu để mũ cho thật cân đối, lập tức trời sẽ rét cắt da cắt thịt, chim đang bay trên trời cũng chết cóng mà rơi xuống đất.
Người lính nói:
– Thế thì hay quá. Cậu đi với chúng tớ nhé. Sáu chúng ta hợp sức với nhau, chắc thế nào cũng đi được khắp thế gian.
Sáu người đến một thành phố, nơi đây vua mới ra chiếu chỉ. Ai chạy thi với công chúa mà thắng, người đó sẽ được làm phò mã, nhưng nếu thua cuộc thì sẽ mất đầu.
Người lính trưởng toán xin vào trình diện và nói:
– Muôn tâu thánh thượng, hạ thần xin được phép cho môn đệ chạy thi thay hạ thần.
Nhà vua phán:
– Được, nhưng nếu thua cuộc thì cả thầy lẫn trò đều mất đầu.
Khi đôi bên thỏa thuận và ký giao kèo xong, người lính trưởng toán lắp nốt chân kia vào cho người có nghề chạy và dặn:
– Cố chạy nhanh như bay để chúng ta thắng cuộc nhé!
Điều lệ thi qui định như sau: Ai mang được nước lấy ở giếng rất xa mà về đích trước, người đó thắng cuộc. Anh chạy nhanh và công chúa, mỗi người lĩnh một cái bình to như nhau, khởi hành cùng một lúc. Trong nháy mắt, nh chàng đã co cẳng chạy nhanh đến nỗi chỉ còn nghe tiếng gió ào ào, người đi xem không một ai nhìn thấy chàng đâu nữa. Trong khi đó công chúa mới chạy được một quãng ngắn. Chỉ một lát sau là anh đã tới giếng, lấy đầy bình nước vội chạy trở về. Nhưng mới tới giữa đường, tự nhiên một cơn buồn ngủ ập đến, làm anh chỉ kịp đặt bình nước xuống là lăn ra ngáy khò khò. Anh gối đầu lên một cái sọ ngựa, nghĩ rằng sọ ngựa rắn và gồ ghề thì không thể ngủ lâu được. Trong khi đó công chúa – một người xưa nay có tiếng chạy nhanh đã tới được bên giếng, lấy bình nước và đang trên đường trở về đích. Công chúa thấy địch thủ của mình nằm ngủ li bì thì tỏ ra khoái chí và nói:
– Phần thắng đã nằm trong tay ta rồi!
Nàng đổ bình nước của địch thủ rồi co cẳng chạy tiếp.
Có thể nói gần như chắc chắn là anh chàng có tài chạy nhanh kỳ này sẽ thua cuộc, nhưng may thay người thợ săn theo dõi cuộc thi rất sát. Vốn tinh mắt, lại đứng trên lâu đài nên bác trông rõ hết sự việc. Bác nói:
– Công chúa không thể thắng chúng ta được!
Bác nạp đạn, giương súng bắn vỡ tan chiếc sọ ngựa mà anh chàng kia không hề bị thương tích gì cả. Anh chàng thức giấc, vội chồm dậy, thấy bình của mình chỉ còn là bình không, còn công chúa đang trên đường về đích, chạy vượt anh một quãng đường khá dài. Không hề nản chí, anh xách bình chạy trở lại giếng để lấy nước. Anh còn đuổi kịp công chúa ở dọc đường và về đích trước công chúa mười phút.
Anh nói:
– Các anh thấy không, lúc trước tôi đã thực sự chạy đâu, giờ tôi mới nhấc cẳng cho biết tài đấy.
Chuyện thua cuộc làm cho nhà vua buồn phiền, công chúa mất ăn ngủ. Sao lại có chuyện một anh lính tầm thường – lại đã bị giải ngũ – thắng công chúa trong cuộc tranh tài? Vua và công chúa bàn nhau, tìm cách hãm hại người lính trưởng toán cùng bè bạn của anh ta.
– Cha đã nghĩ ra một kế, con khỏi phải sợ. Chúng sẽ không thoát khỏi nơi đây mà về tới nhà đâu.
Vua bảo cả toán:
– Giờ thì các ngươi có thể ăn uống cho thỏa chí, mừng thắng lợi của các ngươi.
Rồi vua dẫn họ tới một căn phòng, sàn nhà, cánh cửa ra vào đều làm bằng sắt, chấn song cửa sổ cũng bằng sắt, tiệc đã bày sẵn trên một chiếc bàn ở giữa sàn nhà, toàn là sơn hào hải vị.
Vua nói:
– Các ngươi cứ vào tự nhiên, nhớ ăn uống cho thỏa chí nhé!
Khi sáu người đã ngồi vào bàn tiệc, vua sai quân lính đóng cửa ra vào và khóa lại. Rồi vua ra lệnh cho đầu bếp đốt lò ở dưới sàn nhà cho sắt đỏ lên. Đầi bếp vâng lệnh đốt lò. Sáu người ngồi ăn được một lúc thì thấy oi bức nóng nực, rồi sức nóng lại cứ ngày một tăng lên. Trong bọn họ đã có người đứng dậy tính đi ra ngoài, nhưng cửa sổ cũng như cửa ra vào đều đóng chặt. Bấy giờ họ mới biết nhà vua đã dã tâm muốn thiêu chết bọn họ.
Anh chàng đội mũ lệch nói:
– Nhà vua chẳng thực hiện được ý đồ độc ác của hắn đâu mà lo. Tôi sẽ khiến một cơn rét ghê gớm ập tới, đến nỗi lửa cũng phải ngán mà tháo lui.
Anh sửa mũ cho ngay ngắn lại, lập tức một cơn rét ập tới, làm căn phòng hết oi bức, những món ăn trên bàn bắt đầu đông lại.
Mấy giờ đã trôi qua, vua đinh ninh sáu người đã chết thiêu trong phòng, liền sai mở cửa, rồi thân hành đến xem. Nhưng khi cửa mở rộng, vua thấy sáu người đang đứng nói chuyện vui vẻ và họ còn xin ra ngoài một chút để sưởi ấm, vì trong buồng lạnh đến nỗi các món ăn đều đông cả lại.
Nhà vua tức điên người, đi tìm đầu bếp, la hét om xòm, hỏi tại sao y không thi hành đúng như lệnh truyền. Đầu bếp tâu:
– Bệ hạ xem đấy, thần nung đỏ như thế còn gì!
Đầu bếp dẫn vua đi xem, dưới buồng sắt, các lò đều rực lửa. Vua nghĩ, làm kiểu này chẳng ăn thua tới bọn chúng.
Rồi vua ngồi tính kế khác để hãm hại sáu người khách khó chịu. Vua cho đòi người lính toán trưởng đến và phán:
– Nếu ngươi từ bỏ ý định lấy công chúa mà đồng ý lấy vàng thì ngươi muốn lấy bao nhiêu vàng ta cũng cho.
Người lính nói:
– Muôn tâu bệ hạ, nếu vậy chỉ xin bệ hạ ban đủ số vàng mà môn đệ của hạ thần có thể mang vác trên vai, lúc ấy hạ thần không dám đòi lấy công chúa nữa.
Vua rất hài lòng về chuyện ấy. Người lính nói tiếp:
– Trong vòng nửa tháng nữa hạ thần xin trở lại để lấy vàng.
Sau đó, anh thuê thợ may cả nước tới, hẹn họ may trong nửa tháng phải xong một cái bao. Bao này sẽ giao cho người khỏe nhất – người nhổ cây như nhổ cỏ – vắt lên vai đi với người lính vào gặp vua.
Lúc đó vua nói:
– Sao lại có người to cao dễ sợ vậy? Ngươi vắt trên vai chiếc bao tải to bằng cái nhà để làm gì đấy?
Nhà vua đâm ra lo sợ, nghĩ bụng: “Cái thằng này chắc sẽ vác được nhiều vàng lắm đây!”
Vua sai mang ra một tấn vàng. Phải mười sáu người lực lưỡng mới khuân ra nổi, thế mà anh chàng kia chỉ cầm một tay nhẹ nhàng bỏ tấn vàng vào bao tải và nói:
– Sao không mang thật nhiều cùng một lúc! Ít như thế này chỉ dính đáy bao.
Toàn bộ vàng bạc châu báu ở các kho của vua đều đã chở tới, anh chàng kia trút cả vào mà vẫn chưa được lưng bao.
Anh ta nói:
– Mang nữa đến đây! Chỉ có mấy mẩu con con làm sao đầy được bao?
Bảy ngàn xe vàng được mang từ khắp nơi trong nước tới, lực sĩ ném cả xe lẫn bò vào bao và nói:
– Chẳng cần coi xét mất thì giờ, tôi nhận hết, miễn sao cho đầy bao là được.
Khi đã cho hết tất cả vào trong bao tải, anh ta nói:
– Dù bao chưa đầy, tôi cũng thắt đầu bao lại vậy.
Anh vác bao lên vai, rồi cùng các bạn lên đường.
Thấy của cải bị mất sạch, nhà vua nổi cơn thịnh nộ, truyền cho kỵ binh phóng ngựa đuổi theo, lấy lại bao tải từ tay lực sĩ kia.
Chẳng mấy chốc hai đạo binh đã đuổi kịp sáu người. Viên tướng chỉ huy hét lớn:
– Chúng bay đã bị bắt! Bỏ ngay bao tay vàng xuống, nếu không sẽ bị phanh thây!
Người thổi gió nói:
– Bọn bay nói cái gì? Chúng tao là tù nhân hả? Tất cả bọn bay sẽ được nhảy múa lung tung trong không trung cho coi!
Người ấy bịt một lỗ mũi, rồi dùng lỗ mũi kia thổi bay cả hai đạo kỵ binh lên tận trời xanh, mỗi người một nẻo, kẻ trên ngọn núi này, người vắt vẻo trên đỉnh núi khác.
Một viên đội già kêu xin, nói rằng có chín vết thương và là một người hiền lành tử tế, không đáng bị tội như thế. Nghe vậy, người thổi gió thổi nhè nhẹ để người kia rơi từ từ xuống đất, không bị thương tích gì. Rồi người thổi gió bảo hắn:
– Giờ hãy về tâu vua, cho thêm kỵ binh tới, ta muốn cho chúng đi du ngoạn vào không trung cho vui!
Khi biết được tin đó, vua nói:
– Thôi, cứ để cho chúng đi, chúng có phép thần thông đấy.
Sáu người mang của cải về nhà, chia nhau cùng hưởng và sống vui sướng trọn đời.
72. Chó sói và người
Một lần cáo kể cho sói nghe về sức mạnh ghê gớm của con người, không có vật nào địch nổi. Để bảo vệ thân mình loài vật chỉ còn cách dùng mưu trí. Nghe vậy sói nói:
– Tớ chỉ cần nhìn thấy người là tớ dám nhảy tới vồ.
– Việc ấy tớ có thể giúp cậu. Sớm mai lại tớ, tớ chỉ cho một người.
Sớm tinh mơ sói đã đến. Cáo dẫn sói tới nấp bên đường mà người thợ săn hàng ngày vẫn đi qua. Một người lính về hưu đi tới. Sói hỏi:
– Có phải đó là một con người không?
– Không phải, nó đã từng là một người.
Lát sau có một em nhỏ cắp cặp đi học.
– Có phải đó là một con người không?
– Không, nó sẽ trở thành người.
Cuối cùng có một người thợ săn đi tới, lưng đeo súng hai nòng, bên sườn đeo một con dao găm. Lúc đó cáo nói với sói:
– Có một người đang đi từ phía kia lại, cậu nhìn thấy không, đấy cứ việc xông lại vồ, nhưng để tớ chạy về hang cái đã.
Sói tiến về phía người thợ săn. Thoáng nhìn thấy sói người thợ săn nói:
– Thật đáng tiếc! Mình lại chưa nạp đạn vào súng.
Nạp đạn xong người thợ săn ngắm thẳng vào mặt sói bắn một phát. Sói nhăn cái mặt méo xệch đi vì đau nhưng nó không hề sợ hãi mà vẫn tiến lại, người thợ săn bắn tiếp phát thứ hai. Nghiến răng sói chồm lên vồ người thợ săn tức thì bị người thợ săn rút dao găm đâm cho mấy nhát vào cả bên phải lẫn bên trái. Máu chảy đầy mình, sói kêu rống lên tìm đường chạy về hang cáo. Cáo hỏi:
– Thế nào, anh bạn sói, anh đã hạ được thằng người đó chưa?
– Chà, tớ không ngờ con người nó khỏe như vậy. Thoạt tiên nó rút một cái gậy ở trên vai xuống rồi thổi cái gì đó vào thẳng mặt tớ làm tớ đau cùng mình, rồi nó lại thổi tiếp lần nữa thì có cái gì đó nhanh như chớp và nhiều như mưa đã cắm quanh mũi tớ, và khi tới tới sát nó, lúc ấy nó rút ở người ra một cái xương sườn bóng loáng và đâm tới tấp vào tớ, tớ tưởng nằm chết thẳng cẳng tại chỗ.
Nghe xong cáo nói:
– Cậu thấy chưa, cậu đúng là đồ nói khoác, giờ thì biết sức mạnh của con người rồi chứ!
73. Chó sói và cáo
Sói và cáo sống chung, cái gì sói muốn là cáo phải làm, vì trong hai thì cáo là kẻ yếu nhất. Cáo cũng rất muốn thoát ra khỏi cảnh này.
Có lần cả hai đi qua rừng, sói nói:
– Này cáo, kiếm cái gì cho ta ăn đi, không ta sẽ ăn thịt mi.
Cáo đáp:
– Tôi biết ở gần đây có nhà nông dân, ở đó có nuôi cừu. Nếu anh ưng thì cả hai ta bắt lấy một con.
Sói thấy cũng được. Cả hai tới đó, cáo bắt một con cừu non đem nộp chó sói, rồi chạy đi chỗ khác. Sói ăn hết con cừu non nhưng vẫn còn thấy thòm thèm nên tự mình vào bắt cừu. Sói vốn to và không khéo luồn lách nên cừu mẹ phát hiện và be be ầm lên, nó gắng sức la thật to làm cho nông dân ở đó chạy vội ra. Sói bị một trận đòn nhừ tử, nhưng cũng cố lết tới chỗ cáo. Sói nói:
– Mi đã chỉ cho ta chỗ có cừu và đã bắt thử cho ta một con, nhưng khi ta định bắt con khác thì bị nông dân chạy ra tóm được, đánh ta một trận nên thân, mềm nhũn cả người.
Cáo đáp:
– Đúng anh quân ăn không biết no!
Một ngày kia, cả hai ra cánh đồng, sói lại bảo:
– Này cáo, kiếm cái gì cho ta ăn đi, không ta sẽ ăn thịt mi.
Cáo đáp:
– Tôi biết ở gần đây có nhà nông dân, bà chủ nhà đang làm bánh ngọt, chúng ta lấy ít ra ăn đi.
Cả hai đi tới đó, cáo luồn lách quanh nhà, ngó và nấp nhìn xem chìa khóa treo ở chỗ nào, lấy chìa mở cửa và mang ra sáu cái bánh ngọt cho sói. Nó bảo sói:
– Đồ ăn của anh đây.
Rồi cáo chạy tung tăng đi chỗ khác. Chỉ trong nháy mắt, sói đã nuốt chửng hết bánh ngọt. Nó nói:
– Càng ăn càng thấy ngon miệng.
Sói tự mình đi lấy bánh. Nó giật chùm chìa khóa mạnh tới mức, chìa khóa tung ra kêu loẻng xoẻng trên sàn nhà. Bà chủ nhà chạy kêu hàng xóm, họ chạy tới đánh cho sói một trận tới tấp làm cho sói chỉ còn cách cố lết về với cáo. Sói nói:
– Mi đã chỉ cho ta cách mà ta vẫn bị nông dân đón đánh cho mềm cả da.
Cáo nói:
– Đúng anh quân ăn không biết no!
Ngày thứ ba cả hai lại đi, sói tập tễnh đi cùng. Sói lại nói:
– Này cáo, kiếm cái gì cho ta ăn đi, không ta sẽ ăn thịt mi.
Cáo đáp:
– Tôi biết, một người đàn ông mới mổ heo, thịt còn đang ướp ở thùng trong căn hầm. Ta đi lấy ăn đi.
Sói nói:
– Nhưng để ta đi cùng, nếu ta có sao thì mi giúp ta nhé.
Cáo đáp:
– Tôi thế nào cũng được.
Cả hai rón rén men theo đường mòn và lẻn vào trong căn hầm. Thịt chất đầy thùng, sói ta ăn ngay lập tức, nó nghĩ:
– Tới khi mình ngưng ăn thì còn chán thời gian.
Cáo vừa ăn vừa ngó nghiêng canh chừng, thỉnh thoảng tới gần chỗ chui ra, để ý xem có dễ chui ra không. Sói thấy thế hỏi:
– Cáo thân mến, sao mi lại cứ chạy ra chạy vào, nhảy hết chỗ này đến chỗ khác?
Cáo ranh mãnh đáp:
– Để canh chừng xem có ai tới không. Ăn vừa vừa thôi anh Sói!
Sói bảo:
– Tôi chỉ rời khỏi nơi này khi nào chỉ còn thùng không!
Nghe chân cáo chạy trong tầng hầm, bác nông dân đi tới.
Thấy có bóng người đang tới, cáo nhảy phốc ra ngoài, sói cũng tính nhảy ra theo, nhưng nó ăn quá no, nên không chui ra được, bị mắc kẹt lại. Bác nông dân chạy tới, tay cầm gậy lớn, bác vung gậy phang liên tiếp làm cho sói chết ngay tại chỗ.
Cáo chạy ngay vào trong rừng. Nó mừng vui vì đã thoát được tay Quân ăn không biết no.
74. Cáo làm cha đỡ đầu
Sói cái sinh con trai, cho mời cáo đến làm cha đỡ đầu. Mụ nói:
– Bác ta là chỗ bà con họ hàng gần của mình, rất thông minh, nhanh trí, khéo léo mọi bề. Bác ấy mà dạy dỗ con mình thì nó ra đời mới nở mày nở mặt được với thiên hạ.
Cáo đứng dậy trịnh trọng đáp lại:
– Thưa bác, được bác tín nhiệm tôi rất lấy làm hân hạnh và xin đa tạ lòng quý mến của bác. Tôi xin cố gắng dạy dỗ cháu học hành tấn tới để bác được vui lòng.
Trong bữa tiệc mừng cáo ngồi đánh chén cẩn thận từ đầu tới cuối và nói chuyện bông đùa vui vẻ với mọi người. Ăn xong cáo nói:
– Bác sói thân mến, nuôi nấng dạy dỗ đứa trẻ là nhiệm vụ của chúng ta. Bác phải có thức ăn ngon cho cháu để nó mau khôn lớn, khỏe mạnh. Tôi biết một chuồng cừu, bọn ta kiếm miếng ngon ở đấy cũng dễ thôi.
Sói cái nghe bùi tai, liền đi cùng với cáo tới trang trại của gia đình nông dân kia. Cáo chỉ cho sói chuồng cừu ở phía xa và bảo:
– Bác có thể lần vào đấy, không ai thấy đâu. Trong khi đó tôi đi vòng sang phía bên kia xem có tím được con gà con qué nào không.
Thực ra cáo chẳng đi đâu cả, nó nằm ngay ở cửa rừng, duỗi chân nằm dài ở đó phơi nắng nghỉ ngơi.
Sói cái lần vào chuồng gặp ngay phải một con chó, chó sủa ầm lên làm cho nông dân chạy ùa ra tóm ngay được sói, đổ nước giặt pha bằng tro lên da nó mà đánh. Nhưng sau sói cũng tháo chạy, ráng sức lê ra tới cửa rừng.
Cáo vẫn nằm đấy, thấy sói nó làm ra bộ khổ sở, than vãn:
– Trời, bác sói ơi, tôi vừa bị một trận nên thân. Nông dân nọ nhảy ùa ra nện cho tôi một trận nhừ tử, mềm nhũn cả người. Nếu bác không định bỏ tôi nằm chết ở đây thì bác phải khiêng tôi đi.
Bản thân sói cũng phải ráng sức mà lết đi, nhưng nó lại băn khoăn lo ngại cho cáo nên đành cõng cáo trên lưng, sói phải ráng sức lết cõng ông bố đỡ đầu lành lặn, khỏe như vâm về đến tận nhà.
Về tới nhà cáo bảo sói:
– Thôi xin chào bác sói. Chúc bác có thịt quay ngon ăn.
Cáo cười rũ rượi rồi nhảy mất.
75. Cáo và mèo
Câu chuyện xảy ra như sau: mèo gặp cáo trong rừng, mèo nghĩ: “Ông cáo là người biết điều và từng trải, thiên hạ đều kính nể.”
Cho nên mèo bắt chuyện rất thân mật:
– Xin chào ông cáo thân mến. Chắc ông vẫn mạnh? Vẫn khỏe?
Cáo vốn tự cao tự đại, ngắm nhìn mèo từ đầu đến chân, nghĩ mãi không biết có nên trả lời hay không. Cuối cùng cáo nói:
– Ồ, cái đồ gãi ria đáng thương kia! Đồ ngốc lốm đốm! Đồ săn chuột! Mi nghĩ sao? Liệu mi có xứng đáng không mà dám mở mồm hỏi sức khỏe của ta? Mi đã học hành được những gì? Mi biết những tài nghệ gì nào?
Với lời khiêm tốn mèo trả lời:
– Tôi chỉ có một tài duy nhất.
Cáo hỏi dồn:
– Tài đó là tài gì nào?
– Khi chó đuổi tới sát nách thì tôi có thể nhảy phắt lên cây để cứu mình khỏi nanh vuốt chó.
Cáo nói:
– Chỉ có thế thôi ư? Ta đây thông thạo trăm thuật khác nhau, ngoài ra ta còn có một cái đầu mưu trí. Mi làm ta thấy thương hại quá, hãy đi với ta, ta sẽ dạy cho cách thoát thân lũ chó.
Vừa lúc ấy, có bốn con chó săn cùng người thợ săn đi tới. Thoắt một cái, mèo nhảy lên cây và ngồi tít trên ngọn cây, nơi cành lá che kín mít. Mèo gọi cáo:
– Hãy mở túi càn khôn ra, ông cáo, hãy mở ngay túi càn khôn ra!
Nhưng đàn chó đã bắt được cáo và túm chặt lấy.
Mèo kêu:
– Trời ơi, ông cáo, ông có trăm thuật mà bị mắc như gà mắc tóc thế. Giá kể ông giỏi leo như tôi thì đâu đến nỗi mất mạng.