76. Sự tích hoa cẩm chướng

Đã nhiều năm trôi qua mà hoàng hậu vẫn chưa có con, vì thế sáng nào hoàng hậu cũng ra vườn thượng uyển quay về phía mặt trời cầu xin thượng đế rộng lòng thương cho một mụn con, dù đó là con trai hay con gái.
Một ngày kia có thiên thần từ trên trời xuống và bảo:
– Hoàng hậu cứ yên tâm, hoàng hậu sẽ sanh con trai. Hoàng tử là người có phép lạ, những gì hoàng tử mong muốn là sẽ có thực.
Hoàng hậu nói lại tin mừng với nhà vua. Sau thời gian hoàng hậu sinh con trai, nhà vua hết sức vui mừng.
Khi hoàng tử đã biết đi, sáng nào hoàng hậu cũng dẫn con trai đi dạo chơi trong vườn bách thú, rửa tay chân ở những giếng nước trong veo. Có lần hoàng tử nằm trong lòng mẹ ngủ, hoàng hậu cũng ngủ say luôn mà không hề hay biết. Giữa lúc đó thì người đầu bếp già đi tới, bác biết rằng đứa trẻ có phép lạ, nên bế đứa bé đem giấu kín ở một nơi do một vú nuôi cho bú. Bác đem cắt tiết một con gà mái, lấy máu rỏ vào tạp dề và áo quần của hoàng hậu, rồi chạy đi tâu thưa với nhà vua rằng hoàng hậu đã để thú dữ vồ bắt mất hoàng tử. Khi chính mắt mình nhìn thấy máu vấy ở tạp dề và áo quần của hoàng hậu thì nhà vua lại càng tin lời nói của người đầu bếp là đúng. Nhà vua nổi giận, sai xây một cái tháp thật sâu, sâu đến nỗi ánh sáng mặt trời cũng như mặt trăng không bao giờ chiếu tới. Lối ra vào tháp được xây kín lại sau khi đã nhốt hoàng hậu ở trong đó, hoàng hậu sẽ bị nhốt bảy năm liền, không ai được phép mang đồ ăn thức uống cho hoàng hậu để bà bị chết dần chết mòn ở trong tháp.
Tưởng chừng cuộc đời hoàng hậu kết thúc như vậy, nhưng thượng đế cho hai thiên thần hiện hình là hai con chim bồ câu trắng hàng ngày hai lần bay vào trong tháp mang theo đồ ăn thức uống cho hoàng hậu, chim nuôi hoàng hậu như vậy tới khi hạn bảy năm đã hết.
Người đầu bếp vẫn làm trong cung vua, có lần bác nghĩ, đứa trẻ có phép lạ, nếu mình cứ ở đây mãi rất có thể mình gặp rủi ro vì nó. Nghĩ vậy nên bác trốn khỏi cung vua tới chỗ đứa bé. Đứa bé giờ đã lớn, tự biết rằng mình có phép lạ, thấy bác đầu bếp em nói:
– Bác có muốn sống trong cung điện nguy nga có vườn thượng uyển không?
Lời nói em vừa dứt thì toàn cảnh cung điện và vườn hiện ra đúng như điều em ước.
Sống như vậy được một thời gian, một hôm bác nói với hoàng tử:
– Sống một mình mãi con sẽ thấy buồn. Sao con không ước có một người vợ hiền sống chung.
Lời mong ước của hoàng tử đã thành sự thực, đứng trước hoàng tử là một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, đẹp hơn cả người trong tranh. Hai người rất thương yêu nhau, thường cùng nhau đi dạo chơi trong vườn thượng uyển, còn đầu bếp thì hay đi săn, dáng nom như một nhà quý tộc.
Có lần bác chợt nghĩ, rất có thể hoàng tử lại ước được sống cạnh vua cha, và lúc đó bác không biết sẽ tính sao cho thoát chết. Bác gọi thiếu nữ cùng đi dạo trong vườn và nói:
– Đêm nay, khi hoàng tử ngủ say, hãy tới bên giừng lấy dao nhọn đâm xuyên tim, rồi mang tim và lưỡi của nó cho ta, nếu không làm đúng như lời ta dặn thì mất mạng đấy.
Nói rồi bác bỏ đi. Ngày hôm sau bác đến chỗ thiếu nữ và hỏi. Thiếu nữ đáp:
– Tại sao con lại đi hại một người vô tội, một người chẳng hại ai bao giờ.
Bác đầu bếp lại nói:
– Nếu con không làm việc đó thì con phải thế mạng mình vào đó.
Khi người đầu bếp đi khỏi, nàng sai người bắt một con hươu đem làm thịt, lấy tim và lưỡi để lên một cái đĩa. Nhìn qua cửa sổ nàng thấy bác đầu bếp đang đi tới, nàng bảo hoàng tử:
– Chàng hãy lên giường trùm chăn.
Bác đầu bếp độc ác vừa mới bước vào đã hỏi ngay:
– Tim và lưỡi của hoàng tử đâu?
Thiếu nữ đưa cho bác cái đĩa, còn hoàng tử thì tung chăn ra và quát:
– Này ông già tội lỗi kia, cớ sao ông lại muốn giết tôi? Giờ tôi nói cho ông nghe, ông sẽ biến thành con chó mực, cổ đeo xích vàng, chỉ ăn than hồng nên bao giờ cũng có ngọn lửa đỏ thổi ra từ mõm.
Lời nói vừa chấm dứt thoì người đầu bếp già biến thành một con chó mực cổ đeo xích vàng. Những người làm việc ở nhà bếp phải mang than đỏ hồng đến cho chó mực ăn, ăn xong từ mõm chó luôn luôn có ngọn lửa đỏ thổi ra.
Ngồi một lát bỗng hoàng tử thấy nhớ mẹ, nghĩ không biết hoàng hậu còn sống hay đã chết. Chàng nói với thiếu nữ:
– Ta muốn trở về quê hương xứ sở, nếu nàng muốn về cùng, chúng ta sẽ cùng sống bên nhau.
Thiếu nữ đáp:
– Đường sá xa xôi, lạ nước lạ cái chẳng ai biết mình, liệu biết làm gì mà sống.
Lòng nàng chẳng muốn đi theo, nhưng cả hai lại không muốn phải biệt ly nhau nên chàng để nàng hóa thành một bông hoa cẩm chướng tươi đẹp và chàng luôn luôn mang theo bên mình.
Hoàng tử lên đường trở về quê hương xứ sở, con chó mực lẽo đẽo chạy theo sau. Chàng đi tới bên tháp nơi mẹ chàng bị nhốt. Vì tháp quá cao nên chàng nói ước ao có một chiếc thang thật dài để leo lên. Một chiếc thang dài bắc tới tận ngọn tháp hiện ra, chàng leo lên, từ trên đỉnh tháp chàng nhìn xuống và gọi:
– Hoàng hậu, mẹ yêu quý của con, mẹ còn sống hay là đã chết?
Tiếng bà đáp vọng lên:
– Mẹ vừa mới ăn xong và hãy còn no.
Bà nghĩ, có lẽ các thiên thần lại đến.
Hoàng tử nói:
– Con của mẹ đây, đứa con mà mọi người đinh ninh rằng đã bị thú dữ tha đi mất; con hãy còn sống và về để tìm cách cứu mẹ.
Rồi chàng xuống thang, đi đến cung vua. Chàng nói với lính canh rằng mình là người thợ săn từ xa tới, muốn được làm thợ săn của nhà vua. Nhà vua truyền lệnh cho lính canh, nếu là thợ săn giỏi, có thể săn bắn thú cung cấp đủ cho bếp của nhà vua thì cho vào yết kiến.
Đã lâu nay, ở khu vực quanh cung vua cũng như ở những vùng giáp giới không có chim muông gì cả. Người thợ săn hứa rằng mình có thể săn bắn được đủ thứ thịt thú để nhà vua làm tiệc thết đãi.
Nói rồi, chàng cùng với toán thợ săn của mình vào rừng săn bắn. Chàng cùng với họ quây thành một vòng lớn để ngỏ một đường thoát chạy. Vòng săn đã sẵn sàng, chàng đứng thỉnh cầu. Chỉ một lát sau có hai trăm con thú chạy vào vòng săn, thợ săn chỉ còn mỗi việc là giương súng bắn. Thú bắn được nhiều đến nỗi chở sáu chục xe mới hết. Đã lâu lắm trong cung vua mới lại có một bữa tiệc thịt thú rừng linh đình như vậy.
Nhà vua mừng lắm, cho triệu tất cả quần thần trong triều tới ăn tiệc, một bữa tiệc thật lớn. Khi quần thần đã tới đông đủ, nhà vua bảo người thợ săn:
– Do tài săn bắn của ngươi mà có bữa tiệc hôm nay, ngươi lại đây ngồi cạnh trẫm.
Người thợ săn nói:
– Muốn tâu hoàng thượng, thần chỉ là một tên thợ săn loại tồi.
– Người lại đây ngồi cạnh trẫm.
Nhà vua nhắc đi nhắc lại tới khi người thợ săn lại ngồi cạnh mới thôi.
Ngồi cạnh vua chàng thợ săn lại nhớ tới người mẹ thân yêu của mình. Chàng thầm mong sẽ có một người nào đó trong đám quần thần của nhà vua lên tiếng hỏi, không biết hoàng hậu giờ này thế nào, không biết bà còn sống hay đã chết dần chết mòn ở trong tháp. Vừa mới thầm mong thì tể tướng đã cất lời:
– Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng cùng quần thần sống những giờ phút vui vẻ, không hiểu giờ này hoàng hậu sống ra sao ở trong tháp, liệu còn sống hay là đã chết mòn mỏi ở trong đó.
Nhà vua đáp:
– Hoàng hậu đã để thú dữ tha đi mất hoàng tử con ta, trẫm không muốn nhắc đến chuyện đó.
Nhà vua vừa dứt lời thì người thợ săn đứng dậy nói:
– Kính thưa vua cha, hoàng hậu hãy còn sống, và chính thần là con hoàng hậu. Không phải thú dữ tha mất hoàng tử mà chính là tên già độc ác kia, tên đầu bếp. Chính hắn lừa lúc hoàng hậu thiu thiu ngủ mà bắt cóc hoàng tử đi, lấy máu gà rỏ vào tạp dề, áo quần của hoàng hậu.
Sau đó chàng dắt con chó mực đeo xích vàng lại và nói tiếp:
– Đây chính là tên già độc ác ấy.
Chàng cho mang than đỏ hồng tới, trước mặt nhà vua cùng triều đình chó ăn than hồng, rồi từ mồm nó thở ra những ngọn lửa hồng.
Nhà vua ngạc nhiên và hỏi, liệu có thể để nó hiện nguyên hình được không. Chàng lại cầu mong, biến cho chó hiện nguyên hình là tên đầu bếp già đeo tạp dề trắng, tay cầm dao.
Nhìn thấy đúng là tên đầu bếp khi xưa của mình, nhà vua nổi giận, truyền sai ném hắn vào ngục tối.
Sau đó người thợ săn nói tiếp:
– Thưa vua cha, không biết vua có muốn thấy người con gái dịu hiền đã nuôi hoàng tử không? Đó cũng chính là người được lệnh phải giết hoàng tử mà không chịu làm, mặc dù trái lệnh là đùa với cái chết.
Nhà vua đáp:
– Tất nhiên trẫm cũng muốn được nhìn thấy…
Hoàng tử nói:
– Kính thưa vua cha, cha sẽ nhìn thấy người ấy mang hình một bông hoa tuyệt đẹp.
Chàng lấy từ trong túi áo ra một bông hoa cẩm chướng đặt lên bàn tiệc, hoa đẹp tuyệt trần, trong đời mình nhà vua chưa từng thấy bông hoa nào đẹp như thế.
Rồi chàng nói:
– Giờ vua cha sẽ nhìn thấy dung nhan người con gái ấy.
Chàng hóa phép biến bông hoa thành một thiếu nữ, người thiếu nữ đứng bên cạnh chàng, nàng đẹp hơn cả người đẹp trong tranh.
Nhà vua truyền sai hai nữ tì và hai người leo xuống hầm sâu dưới tháp đón hoàng hậu về dự tiệc. Tới bàn tiệc hoàng hậu không ăn uống gì cả và nói:
– Nhờ thượng đế rủ lòng thương mà thiếp còn tồn tại, nhưng thiếp cũng sắp được siêu thoát.
Hoàng hậu chỉ sống thêm có ba ngày rồi vĩnh biệt ra đi. Khi đưa đám hoàng hậu có hai con chim bồ câu trắng bay theo, đó chính là hai con chim vẫn mang đồ ăn thức uống cho bà khi bị giam ở trong tháp, đó cũng chính là hai thiên thần từ trên trời xuống. Tên đầu bếp độc ác bị nỗi buồn khổ vô hạn gặm nát tim hắn, chẳng mấy lúc mà hắn tắt thở.
Hoàng tử cưới thiếu nữ xinh đẹp kia, đó chính là bông hoa cẩm chướng mà hoàng tử vẫn mang theo túi áo mình.

77. Ả Gretel tinh ranh

Ngày xưa có một ả làm bếp tên là Gretel. Ả đi giầy đế đỏ. Mỗi khi đi ra ngoài với đôi giày ấy, ả quay người tự ngắm mình, rồi tủm tỉm cười nói một mình:
– Mình là cô gái xinh đẹp đấy chứ?
Mỗi khi đi đâu về, ả vui vẻ làm một ngụm rượu vang. Rượu vào thì lại thích nhắm, ả chọn món gì ngon nhất, nếm cho đến khi nó chán mới thôi. Ả nghĩ:
– Đầu bếp phải nếm xem nấu có ngon không?
Có lần ông chủ bảo ả:
-Gretel , hôm nay có khách tới. Làm thịt hai con gà và nấu cho thật ngon nhé!
Gretel đáp:
– Thưa ông chủ, việc ấy con sẽ làm.
Ả bắt gà làm thịt, giội nước sôi, làm lông, xiên gà, rồi chập tối treo lên bếp quay. Gà đã ngả màu vàng, có phần nào đã quá chín, nhưng mà khách chưa thấy đến. Lúc đó, ả thưa với chủ:
– Nếu khách không tới thì con phải bỏ gà xuống, không ăn ngay lúc này thì thật đáng tiếc, vì lúc vừa đương nóng đẫm mỡ ăn là ngon nhất.
Ông chủ nói:
– Thôi tao đành chạy đi đón khách vậy.
Chủ vừa quay lưng đi, Gretel hạ ngay xiên gà xuống, nghĩ bụng:
– Đứng mãi bên lửa chỉ tổ đổ mồ hôi và khát nước. Biết khi nào khách tới. Trong khi chờ đợi, mình hãy nhảy xuống hầm rượu làm một ngụm vậy.
Ả chạy xuống, đặt cái vò dưới thùng để hứng rượu và nói:
– Lạy Chúa ban phước lành cho ngươi,Gretel!
Rồi ả làm một hơi dài ngon lành. Ả lại nói:
– Rượu phải tợp một mạch, uống ngắt quãng mất ngon.
Rồi ả làm thêm một hơi dài cẩn thận!
Giờ ả lấy xiên gà móc lên bếp lửa, phết bơ lên gà và vui vẻ ngồi quay gà.
Ngửi mùi gà quay thơm nức, ả nghĩ bụng:
– Biết đâu lại thiếu cái gì thì sao, cứ phải nếm thôi.
Lấy tay quệt gà và đưa lên miệng liếm, ả nói:
– Chà, gà quay ngon ơi là ngon! Không ăn ngay thật là uổng và có tội!
Ả chạy ra cửa sổ ngó xem chủ và khách sắp tới chưa. Chẳng thấy một ai, ả lại chỗ đôi gà quay, nghĩ bụng:
– Một cánh bị cháy, ăn biến đi là hơn.
Ả liền chặt một cánh và ăn hết ngay. Thấy ngon miệng, ả nghĩ:
– Cánh kia cũng phải xẻo nốt, kẻo chủ sẽ nhận ra.
Ăn xong đôi cánh. Ả lại ra ngóng xem, nhưng không thấy ông chủ. Ả chợt nghĩ:
– Ai mà biết được, họ chẳng buồn về, đã ghé vào đâu rồi.
Ả tự nhủ:
– Chà, cô Gretel ơi, mọi việc đều tốt thôi! Đã làm một đôi cánh, uống thêm chút rượu, đánh chén nốt cho hết một con. Khi đã hết thì mới được yên thân. Tại sao lại bỏ phí của trời cho nhỉ!
Ả lại chạy xuống hầm, làm một hơi rượu cho khoan khoái, rồi vui vẻ ăn hết nhẵn con gà.
Một con gà trong bụng mà chủ vẫn chưa về. Ả nhìn con kia bảo:
– Chỗ nào có con thứ nhất thì con thứ hai cũng phải ở đó, phải sống có đôi chứ! Con đầu đã ổn thì con thứ hai cũng xuôi. Giờ mình có làm một hơi rượu nữa cũng chẳng hại gì.
Và rồi ả làm một hơi rượu khai vị và cho con gà thứ hai chạy theo con kia.
Đang lúc ngon miệng thì chủ về gọi:
– Nhanh tay lên Gretel, khách đến ngay giờ đấy!
Gretel đáp:
– Thưa ông chủ, vâng ạ. Con xin dọn lên ngay ạ.
Trong lúc đó, chủ ngó nhìn xem đã dọn bát đĩa lên bàn chưa. Ông lấy con dao to vẫn để chặt gà, đem mài ở hành lang.
Khách vừa đến, khẽ gõ cửa rất là lễ phép và lịch sự. Grétel chạy ra xem ai, thấy khách bèn đưa ngón tay lên mồm ra hiệu và nói:
– Khe khẽ chứ! Liệu hồn mà chạy cho nhanh. Nếu chủ tôi mà tóm được ông thì bất hạnh đấy. Chủ tôi mời ông đến ăn tối, nhưng chỉ là cớ để xẻo hai tai của ông thôi. Cứ nghe tiếng mài dao thì biết!
Khách nghe tiếng loẹt xoẹt mài dao, vội chạy xuống thang cho mau. Gretel nhanh trí vừa chạy vào tìm chủ vừa kêu:
– Gớm! Khách ông mời sao mà quý hóa thế!
– Trời! Tại sao lại thế Greten? Thế là thế nào?
Ả đáp:
– Vâng, đúng thế, con đang bưng gà lên thì ông ấy tới và ôm luôn hai con gà quay chạy mất.
Chủ tiếc đôi gà quay ngon và nói:
– Giỏi thật đất! Ít nhất thì cũng để lại một con cho mình ăn mới phải.
Chủ chạy ra với gọi theo, khách làm như không nghe thấy. Sẵn dao đang cầm tay, chủ chạy đuổi theo kêu:
– Chỉ một thôi! Chỉ một thôi!
Ý nói là khách chỉ cần để lại một con thôi, đừng lấy cả hai. Khách lại nghĩ, chỉ cần đưa cho xẻo một tai và cắm đầu chạy như người bị cháy dưới chân để mang được đôi tai còn nguyên vẹn về nhà.

78. Ông nội và cháu đích tôn

Ngày xửa ngày xưa có một ông cụ rất già, mắt mờ, tai điếc, đầu gối run lẩy bẩy. Ngồi bên bàn ăn, tay ông run run cầm chiếc thìa, súp bắn tung ra khăn trải bàn, súp chảy quanh miệng và nhỏ giọt xuống bàn. Hai vợ chồng đứa con trai của ông kinh tởm trước chuyện đó, do vậy ông cụ phải ra ngồi ăn ở góc nhà, sau cái lò sưởi. Hai vợ chồng cho ông ăn bằng một cái bát sành và cũng chẳng bao giờ cho ăn no. Những lúc đó ông buồn rầu nhìn cái bàn và nước mắt cứ vậy tràn ra.
Có một lần hai tay run lẩy bẩy ông không giữ được cái bát, để nó rơi vỡ trên nền nhà. Người con dâu quở mắng, ông cụ nín thinh và chỉ biết thở dài. Cô ta mua cho ông một cái bát khác bằng gỗ giá vài xu để cho ông cụ ăn. Có lần, hai vợ chồng người con ngồi bên bàn ăn thì đứa con trai bốn tuổi nhặt ở đất những mảnh bát vỡ chắp lại. Ba nó hỏi:
– Con làm gì đó?
Đứa con trả lời:
– Con làm một cái máng đựng thức ăn, nếu con lớn con sẽ cho bố mẹ ăn bằng cái đó.
Lúc đó hai vợ chồng nhìn nhau một lúc rồi òa lên khóc, đưa ông cụ lại bàn. Và từ đó trở đi hai vợ chồng để ông cụ ngồi ăn chung bàn, cũng chẳng nói gì nếu ông có chót để súp rơi vãi ra khăn trải bàn.

79. Trí khôn con trẻ

Hai anh em chơi bên bờ giếng, mải đuổi nhau quanh giếng, quá đà cả hai anh em đều bị té rơi xuống giếng. Dưới giếng có một thủy thần, nói:
– Giờ tao mới bắt được tụi bay, giờ thì tụi bây phải ngoan ngoãn làm việc cho tao.
Nói rồi thủy thần dẫn hai đứa bé đi.
Mụ đưa cho bé gái một đống sợi vừa rối, vừa mốc và bắt phải kéo sợi, không những vậy em còn phải xách nước đổ đầy chum. Mụ đưa cho bé trai một cái rìu cùn, bắt phải đốn đổ một cây to. Ăn thì chẳng có gì ngoài những cục bột luộc để lâu rắn như đá. Hai anh em bực mình lắm. Chủ nhật thủy thần đi nhà thờ, đợi cho mụ còn đang mải cầu kinh hai anh em chạy trốn. Tan buổi cầu kinh mụ ra thì thấy chim bay tan tác, mụ vội nhảy chạy theo hướng chim bay.
Hai anh em đi đã được khá xa, ngoảnh lại thấy mụ đang đuổi theo, bé gái ném một chiếc bàn chải về phía sau, lập tức một núi lớn toàn bàn chảy xuất hiện với hàng ngàn, hàng vạn chông gai. Phải khó nhọc lắm mụ mới lên được ngọn núi, cuối cùng mụ cũng xuống tới được chân núi bên kia.
Thấy mụ xuống được tới chân núi để tiếp tục chạy đuổi theo, bé trai ném luôn một chiếc lược về phía sau, lập tức một núi lớn toàn lược là lược xuất hiện, hàng ngàn hàng vạn răng lược chồng lên tưởng chừng không sao đi qua được, nhưng mụ biết cách đi nên cuối cùng mụ cũng qua được núi lược. Giữa lúc đó bé gái ném ngược về phía sau một chiếc gương, lập tức một núi gương xuất hiện, mặt gương trơn, trơn đến nỗi mụ không tài nào đi qua được. Mụ nảy ra ý nghĩ: “Ta phải đi thật nhanh về nhà lấy chiếc rìu để đập tan núi gương.”
Đến khi mụ quay được trở lại, đập vỡ hết được núi gương thì hai đứa bé đã đi quá xa, mụ đành phải quay trở lại giếng cũ của mình.

80. Đám tang chị gà mái

Hồi ấy, ở trên núi có một gà trống và một con gà mái, chúng hứa sẽ chia ngọt sẻ bùi với nhau mỗi khi có mồi ngon.
Có lần, con gà mái thấy một hạt dẻ lớn, nó mổ và nuốt hạt dẻ, nhưng hạt dẻ lớn quá nên nằm mắc lại ở cổ. Sợ quá, gà mái lớn tiếng gọi:
– Gà trống ơi, chạy nhanh lên, lấy nước cho tôi, kẻo tôi chết nghẹn bây giờ!
Gà trống chạy thật nhanh ra giếng và nói:
– Giếng ơi, cho tôi ít nước nhé gà mái đang nằm mắc nghẹn ở trên núi, bị mắc ở cổ một hạt dẻ lớn, tưởng chừng muốn chết nghẹn đấy.
Giếng đáp:
– Hãy lại chỗ chị gà mái tơ, bảo chị ấy cho tôi dải lụa đỏ.
Gà trống chạy tới chị gà mái tơ nói:
Gà mái tơ đáp:
– Thế thì lấy cho tôi vòng hoa treo ở cây liễu ấy.
Gà trống chạy đi lấy vòng hoa treo ở cành cây liễu đem về cho chị gà mái tơ. Lúc ấy gà mái tơ đưa cho gà trống dải lụa đỏ để mang về cho giếng. Giếng cho gà trống nước. Khi gà trống mang được nước về tới nơi thì gà mái nằm chết từ bao giờ rồi.
Buồn rầu, gà trống ngồi than khóc vang cả khu rừng. Các loài vật kéo tới bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết của gà mái.
Sáu con chuột xẻ gỗ, cưa đục đóng xe để đưa gà mái đi chôn.
Xe đóng xong, sáu chuột kéo, gà trống cầm cương. Trên đường đi gặp cáo. Cáo hỏi:
– Đi đâu đấy, anh gà trống?
– Đem gà mái đi chôn.
– Cho tôi đi cùng có được không?
Gà trống đáp:
Xin mời anh lên sau xe,
Để cho chuột kéo đi cùng cho vui.
Cáo bước lên xe, rồi đến sói, gấu, hươu, sư tử và các loài thú khác ở trong rừng. Khi xe tới một con suối, gà trống hỏi:
– Làm sao qua được suối nhỉ?
Cọng rơm nằm bên bờ suối bảo:
– Để tôi nằm vắt ngang con suối, xe có thể chạy qua được đấy.
Khi chuột kéo xe tới giữa thì cầu gãy gập rớt xuống suối làm cho cả sáu chú chuột đều bị chết đuối. Hòn than đỏ ở đâu tới, thấy cảnh ấy nó nói:
– Tôi to lớn thế này, để tôi nằm vắt ngang suối làm cầu cho xe chạy qua được đấy.
Khi than vừa mới chạm nước thì có tiếng xèo xèo, than hồng gặp nước nên “tắt thở.” Hòn đá ở gần đó thấy cảnh ấy nên “tự lăn tới làm cầu cho xe chạy qua. Giờ thì gà trống phải tự kéo xe lấy. Khi xe sang tới gần bờ bên kia thì bị trượt trôi tụt xuống nước, vì sau xe nặng quá. Thế là tất cả: cáo, sói, gấu, hươu, sư tử cùng các loài thú đi cùng đều chết đuối. Giờ chỉ còn lại gà trống với xác gà mái. Gà trống đào huyệt chôn gà mái. Gà trống đắp mộ cho gà mái xong thì ngồi ngay cạnh mồ than khóc hoài, than khóc mãi tới khi kiệt sức nằm chết ngay bên mồ gà mái. Thế là tất cả đều chết.

81. Chàng trai vui vẻ

Ngày xửa ngày xưa nổ ra một cuộc đại chiến. Khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều binh sĩ được giải ngũ. Chàng trai vui vẻ cũng được giải ngũ, và khi đó gia tài chàng mang theo người chỉ là chiếc bánh mì và bốn đồng tiền hình chữ thập. Chàng đã lên đường trở về chỉ có như vậy.
Vào lúc đó thánh Petrus đóng giả thành một người ăn mày nghèo khó ngồi ở bên đường, khi chàng trai vui vẻ đi ngang qua, bèn chìa tay xin của bố thí. Chàng vui vẻ nói:
– Bác ăn mày thân mến, tôi biết cho bác gì đây? Tôi vốn là binh sĩ nhưng nay giải ngũ rồi, gia tài của tôi chỉ là một cái bánh mì và bốn đồng tiền hình chữ thập ra, chẳng còn có gì khác. Nếu những thứ đó hết thì tôi cũng phải ngồi ăn xin như bác thôi. Thế nhưng tôi rất vui lòng cho bác một ít.
Nói rồi, chàng chia chiếc bánh mì làm bốn phần, cho vị môn đồ của Giêsu đó một phần, còn cho thêm một đồng tiền hình chữ thập nữa. Thánh Petrus nói lời cảm tạ rồi bước đi. Tiếp sau đó ông lại biến thành một người ăn mày khác ngồi ở bên đường mà người lính đó phải đi qua. Khi chàng trai vui vẻ đi tới trước mặt, như lần trước, ông lại chìa tay xin của bố thí. Chàng trai vui vẻ lại nói những lời giống như lần trước, lại cho một phần tư chiếc bánh mì và một đồng tiền hình chữ thập. Thánh Petrus cám ơn xong lại bỏ đi, rồi biến thành một người ăn mày khác, lần thứ ba ngồi bên vệ đường để xin chàng trai vui vẻ. Chàng lại cho ông ta phần bánh mì thứ ba và một đồng tiền hình chữ thập. Thánh Petrus cảm tạ. Chàng lại đi tiếp tục. Chàng trai vui vẻ bây giờ chỉ còn lại một phần tư chiếc bánh mì và một đồng tiền hình chữ thập.
Chàng tới một quán ăn bên đường, ngồi ăn hết phần bánh mì còn lại và mua một đồng tiền bia để uống. Ăn uống xong chàng lại lên đường.
Vào lúc đó, thánh Petrus biến thành một người lính giải ngũ giống như chàng, đi ngược lại phía chàng và hỏi:
– Chào anh bạn, anh bạn có thể cho tôi một miếng bánh mì và một đồng để uống bia?
Chàng trai vui vẻ trả lời:
– Giờ thì lấy đâu ra những thứ đó! Tôi là lính đã giải ngũ, chẳng có gì ngoài chiếc bánh mì đen và bốn đồng tiền hình chữ thập. Nhưng gặp ba người ăn mày ở trên đường, tôi đã cho mỗi người một phần tư bánh mì và một đồng tiền hình chữ thập. Bánh mì còn lại tôi đã ăn ở trong quán ăn dọc đường, đồng tiền chữ thập cuối cùng tôi đã mua bia uống rồi. Giờ thì túi rỗng. Nếu anh cũng vậy thì ta cùng nhau đi ăn xin.
Thánh Petrus nói:
– Không, việc ăn xin đó chẳng phải làm đâu! Tôi biết một chút về nghề y, nên cần bao nhiêu tôi cũng có thể kiếm được.
– Tốt thôi! – Chàng trai vui vẻ nói – Tôi chẳng biết gì về nghề y cả, nên tôi chỉ còn cách đi ăn xin một mình thôi.
Thánh Petrus bảo:
– Thì cứ đi cùng. Nếu tôi kiếm được tiền thì chia cho anh một nửa.
Chàng trai vui vẻ nói:
– Thế thì còn gì bằng!
Và cả hai lên đường. Họ tới trước một căn nhà nông dân thì nghe có tiếng than khóc rất to ở trong nhà, bèn bước vào thì thấy một người đàn ông ốm nặng nằm thoi thóp thở, người đàn bà đang than khóc. Thánh Petrus nói:
– Đừng khóc, đừng kêu la nữa. Tôi sẽ giúp chồng bà khỏe trở lại!
Nói xong, thánh Petrus lấy từ túi áo ra một loại dầu cao xoa cho người đàn ông, chỉ trong nháy mắt người bệnh bình phục. Ông ta đứng lên và hoàn toàn khỏe. Người đàn ông và bà vợ rất mừng rỡ, nói:
– Chúng tôi không biết cảm tạ ông thế nào, đưa cho ông những gì?
Nhưng thánh Petrus chẳng muốn lấy gì. Hai người nông dân càng khẩn cầu, thì ông lại càng từ chối. Chàng trai vui vẻ hích vai thánh Petrus một cái và nói:
– Thì nhận một chút thôi. Cũng có lúc chúng ta cũng cần dùng mà.
Cuối cùng thì người đàn bà dắt ra một con cừu, nói với thánh Petrus rằng ông ta nhất định phải nhận cho. Nhưng thánh Petrus vẫn không chịu nhận. Khi đó, chàng trai vui vẻ đẩy ông bạn đường sang một bên và nói:
– Cứ nhận đi, đồ ngốc. Chúng ta cũng cần tới nó!
Thánh Petrus đành phải đồng ý và bảo:
– Được rồi, tôi nhận con cừu này. Thế nhưng tôi không vác nó đâu. Anh muốn có thì anh vác nó đi nhé!
Chàng trai vui vẻ nói:
– Chẳng có vấn đề gì! Tôi sẵn sàng vác nó trên vai!
Nói rồi chàng trai vác con cừu lên vai. Họ lại lên đường, và tới một khu rừng. Bỗng chàng trai vui vẻ cảm thấy con cừu nặng hẳn lên, lại thêm bụng đói, liền nói với thánh Petrus:
– Ở chỗ này thuận tiện đấy! Chúng ta có thể giết cừu làm bữa chén?
– Tôi thấy cũng được đấy. Có điều tôi không thích chuyện bếp núc. Anh muốn nấu ăn thì cầm lấy chiếc nồi này. Trong thời gian đó tôi muốn đi dạo quanh một chút, đợi anh nấu chín sẽ quay lại. Thế nhưng trước khi tôi quay lại, anh chớ có ăn trước đấy, tôi biết đúng lúc mà quay về – Thánh Petrus nói.
– Anh cứ đi đi, tôi đã biết cách nấu ăn mà, nấu ngon là đằng khác.
Thế là thánh Petrus ra đi, chàng trai vui vẻ giết cừu, nhóm lửa, cho thịt cừu vào nồi, rồi nấu.
Nhưng thịt cừu nấu xong mà vị môn đồ của chúa Giêsu vẫn chẳng quay lại. Chàng trai vui vẻ mang thịt cừu trong nồi ra, thái nhỏ. Bỗng chàng nhìn thấy quả tim cừu.
– Nghe đồn cái món này ngon nhất! – chàng trai nói và thử nếm một chút, nhưng rồi cứ nếm mãi cho tới khi ăn hết cả quả tim cừu.
Cuối cùng thì thánh Petrus cũng quay trở lại và bảo:
– Anh có thể ăn cả con cừu, tôi chỉ muốn ăn tim cừu thôi. Anh lấy nó cho tôi nhé!
Chàng trai vui vẻ bèn cầm dao và dĩa, lật đi lật lại thịt cừu, ra dáng như tìm kỹ lưỡng, nhưng làm sao có thể tìm thấy tim cừu! Cuối cùng chàng đành phải nói:
– Không có tim cừu!
– Không có thì đi đâu rồi? – Môn đồ của Giêsu hỏi.
– Điều đó tôi không biết. Anh xem, chúng ta đúng là hai đứa ngốc, ra sức tìm tim cừu mà chẳng tìm ra. Kỳ thực con cừu này không có tim!
– Ồ! Thật kỳ lạ! Mọi động vật đều có tim, vì sao con cừu này lại không có?
– Không có, đúng là không có, người anh em ạ! Cừu không có tim. Anh chỉ cần nghĩ kỹ thì sẽ nghĩ ra rằng: cừu đúng là không có tim mà!
Thánh Petrus nói:
– Được rồi! Việc này xem như xong! Đã không có tim thì thịt cừu tôi chẳng ăn tí nào đâu, anh ăn một mình hết đi nhé!
– Tôi chẳng ăn hết đâu! Số còn lại sẽ cho vào bao mang theo! – Chàng trai vui vẻ nói xong và ăn hết nửa con cừu, số còn lại thì cho vào trong chiếc bao.
Họ tiếp tục lên đường. Thánh Petrus lúc đó dùng phép thuật tạo ra một con sông lớn chắn ngang đường đi buộc họ phải vượt qua con sông đó. Thánh Petrus nói:
– Anh sang trước nhé!
– Không, anh sang trước! – Chàng trai vui vẻ trả lời, trong bụng nghĩ rằng: “Nếu nước sông rất sâu thì mình chẳng qua sông nữa!”
Khi đó thánh Petrus đã lội qua sông, nước sông chỉ ngập đến đầu gối ông ta. Thế là chàng trai vui vẻ cũng muốn lội qua, nhưng nước sông bỗng dềnh lên ngập cho tới tận cổ của chàng. Thế là chàng trai kêu lên:
– Người anh em, mau cứu tôi với!
Thánh Petrus nói:
– Anh có thừa nhận là anh đã ăn tim con cừu đó hay không?
– Không! – Chàng trai vui vẻ đáp: “Tôi chưa từng ăn tim cừu!
Khi đó nước lại tiếp tục dềnh lên, ngập tới cằm của chàng trai vui vẻ, khiến chàng ta kêu toáng lên:
– Mau cứu tôi với, người anh em!
Thánh Petrus hỏi lại một lần nữa:
– Anh có thừa nhận là đã ăn tim con cừu đó hay không?
– Không, tôi chưa từng ăn tim cừu! – Chàng trai trả lời.
Nhưng thánh Petrus không muốn dìm chàng trai chết đuối, nên đã cho nước sông rút xuống để chàng trai qua được sông.
Họ lại tiếp tục lên đường và tới một vương quốc, ở đó họ hay tin, công chúa đang thập tử nhất sinh. Chàng trai vui tính nói với thánh Petrus:
– Ô chà, người anh em! Mẻ lưới này khá đấy. Làm cho công chúa khỏe lại thì chúng ta suốt đời no đủ.
Thấy thánh Petrus vẫn thản nhiên, chàng trai vui tính thúc giục:
– Nào, rảo cẳng lên một chút, người bạn hảo tâm. Chúng ta phải tới đó đúng lúc mới được.
Thánh Petrus vẫn đủng đỉnh, mặc cho chàng trai vui tính luôn hối thúc. Rồi họ hay tin, công chúa đã chết trên giường bệnh. Chàng trai vui vẻ nói:
– Đủng đỉnh như anh làm hỏng việc rồi.
Thánh Petrus đáp:
– Cứ bình tĩnh nào, tôi không những chữa cho con bệnh khỏe mạnh lại, mà còn có thể làm người chết sống lại.
– Nếu làm được việc ấy thì anh làm thử xem sao. Làm được thì nửa giang sơn này sẽ là của chúng ta.
Cả hai đi vào hoàng cung. Bầu không khí đau thương tràn ngập nơi đây. Thánh Petrus tâu với nhà vua, rằng ông có thể làm cho công chúa sống lại. Thánh Petrus được dẫn tới phòng của công chúa. Ông bảo:
– Hãy mang cho tôi một nồi nước!
Khi nồi nước được mang tới, ông bảo mọi người lui ra ngoài, chỉ chàng trai vui tính được ở lại. Rồi ông cắt rời chân tay khỏi thân và cho tất cả vào trong nồi. Ông nhóm lửa đun, đun cho tới mức thịt rã khỏi xương. Rồi ông nhặt xương ra, xếp chúng đúng theo thứ tự cơ thể con người. Xếp xong, ông bước lên phía trước một bước, nói ba lần:
– Nhân danh tất cả các thánh thần, người chết hãy đứng dậy!
Khi lời nói lần thứ ba vừa dứt thì công chúa trẻ đẹp đứng bật dậy. Nhà vua hết sức vui mừng nói với thánh Petrus:
– Nếu khanh muốn, trẫm sẵn sàng chia cho khanh nửa giang sơn này!
Nhưng thánh Petrus lại nói:
– Thần không đòi hỏi gì cả.
Anh chàng vui tính nghĩ: “Người đâu sao lại ngốc đến thế” và hích vai đẩy thánh Petrus sang bên và nói:
– Sao lại có người ngu đến thế. Anh không cần, nhưng tôi thì cần!
Thánh Petrus chẳng nói năng gì cả. Nhà vua thấy người bạn cùng đi lại muốn được một cái gì đó, bèn bảo viên tổng quản cho người đó một bao vàng đầy ắp.
Cả hai lại tiếp tục lên đường. Khi tới một khu rừng, thánh Petrus nói với chàng trai vui tính:
– Giờ chúng ta chia nhau vàng đi!
Chàng trai vui tính đáp:
– Đúng đấy, chúng ta chia vàng đi!
Thánh Petrus đem vàng ra chia làm ba phần. Chàng trai vui vẻ nghĩ: “Đầu ông này có vấn đề rồi. Chia tất cả ra làm ba phần trong khi chỉ có hai người!
Thánh Petrus nói:
– Tôi đã kiểm tra rất cẩn thận, một phần dành cho tôi, một phần dành cho anh, một phần dành cho người đã ăn tim cừu!
– Ồ, tôi là người đã ăn tim cừu. – Chàng trai vui tính nói và vơ luôn phần vàng đó.
Thánh Petrus nói:
– Sao lại có chuyện ấy nhỉ? Cừu không có tim mà.
– Ái chà chà, người anh em ơi, anh nghĩ đi đâu thế? Cừu cũng có tim như bất kỳ mọi con động vật khác. Tại sao chỉ riêng con cừu này là không có tim?
– Được, cứ coi như là thế đi. Anh cứ giữ lấy phần vàng đó. Thế nhưng từ giờ thì tôi sẽ đi đường tôi mà không đi cùng với anh nữa – Thánh Petrus nói.
– Anh bạn hảo tâm, tùy ý anh thôi. Chúc anh thượng lộ bình a – Anh chàng vui tính đáp.
Thánh Petrus rẽ vào đường khác và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Anh chàng vui tính nghĩ:
– Anh ta đi đường khác lại là tốt. Đúng là một ông thánh kỳ lạ, tiền có, nhưng không biết cách tiêu tiền, tiêu xài phung phí, để rồi lại tay không.
Anh chàng vui tính lên đường, anh tới vương quốc kia thì nghe rằng công chúa vừa mới qua đời. Chàng nghĩ: “Chà, đó cũng là dịp may! Ta sẽ làm cho nàng sống lại. Thế nào ta cũng được thưởng hậu hĩnh!.” Thế là chàng tới hoàng cung tuyên bố là mình có thể làm người chết sống lại. Vua nghe tin, có một người lính giải ngũ có thể làm người chết sống lại. Vua đoán, người đó có thể là anh chàng vui tính nên bán tín bán nghi. Nhà vua bèn hỏi quần thần. Các quan tâu rằng, nhà vua cứ thử xem, vì đằng nào thì công chúa cũng đã chết.
Chàng trai vui tính sai mang cho mình một nồi nước. Chàng bảo mọi người lui ra ngoài. Chàng cắt chân tay khỏi thân, rồi cho tất cả vào nồi. Chàng nhóm lửa nấu như khi trước chàng thấy thánh Petrus làm. Chàng nấu cho đến khi thịt rã khỏi xương thì vớt xương ra và xếp chúng lại. Nhưng vì chàng không biết cách xếp, nên xương nằm không theo đúng thứ tự. Khi chàng bước lên một bước và nói:
– Nhân danh tất cả các thánh thần, người chết hãy đứng dậy!
Chàng nói thế ba lần liền, nhưng đống xương xếp hình không động đậy. Chàng trai vui vẻ thốt lên:
– Cô gái kia, cô gái kia hãy đứng dậy mau không thì có chuyện bây giờ!
Chàng vừa dứt lời thì thánh Petrus dưới dạng một người lính đã giải ngũ xuất hiện và nói:
– Quân vô thần, mi làm gì thế này, xương xếp lẫn chỗ thì làm sao người chết có thể đứng dậy được!
Chàng trai vui vẻ đáp:
– Ôi, anh bạn hảo tâm, tôi đã trổ hết tài mình rồi đấy!
– Lần này thì tôi giúp để anh được thoát nạn, nhưng tôi báo cho anh biết, nếu anh còn tiếp tục làm việc này thì sẽ gặp bất hạnh đấy. Anh không được đòi vua thưởng hay nhận tiền công.
Nói xong, thánh Petrus xếp xương theo đúng thứ tự, rồi nói ba lần câu phù chú:
– Nhân danh tất cả các thánh thần, người chết hãy đứng dậy!
Lời nói vừa dứt, công chúa đứng lên, dáng khỏe mạnh, xinh đẹp. Thánh Petrus biến mất qua đường cửa sổ. Chàng trai vui tính rất mừng, vì ông việc kết thúc tốt đẹp, nhưng vì đã hứa không nhận thưởng nên chàng bực tức, nghĩ bụng: “Mình cũng không sao hiểu nổi con người này, tay này thì đưa, nhưng lại lấy nó đi bằng tay khác!”
Nhà vua hỏi chàng trai vui vẻ muốn thưởng gì, nhưng vì không được nói muốn lấy gì, nên chàng ra hiệu ám chỉ, nhà vua sai người mang tới cho chàng đầy túi vàng. Chàng nhận và vác túi vàng lên vai đi. Vừa mới ra tới cổng hoàng cung chàng đã bị thánh Petrus chặn hỏi:
– Sao lại như thế nhỉ? Tôi cấm anh không được nhận bất cứ một thứ gì, sao anh lại nhận đầy một túi vàng?
Chàng trai vui vẻ đáp:
– Họ bắt phải lấy thì tôi biết làm thế nào!
– Tôi nói cho anh biết, nếu việc này tái diễn thì anh sẽ khốn đốn đấy!
– Ồ, người anh em ơi, đừng lo! Giờ có vàng đầy túi thì cần gì phải làm cái việc rửa xương kia.
Thánh Petrus bảo:
– Vàng rồi cũng sẽ hết. Để anh không tái phạm, tôi cho anh một phép lạ, anh ước gì thì cái đó có ngay ở trong túi. Chúc anh hạnh phúc, anh sẽ không gặp lại tôi đâu.
– Cầu chúa phù hộ cho anh! – Chàng trai vui vẻ nói, trong bụng thầm nghĩ: “Đúng là anh chàng kỳ quặc. Anh đi thì tôi mừng, chứ đi theo anh làm gì.”
Chàng trai vui tính vác túi vàng đi đây đó mà chẳng nghĩ tới phép lạ của chiếc túi. Chàng tiêu pha vung vẩy như lần thứ nhất. Khi chỉ còn bốn xu (dập hình chữ thập) thì cũng là lúc chàng bước vào quán ăn. Chàng nghĩ: “Thì tiêu hết quách đi!” Chàng tiêu hết một xu cho ăn, hết ba xu cho rượu.
Trong lúc chàng vui tính đang ăn uống thì chàng ngửi thấy mùi ngỗng quay. Nhìn quanh, chàng thấy chủ quán đang quay hai con ngỗng. Chàng chợt nhớ tới lời dặn của người bạn đường: cầu mong thứ gì thì thứ đó có ở trong túi. Chàng nghĩ: “Ái chà, mình muốn có hai con ngỗng quay kia.” Rồi chàng ra ngoài, đứng trước cửa quán nói:
– Tôi cầu mong, hai con ngỗng quay kia bay vào trong túi.
Chàng vừa nói xong, mở chiếc túi ra thì thấy hai con ngỗng quay đã ở trong túi. Chàng nói:
– Trời, phải thế chứ. Đúng là mong được, ước thấy!
Chàng ra ngoài đồng cỏ, lấy ngỗng quay ra ăn. Trong lúc chàng đang ăn ngon miệng thì có hai người thợ bước tới, họ nhìn chằm chằm vào con ngỗng quay mà chàng chưa động đến. Chàng trai vui vẻ nghĩ: “Mình ăn một con đã no nê rồi.” Chàng gọi hai người kia và nói:
– Lấy con ngỗng quay này mà ăn. Ăn thì nhớ chúc sức khỏe tôi nhé!
Bọn họ cám ơn chàng, mang ngỗng quay vào trong quán, gọi rượu và bánh mì, rồi bày ngỗng ra bàn để ăn. Vợ chủ quán thấy ngỗng quay thì nói với chồng:
– Hai người này có ngỗng quay, ông thử xem ngỗng quay trong lò của nhà mình còn không!
Chồng vào xem lò quay ngỗng, thấy chỉ có lò không, bèn hô hoán:
– Quân ăn trộm, chúng bay định ăn không ngỗng quay à, trả tiền ngay mới được ăn, không thì đánh cho một trận nhừ tử bây giờ!
Hai người khách đáp:
– Chúng tôi không phải dân ăn trộm. Con ngỗng quay này do người lính ngồi trên đồng cỏ đưa tặng chúng tôi.
– Đừng có hòng qua mặt ta nhé! Người lính có tới đây, nhưng đó là con người thật thà. Chính mắt ta thấy anh ta tay không ra khỏi quán. Bọn mày chính là quân ăn trộm. Trả tiền mau!
Bọn họ không có tiền trả, chủ quán cầm gậy phang đuổi họ ra khỏi quán.
Chàng trai vui vẻ vẫn tiếp tục cuộc hành trình, chàng tới một vùng có tòa lâu đài to đẹp, gần đó lại là một quán trọ. Chàng bước vào quán trọ tính thuê giường ngủ qua đêm, chủ quán trọ từ chối và nói:
– Ở đây hết chỗ rồi, toàn khách sang trọng thuê.
Chàng trai vui vẻ nói:
– Kỳ lạ thật, khách sang trọng mà lại không ở trong lâu đài to đẹp!
Chủ quán đáp:
– Nó có lý do của nó. Ai vào đó ngủ đêm, khó mà sống tới sáng hôm sau.
Chàng trai vui vẻ nói:
– Nếu đã có người dám thử thì tại sao tôi không dám thử nhỉ!
Chủ nhà trọ nói:
– Cẩn thận nào, mất mạng như chơi đấy!
– Làm sao mà chết ngay được! Cứ đưa chìa khóa và đồ ăn, đồ uống cho tôi đi.
Thế là chủ quán đưa đồ ăn, đồ uống cho chàng. Chàng trai vui tính bước vào lâu đài, lấy đồ ra ăn uống ngon lành. Ăn xong chàng thấy buồn ngủ, vì không có giường nên chàng nằm ngay trên nền nhà, rồi thiu thiu ngủ. Đêm khuya chàng bị thức giấc bởi tiếng huyên náo. Chàng trấn tĩnh nhìn quanh thì thấy có chín con quỷ đang ở trong phòng. Chúng cầm tay nhau nhảy múa thành vòng tròn quây lấy chàng. Chàng vui vẻ nói:
– Bọn mày muốn nhảy bao lâu cũng được, nhưng không được xán gần lại ta!
Bọn quỷ cứ thắt dần vòng tròn, cái chân bẩn thỉu của chúng tiến sát người chàng. Chàng trai vui vẻ quát lớn:
– Để cho ta yên nào, quân ma quỷ!
Nhưng chúng càng náo loạn làm cho chàng nổi cáu và quát:
– Hừm, tao sẽ làm cho chúng mày phải im lặng!
Chàng cầm ghế phang túi bụi vào bọn chúng, nhưng làm sao một người có thể chống lại chín. Chàng đánh phía trước, thì những con phía sau xông vào túm tóc chàng mà giật.
– Đồ quỷ sứ chúng bay. Tao hết sức khó chịu với chúng mày! Đợi mà xem! Cả chín con quỷ vào ngay trong túi!
Chàng thét lên, khi lời chàng vừa dứt thì cả chín con quỷ đã ở trong túi, chàng thắt nút lại và ném chiếc túi vào một góc. Giờ gian phòng trở lại yên tĩnh. Chàng trai vui vẻ nằm ngủ một giấc cho tới khi trời sáng rõ. Lúc đó, chủ nhà trọ và nhà quý tộc chủ lâu đài sang xem có chuyện gì xảy ra không. Nhìn thấy chàng trai vui vẻ tươi cười họ hết sức ngạc nhiên và hỏi:
– Bọn quỷ không làm gì được anh à?
– Sao lại không làm được gì? Giờ thì cả chín con quỷ đang ở trong túi của tôi. Từ nay các vị có thể yên tâm sống trong lâu đài, không còn có con quỷ nào tới đây náo loạn nữa.
Vị quý tộc cám ơn và thưởng tặng chàng nhiều thứ, đồng thời mời chàng ở lại lâu đài, hứa sẽ chu cấp cho chàng đầy đủ. Chàng trai vui vẻ đáp:
– Không, tôi quen sống nay đây mai đó rồi, tôi chỉ muốn lên đường.
Chàng trai vui vẻ lên đường. Chàng tới một lò rèn, đặt chiếc túi lên cái đe thợ rèn, nhờ bác thợ rèn cùng phó nhỏ nện búa vào cái túi. Họ ra sức nện búa, bọn quỷ trong tú la ó om xòm. Lát sau chàng mở túi xem thấy tám con quỷ đã chết. Con thứ chín còn sống, nó lách chui ra khỏi túi, chạy về địa ngục.
Ngay sau đó chàng trai vui tính lại lên đường đi chu du thiên hạ. Ai mà biết được chàng đi những đâu thì tha hồ mà kể.
Thời gian trôi mau, giờ đây chàng đã là một ông già, tới gặp một vị ẩn sĩ nổi tiếng vì lòng thương người và nói:
– Tôi đã đi khắp bốn phương. Giờ chỉ còn mong được lên thiên đường.
Vị ẩn sĩ đáp:
– Trên đời chỉ có hai con đường, đường xuống địa ngục thì rộng và dễ đi, đường lên thiên đường vừa hẹp, vừa lại khó đi.
Chàng trai vui vẻ nghĩ bụng: “Chỉ có thằng ngốc mới đi con đường vừa hẹp, vừa khó đi.” Chàng lên đường, chọn con đường rộng, dễ đi mà đi. Cuối cùng chàng tới trước cánh cổng lớn đen xì – cánh cổng địa ngục. Chàng trai vui vẻ gõ cổng. Người canh cổng ngó ra xem ai. Hắn giật mình hoảng sợ khi nhìn thấy chàng trai vui vẻ, vì hắn là con quỷ thứ chín trốn được ra khỏi chiếc túi của chàng. Hắn vội cài then cổng cho chặt, rồi chạy lại chỗ con quỷ đầu đàn và nói:
– Ở bên ngoài có một tên vác túi muốn vào. Đừng cho nó vào nhé. Nó có thể hóa phép nhét cả địa ngục vào trong cái túi. Nó đã từng giam tôi ở trong cái túi đó và đập cho tôi một trận đến nhũn người ra.
Chàng trai vui tính được thông báo, phải đi khỏi nơi này. Chàng nghĩ bụng: “Nếu họ không thích cho mình vào thì mình lên thiên đường tìm một chỗ trú chân vậy.” Chàng quay lại và tiếp tục lên đường. Chàng đi thẳng tới cổng trời và gõ cổng. Đúng lúc thánh Petrus ngồi canh cổng. Chàng trai vui tính nhận ra ngay và nghĩ: “Mình gặp đúng người bạn cũ. Chắc mọi việc sẽ tốt đẹp thôi!.”
Nhưng thánh Petrus nói:
– Ta thật không sao tin được là anh lại tới thiên đường!
– Người anh em, cho tôi vào nhé! Tôi mong có một nơi để đi về. Nếu như họ tiếp nhận cho tôi vào địa ngục thì tôi đã chẳng phải lên đây!
– Không! Anh không được vào! – Thánh Petrus nói.
– Được thôi! Nếu anh không muốn cho tôi vào thì anh nhận lại chiếc túi của anh vậy! Từ nay về sau, tôi chẳng cần gì ở nơi anh nữa! – chàng trai vui vẻ nói.
Thánh Petrus bảo:
– Thế thì đưa nó lại đây!
Chàng trai vui vẻ đưa trả chiếc túi qua hàng rào của thiên đường. Thánh Petrus nhận lấy, rồi đem treo chiếc túi ở bên ghế ngồi của mình. Khi đó, chàng trai vui vẻ mới nói:
– Bây giờ tôi mong, chính tôi ở trong chiếc túi đấy!
Sau tiếng “ào ào” là chàng đã vào được trong thiên đường và chui vào trong túi. Thánh Petrus cũng chỉ còn cách là để cho chàng ở lại bên trong đó mà thôi!

82. Hansl lêu lổng

Ngày xưa có một người đàn ông chẳng làm gì ngoài chơi. Vì thế người ta gọi là Hansl lêu lổng. Chàng mải ăn chơi tới mức gán cả nhà của mình. Trước ngày phải giao nhà thì chúa là thánh Petrus tới xin ở qua đêm. Hansl lêu lổng nói:
– Các người có thể ngủ qua đêm ở đây. Nhưng tôi chẳng có giường để nằm và cũng chẳng có gì ăn để mời.
Chúa trời nói, chỉ cần cho ở nhờ và kiếm cho ít thức ăn. Thế thì Hansl lêu lổng có thể ưng thuận. Thánh Petrus đưa cho ba đồng xu để đi mua bánh. Dọc đường qua nhà nơi đánh bạc, nơi Hansl đã bị thua và phải gán cả nhà các con bạc gọi:
– Hansl, vào đây nào?
Hansl đáp:
– Lại định ăn nốt ba xu này chứ gì?
Nhưng chẳng ai để cho chàng đi. Bị lôi vào vòng chơi và thua luôn cả ba xu.
Thánh Petrus và chúa trời đợi mãi chẳng thấy Hanxơ về nên đi tìm. Gặp hai người, Hansl làm như tiền rơi xuống vũng nước và đang phải mò tìm. Nhưng thánh Petrus và chúa trời biết là chàng đã thua bạc. Thánh Petrus đưa cho ba xu nữa. Giờ Hansl không dám cờ bạc nữa, đi mua và mang bánh mì về. Chúa Trời hỏi Hansl còn rượu vang không. Chàng đáp:
– Trời, thưa ông, toàn thùng không thôi.
Chúa Trời nói Hansl xuống hầm coi, ở đó có rượu vang ngon. Hanxơ không tin ở dưới hầm còn rượu, nhưng nói:
– Tôi xuống ngay thôi. Nhưng tôi biết ở dưới ấy không còn.
Nhưng khi Hansl mở vòi thì thấy có rượu chảy ra, mà rượu ngon tuyệt hảo. Hansl mang rượu lên cho hai vị khách. Họ ngủ qua đêm ở nhà chàng.
Sớm tinh mơ ngày hôm sau, chúa Trời gọi Hansl và nói chàng có thể được ba điều ước. Hansl nghĩ chắc mình phải cầu trời mới được, chàng cầu ước có những quân bài đánh ván nào cũng thắng, cầu ước có quân xúc xắc đánh ván nào cũng thắng, cầu ước có một số cây mà cành trĩu quả đủ loại. Quả chỉ rơi xuống theo lệnh cùa chàng. Chúa cho ba điều ước ấy. Rồi cùng thánh Petrus ra đi. Hans nhảy ngay vào cuộc cờ bạc và thắng liên tiếp, của cải của chàng gần bằng nửa gia sản có trên trần gian. Thấy vậy, thánh Petrus nói với Chúa Trời:
– Thưa Chúa, nó làm vậy là không được. Chẳng mấy chốc cả trần gian là của nó. Phải cử thần chết xuống gọi nó đi.
Chúa Trời cử Thần chết xuống, Thần chết tới nơi thì thấy Hansl còn đang mải cờ bạc. Thần nói:
– Hansl ra ngoài này một chút nào?
Hansl đáp:
– Đợi chút nào, đang chơi dở ván. Trong lúc chờ ra cây hái ít quả để ta cùng ăn dọc đường nhé.
Thần chết leo lên cây hái quả, hái xong muốn xuống nhưng không sao xuống được. Hansl để cho Thần chết ở trên cây bảy năm. Trong bảy năm ấy không ai chết cả.
Thấy vậy, thánh Petrus nói với Chúa Trời:
– Thưa Chúa Trời, nó làm vậy là không được. Chẳng có ai ở trần gian chết. Chúng ta phải thân hành xuống xem.
Rồi Chúa Trời và Thần Chết xuống. Chúa Trời ra lệnh Hansl phải để cho Thần chết tụt xuống. Hansl chạy ngay ra và chú niệm:
– Hãy xuống!
Chân chạm đất là Thần chết túm ngay Hansl và cho đi đời. Xong việc, Chúa Trời, thánh Petrus và Thần Chết đi sang thế giới khác. Trong khi đó Hansl lên gõ cổng trời.
– Ai ở ngoài đó?
– Hansl lêu lổng đây.
– Chà, chúng ta không cần ngươi, hãy đi nơi khác.
Hansl lại đến chỗ thần lửa và gõ cửa.
– Ai ở ngoài đó?
– Hansl lêu lổng đáp.
– Trời ơi, ở đây khốn khổ lo phiền chưa đủ hay sao mà còn cờ bạc. Xin đi nơi khác cho nhờ!
Hansl tới địa ngục, gõ cửa. Mụ quỷ già Luzifer mở cửa cho vào. Ở địa ngục chỉ còn vài con quỷ lưng còng, những con khác được phái đi các nơi trên trần gian. Hanxơ ngồi chơi bài với Luzifer và chốc Luzifer thua hết tiền và còn phải gán nợ mấy con quỷ lưng còng.
Hanxơ lêu lổng cùng với lũ quỷ lưng còng đi chu du. Chúng phá rào và làm náo động ở thượng giới. Thánh Petrus nói với Chúa Trời.
– Thưa Chúa Trời, nó làm vậy là không được, nhưng phải cho nó vào, không chúng ném cả chúng ta ra khỏi thượng giới.
Hansl lại chơi bài, cờ bạc. Đám cờ bạc cãi nhau huyên náo cả thượng giới. Chúng xô xát nhau và la hét to tới mức chẳng ai nghe được ai nói nữa. Thánh Petrus lại nói:
– Thưa Chúa Trời, nó làm vậy là không được. Chúng ta phải ném chúng ra khỏi thượng giới, không sẽ náo loạn cả thượng giới.
Thánh túm cổ Hansl và ném xuống trần gian. Xác Hansl văng rơi xuống nhiều nơi. Giống ham chơi bài, cờ bạc ấy vì vậy có khắp nơi trên trần gian từ đó đến nay.

83. Chú Hans sung sướng

Chú Hans đi làm thuê đã được bảy năm, trước lúc thôi việc trở về quê chú được chủ thưởng cho một khối vàng to bằng cái đầu của chú. Hans rút trong túi ra một chiếc khăn và bọc khối vàng đó lại, vác lên vai rồi lên đường về quê mẹ. Hanxơ đang lững thững đi, chân nọ nối gót chân kia thì gặp một người dáng nhanh nhẹn, đang hớn hở cưỡi một con ngựa phóng tới. Hanxơ nói bô bô:
– Chà, chẳng có gì thú vị bằng cưỡi ngựa; ngồi trên mình ngựa khác gì ngồi trên ghế nệm, chẳng vấp phải đá, lại đỡ hại giầy mà đi băng băng chẳng khó khăn gì cả.
Người cưỡi ngựa nghe nói thế, liền dừng ngựa lại và hỏi:
– Này anh Hanns, sao anh lại đi bộ?
– Đó chẳng qua là sự bất đắc dĩ. Tôi phải vác cái của nợ này mang về nhà. Nó bằng vàng thật đấy, nhưng tôi không sao thẳng cổ mà đi được, cứ phải cúi đầu vì khối vàng nặng trĩu cả vai.
Người cưỡi ngựa gạ:
– Này, anh có biết không, hay là chúng ta đổi cho nhau: anh lấy ngựa của tôi và đưa cho tôi cái cục nợ của anh.
Hans đáp:
– Thế thì còn gì bằng, nhưng tôi nói cho anh biết là nó nặng đấy, vác nặng đừng có trách nhé.
Người kia xuống ngựa, cầm lấy vàng và giúp Hans lên ngựa, trao tay Hans dây cương và dặn:
– Nếu muốn ngựa chạy thật nhanh thì anh phải tắc lưỡi và la: “Hốp, hốp.”
Ngồi trên ngựa cưỡi đi băng băng Hans lấy làm khoái chí lắm. Đi được một lát bỗng Hans nảy ra ý nghĩ, mình phải cho ngựa chạy nhanh hơn nữa. Chú liền tắc lưỡi kêu: “Hốp, hốp!” để thúc ngựa chạy. Ngựa tế nước đại. Hans chưa kịp định thần thì đã bị văng ra khỏi ngựa, té nhào xuống mương bên đường.
May có một bác nông dân đang dắt bò đi tới, bác túm ngay lấy dây cương kéo giữ ngựa lại, nếu không thì không biết ngựa phóng đến bao xa nữa.
Hans sờ nắn chân tay thấy hãy còn nên lồm cồm bò dậy. Chú buồn bã nói với bác nông dân:
– Cái chuyện cưỡi ngựa này cũng chẳng hay ho gì, vớ được con ngựa già tồi tệ như thế này có bữa nó quăng mình xuống đất ngã gãy cổ chứ không chơi. Từ nay trở đi không bao giờ ta cưỡi ngựa nữa. Tôi thấy con bò của bác lại hay: Ta cứ việc ung dung đi theo nó, đã thế ngày nào cũng có sữa, bơ, pho mát mà ăn. Ước gì tôi có được một con bò như của bác.
Bác nông dân nói:
– Nếu chú thích lấy bò hơn thì tôi đổi bò cho chú để lấy ngựa.
Hans mừng cuống lên, đồng ý ngay. Bác nông dân nhảy lên ngựa phóng đi.
Hans ung dung đánh bò đi, trong lòng hớn hở về việc đổi chác có hời, chú nghĩ, giờ mà có bánh mì nhỉ – mà bánh mì thì tụi mình có bao giờ thiếu – thì tha hồ mà ăn với bơ và pho mát. Lúc nào khát thì chỉ việc vắt sữa bò là có cái uống, thử hỏi xem mình còn cần gì hơn nữa.
Hans dừng chân ở một quán hàng bên đường, trong lúc cao hứng chú lôi ra chén sạch nhẵn cả suất bánh trưa lẫn suất bánh bữa tối, còn vài Heller chú dốc nốt ra mua nửa ly bia vại.
Ăn xong chú lại lên đường tiếp tục. Chú đánh bò đi thẳng về phía quê mẹ. Càng gần trưa trời càng oi bức hơn, mà Hans lại đang đi trên thảo nguyên, chắc phải đi chừng một tiếng nữa mới đi qua được thảo nguyên, lúc này Hans thấy nóng, nóng đến khô cứng cả lưỡi. Chú nghĩ bụng, giờ thì nó được việc đấy: chỉ việc vắt là có sữa uống cho đỡ khát. Chú buộc bò vào thân một cây đã chết khô, không có thùng, chú bèn lấy mũ da để hứng, nhưng loay hoay mãi mà chẳng được giọt sữa nào cả. Chú lúng ta lúng túng như thợ vụng mất kim làm cho con bò bồn chồn, điên tiết nó đá thốc vào đầu, chú loạng choạng rồi ngã lăn ra bất tỉnh một lúc lâu.
Khi đi qua làng cuối cùng để về quê mẹ. Hans thấy một người thợ mài dao kéo đang quay đá mài, vừa quay vừa hát:
Tôi mài kéo, đá quay vo vo.
Tôi cho áo bay theo chiều gió.
Hans dừng chân đứng xem mài kéo. Hans lên tiếng chào và hỏi:
– Vừa quay đá mài vừa ca hát vui vẻ thế này chắc chắn sống sung sướng lắm nhỉ?
Bác thợ mài dao kéo đáp:
– Chứ còn gì nữa. Nghề tôi làm hái ra tiền. Một người thợ mài dao kéo giỏi lúc nào cũng rủng rỉnh trong túi, sờ vào túi nào cũng thấy tiền là tiền. Này, thế nhưng chú mua ở đâu ra con ngỗng đẹp thế?
– Ngỗng này tôi có mua đâu, tôi đổi heo đấy.
– Thế heo ở đâu ra?
– Heo do đổi bò mà có.
– Thế còn bò cái này ở đâu ra?
– Bò cái này do tôi đổi một con ngựa mà có.
– Thế ngựa ở đâu ra?
– Tôi đổi một khối vàng to bằng đầu tôi để lấy con ngựa.
– Thế vàng ở đâu ra?
– Chà, vàng ấy là tiền công bảy năm đi làm của tôi đấy.
– Kể ra chú cũng khéo xoay xở đấy. Nhưng giá trong túi lúc nào cũng loảng xoảng toàn tiền là tiền thì mới là sung sướng.
Hans hỏi:
– Vậy tôi phải làm gì để được như thế?
– Muốn thế chú phải làm nghề mài dao kéo như tôi. Đồ nghề thực ra chẳng có gì lớn hơn ngoài hòn đá mài, còn những thứ lặt vặt khác thì dễ kiếm thôi. Tôi còn một hòn đá mài đây, nó hơi mẻ một chút. Nhưng thôi, chú cứ đưa tôi con ngỗng là đủ, tôi không đòi hỏi gì khác nữa. Chú mày có đồng ý thế không?
Hans đáp:
– Sao bác lại hỏi thế nhỉ? Trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền là sướng nhất trần gian rồi. Vậy tôi còn ao ước gì nữa.
Hans đưa ngay ngỗng cho bác thợ mài dao kéo để lấy đá mài.
Người thợ mài dao kéo nhặt ở ngay gần đấy một hòn đá khá nặng – đó chỉ là một hòn đá thường nằm bên vệ đường đi – đưa thêm cho Hans và nói:
– Đây tôi thêm cho chú hòn đá này nữa, chú tha hồ mà mài, thậm chí còn làm đe được nữa, đinh cong để lên đó mà giọt thì thẳng ngay lập tức. Này, mang đi nhưng giữ cho cẩn thận nhé.
Mắt sáng hẳn lên, lòng mừng rỡ. Hans quẩy đá lên vai, vừa đi vừa nói một mình:
– Mình được bà mụ tốt đỡ lúc sinh nên cứ ước sao được vậy, cứ như đứa trẻ sinh vào sáng chủ nhật (sinh vào ngày lành tháng tốt vậy).
Vì dậy đi từ lúc trời mới hửng sáng nên Hans thấy đã thấm mệt, vì có bao nhiêu lương khô thì khi đổi được bò mừng quá lôi ra ăn một mạch hết cả, giờ đây đã mệt lại cộng thêm cơn đói, cố gắng lắm Hans mới nhấc nổi chân lên, bước một bước lại dừng chân nghỉ, đã thế lại còn đá nặng đè trên vai, làm cho khổ sở thêm. Giờ đây Hans không sao cưỡng nổi ý nghĩ mong sao thoát khỏi cảnh bụng không lại còn khổ công vác nặng. Chậm như sên chú cố lết đến bên bờ giếng làng để nghỉ, làm hớp nước giếng lạnh cho tỉnh người. Sợ hỏng mất đá mài nên Hans nhè nhẹ đặt đá lên bờ giếng nhưng ngay chỗ mình đứng. Rồi Hans mới từ từ ngồi xuống để vực nước uống, ngờ đâu vô ý chú hích tay vào đá, cả hai hòn đá rơi tõm ngay xuống đáy giếng. Nhìn đá rơi xuống giếng Hans mừng quá nhảy cẫng lên, ngồi sụp xuống cám ơn trời phật rủ lòng thương cứu giúp chú thoát khỏi những chướng ngại vật khó chịu, nặng nề ấy. Hans reo lên:
– Sung sướng như ta chắc ở trần gian không có ai.
Trút hết được gánh nặng, lòng mừng thênh thênh, chú vừa đi vừa nhảy giỡn dọc đường cho tới tận khi về tới nhà mẹ.

84. Chú Hans lấy vợ

Ngày xưa có một chàng trai nông dân tên là Hans. Người anh họ muốn hỏi cho chàng một cô vợ giàu có. Anh ta bảo chàng lại ngồi bên bếp lò đang đỏ lửa. Rồi anh đi lấy một xoong sữa và rất nhiều bánh mì trắng, nhét vào tay Hans một đồng Heller mới rập bóng nhoáng và dặn:
– Này chú Hans ạ! Chú nắm tay giữ chặt đồng Heller này, nhớ bẻ vụn bánh mì trắng bỏ vào sữa, chú cứ ngồi đây đừng có đi đâu, chờ lúc tôi về đã.
Hans đáp:
– Vâng, tôi sẽ làm tất cả đúng như lời anh dặn.
Ông mối liền mặc một cái quần cũ kỹ vá hàng chục mảnh đi đến nhà chị nông dân giàu ở làng bên để thưa chuyện:
– Cô có bằng lòng lấy chú em họ tôi tên là Hans không? Thế nào cô cũng vừa ý với người chồng mình: chú ấy cần cù chịu khó, khôn ngoan lắm.
Vốn tính keo kiệt hám của nên bố chị ta liền hỏi:
– Chú ta có của cải gì không? Liệu chú ấy có của ăn của để không?
Ông mối đáp:
– Thưa bác, chú em họ tôi cũng khá giả, chú nó đang ngồi sưởi ấm bên lò, tay cầm một đồng xu mới nom đẹp làm sao, nhà chú ấy có của ăn của để, ruộng vườn nhiều không kém gì số miếng vá trên quần tôi đâu!
Rồi ông mối vỗ vào chiếc quần vá hàng chục mảnh của mình và nói tiếp:
– Nếu bác chịu khó cất công đi với tôi thì có thể trông thấy tận mắt là mọi điều đều đúng như lời tôi nói.
Bác keo kiệt không muốn lỡ dịp may nên nói ngay:
– Nếu quả chú ấy khá giả như vậy thì tôi thấy việc cưới xin như vậy là thuận cả đôi bên.
Đúng ngày hẹn lễ cưới được tổ chức. Khi cô dâu trẻ định ra đồng xem ruộng đất của chú rể thì chú liền cởi chiếc áo đẹp ra và khoác một chiếc tạp dề vá hàng chục mảnh vào, rồi nói:
– Anh sợ làm bẩn chiếc áo cưới đẹp này.
Hai người đi ra đồng. Dọc đường, mỗi lần có đồng nho hoặc ruộng lúa, rồi kế tiếp là đồng cỏ là Hans lại vỗ tay chỉ vào mảnh vá to hay nhỏ ở tạp dề của mình mà nói:
– Miếng này của tôi, cả miếng kia nữa, em có thấy không toàn là của cải của anh cả. Cứ nhìn thì thấy đấy!
Thực ra chú rể có ý bảo cô dâu khỏi phải mỏi mắt nhìn cánh đồng bao la, cứ nhìn cái tạp dề ấy, cái ấy mới chính là của riêng của chú rể.
– Thế bạn có dự đám cưới không đấy?
– Có chứ, tôi cũng có mặt trong buổi cưới, ăn mặc rất chỉnh tề, lịch sự. Đầu đội mũ tuyết, bỗng nhiên trời nắng chang chang làm tuyết tan ra nước. Áo tôi mặc dệt bằng sợi màng nhền nhện, tôi đi qua bụi cây bị gai móc hết. Tôi đi giầy thủy tinh, không may tôi đi vấp phải đá, và “choang”! Giầy vỡ làm đôi.

85. Ngư phủ và con cá vàng

Ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng người đánh cá nghèo sống trong một túp lều nhỏ, việc đánh cá chỉ vừa đủ để vợ chồng sống qua ngày. Có lần người chồng quăng lưới, lúc kéo lưới lên thì thấy một con cá vàng. Người thuyền chài hết sức ngạc nhiên, mải ngắm nhìn cá, bỗng cá nói:
– Bác thuyền chài ơi, hãy thả tôi xuống nước, tôi sẽ biến túp lều của bác thành một lâu đài nguy nga tráng lệ.
Bác thuyền chài bảo:
– Lâu đài kia giúp ích gì khi ta chẳng có gì cho vào miệng?
Cá lại nói:
– Tất nhiên bác chẳng phải lo. Ở trong lâu đài có một cái tủ lớn, bác chỉ việc mở cửa tủ ra là thấy ngay đủ các món ăn ngon đựng sẵn trong các thố, bác muốn ăn bao nhiêu thì tùy ý.
Bác thuyền chài nói:
– Nếu thế thì ta sẵn lòng thả mi xuống nước.
Cá nói:
– Nhưng điều kiện đặt ra là bác không bao giờ được nói cho ai biết, tại sao bác lại có cơ ngơi ấy. Chỉ cần buột miệng nói ra là toàn bộ gia sản sẽ biến mất.
Bác thuyền chài thả cá xuống nước và đi về nhà. Trên mảnh đất cũ của túp lều hiện ra trước mắt bác giờ đây là một lâu đài nguy nga. Bác sững người đứng ngắm, khi bước vào lâu đài, bác thấy vợ ăn mặc đẹp đẽ gọn gàng ngồi trong một căn phòng tráng lệ. Người vợ nom mặt vẻ thỏa mãn hỏi chồng:
– Anh ơi, sao lại có chuyện như thế này nhỉ? Em thấy sướng quá!
Người chồng nói:
– Anh cũng thế. Nhưng anh đang đói cồn cào đây, lấy ra cho anh ăn đi.
Vợ bảo:
– Em chẳng có gì ăn cả. Ở trong lâu đài này em cũng chẳng biết kiếm ở đâu ra đồ ăn.
Người chồng nói:
– Có khó khăn gì đâu. Góc kia có cái tủ lớn, chỉ việc mở tủ ra mà lấy!
Vợ lại mở tủ thấy có đủ thứ, nào bánh ngọt, nào thịt, nào táo, nào rượu. Vợ tủm tỉm cười. Vui mừng vợ gọi chồng:
– Anh yêu, giờ anh thích thứ gì nào?
Rồi hai vợ chồng ngồi vào bàn cùng ăn uống. Ăn xong, vợ hỏi:

– Nhưng anh ơi, sự giàu sang này do đâu mà có nhỉ?
Chồng nói:
– Trời, hỏi làm chi, nếu anh nói ra thì vận may của chúng ta sẽ biến mất.
– Vâng, nếu như em không nên biết điều đó thì em cũng chẳng cần biết làm gì.
Nhưng rồi người vợ không sao ăn ngon ngủ yên, lúc nào cũng hỏi về chuyện đó làm cho người chồng đành phải kể, rằng mình đánh được một con cá vàng và thả nó xuống nước. Để trả ơn, nó đã cho lâu đài tráng lệ này. Người chồng vừa kể xong thì lâu đài cũng như chiếc tủ thức ăn biến mất. Hai vợ chồng lại đang ngồi trong túp lều tranh khi xưa.
Bác đánh cá đành phải trở lại cuộc sống của ngư dân, hàng ngày chèo thuyền đánh cá. May thay, lần này bác cũng kéo lưới lên được một con cá vàng. Cá nói:
– Nếu bác thả tôi xuống nước, tôi sẽ trả ơn bằng lâu đài tráng lệ và chiếc tủ đầy thức ăn. Nhưng nhớ đừng nói cho ai biết chuyện này, nếu không cả gia sản sẽ biến mất.
– Tôi sẽ không nói cho ai biết.
Bác đánh cá thả cá vàng xuống nước. Về nhà, bác thấy vợ với vẻ mặt mãn nguyện ngồi trong lâu đài tráng lệ. Tò mò làm cho người vợ không sao yên, chỉ mấy ngày sau là nàng lại hỏi về chuyện tại sao lại có lâu đài tráng lệ. Nàng lúc nào cũng chỉ hỏi về chuyện đó. Nàng hỏi nhiều tới mức người chồng nổi khùng kể ra bí mật kia. Người chồng vừa nói xong thì lâu đài cũng biến mất. Hai vợ chồng lại ngồi trong túp lều tranh khi xưa. Chồng bảo:
– Em đã thỏa mãn chưa. Giờ thì chỉ có ăn giẻ rách.
– Em không sao yên thân được, thà không có gia sản còn hơn là em không biết, những thứ đó từ đâu ra.
Bác đánh cá lại chèo thuyền đi đánh cá. Lần thứ ba bác lại kép lưới được con cá vàng. Cá nói:
– Thật là tôi không thoát khỏi tay bác. Hãy mang tôi về nhà và cắt thành sáu khúc, hai khúc bác nấu cho vợ ăn, hai khúc bác cho ngựa ăn, hai khúc còn lại chôn xuống đất, rồi bác sẽ được ban phước lành.
Bác đánh cá làm đúng như lời cá dặn. Một thời gian sau, từ chỗ chôn cá mọc lên hai cây bách hợp màu hoàng kim. Ngựa của bác sinh được hai chú ngựa con màu hoàng kim. Vợ bác sinh hạ hai người con trai màu hoàng kim.
Năm tháng trôi qua, hai đứa con trai giờ đã thành hai chàng trai khôi ngô tuấn tú. Ngựa con cũng đã trở thành ngựa chiến thuần thục. Hai người con nói:
– Thưa cha, chúng con muốn cưỡi ngựa đi chu du thiên hạ.
Người cha buồn nói:
– Cha cũng chẳng biết nói thế nào, nhưng làm sao cha biết được chuyện gì xảy ra với các con ở dọc đường?
Hai người con nói:
– Hai cây bách hợp ở đây, nếu cây xanh tốt tức là chúng con khỏe mạnh. Nếu cây héo có nghĩa là chúng con bị bệnh, nếu cây chết khô tức là chúng con đã chết.
Hai người con cưỡi ngựa lên đường. Họ tới một quán trọ dọc đường. Đám đông trong quán thấy hai chàng trai màu hoàng kim thì họ ồ lên cười chế nhạo. Một trong hai chàng trai khi nghe tiếng cười chế nhạo thì cảm thấy xấu hổ, chàng quay ngựa trở về gia đình. Chàng trai kia tiếp tục lên đường, chàng tới một cánh rừng lớn. Tới cửa rừng, chàng nghe tiếng người nói:
– Chớ có đi vào rừng. Ở trong đó có bọn cướp, chúng sẽ chẳng tha chết đâu, nhất là khi chúng nhìn thấy người ngựa đều màu vàng hoàng kim.
Chàng chẳng hề sợ hãi và nói:
– Tôi phải lên đường và đi qua cánh rừng này.
Chàng liền mặc bộ quần áo da gấu cho mình và cho ngựa. Khi chàng vào tới trong rừng thì chàng nghe tiếng nói với nhau:
– Có người cưỡi ngựa kìa.
– Hắn người da gấu nghèo xơ nghèo xác thì bắt giữ làm gì!
Chàng trai đi qua cánh rừng mà không hề mảy may gặp rủi ro gì.
Ngày kia chàng tới một làng. Chàng nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt thế giai nhân. Chàng liền phóng ngựa tới chỗ nàng, chàng nói:
– Tôi yêu say đắm nàng, nàng có thuận kết duyên vợ chồng không?
Thiếu nữ trong lòng cũng ưng thuận, nàng nói:
– Em có thể làm vợ anh và suốt đời chung thủy bên anh.
Hai người tổ chức cưới. Giữa lúc tiệc vui tưng bừng thì bố cô dâu về nhà, ông ngạc nhiên về đám cưới linh đình ở nhà mình. Ông hỏi: “Chú rể đâu rồi?.” Đám đông chỉ cho ông người mặc da gấu. Ông tức giận nói: “Không đời nào có chuyện người mặc da gấu lấy con gái ta.” Rồi ông định xông vào giết chú rể. Con gái lạy van xin. Đến khi ông đã bớt tức giận, nàng nói: “Đó là chàng trai mà con hết mực yêu thương.”
Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, ông đã dậy và ngó vào buồng con gái, xem có phải chồng cô là một tên ăn mày nghèo xác xơ hay không, nhưng hiện ra trước mắt ông là một chàng trai màu hoàng kim đang nằm ngủ. Bộ áo quần da gấu ở ngay chân giường. Ông quay trở về buồng mình và nghĩ: “Cũng may là mình kìm bớt tức giận, không làm những điều dại dột.”
Chàng trai nằm mơ, mình phi ngựa đi săn một con hươu. Sáng sớm hôm sau, chàng nói với vợ:
– Giờ anh muốn đi săn.
Người vợ cảm thấy sờ sợ, bảo chồng hãy ở nhà. Nàng nói:
– Anh có thể sẽ gặp rủi ro đấy.
– Anh muốn đi săn ngay bây giờ.
Chàng lên ngựa đi săn. Vào rừng chàng gặp một con hươu giống như chàng thấy trong giấc mơ hôm trước. Chàng rượt đuổi con hươu trong rừng suốt cả ngày. Lúc chàng ngẩng nhìn thì cũng là lúc hươu chạy biến mất vào trong bóng đêm. Chàng nhìn quanh quẩn thì thấy trước mặt mình là một căn nhà nhỏ, ở trong nhà có mụ phù thủy đang ngồi. Chàng bước tới gõ cửa. Một bà già bước ra hỏi:
– Giữa rừng sâu, trong đêm tối thế này, anh định làm gì thế?
– Bà có thấy con hươu chạy qua đây không?
– Con hươu thì tôi biết.
Con chó con sủa liên tục trong khi hai người nói. Chàng trai bực mình bảo:
– Quân bướng bỉnh, ngươi có im đi không, ta bắn chết bây giờ.
Bà già nói:
– Chà, lại tính bắn chết chó của ta.
Nói xong, bà hóa phép biến chàng trai thành tảng đá. Người vợ mong chờ chồng hoài, nàng nghĩ:
– Chắc là bị hại rồi nên mình mới thấy sờ sợ và lo âu thế này.
Người em trai ở nhà đang đứng cạnh hai cây bách hợp. Bỗng chàng thấy một cây héo khô. Chàng nói:
– Chắc là anh trai ta đã gặp nạn. Ta phải đi ngay cứu anh ấy.
Người cha nói:
– Con ở nhà. Nếu không có con thì cha biết xoay xở ra sao?
– Con phải đi cứu anh mới được.
Rồi chàng cưỡi ngựa lên đường. Chàng tới cánh rừng lớn kia, đến trước một căn nhà nhỏ có hòn đá ở trước cửa. Mụ phù thủy già bước ra và vẫy tay gọi chàng tới trước. Chàng đáp:
– Hãy biến anh ta trở lại thành người ngay không ta bắn chết bây giờ.
Mụ phù thủy đành phải xoa tay lên hòn đá. Ngay sau đó hiện ngay hình người từ hòn đá. Hai anh em mừng rỡ ôm hôn nhau, rồi cả hai lên ngựa ra khỏi rừng. Người anh trở về gặp vợ, người em trở về gặp cha. Người cha bảo:
– Cha biết, con đã giải thoát cho anh con, vì cây bách hợp tự nhiên lại xanh tươi.
Họ sống mãn nguyện và hạnh phúc bên nhau tới khi tóc bạc răng long.