Cũng phải cách đây mấy nghìn năm rồi, ở vùng rộng mênh mông này có rất nhiều ông vua nhỏ. Trong số đó có ông vua núi Coitơ rất thích đi săn. Một lần vua cùng thợ săn của hoàng cung đi săn, lúc ấy dưới chân núi có ba chị em nhà kia đang chăn bò, thấy vua và đám thợ săn đi qua, cô lớn nhất réo gọi hai cô kia, chỉ nhà vua và nói:
– Ê, này, nếu chị không lấy được người này thì chị ở vậy.
Cô thứ hai từ phía bên này núi vừa đáp vừa chỉ vào người đang đi bên phải nhà vua:
– Ê, này, nếu em không lấy được người kia thì em cũng ở vậy.
Cô em út chỉ vào người đang đi bên tay trái nhà vua và reo lên:
– Ê, này, nếu em không lấy được người kia thì em cũng ở vậy.
Hai người đi bên vua chính là hai quan thượng thư.
Vua nghe được hết tất cả, nhưng khi về tới hoàng cung nhà vua cho đòi ba cô gái đến, hỏi họ nói những gì ở trong núi ngày hôm qua. Cả ba cô đều không chịu nói. Vua hỏi cô chị cả có muốn lấy mình làm bạn trăm năm không. Cô bằng lòng. Còn hai cô em đều ưng thuận lấy hai quan thượng thư. Cả ba cô đều xinh đẹp, cô chị cả lại có bộ tóc dài óng như tơ.
Hai cô em không có con. Một hôm nhà vua phải đi xa, cho mời họ tới ở và chăm sóc luôn hoàng hậu vì bà đang có thai. Hoàng hậu sanh được một cậu con trai kháu khỉnh, lại có núm đồng tiền ở má. Hai cô em bàn nhau hãm hại đứa bé, và họ ném nó xuống nước – hình như ném xuống sông Vêdơ thì phải – ngay lúc đó có một con chim nhỏ bay vút lên và hót:
“Thương ôi chú bé xinh sao,
Để cho huệ trắng nhuộm màu tóc tang.”
Nghe tiếng chim hót, hai cô bủn rủn cả người, muốn bỏ mặc hoàng hậu đấy mà đi trốn.
Khi nhà vua trở lại hoàng cung, hai cô em kể với nhà vua rằng, hoàng hậu sinh ra một con chó. Nhà vua nói:
– Cái gì trời sinh ra cũng có lý cả.
Có một người thuyền chài vớt được đứa bé, đứa bé vẫn còn thoi thóp. Vì không có con nên hai vợ chồng người đánh cá đem đứa bé về nhà nuôi nấng dạy dỗ cho khôn lớn.
Năm sau vua lại đi xa. Hoàng hậu lại sinh con trai. Máu ganh tị nổi lên, hai cô em lại ném đứa bé xuống sông, ngay lúc đó có một con chim nhỏ bay vút lên và hót:
“Thương ôi chú bé xinh sao,
Để cho huệ trắng nhuộm màu tóc tang.”
Vua vừa về tới hoàng cung, hai cô em đã ra đón và kể rằng hoàng hậu lần này cũng sinh ra một con chó. Nhà vua chỉ nói:
– Cái gì trời sinh ra cũng có lý cả.
Người thuyền chài kia lại vớt được đứa bé và đem nó về nhà nuôi nấng dạy dỗ.
Lần này nhà vua lại phải đi xa. Hoàng hậu sinh con gái. Hai cô em độc ác kia lại ném đứa bé xuống sông, ngay lúc đó có một con chim nhỏ bay vút lên và hót:
“Thương ôi cô bé xinh sao,
Để cho huệ trắng nhuộm màu tóc tang.”
Khi nhà vua trở về, hai cô em kể rằng hoàng hậu lần này sinh ra một con mèo. Nhà vua nổi giận lôi đình, truyền giam hoàng hậu vào ngục tối. Nhiều năm đã trôi qua mà hoàng hậu vẫn ở trong ngục tối.
Giờ đây các con bà đã trưởng thành, khôn lớn. Một hôm đứa con trai cả muốn cùng các bạn thanh niên khác đi đánh cá. Nhưng bọn kia không muốn cho chàng đi cùng nên chế giễu:
– Đồ con rơi con nhặt mà cũng đòi đi cùng.
Chàng buồn rầu đi về hỏi ông lão đánh cá xem có phải thật thế không. Ông kể chính chàng là đứa bé mà ông đã vớt khi kéo lưới lên. Chàng liền xin cho đi tìm cha. Ông lão đánh cá muốn chàng ở lại nhưng chàng không chịu, ông đành để chàng đi.
Rồi chàng lên đường, đi hết ngày này sang ngày khác, sau cùng tới bờ một con sông lớn. Gặp một bà già đang ngồi câu cá, chàng nói:
– Chào mẹ!
– Chào con!
– Chắc lâu lâu mới có một con cá cắn câu mẹ nhỉ?
– Còn con thì còn phải đi tìm lâu lắm mới gặp được cha đẻ mình. Giờ con qua sông bằng cách nào?
– Dạ, cái đó chỉ có trời mới biết.
Bà già liền cõng chàng qua sông. Chàng đi hoài đi mãi mà vẫn chưa gặp được cha.
Một năm đã trôi qua, giờ đây người em trai lên đường đi tìm anh. Đến bên bờ sông lớn kia, mọi việc lại xảy ra như đối với người anh cả. Đợi mãi không thấy hai anh trở về, cô em gái sốt ruột, xin bố mình cho đi tìm hai anh. Khi tới bên bờ con sông lớn kia cô gặp một bà vụ già, cô chào:
– Con xin chào mẹ!
– Chào con!
– Lạy trời phù hộ mẹ câu được nhiều cá!
Thấy cô gái ăn nói phúc hậu, bà liền cõng cô qua sông, còn cho cô một cái roi và dặn:
– Con ạ, con cứ đi thẳng theo đường này, nếu dọc đường con có gặp một con chó mực to thì cứ thản nhiên đi qua, không cười mà cũng đừng nhìn nó. Tiếp đó con sẽ tới một lâu đài lớn, cửa để ngỏ, con để roi rơi xuống ngưỡng cửa. Con đi xuyên từ đầu này đến đầu kia của lâu đài, rồi bước ra chỗ giếng sau lâu đài. Từ trong lòng giếng mọc lên một cây cổ thụ, trên cây có treo một chiếc lồng, trong có một con chim. Con lấy lồng chim xuống và múc ở giếng một cốc nước, con cầm hai thứ ấy và theo đường cũ trở về. Con nhặt cái roi ở ngưỡng cửa lên, nhớ khi đi qua con chó thì quất cho nó một roi vào đúng mõm nó, rồi con đi thẳng về đây với mẹ.
Cô gái nghiệm thấy mọi việc xảy ra đúng như lời bà cụ dặn. Trên đường về cô gặp hai anh, họ đã đi chu du được nửa thiên hạ. Ba anh em cùng đi, tới chỗ con chó mực đang nằm, cô quất roi vào mõm, nó hiện nguyên hình thành một hoàng tử khôi ngô tuấn tú, chàng đã được giải thoát, giờ đây cả bốn người cùng đi. Tới bờ sông họ gặp lại bà cụ già, bà cõng họ qua sông và chính vì thế mà bà cũng được giải thoát khỏi phép yêu. Họ cùng nhau trở lại nhà ông lão đánh cá, mọi người chuyện trò vui vẻ và treo lồng chim lên cạnh tường.
Người con thứ hai chỉ nghỉ một lúc ở nhà rồi cầm nỏ đi săn. Đi mãi chàng mỏi chân, liền dừng lại lấy sáo ra thổi một bài. Nhà vua đang đi săn trong rừng, nghe tiếng sáo lạ, nhà vua cứ theo hướng tiếng sáo mà đi, tới nơi vua hỏi:
– Ai cho phép ngươi săn ở cánh rừng này?
– Thưa không ai cho phép cả.
– Thế ngươi là con cái nhà ai?
– Thưa tôi là con trai người đánh cá.
– Người đó làm gì có con.
– Nếu bệ hạ không tin lời tôi nói, xin mời bệ hạ cùng đi.
Tới nơi nhà vua hỏi chuyện ông lão đánh cá. Ông kể hết sự tình. Con chim nhỏ trong lồng cũng cất tiếng hót theo:
“Mẹ ngồi buồn tủi,
trong cảnh tù đày
Mấy đứa con đây
đều là ngoan cả
Hai dì xảo trá
làm chúng khốn cùng
quăng chúng xuống sông
ông già vớt được.”
Nghe chuyện mọi người sững sờ. Nhà vua đưa chim, đón các con cùng ông lão đánh cá về hoàng cung. Vua sai mở cửa ngục, hoàng hậu nom già nua ốm yếu. Cô con gái đưa cốc nước giếng cho bà uống, da dẻ bà lại hồng hào, người thấy khỏe hẳn ra. Hai cô em quỷ quyệt bị đi đày ngoài hoang đảo. Sau đó lễ cưới công chúa lấy hoàng tử được tổ chức.
Danh mục: LSVH Thế giới
Nhóm chủ đề về lịch sử văn hóa thế giới
97. Nước trường sinh
Xưa có một ông vua ốm thập tử nhất sinh, không ai tin là ông sẽ tai qua nạn khỏi. Nhà vua có ba người con trai, cả ba anh em đều buồn rầu về chuyện đó, kéo nhau ra vườn thượng uyển ngồi khóc. Giữa lúc đó có một ông cụ hiện ra hỏi vì sao mà buồn. Ba người thưa với cụ rằng vua cha ốm rất nặng, đã dùng đủ các loại thuốc mà không khỏi, chắc chắn thế nào cũng băng hà.
Nghe xong, ông cụ nói:
– Lão biết một thứ thuốc có thể chữa khỏi, đó là nước trường sinh. Nếu nhà vua uống nước ấy chắc chắn sẽ bình phục. Nhưng thứ nước ấy khó tìm lắm.
Người con trai cả nói:
– Nhất định tôi sẽ tìm được.
Hoàng tử đến bên giường bệnh xin phép vua cha cho đi tìm nước trường sinh, vì chỉ có nước ấy mới chữa khỏi bệnh của vua. Nhà vua bảo:
– Không được con ạ. Việc đó nguy hiểm lắm, thà để cha chết còn hơn.
Hoàng tử năn nỉ mãi đến khi vua bằng lòng mới thôi. Chàng nghĩ bụng:
– Nếu ta lấy được nước trường sinh về thì ta sẽ là đứa con cưng nhất của vua cha và sẽ được hưởng quyền thừa kế.
Chàng khăn gói lên đường. Khi đã đi được một đoạn đường dài, chàng gặp một người lùn. Người đó hỏi chàng:
– Này, đi đâu mà vội thế?
Hoàng tử đáp với giọng khinh khỉnh:
– Đồ lùn tịt ngu xuẩn. Điều đó không dính líu gì đến mày cả.
Rồi chàng lại phóng ngựa đi tiếp.
Người bé tí hon kia tức giận, lầm rầm đọc thần chú hại chàng. Chỉ một lát sau, chàng bị lạc vào một khe núi. Càng tiến sâu vào, khe núi càng xiết hẹp hơn trước, rồi đường đi hẹp tới mức cả chàng lẫn ngựa không thể nhúc nhích đi tiếp được nữa. Quay ngựa cũng không được, xuống ngựa cũng không xong, chàng đành ngồi đó như trời trồng. Vua cha mỏi mắt đợi con mang nước trường sinh về, nhưng không thấy.
Khi đó, người con trai thứ hai nói với cha:
– Thưa cha, cha để con đi tìm nước trường sinh.
Chàng nghĩ bụng: Anh mình đã chết, ngôi báu kia tất sẽ vào tay mình.
Lúc đầu vua không muốn hoàng tử ra đi, nhưng rồi cũng đành chiều ý con. Chàng cũng đi theo con đường mà người anh cả đã đi, và cũng gặp một người lùn. Người ấy giữ chàng lại và hỏi chàng đi đâu mà vội vã thế. Hoàng tử đáp:
– Đồ lùn oắt con! Điều đó không có dính líu gì đến mày cả!
Rồi chàng cứ thế phóng ngựa đi, không thèm ngoảnh cổ lại.
Người lùn lại đọc thần chú. Cũng như người anh cả, chàng cũng lạc vào khe núi, không tiến thoái được. Số phận của những kẻ kiêu ngạo là thế đó!
Người anh thứ hai cũng không trở về. Người con trai út lại xin vua cha cho đi tìm nước trường sinh. Cuối cùng, vua cha đành để cho chàng ra đi. Khi gặp người lùn kia, người ấy hỏi chàng đi đâu mà vội vã thế, thì chàng dừng ngựa lại, kể đầu đuôi câu chuyện. Chàng nói:
– Cha tôi ốm sắp chết, tôi đi tìm nước trường sinh.
– Anh có biết tìm nước trường sinh ở đâu không?
– Thưa không ạ.
– Vì anh cư xử lễ độ, biết người biết ta, không kiêu căng như hai người anh kia nên ta nói cho anh biết chỗ và cách lấy được nước trường sinh: Trong sân một tòa lâu đài bị phù phép có một cái giếng phun nước trường sinh, nhưng anh chỉ có thể vào trong lâu đài được, nếu tôi cho anh một chiếc gậy bằng sắt và hai cái bánh mì to tròn. Lấy gậy đập vào cửa sắt ba lần, cửa sẽ mở tung ra. Trước mặt anh sẽ là hai con sư tử đứng há mõm. Nếu anh vứt cho mỗi con một chiếc bánh, chúng sẽ yên lặng ngồi gặm bánh, khi đó anh chạy mau đi lấy nước trường sinh và ra khỏi cổng trước khi chuông đánh mười hai tiếng. Vì nếu không, cửa sập lại, anh sẽ bị giam ở trong đó.
Hoàng tử cám ơn người kia, cầm chiếc gậy sắt, bánh mì và lên đường. Khi chàng đến nơi, mọi việc xảy ra đúng như lời người lùn nói. Tiếng gõ thứ ba vừa dứt thì cửa mở tung ra, chàng ném bánh cho sư tử ăn và bước vào lâu đài. Chàng vào một phòng lớn, trang hoàng rực rỡ. Trong đó có những hoàng tử bị phù phép đang ngồi. Chàng tháo nhẫn ở ngón tay các hoàng tử và lấy thêm một thanh kiếm, một chiếc bánh ở đó. Rồi chàng tới một căn phòng khác. Một công chúa đẹp tuyệt vời đang đứng ở trong phòng. Khi trông thấy chàng, nàng mừng rỡ, hôn chàng và nói chàng đã giải thoát cho nàng, chàng sẽ được hưởng ngôi báu: nếu sang năm chàng trở lại, hai người sẽ làm lễ thành hôn. Rồi nàng chỉ cho chàng nơi có giếng nước trường sinh, khuyên chàng phải đi lấy nước cho kịp trước khi chuông đánh mười hai tiếng. Chàng lại đi nữa, đến một căn phòng có chiếc giường rất đẹp, mới trải khăn. Đi nhiều nên chàng đã mệt nhoài, giờ muốn nghỉ một lát cho giãn xương cốt. Vừa mới đặt lưng xuống giường, chàng đã ngủ thiếp đi. Khi chàng thức giấc, đồng hồ chỉ mười một giờ ba khắc. Sợ cuống lên, chàng vùng dậy, chạy thẳng ra giếng. Cạnh giếng có sẵn một cái cốc, chàng cầm cốc múc nước đổ vào bình, rồi vội vã ra về. Chàng mới bước được chân trái ra khỏi cửa thì chuông bắt đầu điểm mười hai tiếng. Cửa sập mạnh, và nhanh đến nỗi chàng mất luôn một miếng gót chân.
Lấy được nước trường sinh, chàng rất mừng, cứ thẳng đường ra về. Chàng lại qua chỗ người lùn. Thấy chàng mang thanh kiếm và chiếc bánh, người ấy nói:
– Anh đã lấy được những bảo bối hiếm quý: với thanh kiếm ấy anh có thể phá tan cả đoàn quân hùng mạnh, còn bánh mì thì ăn không bao giờ hết.
Nhưng hoàng tử muốn cùng các anh về gặp vua cha, chàng nói:
– Bác lùn thân mến ơi, bác làm ơn chỉ cho biết chỗ hai anh tôi đang ở. Hai anh tôi đi tìm nước trường sinh trước tôi mà chưa thấy về.
Người lùn nói:
– Chỉ vì họ quá kiêu ngạo nên ta phù phép khiến họ bị kẹp vào giữa hai trái núi.
Hoàng tử van lạy mãi, người ấy mới chịu tha cho hai người anh, nhưng người ấy căn dặn thêm:
– Đối với hai người ấy, anh phải cẩn thận vì họ nham hiểm lắm.
Khi gặp hai người anh, hoàng tử Út rất vui mừng. Chàng kể cho hai anh chuyện mình tìm thấy nước trường sinh, giải thoát cho một nàng công chúa xinh đẹp, nàng hứa đợi chàng một năm sau sẽ cưới. Và chàng sẽ được thừa hưởng cả một giang sơn rộng lớn.
Sau đó anh em cùng lên đường. Họ đi qua một nước đang bị cảnh chiến tranh và đói kém hoành hành. Vua nước đó cho rằng với cảnh cùng khổ này, tất cả cơ đồ sự nghiệp sẽ đổ vỡ hết.
Hoàng tử Út đến yết kiến vua nước ấy, cho nhà vua mượn chiếc bánh để toàn dân được ăn no. Hoàng tử còn đưa cho nhà vua thanh kiếm để đánh tan giặc ngoại xâm, nhân dân được hưởng thái bình. Sau đó hoàng tử lấy lại chiếc bánh và thanh kiếm, ba anh em lại tiếp tục lên đường.
Ba anh em đi qua hai nước nữa. Những nước này cũng đang bị chiến tranh và nạn đói hoành hành. Hoàng tử Út cho nhà vua các nước ấy mượn chiếc bánh và thanh kiếm của mình. Thế là cứu được ba nước khỏi cảnh lầm than, chinh chiến. Sau đó ba anh em lên thuyền vượt biển về nước.
Trong khi đi, hai người anh bàn với nhau:
– Thằng Út lấy được nước trường sinh về, thế nào vua cha cũng sẽ truyền ngôi cho nó. Chắc chắn nó sẽ lấy mất phần của chúng ta.
Máu hằn thù bực bội nổi lên, hai người tính sẽ tìm cách hãm hại em út. Cả hai đợi cho em ngủ thật say, rót nước trường sinh đổ vào bình của mình rồi đổ nước bể mặn chát thay vào. Về tới cung, hoàng tử Út dâng nước để vua cha uống khỏi bệnh. Nhưng vua vừa mới nhấp vài ngụm nước bể mặn chát thì bệnh lại tăng hơn trước. Khi vua đang rền rĩ về chuyện đó thì hai người anh bước tới, vu cho người em mưu tính đầu độc cha. Chúng nói là chúng mang được nước trường sinh thật để dâng vua cha uống. Quả nhiên vừa mới uống nước ấy, vua đã thấy bệnh tật biến đâu hết, người khỏe mạnh như thời còn trai trẻ.
Sau đó hai anh đến chỗ em út, chế nhạo em:
– Chính mày là người tìm thấy và lấy được nước trường sinh, nhưng mày chỉ có công, còn chúng ông lĩnh thưởng. Lẽ ra mày phải khôn ngoan hơn một chút nữa, lúc nào cũng phải tỉnh táo để ý tới nó mới phải. Sang năm, một trong hai đứa chúng tao sẽ đón rước công chúa xinh đẹp kia. Nhưng mày có khôn hồn thì đừng có nói lộ ra, cha không còn tin mày nữa. Mày chỉ cần hé ra một tiếng là sẽ toi mạng. Muốn sống yên thân thì hãy khóa miệng lại.
Vua rất bực mình về người con trai út, nghi là con út định hãm hại mình. Vua cho họp mặt quần thần để phán xử chàng. Triều đình quyết định xử bắn chàng một cách bí mật.
Một thị vệ được phái đi săn cùng hoàng tử. Chàng không hề hay biết gì về kế hoạch hãm hại mình. Khi chỉ còn hai người trong rừng, hoàng tử thấy tên thị vệ mặt buồn rười rượi, chàng hỏi y:
– Ngươi ốm hay sao mà nom mặt buồn thế?
– Kẻ bầy tôi bắt buộc phải làm một việc không tốt nhưng không được nói lộ ra.
– Ngươi cứ nói, ta sẵn lòng lượng thứ.
– Trời ơi, Hoàng thượng truyền lệnh cho kẻ hạ thần bắn chết hoàng tử.
Hoàng tử sợ hãi nói:
– Ngươi hãy để ta sống. Ngươi hãy mặc áo bào của ta, để ta lấy áo của ngươi mặc.
– Hạ thần cũng rất muốn như vậy. Hạ thần sẽ không phải bắn nữa.
Hai người đổi áo cho nhau. Thị vệ trở về nhà, còn hoàng tử trốn sâu mãi ở trong rừng.
Một thời gian sau, có ba chiếc xe chở đầy vàng ngọc đến cung vua để tạ ơn hoàng tử Út. Đó là quà tặng của ba ông vua ba nước gởi tới tạ ơn hoàng tử khi trước đã cho mượn kiếm để dẹp giặc ngoại xâm và chiếc bánh để cứu dân khỏi nạn đói.
Lúc bấy giờ, vua cha chợt nghĩ:
– Phải chăng con trai ta vô tội?
Rồi vua bảo quần thần:
– Ước gì con trai ta còn sống! Tiếc rằng ta đã sai người giết nó.
Người thị vệ tâu:
– Muôn tâu Hoàng thượng, hoàng tử còn sống. Kẻ hạ thần này đã động lòng thương mến nên không thực hiện mệnh lệnh của Hoàng thượng.
Rồi viên thị vệ kể lại cho vua nghe câu chuyện đã xảy ra như thế nào.
Như trút được hòn đá nặng đè trái tim, nhà vua cho loan báo khắp nơi cho phép hoàng tử trở về và hứa vẫn nhận chàng là hoàng tử như trước.
Trong khi ấy, công chúa nước kia đã sai làm một con đường toàn bằng vàng rực rỡ dẫn thẳng vào cung điện của mình. Nàng dặn quần thần hễ thấy ai cưỡi ngựa giữa đường, đi thẳng vào cổng cung điện thì cứ để người ấy vào vì đó chính là người công chúa mong đợi. Còn ai đi bên lề đường thì không cho vào.
Một năm hạn định đã sắp hết, hoàng tử anh cả nghĩ mình có thể lên đường, đến nhận là người đã cứu công chúa, hòng lấy công chúa và lên ngôi vua. Hoàng tử lên ngựa ra đi. Tới trước cung điện, thấy con đường dát vàng nom tuyệt đẹp, chàng nghĩ:
– Mình cho ngựa chạy lên thì hỏng hết đường.
Hoàng tử cho ngựa đi sang lề đường bên phải. Khi đến trước cổng, quân hầu chặn lại bảo chàng không phải là người công chúa mong đợi, xin mời quay ngựa trở về.
Liền ngay sau đó, hoàng tử thứ hai lên đường. Ngựa mới đặt chân trước lên con đường dát vàng, chàng chợt nghĩ, thật là phí phạm, đi ven đường cũng được rồi, nên chàng cho ngựa đi sang bên trái đường. Tới cổng, lính canh bảo chàng không phải là người mà công chúa mong đợi, xin mời quay ngựa ra về.
Đúng một năm trôi qua, Hoàng tử thứ ba mới rời khỏi khu rừng để tới gặp người yêu, để được sống bên nàng, quên hết những nỗi gian truân. Chàng ra đi, lòng luôn luôn nghĩ tới nàng nên đến gần cung điện mà vẫn không hay, cũng chẳng để ý đến con đường dát vàng. Chàng phi ngựa ngay giữa đường dẫn tới cung điện. Khi chàng phi gần tới thì cổng thành mở toang.
Công chúa hân hoan ra đón chàng và nói chính chàng là ân nhân và là chủ đất nước. Lễ cưới được tổ chức linh đình trong niềm hân hoan sung sướng của mọi người.
Sau lễ cưới ít hôm, công chúa kể cho chàng biết vua cha chàng đã cho người đến gọi chàng về, tha mọi tội lỗi cho chàng. Chàng lên ngựa về cung, kể cho vua cha biết tất cả mọi chuyện các anh đã lừa chàng như thế nào. Vua cha muốn trừng phạt hai người anh, nhưng cả hai đã lên ngựa phi ra biển, xuống thuyền ra khơi, không bao giờ trở về nữa.
98. Bác sĩ Vạn Năng
Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo tên là Tôm. Một hôm bác đánh xe hai bò kéo chở đầy củi ra tỉnh bán cho một ông bác sĩ lấy hai Taler – hai đồng tiền vàng. Lúc trả tiền, bác sĩ đang ngồi ở bàn ăn. Nhìn thấy ông ta ăn uống linh đình, bác nông dân cũng muốn mình được như vậy.
Bác tần ngần đứng lại một lúc, rồi hỏi xem mình có thể làm bác sĩ được không.
Bác sĩ bảo:
– Được chứ, cũng nhanh thôi.
Bác nông dân hỏi:
– Vậy tôi phải làm gì ạ?
– Điều đầu tiên là mua quyển sách vỡ lòng ABC loại sách trang đầu có vẽ con gà trống. Rồi bán xe với bò lấy tiền mua sắm quần áo, đồ nghề của bác sĩ. Sau cùng thuê thợ kẻ biển “Tôi là bác sĩ vạn năng” và đóng đinh treo trước cửa.
Bác nông dân làm đúng theo lời khuyên. Bác làm bác sĩ chưa được bao lâu thì có một nhà quyền quý giàu có kia bị mất trộm. Ông ta nghe nói là có vị bác sĩ vạn năng ở làng nọ có thể đoán biết được tiền ăn trộm giấu ở đâu. Ông cho đánh xe đến làng và hỏi bác nông dân rằng:
– Bác có phải là vị bác sĩ vạn năng không?
– Quả đúng như vậy.
Ông mời bác cùng đi tìm của mất trộm. Bác đồng ý, nhưng phải để Grete vợ bác cùng đi. Khi họ tới nhà quyền quý kia thì bữa ăn đã dọn ra. Bác sĩ vạn năng đòi trước tiên phải được cùng ăn, không những bác mà bác gái cũng cùng ăn, vợ chồng ngồi vào bàn ăn. Khi tên hầu thứ nhất bưng món ăn ngon vào, bác nông dân hích vợ bảo:
– Thứ nhất đấy!
Ý nói là người thứ nhất bưng món ăn vào. Tên hầu tưởng bác định nói “Tên trộm thứ nhất đấy.” Chính tên hầu đã ăn trộm nên hắn hoảng sợ, ra ngoài nói với các bạn:
– Bác sĩ biết hết tất cả, thật nguy cho chúng ta. Ông ấy bảo tao là tên trộm thứ nhất.
Tên thứ hai sợ không muốn vào, nhưng rồi cũng phải bưng vào. Khi hắn mang thẫu thức ăn vào, bác nông dân hích vợ bảo:
– Grete, thứ hai đấy!
Tên hầu sợ quá tìm cách lảng ra. Đến lượt tên thứ ba cũng vậy. Bác nông dân nói với vợ:
– Grete, tên thứ ba đấy!
Tên thứ tư mang thẫu thức ăn đậy kín. Chủ nhà bảo bác sĩ trổ tài, đoán xem là món gì. Đó là món tôm. Bác nông dân nhìn thẫu đậy kín không biết đoán mò sao, lúng ta lúng túng và kêu:
– Chà, chà, khổ cho cái thằng Tôm tôi quá!
Nghe xong nhà quyền quý reo lên:
– Tài thật! Bác biết chuyện này thì nhất định bác biết ai lấy trộm tiền!
Tên hầu chột dạ, nháy mắt cho bác sĩ ra ngoài. Bác ra, cả bốn tên hầu thú thật đã trót ăn trộm tiền. Chúng xin hoàn lại tiền và đưa bác thêm một khoản tiền lớn, chỉ xin bác đừng tố cáo, kẻo chúng có thể mất đầu như chơi. Chúng dẫn bác tới chỗ giấu của.
Bác sĩ trong bụng mừng thầm, lại ngồi vào bàn ăn, rồi nói:
– Thưa ông, để tôi tìm trong sách cẩm nang xem tiền giấu ở đâu.
Tên hầu thứ năm bò vào lò sưởi để dò xem bác sĩ có biết thêm gì nữa không. Bác sĩ ngồi giở sách đánh vần ABC, lật hết trang này đến trang khác để tìm con gà trống. Tìm mãi vẫn chưa thấy, bác nói:
– Ở đó thì ra đi chớ!
Tên hầu ở trong lò sưởi tưởng là nói mình, sợ quá nhảy ra, mồm nói lẩm bẩm cái gì cũng không ai rõ.
Rồi bác sĩ chỉ cho chủ nhà chỗ giấu của, nhưng không nói lộ cho biết ai ăn trộm.
Cả chủ nhà và đầy tớ đều cho bác nhiều tiền. Danh tiếng bác trở nên lừng lẫy.
99. Con quỷ trong chai thủy tinh
Ngày xửa ngày xưa, có một người bổ củi nghèo, bác làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt. Khi số tiền bác dành dụm được đã kha khá, bác bảo con trai:
– Nhà chỉ có một mình con, số tiền cha dành dụm được do mồ hôi nước mắt. Nay cha muốn dùng số tiền ấy để cho con đi học lấy một nghề gì đó, để sau này con có thể nuôi cha lúc tuổi già, chân tay yếu đuối, chỉ còn ngồi một chỗ.
Nghe lời cha, đứa con trai học hành chăm chỉ tới mức thầy hết lời khen ngợi. Khi người con trai theo học được nửa chừng thì gia đình lâm vào cảnh túng bấn, anh phải trở về. Người cha buồn rầu:
– Cha chẳng có gì để cho con nữa, ở thời buổi khó khăn này chỉ kiếm được vài xu đủ chi tiêu hàng ngày.
Người con trai đáp:
– Thưa cha, cha đừng lo nghĩ, nếu ý trời như vậy thì chắc con sẽ gặp may. Con sẽ cố gắng.
Khi người cha sửa soạn để vào rừng đốn gỗ thì người con trai nói:
– Cho con đi cùng với cha để giúp cha.
Người cha nói:
– Cũng được. Nhưng chắc con sẽ thấy công việc nặng nhọc, con chưa quen với công việc này, chắc gì đã theo nổi, mà cha lại không có dư tiền để mua thêm cái rìu nữa.
Người con trai nói:
– Cha sang hàng xóm mượn rìu đi, chắc họ cho mượn tới khi con đủ tiền mua lấy một cái rìu.
Người cha mượn của hàng xóm chiếc rìu. Sáng sớm hai cha con đã vào rừng. Người con trai hăng hái làm việc giúp cha.
Khi mặt trời đứng bóng, người cha nói:
– Giờ ta nghỉ tay ăn trưa, sau đó ta lại tiếp tục.
Người con trai tay cầm bánh và nói:
– Cha cứ nghỉ đi, con chưa mệt, con muốn đi dạo quanh xem có tổ chim nào không.
Người cha nói:
– Trời, con khùng sao, con chạy quanh tìm cái gì, sau đó con mệt nhoài, không nhấc nổi cánh tay. Ở lại đây, ngồi xuống bên cha!
Người con trai vừa đi vừa ăn bánh mì, ngó nghiêng nhìn lên cây xem có tổ chim nào không. Anh đi mãi, cuối cùng anh tới bên một cây sồi cổ thụ, ước chừng trăm năm ấy, phải năm người ôm chưa hết thân cây. Anh dừng chân, ngắm cây sồi cổ thụ và nghĩ, chắc phải có chim làm tổ ở trong hốc cây.
Rồi anh có cảm giác là có tiếng người nói, anh chăm chú lắng tai nghe thì nghe thấy một giọng khàn khàn:
– Hãy cho tôi ra, hãy cho tôi ra!
Anh ngó nhìn quanh, nhưng chẳng thấy gì. Hình như tiếng nói phát ra từ dưới mặt đất. Anh nói:
– Ngươi ở đâu vậy?
Có giọng đáp:
– Tôi ở dưới gốc cây, hãy cho tôi ra, hãy cho tôi ra!
Anh dọn lá xung quanh gốc cây và để ý tìm thì thấy ở trong hốc cây có một chai thủy tinh. Anh nhấc chai lên soi, thấy trong chai có một con vật giống như con nhái, nó nhảy ở trong chai, nó nói:
– Hãy cho tôi ra, hãy cho tôi ra!
Anh không hề nghĩ tới chuyện độc ác, anh mở nút chai. Từ trong chai vụt ra một cái bóng, chỉ trong nháy mắt nó đã to bằng nửa thân cây cổ thụ kia và đứng sừng sững trước chàng trai. Nó nói với giọng nghe rợn cả người:
– Ngươi có biết, việc thả ta ra khỏi chai rượu sẽ được thưởng cái gì không?
Chàng trai thản nhiên đáp:
– Không, làm sao mà ta biết được.
Con quỷ nói:
– Thế ta nói cho ngươi biết, để thưởng cho việc đó ta phải vặn cổ ngươi.
Chàng trai đáp:
– Nếu ngươi nói ta biết trước điều đó, ta sẽ để ngươi ở trong chai, lúc đó đầu ta vẫn còn nguyên, cứ thử hỏi mọi người xem có đúng thế không?
Con quỷ nói:
– Hỏi hết người này đến người khác, nhưng ngươi sẽ được thưởng công. Ngươi tưởng ta nằm trong chai là do lòng độ lượng, không, chính ta bị trừng phạt mà bị nhốt trong chai. Ta chính là thần Merkur hùng mạnh. Ai thả ta ra, người ấy sẽ bị vặn cổ.
Chàng trai nói:
– Ta chẳng ngờ mọi chuyện xảy ra nhanh như vậy. Trước tiên ta muốn biết có phải chính ngươi từng ở trong chai hay không? Nếu đúng như vậy thì ngươi chui thử vào trong chai cho ta xem, có vậy ta mới tin. Rồi sau đó ngươi muốn làm gì ta thì làm.
Con quỷ ngạo nghễ nói:
– Cái đó chỉ là trò đùa!
Con quỷ thu hình nhỏ lại như lúc trước và chui vào trong chai. Nó vừa chui vào lập tức chàng trai đóng ngay nút chai vào và ném chai vào chỗ cũ ở hốc cây cổ thụ. Con quỷ đã bị đánh lừa.
Giờ chàng trai muốn quay trở lại chỗ cha đốn gỗ, con quỷ lại cất giọng kêu cứu:
– Trời, hãy thả tôi ra nào, hãy thả tôi ra nào!
Chàng trai đáp:
– Không, không lần thứ hai. Kẻ nào định hại ta, ta sẽ không tha, khi ta đã tóm được nó.
Con quỷ nói:
– Nếu thả tôi ra, tôi sẽ cho anh rất nhiều của cải, nhiều tới mức anh sống sung sướng suốt đời.
Chàng trai nói:
– Không, ngươi sẽ đánh lừa ta như lần thứ nhất.
Con quỷ nói:
– Anh đừng có đùa với diễm phúc mà anh có. Tôi sẽ chẳng làm gì anh, mà còn thưởng cho anh rất nhiều.
Chàng trai nghĩ:
– Ta cứ liều thử xem, biết đâu nó lại giữ lời hứa.
Chàng mở nút chai, con quỷ chui ra và vươn vai trở thành to lớn như người khổng lồ. Nó nói:
– Giờ thì anh sẽ nhận được phần thưởng.
Con quỷ đưa cho anh một miếng vải nhỏ như băng keo dính và nói:
– Nếu anh đưa đầu này qua vết thương, vết thương sẽ lành. Nếu anh đưa đầu kia qua sắt hay thép, sắt thép sẽ biến thành bạc ròng.
Chàng trai nói:
– Phải thử mới biết được.
Rồi chàng cầm rìu bóc một miếng vỏ cây, sau đó chàng cầm miếng vải đưa qua vết vỏ cây bị bóc, lập tức vỏ cây liền lại. Chàng nói với con quỷ:
– Quả có đúng như vậy. Giờ chúng ta có thể chia tay nhau.
Con quỷ cám ơn chàng đã giải thoát cho nó. Chàng trai cũng cám ơn quỷ về món quà tặng. Chàng trở lại chỗ cha đang làm việc. Người cha hỏi:
– Con chạy đi đâu vậy? Con quên cả làm việc. Cha đã nói, con chẳng làm nên chuyện gì cả.
– Cha cứ bình tĩnh, cha ơi. Con sẽ làm cho xong việc.
Người cha bực mình nói:
– Chờ đấy, chẳng cái gì ra cái gì.
– Cha xem đây, con chỉ cho một nhát rìu là cây kia đổ ầm xuống.
Chàng lấy miếng vải đưa qua chiếc rìu, rồi vung tay chặt cây. Rìu sắt biến thành rìu bạc nên nó văng ra đất.
– Cha ơi, sao lại đưa cho con chiếc rìu cùn đến thế, giờ thì hỏng tất cả mọi việc.
Người cha bực tức nói:
– Trời, con làm gì vậy! Giờ cha phải mua chiếc rìu khác, con chẳng được tích sự gì cả.
Người con nói:
– Cha đừng giận, con sẽ trả tiền chiếc rìu.
Người cha thét:
– Quân ngu ngốc, trả bằng gì bây giờ. Con chẳng có lấy một xu dính túi, chỉ có vài chữ trong đầu. Chẳng biết gì về đốn gỗ.
Lát sau, người con trai nói với cha:
– Thưa cha, con không làm được nữa. Hai cha con ta nghỉ tay ngày hôm nay đi.
Người cha bảo:
– Trời, cái gì? Cha cũng khoanh tay rung đùi như con ư? Cha còn phải ráng làm cho xong. Con có thể thu gom đồ rồi về nhà được rồi.
– Thưa cha, con lần đầu tiên vào rừng nên không biết đường ra. Cha về cùng với con đi.
Người cha đã nguôi cơn giận, nghe con nói cũng đi về.
Về tới nhà, người cha nói:
– Con đem bán chiếc rìu này, con xem, liệu bán được bao nhiêu, con cầm lấy ít tiêu, còn để lại cha trả tiền đền chiếc rìu của hàng xóm.
Người con trai mang rìu ra chợ kim hoàn ở trong thành phố để bán. Người thợ kim hoàn cho lên lửa thử, rồi đặt lên cân và nói:
– Nó bán được 400 đồng Taler, nhưng tôi không có đủ tiền mặt ở đây.
Chàng trai nói:
– Bác có bao nhiêu thì đưa cho tôi. Số còn lại tôi cho bác nợ.
Bác thợ vàng đưa cho chàng trai 300 đồng Taler và nợ lại 100 Taler. Chàng trai đem tiền về nhà và nói:
– Thưa cha, con có tiền đây. Cha sang hỏi hàng xóm xem cái rìu hết bao nhiêu tiền.
Người cha bảo:
– Cái đó cha biết rồi. Một Taler sáu xu.
– Vậy cha trả 2 Taler mười sáu xu. Trả gấp đôi thế là đủ. Cha nhìn xem, con hãy còn nhiều tiền.
Người con trai đưa cho cha 100 Taler và nói:
– Con mong cha không bao giờ phải thiếu thốn, cha có thể sống sung sướng, thoải mái.
Người cha nói:
– Lạy chúa tôi, con lấy ở đâu ra lắm tiền của như vậy?
Rồi người con trai kể cho cha câu chuyện gặp con quỷ ở trong rừng và chuyện anh tin tưởng vào sự may mắn của mình nên mới có nhiều tiền của như vậy.
Với số tiền còn lại, chàng trai lại lên đường đi học tiếp tục. Vì anh có thể chữa lành vết thương bằng miếng vải nên anh trở thành bác sĩ nổi tiếng nhất thế giới.
100. Em bồ hóng của quỷ
Một người lính bị thải về không có gì để sinh sống, cũng không biết xoay xở làm sao. Bác ta bèn đi thẳng vào rừng, mới đi được một quãng thì gặp một người nhỏ bé: đó chính là con quỷ. Quỷ hỏi bác:
– Ngươi làm sao mà trông buồn rười rượi thế?
Bác lính đáp:
– Tôi đói mà lại không có tiền.
Quỷ nói:
– Nếu người chịu ở thuê cho ta, bảy năm làm đầy tớ cho ta, sau đó người sẽ giàu có suốt đời. Nhưng có điều cấm: trong bảy năm ấy ngươi không được chải đầu, cắt móng tay, rửa mặt, cắt tóc cũng như tắm.
Bác lính nói:
– Xong ngay, nếu chỉ có vậy.
Rồi bác đi theo người bé nhỏ kia. Quỷ đưa bác thẳng về âm phủ, dặn những việc phải làm: nhóm lửa bếp ở những nồi nấu thịt, quét sạch nhà, đổ rác ra sau cửa, dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Có một điều là không được ngó vào nồi, bác sẽ khốn đốn nếu tò mò ngó vào trong nồi.
Bác lính nghe xong, nói:
– Được, tôi xin làm y như thế.
Rồi quỷ lại ra đi lang thang. Bác lính bắt tay làm: nhóm lửa, quét nhà, hốt rác đổ ra sau cửa, làm tất cả mọi việc quỷ giao. Vừa mới về nhà là quỷ để mắt ngó xem mọi việc có như ý mình không, thấy ngăn nắp, nó lại đi.
Bác lính nhìn quanh, thấy chỗ nào cũng có nồi là nồi đang nấu, lửa bốc ngùn ngụt, nước sôi sùng sục. Bác cũng muốn ngó vào xem nồi nấu gì, nhưng quỷ đã dặn cấm. Nhưng rồi bác cũng không kìm được mình, nâng hé vung chiếc nồi thứ nhất để ngó. Bác thấy tên lính ngày xưa đang ngồi trong nồi. Bác nói:
– Hừm, tên khốn kiếp, giờ tao lại gặp mày ở đây! Trước kia tao ở trong tay mày, giờ mày lại ở trong tay tao.
Bác đậy ngay vung lại, nhét thêm củi vào bếp cho lửa cháy to hơn nữa. Tò mò bác mở vung nồi thứ ba xem ai ngồi trong đó, thì ra là tên tướng, bác nói:
– Ái chà chà, đồ khốn kiếp, trước kia tao ở trong tay mày, giờ mày lại ở trong tay tao.
Bác lấy bễ thổi cho lửa cháy rực lên.
Bác tính làm việc dưới âm phủ bảy năm, bảy năm ấy bác không hề chải đầu, cắt tóc, cắt móng tay và lau mặt. Bảy năm ấy đối với bác trôi nhanh như mới có nửa năm.
Đúng lúc hết hạn, quỷ hỏi:
– Này, Hans, ngươi đã làm những gì rồi?
– Tôi cời bếp cho lửa cháy to lên, quét dọn nhà và đổ rác ra phía sau nhà.
– Nhưng ngươi cũng mở vung ngó vào trong nồi. Cũng may mà ngươi chất thêm củi vào cho lửa to lên, nếu không ngươi đã toi mạng. Giờ thời hạn đã hết, ngươi có muốn về nhà không?
Người lính đáp:
– Có, tôi cũng muốn về xem cha tôi sống ra sao.
Quỷ nói:
– Để trả cho xứng công ngươi, ta cho người quét nhét đầy bị rác mà mang về. Ngươi không được tắm rửa, chải đầu, cứ để nguyên tóc dài, râu tậm, móng tay lều khều, mắt đầy ghèn mà đi. Nếu có ai hỏi từ đâu đến thì ngươi đáp: “Từ dưới âm phủ lên.” Có ai hỏi ngươi là ai thì đáp: “Là em bồ hóng của quỷ và cũng là vua của ta nữa.”
Bác lính lặng thinh làm theo lời quỷ bảo, nhưng lòng không được ưng với cách trả công ấy.
Tới giữa rừng, bác lính bỏ bị đeo xuống, tính rũ đổ rác đi. Nhưng khi mở bị ra nhìn thì đó không phải là rác mà là vàng ròng. Bác nói thầm:
– Thật là không ngờ lại có chuyện đó!
Bác lính vui bước đi vào thành. Chủ quán đang đứng trước cửa, trông thấy bác lính đâm ra hoảng, người đâu mà gớm ghiếc thế! Chủ quán lớn tiếng hỏi:
– Này, chui ở đâu ra đó?
– Ở dưới âm phủ lên.
– Mày là ai?
– Là em bồ hóng của quỷ và cũng là vua của ta nữa.
Chủ quán không muốn cho vào, nhưng thấy bác chìa vàng ra liền mở then cho vào.
Hans thuê căn buồng tốt nhất, được tiếp đón niềm nở nên ngồi ăn uống cho đến no say, nhưng vì quỷ đã dặn nên Hanxơ chẳng chải đầu, rửa mặt gì cả, cứ nguyên thế co cẳng lên giường ngủ. Túi vàng làm cho chủ quán đứng ngồi không yên, đợi đêm khuya hắn lẻn vào buồng lấy trộm.
Sớm hôm sau Hans tính lấy tiền trả thì không thấy túi vàng đâu cả. Bác tự trấn tĩnh và nghĩ:
– Mình không tội mà lại bị vạ à?
Bác lộn về âm phủ, phàn nàn kêu ca với quỷ già và mong nó giúp đỡ. Quỷ bảo:
– Ngươi ngồi xuống đi, để ta tắm rửa, chải đầu, cắt tóc, cắt móng chân móng tay, rửa mặt cho.
Mọi việc xong xuôi, quỷ lại cho bác đầy một bị rác và nói:
– Ngươi cứ đến đòi chủ quán vàng, nói nếu hắn không chịu trả ta sẽ đích thân đến điệu hắn về âm phủ, bắt hắn trông bếp thay ngươi.
Hanxơ lên tìm chủ quán và nói:
– Bác đã ăn trộm vàng của tôi. Nếu bác không trả lại tôi, bác sẽ phải xuống âm phủ trông bếp thay tôi, rồi người cũng sẽ nom gớm ghiếc như tôi.
Chủ quán không những trả lại vàng mà còn đưa thêm, chỉ xin bác đừng nói lộ chuyện ấy ra. Thế là Hans trở thành một người giàu có.
Hanxơ tiếp tục lên đường về nhà. Dọc đường về bác mua một chiếc áo khoác ngoài bằng vải thô, rồi với chiếc áo ấy bác đi lang thang chơi những khúc nhạc học được lúc còn ở dưới âm phủ. Bác chơi nhạc cho nhà vua nghe, trong lúc vui thích vua hứa sẽ gả công chúa đầu lòng cho bác.
Nghe thấy mình sẽ lấy một người mặc áo vải thô màu trắng nom tầm thường, công chúa đầu lòng nói:
– Lấy người ấy thà đâm đầu xuống sông còn hơn.
Vua liền gả cô út cho. Cô út ngoan ngoãn nghe theo lời vua cha. Thế là bác lính lấy công chúa con út vua. Sau khi vua băng hà, bác lên thay trị vì cả nước.
101. Người da gấu
Ngày xưa có một chàng trai trẻ, hết thời hạn đi lính. Nhưng anh phải giải ngũ. Viên đại úy nói, anh muốn đi đâu tùy ý anh. Cha mẹ anh đã chết từ lâu nên anh cũng chẳng thiết trở về quê hương nữa. Anh tìm đến mấy người anh em, xin họ giúp đỡ sống tạm qua ngày, đợi đến khi nào có công ăn việc làm. Nhưng những anh em kia đều nhẫn tâm, họ nói:
– Chúng tôi biết dùng chú vào việc gì bây giờ? Chúng tôi chẳng cần đến chú, chú nên biết điều đó mà tự lo liệu lấy.
Anh lính chẳng có gì ngoài khẩu súng, anh vác nó lên vai và đi chu du thiên hạ. Anh đi đến một cánh đồng hoang rộng lớn, giữa đồng đứng trơ trọi có một lùm cây. Anh buồn bã ngồi xuống gốc cây, nghĩ về thân phận mình!
– Mình không có tiền, mà cũng chẳng có nghề ngỗng gì cả. Trông thấy trước là mình sẽ chết đói!
Chợt anh nghe có tiếng gió lào xào, ngoảnh cổ lại, anh thấy một người lạ mặt, mặc áo xanh, trông lịch sự, nhưng lại có một thân chân ngựa gớm ghiếc.
Người ấy nói:
– Ta biết anh thiếu gì rồi. Anh muốn xài bao nhiêu tiền của cũng được, nhưng trước hết ta muốn biết anh có thật gan dạ hay không, vì ta không muốn phí tiền vô ích.
Anh đáp:
– Nghề lính và nhát gan – Hai cái đó làm sao hợp với nhau được, ông cứ việc thử thách tôi đi!
Người ấy nói:
– Được lắm, anh hãy nhìn lại đằng sau.
Người lính vừa quay người lại thì thấy ngay một con gấu to đang gầm gừ tiến lại phía mình. Anh thét:
– Ái chà, ông ngoáy cho mày buồn lỗ mũi, cho mày hết cảu nhảu nhé.
Rồi anh lên đạn, giương súng ngắm, bắn thẳng vào mũi gấu làm gấu ngã lăn ra, không hề nhúc nhích.
Người lạ mặt nói:
– Ta công nhận anh không phải là người nhát gan. Nhưng còn một điều kiện nữa anh phải thực hiện được.
Người lính nhận biết được người đứng trước mặt mình là người như thế nào rồi, anh đáp:
– Miễn là không mất phần hồn, còn ngoài ra, điều kiện gì tôi cũng chấp nhận.
Người áo xanh nói:
– Cái đó tùy anh. Trong bảy năm anh không được tắm giặt, chải đầu cạo râu, cắt móng chân móng tay, và không cầu chúa. Ta đưa cho anh một chiếc áo lót và một cái măng tôi để anh mặc trong suốt thời gian cấm đó. Nếu anh chết mà hạn của bảy năm chưa hết thì anh là người của ta, nhưng nếu anh còn sống thì anh sẽ được tự do và để đền bù cho bảy năm đó anh sẽ sống sung sướng giàu có suốt đời.
Người lính nghĩ tới cảnh khổ cực của mình sẽ phải chịu đựng, nhưng anh đã từng bao phen vào sinh ra tử, giờ đây cũng muốn thử một phen nữa xem sao, nên anh đồng ý. Con quỷ cởi áo xanh cho anh và nói:
– Khi anh đã mặc áo này vào người, mỗi khi cho tay vào túi, anh sẽ thấy trong túi rủng rỉnh toàn tiền.
Rồi con quỷ lột da gấu và nói:
– Da gấu này chính là áo măng tô để anh khoác vào người, nó chính cũng là giường mỗi khi anh muốn ngả lưng, anh không được sử dụng loại giường nào khác, cũng chính vì cách ăn mặc này, nên anh sẽ có tên là “Người da gấu.”
Nói xong, con quỷ biến mất.
Người lính mặc vào, thò luôn tay vào túi thì thấy rất nhiều tiền, lúc ấy mới hoàn toàn tin lời con quỷ nói là đúng. Anh khoác da gấu lên người đi chu du thiên hạ, tiêu tiền như nước, hưởng mọi thú vui, không bỏ qua một thứ trò tiêu khiển nào.
Năm đầu, trông anh còn ưa được, nhưng đến năm thứ hai thì chẳng khác gì một con quái tóc xõa xuống che gần kín mặt, râu dài, mọc lởm chởm trông như chổi xể; móng chân móng tay dài nhọn như nanh vuốt, mặt thì cáu ghét tầng tầng lớp lớp, giá như gieo hạt trồng rau ở đó cũng có thể được. Trông thấy anh ta là người ta bỏ chạy. Nhưng vì đến đâu anh cũng cho tiền người nghèo nên người ta cũng cầu mong anh đừng phải chết trong cái hạn của bảy năm, và vì anh trả tiền hậu hĩnh nên anh đi đến đâu người cũng xếp cho chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng.
Năm thứ tư, anh đến một quán trọ. Chủ quán không muốn cho anh trọ, thậm chí ở chuồng ngựa cũng không cho, vì e rằng ngựa trông thấy anh sẽ khiếp sợ, lồng và hí ầm lên. Nhưng khi “Người da gấu” móc ở túi ra một nắm tiền vàng thì chủ quán xiêu lòng, cho anh ở buồng phía sau, nhưng bắt anh ta phải hứa sẽ không ló mặt ra cho người khác thấy để quán trọ của hắn khỏi phải mang tiếng xấu.
Một buổi tối, “Người da gấu” đang ngồi một mình trong buồng, cầu mong bảy năm chóng qua thì nghe thấy tiếng than khóc ở buồng bên cạnh. Vốn có tính thương người, anh chạy ra mở cửa thì thấy một ông già hai tay ôm đầu khóc lóc thảm thiết. Anh đến gần cụ già. Nom thấy anh, cụ đứng phắt dậy định chạy trốn. Nhưng khi nghe thấy anh nói tiếng người, cụ mới yên tâm. Thấy “Người da gấu” ân cần thăm hỏi, cụ liền kể cho anh nghe nguyên nhân nỗi buồn của cụ. Miệng ăn núi lở, gia sản tiêu lần lần rồi cũng hết. Cụ và mấy cô con gái bây giờ lâm vào cảnh túng thiếu, gia đình nghèo đến nỗi không có tiền trả nhà trọ, cụ sẽ bị người ta bỏ tù.
“Da Gấu” nói:
– Nếu chỉ có chuyện thế thôi, cháu có thể giúp cụ, tiền thì cháu có dư.
Anh cho gọi chủ quán đến, trả tiền trọ cho ông cụ và còn dúi vào túi ông già bất hạnh đầy túi vàng.
Giờ thì cụ hết lo, nhưng cụ không biết lấy gì trả ơn. Suy nghĩ một lát cụ nói:
– Anh đi theo tôi về nhà. Các con gái tôi là hoa khôi, anh có thể chọn lấy một đứa. Nếu nó biết là anh đã giúp tôi trong cơn hoạn nạn thì tất nó không từ chối đâu. Tuy anh trông có vẻ kỳ quặc thật, nhưng chắc nó sẽ biết cách chải chuốt cho anh trở nên dễ coi.
“Da Gấu” nghe cũng đã xiêu lòng, và đi theo cụ. Cô gái cả mới thoáng nhìn thấy anh đã khiếp sợ, rú lên và chạy trốn. Cô con gái thứ hai tuy đứng lại, nhưng ngắm anh từ đầu đến chân, rồi nói:
– Con không thể lấy một người chồng mà hình thù người chẳng ra người, vật chẳng ra vật. Con gấu hôm nọ của đoàn xiếc còn dễ coi hơn, nó mày râu nhẵn nhụi, mặc áo kỵ binh tay đi găng trắng, nom như người ấy, trông nó xấu xí, nhưng rồi cũng quen mắt.
Đến lượt cô con gái Út, nàng nói:
– Thưa cha kính yêu, người đã cứu cha khỏi cơn hoạn nạn chắc chắn phải là người tốt. Để đền ơn ấy, cha đã hứa sẽ gả con gái cho ân nhân thì cha phải giữ lời hứa.
Tiếc thay, mặt “Da Gấu” bẩn thỉu, tóc che kín nên không ai thấy được nỗi mừng đang chan chứa trong lòng anh biểu hiện qua nét mặt. Anh rút nhẫn ở ngón tay, bẻ làm đôi, đưa cho cô Út một nửa, nửa còn lại thì anh giữ. Anh khắc tên anh vào nửa nhẫn của nàng và khắc tên nàng vào nửa anh giữ. Anh dặn nàng hãy gìn giữ nửa nhẫn ấy. Khi từ giã nàng, anh nói:
– Anh còn phải đi chu du thiên hạ ba năm nữa. Nếu như sau đó anh trở về, lúc ấy ta sẽ cưới nhau. Nếu anh không trở về thì có nghĩa là anh đã chết, em được tự do lấy chồng khác.
Cô Út đáng thương mặc toàn đồ đen. Mỗi khi nghĩ đến người chồng chưa cưới, cô lại ứa nước mắt, còn hai cô chị thì chỉ dè bĩu, giễu cợt cô em út.
Chị cả nói:
– Cẩn thận em nhé, kẻo lại nát tay vì phải vuốt gấu đấy khi nó giơ cẳng trước bắt tay em.
Chị thứ hai nói:
– Phải coi chừng em nhé, gấu là chúa thích của ngọt. Nếu nó thích dì, nó sẽ xơi ngấu nghiến dì luôn.
Chị cả lại nói ghẹo:
– Dì lúc nào cũng phải chiều lòng nó, không thì nó cảu nhảu ngay đấy.
Và chị hai lại nói chen thêm:
– Chắc chắn đám cưới sẽ vui lắm nhỉ. Nhảy giỏi như gấu mà!
Cô Út chỉ nín lặng, không hề chao đảo vì những lời dè bỉu mỉa mai ấy. Còn “Da Gấu” thì vẫn đi lang thang khắp nơi trong thiên hạ, làm điều thiện, bố thí tiền của cho những người nghèo đói.
Rạng sáng của ngày cuối cùng năm thứ bảy, “Da Gấu” lại ra cánh đồng, đến ngồi dưới lùm cây. Chỉ một lát sau, gió nổi lên ào ào, con quỷ đã hiện ra ngay trước mặt anh, nhìn anh chằm chằm, vứt trả anh cái áo cũ và đòi anh cái áo xanh của nó.
“Da Gấu” nói:
– Chúng ta chưa thanh toán hết nợ với nhau. Anh phải tắm rửa cho tôi sạch sẽ cái đã!
Bất đắc dĩ, quỷ đành phải đi lấy nước tắm cho “Da Gấu,” chải đầu và cắt móng tay, móng chân cho anh. “Da Gấu” nom lại ra vẻ một dũng sĩ, đẹp trai hơn trước nhiều.
Khi con quỷ rút đi một cách êm lẹ thì “Da Gấu” thấy mình đã trút được một gánh nặng. Anh đi ra tỉnh, sắm một chiếc áo nhung thật lộng lẫu, ngồi trong một chiếc xe do bốn ngựa trắng kéo, cho xe phóng thẳng về nhà người yêu. Không ai nhận ra anh. Người cha thì cứ tưởng đó là một võ quan cao cấp, liền mời vào buồng, nơi mấy cô con gái đang ngồi. Hai cô chị ngồi hai bên, mời khách ngồi giữa, rót rượu, lấy món ngon nhất ra mời. Hai cô nghĩ bụng: mình chưa từng thấy chàng trai nào đẹp như vậy. Cô em Út mặc toàn đồ đen thì ngồi đối diện với khách. Khi chàng trai ướm hỏi cụ giá có thuận gả một cô cho anh không, hai cô chị đứng phắt dậy, chạy ngay về buồng mình thay đồ, lấy áo quần lộng lẫy nhất mặc vào, cô nào cũng hy vọng chính mình là người sẽ được chọn.
Khi còn lại một mình với cô em Út, người khách lạ liền lấy nửa chiếc nhẫn trong túi ra, thả vào một cốc đầy rượu vang, đưa mời cô. Cô đỡ lấy cốc. Khi đã uống cạn rượu, nhìn thấy một nửa chiếc nhẫn ở đáy cốc, tim cô đập nhanh. Cô lấy nửa nhẫn đeo ở dây chuyền, chắp lại với nửa kia, hai nửa ăn khớp nhau hoàn toàn. Lúc đó “Da Gấu” mới nói:
– Anh chính là chồng chưa cưới của em “Người Da Gấu” mà em đã từng gặp. Anh đã tắm sạch sẽ để hiện lại nguyên hình người.
Anh đi lại phía người yêu, ôm hôn cô.
Đúng lúc ấy, hai cô chị ăn mặc lộng lẫy bước vào. Khi biết chàng trai đã kén cô Út làm vợ, và biết người đó chính là “Da Gấu” khi trước, hai cô chị tức điên người, vùng vằng bỏ đi.
102. Chim hồng tước và gấu
Vào một ngày hè đẹp trời, gấu và sói dạo chơi trong rừng, bỗng nhiên gấu nghe có tiếng chim hót véo von, gấu nói:
– Này anh bạn sói, chim gì mà hót nghe véo von vậy?
Sói đáp:
– Vua loài chim hót đấy, chúng mình có gặp thì phải cúi chào nhé!
Nhưng thực ra đó chỉ là chim hồng tước.
Gấu nói:
– Nếu quả như vậy thì tôi cũng muốn được coi cung điện của vua loài chim xem sao. Nào ta đi, dẫn tôi tới đó nhé!
Sói đáp:
– Đâu có dễ như anh nghĩ, phải đợi hoàng hậu về đã.
Chỉ lát sau vợ chồng vua loài chim bay về, mỏ cặp mồi để mớm cho chim con. Gấu muốn theo ngay vào lắm, nhưng sói níu tay áo giữ lại và nói:
– Đừng vào vội, đợi cho vua và hoàng hậu đi khỏi cái đã.
Sói và gấu để ý nhớ gốc cây nơi có tổ chim, rồi rảo bước.
Gấu sốt ruột, đứng ngồi không yên chỉ muốn được xem ngay cung điện vua loài chim, nên mới đi được một đoạn đã lộn lại. Tới nơi thì cũng đúng lúc vua và hoàng hậu vừa bay đi khỏi, ngó vào gấu thấy có năm hay sáu con chim nhỏ nằm trong tổ. Gấu lớn tiếng nói:
– Thế mà cũng gọi là cung điện nhà vua, cung điện gì mà tồi tàn thảm hại vậy! Còn lũ chim non kia đâu có phải con vua cháu chúa, chúng bay chỉ là lũ con hoang.
Đám chim non nghe hiểu, chúng hết sức tức giận, và lớn tiếng quát:
– Đừng nói láo, chúng tao không phải loại người như vậy, bố mẹ chúng tao vốn dòng quý phái. Đồ gấu kia, chuyện này nhất định phải làm cho ra nhẽ mới được!
Gấu và sói sợ quá, quay đầu bỏ chạy về hang. Được thể đám chim non càng la lớn, làm ầm lên cả khu rừng. Khi bố mẹ tha mồi về chúng mách:
– Thằng gấu lúc nãy có đến đây, nó chửi mắng chúng con là đồ con hoang. Nếu bố mẹ không làm cho ra nhẽ rằng chúng con là con nhà tông nhà giống, thì chúng con sẽ tuyệt thực, không thèm nhúc nhích người.
Vua cha an ủi:
– Các con cứ yên tâm, chuyện này tất nhiên phải làm cho ra nhẽ.
Rồi vua cùng hoàng hậu bay ngay tới trước hang gấu gọi:
– Này lão gấu già hay cảu nhảu kia, cớ sao mà lão dám sỉ nhục các con của ta. Thật là vô phước cho lão, để trả nhục chúng ta phải sống mái một phen mới được.
Thế là vua loài chim tuyên chiến với gấu. Về phần mình, gấu cầu cứu tất cả các loài thú bốn chân: bò, lừa, hươu, nai… tóm lại là tất cả các loài thú bốn chân có trên trái đất.
Còn vua loài chim thì kêu gọi tất cả các loài bay trong không trung: không phải chỉ có các loài chim lớn nhỏ tham gia, mà còn có cả ruồi, muỗi, ong mật, ong bầu tham gia.
Sắp đến ngày đánh nhau, vua loài chim phải trinh sát đi khắp mọi nơi để xem ai là tướng chỉ huy quân địch. Trong số loài biết bay thì muỗi là ranh mãnh hơn cả, nó bay thẳng vào trong rừng, tới nơi quân địch tập hợp, hạ cánh đỗ và ẩn mình sau một chiếc lá cây. Quân địch đang bày mưu tính kế. Gấu gọi cáo lại phía mình và nói:
– Này anh chàng cáo, trong các giống vật thì anh là khôn ngoan nhất, anh hãy làm tướng chỉ huy đội quân của chúng ta.
Cáo đáp:
– Thế cũng được, nhưng ta thống nhất lấy gì làm hiệu lệnh chỉ huy?
Không một con nào nghĩ ra. Lúc đó cáo mới nói:
– Tôi có một cái đuôi dài, rậm và đẹp, nom cứ như một chùm lông đỏ. Khi nào tôi vểnh đuôi lên thì có nghĩa là mọi việc tốt lành, các anh cứ nhằm thẳng phía quân địch mà tiến. Nhưng hễ tôi cụp đuôi xuống thì các anh liệu đường mà chạy thoát thân.
Nghe hết đầu đuôi kế hoạch của phía địch, muỗi bay về trình lại tỉ mỉ kế hoạch ấy với vua loài chim.
Trời mới tang tảng sáng, loài vật bốn chân đua nhau kéo ra mặt trận, quân kéo đi ầm ầm làm rung chuyển cả mặt đất. Trên trời, chim hồng tước cùng đội quân của mình bay ào ào từ hai phía tới, tiếng ong bay vo vo, các loài chim bay tới tấp la hét vang động khắp bầu trời, kẻ yếu bóng vía nghe đã thấy kinh hồn. Vua loài chim phái ong bầu đến bám sát cáo, nấp dưới đuôi và ráng đem hết sức mình ra đốt cáo thật đau. Bị đốt lần đầu cáo đau thót mình lại, giơ bắn một chân lên trời nhưng vẫn còn gượng được, đuôi vẫn còn giơ cao, tới phát đốt lần thứ hai, đau quá cáo đành buông hạ đuôi xuống một chút. Tới khi bị đốt lần thứ ba, cáo không sao ráng chịu được nữa, mồm la, đuôi cụp ngay vào giữa hai chân sau.
Nhìn thấy đuôi cáo cụp lại, loài vật bốn chân tưởng rằng mọi việc coi như hỏng, thế là con nào biết thân con ấy tìm đường tháo chạy về hang của mình. Loài chim thắng trận.
Vua và hoàng hậu liền bay ngay về tổ báo cho các con biết:
– Giờ thì các con tha hồ mà vui, cứ ăn uống cho thỏa chí, chúng ta đã chiến thắng.
– Nếu bản thân gấu không chịu đến tổ xin lỗi, và nói chúng con là con nhà dòng dõi thì chúng con không chịu ăn đâu!
Vua loài chim bay tới chỗ gấu, đứng trước hang quát:
– Đồ gấu cảu nhảu kia, muốn sống thì phải đến xin lỗi con ta, công nhận chúng là con nhà dòng dõi, bằng không thì thịt nát xương tan bây giờ.
Sợ quá, gấu bò ra khỏi hang tới xin lỗi. Các hoàng tử con vua loài chim rất hài lòng, mãn nguyện về chuyện đó ăn uống, nô giỡn tới tận đêm khuya.
103. Nồi cháo đường
Ngày xửa ngày xưa có một cô gái nhà nghèo, tính tình nết na, cô sống một mình với người mẹ già. Một ngày kia trong nhà hết cả đồ ăn, cô đi vào trong rừng thì gặp một bà cụ già, bà hiểu nỗi buồn của cô và tặng cô một cái nồi nhỏ, cô chỉ cần nói:
– Nồi ơi, nấu đi!
Tức thì nó nấu cho một nồi cháo đường ngon lành. Nếu cô nói:
– Nồi ơi, hãy ngưng!
Thì nó lập tức ngưng ngay không nấu nữa. Cô gái mang chiếc nồi về cho người mẹ già ở nhà. Từ đó trở đi hai mẹ con không phải sống trong cảnh nghèo khổ, túng đói nữa. Họ luôn có cháo đường để ăn, muốn ăn bao nhiêu cũng có.
Một ngày kia cô gái đi vắng. Bà mẹ ở nhà nói:
– Nồi ơi, nấu đi!
Thế là nồi nấu, và khi bà mẹ đã no, bà muốn nó ngưng nhưng bà không biết phải nói như thế nào. Cháo cứ được nấu hoài, cháo tràn khỏi nồi mà nồi vẫn cứ nấu tiếp, cháo tràn khắp bếp, lan khắp căn nhà thứ nhất, rồi tràn sang căn nhà thứ hai, lan ra khắp mặt đường, hình như nồi muốn nấu để cả thế gian ăn cho no mới thôi. Tình cảnh thật nguy ngập, chỉ còn một căn nhà cuối phố là chưa bị ngập, trong lúc mọi người còn đang lúng túng thì cô gái về, cô chỉ nói:
– Nồi ơi, hãy ngưng!
Tức thì cháo không trào nữa, nồi ngưng nấu. Ai có đi phố thì tha hồ mà ăn cháo.
104. Những người khôn ngoan
Một hôm, bác nông dân lấy chiếc gậy gỗ dẻ ở góc nhà ra, rồi nói với vợ:
– Trine, bây giờ tôi có việc phải đi, ba ngày mới về. Nếu có lái bò tới hỏi mua ba con bò cái thì bà cứ bán đi, nhưng phải bán lấy hai trăm Taler. Giá thấp hơn thì không bán, bà hiểu ý tôi nói chứ?
Người vợ đáp:
– Ông cứ yên tâm mà đi, cầu Chúa phù hộ cho ông. Việc đó tôi làm được mà!
Người chồng nói:
– Khi còn nhỏ bà đã từng ngã bươu cả trán, tới giờ tính khí bà vẫn còn thất thường bởi lần ngã ấy. Tôi nhắc trước bà, bà đừng có làm chuyện ngu ngốc. Tôi sẽ cho bà nhũn xương sống bằng chiếc gậy gỗ có trong tay. Trận đòn ấy phải hàng năm mới hết đau đấy. Bà nhớ kỹ cho nhé!
Nói xong, người chồng lên đường.
Sáng hôm sau lái bò tới. Người vợ cũng chẳng cần nói đôi co. Xem bò xong, lái hỏi giá rồi nói ngay:
– Tôi bằng lòng trả giá đó, chỗ quen biết mà. Tôi mang bò đi ngay.
Lái bò cởi dây, lùa bò ra khỏi chuồng. Khi lái cùng bò đang ra cổng thì vợ bác nông dân nắm tay lái bò và nói:
– Bác phải trả tôi hai trăm Taler (đồng tiền vàng) thì tôi mới cho đi.
– Đúng thế. Tôi quên không dắt dùi tượng theo người. Nhưng đừng có lo. Tôi thế nào cũng mang tiền trả mà. Tôi chỉ dắt đi hai con bò. Con thứ ba tôi để lại làm cược. Thế là bà có vật để làm tin rồi.
Vợ bác nông dân nghĩ thế cũng được nên để lái dắt bò đi. Bà nghĩ: “Hans mà biết mình buôn bán khôn ngoan thế này thì mừng lắm đấy.” Đúng như lời hẹn, ngày thứ ba thì bác trai về nhà. Bác hỏi vợ đã bán bò chưa.
– Đương nhiên là bò bán rồi, giá hai trăm Taler như lời ông dặn. Lái đồng ý lấy bò mà chẳng cần mặc cả.
Chồng hỏi:
– Thế tiền đâu?
Vợ đáp:
– Tiền tôi không giữ. Lái bò để quên dùi tượng tiền ở nhà và hứa, mang ngay lại trả, lái bò còn để lại một vật làm tin.
Chồng hỏi:
– Vật làm tin là cái gì?
– Ba con thì để lại một con làm tin. Chỉ khi nào trả tiền thì mới lấy nốt con bò thứ ba. Tôi tính có khôn không, tôi giữ lại con nhỏ nhất vì nó ăn ít nhất.
Người chồng nghe chuyện nổi giận, vung gậy tính đánh vợ một trận, nhưng bỗng bác hạ gậy xuống, nói:
– Đúng bà là con ngỗng ngu ngốc chỉ biết lắc lư cái cổ ở trên đời. Thật là đáng thương hại. Tôi sẽ ra đứng ngoài đường ba ngày để xem có ai ngu đần hơn bà không. Nếu như tôi thực sự gặp được người như vậy thì bà được tha. Nếu không gặp được người như vậy thì bà sẽ chắc chắn bị phạt.
Bác ta ra đường cái ngồi trên một tảng đá chờ người qua lại. Bác nhìn thấy một chiếc xe bò chở rơm, một người đàn bà đứng trên xe chứ không ngồi, mà cũng chẳng đi bộ dắt xe bò. Bác nghĩ bụng: “Đây đúng là người ngu đần mình muốn tìm!” – Bác đứng phắt ngay dậy, chạy quanh chiếc xe bò như một người ngớ ngẩn. Người đàn bà hỏi:
– Bác muốn làm gì thế? Tôi đâu có quen bác, bác từ đâu tới vậy?
Bác ta đáp:
– Tôi rơi từ trên trời xuống đây. Giờ không biết làm sao lại lên trời được. Liệu bà có thể chở tôi lên trời không?
– Không, tôi không biết đường. Nếu bác rơi từ trên trời xuống chắc bác biết tình hình chồng tôi ở trên ấy. Bác kể cho tôi nghe đi. Ông ta ở trên ấy đã ba năm. Thế bác đã gặp chồng tôi chưa? – Người đàn bà hỏi.
– Tôi đã gặp ông ấy. Nhưng không phải ai ở trên ấy cũng sung sướng. Ông ấy chăn cừu, nhưng lũ cừu chạy tứ tung trong rừng, có con lại lạc trong rừng. Ông ta phải chạy xuyên rừng để dồn chúng lại. Quần áo rách tả tơi như chừng muốn rớt khỏi người. Ở trên ấy không có thợ may. Thánh Petrus canh cổng không cho một ai vào cả. Bà đọc truyện kể về thiên đường thì bà biết đấy.
Người đàn bà nói:
– Ai mà biết được chuyện ấy. Bác giúp tôi nhé. Tôi sẽ lấy bộ quần áo tươm tất đang treo trong tủ, nhờ bác mang lên trên ấy để cho ông ta có đồ mặc tươm tất lịch sự.
Bác nông dân nói:
– Chắc chắn là không được. Không ai được mang quần áo lên thiên đường. Quần áo sẽ bị tịch thu ngay ở cổng thiên đường.
Người đàn bà nói:
– Bác giúp tôi nhé. Hôm qua tôi bán thóc nên có món tiền, bác mang lên cho ông ấy. Bác giấu tiền trong túi quần ai mà biết được.
Bác nông dân đáp:
– Thì biết làm sao bây giờ, thôi đành giúp bác vậy.
Người đàn bà nói:
– Thế bác ngồi đây đợi. Tôi đánh xe về nhà lấy tiền, rồi quay lại ngay. Tôi không ngồi trên rơm vì đứng thì bò kéo nhẹ hơn.
Bà ta thúc bò đi. Bác nông dân nghĩ: “Bà này đúng là có máu dở người. Nếu bà ta mang tiền tới thật thì bà vợ mình gặp may, vì không phải ăn một trận đòn.
Chỉ một lát sau, người đàn bà đó chạy vội tới, dúi nhét tiền vào túi bác nông dân và cám ơn rốt rít, rồi đi.
Khi người đàn bà đó về tới nhà thì con trai từ ngoài đồng trở về, bà kể con trai nghe những chuyện không ngờ tới, và còn nói thêm:
– Mẹ mừng quá. May mà gặp người để gửi một chút cho cha đáng thương của con. Chẳng ai lại ngờ tới chuyện cha con ở trên trời lại thiếu ăn, thiếu mặc như vậy!
Người con trai hết sức ngạc nhiên nói:
– Mẹ ạ, không phải ngày nào cũng có người ở trên trời xuống. Con phải đi ngay để tìm gặp người đó để nghe ông ta kể chuyện làm ăn sinh sống ở trên đó.
Anh ta đóng yên ngựa, rồi vội vàng cưỡi ngựa phóng đi và nhìn thấy bác nông dân ngồi dưới gốc cây liễu đang đếm tiền ở trong túi. Anh cất giọng hỏi:
– Bác có nhìn thấy người từ thiên đường xuống trần gian không?
Bác nông dân nói:
– Có thấy! Ông ta đang trên đường về đấy. Ông ta trèo ngọn núi kia kìa để về cho gần. Nếu anh phóng ngựa thật nhanh thì còn đuổi kịp đấy!
Anh ta nói:
– Ôi, tôi làm việc vất vả suốt cả ngày, rồi gắng phi ngựa tới đây, nên mệt lắm rồi. Bác biết người đó, bác làm ơn giúp tôi. Bác cưỡi con ngựa của tôi và nói khéo để ông ta quay lại đây.
Bác nông dân nghĩ: “Chà chà. Đây cũng là một chàng ngốc.” Bác bảo:
– Sao tôi lại không giúp anh nhỉ?
Nói xong, bác nhảy lên ngựa và phi nước đại. Chàng trai ngồi đợi tới khi bóng đêm ập xuống mà chẳng thấy bác nông dân quay trở lại. Anh nghĩ: “Chắc người kia vội về trời nên không muốn quay lại. Bác nông dân lại đưa ngựa cho người đó mang về trời đưa cho cha mình.” Thế là anh quay trở về nhà kể cho mẹ nghe cây chuyện mới xảy ra: Ngựa đã nhờ gửi cho cha để cha khỏi phải đi bộ ở trên ấy. Người mẹ bảo:
– Con đã làm một việc có hiếu. Con còn mạnh chân tay nên đi bộ không sao!
Khi Bác nông dân về tới nhà, bác dắt ngựa vào chuồng, buộc bên cạnh con bò “làm tin,” bác tìm bác gái và nói:
– Trine, bà thế là còn gặp may. Tôi đã gặp hai người còn ngu ngốc hơn cả bà. Lần này bà không bị ăn đòn về chuyện ngu ngốc. Nếu cứ luôn có chuyện ngu ngốc như vậy xảy ra thì tôi cũng phải bái phục.
105. Con cóc
CON CÓC
Ngày xưa có một em bé hàng ngày mẹ cho uống sữa và ăn bánh mì. Em thường đem sữa và bánh ra sân, thấy em ra là Cóc từ trong hốc tường nhà cũng nhảy ra và chúi đầu vào bát sữa uống. Em bé rất mừng khi có Cóc cùng ngồi ăn uống. Mỗi khi không thấy Cóc ra, em liền gọi:
Cóc, cóc ơi, ra mau,
Ta cùng nhau ăn uống,
Có sẵn bánh mì đây,
Có đầy bát sữa tươi.
Thế là Cóc nhảy ra cùng ăn uống. Để tỏ lòng cám ơn, Cóc lấy từ trong hang mình ra cho em bé những đồ chơi xinh xắn như đá quý đủ loại và các đồ chơi bằng vàng. Có lần Cóc chỉ uống sữa mà không ăn bánh mì. Em bé lấy muỗng gõ nhè nhẹ lên đầu Cóc và nói:
– Này, ăn bánh đi chứ!
Bà mẹ đang ở trong bếp, nghe thấy tiếng con nói thì ngó ra và thấy đứa bé đưa muỗng lên đầu con Cóc, bà cầm ngay thanh củi chạy tới và đập chết con Cóc.
Từ đó trở đi đứa bé cứ ngày một gầy còm, ốm yếu, không hồng hào khỏe mạnh như khi trước. Sau đó một thời gian, một đêm kia có con chim lợn bay qua kêu vài tiếng. Chỉ một lát sau thì đứa bé từ giã cuộc đời.
CHIẾC VƯƠNG MIỆN
Có một đứa trẻ mồ côi ngồi kéo sợi bên tường thành phố. Nó thấy một con cóc đi từ trong hang ra. Nó vội lấy chiếc khăn lụa màu xanh da trời và trải ra đất. Loài cóc rất thích ra ngồi trên chiếc khăn da lụa màu xanh da trời. Nhìn thấy chiếc khăn xanh, con cóc quay trở về hang và khi quay ra nó mang theo một cái vương miện nhỏ bằng vàng và đặt trên chiếc khăn lụa. Thấy chiếc vương miện óng ánh , cô bé kéo sợi lại lấy. Ngay sau đó con cóc quay trở ra, nhìn không thấy chiếc vương miện nữa, nó tới bên tường bằng đá, rồi đập đầu vào tường liên tiếp tới khi chết nằm lăn ra đó.
Gía như cô bé kéo sợi đừng lấy đi chiếc vương miện có phải cóc còn vào hang lấy vương miện ra nữa.
BÍ TẤT ĐỎ
Cóc kêu: “Hu hu, hu hu.”
Em bé nói: “Nào ra đây đi!.”
Em bé hỏi thăm chị Cóc: “Bạn có nhìn thấy Bí Tất Đỏ không?”
Cóc đáp: “Không, tôi không thấy. Sao bạn lại hỏi? Hu hu, hu hu, hu hu.”