146. Củ cải chúa

Ngày xửa ngày xưa có hai anh em nhà kia đều đi lính. Nhưng trong hai người thì có một người giàu có, còn người kia thì nghèo. Người nghèo ngồi tính sự đời. Anh quyết định bỏ nghề lính, về cày ruộng, sống bằng nghề nông.
Anh đào xới, cuốc đánh luống một mảnh đất và gieo trồng hạt củ cải. Củ cải mọc thành cây, trong số đó có một cây củ cải mọc mãi, lớn mãi như không muốn ngưng, củ nom to trông thấy hàng ngày. Củ cải mọc to đến nỗi từ xưa đến nay người ta chưa trông thấy có củ nào to bằng thế. Người ta gọi củ cải ấy là củ cải Chúa. Đến khi củ cải mọc đầy sức thì to tới mức phải dùng chiếc xe bò có hai bò kéo mới chở hết.
Anh nông dân đâm ra phân vân, chẳng hiểu đó là gặp may hay là một báo hiệu của sự bất hạnh. Anh nghĩ:
– Mình có đem củ cải đi bán chưa chắc đã có người mua. Nếu để ăn thì cũng chẳng cần, nhà còn nhiều củ cải nhỏ. Có lẽ tốt nhất là đem dâng biếu nhà vua.
Anh chất củ cải Chúa lên xe, để hai con bò kéo tới cung điện nhà vua, anh tiến vua củ cải Chúa.
Vua hỏi:
– Vật gì mà kỳ vậy? Của ngon vật lạ trên đời ta thấy đã nhiều, nhưng củ cải to như vầy ta chưa từng thấy. Ngươi trồng bằng loại hạt giống nào mà to vậy? Hay ngươi gặp may nên trồng được một củ cải to như thế?
Anh nông dân nói:
– Muôn tâu thánh thượng, không ạ, con chẳng phải là người gặp may, con chỉ là người lính tốt đen, nghèo túng không nuôi nổi mình nên bỏ áo lính về làm nghề nông. Người anh trai của con giàu có, chắc nhà vua cũng biết. Còn con, một người chẳng ai biết tới chỉ vì nghèo xơ nghèo xác.
Nhà vua thấy thương hại bèn phán:
– Ngươi sẽ chẳng phải khổ cực như vậy nữa, ta sẽ cho ngươi vàng bạc châu báu, ngươi cũng giàu có chẳng kém gì người anh trai.
Nhà vua cho rất nhiều vàng cùng ruộng đồng và gia súc chăn nuôi. Của cải của người anh chẳng thấm gì với những thứ vua ban thưởng cho người em.
Nghe tin người em chỉ vì một củ cải Chúa mà trở nên giàu có thì người anh đâm ra ganh tị, ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào cũng suy tính muốn mình cũng phải giàu có như nó mới được.
Hắn nghĩ, em mình mang biếu nhà vua chỉ có mỗi một củ cải mà được nhà vua cho không biết bao nhiêu mà kể, nếu ta đem tất cả vàng bạc châu báu cùng đàn ngựa của ta đem dâng biếu, chắc nhà vua sẽ cho thưởng hậu hĩnh hơn nhiều. Nghĩ làm làm, hắn đem dâng biếu nhà vua. Vua nhận và nói rằng không biết thưởng gì cho xứng đáng. Có lẽ tốt nhất là thưởng cho hắn của lạ hiếm. Ta có củ cải chúa có thể đem thưởng cho hắn. Người anh trai đành nhận củ cải, chất nó lên xe chở về nhà.
Về đến nhà, người anh không biết trút cơn tức giận lên đầu ai cho đến khi nẩy ra ý nghĩ độc ác là giết em. Anh mượn tay những kẻ giết người thuê nấp nơi kín đáo rồi ra tay . Anh đến gặp em và bảo: “Chú ạ, anh biết nơi cất dấu một kho vàng, anh em ta cùng đi đào, rồi chia nhau.” Người em thấy cũng có lý nên không nghi ngờ gì cả. Khi hai người đang trên đường đi tới kho báu thì những kẻ giết người nhảy bổ ra, trói người em lại, tính treo cổ người em lên cây. Khi chúng đang loay hoay làm việc đó thì vọng lại từ đằng xa tiếng hát và tiếng vó ngựa. Chúng sợ hãi nhét vội người bị bắt lộn ngược đầu vào trong một cái bao, treo bao lên một cành cây rồi chạy trốn. Ở trên cây, người em giãy đạp cho tới khi cái bao bị thủng một lỗ, đầu lọt ra. Bỗng có người đi tới -một chú phó nhỏ đang tung tẩy trong rừng, chàng vừa đi vừa hát vang. Người em ở trên cây thấy có người đi qua bên dưới bèn kêu to:” Xin chào! Cậu đến thật đúng lúc! ” Chú phó nhỏ ngó quanh, không biết tiếng nói từ đâu ra. Cuối cùng chú nói:” Ai gọi tôi thế? ” Từ ngọn cây, người em trả lời:” Hãy ngước đầu lên mà nhìn. Tôi ở trên cao, trong một cái túi dạy khôn. Trong một thời gian ngắn , tôi đã học được không biết bao nhiêu điều hay; những điều học được ở trường chỉ như gió thoảng qua. Tôi chỉ còn học một chút nữa thôi, xong tôi sẽ xuống và tôi sẽ giỏi hơn mọi người trên thế gian này. Tôi thông thiên văn, biết gió, cát ở ngoài biển thổi về đâu, biết cách chữa mọi bệnh tật, biết công dụng của cây cỏ, chim muông và khoáng vật. Nếu anh chui vào đây, anh sẽ thấy là ở trong túi dạy khôn này tuyệt diệu biết chừng nào.” Chú phó nhỏ nghe thấy thế thì ngạc nhiên vô cùng và nói:” Qủa là trời phù hộ cho tôi được gặp bác lúc này. Bác làm ơn cho tôi vào trong túi một lúc có được không?” Người em vẻ chần chừ, đáp:” Tôi cũng muốn để anh chui vào một lát, nếu anh biết điều trả công cho hậu, nhưng anh hãy đợi một giờ nhé. Còn một điều tôi muốn học nốt.”
Chú phó nhỏ chờ nên sốt ruột năn nỉ xin người em cho chui vào ngay vì anh nóng lòng muốn học khôn. Người em giả bộ như cũng chiều ý chú phó nhỏ và nói:” Muốn để tôi bước ra khỏi cái nhà dạy khôn này, anh hãy thả từ từ dây thừng . Sau đó sẽ đến lượt anh vào.” Chú phó nhỏ hạ người em xuống, mở túi cho anh chui ra. Sau đó,chú nói: “Giờ thì hãy kéo tôi lên cho nhanh!” Rồi anh tính chui vào trong túi,” Ngưng tay nào! – người em nói – như thế chưa được.” Anh đẩy chú phó nhỏ đầu lộn ngược vào túi, buộc miệng túi lại rồi kéo lên cây. Anh đẩy cho cái túi đung đưa trên không rồi hỏi: “Anh bạn thấy thế nào? Anh bạn thấy đấy, thấy khôn ngoan hơn trước chưa, giờ thì kinh nghiệm đầy mình. Hãy cứ nằm im, cho đến khi nào khôn ngoan hơn.”
Sau đó, người em nhảy lên con ngựa của *chú phó nhỏ và cưỡi ngựa đi. Được một giờ, anh cho người đến tháo cho chú phó nhỏ xuống.

* Thời trung cổ các phó nhỏ thường đi từ vùng này sang vùng khác hành nghề thợ mộc

147. Nguồn gốc loài khỉ

Hồi ấy thượng đế đang ở dưới trần gian, vào một tối kia người cùng với thánh Pétrus xin ngủ cách đêm ở nhà một người thợ rèn, người này đồng ý cho ngủ nhờ. Đúng lúc đó thì lại có một ông cụ già lưng còng đi qua, ông chìa tay xin người thợ rèn. Thánh Pétrus động lòng thương nên nói với thượng đế:
– Muôn tâu thượng đế, mong người hãy ra tay cứu nhân độ thế, cho kẻ kia thoát khỏi cảnh bần hàn khổ cực, đủ sức khỏe để tự kiếm sống.
Với giọng nói ấm cúng, thượng đế nói:
– Này anh thợ rèn, cho ta mượn lò nhé, cho ta ít than vào lò để ta cải lão hoàn đồng cho con người khốn khó kia.
Người thợ rèn sẵn sàng để cho thượng đế sử dụng lò rèn. Thánh Pétrus kéo bễ. Khi lửa thanh đã đỏ hồng, ngọn lửa cháy bốc to cao, thượng đế đẩy ông già kia vào lò, vào giữa ngọn lửa đang bốc, ngọn lửa cháy bùng lên như một bụi hồng gai lớn, người ta thấy có tiếng nói nghe vang như sấm. Thượng đế đứng bên bể nước tôi thép của người thợ rèn, người gắp ông già đang cháy đỏ nhúng vào nước. Nhúng xong người kéo ông già ra, người đọc thần chú, và bạn có biết không, giờ đây hiện ra trước mặt chúng ta là một chàng trai tuổi đôi mươi, dáng người cường tráng.
Người thợ rèn chứng kiến cảnh ấy từ đầu đến cuối. Khi công việc xong xuôi, ông ta mời tất cả cùng vào bàn ăn mừng ông già đã được cải lão hoàn đồng. Trong lúc ăn, anh ta gắng hỏi xem ông già có thấy nóng chảy người không, ông già đáp rằng, ông có cảm giác như mình ngồi trong bể nước lạnh chứ không phải là đang ngồi trong lửa.
Người thợ rèn có một bà dì đã già, lưng còng, mắt kém. Ngồi ở trong buồng bên cạnh bà nghe được hết câu chuyện mọi người nói với nhau trong lúc ăn uống. Câu chuyện cải lão hoàn đồng ấy làm bà không sao chợp mắt được, nó cứ văng vẳng bên tai như nửa thực nửa hư.
Sớm tinh mơ ngày hôm sau thượng đế đã lên đường, lúc chia tay người cám ơn anh thợ rèn rất nhiều. Khi thượng đế và tùy tùng đã đi khá xa, trong lòng người thợ rèn vẫn còn những suy tư, không biết có nên cải lão hoàn đồng cho bà dì của mình không. Anh nghĩ, chính mắt mình quan sát mọi việc lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc, nó chẳng khác gì chuyện mình nung thép cho đỏ rồi cho vào nước tôi. Cuối cùng anh quyết định hỏi xem bà dì có muốn được cải lão hoàn đồng không, bà lão có thể trẻ lại như một cô gái mười tám tuổi. Bà đáp:
– Ý dì cũng muốn vậy.
Thấy cảnh ông già thanh thản khi ngồi giữa lửa trong lúc cải lão hoàn đồng nên anh thợ rèn vững tâm. Anh nhóm lò, khi lửa đỏ bốc lên anh cho bà ngồi vào giữa ngọn lửa hồng đang ngùn ngụt cháy, người bà cong lại, duỗi ra, bà la thét nghe khủng khiếp như tiếng người kêu khi bị giết.
Anh thợ rèn nói an ủi:
– Gắng ngồi chút nữa, co duỗi gì lắm thế, phải nung đỏ mềm ra mới được.
Rồi anh lại thụt ống gió cho lửa cháy to hơn, lửa cháy hết áo quần, bà già càng la hét. Anh thợ rèn đâm hoảng và nghĩ bụng, chắc là làm không đúng rồi. Anh nhấc bà ra và cho bà vào thùng nước tôi thép. Ở trong thùng nước bà la hét om sòm làm cho hàng xóm nhốn nháo chạy cả sang xem. Họ thấy bà già người co quắp, mặt nhăn nhúm chẳng giống người tí nào cả. Bỗng bà vọt ra, chạy thẳng một mạch vào trong rừng sâu. Đó chính là thủy tổ xa xưa của loài khỉ.

148. Giống vật do thượng đế sinh ra và do quỷ sinh ra

Thượng đế sinh ra muôn loài và chọn chó sói canh giữ, nhưng thượng đế lại quên mất con linh dương. Con quỷ thấy vậy, nó cũng muốn làm một việc tương tự. Nó nặn ra giống linh dương có cái đuôi dài đẹp. Nhưng khổ nỗi mỗi khi chúng ra đồng ăn cỏ, đuôi của chúng thường mắc lại trong các bụi gai bên đường. Con quỷ lại phải tới, vất vả lắm nó mới gỡ được. Quỷ ta bực mình lắm, nó cắn ngắn đuôi của linh dương đi, vì vậy giống linh dương ngày nay có cái đuôi cụt là như vậy.
Rồi con quỷ để mặc lũ linh dương ăn trên cánh đồng. Nhìn xuống trần gian, thượng đế thấy lũ linh dương phá hoại cây cối: lúc thì chúng gặm thân cây đang xanh tốt, lúc khác thì chúng ra phá những cây nho giống quý, lúc thì chúng lại làm nát những cây con mọc bên lề rừng. Điều đó làm thượng đế động lòng thương, ra lệnh cho lũ chó sói tới xua đuổi đám linh dương, cắn xé chúng.
Biết được điều đó, quỷ lên thiên đình kêu:
– Muôn tâu thượng đế, giống vật của thượng đế xua đuổi, cắn xé giống vật của tôi.
Thượng đế nói:
– Tại sao ngươi lại sinh ra giống vật phá hoại như vậy?
Quỷ đáp:
– Tất nhiên giống vật tôi tại ra phải có những nét giống tâm tính tôi, nó cũng phải thích phá phách, nó không thể khác được. Và cũng vì nó mà tôi phải trả giá đắt.
– Ta sẽ trả cho ngươi tất cả. Khi nào lá cây sồi rụng hết, khi ấy ngươi hãy đến đây để lấy tiền.
Thấy lá bồ đề rụng hết, con quỷ liền đến đòi tiền. Nhưng thượng đế lại nói:
– Ở nhà thờ xứ Cônstantinôpên có một cây sồi cành lá hãy còn xum xuê xanh tốt.
Quỷ tức giận la lối om xòm, cố tìm cho bằng được cây sồi đó. Nó lang thang khắp vùng sa mạc mênh mông trong sáu tháng mới tìm thấy cây sồi xứ ấy. Đến khi nó quay trở lại thì tất cả các cây sồi khác lại xanh um tùm. Quỷ ta đành không dám đến đòi nợ nữa. Bực tức điên cuồng, quỷ chọc mắt tất cả giống linh dương, gắn thay vào đó chính mắt của mình.
Chính vì vậy mà giống linh dương ngày nay có mắt giống như mắt quỷ và có cái đuôi cụt.

149. Gà trống nhấc bổng chiếc xà nhà

Ngày xưa có một tên phù thủy đang phô trương những phép lạ của mình trước đám đông. Hắn gọi con gà bước ra trình diễn. Con gà dùng mỏ nhấc bổng chiếc xà nhà bằng gỗ và hiên ngang diễu đi diễu lại làm như chiếc xà nhà nhẹ như lông hồng. Trong số người đứng xem có một cô gái rất thông minh, không có sự đánh lừa nào qua được mắt cô. Thoáng nhìn cô biết ngay là không phải chiếc xà nhà bằng gỗ, thực ra đó chỉ là một cọng rơm. Rồi cô reo lên:
– Mọi người có thấy không, con gà trống đang tha một cọng rơm chứ không phải chiếc xà nhà.
Ngắm kỹ mọi người thấy đúng như vậy và hò nhau đánh đuổi tên phù thủy kia. Hắn co cẳng chạy nhưng còn nói với lại:
– Ta phải trả thù mới được.
Hắn chạy nhưng trong lòng còn đầy căm tức.
Một thời gian trôi qua, giờ đây cô gái đi lấy chồng. Đoàn người đón dâu và cô dâu phải đi qua một cánh đồng thì mới tới được nhà thờ để làm lễ.
Đoàn người đang đi, cô dâu bỗng thấy mình đang đi qua suối, nước mỗi lúc một sâu hơn, cô vội vén váy lên để lội. Ngay lúc đó bỗng có tiếng người nói:
– Trời ơi, mắt để đâu mà lại vén váy đi như thế.
Cô gái bỗng bừng tỉnh, nhìn lại thấy mình đang vén váy đi trên cánh đồng hoa xanh tím, màu hoa đã làm cô ngỡ rằng mình đang lội nước. Nghe tiếng người nói đám rước dâu nhìn quay cả lại. Họ vừa la mắng vừa rượt đuổi cô dâu.

150. Bà già ăn mày

Ngày xửa ngày xưa có một bà già đi ăn xin, chắc các bạn đã từng chính mắt trông thấy những bà già như vậy. Mỗi khi nhận được người ta cho chút ít gì bà cũng nói:
– Lạy trời phù hộ cho ông bà.
Trước cửa nhà nọ có một toán trẻ con đang quây quần quanh đống lửa để sưởi ấm. Nhìn thấy bà già đi tới, chân tay run rẩy, một đứa trẻ chạy ra đon đả mời:
– Bà ơi, bà vào sưởi cùng chúng cháu cho ấm.
Vì bị rét tê cóng nên bà ngồi sát bên ngọn lửa đang bập bùng cháy khi to khi nhỏ. Lửa bén cháy quần áo mà bà cũng không hay biết.
Một đứa trẻ nhìn thấy, nó đứng dậy, tất nhiên bạn đó có thể dập tắt không cho lửa cháy lan, có phải thế không nhỉ?
Và nếu như quanh đó không có nước, thì bạn đó phải khóc sao cho nước mắt chảy thành hai hàng lệ tuôn trào để dập tắt ngọn lửa đang cháy quần áo bà già.

151. Ba hoàng tử lười

Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua có ba người con trai, vua yêu quý cả ba con như nhau nên rất phân vân, không biết chọn con nào lên nối ngôi sau khi mình qua đời. Khi đã già yếu, nằm trên giường bệnh, vua cho gọi ba con tới và bảo:
– Các con thương yêu, cha đã nghĩ kỹ điều này, giờ cha muốn nói cho các con biết. Ai lười nhất trong ba anh em lên nối ngôi cha.
Người con trai cả nói:
– Thưa cha, đất nước này thuộc về con, vì con lười tới mức, khi con nằm và muốn ngủ, nhưng lại có giọt nước rơi xuống mắt, con chẳng buồn lấy tay lau giọt nước đi để rồi ngủ cho ngon.
Người thứ hai nói:
– Thưa cha, đất nước này thuộc về con, vì con lười tới mức, khi con ngồi bên lửa sưởi ấm lửa cháy lan ra, thà con để lửa cháy gót chân, còn hơn là con phải co chân lại.
Người con trai út nói:
– Thưa cha đất nước này là của con, vì con lười tới mức, nếu con có bị treo cổ, thòng lọng đã tròng vào cổ, bỗng có một người dí vào tay con một con dao sắc để con cắt đứt chiếc dây thòng lọng kia, con thấy thà để bị thắt cổ còn hơn là phải đưa tay lên cắt dây thòng lọng.
Nghe con út nói xong, nhà vua bảo:
– Lười như con là hết chỗ nói, con sẽ lên nối ngôi cha.

152. Chú bé mục đồng

Xưa, có một chú bé mục đồng nổi tiếng khắp nước về tài ứng đối. Tiếng đồn đến tai nhà vua, nhà vua không tin, cho triệu em đến để thử tài. Nhà vua nói:
– Nếu con giải được ba câu đố của ta, thì ta sẽ coi con như con đẻ và con sống bên ta ở trong cung điện này.
Chú bé nói:
– Tâu bệ hạ, ba câu gì ạ?
Vua nói:
– Câu thứ nhất thế này: biển có bao nhiêu giọt nước?
Chú bé mục đồng thưa:
– Tâu bệ hạ, xin người cho chặn tất cả sông ngòi trên trái đất, đợi con đếm từng giọt rồi hãy cho chảy ra biển. Sau đó con sẽ xin thưa bệ hạ biển có bao nhiêu giọt nước.
Vua nói:
– Câu đố thứ hai thế này: Trên trời có bao nhiêu sao?
Chú bé mục đồng thưa:
– Tâu bệ hạ, cho con xin một tờ giấy trắng thật to.
Chú bé cầm giấy, lấy bút chấm la liệt những chấm tí ti lên giấy, chấm nhiều vô kể lại nhỏ ly ti nên không tài nào đếm được, ai nhìn vào cũng hoa cả mắt.
Sau đó chú bé tâu vua:
– Tâu bệ hạ, trên giấy có bao nhiêu chấm, thì trên trời có từng ấy sao, cứ đếm thì biết.
Nhưng chẳng một ai đếm nổi!
Vua nói:
– Câu đố thứ ba thế này: Thời gian vô tận có bao nhiêu giây đồng hồ?
Chú bé mục đồng thưa:
– Tâu bệ hạ, ở xứ Hinterpommern có ngọn núi Demant, phải leo một tiếng mới đến ngọn núi, phải đi một tiếng mới hết bề ngang, lại phải xuống một tiếng mới tới đáy hang núi, có một con chim nhỏ xíu, cứ cách trăm năm lại bay đến mài mỏ vào vách núi. Khi nào núi bị chim mài nhẵn tới đáy hang thì lúc đó giây đồng hồ đầu tiên của thời gian vô tận mới trôi qua.
Nghe xong, vua phán:
– Con đã giải ba câu đố tinh thông như một nhà hiền triết. Từ nay trở đi con sẽ ở bên ta trong cung điện này, ta coi con như con đẻ của ta.

153. Tiền vàng rơi như sao sa

Ngày xửa ngày xưa có một cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống vất vưởng, không nơi nương thân không giường để ngủ, ngoài quần áo đang mặc trên người ra thì không còn có của cải gì nữa. Có người thấy cô gái nghèo khổ nên thương hại và cho một mẩu bánh mì. Cô bé tính tình rất dễ thương và tốt bụng.
Cô bé đi lang thang ra cánh đồng. Ở đó cô gặp một người nghèo đói, người này nói:
– Cô có thể cho tôi xin miếng bánh ăn cho đỡ đói được không?
Cô đưa cho người đó cả miếng bánh và nói:
– Mong trời phù hộ cho ông.
Đi được một quãng nữa thì cô gặp một đứa bé, nó than với cô:
– Tôi buốt đầu quá, làm ơn cho tôi cái mũ đi.
Cô cầm mũ đưa cho đứa bé. Cô tiếp tục đi, đi được một quãng nữa thì lại gặp đứa bé đang bị rét cóng vì không quần áo, cô bé đưa cho nó chiếc váy của mình. Khi tới một cánh rừng thì trời bắt đầu sập tối, lúc đó có một đứa bé đi lại phía cô và xin cô cái áo mặc cho đỡ rét. Cô bé liền nghĩ bụng:
– Trời tối đen như mực thì còn ai nhìn thấy mình nữa, mình có thể cho đứa bé kia cái áo.
Rồi cô cởi đưa áo cho đứa bé. Ngay sau đó bỗng nhiên từ trên trời mưa xuống những đồng tiền vàng lấp lánh dưới ánh sao, rồi cô thấy mình mặc toàn váy áo mới và đẹp. Cô bé cúi xuống nhặt những đồng tiền vàng sáng loáng và từ đó cô giàu có sung sướng suốt đời.

154. Những đồng Heller bị mất

Có lần hai vợ chồng nhà kia cùng con cái và khách ngồi ăn trưa. Đó là người bạn thân của gia đình. Mọi người đang ngồi ăn thì đồng hồ đánh chuông mười hai tiếng. Người khách thấy cửa bỗng nhiên từ từ mở, một đứa trẻ mặt mày xanh xao, vận đồ trắng tuyết bước vào. Nó chẳng ngó nhìn quanh mà cũng chẳng nói một lời nào cả, nó đi thẳng vào phòng bên cạnh. Một lát sau nó cũng im lặng từ từ bước ra cửa. Ngày thứ hai, ngày thứ ba nó cũng đến và đi như vậy. Thấy lạ người khách mới hỏi bạn mình rằng đó là con nhà ai mà trưa nào cũng lặng lẽ tới rồi lại lặng lẽ đi ra.
– Tôi không nhìn thấy gì cả, và cũng không biết nó là con nhà ai.
Đúng trưa ngày hôm sau đứa trẻ lại tới, khách chỉ cho chủ nhà, nhưng chồng cũng như vợ và con cái, chẳng ai nhìn thấy gì cả.
Khách đứng dậy đi sang phòng bên, hé mở cửa nhìn vào thì thấy đứa trẻ đang ngồi giữa nhà, hai tay đang đào cạy tìm một cái gì đó ở dưới kẽ hở của sàn nhà. Khi nhận thấy có người ngó nhìn, đứa trẻ biến mất.
Sau đó người khách thuật lại cho cả nhà nghe những điều chính mắt mình trông thấy, và tả lại cặn kẻ hình dáng đứa trẻ. Lúc bấy giờ vợ chủ nhà mới chợt nghĩ ra và nói:
– Trời ơi, đó chính là cháu nhà chúng tôi đấy, nó mới bỏ chúng tôi cách đây bốn tuần.
Hai vợ chồng chủ nhà cạy sàn nhà lên thì thấy hai đồng Heller. Đó chính là hai đồng Heller mà mẹ bảo cầm ra đưa cho một người ăn mày, nhưng đứa trẻ không đưa và nghĩ:
– Hai đồng Heller cũng mua được bánh mì tẩm đường rán, ta giữ lại mua bánh mì mà ăn cho thỏa chí thèm.
Đứa trẻ bèn cất giấu hai đồng Heller vào kẽ hở sàn nhà.
Chính vì chuyện ấy mà đứa trẻ không được yên thân dưới mồ, trưa nào cũng phải đi tìm những đồng Heller ấy.
Mấy hôm sau bố mẹ đứa trẻ đưa hai đồng Heller đó cho một người nghèo qua đường. Từ đó trở đi không ai nhìn thấy đứa trẻ kia nữa.

155. Kén nàng dâu

Ngày xưa có một chàng chăn cừu trẻ tuổi muốn lấy vợ. Có ba chị em nhà kia, cả ba đều xinh và giống nhau như đúc. Anh chàng phân vân, không biết nên tỏ tình cùng ai. Anh ta hỏi mẹ về chuyện đó. Bà nói:
– Con mời cả ba cô đến. Đặt trước mỗi cô một miếng pho mát, con để ý xem các cô ấy cắt pho mát như thế nào?
Chàng trai làm đúng như lời mẹ dặn. Cô thứ nhất cắm đầu cắm cổ mà cắt, cắt pho mát để cả cùi, cô thứ hai cắt vội cắt vàng đến nỗi vất đi bao nhiêu là pho mát cùng với cùi, cô thứ ba gọt cùi cẩn thận, chỉ bỏ đi những phần cứng.
Chàng trai kể lại tất cả chuyện đó với mẹ, bà bảo:
– Con nên lấy cô thứ ba làm vợ.
Theo lời mẹ, chàng lấy cô thứ ba, chàng sống mãn nguyện hạnh phúc bên nàng.