HỒI 117: Đặng Sĩ Tái lẻn qua núi Âm Bình – Gia Cát Chiêm chết tại thành Miên Trúc.

Nói về, phụ quốc tướng quân là Đổng Quyết, nghe tin quân Ngụy chia làm mười đường vào cõi, mới dẫn hai vạn quân giữ chặt cửa ải Kiếm Các. Khi ấy trông thấy bụi bay mù mịt, tưởng là quân Ngụy đã đến nơi, mới dẫn quân ra ngăn giữ. Quyết ra trước trận trông xem, té ra Khương Duy, Liêu Hóa, Trương Dực. Quyết mừng lắm, tiếp ba người lên ải, khóc lóc kể lại việc Hầu chủ tin nghe Hoàng Hạo. Duy nói:

– Ông không phải lo, nếu Duy này còn sống, quyết không để cho quân Ngụy nuốt được nước Thục ta đây. Nay hãy giữ ở đây, sẽ tìm kế mà phá giặc!

Quyết nói:

– Ở đây tuy có thể giữ được, nhưng ở Thành Đô không có người, nếu để quân giặc đánh úp dược, thì đại thế tan vỡ cả.

Duy nói:

– Ở Thành Đô núi non hiểm trở, không dễ mà vào lọt, bất tất phải lo chi.

Đang nói chuyện, thì Gia Cát Tự dẫn quân kéo đến dưới ải. Duy nổi giận, dẫn năm nghìn quân kéo xuống, xông thẳng vào trận, đánh giết quân Ngụy tan tành. Gia Cát Tự thua to, rút lui ngoài mười dặm hạ trại. Quân Ngụy chết không biết bao nhiêu mà kể. Quân Thục cướp được ngựa xe và khí giới rất nhiều.

Chung Hội hạ trại, cách cửa Kiếm hai mươi dặm. Gia Cát Tự vào lạy chịu tội. Hội mắng rằng:

– Ta sai ngươi giữ đầu cầu An Bình, để chặn dượng Khương Duy kéo về, sao dám để cho hắn chạy thoát? Vả ta chưa sai đến, sao dám tự tiện tiến binh, để đến nỗi thua to như thế này?

Tự kêu rằng:

– Khương Duy nhiều quỷ kế lắm. Hắn giả danh đến cướp Ung Châu, tôi sợ Ung Châu mất, cho nên dẫn quân đi cứu, không ngờ hắn thừa cơ chạy thoát. Tôi nhân thế đuổi đến dưới ải, té ra lại bị thua.

Hội nổi giận, sai lôi Tự ra chém.

Giám quân là Vệ Quán can rằng:

– Tự tuy có tội, nhưng là người của Đặng tướng quân, tướng quân không nên giết, e tổn thương hòa khí hai bên.

Hội nói:

– Ta phụng minh chiếu của thiên tử và quân lệnh của Tấn Công, sang đây đánh thục, cho đến Đặng Ngải có tội ta cũng chém!

Các tướng cố sức can ngăn. Hội mới bắt Gia Cát Tự bỏ và xe củi, đưa về Lạc Dương để Tấn Công trị tội. Còn quân của Tự, thì thu cả lấy làm bộ hạ sai khiến.

Có người báo với Đặng Ngải. Ngải nổi giận, nói rằng:

– Ta với nó phẩm tước ngang nhau, ta trấn ngoài biên thùy đã lâu, lập nên bao nhiêu công với nước, sao nó lại dám khinh ta quá thế?

Con là Đặng Trung can rằng:

– Việc nhỏ không nhịn, thì hỏng đến việc lớn. Phụ thân nếu khích nhau với Chung Hội, tất lỡ mất việc to của nhà nước. Xin phụ thân hãy nhịn đi một chút.

Ngải nghe lời, nhưng trong bụng vẫn căm, mới dẫn vài mươi quân kị đến chơi Chung Hội. Hội nghe tin Ngải đến, hỏi tả hữu rằng:

– Đặng Ngải đem quân đến đây nhiều hay ít?

Tả hữu bẩm rằng:

– Chỉ có vài mươi quân kị mã.

Hội sai võ sĩ vài trăm người, đứng sắp hàng dưới trướng. Ngải xuống ngựa đi vào, Hội ra đón tiếp. Ngải trông thấy quân oai nghiêm chỉnh, trong bụng không yên, mới nói khơi lên rằng:

– Tướng quân lấy được Hán Trung, là một sự may mắn cho triều đình lắm. Nên nghĩ kế mà lấy Kiếm Các đi cho sớm.

Hội nói:

– Tướng quân nghĩ thế nào?

Ngải thoái thác hai ba lần, nói là không có tài cán gì.

Hội cố hỏi gặng. Ngải mới đáp rằng:

– Cứ ý tôi nghĩ, thì nên dẫn một đạo quân từ con đường nhỏ núi Âm Bình, lẻn ra Đức Dương đình ở Hán Trung, rồi dùng kị binh, đến tắt chiếm lấy Thành Đô. Khương Duy tất phải rút quân về cứu, tướng quân sẽ thừa cơ lấy Kiếm Các, chắc thu được toàn công.

Hội cả mừng, nói:

– Kế của tướng quân hay lắm, xin dẫn quân đi ngay cho, tôi ở đây chờ đợi tin mừng!

Hai người uống rượu xong rồi biệt nhau.

Hội bảo các tướng rằng:

– Người ta ai cũng cho Đặng Ngải là giỏi, nay xem ra cũng không có gì.

Chúng hỏi cớ làm sao, Hội nói:

– Đường Âm Bình toàn thị núi cao non quạnh, quân Thục chỉ độ trăm người giữ nơi hiểm yếu, chặn mất đường về, thì quân Đặng Ngải tự nhiên chết đói cả. Ta cứ đi theo đường cái, lo gì đất Thục chẳng phá xong?

Liền sai chế tạo những đồ thang mây, sàn pháo, đánh vào cửa Kiếm Các.

Nói về Đặng Ngải ra khỏi cửa viên lên ngựa, ngoảnh lại hỏi đầy tớ rằng:

– Chung Hội coi ta thế nào?

Đầy tớ bẩm:

– Xem dáng mặt và lời ăn tiếng nói thì hình như coi lời tướng quân không vào đâu, chẳng qua nói đãi bôi đó mà thôi.

Ngải cười rằng:

– Nó đoán rằng ta không lấy nổi Thành Đô, nhưng để ta lấy cho nó xem!

Ngải về đến trại, Sư Toản, Đặng Trung tiếp vào hỏi rằng:

– Hôm nay bàn nhau với Chung trấn tây có cao luận gì không?

Ngải nói:

– Ta đem bụng thực nói với nó, nó lại cho ta là tài hèn.

Nó lấy được Hán Trung, đã tưởng công to lắm, nếu không có ta giữ chặt chân Khương Duy ở Đạp Trung, thì nó thành công sao được? Ta nay đến lấy Thành Đô, còn bằng vạn nó lấy Hán Trung kia.

Đêm hôm ấy, Ngải truyền lệnh nhổ trại, kéo ra đường nhỏ Âm Bình, cách cửa ải Kiếm Các bảy trăm dặm hạ trại.

Có người nói với Chung Hội rằng Đặng Ngải vào lấy Thành Đô, Hội cười Ngải là đồ ngu.

Lại nói, Đặng Ngải viết thư, sai sứ về báo tin với Tư Mã Chiêu, rồi hội các tướng lại hỏi rằng:

– Nay ta muốn thừa cơ đến lấy Thành Đô, cùng với các ngươi lập công danh về lâu về dài, các ngươi có nghe ta không?

Các tướng bẩm:

– Xin tuân lệnh tướng quân, dù chết cũng không từ.

Ngải mới sai con là Đặng Trung, dẫn ba ngàn tinh binh không mặc áo giáp, chỉ mang theo đục, búa, thuổng cuốc, phàm đi đến đâu, gặp núi non hiểm trở, thì phải xé núi mở đường, hoặc đóng cầu bắc sàn để quân đi cho tiện. Lại kéo ba vạn quân, sai mang lương khô và thừng chạc. Cứ đi được hơn trăm dặm, lại cho ba nghìn quân lập một ngọn trại ở lại. Tháng mười năm ấy, Ngải từ đường Âm Bình kéo quân đi. Đi hơn hai mươi ngày, ước bảy trăm dặm, toàn là chỗ non cao núi thẳm, không một bóng người. Quân Ngụy đi dọc đường lập trại ở lại, chỉ còn hai nghìn quân mã, đến một con núi gọi là Ma Thiên Lĩnh, ngựa không sao đi được nữa. Ngải đi bộ trèo lên núi đứng xem, thấy Đặng Trung và bọn tráng sĩ mở đường đang khóc lóc. Ngải hỏi tại sao, Đặng Trung kêu rằng:

– Sườn mé tây núi này toàn ngọn cao chót vót, vách đá dựng đứng, không sao mở được đường đi nữa, ổng phí mất biết bao nhiêu công lao, cho nên thương tiếc mà phải khóc.

Ngải nói:

– Quân ta đến đây, đi được hơn bảy trăm dặm rồi, qua khỏi chỗ này, tức là Giang Du, có lẽ nào trở lại…

Bèn gọi các quân đến bảo rằng:

– Không vào tận hang ổ, sao bắt được hổ con? Ta với các ngươi, đã đến chỗ này, nên cùng phải cố sức; nếu thành công, thì được hưởng phú quý với nhau.

Chúng xin tuân lệnh.

Ngải mới sai quân sĩ lên cả trên sườn núi, nội bao nhiêu khí giới ném xuống trước, rồi Ngải lấy chăn quấn vào mình, lăn xuống sau. Các tướng ai không có chăn thì quấn thừng, chạc vào lưng, rồi buộc đầu chạc lên cành cây lần lần mà tuột xuống, trông như chuỗi cá. Đặng Ngải, Đặng Trung và hai nghìn quân cùng năm nghìn tráng sĩ đều vượt qua Ma Thiên Lĩnh; ai nấy đều chỉnh đốn áo giáp, cầm đồ khí giới tiến đi. Chợt trông thấy ở bên cạnh đường có một cái bia đá, trên khắc “Bia này của thừa tướng Gia Cát Võ Hầu đề”. Dưới lòng bia có bốn câu rằng: “Hai hỏa mới dựng, có người qua đây, đôi sĩ tranh nhau, chẳng được mấy ngày”. Ngải trông thấy văn bia giật mình, bèn vào lạy mà rằng:

– Võ Hầu thực là thánh thần! Ngải tôi không được thờ làm thầy, tiếc thay!

Người sau có thơ rằng:

Âm bình chót vót ngất trời mây,

Hạc kiếp non cao ngại cánh bay,

Đặng Ngải biết đâu người đến đó,

Nào ngờ bia dựng đã bao rày!

Đây nói, Đặng Ngải qua khỏi núi Âm Bình, dẫn quân đi dược một thôi, thấy có một cái trại to bỏ không. Hỏi ra mới biết là khi Võ Hầu còn sống sai một nghìn quân giữ đường hẻm ấy. Nay Thục chủ bỏ không giữ nữa. Ngải phàn nàn mãi không thôi, rồi bảo với mọi người rằng:

– Chúng ta chỉ còn đường đi chớ không còn đường về nữa rồi đây. Trước mắt là thành Giang Du, lương thóc đủ dùng. Chúng mày tiến lên thì sống, lui về thì chết, nên phải hết sức mà đánh mới được.

Chúng cùng tình nguyện cố chết mà đánh. Ngải liền đi bộ, dẫn hơn hai nghìn quân, bất kì ngày đêm, gấp đường đến thành Giang Du.

Tướng giữ thành Giang Du, tên là Mã Mặc, nghe tin Đông Xuyên mất rồi, tuy có phòng bị nhưng chỉ phòng mặt đường lớn, lại cậy có Khương Duy giữ chặt mặt Kiếm Các, cho nên coi thường. Khi ấy, Mặc luyện tập quân mã xong, trở về nhà, ngồi với vợ là họ Lý sưởi lò than, đánh chén. Người vợ hỏi rằng:

– Thiếp nghe tình hình ngoài biên cấp lắm, tướng quân không có ý lo lắng gì cả là cớ làm sao?

Mặc cười:

– Công việc lớn đã có Khương Bá Ước coi sóc rồi, có việc gì đến ta?

Người vợ nói:

– Đã đành rằng thế, nhưng tướng quân giữ thành cũng là việc trọng.

Mặc nói:

– Thiên tử tin nghe Hoàng Hạo, chỉ say mê tửu sắc, ta chắc cơ đồ hỏng đến nơi rồi. Nếu có quân Ngụy đến đây, chỉ hàng là hơn cả, can gì phải lo lắng cho mệt người.

Vợ nghe nói, nổi giận, phỉ nhổ vào mặt chồng, mắng rằng:

– Người là đàn ông, mang lòng bất trung bất nghĩa như thế, uổng mất tước lộc của nước, ta còn mặt mũi nào trông thấy ngươi nữa?

Mã Mặc thẹn đỏ mặt, không biết nói làm sao. Chợt có tin báo rằng:

– Tướng Ngụy là Đặng Ngải không biết đi lối nào đến đây, dẫn hơn hai nghìn quân, kéo ùa cả vào thành rồi.

Mặc giật mình, vội vàng ra lạy xin hàng, kêu rằng:

– Tôi có bụng muốn hàng đã lâu, nay xin chiêu dụ hết nhân dân trong thành và quân mã bản bộ, theo hàng cả tướng quân.

Ngải cho hàng, rồi thu hết quân mã trong thành để sử dụng, và sai Mặc Mã làm quan hướng đạo.

Có người báo rằng:

– Phu nhân Mã Mặc tự thắt cổ chết!

Ngải hỏi duyên cớ. Mặc thuật lại chuyện trước. Ngải khen là người trinh liệt, sai làm ma to tống táng, lại thân vào tế. Ai nghe thấy chuyện cũng than thở thương thay cho nàng ấy.

Người sau có thơ rằng:

Hậu chủ u mê, Hán ngả nghiêng,

Trời sai Đặng Ngải chiếm Tây Xuyên.

Tiếc thay Ba Thục nhiều danh tướng,

Thấy Lý nương nương chẳng dám nhìn?

Đặng Ngải lấy xong thành Giang Du, mới cho tụ hội các quân ở đường Âm Bình, ở trong thành, rồi đến lấy Bồi Thành.

Bộ tướng là Điền Tục can rằng:

– Quân ta vượt qua đường hiểm đến đây, sức mệt mỏi cả, nên hãy cho nghỉ ngơi vài ngày, rồi sẽ tiến binh.

Ngải nổi giận, nói:

– Việc quân cốt phải nhanh chóng, ngươi làm sao nói càn, làm nản lòng quân ta?

Bèn quát tả hữu lôi ra chém.

Các tướng hết sức can ngăn mới thôi.

Ngải tự đốc quân đến Bồi Thành. Quan quân trong thành thình lình thấy quân kéo đến, tưởng là quân trên trời sa xuống, chưa kịp phòng bị nên phải ra thành xin hàng. Người Thục phi báo về Thành Đô. Hậu chủ vội vàng đòi Hoàng Hạo vào hỏi. Hạo tâu rằng:

– Đó là họ đồn xằng đấy, thần thánh quyết không nói dối bệ hạ đâu.

Hậu chủ sai đòi bà đồng trước lại hỏi, thì không biết trốn đi đâu mất rồi. Bấy giờ xa gần dâng biểu vào cáo cấp, rối rít như canh hẹ, sứ giả đi lại nườm nượp, không lúc nào dứt. Hậu chủ khai chầu, họp các quan lại bàn bạc. Các quan đực mặt nhìn nhau, không ai nghĩ được kế gì.

Khước Chính tâu rằng:

– Việc đã cấp lắm rồi, xin bệ hạ cho vời con Võ Hầu vào bàn kế đánh giặc.

Nguyên con Võ hầu là Gia Cát Chiêm, tự là Tư Viễn, Mẹ họ Hoàng, con gái Hoàng Thừa Ngạn, mặt mũi xấu xa mà lắm tài lạ; thông hiểu cả thiên văn địa lí; phàm các sách thao lược, độn giáp, đều thuộc làu làu. Khi Võ Hầu ở Nam Dương, nghe tiếng là người tài, mới xin cưới làm vợ. Võ Hầu học giỏi, cũng nhiều điều nhờ có phu nhân giúp đỡ. Sau khi Võ Hầu mất, phu nhân không bao lâu cũng từ trần. Khi hấp hối, trối trăn lại, chỉ lấy sự trung hiếu khuyên con. Chiêm thông minh từ thuở nhỏ, lấy con gái Hậu chủ được làm phò mã đô úy; về sau tập tước của cha cũng gọi là Võ hương hầu. Năm Cảnh Diêu thứ tư được thăng làm hành quân hộ vệ tướng quân. Bây giờ, Hoàng Hạo cầm quyền, nên cho thác bệnh ở nhà hữu dưỡng.

Khi ấy, Hậu chủ nghe lời Khước Chính, phát luôn ba đạo chiếu vời Chiêm vào triều bàn việc. Hậu chủ khóc, nói:

– Quân Đặng Ngải đã đóng ở Bồi Thành rồi, Thành Đô nguy cấp lắm. Ngươi nên nghĩ tình tiên quân mà cứu trẫm với.

Chiêm cũng khóc mà tâu rằng:

– Cha con nhà tôi, đội ơn dày của tiên đế và của bệ hạ, dù gan nát óc lầy cũng không đền báo được. Vậy xin bệ hạ đem hết quân ở Thành Đô cấp cho tôi, tôi xin lĩnh quân đi, quyết một trận tử chiến với quân giặc.

Hậu chủ tức thì cấp cho Gia Các Chiêm bảy vạn tướng sĩ. Chiêm lạy từ Hậu chủ, thu xếp quân mã, rồi hội các tướng lại bảo rằng:

– Có ai dám tiên phong không?

Nói vừa dứt lời, một tướng trẻ tuổi bước ra tâu rằng:

– Phụ thân đã giữ đại quyền, con xin làm tiên phong.

Chúng nhìn xem ai thì là Gia Cát Thượng, con trưởng của Chiêm. Thượng bấy giờ mới 19 tuổi, xem binh thư đã nhiều, mà võ nghệ cũng giỏi. Chiêm thấy con xin đi, mừng lắm, liền cho làm tiên phong, ngay hôm ấy đại quân rời Thành Đô ra chống quân Ngụy.

Đây nói Đặng Ngải được Mã Mặc dâng một bản địa đồ, suốt từ Bồi Thành đến Thành Đô, dài ba trăm sáu mươi dặm; phàm các chỗ sông núi hiểm trở, đường sá rộng hẹp, vẽ rành rọt từng li. Ngải xem xong, thất kinh nói rằng:

– Ta bằng giữ mãi Bồi Thành, nếu có quân Thục giữ chặn mé núi trước, thì bao giờ mới thành công? Vả lại dây dưa ngày tháng, Khương Duy kéo quân về thì quân ta nguy mất.

Vội vã gọi Sư Toản và Đặng Trung đến bảo rằng:

– Các ngươi nên dẫn quân đến tắt thành Miên Trúc mà đánh quân Thục, ta theo sau cũng dẫn quân đến ngay đấy. Chúng ngươi không được trễ nhát, nếu để quân Thục giữ trước đường hiểm yếu thì ta chém đầu đi đó!

Hai người dẫn quân sắp đến Miên Trúc, thì gặp ngay quân Thục. Hai bên dàn trận, Sư Toản, Đặng Trung kìm ngựa đứng trước cửa cờ, thấy quân bên Thục bày thế bắt trận. Dứt ba hồi trống, cửa cờ mở ra, vài mươi viên tướng xúm xít đẩy một cỗ xe bốn bánh, trên xe có một người ngồi chững chạc, tay cầm quạt lông mình mặc áo hạc; có một lá cờ vàng đề mấy chữ “Hán thừa tướng Võ Cát Hầu”. Hai người rụng rời hết vía, mồ hôi đổ ra như tắm, ngoảnh lại bảo với các quân sĩ rằng:

– Té ra Khổng Minh vẫn còn sống, chúng ta chết cả đến nơi rồi!

Lập tức quay về, quân Thục thừa thế đánh tràn vào, quân Ngụy thua chạy liểng xiểng. Quân Thục đánh đuổi hơn hai mươi dặm, gặp Đặng Ngải tiếp quân đến, hai bên mới cùng thu quân.

Ngải lên trướng ngồi, gọi hai người vào mắng rằng:

– Hai chúng ngươi không đánh mà chạy ngay, là cớ làm sao?

Trung kêu rằng:

– Chúng tôi thấy trong trận Thục có Khổng Minh cầm quân, bởi thế mới chạy về.

Ngải giận, nói:

– Dù có Khổng Minh sống lại đi chăng nữa, ta có sợ gì. Các ngươi dám khinh thường rút lui, đến nỗi thua như thế, nên chém để chỉnh quân pháp.

Chúng cố sức ngăn, Ngải mới nguôi cơn giận. Ngải bèn sai người đi do thám, thì mới biết con Khổng Minh là Gia Cát Chiêm làm đại tướng! Mà con Chiêm là Gia Cát Thượng làm tiên phong. Người ngồi trên xe là bộ tượng gỗ của Khổng Minh.

Ngải thấy thế, bảo với Sư Toản, Đặng Trung rằng:

– Được thua chỉ cốt trận này, nếu không đánh thắng, thì quyết chém đầu đó!

Sư, Đặng hai tướng lại dẫn một vạn quân ra đánh. Gia Cát Thượng một ngựa một thương, tinh thần hăng hái, đánh gạt hai tướng Ngụy đi. Gia Cát Chiêm thúc hai cánh quân xong vào trại Ngụy đánh loạn xạ một hồi, quân Ngụy chết không biết bao nhiêu mà kể. Sư Toản, Đặng Trung, hai người cùng bị thương chạy trốn. Chiêm thúc quân đuổi hơn hai mươi dặm mới trở về.

Sư, Đặng hai tướng trở về ra mắt Đặng Ngải. Ngải thấy hai người cùng bị thương, không trách mắng vội, bàn với các tướng rằng:

– Thục có Gia Cát Chiêm khéo nối được chí của cha, đánh nhau hai phen, giết hơn một vạn quân ta. Nay nếu không trừ cho nhanh, tất sinh vạ lớn.

Giám quân là Khâu Bản tâu rằng:

– Tướng quân sao không viết thư, sai người sang dụ có được không?

Ngải nghe lời, viết thư sai sứ đưa sang trại Thục. Tướng giữ cửa dẫn đến dưới trướng, dâng trình phong thư. Chiêm mở xem thư viết rằng:

Chinh tây tướng quân Đặng Ngải, gửi thư tới dưới cờ của hành quân hộ vệ tướng quân Gia Cát Tư Viễn:

“Tôi nghe những bậc hiền tài thời nay, chưa ai sánh kịp tôn phụ của ông. Từ khi rời khỏi lều tranh, một lời đã chia làm ba nước, quét sạch Kinh, Ích, gây thành hiệp bá, xưa nay thật là ít có. Sau sáu lần ra Kỳ Sơn, không phải thiếu gì trí dũng, nhưng do số trời định sẵn. Nay Hậu chủ nhu nhược, khí vua đã hết. Ngải tôi phụng mệnh thiên tử, mang đại quân đánh Thục, đều đã lấy được thành trì. Thành Đô nguy trong sớm tối, sao ông không ứng mệnh trời, thuận lòng người, trọng nghĩa quay về? Ngải tôi sẽ tâu cho ông làm Lang nha vương để rạng rỡ tổ tiên; không dám nói hão, xin ông xét kĩ.”

Chiêm xem thư xong nổi giận, xé thư vất xuống đất, quát võ sĩ chém sứ giả, rồi cho đầy tớ xách đầu về cho Đặng Ngải.

Ngải giận lắm, muốn ra đánh ngay. Khâu Bản can rằng:

– Tướng quân chớ nên ra vội, nên dùng kị binh mà đánh.

Ngải nghe lời sai thái thú Thiên Thủy là Vương Kỳ, thái thú Lũng Tây là Khiên Hoằng phục hai toán quân ở mặt sau, rồi tự dẫn quân đến. Lúc ấy, Chiêm đang chực khiêu chiến, chợt nghe báo Đặng Ngải tới. Chiêm nổi giận, liền thúc quân ra, xong thẳng vào trận Ngụy. Ngải thua chạy, Chiêm thúc quân đuổi riết, bỗng nhiên hai toán phục đổ ra, quân Thục đại bại, chạy vào thành Miên Trúc. Ngải sai quân bổ vây kín cả bốn mặt thành.

Gia Cát Chiêm thấy thế nguy cấp, sai Bành Hòa cầm thư sang Đông Ngô cầu cứu. Hòa đến Đông Ngô ra mắt Ngô chủ là Tôn Hưu, dâng thư cáo cấp.

Ngô chủ xem thư, bảo với quần thần rằng:

– Thục đã nguy cấp thế này, trẫm lẽ nào ngồi nhìn cho đành?

Lập tức sai lão tướng Đinh Phụng làm chủ soái; Đinh Phong, Tôn Dị làm phó tướng, dẫn năm vạn quân đến cứu Thục. Đinh Phụng lĩnh chỉ dẫn quân đi, chia cho Đinh Phong, Tôn Dị dẫn hai vạn quân tiến ra Miện Trung, mình thì dẫn ba vạn quân ra Thọ Xuân, chia làm ba đường vào cứu.

Đây nói, Gia Cát Chiêm chờ đợi quân cứu mãi không thấy đến, bèn bảo với các tướng rằng:

– Ta giữ mãi ở đây cũng không xong.

Bèn để con là Thượng cùng với thượng thư Trương Tuấn giữ thành, còn mình nai nịt lên ngựa, dẫn quân mở toang ba cửa kéo ra. Đặng Ngải thấy quân Thục kéo ra, bèn rút quân lui về. Chiêm hăng sức thúc quân đuổi đánh. Bỗng nổi một hiệu pháo, quân bốn mặt vây kín cả lại. Chiêm dẫn quân tả xung hữu đột, giết chết quân Ngụy vài trăm. Ngải sai quân bắn tên vào, quân Thục tan vỡ. Chiêm bị trúng tên, ngã ngựa kêu lên rằng:

– Sức ta đã kiệt rồi, xin đem cái chết này để báo nước!

Nói đoạn rút quân tự vẫn chết.

Con là Gia Cát Thượng, thấy cha chết trong đám loạn quân, nổi giận đùng đùng, mặc giáp lên ngựa.

Trương tuấn can rằng:

– Tiểu tướng chớ nên vội ra.

Thượng than rằng:

– Cha con, ông cháu nhà ta, đều đội ơn sâu nhà nước. Nay cha ta đã chết với giặc rồi, ta còn sống làm gì?

Nói đoạn, quất ngựa xông ra, bị chết trong trận Ngụy. Người sau có thơ khen cha con Chiêm, Thượng rằng:

Có phải trung thần kém mẹo đâu?

Lòng trời không tựa vận Viêm, Lưu!

Mới hay con cháu nhà dòng dõi,

Tiết nghĩa còn lưu tiếng Võ Hầu.

Đặng Ngải thương là người trung nghĩa, đem lại cha con hợp táng tại một nơi, rồi thừa cơ đánh Miên Trúc.

Bấy giờ trong thành còn có Trương Tuấn, Hoàng Sùng, Lý Cầu, dẫn quân ra đánh. Quân Thục có ít, không địch nổi quân Ngụy, ba người cùng chết trận. Đặng Ngải hạ được thành Miên Trúc, khao thưởng đâu đấy, lại dẫn quân đến Thành Đô.

Ấy là:

Thử xem Hậu chủ khi nguy biến,

Có khác Lưu Chương lúc nhiễu nhương?

Chưa biết Thành Đô sự thể làm sao, xem hồi sao phân giải.

HỒI 118: Khóc miếu tổ, Lưu Thầm tự tử – Vào Tây Xuyên, Chung, Đặng tranh công

Lại nói, Hậu chủ ở Thành Đô, nghe tin Đặng Ngải đã lấy được Miên Trúc, mà cha con Gia Cát Chiêm đều chết trận cả rồi, sợ hãi không biết ngần nào, kíp vời văn võ vào bàn bạc. Cận thần tâu rằng:

– Nhân dân ở ngoài thành, già trẻ dắt díu nhau chạy loạn, tiếng khóc vang động xa gần.

Hậu chủ kinh hoảng.

Sực lại có tiểu mã chạy đến báo rằng:

– Quân Ngụy sắp đến dưới thành rồi!

Các quan bàn rằng:

– Ở đây quân đơn tướng ít, địch sao nổi quân Ngụy, không bằng bỏ Thành Đô chạy sang bảy quận xứ Nam Trung; đất đó hiểm trở, có thể giữ được, nhân thể mượn quân Man về mà khôi phục cũng chưa muộn.

Quang lộc đại phu Tiêu Chu nói:

– Không nên! Nam Man vốn là quân phản trắc, xưa nay không ân huệ gì với ta, nếu ra nhờ họ, tất sinh vạ to.

Các quan lại tâu rằng:

– Thục, Ngô đã đồng minh với nhau, nay việc kíp lắm nên sang ở nhờ Đông Ngô cũng được.

Chu lại can rằng:

– Từ xưa đến nay, không có thiên tử nào đi ở nhờ nước khác bao giờ. Tôi chắc rằng Ngụy lấn được Ngô, chớ Ngô không lấn được Ngụy. Nay xưng thần với Ngô, là nhục một lần; nếu Ngô bị Ngụy lấn nốt, lại đi xưng thần với Ngụy, là nhục hai lần; chi bằng hàng ngay Ngụy đi. Ngụy tất cắt đất phong cho bệ hạ. Như thế, trên giữ được tôn miếu, dưới yên được muôn dân. Xin bệ hạ nghĩ cho kĩ mà xem.

Hậu chủ phân vẫn chưa quyết, lui vào trong cung.

Hôm sau các quan lại bàn bạc. Tiêu Chu thấy việc đã cấp đến nơi rồi, lại dâng sớ cố khuyên hàng. Hậu chủ nghe dịu tai, sắp toan ra hàng.

Chợt ở sau cánh bình phong có một người quát to lên mắng Tiêu Chu rằng:

– Quân hủ nho sợ chết kia! Sao dám nói càn đến việc to xã tắc. Từ xưa có thiên tử hàng bao giờ mà mày dám nói láo làm vậy.

Hậu chủ nhìn lại xem ai, té ra con thứ năm của mình là Bắc Địa vương Lưu Thầm rằng:

– Đại thần cùng bàn bạc nên hàng, mày cậy sức lực khỏe mạnh, muốn để cho máu chảy khắp cả thành trì ư?

Thầm thưa rằng:

– Khi xưa tiên đế còn sống, Tiêu Chu chưa từng được dự đến quốc chính; nay dám bàn đến việc to, mở mồm nói láo, rất là vô lí. Tôi đồ rằng quân trong Thành Đô, còn có vài vạn; toàn quân của Khương Duy còn đóng ở Kiếm Các, nếu hắn biết quân Ngụy phạm vào kinh thành, tất phải vào cứu. Bấy giờ trong ngoài hợp vào đánh, thì làm gì chẳng phá nổi giặc. Lẽ đâu nghe lời hủ nho mà coi thường cả cơ nghiệp của tiên đế cho được?

Hậu chủ mắng rằng:

– Mày còn trẻ con, biết đâu số trời!

Thầm dập đầu xuống đất khóc rằng:

– Nhược bằng thế cùng sức kiệt, vạ đến trước mắt, thì nên cha, con, vua, tôi dựa lưng vào thành mà đánh một trận. Thà rằng cùng chết cả với xã tắc, để xuống suối vàng ra mắt tiên đế, chớ có đâu lại chịu hàng?

Hậu chủ nhất định không nghe.

Thầm khóc vang lên nói rằng:

– Tiên đế gầy dựng nên cơ nghiệp không phải dễ dàng, nay một chốc đem quẳng đi, ta thà chết, chớ không chịu nhục thế này!

Hậu chủ sai cận thần dắt Thầm ra ngoài cửa cung rồi bảo Tiêu Chu viết hàng thư; sai thị trung Trương Thiệu phò mã đô úy Đặng Lương và Tiêu Chu mang ngọc tỉ đến Lạc Thành xin hàng.

Bấy giờ Đặng Ngải mỗi ngày sai một trăm thiết kị lại dò thám trong Thành Đô. Khi trông thấy trong thành dựng một lá cờ hàng. Ngải mừng lắm. Một lát bọn Trương Thiệu đến, Ngải cho người ra đón vào. Ba người lạy dưới thềm, dâng trình ngọc tỉ và hàng thư. Ngải mở thư ra xem, mừng rỡ không biết ngần nào, rồi nhận lấy ngọc tỉ, trọng đãi bọn Trương Thiệu, Tiêu Chu, Đặng Lương. Ngải lại viết thư trả lời, cho ba người cầm về Thành Đô để yên bụng chúng. Ba người lĩnh thư, từ về trình Hậu chủ, và thuật lại chuyện Đặng Ngải đối đãi tử tế. Hậu chủ mở thư ra xem mừng lắm. Liền sai thái bộc Tưởng Hiền cầm đạo sắc ra Kiếm Các bảo Khương Duy phải ra hàng quân Ngụy cho sớm. Lại sai thượng thư lang Lý Hổ giao sổ sách cho Đặng Ngải: Cả thảy 28 vạn hộ, số trai gái 93 vạn, tướng sĩ 10 vạn 2 nghìn, quan lại 4 vạn, lương trong kho hơn 40 vạn, vàng bạc 2 nghìn cân, gấm vóc tơ lụa mỗi thứ 20 vạn tấm, còn của khác trong kho không kể; định ngày mùng một tháng chạp, cả vua tôi ra hàng.

Bác Địa vương là Lưu Thầm nghe chuyện, khí uất bốc lên ngùn ngụt, đeo gươm vào cung.

Vợ là Thôi phu nhân hỏi rằng:

– Đại vương hôm nay sao trông sắc mặt khác lắm thế?

Thầm nói:

– Quân Ngụy sắp đến, phụ hoàng đã đầu hàng rồi, ngày mai thì vua tôi ra hàng, xã tắc đổ mất từ đây. Ta muốn chết trước đi, xuống đất theo với tiên đế, chớ không chịu khuất với người khác.

Thôi phu nhân khen rằng:

– Phải lắm! Phải lắm! Chết thế mới đáng chết! Thiếp xin chết trước, rồi đại vương hãy chết cũng vừa!

Thầm nói:

– Phu nhân việc gì mà chết?

Thôi phu nhân nói:

– Vương chết vì cha, thiếp chết vì chồng, nghĩa cũng giống nhau, can gì phải hỏi?

Nói đoạn, đập đầu vào cột mà chết.

Thầm giết cả ba con, cắt lấy đầu vợ, đem đến miếu Chiêu Liệt, lạy phục xuống đất khóc rằng:

– Cháu thấy cơ nghiệp về tay người khác, nghĩ mà xấu hổ, cho nên giết cả vợ con để khỏi vướng vít. Rồi cháu cũng xin đem một mạng để báo cái công đức của ông. Ômg có khôn thiêng, xin soi xét lòng này cho cháu.

Thầm khóc lóc thê thảm một hồi, nước mắt đỏ như huyết, rồi tự vẫn chết. Người Thục nghe chuyện, ai cũng thương xót.

Có thơ khen rằng:

Vua tôi đành phận uốn lưng rồi!

Chua xót lòng người, thế sự ôi!

Bờ cõi Tây Xuyên tan tự ngói,

Ruột gan Bắc Địa đứt từng hồi.

Giãi niềm cay đắng kêu cùng tổ,

Đem nỗi sầu bi tỏ với trời,

Lẫm liệt anh linh còn sống mãi,

Ai hay vận Hán sẽ suy đồi?

Hậu chủ nghe Bắc Địa vương tự vẫn rồi, sai người ma chay tống táng. Hôm ấy quân Ngụy kéo đến. Hậu chủ đem thái tử, các vương hầu và các quần thần hơn sáu mươi người, tự trói mình lại, xé áo quan ra khỏi ngoài mươi dặm cửa Bắc đầu hàng. Đặng Ngải đỡ Hậu chủ đứng dậy, thân cởi trói cho, sai đốt áo quan đi, rồi cùng với Hậu chủ ngồi chung một xe vào thành.

Có thơ than rằng:

Ào ào quân Ngụy tới Thành Đô,

Khuất tất bao nhiêu nỗi thẹn thò?

Hoàng Hạo gian tà, hư việc nước;

Khương Duy tinh tế, uổng tài to.

Trung thành nghĩa sĩ lòng đau đớn,

Tiết liệt Vương tôn chí kém thua,

Tiên tổ đắp xây công khó nhọc,

Thương thay một phút hóa ra tro!

Nhân dân Thành Đô bày đồ hương hoa, nghênh tiếp Đặng Ngải. Ngải phong Hậu chủ làm phiêu kị tướng quân; còn văn võ các quan, cũng tùy người cao thấp cho làm quan cả. Ngải mời Hậu chủ về cung, rồi treo bảng yên dân, thu nhận kho tàng. Lại sai thái thường Trương Tuấn, Ích Châu biệt giá Trương Triệu, đi ra chiêu an quân dân các quận; một mặt sai người về Lạc Dương báo tin mừng.

Đặng Ngải nghe tiếng Hoàng Hạo là người gian hiểm, muốn bắt đem chém. Hạo đem vàng bạc đút lót cho tả hữu Đặng Ngải, vì thế được thoát.

Nhà Hán mất từ đấy.

Người đời sau nhân chuyện nhà Hán mất mới làm thơ truy điệu nhớ tới Võ Hầu như sau:

Chim cá còn ngờ sợ sứ xanh,

Gió mưa rong ruổi báo tin lành.

Tượng tướng trên xe vung thần bút,

Hàng vương lơ láo chạy liều quanh.

Quán Nhạc có tài mà xấu số,

Quan Trương yếu mệnh dạ chưa đành.

Thuỏ ấy miếu đền toan phủ gấm,

Ngâm câu Lương phủ hận bao năm.

Nói về thái bộc là Tưởng Hiển đến Kiếm Các vào ra mắt Khương Duy, truyền sắc mệnh của Hậu chủ, dụ Khương Duy hàng Ngụy. Duy giật mình, ngồi lặng đi không nói được câu gì. Các tướng nghe thấy vậy, ai nấy đều trợn mắt nghiến răng, râu tóc dựng ngược, rút gươm ra chặt xuống đá, gầm lên rằng:

– Chúng ta còn đương cố chết đánh nhau, làm sao đã hàng trước như thế?

Các tướng khóc um cả lên, tiếng vang xa ngoài mười dặm.

Khương Duy thấy nhân tâm còn nhớ nhà Hán, bèn lấy lời dỗ bảo các tướng rằng:

– Các tướng chớ lo, tôi có một mẹo này, có thể khôi phục lại nhà Hán.

Chúng hỏi xem mẹo làm sao. Duy ghé vào tai các tướng nói nhỏ mẹo mực, rồi dựng ngay cờ hàng khắp trên cửa ải, cho người xuống trại Chung Hội báo tin trước rằng: Khương Duy dẫn bọn Trương Dực, Liêu Hóa, Đổng Quyết đến xin hàng.

Hội mừng lắm, sai người đón Khương Duy vào trướng rồi hỏi rằng:

– Bá Ước sao mà chậm chạp thế?

Duy nghiêm sắc mặt, ứa nước mắt mà rằng:

– Toàn thể quân sĩ nhà nước ở cả trong tay tôi, thế mà nay tôi phải hàng, đó cũng là sớm lắm đấy chớ!

Hội lấy làm lạ, bước xuống vái Khương Duy, rồi đãi làm thượng khách.

Duy nói với Chung Hội rằng:

– Tôi nghe tướng quân từ khi đánh ở Hoài Nam đến giờ, tính không xót mẹo gì, họ Tư Mã được cường thịnh cũng do sức tướng quân cả. Cho nên tôi mới cam tâm cúi đầu mà hàng, chớ như Đặng Sĩ Tái thì tôi quyết đánh đến chết thì thôi, đâu có chịu hàng!

Hội liền bẻ mũi tên ăn thề, kết với Khương Duy làm anh em, thân thiết nhau lắm, rồi lại cho lĩnh binh như cũ.

Duy trong bụng mừng thầm, cho Tưởng Hiển trở về Thành Đô.

Đây nói Đặng Ngải phong cho Sư Toản làm thứ sử Ích Châu; bọn Khiêng Hoằng, Vương Kỳ cùng được coi châu quận. Lại lập một tòa đền ở Miên Trúc để nêu chiến công của mình; mở tiệc to, hội các quan nước Thục lại văn yến. Khi uống rượu được nửa chừng, Ngải trỏ vào các quan bảo rằng:

– Các ngươi may mắn gặp ta mới được thế này. Nếu gặp tay tướng khác, thì tất chết cả.

Các quan đứng dậy lạy tạ.

Chợt có Tưởng Hiển đến báo tin Khương Duy đã đầu hàng Chung trấn tây rồi, Ngải vì thế căm tức Chung Hội, mới sai người Đưa thư về Lạc Dương, tâu với Tấn Công Tư Mã Chiêu.

Chiêu mở thư xem, thư rằng:

“Thần là Ngải thiết nghĩ rằng: Việc quân trước hết phải hư trương thanh thế rồi sau mới đến việc thực. Nay thừa thế mới bình xong Thục, nên cất quân sang đánh Ngô đi, chính là một dịp tận thu dó, nhưng sau việc to mới xong, tướng sĩ còn mỏi mệt, không nên dùng ngay; nên để hai vạn quân Lũng Hữu, cùng hai vạn quân Thục ở lại nấu muối, nung gạch, đóng tàu bè, dự bị kế xuôi dòng Trường Giang; rồi hãy cho sứ sang dụ đường lợi hại, thì Ngô không phải đánh cũng bình xong. Vả lại nên hậu đãi Lưu Thiền, để dử cho Tôn Hưu đến hàng; nếu đưa ngay Lưu Thiền về kinh, thì không khuyến khích được lòng hàng của người Ngô: Vậy hãy cho ở lại Thục, đợi sang tháng đông năm sau đến kinh cũng vừa. Nay nên phong Lưu Thiền làm Phù phong vương và cho của cải mà nuôi đầy tớ, phong cho con cái làm công khanh để tỏ sự quan tâm đến kẻ hàng thuận. Như thế người Ngô sợ oai mến đức, tất phải theo nhau mà hàng cả.”

Tư Mã Chiêu xem xong, nghi Đặng Ngải có ý chuyển quyền, mới viết một phong thư giao cho Vệ Quán, rồi giáng ngay chiếu phong Đặng Ngải.

Chiếu rằng:

“Chinh tây tướng quân là Đặng Ngải diễu võ giương oai, xông pha vào sâu đất giặc, khiến cho chúa tiếm hiệu phải trói cổ chịu hàng. Quân không đầy đủ, đánh chẳng trọn ngày, thế mà quét sạch được Ba Thục, như cuốn mảnh chiếu, quét đám mây; dẫu Bạch Khởi phá nước Sở, Hàn Tín đánh được Triệu, cũng chưa sánh được công ấy. Vậy phong cho Ngải làm thái úy, hưởng lộc hai vạn hộ nữa, phong cho hai con làm đình hầu, mỗi người ăn lộc một ấp có nghìn hộ.”

Đặng Ngải nhận chiếu xong Vệ Quán mới đưa phong thư tay của Tư Mã Chiêu ra. Trong thư dặn Ngải phàm việc phải đợi tấu báo, chớ tự tiện làm ngay.

Ngải nói rằng:

– Tướng ở ngoài, vua sai cũng có điều không chịu. Nay ta đã phụng chiếu chuyên việc đánh dẹp, sao còn ngăn trở ta?

Liền lại viết thư sai sứ đưa về Lạc Dương. Bấy giờ trong triều nhiều người nói Đặng Ngải có ý muốn làm phản. Tư Mã Chiêu lại càng nghi lắm. Chợt có sứ đưa thư của Đặng Ngải đến. Chiêu mở ra xem trong thư nói rằng:

“Ngải phụng mệnh chinh tây, đã dẹp được tên giặc cầm đầu, nên cho quyền xử việc, để yên tâm những kẻ mới theo về. Nếu đợi lệnh triều đình thì đường xá đi lại xa xôi, dây dưa ngày tháng. Sách Xuân thu có câu: “Quan đại phu ra ngoài cõi, nếu có tài yên xã tắc, lợi nước nhà, thì chuyên quyền cũng được”. Nay Ngô chưa quy phục thế tất kết liên với Thục, không nên câu chấp lệ thường để lỡ công việc. Theo binh pháp thì tiến không cầu danh, lui không tránh tội. Ngải tôi tuy không giỏi bằng người xưa, nhưng không thể nhún mình để thiệt cho nước. Nay xin gửi cáo trạng bày tỏ trước, chờ lệnh thi hành.”

Chiêu xem thư xong giật mình, hỏi Giả Sủng rằng:

– Đặng Ngải cậy có công, sinh ra kiêu ngạo, tự ý xử việc. Tình hình làm phản đã rõ rồi, làm thế nào bây giờ?

Giả Sủng nói:

– Chúa công sao không phong ngay cho Chung Hội để đè nén Đặng Ngải đi?

Chiêu nghe lời, sai sứ mang chiếu ra phong cho Chung Hội là tư đồ; sai Vệ Mã giám đốc hai đạo quân mã, trao một phong thư cho Quán để đưa Hội, sai Hội dò xét Ngải, phòng có việc bất trắc gì chăng.

Hội tiếp nhận tờ chiếu mở ra đọc, chiếu rằng:

“Trấn tây tướng quân Chung Hội: Tài năng vô địch, tiết chế các thành trì, bủa vây màng lưới; tướng Thục nổi danh phải trói mình hàng phục. Mưu kế không thiếu xót điều gì, sai đâu được đấy. Nay cử Hội làm tư đồ, tiến phong huyện hầu, phong hai con làm đình hầu, hưởng mỗi người một ấp nghìn hộ.”

Chung Hội chịu phong, nhận chức đâu đấy, bàn với Khương Duy rằng:

– Đặng Ngải công ở trên ta, lại được phong làm chức thái úy. Nay Tư Mã Công nghi Ngải có ý làm phản, nên cho Vệ Quán làm giám quân, lại xuống chiếu sai ta kiềm chế bớt đi. Bá Ước có cao kiến gì chăng?

Duy nói:

– Tôi nghe Đặng Ngải xuất thân hèn hạ, thuở nhỏ đi chăn bò. Nay cầu may từ đường tắt Âm Bình, vịn cây vượt núi, lập được công to. Đó không phải giỏi giang gì đâu, chẳng qua nhờ hồng phúc nhà nước đấy thôi. Nếu không có tướng quân giữ nhau với tôi ở cửa Kiếm Các, thì Ngải thành công sao được? Nay Ngải định phong Thục chúa làm Phù phong vương là có ý muốn kết lấy nhân tâm nước Thục, tình hình làm phản chẳng nói cũng đã rõ ràng. Tấn Công sinh nghi, thật là phải!

Hội nghe lọt tai mừng lắm.

Duy lại nói:

– Xin cho tả hữu ra ngoài, tôi xin thưa một việc cơ mật.

Hội bèn đuổi tả hữu đi hết. Duy thò vào trong tay áo, lấy ra một bức địa đồ đưa cho Hội, và nói rằng:

– Khi xưa Võ Hầu ra khỏi lều tranh, đem bản đồ này dâng cho tiên đế, và thưa rằng: “Đất Ích Châu đồng lầy ngàn dặm, dân nhiều, nước giàu, có thể làm dược bá nghiệp.” Tiên đế nhân đó mới mở Thành Đô, Đặng Ngải thấy vậy, trách nào mà chẳng cuống người lên.

Hội trỏ hỏi tình thế sông núi, Duy nói rành rọt từng tí.

Hội lại hỏi rằng:

– Nay nên dùng chước gì mà trừ được Ngải cho được?

Duy nói:

– Nên nhân lúc Tấn Công đang nghi ngờ, kíp dâng biểu về mà kể cái tình hình làm phản của Đặng Ngải ra. Tấn Công tất sai tướng quân đánh hắn, thì chỉ một trận là bắt được.

Hội nghe lời, lập tức sai người mang biểu về Lạc Dương, nói Đặng Ngải chuyên quyền rông rỡ, kết hiếu với người Thục, nay mai tất làm phản. Bởi thế văn quan trong triều ai cũng kinh hãi. Hội lại sai người đón đường bắt lấy biểu văn của Đặng Ngải, rồi theo lối chữ của hắn mà viết lại thành các lời kiêu ngạo, để chứng thực lời của mình.

Tư Mã Chiêu thấy văn biểu của Đặng Ngải bèn nổi giận, sai người ra truyền cho Chung Hội phải bắt Đặng Ngải. Lại sai Giả Sung dẫn ba vạn quân vào Tà Cốc, rồi Chiêu cùng với Ngụy chủ Tào Hoán ngự giá thân chinh.

Tây tào duyện Thiệu Đễ can rằng:

– Quân của Chung Hội, nhiều gấp sáu của Đặng Ngải. Sai Hội bắt Ngải cũng nổi, mình không can gì phải đi?

Chiêu cười rằng:

– Thế ra ngươi quên mất lời ngày trước rồi à? Trước ngươi nói Chung Hội về sau tất làm phản. Ta đi chuyến này không phải vì Đặng Ngải đâu, thực là vì Chung Hội đó.

Đễ cười rằng:

– Tôi sợ minh công quên rồi, cho nên hỏi ướm thế thôi. Nay minh công đã có bụng ấy, xin hãy giữ bí mật, không nên nói lộ cho ai biết.

Chiêu cho làm phải, liền cất đại quân lên đường.

Bấy giờ Giả Sung nghi Chung Hội sinh biến, bèn nói nhỏ với Tư Mã Chiêu.

Chiêu nói:

– Nếu ta sai ngươi đi, ta cũng nghi ngươi hay sao? Hãy để đến Trường An, tự khắc minh bạch cả.

Có quân tế tác báo với Chung Hội là Tư Mã Chiêu đã đến Trường An. Hội vội vàng mời Khương Duy vào bàn bạc việc bắt Đặng Ngải.

Ấy là:

Vừa xem Tây Thục thu hàng tướng,

Lại thấy Trường An cất đại quân.

Chưa biết Khương Duy dùng mẹo gì bắt Đặng Ngải, xem hồi sau phân giải.

HỒI 119: Giả đầu hàng, kế hay thành chuyện hão – Nhường ngôi báu, người sau học lối xưa.

Chung Hội mời Khương Duy bàn việc bắt Đặng Ngải. Duy nói:

– Nên sai giám quân Vệ Quán bắt Ngải. Nếu Ngải giết Vệ Quán, thì quả thực là làm phản. Tướng quân sẽ cất quân đánh thì hơn.

Hội mừng lắm, sai Vệ Quán dẫn vài mươi người vào Thành Đô bắt cha con Đặng Ngải.

Bộ tốt của Vệ Quán can rằng:

Việc này là Chung tư đồ muốn cho Đặng chinh tây giết tướng quân đi để lộ rõ sự làm phản ra đấy thôi. Tướng quân chớ nên đi.

Quán nói:

– Ta khắc có mẹo không sợ!

Liền viết hai ba mươi đạo hịch cho đưa đi trước. Trong hịch nói rằng: “Phụng chiếu bắt Đặng Ngải, không can gì đến người khác. Các tướng sĩ ai quy phục trước, thì giữ nguyên chức tước cũ, nếu không ra, sẽ phải giết cả ba họ.” Lại đem theo sẵn hai cỗ xe củi, ngày đêm đi đến Thành Đô. Đến độ gà gáy sáng, các bộ tướng của đặng trông thấy văn hịch, đều đến lạy trước ngựa Vệ Quán. Bấy giờ, Đặng Ngải còn ngủ ở trong phủ chưa dậy. Quán dẫn vài mươi người xông thẳng vào tận giường nằm, gọi to lên rằng:

– Ta phụng chiếu đến bắt cha con Đặng Ngải đây!

Ngải giật mình, choàng dậy nhảy xuống đất. Quán quát võ sĩ trói lại, bỏ vào xe củi. Con là Đặng Trung chạy ra hỏi, cũng bị trói nhốt vào củi nốt.

Các tướng trong phủ hoảng sợ, muốn ra cướp lại, thì đã thấy bụi bay mù mịt. Chung Hội kéo đại quân đến nơi. Chúng thấy vậy, tan đi mỗi người một ngả.

Chung Hội, Khương Duy xuống ngựa vào phủ, thấy cha con của Đặng Ngải bị trói cả rồi. Hội cầm roi quật vào đầu Đặng Ngải, mắng rằng:

– Thằng bé chăn bò kia, sao dám hổn thế?

Khương Duy cũng mắng rằng:

– Đồ sất phu liều lĩnh cầu may, nay đã biết thân chưa?

Ngải cũng mắng trả ầm cả lên.

Hội sai giải hai cha con Đặng Ngải về Lạc Dương, rồi vào Thành Đô thu hết quân mã của Đặng Ngải, oai lừng lẫy xa gần.

Hội bảo với Khương Duy rằng:

– Nay ta mới thỏa được lòng mong ước bấy lâu!

Duy nói:

– Ngày xưa Hàn Tín không nghe lời Khoái Thông, đến nỗi bị tai vạ cung Vị Ương; đại phu Văn Chủng không theo Phạm Lãi dạo chơi năm hồ, đến nỗi phải đâm cổ mà chết. Hai người ấy há chẳng hiển hách ư? Chỉ vì không rõ đường lợi hại, liệu cơ cho sớm đấy thôi. Nay công lớn của ông đã thành rồi, oai lấn cả chủ, sao không chơi thuyền chu du đây đó cho rảnh thân, hoặc là lên núi Nga Mi theo ông Xích tùng tử mà tiêu dao ngày tháng có hơn không?

Hội cười rằng:

– Ông nói sai mất rồi. Tuổi tôi chưa đến bốn tuần, còn mong làm nên thế này thế khác, đâu lại bắt chước những chuyện lui về an nhàn như thế được?

Duy nói:

– Nếu không lui về cho nhàn, thì phải toan ngay việc lớn. Tài sức minh công làm thừa đi rồi, không cần đợi đến lão phu phải nói nữa.

Hội vỗ tay cười ầm lên rằng:

– Bá Ước biết đến ruột gan ta lắm!

Hai người từ đấy ngày nào cũng bàn bạc với nhau.

Khương Duy mật sai người đưa thư tâu với Hậu chủ rằng:

– Xin bệ hạ hãy chịu nhục vài ngày. Duy sẽ khiến được xã tắc nguy rồi mà yên lại, mặt trăng mặt trời tối rồi mà lại sáng lại, không đến nỗi để cho nhà Hán diệt vong đâu.

Đây nói Chung Hội đang khi bàn mưu với Khương Duy phản nhà Ngụy. Chợt có thư của Tư Mã Chiêu đưa đến. Trong thư nói rằng: “Ta sợ tư đồ bắt Ngải không nổi, cho nên đóng quân ở Trường An, mong tư đồ đến đây tương kiến, vì thế báo trước cho biết”. Hội thất kinh, nói:

– Quân của ta nhiều gấp mấy của Đặng Ngải, muốn cho ta bắt Ngải, Tấn Công biết sức ta làm thừa đi rồi. Nay lại dẫn quân đến đây, thế là có bụng nghi ta đấy, làm thế nào bây giờ?

Duy nói:

– Vua đã nghi cho bầy tôi, tất bầy tôi phải chết. Ông không thấy gương Đặng Ngải đấy ư?

Hội nói:

– Ý tôi đã quyết, việc mà thành công thì được cả thiên hạ; dù không xong nữa, lui về giữ một góc Tây Thục, cũng đủ làm được Lưu Bị rồi.

Duy nói:

– Tôi nghe bà Quách thái hậu mới mất, nên trá xưng bà ấy có di chiếu sai đánh tư Mã Chiêu, để trị cái tội giết vua. Cứ như tài minh công, thì Trung Nguyên có thể bình định dễ như cuốn chiếu vậy.

Hội nói:

– Bá Ước hãy làm tiên phong. Sau khi thành sự, anh em ta cùng hưởng phú quý với nhau.

Duy nói:

– Tôi xin hết sức khuyển mã giúp đỡ công minh, nhưng chỉ sợ các tướng không phục mà thôi.

Hội nói:

– Ngày mai là tết nguyên tiêu, nên đốt nhiều đèn đuốc trong cung, mời các tướng vào ăn yến. Nếu ai không nghe thì giết chết hết cả đi.

Duy mừng thầm. Hôm sau, Hội và Duy mời các tướng vào ăn yến. Uống rượu, được vài tuần, Hội cầm chén rượu khóc hu hu lên. Các tướng ngạc nhiên hỏi cớ làm sao, Hội nói:

– Quách thái hậu khi gần chết, có viết tờ chiếu để lại đây. Vì Tư Mã Chiêu giết vua ở cửa Nam, đại nghịch vô đạo, nay mai tất cướp nhôi nhà Ngụy, cho nên sai ta đánh dẹp. Các ngươi hãy kí cả tên vào giấy, để cùng làm việc đó.

Chúng giật mình, ngơ ngác nhìn nhau.

Hội rút gươm, quát rằng:

– Ai trái lệnh thì chém đầu!

Chúng sợ hãi, đành phải nghe theo. Các tướng kí tên xong, Hội bèn giam cả lại trong cung, sai quân sĩ canh giữ rất nghiêm ngặt.

Duy nói:

– Tôi coi các tướng có ý không chịu, chi bằng đem chôn sống quách cả đi.

Hội nói:

– Ta đã sai đào một hố to ở trong cung, để sẵn vài nghìn vồ to, nếu ai không nghe, đập chết quăng xuống hố.

Bấy giờ có một tướng tâm phúc của Chung Hội là Kỳ Kiến đứng cạnh. Kiến nguyên là bộ hạ cũ của hộ quân Hồ Liệt, Hồ Liệt cũng bị giam ở trong cung. Kiến mật đem lời Chung Hội vào nói cho Hồ Liệt biết.

Hồ Liệt rất kinh hãi, khóc lóc bảo rằng:

– Con ta là Hồ Uyển lĩnh binh ở ngoài, biết đâu được Chung Hội mang lòng như thế? Ngươi nên nghĩ tình xưa, đưa tin tức ra cho y một chút, dù ta chết cũng can tâm.

Kiến nói:

– Ân chủ đừng lo, để tôi liệu giúp.

Bèn ra nói với Chung Hội rằng:

– Chúa công giam các tướng ở trong cung, việc cơm nước không tiện; nên cho một người ra vào bưng rót mới được.

Hội xưa nay vốn hay nghe lời Kỳ Kiến, mới sai Kiến coi xét việc ấy và dặn rằng:

– Ta ủy thác việc quan trọng ấy cho ngươi, chớ được lộ chuyện ra ngoài.

Kiến nói:

– Chúa công cứ yên tâm, tôi khắc có phép nghiêm ngặt.

Kiến cho một người thân tín của Hồ Liệt lẻn vào thăm. Liệt viết một phong mật thư, giao cho người đó cầm ra đưa cho con là Hồ Uyển bàn luận rằng:

– Chúng ta có chết chăng nữa, há lại theo quân phản thần ấy ư?

Uyển nói:

– Để đến ngày 18 tháng giêng này, ta kéo ùa cả vào trong cung mà đánh.

Giám quân là Vệ Quán thích mưu của Hồ Uyển lắm, lập tức sửa soạn quân mã, sai Kỳ Kiến đưa tin vào cho Hồ Liệt, Liệt báo cho các tướng bị giam biết.

Một bữa Chung Hội mời Khương Duy vào hỏi rằng:

– Đêm qua tôi mơ thấy vài nghìn con rắn to xúm vào cắn, không biết điềm lành dữ ra sao?

Duy nói:

– Mơ thấy rồng rắn đều là điềm hay cả.

Hội mừng rỡ tin lời ấy và bảo Duy rằng:

– Khi trượng đủ cả rồi, gọi các tướng ra hỏi xem thế nào?

Duy nói:

– Bọn ấy vẫn có ý không bằng lòng, để lâu tất sinh biến, không bằng giết quách đi cho sớm.

Hội nghe lời, sai Khương Duy lĩnh võ sĩ vào cung, giết các tướng Ngụy. Duy lĩnh mệnh, toan đi, bỗng đâu nổi một cơn đau bụng ngất đi ngã gục xuống đất. Tả hữu vực dậy, nửa giờ mới tỉnh. Chợt thấy ở ngoài cung, có tiếng người xôn xao, Hội sai người ra xem việc gì, thì tiếng reo ở bốn mặt đã nổi lên như sấm, rồi quân sĩ kéo đến không biết bao nhiêu mà kể.

Duy nói:

– Đây là các tướng gây vạ đây, nên chém trước đi.

Có tin báo quân ngoài đã vào đến trong cung rồi.

Hội sai đóng cửa điện lại, cho quân sĩ trèo lên nóc điện, lấy ngói ném xuống, xô xát nhau chết vài mươi người. Bỗng lại thấy ngoài cung bốn mặt lửa cháy, rồi quân ngoài phá tung cửa điện kéo vào. Hội tuốt gươm giết luôn vài người, rồi bị tên loạn xạ bắn chết. Các tướng chặt lấy đầu.

Duy rút gươm lên điện, xông pha đánh giết, chẳng may cơn đau bụng càng dữ dội. Duy ngửa mặt kêu to lên rằng:

– Mẹo của ta không thành, thật là số trời vậy!

Nói đoạn, tự vẫn chết, bấy giờ mới có 59 tuổi. Trong cung chết mất vài trăm người.

Vệ Quán ra lệnh cho quân sĩ đâu về trại ấy, để đợi lệnh nhà vua. Quân Ngụy tranh nhau báo thù, mổ bụng Duy ra, thấy cái mật to vừa bằng quả trứng gà. Các tướng lại bắt cả gia thuộc Khương Duy giết sạch.

Bấy giờ bộ hạ Đặng Ngải thấy Chung Hội, Khương Duy bị giết cả rồi, vội vã chạy theo bọn giải Đặng Ngải, để cướp lại. Có người báo với Vệ Quán. Quán nói:

– Bắt Đặng Ngải là tự ta; nếu để hắn sống thì ta tất chết không có đất mà chôn thôi.

Hộ quân là Điền Tục thưa rằng:

– Khi xưa Đặng Ngải lấy thành Giang Du, toan giết tôi đi, may nhờ các tướng kêu xin được khỏi. Nay tôi xin phép được báo thù ấy.

Quán mừng lắm, sai Diền Tục dẫn năm trăm quân đuổi theo đến Miên Trúc, vừa gặp cha con Đặng Ngải ở trong cũi ra, định trở về Thành Đô. Ngải thấy Điền Tục là thuộc hạ cũ của mình nên không đề phòng gì cả. Khi Tục đến nơi. Ngải toan hỏi chuyện thì bị Tục chém một dao chết tươi. Đặng Trung cũng chết trong đám loạn quân.

Có thơ than Đặng Ngải rằng:

Khôn ngoan từ thuở nhỏ,

Mưu mẹo như quý thần,

Ngước mắt hay địa lí;

Ngẩng đầu biết thiên văn,

Mây tan đường ruổi ngựa,

Đá rẽ lối hành quân.

Ngán nỗi công thành tội,

Hồn quanh bến Hán Tân.

Có thơ than Chung Hội rằng:

Tuổi trẻ nhiều mưu trí,

Thường làm bí thư lương,

Mẹo giả đè Tư Mã,

Tiếng to sánh Tử Phòng,

Thọ Xuân nhờ sức giúp

Kiếm Các có tài năng,

Chỉ vì tham danh lợi,

Du hồn luống xót thương!

Lại có thơ than Khương Duy rằng:

Anh tài người Ký Huyện,

Hào kiệt sứ Lương Châu,

Con cháu dòng Khương Thượng,

Học theo lối Võ Hầu,

Mật lớn, gan ai địch?

Lòng trung, vững một màu,

Thương thay khi tự vẫn,

Xiết bao nỗi thán sầu!

Lại nói, Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải chết cả rồi, bọn Trương Dực cũng chết trong đám loạn quân; Thái Tử là Lưu Tuấn, cùng với Hán thọ đình hầu Quan di, cũng bị quân Ngụy giết mất. Quân dân nhộn nhạo, giết hại lẫn nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể.

Được mươi hôm, Giả Sung đến trước, treo bảng yên dân, bấy giờ mới yên. Sung để Vệ Quán ở lại giữ Thành Đô; đem Hậu chủ về Lạc Dương, chỉ có Phàn Kiến, Trương Thiệu, Tiêu Chu, Khước Chính đi theo; còn bọn Liêu Hóa, Đổng Quyết thác xưng có bệnh không ra đến ngoài, sau cũng lo lắng mà chết. Bấy giờ niên hiệu Cảnh Nguyên nhà Ngụy năm thứ năm, đổi làm Hàm Hy năm đầu, mùa xuân tháng ba, tướng Ngô là Đinh Phụng sang cứu Thục, thấy Thục mất rồi, bèn rút quân về.

Trung thư thừa là Hoa Hạch tâu với Ngô chủ Tôn Hưu rằng:

– Ngô Thục ví như môi răng; môi hở thì răng phải lạnh. Tôi tính rằng Tư Mã Chiêu thế nào nay mai cũng đánh Ngô, xin bệ hạ phải phòng ngự trước cho kĩ mới được.

Tôn Hưu nghe lời, sai con Lục Tốn là Lục Kháng làm Trấn đông tướng quân, lĩnh chức Kính Châu mục, giữ ở cửa sông; sai Tôn Dị giữ các cửa ải xứ Nam Từ; lại sai lão tướng Đinh Phụng lập vài trăm đồn ải dọc sông, để phòng quân Ngụy.

Thái thú quận Kiến Ninh là Hoắc Qua, nghe tin Thành Đô thất thủ, bèn mặc đồ trắng trông về phía tây khóc lóc ba ngày.

Các tướng khuyên rằng:

– Hán chủ đã mất ngôi rồi, sao không hàng đi cho sớm?

Qua khóc mà rằng:

– Đường xa cách trở, chưa biết chúa ta yên nguy thế nào. Nếu Ngụy chủ đối đãi tử tế, ta sẽ đem cả thành mà hàng cũng chưa muộn; vạn nhất có điều gì nguy nhục chúa ta, chúa nhục thì bầy tôi nên chết, ta đâu có chịu hàng?

Chúng cho là phải, mới sai người vào Lạc Dương thăm dò tin tức Hậu chủ.

Nói về Hậu chủ khi đến Lạc Dương, thì Tư Mã Chiêu cũng đã về triều. Chiêu trách Hậu chủ rằng:

– Ông hoang dâm vô đạo, bỏ người hiền, hỏng chính sự, lẽ nên giết đi mới phải.

Hậu chủ mặt xám như đất, không biết nói năng ra sao. Các quan tâu rằng:

– Thục chủ tuy bỏ mất cương kỉ, nhưng còn biết hàng sớm, xin khoan thứ cho.

Chiêu mới phong Hậu chủ làm An lạc công, cho nhà ở, thưởng một vạn tấm lụa, cấp cho kẻ hầu hạ vừa trai vừa gái một trăm người, và lương lộc hàng tháng. Con là Lưu Dao và bọn quân thần Phàn Kiến, Tiêu Chu, Khước Chính đều được phong tước hầu.

Hậu chủ tạ ân trở ra.

Chiêu thấy Hoàng Hạo là đứa mọt nước hại dân, sai võ sĩ điệu ra ngoài chợ, xử tội lăng trì, xẻo từng miếng thịt.

Hoắc Qua sai người dò biết Hậu chủ chịu phong rồi, mới dắt cả quân sĩ bộ hạ lại hàng.

Hôm sau, Hậu chủ thân đến phủ Tư Mã Chiêu lạy tạ. Chiêu mở tiệc khoản đãi, sai phường tuồng hát múa tuồng Ngụy ở trước sân. Các quan Thục trông thấy, ai cũng đau xót, chỉ riêng Hậu chủ có dáng vui mừng. Chiêu lại sai người Thục hòa âm nhạc Thục. Các quan Thục đều ứa nước mắt, Hậu chủ thì vui cười như không.

Rượu được nửa chầu, Chiêu bảo với Giả Sung rằng:

– Người đâu mà vô tình quá như thế nhỉ? Dù cho Khổng Minh còn sống, cũng không sao giúp được y, huống chi là Khương Duy?

Mới hỏi Hậu chủ rằng:

– Có nhớ nước Thục không?

Hậu chủ thưa:

– Ở đây vui lắm, tôi còn nhớ gì đến Thục nữa!

Một lát, Hậu chủ đứng dậy ra ngoài. Khước Chính theo ra đến dưới trại, bảo rằng:

– Bệ hạ sao lại nói là không nhớ Thục? Nếu hắn có hỏi nữa, thì nên khóc mà nói rằng: Phần mộ tiên nhân tôi ở cả nước Thục, lòng tôi thương xót không lúc nào quên; như thế thì Tấn Công tất tha cho bệ hạ về Thục.

Hậu chủ nhớ thật kĩ câu ấy rồi trở vào tiệc. Rượu gần say, Chiêu lại hỏi rằng:

– Có nhớ gì đến Thục không?

Hậu chủ cứ theo lời Khước Chính dặn làm sao thì nói làm vậy, muốn khóc nhưng không có nước mắt, mới nhắm nghiền mắt lại.

Chiêu hỏi:

– Sao mà giống hệt lời Khước Chính thế?

Hậu chủ mở bừng mắt ra, hoảng sợ nhìn Tư Mã Chiêu rồi nói rằng:

– Quả có thế!

Chiêu cùng tả hữu cười ầm cả lên.

Chiêu vì thế thích Hậu chủ là người thực thà, không nghi ngờ gì nữa.

Có thơ than rằng:

Hớn hở coi tuồng mở mặt cười,

Giang sơn nào quản tới tay người,

Mải vui quên hết niềm chua xót,

Hậu chủ người đâu mới lạ đời!

Đây nói, các đại thần trong triều nhân Tư Mã Chiêu có công lấy được nước Thục, muốn tôn làm vương, mới vào tâu với Ngụy chủ Tào Hoán. Hoán bấy giờ tuy làm thiên tử, kì thực không được chủ trong việc gì, quyền chính đều do họ Tư Mã cả. Bởi thế phải nghe theo và phong cho Tư Mã Chiêu làm Tấn Vương. Chiêu bèn đặt tên thụy cha là Tư Mã Ý làm Tuyên Vương, anh là Tư Mã Sư làm Cảnh Vương. Vợ Chiêu là con gái Vương Túc, sinh được hai con: Con cả là Tư Mã Viêm, mặt mũi khôi ngô, tóc dài chấm đất, hai tay dài quá đầu gối, thông minh, cứng cỏi, can đảm hơn người. Con thứ là Tư Mã Du, tính khí hòa nhã, kính cẩn thảo hiền. Chiêu có lòng yêu mến hơn con cả, nhân Tư Mã Sư không con, mới cho Du làm con nuôi anh, để kế tự.

Chiêu thường nói rằng:

– Thiên hạ nguyên là thiên hạ của anh ta. Bởi thế muốn lập Tư Mã Du lên làm thế tử.

Sơn Đào can rằng:

– Bỏ con cả lập con thứ, trái lễ không hay.

Giả Sung, Hà Tằng, Bùi Tú cũng can rằng:

– Con cả thông minh thần võ, có tài hơn đời. Uy vọng lẫy lừng, mà mặt mũi lại khôi ngô như thế, không phải là tướng làm tôi người khác.

Chiêu dùng dằng chưa quyết.

Thái úy là Vương Tường, tư không là Tuân Khải lại can rằng:

– Đời trước bỏ con lớn, lập con bé, thường hay sinh loạn, xin đại vương xét cho.

Chiêu mới lập con cả là Tư Mã Viêm làm thế tử.

Đại thần lại tâu rằng:

– Năm nay ở huyện Tương Võ, có một người từ trên trời sa xuống, mình dài hơn hai trượng, vết chân dài ba thước hai tấc, tóc bạc râu xanh, mặc áo mỏng, đậu khăn vàng, chống gậy gỗ lê, tự xưng rằng: “Ta là vua dân đây, lại bảo cho chúng mày biết rằng thiên hạ có đổi chúa, mới được trông thấy thái bình.” Người ấy cứ đi rong ngoài đường nói như thế ba ngày, rồi bỗng nhiên biến mất. Đó là cái điềm ứng vào điện hạ đấy. Điện hạ nên đội mũ miện mười hai tua, dựng cờ thiên tử, ra hàng cảnh, vào hàng tất, ngồi xe khảm vàng đủ sáu ngựa kéo, tiến vương phi lên làm vương hậu, lập thế tử làm thái tử.

Chiêu hởi dạ mừng thầm. Về đến cung, Chiêu sắp sửa ăn cơm, bỗng nhiên phải bệnh trúng phong, cấm khẩu không nói được. Qua hôm sau, bệnh tình nguy lắm. Các đại thần đều vào vấn an. Chiêu không nói được, chỉ lấy tay trỏ vào thế tử Tư Mã Viêm rồi chết. Bấy giờ là ngày Tân Mão tháng tám.

Hà Tằng nói:

– Công việc thiên hạ ở cả tay Tấn Vương, nay nên lập thế tử nối vào chức ấy, rồi sẽ làm ma táng tế.

Ngay hôm ấy Tư Mã Viêm lên ngôi Tấn Vương, phong cho Hà Tằng làm thừa tướng, Tư Mã Vọng làm tư đồ, Thạch Bào làm phiêu kị tướng quân, tôn tên thụy cha làm Văn Vương.

An táng cha đâu đấy, Viêm vời Giả Sung, Bùi Tú vào cung hỏi rằng:

– Ngày xưa Tào Tháo có nói: “Nếu mệnh trời cho ta, thì ta cũng chỉ làm như vua Văn Vương nhà Chu mà thôi.” Quả có như thế không?

Sung thưa rằng:

– Tào Tháo đời đời ăn lộc nhà Hán, sợ người ta mai mỉa cái tiếng thoán nghịch, cho nên nói câu ấy là có ý để nhường ngôi thiên tử cho Tào Phi đấy thôi.

Viêm nói:

– Cha ta sánh với Tào Tháo thế nào?

Sung thưa rằng:

– Tào Tháo tuy có công to trùm thiên hạ, nhưng nhân dân chỉ sợ oai mà chưa mến đức. Đời con là Tào Phi nối nghiệp, việc sai dịch nặng nề, nhân dân hết phục dịch xứ đông, lại kéo đến xứ đoài, không được năm nào yên ổn. Sau đến Tuyên Vương, Cảnh Vương triều ta, lập được nhiều công to, ân đức tỏa khắp nơi, được lòng thiên hạ đã lâu. Đến Văn Vương, lại lấy được Tây Thục, công trùm bờ cõi, Tào Tháo bì thế nào được?

Viêm nói:

– Tào Tháo còn biết nối ngôi nhà Hán, ta há lại không biết nối ngôi nhà Ngụy hay sao?

Giả Sung, Bùi Tú hai người cùng lạy mà thưa rằng:

– Điện hạ chính nên bắt chước việc Tào Phi nối nhà Hán khi xưa cho đắp đàn thụ thiện, lên ngôi hoàng đế.

Viêm mừng lắm, hôm sau đeo gươm vào cung. Bấy giờ Ngụy chủ Tào Hoán tâm thần hoảng hốt, ngồi đứng không yên, luôn mấy hôm không ra coi chầu. Viêm vào thẳng hậu cung, Hoán vội vàng trụt xuống sập rồng đón vào. Viêm ngồi tử tế rồi hỏi rằng:

– Thiên hạ nhà Ngụy, do sức ai mà có?

Hoán nói:

– Đó là nhờ ơn của tổ phụ Tấn Vương để lại cả đấy.

Viêm cười rằng:

– Tôi coi bệ hạ, văn không bàn được đạo lí, võ không sửa sang được việc nước. Sao không nhường cho người tài đức làm chủ có được không?

Hoán giật mình, lặng đi không biết nói lại làm sao.

Có hoàng môn thị lang là Trương Tiết đứng hầu cạnh, quát lên rằng:

– Tấn Vương nói thế không được! Ngày xưa Võ tổ hoàng đế, đánh đông dẹp bắc, trải bao nhiêu công lao khó nhọc mới có được thiên hạ. Nay thiên tử nhân đức, không tội lỗi gì, can chi phải nhường ngôi cho ai?

Viêm nổi giận mà rằng:

– Xã tắc này là xã tắc nhà Đại Hán. Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, sai khiến chư hầu, tự lập làm Ngụy Vương, cướp ngôi nhà Hán. Cha ông ta ba đời giúp nhà Ngụy, nhà Ngụy được thiên hạ, không phải tài cán gì của họ Tào, thực là bởi sức họ Tư Mã ta cả, bốn bể điều biết cả. Ta nay há lại không nối được thiên hạ của nhà Ngụy hay sao?

Tiết lại nói rằng:

– Nếu làm thế, thì thật là bọn giặc cướp nước rồi!

Viêm giận mà rằng:

– Ta báo thù cho nhà Hán, có gì mà chẳng được.

Liền quát võ sĩ lôi Trương Tiết ra đánh chết ngay tại dưới điện.

Tào Hoán quỳ xuống khóc lóc kêu van. Viêm đứng xuống điện đi ra.

Hoán bảo với Giả Sung, Bùi Tú rằng:

– Việc gấp mất rồi, làm thế nào bây giờ?

Sung nói:

– Số trời hết mất rồi, bệ hạ không nên cưỡng lại, hãy bắt chước việc vua Hiến Đế khi trước, sửa sang lại đền thụ thiện, nhường ngôi cho Tấn Vương. Như thế thì trên hợp lẽ trời, dưới thuận tình dân, mà bệ hạ cũng được an toàn, không ngại gì nữa.

Hoán nghe lời ấy, sai Giả Sung đắp đàn thụ thiện, kén ngày Giáp Tí tháng chạp năm ấy, Hoán thân bưng ngọc tỉ truyền quốc đứng ở trên đài, đại hội trăm quan văn võ, mời Tấn Vương lên đàn, làm lễ trao nhường, rồi xuống đàn mặc áo chầu đứng hàng đầu các quan.

Có thơ than rằng:

Ngụy cướp Viêm Lưu, Tấn cướp Tào,

Số trời qua lại tránh làm sao?

Thương thay Trương Tiết trung vì nước,

Nắm đấm khôn che núi Thái cao!

Tư Mã Viêm ngồi cao chĩnh chện trên đàn. Giả Sung, Bùi Tú cắp gươm đứng đầu hai bên, bắt Tào Hoán ra lạy phục xuống đất nghe chiếu.

Giả Sung truyền rằng:

– Từ năm Kiếm An nhà Hán thứ 25, nhà Ngụy chịu ngôi nhường của nhà Hán, trải qua bốn mươi lăm năm. Nay nhà Ngụy hết lộc, mệnh trời lại trả về nhà Tấn. Công đức họ Tư Mã trùm khắp trời đất, nên lên ngôi hoàng đế, nối vào nhà Ngụy. Vậy phong ngươi làm Trần lưu vương, cho ra ngoại thành Kim Dung, hạn phải đi ngay lập tức, nếu không có chiếu đòi, không được vào hầu.

Tào Hoán khóc, lạy tạ trở ra.

Thái phó là Tư Mã Thu khóc lạy trước mặt Tào Hoán nói rằng:

– Thần là tôi nhà Ngụy, thế nào cũng không bỏ nhà Ngụy đâu.

Viêm thấy thế, phong cho Tư Mã Phu làm An bình vương. Phu không nhận, lui ra. Văn võ trăm quan lạy ở dưới đàn, cùng reo vạn tuế. Viêm đổi quốc hiệu là Đại Tấn, cải nguyên là Thái Thủy năm đầu, đại xá thiên hạ.

Từ bấy giờ nhà Ngụy mất.

Người sau có thơ rằng:

Nước Tấn sánh tầy với Ngụy Vương,

Công tích Trần Vương tựa Sơn dương,

Phép tắc phong vương theo nghiệp cũ,

Ngoảnh đầu trông lại vẫn còn thương.

Tấn đế Tư Mã Viêm truy tôn Tư Mã Ýlà Tuyên Đế, bác là Tư Mã Sư làm Cảnh Đế; cha là Tư Mã Chiêu làm Văn Đế. Lập ra bảy miếu thờ tổ tiên. Bảy miếu ấy thờ từ quan chinh tây tướng quân nhà Hán là Tư Mã Quân trở đi, Quân sinh ra thái thú Dự Chương là Tư Mã Lượng, Lượng sinh ra thái thú Dĩnh Châu là Tư Mã Tuấn, Tuấn sinh ra Kinh Triệu Doãn là Tư Mã Phường, Phường sinh ra Tuyên Đế Tư Mã Ý, Ý sinh ra Cảnh Đế Tư Mã Sư và Văn Đế Tư Mã Chiêu.

Việc lớn xếp đặt đâu đấy rồi, Viêm ngày ngày khai triều, bàn định kế đánh Ngô.

Đó là:

Giang sơn nhà Hán vừa khi đo,

Thành quách bên Ngô cũng sắp tan,

Chưa biết đánh Ngô ra làm sao, xem hồi sau sẽ rõ.

HỒI 120: Tiến Đỗ Dự, lão tướng dâng mẹo hay – Bắt Tôn Hạo, tam phân lại hợp nhất.

Lại nói Ngô chủ là Tôn Hưu nghe tin Tư Mã Viêm đã cướp ngôi nhà Ngụy, biết cơ sắp đánh Ngô, lo lắng thành bệnh, nằm liệt một chỗ không dậy được. Hưu cho vời thừa tướng Bộc Dương Hưng vào cung, sai thái tử Tôn Quân ra lạy. Ngô chủ cần tay Bộc Dương Hưng trỏ vào thái tử rồi mất. Hưng bàn với quần thần, muốn lập thái tử lên nối ngôi. Tả điển quân Vạn Úc can rằng:

– Thái tử còn thơ ấu lắm, không coi nổi việc nước, không bằng đón Ô trình hầu Tôn Hạo về mà lập lên thì hơn.

Tả tướng quân Trương Bố cũng nói:

– Tôn Hạo kiến thức cao mà xử đoán minh, có tài làm nổi được đế vương.

Bộc Dương Hưng không quyết bề nào, vào cung tâu với Chu thái hậu.

Thái hậu nói:

– Ta là đàn bà, biết đâu được việc xã tắc! Các ngươi liệu châm chước, lập ai thì lập.

Hưng mới đón Tôn Hạo về lập làm vua. Hạo tự là Nguyên Tôn, con của thái tử Tôn Hòa tức là cháu Đại đế Tôn Quyền. Tháng bảy năm ấy, Hạo lên ngôi hoàng đế, cải niên hiệu là Nguyên Hưng năm đầu, phong cho thái tử Tôn Quân làm Dự Chương Vương: Truy tôn cha là Tôn Hòa làm Văn hoàng đế, tôn mẹ là Hà thị làm thái hậu, gia phong cho Đinh Phụng làm tả hữu đại tư mã.

Năm sau cải niên hiệu là Cam Lộ năm đầu. Hạo ngày càng hung bạo, say mê tửu sắc, tin yêu một tên trung thường thị là Sầm Hôn. Bộc Dương Hưng, Trương Bố hai người can ngăn. Hạo tức giận, giết cả hai người và ba họ. Bởi thế quần thần buộc miệng, không ai dám hé răng nữa.

Hạo lại cải niên hiệu là năm Bảo Đinh, cất Lục Khải, Vạn Úc làm tả hữu thừa tướng! Hạo đóng ở thành Võ Xương, nhân dân trong xứ Dương Châu phải ngược thuyền cung cấp, khổ ải trăm bề; tính Hạo lại xa xỉ không có chừng mực, của công của tư khan cạn. Lục Khải dâng sớ can ngăn rằng:

“Nay không gặp tai nạn gì mà tính mạng của dân nguy khốn; không xây dựng gì mà tiền của nhà nước sạch trơn, thần nghĩ đau lòng lắm.

Trước kia nhà Hán suy vi, ba nhà đứng lên thành hình chân vạc. Nay Tào, Lưu vô đạo, cơ nghiệp về cả nhà Tấn: đó là tấm gương tầy liếp trước mắt vậy.

Thần vì bệ hạ mà lo lắng nước nhà. Ở Vũ Xương, ruộng đất cằn cỗi, không phải là chỗ vua chúa đóng đô. Lại có ca dao rằng: “Nên uống nước Kiến Nghiệp, không nên ăn cá Vũ Xương. Nên về Kiến Nghiệp mà chết, không nên ở lì Vũ Xương”. Như thế đủ rõ lòng người cũng hợp với ý trời đó. Nay nước không đủ lương thực một năm, có cơ suy yếu dần mòn; quan lại quấy nhiễu nhân dân mà không hề thương xót, giúp đỡ. Thời Đại đế, cung nữ không đầy trăm người, từ Cảnh đế đến nay, hàng nghìn có lẻ, hao công tốn của vô cùng. Tả hữu lại toàn những người chẳng ra gì, bè kia đảng nọ lấn áp nhau, hại kẻ trung diềm người hiền, đều là mọt nước sâu dân cả.

Xin bệ hạ giảm những việc vô ích, bỏ những món quyên góp nặng nề, bớt bỏ cung nữ; lựa chọn trăm quan. Như thế trời đẹp ý, dân quy thuận, mà nước sẽ thái bình vậy.”

Hạo không bằng lòng, lại càng bày nhiều công việc thổ mộc, xây cung Chiêu Minh, sai cả các quan văn võ vào rừng tìm gỗ. Lại sai một người thuật sĩ là Thượng Quảng, bói xem việc lấy thiên hạ thế nào.

Quảng thưa rằng:

– Bệ hạ bói được quẻ này hay lắm; đến năm Canh Tí, lọng xanh vào được Lạc Dương.

Hạo mừng lắm, bảo với trung hư thừa là Hoa Hạch rằng:

– Tiên đế nghe lời ngươi, sai tướng chia ra giữ mạn bờ sông, lập vài trăm đồn, sai lão tướng Đinh Phụng thống lĩnh. Trẫm nay muốn đáng chiếm lấy đất nhà Hán, để báo thù cho Thục chủ, thì nên lấy xứ nào trước bây giờ?

Hoa Hạch can rằng:

– Nay Thành Đô thất thủ, xã tắc nhà Thục đổ rồi, Tư Mã Viêm tất có ý muốn nuốt Ngô, bệ hạ nên sửa đức yên dân là hơn cả. Nếu miễn cưỡng dấy động việc binh, thì chẳng khác gì mặc áo xô nhảy vào cứu lửa, hóa ra mình lại đốt mình, xin bệ hạ xét cho.

Hạo giận lắm, nói:

– Trẫm muốn nhân dịp này mở mang bờ cõi, ngươi sao dám nói gở miệng ra thế? Nếu không nể ngươi là mặt cựu thần, thì quyết chém đầu hiệu lệnh.

Liền quát võ sĩ đẩy ra ngoài cửa điện, Hoa Hạch ra khỏi triều than rằng:

– Tiếc thay! Giang sơn gấm vóc thế này, chẳng bao lâu sẽ về tay người khác!

Từ bấy giờ ẩn dật một nơi, không ra làm quan nữa.

Hạo sai trấn đông tướng quân là Lục Kháng đóng quân ở cửa sông, chực lấy Tương Dương.

Có người báo tin về Lạc Dương, Tấn đế Tư Mã Viêm nghe tin Lục Kháng muốn cướp Tương Dương liền hội các quan lại bàn bạc.

Giả Sung ra ban tâu rằng:

– Tôi nghe Tôn Hạo ở Ngô, không sửa việc nhân đức, mà chuyên một mặt làm những sự vô đạo. Bệ hạ nên sai đô đốc Dương Hựu đem quân ra chống cự đợi khi nào trong nước sinh biến, sẽ thừa thế mà đánh, thì chỉ giở bàn tay là lấy xong Đông Ngô.

Viêm mừng lắm, liền giáng chiếu sai sứ đem đến Tương Dương sai Dương Hựu cất quân ra đánh giặc. Dương Hựu phụng chiếu, chỉnh đốn quân mã, chuẩn bị đánh giặc.

Từ đó, Dương Hựu trấn thủ ở Tương Dương, được lòng quân dân lắm. Người Ngô nào đến hàng mà lại muốn về cũng cho về ngay; Hựu lại giảm bớt quân tuần phòng đồn thú, cho phá ruộng cày cấy, khẩn được hơn tám trăm khoảnh ruộng, (một trăm mảnh gọi là một khoảnh). Khi mới đến nhận chức, quân không có lương trữ sẵn trăm ngày. Đến cuối năm đã có thóc chứa đủ dùng được mười năm. Hựu ở trong quân, thường chỉ mặc áo cừu nhẹ nhàng, đóng bộ đai rộng rãi, không mặc đến áo giáp bao giờ. Quân hầu dưới trướng chỉ vẻn vẹn vài mươi người.

Một hôm, Bộ tướng vào bẩm rằng:

– Quân đi tiễu về báo quân Ngô trễ nải cả, nên nhân lúc không phòng bị mà đánh bừa đi thì được.

Hựu cười rằng:

– Các anh khinh Lục Kháng ư? Người ấy lắm trí nhiều mưu. Khi trước Ngô chủ sai hắn đánh Tây Lăng, chém chết Bộ Xiển và vài chục tướng sĩ, ta đến cứu không kịp. Người ấy làm tướng, ta chỉ nên giữ kĩ là hơn; đợi khi trong nước hắn có biến, thì mới đồ được. Nếu không biết thời thế mà khinh tiến, thì chỉ rước lấy thua mà thôi.

Chúng phục lời ấy, và chăm chú giữ vững bờ cõi của mình.

Một hôm, Dương Hựu dẫn các tướng sĩ đi săn, gặp ngay Lục Kháng cũng đi săn. Hựu truyền lệnh cho quân không được lấn sang cõi Ngô. Bởi thế các tướng sĩ bổ vây săn bắn ở bên cõi Tấn.

Lục Kháng trông thấy than rằng:

– Quân của Dương tướng quân có phép tắc thế này, không thể phạm được.

Đến chiều tối, quân tướng bên nào về bên ấy. Hựu về trại, xét hỏi những giống cầm thú nào mà người Ngô bắn bị thương trước thì cho mang giả hết. Quân Ngô mừng rỡ, vào trình với Lục Kháng.

Kháng gọi người ấy vào bảo rằng:

– Chủ soái mày có biết uống rượu không?

Người ấy bẩm:

– Chủ soái tôi có rượu ngon thì mới uống.

Kháng cười rằng:

– Ta có một bình rượu, lâu nay vẫn để dành. Nay đưa cho mày cầm về biếu đô đốc. Rượu này là ta tự nấu ra để uống; nay gọi là có chén rượu dâng đô đốc, để giả ơn tình nghĩa đi săn hôm qua đấy.

Người ấy vâng lời cầm rượu về.

Tả hữu hỏi Kháng rằng:

– Tướng quân đem rượu cho bên địch, là ý làm sao?

Kháng nói:

– Kẻ kia có bụng tử tế với ta, chẳng lẽ ta không đáp lại hay sao?

Chúng đều ngạc nhiên.

Đây nói người ấy về ra mắt Dương Hựu, thuật lại việc Lục Kháng hỏi han và biếu bình rượu.

Hựu cười rằng:

– Hắn cũng biết tính ta hay rượu à?

Liền sai mở rượu ra uống.

Bộ tướng là Trần Nguyên nói rằng:

– Đô đốc chớ nên uống vội, ngộ có thuốc độc thì sao?

Hựu cười rằng:

– Lục Kháng không phải là người đánh thuốc độc, bất tất phải nghi làm gì.

Nói đoạn, cứ việc rót rượu uống. Tự đấy, hai bên thường cho người đi lại hỏi han nhau.

Một bữa Kháng cho người lại thăm Dương Hựu, Hựu hỏi rằng:

– Lục tướng quân dạo này có khỏe không?

Sứ giả bẩm:

– Chủ soái tôi mấy nay yếu không ra ngoài được.

Hựu nói:

– Bệnh hắn tất như bệnh ta. Nay ta có thuốc đã bào chế sẵn, nên đem về cho chủ soái uống thì khắc khỏi.

Sứ giả mang thuốc về bẩm với Lục Kháng.

Các tướng thưa rằng:

– Dương Hựu là kẻ địch nhau với ta, thuốc này tất không phải là thuốc tốt.

Lục Kháng nói:

– Dương Thúc Tử có đâu lại đánh thuốc độc người ta bao giờ? Các ngươi chớ nghi.

Nói đoạn, cứ việc đem uống, hôm sau quả nhiên khỏi bệnh. Các tướng đều lạy mừng.

Kháng nói:

– Bên họ dùng nhân đức, bên ta thì hay làm sự bạo ngược, thế là họ không cần đánh mà ta sắp phải chịu rồi đấy. Từ rày, ta cũng nên cứ giữ bờ cõi của mình, chớ nên tham lợi nhỏ.

Các tướng vâng lệnh. Chợt có sứ giả Ngô chủ sai đến. Kháng ra tiếp vào. Sứ giả nói:

– Thiên tử truyền cho tướng quân phải tiến binh kíp ngay đi, chớ để người Tấn vào cõi ta trước.

Kháng nói rằng:

– Ngươi cứ về trước đi, ta sẽ có biểu chương tâu lên vua.

Sứ giả trở về. Kháng cho ngay người mang sớ đến Kiến Nghiệp tâu với Ngô chủ rằng Tấn chưa nên đánh và khuyên Ngô chủ sửa đức, thận trọng việc hình phạt, cốt cho dân được yên, chớ không nên dùng binh thái quá.

Ngô chủ Tôn Hạo xem xong, nổi giận mà rằng:

– Trẫm nghe Kháng ở ngoài biên cảnh tư thông với giặc, nay quả nhiên như thế thực.

Bèn sai sứ ra tước binh quyền, giáng xuống làm tư mã, rồi sai tả tướng quân là Tôn Ký thay lĩnh chức ấy.

Quần thần không dám can ngăn gì cả.

Tôn Hạo lại đổi niên hiệu là Kiến Hành, đến năm Phượng Hoàng thứ nhất, lại càng rông rỡ làm càn, hết đánh chỗ nọ lại đi thú chỗ kia, trên dưới ai cũng ta thán. Thừa tướng Vạn Úc, tướng quân Lưu Bình, đại tư nông Lâu Huyền thấy Hạo vô đạo, lấy lời thẳng can ngăn, cũng đều bị giết. Trước sau mười năm trời, giết mất hơn bốn mươi người trung thần. Hạo ra vào thường đem năm vạn quân thiết kị hầu hạ, quần thần sợ hãi, không ai dám nói gì cả.

Đây nói, Dương Hựu nghe tin Lục Kháng bị bãi chức, mà Tôn Hạo thì thất đức lắm, biết là Ngô có cơ lấy được, mới dâng biểu về Lạc Dương xin đánh Ngô.

Biểu rằng:

“Ôi! Thời vận tuy trời cho, nhưng công nghiệp tất phải do người mới nên được. Nay Giang Hoài không hiểm bằng Kiếm Các, mà Tôn Hạo bạo ngược tệ hơn Lưu Thiền. Người Ngô khổ hơn người Ba Thục, mà sức binh Đại Tấn lại thịnh hơn trước kia; không nhân dịp này nhất thống cả bốn bể, mà cứ đóng quân giữ nhau, để cho thiên hạ khổ ải về việc chinh chiến, trải hết đời thịnh sang đời suy, như thế thi lâu bền sao được.”

Tư Mã Viêm xem biểu mừng lắm, bàn việc cất quân, Giả Sung, Tuân Húc, Phùng Thẩm, ba người cố sức can ngăn không nên đánh vội, nên việc ấy lại thôi.

Hựu thấy vua không nghe lời mình, than rằng:

– Việc thiên hạ mười phần thì thường tám chín phần không được như ý. Nay trời cho mà không lấy, khá tiếc lắm thay!

Đến năm Hàm Ninh thứ tư, Dương Hậu vào chầu, tâu xin từ chức về quê dưỡng bệnh.

Viêm hỏi rằng:

– Ngươi có mẹo gì yên được nước, dạy cho trẫm không?

Hựu tâu rằng:

– Tôn Hạo bạo ngược tham quá, có thể không đánh cũng phá được. Nếu Hạo bất hạnh mất đi, họ lập được vua hiền khác lên, thì đất Đông Ngô không bao giờ về tay bệ hạ nữa.

Viêm nghĩ ra, nói rằng:

– Nay ngươi cất quân sang đánh, thế nào?

Hựu thua:

– Tôi năm nay đã già yếu lắm bệnh, không kham nổi được. Xin bệ hạ kén người trí dũng khác thì hơn.

Bèn từ trở về. Tháng chạp năm ấy, Dương Hựu mệt nặng gần mất. Tư Mã Viêm thân đến tận nhà hỏi thăm, Hựu ứa nước mắt khóc nói rằng:

– Tôi tuy muốn chết, cũng chưa báo được ơn bệ hạ!

Viêm cũng khóc rằng:

– Trẫm tiếc vì không dùng kế đánh Ngô của ngươi, nay có ai nối được chí của ngươi không?

Hựu thưa rằng:

– Thần chết đến nơi rồi đấy, còn chút lòng thành nào, xin bày tỏ hết: Có hữu tướng quân là Đỗ Dự đương nổi việc đánh Ngô, bệ hạ nên dùng ngay đi.

Viêm lại nói:

Cử kẻ thiện, tiến người hiền, cũng là một việc rất hay. Ngươi tiến người trong triều, liền đốt ngay bản tâu đi, không để cho họ biết, là cớ làm sao?

Hựu thưa rằng:

– Cử người trong triều, mà để cho họ đến tận nhà riêng của mình tạ ân, tôi thiết nghĩ không muốn như thế.

Nói xong thì mất.

Viêm khóc ầm lên, trở về cung, sắc tặng cho làm thái phó Cự Bình hầu. Trăm họ nghe tin Dương Hựu mất, thương khóc bỏ cả chợ búa không họp. Các tướng sĩ giữ ngoài biên cảnh cũng đau xót. Người Tương Dương thấy Hựu khi còn sống, thường hay ra chơi núi Nghiễn Sơn, mới lập miếu tạc bia bốn mùa cúng tế. Kẻ qua người lại, trông thấy văn bia, đều phải ứa nước mắt, cho nên thành tên là bia “Sa nước mắt”.

Có thơ than rằng:

Trèo non ngắm cảnh nhớ người xưa

Bia tạc nghìn thu mảnh đá trơ

Lác đác ngọn thông sa giọt nước,

Còn nghi nước mắt tự bao giờ!

Tấn chủ vì có lời Dương Hựu, bèn cất Đỗ Dự lên làm trấn nam đại tướng quân, đô đốc cả việc Kinh Châu.

Dỗ Dự vào bậc lão thành, từng trải việc đời đã nhiều, tính lại ham học không biết mỏi. Thường hay xem truyện Xuân Thu của ông Tả Kỳ Minh, ngồi đứng không rời quyển sách lúc nào, đi đâu thì treo quyển Tả truyện trên đầu ngựa, người bấy giờ gọi là “Bệnh Tả truyện”.

Khi ấy Đỗ Dự phụng mệnh Tấn chủ ra trấn thủ Tương Dương, yên dân nuôi lính, sửa soạn đánh Ngô. Bấy giờ Đinh Phụng, Lục Kháng bên Ngô đã mất. Tôn Hạo mỗi khi hội quần thần ăn yến, bắt uống rượu thật say lả ra mới thôi. Lại sai mười người hoàng môn thị lang làm quan dò xét trong đám uống rượu. Khi tan tiệc, phải tâu các điều nhầm lỗi của các quan, ai phạm phải điều gì, hoặc lột da mặt, hoặc khoét mắt. Bởi thế cả nước ai cũng sợ hãi.

Thứ sử Ích Châu bên Tấn là Vương Tuấn dâng sớ xin đánh Ngô. Trong sớ nói rằng:

“Tôn Hạo hoang dâm hung ác, nên đánh ngay đi; nếu một mai Hạo mất mà lập vua hiền khác, thì giặc sẽ mạnh mất. Thần đóng thuyền bảy năm nay rồi, mỗi ngày để mục nát dần. Thần nay đã bảy mươi tuổi, chưa biết sống chết dường nào, trong ba việc ấy mà hỏng một điều, thì khó lòng mà đồ được Ngô nữa; vậy xin bệ hạ đừng để lỡ mất cơ hội hay này.”

Tấn chủ xem sớ, bàn với quần thần rằng:

– Lời Vương Tuấn, hợp với ý Dương đô đốc, trẫm quyết ý đánh Ngô.

Thị trung Vương Hồn tâu rằng:

– Tôi nghe Tôn Hạo muốn cướp Trung Nguyên, quân ngũ chỉnh tề, thanh thế đang thịnh, khó lòng đánh nổi. Nên hoãn lại một năm nữa, đợi cho quân kia mệt mỏi, rồi ta sẽ đánh thì mới thành công được.

Tấn chủ nghe lời tâu, giáng chiếu, hoãn việc cất quân. Rồi lui vào hậu cung, cùng bí thư thừa là Trương Hoa đánh cờ tiêu khiển.

Cận thần vào tâu ngoài biên đình có biểu gửi về.

Tấn chủ mở ra xem, thì là biểu của Đỗ Dự. Trong biểu viết đại ý rằng:

“Trước kia, Dương Hựu không nói cho triều thần biết mưu kế ấy, mà chỉ tâu kín với bệ hạ, khiến cho triều thần dị nghị linh tinh. Phàm việc gì cũng phải so sánh lợi hại. Cứ xem phen này có tám chín phần lợi, mà cái hại ở chỗ là không gắng công mà thôi. Từ mùa thu đến nay, tình hình đánh giặc đã gần lộ ra rồi; nếu nửa chừng hoãn lại, thì Tôn Hạo dời đô Vũ Xương, sửa sang các thành trì Giang Nam, di chuyển dân cư; khi ấy thành trì không thể phá vỡ, đồng ruộng không còn gì đáng chiếm. Như vậy, việc định sang năm cũng không làm kịp được nữa.”

Tấn chủ xem biểu vừa xong, Trương Hoa đứng phắt dậy, đẩy bàn cờ ra một bên, rồi chắp tay tâu rằng:

– Bệ hạ thánh võ, nước giàu dân mạnh. Bên Ngô chủ thì hoang dâm bạo ngược, nước suy dân khốn. Nếu đánh ngay đi, thì cũng không khó nhọc mà cũng bình định được. Xin bệ hạ đừng nghi ngại nữa.

Tấn chủ nói:

– Ngươi bày rõ đường lợi hại như thế, trẫm còn nghi ngại gì!

Lập tức lên điện, sai trấn nam đại tướng quân Đỗ Dự làm đại đô đốc, dẫn mười vạn quân ra mặt Giang Lăng; sai trấn đông đại tướng quân lang nha vương Tư Mã Du ra mặt Từ Trung; yên đông đại tướng quân Vương Hồn ra mặt Hoành Giang; kiến oai tướng quân Vương Nhung ra mặt Vũ Xương; bình nam tướng quân Hồ Phấn ra mặt Hạ Khẩu; mỗi người dẫn năm vạn quân tuân theo hiệu lệnh của Đỗ Dự. Lại sai Long Nhương tướng quân Vương Tuấn, quảng võ tướng quân Đường Bân xuôi thuyền xuống phía đông. Quân mã thủy bộ cả thảy hơn hai mươi vạn, chiến thuyền vài vạn. Lại sai quán quân tướng quân là Dương Tế ra đóng ở Tương Dương để coi xét các mặt.

Có người báo tin ấy về Đông Ngô, Ngô chủ Tôn Hạo giật mình, kíp vời thừa tướng Trương Để, tư đồ Hà Thực, tư không Đặng Tu vào bàn bạc việc đánh giặc.

Để tâu rằng:

– Nên sai xa kị tướng quân Ngũ Diên làm đô đốc, tiến ra Giang Lăng, địch nhau với Đỗ Dự, phiêu kị tướng quân Tôn Hâm tiến binh đánh mặt Hạ Khẩu; tôi thì xin làm quân sư, lĩnh tả tướng quân Thẩm Oánh, hữu tướng quân Gia Cát Nghiễn, dẫn mười vạn quân đóng ở bến Ngựu Chử, để tiếp ứng các mặt quân mã.

Hạo nghe lời, sai Trương Để dẫn quân đi.

Hạo lui vào hậu cung, có dáng lo lắng, hạnh thần là Sầm Hôn hỏi cớ làm sao, Hạo nói:

– Quân Tấn kéo sang, các mặt đã có các quân ra chống cự hết cả. Duy còn mặt Vương Tuấn dẫn vài vạn chiến thuyền, thuận dòng kéo đến, thanh thế to lắm, nên trẫm lo ngại.

Hôn tâu rằng:

– Tôi có một mẹo này, khiến cho thuyền của Vương Tuấn tan vụn ra như cám.

Hạo mừng, hỏi kế gì.

Sầm Hôn tâu rằng:

– Giang Nam ta nhiều sắt, nên đánh ra hơn một trăm cuộn dây xích, mỗi cuộn dài vài trăm trượng, mỗi vòng xích nặng hai ba mươi cân. Dọc theo bờ sông, nội chỗ nào khẩn yếu, thì giăng dây xích ra mà chắn lối thuyền đi. Lại đúc vài vạn cọc sắt, mỗi cái dài hơn một trượng, cắm ngầm ở dưới đáy nước, nếu thuyền của Tuấn nhờ gió lướt sang, chạm phải cọc thì vỡ tan cả, còn sang làm sao được?

Hạo mừng lắm, truyền sai thợ rèn ra bờ sông, ngày đêm đúc cọc sắt và xích sắt, đem dàn cắm các nơi hiểm yếu.

Nói về đô đốc Tấn là Đỗ Dự kéo quân đến Giang Lăng, sai nha tướng Chu Chỉ dẫn tám trăm thủy thủ chở thuyền nhỏ sang ngầm sông Trường Giang, đêm úp lấy Lạc Dương, cắm nhiều cờ quạt trong rừng rậm, ban ngày thì phóng pháo khua trống, đêm đốt lửa làm hiệu. Chỉ vâng lệnh, dẫn quân qua sông, phục ở Ba Sơn. Hôm sau, Đỗ Dự tiến quân cả hai mặt thủy bộ.

Tiền tiêu báo rằng:

– Ngô chủ sai Ngũ Diện ra mặt bộ, Lục Cảnh ra mặt thủy, Tôn Hâm làm tiên phong, tất cả ba đường đến nghênh địch.

Đỗ Dự dẫn quân tiến đi, gặp ngay thuyền Tôn Hâm tới. Hai bên vừa mới giao chiến, Đỗ Dự đã rút lui ngay, Tôn Hâm mang quân lên bờ đuổi theo, chưa đầy hai mươi dặm, pháo hiệu nổ vang, quân Tấn kéo tràn cả đến; quân Ngô vội vàng rút về. Đỗ Dự thừa thế đánh bừa sang, quân Ngô tổn hại rất nhiều. Tôn Hâm chạy về đến thành, thì tám trăm quân của Chu Chỉ nhân lúc nhốn nháo, cũng chạy lẫn cả vào trong thành, rồi đốt lửa lên.

Hâm giật mình mà rằng:

– Quân bắc dễ thường bay qua sông chắc?

Bèn vội vàng kéo quân chạy, thì đã bị Chu Chỉ quát to một tiếng, chém nhào xuống ngựa.

Lục Cảnh ở dưới thuyền, trông về nam ngạn, một dải lửa đỏ rực; trên núi Ba Sơn lá cờ to gió bay phấp phới, trông rõ hàng chữ “Tấn trấn nam đại tướng quân Đỗ Dự”. Lục Cảnh giật mình, toan chạy lên bờ đi trốn, bị tướng Tấn là Trương Thượng tế ngựa xốc tới chém chết.

Ngũ Diên thấy quân các mặt thua cả, bỏ thành chạy trốn, bị quân phục tóm được, trói nộp Đỗ Dự. Dự sai võ sĩ chém nốt; liền hạ được thành Giang Lăng.

Thế là suốt một dải sông Ngoan Tương đến mãi Quảng Châu, các quận thú tấp nập mang ấn ra hàng. Dự sai người cầm cờ tiết đi phủ dụ nhân dân, không xâm phạm một li một tí của dân. Rồi tiến binh xuống hạ thành Vũ Xương. Vũ Xương cũng hàng. Từ bấy giờ, quân oai của Đỗ Dự lừng lẫy, Dự mới hội các tướng lại bàn kế lấy Kiến Nghiệp.

Hồ Phấn thưa rằng:

– Giặc trăm năm nay, chưa dễ mà trừ cho hết được. Đang lúc nước xuân tràn ngập, khó ở lâu được, nên đợi sang năm, sẽ kéo đại quân sang đánh.

Dự nói:

– Ngày xưa Nhạc Nghị đánh một trận ở Tế Tây, mà lấy được nước Tề hùng mạnh. Nay quân oai của ta lừng lẫy; ví như chẻ nứa, chẻ được vài đóng rồi, thì lia mũi dao cũng phải toác, không phải khó nhọc gì nữa!

Bèn đưa hịch ước hẹn với các tướng, nhất tề tiến binh đến đánh Kiến Nghiệp.

Bấy giờ long nhương tướng quân Vương Tuấn, dẫn quân thủy thuận dòng xuôi xuống. Quân tiền tiêu báo rằng:

– Người Ngô đúc dây xúc xích bằng sắt, chắn ngang khắp dọc bờ sông, lại dùng cọc sắt cắm ngầm dưới nước để phòng làm người giả, cũng mặc áo giáp cầm khí giới, đứng chung quanh bè, thuận dòng thả xuống. Quân Ngô trông thấy tưởng là người thực, chạy trốn mất cả. Những cọc sắt vướng và bè, đều bị kéo bật cả đi. Trên bè lại có cây đình liệu to, dài vài trượng, to hơn mười ôm, trong vẫy dầu mở, phàm chỗ nào có dây xúc xích, thì đốt cây đình liệu lên, hun vào vòng xích, chỉ một lát xích đứt gãy tả tơi. Hai đạo quân kéo sang, đi đến đâu dánh được đến đấy.

Đây nói, thừa tướng Đông Ngô là Trương Để sai tả tướng quân Thẩm Oánh, hữu tướng quân Gia Cát Nghiễn dẫn quân lại chống cự với quân Tấn.

Oánh bảo với Nghiễn rằng:

– Các quan trên phía thượng lưu, không phòng bị gì, tôi chắc quân Tấn tất đến đây. Ta nên cố sức mà đánh, may ra đánh được thì Giang Nam lại được yên ổn. Nếu ta sang sông đánh nhau, bất hạnh mà thua thì việc to hỏng cả.

Nghiễn nói:

– Ông nói phải lắm.

Đang bàn chuyện thì có người báo tin quân Tấn thuận dòng xuôi xuống, thế mạnh lắm không sao địch nổi.

Hai người giật mình, vội vàng vào bàn với Trương Để. Nghiễn bảo Để rằng:

– Đông Ngô nguy đến nơi rồi, sao không trốn đi cho rảnh?

Để khóc rằng:

– Nước Ngô sắp mất, kẻ ngu người hiền ai cũng biết. Nay nếu vua tôi hàng cả, không có một người nào chết vì nước, chẳng phải nhục lắm ru?

Gia Cát Nghiễn cũng ứa nước mắt khóc rồi đi mất.

Trương Để cùng với Thẩm Oánh thúc quân vào đánh. Quân Tấn vây kín cả chung quanh. Chu Chỉ xông thẳng vào trại Ngô. Trương Để cố sức cầm cự, nhưng bị chết trong đám loạn quân. Thẩm Oánh cũng bị Chu Chỉ chém nốt. Quân Ngô chạy tán lạc mất cả.

Có thơ khen rằng:

Ba Sơn phất phới cờ Đỗ Dự,

Trương Để lừng danh được chết trung.

Dẫ biết miền nam vương khí hết,

Lẽ nào tham sống phụ Giang Đông!

Lại nói quân Tấn lấy được bến Ngưu Tử, liền tiến sâu vào đất Ngô. Vương Tuấn sai người về triều báo tin thắng trận.

Tấn chủ Tư Mã Viêm nghe tin mừng lắm.

Giả Sung tâu rằng:

– Quân ta mỏi mệt ở ngoài đã lâu, không quen thủy thổ, tất sinh bệnh tật, nên cho đòi về, rồi sẽ liệu kế khác.

Trương Hoa tâu rằng:

– Nay quân ta đã vào đến sào huyệt của giặc, người Ngô sợ hết vía, không đầy một tháng nữa, tất bắt sống được Tôn Hạo. Nếu đòi về công trước uổng cả, thực đáng tiếc lắm.

Tấn chủ chưa kịp nói, Giả Sung đã mắng Hoa rằng:

– Ngươi không biết xét đến thiên thời địa lợi, lại muốn tâng công, làm khổ ải quân sĩ, dẫu chém đầu ngươi cũng chưa đủ tạ được thiên hạ đâu!

Tấn chủ nói:

– Ý trẫm cũng hợp ý với Trương Hoa, can gì phải cãi nhau làm vậy?

Chợt lại có biểu Đỗ Dự đưa về. Tấn chủ mở xem, ý trong biểu cũng xin kíp tiến binh. Tấn chủ bấy giờ mới cương quyết, bèn hạ lệnh tiến quân.

Bọn Vương Tuấn vâng mệnh Tấn chủ, tiến cả hai mặt thủy bộ, thế như vũ bão, người Ngô tới tấp ra hàng. Ngô chủ Tôn Hạo thấy vậy, sợ tái mặt lại. Quần thần tâu rằng:

– Quân miền bắc kéo tới nơi, quân dân Giang Nam không đánh mà hàng, làm thế nào bây giờ?

Hạo hỏi:

– Tại sao không đánh?

Chúng thưa rằng:

– Tai vạ hôm nay đều do Sầm Hôn gây ra, xin bệ hạ chém chết hắn đi. Bọn tôi xin ra thành liều một trận sống mái.

Hạo nói:

– Một tên thị thần làm lỡ thế nào được việc nước?

Chúng hét to lên rằng:

– Bệ hạ không nhớ chuyện Hoàng Hạo ở Thục ư?

Bèn không đợi lệnh Ngô chủ, mọi người kéo ùa vào cung, cắt thịt Sầm Hôn, ăn như ăn gỏi. Đào Tuấn tâu rằng:

– Chiến thuyền phát cho tôi đều nhỏ quá, xin cho thêm hai vạn quân cỡi thuyền lớn mà đánh thì có thể phá được giặc.

Hạo nghe theo, cấp quân ngự lâm cho Tuấn dẫn lên thượng lưu nghênh địch; tiền tướng quân Trương Tượng dẫn thủy quân xuống hạ lưu chống giặc. Hai đạo quân đang đi, chẳng dè gió tây bắc cuốn đến, cờ quạt quân Ngô không cắm lên được, đổ rạp cả trong thuyền, quân sĩ không chịu xuống, chạy toán loạn hết, chỉ còn trơ Trương Tượng và vài chục tên quân chống nhau với giặc.

Lại nói, tướng Tấn Vương Tuấn, giương buồm kéo đi, qua Tam Sơn, thủy thủ bẩm rằng:

– Thành Thạch Đầu ở ngay trước mắt rồi, còn nghỉ lại làm gì?

Bèn đánh trống thúc quân kéo đi.

Ngô tướng Trương Tượng dẫn quân đến xin hàng.

Tuấn nói:

– Nếu ngươi có bụng hàng thực, thì phải dẫn binh làm tiền bộ mà lập công.

Trương Tượng trở về thuyền mình, kéo đến thành Thạch Đầu, gọi mở cửa thành, đón quân Tấn vào.

Tôn Hạo nghe quân Tấn đã vào thành, muốn tự vẫn.

Trung thư lệnh Hồ Sung, quang lộc huân Tiết Oánh tâu rằng:

– Bệ hạ sao không bắt chước như An lạc công Lưu Thiền có được không?

Hạo nghe lời, cũng xe một cỗ áo quan và tự trói mình lại, dẫn các quan đến dinh Vương Tuấn xin hàng.

Người nhà Đường có thơ than rằng:

Thuyền đâu mặt nước cuộn mênh mông?

Vượng khí Kim Lăng hết sạch sanh.

Khóa sắt nghìn tầm chìm đáy nước,

Cờ hàng một lá rủ đầu thành.

Cuộc đời dâu bể bao chìm nổi,

Cảng sắc non sông vẫn biết xanh.

Qua lại ngắm xem thành lũy trước,

Gió thu hiu hắt cánh buồn tênh!

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. gacsach. com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Thế là từ đấy Đông Ngô 4 châu, 83 quận, 313 huyện, hộ khẩu 52 vạn 3 nghìn, quan lại 3 vạn 2 nghìn, quân 23 vạn, trai gái già trẻ cả thảy 230 vạn, thóc gạo 280 vạn hộc, thuyền hơn 5 nghìn chiếc, cung nữ hơn 5 nghìn người đều về cả nhà Đại Tấn.

Việc lớn yên định đâu vào đấy, Tuấn sai treo bảng yên dân, rồi niêm phong các kho tàng lại. Hôm sau, quân Đào Tuấn cũng tan vỡ hết.

Bấy giờ, lương gia vương là Tư Mã Chu và Vương Nhung dẫn đại quân đến, thấy Vương Tuấn thành công rồi, ai nấy mừng rỡ. Hôm sau, Đỗ Dự cũng đến nơi, mở tiệc to khao thưởng ba quân, rồi mở kho lấy thóc gạo phát chẩn cho dân. Bởi thế dân Ngô yên cư lạc nghiệp cả. Duy có thái thú ở Kiến Binh là Ngô Ngạn cố sức giữ thành, sau nghe tin Ngô mất mới chịu hàng.

Vương Tuấn dâng biểu về triều đình báo tin thắng trận. Quần thần thấy đã bình xong Ngô rồi, cùng mừng dâng rượu thọ. Tấn chủ cầm chén rượu, rỏ nước mắt khóc rằng:

– Đây là công của Dương thái phó; tiếc thay, ông ấy không được trông thấy!

Phiên kị tướng quân bên Ngô là Tôn Tú, lui chầu về nhà, ngoảnh mặt về hướng nam khóc rằng:

– Ngày xưa Thảo Nghịch tướng quân xuất thân là một chức hiệu úy mà gầy dựng nên cơ nghiệp. Nay Tôn Hạo đem vứt cả Giang Nam đi, vì đâu mà ra nông nổi này, trời hỡi trời?

Lại nói, Vương Tuấn rút quân, đem Ngô chủ về Lạc Dương chầu Tấn chủ. Hạo lên điện dập đầu bái kiến.

Tấn chủ cho ngồi, nói rằng:

– Trẫm kê chỗ ngồi này để đợi ngươi đến đã lâu rồi!

Hạo tâu rằng:

– Tôi ở nam phương, cũng kê chỗ ngồi như thế để đợi bệ hạ.

Tấn chủ cười ầm lên.

Giả Sung nói rằng:

– Người ở phương nam, thường hay khoét mắt và lột da mặt người ta, đó là hình pháp gì thế?

Hạo đáp rằng:

– Bề tôi mà giết vua, cùng làm những kẻ gian tà bất trung, thì xử tội ấy.

Sung nín lặng, có ý thổ thẹn.

Tấn chủ phong Tôn Hạo là Quy mệnh hầu, con cháu làm trung lang, quan lại theo sang, đều được phong tước hầu cả. Thừa tướng Trương Để chết trận, cũng phong cho con cháu làm quan; lại phong cho Vương Tuấn làm phụ quốc đại tướng quân; các quan khác đều được thưởng cả.

Tự đấy ba nước thuộc về nhà Tấn cả. Tư Mã Viêm nhất thống thiên hạ.

Đó là “đại thế thiên hạ, hợp lâu phải chia, chia lâu phải hợp” là thế đấy.

Về sau, Hán đế Lưu Thiền mất vào năm Thái Thủy thứ bảy nhà Tấn. Ngụy chủ Tào Hoán mất vào năm Thái An thứ nhất. Ngô chủ Tôn Hạo mất vào năm Thái Khang thứ tư, ba vị cùng được trọn vẹn cả.

Người sau có bài ca tóm tắt đầu đuôi truyện Tam Quốc như sau này:

Gươm Cao Tổ Hàm Dương thuở nọ,

Vầng phù tang soi đỏ góc trời.

Chân nhân Bạch thủy nối ngôi.

Quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh.

Vận suy bĩ thương tình Hiến Đế,

Mảnh kim ô đã xế non đoài,

Tiếc thay Hà Tiến vô tài,

Gian thần Đổng Trác giữ ngôi triều đường,

Vương tư đồ mưu toan quật khởi,

Đảng dĩ, Thôi lại nổi đùng đùng,

Bốn phương trộm giặc như ong,

Ầm ầm sáu cõi anh hùng kéo ra:

Chi Tôn Sách đánh qua Giang Tả,

Cánh họ Viên giữ ngả Hà Lương

Ba Tây có gã Lưu Chương;

Cảnh Thăng chiếm giữ Kinh Tương xưng hùng;

Yên với Lỗ đóng vùng Nam Trịnh,

Toại cùng Đăng giữ tỉnh Lương Châu;

Công Tôn Toản, Lã Ôn Hầu,

Nọ thành Tương Tú, Kia lầu Khổng Dung!

Tào Tháo mới gian hùng quỷ quyệt,

Khéo dùng người, thu hết anh hào.

Đường đường tướng phủ ngôi cao,

Uy quyền hống hách ai nào dám đương?

Huyền Đức gặp Quan, Trương kết ngãi,

Thề cùng nhau đem lại sơn hà,

Chỉ thương bốn bể không nhà,

Nay đông, mai bắc, lân la cõi trần.

Cầu Gia Cát ân cần quyến cố,

Giãi tấm lòng gắn bó nhỏ to,

Rồng bay, hổ nhảy, tranh đua,

Tây Xuyên gây dựng cơ đồ một nơi.

Thành Bạch Đế mấy lời thấm thót,

Tình thác cô chua xót nhường bao!

Kỳ Sơn trỏ ngọn cờ đào,

Một tay mong chống trời cao nghìn trùng!

Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng,

Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa!

Khương Duy cậy sức làm già,

Chín phen đánh Ngụy kể đà uổng công!

Đường vào Thục, Đặng, Chung kéo đến,

Vận Viêm Lưu phút biến thành Tào!

Tào kia cũng chẳng được bao,

Lại đem thiên hạ mà trao tay người!

Đền Thu Thiện ngất trời mây phủ,

Sông Tam Giang sóng gió êm dòng,

Hàng vương xiết nỗi thẹn thùng,

Công hầu may cũng thong dong trọn đời.

Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi,

Cuộc tang thương biến đổi khôn lường,

Tam phân một giấc mơ màng,

Viếng đời gọi có mấy hàng nôm nay…

Quyển 1 – Chương 1: Mở đầu

LỜI GIỚI THIỆU

Thần thoại Hy Lạp, một di sản văn hóa của nhân dân Hy Lạp, từ lâu đã trở thành một giá trị phổ biến vô cùng quý báu của gia tài văn hóa nhân loại. Thật vậy, hiếm có thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn được tái sinh như thần thoại Hy Lạp, lại luôn luôn có mặt trong đời sống hàng ngày như thần thoại Hy Lạp. Ngay trong thời cổ đại, thần thoại Hy Lạp đã “hóa thân” thành thần thoại La Mã. Sự chế biến này của nền văn hóa La Mã gần với nguyên mẫu như sao chép đến nỗi khoa thần thoại học hầu như không có sự phân biệt giữa những vị thần Hy Lạp được đổi tên Latinh với những vị thần Hy Lạp chính cống. Người ta vẫn thường dùng Jupiter (Latinh) đề chỉ Zeus (Hy Lạp), Vénus để chỉ Aphrodite, Minerve để chỉ Athéna, Mars để chỉ Ares và ngược lại. Nói như thế không có nghĩa là thần thoại La Mã chỉ là sự chế biến lại thần thoại Hy Lạp. Thần thoại La Mã cũng có một số sự tích, truyền thuyết về vị thần này, thần khác mang tính chất riêng biệt của mình. Nhưng nhìn chung cái vốn thần thoại gọi là đích thực La Mã ấy không lấy gì làm phong phú, đáng được liệt hạng.

Trong nền văn hóa nhân loại, từ những bức vẽ, bức tượng của các nghệ sĩ thời cổ đại, thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XVII, XVIII, XIX và cả thế kỷ XX của chúng ta cho đến một tập khảo luận, một vở kịch, một cuốn truyện… đều đã khai thác đề tài, cốt truyện, nhân vật, sự việc trong thần thoại Hy Lạp. Trong văn chương, trên báo chí, những thành ngữ, điển tích từ thần thoại Hy Lạp được sử dụng phổ biến như một thứ tín hiệu quen thuộc (đương nhiên chúng ta vẫn chưa quen lắm với thứ tín hiệu này), nào Con ngựa thành Troie, Quả táo bất hòa, Chiếc giường Procuste, rồi Tai vua Midas, Thói Narcisse, Gã Satyre… Ấy là chưa kể tên các vì sao, chòm sao, đường phố, rạp hát, công viên, quảng trường, lâu đài, dinh thự, tên hàng hóa, vũ khí, con tàu vũ trụ… cũng lấy từ thần thoại Hy Lạp.

Đọc những tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V.I. Lénine, chúng ta thường gặp những ẩn dụ, tỉ dụ bằng thần thoại Hy Lạp. Như vậy thần thoại Hy Lạp không phải là lĩnh vực chuyên môn hẹp của những nhà folklore học, thần thoại học, văn học phương Tây, mà là lãnh vực kiến thức phổ thông trong thế giới hiện đại. Thiếu vốn kiến thức phổ thông này là thiếu một phương tiện để hiểu biết. Tiếp xúc, đối thoại với nền văn hóa phương Tây mà không có vốn kiến thức phổ thông này thì quả là gặp khó khăn không ít. Làm sao lúc nào cũng có, cũng mang theo bên người một cuốn từ điển để tra cứu điển tích này, điển tích khác? Hơn nữa trong việc diễn đạt tư tưởng, một cách viết, một cách nói, việc biết sử dụng những ám dụ, tỉ dụ từ điển tích thần thoại càng làm cho tư tưởng mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, duyên dáng hơn, dễ tiếp nhận hơn, nhất là đối với thế giới phương Tây.

***

Thần thoại, tiếng Hy Lạp cổ là Mythologia có nghĩa là một tập hợp, một tổng thể những chuyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung mà ngày nay chúng ta coi là hoang đường, kỳ ảo, huyền hoặc. Mythologia được cấu tạo bởi hai từ: mythos và logos. Mythos là truyền thuyết, truyện cổ tích, ngày nay chúng ta dịch là huyền thoại. Logos là ngôn từ chuyện kể. Thật ra lúc đầu mythos mang nghĩa là ngôn từ, sau dần mới chuyển thành truyền thuyết, truyện cổ tích hoặc truyện ngụ ngôn. Còn logos lúc đầu mang nghĩa là lời nói xấu xa, nịnh hót, lời nói tinh quái, sau dần mới chuyển thành ngôn từ, lời nói chân chính, và cuối cùng mang nghĩa là lời nói của văn xuôi[1] hoặc là học thuyết, khoa học. Trong ý nghĩa này, logos đối lập với mythos. Mythos là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, truyện cổ tích, nghĩa là lời nói của ảo tưởng, hoang đường, không duy lý, không đáng tin cậy, lời nói chưa có trật tự, ổn định, rõ ràng, minh xác. Còn logos là lời nói của lý trí và chân lý, lời nói của sự ổn định, trật tự, xác thực, đáng tin cậy, lời nói thông minh về bản chất hoặc bản chất sự vật[2]. Quá trình chuyển nghĩa trên đây của mythos và logos diễn ra trong hoàn cảnh xã hội Hy Lạp từ chế độ công xã thị tộc chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Với logos, nước Hy Lạp bước vào thời kỳ triết học.

Mythologia, ngoài nghĩa là một tổng thể những mythos, sau được mang thêm một nghĩa nữa là khoa thần thoại học. Sự ra đời thuật ngữ mythologia trên cơ sở kết hợp, gắn liền mythos với logos, biểu lộ một khuynh hướng muốn kéo mythos lại gần với lý trí, chân lý. Bởi vì bản thân huyền thoại cũng có những chuyện chứa đựng chân lý, phản ảnh chân lý, có sự tham gia phần nào của lý trí như là mầm mống của tư duy lý luận. Bởi vì nếu đối lập một cách tuyệt đối mythos với logos thì vô hình trung đi tới chỗ phủ nhận toàn bộ vốn liếng kiến thức của tổ tiên. Mythologia ra đời lãnh nhiệm vụ điều chỉnh lại mối quan hệ đó. Vấn đề là phải trật tự hóa cái vô trật tự, hỗn độn của huyền thoại, tạo ra một sự hài hòa giữa truyền thống huyền thoại vốn mơ hồ, trái ngược, mâu thuẫn, tổ chức chúng lại thành từng hệ, từng khối cho rõ ràng. Trong quá trình ứng tác – biểu diễn, những nghệ nhân dân gian aède và rhapsode, đã từng làm công việc đó. Và khi nước Hy Lạp bước vào nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ với sự phân công lao động trí óc và lao động chân tay thì công việc đó chuyển vào tay những người trí thức, những người ghi chép, biên tập lại những chuyện huyền thoại mà tiếng Hy Lạp gọi là: mythographe. Như vậy, với logos, người Hy Lạp không đi đến việc loại trừ, phủ nhận mythos. Họ cảm nhận thấy rằng trong huyền thoại, có chứa đựng, ẩn giấu một ý nghĩa nào đó. Huyền thoại muốn nói lên, nhắn nhủ, khuyên bảo, giáo dục, giải thích cho con người một điều gì đó. Nhà triết học Platon, người đã trục xuất các nhà thơ ra khỏi tác phẩm Nước Cộng Hòa lý tưởng của mình, – nghĩa là trước hết coi những nghệ nhân dân gian cùng với gia tài thơ ca huyền thoại mà họ lưu truyền là vô ích, vô nghĩa – lại cũng là người sử dụng huyền thoại với ý nghĩa ám dụ, tượng trưng để minh chứng cho quan điểm triết học của mình[3]. Thật rõ ràng, một xã hội muốn tiến bước vào văn minh không thể không khẳng định vai trò của logos, nói theo danh từ hiện đại là tư duy lý luận. Đảy là một xu thế tất yếu của tiến trình lịch sử. Nhưng cũng rõ ràng hơn, không phải nền văn minh nhân loại chỉ là tư duy lý luận, chỉ cần đến tư duy lý luận là đủ.

Căn cứ vào sự khảo chứng nói trên của những nhà Hy-Lạp-học, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Mythologia trước hết là sự xác nhận giá trị và ý nghĩa của huyền thoại trong đời sống văn hóa của người Hy Lạp. Đương nhiên, giá trị của huyền thoại như thế nào, đến mức nào, vị trí của nó trong đời sống tinh thần tư tưởng ra sao, lại là một vấn đề khác, một vấn đề không phải chỉ đặt ra trong quá trình phát triển của xã hội cổ đại mà còn đặt ra cả với thời hiện đại của chúng ta, một vấn đề đã từng gây nên – và hiện nay vẫn đang gây nên – những cuộc tranh luận, bút chiến sôi nổi, và hiện vẫn đang thu hút tâm trí của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.

***

Thần thoại, tư duy thần thoại là một hiện tượng mang tính lịch sử – cụ thể như nhiều hiện tượng khác trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Tư duy thần thoại là sản phẩm (đúng hơn, vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả) của một trình độ sản xuất hết mức thấp kém, một trình độ hiểu biết và khống chế những lực lượng tự nhiên hết sức thấp kém của xã hội công xã thị tộc. Những người nguyên thủy, trong khi giải thích, “khắc phục”, khống chế và tạo thành các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng[4], đã di chuyển chủ nghĩa tập thể thô thiển, chặt chẽ, không chia cắt được của mình vào tự nhiên. Chính sự nhận thức “thiên nhiên và toàn bộ thế giới” như là một cái gì đó để phổ biến của chủ nghĩa tập thể công xã thị tộc đã là nguồn gốc của thần thoại. Người nguyên thủy đã di chuyển những quan hệ công xã thị tộc vào tự nhiên, đồng hóa những quan hệ đó với tự nhiên trong một cách nhìn, một trí tưởng tượng, khái quát sinh động – nghĩa là không phải sự khái quát trừu tượng hóa bằng khái niệm mà bằng hình ảnh, hình tượng. Tự nhiên và toàn bộ thế giới được thần thoại hóa bằng những hình ảnh, hình tượng con người mang tính nết, tính cách của con người. Đó là quá trình mà chúng ta thường gọi là sinh động hóa tự nhiên bằng nhân hình hóa và nhân cách hóa. Quá trình này diễn biến rất phức tạp và lâu dài.

Thần thoại Hy Lạp hình thành trong quãng thời gian lịch sử khá dài. Đó là một quá trình lịch sử từ thời kỳ nền văn minh Mycènes (2000-1100 TCN) đến những buổi thi biểu diễn, đọc, kể anh hùng ca của Homère trong những ngày hội Dionysos… Trong quá trình lịch sử khá dài đó, thần thoại Hy Lạp đã trải qua nhiều giai đoạn. Không kể đến những dấu vết của thần thoại Ấn, Âu nguyên thủy và thần thoại Crète, thần thoại Hy Lạp cho chúng ta biết nhiều nhất về nền văn minh Mycènes. Đọc thần thoại Hy Lạp chúng ta ghi nhận được nhiều chi tiết phù hợp, tương ứng với những dữ kiện khoa học do khảo cổ học và sử học cung cấp. Những nơi diễn ra những sự kiện quan trọng trong thần thoại đều là những địa điểm danh tiếng trong nền văn minh Mycènes: thành Mycènes, quê hương của vị chủ tướng Agamemnon, thành Tirynthe, quê hương của người anh hùng Héraclès, thành Thèbes có bảy cổng, quê hương của người anh hùng Oedipe với chiến công thanh trừ con quái vật Sphinx… Trong anh hùng ca của Homère thường nhắc đến thành “Mycènes đầy vàng” thì trong thực tế khai quật khảo cổ học ở khu vực này chưa từng có nơi nào người ta đào được nhiều vàng như ở Mycènes (14 kg, tính đến trước năm 1952). Thần thoại Hy Lạp đã phát triển từ những cơ sở huyền thoại thời kỳ mẫu quyền ở vùng Thessalie (Bắc Hy Lạp) sang thời kỳ phụ quyền với sự quần tụ huyền thoại quanh ngọn núi Olympe, từ những huyền thoại cổ Titan-Cyclopes sang huyền thoại có tính nghệ thuật: huyền thoại nhân hình, nhân tính, anh hùng. Trong thời kỳ chế độ công xã thị tộc tan rã, thần thoại, với tư cách là niềm tin ngây thơ, kết thúc số phận của mình và chuyển dần sang loại thần thoại triết học tự nhiên. Bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ, với tư cách là những hình thức nghệ thuật, thần thoại đóng vai trò khá quan trọng trong việc phục vụ hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ (thời kỳ cổ điển), và cuối cùng suy tàn và tiêu vong theo thời cổ đại (thời kỳ Hy Lạp hóa, đế chế La Mã suy tàn). Sự hình thành thần thoại và phát triển thần thoại qua các giai đoạn kể trên diễn ra rất phức tạp. Đó là một quá trình phức hợp, từ chỗ là một hình ảnh, một hạt nhân huyền thoại thô sơ được mở rộng ra, bồi đắp vào, thêm thắt vào[5], đến chỗ huyền thoại quần tụ lại thành một hệ (cycle) gắn bó với nhau bằng một sự kiện trung tâm. Vì thế, chắc chắn rằng những gì mà chúng ta lưu giữ được hiện nay về thần thoại Hy Lạp chỉ là một phần nhỏ và không phải là thần thoại Hy Lạp ở dạng thái cổ nhất. Trong quá trình phát triển, những lớp thần thoại cũ nhiều khi chỉ đóng vai trò tấm áo ngụy trang, một chiếc mặt nạ, để phục vụ cho sức sống của lớp huyền thoại mới (lớp Pasiphaé, Minotaure trong truyện người anh hùng Thésée).

Mặc dù bị mai một đi khá nhiều, gia tài huyền thoại Hy Lạp còn lại với chúng ta ngày nay vẫn là một di sản phong phú của kho tàng văn học nhân loại. Công lao lưu giữ gia tài thần thoại trước hết thuộc về những nghệ nhân dân gian aède, rhapsode. Những nghệ nhân dân gian này đã đóng vai trò sưu tầm và “nhuận sắc”, thậm chí có thể nói tái tạo huyền thoại trong quá trình biểu diễn… ứng tác lưu động. Nhưng điều may mắn hơn nữa, khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời, với sự ra đời của chữ viết, thần thoại Hy Lạp đã được ghi chép lại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại, nhưng không phải trong những bản kinh và sự hành lễ thuần túy tôn giáo, điều sẽ làm mất đi tính chất thế tục, hồn nhiên của thần thoại. Thần thoại Hy Lạp được ghi chép lại bằng một con đường khác: con đường biểu diễn văn học nghệ thuật. Đây là một sự tái tạo thần thoại bằng văn học nghệ thuật mà chữ viết chỉ đóng vai trò đầu tiên là phương tiện cho những người nghệ sĩ diễn đạt cảm xúc của mình (đối với hoạt động ứng tác, biểu diễn; trong trường hợp không biểu diễn, chữ viết không cần thiết), và cuối cũng là phương tiện ghi chép, lưu giữ. Tác phẩm nghệ thuật, dù thuộc loại hình nào, muốn tác động đến công chúng cũng phải thông qua hoạt động biểu diễn. Công chúng Hy Lạp xưa kia không ngồi ở nhà đọc anh hùng ca, đọc kịch như chúng ta ngày nay. Ngay đến môn triết học khô khan, văn nghị luận (hùng biện) cứng rắn, đanh thép ở Hy Lạp xưa kia người ta cũng giảng và đọc ở quảng trường, ngã tư đường phố. Giấy và máy in chưa ra đời, việc phổ biến các tác phẩm văn hóa rất khó khăn. Chí một số ít người có điều kiện mới có thể đọc, “sách” được đọc trên những tấm da bò hoặc vỏ cây. Vì thế công chúng Hy Lạp xưa kia đi nghe các nghệ sĩ kể anh hùng ca, nghe đọc thơ, ngâm thơ, xem diễn kịch. Còn đối với nghệ thuật tạo hình thì chữ viết không có một ý nghĩa gì. Nó không phải là phương tiện diễn đạt cảm xúc của nhà điêu khắc. Thần thoại Hy Lạp được tái tạo bằng con đường văn học nghệ thuật, vì thế, như lời K. Marx nói, nó là “vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp”, “kho tàng của nghệ thuật Hy Lạp”, “mảnh đất nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp”. Thần thoại Hy Lạp được văn học hóa, nghệ thuật hóa. Còn văn học nghệ thuật thì lại nảy sinh ra từ thần thoại, lại từ cái “mảnh đất nuôi dưỡng” mà cất tiếng ca, cất tiếng hát chào đời, mà lớn lên và trưởng thành. Văn học nghệ thuật cũng được thần thoại hóa, Nếu như trước kia trong thời kỳ công xã thị tộc, thần thoại Hy Lạp trong trạng thái truyền miệng đã là “tự nhiên và các hình thái xã hội được trí tưởng tượng dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật – không tự giác”[6], thì giờ đây lại được trí tưởng tượng của cá nhân người nghệ sĩ chế biến đi một cách nghệ thuật – tự giác. Đó là con đường của thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp: hay nói cách khác, nói ngược lại, xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp – xã hội chiếm hữu nô lệ với cơ chế thành bang (polis) – đã mở đường, trải thảm đỏ để mời thần thoại Hy Lạp từ thời đại dã man tiến bước vào nền văn minh cổ điển của mình. Tuy nhiên, nền văn minh cổ điển Hy Lạp sở dĩ được gọi là văn minh là do ở chỗ trước hết nó khẳng định vai trò của logos với thành tựu lớn nhất, tiêu biểu nhất của nó, là triết học; đánh dấu một bước tiến lớn về trình độ tư duy, về khả năng nhận thức khái quát, trừu tượng của con người bằng lý luận, bằng khái niệm.

Thần thoại Hy Lạp đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật. Những giá trị nhân văn vốn có của nó chẳng những không bị nhấn chìm trong những nguyên tắc chuẩn mẫu, những giáo điều của hệ tư tưởng tôn giáo, mà lại còn được con mắt của văn học nghệ thuật phát hiện ra và nâng cao lên. Điều đó giải thích cho chúng ta rõ vì sao thần thoại Hy Lạp được đánh giá là giàu tính nhân văn hơn một số thần thoại khác.

Thần thoại Hy Lạp đã đi vào nền văn minh cổ điển Hy Lạp vào lúc tư tưởng triết học đã ra đời và phát triển. Ảnh hưởng của tư duy triết học đối với giới trí thức Hy Lạp là rất lớn. Đây là thời đại của logos. Chính vì lẽ đó chúng ta hiểu vì sao thần thoại Hy Lạp giàu tính duy lý, giàu tính triết học. Đọc những vở bi kịch Hy Lạp chúng ta thấy điều đó rất rõ. Những nhà viết bi kịch Hy Lạp mà chúng ta được biết qua tiểu sử đều là những người có học thức sâu rộng. Họ là những người có vốn hiểu biết ở trình độ cao nhất có thể có được ở xã hội Hy Lạp thời đó. Huyền thoại, qua sự tái tạo của họ, sinh động hẳn lên, giàu ý nghĩa hẳn lên. Kịch của họ viết chặt chẽ, hấp dẫn, cho đến ngày nay, từ bố cục đến đối thoại đối với chúng ta vẫn là những mẫu mực, những bài học quý báu. Điều đó cho phép chúng ta rút ra một kết luận: logos – tư duy lý luận, tư duy khái niệm, và mythos – tư duy cảm tính cụ thể, tư duy hình tượng, đã được kết hợp thống nhất, hài hòa để tạo nên những sản phẩm huy hoàng của thời cổ điển.

Trong nghệ thuật tạo hình, vấn đề lại càng rõ ràng hơn nữa. Một sự hiểu biết về xương cốt, cơ bắp con người để thể hiện được hình dáng, phong thái của thân thể con người mà quần áo che phủ bên ngoài chỉ để làm nổi bật lên vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh, uyển chuyển, duyên dáng, hấp dẫn của con người, một sự hiểu biết như thế chắc chắn không thể là một sự hiểu biết cảm tính – mythos. Một sự hiểu biết như thế chỉ có thể là kết quả của tư duy lý luận – logos. Tư duy này đã đúc kết, khái quát thành quy luật về sự cân xứng hài hòa, về tỷ lệ, sự chuyển động trong nghệ thuật tạo hình. Nhà Hy Lạp học André Bonnard đã có những nhận xét hết sức sâu sắc về nghệ thuật tạo hình thời kỳ cổ điển. Những nhận xét này cũng đồng thời soi sáng cho chúng ta về con đường đi độc đáo của thần thoại Hy Lạp.

“… Nghệ thuật Hy Lạp, từ những nguồn gốc của nó cho đến thời kỳ cổ điển thật ra là một quãng đường rất dài, đầy rẫy những trở ngại khác nhau. Những trở ngại khó khăn về kỹ thuật, đúng thế, là sự chuyển hóa (adaptation) của mắt và bàn tay, nhưng cũng còn những trở ngại khác; đó là những tín ngưỡng và những sự mê tín tin vào ma thuật của thời cổ đại còn chất đầy trong đầu óc người nghệ sĩ. Nhưng rồi, kết quả như lời Michelangelo[7] nói:‘… Con người ta vẽ bằng óc chứ không vẽ bằng tay. Ai mà không có đầu óc tự do thì thật là xấu hổ…’ Chính là trong cuộc đấu tranh với những trở ngại đó mà nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm của mình. Mỗi lần anh ta vượt qua một trong những trở ngại đó là anh ta hoàn thành được một tác phẩm giá trị (…).

Thân hình người đàn ông và người đàn bà đương nhiên là sự thể hiện tốt nhất, đúng nhất hình ảnh các vị thần. Trong khi tạo ra các hình tượng như thế, người nghệ sĩ Hy Lạp đã ban cuộc sống cho những vị thần của nhân dân mình.

Những nhà điêu khắc tiến lên bằng quan điểm đó. Cũng với quan điểm đó, các nhà thơ đã tiến xa hơn họ, còn các vị học giả (savants) lại tiến chậm hơn. Các vị đang nghiên cứu tìm cách diễn đạt một số quy luật của tự nhiên. Những nhà điêu khắc cũng vậy, trong khi tạo ra các vị thần họ đã giải thích thế giới.

Vậy thì sự giải thích này là thế nào? Đó là sự giải thích thần thánh bằng con người. Không có một hình thức nào thể hiện đúng nhất sự thể hiện của thần thánh, sự hiện diện không trông thấy được và không bàn cãi được trong thế giới, bằng thân hình của người đàn ông và người đàn bà. Người Hy Lạp đã biết đến những bức tượng của nền văn minh Ai Cập và Assyrie[8]. Nhưng chưa bao giờ họ nghĩ tới việc diễn đạt thần linh bằng một người đàn bà đầu bò hay một người đàn ông đầu chó sói (chacal). Huyền thoại có thể vay mượn ở Ai Cập một số biện pháp ngôn ngữ nào đó, một số truyện kể và nhân vật nào đó (Thí dụ: Io, con bò cái bị con ruồi trâu châm đốt trong bi kịch Prométhée bị xiềng của Eschyle). Chiếc đục của nhà điêu khắc từ sớm đã lảng tránh những hình thù quái đản đó, ngoại trừ đối với những sinh vật rất gần với những sức mạnh tự nhiên như những Centaure trang trí dưới mái đền Parthénon thể hiện sự tiến công hung tợn của những người Dã Man. Thần, đấy là chàng trai này giản dị và trần truồng. Nữ thần, đó là người thiếu nữ kia ăn mặc đẹp đẽ và có khuôn mặt dễ thương (…).

Và đây là quy tắc (règle): Cái đẹp nhất thì ban cho các vị thần. Còn gì ở trên thế gian này đẹp hơn vẻ trần truồng của một chàng trai hay vẻ duyên dáng của một thiếu nữ ăn mặc lượt là? Đó là điều mà con người hiến dâng cho các vị thần, và đó cũng là cách con người nhìn thấy các vị thần…”[9]

Nhà nghệ thuật học Élie Faure gọi nền điêu khắc của thời kỳ cổ điển là nền điêu khắc triết lý (la sculpture philosophique)[10]. Và André Bonnard trong đoạn phân tích sau đây dường như đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa triết lý đó:

“… Sự dũng cảm hiện lên trên vẻ bình thản của khuôn mặt. Sự bình thản này nhiều khi bị người ta coi như là một thiếu sót của kỹ thuật, lại là dấu hiệu của hiện tượng con người đã chế ngự được những dục vọng riêng tư của mình, là dấu hiệu của sức mạnh tâm hồn, của sự thanh thản hoàn toàn (la parfaite sérénité) mà xưa kia chỉ các vị thần mới có. Sự thanh thản cổ điển đáp lại nụ cười cổ xưa. Nụ cười này vốn thể hiện niềm vui ngây thơ được sống ở cõi đời này, ở một thời đại còn mang trong mình bao nhiêu gánh nặng của những cuộc đấu tranh và là một thời đại chiến đấu, còn vẻ thanh thản thể hiện sự chế ngự của lý trí đối với dục vọng, và nó như sự hiến dâng của con người cho cộng đồng công dân duy nhất của mình.

Nhưng cái thời đại mới này cũng rất giàu tính người. Nó không phải chỉ hoàn toàn thấm nhuần tính chất thần linh. Thần thánh được nó thể hiện dưới hình dạng người thì ít nhưng con người được nó tán dương tới tầm thước của thần thánh thì lại nhiều hơn.

Không một bức tượng cổ điển nào mà ở đó con người lại không toát lên một niềm tự hào cao cả là đã hoàn thành trung thực cái chức năng con người của nó hay chức năng thần linh của nó.

Chủ nghĩa cổ điển Hy Lạp được xây dựng thành chủ nghĩa hiện thực đã gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa nhân văn. Nó là biểu hiện của một giai cấp đang lên – giai cấp đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Hy Lạp-Perse (Ba Tư) bằng tinh thần anh dũng của mình, là biểu hiện của một giai cấp vừa thâu tóm lại trong tay những lợi ích xứng đáng với giá trị của nó. Chủ nghĩa cổ điển là thành quả của một cuộc chiến đấu và nó vẫn sẵn sàng chiến đấu…”[11].

Những gì là ý nghĩa triết lý của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp thì trong một mức độ nhất định nào đấy cũng đồng thời là của văn học Hy Lạp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu ví những vở bi kịch của Sophocle đẹp như những bức tượng cổ điển.

Thần thoại Hy Lạp bằng con đường văn học nghệ thuật đi vào thời kỳ cổ điển đến lượt mình được trả ơn xứng đáng: văn học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển cũng đã nuôi dưỡng trở lại thần thoại Hy Lạp bằng tư tưởng nhân văn, bằng ý nghĩa triết lý, bằng tính chất duy lý, bằng hình thức biểu diễn.

Hầu hết những câu chuyện thần thoại còn lại với chúng ta ngày nay đều do những nhà thơ, nhà viết kịch kể lại, sau này là các mythographe. Quá trình kể lại cũng đồng thời là quá trình sắp xếp, biên soạn lại, tái tạo theo một khuynh hướng nào đó. Cùng một câu chuyện về thần Prométhée lấy cắp ngọn lửa trên thiên đình đem xuống cho loài người, nhưng trong thơ ca của Hésiode kể khác, trong bi kịch của Eschyle kể khác. Cùng một câu chuyện Oreste giết mẹ để trả thù cho bố, nhưng vởChoéphores[12] của Eschyle khác với vở Électre của Sophocle, và cả hai đều khác vở Électre của Euripide[13]. Ở một số quốc gia phương Đông, thần thoại không phát triển theo con đường của thần thoại Hy Lạp, nghĩa là nó không được các nhà thơ như Homère, Hésiode, các nhà viết kịch như Eschyle, Sophocle, Euripide kể lại, tái tạo lại. Nó bị những nhà thần học và những người biên soạn nghi lễ tôn giáo (ritualiste) xây dựng lại và giải thích lại. Và khi thần thoại đã bị biến thành một yếu tố cấu thành của hệ tư tưởng tôn giáo thì nó phải tuân theo những quy tắc chuẩn mẫu, những khuôn phép của tôn giáo. Những yếu tố thế tục, hồn nhiên, cái chất người phàm tục và cao thượng, anh hùng và hèn nhát, dễ hiểu, đáng yêu, đáng giận, vốn gần gũi với cuộc sống, vốn là cuộc sống trong thần thoại, bị thanh lọc đi, bị “đưa ra ngoài biên chế” của tôn giáo. Tôn giáo chỉ giữ lại sự sợ hãi, sự khiếp nhược và sự cam chịu khuất phục của con người trước thần thánh. Nó chỉ cần ở con người lòng tin mù quáng, và sức mạnh vạn năng của thần thánh có thể ban phước, giáng họa, điều khiển thế gian và vận mệnh con người một cách tuyệt đối. Còn thần thánh trong tôn giáo thì cũng mất đi tính chất người và những cuộc can thiệp tự do, phóng túng vào cuộc sống của loài người; những cuộc can thiệp “sai nguyên tắc” của tôn giáo làm ảnh hưởng đến tính chất thiêng liêng, cao cả và tuyệt đối phải kính trọng đối với thần thánh. Huyền thoại bị tôn giáo đồng hóa, bị hòa vào tôn giáo. Huyền thoại Hy Lạp may mắn hơn, không bị rơi vào cái tai họa đó. Huyền thoại Hy Lạp được văn học nghệ thuật đồng hóa, được hòa vào trong văn học nghệ thuật.

Nhưng ở Hy Lạp cổ đại cũng có tôn giáo và trong một thời gian khá dài, tôn giáo của người Hy Lạp là đa thần giáo-thần thoại, vậy thì tôn giáo này có ảnh hưởng gì, tác động gì đến thần thoại?

Tôn giáo Hy Lạp hình thành trong một hoàn cảnh khác biệt với các xã hội phương Đông cổ đại. Ở vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ, những công xã nông thôn không trải qua một quá trình tan rã phân hóa như ở xã hội Hy Lạp. Vì thế những quan hệ cộng đồng thị tộc, bộ lạc được duy trì, bảo tồn qua nhiều năm. Hình thái tôn giáo tôtem của thời kỳ công xã thị tộc do đó được lưu giữ dai dẳng. Những bức tượng của người đàn bà-sư tử, đàn ông-bò mộng, v.v. là thể hiện quan điểm tôtem giáo chuyển hóa, đồng hóa với những quan hệ thị tộc đối với thế giới bên ngoài (động vật, thực vật), nghĩa là tập thể thị tộc, bộ lạc được vật hình hóa bằng hình ảnh một con vật nào đó, còn con vật đó thì lại được nhân hình hóa, nhân tính hóa như một thành viên của tập thể thị tộc, bộ lạc. Những công xã nông thôn ở Hy Lạp trải qua một quá trình đổ vỡ từ bên trong. Ruộng đất bị tư hữu hóa. Quá trình tư hữu hóa ruộng đất cũng là quá trình giải phóng những quan hệ cộng đồng nguyên thủy, quá trình giải phóng những thành viên của thị tộc khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa tập thể tự phát thô thiển của thời đại dã man – có nghĩa là con người được lịch sử cắt đứt cuống nhau nối liền với công xã thị tộc, bộ lạc. F. Engels đã nhận xét: “Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã thì nhân dân mới tiến bộ, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ tăng gia và phát triển sản xuất bằng lao động theo kiểu nô lệ…”[14]

Thần thoại Hy Lạp hình thành trong một bối cảnh xã hội như thế (Đúng hơn, chính xác hơn, ta phải nói tôn giáo này đã chuyển biến vì những nguyên nhân kinh tế, xã hội như thế). Vì lẽ đó, những tàn dư tôtem giáo còn lại không nhiều trong thần thoại và bị chế biến đi, trong khi đó chất người lại nhiều hơn, phong phú hơn thành một thứ tôn giáo giàu tính thế tục và thẩm mỹ, nếu có thể nói như thế được. Hơn nữa, và đây là điều đặc biệt, tôn giáo này chấp nhận tự do tư tưởng, không thù địch với tự do tư tưởng. Không có những giáo điều nghiêm ngặt, không có đẳng cấp tăng lữ với quyền hành thao túng tạo nên một thứ giáo hội như một nhà nước, một thứ chính quyền của chính quyền, đứng trên chính quyền, có tòa án xét xử những người vi phạm vào những điều ngăn cấm và đức tin tôn giáo[15]. Nhà triết học Xénophane (khoảng 385-473 TCN) có nói: “… Nếu loài vật cũng giống như con người thì ngựa đã quan niệm thần thánh như hình ảnh con ngựa, bò đã hình dung đấng bất tử như hình ảnh của bò”, cũng như Démocrite (thế kỷ V TCN) có thể truyền bá thuyết nguyên tử của mình mà không bị xử tử bằng hình phạt ném đá. Nói như thế không có nghĩa là trong thời kỳ đó không xảy ra một vụ án tự do tư tưởng nào, một vụ án tôn giáo nào, và tôn giáo-thần thoại không biểu hiện sự phẫn nộ đối với một số trường hợp nào đó. Tất nhiên là có, song rất ít, không phổ biến. Các nhà thơ, nghệ sĩ có thể khai thác, cải biên thần thoại một cách tự do mà không bị trừng phạt. Ở Hy Lạp xưa kia có một số trung tâm tôn giáo với những đền thờ lớn như Dodone, Olympe, Delphes, Délos… Những người Hy Lạp, kể cả những nhà cầm quyền tối cao, thường tới những nơi này để xin những lời chỉ dẫn cho hành động của mình, xin những lời tiên báo cho tương lai của đô thị mình, sự nghiệp mình. Nhưng điều rất thú vị là ngay những trung tâm tôn giáo ấy lại là nơi hội tụ không phải chỉ của những tín đồ ngoan đạo mà còn là nơi hội tụ của các lực sĩ Hy Lạp, nghệ sĩ Hy Lạp, văn võ anh tài. Ngày hội lễ tôn giáo cũng đồng thời là ngày thi đấu thể dục thể thao, thi biểu diễn nghệ thuật (Hội Olympiques: thi thể dục thể thao, Hội Đionysos: thi diễn kịch). Tôn giáo-thần thoại ở Hy Lạp gắn bó với những lễ nghi, lễ thờ cúng giàu tính chất thế tục, nhân văn và thẩm mỹ như vậy[16].

Ở Hy Lạp từ thần thoại cho đến tôn giáo đều không có những chuẩn mực, quy phạm. Chính quyền và những người làm nghề tôn giáo không quy định, cố định hóa tôn giáo-thần thoại thành những văn bản chuẩn mẫu. Tôn giáo-thần thoại và văn học, nghệ thuật-thần thoại cùng “tồn tại hòa bình”. Những bức tượng các vị thần đặt ở đền miếu trang nghiêm để thờ cũng là do những nghệ sĩ sáng tạo, là kết quả của một cá tính sáng tạo tự do, của một cảm xúc chân thực, nồng nàn, phóng khoáng chứ không phải là kết quả của cảm xúc tiên định, siêu hình, phi cá thể của tôn giáo. Nó không bị quy định bởi những chuẩn mẫu, khuôn phép, công thức như phong cách của những bức tượng thờ của Thiên Chúa giáo hay Phật giáo sau này. Nó đa dạng, sinh động, tươi tắn, lạc quan chứ không rầu rĩ, đau khổ, ưu tư, siêu thoát[17]. Và cũng thật là thú vị khi ở đền Delphes, người ta vẫn thấy khắc câu châm ngôn đầy tính triết lý-đạo đức của nhà triết học Socrate ở đầu hồi: “… Hãy hiểu biết ngay bản thân mình…”[18]. Còn đền thờ ở khu vực Olympe thì đúng là một cung văn hóa. Ngoài tượng thờ còn có tượng của các lực sĩ đã đoạt giải vô địch trong các kỳ hội Olympiques.

Một đặc điểm nữa của tôn giáo-thần thoại Hy Lạp là ở mối quan hệ trực tiếp của nó với văn học nghệ thuật. Nó chứa đựng trong bản thân mình một thế giới folklore nhiều đến nỗi ta thật khó tách biệt rạch ròi đâu là folklore (văn hóa dân gian), đâu là tôn giáo. Đúng hơn ta phải nói rằng nó cũng là một hình thái folklore.

Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, không ép buộc văn học nghệ thuật phải minh họa cho hệ tư tưởng của mình, có nghĩa văn học nghệ thuật không bị biến thành đầy tớ, nô lệ ngoan ngoãn của thần học mà mất đi tính độc lập của bản thân mình, điều mà chúng ta sẽ thấy diễn ra ngược lại sau này trong thời trung cổ Thiên Chúa giáo: thần học là thống soái, mọi khoa học đều là đầy tớ, là nô lệ của thần học. Như quả đất xoay quanh mặt trời nhưng đồng thời lại xoay quanh mình nó, văn học nghệ thuật Hy Lạp, trong khi phục vụ cho hệ tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ, vẫn đảm bảo được sự phát triển của bản thân mình với tư cách một khoa học độc lập. Chính vì lẽ đó mà sân khấu Hy Lạp, nghệ thuật tạo hình Hy Lạp, cũng như nhiều ngành khác của gia tài văn hóa cổ đại, mới sáng tạo ra được những giá trị bất diệt và mãi mãi là tài sản vô giá của nhân loại. Tôn giáo-thần thoại không áp đặt đề tài cho văn học nghệ thuật, nhưng trong nhiều trường hợp, ở một chừng mực nào đó cấu thành chính ngay loại hình văn học. Thể thơ Hymno có nguồn gốc từ bài ca nghi lễ[19]. Bi kịch ra đời từ hội đồng ca thờ cúng thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Dithyrambe. Hài kịch Hy Lạp ra đời từ đám rước thần Rượu Nho Dionysos với bài ca Phallique[20]. Giống như thể dục thể thao là một thành tố trong nghi thức thờ cúng ở hội Olympe, văn học nghệ thuật trong nhiều trường hợp cùng là thành tố trong nghi thức thờ cúng các vị thần. Như vậy đối với văn học nghệ thuật, tôn giáo-thần thoại Hy Lạp đóng vai trò tạo dựng cấu thành các loại hình văn học[21].

***

Các nhà nghiên cứu chia gia tài tư liệu gốc về thần thoại Hy Lạp ra làm hai loại. Loại thứ nhất là nguồn tư liệu ở tác phẩm văn học (sources littéraires): các bản anh hùng ca, trường ca, thơ, kịch thơ. Loại thứ hai là nguồn tư liệu ở tác phẩm biên khảo (sources érudites) gồm các tác phẩm sưu tầm, biên soạn, bình luận, khảo chứng viết bằng văn xuôi.

Anh hùng ca Homère (Iliade và Odyssée) là tác phẩm văn học cổ nhất ra đời vào quãng thế kỷ IX – VIII TCN, tiếp đó là Thần Hệ (Théogonie) của Hésiode quãng thế kỷ VII TCN, những bài Hymne kiểu Homère (Les Hymnes Homériques) thế kỷ VII-VI TCN. Gia tài bi kịch Hy Lạp mặc dù mất đi khá nhiều nhưng hơn ba mươi vở kịch thơ còn lại cũng là một nguồn tư liệu khá phong phú trong quãng thế kỷ V-IV TCN. Thế kỷ II TCN còn để lại một bản trường ca toàn vẹn: Những người thủy thủ của con tàu Argo (Les Argonauteses) của Apollonios thành Rhodes. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác nữa mà chúng ta không thể liệt kê ra đây được.

Nền văn học La Mã cung cấp cho chúng ta hai tác phẩm quan trọng đều ở vào thế kỷ I TCN. Bản anh hùng ca Énéide của Virgile có một quyển (khúc ca) kể lại sự sụp đổ của thành Troie. Trường ca Biến hóa (Les Métamorphoses) của Ovide kể lại nhiều huyền thoại truyền thuyết. Đây là một tác phẩm được đánh giá rất cao về sự phong phú của nội dung, và đặc biệt là quan điểm tiến bộ của việc viết lại huyền thoại. Một tác phẩm quan trọng nữa của nền văn học La Mã nhưng ở vào thế kỷ II là tập Biến hóa của Apulée. Đó là những tác phẩm chính.

Về nguồn tư liệu biên khảo, những tác phẩm sớm nhất là của Hécatée, Acousilaos thành Argos, Phérécyde thành Athènes và Hérodote. Những tác phẩm này ra đời vào quãng thời gian từ cuối thế kỷ VI-V TCN, phần lớn chúng đều bị thất lạc, hiện nay chỉ còn lưu giữ được những đoạn rời rạc. Thế kỷ III TCN, Ératosthène thành Cyrène[22] viết cuốn Biến thành các ngôi sao(tiếng Hy Lạp: Katasterimoi) ghi chép lại chuyện các anh hùng sau khi chết được thần thánh biến thành những ngôi sao. Cũng từ thế kỷ III TCN ra đời các bản sưu tầm, (collections), thực chất là các bản tóm tắt những huyền thoại mà cho đến nay chúng ta còn lưu giữ được chút ít. Đầu thế kỷ II TCN, Nicandre, một nhà văn La Mã, trong một tuyển tập văn xuôi mang tênBiến hóa (Métamorphoses) đã ghi lại nhiều chuyện thần thoại! Chính tác phẩm này đã là ngọn nguồn trực tiếp của tập trường ca Biến hóa của Ovide kể trên. Vào nửa sau thế kỷ II TCN ra đời cuốn Tủ sách (Bibliothèque) của Apollodore, một nhà ngữ văn học của thành Athènes. Cuốn Tủ sách biên tập lại các huyền thoại, truyền thuyết từ thủa khai thiên lập địa cho đến sau cuộc Chiến tranh Troie, chia các huyền thoại ra thành từng hệ lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm này không phải đích thực của Apollodore mà có lẽ của một tác giả nào đó ở vào thế kỷ I viết lại theo một bản tóm tắt nào đó. Thần thoại trong tác phẩm này chỉ còn là một xác ướp khô quắt, lạnh ngắt. Nhìn chung khuynh hướng của những người ghi chép, biên tập lại huyền thoại (mythographe) là muốn dựng lại huyền thoại theo một trật tự thống nhất, muốn cố định hóa huyền thoại và chuẩn mẫu hóa huyền thoại. Song công việc của họ không thành tác phẩm quý nhất đối với khoa thần thoại. Miêu tả nước Hy Lạp (Description de la Grèce) của Pausanias viết vào nửa đầu thế kỷ II TCN. Giá trị tư liệu của cuốn sách rất lớn. Nhiều truyền thuyết địa phương được ghi lại cho chúng ta một bức tranh trung thực về folklore về các biến thể của nó. Tuy còn nhiều địa phương ở Hy Lạp mà tác phẩm không nói đến, song nhờ vào những bản bình luận, chú giải (scholies) của các nhà học giả thuộc nền văn học Byzance[23] mà khoa thần thoại học có thể bổ sung nhiều điều cần biết.

Những tài liệu biên khảo (scholies) của hai học giả Johannès và Issaac Tzétzès cung cấp cho khoa học rất nhiều sự kiện, trong đó có một số thuộc vào thời kỳ khá cổ, cho nên rất quý. Đó là tóm tắt và lược thuật những nguồn tư liệu gốc của thần thoại Hy Lạp.

Những cuốn thần thoại Hy Lạp và từ điển thần thoại Hy Lạp mà chúng ta sử dụng của các nhà Hy Lạp học Pháp hoặc Xôviết, Anh… trong vốn sách của chúng ta đều biên khảo biên tập, phóng tác lại dựa trên những nguồn tư liệu gốc này.

Lịch sử những lý thuyết về huyền thoại chỉ thực sự bắt đầu từ thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ III TCN). Những cách giải thích này, khác với trước đó, đã đóng vai trò đặt vấn đề, thể nghiệm cho những lý thuyết sau này được xây dựng một cách có lập luận và có phương pháp hơn. Những nhà triết học của thời kỳ Hy Lạp hóa trong khi đánh giá những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết là sự thể hiện những quá trình lịch sử hoặc tự nhiên đã đặt ra vấn đề mới về tương quan giữa huyền thoại với thực tại. Nhìn chung, có thể tóm tắt những lý thuyết về huyền thoại trong thời kỳ cổ đại thành ba loại:

1 – Loại thứ nhất cho rằng huyền thoại là sự phản ánh những hiện tượng tự nhiên hoặc tinh thần, đạo đức bằng hình thức tượng trưng và ám dụ.

2 – Loại thứ hai cho rằng huyền thoại chỉ là sự tưởng tượng dông dài, tùy tiện, vô tích sự của các nhà thơ, hoặc chỉ là sự lừa bịp có ý thức của những người làm nghề tôn giáo, những viên tư tế.

3 – Loại thứ ba cho rằng huyền thoại là lịch sử của những nhân vật kiệt xuất từ thời cổ xưa sau khi được thần thánh hóa (lý thuyết của Évhémère)[24]. Sau này khi Thiên Chúa giáo ra đời, lý thuyết của Évhémère đã được Giáo Hội sử dụng để chống lại những dị giáo – đa thần.

Đối với những nhà triết học cổ đại, nhìn chung huyền thoại không được thừa nhận; các nhà duy vật đã đành, nhưng ngay đến cả những nhà triết học duy tâm tin vào việc có một nguyên lý tinh thần tồn tại bên ngoài thế giới vật chất, cũng gạt bỏ huyền thoại.

Thời Trung Cổ, Thiên Chúa giáo là hệ tư tưởng thống trị, huyền thoại Hy Lạp bị kết án, các vị thần Hy Lạp bị coi như là quỹ dữ, đối lập với vị thần đích thực, chân chính, duy nhất là Chúa Cứu Thế.

Thời đại Phục Hưng, với phong trào khôi phục lại gia tài văn học cổ đại, huyền thoại Hy Lạp trở thành một lãnh vực trí thức cần thiết đối với con người có học vấn của thời đại. Huyền thoại Hy Lạp một lần nữa trở thành vật liệu của văn học nghệ thuật, cung cấp cho các nhà văn, thơ, nhà kiến trúc, điêu khắc, hội họa một nguồn đề tài và cảm hứng vô tận để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà cho đến nay nhiều tác phẩm đã trở thành giá trị vĩnh cửu của nền văn minh nhân loại.

Không riêng gì huyền thoại cổ đại, huyền thoại Thiên Chúa giáo cũng trở thành một kho tàng vật liệu cho sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên điều khác nhau là ở chỗ: huyền thoại Thiên Chúa giáo nằm trong đức tin nghiêm ngặt của tôn giáo, còn huyền thoại cổ đại nằm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và hai huyền thoại vốn đối lập nhau về cơ bản này, vì lẽ đó, có thể cùng tồn tại trong hòa bình. Công cuộc nghiên cứu huyền thoại cổ đại chỉ đến thời đại này mới bắt đầu.

Lịch sử của việc nghiên cứu huyền thoại cũng như lịch sử các lý thuyết về thần thoại ghi nhận thế kỷ XVIII như thế kỷ có công lao đưa việc nghiên cứu thần thoại tiến lên một bước thực sự khoa học. châu Âu từ trước chỉ biết có thần thoại Hy Lạp, cho đến thời kỳ này đã mở rộng tầm mắt nhìn sang thần thoại Ai Cập, thần thoại các dân tộc ở phương Đông, ở châu Mỹ… và từ đó dẫn đến việc nghiên cứu so sánh thần thoại. Nhà triết học người Ý Giambattista Vico (1668-1744) là người đầu tiên đã có những kiến giải về huyền thoại theo quan điểm lịch sử. Ông chỉ ra rằng huyền thoại được hình thành trong sự cảm thụ trực giác của người nguyên thủy. Thần thánh chẳng qua chỉ là sự sợ hãi và ngu dốt của con người không giải thích được các hiện tượng của tự nhiên.

Chủ nghĩa duy lý trong thời đại Ánh sáng ở Pháp, từ kết luận của Vico, đã đi tới chỗ coi thần thoại như sản phẩm của sự ngu dốt và lừa dối, một thứ mê tín dị đoan lạc hậu và phản động [Bernard Le Bovier de Fontenelle (1657-1757), Francois Maria Arouet tức Voltaire (1694-1778), Denis Diderot (1713-1784), Charles-Louis de Secondat, tức Nam tước xứ La Brède và xứ Montesquieu (1689-1755),…], nhưng ngược lại, nhà thơ Anh James Macpherson (1736-1796), nhà văn và nhà triết học Đức Johann Gottfried de Herder (1744-1803) và khá nhiều nhà nghiên cứu khác coi thần thoại như là sự thể hiện tài năng sáng tạo và trí tuệ tuyệt vời của nhân dân. Ta không thể không nhắc đến vai trò của chủ nghĩa lãng mạn Đức đối với huyền thoại mà đặc điểm nổi bật là sự trân trọng đến mức lý tưởng hóa đối với những sáng tác dân gian. Chính ở Đức trong giai đoạn này đã tiến hành sưu tầm và xuất bản nhiều truyện cổ tích, truyền thuyết… Một trong những người cầm đầu chủ nghĩa lãng mạn Đức là Clemens Bretano (1778-1842) cùng với anh em Grimm [Wilhelm Garl Grimm (1786-1859) và Jacob Ludwig Garl Grimm (1785-1863)]… hình thành một tổ chức nghiên cứu lấy tên là “Trường phái thần thoại”. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của thế kỷ XVIII, đặc biệt là của trường phái thần thoại Đức, bước sang thế kỷ XIX nhiều lý thuyết thần thoại ra đời, biểu hiện những cố gắng của những nhà khoa học muốn đem ánh sáng của trí tuệ rọi chiếu vào lãnh vực phức tạp và huyền bí này.

Lý thuyết thần thoại khí tượng-mặt trời với những đại biểu là hai nhà thần thoại học người Đức: Adalbert Kuhn (1812-1881), Max Müller (1823-1900)… giải thích huyền thoại như là sự phản ánh ám dụ tượng trưng những hiện tượng thiên văn và khí tượng. Lý thuyết “thần thoại hạ cấp” mà đại biểu là W. Schwartz và W. Mannhardt… coi huyền thoại như là sự phản ánh bản thân những hiện tượng thông thường trong cuộc sống. Lý thuyết thần thoại-vật linh giáo coi thần thoại là biểu tượng của tâm hồn con người đối với thế giới tự nhiên. Đại biểu của lý thuyết này là nhà thần thoại học người Anh Edward Tylor (1832-1917), nhà triết học tiến hóa luận người Anh Herbert Spencer (1820-1903), Friedrich Lenger… Một lý thuyết được phát triển hết sức rộng rãi và thu hút được khá nhiều sự đồng tình của giới nghiên cứu là lý thuyết ngữ văn-lịch sử. Các nhà nghiên cứu theo trường phái này như Udơnơ, Mônlendơrphơ, V. Belinsky, Giebelep, L. Tolstoy… đã vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ văn học vào việc nghiên cứu huyền thoại. Nhìn chung những lý thuyết thần thoại nói trên xét về chi tiết và cục bộ có những điểm có thể chấp nhận được, nhưng xét về toàn bộ, về cơ bản thì những lý thuyết đó không đủ sức thuyết phục khoa học. Về lập trường, quan điểm, phương pháp nghiên cứu của những nhà khoa học thuộc các trường phái lý thuyết nói trên tuy có khác nhau nhưng lại có một quan điểm chung nhất giống nhau là tất cả đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu triết học thực chứng hoặc xã hội học-thực chứng luận.

Một nhà nghiên cứu thần thoại trong thế kỷ XIX mà chúng ta không thể không nhắc đến là Bachofen, người Thụy Sĩ. Mặc dù ông chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm thần bí coi tôn giáo như động lực quyết định tiến trình lịch sử thế giới như những kiến giải của ông về huyền thoại Oreste giết mẹ để trả thù cho cha và được xử trắng án như là một huyền thoại phản ánh cuộc đấu tranh thắng lợi của chế độ mẫu quyền là hoàn toàn xác đáng. Cách giải thích của ông đã gắn huyền thoại vào một bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể, một trình độ phát triển nào đó của lịch sử-xã hội nhân loại[25].

Cống hiến có ý nghĩa lớn lao đối với lý thuyết huyền thoại là những ý kiến của K. Marx và F. Engels. Những ý kiến của Engels viết trong lời tựa cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước đã giải thích huyền thoại bằng quan điểm duy vật lịch sử và biện chứng. Những ý kiến của Marx trong cuốn Góp phần phê phán chính trị-kinh tế học đã nêu cho chúng ta thấy ý nghĩa lịch sử của huyền thoại: huyền thoại như một hình thái ý thức xã hội đã phản ánh thực tại (tự nhiên và xã hội) với tất cả bản chất năng động của ý thức con người. Marx chỉ ra rằng cái hay, cái đẹp, cái kỳ lạ, huyền diệu của thần thoại là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội trong đó có những điều kiện tất yếu đẻ ra huyền thoại. Đó là trình độ hết sức thấp kém của sản xuất, tri thức khiến cho con người sống gần như phụ thuộc vào tự nhiên, không giải thích được những hiện tượng tự nhiên và xã hội diễn ra trong đời sống hàng ngày. Và khi con người không có khả năng giải thích, khống chế những sức mạnh tự phát của tự nhiên và xã hội bằng năng lực thực tế, khoa học kỹ thuật, thì nó giải thích và khống chế những sức mạnh đó bằng những ảo tưởng thần thoại. Như vậy, Marx đã coi huyền thoại như “một hình thức chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh bằng trí tưởng tượng dân gian, bằng sự chế biến đi một cách nghệ thuật-không tự giác”. Những ý kiến đó của Marx là sự tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối hoặc cùng thời, từ anh em Grimm đến Morris, Schelling [Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854): nhà triết học duy tâm người Đức], và nâng cao lên trên những quan điểm triết học của mình. Đương nhiên những ý kiến của Marx và Engels chỉ giải quyết một mặt nào đó rất cơ bản của huyền thoại chứ không phải là toàn diện và hệ thống, bởi vì, như chúng ta đã biết, hai ông không phải là những nhà folklore học hoặc dân tộc học.

Thế kỷ XX với những thành tựu lớn lao của những ngành khảo cổ học, dân tộc học, folklore học… đã tạo dựng nên một bức tranh hết sức phong phú và cực kỳ phức tạp của lý thuyết thần thoại. Những công trình nghiên cứu khổng lồ của nhiều nhà bác học trên thế giới đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong số những nhà nghiên cứu nửa đầu thế kỷ XX, trước hết ta phải kể đến nhà folklore học người Anh James George Frazer (1854-1941). Ông viết một bộ sách gồm 12 tập mang tên Nhành lá vàng (Le Rameau d’or). Với công phu điều tra, sưu tầm tỉ mỉ, miêu tả cụ thể, bộ sách của ông trước hết là một kho tư liệu khổng lồ. Ông cho rằng ma thuật, tôn giáo và khoa học là ba giai đoạn kế tiếp nhau đóng vai trò làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của thế giới quan con người. Huyền thoại, theo ông, cũng nằm trong hành động ma thuật. Thiếu sót lớn nhất của tác giả là đã nhìn nhận mọi hiện tượng không trên quan điểm lịch sử. Sự khảo sát của tác giả đã không phân biệt được các kiểu loại huyền thoại hình thành trong những xã hội khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Tiếp đến là những công trình nghiên cứu của Wilhelm Wundt, một nhà bác học Thụy Sĩ[26]. Ông tự đặt cho mình nhiệm vụ xây dựng một khoa học về “tâm lý các dân tộc”. Cống hiến của ông là đã nghiên cứu Hy Lạp với quan điểm tâm lý-xã hội học, chỉ ra sự liên hệ, gắn bó của huyền thoại với những xúc cảm trong đời sống, với những sự “kích động mạnh”. Ông coi huyền thoại như sự thể hiện những ảo tưởng vô thức của con người nguyên thủy. Đối lập với lý thuyết của Wundt là lý thuyết tư duy nguyên thủy của nhà dân tộc học người Pháp Lévy-Bruhl (1857-1939). Ông là môn đệ của trường phái xã hội học-thực chứng của nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim (1858-1917). Tiếp tục phát triển những kiến giải của Frazer và Wundt, Lévy-Bruhl nêu lên luận điểm: tư duy nguyên thủy là nguồn gốc của huyền thoại. Tư duy này có một quy luật đặc biệt là sự “cùng tham dự” (hiện diện). Nó là tư duy tiền logic, tư duy của tập thể người nguyên thủy. Về cuối đời ông từ bỏ quan điểm cho rằng tư duy nguyên thủy tiền logic là một trình độ phát triển tất yếu của lịch sử. Và ông đã bổ sung đính chính lại rằng tư duy nguyên thủy và tư duy logic cũng tồn tại đồng thời với nhau. Ảnh hưởng của Lévy-Bruhl trong nửa đầu thế kỷ XX rất lớn.

Một lý thuyết giải thích huyền thoại khá kỳ khôi là lý thuyết phân tâm học của nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) và những môn đệ của Freud. Lý thuyết này giải thích những hiện tượng huyền thoại từ cơ sở tâm lý tiềm thức và cá nhân, trong đó những đòi hỏi của bản năng nhục dục là chủ yếu (Mặc cảm Oedipe – Le complexe d’Oedipe). Thật ra thì lý thuyết của Freud hoàn toàn bất lực trong việc giải thích huyền thoại, bởi vì nó phiến diện, và rõ ràng qua thực tiễn khảo sát nó không giải thích được điều gì hết. Lý thuyết của Freud tuy không thu hút được sự đồng tình của giới nghiên cứu nhưng trong lãnh vực sáng tác văn học nghệ thuật nó đã chiếm lĩnh được một vị trí khá đặc biệt ở phương Tây. Dường như lý thuyết này đã cung cấp một “cơ sở khoa học khách quan” cho những hành động dâm bạo, loạn luân và đủ thứ chuyện trong cái chuyện “làm tình” cũng như những hành động bạo lực, tàn nhẫn trong loại truyện tiểu thuyết và điện ảnh suy đồi ở phương Tây.

Nửa sau thế kỷ XX nổi lên lý thuyết cấu trúc-loại hình học thần thoại và người đề xướng là nhà bác học người Pháp Claude Lévi-Strauss (1908-2009). Ông coi huyền thoại như một trường hoạt động của những thao tác logic vô ý thức. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến lý thuyết văn hóa-lịch sử mà người mở đầu là Bronisław Malinowski (1884-1942) và những người kế tục hiện nay là nhà nghiên cứu người Pháp Georges Dumézil (1898-1986).

Nhìn chung, những lý thuyết huyền thoại của nền khoa học tư sản đã có những cống hiến lớn lao về nhiều mặt[27] song vẫn chưa có một lý thuyết nào giải thích và làm sáng tỏ được bản chất xã hội của huyền thoại.

Khoa thần thoại học, folklore, dân tộc học Xôviết vận dụng quan điểm và phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của triết học Marxisme-Léninisme, tiếp thu những thành tựu của nền khoa học tư sản, đã cố gắng nghiên cứu, giải thích huyền thoại theo quan điểm lịch sử văn hóa bằng cách gắn liền sự nghiên cứu, giải thích đó với việc nghiên cứu, so sánh, phân tích theo quan điểm lịch sử thể loại tự sự trong nền văn hóa thế giới. Những công trình nghiên cứu của các nhà bác học Xôviết như A.F. Lossev, S.A. Tokarev, Iu.P. Frantsev, V.Ia. Propp, E.M. Meletinsky… đã có những cống hiến đúng đắn tích cực vào nền khoa học thế giới. Đối với khoa học folklore, thần thoại học còn non trẻ của chúng ta, những thành tựu của nền khoa học Xôviết là một chỗ dựa vững chắc để chúng ta có thể tiếp xúc với các đại dương mênh mông của các loại lý thuyết thần thoại28.

Thật ra vấn đề huvền thoại là gì? Đặc điểm và bản chất của tư duy huyền thoại cũng như ý nghĩa, nội dung phản ánh giải thích thế giới của huyền thoại vẫn đang là vấn đề lớn và hóc búa đối với các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu M.I. Shakhnovich (Liên Xô cũ) tổng kết hiện có hơn 500 định nghĩa về huyền thoại[29].

Còn nhà bác học Tenase, một chuyên gia lỗi lạc về lịch sử văn hóa, Viện trưởng Viện Triết học của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Rumani cho chúng ta biết: “… Huyền thoại là một hiện tượng văn hóa hết sức phức tạp, chính vì vậy rất khó có một nghĩa sao cho bao quát được mọi kiểu mẫu (type) và chức năng của huyền thoại trong tất cả các xã hội thượng cổ (công xã nguyên thủy) và xã hội truyền thống (phương thức sản xuất châu Á…)”[30].

Chính vì lẽ đó nên ngày nay khái niệm huyền thoại cũng được sử dụng với tính đa nghĩa của nó. Khi thì huyền thoại được hiểu là một câu chuyện hoang đường, phi lý, không đúng với sự thật (huyền thoại về sức mạnh vô địch của không lực Hoa Kỳ), khi thì được hiểu là một chiến công kỳ diệu, một năng lực sáng tạo phi thường, phong phú, bay bổng, đa nghĩa, giàu sức tưởng tượng-biểu hiện (Hãy sáng tạo những huyền thoại mới trên đất nước chúng ta, thơ ca-huyền thoại, tiểu thuyết-huyền thoại, huyền thoại mới ở sông Đà…)

Vấn đề huyền thoại trong nửa đầu thế kỷ XX chỉ là vấn đề của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận folklore học, thần thoại học, dân tộc học nhưng bước sang nửa sau thế kỷ XX đã trở thành vấn đề lý luận mỹ học, lý luận sáng tác. Người đầu tiên đưa vấn đề huyền thoại vào lý luận sáng tác, mỹ học một cách ồn ào, nhiệt liệt là Garaudy, một nhà triết học người Pháp. Trong cuốn Chủ Nghĩa Marx Thế Kỷ XX[31], Garaudy đề cao huyền thoại tới mức dường như là đỉnh cao, là thành quả tuyệt vời nhất của năng lực sáng tạo của nhân loại… Ông chỉ nhìn thấy ở huyền thoại, trong huyền thoại, chứa đựng những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất của trí tuệ loài người. Từ đó, ông kêu gọi phải sáng tạo huyền thoại, vì huyền thoại chẳng những phản ánh cái đã qua, cái hiện tại, mà còn tiên báo tương lai… Những ý kiến cúa Garaudy như vậy là đã thoát ly khỏi quan điểm lịch sử và xem xét vấn đề huyền thoại một cách phiến diện. Chúng ta có thể tiếp thu, học tập những gì gọi là tích cực, những biện pháp kỹ thuật có hiệu quả gây xúc động thẩm mỹ mạnh mẽ của huyền thoại, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phải quay trở lại với tư duy huyền thoại và nền văn học của thế kỷ XX chỉ có thể đạt được những thành tựu vĩ đại khi nó đặt cho bản thân mình nhiệm vụ sáng tạo huyền thoại. Hơn nữa, trong thực tế không phải bất cứ câu chuyện huyền thoại nào cũng có giá trị tích cực và một sức khái quát, tượng trưng-biểu hiện như nhau…

Trong cuộc hội thảo quốc, tế tổ chức hai năm một lần, lần thứ năm về chủ đề thơ ca và huyền thoại tổ chức ở Knokke32, Vương quốc Bỉ 1961, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra tính chất mơ hồ, tính chất song nghĩa đối lập nhau của huyền thoại là một mảnh đất đặc biệt thuận lợi cho thơ ca. Nhưng đồng thời cũng có những nhà nghiên cứu đề cao huyền thoại quá mức như Garaudy, thậm chí còn hơn cả Garaudy[33]. Có một loại ý kiến coi huyền thoại như “người phát hiện ra những sức mạnh của nhân loại đã từng bị chèn ép”, và ngày nay “… đứng trước mối đe dọa của khoa học và kỹ thuật, những sự thất bại của nền văn minh đang bị giằng xé bởi lo âu và mâu thuẫn; (tất cả những điều đó) cho phép con người ta nghĩ rằng cái lý trí hay suy luận (la raison raisonnante) có thể cũng là một thói quen điên rồ khác và cũng là sự tha hóa nguy hiểm. Vì thế, con người đã bị hạ thấp xuống quá nhiều. Giờ đây cần phải để cho bản thân mình lắng nghe tiếng hát toát lên từ những cõi sâu thẳm, tiếng niệm thần chú (l’incantation) của những sức mạnh ẩn tàng khi bớt bận rộn và không lý thuyết dông dài nữa (verbiage…)”.

Thế là văn minh và khoa học kỹ thuật bị kết án như là một tai họa của loài người, đã tha hóa con người, hạ thấp con người. Và cách giải trừ tai họa ấy là quay về với huyền thoại, vì “tác phẩm của nhà thơ có thể xem như một sự chiêu hồn (évocation), một sự kiếm tìm lại cái mythos đã mất…”[34]

Một quan điểm như thế rõ ràng đối với chúng ta thật xa lạ, khó thu hút được sự đồng tình. Chúng ta tin ở nền văn minh nhân loại, chúng ta tin ở khoa học kỹ thuật và tương lai của nhân loại. Nếu như có một nền văn minh làm tha hóa con người, hạ thấp con người, một nền khoa học kỹ thuật đe dọa con người thì cách sửa chữa những tệ nạn, khuyết tật ấy của nó hẳn rằng phải nhắm ngay vào những quan hệ xã hội-kinh tế, quan hệ quyền lực-chính trị vốn là cơ sở của nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó vốn đang điều hành nền văn minh đó và nền khoa học kỹ thuật đó… Kết tội cái lý trí hay suy luận của con người thật là oan uổng cho lý trí của con người. Con người đã là một động vật có lý trí thì làm sao nó lại không dùng lý trí của mình để tư duy, để suy luận! Còn nếu thơ ca quay về với huyền thoại, nghĩa là quay về với quá khứ để chiêu hồn, để tìm kiếm lại cái mythos đã mất thì chẳng những không chống lại được sự tha hóa con người, hạ thấp con người; không cứu vãn được nền văn minh, không ngăn ngừa được mối đe dọa của khoa học kỹ thuật… mà rút cục cũng không kiếm tìm lại được cái mythos đã mất, đúng hơn lại biến mình thành một thứ mythos!

Tai họa không phải ở ngọn lửa mà thần Prométhée đã ban cho loài người, ngọn lửa là ngọn nguồn của văn minh và khoa học kỹ thuật, ngọn lửa của tư duy và lý trí, ngọn lửa sinh ra niềm hy vọng luôn bập bùng cháy trong trái tim con người. Tai họa là ở những vị thần trong cõi trần điều hành nền văn minh ấy, nền khoa học ấy để chống lại loài người.

***

Ngày nay thời đại của niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại đã lùi vào quá khứ. Cung điện Olympe của thế giới thần thánh chắc hẳn đã phải dời đến một hành tinh xa xăm nào đó vì lẽ không chịu đựng nổi tiếng động cơ máy bay phản lực siêu âm. Nhưng chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng tài sản thần thoại như lưu giữ một chiến công hiển hách của loài người trong tiến trình lịch sử. Chúng ta vẫn lưu giữ trân trọng gia tài thần thoại như lưu giữ một kỷ niệm sâu sắc và hào hùng, cao quý và đẹp đẽ của đời người cũng như một kỷ niệm vất vả, đắng cay, đau xót của đời người. Và chúng ta, nhân loại, vẫn tiếp bước tới tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta vẫn mang theo quá khứ của mình để tiến tới tương lai chứ không phải quay về quá khứ, quay về niềm tin thần thoại và tư duy thần thoại để chinh phục tương lai, tương lai của thời đại tư duy khoa học và cách mạng. Nhiều ước mơ của con người xưa kia đã trở thành hiện thực. Biết bao chàng Dédale và Icare của thế kỷ XX đã đi đi, về về trong không gian bao la của vũ trụ khiến cho thần Zeus dù có nổi trận lôi đình, dồn mây mù sấm sét cũng không ngăn cản được. Nhân loại sống đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên trong đời sống của nhân loại lại nảy sinh ra những mối đe dọa khủng khiếp của một thứ “số mệnh mới” cùng với các vị thần mới, ma quỷ mới, bạo chúa mới tiêu diệt loài người, muốn xóa bỏ những thành tựu văn hóa, văn minh mà loài người phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ mới có được. Nhân loại vẫn đang đứng trước một câu hỏi, một lời thách đố của một con Sphinx, con Sphinx-Lịch sử. Chính vì lẽ đó nhân loại còn cần đến những Prométhée, Héraclès, Thésée, Oedipe… bởi vì nhân loại phải sống đấu tranh với Số mệnh để chiến thắng Số mệnh. Và để sống, chiến thắng thì không thể để mất Lòng tin và Hy vọng, không thể thiếu Mơ ước, hơn nữa lại càng phải biết yêu cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ thật sâu sắc để biết cái Ác, cái Dối trá, cái Ti tiện, cái Hèn nhát thật sâu sắc. Có thế mới chiến thắng được Số mệnh, Định mệnh. Chính vì lẽ đó thần thoại Hy Lạp vẫn rất đáng quý đối với chúng ta. Dường như nó vẫn đang hàng ngày hàng giờ nhắn nhủ loài người chúng ta; “Hãy sống nhân ái và cao thượng hơn nữa! Hãy sống tốt hơn nữa, đẹp hơn nữa, yêu công lý và trọng danh dự hơn nữa! Hãy lập chiến công vì dân vì nước nhiều hơn nữa! Hãy sống trung thực dũng cảm và hiểu biết hơn nữa!” Bởi vì thần thoại là nhân loại của tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, ngây thơ vụng dại song tràn đầy tin yêu; hiểu biết chưa nhiều, giản đơn song thông minh một cách ngộ nghĩnh và tràn đầy ước mơ đẹp đẽ, tràn đầy khát vọng táo bạo.

Còn chúng ta ngày nay với ngọn lửa và niềm tin, niềm hy vọng bất diệt của Prométhée, với dũng khí và tài năng của Persée, Héraclès, Dédale, Thésée, và hơn nữa với trí tuệ của Oedipe, chúng ta sẽ tiếp tục sáng tạo ra những thành quả văn minh với một sức mạnh hiện thực phi thường. Chúng ta sẽ làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, không bằng trí tưởng tượng thần thoại mà bằng sức mạnh xã hội của Cách mạng Khoa học kỹ thuật. Chúng ta sẽ giải đáp và phải giải đáp đúng, giải đáp chiến thắng bất kỳ một câu hỏi nào, lời thách đố nào của con Sphinx-Lịch sử. Bởi vì lịch sử của nhân loại là một quá trình giải đáp liên tục những câu hỏi, những lời thách đố, những bài toán của lịch sử.

Ngày 19 tháng 4 năm 1982

NGUYỄN VĂN KHỎA

Toàn bộ danh từ phiên âm ở bản gốc của Nguyễn Văn Khỏa được thay thế bằng danh từ gốc trong tiếng Pháp.

Có tham khảo nội dung từ sách tái bản năm 2014 của NXB Văn Học liên kết xuất bản với Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, cùng nhiều nguồn tham khảo khác.

Ebook này không giống hệt với bất cứ bản sách in nào.

[1] Tiếng Hy Lạp logographe: người viết văn xuôi, cấu tạo từlogos và graphe: viết; khác với aède: ca sĩ.

[2] Félix Gaffiot, Dictionnaire illustré Latin-Français. Hachette Paris, cho biết logos đã từng được sử dụng với những ý nghĩa sau đây: 1) Ngôn từ, lời nói ba hoa, diễn văn vô ích, bài hát, lời nói tế nhị, thông minh, truyện ngụ ngôn; 2) Lý trí (raison).

[3] Theo P. Frutiger, sự phân biệt logos và mythos trong Platon không thật rạch ròi. Ở các tác phẩm Timée, luật pháp, ông sử dụng mythos với ý nghĩa: trình bày (exposé), lý thuyết (théorie), mệnh lệnh (prescription), cổ vũ (exhortation). Nhìn chung huyền thoại thấm đượm tính duy lý (rationalité) tới mức con người ta có thể lầm lẫn với tính biện chứng, nếu có thể nói như thế được… (P. Frutiger, Les Mythes de Platon. Aican, 130, p. 4, chuyển dẫn từ Pierre Brunei, Le Mythe de la métamorphose. Paris, 1974, p. 24).

[4] K. Marx, Góp phần phê phán chính trị – kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312.

[5] A.F. Losev, Antichnaja mijologija vee istoricheskom razvtii.Uchpedgisz, Moskva, 1957, tr. 17-23. Losev chỉ ra hai quan hệ phức hợp: phức hợp thêm thắt (complexe d’interpolation) và phức hợp góp nhặt (complexe de compilation). Phức hợp góp nhặt dẫn tới phức hợp nguyên khối nghệ thuật (complexe de monolithe artistique).

[6] K. Marx, Góp phần phê phán chính trị – kinh tế học. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 312-314.

[7] Michelangelo Buonarroti (1475-1564), nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư danh tiếng người Ý, thời Phục hưng.

[8] Assyrie là một vương quốc thuộc nền văn minh Lưỡng Hà (Mésopotamie).

[9] André Bonnard, La civilisation grecque (D’Antigone à Socrate) 10/18, Chap II: Sculpter la pierre – Fondre le bronze. Paris, 1963. Có tham khảo thêm: P. Devambez, Le style grec (l’Esprit grec). Larousse, Paris p. 9-11.

[10] E. Faure, Histoire de l’Art Antique. Livre de poche, Paris. 1964, p. 205.

[11] André Bonnard, La civilisation grecque.

[12] Choéphores: những người thiếu nữ viếng mộ.

[13] Jacqueline de Romilly, L’évolution Pathétique d’Eschyle à Euripide. P.U.F. Paris.

[14] F. Engels – Chống Dühring, Chương IV: Lý luận về bạo lực. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1959, tr. 304.

[15] “Một tôn giáo tự nhiên rất mờ nhạt trong những tín ngưỡng dân gian, có thể lại còn khá thô thiển nữa, nhưng lại được những ca sĩ cũng như những nhà triết học khai thác ở những ngọn nguồn rất đỗi trong trẻo và rất đỗi thơ mộng. Khi những nhà thơ và nhà triết học tin rằng họ đấu tranh chống lại tôn giáo thì họ chỉ làm toát lên từ tôn giáo cái quan niệm duy lý về thế giới bị những biểu tượng tôn giáo bao phủ. Đúng là con người sợ thần thánh. Nhưng vì các vị thần giống con người nên các vị thần không đảo lộn được cuộc sống của những quan hệ bình thường và tự nhiên vốn gắn bó với cuộc sống của con người. Vị trí của nghề tư tế chẳng quan trọng là bao. Nước Hy Lạp có thể là nước duy nhất trong số những xứ sở cổ xưa mà ở đó đẳng cấp tăng lữ không sống tách biệt với nhân dân để thay mặt cho nhân dân trong nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) như một lãnh vực dành riêng cho họ…” (Elie Faure, L’Art antique. p. 185).

[16] Ở Việt Nam chúng ta dường như cũng có hiện tượng tương tự. Nhiều khi ngày hội, ngày giỗ thường kèm theo những trò vui như đánh vật, bơi chải, thổi cơm thi, diễn chèo tuồng… Hội đền Hùng Giỗ Tổ, hội đền Kiếp Bạc, hội Phủ Giày, hội giỗ thành hoàng làng đều có những trò vui như thế. Ngay đến hội có tính chất Phật giáo như hội chùa Keo (Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định) cũng có phần hấp dẫn nhất là bơi chải. Hội Lim là hội thi hát.

[17] Những bức tượng ở chùa Tây Phương của chúng ta có thể là một ví dụ gần gũi. Nghệ sĩ giữ lại một số quy phạm của tôn giáo như tai to và dài, ngón tay dài… song đó chỉ là hình thức. Cảm xúc siêu thoát và khô cứng – công thức của tôn giáo – bị phá vỡ. Cảm xúc thẩm mỹ, hiện thực, trần thế đã lấn át cảm xúc tôn giáo. Chính vì lẽ đó nên trong số rất nhiều tượng thờ chùa chiền của chúng ta thì chỉ có tượng thờ ở chùa Tây Phương và một đôi nơi khác được coi là di sản nghệ thuật.

[18] Socrate (468-400 TCN), “… connais-toi, toi-même”.

[19] Bài hát ca ngợi, suy tôn các vị thần; tiếng Hy Lạp: hymno; còn dịch là bài ca tán mỹ. Ngày nay hymno là một bài ca trang trọng.

[20] Tiếng Pháp chant phallique: bài ca dương vật. Tiếng Hy Lạp phallos: dương vật.

[21] O. Freidenberg, Mif i literatura drevnosti. Izd. Nauka, M. 1978, tr. 12.

[22] Ératosthène de Cyrène. Cyrène là một đô thị ở bờ biển Bắc Phi gần Ai Cập, thuộc địa của Hy Lạp.

[23] Một đô thành xưa là thuộc địa của người Hy Lạp, sau là thủ đô của Đế quốc Đông La Mã (Le Bas-Empire). Từ thế kỷ III, Byzance dường như thay thế vai trò của Rome. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantin lên cầm quyền đã đổi tên Byzane thành Constantinople. Sau này người Turc (Thổ) đổi tên thành Istanbul. Hiện nay là thủ đô nước Thổ Nhĩ Kỳ.

[24] Évhémère, cuối tk. IV – đầu tk. III TCN. Lý thuyết của ông trở thành một trường phái gọi là évhémèrisme.

[25] Xem F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, Lời tựa lần xuất bản thứ tư. NXB Sự Thật, Hà Nội. 1961, tr 11-15.

[26] Có lẽ tác giả nhầm; Wilhelm Maximilian Wundt (1832-1920) là người Đức (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[27] Trong bài Những vấn đề lý thuyết folklore, N.I. Kravtsov đã nhấn mạnh: “Không nên để những nhược điểm che lấp những gì có giá trị trong các công trình của các nhà bác học trước cách mạng”, “… cần chú ý nghiên cứu một cách có phê phán những thành tựu khoa học của nước ngoài, kể cả các nước tư bản. Viết về những điều mà nước ngoài đã làm được về lý luận folklore là một việc làm bổ ích…” (Problemy Folklora. Izd Nauka,Moskva, 1975).

[28] Trong Lịch sử văn học và huyền thoại của Robert Weimann, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức, tác giả phân chia các loại lý thuyết huyền thoại thành bốn khuynh hướng chính: Huyền thoại và tượng trưng – Huyền thoại và nghi lễ – Huyền thoại và nguyên mẫu cổ (archéttypea) – Huyền thoại và cấu trúc. (Robert Vejman, Istorija literatury i niologija. Izd Progress, Moskva, 1975).

[29] M.I. Shakhnovich, Pervobytnaya mifologiya i filosofiya (Stanovleniye grecheskoy filosofii). L. 1971, s. 19.

[30] A. Tenase, Kultura i religja (dịch từ tiếng Rumani). Izd Politizdat, M. 1975.

[31] Roger Garaudy, Le Marxisme du XXe siècle. Paris, 1966.

[32] Cinquième biennale internationale de poésie: La Poésie et le Mythe, Knokke. 7 au 11 Septembre 1961… imprécision, ambivalence, sorte histoire flottante dont la signifiration change avec le temps… (trích trong tham luận của Roger Caillois, đại biểu của UNESCO).

[33] Xem tham luận của Marie-Madeleine Machet.

[34] Xem tham luận: Mythe, Póesie của Georges Cusdorf.

Quyển 1 – Chương 2: Nguồn gốc của thế gian và của các vị thần

Thuở xưa, trước buổi khai thiên lập địa, trước khi có thế gian và các vị thần, lúc đó chỉ có Chaos [35]. Đó là một vực thẳm đen ngòm, vô cùng vô tận, trống rỗng, mơ hồ, vật vờ, phiêu bạt trong khoảng không gian bao la.

Thoạt đầu là Chaos một vực thẳm vô cùng

Hung dữ như biển khơi, tối đen, lang thang, hoang dã.

Nhà thơ Milton, người Anh, thế kỷ XVII đã diễn đạt lại quan niệm của người Hy Lạp cổ về khởi nguyên của thế gian và các vị thần bằng hai câu thơ như thế.

Nhưng rồi từ Chaos đã nẩy sinh ra thế gian với bao điều kỳ lạ cùng với các vị thần có một cuộc sống phong phú khác thường. Từ Chaos đã ra đời Gaia[36], Đất mẹ của muôn loài, có bộ ngực mênh mông. Chính Đất mẹ-Gaia là nơi sinh cơ lập nghiệp bền vững đời đời của muôn vàn sinh linh, vạn vật.

Chaos lại sinh ra Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu và Nyx-Đêm tối Mịt mù. Nhưng chưa hết, từ Chaos lại ra đời Tartare-Địa ngục và Éros-Tình yêu. Éros là đứa con cuối cùng của Chaos nhưng lại là đứa con xinh đẹp nhất. Éros ra đời lãnh sứ mạng làm cho thần thần, người người, cỏ cây hoa lá, vạn vật muôn loài giao hòa gắn bó với nhau để tạo nên thế gian và cuộc sống vĩnh hằng bất diệt.

Như vậy là Chaos sinh ra năm “người con”. Với “năm người” này (ngày nay chúng ta gọi là nguyên lý) sẽ sinh sôi nảy nở ra con đàn cháu đống nối dõi đời đời.

Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu lấy Nyx-Đêm tối Mịt mù làm vợ. Họ sinh được hai người con: anh là Khí-Éther bất diệt, em là Ánh sáng trong trẻo-Héméra; Ngày-Jour ra đời từ ánh sáng này. Kể từ đó thế gian tràn ngập ánh sáng. Ngày và Đêm thay nhau ngự trị.

Nữ thần Đất mẹ-Gaia có bộ ngực nở nang tràn đầy sức sống. Đứa con đầu lòng của nàng là Ouranos-Bầu trời sao nhấp nhánh. Nhà thơ Hy Lạp Hésiode sống vào quãng thế kỷ VIII hoặc VII TCN, kể lại trong tập Thần hệ (Théogonie):

Nữ thần Đất có bộ ngực nở nang

Đối với mọi vật nàng là móng nền vững chắc

Nàng Đất tóc vàng sinh cho thế gian trước hết

Bầu trời sao nhấp nhánh, bạn thân thiết của nàng

Để Bầu trời che phủ khắp thế gian,

Để làm nơi cư ngụ cho các vị thần Cực lạc.

Nàng lại còn đẻ ra Núi-Ouréa cao vút, sừng sững, nghênh ngang và Biển-Pontos mênh mông, khi hung dữ gầm thét, lúc hiền dịu rì rào. Trời, Núi, Biển như vậy đều do nữ thần Đất mẹ-Gaia sinh ra. Chúng là những đứa con không cha, bởi vì khi ấy mẹ chúng chưa cùng ai kết bạn. Đối với thần thì điều ấy chẳng có gì đáng lạ.

Tiếp đó, nữ thần Đất-Gaia kết hôn với thần Bầu Trời-Ouranos. Hai người sinh ra được rất nhiều con. Chúng toàn là những người khổng lồ có sức mạnh và tài năng mà thuở ấy chưa có vị thần nào ra đời để có thể sánh bằng. Tất nhiên, sau này chúng phải quy phục trước các vị thần mới. Người ta chia những đứa con khổng lồ của Ouranos và Gaia ra làm ba loại:

1 – Những thần khổng lồ Titan và Titanide – Có sáu nam thần khổng lồ tên gọi chung là Titan và sáu nữ thần khổng lồ tên gọi chung là Titanide.

Sáu Titan là: Okéanos tức thần Đại dương, Koios, Crios, Hypérion, Japet và Cronos (thần thoại La Mã: Saturne).

Sáu Titanide là: Téthys, Théia, Thémis, Mnémosyne, Phoébé và Rhéa.

2 – Ba thần khổng lồ Cyclopes[37] – Đây là những vị thần chỉ có một con mắt ở giữa trán, hung bạo khỏe mạnh chẳng kém một ai, hơn nữa lại rất khéo chân khéo tay. Họ là những người thợ rèn thiện nghệ đã làm ra không thiếu một thứ gì. Tên ba anh em là: Argès, Stéropès và Brontès.

3. Ba quỷ thần khổng lồ Hécatonchires[38] – Những Cyclopes đã thật là quái đản nhưng những Hécatonchires lại còn quái đản hơn nhiều. Mỗi Hécatonchires có một trăm cái tay và năm chục cái đầu. Người ta thường gọi chúng là thần Trăm tay. Sức mạnh của chúng thật kinh thiên động địa, ít ai dám nghĩ đến, chỉ nghĩ đến thôi, việc đọ sức với chúng. Tên chúng là Cottos, Briarée và Gyès.

***

Như trên đã kể, Ouranos lấy Gaia làm vợ sinh được sáu trai gọi chung là Titan, sáu gái tên gọi chung là Titanide. Các Titan kết hôn với các Titanide sinh con đẻ cái để cho chúng cai quản thế gian.

Titan đầu tiên, con cả, là thần Okéanos. Thần cai quản mọi biển khơi, suối nguồn, sông nước. Thần đã điều hòa, sắp xếp biển, sông làm thành một con sông khổng lồ bao quanh lấy đất, che chở cho đất. Okéanos lấy Téthys đẻ ra ba nghìn trai, ba nghìn gái. Gái có tên chung là Okéanide. Đó là những tiên nữ thường trú ngụ ở dưới biển nhưng cũng ở cả sông, suối. Con trai là các thần sông cai quản mọi sông cái, sông con trên mặt đất.

Okéanos sống cách biệt với các anh em Titan của mình ở tận cung điện dưới đáy biển sâu. Chẳng bao giờ vị thần này tham dự các cuộc họp của thần thánh và loài người. Mặt trời, Mặt trăng và các Ngôi sao đều do Okéanos điều khiển. Chúng phải xuất hiện với thế gian rồi trở về với Okéanos. Duy chỉ có chòm sao Đại Hùng-Gande Ourse là không bao giờ chịu quy phục dưới quyền điều khiển của Okéanos.

Titan Koios lấy Phoébé sinh được hai con gái là Léto và Astéria. Sắc đẹp của hai chị em nhà này đã gây ra cho họ biết bao đau khổ, gian truân, một chuyện nếu kể ra ắt phải đụng đến thần Zeus.

Titan Hypérion lấy nữ thần Théia. Đôi vợ chồng này sinh được một trai, hai gái. Trai là Hélios-Thần Mặt trời đỏ rực, gái là Séléné-Nữ thần Mặt trăng hiền dịu và Éos-Nữ thần Rạng đông hay Bình minh có những ngón tay hồng.

Titan Cronos mà thần thoại La Mã gọi là Saturne lấy Rhéa sinh được ba trai, ba gái: trai là Hadès, Poséidon, Zeus; gái là Hestia, Déméter, Héra.

Riêng hai Titanide Thémis và Mnémosyne lúc này chưa chịu kết bạn với ai. Duyên cớ vì sao, người xưa không kể lại nên chúng ta không rõ. Vì thế hai Titan Koios và Japet phải lấy hai vị nữ thần khác không cùng huyết thống Titan.

Crios lấy Eurybie sinh được ba trai là các vị thần Astréos, Pallas và Persès, nổi danh lừng lẫy vì sự hiểu biết uyên thâm. Nhân đây ta cần phải kể qua cuộc tình duyên của người con cả của Titan Koios, thần Astréos. Thần lấy tiên nữ Éos-Rạng Đông có những ngón tay hồng, sinh ra cho thế gian các thần Gió hung dữ. Tuy vậy, thần Gió-Zéphyr (thần thoại La Mã: Favonius) tính khí lại rất dịu dàng. Thần đến với thế gian bằng những cử chỉ vuốt ve, âu yếm, đem đến cho loài người những đám mây đen báo trước những cơn mưa mát dạ mát lòng. Chúng ta thường gọi Zéphyr là thần Gió Tây. Còn thần Gió Bấc-Borée (thần thoại La Mã: Septentrion) có bước đi nhanh, ít thần Gió nào sánh kịp, vì thế thần đem đến cho loài người không ít lo âu. Thần Gió Nam-Notos (thần thoại La Mã: Auster) ấm áp. Thần Gió Tây Nam-Euros (thần thoại La Mã: Vulturnus)39 mát mẻ, dịu dàng. Cả đến những ngôi sao hằng hà sa số thao thức vằng vặc suốt đêm trên bầu trời bao la cũng là con của Astréos và Éos.

Cũng cần phải kể thêm một chút nữa là Éos còn có nhiều cuộc tình duyên với các vị thần khác và cả với người trần để sinh con đẻ cháu cho thế gian đông đúc vui tươi.

Titan Japet lấy một tiên nữ Okéanide tên là Clymène. Họ sinh được bốn con trai là: Atlas, Prométhée, Epiméthée, và Ménétios.

Thế còn hai Titanide Thémis và Mnémosyne không “lấy chồng” thì làm gì? Xin thưa, thế giới thần thánh xưa kia không để cho ai ăn không ngồi rồi cả. Ai ai cũng có những công việc phải làm tròn. Thémis là vị nữ thần Pháp luật, Công lý, sự Cân bằng, Ổn định tối cao do Quy luật và Trật tự tạo nên. Nhờ có Thémis thế gian mới ổn định và phát triển hài hòa. Nàng là người có tài nhìn xa trông rộng, hiểu biết, khôn ngoan. Còn Mnémosyne là nữ thần của Trí nhớ, Ký ức. Nhờ có Mnémosyne mà con người lưu giữ được kinh nghiệm và sự hiểu biết để ngày càng khôn lớn, giỏi giang.

Đó là chuyện về lớp con đầu của Ouranos và Gaia, những Titan và Titanide cùng đôi chút về con cháu họ. Tất nhiên nếu lần theo tộc phả từng chi, từng ngành thì còn biết bao nhiêu chuyện.

Về nguồn gốc của thế gian còn có một cách kể hơi khác một chút. Nhà viết hài kịch cổ đại Hy Lạp, Aristophane thế kỷ V TCN viết:

Đêm tối có đôi cánh đen

Đem một quả trứng sinh ra từ gió

Đặt vào lòng Érèbe tối đen, sâu thẳm, mịt mù

Và trong khi bốn mùa thay nhau qua lại

Thì cả không gian hằng hằng mong đợi

Thần Tình yêu đến với đôi cánh vàng ngời ngợi chói lòa.

Cách giải thích này rõ ràng không giống với câu chuyện vừa kể trên. Đó là cách giải thích theo quan niệm của học thuyết thần thoại tôn giáo Orphisme, một học thuyết ra đời muộn hơn, vào quãng thế kỷ VIII TCN.

… Thuở xưa, trước buổi khai thiên lập địa chỉ có Chaos. Chaos là một vực thẳm trống rỗng, tối tăm nảy sinh từ Thời gian Vĩnh viễn-Chronos40. Lửa, Nước, Không khí cũng từ Chronos mà ra, và nhờ có chúng các vị thần mới có thể kế tiếp nhau ra đời hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Đêm tối-Nyx và Sương mù đều cư ngụ trong lòng Chronos. Sương mù kết đọng lại thành một quả trứng khổng lồ. Và đã có trứng thể tất có ngày trứng phải nở.

Quả trứng đã nở ra một vị thiên thần tươi trẻ, xinh đẹp có đôi cánh vàng. Vừa ra khỏi vỏ trứng vị thần này liền lấy hai tay dâng một nửa vỏ trứng lên cao và đạp nửa vỏ sau xuống dưới chân mình. Thế là Trời-Ouranos và Đất-Gaia hình thành. Còn vị thiên thần tươi trẻ xinh đẹp là thần Tình yêu-Éros. Éros là một vị thần có quyền lực đặc biệt; thần có tài làm cho vạn vật muôn loài, từ các vị thần cho đến con người, súc vật, cỏ cây hoa lá, thậm chí cả núi non sông biển giao hòa gắn bó với nhau. Thần đã gom góp, kết hợp mọi vật ở thế gian này để tạo ra cuộc sống. Mà quả thật như vậy, nếu như Trời và Đất không “âu yếm” nhau thì tại sao Trời không xa nổi Đất? Tại sao Trời không bỏ Đất mà đi để mặc Đất sống cô đơn, trơ trọi một mình, không ai che chở trong cõi Hư không tối tăm lạnh lẽo? Chính vì Trời đã “âu yếm” Đất nên đã chiếu rọi xuống Đất ánh sáng và khí nóng, đã tưới tắm cho Đất những cơn mưa ẩm mát để cho mùa màng tươi tốt, hoa thắm cỏ xanh. Còn Đất, để đền đáp lại tình yêu của Trời, tình yêu của Éros ban cho, Đất đã thai nghén ấp ủ trong lòng những hạt giống và làm cho chúng nảy mầm đâm nhánh. Đất đã truyền đi nhựa sống của mình nuôi cỏ hoa cây cối. Và có phải để “làm dáng” với Trời mà Đất luôn luôn thay đổi y phục và đồ trang sức, khi thì xanh xanh bát ngát, khi thì vàng rượi óng chuốt một màu? Lại có lúc Trời bận việc đi xa để Đất nhớ, nhớ đến héo hon, ủ rũ, âu sầu!

[35] Tiếng Hy Lạp khaos: vực thẳm; sau này mang nghĩa hỗn độn, rối rắm.

[36] Tiếng Hy Lạp gaea: đất.

[37] Tiếng Hy Lạp kiclope: vòng tròn.

[38] Tiếng Hy Lạp hécatonchires: trăm tay.

[39] Có lúc gọi là gió Đông Nam.

[40] Tiếng Hy Lạp khronos: thời gian.

Quyển 1 – Chương 3: Cronos lật đổ Ouranos

Ouranos và Gaia, như trên đã kể, sinh ra ba loại con khổng lồ. Đối với những đứa con Cyclopes và Hécatonchires, Ouranos rất ghét. Hình như Ouranos thấy sự có mặt của chúng là một điều ô nhục đối với mình. Thần nghĩ ra một cách để tống chúng đi cho khuất mắt: đầy chúng xuống địa ngục Tratar, nơi sâu thẳm kiệt cùng dưới lòng đất.

Nữ thần Gaia hoàn toàn không bằng lòng với chồng về cách đối xử với lũ con Cyclopes và Hécatonchires của bà như vậy. Bà tìm đến đám con Titan, xui giục các Titan chống lại bố. Nhưng chẳng một Titan nào dám nghe theo lời mẹ. Duy chỉ có Titan Cronos là dám đảm nhận công việc tày đình ấy. Theo mưu kế của mẹ, được mẹ giao cho một lưỡi hái, Cronos rình nấp chờ lúc Ouranos vào giường ngủ, chém chết Ouranos [41].

Titan Cronos

Máu của Ouranos-Trời chảy xuống Gaia-Đất sinh ra một thế hệ khổng lồ thứ tư mà so với các Cyclopes và Hécatonchires, thế hệ này nếu không hơn thì cũng chẳng hề mảy may thua kém. Đây là những khổng lồ Gigantos [42] có thể gọi là Đại khổng lồ, thân hình cao lớn, khiên giáp sáng ngời, trong tay lúc nào cũng lăm lăm ngọn lao dài nhọn hoắt, mặt mày dữ tợn gớm ghiếc.

Máu của Ouranos còn sinh ra những nữ thần Érinyes (thần thoại La Mã: Furies) [43] tay cầm roi, tay cầm đuốc, mái tóc là một búi rắn độc ngoằn ngoèo vươn đầu ra tua tủa, ai trông thấy cũng phải cao chạy xa bay. Những nữ thần này lãnh sứ mạng trừng phạt báo thù kẻ phạm tội bằng cách giày vò trái tim kẻ đó suốt đêm ngày khiến cho y ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bồn chồn, day dứt.

Người ta còn kể, những giọt máu của Ouranos nhỏ xuống biển đã sinh ra nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite.

*

Con cái của Ouranos rất nhiều. Người ta tính ra Ouranos có khoảng từ 12 đến 45 đứa con. Vào thế kỷ I TCN nhà học giả Diodore đảo Sicile [44] trong tác phẩm Tủ sách lịch sử[45] đã sưu tầm và kể lại các huyền thoại. Huyền thoại về Ouranos, dưới ngòi bút của ông, lúc này đã ít nhiều mang ảnh hưởng của lý thuyết về huyền thoại của Évhémère46, một lý thuyết giải thích thần thoại có tính chất duy vật và duy lý còn sơ lược và ngây thơ. Diodore cho rằng Ouranos là vị vua đầu tiên của những người Atlante sống trên bờ Okéanos. Ouranos đã truyền dạy cho dân mình khoa học, kỹ thuật, bản thân nhà vua là người rất am hiểu khoa học, kỹ thuật và thường say mê theo dõi thiên văn. Vì thế sau khi Ouranos chết, nhân dân đã thần thánh hóa ông và dần dần người ta đồng nhất ông với bầu trời. Cũng theo nhà học giả này, Ouranos có 45 con, 18 đứa trong số đó là con của Ouranos với Tita. Vì thế mới có cái tên Titan. Sau này Tita đổi tên là Gaia. Cách giải thích của Diodore chắc chắn là không đủ sức thuyết phục khoa học. Nhưng chúng ta cần biết qua để thấy được một cố gắng của các nhà học giả cổ đại muốn tìm hiểu hạt nhân hiện thực trong huyền thoại.

Về nữ thần Gaia không phải chỉ sinh nở có thế. Nàng còn có nhiều cuộc tình duyên và mỗi cuộc tình đều đem lại cho thế gian những vị thần này, thần khác. Kết hôn với thần Biển-Pontos, con mình, Gaia sinh ra các thần Biển: Nérée, Phorcys, Thaumas, Céto. Kết hôn với Tartare, Gaia sinh ra Typhon, một quỷ thần có trăm đầu là rắn phun ra lửa, to lớn khổng lồ có dễ còn hơn cả thế hệ khổng lồ Hécatonchires lớp trước. Có chuyện còn kể Gaia sinh ra cả lũ ác điểu Harpies, con mãng xà Python…

Là nữ thần Đất Mẹ, Gaia có một vị trí rất lớn, rất quan trọng trong tín ngưỡng của người Hy Lạp cổ. Gaia được coi như là vị cao tằng tổ mẫu của loài người, là nơi cư ngụ cho những người trần thế, nuôi sống họ đồng thời cũng là nơi an nghỉ của họ, khi họ đã kết thúc cuộc sống tươi vui của mình trên mặt đất tràn đầy ánh sáng để bước vào cuộc sống ở thế giới khác. Nàng là khởi đầu và kết thúc của sự sống. Nàng còn được coi là người nuôi dưỡng mùa màng, cây cối cho được tươi tốt, bội thu, sinh con kết trái. Vì thế Gaia có một biệt danh là Carpophorus, nghĩa là Gaia-Được mùa. Khắp nơi trên đất nước Hy Lạp xưa đâu đâu cũng thờ cúng Gaia. Trong những lời thề nguyền thiêng liêng, người Hy Lạp thường viện dẫn Gaia để chứng giám.

Ở vùng Dodone, Tây Bắc Hy Lạp, sau này người ta coi Gaia như là vợ của Zeus, đẩy lùi hình ảnh Dioné, Héra, Déméter xuống vị trí thứ yếu.

*

Nữ thần Đêm tối-Nyx sinh ra rất nhiều vị thần tai hại cho thế gian và loài người. Đó là những nữ thần Kères có đôi cánh đen, chân có móng sắc nhọn, khoác một tấm áo lúc nào cũng thấm ướt máu người. Các nữ thần Kères thường hạ cánh xuống nơi chiến địa để hút máu, ăn thịt những người đã chết. Đây là những nữ thần Chết khác với thần Thanatos, một nam thần cũng là con của Nyx, lãnh sứ mạng đi báo tử cho những kẻ bất hạnh mà thật ra người Hy Lạp xưa kia cũng coi Thanatos như là thần Chết. Tiếp đến là thần Giấc ngủ-Hypnos [47] còn gọi là thần Giấc mộng, nữ thần Bất hòa-Éris.

Thần Giấc ngủ-Hypnos và nữ thần Bất hòa-Éris.

Trong số con gái của nữ thần Nyx ta không thể không nhắc đến vị nữ thần Đấu tranh. Giống như mẹ, vị nữ thần này lại đẻ ra một loạt các thần tai hại khác như Mỏi mệt, Đói khổ, Đau thương, Hỗn loạn, Gây gổ, Cướp bóc, Chém giết…

Chưa hết, Đêm tối-Nyx còn sinh ra ba chị em nữ thần Moires (thần thoại La Mã: Parques hoặc Tri Fata)[48] cai quản Số mệnh của thần thánh và loài người. Số mệnh này là cuộn chỉ trong tay nữ thần Clotho (thần thoại La Mã: Nona). Nàng quay cuộn chỉ để cho nữ thần Lachésis (thần thoại La Mã: Decima) giám định. Chiểu theo sự giám định này, nữ thần Atropos (thần thoại La Mã: Morta) tay cầm kéo lạnh lùng cắt từng đoạn chỉ-Số mệnh của chúng ta. Thật bất hạnh cho ai bị lưỡi kéo của Atropos cắt đoạn chỉ-Số mệnh của mình. Người đó sẽ buộc phải từ bỏ cuộc sống êm dịu, ngọt ngào như mật ong vàng để về sống dưới địa ngục Tartare.

Ta còn phải kể đến nữ thần Némésis một người con gái của nữ thần Đêm tối-Nyx, đảm đương công việc trừng phạt, trả thù đối với những kẻ phạm tội để giữ gìn luân thường đạo lý và sự công bằng. Nàng còn là vị nữ thần gìn giữ sự mực thước trong đời sống. Những thói kiêu căng, ngạo mạn của người trần thế muốn vượt lên thần thánh, rồi những hoàn cảnh ỷ thế giàu sang, có quyền có lực làm càn, làm bậy, cùng những hành động thái quá như xa hoa, tự phụ, ức hiếp lương dân đều không qua được con mắt nữ thần Némésis.

Đó là tóm tắt câu chuyện về buổi khai thiên lập địa, thế gian từ chỗ hoang vu, hỗn độn đến chỗ có hình dáng và có thần cai quản. Nhưng lúc này đây mọi thứ còn hết sức bề bộn ngổn ngang, chưa ổn định, chưa trật tự, cân bằng. Cronos cướp ngôi của Ouranos cai quản thế gian với tất cả nỗi khó khăn như vậy.

Thần thoại về buổi khai thiên lập địa của người Hy Lạp có những nét tương đồng với thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới mà khoa thần thoại học so sánh (comparatif mythologie) đã khảo sát thấy. Đó là môtíp về việc tách đất ra khỏi trời, về việc tống giam những đứa con của đất vào lòng đất.

Đọc thần thoại Ấn Độ chúng ta thấy: Thuở khởi đầu của vũ trụ chỉ là nước mênh mông, không có cả Cái Tồn tại và Cái Không tồn tại [49]. Sau dần Nước thai nghén Mặt trời, Cái Không tồn tại vốn ở trong lòng Đất sinh ra cái Tồn tại. Và giai đoạn đầu của sự sáng tạo ra thế gian là phải tách cái Tồn tại ra khỏi Cái Không tồn tại. Cái Tồn tại là thế giới của người và thần, của Mặt trời, Khí nóng và Nước, Trời và Đất là những vị thần đầu tiên. Cái Không tồn tại là phạm vi của yêu ma quỉ quái, chỉ có bóng tối lạnh lẽo. Lại có cách giải thích khởi nguyên của vũ trụ là do tình ái: “Khi Shiva và Shakti giao hợp, tia lửa, lạc thú xuất hiện và vũ trụ phát sinh do tình ái…” [50], “… Shiva tự phân làm hai nửa, một âm và một dương, âm dương giao hòa thành vũ trụ…” [51]. Thần Indra theo một giả thuyết là con của Trời và Đất được thai nghén và sinh ra vào lúc mà hai vị thần này còn sống chung với nhau ở cùng một chỗ. Indra nhờ uống được thứ rượu thần là soma bỗng vụt lớn lên thành người khổng lồ có sức mạnh vô địch khiến bố, mẹ của Indra – Trời và Đất – vô cùng khiếp sợ, bỏ chạy. Nhưng mỗi người chạy đi một phía ngược chiều với nhau vì thế mà họ xa nhau vĩnh viễn. Còn Indra thì chiếm lấy khoảng không gian giữa Trời và Đất. Ở thần thoại Trung Quốc có truyện ông Bàn Cổ và bà Nữ Oa. Còn thần thoại Việt Nam có truyện thần Trụ Trời.

[41] Cronos chém đứt dương vật Ouranos.

[42] Tiếng Hy Lạp gigantôs: đại khổng lồ (grand géant).

[43] Érinyes gồm ba chị em Alecto, Tisiphone và Mégèe. Có nguồn chuyện kể Érinyes là con của Nyx-Đêm tối và Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu.

[44] Diodore de Sicile là nhà viết sử người Hy Lạp sống vào quãng cuối thế kỷ I trước công nguyên, đầu thế kỷ II sau công nguyên, dưới triều Hoàng đế La Mã Auguste.

[45] Diodore de Sicile, Bibliothèque Historique.

[46] Évhémère là học giả người Hy Lạp thế kỷ III TCN.

[47] Tiếng Hy Lạp hypnos: giấc ngủ, sau này Pháp hóa mang nghĩa thôi miên. Hypnolist: thôi miên; hypnotisme: thuật thôi miên.

[48] Tiếng Hy Lạp moires: số phận, định phận, phần.

[49] Trong Nhập môn triết học Ấn Độ (1972, Sài Gòn) Lê Xuân Khoa dùng những thuật ngữ: Hữu thể, Thực hữu, Thực tại và Phi thể, Vô hữu, Phi thực để diễn đạt hai khái niệm này, nguyên văn tiếng Sanskrit là Sat và Asat.

[50] Linga Rahasya.

[51] Manusmiriti, 32 – trích dẫn và chú thích của Lê Xuân Khoa. Nhập môn triết học Ấn Độ 1972, Sài Gòn, tr. 89.

Quyển 1 – Chương 4: Thần Zeus

Lật đổ Ouranos, giành lấy quyền cai quản thế gian, thế nhưng Cronos vẫn chưa yên tâm. Thần vẫn lo sợ số phận mình có ngày sẽ kết thúc như Ouranos, nghĩa là có một ngày nào đó, những đứa con do Cronos này dứt ruột đẻ ra sẽ truất ngôi của bố nó. Thần nghĩ ra một cách để trừ hậu họa: nuốt các con vào bụng! Rhéa năm lần sinh nở đều chẳng nuôi lấy được một đứa nào. Hestia (thần thoại La Mã: Vesta), Déméter, Héra rồi Hadès, Poséidon lần lượt bị Cronos nuốt chửng vào bụng. Nữ thần Rhéa rất đỗi lo lắng và giận dữ. Hơn nữa nàng lại sắp đến ngày sinh nở. Lần này theo lời khuyên của nữ thần Đất mẹ-Gaia, nàng lánh sang đảo Crète. Ở đây trong một cái hang đá của ngọn núi Ida, nàng đã sinh đứa con trai út và đặt tên nó là Zeus (thần thoại La Mã: Jupiter). Để bảo vệ con thoát khỏi số phận các anh chị của nó, Rhéa lấy một hòn đá dài quấn tã lót vào nom y hệt như một đứa bé rồi trao cho chồng, không nghi ngờ gì, Cronos nuốt luôn đứa bé hòn đá vào bụng.

THẦN ZEUS

Tuổi thơ ấu, Zeus ở đảo Crète, tuy phải xa mẹ (vì Rhéa sau khi sinh xong trở về Hy Lạp) song vẫn được chăm sóc chu đáo. Ngày ngày hai tiên nữ Ida và Adrastée – những tiên nữ trú ngụ ở rừng già, đồng nội, bờ sông ngọn suối hay ở núi cao, hang sâu cho đến những thung lũng hoang vắng mà người Hy Lạp gọi bằng một cái tên chung là Nymphe[52] – lấy sữa dê và mật ong nuôi đứa bé. Con dê thần Amalthée với bầu sữa lúc nào cũng căng, không bao giờ để chú bé Zeus phải khóc vì đói. Nó lại còn là người bạn thân thiết của Zeus, để cho Zeus khỏi khóc vì buồn. Tuy vậy cũng phải đề phòng nhỡ có lúc nào đó chẳng hiểu làm sao chú bé Zeus khóc thì phiền, rất phiền. Cronos mà nghe được tiếng khóc của Zeus thì số phận của chú thoát sao khỏi bị nuốt. Các quỷ thần Curètes lo việc đó. Bằng mọi cách, gõ trống, gõ chiêng khua vang binh khí, hò hét, kêu la… các Curètes phải làm cho hễ Zeus vừa cất tiếng khóc là bị át đi ngay. Cẩn thận hơn nữa, các Curètes còn lấy gỗ lấp, vít cửa hang thật kín không sót một kẽ hở nào để nhỡ ra Zeus có khóc thì cũng không một tiếng khóc nào lọt được ra ngoài.

Thường sau khi bú no rồi Zeus quay ra chơi đùa với “người bạn” dê của mình. Khi thì Amalthée dụi dụi đầu vờ húc chú bé Zeus, và chỉ dướn đầu lên đẩy nhẹ một cái là Zeus lăn kềnh ra đất. Khi thì Zeus nắm lấy đôi sừng của Amalthée mà vật, vật với tất cả sức lực của mình nhưng rồi Zeus lại lăn kềnh ra đất. Ngày tháng trôi đi, Zeus và “người bạn” Amalthée của mình sống với nhau thân thiết ấm cúng. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Zeus trong một lần chơi đùa với Amalthée đã… vặn gẫy băng mất một chiếc sừng của bạn! Có ai ngờ được Zeus đã lớn mau và khỏe mạnh đến thế. Zeus khổ sở vô cùng. Cậu chỉ còn biết an ủi Amalthée thân thiết với mình bằng một lời hứa chân tình, ân nghĩa. Zeus hứa, nếu sau này trở thành một vị thần có quyền thế, Zeus sẽ trả Amalthée chiếc sừng khác và sẽ ban cho Amalthée lúc nào cũng có thật nhiều, rõ thật nhiều hoa thơm, quả ngọt, trái chín, lá non.

Nói về chiếc sừng bị gãy của Amalthée, vì là chiếc sừng của con dê thần nên nó có phép lạ khác thường. Nếu ai có nó trong tay thì có thể ước gì được nấy. Zeus đem tặng chiếc sừng này cho hai tiên nữ đã nuôi dưỡng mình. Cái sừng Amalthée hay Cái sừng sung túc là một điển tích trong văn học thế giới chỉ sự phong phú dồi dào. Ở châu Âu người ta thường vẽ hoặc có khi trao tặng cho khách quý một chiếc sừng đựng đầy hoa quả để tượng trưng cho nguyện vọng và lời chúc tụng hạnh phúc, giàu có, ấm no.

Lại có một chuyện cũng nảy sinh ra điển tích Cái sừng sung túc. Đó là chuyện người anh hùng Héraclès giao đấu với thần Sông-Achéloos: Thần Sông đuối thế biến mình thành một con bò mộng, Héraclès nắm lấy sừng bò và bẻ gãy. Các tiên nữ Naïades, con của các thần Sông, đã nhặt chiếc sừng này làm thành một “lọ” hoa vô cùng đẹp đẽ. Từ đó ra đời điển tích Cái sừng sung túc.

[52] Tiếng Hy Lạp nymphe: thiếu nữ

Quyển 1 – Chương 5: Zeus lật đổ Cronos. Cuộc giao tranh với các Titan

Zeus lật đổ Cronos. Cuộc giao tranh với các Titan (Titanomachie)[53]

Thời gian trôi đi vùn vụt. Chẳng mấy chốc Zeus đã là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng. Nữ thần Đất-Gaia, bà nội của Zeus và Rhéa, mẹ Zeus, trao cho Zeus sứ mạng phải giải thoát số anh chị em bị nuốt. Trước khi bước vào cuộc giao tranh, Zeus tìm đến nữ thần Métis con của thần Okéanos, để xin một lời chỉ dẫn, vì Métis là vị nữ thần Thận trọng Khôn ngoan. Métis nói cho Zeus biết một thứ cây bí hiểm xưa nay chưa ai biết. Zeus phải lấy lá cây này về sắc thành nước cho Cronos uống thì mới có thể thành công.

Liều thuốc mới công hiệu làm sao! Cronos uống xong là lập tức trong bụng có gì nôn mửa ra hết. Thế là là ba chị gái và hai anh trai của Zeus sống lại. Cả hòn đá trá hình Zeus xưa kia cũng không mất. Tuy nhiên để lật đổ được Cronos thì lực lượng của Zeus quá yếu. Sáu anh chị em của Zeus làm sao đánh bại được các Titan cùng với con cháu của họ vốn là những vị thần có muôn vàn sức mạnh. Zeus phải giải thoát các Hécatonchires và các Cyclopes bị nhốt trong lòng đất. Những vị thần khổng lồ này xưa kia bị Ouranos đày xuống địa ngục Tartare khi Cronos lật đổ Ouranos, họ đã được giải thoát. Nhưng rồi Cronos thấy để họ sống trên dương gian sẽ có ngày gây ra hiểm họa cho địa vị của mình, vì thế tốt hơn hết là cứ trả họ về sống dưới vương quốc Tartare.

Zeus đã giải thoát cho các Cyclopes và các Hécatonchires. Lực lượng của phe Zeus mạnh hẳn lên. Với nghề rèn khéo léo, Cyclopes Argès đã sáng tạo ra chớp và trao cho Zeus,vì tên của thần, Argès, có nghĩa là “chớp”, còn Brontès thì trao cho Zeus sấm và Stéropès trao cho Zeus sét. Thật ra thì ba thứ vũ khí lợi hại này đều là công trình chung của cả ba anh em. Các Cyclopes còn rèn cho thần Hadès một chiếc mũ tàng hình. Ai đội mũ này thì địch thủ dù có trăm mắt cũng không sao thấy được. Thần Poséidon thì được cây đinh ba dài và nhọn hoắt. Với cây đinh ba này Poséidon có thể gọi gió bảo mưa, khêu sóng biển gây ra những cơn bão khủng khiếp và cũng có thể làm cho trời yên sóng lặng tùy theo ý muốn.

Riêng Titan Okéanos và con gái là Styx – nữ thần cai quản con sông âm phủ, đứng về phía Zeus. Các con của Styx là các nữ thần Nhiệt tình-Zélos, Thắng lợi-Niké, các nam thần Uy quyền-Cratos, Bạo lực-Bia đều theo mẹ chống lại Cronos và các Titan khác. Người ta còn kể Titan Japet và con cháu Titanide Mnémosyne cũng đứng về phe Zeus. Riêng Atlas con của Titan Japet là không theo cha, Atlas chống lại Zeus.

Cuộc giao tranh diễn ra suốt mười năm trời vô cùng khủng khiếp: đất lở, trời rung, biển sôi, núi sập tưởng chừng như vũ trụ thế gian trở lại cảnh hỗn mang nguyên thủy buổi nào. Các Titan bê từng quả núi ném tới tấp vào phe Zeus. Phe Zeus cũng giáng trả lại không kém. Zeus cho nổi sấm rung chuyển bầu trời, phát ra những tia chớp chói lòa mặt đất và giáng sét thiêu đốt, phá sập mọi thứ chung quanh. Thần Poséidon dùng cây đinh ba khơi sóng của Đại dương lên tạo ra những cơn giông tố hung dữ. Biển khơi sôi réo, gào thét, vật mình quằn quại làm rung chuyển cả mặt đất và run rẩy cả bầu trời. Còn các Hécatonchires với trăm tay và năm chục đầu thì không sức nào cản được. Và cuối cùng các Titan bị vây chặt phải chịu đầu hàng. Thần Zeus xiềng họ lại rồi tống giam xuống địa ngục do thần Tartare cai quản. Các Titan bị tống giam vào một khu vực hết sức nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chung quanh là những bức tường đồng dày. Nhưng cẩn thận hơn, Zeus còn giao cho các quỷ thần Hécatonchires trấn giữ ngay ở cửa. Riêng thần Atlas là con của Titan Japet chịu một hình phạt khác. Thần Zeus bắt Atlas phải giơ vai ra, gánh đội, chống đỡ cả bầu trời suốt quanh năm, ngày tháng. Sau này Atlas lại phạm tội bạc đãi người anh hùng Persée, con của Zeus, vi phạm truyền thống quý người trọng khách, nên đã bị Persée biến thành ngọn núi đá cao ngất. Và chính ngọn núi đá Atlas cho đến nay vẫn chống đỡ bầu trời ở trên đầu chúng ta. Nếu không có nó, có thể bầu trời đã đổ sập xuống, đổ ụp xuống đất từ lâu rồi.

Thế là sau mười năm giao tranh ác liệt, Zeus đã chấm dứt được quyền lực cai quản thế gian của các vị thần già. Các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu từ nay sắp đặt lại trật tự trong thế gian theo ý định của mình. Họ chọn ngọn núi Olympe cao ngất làm nơi trú ngụ, xây dựng trên đó một cung điện cực kỳ nguy nga, lộng lẫy, tráng lệ. Nơi đây không khí trong veo, quanh năm ngày tháng lúc nào cũng chan hòa ánh sáng. Chẳng có khi nào tuyết rơi, băng giá, cũng chẳng có những đám mây u ám đưa mưa dầm gió bấc về. Thật là một nơi ở thanh cao, tuyệt diệu của các vị thần. Từ đây người ta gọi thế hệ các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu là các vị thần ở ngọn núi Olympe, gọi tắt là các vị thần Olympe[54].

Nói về thần Atlas, thời cổ đại người ta tạc tượng vị thần này là một con người to khỏe, lực lưỡng đang cúi khom lưng giơ vai ra chống đỡ cả một quả cầu to đè nặng xuống trên vai. Vì lẽ đó cho nên ngày nay ở nhiều nước trên thế giới, cuốn sách in bản đồ, địa lý nước này nước khác mang tên là Atlas. Từ đó mở rộng ra cả đến những cuốn sách khoa học có tuyển in tranh ảnh để minh họa và giới thiệu toàn cảnh một vấn đề cũng gọi là Atlas. Rồi đến đốt xương cổ đầu tiên của cột sống đỡ cái đầu chúng ta cho ngay thẳng khỏi suy sụp cũng mang tên Atlas. Quê hương Atlas theo người xưa kể ở miền cực Tây, tên gọi là Atlante. Vì thế miền biển cực Tây đối với người Hy Lạp, Đại Tây Dương, mới có tên gọi là Đại dương Atlantique (Océan Atlantique). Trong nghệ thuật kiến trúc, những cột chống tạc hình người, hoặc những môtíp người đội, chống đỡ cho một thành phần nào trong công trình kiến trúc, mang tên là Atlante. Vì quê hương Atlas ở Atlante cho nên người ta cũng gọi Atlas là Atlante.

Thần Atlas

[53] Tiếng Hy Lạp machie: chiến đấu giao tranh.

[54] Olympe là ngọn núi cao nhất nước Hy Lạp, cao chừng 3.000 mét phía bắc. Do là nơi ở của các vị thần nên Olympe là ngọn núi thiêng liêng, trang trọng. Trong tiếng Pháp, tính từ “Olympien” với nghĩa bóng, chỉ vẻ oai nghiêm, trang trọng.

Quyển 1 – Chương 6: Nguồn gốc của loài người. Năm thời đại

Các vị thần đã được sinh ra như thế, khởi nguyên từ Vũ trụ, Đất, Trời, Tình yêu rồi từ thần này sinh ra thần khác, nối tiếp nhau đời đời kiếp kiếp. Nhưng còn loài người được sinh ra như thế nào, đó là điều ai cũng muốn biết.

Ai đã sinh ra những con người trên thế gian này? Xin thưa, các vị thần. Đó là các vị thần Olympe không hề biết đến tuổi già và cái chết, đã sáng tạo ra loài người. Các thần đã lấy vàng tạo ra giống người đầu tiên. Những con người đầu tiên này sống trong thời đại Cronos nắm quyền cai quản thế gian. Thời đại Cronos còn được người xưa gọi là thời đại Vàng hay thời đại Hoàng kim, hoặc thời đại Saturne.

Vào thuở ấy con người sống khác bây giờ nhiều. Thiên nhiên đem lại cho họ biết bao thức ăn, vật dụng dồi dào, hoàn hảo. Cây trĩu quả, lúa chắc bông, đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa… tóm lại không có một điều gì đáng phàn nàn chê trách. Con người sống như các vị thần chẳng hề biết đến lo âu, phiền não. Họ cũng không phải làm những công việc cực nhọc đến kiệt sức người. Cảnh đói khổ chẳng bao giờ bén mảng đến cuộc sống của bất cứ ai. Không có bệnh tật làm cho con người phải đau đớn, âu sầu. Và con người cũng không biết đến tiếng gõ cửa dọa đe của tuổi già và cái chết. Ngày này qua ngày khác con người sống trong hội hè, yến tiệc tưng bừng và cứ trẻ đẹp mãi mãi. Của cải đều là của chung hết thảy mọi người vì thế chẳng một ai phạm phải những thói hư tật xấu như: tham lam, ky cóp, trộm cắp, lừa đảo… Cửa ngõ chẳng phải then trong khóa ngoài, rào đóng trước sau. Con người sống trong tình thương yêu đùm bọc, quấn quýt lấy nhau. Mọi người đều trung thực, tin cậy lẫn nhau và trọng danh dự. Con người cứ thế sống mãi cho tới một người nào đó, họ từ giã cõi đời, từ giã một cách bình thản, tự nhiên như một giấc ngủ êm dịu thường đến đè nặng trên mi mắt, chinh phục họ. Khi đất đen đã phủ kín giống người Vàng này thì từ đây họ bước sang một cuộc đời mới. Thần Zeus vĩ đại giao cho họ một sứ mạng cao cả. Họ sẽ đóng vai trò của những vị thần Nhân hậu (Bienveillant) nhưng không phải sống trên đỉnh Olympe mà sống trên mặt đất, làm người bênh vực chân lý và bảo hộ cho những người trần thế. Đó là đặc ân của thần Zeus vĩ đại đã ban cho những người của thời đại Hoàng kim do Cronos trị vì, và chính thần Zeus đã giao cho con gái của mình là nữ thần Diké-Nữ thần Công lý, điều khiển thế gian nên cuộc sống mới tốt đẹp như vậy. Nhưng rồi mọi việc đều biến đổi. Thời đại Hoàng kim qua đi, con người Vàng chẳng còn trên thế gian nữa. Và phải một thời gian khá lâu sau này các vị thần Olympe mới sáng tạo ra được một giống người thứ hai để kế tiếp giống người Vàng đầu tiên. Nhưng con người bây giờ được sáng tạo ra không phải bằng vàng mà bằng bạc. Nó chẳng giống gì lớp người trước kia về hình dáng cũng như về trí tuệ. Nói đúng ra nó có phần không đẹp như trước và có phần kém thông minh hơn. Từ đây, người mẹ phải nuôi con vất vả sớm hôm, nuôi mãi, nuôi mãi ròng rã một trăm năm, đứa con mới khôn lớn trưởng thành. Nhưng con người của thời đại Bạc này sống chẳng được bao lâu. Sự ngu ngốc đã gây ra cho họ biết bao tai họa. Họ không xa lánh được những điều cám dỗ xấu xa. Từ đâu mọc lên trong trái tim họ những dây mơ rễ má của thói ghen tỵ, tham lam, xúc xiểm, dối trá, tàn bạo. Họ mất trí đến nỗi không còn biết sống cho mực thước nữa. Họ đã khinh thị thần linh, không chịu dâng lễ hiến tế đều đặn. Và thế là Zeus nổi cơn thịnh nộ, chôn vùi họ xuống đất đen, bắt họ phải chết. Thật ra thì họ chỉ được phép sống một cuộc đời mới ở dưới âm phủ. Họ chẳng được một ân huệ gì của các bậc thần linh.

Thần Zeus vĩ đại, bậc phụ vương của các thần linh và những người trần thế, lại sáng tạo ra một giống người thứ ba nữa. Đây là giống người Đồng, được sáng tạo ra từ cán của những ngọn lao đồng, khác hoàn toàn giống người Bạc. Đó là những con người rất hung hăng và rất đáng sợ. Loại người này chỉ ưa thích những cuộc giao tranh là suối nguồn của máu và nước mắt. Họ có một trái tim rắn như đá, lạnh như băng, chẳng hề xót xa trước cảnh đầu rơi máu chảy. Họ cũng chẳng biết đến những cử chỉ tế nhị, dịu dàng, những thú vui thanh nhàn, cao thượng mà chỉ quen thú vui với bạo lực, với cảnh đầu rơi máu chảy. Được thần Zeus ban cho một thân hình cao lớn, to khỏe với những đôi tay, bắp chân gân guốc có thể bạt núi ngăn sông nhưng họ lại không dùng sức lực đó để cày cấy, trồng trọt mà lại dùng vào các cuộc chinh chiến, chém giết lẫn nhau. Những người Đồng làm những ngôi nhà bằng đồng để ở, vật dụng trong nhà từ giường ghế cho đến đồ ăn thức đựng cũng đều bằng đồng. Vũ khí trong các cuộc giao tranh cũng bằng đồng bởi vì thời ấy sắt đen cứng rắn chưa ai biết đến. Những người Đồng không ăn bánh mì. Với tính khí hung hăng, kiêu ngạo, họ luôn chém giết lẫn nhau. Cứ thế, hết cuộc chém giết này đến cuộc chém giết khác cho đến một ngày kia chẳng còn sót một ai trên thế gian nữa. Giống người Đồng đã tự hủy diệt vì sự thái quá, sự không mực thước. Họ phải từ bỏ mặt đất chan hòa ánh sáng tươi vui để đi vào địa ngục muôn đời tối tăm của thần Hadès, chẳng một chút vinh quang lưu lại, và thế là chấm dứt thời đại Đồng của giống người Đồng.

Khi đất đen đã bao phủ giống người Đồng thì cũng là lúc Zeus, người con của Cronos, một lần nữa lại sáng tạo ra giống người thứ tư cho Đất Mẹ. Đây là một thế hệ người đứng đắn hơn, ưu tú hơn giống người trước. Họ là những vị anh hùng của dòng giống thần linh được mang danh là các vị Bán thần. Các vị anh hùng Bán thần này đã sống trên mặt đất bao la của chúng ta với bao nhiêu chiến công hiển hách. Nhưng họ cũng không có được một cuộc sống vĩnh hằng. Các cuộc chiến tranh thảm khốc và những cuộc hỗn chiến bạo tàn cướp đi cuộc sống của họ. Người thì chết dưới chân thành Thèbes bảy cổng, kẻ thì bỏ mình trong cuộc tranh giành gia súc của Oedipe. Và biết bao nhiêu người con ưu tú đã xuống thuyền vượt biển khơi mù xám để sang đánh thành Troie vì nàng Hélène mà không thấy được ngày trở về. Thương xót những vị anh hùng Bán thần, thần Zeus ban cho họ một cuộc sống mới vô cùng tốt đẹp. Thần đưa họ tới một nơi cách biệt với mọi người, xa tít tắp mù khơi, ở tận nơi cùng kiệt của đất. Đây là những hòn đảo Hạnh phúc trên bờ Đại dương do Okéanos cai quản có vực nước xoáy sâu. Họ sống ở đây trái tim thanh thản, chẳng phải tất bật lo toan về bát cơm manh áo. Đất đai phì nhiêu, màu mỡ, cứ mỗi năm ba vụ hiến dâng họ những hạt lúa chắc mẩy, ngọt như mật ong vàng.

Thời đại thứ năm là thời đại Sắt, một thời đại nghiệt ngã và tồi tệ hơn tất cả các thời đại trước. Đây là thời đại thống trị của Hybrid, Nữ thần Thái quá (Không mực thước). Con người được tạo ra bằng sắt, hai thái dương xám xịt, suốt đêm ngày bị đắm chìm trong cuộc sống vất vả, cực nhọc, bận rộn, tức tưởi. Và chẳng thể nào chấm dứt được tai họa ấy. Các vị thần đã đem lại cho con người bao nỗi ưu tư nặng nề khôn tả. Thời đại này sa sút đến mức xấu tốt lẫn lộn, phải trái không phân minh. Ở cái thời đại Sắt này con người đối xử với nhau lạnh lùng, tàn nhẫn. Cha mẹ chẳng chăm sóc, yêu mến, lo toan dạy bảo con cái. Con cái chẳng kính trọng mẹ cha. Truyền thống quý người trọng khách mất hết, tình bạn chân chính chẳng còn… Biết bao chuyện đau lòng đã xảy ra: cha già con bạc, hiếu nghĩa nhạt phai, danh dự bị vất bỏ. Điều Chân, điều Thiện, lời thề hứa mất tính chất thiêng liêng, cao cả. Quyền thế là sức mạnh thống trị tối cao. Vì thế kẻ ác tâm có thể hại người lương thiện bằng những lời bịa đặt xấu xa. Thói xấu muốn lợi mình hại người, thích thú trước việc dèm pha, chèn ép, triệt hại người khác cứ hiện ra lồ lộ dưới một bộ mặt đen xỉn ghê gớm. Bất hòa, bạo lực, chiến tranh cứ bám riết cuộc sống của loài người như một tai họa, một nỗi bất hạnh triền miên. Vì lẽ đó các nữ thần Lương tâm (Conscience) và Công bằng (Équité) vốn che giấu thân thể kiều diễm của mình trong những tấm lụa trắng phải từ bỏ con người để trở về với cuộc sống của các vị thần bất tử ở đỉnh Olympe. Đời sống trần thế chẳng có chỗ dung thân cho hai vị nữ thần này nữa. Còn các vị thần trên đỉnh Olympe tức giận giống người Sắt này khôn tả. Các vị chẳng ban cho họ những phúc lợi như xưa. Từ nay họ phải nai lưng ra làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng ăn. Để có được thịt muông thú họ phải dấn thân vào những cuộc săn bắt nguy hiểm. Để có được cá ăn họ phải đương đầu với biển khơi hung dữ. Để có được thóc lúa, hoa quả họ phải chống chọi với nắng hạn, mưa úng, bão lụt. Đời sống của giống người Sắt ngắn hơn các giống người ở các thời đại trước. Họ phải chịu nỗi khổ đau giày vò của tuổi già và bệnh tật. Nỗi bất hạnh cứ bám dai dẳng vào cuộc sống của họ như những cái vòi của con bạch tuộc bám chặt vào đá mà không phương kế gì rứt bỏ nó ra được, cứu chữa được.

Đó là câu chuyện về nguồn gốc loài người trải qua năm thời đại do nhà thơ Hy Lạp Hésiode kể, một câu chuyện nghe thì cũng hay nhưng quả thật cũng không lấy gì làm vui cho lắm. Bởi vì… nó là chuyện thần thoại mà!

Huyền thoại về năm thời đại của loài người của Hésiode có chút gì phảng phất, na ná như những huyền thoại nào đó của Thiên Chúa giáo. Điều dễ nhận thấy nhất là ở quan điểm cho rằng con người sống càng ngày càng hư hỏng, tội lỗi, xấu xa đến mức thần thánh, Thượng đế đã nhiều lần gia ân, khoan hồng cho nhưng con người vẫn chứng nào tật ấy. Và chính vì những tội lỗi ghê gớm của con người mà thần thánh phải trừng phạt, tước bỏ không ban cho họ cuộc sống an nhàn, vĩnh hằng, hạnh phúc. Thần thánh đã trừng phạt con người, bắt con người phải “lao động” mới có miếng ăn. Khoa tôn giáo học gọi quan điểm này là mạt thế luận[57]. Xuất phát từ quan điểm này mà Thiên Chúa giáo có tội tổ tông, tội lỗi của Cain, nạn hồng thủy, ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng… Phật giáo có quan điểm: con người ta sinh ra là đã mang ngay vào bản thân mình cái tiền oan nghiệp chướng của mọi nỗi khổ đau. Cái “dục” của con người ngày càng lớn ngày càng làm cho con người hư hỏng, tội lỗi.

[57] Eschatologie; gốc từ tiếng Hy Lạp eschatos: cuối cùng tận cùng, kết thúc; và logos: ngôn từ, diễn văn, khoa học.