Quyển 2 – Chương 5: Tiễu trừ đàn ác điểu ở hồ Stymphale

Héraclès nhận lệnh của Eurysthée lên đường tiễu trừ lũ ác điểu ở hồ Stymphale ở vùng Arcadie. Lũ ác điểu này làm tổ ở vùng quanh hồ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Sở dĩ chúng nhiều như thế là do xưa kia chúng bị một đàn sói đuổi chạy dồn vào đây, và càng bị dồn đống vào một chỗ chúng lại càng sinh sôi nảy nở nhiều gấp bội. Đây là những con chim to lớn như đại bàng, mỏ và móng bằng đồng, sắc như dao. Chúng chẳng những ăn thịt bất cứ con vật nào, giống vật nào mà lại còn ăn thịt cả người. Vì lẽ đó không một người dân nào dám bén mảng đến đánh cá ở vùng hồ rộng mênh mông này. Đáng sợ nhất là bộ lông của chúng, bộ lông bằng đồng dài như những mũi tên. Chúng có thể phóng những chiếc lông sắc nhọn ấy từ trên trời cao xuống các con mồi ở dưới đất. Gia súc của nhân dân chăn thả trên các đồng cỏ thường bị chúng ập đến giết chết rồi sà xuống ăn thịt hoặc tha về sào huyệt của chúng.

Héraclès cầu xin nữ thần Athéna giúp đỡ. Nữ thần bèn đến ngay xưởng rèn của vị thần Chân thọt-Héphaïstos, nhờ rèn cho Héraclès hai chiếc chiêng bằng đồng và bày cách cho Héraclès tiêu diệt chúng. Héraclès đem hai chiếc chiêng đồng tới vùng hồ Stymphale. Chàng khua chiêng ầm vang, náo động khiến cho lũ chim hoảng hốt bay ra khỏi tổ. Nhưng lũ ác điểu này đâu có phải là những con vật bình thường. Bay lên cao nhìn xuống thấy đối thủ của mình chỉ là một anh chàng đơn độc, chúng liền quây lại thành một vòng tròn lượn trên đầu Héraclès rồi phóng liên tiếp những mũi tên đồng, là lông chúng, xuống. Chàng Héraclès bình tĩnh ngồi xuống thu mình nấp vào trong hai chiếc chiêng lớn. Không một đòn nào của lũ ác điểu làm xây xát được da thịt chàng. Cứ thế chàng chờ cho lũ chim phóng hết những chiếc lông quý báu đó đi, đến khi ấy chàng mới bắt đầu đánh trả. Chàng giương cung bắn những mũi tên tẩm độc ác hiểm vào bầy chim. Chúng chết, rơi xuống lả tả như lá rụng. Những con sống sót, vô cùng hoảng sợ cắm đầu bay thẳng một mạch về phía mặt trời lặn, đến trú ngụ ở biển Pont-Euxin161. Từ đó trở đi người ta không thấy lũ ác điểu bay trở về tổ cũ. Nhân dân lại đến đánh cá ở chiếc hồ rộng mênh mông và yêu quý của họ.

Quyển 2 – Chương 6: Dọn sạch chuồng bò Augias

Theo lệnh Eurysthée, Héraclès lại tiếp tục dấn thân vào thử thách. Lần này Eurysthée giao cho chàng một nhiệm vụ không có gì là nguy hiểm nhưng chẳng kém phần nặng nề. Hắn vẫn cứ tưởng rằng Héraclès thể nào cũng có lúc phải bó tay trước những công việc hắn giao. Đó là việc quét dọn sạch sẽ chuồng bò của Augias. Augias là vị vua xứ Élis ở đất Péloponnèse, con của thần Mặt trời-Hélios. Ông được thừa hưởng của vua cha một gia tài khá phong phú, nhất là đàn gia súc thì nhiều và quý không biết ngần nào, thôi thì đủ giống, đủ loại, con nào cũng mập mạp, mượt mà trông thật thích mắt. Không biết bây giờ trên đất Hy Lạp còn có ai là người nuôi nhiều súc vật đến thế không, chứ như số gia súc Augias có thì vào bậc nhất rồi. Có người nói Augias có tới ba nghìn bò, ngựa, dê, cừu. Trong đàn súc vật hằng hà sa số đó đặc biệt có ba trăm con bò đực lông trắng như tuyết, hai trăm con bò có bộ chân đỏ thẫm như những tấm thảm mầu huyết dụ ở thành Sidon, mười hai con bò đực trắng muốt như những con thiên nga chuyên dành riêng để làm lễ hiến tế dâng thần Hélios. Riêng có một con là khác biệt hơn cả. Nó đẹp và dịu hiền kỳ lạ, toàn thân lúc nào cũng tỏa ra những tia sáng ngời ngợi như ngôi sao. Chuồng bò của Augias nuôi những con vật quý giá như thế, đúng là nhất không còn bàn cãi gì được. Nhưng nếu kể về bẩn thì chuồng bò Augias cũng dứt khoát xếp hàng đầu. Augias lười nhác chẳng trông nom gì đến công việc chăn nuôi để đến nỗi phân của súc vật chồng chất, ứ đọng lại tầng tầng lớp lớp trong chuồng, tràn cả ra cánh đồng màu mỡ. Có người bảo, đã ba chục năm trời chuồng bò không được quét dọn. Đất đai vì thế, quá thừa ứ phân bón đến nỗi chẳng sinh sôi cho con người những cánh đồng lúa mì đẫy hạt chắc bông… Quét dọn sạch chuồng gia súc của Augias là một công việc chẳng ai dám nghĩ đến cả vì nó bẩn quá, phân tràn ra ngập ngụa khắp nơi, sức lực người thường không một ai có thể làm nổi. Nhưng Héraclès dám đảm nhận cái công việc nặng nề ghê gớm đó. Chàng giao hẹn với Augias nếu như chỉ trong một ngày chàng quét dọn sạch bong các ngăn chuồng thì nhà vua phải trả công cho chàng một phần mười số gia súc. Augias ưng thuận. Hắn nghĩ rằng Héraclès dầu có tài giỏi khỏe mạnh đến mấy cũng không thể nào trong một ngày làm xong được. Nhưng Héraclès đâu có phải người thường: chàng nắn lại hai dòng sông Alphée và Pénée lái cho nước chảy về chuồng bò, sau đó chàng dời hai bức tường ở hai đầu chuồng bò để cho nước của hai con sông ào ạt chảy qua, xối chảy thẳng vào. Công việc làm chưa đến một ngày. Nước ở hai dòng sông chảy về cuốn sạch băng tất cả những đống phân lưu cữu từ hàng bao năm. Chuồng gia súc trong chốc lát sáng sủa, tinh tươm khiến ai trông thấy cũng vui mừng và cảm phục tài năng của người dũng sĩ. Giờ đến lúc Augias trả công cho Héraclès. Thật là lòng người quay quắt khôn lường! Augias nói Héraclès không đáng được trả công vì phải nhờ Iolaos giúp sức, và thực ra công việc này do Eurysthée giao cho Héraclès làm, Héraclès làm là làm cho Eurysthée… Hành động ăn quỵt này của Augias bị chính ngay con trai của hắn tên là Phylée tố cáo. Phylée thấy việc làm không đúng đắn của cha đã đứng ra làm chứng với hết thảy mọi người rằng chính cha mình đã hứa trả công cho Héraclès một phần mười số gia súc. Augias bị con vạch trần sự thật, nổi giận, đuổi thẳng con đi. Hắn cũng đuổi luôn cả Héraclès ra khỏi đất nước của mình. Thế là người anh hùng của chúng ta phải cắn răng uất hận, chịu nhục trở về Tirynthe.

Quét sạch hoặc Dọn sạch chuồng bò của Augias (Nettoyer les écuries d”Augias) ngày nay là một điển tích trong văn học thế giới, chỉ một tình trạng trì trệ, hỗn độn, cần phải, hoặc đã được thanh toán xóa bỏ để đem lại sự trong sạch, trật tự, ổn định, tiến bộ.

Khi hết hạn làm khổ sai cho Eurysthée, Héraclès trở lại trả thù tên vua lừa đảo ấy. Héraclès kéo một đạo quân hùng mạnh tiến vào đất Élis. Chàng kết liễu đời tên Augias bằng một mũi tên tẩm độc, máu của con mãng xà Hydre ở vùng đầm lầy Lerne xưa kia. Sau khi chiến thắng, Héraclès thu thập tất cả tài sản của Augias đem về đô thành Pise rồi làm lễ hiến tế các vị thần bất tử của thế giới Olympe muôn vàn tôn kính. Héraclès còn trừng phạt tất cả những bạn đồng minh của Augias. Vua xứ Pylos đất Messénie162 tên là Nélée bị đền tội cùng với mười một người con trai. Có một người con của Nélée tên là Périclyménos xưa kia được thần Apollon ban cho phép biến hóa thành muôn loài tưởng có thể thoát khỏi cuộc trừng phạt, nhưng vẫn không thoát. Y biến thành con ong, bay đến đậu trên lưng một con ngựa trong cỗ xe Héraclès, bằng cách ấy hy vọng có thể đánh trả lại cuộc tấn công của Héraclès, trả thù cho cha và các anh em. Và Héraclès đã kết liễu gọn đứa con trai đầy tài năng này của Nélée. Riêng một người con trai của Nélée là Nestor thoát chết vì vắng nhà. Sau này Nestor nổi danh là một dũng tướng với những chiến công lừng lẫy. Trong cuộc chiến thành Troie, ông già Nestor là người đã đem lại cho quân Hy Lạp những lời khuyên bảo khôn ngoan, được toàn quân từ tướng lĩnh cho đến binh sĩ mến yêu kính trọng.

Héraclès, sau khi trả được mối thù với Augias bèn làm lễ hiến tế để cảm tạ các vị thần Olympe. Chàng lại còn định ra ngày hội lễ để nhân dân đời sau ghi nhớ mãi công đức của thần Zeus và các vị thần, cũng như ghi nhớ chiến công của chàng, một người anh hùng, dòng dõi của người anh hùng kiệt xuất Persée và cũng là dòng dõi của đấng chí tôn chí kính, toàn năng toàn quyền Zeus, bậc phụ vương của các vị thần bất tử và những người trần đoản mệnh. Hội mang tên là Olympiques, cứ bốn năm một lần mở tại đô thành Olympiques thuộc đất Élis trên bán đảo Péloponnèse. Quanh khu đất dùng làm trường đấu cho cuộc thi, Héraclès cho trồng cây olive để tưởng nhớ đến công lao của nữ thần Athéna, người đã theo lệnh Zeus, chuyên tâm theo dõi và bảo hộ cho Héraclès.

[160] Sông Istros ngày nay là sông Danube. Người Hy Lạp xưa kia tưởng con sông này bắt nguồn từ mạn cực bắc của Trái Đất.

[161] Pont-Euxin ngày nay là Biển Đen (Hắc Hải).

[162] Ở Hy Lạp xưa kia có hai đô thành Pylos, một ở đất Étolie tây bắc bán đảo Péloponèse, một ở đất Messénie tây nam.

Quyển 2 – Chương 7: Bắt sống con bò mộng ở đảo Crète

Từ đây trên đất Hy Lạp không còn gì để Eurysthée hành hạ Héraclès nữa. Bao ác thú, bao quái vật, Héraclès đã dẹp trừ xong. Eurysthée phải tìm ra những thử thách khác cho Héraclès. Và lần này vị vua hèn nhát ấy nghĩ tới đảo Crète. Hắn ra lệnh cho Héraclès phải sang đảo Crète bắt sống được con bò mộng hung dữ đang gây nhiều tai họa cho đời sống dân lành đem về Mycènes. Đây là một con bò thần, toàn thân trắng muốt như tuyết in, từ dưới biển hiện lên. Vua Minos, con của nàng Europe đón được con bò này. Nhẽ ra nhà vua phải thực hiện đúng lời cam kết với thần Poséidon, hiến dâng con bò cho thần như đã hứa: “Sẽ hiến dâng thần Poséidon những vật gì hiện lên trên mặt biển…” Nhưng Minos tham tâm, tiếc con bò đẹp liền đánh tráo và chọn một con bò khác cũng đẹp không kém hiến dâng thần. Biết chuyện đổi trắng thay đen này, thần Poséidon nổi giận, làm cho con bò lông trắng như tuyết in ấy hóa điên, mũi phun ra lửa, chạy lung tung làm đàn bò của Minos sợ hãi chạy tan tác. Con bò chạy khắp đảo, giày xéo lên hoa màu, húc đổ nhà cửa, gây thiệt hại cho dân lành không biết bao nhiêu mà kể. Héraclès đến đảo Crète. Chàng đuổi bắt con vật chẳng phải khó khăn gì. Đôi tay của chàng nắm chặt lấy đôi sừng bò, ghìm lại. Thế là nó phải chịu thuần phục. Trị được con bò, Héraclès bèn ngồi lên lưng nó bắt nó vượt biển đưa chàng về Péloponnèse. Và chàng cứ thế cưỡi bò về Mycènes trình diện trước nhà vua. Cũng như những lần trước, Eurysthée lại sợ để con bò thần này trong đàn bò của mình thì có ngày sinh chuyện. Tốt hơn hết là đem hiến dâng nữ thần Héra. Nhưng nữ thần Héra có ý không muốn nhận một tặng phẩm do đứa con riêng của chồng mình (mà nàng vẫn căm ghét) đoạt được bằng chiến công hiển hách của nó. Vì thế, nàng đã thả con bò ra. Con bò được tự do liền chạy một mạch từ đất Argolide qua Corinthe tới sống ở miền đồng bằng Attique. Chính ở nơi đây, sau này, người anh hùng Thésée đã lập một chiến công nối tiếp chiến công của Héraclès, trừ khử con bò ngay trên cánh đồng Marathon để loại trừ một tai họa cho dân lành.

Quyển 2 – Chương 8: Đoạt bầy ngựa cái của Diomède

Hết ở đảo Crète bắt bò, Héraclès lại sang xứ Thrace bắt đàn ngựa của Diomède. Vua Diomède vốn là con của thần Chiến tranh-Arès, có một đàn ngựa cái rất đẹp, những con ngựa to lớn, đẫy đà khác thường. Thế nhưng chúng không phải là những con ngựa mà bất cứ ai cũng có thể thắng yên, ngồi lên trên chúng mà phi nước đại được. Chúng hung dữ kinh khủng. Sở dĩ tính nết chúng bất kham như thế là vì chủ chúng đã nuôi chúng bằng thịt người. Nếu bạn là một người khách từ phương xa đến dừng chân nghỉ lại ở đô thành của Diomède thì chắc chắn bạn sẽ gửi xác lại trong bụng ngựa. Diomède hễ thấy khách lạ đến kinh thành là vờ đón tiếp hậu hĩ rồi sau đó mời khách ra xem chuồng ngựa quý và đẩy luôn khách vào chuồng làm mồi cho ngựa. Những con ngựa, vốn phải dùng xích sắt mới cột giữ được chứ không phải là vừa, sẽ kết liễu số phận vị khách khá nhanh. Mưu mô thâm độc của Diomède đã giết hại không biết bao người.

Bằng sức lực và mưu mẹo, Héraclès và các bạn chiến đấu của mình đã bắt sống được đàn ngựa của Diomède. Nhưng trong lúc sắp sửa xuống thuyền thì Diomède đem quân truy đuổi kịp. Héraclès giao cho một người bạn tên là Abdéros, con trai của thần Hermès, coi giữ đàn ngựa, còn mình với một số anh em đứng ra chống cự với quân địch. Trận đánh diễn ra khá ác liệt. Héraclès như một con mãnh hổ xông vào đám tướng sĩ của Diomède. Và chẳng mấy chốc chàng đã mở đường lao tới Diomède nện cho hắn một chùy, kết liễu cuộc đời tên vua tàn bạo. Thắng giặc quay về thì đau đớn biết bao, người chiến hữu thân mến Abdéros đã bị đàn ngựa xé xác ăn thịt! Thương nhớ người bạn bỏ mình ở nơi đất khách quê người. Héraclès và các bạn xây dựng một đô thành nguy nga trên bờ biển đặt tên là Abdère để ghi nhớ công ơn của một người bạn trung thành và tận tụy.

Eurysthée được đàn ngựa nhưng y chẳng biết dùng làm gì. Và y lại sợ để đàn ngựa này lại nuôi thì có ngày tai họa. Y thả đàn ngựa. Lũ ngựa chạy vào vùng núi Olympe và chết dần chết mòn vì bị thú dữ ăn thịt.

***

Có một chuyện xảy ra trong hành trình của Héraclès tới xứ Thrace của Diomède mà ta không thể bỏ qua được. Chuyện xảy ra như sau:

Trên đường đi Thrace, Héraclès dừng chân lại xứ Thessalie thăm người bạn là Admète hiện đang cai quản đô thành Phères. Admète là một người anh hùng nổi tiếng, đã từng tham dự vào cuộc săn con lợn rừng khủng khiếp ở vùng rừng Calydon. Chàng cũng đã có mặt trong cuộc viễn chinh của những người Argonautes. Thần Apollon đặc biệt yêu mến chàng và là người che chở, bảo hộ cho chàng. Thuở ấy Admète được các vị thần cho sống trên thế giới Olympe với biết bao ân huệ. Nhưng chàng đã phạm phải một tội tày đình khiến các thần không thể nào tha thứ được: chàng đã giết những người khổng lồ Cyclopes trong một cuộc xung đột mất trí. Các vị thần trục xuất chàng khỏi thế giới Olympe và bắt chàng đi chăn gia súc. Trong những ngày bị trừng phạt ấy, Admète đem lòng yêu công chúa Alceste con của vua Pélias, đúng hơn phải nói là người con gái xinh đẹp nhất của vua Pélias. Nhưng điều kiện để thành hôn với người đẹp không dễ, xưa nay vốn như thế. Vua Pélias chỉ thừa nhận là rể nếu vị cầu hôn nào thắng được vào cỗ xe của nhà vua hai con vật thuộc loài ác thú. Cũng không có nhiều chàng trai dám thí mạng mình với cái điều kiện ấy để đoạt được người đẹp. Nhưng Admète dám lao vào. Nhờ thần Apollon giúp đỡ, chàng đã thuần phục được một con sư tử và một con lợn rừng, thắng chúng vào cỗ xe của nhà vua Pélias. Alceste trở thành vợ chàng. Hai người sống ở đất Thessalie. Các vị thần đã cho Admète cai quản xứ này. Nhưng Admète lại phạm vào một tội nữa. Trong ngày thành hôn chàng đã quá vui mà quên mất lễ hiến tạ ơn nữ thần Artémis. Nữ thần nổi giận liền trừng phạt: Admète vừa bước vào phòng ngủ thì thấy trên giường không phải là người vợ xinh đẹp của mình mà là một búi rắn độc. Chàng sợ hãi rụng rời. Nhưng thần Apollon, người bảo hộ chàng đã “nói lại” với cô em gái xóa bỏ quyết định, thay vào đó rút ngắn cuộc đời của Admète lại. Song các vị thần có chú thích thêm: Admète khi tới hạn kỳ của số phận nếu được một ai trong gia đình tình nguyện chết thay cho thì cũng được. Thần Apollon cố gắng cứu vớt cho Admète. Thần tìm mọi cách để cám dỗ các nàng Moires, thần chuốc rượu các nàng cho say để các nàng không cắt, đúng hơn, để nàng Atropos không cắt sợi chỉ của cuộc đời Admète. Sự cố gắng của thần Apollon cũng không kéo dài cuộc đời của Admète được bao lâu. Số mệnh dù sao vẫn cứ là Số mệnh. Nàng Atropos lạnh lùng cầm chiếc kéo cắt sợi chỉ của cuộc đời Admète. Thần Chết-Thanatos từ dưới âm phủ vội lên trần để thực hiện mệnh lệnh của Số mệnh.

Tại gia đình Admète một không khí tang tóc bao trùm. Chỉ một thời gian ngắn nữa, Admète sẽ từ bỏ cuộc sống hạnh phúc này để xuống thế giới tối tăm của thần Hadès. Liệu trong gia đình chàng có ai dám chết thay chàng không? Admète cầu xin bố, mẹ, một trong hai người chàng chịu ơn nuôi dưỡng, thương chàng cảnh vợ dại con thơ mà hy sinh cho chàng. Nhưng cả hai người, mặc dù tuổi tác đã gần kề miệng lỗ nhưng vẫn còn tham sống, sợ chết. Trước tình cảnh ấy, nàng Alceste đứng ra xin chịu chết thay cho chồng. Nàng quyết định hy sinh cuộc đời trẻ đẹp của nàng để cho người chồng được sống, không một chút ân hận, đắn đo. Nàng tắm rửa sạch sẽ, mặc tang phục rồi đi đến bếp lửa ở giữa nhà quỳ xuống cầu nguyện nữ thần Hestia, xin nữ thần hãy phù hộ cho các con nàng được sống hạnh phúc. Nàng không quên dâng lễ vật lên bàn thờ các vị thần Olympe. Sau đó nàng vào trong phòng nằm vật xuống giường chờ thần Chết đến. Các con nàng sà vào lòng nàng khóc than thảm thiết. Nàng ôm hôn chúng, nước mắt giàn giụa. Còn Admète, chàng chỉ biết khóc than cho số phận trớ trêu đã đặt chàng vào một cảnh ngộ bi thương thê thảm quá đỗi. Các nữ tì trong gia đình cũng không sao cầm được nước mắt. Bỗng Alceste kêu lên:

– Chao ôi, ta cảm thấy cái chết đang đến gần! Hình như trước mắt ta hiện ra lão già Charon chở đò lạnh lùng và nghiệt ngã. Ôi, sao ta thấy trong người khang khác thế nào ấy! Chân tay ta rã rời như không còn sinh khí nữa. Thần Chết-Thanatos chắc đã sắp đến bắt ta về thế giới âm phủ.

Chính trong lúc ấy, thần Chết-Thanatos đang nhẹ bước đến lâu đài của vua Admète. Thần rẽ đến cắt một nhúm tóc trên đầu Alceste và hút linh hồn của nàng đi. Vị thần ánh sáng có cây cung bạc và những mũi tên vàng khẩn khoản nài xin Thanatos hãy khoan khoan, đừng bắt linh hồn của Alceste đi nhưng chẳng được. Những vị thần của thế giới âm phủ dưới quyền trị vì của Hadès đều lạnh lùng và tàn nhẫn, chẳng mảy may xúc động trước tình người.

Alceste nói những lời cuối cùng:

– Vĩnh biệt, xin vĩnh biệt chàng và các con thân yêu! Hỡi anh Admète yêu dấu, vô vàn thân thiết của em! Em chẳng ân hận gì khi phải từ bỏ cõi đời này vì cuộc sống của anh. Em chỉ cầu xin anh có mỗi một điều: Xin anh đừng để cho các con của chúng ta, những đứa con yêu quý của em phải sống tủi nhục cay cực trong cảnh dì ghẻ con chồng. Xin vĩnh biệt anh và các con. Chúc anh và các con hạnh phúc.

Admète khóc nấc lên, ôm lấy vợ. Nhưng nàng Alceste cao quý và xinh đẹp của chàng thân thể đã lạnh ngắt, tay chân cứng đờ, mắt nhắm nghiền như một người ngủ say. Mặc cho chồng lay gọi, các con lay gọi, nàng Alceste cũng không hay biết.

Tin vị hoàng hậu chết thay cho chồng làm xúc động những người dân của kinh thành Phères từ già đến trẻ. Mọi người đều cảm phục và xót thương cho vị hoàng hậu nhân đức của mình. Toàn kinh thành để tang nàng Alceste tám tháng. Người ta chuẩn bị lễ tang, đưa thi hài người đàn bà cao quý đó vào nhà mồ vô cùng tráng lệ.

Đúng trong cảnh tang gia bối rối ấy thì Héraclès đến thăm Admète. Trong tục lệ từ xưa truyền lại, Admète mặc dù đang có tang, vẫn mở tiệc trọng thể chiêu đãi vị khách quý, con của thần Zeus, bậc phụ vương của các thần và những người trần thế. Không muốn để vị khách quý buồn rầu, Admète cố gắng giấu nỗi đau thương đang vò xé lòng mình… Héraclès dù sao cũng nhận thấy một không khí u buồn bao trùm lên vẻ mặt mọi người. Chàng gặng hỏi, nhưng Admète nói tránh ra rằng có một người bà con trong họ vừa mới qua đời. Vị vua này còn cẩn thận đến mức sai gia nhân khóa chặt các cửa phòng lại để cho tiếng khóc than không vẳng được ra ngoài, làm ảnh hưởng đến bữa tiệc chào mừng vị khách quý. Còn Héraclès, chàng vẫn vô tình, tưởng người bạn mình nói thật. Chàng cứ ung dung chè chén, uống hết bình rượu này đến bình rượu khác, say sưa thưởng thức những món ăn ngon lành mà bạn mình thết đãi. Song sự thật có một sức mạnh hiển nhiên khó mà che đậy, giấu giếm được. Những gia nhân của Admète phục vụ cho Héraclès cố ghìm lòng nhưng nước mắt từ đâu cứ tuôn trào ra trên gò má. Héraclès sinh nghi, bèn gọi một nữ tỳ lại hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện. Chàng vừa cất lời hỏi thì người nữ tỳ đó bưng mặt khóc nức lên: “Thưa ngài, Đức vua Admète của con giấu ngài đấy ạ. Hoàng hậu Admète vừa qua đời”, và người nữ tỳ kể rõ ngọn ngành cho Héraclès biết. Nghe xong câu chuyện, Héraclès giận mình sao quá vô tâm vô tính đến nỗi cứ vui hưởng chè chén trong khi cả kinh thành Phères đang sống trong nỗi đau thương. Chàng giận mình một thì chàng lại cảm động trước tấm lòng hiếu khách của bạn mười. Thật là một con người chí tình chí nghĩa. Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong trái tim chàng: “Ta phải tìm cách gì cứu lại Alceste để đền ơn bạn mới được”. Chàng hỏi nơi đặt linh cữu của Alceste và quyết định sẽ đến đón thần Chết-Thanatos ở nơi đó để cướp lại Alceste.

Đám tang của Alceste được cử hành rất trọng thể. Sau khi tiễn đưa thi hài của Alceste vào nhà mồ, mọi người lần lượt ra về trong tiếng khóc than thảm thiết. Héraclès kiên tâm chờ đợi. Không bao lâu thần Chết-Thanatos với đôi cánh đen nhẹ nhàng hạ xuống khu mộ địa. Một luồng khí lạnh lan tỏa ra khiến Héraclès cảm thấy rờn rợn cả người. Thanatos lại tiếp tục công việc của mình, một công việc vô cùng ghê tởm. Y đưa đôi tay có những móng dài nhọn hoắt ra sờ soạng trên đầu của Alceste, sau đó y cúi bộ mặt xương xẩu gớm ghiếc xuống chậu đựng máu các con vật bị giết để làm lễ hiến tế, thè lè chiếc lưỡi dài ra hút lấy hút để như một người nhịn khát đã lâu vớ được một bình nước là cúi đầu uống ừng ực. Chính lúc ấy Héraclès ra tay. Chàng nhảy một bước tới bên Thanatos đưa đôi tay to lớn ra bóp cổ Thanatos. Nhưng Thanatos đâu phải tay vừa. Y dùng đôi tay có những móng tay dài nhọn hoắt gỡ khỏi thế bóp cổ cực kỳ nguy hiểm của Héraclès. Cuộc vật lộn vì thế trở nên gay go và ác liệt. Thanatos với đôi cánh to rộng luôn luôn xòe ra cụp vào để tránh những đòn của Héraclès. Bằng cách ấy y còn tạo ra những luồng gió lạnh làm cho Héraclès không thể giao đấu với y một cách thuận lợi được. Chưa hết, y còn phun âm khí nặng nề vào mặt Héraclès, dùng đôi tay có những móng nhọn dài và sắc cào cấu trên ngực Héraclès để cho khí lạnh thấm vào. Héraclès giao đấu với Thanatos thật vất vả. Nhưng rồi cuối cùng lợi dụng một sơ hở của y, Héraclès túm được đôi cánh của Thanatos bẻ quặt về phía sau rồi lấy dây trói chặt lại. Đoạn chàng vung thanh gươm dài và cong của thần Hermès lên toan kết liễu đời gã thần Chết kinh tởm này. Thần Chết nằm còng queo dưới đất thấy Héraclès vung gươm vội vã lạy van rối rít, xin chàng tha cho mạng sống. Héraclès ra điều kiện: phải trả lại linh hồn cho Alceste. Tất nhiên Thanatos chấp nhận. Thế là người anh hùng Héraclès dẫn nàng Alceste về cung điện để trao lại cho người bạn thân thiết của mình là Admète.

Nói về Admète, sau khi tiễn đưa vợ về nơi yên nghỉ đời đời, nhà vua trở về cung điện với nỗi đau xé ruột xé lòng. Chàng khóc than vật vã, cơm không thiết ăn, nước chẳng buồn uống. Nguôi nguôi được một lát nhưng hễ cứ nhìn thấy các con là nước mắt chàng lại trào tuôn. Đúng trong tình cảnh ấy thì Héraclès trở về cung điện, tay dắt một người đàn bà, khăn trùm kín mặt. Chàng xin với Admète cho phép người thiếu phụ này được ở lại cung điện cho đến khi chàng ở Thrace trở về, khi đó chàng sẽ đón nàng đi. Admète từ chối. Nhà vua nói, xin Héraclès trao gửi người đàn bà này đến ở một nơi khác vì lẽ hoàng hậu vừa mới qua đời mà nhà vua đã tiếp đón ngay một thiếu phụ đến ở trong cung điện thì thật là một điều không phải đạo. Nhưng Héraclès không nghe cứ thuyết phục Admète, khẩn cầu nhà vua cho người thiếu phụ trùm khăn kín mặt đó nương náu một thời gian. Kỳ quái hơn nữa, là Héraclès lại bắt nhà vua phải đích thân cầm tay người thiếu phụ đó dắt vào trong phòng và không được để tôi tớ, người ăn người ở trong nhà đụng đến người nàng. Mặc dù đã hết sức từ chối, nói rõ điều hơn lẽ thiệt cho Héraclès nghe, nhưng vị khách quý của nhà vua rất ương ngạnh không hề chịu nhượng bộ. Cuối cùng quá nể bạn, Admète đành phải dắt tay người đàn bà vào trong phòng.

Đến lúc này, Héraclès mới nói rõ sự thật với bạn:

– Admète hỡi! Anh đã cầm tay người đàn bà này vậy từ nay anh phải săn sóc, chăm nom nàng nhé! Anh hãy mở khăn trùm trên đầu người thiếu phụ này để nhìn rõ xem nàng là ai. Chắc rằng anh sẽ hoàn toàn hài lòng vì đã có một người bạn chân thành và tận tụy, con của đấng phụ vương Zeus, như Héraclès này đây! Thôi, anh bạn thân mến của ta ơi, anh có thể chấm dứt được những nỗi đau thương và những dòng nước mắt rồi đấy!

Admète làm theo lời bạn. Chàng vội vã nâng tấm khăn trùm kín trên đầu người thiếu phụ ra. Trời ơi! Lạ lùng làm sao và kỳ diệu làm sao! Alceste của chàng đang đứng ngay trước mặt chàng, im lặng, không nói. Chàng kêu lên:

– Có lẽ nào Alceste của ta lại từ cõi chết trở về? Có thật là nàng đấy chăng? Nhưng sao nàng không nói: Hỡi các đấng thần linh, xin các vị hãy chỉ giùm cho kẻ trần tục này biết, đây là Alceste hay chỉ là cái bóng của nàng.

Héraclès vội vã trả lời:

– Hỡi Admète, bạn thân mến của ta! Nhà vua danh tiếng của đô thành Phères, người đã thắng được một con sư tử và một con lợn rừng vào cỗ xe của vua Pélias! Xin chàng chớ có hồ nghi. Đây chính là nàng Alceste mà ta đã cướp lại được từ tay thần Chết-Thanatos đưa về sau mặt trận giao tranh ác liệt. Nàng sẽ chẳng nói ngay được đâu vì linh hồn của nàng chưa kịp trở về với hình hài. Hiện nay linh hồn đó đang còn ở thế giới tối tăm của thần Hadès. Phải chờ đợi ba ngày nữa để linh hồn hoàn tất cuộc hành trình dài dằng dặc, từ cõi âm phủ trở về dương gian. Trong ba ngày chờ đợi ấy, hỡi Admète, vị vua cao quý của đô thành Phères, xin chàng chớ quên việc dâng cúng lễ vật cho các vị thần của thế giới âm phủ. Sau ba ngày ấy, nàng Alceste yêu dấu của chàng sẽ lại tươi cười nói năng duyên dáng hồn hậu như xưa. Thôi đã đến lúc ta phải ra đi. Cầu xin các vị thần cao cả ở chốn Olympe ban cho chàng và gia đình chàng sướng vui nhiều và đau khổ thì ít, vì con người ta chẳng ai là tránh khỏi nỗi đau khổ cả. Cầu xin đấng phụ vương Zeus ban cho đất Thessalie giàu có và đô thành Phères được no ấm đời đời. Chúc chàng giữ mãi được truyền thống quý người trọng khách mà Zeus, đấng phụ vương, cha đẻ của ta đã truyền dạy cho loài người, và chính Zeus cũng hết sức tôn trọng những điều mình truyền phán răn dạy.

Admète rất đỗi cảm động và biết ơn người bạn vĩ đại của mình. Nhà vua muốn lưu giữ người anh hùng ở lại đô thành của mình vài ngày nữa để cùng vui với nhà vua về sự tái sinh của Alceste, nhưng không được. Công việc của Eurysthée giao cho Héraclès đang thúc giục chàng là đoạt bằng được đàn ngựa của Diomède.

Quyển 2 – Chương 9: Đoạt chiếc thắt lưng của Hippolyte – Vị nữ hoàng cai quản những người Amazones

Eurysthée bây giờ thật lúng túng. Tám cuộc thử sức thử tài rồi mà cuộc nào Héraclès cũng hoàn thành thắng lợi, chẳng cuộc nào chịu bó tay. Gã bóp óc suy nghĩ hồi lâu mà chưa tìm ra một công việc gì giao cho Héraclès. Đang lúc nghĩ chưa ra đó thì Admete con gái gã, một cô đồng thờ phụng nữ thần Héra, đến xin cha giao cho Héraclès sang xứ sở của nữ hoàng Hippolyte người cai quản các nữ chiến binh Amazones, đoạt chiếc thắt lưng của nữ hoàng đem về cho mình. Những nữ chiến binh Amazones là con gái của thần Chiến tranh-Arès. Vị thần này đã trao cho Hippolyte, nữ hoàng của những Amazones, một chiếc thắt lưng, một chiếc đai hết sức đẹp đẽ và quý giá. Đây không phải là một chiếc đai do bàn tay người trần tục đoản mệnh làm ra mà do bàn tay của thần Thợ rèn-Héphaïstos sáng tạo. Thần Chiến tranh-Arès đã nhờ vị thần Thợ rèn Chân thọt làm ra chiếc đai này để biểu hiện quyền lực tượng trưng của nữ hoàng.

Héraclès lên đường vượt biển cùng với một số bạn bè, trong đó có người anh hùng Thésée của đất Attique. Chàng đã từng nghe nhiều về tài chinh chiến của những người Amazones nên không dám coi thường, phải có một đội ngũ đông đảo trong đó có những vị tướng tài thì mới hy vọng hoàn tất công việc. Hành trình sang đất nước của nữ hoàng Hippolyte phải vượt qua biển Égée để đi vào biển Pont-Euxin rồi mới đổ bộ lên được Tiểu Á để tiến vào kinh thành của họ ở gần Caucase, kinh thành nổi tiếng, bên bờ sông Thermodon tên gọi Thémiscyre.

Héraclès cho thuyền ghé lại đảo Paros, nơi những người con trai của nhà vua Minos được giao quyền cai quản, không may xảy ra một chuyện va chạm nhỏ với người dân trên đảo. Thế là dân Paros xúm lại đánh chết hai người bạn đường của Héraclès. Tức giận vô cùng về hành động ngang ngược, Héraclès trả đũa, ra lệnh cho anh em vây đánh. Dân Paros bị giết, bị bắt khá nhiều. Những người con trai của Minos lúc bấy giờ mới cử người ra hầu tòa. Héraclès ra điều kiện, đòi họ phải đền hai người để cho chàng khỏi thiếu hụt quân số thì chàng mới ra lệnh giải vây. Bên Paros ưng thuận, trao cho chàng hai người cháu của nhà vua Minos là: Alcée và Sthénélos.

Thuyền của Héraclès rời đảo Paros đi đến xứ Mysie. Mọi người lên bờ tới thăm nhà vua Lycos trị vì những người Mariandynes. Nhà vua tiếp đãi những người khách từ phương xa tới với tấm lòng chân thành và nồng hậu. Giữa buổi tiệc vui thì có tin cấp báo: những người Bébryces kéo sang xâm lấn bờ cõi. Quân giặc đã đột nhập và vượt qua biên thùy. Héraclès không thể làm ngơ trước tình hình ấy. Chàng ra lệnh cho mọi người lên đường cứu khốn phò nguy. Đội quân dưới quyền chỉ huy của Héraclès chẳng mấy chốc đã phá tan giặc Bébryces. Thừa thắng, Héraclès truy đuổi quân giặc đến tận kinh thành, thu phục toàn bộ vương quốc của người Bébryces trao cho nhà vua Lycos cai quản. Cảm động trước cử chỉ hào hiệp của Héraclès, nhà vua cho xây dựng một đô thành mang tên là Héraclès để ghi nhớ công ơn của người anh hùng. Từ giã vua Lycos ra đi, lần này đoàn quân của Héraclès đi thẳng một mạch tới vương quốc của nữ hoàng Hippolyte.

Đã từng nghe nói nhiều về chiến công của người anh hùng Héraclès, con của thần Zeus, với tấm lòng khâm phục, cho nên khi nghe tin có đoàn thuyền của Héraclès tới xứ sở của mình, lập tức nữ hoàng Hippolyte tổ chức một cuộc nghênh tiếp rất trọng thể ở ngay ngoài bãi biển. Héraclès dẫn đầu đoàn tướng lĩnh của mình lên bờ. Nhìn phong thái uy nghi của chàng, nữ hoàng Hippolyte và những chiến binh Amazones ai nấy đều cảm phục và cho rằng hẳn đây là một vị thần giáng thế chứ không phải là một người thường. Hai bên trao đổi những tặng phẩm bày tỏ sự hòa hiếu và tôn trọng. Nữ hoàng Hippolyte cất tiếng hỏi:

– Hỡi Héraclès, người con trai của đấng phụ vương Zeus mà những chiến công vĩ đại của chàng đã vang lừng bốn cõi! Các vị đã đến đất nước của chúng tôi, đất nước của những người nữ chiến binh Amazones dưới quyền trị vì của nữ hoàng Hippolyte mà danh tiếng đã bay đến tận trời xanh! Xin các vị cho biết, các vị đến đây với tấm lòng quý người mến cảnh hay các người đến đây với vũ khí đồng thèm khát máu người? Các vị sẽ đem lại cho đất nước này những bữa tiệc tưng bừng hay các vị đem lại sự chém giết và chết chóc tai ương?

Héraclès đáp lại:

– Hỡi nữ hoàng kính mến, người chỉ huy các đạo quân Amazones có một không hai trên mặt đất này, đạo quân của những người phụ nữ khước từ mọi hạnh phúc gia đình và chỉ tìm thấy nguồn vui trong sự nghiệp chinh chiến! Ta và các bạn hữu ta vượt qua bao biển xa muôn dặm với những lớp sóng hung dữ màu đỏ tím rượu vang đến đây vì một việc không phải do trái tim ta bảo ta. Eurysthée, nhà vua của đô thành Mycènes đầy vàng bạc, người được nữ thần Héra vĩ đại, vợ của thần Zeus, sùng ái và bảo hộ, sai ta đến đây để xin nàng chiếc đai xinh đẹp và quý giá mà thần Chiến tranh-Arès đã ban tặng cho nữ hoàng. Eurysthée sở dĩ sai ta là vì con gái của nhà vua là nàng Admete muốn có chiếc đai đó. Xin nữ hoàng hãy vì thần Zeus và các vị thần của đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ, ban cho ta tặng vật đó bởi vì ta không thể trở về đất Hy Lạp một khi chưa có trên tay chiếc đai quý giá, bởi vì Héraclès này chưa từng chịu bó tay thất bại trước một sứ mạng nào của Eurysthée trao cho để thử thách người con của thần Zeus vĩ đại!

Nghe Héraclès nói, nữ hoàng Hippolyte trong trái tim bỗng thấy yêu mến người anh hùng. Nàng muốn trao cho Héraclès chiếc đai quý giá của nàng. Nhưng nữ thần Héra vĩ đại đã đoán biết được mọi ý nghĩ trong trái tim nàng. Nữ thần bèn biến mình thành một nữ chiến binh Amazones đi khắp các hàng quân xúi giục: “Này chẳng phải người dũng sĩ ấy đến đây là để xin chiếc đai quý giá ấy đâu. Hắn muốn bắt vị nữ hoàng kính yêu và tài giỏi của chúng ta về làm nô lệ đấy. Chúng ta phải bảo vệ nữ hoàng đừng mắc lừa bọn chúng”.

Nghe những lời xúi giục như thế, những nữ chiến binh Amazones bèn cầm vũ khí. Một nữ tướng Amazones tên là Aella đứng lên kêu gọi mọi người hãy đánh đuổi ngay lũ người xa lạ thâm độc này ra khỏi đất nước. Thế là cuộc xung đột nổ ra, vì nữ thần Héra muốn cho người con trai riêng của chồng mình phải chết để Eurysthée vĩnh viễn được làm vua, cai quản đất Argolide. Nữ tướng Aella hung hăng, xông vào trước nhất. Đánh nhau với Héraclès chưa được bao lâu nàng đã đuối sức bỏ chạy, Héraclès đuổi theo, vung gươm kết liễu cuộc đời vị nữ tướng này. Nữ tướng Prothoé ghê gớm hơn, một mình, chỉ một mình nàng, nàng đã hạ bảy dũng sĩ trong số những bạn chiến đấu của Héraclès. Nhưng nàng cũng không thoát khỏi sự trả thù trừng phạt của người anh hùng. Một mũi tên của Héraclès bay đến xuyên qua ngực nàng, khiến cho nàng ngã nhào từ trên lưng con chiến mã yêu quý xuống. Lập tức bảy nữ tướng khác xông vào đánh trả thù. Những Amazones này là tùy tướng của nữ thần Artémis. Tài phóng lao của họ chẳng ai sánh kịp. Họ dùng khiên che chắn những mũi tên ác hiểm của Héraclès rất có hiệu quả, tiếp đó họ phóng liên tiếp những mũi lao đồng nhọn hoắt về phía Héraclès. Nhưng không một mũi lao nào trúng người chàng cả. Chúng, hoặc cắm phập ngay trước mặt chàng hoặc lướt ngang qua trước mặt chàng; khi thì chệch sang trái, khi thì chệch sang phải. Có mũi lao ác hiểm hơn lao thẳng vào người chàng thì may thay chàng kịp thời nhảy ra xa tránh được. Biết không thể dùng tên để chiến thắng những Amazones này, Héraclès nhảy bổ tới dùng chùy. Và lần lượt bảy nữ tướng Amazones phải về vương quốc của thần Hadès. Người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, tiếp tục tấn công. Nữ tướng kiệt xuất Mélanippe163 em của nữ hoàng Hippolyte bị chàng bắt sống cùng với một tùy tướng là nàng Antiope. Núng thế, những người Amazones phải cầu hòa. Họ bằng lòng trao cho Héraclès chiếc thắt lưng quý giá của nữ hoàng Hippolyte với điều kiện Héraclès trao lại cho họ nữ tướng Mélanippe. Cuộc dàn xếp kết thúc nhanh chóng. Những người chiến thắng xuống thuyền lên đường trở về quê hương Hy Lạp. Để khen thưởng cho những chiến công oanh liệt của tùy tướng Thésée, người anh hùng của đất Attique mà sau này chiến công lừng lẫy khắp đất nước Hy Lạp, Héraclès trao nữ tướng Amazones Antiope cho chàng.

Trên đường từ xứ sở của những người Amazones trở về quê hương Hy Lạp, Héraclès cùng với các chiến hữu ghé vào thành Troie. Thuyền cập bến, mọi người đổ lên bờ. Một cảnh tượng rất đỗi thương tâm đang diễn ra trước mắt họ. Một người con gái xinh đẹp bị xích vào một mỏm đá sát bờ biển. Đó là nàng Hésione, con gái vua Laomédon, người đang trị vì trên vùng đồng bằng Troade phì nhiêu với đô thành Troie nức tiếng giàu có. Hỏi ra thì Héraclès được những người Troie kể cho biết nguyên do như sau:

Xưa kia khi Laomédon được vua cha là Ilos truyền cho ngôi báu trị vì thành Troie đã phạm một tội lớn khiến các vị nữ thần không thể tha thứ được. Thuở ấy thành Troie chưa được xây dựng hùng vĩ và đẹp đẽ như ngày nay. Laomédon việc đầu tiên khi lên ngôi là cho xây dựng ngay một đô thành hùng vĩ kiên cố đủ sức trấn giữ với mọi cuộc tiến công cướp bóc của các nước láng giềng thường nhòm ngó, thèm khát kho vàng của thành Troie. Công cuộc xây dựng thành không phải dễ dàng. Nhà vua phải cầu xin các vị thần giúp đỡ. Thần Đại dương-Poséidon và thần Ánh sáng-Apollon nhận lời với điều kiện: Laomédon phải trả công cho hai thần tất cả số súc vật do đàn súc vật của nhà vua sinh đẻ ra trong năm ấy, Laomédon ưng thuận. Hai vị thần bắt tay vào công việc. Họ xây cho nhà vua những bức tường thành cao ngất và kiên cố. Họ xây cho nhà vua cả một bến cảng đàng hoàng để cho thuyền bè qua lại có thể neo đậu an toàn và thuận lợi. Họ lại còn làm hơn thế nữa: xây cả một con đê rộng và dài để che chở cho bến cảng khỏi những cơn sóng hung dữ. Các vị thần đã làm việc tận tụy đêm ngày vì thế chẳng bao lâu Laomédon đã có một thành trì to đẹp và vững chắc. Nhưng đến khi hai vị thần xin vua trả công như đã cam kết thì nhà vua lại vỗ tuột. Các vị thần cãi lại, chẳng cam chịu để Laomédon cướp không công sức thì nhà vua lại hầm hầm tức giận, dọa rằng nếu cứ lằng nhằng, mè nheo mãi cái chuyện đòi công xá nữa thì sẽ bị xẻo tai, cắt mũi. Ức quá, hai vị thần đành ra về và sẽ tính chuyện sòng phẳng với Laomédon sau này. Và ngày ấy chẳng phải lâu la gì, tuy chúng ta chẳng rõ sau khi các vị thần ra về được mấy tuần trăng hay mấy mùa lúa. Đòn trừng phạt đầu tiên là thần Apollon gieo bệnh dịch xuống đời sống nhân dành thành Troie. Người chết không biết bao nhiêu mà kể, chẳng thuốc men gì chữa chạy nổi cả. Đòn thứ hai là của thần Poséidon. Thần sai một loài thủy quái ở tận đáy sâu của biển đội nước bơi lên xông vào vùng đồng bằng Troade phá sạch nhà cửa ruộng vườn. Thần lại còn dùng cây đinh ba ghê gớm khều những con sóng của Đại dương lên để cho nước cứ ngun ngút bốc cao như một ngọn núi rồi đổ ầm ầm xuống xứ sở của Laomédon. Chẳng còn cách gì cứu được, Laomédon phải đích thân đến đền thờ cầu khấn các vị thần ban cho cách giải trừ tai họa. Lời sấm phán truyền rằng chỉ có cách đem hiến dâng công chúa Hésione cho thần Poséidon thì mới làm nguôi được cơn giận của vị thần Lay chuyển Mặt đất. Vì sự thể, sự tình như vậy nên mới có cảnh tượng xiềng Hésione vào một mỏm đá sát bờ biển. Và chỉ chốc lát nữa con quái vật ghê tởm kia từ dưới biển chui lên sẽ lao vào ngoạm lấy Hésione và đưa nàng xuống dưới thủy cung.

Nghe thuật lại đầu đuôi câu chuyện, Héraclès thấy không thể bỏ qua việc này. Chàng phải ra tay diệt trừ loài thủy quái để cứu sống người thiếu nữ xinh đẹp, con của Laomédon. Chàng bày tỏ ý nguyện của mình với nhà vua song kèm theo một điều kiện: nếu chàng hoàn thành được sứ mạng vẻ vang đó thì nhà vua phải đền bù công lao của chàng bằng… không phải bằng nàng Hésione như xưa kia vua Céphée đền bù Andromède cho Persée, mà bằng đôi thần mã trắng phau như tuyết, phóng nhanh như gió, nhẹ nhàng đến nỗi chẳng ai nghe thấy tiếng vó của chúng. Đây là đôi thần mã bất tử, nghe được cả tiếng người, vốn là báu vật riêng của thần Zeus. Thần Zeus đã trao lại cho nhà vua Tros, ông của Laomédon, để đền bù việc thần bắt của nhà vua người con trai xinh đẹp tên là Ganymède. Thuở ấy, thần Zeus không hiểu vì sao đem lòng mê cảm người con trai của nhà vua Tros đến nỗi quên ăn quên ngủ. Chẳng kìm hãm được dục vọng, thần bèn biến mình thành một con đại bàng to lớn từ trời cao bay sà xuống cắp ngay chàng Ganymède xinh đẹp đưa về cung điện Olympe. Ganymède được trở thành bất tử, sống bên cạnh các vị thần để dâng rượu thánh và thức ăn thần trong những bữa tiệc linh đình của thế giới Olympe. Còn Tros thì được đôi thần mã bất tử, báu vật của thần Zeus dồn mây mù, giáng sấm sét. Trải qua thời Tros đến Ilos và bây giờ đến Laomédon, đôi thần mã vẫn là một báu vật mà nhiều vị anh hùng khát khao thèm muốn.

Với điều kiện mà Héraclès nêu ra, Laomédon thấy chấp nhận được. Tưởng đòi chia vàng bạc châu báu hay giang sơn, đất nước gì, chứ đôi thần mã, đôi ngựa thì… được thôi. Thế là Héraclès bắt tay vào việc. Chàng ra lệnh cho quân Troie đắp ngay cho chàng một bức lũy trên bờ biển. Chàng sẽ nấp sau bức lũy này chờ quái vật từ dưới biển hiện lên. Chẳng phải chờ đợi lâu la gì, con vật như một hòn núi đá từ dưới đáy biển sâu nhô dần lên và há hốc cái miệng đen ngòm lao vào Hésione. Héraclès hét lên một tiếng rồi chàng vung thanh gươm dài và cong của thần Hermès lao thẳng tới quái vật. Chàng chém mạnh vào đầu nó một nhát như sét đánh, sau đó vung gươm chém liên tiếp vào cổ nó. Bị đánh bất ngờ những đòn ác hiểm, quái vật không kịp đối phó và chỉ đến nhát thứ ba hay thứ tư gì đó thì nó đã đuối sức. Héraclès cứu được Hésione.

Song tồi tệ hết chỗ nói là, đến khi Héraclès đòi Laomédon trao cho mình đôi thần mã thì Laomédon lại ngựa quen đường cũ, vỗ tuột. Nhà vua lại tiếc đôi thần mã nên giở trò lá mặt lá trái với người anh hùng. Nhưng lúc này đây người anh hùng của chúng ta không thể trừng phạt tên vua xấu xa đó ngay được vì số bạn chiến đấu còn quá ít mà quân Troie lại đông và thiện chiến. Hơn nữa, Héraclès còn phải trở về Mycènes để dâng chiếc thắt lưng của Hippolyte cho Eurysthée.

Quyển 2 – Chương 10: Đoạt đàn bò của Géryon

Eurysthée lại trao cho Héraclès một nhiệm vụ mới nữa, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn: đoạt bằng được đàn bò của Géryon đem về cho hắn. Không phải Eurysthée thiếu thốn gì giống vật quá quen thuộc này. Trong đàn súc vật của y số bò cũng chẳng phải là ít. Nhưng lòng tham của y không đáy, hơn nữa y được sinh ra để hành hạ thù ghét Héraclès, cho nên y cứ phải nghĩ hết việc này đến việc khác để bắt Héraclès làm.

Hành trình đi đến xứ sở của Géryon thật là xa, xa lắc xa lơ. Đó là một hòn đảo tên gọi là Érythie ở mãi tận cùng kiệt miền cực Tây, nơi vị thần Mặt trời-Hélios Hypérion sau một ngày làm việc cực nhọc trở về nghỉ. Hòn đảo được người Hy Lạp xưa gọi là “Xứ sở đỏ”, vốn chìm đắm trong những lớp sương mù dày đặc mà xưa nay chưa mấy người biết đến. Người nói đến đảo Érythie thì nhiều nhưng người đi thì chẳng thấy có ai. Héraclès ra đi. Chàng sang đất châu Phi, băng qua sa mạc Libye vắng ngắt không một bóng cây, bóng người rồi phải đi qua nhiều xứ sở của những người Dã man cuối cùng mới tới được nơi cùng kiệt của đất. Đến đây là chàng đã đặt chân tới được bờ Đại dương mênh mông sóng vỗ. Nhưng đi nữa thì chẳng còn đường. Núi bít kín lấy biển. Làm cách nào để đi tiếp bây giờ? Héraclès bèn dùng sức lực ghê gớm của mình xẻ tách quả núi khổng lồ bịt kín lấy biển kia ra. Thế là biển bên trong và bên ngoài, bên phía Đông và phía Tây thông suốt. Trong khi làm việc xẻ núi, chàng khuân đá xếp sang hai bên. Những tảng đá xếp chồng chất lên nhau cao như hai cái cột khổng lồ ở hai bên nhường quãng đường giữa cho biển cả giao lưu chính là eo biển Gibraltar nối liền Đại Tây Dương với Địa Trung Hải ngày nay. Cột đá Gibraltar thuộc đất Espagne (Tây Ban Nha) – Cột đá Ceuta thuộc nước Ma Rốc. Ngày xưa người Hy Lạp gọi đó là “Cột đá của Héraclès”.

Biển đã thông suốt nhưng vượt biển bằng cách nào để tới được hòn đảo Érythie? Héraclès ngồi bên bờ biển đăm chiêu nhìn sóng vỗ dạt dào, trái tim nổi lên bời bời câu hỏi. Chẳng nhẽ ta chịu bó tay trước cuộc thử thách này chăng? Làm sao có một con thuyền để vượt biển? Héraclès cứ ngồi nhìn biển mênh mông vô tư cuộn sóng như thách thức chàng, từ lúc bình minh ửng đỏ ở phía sau lưng cho đến lúc hoàng hôn vàng rượi đang nhợt nhạt dần trước mặt. Và trong trái tim chàng bỗng lóe lên một ý nghĩ: mượn con thuyền của thần Mặt trời-Hélios. Chàng bày tỏ nguyện vọng với thần Mặt Trời lúc đó đang ngồi trên cỗ xe tứ mã đi về miền cực Tây để nghỉ ngơi. Thần nghỉ ở vương quốc của vị thần già đầu bạc Okéanos cùng với cỗ xe của mình để rồi trở về miền cực Đông. Từ nơi nghỉ ở miền Tây, thần dùng con thuyền chở cỗ xe tứ mã về cung điện ở phương Đông để sáng hôm sau bắt tay vào công việc như thường lệ, công việc mà thần Zeus đã giao cho. Chính con thuyền mà Héraclès định mượn là con thuyền đó. Nếu không có con thuyền đó thì làm sao ban mai khi chúng ta vừa bừng mắt dậy đã thấy vị thần Hélios hiện ra tươi cười như chào đón chúng ta? Cũng xin nói thêm, đây không phải là một con thuyền có buồm, có chèo giống như những con thuyền của những người trần thế. Con thuyền của thần Mặt trời có người bảo là thuyền độc mộc, nhưng không phải. Nó là một cái cốc rất lớn, do các vị thần gom sức làm ra không rõ từ bao giờ, chỉ biết đã từ lâu lắm lắm, lâu trước khi loài người sáng chế ra được những con thuyền như hiện nay. Thần Mặt trời thật tâm không muốn cho Héraclès mượn. Nhưng vì kính nể người con trai danh tiếng của thần Zeus vĩ đại mà thần phải tươi cười vui vẻ nhận lời. Thế là Héraclès có thể yên tâm tiếp tục cuộc hành trình.

Vừa đặt chân lên hòn đảo Érythie chàng đã phải đối phó ngay với con chó Onthros, một quái vật có hai đầu, thính tai, thính mũi, tinh mắt ít con vật nào sánh kịp. Cha mẹ nó chẳng phải ai xa lạ, chính là tên khổng lồ ghê gớm Typhon và mụ Échidna nửa người nửa rắn. Anh em ruột thịt của nó là con mãng xà Hydre ở vùng Lerne, là chó Cerbère ba đầu ở dưới âm phủ, Onthros là cha đẻ ra quái vật Sphinx và mọi người đều biết những tai họa nó gieo xuống chân thành Thèbes khủng khiếp đến mức nào. Onthros đánh hơi thấy người lạ bèn sủa vang và lao ngay vào Héraclès. Tên khổng lồ Géryon giao cho nó canh giữ đàn bò. Héraclès dùng chùy kết liễu đời con quái vật. Gã mục đồng Eurytion cùng chung số phận với Onthros. Thế là Héraclès đoạt được đàn bò lùa xuống thuyền. Không may, vừa mới ra đến bờ biển thì tên khổng lồ Géryon nghe thấy tiếng bò rống từ hang núi chạy ra xem sự thể ra sao. Nhìn thấy xác Onthros và Eurytion nằm đấy, hắn gầm lên đuổi theo Héraclès. Géryon là một gã khổng lồ hiếm thấy trên mặt đất này. Hắn có ba thân, ba đầu, sáu tay và lại có cả một đôi cánh. Cha hắn là Chrysaor còn có tên gọi là “Người có thanh kiếm vàng”. Mẹ hắn là ác quỷ Méduse mà khi Persée chém đứt đầu ác quỷ Méduse thì Géryon từ trong cổ mẹ cưỡi con thần mã Pégase bay vụt ra, bay thẳng lên trời.164

Géryon phóng lao liên tiếp vào Héraclès, cứ mỗi lần là ba ngọn lao dài nhọn hoắt. Nhưng nữ thần Athéna luôn luôn có mặt bên người con trai của thần Zeus để bảo hộ cho chàng. Không một ngọn lao nào làm xây xát da thịt của người anh hùng. Héraclès dùng những mũi tên tẩm thuốc độc bắn vào Géryon khiến cho hắn mù mắt và đau đớn như điên đại. Sau đó chàng nhảy tới dùng chùy nện tan xác hắn.

Hành trình đưa đàn bò trở về Mycènes thật vô cùng vất vả mà chúng ta không thể kể hết được. Thuyền về đến hai cây cột chàng dựng lên lúc ra đi thì chàng lùa bò lên bộ dắt về đất Hy Lạp. Có lần chàng đi qua đất Ligurie (miền Provence nước Pháp ngày nay) thì bị một toán cướp đông nghịt kéo đến bao vây. Héraclès phải chống đỡ vất vả lắm mới bảo vệ được đàn bò. Chàng dùng cung bắn chúng chết như rạ. Nhưng chúng đông như kiến cỏ, tên này chết tên khác lại lăn vào đến nỗi Héraclès bắn đã gần hết tên, mỏi nhừ cả tay mà chúng vẫn cứ bâu bâu tới. Không biết dùng cách gì đối phó, Héraclès liền khấn thần Zeus. Tức thì một trận mưa đá ào ào đổ xuống đầu lũ cướp, những hòn đá to như cái bình, cái vại của người Hy Lạp giáng xuống làm lũ cướp què chân gẫy tay, vỡ đầu, tan xương nát thịt, phút chốc tan rã hết. Dấu vết của trận mưa đá đó ngày nay còn lại trên cánh đồng Crau bao quanh vùng Marseille nước Pháp. Chính những tảng đá lớn nhỏ ngổn ngang trên cánh đồng đó là xưa kia do trận mưa của thần Zeus giáng xuống để giải nguy cho đứa con của mình. Khi đánh đàn bò về tới miền Nam nước Ý gần đô thành Regium thì một con bò sổng ra khỏi đàn, phá ngang bơi qua eo biển Messine sang đảo Sicile. Héraclès tìm quanh tìm quẩn mãi không thấy con bò. Sau chàng phải nhờ thần Thợ rèn-Héphaïstos trông hộ đàn bò để chàng bơi qua biển sang đảo Sicile tìm. Cuối cùng chàng thấy con bò nằm trong đàn bò của nhà vua Éryx. Nhà vua đón được con bò nhưng thâm tâm không muốn trả lại. Mặc cho Héraclès khẩn khoản xin, nhà vua nhất quyết không chịu trả. Éryx lại nảy ra một ý định ngông cuồng, thách Héraclès đấu võ và đem con bò ra làm phần thưởng. Giao đấu chưa được bao lâu, Héraclès đã quật cho Éryx chết thẳng cẳng. Héraclès lại dắt bò về nhập vào đàn và tiếp tục cuộc hành trình về đất Hy Lạp. Nữ thần Héra vẫn theo đuổi người con riêng của chồng mình với lòng căm ghét. Khi đàn bò về đến bờ biển Ionie thì nữ thần hóa phép làm cho cả đàn bỗng nổi cơn điên mỗi con chạy mỗi ngả, tan tác, lung tung khiến cho Héraclès rất vất vả mà không sao kìm giữ chúng lại được. Chàng lại phải tốn rất nhiều công sức đi tìm bắt thu thập chúng về. Kết quả chỉ bắt được già nửa số bò còn thì đành chịu để mất. Những con bò xổng ra khỏi đàn sống lưu lạc trong rừng và trở thành loài bò hung dữ ghê gớm. Cuối cùng, Héraclès lùa được đàn bò về tới Mycènes đem nộp cho nhà vua Eurysthée. Tên vua này chẳng biết dùng đàn bò làm gì. Hắn lại đem dâng cúng cho nữ thần Héra.

Quyển 2 – Chương 11: Bắt sống chó ngao Cerbère

Lần này thì Eurysthée giao cho Héraclès một việc thật oái oăm hết chỗ nói: xuống dưới vương quốc của thần Hadès bắt sống chó ngao Cerbère ba đầu đem về. Công việc này vượt quá tài năng của Héraclès. Chàng phải cầu khấn Zeus giúp đỡ. Thần Zeus phái ngay thần Hermès, người dẫn đường không thể chê trách được tới giúp Héraclès. Còn nữ thần Athéna lúc này cũng ở bên chàng để bảo hộ cho chàng, người con trai danh tiếng của thần Zeus vĩ đại. Héraclès đi qua vùng đồng bằng Laconie rồi chui xuống một cái vực thẳm sâu hun hút ở mũi Ténare để xuống âm phủ. Lão già Charon lạnh lùng và nghiệt ngã đòi tiền đò. Nhưng Héraclès chỉ giơ nắm đấm ra là mọi việc đều ổn. Vừa bước vào vương quốc tối tăm của thần Hadès, Héraclès đã chứng kiến một cảnh cực hình. Người anh hùng Thésée và tùy tòng của mình là Pirithoos bị xiềng chặt vào một tảng đá tên gọi là Chiếc ghế lãng quên (La chaise de l”Oubli). Hỏi ra thì Héraclès được kể cho biết như sau:

Pirithoos vua xứ Thessalie, cai quản những người Lapithes, nghe danh tiếng người anh hùng Thésée với bao chiến công lừng lẫy, đem lòng ghen tị. Nhà vua muốn thử sức với Thésée bằng cách cướp đoạt đàn gia súc của Thésée để khiêu khích một cuộc giao đấu. Pirithoos muốn biết những lời đồn đại về người anh hùng này hư thực đến thế nào. Tất nhiên Thésée sẵn sàng chấp nhận. Nhưng khi bước vào cuộc thi thì Pirithoos không đủ gan để dấn thân vào thử thách. Nhà vua hạ vũ khí xin hàng phục Thésée và nguyện làm người tùy tòng phục vụ Thésée. Có chuyện kể, không phải Pirithoos xin hàng phục mà đã dũng cảm giao đấu với Thésée song bị thua và xin được kết bạn với Thésée. Bữa kia không rõ ma đưa lối quỷ đưa đường thế nào, Thésée và Pirithoos rủ nhau xuống âm phủ mưu đồ một việc lớn: cướp nàng Perséphone của thần Hadès. Hành động bạo ngược của họ bị các vị thần trừng phạt. Họ bị xích chặt vào núi đá hết năm này đến năm khác.

Nghe xong câu chuyện, Héraclès liền vung gươm chặt xiềng giải thoát cho Thésée. Nhưng khi chàng quay sang Pirithoos thì mặt đất bỗng ầm ầm chuyển động và rung giật lên từng cơn. Héraclès biết rằng đó là các vị thần biểu thị sự phản đối. Chàng không dám giải thoát tiếp cho Pirithoos.

Héraclès đi sâu vào thế giới những vong hồn. Bóng đen vật vờ của những vong hồn trông thấy chàng, sợ hãi, bỏ chạy. Nhưng có một bóng đen đứng lại, chờ cho chàng đi tới gần. Đó là linh hồn Méléagre con trai của vua Oenée và hoàng hậu Althée cầm quyền ở vương quốc Calydon. Méléagre chết đi với bao nỗi oán hận trong lòng. Thuở ấy, khi chàng ra đời, mẹ chàng đã mời nữ thần Moires, những nữ thần cai quản số mệnh, còn có tên gọi là Parques tới thăm. Các nữ thần đã phán truyền cho Althée biết về tương lai đứa con của mình. Nàng Clotho bảo, Méléagre sau này lớn lên sẽ là một dũng sĩ nổi danh về chí khí anh hùng và lòng can đảm. Nàng Lachésis nói, Méléagre sẽ có một sức mạnh khác thường ít người bì kịp. Còn nàng Atropos thì nói, Méléagre sẽ sống lâu bằng đoạn củi cháy trong bếp lửa kia. Chừng nào mà đoạn củi đó cháy hết thì cuộc đời của Méléagre cũng hết. Nghe xong lời phán truyền này Althée sợ hãi vội giập tắt ngay đoạn củi và giấu cẩn thận vào trong một cái tráp. Méléagre lớn lên khỏe mạnh như sói, gấu, dũng cảm như hùm beo. Chàng đã cùng với nhiều vị anh hùng đi săn con lợn rừng hung dữ thường về phá hoại vùng đồng bằng Calydon. Con lợn rừng này do nữ thần Artémis thả về để trừng phạt vua Oenée về tội đã quên lễ hiến tế thường lệ vào đầu vụ thu hoạch. Con lợn rừng bị giết. Một cuộc họp giữa những người tham dự cuộc săn để bình công chia phần. Nữ dũng sĩ Atalante người được Méléagre đem lòng yêu dấu và người đã đánh trúng con vật đòn đầu tiên, bắn cho nó bị thương. Tiếp đó một dũng sĩ khác đánh trúng mắt con vật, và Méléagre đánh những đòn cuối cùng, giết chết ác thú. Méléagre cho rằng Atalante xứng đáng được nhận phần thưởng danh dự: cái đầu và bộ da con thú. Nhưng ba người cậu của Méléagre là Alcée, Céphée và Pléxippe chống lại. Họ đe doạ sẽ tước đoạt phần thưởng của Atalante. Họ cho rằng trao giải thưởng cao nhất của cuộc săn cho một người đàn bà là không xứng đáng, là nhục nhã. Tệ hại hơn nữa, những ông cậu này lại nói những lời lẽ thô bỉ xúc phạm đến Atalante và Méléagre. Không kìm hãm được nỗi tức giận, Méléagre xô xát với những ông cậu và chàng đã giết chết hai người là Céphée và Pléxippe. Được tin những người em ruột của mình bị con trai mình giết, Althée vô cùng căm uất. Bà lấy đoạn củi cháy xưa kia mà bà đã cất giấu trong tráp, đem vứt vào bếp. Vì thế trong cuộc chiến tranh giữa những người Curètes và Élis, Méléagre bị tử trận. Méléagre chết khiến cho Althée hồi tỉnh lại. Bà vô cùng đau đớn, vô cùng hối hận vì hành động mất trí của mình, và bà đã tự sát. (Một nguồn chuyện khác kể, Althée cầu khấn các vị thần dưới âm phủ trừng trị Méléagre, do đó Méléagre bị tử trận).

Méléagre chết đi với bao nỗi oán hận trong lòng. Các em gái của chàng thường gọi là những Méléagrides165 khóc than thảm thiết cho cảnh gia đình tan nát. Nữ thần Artémis bèn biến những cô gái của Méléagre thành những con gà và lấy những hạt nước mắt của các cô gieo lên trên bộ lông. Và thế là các cô biến thành những con gà sao166. Riêng có nàng Dejánire không chịu số phận đó. Nàng sống lẻ loi với bao nỗi lo âu. Cuộc đời nàng sẽ ra sao khi không còn một ai để làm chỗ nương tựa. Đó là điều mà Méléagre khi từ giã cõi đời vẫn canh cánh bên lòng chẳng sao nguôi được nỗi lo âu.

Vong hồn Méléagre gặp người anh hùng Héraclès, liền cất tiếng cầu xin:

– Hỡi Héraclès, người anh hùng danh tiếng lẫy lừng, con của thần Zeus vĩ đại! Chàng đã nghe ta giãi bày hết mọi nỗi u uất trong lòng. Ta chỉ cầu xin chàng có một điều: xin chàng hãy rủ lòng thương lấy người em gái bất hạnh ấy của ta. Số phận rủi ro đã cướp đời ta đi quá sớm để lại em gái ta sống trơ trọi một mình. Vắng ta, nó sống ra sao đây giữa cuộc đời đầy sóng gió này? Xin dũng sĩ hãy vì ta mà giúp đỡ cuộc sống của em gái ta. Nếu như chàng không chê nó là người kém nhan sắc thì xin chàng hãy là người che chở cho nó suốt đời, gắn bó cuộc đời nó với cuộc đời chàng để cho ta được yên tâm ngậm cười nơi chín suối.

Héraclès lắng nghe những lời nói của Méléagre mà nước mắt từ đâu cứ tuôn trào ra trên đôi gò má. Chàng an ủi vong hồn Méléagre vừa hứa sẽ làm theo ý muốn của Méléagre.

Theo sự dẫn đường của Hermès, Héraclès tiếp tục đi. Bóng đen của ác quỷ Méduse xông lại gần chàng, Héraclès đưa tay vào chuôi gươm nhưng Hermès ngăn chàng lại và cho biết, đó chỉ là cái bóng vật vờ không thể làm hại ai. Héraclès còn được chứng kiến biết bao nhiêu cảnh khủng khiếp ở thế giới của những âm hồn lạnh lẽo, tối tăm u ám này. Cuối cùng, chàng tới cung điện của thần Hadès và được vị thần này cho phép vào tiếp kiến. Ngồi trên ngai vàng, vị thần cai quản vương quốc của những người chết Hadès và vợ, nàng Perséphone kiều diễm, con của nữ thần Déméter vĩ đại, nhìn người anh hùng, con của Zeus đấng phụ vương, với tấm lòng cảm phục. Chàng trông thực uy nghi, đường bệ. Đứng trước ngai vàng tay tì lên cán chùy to lớn, trên mình khoác tấm áo da sư tử, vai đeo cây cung và ống tên, ngang sườn một thanh gươm, trông Héraclès oai phong lẫm liệt như một vị thần. Hadès cất tiếng hỏi:

– Hỡi Héraclès, con của Zeus chí tôn chí kính. Vì sao người lại từ bỏ thế giới rực rỡ ánh sáng vàng của thần Mặt trời-Hélios để xuống vương quốc tối tăm này? Phải chăng thần Zeus muốn ban cho ta một người anh hùng? Hay người xuống đây để tước đoạt của ta nàng Perséphone xinh đẹp?

Héraclès kính cẩn trả lời:

– Hỡi Hadès, vị thần cai quản vương quốc tối tăm của những vong hồn! Xin người đừng giận! Ta xuống đây không phải do trái tim ta xúi giục mà là theo lệnh của một người khác. Nhà vua Eurysthée trị vì ở thành Mycènes trên đất Argolide, người được nữ thần Héra sùng ái, sai ta phải làm một công việc cực kỳ oái oăm để thử thách tài năng và chí khí người con của thần Zeus là bắt con chó ngao Cerbère ba đầu về. Hỡi Hadès, vị vua đầy quyền thế của thế giới vong hồn! Xin người cho phép ta làm việc đó vì Héraclès này không thể nào trở về thế giới đầy ánh sáng mặt trời khi chưa chinh phục được con chó Cerbère dữ tợn.

Hadès nghe xong mỉm cười. Thần cho phép Héraclès bắt chó Cerbère nhưng với một điều kiện: không được dùng vũ khí.

Héraclès lại lên đường đi tìm chó Cerbère. Tìm mãi chàng mới bắt gặp được nó. Chàng dùng đôi tay rắn như sắt, cứng như đồng tóm chặt lấy cổ nó, ấn xuống đất và bóp mạnh. Con chó sủa ầm vang. Cả vương quốc tối tăm của thần Hadès kinh hoàng vì tiếng sủa từ ba cái mõm của nó. Cerbère vùng vẫy nhưng không sao gỡ ra khỏi đôi tay của Héraclès. Nó dùng cái đuôi lợi hại đánh trả, vì đuôi nó là một con rắn khá to. Nó quấn đuôi vào chân Héraclès rồi dùng những chiếc răng nhọn hoắt cắn. Nhưng vô ích. Nó ngày càng bị ngạt thở và giãy giụa như sắp chết. Lúc đó Héraclès lấy dây đánh đai quanh cổ nó rồi dắt đi. Chàng dắt nó từ thế giới tối tăm dưới lòng đất lên dương gian tràn đầy ánh sáng mặt trời rực rỡ. Lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng chói lòa, con chó vô cùng sợ hãi, mắt cứ nhắm nghiền. Nó lồng lộn như nổi cơn điên. Rãi rớt từ ba cái mõm kinh tởm của nó chảy ròng ròng xuống mặt đất đen làm mọc lên những loài cây cỏ độc mà nếu người ta ăn phải là bỏ mạng.

Về đến Mycènes, tưởng Eurysthée dùng con chó vào việc gì, ngờ đâu vừa trông thấy con chó ba đầu cổ rắn, Eurysthée sợ quá suýt ngất đi. Hắn ra lệnh ngay cho Héraclès dắt Cerbère trả lại cho thần Hadès. Thế là người anh hùng của chúng ta phải lặn lội xuống âm phủ một lần nữa.

Quyển 2 – Chương 12: Đoạt những quả táo vàng của chị em Hespérides

Thử thách cuối cùng mà Eurysthée giao cho Héraclès là phải đoạt được những quả táo vàng của những tiên nữ Hespérides đem về. Chuyện xưa kể rằng, cây táo vàng có quả vàng này vốn là của nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài. Gaia đã đem cây táo vàng này tặng cho nữ thần Héra làm quà mừng ngày nữ thần Héra kết hôn với đấng phụ vương Zeus. Héra vô cùng sung sướng trước tặng vật quý. Nàng đem cây táo về trồng ở một khu vườn của mình, một khu vườn rất thâm nghiêm cách không xa nơi thần Atlas giơ vai chống đội bầu trời. Để ngăn ngừa những người lạ, nhất là những người con gái của Atlas hay lui tới chơi ở khu vườn này, thấy chùm táo đẹp hái đi mất, nữ thần Héra giao khu vườn cho một con rồng tên là Ladon canh giữ, một con rồng có tới một trăm cái đầu. Có người kể không phải là Ladon có một trăm đầu mà chỉ có một thôi, nhưng đặc biệt là nó không lúc nào ngủ cả. Mắt lúc nào cũng mở trừng trừng. Cẩn thận hơn, Héra còn giao cho ba chị em tiên nữ Nymphe có một cái tên gọi chung là Hespérides hoặc những tiên nữ Chiều hôm, trông coi.

Nhưng vườn táo này ở đâu? Ở biển Đông hay biển Mặt trời lặn? Ở trong vùng sa mạc cát nóng hay dưới chân những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Người kể thì nhiều nhưng người đi thì xem ra chưa thấy có một ai. Héraclès lặn lội từ châu Âu sang châu Á để hỏi đường. Chẳng một ai biết cả. Chàng phải đi ngược lên đến tận miền cực bắc nơi có con sông Éridan quanh năm nước réo sóng gào. Tại đây chàng được các nàng Nymphe nói cho biết: phải tìm được lão thần Biển-Nérée mới có thể hỏi được đường. Trên đường đi xảy ra không ít chuyện lôi thôi phiền toái. Một hôm Héraclès đang đi thì gặp một gã cực kỳ to lớn khỏe mạnh. Chàng cất tiếng chào và hỏi đường, thì quái thay, gã chẳng chào lai Héraclès mà lại giở giọng xấc xược bắt khai báo lai lịch và thách chàng giao đấu. Bực mình, Héraclès giáng cho hắn một chùy, hắn không đỡ nổi, về chầu thần Hadès tức thời. Nhưng chưa hết, thần Chiến tranh-Arès, cha đẻ ra gã hiếu chiến đó xông tới trả thù cho con, đứa con mang tên là Cycnos, Arès nhằm cổ Héraclès phóng một ngọn lao. Nữ thần Athéna lái cho ngọn lao đó phóng trả. Ngọn lao bay vút đi cắm vào đùi thần Chiến tranh-Arès. Vị thần này giật bắn mình lên, gào rống vang động cả trời xanh rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng một mạch về đỉnh Olympe không còn tơ tưởng gì đến chuyện rửa hờn cho thằng con ngỗ ngược của mình nữa.

Héraclès đi tìm thần Biển-Nérée, tìm mãi, tìm mãi mới thấy ông già đầu bạc này đang ngồi trầm ngâm ở bờ biển. Héraclès liền xông tới túm chặt lấy ông già. Nhưng đâu có phải bắt được Nérée là xong việc. Ông già của biển cả này biến hóa thần hình vạn trạng. Nhưng dù có biến hóa thành các con vật gì gì đi nữa, Héraclès cũng không nản chí.

Chàng cứ bám chặt lấy ông già cho đến phút cuối cùng ông già không còn biến hóa thành một giống vật gì nữa, đành phải chấp nhận chỉ đường cho Héraclès. Và chỉ đến lúc ấy đôi bàn tay sắt của Héraclès mới nhả ông già Nérée con của vị thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon vĩ đại ra.

Héraclès tiếp tục cuộc hành trình. Chàng phải băng qua vùng sa mạc nóng như thiêu như đất của xứ Libye. Lại một vụ xung đột nữa xảy ra. Antée vị thần khổng lồ có sức mạnh ghê gớm là con của thần Poséidon có cây đinh ba gây bão tố và của nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, đã chặn đường đi của chàng. Antée có sức mạnh bạt núi ngăn sông, dời non lấp biển. Sở dĩ có sức mạnh như thế là vì Antée không ăn bánh mì như những người trần thế. Nhưng Antée cũng không uống rượu thánh và ăn những thức ăn thần như các bậc thần linh. Antée sống bằng thịt sư tử. Antée có thói ỷ sức mạnh chặn đường khách bộ hành thách giao đấu. Gặp ai qua lại trên vùng sa mạc Libye y đều chặn lại và thách đấu, đúng hơn là giết chết.

Y giết người để thực hiện một lời hứa với cha mình: dựng cho thần Poséidon một ngôi đền làm toàn bằng sọ người. Chưa từng một người nào gặp Antée mà thoát chết. Sọ của những người bị giết chất đống lại chờ ngày xây đền.

Cuộc giao đấu giữa Héraclès với Antée diễn ra vô cùng quyết liệt. Ba lần Héraclès quật Antée ngã xuống đất, bóp cổ, nện chùy tưởng Antée chết hẳn thế mà chỉ thoáng một cái Antée lại bật dậy tiếp tục giao đấu với Héraclès. Thì ra Antée có một điều bí mật như một lá bùa hộ mệnh. Đó là nhờ thần Đất mẹ-Gaia. Sở dĩ không ai chiến thắng được Antée là vì y gắn bó với thần Đất mẹ. Chính vị nữ thần này đã luôn luôn tiếp sức cho đứa con trai của mình, gắn bó với con trai của mình không rời một bước, làm cho nó hồi sinh khi bị tử thương. Tìm ra được điểm mạnh đó của Antée, Héraclès quyết loại trừ nó. Lừa một miếng sơ hở, Héraclès gồng bổng Antée lên cho chân lìa khỏi mặt đất rồi chàng xoay ngược đầu Antée xuống cho gối lên đùi chàng, và cứ thế chàng bóp cổ. Lần này thì Antée chết thật, chết không cách gì cứu vãn được. Nữ thần Đất mẹ-Gaia không tiếp sức được cho đứa con trai ghê gớm của mình đành chịu để nó thiệt phận trong đôi tay rắn như sắt của Héraclès.

Ngày nay trong văn học thế giới, Antée trở thành một biểu tượng chỉ sự gắn bó với cội nguồn thân thiết, với quê hương, với tổ quốc, với những giá trị thiêng liêng tạo ra sức sống của một con người, của một lực lượng xã hội.

Héraclès đặt chân đến một xứ sở mới: đất nước Ai Cập. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, Héraclès tìm một bụi cây chui vào ngủ. Và chàng đã ngủ thiếp đi một giấc đài ngay trên bờ sông Nile. Vua Ai Cập tên là Busiris trong lúc dạo chơi đã trông thấy Héraclès, một người lạ mặt xem ra vừa mới đặt chân tới đất nước này. Thật là một dịp may hiếm có. Nhà vua ra lệnh cho quân lính bắt trói ngay Héraclès lại. Tại sao lại có chuyện đối xử kỳ quặc như thế đối với người khách lạ? Nguyên do như sau: Vua Busiris vốn là con của thần Biển-Poséidon và nữ thần Lysianassa. Có người nói, nhà vua không phải là con của Poséidon mà là con của Égyptos. Còn nữ thần Lysianassa là con của thần Épaphos. Hai vợ chồng nhà vua đang sống với nhau rất êm ấm hạnh phúc, lại cai quản một đất nước rộng lớn và giàu có được các nước láng giềng xung quanh rất vì nể, bỗng đâu sinh chuyện. Duyên do là bữa kia nhà vua nảy ra một ý định táo bạo gớm ghê, bắt ba chị em tiên nữ Hespérides về làm vợ. Sở dĩ các nàng có một cái tên chung như vậy là vì mẹ nàng là Hespéris. Busiris cho một đoàn quân gồm toàn những tên cướp biển sừng sỏ đến vây bắt ba chị em Hespérides. Nhưng hành động phạm thượng của nhà vua đã bị các thần trừng phạt. Lũ cướp biển không thể đặt chân tới được khu vườn cấm thiêng liêng. Tai họa xảy ra liên tiếp trên dọc đường đi đến nỗi đoàn quân tan rã. Chưa hết, thần Zeus còn giáng một tai họa nặng nề gấp bội: nạn hạn hán xảy ra và xảy ra liên tiếp, kéo dài suốt chín năm liền. Con dân đất nước Ai Cập rên xiết trong cảnh đói khổ. Vua Busiris chỉ còn biết mỗi cách là cho mời một nhà tiên tri danh tiếng đến để xem xét và phán truyền. Phrasios từ đảo Chypre được mời đến. Theo Phrasios, muốn làm thần Zeus nguôi giận, giải trừ mọi tai họa thì từ nay trở đi mỗi năm nhà vua phải bắt một người nước ngoài làm lễ hiến tế. Tuân theo lời phán truyền nghiêm ngặt của Phrasios, nhà vua Busiris ra lệnh cho quân lính bắt ngay nhà tiên tri và làm lễ hiến tế thần Zeus mở đầu cho các lễ hiến tế sau này. Và bây giờ đến lượt Héraclès.

Héraclès bị giải đến trước bàn thờ. Chàng cựa mình, giật đứt tung những dây rợ trói chàng rồi xông tới giáng cho Busiris một trái đấm. Busiris ngã lăn ra chết. Con trai của nhà vua tên là Amphidamas chạy tới trả thù cho cha cũng bị Héraclès kết liễu gọn số phận.

Có người kể chuyện này hơi khác. Héraclès đến khu vườn của chị em Hespérides thì gặp lúc bọn cướp của Busiris bao vây. Tình cảnh hết sức nguy ngập. Héraclès không thể chần chừ. Chàng xông vào bọn cướp và đánh tan chúng. Các tiên nữ Hespérides cảm kích trước hành động hào hiệp của chàng, sau khi nghe chàng bày tỏ nguyện vọng, đã tự tay hái những quả táo vàng trao cho chàng.

Thoát khỏi lễ hiến tế của nhà vua Busiris, Héraclès lại tiếp tục cuộc hành trình. Nhiều nỗi gian nguy, nhiều cuộc xung đột mà Héraclès đã phải đương đầu. Cuối cùng chàng tới được vùng núi Caucase. Tại đây, chàng lập được một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Chúng ta chắc chưa ai quên chuyện Prométhée bị Zeus trừng phạt. Trên đỉnh cao chót vót của một ngọn núi trong dãy Caucase, thần Zeus đã cho lũ tay sai đao phủ đóng đanh xiềng Prométhée vào núi đá, thần Zeus còn ngày ngày sai một con ác điểu, một con đại bàng mỏ quắm móng nhọn tới mổ bụng ăn gan Prométhée. Nhưng buồng gan của Prométhée là bất tử. Nó bất tử như Titan Prométhée. Vì thế ban ngày buồng gan bị con ác điểu ăn đi thì ban đêm nó lại mọc lại nguyên vẹn, tươi mới như chưa hề bị thương tổn. Prométhée đã dũng cảm chịu đựng cực hình như thế hàng bao thế kỷ. Hàng bao thế kỷ trôi qua nhưng Prométhée vẫn không hề khuất phục Zeus.

Héraclès đến. Chàng nhìn thấy vị thần ân nhân của loài người bị xiềng trên đỉnh núi cao chót vót và những cánh chim đang chấp chới, lượn lờ. Có lẽ giờ đây con đại bàng do Zeus phái đến đang moi khoét tấm gan của vị thần ân nhân của loài người. Héraclès leo lên đỉnh núi. Kia rồi cảnh tượng thương xót và tàn nhẫn ấy đang diễn ra như chọc vào mắt chàng. Không phải đắn đo suy nghĩ gì, Héraclès giương cung và buông dây. Tách một cái, con đại bàng ngã quay xuống đất. Chàng chạy lại chặt tung xiềng xích giải phóng cho Prométhée. Thế là hết, chấm hết vĩnh viễn từ đây cuộc đời khổ nhục bị xiềng xích vào ngọn núi đá cô quạnh này. Prométhée vươn vai sảng khoái đón chào cuộc sống mới tự do. Đền ơn người anh hùng đã giải phóng cho mình, Prométhée nói cho Héraclès biết, chàng không thể tự tay hái lấy những quả táo vàng được. Việc này phải nhờ tay thần Atlas mới xong.

Héraclès tới xứ sở của chị em Hespérides. Chàng gặp vị thần Atlas đang khom lưng giơ vai chống đội bầu trời, đầu cúi gục, nhọc nhằn, mệt mỏi. Đó là hình phạt của Zeus đối với Atlas vì vị thần này xưa kia can tội đứng về phía những Titan, những vị thần già chống lại thần Zeus. Héraclès cất tiếng nói:

– Hỡi thần Atlas, một Titan con của Ouranos bao la và của Gaia vĩ đại, đang phải chịu khổ hình! Ta là Héraclès con của đấng phụ vương Zeus đến đây để làm một việc không phải do trái tim ta muốn. Nhà vua Eurysthée, người được nữ thần Héra sùng ái, sai ta đi lấy những quả táo vàng ở khu vườn cấm do ba tiên nữ Hespérides trông coi. Xin Titan Atlas hãy giúp ta việc này vì ta chẳng thể trở về Mycènes khi trong tay không có những quả táo đó.

Thần Atlas đáp lại:

– Hỡi Héraclès, người con trai danh tiếng của thần Zeus, vị thần đã đầy đọa ta vào cảnh khổ nhục như thế này! Ta sẵn sàng giúp đỡ nhà ngươi. Nhưng ai sẽ thay thế ta chống đỡ bầu trời? Nhà ngươi liệu có thể thay ta làm việc đó khi ta đi lấy về cho nhà ngươi ba quả táo vàng do ba chị em nàng Hespérides trông coi không? Nếu được, ngươi hãy ghé vai vào đây thay ta đảm đương công việc trong chốc lát.

Héraclès nhận lời, ghé vai vào giơ lưng ra chống đỡ bầu trời. Một sức nặng gớm ghê, chưa từng thấy, đè lên vai và lưng người con trai của thần Zeus vĩ đại. Gân cốt trong người chàng như căng ra. Khỏe mạnh như chàng mà khi ghé vai vào chống đỡ cũng còn loạng choạng. Mồ hôi đổ ra như tắm. Nhưng nữ thần Athéna lúc nào cũng ở bên người con trai yêu quý của thần Zeus để truyền thêm sức lực cho chàng. Nhờ thế Héraclès đứng vững cho đến khi Atlas trở về. Atlas đi đến bên chàng và bảo:

– Hỡi Héraclès! Ta đã lấy được ba quả táo vàng đem về cho nhà ngươi đây! Thật là những quả táo quý vô ngần. Mà thôi, tiện đây ngươi hãy để ta mang luôn những quả táo này về Mycènes cho Eurysthée. Ngươi chịu khó chờ ta một lát vì ta đi rất nhanh. Đối với các vị thần bao giờ vượt núi băng rừng qua sông cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn những người trần bấy yếu.

Héraclès đoán ngay được ý đồ đen tối của thần Atlas. Chàng tươi cười bảo Atlas:

– Hỡi vị thần Atlas! Thật là quý hóa! Ta không biết dùng những lời lẽ gì để tỏ lòng biết ơn vô hạn của ta đối với sự giúp đỡ tận tình của Người. Nhưng trước khi Người đi tới đô thành Mycènes đầy vàng bạc, xin Người hãy ghé vai đỡ cho ta một lát để ta kiếm tấm áo, tấm da lót vào vai cho đỡ đau, đỡ rát.

Atlas liền làm theo lời Héraclès. Héraclès chuồi nhanh ra khỏi gánh nặng bầu trời. Chàng nhặt ba quả táo vàng cho vào đẫy rồi đeo ống tên và cây cung lên vai, thanh gươm vào bên sườn, đoạn cầm lấy cây chùy gỗ. Và chàng từ biệt Atlas:

– Hỡi Atlas! Xin kính chào Người. Héraclès này chẳng thể nào mắc lừa Người đâu. Xin Người đừng giận! Có lẽ nào ta lại giơ vai ra chống đỡ bầu trời để chịu đựng cái cực hình mà thần Zeus dành riêng cho Người.

Héraclès trở về Mycènes. Chàng dâng những quả táo vàng mà chàng phải lặn ngòi ngoi nước, vượt núi băng rừng trải qua bao gian nguy vất vả mới đem được về cho Eurysthée. Nhưng Eurysthée chẳng biết dùng những quả táo đó vào công việc gì. Y nghĩ đi nghĩ lại rồi cuối cùng cho phắt ngay Héraclès. Héraclès đem dâng cho nữ thần Athéna để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với vị thần đã bảo hộ mình. Còn nữ thần Athéna, nàng lại đem trả ba quả táo vàng về khu vườn thiêng liêng do ba tiên nữ Hespérides trông coi vì báu vật của thần thánh không thể vương vãi vào tay người trần phàm tục.

Thế là chấm hết mười hai năm Héraclès phải làm đầy tớ cho Eurysthée. Nhưng mười hai năm cực nhục gian truân vất vả đó cũng là mười hai năm của chiến công vinh quang chói lọi khiến cho danh tiếng của Héraclès, người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, khắc sâu vào trí nhớ của thế hệ này sang thế hệ khác.

Có một chuyện cần nói thêm cho rõ nếu không ắt hẳn người nghe thắc mắc. Ấy là truyện Persée, Atlas đã bị Persée dùng đầu ác quỷ Méduse biến thành đá mà sao ở chuyện này Atlas vẫn là một vị thần khỏe mạnh, tinh khôn đi lấy những quả táo vàng về cho Héraclès và toan lừa Héraclès chống đỡ bầu trời thay cho mình? Thật khó mà giải đáp cái “vô lý” đó được. Nhưng xét ra thì truyện thần thoại vốn dĩ đã có nhiều cái “vô lý”, lại mỗi người, mỗi nơi, mỗi thời kể mỗi khác cho nên cái “vô lý” đó trở thành cái “có lý” của truyện thần thoại. Và chúng ta khi thưởng thức thần thoại buộc phải chấp nhận cái “vô lý” đó.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Khỏe như Hercules hoặc Héraclès (Robuste, fort, colossal comme Hercule, C’est un Hercule, force herculéenne). Cái tên riêng Hercules trở thành danh từ chung hoặc tính từ chỉ những người có thân hình cường tráng, khỏe mạnh, đẹp đẽ nở nang đồng nghĩa với lực sĩ, dũng sĩ. Còn Công việc của Hercules (Travaux d’Hercule), Kỳ công của Hercules hoặc Héraclès (Exploits d’Hercule) chuyển nghĩa chỉ một công việc gì đó đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực phi thường thì mới có thể hoàn thành được. Từ đó mở rộng nghĩa ra chỉ những công việc gì hết sức khó khăn; gian khổ. Cây chùy của Hercules hoặc Héraclès (La massue d’Hercule)167 tượng trưng cho một vật gì gắn bó thân thiết với, một vật không thể tách rời được với; đồng thời nó cũng có một ý nghĩa tượng trưng chỉ một vũ khí ưu việt, một biện pháp tối ưu, hữu hiệu (trong quan hệ so sánh đối lập). Cột của Hercules (Arriver aux colonnes d’Hercule) chuyển nghĩa chỉ giới hạn cuối cùng, mức độ cuối cùng.

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có rất nhiều chuyện anh hùng, dũng sĩ nhưng không có một câu chuyện nào kể về một người anh hùng kiệt xuất như Héraclès, kiệt xuất ở chỗ: lập được nhiều chiến công, những chiến công đó lại to lớn và phi thường, hơn nữa lại có ý nghĩa sâu sắc. Héraclès, trước hết cũng như những người anh hùng khác, đã diệt trừ quái vật, ác thú đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân. Nếu có khác những vị anh hùng khác thì chỉ là ở chỗ, Héraclès đã diệt trừ nhiều quái vật, nhiều ác thú hơn. Nhưng Héraclès còn lập được những chiến công mà chưa từng có một người anh hùng nào lập được.

1 – Héraclès đã nắn lại dòng sông Alphée và Pénée để cho nước xối xả chảy vào dọn sạch băng chuồng bò của Augias. Héraclès đã dời non xẻ núi tạo ra eo biển Gibrantar, khai thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương. Nhưng chưa hết, táo bạo hơn cả là chiến công đoạt những quả táo vàng của cái tiên nữ Hespérides. Nhìn qua thì ta thấy dường như chiến công này chẳng có gì khác thường. Người anh hùng không phải đem sức mạnh ra để giao đấu với một gã khổng lồ hay một con quái vật nào. Héraclès chỉ ghé vai gánh đỡ, chống đội bầu trời hộ vị thần khổng lồ Titan Atlas một lát để thần đi lấy những quả táo vàng về cho chàng. Chỉ có thế thôi song quả thật là táo bạo và phi thường. Con người đã chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên bắt thiên nhiên phục vụ cho mục đích của mình. Nhưng cái thiên nhiên núi, sông, biển chỉ là cái thiên nhiên gần gụi với con người. Còn một cái thiên nhiên nữa, xa hơn với con người, là vũ trụ. Và cái thiên nhiên này là độc quyền của thần thánh: chỉ có thần khổng lồ Titan Atlas mới có đủ sức chống, đội bầu trời. Thế nhưng Héraclès, con người, dám cả gan, táo tợn đến mức dám thay hẳn thần thánh để chống đội bầu trời. Hành động đó của Héraclès rõ ràng là sự chấp nhận cuộc đọ sức với thiên nhiên-vũ trụ, chấp nhận sự thách thức của thiên nhiên-vũ trụ. Nhưng con người chỉ đủ sức chống, đội bầu trời được trong chốc lát thôi. Đúng, chỉ chốc lát thôi, nhưng dù sao con người đã dám làm và cũng đã làm được. Đúng, chỉ có chốc lát thôi song quả là một chiến công phi thường. Một chiến công tiên báo cho ngành khoa học vũ trụ của thế kỷ XX.

2 – Héraclès đã sang tận miền biển cực Tây là nơi chưa ai đặt chân tới, đã xuống âm phủ bắt chó ngao Cerbère. Héraclès đã đi rất nhiều nơi từ Đông sang Tây, có thể chưa từng có một vị anh hùng nào đi nhiều và đi xa như Héraclès. Tất cả những điều đó phản ánh khát vọng của con người muốn khám phá, chinh phục thế giới xung quanh, muốn vượt ra ngoài phạm vi sinh sống chật hẹp của chế độ công xã thị tộc.

3 – Héraclès đã giải phóng cho thần Prométhée, vị thần ân nhân của loài người, vì hạnh phúc của loài người mà bị xiềng xích, đày đọa tra tấn nhục hình. Như vậy là con người đã giải phóng cho thần thánh. Nhưng thần thánh đây chỉ là thần Prométhée. Con người phải giải phóng cho Prométhée chính là con người giải phóng cho con người. Sứ mạng giải phóng con người là chính của bản thân con người.

Quyển 2 – Chương 13: Héraclès cưới Dejánire thực hiện lời hứa với vong hồn Méléagre

Hết hạn làm nô lệ cho Eurysthée, Héraclès trở về thành Thèbes, cuộc đời chàng những tưởng sẽ chấm hết nỗi gian truân, cay đắng từ đây. Nhưng vẫn chưa hết. Nữ thần Héra luôn luôn theo đuổi, bám riết chàng để bắt chàng phải chịu đựng những tai họa mới.

Ghi nhớ lời hứa với vong hồn Méléagre trong chuyến đi xuống âm phủ, việc đầu tiên của Héraclès là đến vương quốc Calydon ở xứ Élis để tìm gặp nàng Dejánire. Vào lúc này nhà vua Oenée, cha của Dejánire đang gặp một khó khăn rất lớn, chưa biết định liệu ra sao. Nhiều chàng trai đến cầu hôn với Dejánire, trong số đó có thần Sông-Achéloos. Dejánire lần lượt khước từ lễ vật của các chàng trai cầu hôn. Và các chàng trai đó đã ra về tuy không vui trong bụng song cũng không đến nỗi oán hận, căm thù. Riêng có thần Sông Achéloos là theo đuổi dai dẳng. Nhưng Dejánire chẳng thể nào ưng thuận vì vị thần này có lắm phép quá, khi thì hóa ra con rồng, con rắn, khi thì hóa ra con bò, con ngựa. Ai lại đi lấy một người chồng lạ lùng và đáng sợ như vậy. Đang trong tình cảnh đó thì Héraclès đến. Chàng thuật lại chuyện gặp vong hồn của Méléagre dưới âm phủ. Chàng cũng bày tỏ luôn ước nguyện của mình và mong muốn nhà vua và Dejánire cho phép mình được thực hiện trọn vẹn lời hứa với vong hồn Méléagre.

Vua cha và Dejánire đều rất ưng thuận. Nhưng thần Sông-Achéloos không chịu. Cuối cùng vua Oenée đành phải mở cuộc tỉ thí. Nàng Dejánire sẽ thuộc về người chiến thắng trong cuộc đọ sức đua tài này. Vào cuộc, thần Sông tỏ vẻ coi thường Héraclès:

– Nào lại đây, chàng trai tự xưng là con của Zeus và Alcmène: ta sẽ cho nhà ngươi biết rõ cái lai lịch này là bịa đặt, man trá!

Héraclès đáp lại:

– Hỡi thần Sông Achéloos! Ta vốn không quen đọ sức bằng lưỡi. Nào, hãy thử sức nhau một tí xem ra sao. Ít ra thì nhà ngươi cũng nên biết một điều: thắng được Héraclès này không dễ như đối với các địch thủ khác đâu!

Cuộc giao đấu diễn ra quyết liệt. Cả hai người to khỏe đứng sừng sững như hai ngọn núi. Họ xông vào nhau, dùng những đôi tay rắn chắc ôm thắt lưng nhau và ráng sức quật ngã nhau bằng những miếng võ mà họ đã từng quen thuộc, đã từng sử dụng để chiến thắng. Cát bụi tung lên mù mịt. Ba lần Héraclès lừa được Achéloos vào một thế hiểm tưởng quật ngã được đối thủ nhưng cả ba lần Achéloos đều gượng được hoặc đỡ được. Đến lần thứ tư thì Achéloos bị Héraclès quật ngã. Chàng đè lên Achéloos với một sức nặng ghê người khiến cho Achéloos cứ gắng chống chân lên là lại bị giập cho khụy xuống. Cứ để kéo dài mãi cái thế bất lợi này thì Achéloos không thể nào tránh khỏi thất bại. Gỡ ra để phản công thì chắc chắn là không được rồi. Achéloos đành giở món võ sở trường của mình, món võ mà xưa nay chưa từng bị ai đánh bại: biến thành các con vật. Thoạt tiên Achéloos biến thành rắn. Thần định lợi dụng thân hình bé nhỏ và trơn nhầy của giống vật này để chuồi ra khỏi thế bí trong tay Héraclès. Nhưng Héraclès nắm ngay lấy cổ rắn hét lớn:

– Hỡi Achéloos! Ta đã từng làm quen với giống rắn từ lúc còn nằm trong nôi! Ngươi nên nhớ rằng hồi đó ta đã bóp chết hai con rắn; hai con rắn chứ không phải một con như nhà ngươi hiện nay đâu.

Achéloos hoảng hốt, giãy giụa trong tay Héraclès. Thần lập tức biến mình thành một con bò mộng hung dữ. Héraclès nắm ngay lấy sừng bò, hét lớn:

– Hỡi Achéloos! Ta đã từng làm quen với sư tử chứ không phải với bò rừng. Ngươi nên nhớ rằng ta từng thuần phục được con bò rừng hung dữ mũi phun ra lửa ở đảo Crète.

Nắm được sừng bò, Héraclès tiện tay vặn mạnh một cái rồi ấn xuống. Sừng con bò gãy luôn. Thế là Achéloos chịu thua. Dejánire trở thành vợ Héraclès.

Hai vợ chồng sống với nhau ở cung điện của vua cha. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi yên ấm. Ngờ đâu bữa kia lại xảy ra một tai bay vạ gió. Trong một bữa tiệc, cậu con trai của người anh hùng Architélos, em vua Oenée, tên là Eumonos, vô ý hắt nước nóng rửa chân vào người Héraclès. Héraclès bực tức tiện tay tát chú bé một cái. Không may đòn đánh từ tay người dũng sĩ tuy nhẹ nhưng lại là quá mạnh đối với chú bé đến nỗi chú bé ngã lăn xuống đất và chết luôn. Thế là Héraclès lại phạm tội giết người. Dù là cố ý hay vô tình cũng là phạm tội. Héraclès phải tự trục xuất ra khỏi xứ Calydon. Hai vợ chồng đưa nhau về Tirynthe. Đường về phải qua một con sông rộng, nước chảy rất xiết, tên gọi là Évenos. May thay ở đây có một con Centaure tên là Nessus làm nghề chở khách kiếm ăn. Nessos không có đò, chở khách bằng cách cõng người trên lưng rồi bơi qua sông. Héraclès ném các vũ khí của mình sang bên kia bờ rồi bơi sang trước. Còn vợ chàng, nàng Dédaleia sẽ nhờ Nessos đưa sang. Héraclès vừa bơi sang đến bên kia bờ thì bỗng nghe thấy tiếng vợ mình kêu thất thanh. Nàng gào thét gọi chồng đến cứu. Thì ra con Centaure Nessos thấy Dejánire xinh đẹp liền nảy ra ý định bắt cóc. Nó không cõng nàng sang sông mà lại cõng nàng chạy đi một hướng khác. Héraclès liền giương cung. Mũi tên tẩm máu con mãng xà Hydre bay vút đi cắm phập vào thân tên Centaure Nessos cường bạo. Máu từ thân gã nửa người nửa ngựa này trào tuôn ra. Phút chốc chất độc kinh khủng lan tỏa, thấm khắp người hắn làm hắn hoa mắt, chóng mặt, rã rời. Biết mình sắp chết, hắn cất tiếng nói với Dejánire:

– Nàng ơi, xin nàng đừng cho tôi có mưu đồ ám muội với nàng. Thật ra tôi muốn cởi bỏ cho nàng khỏi người chồng ấy, người chồng không xứng đáng với nàng, vì tôi biết rằng Héraclès rồi ra sẽ phản bội lại tình yêu chung thủy đẹp đẽ của nàng. Nhưng số phận đã không cho phép tôi làm điều mình muốn. Vậy trước khi từ giã cõi đời, tôi xin truyền lại cho nàng điều bí ẩn này, chắc nó sẽ giúp ích được nàng nhiều. Nàng hãy lấy một chút máu của tôi đây, cất đi. Sau này nếu như người chồng của nàng có phút nào quên lời thề ước chung thủy thì nàng chỉ việc lấy một chiếc áo thấm vào máu tôi và đưa cho chàng mặc… Tình yêu của chàng sẽ lại đằm thắm với nàng, son sắt với nàng, đẹp đẽ như ngày hai người mới yêu nhau, lấy nhau.

Nói xong Nessos thở hắt ra và chết. Dejánire làm theo lời hắn. Nàng có ngờ đâu đến mưu đồ nham hiểm của hắn mà sau này khi nàng biết rõ thì đã quá muộn.

Quyển 2 – Chương 14: Héraclès đánh phá thành Troie

Hết hạn làm nô lệ cho Omphale, Héraclès trở về quê hương. Việc đầu tiên chàng quyết định phải làm là trừng phạt nhà vua Laomédon trị vì ở thành Troie về tội đã bội ước quỵt công của chàng trong việc giải thoát cho Hésione khỏi phải hiến mình cho loài thủy quái. Héraclès liền chiêu tập các vị anh hùng trên đất nước Hy Lạp họp thành một đạo quân lớn, tích lương đóng thuyền, làm lễ hiến tế các vị thần chờ ngày thuận gió hạ thủy xuất quân.

Đoàn chiến thuyền viễn chinh theo người xưa kể có mười tám chiếc, kể ra cũng chưa phải là to lớn gì. Cuộc vây đánh diễn ra không lâu. Laomédon biết đạo quân của Héraclès có để lại một đội quân nhỏ để canh giữ chiến thuyền neo đậu ở bờ biển, liền tung một đội quân từ trong thành ra tập kích. Quân Hy Lạp chống đỡ anh dũng song bị thiệt hại nặng nề. May thay khi quân Troie chưa kịp tiến vào khu chiến thuyền neo đậu ở bờ biển thì Héraclès được tin vội quay về ứng cứu. Quân Troie núng thế phải bỏ chạy vào trong thành. Quân Hy Lạp bắt đầu cuộc vây hãm thành Troie và tìm cách phá thành.

Các anh hùng dũng sĩ xông lên, vượt lên, trèo lên tường thành cao đánh nhau với quân Troie trên mặt thành. Họ thắng thế tràn vào trong thành, mở cổng thành cho đại quân ùa vào. Thế là thành Troie bị thất thủ. Laomédon và các con trai bị trúng những mũi tên tấm độc của Héraclès lần lượt ngã xuống. Chỉ còn lại một người con trai út của nhà vua là thoát chết song bị bắt làm tù binh. Nàng Hésione xinh đẹp cũng bị bắt. Để thưởng công cho người dũng sĩ Télamon đã anh dũng lúc nào cũng xông pha trước nhất, dẫn đầu mọi người trong các trận đánh, Héraclès gả Hésione cho chàng. Héraclès lại còn ban cho Hésione một đặc ân: cho phép Hésione chuộc một tù binh để phóng thích. Hésione bèn chọn ngay Podarcès168 người em út của mình. Nàng chẳng biết lấy của cải ở đâu ra làm lễ vật xin chuộc, liền tháo tấm khăn trùm đầu tha thướt trao cho Héraclès. Từ đó trở đi, Podarcès được tự do. Chàng đổi tên là: “Priam” theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “chuộc lại”. Héraclès trao lại thành Troie cho chàng trai “chuộc lại” này.

Đoàn thuyền chất đầy những chiến lợi phẩm dưới quyền chỉ huy của Héraclès trở về Hy Lạp. Nữ thần Héra vẫn nấu nung căm tức liền giáng xuống mặt biển những ngọn gió sóng thần hung dữ, bạo ngược, gây ra bão táp hiểm nguy. Để cho thần Zeus không biết chuyện này, Héra sai thần Giấc ngủ-Hypnos dùng pháp thuật đặc hữu của mình làm cho Zeus ngủ say mê mệt. Bão táp cứ thế hoành hành trên mặt biển. Đoàn thuyền của Héraclès trôi nổi trên mặt sóng dữ dội của Đại dương. Cuối cùng trôi dạt vào đảo Cos169.

Những người dân trên đảo Cos thấy có thuyền lạ đến đảo của mình bèn gọi nhau ra lấy đá ném, mưu làm cho thuyền đắm để “lũ cướp biển” không đổ bộ được lên bờ. Nhưng đêm hôm đó đoàn thuyền Héraclès đổ bộ được lên đảo. Tức giận vì hành động bạc đãi của những người dân trên đảo này, chàng đã cùng với các chiến hữu của mình phá trụi sạch đảo, bắt và giết một số dân. Vua Eurypylos con của thần Poséidon bị Héraclès giết trong một cuộc tấn công trả thù.

Sau một giấc ngủ dài và mệt, tỉnh dậy thần Zeus biết mình bị vợ đánh lừa. Tức chuyện đó một thì khi biết tin đoàn thuyền Héraclès trên đường về gặp giông tố, tai họa, tính mạng như trứng đặt dưới đá, Zeus lại càng tức mười, tức trăm. Thần thét vang làm cho cả cung điện Olympe run bần bật. Thần sai các chư thần đem Héra cùm lại. Đây là một chiếc cùm bằng vàng do thần Thợ rèn Chân thọt làm ra, chẳng ai có tài gì phá được. Sau đó Zeus, thật là vô cùng dã man, đem Héra trói lại rồi treo lơ lửng ở giữa trời, xiềng bàn chân của vợ, hai bàn chân xinh đẹp là như thế, vào hai cái đe. Các chư thần sợ xanh mắt, chẳng ai dám đứng ra khuyên giải Zeus đôi ba lời. Thần Zeus còn ra lệnh nếu vị thần nào can thiệp vào chuyện này, cởi trói cho Héra, thì sẽ bị ném tuột xuống trần. Chưa hết, Zeus lại còn sục sạo đi tìm thần Giấc ngủ-Hypnos để trừng trị y về cái tội đã đồng lõa với mụ vợ thù dai. Nhưng không tài nào tìm thấy. Hypnos vốn biết tính tình của Zeus song cũng không thể nào từ chối công việc của Héra giao. Nhưng y làm xong việc là cao chạy xa bay ngay đến chỗ nữ thần Đêm tối-Nyx nhờ nữ thần che chở, vì lẽ đó Zeus không thể nào tìm ra được thần Hypnos, người gieo giấc ngủ xuống đôi mắt của thế giới thiên đình và những người trần thế.

[163] Tiếng Hy Lạp mélanippe: con ngựa cái đen.

[164] Tác giả nhầm; Géryon là con của Chrysaor và Callirhoé. Méduse sinh ra Chrysaor (và Pégase) từ vết chém trên cổ, sau khi bị giết bởi Persée (Chương Người anh hùng Persée: Persée giết ác quỷ Méduse), vậy Méduse là bà của Géryon (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[165] Méléagrides gồm có Gorgé, Dejánire, Eurymède, Mélanippe.

[166] Pintade, còn dịch là gà Phi.

[167] Trois choses sont considérées comme également impossibles, enlever à Jupiter sa foudre, à Hercule sa massue, à Homère un vers: Có ba việc hoàn toàn không thể nào làm được là tước sét của thần Jupiter, cây chùy của Hercule, câu thơ của Homère. (Macrobe, Saturnales). Prendre la masue d’Hercule pour couper un cheveu en quatre: Dùng cây chùy của Hercule để chẻ sợi tóc làm tư; tương đương với câu Dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà trong văn học Việt Nam.

[168] Tiếng Hy Lạp podarcès: chân nhanh.

[169] Cos là một hòn đảo nằm trong quần đảo Sporades gần bờ biển phía nam Tiểu Á.