Quyển 2 – Chương 35: Người anh hùng Méléagre

Như đã kể trên, vua Oenée trị vì ở đô thành Calydon, vì nhãng quên không dâng lễ hiến tế cho nữ thần Artémis vào đầu vụ thu hoạch, cho nên đã làm nữ thần phật ý. Một đòn trừng phạt liền giáng xuống để chứng tỏ uy quyền của nữ thần. Artémis sai một con lợn rừng về tàn phá vùng Calydon. Vườn nho, vườn táo, đồng lúa… tất cả đều bị con lợn rừng hung dữ phá phách, xéo nát. Người nào ló mặt ra toan chống chọi thì lập tức con lợn lao tới ngay, và phần thắng thuộc về con ác thú của nữ thần Artémis. Người anh hùng Méléagre, con trai của vua Oenée kêu gọi các anh hùng Hy Lạp đến giúp mình một tay trừng trị con vật nguy hiểm. Lập tức các vị anh hùng từ bốn phương kéo đến. Thésée từ Athènes sang, Admète từ thành Phères tới, rồi Pélée ở xứ Phthie, Jason từ Iolcos, Pirithoos từ Thessalie, Télamon từ đảo Salamine… Đặc biệt có một nữ anh hùng tên là Atalante có tài chạy nhanh như một con hươu chân dài sung sức. Sở dĩ nàng có được tài năng như vậy là vì nàng từ nhỏ sống trong rừng với những người thợ săn. Cha nàng không muốn có con gái cho nên khi sinh ra nàng ông bực tức và thất vọng, đã sai người đem nàng bỏ vào rừng. Một con gấu cái đón được nàng, cho nàng bú rồi nàng lớn lên gia nhập vào hàng ngũ những người thợ săn và trở thành xạ thủ danh tiếng tưởng chừng có thể sánh ngang nữ thần săn bắn Artémis.

Atalăngtơ chạy thi với Hipômenex (Hipômenex dùng mẹo thả táo để Atalăngtơ ngừng lại nhặt, nhờ đó Hipômenex thắng cuộc thi và lấy Atalăngtơ làm vợ)

Cuộc săn đuổi con lợn rừng diễn ra suốt trên một dải rừng ở vùng Calydon. Nhờ tài chạy nhanh, Atalante đuổi bám được con thú. Nàng giương cung. Một mũi tên lao đi cắm phập vào con lợn làm nó bị thương. Méléagre nhờ đó chạy dấn lên phóng mũi lao nhọn vào con vật kết liễu số phận tàn ác của nó. Tiếp đó, những người khác mới xông đến bồi tiếp những đòn cuối cùng. Bàn việc chia phần, một việc tưởng chừng đơn giản, ai ngờ lại quá phức tạp, lôi thôi. Phần vì có những vị anh hùng mà tính nết cứ đến cái chuyện chia phần như thế này thì chẳng anh hùng tí nào, phần vì nữ thần Artémis, tức giận vì con lợn rừng của mình bị giết, đã khơi lên trong trái tim những người dự cuộc họp bình công chia phần hôm ấy tính ghen tị, thói kèn cựa nhỏ nhen. Theo lẽ công bằng, như Méléagre phân giải, phần thưởng cao nhất, danh dự của cuộc săn phải trao cho Atalante, nhưng tiếc thay chẳng ai còn tỉnh táo và trong sáng để thừa nhận công lao của người nữ anh hùng ấy. Tệ hơn nữa là những ông cậu của Méléagre lại xúc phạm đến Atalante, vu cáo cho Méléagre thiên vị, bênh vực người mình yêu. Méléagre điên tiết giết phăng luôn mấy ông cậu đó. Từ bé xé ra to. Những người Élis ở Calydon không chịu nổi bèn tuyên chiến với những người Curètes ở thành Pleuron bên cạnh. Méléagre cầm đầu những đạo quân Calydon của chàng đánh thắng liên tiếp. Đang khi chiến đấu thì chàng được tin mẹ chàng, Althée, vì thương tiếc hai người em ruột của mình bị chàng giết, đã nổi giận cầu nguyện các nữ thần Érinyes chuyên việc báo thù, cầu nguyện thần Hadès và nữ thần Perséphone cai quản chốn âm ty địa ngục, trừng phạt chàng. Méléagre nổi giận, chàng không thể ngờ được mẹ chàng lại đối xử với chàng như thế. Chàng từ bỏ luôn cuộc chiến đấu lui về phòng riêng của mình than thở với người vợ trẻ đẹp tên là Cléopâtre.

Méléagre từ bỏ cuộc chiến đấu. Cục diện chiến trường thay đổi ngay: những người Calydon từ thắng chuyển thành bại, và thất bại này kéo theo thất bại khác, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước. Cuối cùng, quân Curètes thừa thắng xông lên vây hãm thành Calydon. Tình thế hết sức nguy ngập, đô thành đứng trước họa tiêu vong. Trong hoàn cảnh quẫn bách như thế, vua cha Oenée không biết làm gì hơn là đành phải thân chinh đến gặp Méléagre để khuyên giải Méléagre nguôi giận và trở lại chiến trường, nhưng Méléagre một mực cự tuyệt. Các bô lão thành Calydon cũng kéo đến khẩn thiết xin Méléagre xuất trận. Họ hứa sẽ trao cho chàng phần thưởng to lớn nhất, hậu hĩ nhất một khi quân Curètes bị đánh tan, nhưng người anh hùng Méléagre vẫn không thuận theo ý muốn của các vị bô lão. Cả đến mẹ và em chàng đến gặp chàng, đem hết tình, lý ra thuyết phục chàng, chàng vẫn không nghe. Quân Curètes đã chọc thủng được một mảng tường thành tràn vào đất phá một khu vực và nếu không ngăn cản được thì sớm muộn cả kinh thành sẽ bị thiêu đốt ra tro.

Trong nỗi kinh hoàng gớm ghê đang sầm sập đổ xuống, người vợ trẻ đẹp của Méléagre, nàng Cléopâtre, quỳ xuống trước mặt chồng, nói với chồng những lời tha thiết sau đây:

– Chàng ơi, xin chàng hãy bớt giận làm lành! Lẽ nào chàng đành lòng ở đây để nhìn đô thành ta bị đốt cháy thành tro bụi, để nhìn những người dân thành Calydon vốn yêu mến chàng như những người thân thích trong gia đình bị bắt giải đi làm nô lệ? Chàng có lúc nào nghĩ tới chính trong số những người dân Calydon bất hạnh ấy, có cha mẹ chàng và những đứa em thân yêu của chàng không? Chàng có bao giờ nghĩ tới trong số những người khổ nhục ấy có người vợ thân yêu còn son trẻ và xinh đẹp của chàng không? Làm sao mà cha mẹ và các em của chàng cũng như vợ chàng có thể thoát khỏi cái số phận nhục nhã đó nếu như họ không chết dưới mũi lao của quân thù? Nỗi giận hờn dai dẳng làm cho con người ta mất cả tỉnh táo khôn ngoan. Linh hồn những chiến sĩ bị chết vì quân Curètes sẽ muôn đời nuôi giữ mối thù oán hận đối với chàng. Họ khi đứng trước thần Hadès và nữ thần Perséphone sẽ nói: “Chỉ tại chàng Méléagre nuôi giữ mối giận hờn dai dẳng với mẹ, từ bỏ cuộc giao tranh cho nên chúng tôi mới sớm phải lìa đời với bao niềm luyến tiếc…” Họ sẽ nói như thế, nhưng còn chàng, khi ấy chàng ở đâu? Liệu chàng có thoát khỏi số phận nhục nhã bị quân thù bắt giải đi hay trong cơn binh lửa chàng cũng đã gục ngã vì một mũi tên hay một ngọn lao ác hiểm nào?

Nghe vợ nói những lời tâm tình đau xót, Méléagre tỉnh ngộ. Chàng mặc áo giáp vào người, cầm lấy khiên và ngọn lao dài nhọn hoắt xông ra chiến trường. Quân Calydon thấy vị tướng tài của mình trở lại chiến trường lòng đầy hồ hởi. Họ xông vào đánh quân thù với khí thế dũng mãnh như hùm sói. Thành Calydon được giải vây, nhưng ứng nghiệm thay lời cầu xin của Althée, một mũi tên vàng của thần Apollon từ đâu bay tới kết liễu cuộc đời của chàng. Linh hồn của Méléagre rời bỏ cuộc sống ra đi nhưng còn nuôi giữ mãi nỗi ân hận, lo lắng cho tương lai của nàng Dejánire, người em gái xinh đẹp và thương yêu của mình. Còn Althée, sau khi được tin con trai tử trận, hối hận vì hành động nóng giận của mình đã treo cổ tự sát. 190

Có một nguồn chuyện kể: Dejánire không phải là em cùng bố với Méléagre. Bố Dejánire là thần Rượu nho-Dionysos. Vị thần này mê cảm trước sắc đẹp của Althée đã gạ gẫm vua Oenée cho “mượn” bà vợ ít ngày. Tặng vật hậu tạ là cây nho. Trước một tặng vật vô cùng quý báu như thế, vua Oenée lúc đầu có phần lưỡng lự song sau khi cân nhắc, nhà vua liền ưng thuận. Từ đó trở đi trên mảnh đất Calydon mọc lên những ruộng nho bạt ngàn xanh tốt, và Dejánire là kết quả của mối tình ngắn ngủi giữa Dionysos và Althée.

Nhận xét về huyền thoại này, F. Engels viết: “… Chỉ qua thần thoại của thời anh hùng mà người Hy Lạp biết được bản chất hết sức chặt chẽ của mối liên hệ trong nhiều bộ tộc đã gắn bó người cậu với người cháu trai và phát sinh từ thời đại mẫu quyền. Theo Diodore (IV, 34), Méléagre giết chết những người con trai của Thestios191 tức là những người anh em của mẹ hắn Althée, bà này coi hành vi đó là một tội ác không thể chuộc được, đến nỗi bà nguyền rủa kẻ sát nhân tức đứa con trai của bà và cầu cho hắn chết đi. Theo chỗ người ta kể lại thì các vị thần đã thể theo nguyện vọng của bà ta mà chấm dứt cuộc đời của Méléagre”.192

Như vậy vì xót xa mối tình ruột thịt anh em của mình mà Althée, một người mẹ đã không còn tình mẫu tử nữa. Việc bà ta cầu xin các vị thần giết chết đứa con trai do mình dứt ruột đẻ ra để trả thù cho anh em ruột thịt của mình chứng tỏ bà ta coi trọng dòng họ của mình hơn. Đứa con trong quan niệm của bà ta hẳn là không thân thiết bằng anh em ruột thịt. Nó thuộc về dòng họ khác, dòng họ của người cha, và hành động của Althée trong chuyện này là một bằng chứng về sức sống của chế độ mẫu quyền, về mối liên hệ chặt chẽ của chế độ mẫu quyền.

Tuy nhiên có một câu hỏi đương nhiên đặt ra đối với vấn đề này: Vì sao đứa con ở trong chuyện này lại bị coi là thuộc về dòng họ của người cha? Nếu trong quan hệ mẫu quyền theo ý nghĩa chính xác nhất, chặt chẽ nhất, thì đứa con không thể nào thuộc về dòng họ của người cha được. Trong quan hệ mẫu quyền phổ biến, đứa con bao giờ cũng thuộc về người mẹ, dòng họ người mẹ, thuộc về thị tộc mẫu hệ và chắc chắn Althée sẽ không thể nào nảy ra cái ý định muốn trừng phạt con để trả thù cho anh em ruột thịt của mình. Nhưng trong thực tế của câu chuyện này thì rõ ràng đứa con, chàng Méléagre, người anh hùng của thành Calydon, là sản phẩm của một quan hệ phụ quyền. Vậy thì chúng ta phải đi đến một kết luận để giải quyết cái mâu thuẫn mà xét qua bề ngoài ta thấy tưởng chừng như hết sức vô lý và khó hiểu đó: đây là một huyền thoại phức hợp, bên cạnh những quan hệ mẫu quyền ta thấy có cả những đặc điểm của chế độ phụ quyền.

[190] Có nguồn chuyện kể Althée vứt đoạn củi-số mệnh của Meléagre vào bếp cho cháy hết. Xem chương: Mười hai kỳ công của Héraclès: Bắt sống chó ngao Cerbère.

[191] Thestios là cha đẻ của Althée và ba người con trai là Alcée, Céphée và Ploceppe.

[192] F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 205-206.

Quyển 2 – Chương 36: Cuộc giao tranh giữa anh em Dioscures với anh em Apharétides

Anh em Dioscures, như trên đã kể, chỉ có Pollux là con của thần Zeus nên mới được các vị thần Olympe ban cho sự bất tử, còn Castor vẫn phải chịu số kiếp của người trần đoản mệnh. Tuy vậy hai anh em vẫn sống gắn bó khăng khít với nhau và chẳng ai là người suy tị hay lên mặt kiêu căng. Họ là những chàng trai nổi tiếng của đất Hy Lạp, xứng đáng là những bậc anh hùng. Castor nổi danh vì tài điều khiển xe ngựa, còn Pollux tài quyền thuật. Hai anh em Dioscures đã từng tham dự cuộc săn con lợn rừng Calydon, cuộc viễn chinh của những người Argonautes sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Sự nghiệp anh hùng của họ tưởng có thể lớn lao và lâu dài hơn nữa, nhưng tiếc thay, trong cuộc giao tranh với anh em Apharétides193 họ đã bị lìa đời. Chuyện xảy ra như sau:

Apharée vua xứ Messine có hai người con trai: Lyncée và Idas. Kể về huyết thống thì anh em Dioscures và anh em Apharée là anh em con cô, con cậu. Thế mà giữa họ đã xảy ra mối bất hòa và dẫn đến cuộc giao tranh đẫm máu, đầu mối là việc phân chia số bò cướp đoạt được. Thuở ấy có một đàn bò không rõ từ đâu lạc về đất Arcadie. Anh em Dioscures và Apharétides bàn nhau cướp số bò này, và họ tìm cách lùa được đàn bò ra khỏi vùng Arcadie. Idas chịu trách nhiệm chia phần. Nuôi sẵn tính tham, Idas bàn với Lyncée chiếm đoạt cả đàn súc vật. Anh ta mổ một con bò làm thịt và chia ra làm bốn phần bằng nhau, rồi nêu lên một cách chia: ăn thi! Đúng, ăn thi để xem ai đoạt giải thì chia bò! Ai ăn hết phần thịt của mình trước tiên thì được chia một nửa số bò, ai ăn hết thứ nhì cũng được chia một nửa số bò, và thế là hết, gọn gàng chẳng phải bình công hoặc rút thăm lôi thôi, phiền phức. Anh em Dioscures bị trúng mưu, Idas bằng kế hiểm của mình đã làm cho họ không sao ăn nhanh được. Còn mình thì loáng một cái đã chén hết sạch sành sanh khẩu phần. Chén xong khẩu phần của mình, Idas bèn sang “chi viện” cho Lyncée. Thế là cuối cùng hai anh em Apharétides ăn hết nhất nhì. Họ được cả đàn gia súc.

Vô cùng tức giận vì thói gian tham của anh em Apharétides, anh em Dioscures mưu tính chuyện trả thù. Lợi dụng sơ hở của anh em Apharétides, anh em Dioscures đột nhập vào lãnh địa Messine đoạt lại đàn bò, hơn nữa, lại còn bắt đi tất cả đàn gia súc của anh em Apharétides đã mất công chăn nuôi gây dựng từ trước đến nay. Vẫn chưa hết, anh em Dioscures còn bắt đi cả hai người con gái của vua Leucippos là nàng Phoébé và nàng Hilaera – những người vợ chưa cưới của anh em Apharétides. Anh em Dioscures biết thế nào anh em Apharétides cũng truy đuổi. Một cuộc giao tranh thế tất phải xảy ra và muốn thắng địch thủ chỉ có cách dùng kế mai phục giáng một đòn bất ngờ. Anh em Dioscures bèn trốn nấp vào một gốc cây lớn để chờ cho anh em Apharétides đi qua. Bởi vì giao tranh với Idas, mặt đối mặt, không phải chuyện dễ dàng. Gã này đã từng cả gan giao đấu với thần Apollon để bảo vệ người yêu của mình là nàng Marpessa con gái vua Événos, vị vua ở xứ Élis, Marpessa còn là cháu gái của thần Chiến tranh-Arès. Ta hãy tạm dừng ở đây một chút để nghe về chuyện Marpessa:

Thuở ấy có biết bao chàng trai say mê sắc đẹp của Marpessa, và như chúng ta đã biết, trong tình thế có nhiều chàng trai đến cầu hôn như thế thì nhà vua chỉ có cách dùng tỉ thí để đấu loại rồi lựa chọn, nhưng cuộc tuyển chọn này lại khá khắc nghiệt. Chàng trai cầu hôn phải đua xe ngựa với người đẹp. Nếu thắng thì không nói làm gì rồi, đương nhiên Marpessa là của anh ta. Còn nếu bại, chao ôi, quả là căng thẳng quá! Cái giá phải trả cho chiến bại là đầu mình! Tóm lại là vừa không được người đẹp mà lại vừa mất đầu. Ấy thế mà khá nhiều chàng trai sẵn sàng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, quyết lao vào cuộc tỉ thí, và họ đã bị mất đầu vì trái tim quá nóng bỏng vì khát vọng muốn chiếm đoạt được người đẹp. Đây chẳng phải là một chuyện “ngoại lệ” gì. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay biết hao chuyện lôi thôi, phiền toái, lâm ly, thống thiết đã xảy ra giữa thế giới thần thánh và thế giới loài người kể từ đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kính trở đi, cũng chỉ vì… người đẹp.

Idas quyết định chấp nhận cuộc thử thách ngàn cân treo sợi tóc. Gã cầu thần Poséidon, người cha đẻ của mình xin thần ban cho gã một cỗ xe ngựa có phép thần hành. Những con ngựa trong cỗ xe này chạy nhanh như gió và không hề biết đến mỏi mệt, và nhờ đó gã đã giành được thắng lợi, đoạt được Marpessa. Nhưng trớ trêu thay, thần Apollon cũng đem lòng yêu mến Marpessa từ lâu, vì thế thần mưu cướp tay trên Marpessa của Idas. Idas giận sôi máu, rút gươm lao vào quyết giành giữ người đẹp. Cuộc giao đấu diễn ra quyết liệt. Idas bất chấp thần thánh, quyết bảo vệ phần thưởng vinh quang của mình. Còn Apollon thì cũng bừng bừng lửa giận vì tên tiểu tốt vô danh dám cứng đầu cứng cổ với thần thánh. Thần Zeus biết chuyện, bèn giáng ngay một đòn sét đánh đầy khói mù xuống tách hai địch thủ ra khỏi cuộc tử chiến và phân xử vụ tranh chấp này bằng cách: giao toàn quyền quyết định cho Marpessa. Marpessa quyết định ai thì người đó được hưởng vinh quang sống với người đẹp. Còn kẻ bị thua thì không được giở trò “càn quấy”.

Marpessa quyết định ai? Apollon hay Idas? Chắc hẳn nhiều người đoán Marpessa quyết định Apollon. Không! Marpessa không quyết định Apollon mà quyết định Idas. Chẳng phải nàng tuân thủ điều kiện đã ban bố của cha về cuộc tỉ thí mà vì nàng suy nghĩ hết mọi đường mọi nẻo và thấy rằng quyết định Idas là chồng mình là hơn hết, là đúng đắn. Làm vợ một vị thần có nhiều quyền thế giàu sang phú quý dễ có mấy ai bì được, lại được nhiều người trọng vọng nể vì, được hưởng lộc của những lễ hiến tế hậu hĩ, nhưng theo Marpessa nghĩ, nhìn qua thì tưởng là hơn nhưng xét kỹ ra thì có nhiều điều không ổn. Nàng chỉ là một người thiếu nữ trần tục, đoản mệnh mà thần thì lại bất tử, muôn đời trẻ mãi. Thời gian sẽ làm cho nàng già đi, sắc đẹp tàn phai, khi ấy với Apollon chắc rằng sắc tàn ắt tình cạn. Với tính tình “vi vu” của các vị thần, kể cả thần Zeus trở đi, chắc rằng Apollon sẽ bỏ nàng mà đi tìm một thiếu nữ khác. Chuyện đó chẳng phải là hiếm hoi gì trong thế giới thần thánh, nhất là thần Zeus, vị thần phụ vương của các thần và những người trần thế. Ấy là chưa kể đến còn nhiều chuyện phiền toái khác chẳng hạn như muốn đi thăm chồng đâu phải dễ dàng. Thần Apollon thì ở trên đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ. Ra vào nơi chốn của các vị thần đâu có phải dễ dàng như người trần ta đi thăm nhau. Vậy, thôi thì “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, người trần đoản mệnh lấy người trần đoản mệnh, hà tất chi phải tới chốn cao xa cho phiền hà, rắc rối. Nghĩ thế nên Marpessa chọn Idas. Vì chuyện lựa chọn này mà Marpessa được người đời sau ca tụng, coi nàng là biểu tượng của lý trí, lẽ phải, sự thận trọng, sáng suốt, khôn ngoan.

Đó là chuyện Marpessa là như thế. Qua chuyện này ta thấy Idas chẳng phải tầm thường đâu. Thắng được gã không phải là dễ dàng. Nhưng sự tính toán mai phục của anh em Dioscures trở nên vô dụng, bởi vì họ chỉ đối phó được với Idas bằng cách ấy thôi, còn đối với Lyncée mưu kế ấy chỉ là trò trẻ. Lyncée về tài năng võ nghệ chẳng giỏi giang gì nhưng bẩm sinh được thần thánh ban cho một đôi mắt tinh tường hết sức. Gã có thể nhìn vào trong đêm tối như bưng mà vẫn tỏ tường như ta nhìn vào lúc ban ngày ban mặt. Còn hơn thế nữa gã có thể nhìn thấu qua mặt đất, xuyên vào trong núi đá vì thế chẳng có gì thoát khỏi con mắt sắc sảo của gã. Từ trên đỉnh núi Taygète xa xa, Lyncée đã nhìn thấy anh em Dioscures chui vào núp trong một hốc cây, và Lyncée lập tức gọi Idas tới. Hai anh em lên ngựa xuất trận. Bọn họ phóng ngựa qua nơi hốc cây anh em Dioscures nấp. Một mũi lao của Idas phóng vào thân cây. Mũi lao xuyên qua lớp vỏ cây cứng rắn, xuyên qua cả những thớ gỗ dày và săn như những bắp thịt của một đôi cánh tay gân guốc rồi thọc mạnh vào đâm thủng ngực Castor. Máu từ ngực người anh hùng trào tuôn ra giống như nhựa cây trào ra từ vết thương do ngọn lao xuyên thủng. Pollux thấy vậy vội chạy bổ ra ngoài giao đấu với anh em Lyncée, Idas. Đánh nhau được một lúc thì hai anh em Apharétides núng thế bỏ chạy. Pollux lập tức đuổi đến cùng. Chàng đuổi theo địch thủ đến ngôi mộ người thân sinh ra chúng thì lập được chiến công. Bằng một nhát gươm hiểm độc Pollux kết thúc gọn cuộc đời danh tướng Lyncée, kẻ có đôi mắt tinh tường nhìn thấu suốt đất dày, đá rắn. Còn lại một mình Idas, Pollux quyết không tha mạng tên này. Chàng lao ngay tới hắn. Không phải là một kẻ nhát gan, Idas chấp nhận cuộc giao tranh với hy vọng trả thù được cho người em ruột của mình, nhưng thần Zeus xót thương người con của mình, không muốn để nó phải mệt mỏi trong cuộc đọ sức nên đã can thiệp để kết thúc cuộc giao đấu. Thần liền giáng một đòn sét đánh đầy khói mù sương thiêu chết Idas và thiêu luôn cả thi hài Lyncée ra tro.

Pollux trở về nơi hốc cây Castor bị trúng lao. Vết thương quá nặng, máu chảy mất nhiều khiến cho khi Pollux về trông thấy thì em chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt, cứng đờ. Chàng khóc than thảm thiết oán trách thần Chết đã chia lìa tình anh em máu mủ ruột thịt của mình. Khóc than hồi lâu, Pollux cầu xin người cha vĩ đại của mình là thần Zeus cho mình được chết theo em, người em ruột đã gắn bó với Pollux như bóng với hình trong tất cả mọi sự nghiệp. Thần Zeus nghe thấy lời cầu xin tha thiết của đứa con trai yêu quý bèn hiện lên. Thần cho phép con mình được lựa chọn hai đặc ân: trở về thế giới Olympe sống cuộc đời bất tử, vĩnh hằng của các vị thần, hoặc chỉ sống được nửa cuộc đời bất tử, một ngày sống dưới vương quốc tối tăm của thần Hadès, còn một ngày sống trên thế giới Olympe sáng láng, trong lành. Pollux chẳng muốn xa rời người em xấu số. Chàng chọn đặc ân thứ hai mà thần Zeus, người cha vĩ đại đã ban cho mình. Chàng chia sẻ với em nửa cuộc đời bất tử của mình. Thế là từ đó trở đi người ta thấy hai anh em Dioscures sống bên nhau, một ngày dưới âm phủ đi lang thang trên những cánh đồng hoang mờ ảo hay đi trên bờ sông Styx mù mịt khói xám, còn ngày hôm sau lại sống huy hoàng, tươi trẻ trong cung điện của các vị thần Olympe bên những bàn tiệc đầy ắp những thức ăn thần và rượu thánh vang rộn tiếng đàn ca.

Tục thờ cúng anh em Dioscures phát triển khá rộng trong nhiều địa phương trên đất Hy Lạp. Huyền thoại về anh em Dioscures theo các nhà nghiên cứu, phản ánh tượng trưng cho sự thay đổi của cuộc sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối. Ra đời ở Sparte, cho nên huyền thoại này cũng đồng thời phản ánh tượng trưng cho sự tranh chấp, thù địch lâu đời giữa vùng Laconie và vùng Attique. Những người Sparte coi Dioscures như một vị thần bảo hộ cho nhà nước của họ, bảo hộ cho nghệ thuật thể dục thể thao. Castor là vị thần của nghệ thuật điều khiển ngựa. Pollux vị thần của võ nghệ quyền thuật. Những chức năng mới ngày càng phát triển thêm: Dioscures bảo vệ cho các chiến binh, cho những cuộc hành trình trên biển, là những người khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ trong những ngày lễ hội. Trong cuộc Chiến tranh Péloponnèse194, anh em Dioscures đã biến hóa thành hai ngọn lửa bay quanh bánh lái con thuyền do tướng Lysandre195 chỉ huy để biểu lộ sự quan tâm của mình, sự che chở cho quân Sparte. Tục thờ cúng Dioscures phát triển sang tới những bộ lạc trên bán đảo Ý. Năm 484 TCN ở đô thành Rome xây dựng một ngôi đền thờ anh em Dioscures.

Ngày nay Dioscures chuyển nghĩa trở thành một biểu tượng cho tình anh em gắn bó keo sơn, tình bạn chân thành và chung thủy. Còn Lyncée trở thành đồng nghĩa với “người có đôi mắt tinh tường” hoặc “người canh gác sắc sảo”.

[193] Apharétides là tên gọi chung các con của Apharée.

[194] Chiến tranh Péloponnèse (431-404 TCN), cuộc chiến tranh do hai thành bang Sparte và Athènes cầm đầu hai khối liên minh nhằm tranh giành quyền thống trị trên bán đảo Hy Lạp. Athènes cầm đầu liên minh Délos. Sparte cầm đầu liên minh Péloponnèse.

[195] Lysandre là một nhà chiến lược và chỉ huy tài giỏi của Sparte đã đánh bại Athènes.

Quyển 2 – Chương 37: Nỗi buồn của chàng Cyparissos

Trong một thung lũng thơ mộng ở trên đảo Chéos, một hòn đảo nằm ở phía nam quần đảo Cyclades trên biển Égée, có một con hươu rất xinh đẹp. Đó là tặng vật không rõ của ai hiến dâng cho một tiên nữ Nymphe. Sừng con vật óng ánh vàng, cổ đeo một chuỗi ngọc xanh biếc, tai đeo những hạt kim cương muôn sắc muôn màu. Những người trần thế đoản mệnh sống ở thung lũng này biết rõ đây là một báu vật của nàng Nymphe cho nên không ai dám xúc phạm đến con vật đó. Vì thế con vật sống quanh quẩn với người mà không hề sợ hãi. Nó thường đi tha thẩn la cà hết nhà này đến nhà khác, sà vào lòng các thiếu nữ và nằm ngoan ngoãn để cho các thiếu nữ vuốt ve bộ lông mượt mà trên lưng nó. Với các chàng trai thì con vật lại làm nũng một cách khác, nó vươn chiếc cổ dài của nó ra, dụi dụi đầu, áp má bên này áp má bên kia của mình vào người các chàng, liếm vào tay các chàng. Chẳng ai là người nỡ hắt hủi con vật hiền lành và đáng yêu đó. Ai ai cũng yêu mến và thích ôm ấp vui chơi với con vật, một con vật đem lại sự dịu dàng trong sáng cho đời sống. Trong số những người yêu quý con hươu có chàng Cyparissos. Chàng là con trai của vua Chéos và là người bạn thân thiết của vị thần Thiện xạ có cây cung bạc Apollon. Thật khó mà nói được chàng trai này yêu quý con hươu đến mức nào. Chỉ biết chàng kết bạn với nó thân thiết hơn cả mọi người, chăm sóc nó hơn tất cả mọi người và đi chơi với nó, gắn bó với nó hơn tất cả mọi người. Chàng lấy những bông hoa rừng đẹp đẽ kết vào đôi sừng nhiều nhánh của nó. Chàng thường cùng với nó đi dạo chơi bên những dòng suối róc rách. Chàng trở thành một người bạn tâm tình của con hươu xinh đẹp. Đến nỗi chỉ nghe thấy tiếng chàng nói, chỉ ngửi thấy hơi chàng là con vật đã xán lại bên chàng.

Vào một buổi trưa hè nóng nực, con hươu yêu quý tạm xa người bạn vào rừng, chui vào nằm trong một bụi cây để tránh cái nắng như thiêu như đốt. Còn Cyparissos, hôm đó đi săn từ sáng sớm, và chẳng may chàng đi tới chỗ con hươu nằm. Vì lá cây che lấp cho nên chàng không biết con vật yêu quý của mình đang tránh né nắng hè ở trong bụi cây. Chàng chỉ thấy loang thoáng trong bụi cây có một con vật, và chàng vui mừng chắc mẩm đã gặp được con mồi ngon. Lập tức một ngọn lao phóng vào bụi cây. Ngọn lao rung lên cùng với tiếng kêu đau đớn, run rẩy của con vật. Cyparissos chạy tới… ôi thôi, con hươu thân thiết yêu quý của chàng nằm đó, máu trào ra lênh láng trên mặt đất. Con hươu giương đôi mắt buồn bã, yếu ớt lên nhìn chàng như oán trách. Cyparissos vô cùng đau xót và hối hận trước hành động lầm lỡ không thể ngờ tới được đó. Nỗi đau xót và hối hận của chàng sâu sắc đến nỗi chàng không thiết sống nữa. Chàng cầu xin Apollon cho chàng được chết theo người bạn thân thiết. Thần Apollon hiện ra an ủi chàng, khuyên chàng nên quên đi nỗi buồn, nhưng Cyparissos không sao quên được cái chết oan nghiệt mà chàng đã gây ra cho con hươu, người bạn thân thiết của chàng. Chàng khẩn khoản xin vị thần Xạ thủ có cây cung bạc hãy ban cho chàng một nỗi tiếc thương, đau xót, ai oán vĩnh viễn trong cõi chết để chàng đền đáp lại được lỗi lầm của mình. Thần Apollon cuối cùng chấp nhận lời cầu xin của chàng. Thần biến chàng thành một thứ cây mà lá nó quanh năm xanh tốt ngọn cây cao vút như hình tháp nhọn chọc thẳng lên trời. Thần buồn rầu nhìn cây Cyparissos nói:

– Hỡi chàng trai xinh đẹp vô cùng yêu quý và thân thiết của ta! Suốt đời ta không nguôi được nỗi nhớ thương, đau xót của ta đối với ngươi. Còn ngươi, ngươi cũng sẽ suốt đời buồn bã, xót xa cho người khác, bất cứ một con người nào vì số mệnh bất hạnh phải từ giã cuộc sống tươi vui, tràn ngập ánh nắng rực rỡ này. Ngươi sẽ nuôi giữ mãi nỗi phiền muộn ưu tư.

Từ đó trở đi, những người dân Hy Lạp mỗi khi trong nhà có người qua đời đều lấy một cành cây cyparissos treo trước cửa nhà. Người ta còn đem cành cây này trang hoàng cho giàn lửa hỏa táng và trồng cây này ở bên các nấm mồ, nghĩa địa. Đó chính là cây trắc bá (le cyprès) mà quanh năm ngày tháng, suất bốn mùa xuân hạ thu đông, lúc nào cũng xanh tươi như nỗi buồn của chàng Cyparissos lúc nào cũng nguyên vẹn chẳng hề bị thời gian làm phai nhạt. Vì lẽ đó cây trắc bá tượng trưng cho nỗi nhớ tiếc không nguôi, chuyện tang ma.

Nhưng ngày nay, cây trắc bá không còn giữ nguyên ý nghĩa tượng trưng cho nỗi nhớ tiếc khôn nguôi và chuyện tang ma như cũ nữa. Vì cây trắc bá lúc nào cũng xanh tươi cho nên nó tượng trưng cho sự vĩnh cửu, tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững. Mở rộng nghĩa, vì cây trắc bá không cho quả cho nên nó tượng trưng cho sự nghèo túng nhưng vì suốt bốn mùa lúc nào nó cũng xanh tươi cho nên nó cũng tượng trưng cho một con người tự do, không bị phụ thuộc, một con người có bản lĩnh. Do những biến đổi như thế cho nên chúng ta thấy người ta trồng cây trắc bá ở công viên, ở các dinh thự, cung văn hóa… Cây trắc bá trở thành một loại cây cảnh dùng để trang trí vì một lẽ đơn giản: nó có hình dáng thanh thoát, đẹp đẽ, và màu xanh thẫm của nó cũng rất đẹp.

Quyển 2 – Chương 38: Cái chết của chàng Hyacinthos

Hyacinthos là con trai của Amyclos, vua thành Sparte. Chàng xinh đẹp khỏe mạnh chẳng kém gì các vị thần của thế giới Olympe. Thần Apollon kết bạn với chàng. Thần thường rủ chàng vào rừng săn bắn muông thú hoặc cùng chàng luyện tập các môn thể dục thể thao mà người Hy Lạp xưa kia vốn ưa chuộng. Người ta thường thấy đôi bạn này khi thì chạy trên bờ sông Eurotas, khi thì phóng lao, ném đĩa, đấu quyền, đấu vật, bắn cung… Tóm lại là những môn thể dục thể thao mà những chàng trai ở đô thành Sparte rất thành thạo. Nhưng không phải chỉ có thần Apollon yêu mến người con trai này. Thần Gió-Zéphyr, ngọn gió tây, thường đem lại hơi mát và những cơn mưa ẩm ướt, cũng đem lòng yêu mến Hyacinthos. Vì thế thần Zéphyr đem lòng ghen tị với thần Apollon.

Bữa kia, Apollon rủ Hyacinthos thi ném đĩa, Apollon ném trước. Với thân hình cường tráng, cân đối, đẹp đẽ, thần cầm lấy cây đĩa vặn mình lấy đà, và… vút một cái, chiếc đĩa bay lên trời. Thần định bụng sẽ truyền dạy cho người bạn trai xinh đẹp của mình hết tài nghệ ném đĩa để trong các ngày hội Hyacinthos có thể đoạt được phần thưởng vinh quang. Nhưng có ngờ đâu! Chiếc đĩa bay vút lên trời nhưng lại không bay theo một đường thẳng mà bay lạng, bay chệch hẳn sang một phía khác. Thần Gió-Zéphyr bằng tài năng của mình đã làm cho chiếc đĩa bay chệch hẳn đi và rơi xuống trúng đầu Hyacinthos. Chàng trai không kịp kêu lên một tiếng, cũng không kịp giơ tay ôm lấy đầu, chiếc đĩa giáng xuống đầu chàng mạnh như một lưỡi búa của thần Zeus, khiến chàng vỡ toang đầu và nằm vật ra chết luôn không nói được một lời. Apollon kinh hoàng, chạy ngay tới chỗ người bạn của mình. Thần vực đầu người bạn đặt lên lòng mình ra sức bịt vết thương cho máu khỏi tuôn chảy, nhưng vô ích. Đôi mắt Hyacinthos dại hẳn đi và chỉ còn là màu trắng bệch. Đầu chàng trai xinh đẹp lả ra, ngoẹo oặt sang một bên chẳng khác gì một cánh hoa trên đồng nội bị héo lả dưới ánh nắng thiêu đốt của một buổi trưa hè. Apollon đau đớn kêu lên:

– Hỡi Hyacinthos, người bạn thân thiết của ta! Thế là ta đã gây nên cái chết oan uổng cho chàng. Ta biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm này. Xin chàng hãy tha thứ cho ta!

Nhưng linh hồn Hyacinthos đã bay về vương quốc của thần Hadès chẳng hề biết đến những giọt nước mắt đau xót của Apollon đang lã chã tuôn rơi xuống khuôn mặt xinh đẹp của mình. Thần Apollon nâng chiếc đầu đẫm máu của người bạn thân thiết của mình đặt xuống đất. Quỳ bên thi hài Hyacinthos, thần vuốt mớ tóc quăn đẫm máu cho khỏi xòa xuống, che phủ mất vầng trán đẹp đẽ của bạn, và thần cất tiếng nói những lời thiêng liêng sau đây:

– Hỡi Hyacinthos! Chàng trai thân thiết và xinh đẹp của ta! Người sẽ sống mãi trong trái tim ta. Trái tim của ta sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh của người.

Kỳ lạ thay, những lời nói thiêng liêng đó vừa dứt thì từ vùng máu đỏ của Hyacinthos mọc lên một bông hoa đỏ thắm, hương thơm ngào ngạt. Đó là hoa hyacinthos (tiếng Pháp: hyacinthe) mà ngày nay chúng ta dịch là hoa dạ lan hương. Người Hy Lạp xưa kia cho rằng nhìn trên cánh hoa dạ lan hương ta có thể thấy được chữ “ai” theo tiếng Hy Lạp là “đau khổ” hoặc “than ôi!” Có chuyện kể, không phải Zéphyr ghen tị gây ra cái chết của Hyacinthos mà là do thần Apollon ném đĩa bay chệch, rơi vào đầu người bạn của mình. Cũng có chuyện kể, không phải từ vũng máu mọc lên bông hoa mà từ thi hài Hyacinthos.

Truyền thuyết này theo các nhà nghiên cứu thuộc về một thời kỳ tối cổ, trước khi có những vị thần của thế giới Olympe. Đó là thời kỳ của những vị thần tiền Hy Lạp, thần của các loài cây cỏ. Sau này các vị thần đó được gắn liền với việc thờ cúng Apollon và tiếp theo, vào một thời kỳ muộn hơn, vị thần cây cỏ biến thành một chàng trai xinh đẹp để rồi được thần thánh yêu mến, để rồi chết đi biến thành cây thành hoa. Truyền thuyết về Hyacinthos rất có thể chỉ là một biến dạng của huyền thoại về cái chết và sự tái sinh của thần thánh tượng trưng cho sự hồi sinh, tươi tắn trở lại của thiên nhiên sau giấc ngủ dài mùa đông. Môtíp người biến thành cây cỏ không phải là một môtíp xa lạ trong gia tài thần thoại Hy Lạp. Chúng ta đã thấy trong các chuyện về nàng Daphné, chàng Adonis, Narcisse… Lại cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng những chuyện có môtíp người chết biến thành cây cỏ vốn có một nguồn gốc tối cổ gắn liền với tục giết người để hiến tế cho thần thánh, và trong lễ hiến tế này người ta tưới máu của người bị hy sinh xuống đất với hy vọng làm cho đất đai được phì nhiêu mùa màng được bội thu.

Tục thờ cúng Hyacinthos xưa kia mỗi năm hành lễ một lần, kéo dài khoảng ba ngày. Trung tâm của tín ngưỡng này, hội lễ này là đô thành Amyclai, thờ thần Apollon và Hyacinthos.

Quyển 2 – Chương 39: Truyện vợ chồng Céphale và Procris

Xưa có hai vợ chồng Céphale và Procris sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng rồi một hôm người chồng bỗng nảy ra ý định thử xem người vợ của mình có chung thủy hay không, và đó là đầu mối của cái kết thúc rất đỗi đau xót và thương tâm, rất đỗi bi thảm của cuộc đời họ.

Céphale vốn là con trai của Déion và Diomède, nhưng có người nói, thật ra thì chàng là con của vị thần Truyền lệnh và Thông tin Liên lạc-Hermès và nàng Hersé, con gái của nhà vua Cécrops, vị vua đầu tiên của đô thành Athènes, người đã chủ tọa cuộc tranh giành quyền cai quản Athènes giữa nữ thần Athéna và thần Poséidon. Vợ chàng là nàng Procris, con gái của nhà vua Érechthée, vị vua cầm quyền cũng ở đô thành Athènes.

Hàng ngày Céphale vào rừng săn bắn. Ngay từ thuở nhỏ, chàng đã nổi tiếng là người săn giỏi, hơn nữa lại là người đẹp trai nhất trong đám thợ săn. Chàng đi từ mờ sáng cho đến chiều tà mới về. Vợ chàng ở nhà lo việc chăn nuôi và bếp nước. Dáng người khỏe mạnh, cân đối, khuôn mặt xinh đẹp của Céphale đã lọt vào mắt một vị nữ thần. Vị nữ thần này ngày nào cũng gặp chàng trên đường chàng vào rừng săn thú, vì thế lâu dần vị thần đó đâm ra yêu say mê chàng, để thuyết phục chàng… làm chồng mình. Vị nữ thần đó chẳng phải là ai xa lạ, đó là nàng Rạng đông-Éos trùm chiếc khăn vàng có những ngón tay hồng xinh đẹp.

Céphale bị bắt và đưa đi đến một nơi xa lạ, có lẽ nơi đó là chỗ tận cùng của đất. Nữ thần Rạng đông-Éos ngày ngày săn sóc chàng, âu yếm thuyết phục chàng từ bỏ mối tình với người vợ trần tục để kết duyên với nàng, một nữ thần xinh đẹp và muôn đời trẻ mãi, nhưng Céphale một mực xin nữ thần tha cho mình về sống với người vợ hiền của mình. Chàng cảm tạ tấm lòng ưu ái của nữ thần:

– Hỡi nữ thần Éos có tấm khăn vàng chói lọi và những ngón tay hồng xinh đẹp! Xin nàng đừng giận! Ta đã gắn bó với Procris, vợ ta, bằng một lời thề hứa trung thành và một trái tim thủy chung duy nhất. Ta không thể đang tâm bỏ nàng khi nàng vẫn yêu ta tha thiết và vẫn trước sau như một chung thủy với ta. Nữ thần hỡi! Ta đời đời ghi nhớ và biết ơn trái tim thương yêu vô vàn quý báu của nàng. Đó là một đặc ân hiếm có người trần thế nào được hưởng, nhưng ta lại càng ghi nhớ và biết ơn nàng hơn nữa nếu nàng thả cho ta được về sống với nàng Procris dịu hiền và ngoan ngoãn của ta.

Nữ thần Éos bất lực trước ý chí sắt đá của Céphale. Nàng đành phải thả chàng, nhưng nàng bảo:

– Ta vô cùng cảm phục trái tim trong sáng và thủy chung của chàng, nhưng đấy rồi chàng xem, người vợ mà chàng tin yêu và dâng hiến tất cả trái tim của mình cho nàng, chắc gì đã chung thủy với chàng. Chàng hãy thử xem và sẽ thấy sự thật. Chắc rằng khi biết rõ tâm địa của nàng, lúc đó chàng sẽ hối hận là đã không nghe theo lời khuyên của ta. Nhưng thôi, dù sao chàng đã muốn về với nàng thì ta không thể giữ chàng được. Ta chúc chàng sẽ giữ được bình tĩnh khi biết rõ sự thật.

Nữ thần thả cho Céphale ra về. Nàng biến chàng thành một thương nhân giàu có với hình dạng khác hẳn. Chàng trở về Athènes để thử thách lòng chung thủy của vợ. Chỗ này có chuyện kể hơi khác. Céphale không bị nữ thần Éos bắt cóc mà chính bản thân chàng từ bỏ gia đình ra đi, ra đi suốt tám năm trời, để rồi một hôm nào đó trở về với hình dạng khác hẳn, thử thách vợ mình.

Céphale trở về Athènes. Chàng hồi hộp bước vào nhà. Vợ chàng vẫn ngồi bên cửa sổ như xưa, nhưng khác xưa, với một khuôn mặt u buồn. Chàng chào hỏi nàng như một người xa lạ, bắt chuyện với nàng rồi từ sơ đến thân, rồi chàng đem những tặng vật quý giá ra biếu nàng và… cuối cùng, nàng Procris trong một phút yếu đuối đã ngã người vào lòng chàng. Đến lúc này Céphale mới nói rõ sự thật. Chàng trở lại nguyên hình, nổi giận mắng nhiếc Procris đã không giữ trọn tấm lòng chung thủy và dễ bị mua chuộc, v.v.

Procris vô cùng xấu hổ, nàng không biết nói gì với chồng. Nàng tự nghĩ: tốt hơn hết là ta phải ra đi cho qua những giây phút nặng nề khó bề chịu đựng được như thế này, và Procris trốn đi, trốn vào sống trong rừng, một khu rừng già sâu thẳm. Tại đây nàng gặp nữ thần Artémis, người Trinh nữ Xạ thủ có cây cung bạc, danh tiếng lẫy lừng, con của nữ thần Léto. Người xưa kể, Procris đã trốn sang đảo Crète để cho quên hết mọi chuyện xảy ra. Nữ thần Artémis ban cho nàng đặc ân được theo hầu nữ thần trong cuộc đời săn bắn. Nữ thần lại ban cho nàng hai báu vật: một ngọn lao thần kỳ và một con chó siêu việt. Ngọn lao này hễ phóng là trúng đích, tự mình nó, nó có thể điều chỉnh cho trúng đích. Không một con mồi nào có thể thoát khỏi ngọn lao này trừ khi nó có tài thăng thiên hay độn thổ. Chưa hết, ngọn lao sau khi làm tròn sứ mạng của mình rồi thì tự nó lại bay trở về tay người phóng. Thật là tuyệt diệu! Cả kho vũ khí của người anh hùng Héraclès tưởng cũng không thể sánh được với ngọn lao này. Còn con chó thì thính tai, thính mắt hơn chim ưng, cú vọ, chạy nhanh như ngựa và mũi thì nhạy cảm đến mức mũi voi, hổ, báo, chó sói cũng phải thua. Ngọn lao ấy và con chó ấy may mà chỉ có một chứ có hai thì có dễ rừng xanh đến hết muông thú. Nữ thần Artémis ban cho Procris những báu vật như thế, và nữ thần, sau khi biết hết câu chuyện tình duyên của người thiếu nữ phục vụ mình, bèn bằng tài cao phép lạ lại còn làm cho nàng trở thành đẹp đẽ hơn xưa, kiều diễm hơn xưa, hấp dẫn hơn xưa. Nàng bảo:

– Con hãy trở về với Céphale và thử thách lòng chung thủy của chàng!

Procris trở về Athènes. Nàng hồi hộp xiết bao khi bước vào ngôi nhà thân yêu của mình. Cảnh cũ người xưa trông thấy mà nửa buồn, nửa ngậm ngùi, nửa hồ hởi. Nàng chào hỏi Céphale như một người xa lạ mới gặp chàng lần đầu. Céphale tiếp đãi nàng rất trân trọng. Nhìn thấy chàng lo việc bếp nước, nàng cảm thấy thương chàng vô hạn. Câu chuyện giữa hai người lúc đầu còn mang vẻ khách khí nhưng sau dần chuyển sang cởi mở tâm tình. Céphale nói cho người thiếu nữ biết mối tình chung thủy của mình với Procris, rằng mặc dù Procris có lỗi nhưng chàng cũng có lỗi là đã không đối xử tế nhị với nàng, đã xúc phạm nàng để đến nỗi nàng phải ra đi, rằng chàng vẫn nhớ thương và vẫn rất yêu Procris. Còn người thiếu nữ kể cho chàng nghe câu chuyện về cuộc đời éo le và mối tình ngang trái, bất hạnh của nàng, một câu chuyện bịa đặt nhưng lại khiến cho Céphale khi nghe xúc động không cầm được nước mắt, và người thiếu nữ ấy còn đi xa hơn nữa. Nàng bày tỏ tình yêu đối với chàng, trao tặng chàng ngọn lao thần kỳ và con chó siêu việt để chàng săn bắn cho đỡ vất vả. Khi Céphale xúc động đưa hai tay ra nắm lấy đôi vai của người thiếu nữ và xoay mạnh người nàng lại để được nhìn thẳng vào khuôn mặt xinh đẹp của nàng, đôi mắt trong veo của nàng thì đó là lúc Procris bằng phép thần của Artémis trở lại nguyên hình như cũ. Céphale sửng sốt, lùi lại một bước. Bây giờ là lúc Procris trả lại chàng những lời mắng nhiếc mình khi xưa. Céphale cúi đầu nghe những lời mắng nhiếc với một nỗi hổ thẹn lớn trong lòng.

Nhưng có lẽ nào chàng lại bỏ nhà ra đi như Procris xưa kia? Procris xưa kia ra đi là phải. Còn chàng bây giờ ra đi lại là không phải, và đi đâu mới được chứ? Mà vì sao chàng lại phải ra đi một khi chàng vẫn yêu thương Procris, một khi chàng đã biết chính chàng cũng có lỗi với Procris, đã cư xử thô bạo với Procris? Còn Procris, nàng trở về không phải để chàng ra đi, chàng Céphale yêu dấu của nàng, và nếu chàng có nhất quyết ra đi thì nàng cũng bằng mọi cách để giữ chàng lại. Vì những lẽ đó, hai người hòa giải với nhau trong niềm vui đoàn tụ của những giọt nước mắt hàn huyên. Chẳng ai còn giận ai nữa. Họ cười xòa với nhau, sống với nhau rất hòa thuận, yên ấm, hạnh phúc. Cái chuyện “không chung thủy” của họ mỗi khi họ nhắc lại chỉ và một dịp mua vui, tạo ra những tiếng cười khúc khích, những câu mắng yêu, bộ mặt giận vờ để làm cho không khí gia đình thêm thú vị, ấm cúng, tình yêu thêm mặn nồng. Chỗ này có chuyện kể, không phải Procris từ đảo Crète trở về để thử thách chồng. Vợ chồng họ sum họp với nhau là do Céphale nhớ vợ quá, phải lặn lội sang đảo Crète tìm vợ về.

Nếu như cuộc sống của họ cứ thế trôi đi thì đã chẳng nên chuyện. Céphale ngày ngày vào rừng đi săn. Chàng không bao giờ chịu trở về tay không. Ngọn lao thần kỳ với con chó siêu việt đem lại cho chàng những thắng lợi khác thường. Bữa kia, sau một cuộc săn đuổi mệt nhọc, Céphale tìm một nơi râm mát để nghỉ. Chàng vừa đi lửng thững vừa nghêu ngao hát:

– Hỡi nàng Gió mát dịu dàng! Ta chờ đợi nàng, chờ nàng đã lâu mà sao chưa thấy nàng đến. Hỡi cô em xinh đẹp thân yêu! Hãy đến đây với ta! Lồng ngực ta đang mở rộng để đón làn hơi dịu dàng của nàng. Nàng hãy đến mau với ta, đến mau để xua tan nỗi mệt nhọc, nặng nề, oi bức trong ta. Nàng là niềm hạnh phúc của ta. Nàng ban cho ta sức sống và niềm khoái cảm. Vắng nàng ta nhớ khôn nguôi. Ta nhớ bước đi thanh thoát, nhẹ nhàng của nàng. Ta nhớ em từng hơi thở đều đặn, nhịp nhàng của nàng. Hỡi nàng Gió thân yêu!

Một người tiều phu Athènes đi rừng nghe thấy Céphale hát như vậy. Anh ta nghĩ rằng Céphale đang than thở nỗi lòng trong khi chờ đợi một nàng Nymphe nào đó tên là Gió mát, bởi vì thuở ấy ở Hy Lạp, những tiên nữ Nymphe thường vẫn chung sống và giao thiệp với những người trần tục. Người tiều phu này bèn đem cái chuyện tai nghe nhưng mắt không thấy về kể với Procris, và tất nhiên anh ta kể lại theo sự suy luận nhầm lẫn của anh ta. Nghe xong câu chuyện Procris rất giận, rất buồn. Rất có thể lắm chứ, chồng nàng đã không yêu nàng nữa. Céphale có thể đã yêu một nàng Nymphe nào đó trong rừng tên là Gió mát, và nếu quả đúng như vậy, thì chàng đã không giữ trọn lời thề hứa, chàng đã không chung thủy với nàng. Nghĩ tới đây, trái tim Procris bùng lên một nỗi giận hờn ghê gớm. Nàng nghĩ bụng, phải vạch trần sự dối trá này của Céphale.

Và một buổi sáng kia, khi Céphale cất bước ra đi thì Procris cũng lén bước theo chàng. Nàng bám sát mỗi bước đi của chàng trên con đường mòn vào rừng sâu thăm thẳm mặc cho gai nhọn đá sắc, mặc cho nỗi mệt nhọc tưởng đến đứt hơi. Còn Céphale chàng vẫn không hề hay biết chút gì. Chàng cứ tiếp tục săn muông thú và sau một hồi săn đuổi, mệt nhọc, Céphale đi tìm một nơi râm mát để nghỉ. Chàng vừa đi vừa nghêu ngao hát:

– Hỡi nàng Gió mát dịu dàng! Ta chờ nàng, chờ nàng đã lâu mà sao không thấy nàng đến? Hãy đến mau với ta, đến đây với ta, hỡi nàng Gió mát…

Nghe thấy chồng hát những lời như thế, Procris vội chui vào nấp trong một bụi cây. Nàng đoán chắc thế nào nàng Nymphe Gió mát sẽ đến, và đó là lúc nàng được dịp vạch mặt chỉ trán kẻ phản bội.

Céphale dựng lao, ngả mình trên một thảm cỏ dưới một bóng cây. Chàng vẫn nghêu ngao hát:

– Nàng là niềm hạnh phúc của ta. Nàng ban cho ta niềm vui, sức sống và nỗi khoái cảm dịu dàng. Vắng nàng ta nhớ khôn nguôi, trong người rạo rực, bứt rứt… Hỡi nàng Gió mát! Ta nhớ bước đi thanh thoát nhẹ nhàng của nàng, ta nhớ từng hơi thở nhịp nhàng, đều đặn của nàng…

Bỗng Céphale ngồi bật dậy. Chàng thấy trong bụi cây phía trước có tiếng sột soạt. Chàng lắng nghe và theo dõi. Chàng thấy bụi cây rung lên đều đều như có một con vật nào nằm trong đó đang thở. Chắc chắn không phải là một con thỏ hay một con chồn. Céphale với lấy ngọn lao phóng mạnh về phía bụi cây. Một tiếng rú lên kinh hoàng, đau đớn. Céphale bàng hoàng chạy vội lại. Một cảnh tượng vô cùng đau xót thảm thương bày ra trước mặt chàng: Procris, người vợ xinh đẹp và vô vàn yêu dấu của chàng nằm đấy, tay đưa lên ôm ngực đang trào máu. Nàng đau đớn quằn quại, Céphale ra sức băng bó, bịt vết thương lại cho máu khỏi tuôn chảy, nhưng vô ích. Máu vẫn trào tuôn ra như suối, lênh láng trên mặt đất vì vết thương quá sâu và quá rộng. Lúc này người vợ yêu dấu của chàng đã nhợt nhạt hẳn đi. Nàng nhìn chồng với đôi mắt oán trách, gắng sức nói với chàng những lời lẽ cuối cùng:

– Hỡi Céphale yêu quý của em! Em chết đây… Vĩnh biệt anh! Chàng Céphale xinh đẹp và săn giỏi của em! Chàng đã bỏ em để ân ái với người đàn bà khác. Chàng đã giấu em để đi chia sẻ tình yêu với một thiếu nữ xinh đẹp nào ở chốn này. Em… em xin lấy mối tình thiêng liêng của đôi ta làm điều chứng giám. Em cầu xin các vị thần Olympe cao cả và các vị thần ở vương quốc của thần Hadès là nơi em sắp gia nhập hãy dùng quyền lực của mình ngăn cấm, ngăn không cho cái người đàn bà anh chờ đợi được đặt chân vào căn phòng thiêng liêng của đôi ta! Céphale, em chết đây, em yêu anh nhưng anh… anh đã lừa dối em.

Thế là Céphale hiểu rõ sự thật. Vợ chàng đã hiểu lầm. Chàng vội cắt nghĩa, thanh minh:

– Procrisi! Procris em! Em gắng nghe anh! Em hiểu lầm rồi! Chẳng có ai cả đâu! Anh hát đấy chứ! Anh hát thế chứ có chuyện gì đâu!

Nhưng Procris mắt đã dại hẳn đi. Trên môi nàng đọng lại một nụ cười héo hắt, nụ cười mà Céphale nhớ mãi suốt đời. Linh hồn của nàng sắp ra đi vĩnh viễn. Nàng gắng đưa cánh tay yếu ớt lên bá lấy cổ chàng. Céphale đỡ lấy cánh tay thân yêu ấy. Chàng cúi xuống hôn vợ, khóc nấc lên. Nước mắt đau khổ, xót xa, oán hận của chàng chảy tràn trề xuống khuôn mặt xinh đẹp, thân yêu, yêu dấu của Procris. Linh hồn nàng Procris đón nhận chiếc hôn ấy rồi bay đi.

Tòa án Aréopage ở Athènes kết tội trục xuất Céphale. Chàng phải rời bỏ quê hương, xứ sở ra đi, nỗi đau khổ xót xa cứ bám lấy chàng. Sang trú ngụ ở thành Thèbes, chàng đã giúp vua Amphitryon trừng trị được một con cáo tai hại mà không một người thợ săn nào giết được, kể cả những tay săn lão luyện với các thứ bẫy. Thần Poséidon sai con cáo này đến thành Thèbes, để trừng phạt họ vì một tội gì đó. Hàng tháng dân thành Thèbes phải dâng cho nó một đứa bé để nó ăn thịt. Céphale thả con chó siêu việt của mình ra. Con chó đuổi con cáo miết. Con cáo cũng chạy miết. Cuộc đuổi bắt chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt nếu thần Zeus không biến cả hai con vật thành đá. Céphale còn giúp Amphitryon dẹp giặc Téléboens. Chàng được nhà vua thưởng công cho cai trị một hòn đảo mà ngày nay gọi là hòn đảo Céphalonie196. Có chuyện kể, Céphale bị nỗi hối hận cắn rứt, giày vò. Suốt đời chàng cứ băn khoăn đau xót về hành động của mình và nhất là những giây phút cuối cùng của vợ.

Nàng, liệu nàng có nghe được lời chàng thanh minh trước khi ra đi vĩnh viễn không? Khi thì chàng tin rằng nàng nghe được, nếu không nghe được thì sao nàng lại đưa tay lên bá lấy cổ chàng? Khi thì chàng không tin, chắc chắn rằng nàng không nghe thấy gì hết, vì lúc đó nàng đã hôn mê rồi. Nếu thế thì chàng vô cùng ân hận. Nỗi đau khổ, xót xa cứ bám lấy chàng, giày vò chàng khiến một ngày kia chàng lao mình xuống biển tự tử để giải thoát khỏi sự cắn rứt dai dẳng.

[196] Céphalonie là hòn đảo lớn lên biển Ionien, phía tây bán đảo Hy Lạp.

Quyển 2 – Chương 40: Chuyện người danh ca Orphée

Vua xứ Thrace là thần Sông-Oeagre lấy tiên nữ Muses Calliope, vị nữ thần cai quản nghệ thuật sử thi, làm vợ. Hai vợ chồng sinh được một cậu con trai đặt tên là Orphée197. Nhờ sự dạy bảo của mẹ cho nên Orphée, từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu nghệ thuật. Chú bé rất yêu thích và say mê luyện tập đàn ca. Thần Apollon thấy vậy đem lòng yêu mến và định bụng sẽ giúp đỡ chú bé Orphée trở thành một nghệ sĩ danh tiếng. Lớn lên, Orphée càng tỏ ra có tài năng đặc biệt. Giọng hát của chàng cao vút, trong trẻo và ấm áp lạ thường. Thần Apollon ban cho Orphée một cây đàn lia bảy dây và nhiều tài năng khác nữa, đặc biệt thần ban cho chàng nguồn cảm hứng nghệ thuật tưởng như không bao giờ vơi cạn và trái tim nhạy cảm, dễ xúc động hơn người. Thần lại còn ban cho chàng tài năng ứng tác, cứ cất tiếng là thành lời ca, cứ đưa tay vào đàn là thành những âm thanh hòa hợp du dương, êm ái. Nhưng Orphée không chỉ bằng lòng với cây đàn lia bảy dây. Chàng nghĩ bụng, ông của ta, thần Zeus vĩ đại, đã sinh ra chín nàng Muses và giao cho các nàng cai quản các nghệ thuật, vậy thì lẽ nào cây đàn này lại chỉ có bảy dây, và Orphée tìm cách lắp vào hai dây nữa cho thành chín như một kỷ niệm đối với dòng dõi của mình.

Thật khó mà nói được tiếng đàn và giọng hát của Orphée hay như thế nào, hay đến mức nào. Chỉ biết rằng mỗi khi Orphée vào rừng vừa đi vừa gảy đàn vừa hát thì cây cối trong rừng bảo nhau thôi đừng thì thào trò chuyện nữa. Tất cả đều im phăng phắc để lắng nghe tiếng đàn trong trẻo, thánh thót và tiếng hát sâu lắng, ấm áp tình người của Orphée. Không phải chỉ có cây cối mới say mê tiếng hát của Orphée. Núi đá khô khan và lạnh lùng đến thế mà khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của Orphée cũng thấy bồi hồi, nôn nao trong lòng trong dạ. Những tảng đá ngơ ngẩn sững sờ khi tiếng đàn, tiếng hát của Orphée cứ nhỏ dần theo bước đi của chàng. Còn sông, suối khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của Orphée thì bảo nhau tạm dừng bản hòa tấu của mình lại để lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu này mà học lấy cách chơi đàn. Có lần vì quá say mê tiếng đàn, tiếng hát của Orphée mà những tảng núi đá đã rủ nhau đi theo chàng. Orphée vào rừng không một vũ khí mang theo, ấy thế mà không một con thú nào xâm phạm đến tính mạng chàng. Từ xa nghe thấy tiếng đàn, tiếng ca của chàng vọng đến, thế là chúng gọi nhau đến quây quần bên chàng, ngồi im thin thít, ngoan ngoãn lắng nghe. Lúc ấy trông chúng chẳng có vẻ gì là hung dữ, là những ác thú chuyên bắt các súc vật, vồ người để ăn thịt. Còn những con vật hiền lành như thỏ, sóc, chim, gà, khỉ, vượn, hươu, nai… thì khi nghe tiếng đàn của Orphée là náo nức, sướng vui như mở cờ trong bụng. Chúng tíu tít gọi nhau, rủ nhau đi nghe Orphée đàn hát. Chúng nhảy múa tưng bừng theo lời ca, tiếng nhạc.

Quyển 2 – Chương 41: Mối tình chung thủy với nàng Eurydice

Vua xứ Thrace là thần Sông-Oeagre lấy tiên nữ Muses Calliope, vị nữ thần cai quản nghệ thuật sử thi, làm vợ. Hai vợ chồng sinh được một cậu con trai đặt tên là Orphée197. Nhờ sự dạy bảo của mẹ cho nên Orphée, từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu nghệ thuật. Chú bé rất yêu thích và say mê luyện tập đàn ca. Thần Apollon thấy vậy đem lòng yêu mến và định bụng sẽ giúp đỡ chú bé Orphée trở thành một nghệ sĩ danh tiếng. Lớn lên, Orphée càng tỏ ra có tài năng đặc biệt. Giọng hát của chàng cao vút, trong trẻo và ấm áp lạ thường. Thần Apollon ban cho Orphée một cây đàn lia bảy dây và nhiều tài năng khác nữa, đặc biệt thần ban cho chàng nguồn cảm hứng nghệ thuật tưởng như không bao giờ vơi cạn và trái tim nhạy cảm, dễ xúc động hơn người. Thần lại còn ban cho chàng tài năng ứng tác, cứ cất tiếng là thành lời ca, cứ đưa tay vào đàn là thành những âm thanh hòa hợp du dương, êm ái. Nhưng Orphée không chỉ bằng lòng với cây đàn lia bảy dây. Chàng nghĩ bụng, ông của ta, thần Zeus vĩ đại, đã sinh ra chín nàng Muses và giao cho các nàng cai quản các nghệ thuật, vậy thì lẽ nào cây đàn này lại chỉ có bảy dây, và Orphée tìm cách lắp vào hai dây nữa cho thành chín như một kỷ niệm đối với dòng dõi của mình.

Thật khó mà nói được tiếng đàn và giọng hát của Orphée hay như thế nào, hay đến mức nào. Chỉ biết rằng mỗi khi Orphée vào rừng vừa đi vừa gảy đàn vừa hát thì cây cối trong rừng bảo nhau thôi đừng thì thào trò chuyện nữa. Tất cả đều im phăng phắc để lắng nghe tiếng đàn trong trẻo, thánh thót và tiếng hát sâu lắng, ấm áp tình người của Orphée. Không phải chỉ có cây cối mới say mê tiếng hát của Orphée. Núi đá khô khan và lạnh lùng đến thế mà khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của Orphée cũng thấy bồi hồi, nôn nao trong lòng trong dạ. Những tảng đá ngơ ngẩn sững sờ khi tiếng đàn, tiếng hát của Orphée cứ nhỏ dần theo bước đi của chàng. Còn sông, suối khi nghe tiếng đàn, tiếng hát của Orphée thì bảo nhau tạm dừng bản hòa tấu của mình lại để lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu này mà học lấy cách chơi đàn. Có lần vì quá say mê tiếng đàn, tiếng hát của Orphée mà những tảng núi đá đã rủ nhau đi theo chàng. Orphée vào rừng không một vũ khí mang theo, ấy thế mà không một con thú nào xâm phạm đến tính mạng chàng. Từ xa nghe thấy tiếng đàn, tiếng ca của chàng vọng đến, thế là chúng gọi nhau đến quây quần bên chàng, ngồi im thin thít, ngoan ngoãn lắng nghe. Lúc ấy trông chúng chẳng có vẻ gì là hung dữ, là những ác thú chuyên bắt các súc vật, vồ người để ăn thịt. Còn những con vật hiền lành như thỏ, sóc, chim, gà, khỉ, vượn, hươu, nai… thì khi nghe tiếng đàn của Orphée là náo nức, sướng vui như mở cờ trong bụng. Chúng tíu tít gọi nhau, rủ nhau đi nghe Orphée đàn hát. Chúng nhảy múa tưng bừng theo lời ca, tiếng nhạc.

[197] Có người cho rằng Orphée là người sáng lập tôn giáo Orphisme.

Quyển 2 – Chương 42: Cái chết của Orphée

Eurydice chết thấm thoắt đã được bốn năm rồi. Bốn năm đã trôi qua nhưng Orphée vẫn không sao quên được hình ảnh người vợ yêu dấu của mình. Nỗi thương nhớ người vợ sớm phải lìa đời cứ bám chặt lấy trái tim chàng như những cái vòi của con bạch tuộc không có gì có thể kéo dứt ra được. Chàng sống âm thầm, lặng lẽ với cây đàn vàng của mình. Chàng chẳng tham dự những cuộc hội hè vui chơi với các bạn. Bạn trai chẳng làm cho chàng vui, bạn gái cũng chẳng làm cho chàng quên đi được Eurydice. Nhiều cô gái xinh đẹp tỏ lòng thương mến chàng, muốn lấp nỗi trống trải của đời chàng nhưng chàng không biểu lộ chút tình cảm gì đáp ứng lại cho nên chàng bị mang tiếng là người căm ghét đàn bà.

Lại một năm nữa trôi qua. Mùa xuân đến với sức sống hồi sinh đem lại cho vạn vật muôn loài một niềm vui tưng bừng khí sắc. Orphée đón chào cuộc sống đổi sắc thay da với những tiếng đàn lời hát của mình. Chàng với cây đàn vàng đi khắp đó đây ca hát về sự kỳ diệu của trời đất, cỏ cây, hoa lá, về cuộc sống vĩnh hằng của chúng, về vẻ đẹp của chúng, về tình yêu chung thủy của chúng đối với loài người. Nghe tiếng đàn, tiếng hát của chàng, núi rừng xốn xang, náo nức. Cây cối xòe những chiếc lá xanh non ra múa theo tiếng nhạc, lời ca. Thú vật, chim chóc trong rừng lại rủ nhau đến ngồi bên bờ suối lắng nghe. Còn con suối thì lại thì thầm nhẩm theo lời ca của Orphée để học thuộc lòng bài ca về cuộc sống đang sinh thành. Chàng đang say sưa ca hát thì bỗng nghe thấy từ xa vẳng lại tiếng cười đùa, hò hét huyên náo, cuồng nhiệt. Đó là những thiếu nữ, phụ nữ tham dự lễ rước hội vui thờ thần Dionysos ra về. Người ta thường gọi họ là những Bacchantes hoặc Ménades. Họ vừa đi vừa vui đùa một cách buông thả phóng túng và ngày càng đến gần Orphée đang ngồi gảy đàn và ca hát. Một người phụ nữ trông thấy chàng, kêu lên:

– Chúng mày ơi, cái tên căm ghét đàn bà kia rồi!

Và cả bọn cùng reo lên:

– Đúng rồi, cái tên căm ghét chị em chúng mình đấy!

– Orphée đấy! Dần cho hắn một trận đi!

– Cho hắn biết tay chị em chúng mình đi!

– Cho hắn về thế giới của thần Hadès với nàng Eurydice của hắn đi!

Cứ thế những lời tục tĩu buông ra để giễu cợt, nhạo báng Orphée. Orphée vô cùng đau đớn khi thấy họ đem tâm tư, tình cảm của mình ra làm một trò đùa tàn ác. Chưa bao giờ trong đời, chàng bị xúc phạm thô bạo như bây giờ. Đau đớn hơn nữa họ lại xúc phạm đến cả Eurydice của chàng, nhưng chàng vẫn cứ ca hát, chàng vẫn cứ ca hát về những điều đẹp đẽ cao thượng trên thế gian này. Chàng vẫn cứ ca hát với niềm tin trên thế gian này điều xấu xa, tàn bạo, thô thiển sẽ ngày càng ít đi và những điều đẹp đẽ, cao thượng, nhân ái sẽ ngày càng nhiều hơn.

Trêu chọc khiêu khích Orphée vô hiệu, thế là đám phụ nữ xông vào chàng. Một cây gậy thyrse phóng vào Orphée, nhưng một cây trường xuân đã tung những dây của mình ra kịp thời quấn chặt lấy cây gậy cản nó lại không cho nó xâm phạm đến người Orphée. Một hòn đá bay về phía người chàng, nhưng hòn đá say mê tiếng hát của người danh ca đã không nỡ làm việc độc ác. Nó rơi ngay xuống trước mặt chàng. Tiếng hò hét của lũ đàn bà mất trí, độc ác, tàn bạo càng điên cuồng thì Orphée càng bình tĩnh. Chàng vẫn cứ ca hát. Chàng những muốn dùng lời ca tiếng hát để ca hát cảm hóa họ, nhưng lũ người điên cuồng đó đã xúm đến vây quanh lấy chàng như một lũ chó sói vây quanh lấy một con hươu hay một con nai lạc đàn. Orphée van xin họ đừng giết mình nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa. Thế là những cây gậy thyrse quật tới tấp vào người Orphée. Orphée ngã vật xuống đất giãy giụa hồi lâu rồi tắt thở.

Nhưng lũ người bạo ngược đó vẫn chưa thôi. Họ còn hành hạ thi thể của Orphée. Họ chặt đầu chàng quăng xuống dòng sông Hébros198, phanh thây chàng vứt đó đây, họ vứt cả cây đàn vàng của chàng xuống dòng nước chảy xiết của con sông xanh xanh. Nhưng kỳ lạ sao, cây đàn bị vứt xuống lòng sông vẫn vang lên những âm thanh réo rắt, trầm bổng của mình, những âm thanh đã từng làm xúc động lòng người. Dòng sông đã thay ngón tay của người nghệ sĩ gảy tiếp những khúc nhạc tuyệt diệu của chàng. Nó khóc than thương tiếc cho cái chết đau đớn, oan uổng của người danh ca. Những bụi lau, bụi sậy bên bờ sông buồn bã nghiêng đầu tưởng niệm và cùng hòa theo tiếng than khóc đau thương của dòng sông. Tất cả rừng cây, núi non, sông suối, chim muông đều thương nhớ Orphée. Thôi thế từ đây Orphée và tiếng đàn, tiếng hát của chàng sẽ chẳng còn vang lên trong rừng núi mỗi buổi sớm mai hay lúc chiều tà nữa rồi! Thôi thế từ đây núi non, cỏ cây, sông suối, chim muông chẳng còn niềm vui được nghe tiếng đàn, tiếng hát, bởi vì Orphée, người danh ca có một không hai của tình yêu và cuộc sống, của thiên nhiên và sự bất tử đã chết rồi! Tất cả đều thương nhớ Orphée và khóc than cho cái chết của chàng. Con hổ đưa tay lên gạt nước mắt. Lũ sói gục đầu vào nhau khóc nức nở. Con voi to lớn mắt buồn rười rượi để lăn từng giọt nước mắt nặng nề, chậm rãi xót xa. Chó sói ngửa mặt lên trời nấc lên từng cơn đau đớn… Nước mắt của chúng, biết bao con vật, tuôn chảy xuống dòng sông, con suối làm dòng sông, con suối tràn đầy. Còn các tiên nữ Nymphe, những tiên nữ của rừng cây, dòng suối rũ tóc và mặc đồ đen để tang chàng. Dòng sông Hébros đưa cây đàn vàng và chiếc đầu của Orphée đi ra biển cả. Hòn đảo Lesbos199 đón lấy chiếc đầu của Orphée và cây đàn. Từ đó, tiếng đàn ca lại vang lên trên hòn đảo này. Thần Apollon xin với thần Zeus cho phép cây đàn vàng được bay lên trời cao sống giữa các chòm sao200.201 Còn những nàng Muses đi thu thập thi hài của người danh ca vĩ đại và làm lễ an táng cho chàng dưới chân núi Olympe.

Linh hồn Orphée về dưới âm phủ. Chàng gặp lại người vợ yêu dấu thân thiết của mình. Họ chẳng bao giờ xa lìa nhau nữa, và từ nay trở đi, Orphée có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt dịu hiền và xinh đẹp của vợ mình mà không một lần nào phải hối hận. Hơn nữa, họ cũng chẳng bao giờ phải chịu cái cảnh kẻ đi trước, người theo sau! Và Orphée cũng chẳng bao giờ phải lo âu về nỗi không biết Eurydice có đi theo kịp mình không.

Có truyền thuyết kể, Orphée bị chết không phải vì tội đã “căm ghét” phụ nữ, khước từ những tình cảm của họ, mà là vì đã khước từ lời mời tham dự nghi lễ Orgies của những người Bacchantes, Ménades, một nghi lễ tôn giáo cuồng loạn, phóng túng, buông thả trong Hội Dionysos. Một nguồn khác kể Orphée bị Dionysos trừng phạt vì tội đã tận tụy thờ thần Apollon, do đó gây nên sự coi thường việc thờ cúng Dionysos. Nhìn chung, Orphée bị những Bacchantes, Ménades hay Dionysos giết đều cho ta thấy có sự “cạnh tranh” giữa sự thờ cúng hai vị thần Apollon và Dionysos.

Huyền thoại Orphée là một trong những huyền thoại được lưu truyền phổ biến nhất trong thế giới cổ đại. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được khá nhiều bức vẽ trên tường (fresque) những bình vại có vẽ tích chuyện Orphée. Ở những hầm mộ ta thấy vẽ Orphée ngồi gảy đàn, xung quanh là các thú vật ngồi ngoan ngoãn, hiền lành chăm chú lắng nghe. Thiên Chúa giáo sơ kỳ trong những thế kỷ đầu, coi Orphée là người sáng tạo ra thế giới, là người báo trước sự xuất hiện nhà tiên tri của Kinh Cựu Ước, Ésaie.

Ngày nay, trong văn học thế giới, Orphée là biểu trưng cho người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng, xuất sắc, đồng nghĩa với người nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng. Người ta lấy tên Orphée để đặt cho một cuộc thi ca nhạc nào đó và đặt giải thưởng mang tên Orphée.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có khá nhiều chuyện về âm nhạc. Chắc chắn rằng những huyền thoại về sức mạnh của âm nhạc, tài năng âm nhạc của thần thánh hoặc con người chỉ có thể ra đời vào một thời kỳ muộn hơn ít nhất cũng từ chế độ thị tộc phụ quyền. Thật ra thì chỉ vào thời kỳ chế độ thị tộc phụ quyền mới xuất hiện khá phong phú loại thần thoại anh hùng. Nhân vật anh hùng là những dũng sĩ đã giết quái vật, trừng trị bạo chúa, phò nguy cứu khốn. Nhưng nhân vật anh hùng còn là người thợ giỏi, người nghệ sĩ, phản ánh trình độ phân công trong xã hội và trình độ văn minh đã phát triển. Có ba câu chuyện về âm nhạc khiến chúng ta không thể không chú ý:

1 – Truyện Marsyas thách thức thần Apollon thi tài âm nhạc, kết quả Apollon thắng, lột da Marsyas để trừng trị về tội phạm thượng.

2 – Truyện thần Pan mời Apollon thi tài âm nhạc, kết quả Apollon thắng, kéo tai vị giám khảo “đức vua” Midas dài ra thành đôi tai lừa.

3 – Truyện Orphée, người ca sĩ danh tiếng.

Ở hai truyện đầu, trong hai cuộc thi tài âm nhạc, vua Midas đều được mời làm một thành viên trong ban giám khảo, và cả hai truyện đó, Midas đều đã không “bỏ phiếu” cho Apollon, và ở hai cuộc thi đó, Apollon đều giành giải nhất song đều nổi giận và giáng đòn trừng phạt. Lần thứ nhất, Apollon trừng phạt kẻ thua cuộc theo một cam kết trước giữa hai đối thủ: kẻ thua phải nộp mình cho người chiến thắng. Thần không hề tức giận vì giám khảo Midas mà chỉ tức giận tên Marsyas đã thách thức thần đua tài. Lần thứ hai, Apollon lại không trừng phạt thần Pan, kẻ đã thách thức mình đua tài mà trừng phạt vị giám khảo Midas. Đòn trừng phạt cũng khác. Lần đầu thật tàn ác, khủng khiếp. Lần sau thật nhẹ nhàng và chẳng có gì đau đớn… Nhưng xét kỹ ra thì “đau” vô cùng. Ta có thể phỏng đoán rằng truyện đầu ra đời vào một thời kỳ sớm hơn, vào lúc các vị thần còn tràn đầy “thói tự ái” kiêu căng, chưa quen với việc hạ mình đua tài với một đối thủ không đứng trong hàng ngũ các vị thần. Còn truyện sau hẳn rằng phải ra đời vào một thời kỳ muộn hơn. Chắc chắn rằng xã hội phải đã phát triển đến một trình độ như thế nào đó, những cuộc đua tài trong các hội hè phải phát triển phong phú đến mức độ như thế nào đó thì mới xuất hiện “vấn đề giám khảo”, mới xuất hiện nỗi bực tức, giận dữ đối với một vị giám khảo ngu dốt. Mặc dù Apollon vẫn thắng trong cuộc thi, mặc dù quyết định của vị giám khảo Midas chẳng mảy may có một chút ảnh hưởng gì đến ngôi thứ, vị trí của Apollon trong cuộc thi, nhưng Apollon vẫn cứ tức giận, vẫn cứ nổi cơn thịnh nộ. Đã giành được giải nhất rồi thì vui mừng, phấn khởi và yên tâm ra về chứ còn bực tức mà làm gì? Mà thử hỏi bực tức vì cái nỗi gì cơ chứ? Phải chăng đây là thói quen hống hách của các vị thần? Không đâu! Đó là một sự phẫn nộ chính đáng, một sự bực tức rất đáng quý mà loài người chúng ta phải biết ơn Apollon và chúng ta có thể và cần phải biết bực tức và có nỗi bực tức như Apollon. Giành được giải nhất rồi mà Apollon vẫn bực tức. Bực tức vì nỗi không hiểu vì sao có một vị vua ngu dốt đến như thế mà lại làm giám khảo! Hoặc ngược lại, không hiểu vì sao mà lại có một vị giám khảo ngu dốt đến thế? Phải trừng trị cái sự ngu dốt của vị giám khảo này. Nhưng cách trừng trị lần này không dã man như lần trước; lần này Apollon trừng trị một cách văn minh hơn: kéo tai vị giám khảo ngu dốt – nhà vua Midas – thành đôi tai lừa. Sự ngu dốt đã bị kết án. Sự ngu dốt đã bị thích chàm vào mặt, đóng một cái dấu chích vào trán. Hiển nhiên ý thức xã hội phải phát triển đến một trình độ như thế nào đó mới có thể nảy sinh ra một câu chuyện lý thú đến như thế, sâu sắc đến như thế, và ý thức của con người cũng phải đã trưởng thành đến một trình độ như thế nào đó mới có thể có cái tâm lý như vua Midas: xấu hổ về đôi tai lừa của mình, muốn che giấu đôi tai lừa tức sự ngu dốt của mình. Nhưng người xưa không nhân nhượng với sự ngu dốt, vì thế sự che giấu của Midas hoàn toàn thất bại, hoàn toàn vô ích. Cấm gì thì cấm, che giấu gì thì che giấu, chứ cấm sao được miệng thế gian, che giấu sao được miệng thế gian. Bác thợ cạo phải nói ra bằng được cái sự thật: vua Midas có đôi tai lừa, thì mới khỏi ấm ức, bứt rứt trong lòng. Còn nhân dân thì bao giờ cũng là sức mạnh của sự thật. Nhân dân vẫn kháo chuyện “Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas có đôi tai lừa! Vua Midas chỉ được mỗi cái làm vua chứ còn dốt ơi là dốt, chỉ được mỗi cái giàu chứ còn ngu ơi là ngu, ngu như lừa”. Một câu chuyện huyền thoại, vô lý nhưng mà dễ sợ thật, đáng giật mình thật. Vì lẽ đó chúng ta càng hiểu được vì sao K. Marx gọi sự ngu dốt là một “sức mạnh ma quỷ”, và ông đã chỉ ra cho chúng ta thấy một sự thật đơn giản: “Đối với lỗ tai không thích âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì cả”, “Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật thì anh phải là con người được huấn luyện về nghệ thuật”202.

Truyện vua Midas có đôi tai lừa như vậy có thể cho phép chúng ta xác định một cách có căn cứ rằng truyện là sản phẩm của thời kỳ cổ điển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Chỉ có trong bối cảnh của sự phát triển văn hóa, khoa học nghệ thuật của thời kỳ cổ điển mới có thể xuất hiện một sự trưởng thành về ý thức xã hội như vậy như trong câu chuyện. Biết căm giận sự ngu dốt, biết chế nhạo sự ngu dốt hẳn rằng không thể là ý thức xã hội của một chế độ xã hội chưa biết đến văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tóm lại, chưa thoát khỏi tình trạng dã man. Đến truyện thứ ba, truyện Orphée, thì lại có một sắc thái khác. Giờ đây tài năng âm nhạc chuyển vào một con người, một người trần thế đoản mệnh chứ không phải một vị thần bất tử. Âm nhạc ở đây được kể cụ thể hơn, gắn với tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, thủy chung. Tình yêu được âm nhạc làm cho thêm ý nghĩa, thêm sức mạnh, thêm nghị lực. Vì tình yêu và bằng tài năng âm nhạc, Orphée, người ca sĩ danh tiếng của những người trần thế đã thức tỉnh được lòng nhân ái của thế giới âm phủ và vị vua của thế giới ấy để xin lại cuộc sống cho người vợ hiền thảo của mình. Tiếc thay, chàng Orphée tài năng và đáng yêu của chúng ta lại vi phạm vào điều ngăn cấm của thần Hadès! Nhưng làm thế nào được! Âm nhạc và tình yêu cuộc sống là một chuyện, còn quy luật của cuộc sống lại là một chuyện khác. Nhưng chỉ như thế thôi cũng đủ cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu cuộc sống và âm nhạc như thế nào rồi. Orphée là người nghệ sĩ chân chính của âm nhạc chân chính: âm nhạc từ trái tim thiết tha yêu cuộc sống (như là sự đối lập với cái chết), từ trái tim thiết tha muốn làm cho cuộc sống thi vị, cao thượng, đẹp đẽ hơn lên. Rất có thể có một dạng chuyện khác mà chi tiết Orphée bị những Bacchantes giết chết phản ánh sự cạnh tranh giữa hai tín ngưỡng Apollon và Dionysos. Nhưng trong “cơ chế” của câu chuyện này, hành động của những Bacchantes, Ménades giết chết người ca sĩ danh tiếng mang một ý nghĩa phê phán sâu sắc, một ý nghĩa ngụ ngôn sâu sắc: sự thô bạo, sự tầm thường, sự phàm tục, tóm lại là những tình cảm thấp hèn đã giết chết âm nhạc. Chẳng ai coi những hành động của những Bacchantes, Ménades xúc phạm thô bỉ đến Orphée và giết chết Orphée một cách dã man, tàn bạo như một chiến thắng vẻ vang của tôn giáo Dionysos. Thật vậy, âm nhạc, và suy rộng ra, nghệ thuật, vốn không thể dung hòa được với thói thô bạo, tầm thường, phàm tục. Một câu chuyện chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế hoàn toàn có thể cho phép chúng ta xác định nó là sản phẩm của thời kỳ cổ điển, hơn nữa là một thành tựu xuất sắc của thời kỳ cổ điển, và đúng là chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp đã trải thảm đỏ để mời thần thoại bước vào thời kỳ cổ điển của mình. Thần thoại đã được văn minh hóa để trở thành một công cụ, một vũ khí phục vụ cho nền văn minh của chế độ chiếm hữu nô lệ. Qua chuyện vua Midas có đôi tai lừa và truyện Orphée, chúng ta thấy được trình độ nhận thức thẩm mỹ của con người cổ đại đã phát triển. Truyện Midas chỉ ra sự ngu dốt có khả năng, đúng là mới chỉ có khả năng, làm hại nghệ thuật, giết chết nhân tài. Còn truyện Orphée thì đã chỉ rõ ra, sự thô bạo, thói tầm thường, phàm tục, những tình cảm thấp hèn đã giết chết tươi âm nhạc, nghệ thuật. Truyện Midas với âm điệu hài hước, châm biếm sâu cay. Truyện Orphée với âm điệu thơ mộng, lãng mạn, cảm động, xót xa.

Những truyện nói trên, hơn bất cứ chuyện nào khác, ra đời với dụng ý ngụ ngôn như là những bài học, những kinh nghiệm của người cổ đại Hy Lạp trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn minh. Chính một phần nhờ vào những bài học và kinh nghiệm này (phần lớn nhờ vào cơ chế tổ chức cộng hòa dân chủ của Nhà nước chiếm hữu nô lệ – polis) mà những người Hy Lạp đã sáng tạo ra được một nền nghệ thuật làm chúng ta hết sức ngạc nhiên và khâm phục, một nền nghệ thuật mà như lời F. Engels nói khi đánh giá nền văn minh cổ đại Hy Lạp: “Những hình thức huy hoàng của nó đã làm tiêu tan những bóng ma của thời Trung cổ”203. Thời Trung cổ đã chẳng tiếp thu được những di sản văn hóa, những bài học và những kinh nghiệm của nền văn minh cổ đại. Giáo Hội Thiên Chúa giáo và chính quyền phong kiến thực hiện một nền chuyên chính tàn khốc nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử để duy trì và bảo vệ vị trí độc tôn của hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần học là thống soái. Chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, chủ nghĩa ngu dân tôn giáo, chủ nghĩa sùng bái, nịnh bợ giáo hoàng và giới tăng lữ ngu dốt, đạo đức giả đã thẳng tay đàn áp mọi xu hướng tự do tư tưởng, bóp chết óc suy xét, tinh thần phê phán, sáng tạo. Số phận của nền văn minh xã hội bị giao phó vào tay những vị vua như vua Midas có đôi tai lừa, cho nên xã hội Trung cổ là một xã hội bảo thủ, ngưng đọng, trì trệ. F. Engels đã gọi một nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến và hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo ở Tây Âu là “giấc ngủ mùa đông lâu đài”. Trong xã hội đó chỉ tồn tại chủ yếu có nền văn minh chính thống của giáo hội truyền dạy cho con người chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa định mệnh tôn giáo, thói nhẫn nhục, khuất phục. Nghệ thuật Trung cổ, trong một mức độ lớn, chỉ là sự minh họa cho tư tưởng Thiên Chúa giáo. Thần thoại Thiên Chúa giáo nằm trong lĩnh vực thiêng liêng của sự thờ cúng… Đó là bài học lịch sử của nhân loại và cũng là bài học về giá trị của nền văn minh cổ đại: Chính vì lẽ đó mà chúng ta có thể hiểu được sâu sắc hơn câu nói đầy ý nghĩa sau đây của Gogol: “Hãy mang theo tất cả những cảm xúc của tâm hồn nhân loại. Đừng bỏ nó ở dọc đường rồi sau đó lại nhặt lên”.

[198] Hébros là một con sông ở xứ Thessalie, ngày nay là sông Naritsa.

[199] Lesbos là một hòn đảo ở ven biển Tiểu Á, ngày nay là Mytilène.

[200] Chòm sao Lyre ở giữa chòm sao Véga.

[201] Tác giả nhầm; Lyre là một chòm sao, Véga là một ngôi sao. Véga là ngôi sao sáng nhất nằm trong chòm sao Lyre (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[202] K. Marx, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1884. NXB Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 137-183.

[203] F. Engels, Biện chứng của tự nhiên. NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 13.

Quyển 2 – Chương 43: Truyền thuyết về những người Argonautes

Jason trở về Iolcos

Ở kinh thành Iolcos thuộc xứ Thessalie có hai anh em nhà kia tên là Pélias và Aeson, cả hai đều thuộc dòng dõi vương giả. Thật ra lai lịch của hai anh em nhà này có phần khá lôi thôi rắc rối, để hiểu tường tận câu chuyện ta đành phải kể cho rõ ngọn ngành. Pélias là con trai của thần Poséidon và Tyro, một người phụ nữ xinh đẹp, còn Aeson là con của Créthée, người anh hùng đã xây dựng nên đô thành Iolcos và Tyro. Như vậy Pélias và Aeson là hai anh em cùng mẹ khác cha, vào lúc Tyro đã có con có cái với Créthée thì xảy ra chuyện tình duyên giữa nàng với thần Poséidon. Thật ra thì thần Poséidon vì quá say mê sắc đẹp của nàng, đã biến mình thành thần Sông-Énipée để chinh phục nàng. Cuộc tình duyên vụng trộm của họ đã cho ra đời hai đứa con trai sinh đôi là Pélias và Nélée. Chuyện vỡ lở, bà mẹ chồng của Tyro tên là Sidéro vô cùng tức giận. Bà không thể nào dung thứ được một nàng dâu hư hỏng đến như thế. Bà ra lệnh giam Tyro xuống ngục tối và vứt hai đứa con của nàng vào trong rừng, nhưng may sao, hai anh em Pélias được những người chăn cừu đón được và nuôi nấng. Năm tháng trôi đi, hai anh em Pélias trưởng thành và nổi danh về tài tinh thông võ nghệ. Khi biết được nguồn gốc thần thánh của mình và tình cảnh mẹ mình đang bị đày đọa, hai anh em Pélias liền chiêu tập chiến hữu kéo về đô thành Iolcos, trừng trị mụ Sidéro ác nghiệt, giải thoát cho mẹ khỏi cảnh ngục tù và đuổi Aeson, người anh cùng mẹ khác cha của mình khỏi ngai vàng.

Nói về Aeson, Aeson lấy Alcimédé làm vợ, sinh được một trai tên gọi là Jason. Khi xảy ra sự biến thoán đoạt ngai vàng, Aeson nhanh trí gửi ngay đứa con còn măng sữa của mình đến vùng núi Pélion thần thánh, giao cho thần Centaure Chiron, một vị thần nửa người nửa ngựa, nuôi nấng, dạy dỗ. Khác với nòi giống của mình, Centaure Chiron hiền minh, thông kim bác cổ, trí tuệ uyên thâm. Thần chẳng những giỏi võ mà còn giỏi cả văn. Thần hiểu biết mọi tính năng cây cỏ trong rừng. Thần biết cách dùng chúng pha chế thành thuốc để chữa lành mọi bệnh tật hiểm nghèo mà những bậc danh y người trần thế không tài nào chữa được. Dưới trướng của thần có rất nhiều đồ đệ trẻ tuổi ngày đêm theo học để rèn luyện các đức tính quý báu như lòng dũng cảm, tính kiên nhẫn, nết ôn hòa, khiêm tốn. Họ còn học các môn võ nghệ, cưỡi ngựa, bắn cung… và học cả âm nhạc nữa.

Jason theo học thần Chiron chẳng mấy chốc đã gần hai chục năm trường. Tuổi hai mươi, chí khí đang hăng, chàng chịu ngồi yên sao được khi biết hành động đê hèn của người chú bội bạc. Chàng muốn bay ngay về Iolcos, giết chết tươi Pélias để rửa nhục cho cha, nhưng thần Centaure Chiron đã khuyên can chàng. Thần bảo:

– Jason con hỡi! Con hãy nghe ta vì ta là người am hiểu hơn con. Việc rửa nhục cho cha con, điều đó thuộc quyền các bậc thần linh. Con hãy còn quá trẻ, trẻ lắm nên chưa thể nào đảm đương được một công việc to lớn như vậy. Vì như con biết đấy, tuổi trẻ thì sôi nổi, hăng say nhưng thường không điềm tĩnh, chín chắn, thiếu đức kiên trì, nhẫn nại. Jason con! Hãy nghe ta! Con hãy tạm gác chuyện rửa thù lại một bên và yên lòng bắt tay vào học cho bằng được tính kiên nhẫn.

Nghe Chiron nói, Jason bừng tỉnh lại. Phải, việc trả thù cho cha đâu có phải chuyện dễ dàng như chàng đã nghĩ. Kẻ thù của chàng đâu có phải thân cô thế cô, đơn thương độc mã. Dưới tay hắn có binh hùng tướng mạnh. Chỉ cần một chút vội vàng nóng nảy là chẳng những việc lớn không thành mà mạng sống của chàng cũng mất. Nghĩ thế, Jason dẹp nỗi uất hận đang bùng cháy trong lòng, cúi đầu lạy tạ thầy dạy rồi lui về dốc lòng học tập, ngày đêm lo nghĩ cách báo thù.

Thời gian thấm thoát trôi đi chẳng rõ bao năm bao tháng, chỉ biết Jason đã học tập thành công. Chàng từ giã thầy Chiron lên đường trở về quê hương Iolcos. Đúng lúc chàng đặt chân tới đô thành thì nhân dân đang kéo nhau tới quảng trường để dự một lễ hiến tế long trọng do Pélias chủ trì. Chàng bèn đi thẳng tới quảng trường. Nhìn thấy Jason mọi người đều kinh ngạc, kinh ngạc trước y phục sặc sỡ của chàng và vẻ đẹp của chàng. Jason không ăn mặc như những người bình thường. Chàng khoác một tấm da báo rực rỡ. Thân hình chàng cao lớn, cân đối, khỏe mạnh, tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng khiến mọi người hôm đó nhìn thấy chàng đều trầm trồ khen ngợi và cho rằng đó là một vị thần giáng thế. Tuy nhiên điều làm mọi người kinh ngạc hơn cả là chàng chỉ có một chân đi dép còn một chân đi đất. Thật ra chẳng có gì đáng kinh ngạc cả. Trong khi đi từ núi cao xuống phải lội qua nhiều con suối, và trong một lần lội suối một chiếc dép đã tuột khỏi chân chàng, trôi đi mất.

Nhưng điều rất lạ khi Pélias nhìn thấy Jason thì mặt bỗng tái nhợt đi vì lo sợ. Trong lòng Pélias bồn chồn một nỗi lo âu, một nỗi lo âu cứ cắn rứt, gặm nhấm trong trái tim. Nguyên do là có một nhà tiên tri đã truyền cho Pélias biết một lời sấm ngôn khá độc địa: “Pélias sẽ chết vì một người đi một chiếc dép từ trên núi xuống đô thành Iolcos”, và bây giờ người đó đang đứng trước mặt hắn. Đối phó với con người ấy thế nào? Bằng cách gì bây giờ? Dù sao thì Pélias thấy cần phải trấn tĩnh lại để hỏi han cho rõ lai lịch cái con người đi dép có một chân kia. Pélias ra lệnh cho quân lính mời con người đó lên để tra vấn. Y cất tiếng nói, giọng đầy ngạo mạn:

– Hỡi chàng trai kia! Ngươi ở đâu mà lạc bước đến xứ sở này? Ngươi hãy mau trả lời cho ta được rõ tung tích. Ngươi cần biết rằng xưa nay ta không bao giờ tha thứ cho một kẻ dối trá. Ngươi phải nói cho thật.

Jason bình tĩnh đáp lại:

– Hỡi Pélias, tên tiếm vương của đô thành Iolcos! Ta là Jason, con trai của Aeson, đã buộc phải ra đi khỏi Iolcos từ khi còn măng sữa. Hơn hai mươi năm trời đã trôi qua. Hai mươi năm trời ta sống dưới chân núi Pélion xanh rờn, miệt mài tu luyện, học tập trong hang động của thần Centaure Chiron. Ta nói cho ngươi biết, thần Centaure Chiron chỉ dạy ta nói sự thật, chỉ dạy ta lòng tự hào về truyền thống của tổ tiên và ý thức trọng danh dự. Cũng vì sự thật, vì lòng tự hào, vì danh dự mà ta về đây để đòi lại quyền trị vì ở đô thành Iolcos. Đó là tất cả sự thật mà ta cần nói cho ngươi biết. Hẳn ngươi vừa lòng chứ?

Sau đó Jason quay ra nói với dân chúng đang tụ tập trên quảng trường:

– Hỡi nhân dân đô thành Iolcos thân yêu! Ta vô cùng sung sướng vì sau hai mươi năm trời xa cách nay ta được trở về với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ta, với những người cùng quê hương, cùng máu mủ với ta. Ta không phải là người xa lạ. Cha ta là Aeson người đã từng trị vì ở đô thành này. Còn ta là Jason, người con trai vinh quang của Aeson. Xin các người hãy dẫn ta về ngôi nhà của cha mẹ ta.

Jason trở về nhà trong niềm xúc động lớn. Cha chàng, Aeson tóc đã bạc trắng, dù mắt đã lòa nhưng ông vẫn nhận ra ngay được đứa con yêu quý của mình. Ông ôm lấy con, nước mắt tuôn trào vì sung sướng. Ông không thể tưởng tượng được rằng cái thằng bé măng sữa ngày nào mà bây giờ đã lớn khôn, đĩnh đạc, cường tráng đến như thế.

Tin Jason trở về đòi lại ngôi báu lan đi khắp nơi. Anh em bạn bè, họ hàng thân thích kéo nhau đến thăm hỏi chúc mừng. Suốt năm ngày năm đêm, Jason mở tiệc thết đãi mọi người và bày tỏ ý định của mình cho mọi người biết để cầu xin sự giúp đỡ. Mọi người đều tỏ ra sẵn sàng.

Sau ít ngày nghỉ ngơi, chiêu hiền đãi sĩ, Jason cùng với một số anh em tâm phúc kéo đến cung điện của Pélias. Chàng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân cho nên Pélias không dám giở trò phản phúc. Trước mặt tên tiếm vương, Jason bày tỏ ý định của mình: Pélias phải trao lại quyền hành cho Jason, Jason sẽ cho Pélias mang theo mọi tài sản và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng cũng như tài sản của Pélias. Pélias không dám khước từ những lời đề đạt hợp tình hợp lý đó. Y nghĩ ra một cách để trì hoãn việc chuyển giao quyền hành và cũng là một kế hiểm để hãm hại Jason.

– Hỡi Jason! – Pélias nói. – Ta sẵn sàng chấp thuận những lời đề đạt của ngươi. Đối với tuổi già nua của ta, việc chuyển giao quyền hành lại cho một người trai trẻ, đầy tài năng và sung sức như ngươi là một việc làm đúng với điều thần Zeus truyền dạy. Nhưng có điều ta cảm thấy băn khoăn. Đô thành Iolcos này không lẽ để một chàng trai vô danh tiểu tốt lên trị vì? Thần dân sẽ hỏi: “Chàng ta đã lập được những chiến công gì để xứng đáng là người anh hùng dắt dẫn chúng ta?” Theo ta, có lẽ trước khi lên ngôi báu lãnh sứ mạng điều khiển cuộc sống của muôn dân, lo toan hạnh phúc của trăm họ, ngươi hãy nên sang xứ Colchide đoạt bằng được Bộ lông Cừu vàng đem về. Linh hồn của Phrixos đã báo mộng cho ta biết cần phải đoạt lấy Bộ lông Cừu vàng đó vì nó là một báu vật bảo đảm cho ngôi báu được vững bền. Nhưng than ôi! Thời gian đã cướp đi của ta tuổi trẻ và sức mạnh. Ta chẳng thể nào dám dấn thân vào một thử thách lớn lao đến như thế. Chịu tiếng hèn vậy. Giờ đây có lẽ là cơ hội tốt nhất để nhà ngươi bộc lộ tài năng, lập nên một chiến công vĩ đại. Ngươi hãy sang xứ Colchide đoạt lấy Bộ lông Cừu vàng đem về. Ngày mừng chiến công vĩ đại của ngươi cũng là ngày làm lễ đăng quang cho ngươi, Jason người anh hùng kiệt xuất, lên kế thừa ngôi báu ở đô thành Iolcos.

Nghe Pélias nói như chọc vào ruột, Jason bực mình quát:

– Được! Jason này sẽ chứng tỏ cho mọi người biết tài năng và chí khí của hắn không thua kém một ai. Ta sẽ đoạt Bộ lông Cừu vàng đem về xứ sở này để chứng minh với thần dân rằng ta xứng đáng là người anh hùng cầm đầu đô thành Iolcos danh tiếng. Nhà ngươi hãy lo sắm sửa lễ mừng công. Tới ngày đó mà nhà ngươi không chịu trao trả lại ngôi báu cho ta thì nhà ngươi đừng có trách.

Thế là Jason ra về lo chuẩn bị cho cuộc hành trình sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Còn Pélias thì chắc mẩm trong bụng rằng Jason dấn thân vào công việc này thì chỉ có đi mà không có về.

Bộ lông Cừu vàng, nguồn gốc, lai lịch ra làm sao mà lại lôi thôi rắc rối đến như thế? Phrixos là ai? Vì sao Bộ lông Cừu vàng lại ở xứ Colchide, v.v. Đó là tất cả những điều mà trước khi nghe kể về hành trình của Jason ai nấy đều muốn biết.

Quyển 2 – Chương 44: Sự tích Bộ lông Cừu vàng

Xưa ở xứ Béotie trên bán đảo Hy Lạp có một nhà vua nhân hậu tên là Athamas. Ông sinh được hai con, một trai và một gái. Trai tên là Phrixos, gái tên gọi là Hellé. Không rõ trong gia đình xảy ra chuyện gì xung khắc mà đến nỗi hai vợ chồng Athamas và Néphélé phải bỏ nhau, mỗi người sống một nơi riêng biệt. Tuổi tuy không còn trẻ song cũng chưa cao, hơn nữa lại có hai con nhỏ nên Athamas phải tính đến chuyện tìm một người vợ kế để trông nom gia đình. Ông cưới nàng Ino con gái vua Cadmos làm vợ. Ino về sống với Athamas và hai đứa con chồng. Bề ngoài thì nàng xem ra như âu yếm hai đứa bé, nhưng thật ra trong thâm tâm Ino ghét cay ghét đắng chúng, ngày đêm chỉ lo nghĩ mưu kế sao cho giết chết được chúng đi thì mới sung sướng, yên tâm. Để thực hiện mưu giết con chồng, Ino khuyên những người phụ nữ ở đô thành mình trị vì, đô thành Orchomène danh tiếng, đem rang lúa mì đi rồi hãy gieo hạt. Nhân dân Orchomène cả tin hoặc vì sợ uy quyền của nữ hoàng nên đã làm theo. Tất nhiên, năm ấy lúa có gieo mà không thấy có mọc. Cánh đồng trơ trụi hoang vắng như một bãi tha ma, Athamas rất lo. Tình cảnh này thì đói to thật sự mất rồi. Nhà vua lập tức cử ngay một đoàn sứ giả đi đến đền thờ Delphes để cẩu khấn, xin thần Apollon ban cho một lời chỉ dẫn về nguyên do của tai họa và cách giải trừ. Đoàn sứ giả từ Delphes về, nhưng Ino vô cùng nham hiểm đã đón trước, đem vàng bạc châu báu ra mua chuộc tất cả đoàn. Bọn họ sẽ tâu với vua một lời sấm ngôn bịa đặt do Ino nghĩ ra. Còn nhà vua thì hoàn toàn tin tưởng vào đám quần thần của mình vốn là những người trung thực, đạo cao đức trọng. Thật không ai ngờ được lời tâu bịa đặt của bọn sứ giả bán lương tâm, bán chân lý lấy tiền tài ấy, hèn hạ và hiểm ác đến như thế nào. Lũ quần thần khom lưng sát đất rồi một tên cất tiếng:

– Muôn tâu bệ hạ! Lời sấm truyền cho biết các vị thần nổi giận với đất nước ta. Để làm nguôi lòng các vị thần, xin bệ hạ tha tội cho (đến đây hắn vờ run giọng và ngừng hẳn lại) chúng con mới dám nói tiếp. – Athamas gật đầu. – Muôn tâu bệ hạ, để làm nguôi cơn thịnh nộ của các vị thần, bệ hạ phải giết hoàng tử và công chúa để làm lễ tạ!

Athamas lắc đầu, trút đi một tiếng thở dài. Giết con ư? Nhưng làm thế nào được, lời phán quyết của thần thánh là như thế, làm sao dám cưỡng lại. Cả tin, Athamas ra lệnh sắm sửa bàn thờ, chuẩn bị nghi lễ để làm hiến tế tạ tội. Hai đứa bé bị dẫn ra trước bàn thờ. Khốn khổ cho hai đứa bé vô tội. Chúng khóc than thảm thiết. Chúng kêu gào: “Cha ơi! Cha ơi! Cha đừng giết chúng con!” Nhưng lưỡi gươm sắc đã kề bên cổ chúng và chỉ chờ lệnh của vua Athamas là thọc mạnh vào cổ chúng để lấy máu làm lễ hiến tế. Ino lúc này làm ra bộ sụt sùi thương cảm song thật ra trong bụng hớn hở như mở cờ. Nhưng bỗng dưng những người dự lễ xôn xao cả lên, ai nấy đều ngước nhìn lên bầu trời. Một con cừu có cánh với bộ lông vàng óng ánh đang từ trời cao bay xuống. Con cừu hạ cánh xuống trước bàn thờ, trước mặt đám người đang chờ bệnh hành lễ. Nó chạy đến chỗ hai đứa bé bị trói, dây trói bỗng đứt tung. Hai đứa bé như có linh tính báo trước, chạy ra cưỡi lên lưng con cừu vàng, và con cừu vàng cõng hai đứa bé, vỗ cánh bay vút lên trời cao. Đó là con cừu của nàng Néphélé, mẹ của hai đứa bé, phái đến để cứu chúng. Xưa kia thần Hermès đã ban cho Néphélé tặng vật quý giá này (Có người lại kể thần Zeus chứ không phải thần Hermès). Đó là một con cừu mà trên thế gian này dù ai có đến trăm mắt nghìn tay cũng không thể tìm được một con thứ hai như thế. Nó biết nói và nghe được tiếng người. Nó có lý trí và óc thông minh, hơn nữa lại chạy nhanh như thần mã và bay lên trời cao như thần điểu.

Thế là trên lưng cừu, hai anh em Phrixos và Hellé rời khỏi đất Béotie bay sang phương Đông, châu Á, ngồi trên lưng cừu đội mây, rẽ gió bay đi. Gió ào ào bên tai đến long óc choáng đầu, đồng ruộng thì cứ vun vút lùi lại phía sau, núi non thì cứ loang loáng trước mặt. Thật đáng sợ. Con cừu đã bay hết vùng đất liền và bắt đầu vượt biển.

Biển Égée đây! Chao ôi, nó mới rộng làm sao! Mênh mông ngút ngàn những nước là nước. Bay mãi, bay mãi mà vẫn chưa thấy vào đến đất liền. Nhưng rồi cũng phải đến. Con cừu đã bay đến gần vùng đất châu Á. Hellé chóng mặt vô cùng. Mắt cô bé hoa lên như khi cô chơi trò quay chong chóng với anh. Cô ngây ngất, lảo đảo và bỗng nhiên quên mất đưa hai tay lên ôm lấy đầu. Nhưng vừa buông tay khỏi lưng người anh thì cô ngã lộn nhào xuống biển. Quãng biển ấy như một lưỡi dao tách đôi đất liền ra, bên là châu Âu, bên là châu Á. Ngày nay chúng ta gọi là eo biển Dardanelles nhưng xưa kia để tưởng nhớ tới cái chết của Hellé, người cổ đại đã đặt tên là Hellespont có nghĩa là biển Hellé.

Còn Phrixos, thì được con cừu đưa tới đất Colchide bình an vô sự. Tại nơi đây nhà vua Aiétès đã đón tiếp niềm nở Phrixos. Chú bé mồ côi cứ thế sống và lớn lên theo với thời gian ở cái đô thành ven biển Pont-Euxin. Đến tuổi trưởng thành, Phrixos được nhà vua gả con gái cho làm vợ. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp tên là Chalciopé mà nhiều chàng trai đã từng ước mơ và hy vọng. Để tỏ lòng biết ơn thần thánh, Phrixos giết con cừu hiến tế thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe. Chàng cũng không quên tấm lòng nhân hậu của nhà vua Aiétès. Bộ lông Cừu vàng chính là món quà quý mà chàng đem dâng bố vợ, nhưng vua Aiétès không để Bộ lông Cừu vàng trong cung điện. Nhà vua coi nó là một báu vật linh thiêng phải thờ kính nên đã đem nó treo vào một chiếc cây cổ thụ trong một khu rừng già thiêng liêng dưới quyền cai quản của vị thần Chiến tranh-Arès. Để bảo vệ Bộ lông Cừu vàng, thần Arès giao cho một con rồng hung dữ, không hề biết đến giấc ngủ như người trần, có đôi mắt to mở thao láo suốt ngày đêm và chiếc mũi phun ra lửa làm người lính gác. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, chuyện vua Aiétès có trong tay Bộ lông Cừu vàng vốn là báu vật của người Hy Lạp đã khêu gợi lòng thèm thuồng của Pélias cũng như biết bao người khác. Họ cho rằng nếu đoạt được Bộ lông Cừu vàng đó về thì họ có một báu vật trong tay đảm bảo cho xứ sở họ thoát khỏi mọi tai họa, đời sống được ấm no, yên lành.