Quyển 2 – Chương 55: Jason đương đầu với những thử thách

Thực hiện đúng như lời Médée dặn, Jason tắm mình trong dòng nước sông chảy xiết, sau đó chàng mặc bộ áo đen, đào một cái hố sâu, giết con cừu đen tẩm mật ong vàng làm lễ hiến tế dâng nữ thần Hécate. Đoạn chàng ra đi nhằm thẳng đường về phía con thuyền Argo. Nữ thần Hécate đến hưởng lễ vật hiến tế với những tiếng la, tiếng thét tiếng hú nghe rợn cả người. Mặt đất rung chuyển, ánh đuốc trên tay nữ thần tỏa sáng rực một vùng. Khói bốc lên ngùn ngụt. Cùng đi với nữ thần là lũ chó ngao hộ tống sống ở dưới địa ngục. Chúng sủa, hú như chó sói và gầm rồng như hùm beo. Lại còn những con rồng phun lửa uốn lượn quanh nữ thần. Các tiên nữ Nymphe ở núi rừng sông suối thấy Hécate xuất hiện sợ hãi rụng rời, kêu gọi nhau chạy trốn. Jason vừa đi vừa sợ đến rùng mình sởn gáy, lạnh toát cả người. Nhớ lời Médée dặn chàng không dám ngoái nhìn lại phía sau.

Sáng hôm sau như đã ước định trước, những thủy thủ Argonautes phái Télamon và Méléagre đến gặp vua Aiétès để nhận răng rồng về trao cho Jason. Đây là răng của một con rồng mà xưa kia Cadmos trong cuộc hành trình đi tìm người em gái Europe đã giết (người thì gọi là con rồng, người thì gọi là con mãng xà). Trao răng rồng cho những người Hy Lạp xong, Aiétès bèn lên xe đi đến cánh đồng Arès để xem Jason thực hiện những công việc mình giao phó ra sao. Cùng ngồi trên xe với vua cha là chàng Apsyrtos, người con trai yêu quý thường đi hộ tống cho Aiétès trong các cuộc tuần du. Chàng đích thân đánh xe cho vua cha tới cánh đồng sẽ diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa Jason và đôi bò mộng hung dữ. Còn những người Argonautes, tất nhiên họ không thể nào bỏ mặc chủ tướng của họ trong cuộc đọ sức này. Ai nấy đều nhung y võ phục khiên giáp sáng ngời đi tới cánh đồng Arès để cổ vũ cho chủ tướng. Nhân dân đô thành Colchide cũng kéo tới xem rất đông.

Jason xuất hiện trên cánh đồng. Từ khi bôi chất “dầu Prométhée” vào người, chàng cảm thấy tràn đầy sinh lực. Bắp thịt, gân cốt của chàng như căng ra và rắn đanh lại. Trong người phấn chấn, náo nức, tự tin một cách kỳ lạ. Đứng giữa cánh đồng trong bộ áo giáp đồng và vũ khí đồng ngời sáng, chàng chói lọi như một ngôi sao trong đêm đen. Chàng đi tìm trên mặt đất khô nẻ chiếc cày sắt và chiếc ách bằng đồng. Sau đó chàng tiến vào ngọn núi đá nơi cư trú của hai con bò hung dữ. Biết có người tiến vào sào huyệt của mình, hai con bò hung dữ từ trong hang đá sâu thẳm lao thẳng ra ngoài. Vừa ra khỏi hang nhìn thấy người là chúng phun lửa. Lửa từ mũi, từ miệng chúng phóng ra thành một vệt dài như đuôi lửa của một ngôi sao đang chạy trốn trong bầu trời đêm. Jason đã sẵn sàng. Chiếc khiên úp trước ngực che kín cả mặt và thân. Đôi bò cứ thế lao thẳng vào người chàng. Mọi người rùng mình nhắm mắt lại tưởng chừng như Jason sẽ bị văng đi đến tận đâu đâu; nhưng không, chàng vẫn đứng hiên ngang, vững chãi như một ngọn núi sừng sững trước phong ba bão táp. Lũ bò hung dữ lại chạy vòng ra xa để lấy đà lao thẳng vào chàng một lần nữa. Lần này Jason bỏ khiên ra và chuẩn bị thắng ách vào vai chúng. Khi lũ bò lao tới, Jason lập tức nắm ngay lấy sừng chúng, mỗi tay một con, ghìm chúng lại. Mọi người đều vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh cực kỳ phi thường của chàng. Lũ bò tức giận điên cuồng, đầu chúi xuống, hai chân sau ra sức đạp xuống đất, hất tung cả đất đá lên khiến bụi cát bốc lên mù mịt. Còn Jason cũng lao mình về phía trước, hai chân chàng choãi ra khiến cho người chàng nghiêng chếch đi thư một cây cột buồm bị gió xô, gió đẩy. Lửa từ mũi từ miệng lũ bò phun vào người chàng nhưng vô hiệu. Chính trong lúc ấy hai người anh hùng Castor và Pollux lao tới thắng ách lên vai hai con bò. Thế là xong một việc. Tiếng reo hò vang động khắp trên cánh đồng. “Một con người có sức khỏe bạt núi ngăn sông, lại mình đồng da sắt nữa”. “Lửa cũng phải thua!” “Chà chà, xưa nay chưa từng thấy một con người nào khỏe ghê gớm đến như thế!” Những người Colchide chứng kiến chiến công của Jason trầm trồ thán phục.

Việc thứ hai Jason thực hiện không đến nỗi khó khăn, vất vả như việc trước. Khi đôi bò đã bị đặt ách lên vai thì chúng phải đi theo sự điều khiển của chàng. Jason lấy ngọn lao thay roi thúc vào thân lũ bò, bắt chúng phải kéo cày, bắt chúng phải đi cho ra đường ra lối. Cứ thế chàng cày hết đường cày này đến đường cày khác, cuối cùng cả cánh đồng Arès rộng mênh mông đã được chàng cày xong. Tiếp đó, chàng gieo răng rồng xuống mặt đất đen vừa được lật xới. Gieo xong chàng tháo ách cho lũ bò, thả chúng ra. Đôi bò sung sướng lồng lên chạy một mạch về chiếc hang sâu thẳm của chúng. Trong khi chờ những hạt giống răng rồng mọc lên, Jason ra bờ sông Phasis lấy mũ trụ đồng múc nước rửa mặt và uống vài ngụm cho đỡ khát, nhưng người anh hùng của con thuyền Argo chẳng nghỉ ngơi được bao lâu. Từ mặt đất đen đã được cày xới, phút chốc nhô lên những ngọn lao, ngọn giáo rồi đến mũ trụ đồng, rồi tiếp đến cứ thế trồi lên cả một rừng chiến binh. Một rừng chiến binh khiên giáp sáng ngời oai phong lẫm liệt sát khí đằng đằng. Thật khủng khiếp! Jason bình tĩnh. Chàng không quên lời dặn của Médée. Chàng bê một tảng đá có dễ đến ba, bốn người dũng sĩ Argonautes cũng không khiêng nổi, giơ cao lên đầu ưỡn người về phía sau lấy đà. Vèo một cái chàng ném tảng đá đó vào giữa đạo quân đông đảo vừa mọc lên từ dưới đất đen đã được cày xới. Lập tức đội quân đó chia thành hai phe xông vào nhau chém giết. Cảnh tượng vô cùng khốc liệt. Thây người ngã xuống nằm dài trên mặt đất như những bông lúa ngày mùa bị lưỡi liềm của những người đi gặt cắt lìa khỏi thân, đặt nằm ngã dài trên những ruộng đất khô nẻ. Jason chờ cho lũ người sinh ra từ răng rồng đó chém giết nhau đã vãn, khi đó chàng mới xông vào cuộc chiến và giết hết những tên còn lại. Vua Aiétès vô cùng sửng sốt trước chiến công của chàng, nhưng nhà vua không tỏ lòng khâm phục mà lại bừng bừng nổi giận ra lệnh cho người con trai của mình đánh xe về hoàng cung ngay. Nhà vua vẫn nuôi giữ những ý nghĩ thù địch với người Hy Lạp và giờ đây mưu toan hạ sát Jason. Còn Jason, trong tiếng reo hò của những người Argonautes sung sướng đến tột độ vì chiến thắng, cúi đầu kính cẩn đáp lễ, sau đó trở về con thuyền Argo.

Quyển 2 – Chương 56: Médée giúp Jason đoạt Bộ lông Cừu vàng

Trở về cung điện, vua Aiétès lập tức cho triệu tập các bô lão và các tướng lĩnh đến nghị hội để bàn cách đối phó với những người Argonautes. Nhà vua vẫn nuôi giữ mối ác cảm với những người Argonautes. Trong thâm tâm nhà vua không muốn trao Bộ lông Cừu vàng cho Jason mặc dù chàng đã hoàn thành những công việc mà nhà vua giao phó. Cuộc họp kéo dài suốt đêm khuya. Mọi người đều đồng thanh nhất trí phải bằng mọi cách phá hủy con thuyền Argo và giết sạch những người Argonautes. Vua Aiétès còn nêu lên một điều khá nghiêm trọng: ai đã tư thông, kẻ nào đã giúp Jason biết đường vượt qua những thử thách? Những thử thách mà chắc rằng nếu không có người tiết lộ những điều bí mật của nó và cách chiến thắng nó thì Jason không thể nào vượt qua được. “Không có ai khác ngoài Médée!” Vua Aiétès sau khi nêu lên câu hỏi rồi lại tự mình giải đáp như vậy. Cuộc họp tan. Các bô lão và các tướng lĩnh ra về.

Médée, từ khi biết cha mình nổi giận, nàng đã đề phòng. Nàng để ý theo dõi cuộc họp. Chỉ riêng sự việc cuộc họp kéo dài quá như thế đã là một điều bất thường. Nàng linh cảm thấy có một tai họa đang rình đón nàng và những người Argonautes. Vì lẽ đó nàng không thể yên tâm ngủ được. Nàng quyết định đi đến chỗ những người Argonautes thông báo cho họ biết tình hình.

Médée rón rén ra khỏi phòng ngủ, thoát ra ngoài cung điện rồi đi thẳng ra bờ sông Phasis, nơi ngọn lửa ở khu lều trại của những người Argonautes còn cháy sáng. Nàng xin gặp Jason và đứa cháu trai của mình tên là Phrontide, con út của Phrixos. Sau khi thuật lại cho hai người biết tình hình, nàng muốn Jason đi ngay với nàng để lấy Bộ lông Cừu vàng về. Nếu chậm trễ e sẽ gặp nhiều khó khăn nguy hiểm. Jason vội mặc áo giáp, đeo gươm, cầm khiên, mang lao đi theo Médée. Hai người đi đến khu rừng thiêng của thần Chiến tranh-Arès, nơi Bộ lông Cừu vàng được treo trên cây và giao cho một con rồng không hề biết đến giấc ngủ, miệng phun ra lửa, dữ tợn và kinh khủng hết chỗ nói, canh giữ. Từ xa, hai người đã trông thấy ánh vàng rực rỡ chói lọi của Bộ lông Cừu vàng. Đến gần hơn, họ thấy con rồng đang quấn quanh thân cây. Thoáng ngửi thấy hơi người, nó giương đôi mắt to thao láo nhìn soi mói đó đây và mặc dù chưa thấy địch thủ nó cũng há miệng nhe nanh, phóng ra những ngọn lửa dài để sục sạo, phòng ngừa. Médée ra hiệu cho Jason dừng lại. Nàng cầu khấn vị thần Giấc ngủ-Hypnos rồi rảy xuống mặt đất đen một thứ nước phép rất kỳ lạ. Nàng lẩm nhẩm niệm thần chú rồi hát lên một bài ca ma quái. Một làn khói bốc lên mù mịt. Khói tan thì kỳ lạ thay, Jason thấy con rồng mất hẳn vẻ tinh nhanh, hung hăng. Mắt nó đờ ra, miệng ngậm lại. Nó đã bị giấc ngủ chinh phục, và chỉ một lát sau nó cuộn mình dưới đất ở chân gốc cây, ngủ mê mệt. Không cần phải chờ Médée giục, Jason vội trèo lên cái cây to lớn linh thiêng, tháo Bộ lông Cừu vàng ra đem xuống, và không một chút chậm trễ, chàng cùng với Médée trở về con thuyền Argo.

Nhiệm vụ đã hoàn thành, Jason ra lệnh cho anh em thủy thủ nhổ neo ngay, tuy có nhiều người muốn được chiêm ngưỡng dù chỉ là một chút báu vật đó. Con thuyền xuôi theo dòng sông Phasis ra biển. Chẳng mấy chốc những người Argonautes đã bỏ lại sau lưng mình xứ sở Colchide.

Sáng hôm sau Aiétès mới được tin Bộ lông Cừu vàng đã bị mất. Còn con thuyền Argo đã không cánh mà bay. Nhà vua nổi giận quát tháo ầm ĩ. Cơn giận càng điên cuồng hơn nữa khi nhà vua được tin Médée đã bỏ nhà đi đâu mất. Chắc chắn như đinh đóng cột, cô con gái của nhà vua đã ra đi theo những người Argonautes. Một mệnh lệnh khẩn cấp, tối khẩn cấp được ban ra. Apsyrtos thống lĩnh một đạo quân lấy thuyền truy đuổi những người Argonautes. Để cho mệnh lệnh được mọi người nghiêm chỉnh và dốc sức thi hành, vua Aiétès nhấn mạnh: Nếu những người Colchide không đuổi bắt được bọn người Hy Lạp đó, trở về tay không, sẽ bị ghép vào tội tử hình.

Cuộc đuổi bắt vì thế diễn ra rất quyết liệt. Những người Argonautes dốc sức chèo hy vọng đưa con thuyền của mình thoát khỏi vòng nguy hiểm, vì nguy cơ bị truy đuổi chưa hết. Còn những người Colchide thì dốc sức chèo để cướp lại những đoạn đường đã bị những người Argonautes vượt xa. Họ biết rõ rằng vua Aiétès là một con người sắt đá và tàn bạo. Cái chết đang treo lơ lửng trên đầu họ. Chỉ có một con đường thoát là dốc sức chèo đuổi bắt bằng được Jason.

Quyển 2 – Chương 57: Hành trình trở về của những người Argonautes

Con thuyền Argo thuận buồm xuôi gió chạy băng băng trên biển Pont-Euxin. Sau ba ngày ba đêm, đất Scythe với bờ biển có bãi cát trắng dài đã hiện ra trước mắt những người Argonautes. Mọi người đều vui mừng. Lần này trở về, những người Argonautes không đi theo con đường cũ nghĩa là không vượt biển Égée để trở về Hy Lạp mà lại cho con thuyền đi ngược dòng sông Istros (ngày nay là sông Danube) để rồi đến một nhánh sông khác của nó rồi đi xuôi xuống biển Adriatique, vùng biển phía tây nước Hy Lạp. Xưa kia những người Hy Lạp cứ tưởng rằng sông Danube nối liền biển Adriatique với Hắc Hải. Họ cũng còn nhầm tưởng rằng dòng sông Po, xưa gọi là Éridan ở nước Ý ngày nay cùng hòa nhập với dòng sông Rhône ở Pháp, làm thành một đường đi, cửa bên này là vịnh Sư Tử, cửa bên kia là biển Adriatique.

Khi con thuyền vào đến cửa sông Istros, đi được một đoạn thì mọi người nhìn lên bờ bỗng thấy từ đâu kéo đến, không biết từ bao giờ một đạo quân đông ngàn ngạt, tinh kỳ phấp phới, vũ khí rợp trời. Nguy hiểm hơn nữa, ngay trước mặt họ trên một dải đất giữa dòng sông như một cù lao nhỏ cũng có một đội phục binh. Mọi người biết rằng mình đã bị đạo quân của Aiétès bao vây. Tình thế thật muôn phần nguy hiểm. Đương đầu với cả một đạo quân binh hùng tướng mạnh, đông như kiến thế kia thì không thể được rồi. Nhưng làm cách nào để tránh khỏi xảy ra một cuộc đụng độ? Một ý nghĩ nhanh như một ánh chớp lóe bên trong trái tim Jason. Jason cho dừng thuyền lại và cử người đến gặp Apsyrtos để điều đình. Những người Argonautes nêu ra quyết định của mình: trao trả Médée cho những người Colchide, địa điểm đón nhận Médée là ngôi đền trên một cù lao nhỏ giữa sông. Tại đây đích thân thủ lĩnh Jason sẽ trao trả cho thủ lĩnh Apsyrtos người con gái của vua Aiétès, đồng thời xin gửi tặng nhà vua nhiều báu vật để bày tỏ lòng hòa hiếu. Còn Bộ lông Cừu vàng hai thủ lĩnh sẽ thương nghị và phân giải sau. Thật ra thì Bộ lông Cừu vàng đã là chiến công của những người Argonautes. Jason thay mặt anh em hoàn thành những công việc của vua Aiétès giao, và như vậy nếu Aiétès giữ đúng lời hứa thì phải làm lễ thật long trọng để chuyển giao Bộ lông Cừu vàng cho những người Argonautes mới phải. Vì thế, việc Bộ lông Cừu vàng thuộc quyền sở hữu của những người Argonautes là hợp lý, hợp pháp.

Apsyrtos theo đúng lời giao ước, đích thân cùng với hai tên quân hầu đi đến ngôi đền thờ. Nhưng khi chàng vừa bước chân vào ngôi đền thì Jason đã phục sẵn từ một chỗ nào đó, rất kín đáo, nhảy xổ ra chém cho một nhát chết tươi. Mưu kế này Jason đã bàn định với Médée. Chính vì thế hai người đã phạm một tội ác tày trời, vô cùng kinh khủng: giết một người không có vũ khí trong tay bằng cách lừa dối. Cả hai tên quân hầu cũng không thoát khỏi lưỡi gươm của Jason. Giết xong Apsyrtos, Jason đem chặt xác ra làm nhiều mảnh và ném xuống sông. Sau đó chàng và Médée xuống thuyền ra lệnh cho anh em thủy thủ nhổ neo, dốc sức chạy ngược lên thượng nguồn sông Istros. Những người Colchide lập tức truy đuổi theo, nhưng trên sóng nước bập bềnh, họ bỗng trông thấy xác người chết. Nhìn ra thì là mảnh xác thủ lĩnh Apsyrtos của họ. Họ đành phải dừng thuyền lại thu lượm những mảnh thi hài người con trai của vua Aiétès để làm lễ an táng. Bởi vì để cho một người chết không được chôn cất là phạm trọng tội đối với thần linh. Apsyrtos chết, quân Colchide mất tướng như rắn không đầu, chẳng biết tiến, thoái ra sao, quyết định thế nào, chính vì lẽ đó mà những người Colchide đành bỏ dở cuộc hành trình truy đuổi.

Con thuyền Argo đi được một chặng đường dài, họ đã ra đến biển Adriatique và sắp tới vùng bờ biển xứ Illyrie. Bỗng nhiên trời nổi gió, mây đen ùn ùn kéo đến và phút chốc một cơn bão dữ dội chưa từng thấy nổi lên. Những con sóng cao như núi cứ nối tiếp nhau đổ xuống. Con thuyền khi thì chao bên trái nghiêng bên phải, khi thì quay tít như chong chóng. Cột buồm, mái chèo bị bẻ gãy. Anh em thủy thủ ra sức chống đỡ nhưng ai nấy đều nghĩ phen này chắc hẳn gửi thân nơi đáy biển. Trong lúc thập tử nhất sinh ấy bỗng một tiếng nói dõng dạc từ mũi thuyền vẳng lên, sang sảng, uy nghiêm. Đó là tiếng nói từ mảnh gỗ sồi ở mũi con thuyền, tiếng nói thiêng liêng truyền đạt ý định của Zeus:

– Hỡi những người thủy thủ Argonautes! Thần Zeus và các vị thần của đỉnh Olympe vô cùng tức giận đối với các người. Các người đã phạm một tội ác tày đình đáng phải trừng phạt nặng. Con thuyền của các người không thể nào về đến quê hương Hy Lạp khi tội ác chưa được tẩy sạch. Chỉ có cách làm nguôi cơn thịnh nộ của các bậc thần linh là các người phải quay thuyền lại, đi tới xứ sở của tiên nữ-phù thủy Circé để xin tiên nữ rửa tội cho thì mới có thể hy vọng trở về đến quê hương Hy Lạp thần thánh một cách yên bình!

Những người Argonautes làm theo lời phán truyền của thần linh. Họ lái con thuyền của mình cho quay ngược về phía bắc, hướng về xứ sở của mụ phù thủy Circé, và ứng nghiệm thay lời truyền phán của thần linh. Khi con thuyền quay mũi về hướng bắc thì bão tan dần, gió ngừng thổi, mặt biển trở lại yên bình.

Con thuyền Argo đi len cách qua nhiều hòn đảo, vượt qua nhiều đoạn đường nguy hiểm, cuối cùng neo đậu lại ở hòn đảo của tiên nữ-phù thủy Circé, em gái của vua Aiétès. Đây là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời, pháp thuật bùa chú tài giỏi, một tiên nữ-phù thủy có một không hai của thế giới Đông, Tây vùng biển Địa Trung Hải lúc bấy giờ. Khác với giới phù thủy thường xấu xí, dị dạng dị hình, Circé là một thiếu nữ có nhan sắc hơn người. Circé có tài pha chế các thứ nước phép từ các loại cây cỏ trong rừng. Với thứ nước này, Circé cho ai uống thì có thể biến người đó thành giống vật, con gì tùy ý Circé khi niệm chú. Trong một lần thử nghiệm nước phép của mình, Circé dùng chồng để thử. Rủi thay, do có những trục trặc nghĩa là nước phép chưa thật hoàn thiện, chính xác nên người chồng thân yêu của Circé bị chết. Những người Sarmates kết tội Circé đã ám hại vị vua hiền minh của họ. Họ trục xuất Circé khỏi xứ sở. Vì là con gái của thần Mặt trời-Hélios nên Circé được cha đưa cỗ xe ngựa thần xuống đón, đưa đến trú ngụ ở xứ Étrurie. Tại đây, trong một tòa lâu đài, Circé tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện các loại bùa mê thuốc ngủ của mình, và khi đã thành công, nàng dời đến ở hòn đảo Aiaia, hòn đảo mà những người Argonautes giờ đây đặt chân tới.

Những người Argonautes tường thuật lại hành trình của mình cùng với những biến cố đã xảy ra. Nghe xong, Circé cho thiết lập bàn thờ để làm lễ rửa tội. Nàng giết súc vật để làm lễ hiến tế thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe. Nàng cầu khấn đấng phụ vương Zeus, vị thần tối cao có nhiều quyền lực nhất trong các vị thần, hơn nữa là vị thần có quyền năng rửa sạch tội sát nhân. Circé lấy máu của con vật hiến tế đem bôi vào tay Jason và Médée, rồi đọc những bài cầu nguyện, những lời phù chú trước bàn thờ những nữ thần Érinyes, những nữ thần chịu trách nhiệm truy đuổi đến cùng những kẻ phạm tội. Nàng cầu xin các nữ thần hãy mở lượng khoan hồng, tha tội cho hai phạm nhân, và thực hiện nhiều nghi thức khác nữa.

Việc rửa tội xong xuôi, những người Argonautes lễ tạ thần linh, trao tặng Circé nhiều báu vật rồi lên đường. Hành trình của họ chưa phải đã hết gian nguy. Con thuyền của họ đi vào vùng biển của hai con quái vật Charypde và Scylla. Một con là Charypde chuyên hút nước biển vào bụng rồi lại nhả ra. Thuyền bè đi qua mà đúng lúc nó đang hút nước vào bụng thì chẳng vị thần nào cứu thoát. Còn một con là Scylla, chuyên rình bắt những thủy thủ để ăn thịt. Từ trên ngọn núi cao Scylla thò tay xuống giữa lòng thuyền chộp bắt thủy thủ nhanh như chớp. Chẳng cách gì kéo, giữ lại được những người thủy thủ đã nằm trong tay Scylla. Nhờ nữ thần Héra giúp đỡ, chỉ dẫn con thuyền Argonautes vượt qua được Charypde và Scylla. Phải nhằm đúng lúc Charypde đang nhả nước từ trong bụng ra mà vượt qua, trong khi đó, anh em thủy thủ phải ra sức chèo, không một ai được ra đứng ở mũi thuyền hoặc đuôi thuyền, phải che kín không để cho Scylla nhìn thấy người.

Lại qua một vùng biển hiểm nghèo nữa, nhưng ở đấy chẳng có quái vật nào làm con người kinh hồn táng đởm cả. Ngược lại là đằng khác, con người cảm thấy như đi vào trong mộng, như được bay lên cõi tiên, nhưng dù sao cũng dẫn đến cái chết. Đó là vùng biển của những tiên nữ Sirène, nửa người là thiếu nữ, nửa thân phía dưới là chim hoặc là cá, có cánh bay được lên trời, lại có vây, có đuôi để bơi được ở dưới nước. Sirène sống ở một đồng cỏ trên đảo hoang mà quanh đảo ngổn ngang xương trắng của những thi hài bị thối rữa, đó là những thủy thủ xấu số đã nghe phải tiếng hát mê hồn của Sirène, bỏ thuyền bỏ lái lao đầu xuống biển cả bơi theo các Sirène về đảo, những tưởng tìm được cuộc sống hạnh phúc đầy thơ mộng thần tiên bên mối tình thắm nồng vĩnh viễn của các nàng Sirène như lời ca đầy quyến rũ của các nàng. Tiếng hát véo von, du dương của các tiên nữ Sirène có một sức mạnh không thể nào tưởng tượng được. Ai nghe thấy tiếng hát này là trong người náo nức, bồn chồn, hồn mê theo tiếng hát, đâm đầu xuống biển bơi theo các Sirène. Những con thuyền qua vùng biển này thì mười đi họa chăng may lắm là một thoát.

Con thuyền Argo đi vào vùng biển này. Những tiên nữ Sirène liền bảo nhau bơi đến, múa lượn tung tăng quanh con thuyền. Các nàng cất tiếng hát đầy gợi cảm, rủ những chàng trai đi theo các nàng đến hòn đảo của tình yêu và hạnh phúc. Biết được nỗi nguy hiểm phải đương đầu, danh ca Orphée với cây đàn vàng của mình ra ngồi trước mũi thuyền vừa gảy đàn vừa hát. Tiếng hát vừa cất lên cùng với tiếng đàn thánh thót thì tức khắc anh em thủy thủ bị thu hút vào đó, say mê dường như chẳng còn ai muốn lắng nghe tiếng hát của Sirène nữa. Orphée ca hát kể lại cuộc hành trình gian khổ của những người Argonautes, nhắc lại những hy sinh gian khổ và những chiến công hào hùng của họ, tiếng hát kể lại phong cảnh đẹp đẽ của biết bao xứ sở xa lạ với lòng hiếu khách và kính trọng thần linh, gợi nhớ đến quê hương Hy Lạp thần thánh nơi cha mẹ và vợ con họ đang mong mỏi ngày về của họ, một ngày về với chiến công trong danh dự bất diệt của người anh hùng. Biết bao biến cố, xúc động, biết bao nhiêu chuyện vui buồn tình nghĩa trong cuộc đời của con người đều được tiếng đàn và tiếng hát của Orphée kể lại, ca ngợi. Biển khơi hồi hộp lắng nghe, ngay cả những đám mây trắng đang bồng bềnh trôi trên bầu trời xanh ngắt cũng hạ cánh bay xuống gần con thuyền Argo để lắng nghe. Chẳng ai chú ý đến tiếng hát của các Sirène nữa, các Sirène đành chịu bất lực trước tiếng đàn và tiếng hát của người ca sĩ danh tiếng Orphée. Tiếng hát của các nàng chẳng đọng lại được trong trái tim của những người Argonautes. Nó tan ra theo lớp lớp sóng biển rì rào. Từ đó trở đi, những con thuyền đi qua vùng biển này, lạ thay, đều không thấy những Sirène bập bềnh trên sóng biển, ca hát quyến rũ những chàng trai thủy thủ nữa.

Con thuyền Argo đi vào vịnh Planctae, một cái vịnh hẹp mà dải bờ là một rặng núi đá cao lởm chởm, nhô ra thụt vào như hàm răng của một con quái vật. Sóng biển từng đợt xô vào vịnh, đập vào vách đá dội ra tạo thành những cột nước dựng đứng và những vùng nước xoáy. Người ta kể cứ mỗi ngày ở đây có một con chim bồ câu bị chết vì không bay vượt qua được những cột nước dựng đứng cao ngất trời, những con chim này thường mang thức ăn thần và rượu thánh cho thần Zeus, nhưng nữ thần Héra đã cầu xin với nữ thần Amphitrite, vợ của thần Biển-Poséidon, hãy làm cho biển yên sóng lặng để cho con thuyền Argo đi qua được trót lọt, nhờ thế con thuyền Argo thoát khỏi một thảm họa.

Sau một chặng đường dài, con thuyền ghé vào bến cảng của xứ Phéacie. Nhà vua của xứ này nổi tiếng không phải vì có binh hùng tướng mạnh mà vì lòng nhân hậu và quý người trọng khách. Ông tên là Alcinoos. Được tin có những người khách từ đất nước Hy Lạp xa xôi ghé thăm, ông truyền cho mở tiệc để chiêu đãi. Mến người mến cảnh, những người Argonautes định bụng sẽ dừng chân nghỉ được một hai ngày thì những người Colchide không rõ ai mách bảo, biết tin liền cử ngay một đội chiến thuyền đến đòi nhà vua Alcinoos phải trao cho họ Médée. Tình thế thật căng thẳng, cuộc xung đột đẫm máu đang chờ nổ ra. Trước tình thế nguy nan ấy, vua Alcinoos bèn nghĩ ra một cách phân xử thật công bằng và hợp với đạo lý, tránh cho mình khỏi mang tiếng là người đã đem giao nộp những người khách quý vào tay lũ bạo tàn. Nhà vua tuyên bố trước những người Argonautes và Colchide:

– Hỡi những người Argonautes và Colchide, con của Zeus đấng phụ vương chí tôn chí kính! Đất nước Phéacie của chúng ta xưa nay vẫn nổi danh là xứ sở của tính hòa hiếu và lẽ công bằng, vì thế chúng ta không thể nào chấp nhận yêu sách của những người Colchide đòi chúng ta phải nộp nàng Médée. Làm như thế chúng ta sẽ phạm phải một trọng tội mà Zeus và các vị thần Olympe xưa nay vẫn ngăn cấm. Không, không bao giờ những người Phéacie lại đối đãi với những người khách đến thăm xứ sở của mình như một kẻ lừa dối, phản bội. Còn những người Argonautes, những người con dân của đất nước Hy Lạp thần thánh và anh hùng, ta không muốn xứ sở này bị ô danh vì chứa chấp những tên cướp biển, những kẻ chỉ quen đi gieo chết chóc và tai họa xuống cho giống người. Vì thế ta quyết định: ngày mai nàng Médée sẽ ra công bố trước hai bên xem nàng muốn trở về xứ Colchide hay nàng muốn đi theo những người Hy Lạp. Nếu nàng quyết định trở về Colchide thì những người Argonautes đã can tội ăn cướp, đã bắt cóc một người thiếu nữ xinh đẹp con của vua Aiétès danh tiếng lẫy lừng. Còn nếu nàng tự nhận là vợ của Jason thì nàng có trách nhiệm phải theo chồng về quê hương Hy Lạp. Đó là tất cả những điều mà trái tim ta suy nghĩ và nhắc bảo ta như vậy. Vì thế ta cầu xin hai bên hãy vì tình hòa hiếu và sự tôn trọng đất nước Phéacie này, một đất nước không hề chế tạo cung tên và những ngọn lao đồng, mà chỉ sáng tạo ra những con thuyền chạy nhanh như gió, có tư tưởng và không cần người cầm lái, mà tránh để xảy ra một cuộc đổ máu. Điều đó, ngoài thần Chiến tranh-Arès là ham thích, còn Zeus đấng phụ vương và những người trần đoản mệnh chúng ta vốn ghét cay ghét đắng.

Đêm hôm đó nữ hoàng Arété, vợ của vua Alcinoos cho người tới báo cho Jason biết quyết định của vua Alcinoos: Jason và Médée phải làm lễ thành hôn ngay trong đêm đó để sáng mai trước những người Colchide, Médée là người vợ hợp pháp, chính thức của Jason. Sáng hôm sau, trước những người Colchide và Argonautes, dưới quyền chủ tọa của Alcinoos, Médée dõng dạc tuyên bố mình đã là vợ của Jason và có nghĩa vụ phải theo chồng trở về Hy Lạp. Jason với những bằng chứng xác thực của lễ thành hôn, chứng minh cho mọi người thấy rõ. Căn cứ vào những bằng chứng đó, vua Alcinoos long trọng tuyên bố trước hai bên cũng như trước thần dân của mình, các bô lão người Phéacie: Médée là vợ của Jason, một người vợ hợp pháp và người vợ này có nghĩa vụ phải theo chồng. Những người Colchide trước sự thật như vậy không thể đưa ra yêu sách gì được nữa. Họ đành phải quay thuyền trở về quê hương.

Hành trình trở về của con thuyền Argo lại tiếp tục. Sau nhiều ngày lênh đênh trên mặt biển, cuối cùng con thuyền đã đưa họ về tới vùng biển quê hương. Sung sướng biết bao khi những người Argonautes từ xa nhìn thấy mảnh đất quê hương, những mũi đất của vùng đồng bằng Péloponnèse tỏa ra trên biển Égée giống như cây đinh ba của thần Poséidon. Nhưng niềm vui của những người Argonautes phút chốc tiêu tan. Một cơn lốc biển nổi lên đưa con thuyền của họ trôi đi, trôi đi mãi. Mọi người ra sức chống đỡ, gắng giữ con thuyền khỏi bị lật nhào. Gió lốc xoay vật con thuyền, đưa con thuyền trôi đi mãi tận đâu đâu chẳng ai biết nữa. Cuối cùng, con thuyền trôi giạt vào một vùng biển vắng tanh vắng ngắt, nằm chết dí trong một con vịnh nhỏ hẹp đầy rong biển, rong biển nhiều đến nỗi cả mái chèo lẫn bánh lái đều bị quấn chặt. Mọi người đều chán nản vô cùng. Gần về đến quê hương rồi ai ngờ tai bay vạ gió ở đâu lại giáng xuống số phận của họ. Thuyền trưởng Lyncée ngồi ôm đầu trước mũi thuyền thở dài chán ngán. Còn những anh em khác thì bỏ thuyền lên bờ đi lang thang trên bãi cát hoang dại. Mọi người cảm thấy như đang tiến dần đến cái chết. Trong tình thế bế tắc, vô kế khả thi ấy thì may thay những tiên nữ Nymphe biết chuyện, kịp thời tới giúp đỡ. Các nàng nói cho Jason biết, con thuyền Argo đã bị trôi giạt vào vùng biển xứ Libye210. Muốn tiếp tục được cuộc hành trình trở về quê hương, những người Argonautes phải vác con thuyền băng qua vùng sa mạc Libye. Nhưng chỉ được vác con thuyền khi nào nữ thần Amphitrite tháo con ngựa khỏi cỗ xe của mình. Nhưng làm thế nào để biết được khi nào, lúc nào nữ thần tháo ngựa ra khỏi cỗ xe? Chà, thật là một chuyện oái oăm rắc rối. Mọi người ngồi quây bên nhau ôm đầu, thở dài, suy nghĩ. Bỗng nhiên từ dưới biển chạy lên một con ngựa trắng muốt. Con ngựa lên bờ và băng băng phi nước đại vào vùng sa mạc rồi mất hút. Những người Argonautes hiểu ngay rằng thời cơ đã đến với họ. Lập tức họ kéo con thuyền lên bờ rồi ghé vai vác con thuyền đi vào vùng sa mạc. Họ cứ thế đi suốt mười hai ngày, mười hai đêm, chịu đói, chịu khát dưới ánh nắng thiêu đốt. Cuối cùng, họ tới xứ sở của những người Hespérides. Những người này chỉ cho họ biết một nguồn nước ngọt chảy ra từ ngọn núi Héraclès, và thế là mọi người được một phen uống đến no nê thỏa thích. Tất nhiên những người thủy thủ Hy Lạp không ai quên kín nước cho đầy các bình để dự trữ. Con thuyền Argo sau khi qua vùng sa mạc được hạ thủy xuống một vùng nước rộng mênh mông. Tuy nhiên những người Argonautes không sao tìm được đường ra biển. Thì ra không phải họ đã hạ thủy được con thuyền của họ xuống biến mà là hạ thủy xuống cái hố của thần Triton, thường gọi là Tritonis. Theo lời khuyên của Orphée, những người Argonautes làm một lễ hiến tế thần Biển-Triton, nhưng không biết giết súc vật để hiến tế mà đốt một chiếc ghế ba chân, để cầu xin một lời chỉ dẫn. Thế là phút chốc không rõ từ đâu xuất hiện một chàng trai vô cùng xinh đẹp. Chàng trai này trao cho Euphémos, một người anh hùng trong đoàn thủy thủ Argonautes, vốn là con của thần Biển-Poséidon, một nắm đất để bày tỏ lòng hiếu khách. Với tài tiên đoán điêu luyện, Euphémos biết ngay đó là vị thần Triton hóa thân để giao tiếp với các anh hùng Hy Lạp. Euphémos liền mạnh dạn thuật lại cuộc hành trình của những người Argonautes cho chàng trai xinh đẹp biết để rồi cuối cùng hỏi chàng đường ra biển. Chàng trai vui lòng chỉ bảo cho những người Argonautes rất cặn kẽ, tỉ mỉ, mọi người đều hết sức biết ơn chàng trai. Không ai quên bày tỏ tình cảm của mình trước khi từ biệt chàng. Một lễ hiến tế tạ ơn thần Triton, giết một con cừu để dâng lễ, đã được tổ chức trọng thể trước giờ lên đường. Con thuyền Argo lại ra đi. Khi những người Argonautes vừa chèo được độ mươi nhịp thì một kỳ tích đã đến với con thuyền của họ. Thần Triton hiện ra nâng bổng con thuyền của họ lên, đưa con thuyền của họ vượt qua những ngọn núi đá trắng, vượt qua những xoáy nước và hạ nó xuống biển. Từ hồ Triton con thuyền bay ra biển và hướng về đảo Crète. Những người Argonautes định ghé thuyền lại hòn đảo này để lấy thêm lương thực và nước ngọt. Nhưng một người khổng lồ tên là Talos đã cản trở công việc của họ. Tên khổng lồ này do thần Zeus sáng tạo ra bằng đồng, một người khổng lồ bằng đồng nhưng có sức mạnh ghê gớm không kém những tên khổng lồ Hécatonchires. Thần Zeus trao tên khổng lồ Talos cho nhà vua Minos ở đảo Crète để sử dụng hắn làm một tên bính canh. Hắn ngày đêm lo canh phòng đảo Crète khỏi bị lũ cướp biển xâm phạm, và bảo vệ cho cung điện, lâu đài của vua Minos được an toàn. Tuy có sức mạnh vô địch như thế nhưng tên Talos cũng có một điểm yếu đó là cái mắt cá chân, quãng trên đó một chút. Khi thấy con thuyền Argo đang ghé vào bờ, Talos vội chạy ra bờ biển. Hắn quát tháo ra lệnh đuổi con thuyền đi và đe dọa sẽ ném một tảng đá, đúng hơn một trái núi, đè bẹp con thuyền. Thấy tình cảnh nguy ngập như vậy, Jason ra lệnh cho anh em thủy thủ dừng thuyền, nhưng Talos không chần chừ, hắn bê luôn một tảng đá to khủng khiếp nhằm con thuyền định giáng xuống. Médée từ khi thấy Talos ra oai, quát tháo đã nhanh trí đối phó. Nàng cầu khấn những con chó ngao của thần Hadès tới giúp. Lũ chó xuất hiện vừa lúc Talos bê tảng đá lên. Chúng xông vào cắn xé làm quẩn chân Talos, và khi Talos vừa ráng sức nâng bổng tảng đá lên trên đầu định giáng xuống thì bị lũ chó làm trượt chân, ngã lăn xuống đất. Chiếc đinh chốt trên chỗ mắt cá chân của hắn bật ra, và thế là máu từ trong người hắn trào tuôn ra qua chỗ chốt bật ấy. Máu chảy ra ồng ộc như khi ta chọc tiết một con cừu hay một con bò để làm lễ hiến tế. Chẳng ai đóng chốt bịt lại mạch máu cho hắn cả, và chỉ một lát sau Talos mất hết máu nằm chết cứng. Nhờ đó những người Argonautes có thể yên tâm lên bờ lấy nước và lương thực dự trữ cho chặng đường trở về không còn bao xa nữa.

Trên đường từ đảo Crète trở về Hy Lạp, Euphémos không may đánh rơi mất nắm đất của thần Triton trao tặng, rơi xuống biển. Từ nắm đất này mọc lên một hòn đảo mà những người Argonautes đặt tên cho nó là Callisto, nhưng sau này những con cháu của Euphémos đến sinh cơ lập nghiệp ở đảo và đổi tên là Théra.

Vẫn chưa hết những khó khăn. Con thuyền trên đường trở về Iolcos lại gặp một trận bão nữa. Cơn bão nổi lên trong đêm khiến cho các thủy thủ vô cùng kinh hãi. Quãng biển từ đây về đến bến cảng là vùng có nhiều đảo lớn, đảo nhỏ và đá ngầm. Mặc dù thuyền trưởng Lyncée có đôi mắt nhìn thấu đêm đen nhưng mọi người vẫn rất lo sợ. Bản thân Lyncée cũng vô cùng lo lắng vì chàng còn phải lo chỉ huy anh em chống đỡ với các cơn gió hung dữ. Đang trong lúc khó khăn ấy thì bỗng đâu trên bầu trời đen kịt xuất hiện một mũi tên sáng rực bay ngang qua con thuyền đi về hướng bắc, rồi tiếp một mũi nữa, và một mũi nữa cách nhau không xa lắm. Mọi người biết ngay con thuyền của mình đã được thần Apollon phù trợ. Thần đã bắn những mũi tên vàng của mình để soi đường cho con thuyền. Những người Argonautes nhờ đó thoát khỏi vùng biển nguy hiểm. Họ ghé con thuyền vào đảo Anafi và chờ cho đến khi bão tan.

Sáng hôm sau biển yên, sóng lặng, trời đẹp, người vui, thuyền Argo lướt đi băng băng trên sóng, hoàn thành nốt chặng đường cuối cùng của mình, và chẳng bao lâu đô thành Iolcos đã hiện ra trước mắt họ ngày một gần hơn, ngày một rõ hơn. Họ đã hoàn thành sứ mạng nặng nề và trở về với mảnh đất thân yêu, thiêng liêng của thần Hellen. Nhân dân khắp đô thành Iolcos mở hội chào mừng những người anh hùng. Mọi người đều đem những lễ vật quý giá nhất để dâng cúng thần linh, làm lễ tạ ơn các vị thần của đỉnh Olympe mà đứng đầu là đấng phụ vương Zeus đã phù hộ độ trì cho con thuyền Argo tai qua nạn khỏi, vượt qua được những thử thách, lập được chiến công hào hùng vĩ đại vang động đến trời xanh: Mọi người cũng không quên công ơn của người anh hùng Jason dìu dắt anh em, đương đầu với những thử thách để đoạt được Bộ lông Cừu vàng.211

Ngày nay, trong văn học thế giới Argonautes chuyển nghĩa thành một danh từ chỉ những người thủy thủ dũng cảm hoặc những người dấn thân vào một sự nghiệp phiêu lưu, nguy hiểm hoặc cụ thể hơn nữa chỉ những người đi tìm vàng hay những người đang theo đuổi sự nghiệp làm giàu. Mở rộng hơn nữa, Argonautes chỉ những người dũng cảm tìm tòi, dám đương đầu với những thử thách. Còn Bộ lông Cừu vàng (La Toison d’Or) chỉ một sự nghiệp lớn, nhiều khó khăn đòi hỏi nhiều hy sinh, cố gắng mới có thể đạt được.

[210] Những người Hy Lạp xưa kia gọi vùng bờ biển châu Phi ở phía tây Ai Cập là Libye.

[211] Có một nguồn chuyện khác kể: Apsyrtos đã xuống con thuyền Argo đi cùng với Jason và Médée về Hy Lạp, vì sao lại cùng đi thì không nói rõ. Kế đến khi bị những người Colchide đuổi, Jason và Médée đã giết Apsyrtos, chặt xác vứt xuống biển. Rất có thể do Médée bàn định với Jason bắt cóc Apsyrtos đưa đi theo.

Theo các nhà nghiên cứu, xứ sở Colchide ngày nay là nước Cộng hòa Géorgie trong Liên bang Xôviết.

Quyển 2 – Chương 58: Jason và Médée giết Pélias

Bộ lông Cừu vàng đã về Iolcos, Cả kinh thành làm lễ rước trọng thể báu vật đó. Không ai là người không trông thấy ánh sáng ngời ngợi từ Bộ lông Cừu vàng tỏa ra. Ai nấy đều vô cùng hoan hỉ khi thấy từ nay những người Hy Lạp đời này kế tiếp đời khác lưu giữ báu vật.

Jason về nhà. Một biến cố khủng khiếp đã xảy ra trong khi chàng đi vắng. Pélias đã bức hại người cha già thân yêu của chàng. Y buộc ông cụ phải uống máu một con bò mộng, theo người xưa đó là một liều thuốc độc ghê gớm. Aeson vật ra chết ngay sau khi rời tay khỏi chén. Alcimédé, vợ của cụ, xót xa, đau đớn trước cái chết của chồng đã thắt cổ tự vẫn. Còn Pélias, y không ngờ Jason lại có thể hoàn thành được những thử thách nặng nề nguy hiểm đến như thế để trở về. Ngai vàng mà y đang ngự đã đến lúc phải trao lại cho Jason. Có chuyện kể, Pélias không giết chết Aeson, mà Médée bằng pháp thuật của mình đã làm cho Aeson trẻ lại khiến cho Pélias thèm muốn, và đó là mưu kế của Médée bày ra để trả thù Pélias đã không trao quyền lại cho Jason. Câu chuyện xảy ra như sau:

Một đêm khuya, Médée bỏ ra đi. Nàng mặc toàn đồ đen, đi tất, tóc buông xõa. Khi đó mọi vật đều chìm đắm trong giấc ngủ và bóng đêm. Médée dưới ánh sao mờ, lần bước tới một ngã ba đường. Đến đây nàng dừng lại, giơ tay cao lên trời hú to lên ba tiếng. Rồi nàng quỳ xuống đọc những câu thần chú ma quái. Nàng gọi, nàng hú hồn các thứ âm binh. Nàng cầu xin nữ thần Hécate giúp đỡ nàng. Nghe lời nàng cầu nguyện, nữ thần Hécate hiện ra trên cỗ xe do những con rồng có cánh kéo. Nữ thần gọi Médée lên xe. Thế là Médée bắt đầu cuộc hành trình đi tìm các thứ lá, cỏ, rễ cây thần kỳ về để pha chế các loại thuốc linh diệu. Suốt chín ngày đêm Médée đi qua các cánh rừng, ngọn núi, đi dọc theo nhiều con sông và lần mò ra tận bờ biển tìm vào các hang hốc sâu thẳm tối tăm. Nàng trở về nhà với biết bao nhiêu thứ lá cây, rễ cây, cỏ, hoa… Nàng sai gia nhân thiết lập hai bàn thờ và cho đào trước mỗi hàn thờ một cái hố, một dành cho nữ thần Hécate, một dành cho nữ thần Tuổi thanh xuân. Sau đó nàng giết những con cừu đen tẩm mật ong vàng với sữa để làm lễ hiến tế các nữ thần Tuổi thanh xuân, bóng đêm và nữ thần ma thuật Hécate. Nàng cầu khấn các vị thần ở thế giới âm phủ Hadès và Perséphone, xin đừng tước đoạt cuộc sống của Aeson. Sau đó nàng mời lão vương Aeson tới dùng pháp thuật làm cho cụ ngủ đi một giấc dài, mê mệt trên một lớp cỏ tiên. Trong khi đó, trên một chiếc chảo đồng, Médée nấu thuốc. Khi thuốc sôi, bọt nổi lên, Médée bèn lấy một cành cây khô để quấy và cũng là để thử. Kỳ lạ thay, cành cây được nhúng vào chảo thuốc bỗng xanh tươi trở lại. Thấy thuốc đã chín, Médée bèn cầm lấy thanh gươm tiến đến chỗ Aeson ngủ, cứa mạnh lưỡi gươm vào cổ cụ già. Máu trong người cụ tuôn ra. Đó là thứ máu đã già cỗi làm cho con người suy yếu. Tiếp đó nàng rót vào người cụ chất thuốc nhiệm màu đã nấu ở trong chảo. Khi rót đã đầy, nàng khâu vết cứa ở cổ Aeson lại. Một lát sau cụ già tỉnh dậy. Lạ thay, tóc bạc không còn, những nếp da nhăn nheo biến mất. Khuôn mặt cụ hồng hào tươi tỉnh. Cụ đi nhanh nhẹn như một chàng trai, mất hẳn đi cái dáng hình lưng còng, lụ khụ, chậm rãi.

Việc cụ già Aeson trẻ lại khiến những người con gái của vua Pélias ngạc nhiên và dò hỏi. Các cô gặp Médée để tìm hiểu sự thật. Để làm cho các cô tin hẳn, Médée bắt một con cừu già ném vào chảo thuốc. Có người lại kể, Médée chặt con cừu ra làm bốn, năm khúc rồi mới ném vào chảo thuốc. Chỉ một lát sau từ trong chảo nhảy ra một con cừu non khỏe mạnh, chạy tung tăng. Những người con gái của Pélias hết sức khâm phục tài năng của Médée và khẩn khoản nhờ nàng làm giúp cho cha mình trẻ lại.

Sự việc diễn ra tương tự như đối với Aeson. Pélias được những người con gái dẫn đến nhà Médée. Họ đặt người cha già nằm trên lớp cỏ tiên. Chảo thuốc đang sôi nhưng có điều không phải được nấu bằng những thứ lá hôm trước. Médée giục những người con gái Pélias cầm gươm cứa vào cổ cha để cho thứ máu già nua chảy hết ra. Chẳng cô nào dám làm. Mãi sau mới có một cô mạnh bạo tiến đến chỗ người cha đang ngủ đưa thanh gươm vào cổ ông cứa mạnh một cái. Máu chảy ra ồng ộc. Bất ngờ Pélias tỉnh dậy. Y đưa đôi cánh tay yếu ớt ra, mắt đờ đẫn kêu lên:

– Ôi các con gái thân yêu của ta! Ta chết đây. Ta đã làm gì đến nỗi để các con giết ta!

Những người con gái của Pélias rú lên, bưng mặt khóc. Médée liền chạy tới giật lấy thanh gươm, đâm tiếp cho Pélias mấy nhát. Sau đó nàng chặt xác y ra bỏ vào chảo thuốc đang sôi. Nhưng chẳng có cái gì hết từ chảo thuốc đó trả lại.

Như vậy Jason và Médée đã trả được mối thù bầm gan tím ruột đối với tên vua độc ác. Những người con gái Pélias kinh hoàng vì sự việc vừa xảy ra mà họ là những người gánh chịu trách nhiệm một phần, đã hối hận, khóc than ngày đêm đến nỗi mất trí hóa điên. Còn Jason và Médée sau chuyện đó lập tức rời Iolcos. Một cỗ xe do những con rồng có cánh kéo, từ trời cao hạ xuống đón hai người, đưa sang trú ngụ ở đất Corinthe. Adraste con trai của vua Pélias không cho Jason kế vị vì lẽ Jason đã tòng phạm với Médée trong âm mưu ám hại Pélias. Tang lễ Pélias được tổ chức rất trọng thể. Ngoài những nghi lễ thờ cúng, hiến tế thần linh, người ta còn tổ chức những cuộc thi đấu thể dục thể thao để tưởng niệm linh hồn người quá cố. Đích thân thần Hermès đứng ra chủ tọa và chấm giải. Các vị anh hùng danh tiếng trên đất Hy Lạp đều kéo đến tỉ thí. Hai anh em Dioscures cùng với chàng Euphémos dự cuộc đua xe ngựa, Admète và Mopsos dự đấu quyền, Atalante và Pélée đấu vật. Chàng Iphiclos giành được giải nhất trong cuộc chạy thi.

Quyển 2 – Chương 59: Cái chết của Jason

Jason và Médée sang trú ngụ ở đất Corinthe dưới quyền trị vì của vua Créon. Cuộc sống của họ trôi đi trong hạnh phúc bình thường, giản dị. Médée sinh được hai con trai. Cuộc đời của họ tưởng cứ thế kéo dài cho đến khi mãn chiều xế bóng. Nhưng có ai ngờ được lòng người thay đổi khôn lường. Sông sâu còn có kẻ dò chứ lòng người thì…

Vua Créon có một người con gái xinh đẹp tên là Glaucé. Sắc đẹp và địa vị của nàng, nhất là địa vị của nàng, đã khiến cho Jason tơ tưởng, và rồi, Jason đem lòng yêu mến Glaucé, bày tỏ tình cảm tha thiết của mình đối với nàng cũng như quyết tâm gắn bó cuộc đời của mình đối với nàng. Vua Créon biết chuyện nhưng chẳng can ngăn. Ông bằng lòng gả con gái cho Jason. Thế là Jason phụ bạc Médée, quên hết mối tình đẹp đẽ thiêng liêng đã gắn bó mình với Médée trong sự nghiệp đi chinh phục Bộ lông Cừu vàng.

Biết chuyện, Médée vô cùng đau khổ. Nàng cảm thấy bị xúc phạm trắng trợn, bị phản bội. Nàng đã hy sinh hết thảy vì Jason và sự nghiệp của chàng: phản lại vua cha, giết người anh ruột, rời bỏ quê hương đến đất nước Hy Lạp. Nàng chẳng mong muốn gì hơn ngoài việc được sống trong tình yêu chung thủy và hạnh phúc đầm ấm thuận hòa. Thế mà giờ đây điều đó không còn. Médée buồn rầu, đau khổ, giận dữ. Có những lúc nàng như điên như dại, khi thì khóc nấc lên, gào thét, vật vã, khi thì nguyền rủa bản thân mình, nguyền rủa hai đứa con, đe dọa sẽ phá hết, giết hết. Từ nỗi đau khổ, uất ức, ghen giận đó một ý định trả thù bỗng lóe lên trong trái tim nàng và ngày càng hun đốt nó, Médée cầu khấn nữ thần Thémis, người cai quản công lý, cầu khấn thần Zeus tối uy tối linh và nữ thần Hécate, người mà nàng thờ phụng chứng giám cho nàng. Nàng quyết biến cuộc hôn nhân đã làm nàng đau khổ thành một đám tang, biến ba kẻ thù của nàng: người cha, đứa con gái và chàng con rể thành ba cái xác chết.

Những cơn giận dữ điên dại và những lời nguyền rủa của nàng đã bay đến tai Jason và vua Créon. Jason bèn vội tới gặp Médée để an ủi khuyên giải nàng, nhưng lời khuyên giải, an ủi của một kẻ ham tiền tài, địa vị, chà đạp lên tình nghĩa thì phỏng có ích gì! Trước những lời kết tội, sỉ mắng của Médée, Jason lại càng tỏ ra hèn kém và xấu xa. Y kể với Médée là đã có công đưa nàng từ một đất nước Dã man về nước Hy Lạp văn minh và thần thánh. Vì lẽ đó nàng nên biết ơn y và không nên tức giận phản đối cuộc hôn nhân của y với Glaucé. Y nói sở dĩ y phải bỏ nàng để kết hôn với công chúa không phải vì y muốn có nhiều con hoặc đam mê sắc đẹp của Glaucé. Y kết hôn với công chúa chỉ vì tương lai của các con. Nhờ cuộc kết hôn này mà đời chúng sẽ có địa vị, có danh tiếng và giàu có.

Nhưng vua Créon thì không đối xử với Médée như Jason. Nhà vua biết Médée là người thờ phụng nữ thần Hécate, rất giỏi pháp thuật và đã từng dùng pháp thuật giết chết Pélias. Vì thế nhà vua ra lệnh: đuổi thẳng Médée và hai đứa con của nàng đi khỏi xứ Corinthe, đi ngay không được chậm trễ. Có như thế mới bảo đảm cho lễ thành hôn của Glaucé được yên lành. Tình cảnh Médée đến lúc này lại càng thêm khổ nhục, bế tắc. Nàng van xin vua Créon cho nàng trú ngụ ở Corinthe nhưng không được. Cuối cùng, nàng chỉ được Créon chấp thuận cho nán lại một ngày để thu xếp. Thực ra Médée xin nán lại một ngày là để thu xếp việc trả thù. Ý định trả thù trong trái tim nàng đã rõ rệt, rắn chắc không gì có thể lay chuyển nổi: Nàng quyết không để cho những kẻ làm nhục nàng, chà đạp lên số phận của nàng được đắc chí, hớn hở, vui mừng vì những việc làm bất nhân bất nghĩa của chúng.

Vào lúc đó, Égée, một vị vua trị vì ở đô thành Athènes, đang ở trên đất Corinthe. Égée đến Corinthe để cầu khấn thần Apollon, xin thần ban cho một lời chỉ dẫn để chấm dứt cảnh hiếm hoi. Nhà vua đi cầu tự. Được tin, Médée bèn xin Égée cho trú ngụ. Nhà vua nghe Médée thuật lại tình cảnh bất hạnh của nàng trong lòng vô cùng xúc động, đã chấp nhận lời cầu xin của Médée. Tuy nhiên nhà vua ngỏ ý là Médée sẽ tự đi đến Athènes, còn tại đây ở ngay trên đất Corinthe này, nhà vua không thể đón tiếp Médée được. Làm như vậy sẽ gây ra mối bất bình đối với Créon. Dù sao Médée cũng đã được nhà vua đô thành Athènes thề hứa sẽ bảo vệ nàng, không bao giờ, dù có gặp sức ép của vua Créon, trao nộp nàng cho Créon. Còn Médée, nàng hứa sẽ dùng pháp thuật của mình chữa cho Égée thoát cảnh hiếm hoi, và chính vì lời hứa này mà vua Égée đã sẵn sàng giúp đỡ người đàn bà bất hạnh đó.

Mọi việc đã thu xếp xong xuôi. Bây giờ đến lúc Médée thực hiện ý đồ trả thù của mình. Trước hết, Médée cho mời Jason đến để xin cho hai đứa con trai được ở lại Corinthe. Nàng tỏ vẻ hối hận vì vừa rồi trong lúc giận dữ đã quá lời, xúc phạm đến Jason. Nàng xin lỗi Jason và nghĩ lại, nàng nhận thấy việc Jason kết hôn với công chúa Glaucé là khôn ngoan, sáng suốt. Nàng sẽ sai hai đứa con đem những lễ vật quý báu đến để dâng tặng công chúa Glaucé, nhờ Jason xin với công chúa cho hai con trai nàng được ở lại Corinthe. Jason ưng thuận. Médée bèn trao cho hai đứa con đem một tấm khăn choàng (có chuyện kể là một chiếc áo) và một chiếc vương miện bằng vàng đến cung điện dâng công chúa. Nhận được tặng phẩm quý báu, công chúa bèn choàng tấm khăn lên người và đội chiếc vương miện bằng vàng rực rỡ lên đầu. Đòn trả thù nghiệt ngã, khủng khiếp thế là được thực hiện. Công chúa vừa khoác tấm khăn lên người và đội vương miện lên đầu chưa kịp ngắm nghía dung nhan của mình trong gương thì bỗng rùng mình, khó chịu. Mặt nàng biến sắc, người loạng choạng, lảo đảo và run bắn lên. Nàng phải lui lại gieo mình xuống ghế để khỏi ngã xuống đất. Thế rồi mắt nàng đảo ngược lên, bọt mép sùi ra, máu trong người tuôn chảy.

Gia nhân thấy vậy hốt hoảng chạy đi trình báo vua cha. Chưa hết, chiếc vương miện trên đầu công chúa bỗng nhiên bốc cháy. Lửa bùng lên ngùn ngụt thiêu đốt tóc nàng và lan xuống khắp người nàng. Nàng vùng đứng dậy chạy như điên như dại quanh phòng gào thét. Nàng cố dứt tấm khăn choàng ra nhưng không được. Nó đã bám chặt vào da thịt nàng cắn xé. Nàng cố tháo chiếc vương miện ra khỏi đầu cũng không được. Glaucé ngã vật xuống đất người bốc cháy đùng đùng như một ngọn đuốc. Vua Créon được tin, chạy vội về. Ông ôm chầm lấy con gái khóc than. Nhưng đến khi vua đứng dậy thì không được. Chiếc khăn choàng ma quái đã níu chặt vua lại và lóc da rứt thịt nhà vua ra, và hai cha con đã chết bên nhau.

Còn Médée, khi hai đứa con dâng lễ vật cho công chúa xong trở về, nàng liền bắt chúng vào phòng, lấy gươm đâm vào cổ chúng, giết chúng như nàng nói, cho hết cái nòi giống Jason phản bội. Vả lại, nàng nghĩ, nếu không giết chúng thì nhân dân Corinthe cũng sẽ giết chúng vì mẹ chúng phạm tội giết nhà vua và công chúa. Jason được tin chạy vội tới với hy vọng có thể cứu được những đứa con thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân Corinthe, nhưng đã quá muộn: Một cỗ xe do những con rồng có cánh kéo từ trời cao hạ xuống đón Médée đưa nàng sang đô thành Athènes. Nàng đem theo cả thi hài hai đứa con và mặc cho Jason van xin, nàng không cho Jason được quyền chôn cất chúng. Nàng kết tội, chính Jason là kẻ gây ra cái chết của hai đứa con.

Jason vô cùng đau đớn trước những thảm họa liên tiếp giáng xuống đời mình. Y như điên như dại. Y bỏ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Đòn trả thù của Médée thật hiểm độc: Jason không chết nhưng phải sống cô đơn không người thân thích và sống với nỗi hối hận vò xé, cắn rứt trong trái tim. Suốt đời Jason cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Biến cố khủng khiếp vừa qua như một vết dao khắc sâu vào trái tim y, khiến y cố quên đi mà không sao quên được. Bữa kia đi lang thang trên bãi biển, bất ngờ y gặp lại con thuyền Argo nằm úp mình trên bãi cát. Nơi đây thuộc địa phận của đô thành Istros. Con thuyền Argo sau khi hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình, được các vị anh hùng làm lễ hiến dâng cho vị thần Poséidon. Nhìn thấy con thuyền, bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm xưa, Jason càng chán nản, mỏi mệt. Chẳng ai có thể nghĩ được, hiểu được vì sao từ người anh hùng danh tiếng như thế mà đổi thay đến nỗi trở thành một kẻ tham tiền tài, địa vị, phản bội, phụ bạc lại người vợ đã hy sinh tận tụy cho sự nghiệp của mình, và để rồi giờ đây là một kẻ sống lang thang, bị khinh bỉ, ghê tởm! Than ôi, thật là “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!”

Trời đang nắng gắt. Jason bèn chui vào nằm dưới gầm con thuyền để nghỉ. Y ngủ thiếp đi, và chính trong giấc ngủ này, một giấc ngủ say và mệt của một kẻ sống không còn niềm vui và hy vọng, không còn niềm tự hào về quá khứ vinh quang và danh dự cao cả, không còn cả nỗi lo âu vì đại nghĩa, vì số phận của lương dân, vì truyền thống đẹp đẽ, của tổ tiên, chính trong giấc ngủ này y đã chết. Con thuyền Argo trải qua năm tháng dãi dầu cũng đến lúc suy sụp. Một tấm ván của con thuyền bung ra và rơi xuống trúng đầu Jason kéo theo một vài thanh giầm sập xuống. Jason đã chết như thế, một cái chết không ai biết đến, không có lễ tang, không một giọt nước mắt xót thương của những người thân thích. Con thuyền Argo mục nát đã chôn vùi y, kết thúc cuộc sống của một kẻ đã chết về chí khí và đạo đức của người anh hùng từ lâu. Buồn thay những thăng trầm của cuộc đời nhưng tất cả đều do Số mệnh và các vị thần Olympe vạch đường chỉ lối.

Bảng gia hệ của Pélias và Jason:

Quyển 2 – Chương 60: Truyền thuyết về cuộc chiến tranh Troie

Thành Troie

Ở đất Argolide, vào lúc mà cuộc tình duyên của thần Sông-Inachos với tiên nữ Mélia sinh ra Phoronée, người đàn ông đầu tiên của mặt đất mênh mông, thì ở đảo Samothrace, một người con trai của thần Zeus tên là Dardanos cũng được giáng hạ xuống trần. Qua bao năm tháng, đến năm ấy thật rủi ro, một trận đại hồng thủy xảy ra làm ngập băng hòn đảo. Các sinh vật đều chết hết trừ Dardanos may mắn nhờ có một chiếc mảng mà sống sót được. Lênh đênh trên biển nước không biết bao ngày, Dardanos cứ hướng chiếc mảng của mình về phía đông mà đi tới. Cho đến một ngày kia chàng nhìn thấy đất liền. Ôi, thật vô cùng sung sướng. Đó là bờ biển xứ Phrygie. Tới đây chàng được vua Teucer, con trai của thần Sông-Scamandre và tiên nữ Nymphe Ida, đón tiếp. Xưa kia lúc con người mới xuất hiện trên thế gian, đất đai hãy còn hoang vắng lắm, chẳng có mấy người sinh sống. Vì lẽ đó Teucer vô cùng sung sướng khi có một người bạn đến chung sống với mình. Lập tức nhà vua đem chia cho Dardanos một phần tài sản trong gia tài vô cùng to lớn của mình. Hơn thế nữa, hồi đó các chàng trai ở rể cũng rất hiếm mà Dardanos lại là con dòng cháu giống nên Teucer gả luôn con gái của mình cho người khách đáng thương đáng quý ấy. Teucer chết, Dardanos nối ngôi. Từ đây bắt đầu dòng họ của những người Dardanos trị vì trên vương quốc Troie. Đó là một dòng giống thiêng liêng nhưng lại chịu một số phận bất hạnh vô cùng.

Hồi đó ở vùng đồng bằng Troade trên đất Phrygie, có một ngọn đồi tên là Ngọn đồi Lầm lẫn mà sự tích của nó bắt nguồn từ Até, vị nữ thần Lầm lẫn đã nhiều lần làm cho Zeus tính một đằng nhưng lại làm ra một nẻo. Chính nàng là người làm cho Zeus hy vọng vào lời phán truyền: “Đứa bé nào sinh ra trước nhất sẽ được làm vua ở đất Mycènes” (hẳn là Héraclès) mà rồi thành thất vọng. Điều này khiến Zeus tức giận vô cùng, tức giận đến nỗi Zeus túm lấy tóc nữ thần Até (có người bảo nắm lấy cánh tay) quẳng ngay xuống trần.

Até từ chín tầng mây rơi xuống, rơi đúng ngay vào một ngọn đồi, vì thế ngọn đồi đó mang tên là Ngọn đồi Lầm lẫn mà Số mệnh đã định trước rằng một ngày kia thành Troie sẽ dựng lên trên ngọn đồi đó. Vì thế tất cả lịch sử của người Troie đều bị nữ thần Lầm lẫn chi phối, và những ý nghĩ khôn ngoan nhất của họ, những dự tính, lo xa của họ nhiều khi lại phản lại họ. Ngay từ nguồn gốc của thành Troie đã có bàn tay của Số mệnh chi phối, Zeus dẫn con người đến những tai ương, thảm họa dường như không sao cưỡng lại được. Hãy bắt đầu từ việc xây thành của Dardanos. Dardanos lên ngôi trị vì trên vùng đồng bằng Troade. Nhà vua cho xây thành trên sườn núi Ida, một ngọn núi cao bao quát khắp vùng đồng bằng. Thuở ấy đô thành của Dardanos mang tên là Dardania. Qua hai hoặc ba đời sau một người cháu của Dardanos lên nối ngôi tên gọi là Tros, và tiếp đó con trai của Tros lên ngôi, tên gọi là Ilos. Ilos lên làm vua, việc đầu tiên là muốn mở mang bờ cõi cho xứng đáng với cơ nghiệp của cha ông truyền lại. Nhà vua quyết định sẽ phải tìm đất để xây một đô thành ở gần bờ biển. Năm đó, một vị vua láng giềng trên đất Phrygie mở hội, mời Ilos tham dự. Vốn là người tài ba lỗi lạc, Ilos đoạt hầu hết các giải trong các cuộc thi đấu. Cảm phục tài năng của Ilos, vị vua láng giềng đã cầu xin thần thánh ban cho một lời sấm ngôn chỉ dẫn cho việc chọn đất xây thành của Ilos. Lời sấm truyền cho biết: Hãy xây trên mảnh đất nào mà con bò đốm trắng đốm đen nằm nghỉ – con bò mà Ilos được giải thưởng trong những cuộc thi đấu. Danh tiếng của đô thành xây trên mảnh đất đó sẽ vang dội đến tận trời xanh.

Tuân theo lời sấm truyền, Ilos trở về, sáng dậy ra đồng để ý theo dõi con bò có đốm trắng đốm đen. Chàng đi theo nó cho tới lúc nó nằm nghỉ, và chỗ đó chính là Ngọn đồi Lầm lẫn. Ilos bèn truyền lệnh cắm đất xây thành. Xây xong, Ilos đặt tên cho nó là Ilion để đời sau ghi nhớ tới người đã có công xây dựng nên nó – vua Ilos. Sau này người ta gọi đô thành Ilion bằng một cái tên nữa: thành Troie.

Thời gian trôi đi bình thản, không có một biến cố gì xảy ra đáng phải lo ngại. Tuy nhiên, Ilos vẫn băn khoăn một điều, không rõ mình xây thành như thế đã đúng với lời sấm truyền chưa. Ilos bèn cầu khẩn thần Zeus, xin thần ban cho một dấu hiệu gì ứng nghiệm. Thần Zeus ưng chuẩn, và một buổi sáng kia, Ilos khi tỉnh dậy thấy ngay trước sân một bức tượng, một bức tượng bằng gỗ thật đẹp, tuy không cao to lắm. Bức tượng này tên gọi là Palladion, hai chân dính vào nhau, tay phải cầm một ngọn lao, tay trái cầm một búp sợi và một ống suốt. Người ta bảo nó là tượng nữ thần Athéna. Lại có một lời sấm truyền cho người Troie biết rõ hơn về kỳ tích này: Đây là báu vật thần Zeus ban cho người Troie. Thành Troie sẽ bền vững đời đời, bất khả xâm phạm chừng nào mà bức tượng đó ở trong tay người Troie, không rơi vào tay người khác. Tức khắc người Troie cho xây một ngôi đền lộng lẫy ở trong thành để thờ bức tượng Palladion.

Do tích chuyện này nên ngày nay trong văn học thế giới Palladion chuyển thành danh từ chung với nghĩa: sự bảo vệ hoặc người bảo vệ.

Ilos có hai người con, một trai tên gọi Laomédon, một gái tên gọi Thémisté. Sự nghiệp xây thành của Ilos mới xong được phần chính trên ngọn đồi, còn ở dưới chân đồi thì chưa làm được chút gì. Laomédon lên nối ngôi cha tiếp tục công cuộc xây thành. Nhà vua mời thần Apollon và thần Poséidon tới xây giúp. Nhưng khi các vị thần này hoàn thành công việc thì Laomédon lại quỵt công bội ước, không trao tất cả số súc vật do đàn súc vật của mình sinh đẻ ra trong năm ấy như đã hứa. Chẳng những thế, Laomédon lại còn đe dọa sẽ xẻo tai cắt mũi hai vị thần, nếu các vị cứ lằng nhằng đòi công xá mãi. Phải nói công trình xây dựng những bức tường thành dưới chân đồi rất lớn. Nó chẳng những bao quanh che chở cho khu thành trên ngọn đồi cao mà còn kéo dài xuống tận vùng bờ biển, nơi hai vị thần đã xây dựng cho Laomédon một bến cảng thuận lợi. Chuyện xưa kể, cùng xây thành với hai vị thần còn có người anh hùng Éaque là cha của người anh hùng Pélée và là ông của người anh hùng Achille sau này. Sau khi Apollon, Poséidon và Éaque xây xong những bức tường thành thì xảy ra một kỳ tích: có ba con rắn cực to bỗng đâu từ dưới biển hiện lên bò vào thành. Hai con bò vào quãng tường thành do Apollon và Poséidon xây. Chúng chỉ vừa mới trườn lên tường thì rơi ngay xuống dưới đất chết tươi. Còn một con thì bò vào chỗ tường thành do Éaque xây. Con này băng được qua tường vào trong thành. Kỳ tích này như tiên báo cho người Troie biết trước rằng chính con cháu của người anh hùng Éaque sẽ đánh chiếm được thành Troie và quãng tường thành do người trần thế xây là nơi hiểm yếu. Laomédon còn bội ước với cả người anh hùng Héraclès là người đã có công cứu Hésione, con gái mình, thoát khỏi sự trừng phạt của thần Poséidon. Sau này Héraclès chiêu tập các anh hùng Hy Lạp sang vây đánh thành Troie trị tội tên vua lá mặt lá trái đó. Chàng thể theo nguyện vọng của Hésione tha chết cho Priam, con của Laomédon, Priam nối nghiệp Laomédon trị vì ở thành Troie, lấy Hécube con gái vua Dymas, một vị vua trị vì ở xứ Phrygie, làm vợ (Có chuyện kể con gái vua Cissée ở xứ Thrace). Priam sinh được năm mươi người con trai và năm mươi người con gái. Trong số những người con trai của Priam, Hector là người anh hùng kiệt xuất nhất. Còn chàng Paris em ruột của Hector, nổi danh là một con người tài hoa, xinh đẹp. Thành Troie trải qua bao đời vua, từ lúc khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành, đến đời Priam luôn luôn nổi tiếng khắp bốn phương là một đô thành hùng vĩ và giàu có vào bậc nhất trong vùng biển Égée.

Quyển 2 – Chương 61: Nguồn gốc của cuộc Chiến tranh thành Troie

Thuở ấy có một hôm nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, lên đỉnh Olympe van xin với thần Zeus hãy làm cách gì cho cái gánh nặng loài người trên vai nữ thần giảm bớt đi, vì lẽ nó quá nhiều, quá nặng khiến nữ thần không thể chịu đựng nổi. Thần Zeus suy nghĩ hồi lâu không biết làm cách gì để vừa lòng nữ thần Mẹ Đất-Gaia. Loài người từ thuở khai sinh ra đến nay tuy chưa được bao lâu nhưng đã sinh sôi nảy nở khá là nhanh. Mặt đất rộng mênh mông là thế mà nay thấy đâu đâu cũng có người, đi đâu cũng gặp người, rặt những người là người. Chỉ có cách gây ra một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp với người Troie thì mới có thể giảm bớt được cái gánh nặng loài người mà nữ thần Gaia phải kêu ca, khiếu nại. Nghĩ thế, thần Zeus bèn nói cho nữ thần Mẹ Đất-Gaia biết để yên lòng. Tiếp đó, Zeus cho nữ thần Éris-Bất hòa người em gái sinh đôi với thần Chiến tranh-Arès, đến và giao cho nhiệm vụ phải gây ra một cuộc xung đột giữa người Hy Lạp và người Troie.

Cũng vào quãng thời gian đó, trên thiên đình xảy ra một cuộc tranh chấp giữa thần Zeus và thần Poséidon. Số là hai vị thần đều muốn lấy nữ thần Biển-Thétis, con gái của vị thần Biển già, đầu bạc Nérée, làm vợ. Cuộc tranh chấp tuy chưa ngã ngũ song các vị thần Olympe đều biết trước Zeus sẽ giành phần thắng. Xảy ra chuyện Prométhée lấy cắp lửa trên thiên đình đem xuống cho những người trần thế đoản mệnh, Zeus trừng phạt Prométhée, và lời tiên đoán của Prométhée: Zeus sẽ bị truất ngôi vì một đứa con do một cuộc hôn nhân sinh ra. Nhưng cuộc hôn nhân ấy là cuộc hôn nhân nào? Zeus lấy ai? thì Prométhée quyết không nói. Cuối cùng Zeus phải nhượng bộ Prométhée, cởi bỏ xiềng xích cho Prométhée để biết được điều bí mật: Thétis. Phải! Đúng! Nếu Zeus lấy nữ thần Biển-Thétis thì sẽ sinh ra một đứa con, đứa con này sẽ có sức mạnh và quyền uy hơn bố nó, và nó sớm muộn sẽ truất ngôi của bố nó. Để trừ khử hậu họa, theo lời khuyên của Prométhée, các vị thần Olympe nên gả nữ thần Biển-Thétis cho người anh hùng Pélée, và cuộc hôn nhân này sẽ sinh ra một người anh hùng danh tiếng vang dội trời xanh, một người anh hùng vĩ đại mà chiến công có thể sánh ngang với thần thánh.

Có chuyện lại kể, không phải thần Prométhée tiên đoán mà chính là nữ thần Công lý-Thémis phải can thiệp vào cuộc tranh chấp. Nữ thần Thémis đã tiên đoán cho hai vị thần Zeus và Poséidon biết, đứa con trai của cuộc hôn nhân này, cuộc hôn nhân nếu xảy ra với bất cứ ai, Zeus hay Poséidon đi nữa, thì sau này đứa con đó lớn lên sẽ mạnh hơn bố, sẽ lật đổ uy quyền của bố nó.

Nhưng việc gả một nữ thần cho một người trần thế đoản mệnh đâu có phải dễ dàng. Các vị thần phải họp bàn cái đã, và Hội nghị Thần thánh quyết định: Pélée muốn cưới được Thétis thì phải chiến thắng được nàng trong một cuộc giao đấu tay đôi.

Tới đây hẳn chúng ta ai cũng muốn biết về Pélée. Chàng là người ở đâu? Lai lịch, dòng dõi như thế nào mà lại được kết hơn với một vị nữ thần? Kể ra nếu truy xét tận ngọn nguồn thì Pélée mang trong mình dòng máu của thần vương Zeus tối uy tối linh. Thần Zeus kết duyên với tiên nữ Nymphe Égine con gái của thần Sông-Asopos sinh ra một người con trai tên là Éaque (đúng hơn phải nói là bắt cóc nàng đưa đến đảo Oenone). Éaque trị vì ở hòn đảo Égine212. Ông sinh được ba con trai: Pélée, Télamon và Phocos. Trong một cuộc thi đấu, hai anh em Pélée và Télamon ghen tức với Phocos, người em cùng bố khác mẹ với mình, đã lập mưu ám hại: ném chiếc đĩa vào đầu Phocos. Éaque nổi giận đuổi thẳng hai đứa con vô đạo. Pélée sang trú ngụ ở xứ Phtiotide được nhà vua xứ này tên là Eurytion làm lễ rửa tội. Hơn nữa, nhà vua lại gả con gái là nàng Antigone cho làm vợ. Trong cuộc săn con lợn rừng Calydon, Pélée vô tình đã gây ra cái chết thảm thương cho ông bố vợ. Chàng lại phải ra đi sang xứ Iolcos xin nương nhờ dưới trướng nhà vua Acaste con của Pélias. Nữ hoàng Astydamie vợ vua Acaste đem lòng yêu mến chàng, đã nhiều lần tỏ tình nhưng bị chàng khước từ. Tức giận, Astydamie trả thù. Bà ta viết một bức thư gửi cho Antigone bịa chuyện Pélée đã phụ bạc nàng kết duyên với một người khác. Bị xúc phạm, Antigone treo cổ tự tử. Chưa hết, Astydamie còn tâu với chồng rằng Pélée có tình ý với mình, mưu toan ve vãn, quyến rũ mình. Vua Acaste nổi giận đẩy Pélée lên ngọn núi Pélion. Trước khi Pélée bị áp giải đi, nhà vua trong một cuộc đi săn, lợi dụng lúc Pélée ngủ, lấy trộm thanh kiếm thần của Pélée giấu đi với hy vọng rằng mất vũ khí này thì Pélée khi bị đày lên ngọn núi Pélion sẽ bị bầy Centaure xé xác. Nhưng thần Centaure thông thái và hiền minh Chiron biết được chỗ giấu thanh kiếm đã giúp Pélée tìm lại. Vì thế khi bầy Centaure man rợ và hung dữ lao vào chàng đã bị chàng đánh cho thất điên bát đảo, bỏ chạy tán loạn. Sau đó chàng trở về Iolcos trừng phạt Acaste và Astydamie, rồi lên làm vua.

Lại nói tiếp về chuyện quyết định của Hội nghị Thần thánh. Thần Hermès, Người Truyền lệnh không hề chậm trễ của thế giới Olympe lãnh trách nhiệm xuống ngay đô thành Iolcos trên đất Thessalie thông báo cho Pélée biết. Pélée bèn lên đường ngay. Chàng tới vùng bờ biển nơi nữ thần Thétis thường từ dưới biển sâu đội nước ngoi lên ngồi nghỉ, ngắm cảnh trời nước mênh mông. Phải mất công rình nấp nhiều ngày Pélée mới bắt gặp được nàng. Hôm đó Thétis vừa từ dưới biển sâu đội nước hiện lên bơi vào chiếc hang quen thuộc của mình thì Pélée xông tới. Chàng xông tới, dùng đôi tay khỏe mạnh của mình ôm chặt lấy nữ thần. Thétis vùng vẫy nhưng không sao thoát được. Nàng bèn dùng đến pháp thuật. Vốn là con của vị thần Biển già đầu bạc Nérée cho nên Thétis được cha truyền dạy cho phép biến hóa thành muôn hình muôn dạng: hết cá lại thành rắn, thành chim, thành sư tử hổ, báo… Nhưng Pélée không hề sợ hãi cứ ghì xiết nàng trong vòng tay. Cuối cùng nàng chịu thua, phải hiện lại nguyên hình là một vị nữ thần Biển đẹp đẽ tuyệt vời, và như vậy chỉ còn… việc làm lễ cưới và vui vẻ cả!

Đám cưới của đôi Pélée-Thétis được tổ chức rất trọng thể trong chiếc hang của thần Centaure Chiron ở xứ Thessalie. Có người lại bảo, được tổ chức ở trên thiên đình. Thôi thì… ở đâu cũng được miễn là các vị thần đã thừa nhận chiến công của Pélée và bằng lòng gả Thétis cho chàng. Thật khó mà nói hết được bữa tiệc cưới này linh đình, trọng thể đến như thế nào. Các nam thần, nữ thần đều đến dự và có quà mừng cho cô dâu chú rể. Thần Apollon cùng với các nàng Muses không lúc nào để bàn tiệc ngơi trong đàn, ca. Nữ thần Athéna với sắc đẹp thông tuệ, nữ thần Artémis với vẻ đẹp tươi trẻ kiêu kỳ, nữ thần Héra với vẻ đẹp đường bệ, cao sang… Tất cả đều hớn hở, tưng bừng tham dự vào những bài ca, điệu múa. Nhưng phải nói dù các nữ thần có trang điểm khéo léo đến đâu cũng thua sắc đẹp của nữ thần Aphrodite. Thần Hermès thì đương nhiên không thể vắng mặt trong cuộc vui này. Cả đến thần Chiến tranh-Arès cũng quên đi niềm vui thú của giao tranh để tới đây mừng cô dâu, chú rể. Quà mừng thì vô kể. Chúng ta chẳng làm sao kể hết được. Trong số đó, dù sao ta cũng phải nhắc đến hai quà mừng rất đặc biệt. Thần Đại dương-Poséidon tặng một con thần mã. Thần Centaure Chiron tặng một ngọn lao mà cán nó làm bằng gỗ của một giống cây rừng rắn chắc như đồng, như sắt, một giống cây mà người trần thế chưa hề biết đến.

[212] Đảo Égine ở gần vùng bờ biển Corinthe, Mycène.

Quyển 2 – Chương 62: Quả táo của mối bất hòa

Có một điều đáng tiếc là cả hai họ nhà trai và nhà gái đã quên không mời nữ thần Éris-Bất hòa tới dự. Nhưng vị nữ thần Bất hòa cũng cứ đến nơi vui vẻ này, đến với nỗi tự ái, giận hờn… để tìm cách phá cuộc vui,… để gây ra sự bất hòa. Éris đến mang theo trong người một quả táo vàng hái ở khu vườn của ba chị em Hespérides. Trên quả táo Éris khắc một dòng chữ: Tặng người đẹp nhất (A la plus belle), và trong khi mọi người đang mải vui, Éris lăn quả táo vào bàn tiệc rồi ra về, ra về ngay. Thế là cả bàn tiệc sôi động hẳn lên. Vị thần nào cũng muốn nhận quả táo đó. Các nữ thần tranh nhau đã đành. Nhưng cả các nam thần cũng tranh nhau mới thật là… quá đáng! Tranh cãi, giằng co mãi, nhiều vị thấy phiền hà quá, hơn nữa cũng thấy mình không xứng đáng nên đành bỏ cuộc. Duy chỉ còn lại ba vị nữ thần là không ai chịu nhường ai: Một là, nữ thần Héra, vợ của thần vương Zeus, vị nữ thần Hôn nhân và Hạnh phúc Gia đình; hai là, Athéna, nữ thần Trí tuệ và Chiến tranh; ba là, Aphrodite nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Họ bảo nhau phải mời thần Zeus phân xử mới xong. Nhưng thần Zeus xua tay, lắc đầu quầy quậy một mực chối từ, vì cuộc tranh giành này có Héra vợ của Zeus. Xử cho Héra được thì chắc chắn là đeo tiếng thiên vị không công bằng. Còn xử cho một trong hai vị nữ thần kia được quả táo vàng thì Zeus tránh sao khỏi những cơn đay nghiến, chì chiết, đá thúng đụng nia của Héra. Zeus bèn gọi Hermès đến giao cho Hermès nhiệm vụ dẫn ba vị nữ thần sang phương Đông, đến một khu rừng sâu thuộc ngọn núi Ida, tìm chàng Paris, một chàng trai xinh đẹp nhất châu Á để nhờ chàng phân xử hộ. Bữa tiệc cưới kết thúc bằng cái cảnh không vui như thế.

Bây giờ nói đến chuyện chàng Paris. Vua Priam ngay từ ngày đầu lên ngôi trị vì thiên hạ, mặc dù thành Troie vô cùng thịnh vượng, nhưng nhà vua vẫn không phải là người có được cuộc sống thư thái, yên tĩnh trong lòng. Chuyện xảy ra vào lúc trước khi Hoàng hậu Hécube sinh đứa con thứ hai. Một đêm, khi Hécube sắp đến ngày sinh thì rằm mơ thấy một chuyện vô cùng kinh dị. Bà sinh ra một ngọn đuốc cháy ngùn ngụt, và ngọn đuốc này thiêu hủy thành Troie. Một cơn ác mộng như thế tất nhiên cần phải tìm ngay các nhà tiên đoán tới để tường giải. Một nhà tiên tri cho Priam biết, rồi đây trong một ngày tới sẽ có một đứa trẻ ra đời, Đứa trẻ này sẽ gây những tai họa ghê gớm cho thành Troie. Nhưng bữa kia ở thành Troie có, không phải một, mà là hai đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Một là Paris, con trai Hécube; và hai là Munippos, con trai của Cilla, em gái Priam. Lúc này không do dự chút nào, Priam ra lệnh giết ngay đứa cháu. Còn với đứa con mình, không lẽ lại đang tâm giết nó, nhà vua ra lệnh đem bỏ vào rừng. Như vậy đói lạnh và muông thú sẽ kết liễu cuộc đời đứa bé, tránh cho nhà vua mang tiếng can tội giết con. Và, thành Troie, như vậy sẽ thoát khỏi tai họa. Nhưng các vị thần không muốn thế. Một con gấu cái đã tới ấp ủ cho đứa bé và cho nó bú. Cứ thế trong năm ngày liền, đến ngày thứ sáu, một người chăn chiên tên là Agélaos đón được đem về nuôi. Có chuyện kể con gấu đã nuôi Paris suốt một năm ròng, và chính cái tên Paris là do Agélaos đặt cho chú bé gấu nuôi đó.

Paris lớn lên giữa những người chăn chiên. Chàng chẳng mấy chốc đã trở thành một chàng thanh niên tuấn tú, cường tráng. Ngày ngày chăn dê, chăn cừu, chăn bò, chàng chẳng để mất một con. Những người chăn cừu yêu quý chàng, đặt cho chàng một cái tên nữa: Alexandros, mà theo tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “Người che chở”, “Người bảo vệ” hoặc “Người xuất sắc” bởi vì chàng có sức khỏe hơn người và chàng đã từng bảo vệ đàn gia súc chống lại thú dữ và kẻ cướp thắng lợi.

Bữa kia bỗng có một đoàn gia nhân của Priam vào núi, chọn trong đàn bò của Paris lấy đi năm mươi con bò to đẹp nhất, những con bò mà Paris rất yêu quý. Nguyên là vua Priam tưởng nhớ tới đứa con thân yêu của mình xưa kia bị đem bỏ vào rừng đã thiệt phận nên giờ đây nhà vua cho làm lễ tưởng niệm và hiến tế thần linh. Sau khi hành lễ là các cuộc thi đấu quyền thuật, võ nghệ. Cần phải có phần thưởng cho những người đoạt giải và do đó phải vào núi bắt bò của Paris. Paris không thể cưỡng lại nhà vua mà không nộp số gia súc. Nhưng chàng đi theo luôn những gia nhân của nhà vua để về kinh thành dự lễ và định bụng sẽ tham dự vào các cuộc thi đấu để đoạt bằng được các phần thưởng, lấy lại những con bò đem về. Quả nhiên chàng giật được hầu hết các phần thưởng trong cuộc tỉ thí, đánh bại hết các địch thủ và anh em ruột của mình, kể cả Hector người anh cả danh tiếng. Một người con trai của Priam tên là Déiphobe tự ái vì phải thua một tên chăn bò, liền rút gươm xông vào Paris định kết liễu đời gã tiểu tốt vô danh. Nhưng Paris kịp thời chạy đến phủ phục dưới chân bàn thờ của Zeus, xin Người bảo hộ, che chở. Ở thế giới Hy Lạp xưa kia khi con người ta bị đe dọa đến tính mạng, trong phút nguy cấp ấy nếu chạy tới quỳ trước bàn thờ một vị thần hoặc quỳ trước tượng một vị thần thì có nghĩa là cầu xin sự che chở bảo hộ. Kẻ nào mưu toan sát hại người trong trường hợp ấy phải tôn trọng thần linh mà từ bỏ ý đồ hung bạo. Em gái Paris, nàng Cassandre, một người có tài tiên đoán, nhận ra ngay được chàng trai chăn bò tầm thường đó là Paris, kêu ầm lên. Vua Priam và Hoàng hậu Hécube chạy vội đến hỏi han cho rõ sự thể. Nghe Paris thuật lại cuộc đời mình xong, Vua và Hoàng hậu liền đón chàng về cung, và chàng Paris dường như không còn gây cho nhà vua cũng như thành Troie một mối lo nào nữa. Nhưng nàng Cassandre, một nữ tiên tri nổi danh vì tài dự đoán đúng nhiều sự việc, lên tiếng ngay. Nàng nhắc lại cho vua cha biết cơn ác mộng xưa kia và nhấn mạnh một lần nữa: Paris sẽ là người gây nên sự diệt vong của thành Troie, nhưng những lời tiên đoán, dự báo của Cassandre chẳng được ai chú ý. Nàng tha thiết nhắc lại cũng chẳng ai nghe, bởi vì thần Apollon đã làm cho nó trở nên vô hiệu để trả thù Cassandre.

Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về câu chuyện lôi thôi giữa Cassandre và Apollon. Thần Apollon, một hôm gặp người thiếu nữ Cassandre bèn đem lòng yêu dấu. Thần tìm cách lân la đến bắt chuyện với Cassandre để tỏ tình. Để chinh phục được người con gái xinh đẹp của Priam, thần hứa: “Nếu nàng tin yêu ta, chẳng khước từ mối tình của ta, ta sẽ trao cho nàng một kỷ niệm vô giá. Ta sẽ ban cho nàng tài tiên đoán trăm việc đúng cả trăm. Nàng sẽ là người nhìn thấu tương lai và phán truyền cho mọi người biết cách đối nhân xử thế”. Cassandre ưng thuận, và thần Apollon giữ đúng lời hứa đã ban cho nàng tài tiên đoán với những pháp thuật cao cường. Nhưng đến khi thần Apollon đòi Cassandre thực hiện đúng cái giao kèo đã thỏa thuận thì Cassandre kiên quyết khước từ. Tức giận đến điên người vì sự lừa dối của Cassandre, thần Apollon nguyền rủa: “Này hỡi quân lừa dối thánh thần, quân phạm thượng, mi hãy nghe đây. Từ nay trở đi những lời tiên đoán, dự báo của ngươi có đúng cũng chẳng có ai nghe, có hay cũng chẳng ai tin, chẳng ai quan tâm đến những lời ngươi nói để tìm cách phòng ngừa, đối phó. Những lời tiên đoán của Cassandre sẽ hoàn toàn vô hiệu. Mọi người sẽ coi những lời tiên đoán của ngươi như một chuyện viển vông, vô tích sự, chẳng đáng bận tâm”.

Ngày nay, trong văn học thế giới thành ngữ điển tích Lời tiên đoán của Cassandre (La prophétie, la prédiction de Cassandre) chỉ những dự kiến, những tính toán, lo xa, tiên liệu sáng suốt thông minh, đứng đắn nhưng không được thừa nhận và áp dụng trong thực tế. Cassandre trở thành một danh từ chung chỉ một người nào có những ý kiến sáng suốt dự tính, dự báo được những hậu quả tai hại trong tương lai nhưng bản thân không có cách gì để thực thi ý định của mình hoặc không thuyết phục được những người chung quanh tin vào ý kiến của mình để áp dụng những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa tai họa.

Trở về chuyện Paris. Thế là từ đó Paris từ bỏ cuộc đời sơn dã về sống với vua cha và anh em trong thành Troie vàng bạc đầy kho. Nhưng vốn đã quen với cảnh gió ngàn đồng nội nên Paris thường hay trở lại thăm chốn cũ nơi xưa. Một hôm chàng đang đứng trên sườn núi Ida ngắm cảnh non xanh nước biếc thì bỗng đâu thần Hermès hiện ra. Paris sợ hãi toan bỏ chạy thì thần Hermès kịp thời giữ lại. Cùng lúc đó từ xa đi đến ba người đàn bà. Đó là ba vị nữ thần theo Hermès đi tìm người phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng Tặng người đẹp nhất. Hermès với tư cách của Người Truyền lệnh đã tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Thần nhấn mạnh:

– Hỡi Paris chàng trai xinh đẹp nhất châu Á! Đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kinh, tối uy tối linh đã dành cho chàng cái vinh dự có một không hai này. Vậy chàng hãy phán quyết xem trong ba vị nữ thần đây ai là người xứng đáng nhất được nhận quả táo vàng.

Nói xong Hermès trao quả táo vàng cho Paris. Thật là khó nói và bối rối cho chàng Paris biết bao nhiêu! Vì trước hết ba vị nữ thần đều đẹp, đều tuyệt đẹp cả. Sau nữa là vì ai lại có thể thiếu tế nhị đến mức đi khen sắc đẹp của người phụ nữ này ngay trước mặt người phụ nữ khác. Một việc làm vô ý, vô tứ như thế, thô vụng như thế là không thể chấp nhận được. Paris đưa quả táo vàng lại cho Hermès và toan đánh bài chuồn! Nhưng Hermès bằng tài nghệ của vị thần chuyên nghề truyền đạt thông tin đã ra sức thuyết phục Paris. Cuối cùng Paris vui vẻ nhận lời đứng ra làm người giám định cuộc thi sắc đẹp, tuyển chọn hoa khôi cho thế giới thần thánh. Lần lượt mỗi vị thần đến bày tỏ nguyện vọng trước Paris. Héra, vị nữ thần, vợ của Zeus, bậc phụ mẫu của thế giới thiên đình và loài người trần tục, đến trước mặt Paris nói:

– Hỡi chàng Paris! Hẳn chàng cũng biết ta là nữ thần Héra, vợ của đấng phụ vương Zeus cai quản cả thế giới thần thánh và thế giới loài người. Nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng, ta sẽ cho chàng làm vua toàn cõi châu Á.

Làm vua toàn cõi châu Á! Chà, thật là một điều mà Paris đến trong mơ cũng không bao giờ tưởng tượng ra được một hạnh phúc quá lớn lao như vậy. Chàng đáp lễ lại nữ thần Héra và nghe tiếp nguyện vọng của nữ thần Athéna.

– Hỡi chàng Paris, con của vua Priam kẻ luyện thuần chiến mã! Ta sẽ không quên ơn chàng, nếu chàng xử cho ta đoạt được quả táo vàng này. Ta sẽ ban cho chàng trí tuệ thông minh để trong giao tranh chàng chỉ biết có thắng chứ không hề biết đến bại. Vinh quang của một dũng tướng bách chiến bách thắng là phần thưởng ta sẽ đền đáp chàng. Xin chàng hãy suy nghĩ.

Đến lượt nữ thần Aphrodite. Nàng nói:

– Hỡi Paris, chàng trai cường tráng và xinh đẹp của phương Đông! Ta nghe nói chàng là người đẹp trai nhất châu Á mà đến hôm nay ta mới được tận mắt chứng kiến khuôn mặt và hình dáng của chàng. Thật là một con người đẹp tựa thần linh. Ta chẳng có quyền lực gì và sức mạnh lớn lao gì để có thể so sánh với hai bà chị của ta, để có thể ban cho chàng một đặc ân to lớn hơn, vượt trội hơn những đặc ân mà Héra và Athéna vừa hứa với chàng. Tuy nhiên nếu chàng xử cho ta được quả táo vàng Tặng người đẹp nhất thì ta cũng sẽ không quên ơn chàng. Ta sẽ giúp cho chàng lấy được nàng Hélène là người phụ nữ đẹp nhất châu Âu. Chàng sẽ có một người vợ xinh đẹp tuyệt trần.

Paris quyết định ai? Vị nữ thần nào được nhận quả táo vàng? Chàng chẳng phải mất thời giờ suy nghĩ lâu la. Chàng tiến đến trước mặt nữ thần Aphrodite nghiêng mình kính cẩn trao quả táo vàng Tặng người đẹp nhất cho nữ thần. Cuộc phân xử thế là xong.

Xét cho cùng sự phân xử của Paris là công bằng và thỏa đáng. Bởi một lẽ đơn giản: có lẽ nào vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp lại không phải là vị nữ thần đẹp nhất. Thần Zeus trao cho loài người trần tục đoản mệnh chúng ta cái vinh dự được phân xử vụ tranh chấp cái đẹp giữa các vị nữ thần thì loài người chúng ta cũng được dịp chứng tỏ rằng mình không nên phụ lòng tin của Zeus, và chẳng phải bất cứ người nào cũng xét xử được việc này đâu. Không phải là một người đẹp thì làm sao có thể đủ tư cách để giám định về cái đẹp cho ba vị nữ thần! “Đem đàn mà gảy tai trâu” thì cực hết chỗ nói! Khen cho con mắt tinh đời của Zeus và cũng phải khen cả cho con mắt tinh đời của Paris.

Việc phân xử thế là xong, nhưng lại nảy sinh ra một chuyện khác chẳng xong. Do không được quả táo vàng, hai vị nữ thần Héra và Athéna đem lòng thù ghét chàng Paris, hơn nữa thù ghét cả dòng giống Troie. Chưa hết, hai vị nữ thần còn thù ghét cả nữ thần Aphrodite. Họ rắp tâm định bụng sẽ tìm cách trừng trị người Troie. Thế là quả táo vàng Tặng người đẹp nhất trở thành Quả táo của mối bất hòa. Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ Quả táo của mối bất hòa (La pomme de discorde) ám chỉ nguyên nhân của một sự bất đồng ý kiến, của những cuộc tranh cãi, xung đột, mâu thuẫn.

Quyển 2 – Chương 63: Nàng Hélène bị Paris quyến rũ

Nói về nàng Hélène, vào lúc mà Aphrodite hứa sẽ giúp cho Paris lấy được nàng Hélène làm vợ thì khi ấy Hélène đã là gái có chồng. Chồng nàng là Ménélas, vị vua của đô thành Sparte. Hélène về lai lịch vốn là con của thần Zeus và tiên nữ Léda. Cuộc tình duyên này như đã có dịp kể, là của thần thánh nên cũng có chuyện khác thường. Zeus để tránh sự theo dõi của Héra đã biến mình thành một con thiên nga hay con ngỗng gì đó, xuống ái ân với Léda. Léda sinh ra một quả trứng, và từ quả trứng này nở ra người anh hùng Pollux và nàng Hélène. Tất nhiên không ai coi Zeus là người chồng chính thức của Léda, và Zeus cũng không hề để tâm đến chuyện đó.

Người chồng chính thức của Léda, người chồng trần thế của nàng, là người anh hùng Tyndare. Đôi vợ chồng này sinh được một con trai tên gọi là Castor và một gái tên gọi là Clytemnestre. Như vậy kể cả con của Zeus thì nhà này có hai trai, hai gái. Ngay từ hồi còn là một thiếu nữ chưa chồng. Hélène đã nổi tiếng vì sắc đẹp tuyệt vời của mình. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, nhiều chàng trai nghe tên có người đẹp nức tiếng mà lại chưa gắn bó với ai, liền kéo nhau tới đô thành Sparte để xem mặt. Trăm người như một, nghìn người như một, đều phải thừa nhận rằng trên thế gian này người đẹp nơi nào cũng có, tuy không nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào có người thiếu nữ nào đẹp bằng Hélène. Hélène đẹp đến nỗi mà có những chàng trai sau khi chứng kiến dung nhan của nàng về nhà sinh buồn bực vì nỗi không hiểu sao mình lại xấu đến thế. Sắc đẹp của Hélène đã gây ra cho nàng một tai họa. Người anh hùng Thésée ở Athènes đã bày mưu cùng với người bạn là Pirithoos ở đất Thessalie lặn lội xuống tận Sparte để bắt cóc nàng. May mắn làm sao, hai anh em Castor và Pollux đi tìm Hélène về được. Từ sau vụ tai biến đó, Tyndare giữ riết nàng ở cung điện. Nhưng đó chỉ là cách đối phó nhất thời. Điều chính yếu là phải mau mau chọn mặt gửi vàng, kén cho Hélène một người chồng. Tyndare bèn đánh tiếng. Thế là các anh hùng, dũng sĩ trên đất Hy Lạp kéo nhau về tụ hội ở Sparte. Không phải một, hai, ba, hay một chục, hai chục người mà là chín chục người, chín chục chàng trai muốn rắp ranh bắn sẻ. Chọn ai bây giờ?

Chọn ai trong những người này? Thật khó! Ai cũng tài ba lỗi lạc, ai cũng xứng đáng cả. Tyndare đến đau đầu vỡ óc, rối ruột rối gan về chuyện gả chồng cho con gái. Nếu như Tyndare quyết định một ai đó hay dùng cách rút thăm thì chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng quyết liệt. Chưa biết đâu chuyện vui mừng mà lại hóa ra chuyện đau buồn đổ máu, gây ra kéo theo bao cừu hận đao binh. Trong lúc Tyndare đang rối trí như vậy thì may sao có một chàng trai đứng ra hiến cho ông một diệu kế. Đó là chàng Ulysse (còn có tên Odyssée) quê ở hòn đảo Ithaque nghèo nàn nhưng lại nổi danh là một con người khôn ngoan cơ trí. Ulysse khuyên Tyndare công bố cho các vị cầu hôn biết quyền lựa chọn hoàn toàn thuộc Hélène. Các vị cầu hôn phải đứng ra thề trước thần thánh sẽ tuân theo sự lựa chọn của Hélène. Nếu rủi ro xảy ra chuyện gì làm tan vỡ hạnh phúc mà Hélène đã lựa chọn hôm nay đây trước mặt mọi người, thì mọi người sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ bằng được hạnh phúc đó, sự lựa chọn đó, bởi vì sự lựa chọn của Hélène hôm nay đây là thiêng liêng, là bất di bất dịch. Tyndare làm theo lời Ulysse. Các vị cầu hôn chấp nhận điều kiện. Họ lần lượt đứng ra long trọng tuyên thệ trước bàn thờ thần linh. Tiếp đến Hélène đứng ra chọn người bạn trăm năm. Thật hồi hộp! Chín mươi chín con tim của chín mươi chín chàng trai đập thình thịch như trống trận đổ dồn. Ai là người được cái diễm phúc chung sống với người đẹp? Hélène chọn… Ménélas. Phải, chính Ménélas, em ruột của Agamemnon, là chàng trai xứng đáng trong số những vị cầu hôn, bởi vì chàng trai vốn là dòng dõi của Pélops, Tantale và đấng phụ vương Zeus.

Ménélas cưới Hélène và sống luôn ở Sparte. Sau khi Tyndare qua đời, chàng thay người bố vợ trị vì đô thành Sparte. Cuộc sống của vợ chồng chàng thật yên ấm hạnh phúc. Chàng có ngờ đâu tới cái chuyện sắc đẹp của vợ chàng, nàng Hélène, lại có ngày gây ra cho chàng và con dân toàn đất nước Hy Lạp biết bao tai họa. Hai người sinh được một gái đầu lòng, đặt tên là Hermione, giống mẹ như đúc, giống cả từ câu nói đến tiếng cười, dáng đi dáng đứng.

Còn nữ thần Aphrodite, sau khi nhận được quả táo vàng, nữ thần bèn nghĩ đến việc hậu tạ lại chàng Paris. Nữ thần tới thành Troie bảo chàng đóng một con thuyền xinh đẹp để vượt biển khơi mù xám, sang đô thành Sparte, nơi nàng Hélène diễm lệ đang sống với chồng. Tuân theo lời nữ thần, Paris sắm sửa cho cuộc hành trình. Nàng Cassandre tiên báo cho vua cha biết những tai họa khôn lường do chuyến đi này của Paris, nhưng lúc này chẳng lời tiên đoán nào cản nổi chàng. Đến ngày nhổ neo, Cassandre ra tận bờ biển, cố sức bằng những lời tiên đoán của mình ngăn cản cuộc hành trình của Paris. Nàng gào thét. Nàng nói lên những dự cảm đen tối về tương lai của thành Ilion thần thánh: quân địch tràn vào thành, xác chết ngập đường, nhân dân trong đô thành bị bắt làm nô lệ giải đi, đâu đâu cũng tràn ngập máu lửa… Nhưng chẳng ai thèm để lọt tai những lời tiên báo sáng suốt ấy.

Cùng vượt biển sang Hy Lạp với Paris có Énée, một người em họ của Paris. Thuyền cập bến Évros. Hai chàng trai của thành Troie cùng với tùy tòng lên bờ đi vào đô thành Sparte. Được các vị khách quý từ tận phương Đông tới thăm, Ménélas rất vui mừng. Chàng mở tiệc trọng thể chiêu đãi những vị khách mà theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa là do thần Zeus đưa đến. Được một hai hôm gì đó thì Ménélas nhận được tin sét đánh ngang tai: ông nội chàng ở đảo Crète qua đời, chàng phải về ngay để lo việc tang ma cho người ông yêu quý213. Trước khi cáo biệt những vị khách, chàng không quên dặn lại vợ ở nhà phải tiếp đãi khách cho chu đáo, ân cần. Tai hại thay lòng tin cẩn của chàng! Thế là chàng đã giao người vợ có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành vào tay chàng công tử xứ Phrygie.

Được nữ thần Aphrodite giúp đỡ, Paris đã bằng tất cả tài năng và sự hấp dẫn của mình, tán tỉnh quyến rũ được Hélène. Người xưa kể rằng nữ thần Aphrodite đã cho Paris mượn chiếc thắt lưng của mình, chiếc thắt lưng kỳ diệu mà hễ ai mang nó trong người thì có thể cảm hóa chinh phục được trái tim người mình yêu một cách không đến nỗi khó khăn, vất vả gì nhiều lắm. Nghe theo lời dụ dỗ của Paris, Hélène thu thập tất cả đồ tế nhuyễn của tư trang xuống thuyền theo Paris sang thành Troie. Nàng đã yêu Paris đắm say đến nỗi có thể vứt bỏ hết cả, quên hết cả để đi theo chàng. Ngay đến đứa con gái yêu dấu Hermione lúc đó mới mười tuổi gào khóc đòi đi theo mẹ cũng bị mẹ bỏ lại.

Nàng Hélène bị Paris quyến rũ

Con thuyền của Paris giương buồm thẳng tiến về thành Troie. Khi ra khỏi vùng biển Hy Lạp thì bỗng nhiên con thuyền dừng lại. Thì ra vị thần Biển già đầu bạc Nérée từ đáy sâu dội nước hiện lên chặn đứng con thuyền lại. Thần tiên báo cho Paris biết, chàng sẽ bị chết trong cuộc giao tranh với người Hy Lạp, và thành Troie sẽ bị sụp đổ, bị triệt hạ trong một cuộc xung đột kéo dài với người Hy Lạp. Paris và Hélène vô cùng lo lắng. Nhưng nữ thần Aphrodite đã làm cho hai người yên tâm. Nữ thần còn bảo hộ cho con thuyền vượt biển được an toàn. Ba ngày sau, Paris và Hélène đặt chân lên đô thành Troie hùng vĩ, vàng bạc đầy kho.

Hành động xấu xa, vi phạm truyền thống đạo đức quý người trọng khách của Paris đã làm cho các vị thần nổi giận. Các vị thần liền họp và ra quyết định, phái ngay nữ thần Cầu vồng-Iris bay ngay xuống đảo Crète báo tin cho Ménélas biết. Lập tức Ménélas trở về Sparte ngay. Bước chân vào nhà vắng ngắt, chàng chẳng những mất Hélène xinh đẹp, yêu quý mà còn mất tất cả châu báu, vàng bạc. Uất hận vô cùng, chàng đến gặp người anh ruột là Agamemnon trị vì ở đô thành Mycènes giàu có để bàn cách trả thù. Agamemnon khuyên em, nên kêu gọi các vị anh hùng Hy Lạp giúp sức, những vị anh hùng đã từng cam kết trong lễ cầu hôn Hélène bằng một lời thề nguyền trịnh trọng rằng họ sẽ bảo vệ hạnh phúc cho cuộc hôn nhân do Hélène quyết định. Sau đó Agamemnon và Ménélas đến bày tỏ ý định với ông già Nestor, một người nổi tiếng về sự mực thước và khôn ngoan. Ông đã từng khuyên bảo, giúp đỡ các vị vua bằng những ý kiến sâu sắc, hợp tình hợp lý vì thế danh tiếng ông vang lừng khắp bốn cõi và vị vua Hy Lạp nào cũng sẵn sàng nghe theo lời khuyên nhủ của ông. Nghe chuyện của Ménélas xong, lão ông Nestor quyết định sẽ đem theo đạo quân của mình sang đánh thành Troie cùng với Ménélas. Ông còn cho cả những đứa con trai yêu quý tham dự vào cuộc viễn chinh này. Quý hóa hơn nữa, ông còn đích thân đứng ra đi kêu gọi các anh hùng Hy Lạp để họ cùng hội binh tham chiến. Nghe theo lời kêu gọi của Ménélas và Nestor, các tướng lĩnh Hy Lạp liền sắm sửa chiến thuyền, chiêu mộ binh sĩ để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh. Agamemnon cũng phái sứ giả đi các vương triều, thành quốc để loan báo cái hành động hỗn xược, xúc phạm đến người Hy Lạp của Paris cho các vị vua biết. Nơi này truyền báo cho nơi khác cứ thế chẳng bao lâu toàn đất nước Hy Lạp đã biết rõ câu chuyện Paris lừa đảo, cướp đoạt mất Hélène và nhiều vàng bạc châu báu của Ménélas. Toàn đất nước Hy Lạp rậm rịch chuẩn bị cuộc viễn chinh.

[213] Có lẽ chi tiết này không đúng, bởi vì ông nội Ménélas là Pélops, sinh cơ lập nghiệp trên đất Pise chứ không phải ở đảo Crète. Một nguồn chuyện khác kể có lẽ hợp lý hơn: Ménélas phải về ngay Crète để tham dự một lễ hiến tế trọng thể.

Quyển 2 – Chương 64: Quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis. Đổ bộ lên đất Mysie

Lần lượt các anh hùng, dũng sĩ cầm đầu những đạo quân của mình cùng với chiến thuyền, kẻ nhiều người ít đến hội tụ, tập trung ở cảng Aulis chờ ngày xuất phát. Chúng ta không thể kể hết ra đây được các danh tướng với những đạo quân của họ. Cái cảnh binh sĩ ngàn ngạt như rừng, thuyền bè san sát tựa lá tre rụng trên mặt nước, người xưa nói, dù ai có mười lưỡi, mười mồm và một bộ phổi bằng đồng cũng không thể kể hết được. Những người Hy Lạp đề cử Agamemnon, vị vua của đô thành Mycènes vàng bạc đầy kho và vùng đồng bằng Argolide màu mỡ, làm Tổng Chỉ huy, nắm quyền quyết định tối cao đạo quân liên minh này. Quanh Agamemnon, trong Hội đồng Tướng lĩnh còn có hai chàng Ajax: một là con của Télamon còn có tên gọi là Ajax Lớn, quê ở đảo Salamine; một là con của Oïlée còn có tên gọi là Ajax Bé, quê ở Locride; ta còn phải kể đến dũng tướng Diomède, sức mạnh sánh tựa thần linh; Antiloque, con trai của lão vương Nestor…

Tuy nhiên cuộc hội quân đạt được kết quả như thế, như lúc này đây không có nghĩa là việc đi chiêu tập các vị anh hùng, mời họ tham dự cuộc viễn chinh trừng phạt người Troie không gặp khó khăn gì, nhất hô là vạn ứng ngay tức khắc. Bởi vì trong số những vị anh hùng đã từng thuở nào đắm say sắc đẹp của Hélène nhiều người đã có vợ có con. Cái thời buổi họ ra ngẩn vào ngơ vì sắc đẹp của một người thiếu nữ sinh ra từ một quả trứng thần đã lui vào dĩ vãng. Nhưng vì có lời thề nguyền năm trước nên họ phải ra đi. Có điều chính cái người hiến kế ràng buộc các vị cầu hôn bằng lời thề ước thiêng liêng ấy, chàng Ulysse lại muốn xóa bỏ lời thề. Sau khi Hélène cưới Ménélas, Ulysse trở về Ithaque lấy một người vợ là cháu họ của Hélène, tên gọi là Pénélope, vào lúc mà khắp đất nước Hy Lạp sôi lên vì những sứ giả đi truyền báo lời kêu gọi mở cuộc viễn chinh sang thành Troie thì Ulysse vừa sinh được một cậu con trai, đặt tên là Télémaque. Ulysse chẳng muốn bỏ vợ dại con thơ ở nhà để dấn thân vào một cuộc viễn chinh đòi lại vợ cho một người khác. Biết trước thế nào cũng có người đến triệu tập mình, Ulysse giả vờ điên. Khi điểm mặt các tướng lĩnh hội tụ ở cảng Aulis, vị Tổng Chỉ huy thấy thiếu mặt Ulysse. Ông bèn phái lão vương Nestor và chàng Palamède tới ngay hòn đảo Ithaque để đòi Ulysse phải lên đường đi làm nghĩa vụ. Người nhà bảo Ulysse bấy lâu nay mắc chứng điên dại, ngớ ngẩn, cả ngày cứ ra cày cày bừa bừa ở ngoài đồng. Palamède vội ra ngoài đồng để xem cho rõ hư thực. Và đúng thế, Palamède thấy Ulysse đang cày ruộng, cày ruộng một cách kỳ quái: Ulysse thắng một con bò và một con ngựa vào chung một cái ách, cột hai con lại bên nhau và cứ thế cày. Cày rất vất vả hết được một đường một luống thì dừng lại gieo hạt. Đúng là điên. Palamède đến tận nơi xem anh chàng điên này gieo hạt gì… gieo hạt muối. Kỳ quái thật. Quả thật là điên. Song Palamède vẫn bán tin bán nghi. Chàng chạy vào nhà bế ngay chú bé Télémaque, con của Ulysse ra, vừa bế đứa bé vừa xem Ulysse cày. Nhằm lúc Ulysse bắt đầu cày một luống mới, Palamède đặt ngay đứa bé trước đường cày. Ulysse cứ cày như tỏ ra không biết gì. Nhưng khi hai con vật đến gần thằng bé thì chàng Ulysse giả vờ điên phải tỉnh lại. Ulysse dừng lại nói với Palamède: “Nhà ngươi thắng ta rồi… Ngươi đã buộc ta phải giữ lời thề hứa nhưng người nên nhớ rằng sẽ có ngày nhà ngươi phải hối hận vì việc phát giác này”. Không còn tìm được có gì để thoái thác, Ulysse phải đem đoàn chiến thuyền của mình đến hội quân ở cảng Aulis.

Vẫn chưa đủ. Điểm danh thấy vẫn còn thiếu một danh tướng nữa. Đó là chàng Achille, con của người anh hùng Pélée và nữ thần Biển-Thétis. Nhà tiên tri đầu bạc, lão ông Calchas phán truyền cho Agamemnon biết rằng: Cuộc viễn chinh sang thành Troie chỉ có thể giành được thắng lợi khi có người anh hùng xuất chúng Achille tham dự. Nhưng Achille lúc này ở đâu? Không ai biết cả? Lại phải cầu xin một lời chỉ dẫn của nhà tiên tri. Lão ông Calchas cho biết, hiện Achille đang ở đảo Skyros. Không chậm trễ, Agamemnon phái ngay Ulysse lên đường đi tìm người anh hùng…

Đúng như lời nhà tiên tri đầu bạc nói, nếu không có Achille tham dự cuộc chiến tranh thì thành Troie khó bề bị hạ. Chàng hơn người ở chỗ mình đồng da sắt, tên bắn chẳng thủng, lao phóng chẳng xuyên, toàn thân chỉ có mỗi một chỗ gót chân là nơi hiểm yếu, và chỉ có ai đánh trúng nơi hiểm yếu đó, gót chân của Achille, thì mới hạ nổi chàng. Mẹ chàng, nữ thần Biển Thétis suốt đời chỉ chăm lo cho con được trở thành bất tử để sánh vai với các thần. Nhưng một vị nữ thần kết duyên với một người trần thế thì không sao sinh ra được những đứa con bất tử. Cái chất “trần tục đoản mệnh” không dễ gì tẩy sạch được. Sáu lần sinh con, Thétis đều đem tôi vào trong lửa. Nhưng sáu đứa con đó chết ngay khi mẹ chúng vừa đưa chúng vào thử thách với báu vật của Prométhée. Đến đứa thứ bảy, Achille, nữ thần không tôi vào lửa nữa, mà đem tôi vào nước sông âm phủ Styx. Lần này thì bà mẹ thành công. Nhưng tiếc thay khi tôi con vào nước sông âm phủ Styx, bà đã quên không tôi chỗ gót chân của thằng bé, là nơi tay bà cầm. Vì thế Achille còn có thể bị chết, nghĩa là không bất tử vì chỗ đó. Ngày nay trong văn học thế giới Gót chân Achille (Le talon d’Achille) chỉ nơi hiểm yếu, nhược điểm của một con người hay của một tổ chức, một lực lượng nào đó. Đánh trúng, nhằm trúng Gót chân Achille có nghĩa là đánh trúng huyệt, nhằm trúng huyệt.

Tôi bằng nước sông âm phủ Attique rồi, nữ thần Thétis vẫn chưa yên tâm. Bà lại đem Achille tôi vào lửa. Nhưng lần này thì Pélée đã để ý theo dõi công việc của vợ mình. Đêm hôm đó thừa lúc mọi người yên giấc bà bèn đem con tôi vào bếp lửa. Vừa lúc Thétis lùa đứa bé vào ngọn lửa hồng thì Pélée nấp ở đâu đó phía sau, rút gươm nhảy bổ tới và giằng lấy đứa con. Achille thoát chết nhưng xương mắt cá chân bị cháy. Pélée bèn giao con cho vị thần Centaure Chiron nhờ chữa chạy nuôi dưỡng giáo dục. Thần Centaure Chiron lấy mắt cá chân của người khổng lồ Damisos xưa kia vốn có biệt tài chạy nhanh, thay cho cái mắt cá chân bị cháy của Achille. Vì thế sau này Achille chạy nhanh không ai sánh kịp. Chiron còn cho Achille ăn óc gấu và tim gan sư tử để cho chàng có sức mạnh và lòng dũng cảm. Thần dạy chàng đủ mọi thứ từ võ nghệ cho đến âm nhạc… Đến khi Achille trưởng thành thì chàng đã là một người dũng sĩ toàn diện.

Nữ thần Thétis, sau chuyện bị Pélée giằng lấy con giận dữ về ở lỳ trong cung điện của vua cha dưới biển. Được tiên báo về số mệnh Achille, nữ thần rất lo lắng: Achille nếu tham dự cuộc Chiến tranh Troie sẽ lập được những chiến công vĩ đại, vinh quang, danh tiếng vang dội trời xanh, nhưng cuộc đời sẽ rất ngắn ngủi. Còn nếu không tham dự cuộc Chiến tranh Troie thì sẽ có một cuộc đời dài lâu nhưng buồn tẻ chẳng có ý nghĩa, vinh quang gì hết. Vì lẽ đó cho nên khi được tin những người Hy Lạp tổ chức cuộc viễn chinh sang thành Troie, nữ thần Thétis bèn đem Achille đi giấu ở đảo Skyros. Tại đây, Achille cải trang thành con gái sống chung với những người con gái của vua Lycomède. Ấy vậy mà “cô con gái” đó lại lấy vợ, lấy nàng Déidamie con gái của nhà vua và sinh được một cậu con trai tên là Néoptolème (thần thoại La Mã: Pyrrhus).

Ulysse đến đảo Skyros cùng với Diomède. Hai người giả làm thương nhân đến bán hàng. Được phép vào cung điện, hai người bày ra không biết bao nhiêu là các thứ hàng. Nào vải vóc, lụa là, nào các đồ trang sức quý giá, lược, gương, trâm, vòng vàng, nhẫn ngọc… Các cô con gái của vua Lycomède thấy có hàng đẹp liền xúm đến xem, chọn mua thứ này thứ khác. Nhưng trong đám con gái đó, có một cô không chọn những thứ hàng mà những người con gái vốn ưa thích. Cô ta thích thú trước một bộ áo giáp, cái khiên và ngọn lao, và cô ta hỏi mua thứ đó. Thế là người bán hàng Ulysse chẳng cần phải xét hỏi lôi thôi, trân trọng mời ngay “cô con gái” thích mua đồ binh khí ấy về Hy Lạp ngay để chuẩn bị lên đường.

Achille trở về xứ Thessalie đưa đạo quân Myrmidon của mình đến hội tụ ở cảng Aulis. Tới đây ta phải dừng lại một chút để kể qua lai lịch của đạo quân này. Xưa kia khi nhà vua Éaque trị vì trên đảo Égine, có một năm gặp phải một tai họa rất lớn, rất khủng khiếp. Nguyên do là nữ thần Héra ghen tức với Zeus, với cuộc tình duyên vụng trộm của Zeus với Égine, ghen tức với đứa con riêng của Zeus là Éaque. Nữ thần giáng xuống một bệnh dịch ác nghiệt. Bệnh dịch lan lây rất nhanh và giết hại không biết bao nhiêu con người. Chỉ trong một thời gian ngắn mà dân cư trên đảo chết vãn hẳn đi, chẳng còn được mấy hột người. Đau xót vì cảnh hoang dại, Éaque bèn cầu khấn người cha thiêng liêng của mình, xin Người phù hộ cho cảnh đông vui sầm uất trở lại với hòn đảo. Sau khi ở đền thờ ra về, đêm hôm đó Éaque nằm mơ thấy những đàn kiến biến thành người. Sáng sớm hôm sau, một kỳ tích đã xảy ra ứng với giấc mơ của Éaque đêm hôm trước. Con trai của Éaque là Télamon đánh thức cha dậy, chỉ cho cha xem một đạo quân đông đảo, trang phục đẹp đẽ đang tiến vào cung điện. Thần Zeus đã biến tất cả những con kiến ở trên đảo thành người: một đạo quân, đàn ông, đàn bà, trẻ con đông đúc như xưa và có thể còn hơn xưa. Vì lẽ đó, tên những người “Myrmidon” xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ “Murmekès”, có nghĩa là kiến. Pélée, con trai của Éaque, khi sang sinh cơ lập nghiệp ở xứ Thessalie đã đưa những đạo quân Myrmidon cùng đi với mình, và bây giờ đến người con của Pélée, chàng Achille danh tiếng lẫy lừng cầm đầu những chiến sĩ Myrmidon đi tham dự cuộc viễn chinh sang thành Troie.

Các đoàn quân Hy Lạp đã tập trung đầy đủ ở cảng Aulis. Người xưa kể là chưa từng bao giờ lại thấy có cảnh tượng hùng vĩ đến như thế. Quân đi dậy đất, trùng trùng điệp điệp như cây rừng. Có nguồn chuyện nói quân Hy Lạp có đến 100.000 người và 1.186 chiến thuyền. Chúng ta ngày nay nghe vậy cũng biết vậy chứ chẳng có gì làm bằng chứng để biết chính xác, hư thực thế nào.

Công việc cuối cùng là làm lễ hiến tế các thần linh rồi xuất phát. Các vị tướng Hy Lạp lần lượt đến quỳ trước bàn thờ, dâng lễ vật, cầu xin thần thánh ban cho cuộc hành trình của đoàn quân được thuận buồm xuôi gió. Đang khi làm lễ thì bỗng đâu xuất hiện một con rắn mình đỏ như máu từ dưới gầm bàn thờ trườn bò ra ngoài. Mọi người cả kinh theo dõi con vật đoán chừng đây là điềm báo của thánh thần. Con rắn đỏ bò ra rồi leo lên một ngọn cây ngô đồng cao to mọc ở gần đó. Nó leo thẳng lên ngọn cây và sà vào một tổ chim nuốt chết một con chim mẹ và tám con chim con. Sau đó con rắn biến thành một hòn đá rơi xuống đất. Mọi người xôn xao cả lên, kẻ bảo điềm gở, người bảo điềm lành. Cuối cùng chỉ có nhà tiên tri Calchas bình giải thì mọi người mới hiểu được ý nghĩa: người Hy Lạp phải chiến đấu suốt chín năm trường, đến năm thứ mười thì hạ được thành Troie. Các tướng lĩnh Hy Lạp vô cùng hoan hỉ khi được Số mệnh và thần linh tiên báo trước điềm lành. Họ lễ tạ thần linh rồi ra lệnh xuất phát. Các con thuyền rẽ sóng nhằm hướng Đông đi tới. Không rõ đoàn thuyền vượt biển mất bao ngày nhưng người xưa nói là chặng đường đầu tiên họ đi khá nhanh, vào một đêm tối trời, đoàn quân Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie nhưng lại tưởng rằng mình đã đến vùng đồng bằng Troade. Họ bắt đầu cuộc tiến công đánh chiếm cướp phá vương quốc của Télèphe. Vị vua này vốn là con trai người anh hùng Héraclès và người thiếu nữ Augé. Xưa kia cha nàng là nhà vua Aléos trị vì ở đất Tégée thuộc xứ Arcadie trên bán đảo Péloponnèse. Ông lấy nàng Néère và sinh được ba trai một gái. Trong một buổi đến cầu khấn ở đền thờ Delphes, ông được thần Apollon ban truyền cho biết: người con gái của ông, nàng Augé, sau này sẽ sinh ra một đứa con trai, và đứa con đó sẽ giết chết ba người bác ruột của nó. Quá ư sợ hãi về lời sấm truyền, Aléos đem dâng người con gái cho việc thờ phụng nữ thần Athéna. Như vậy nàng suốt đời sẽ trinh trắng, chẳng hề biết đến chồng con, tai họa hẳn không thể nào xảy ra được. Nhưng người anh hùng Héraclès trong cuộc hành trình của mình đã dừng chân nghỉ lại ở vương quốc của Aléos. Chàng say đắm trước vẻ đẹp trong trắng của người thiếu nữ trông coi việc thờ phụng ở ngôi đền nữ thần Athéna, và trong một phút không làm chủ được mình, chàng đã cưỡng bức Augé. Hành động đó làm ô uế nơi thánh đường trang nghiêm của Athéna khiến nữ thần nổi giận, giáng xuống một bệnh dịch khủng khiếp. Aléos lại phải sắm sanh lễ vật cầu khấn thần linh. Sau khi nhận được lời phán truyền của thần thánh, ông giao Augé con gái mình cho vua đảo Eubée tên là Nauplios, vốn là một thủy thủ lành nghề, để nhà vua này dìm Augé xuống sông, xuống biển cho chết đi. Nhưng Nauplios động lòng trắc ẩn chẳng nỡ làm một việc thất đức bất nhân. Vừa khi đó thì Augé lại sinh một đứa con trai và nàng đặt tên con là Télèphe. Nauplios đem hai mẹ con bỏ vào rừng. Sau bao nhiêu năm trôi nổi, Augé được vua Teuthras cưới làm vợ. Còn Télèphe, những người chăn cừu đón được đem về dâng cho vua Corythos. Có chuyện kể, chú bé Télèphe khi bị bỏ vào rừng đã được con hươu của nữ thần Artémis nuôi. Lớn lên, Télèphe tuân theo lời sấm ngôn xin được ở đền thờ Delphes, sang đất Mysie tìm mẹ. Trên đường đi chàng đã vô tình giết chết hai người bác ruột của mình trong một cuộc xô xát. Kế đến khi vua Teuthras băng hà, Télèphe lên nối ngôi trị vì ở xứ Mysie. Có chuyện kể, hai mẹ con Augé và Télèphe bị truy đuổi, cùng đường phải nhảy xuống biển và bơi được tới đất Mysie. Lai lịch vua Télèphe là như thế.

Lại nói tiếp về việc những người Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie. Xung đột nổ ra dữ dội. Thấy đất nước bị một bọn người từ đâu đến vây đánh, cướp phá, Télèphe liền dốc thúc quân sĩ ra đánh trả. Có thể nói đây là một cuộc hỗn chiến vì hai bên đánh nhau trong đêm đen. Quân Hy Lạp bị tổn thất một số danh tướng. Patrocle, một người bạn chiến đấu thân thiết của Achille bị thương. Achille xông lên trả thù cho bạn. Chàng phóng lao trúng bụng Télèphe khiến nhà vua bị thương. Lừa lúc tối trời, Télèphe ra lệnh thu quân về cố thủ trong thành. Trời sáng, quân Hy Lạp biết rằng mình đã nhầm. Họ đánh nhau với người Mysie chứ không phải với người Troie, và như vậy họ đã đánh nhầm với những người bạn chứ không phải kẻ thù. Thật đau xót. Họ cử sứ giả đến gặp Télèphe xin lỗi về hành động nhầm lẫn vừa xảy ra và trân trọng mời Télèphe tham dự cuộc tiến đánh thành Troie. Télèphe chấp nhận sự hòa giải nhưng khước từ việc tham dự cuộc chiến tranh thành Troie vì lẽ nhà vua hiện đang bị thương. Vả lại nhà vua mới cưới vợ mà vợ của nhà vua lại là em ruột của vua Priam. Không lẽ em rể lại đem quân đánh anh vợ khi chẳng có một nguyên do gì. Những người Hy Lạp sau khi làm lễ an táng cho những tử sĩ bèn tiếp tục cuộc hành quân sang thành Troie. Nhưng thuyền của họ vừa ra khơi thì gặp bão lớn. Sóng gió của Đại dương đã nhấn chìm không biết bao nhiêu con thuyền xuống đáy biển. Bão tan họ chẳng còn biết phương hướng thế nào. Họ đi quanh quẩn mãi trên biển khơi và cuối cùng lại trôi dạt về Aulis, một đô thành hải cảng ở miền trung Hy Lạp mà họ vừa mới từ đó ra đi.