Ngày xửa ngày xưa, có một con chuột nhắt sống chung với chim sẻ và dồi nướng. Chúng sống chung với nhau rất hòa thuận, ăn nên làm ra. Công việc của chim sẻ là hàng ngày vào rừng kiếm củi mang về, còn chuột nhắt thì đi xách nước, nhóm lửa chất bếp và dọn bàn ăn, việc nấu nướng thì do dồi đảm nhiệm.
Ở đời sướng quá hóa rồ! Một hôm, dọc đường bay vào rừng kiếm củi chim sẻ gặp một con chim sẻ khác, nó kể cho con kia nghe về đời sống sung sướng của mình, nói là mình số sướng. Con chim kia nói rằng thế đâu có phải là sung sướng, công việc nặng nhọc sớm tối mình làm cả, còn hai đứa kia ru rú ở nhà cả ngày chỉ có bếp núc, nấu nấu nướng nướng. Xách nước, nhóm bếp xong là chuột có thể về buồng mình nằm nghỉ, chờ khi nấu xong ra dọn bàn ăn. Còn dồi thì chỉ có mỗi việc là đứng coi nồi cháo. Trước khi mang cháo lên ăn bao giờ dồi cũng cho tay vào nồi quấy bốn lần cho rau, cháo đều lên, nếm thử xem mắm muối đủ chưa. Khi chim mang được củi từ rừng về thì hai đứa kia đã ngồi chực sẵn bên bàn, ăn no chúng đi ngủ, làm một giấc ngon lành cho tới sáng hôm sau mà chẳng hề bận tâm lo lắng gì cả. Sống như thế thì ai chẳng bảo là sướng.
Nghe con chim kia xúi, hôm sau chim sẻ ghen tị, không chịu đi lấy củi nữa, nói rằng nô lệ cho cả bọn thế là đủ rồi, chả nhẽ suốt đời điên như vậy sao. Phải thay đổi mới được. Giờ luân phiên nhau làm. Chuột nhắt và dồi nướng… ra sức khuyên can nhưng chim vẫn không chịu, cho mình là trụ cột nên hai đứa kia phải theo. Phải liều một phen mới được! – Chim nghĩ bụng vậy. Giờ thì công việc nặng nhọc dành cho dồi, dồi phải đi kiếm củi mang về, chuột nấu nướng, việc của chim là lấy nước, nhóm bếp, dọn bàn ăn.
Vậy có chuyện gì xảy ra nào?
Dồi vào rừng kiếm củi, chim nhóm bếp, chuột đặt nồi lên bếp, cả hai ngồi đợi dồi mang củi về nhà để hôm sau dùng. Đợi mãi chẳng thấy bóng dáng dồi đâu cả, chắc là có chuyện gì xảy ra đây, chim cất cánh bay đi kiếm. Mới bay được một quãng chim thấy một con chó nhỏ xông tới chỗ dồi, giơ mõm ra ngoạm ngay lấy dồi quật xuống đất. Chim sà xuống, phản đối chó, cho như thế là cướp dọc đường, chó chẳng thèm nghe, nó còn nói rằng nhận được một bức thư nặc danh kể tội dồi, vì vậy dồi phải đền mạng là đúng lắm rồi.
Buồn bực, chim mang củi về nhà và kể cho chuột nghe những điều tai nghe mắt thấy. Nghe xong cả hai buồn rười rượi, hứa với nhau sẽ gắng hết sức mình làm việc, luôn luôn ở bên nhau. Chim dọn bàn ăn, chuột đi quấy cháo cho đều. Bắt chước dồi, chuột cho hai chân trước vào quấy cháo, rau đều lên, nhưng mới thò xuống chuột đã bị bỏng, ngã lăn tõm vào nồi cháo nóng, bị bỏng lột hết cả lông, da và bỏ mạng trong nồi cháo nóng.
Khi chim vào bếp tính mang nồi cháo lên để ăn thì chẳng thấy đầu bếp đâu cả. Chim lấy que củi gõ chỗ này chỗ kia, gọi í ới mà chẳng thấy có tiếng trả lời, tìm mãi mà chẳng thấy tăm hơi đầu bếp. Trong lúc chim xục xạo tìm chuột không may lửa cháy bén sang đống củi gần đó, lửa cháy bùng lên, chim chạy vội đi lấy nước, cuống cả lên chim vấp ngã nhào thẳng xuống giếng cùng với thiếc thùng mang theo, thùng chìm, bị dây thừng quấn chân chim cũng chìm theo và bị chết đuối dưới giếng.
Danh mục: LSVH Thế giới
Nhóm chủ đề về lịch sử văn hóa thế giới
24. Bà chúa tuyết
Một người đàn bà góa chồng có hai cô con gái, trong hai cô có một cô đã xinh đẹp lại siêng năng, còn một cô vừa xấu xí lại lười biếng. Bà mẹ cưng cô xấu xí và lười biếng hơn vì cô là con của bà đẻ ra. Mọi việc trong nhà cô kia phải đảm nhận nên người cô bụi bậm như cô Lọ Lem trong gia đình. Ngày ngày, cô bé đáng thương ấy phải ra ngồi ở con đường lớn bên giếng mà kéo sợi, cô phải kéo nhiều đến nỗi máu cháy rỉ ra. Có lần máu thấm đầu ống sợi, cô cúi xuống định rửa sạch sợi nhưng tuột tay ống sợi rơi xuống giếng. Cô khóc lóc chạy về kể lể chuyện không may ấy cho dì ghẻ nghe. Dì ghẻ mắng cô thậm tệ, rồi nhẫn tâm bảo cô:
– Mày đánh rơi ống sợi xuống đó thì mày phải xuống đó mà mò nó lên!
Cô bé lại phải lộn ra giếng, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Trong lúc quá sợ hãi cô liều nhảy xuống giếng để mò ống sợi. Cô bị ngất đi, khi cô mở mắt và hồi tỉnh thì thấy mình đang nằm ở trên một cánh đồng cỏ đẹp đẽ, ngàn hoa đua sắc dưới ánh nắng chói chang. Cô đi băng qua đồng cỏ thì tới một lò nướng bánh, lò đầy ắp bánh mì, bánh mì gọi cô:
– Cô ơi, hãy kéo chúng tôi ra! Hãy kéo chúng tôi ra với kẻo chúng tôi cháy mất, chúng tôi được nướng chín xong từ lâu rồi mà.
Cô gái lại gần lò bánh, lấy xẻng dỡ hết bánh ra. Sau đó cô lại tiếp tục đi, cô tới dưới một cây táo sai chi chít quả. Cây gọi cô:
– Trời ơi, rung tôi đi, rung tôi đi cô bé, táo chúng tôi chín tất cả rồi..
Cô rung cây cho táo rụng. Táo rụng như mưa, cô rung mãi cho đến khi trên cây không còn một quả táo nào. Cô nhặt táo xếp thành đống xong lại tiếp tục đi.
Sau cùng cô đến một căn nhà nhỏ, một bà cụ già răng to kệch ló đầu ra nhìn, cô gái đâm hoảng tính chạy trốn. Nhưng bà cụ gọi cô lại bảo:
– Có gì mà phải sợ, cô cháu yêu quý? Ở đây với bà, nếu cháu làm mọi việc trong nhà đâu vào đấy thì cháu muốn gì mà chẳng có. Cháu chỉ cần lưu ý dọn giường nằm của bà cho chu đáo và rũ giường cẩn thận siêng năng để sao có lông bay ra thì mới có tuyết rơi xuống hạ giới , bà chính là Bà Chúa Tuyết đây.
Bà cụ nói với cô bé với giọng hết sức thân mật gần gũi. Cô bé cảm thấy dễ chịu nên bằng lòng ở lại giúp việc cho bà cụ. Cô cố gắng làm mọi việc theo ý bà cụ dặn. Cô rũ giường bà thật mạnh để cho lông bay là tà khắp nơi như những bông hoa tuyết. Xứng với công khó nhọc của cô, bà dành cho cô một cuộc sống thoải mái, ăn uống sung sướng, không bao giờ nặng lời với cô, ngày nào cũng món xào, món nấu ngon lành. Ở nhà Bà Chúa Tuyết được một thời gian cô bé cảm thấy lòng buồn rười rượi. Mới đầu, cô cũng chẳng hiểu tại sao nhưng cô nhận thấy đó là do cô nhớ nhà. Mặc dù ở đây sung sướng hơn ở nhà muôn phần nhưng cô vẫn tha thiết được về nhà. Sau đó cô thưa chuyện với Bà Chúa Tuyết:
– Thưa bà, lâu nay cháu buồn vì nhớ nhà quá. Dù ở dưới hạ giới cháu không được sung sướng bằng ở đây, nhưng cháu cũng không thể ở đây lâu hơn nữa, cháu muốn xin trở về sống với bà con thân thuộc của cháu.
Bà Chúa Tuyết nói:
– Cháu tha thiết đòi về nhà thì bà cũng vui lòng để cháu về. Vì cháu đã hết lòng giúp việc cho bà, vậy để chính bà đưa cháu về nhé.
Bà cầm tay cô bé và dẫn cô tới trước một cái cổng to. Cổng mở, khi cô vừa đặt chân tới thềm cổng thì có một trận mưa vàng lớn. Tất cả vàng dính đầy vào người cô.
Bà Chúa Tuyết bảo:
– Cháu có được cái đó là cháu đã làm lụng chăm chỉ.
Rồi bà trao cho cô gái ống sợi mà cô tuột tay đánh rơi xuống giếng.
Sau đó cổng đóng lại. Cô gái trở lại trần, thấy mình đang đứng cách nhà dì ghẻ không bao xa. Khi cô bước vào sân thì con gà đậu trên thành giếng gáy:
Ki rơ ri ki
Gái vàng, gái bạc nhà ta đã về.
Rồi cô vào gặp dì ghẻ. Vì người cô phủ đầy vàng nên dì ghẻ và em gái tiếp đón thật là niềm nở.
Cô kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe. Dì ghẻ thấy con chồng trở nên giàu có nên cũng muốn cô con gái xấu xí, lười biếng gặp may như vậy. Cô ta cũng ngồi bên bờ giếng guồng sợi, cô ta lấy kim đâm vào đầu ngón tay, khua cả bàn tay vào bụi gai để máu thắm đỏ ống sợi. Rồi cô ta đem vứt ống sợi xuống giếng và tự mình nhảy xuống giếng. Cũng như chị, cô ta đến một cánh đồng cỏ đẹp đẽ và cũng đi theo một con đường mòn như vậy.
Khi cô ả tới lò bánh mì, bánh mì cũng kêu:
– Cô ơi, hãy kéo chúng tôi ra, hãy kéo chúng tôi ra với kẻo chúng tôi cháy mất, chúng tôi được nướng chín xong từ lâu rồi mà.
Cô ả lười biếng đáp:
– Tao mà lại có hứng làm việc ấy ư, làm cho bẩn người ra à!
Nói rồi cô đi thẳng.
Một lúc sau cô ả tới chỗ cây táo. Táo gọi:
– Trời ơi, rung tôi đi, rung tôi đi cô bé, táo chúng tôi chín tất cả rồi.
Cô ả đáp:
– Mày nói chi mà dễ nghe vậy? Để táo rơi vào đầu tao à!
Rồi cô lại tiếp tục đi.
Khi tới trước cửa nhà Bà Chúa Tuyết cô chẳng sợ hãi gì cả vì cô đã được nghe kể về hàm răng to nom dễ sợ của bà. Cô nhận lời ở lại giúp việc cho bà.
Ngày đầu tiên cô ả ráng sức làm việc, tỏ ra chăm chỉ, Bà Chúa Tuyết bảo gì cô ả làm ngay cái đó vì cô ả còn nghĩ tới số vàng mà Bà Chúa Tuyết sẽ thưởng công cho cô. Nhưng sang ngày thứ hai cô đã bắt đầu giở cái thói lười, sang ngày thứ ba càng lười hơn, sáng ra cô không buồn dậy nữa. Cô không dọn giường cho Bà Chúa Tuyết, công việc mà lẽ ra cô phải làm hàng ngày, đã thế cô cũng chẳng chịu rũ đệm cho lông bay xuống.
Lâu dần Bà Chúa Tuyết cũng đâm ra chán và bảo cô ả lười biếng thôi không làm việc nữa. Cô ả thấy vậy mừng thầm, nghĩ bụng, giờ chắc sẽ có mưa vàng. Bà Chúa Tuyết dẫn cô tới cổng, khi cô vừa đặt chân tới thềm cổng thì một nồi nhựa thông đổ xuống chứ chẳng có mưa vàng nào cả. Bà Chúa Tuyết nói:
– Đây là thưởng cho cái công làm việc của con.
Rồi bà đóng cổng lại.
Khi cô ả về tới nhà, người dính đầy nhựa thông, con gà trống đứng trên thành giếng nom thấy cất tiếng gáy:
Ki kơ ri ki,
Gái dơ, gái bẩn nhà ta trở về.
Nhựa thông dính chặt lấy người cô suốt đời, không chịu rời ra nữa.
25. Bảy con quạ
Ngày xưa có một người có bảy đứa con trai, nên rất mong có một mụn con gái. Khi vợ có mang, bác ta hy vọng lần này sẽ toại nguyện. Quả thật đứa con mới chào đời là con gái. Hai vợ chồng mừng lắm nhưng đứa con lại gầy gò ốm yếu quá nên phải chịu phép rửa tội.
Người cha sai một đứa con trai chạy vội ra suối lấy nước về để làm phép rửa tội cho em gái, nhưng rồi cả sáu đứa con trai khác cũng chạy đi cùng. Bảy đứa tranh nhau cái bình để múc nước, bình văng tõm xuống suối. Cả bảy đứng nhìn không biết làm sao vớt được bình, bình trôi mất không đứa nào dám về nhà nữa. Đợi mãi chẳng thấy con về, người cha sốt ruột và nói:
– Lũ trời đánh ấy chắc lại mải chơi rồi!
Người cha sợ con gái sau này nhỡ chết mà chưa được phép rửa tội nên đâm ra giận rủa con:
– Ước gì cả bảy thằng đều thành quạ.
Người cha vừa nói dứt lời thì nghe thấy tiếng chim vỗ cánh bay qua đầu lướt vào không trung. Ông ngửng lên thì thấy bảy con quạ đen như than bay vút đi.
Chẳng còn cách nào thu lại được lời nguyền kia nữa, hai vợ chồng buồn rầu về chuyện mất bảy đứa con trai, nhưng họ tự an ủi phần nào vì thấy đứa con gái yêu quý mỗi ngày một khôn lớn và xinh đẹp hơn. Cô bé lớn lên không hề biết rằng mình còn có mấy anh trai nữa. Cha mẹ cô tránh không bao giờ nhắc tới chuyện ấy cho cô biết. Tới một ngày kia cô nghe mọi người xì xào về mình: “Cô ấy tuy đẹp thật, nhưng chính cô ấy là nguyên nhân sự bất hạnh của bảy người anh trai.” Biết chuyện, cô buồn lắm, cô gạn hỏi cha mẹ về các người anh trai của mình. Không thể giấu con được, cha mẹ đành kể cô nghe mọi chuyện và nói rằng đó chẳng qua là ý muốn của trời, còn việc sinh cô ra không có quan hệ gì. Nhưng cô gái vẫn bị lương tâm cắn rứt về chuyện ấy và luôn nghĩ cách làm sao giải được lời chú kia cho các anh. Cô đứng ngồi không yên, tới mức cô trốn nhà đi, mong tìm cho ra tung tích để giải thoát cho các anh, mặc dù cô biết sẽ có nhiều khó khăn vất vả.
Đồ đạc cô mang theo chỉ có một chiếc nhẫn nhỏ là vật kỷ niệm của cha mẹ, một cái bánh mì để ăn khi đói, một bình nước nhỏ để uống khi khát và một chiếc ghế con để ngồi cho đỡ mỏi.
Cô bé đi mãi, đi hoài, đi tới tận cùng thế giới. Cô đi tới mặt trời, nhưng mặt trời sao nóng quá và nom dễ sợ, hình như hay bắt trẻ con. Cô vội vàng rời ngay chỗ đó và đi về hướng mặt trăng, nhưng nơi đây lại lạnh lẽo hoang vắng. Cô bé có cảm giác phía đàng kia có người ở, cô vội vàng quay gót đi tới các vì sao. Các vì sao tiếp cô niềm nở và tốt bụng, và mỗi vị ngồi trên chiếc ghế dành riêng cho mình. Sao mai đứng dậy cho cô một cái chân gà nhỏ và bảo:
– Nếu con không có cái chân gà nhỏ này thì con không thể mở được núi thủy tinh. Mà chính các anh con đang ở trong núi thủy tinh ấy.
Cô bé cầm cái chân gà nhỏ xíu, lấy khăn bọc lại cẩn thận, và cô lại tiếp tục lên đường. Cô đi hoài, đi mãi, sau cùng tới núi thủy tinh. Cổng lớn đóng kín, cô lấy bọc khăn ra, nhưng khi mở ra thì chẳng có gì ở trong đó cả, cô đã đánh mất món quà quý của các vì sao tốt bụng. Làm gì bây giờ? Cô muốn cứu các anh mình mà lại không có chìa khóa để mở cổng vào núi thủy tinh. Cô bé bèn rút dao ra, cắt một ngón tay nhỏ xíu của mình đút nó vào ổ khóa và may quá mở được cổng.
Khi cô bé bước vào bên trong thì có một ông già người nhỏ nhắn bước ra, ông hỏi:
– Con tìm gì ở đây?
Cô bé trả lời:
– Con tìm các anh con là bảy con quạ.
Ông già nói:
– Các ông quạ không có nhà, nhưng con muốn chờ các ông ấy về thì vào đây.
Rồi ông già chuẩn bị bữa ăn tối cho bảy con quạ, ông bày thức ăn vào bảy chiếc đĩa nhỏ và rót nước uống vào bảy cái chén nhỏ. Cô bé nếm ở mỗi đĩa một miếng và uống ở mỗi cốc một hớp. Chiếc nhẫn mang theo cô thả vào trong cốc nước cuối cùng.
Chợt cô nghe thấy ở trên không có tiếng vỗ cánh và tiếng chim reo. Lúc đó ông già nói:
– Giờ thì các ông quạ đã về nhà đó.
Đàn quạ về thật, con nào con ấy đi tìm cốc đĩa của mình để ăn uống. Rồi con nọ hỏi con kia:
– Ai đã ăn ở đĩa của tôi? Ai đã uống nước ở cốc của tôi? Nhất định phải có người đã đụng đến chén đĩa.
Và khi con quạ thứ bảy nhìn xuống đáy cốc, nó thấy chiếc nhẫn lăn đi lăn lại trong cốc. Nó ngắm nhìn chiếc nhẫn và nhận ra đó là nhẫn của bố mẹ và nói:
– Trời! Hình như em gái út của chúng ta đang ở đây và như vậy có nghĩa là chúng ta đã được giải thoát.
Lúc đó cô bé đang đứng nấp sau cửa và lắng tai nghe. Quạ vừa nói xong, cô bé bước ra, tức thì đàn quạ lại hóa thành người. Vui mừng khôn xiết, tám anh em ôm hôn nhau thắm thiết, rồi vui vẻ cùng nhau lên đường về nhà.
26. Cô bé choàng khăn đỏ
Ngày xưa có một cô bé thùy mị, dễ thương. Cưng cô nhất vẫn là bà nội, có cái gì bà cũng để phần cháu. Một lần bà cho cô bé một chiếc khăn quàng bằng nhung đỏ. Chiếc khăn rất hợp với cô, đi đâu cô cũng chỉ thích quàng chiếc khăn đó, vì vậy mọi người đều gọi cô là cô bé Khăn đỏ.
Một hôm, mẹ bảo cô:
– Khăn đỏ ạ, đây là miếng bánh và bình sữa. Con mang đến cho bà nhé! Bà ốm yếu, cần phải ăn uống cho khỏe người. Con đi ngay bây giờ kẻo tí nữa lại nắng. Con đi cho ngoan, đừng có lang thang trong rừng lỡ vỡ bình, không có gì mang đến biếu bà. Khi vào buồng bà, con nhớ chào bà, đừng có mắt la mày lét nhìn các xó nhà nhé!
Khăn đỏ đặt bàn tay nhỏ nhắn của mình vào lòng bàn tay mẹ và nói:
– Con sẽ làm tất cả những điều mẹ dặn.
Nhà bà nội ở trong rừng, cách làng không xa lắm, đi chừng nửa tiếng đồng hồ thì tới. Khăn đỏ vào rừng thì gặp chó sói. Em không biết sói là một con vật độc ác nên không thấy sợ.
Sói nói:
– Chào cháu Khăn đỏ!
Khăn đỏ đáp:
– Cháu xin chào bác!
– Cháu đi đâu sớm thế, cháu Khăn đỏ?
– Cháu đến nhà bà nội.
– Cháu xách gì nặng thế?
– Thưa bác, bánh và sữa ạ. Hôm qua, ở nhà mẹ cháu làm bánh, bà nội ốm cháu mang đến để bà ăn cho khỏe người.
– Bà cháu ở đâu, cháu Khăn đỏ?
– Đi vào rừng độ mười lăm phút thì tới. Dưới ba cây sồi to là nhà bà cháu, quanh nhà có nhiều bụi dẻ, chắc bác tìm thấy ngay.
Sói nghĩ bụng:
– Cái mồi non béo ngon này chắc là hơn hẳn cái mồi già kia!
Sói tự nhủ phải mưu mô làm sao xơi được cả hai. Nó lân la đi cùng với Khăn đỏ một đoạn rồi nói:
– Này cháu Khăn đỏ ạ, cháu hãy nhìn những bông hoa tươi đẹp kia kìa. Sao cháu không ngó quanh mà xem. Bác chắc là cháu chưa bao giờ lắng nghe tiếng chim hót véo von phải không? Cháu đi đâu mà cứ đăm đăm thẳng tiến như đi học ấy. Ở trong rừng vui lắm cháu ạ!
Khăn đỏ mở to mắt ra nhìn. Em thấy ánh nắng rập rờn qua cành cây đung đưa, đó đây toàn là hoa thơm cỏ lạ, em nghĩ bụng:
– Nếu mình mang một bó hoa tươi đến tặng bà chắc là bà thích lắm, trời còn sớm, mình đến bà còn kịp chán.
Thế rồi Khăn đỏ đi hái hoa. Hái được một bông em lại nghĩ có lẽ vào thêm tí nữa sẽ có bông đẹp hơn. Cứ như vậy, Khăn đỏ tiến sâu vào trong rừng lúc nào không hay. Trong khi đó, sói lẻn thẳng tới nhà bà cụ và gõ cửa.
– Ai ở ngoài đó đấy?
– Cháu là Khăn đỏ đây, bà mở cửa cho cháu với! Cháu mang bánh và sữa lại cho bà đây.
Bà nói:
– Cháu cứ đẩy then mà vào. Bà yếu quá không dậy được.
Sói đẩy then cửa, cửa mở toang. Chẳng nói chẳng rằng sói vào thẳng giường rồi nuốt chửng bà cụ. Rồi nó lấy quần áo của bà mặc vào, lấy mũ trùm đầu, lên giường nằm, lấy rèm che lại.
Khăn đỏ thơ thẩn hái hoa trong rừng. Mãi tới lúc hái nhiều quá mang không hết, em mới chợt nhớ đến bà, vội lên đường đến nhà bà.
Khăn đỏ ngạc nhiên thấy cửa mở toang, bước vào phòng thì thấy có gì khang khác, em nghĩ bụng hôm nay ở nhà bà sao lại thấy rờn rợn, chứ không thoải mái như mọi khi. Khăn đỏ nói to:
– Cháu chào bà ạ!
Chẳng có một tiếng trả lời. Em lại bên giường, kéo rèm ra, thì thấy bà nằm, mũ trùm kín mặt, trông lạ quá. Khăn đỏ ngạc nhiên hỏi:
– Bà ơi bà! Sao tai bà to thế?
– Tai bà to để nghe cháu rõ hơn.
– Bà ơi bà! Sao mắt bà to thế?
– Mắt bà to để nhìn thấy cháu rõ hơn.
– Bà ơi bà! Sao tay bà to thế?
– Tay bà to để bà nắm lấy cháu dễ hơn.
– Ui trời ơi! Sao mồm bà to đáng sợ quá!
– Mồm bà to để bà nuốt cháu dễ hơn.
Vừa dứt lời, sói liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng Khăn đỏ đáng thương.
Xong xuôi, sói lại nhảy lên giường nằm ngủ và ngáy o o. Một bác thợ săn đi qua nghe thấy, nghĩ bụng:
– Quái! Sao bà cụ già rồi mà còn ngáy to vậy, phải tạt vào xem bà cụ có ốm đau gì không?
Bước vào phòng, đến gần giường, bác thấy sói đang nằm. Bác nói:
– Chà, thì ra ta lại gặp mi ở đây, quân khốn khiếp. Ta đi tìm mi mãi…
Bác giơ súng lên định bắn. Nhưng bác chợt nghĩ có lẽ sói đã ăn thịt bà cụ, tuy vậy may ra vẫn còn có thể cứu được. Bác không bắn, mà lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ. Vừa rạch được một nhát thì thấy chiếc khăn đỏ choé, rạch thêm nữa thì có cô bé nhảy ra kêu:
– Ối chà, cháu sợ quá! Trong ấy tối đen như mực.
Bà lão cũng còn sống chui ra, tuy hơi thở đã yếu. Khăn đỏ vội đi khuân đá thật to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống và lăn ra chết.
Ba người đều vui mừng. Bác thợ săn lột lấy da sói mang về nhà. Bà lão ăn bánh uống sữa do Khăn đỏ mang đến, ăn xong bà thấy người khỏe hẳn ra. Khăn đỏ nghĩ bụng:
– Từ nay trở đi đừng có rời khỏi đường chạy một mình vào rừng sâu. Mẹ đã dặn vậy thì phải nhớ.
Có người kể là một lần Khăn đỏ lại mang bánh đến cho bà thì một con chó sói khác la cà đến gần tính chuyện rủ rê để em rời khỏi đường. Nhưng Khăn đỏ đã đề phòng, cứ việc thẳng bước. Đến nơi em nói cho bà biết em gặp sói và em thấy mắt sói rất ác.
– Nếu không phải là ở đường cái thì nó đã ăn thịt cháu rồi.
Bà bảo:
– Cháu vào đây để bà đóng cửa lại kẻo nó vào.
Vừa đóng xong cửa một lát thì sói đến gõ cửa gọi:
– Bà ơi bà mở cửa cho cháu. Cháu Khăn đỏ mang bánh lại cho bà đây.
Hai bà cháu im lặng, không mở cửa. Con vật đầu xám rón rén đi quanh nhà mấy lần. Rồi nó nhảy lên mái nhà, định đợi đến chiều tối, khi nào Khăn đỏ ra về sẽ lén đi theo sau, rồi sẽ ăn thịt cô bé trong bóng đêm. Nhưng bà cụ biết rõ ý định của nó. Ở trước cửa nhà có một cái máng nước bằng đá. Bà bảo Khăn đỏ:
– Cháu đi lấy cái thùng xách nước, Khăn đỏ ạ. Hôm qua bà làm dồi. Cháu đi lấy nước nấu dồi đổ cho đầy máng.
Khăn đỏ xách nước đổ mãi mới đầy cái máng to ấy. Mùi dồi thơm bay xộc lên mũi làm sói rỏ dãi. Nó cứ nghểnh dài cổ xuống để ngửi, quá đà sói bị trượt chân rơi từ mái nhà xuống đúng vào máng nước nóng và chết.
Khăn đỏ vui vẻ đi về nhà, không sợ bị ai đụng đến mình.
27. Những nhạc sĩ thành Bremen
Một người có một con lừa. Bao năm nay lừa kéo xe chở lúa đến nhà xay không hề biết mệt. Nhưng giờ đây sức lừa đã kiệt, không thể dùng kéo xe được nữa. Chủ nghĩ cách kết liễu đời lừa để lấy bộ da. Lừa cảm thấy nguy đến nơi liền trốn đi và lên đường đến thành Bremen. Lừa ta nghĩ bụng: đến đó chắc mình có thể làm nhạc sĩ thành phố.
Lừa đi được một lúc thì gặp một con chó nằm bên đường vừa ngáp vừa thở ư ứ như vừa chạy rất mệt. Lừa hỏi:
– Này anh bạn, làm sao mà anh cứ ngáp dài và thở hoài vậy?
Chó trả lời:
– Ấy, chẳng qua mình tuổi ngày một già, sức ngày một yếu không đi săn được nữa, nên ông chủ tịch giết mình. Mình trốn đi, nhưng giờ thì kiếm đâu ra cơm mà ăn?…
Lừa bảo:
– Này cậu ạ, mình đến thành Bremen để làm nhạc sĩ thành phố. Cậu đi với mình đi, sung vào ban nhạc. Mình chơi đàn, cậu đánh trống.
Chó nhận lời, cả hai cùng đi. Đi chưa được mấy chốc thì gặp một con mèo ngồi bên đường mặt buồn thỉu buồn thiu. Lừa hỏi:
– Này bác già liếm râu, có chuyện gì bất trắc thế?
Mèo đáp:
– Lo mất đầu thì còn vui sao được! Mình nay tuổi thì cao, răng lại cùn, chỉ thích nằm bên lò sưởi gừ gừ hơn là bắt chuột, nên bà chủ định dìm chết mình. Mình trốn đi, nhưng giờ đang băn khoăn chẳng biết nên đi đâu.
– Thì cũng đi Bremen với bọn mình. Cậu sành nhạc đệm, chắc có thể làm nhạc sĩ thành phố được.
Mèo cho là phải và đi cùng. Chẳng bao lâu, ba con đi qua sân nhà một bác nông dân, có con gà đậu trên cửa đang ra sức gáy. Lừa hỏi:
– Cậu định tính chuyện gì mà gáy nghe đinh tai nhức óc lên thế?
Gà nói:
– Mình gáy báo tốt trời. Nhưng ngày mai là ngày lễ, bà chủ giặt giũ nhiều, nhà lại có khách, bà chủ đâu có thương hại mình, bà bảo mụ đầu bếp mai bỏ mình vào nồi nấp súp. Tối nay là mình bị cắt tiết đây. Ờ, chừng nào còn gáy được thì ráng sức mà gáy cho thỏa chí.
Lừa bảo:
– Này anh chàng mào đỏ, thà đi với bọn mình còn hơn. Chúng mình đi Brêm. Đi đâu mà chả được, còn hơn là chờ chết. Giọng cậu tốt, nếu chúng mình cùng hòa nhạc thì hẳn là hay đứt đi rồi.
Gà thấy cũng có lý, thế là cả bốn cùng đi. Một ngày đường ròng rã nhưng vẫn chưa tới Bremen. Buổi tối chúng tới một khu rừng, định ngủ lại. Lừa và chó nằm ngay ở gốc cây cổ thụ, mèo và gà ngủ trên cành cây, gà đậu tít trên ngọn cây cho chắc chắn. Trước khi ngủ gà đưa mắt nhìn chung quanh, thấy xa xa có ánh lửa bập bùng, gà liền gọi các bạn đồng hành bảo, có lẽ gần đây có nhà, vì có ánh lửa. Lừa bảo:
– Nếu như vậy thì ta đến đó đi thôi, quán trọ này đâu có tốt.
Chó nghĩ bụng: giá như kiếm được vài cái xương dính tí thịt thì cũng hay rồi.
Thế là chúng cất bước đi về phía có ánh sáng. Ánh lửa bập bùng ngày càng rõ dần. Tới nơi thì ra đó là căn nhà của bọn cướp, đèn thắp sáng trưng.
Lừa to con nhất, lại gần cửa sổ nhìn vào.
Gà hỏi:
– Chú xám ơi, có gì trong đó?
Lừa đáp:
– Ồ, cậu có biết không, bọn cướp đang khoái chí đánh chén bên một cái bàn bày la liệt đồ ăn thức uống?
Gà nói:
– Giá cái đó là giành cho bọn mình nhỉ!
Lừa bảo:
– Phải, phải, chí phải, giá như bọn mình ngồi vào đấy thì hay biết bao!
Chúng xúm nhau lại bàn mưu tính kế làm sao tống khứ được bọn cướp. Cuối cùng chúng nghĩ ra một kế: Lừa kê hai chân trước lên cửa sổ, chó nhảy lên lưng lừa, mèo trèo lên lưng chó, gà bay đậu lên đầu mèo. Hiệu lệnh vừa ra, cả bốn đồng thanh cất tiếng: Lừa kêu, chó sủa, mèo kêu meo meo, gà gáy. Rồi chúng nhảy ùa vào phòng, cừa kính vỡ loảng xoảng. Nghe tiếng khủng khiếp ấy, tưởng là ma hiện vào, bọn cướp giật mình bỏ bàn ăn chạy thục mạng về phía rừng. Bốn nhạc sĩ liền ngồi vào bàn, vui lòng ăn chỗ còn thừa, ăn ngốn ngấu như đã bị bỏ đói hàng tháng nay.
Đánh chén no say, bốn nhạc sĩ tắt đèn, tìm chỗ nằm ngủ tùy theo sở thích và thói quen riêng của mình. Lừa nằm trên đống phân, chó nằm sau cửa, mèo trèo tro ấm bên bếp lửa, gà đậu trên xà nhà.
Vì đi một ngày đường ròng rã nên mới nằm xuống cả bốn đã ngủ say liền.
Đến nửa đêm, từ xa bọn cướp thấy trong nhà không còn ánh sáng, cảnh vật yên lặng, tên đầu đảng cướp nói:
– Đáng lẽ chúng ta không được để người khác tống cổ đi mới phải!
Hắn sai một tên về nhà dò la. Tên này thấy căn nhà im lặng như tờ, liền vào bếp để thắp đèn. Thấy mắt mèo hắn tưởng than hồng, cho diêm vào thắp. Mèo đâu có quen lối đùa cợt ấy, liền nhảy lên mặt hắn vừa kêu vừa cào. Tên này sợ quá tháo chạy qua cửa sổ, chó nằm đó chồm dậy cắn vào chân. Khi chạy qua sân gần đống phân, lừa đá cho một cái như trời giáng. Nghe tiếng động gà thức giấc. Từ trên xà nhà gà gáy:
– Cúc cù cu… cu!
Tên cướp ba chân bốn cẳng chạy một mạch về báo chủ tướng:
– Ui chao! Trong nhà có một mụ phù thủy, nó phun bọt vào tôi, lấy móng tay dài cào mặt tôi. Ở ngay cửa ra vào có một người đàn ông cầm dao chém vào chân tôi. Ngoài sân có con quái vật đen tuyền cầm chùy giáng tôi một chùy nên thân. Trên mái nhà một ông quan tòa hét: “Điệu thằng đểu cáng lại đây!.” Thế là tôi bỏ chạy thục mạng về đây.
Từ đó bọn cướp không dám bén mảng tới căn nhà ấy nữa. Bốn nhạc sĩ thành Bremen thích cái nhà ấy nên cũng không muốn dời đi nơi khác.
28. Chiếc tù và biết hát
Ảnh Chiếc tù và biết hát – Truyện cổ Grimm
Ngày xửa ngày xưa, ở đất nước kia có nạn lợn rừng. Với hai chiếc răng nanh dài nhọn nó xục ủi hết cả ruộng đồng hoa màu, lúa má của nông dân, không những thế nó còn húc chết nhiều người. Nhà vua cho truyền báo trong dân, ai giải thoát cho đất nước khỏi cảnh ấy sẽ được trọng thưởng. Nhưng con thú kia to khỏe và rất hung dữ nên không một ai dám liều mạng tới khu rừng nó ở. Cuối cùng nhà vua phải cho loan báo rằng ai bẫy hay giết chết được con lợn rừng đó nhà vua sẽ gả công chúa cho, người con gái duy nhất của nhà vua.
Hồi đó có hai anh em trai nhà kia, nhà nghèo túng quá, nên tâu trình xin sẵn sàng đảm nhận việc đó. Người anh thì khôn ngoan, xảo quyệt và hay kiêu căng, người em thì hiền lành, chất phác, có phần nào khờ dại do tính cả tin. Nhà vua bảo:
– Để cho chắc chắn gặp được con vật ấy, hai anh em ngươi hãy đi vào rừng bằng hai hướng ngược chiều nhau.
Xâm xẩm tối người anh lên đường, còn người em thì sáng hôm sau. Mới đi được một quãng thì có một người tí hon cầm một ngọn giáo thép đen bóng, người đó bước lại phía anh và nói:
– Ta cho ngươi ngọn giáo này, vì ngươi là người hiền lành tốt bụng. Với ngọn giáo này ngươi có thể yên tâm xông thẳng vào con thú dữ mà đâm, nó không thể làm gì được ngươi cả.
Đa tạ người tí hon xong, người em vác giáo lên vai tiếp tục vào rừng sâu nữa trong rừng. Một lúc sau chàng nhìn thấy một con vật cứ cắm đầu lao thẳng về phía mình. Chàng lăm lăm trong tay ngọn giáo đón chờ. Vốn tính hung dữ, nó lao mạnh tới mức giáo xuyên thủng tim qua tới bên kia. Chàng xốc con vật lên vai đi về nhà, định mang nó đến trình nhà vua.
Vừa mới tới đầu kia của cánh rừng thì anh thấy có một hàng quán nằm ngay cửa rừng, ở đó mọi người đang vui nhảy, ăn uống thật là nhộn nhịp. Người anh cả cậy mình khôn ngoan nhanh trí nên đủng đỉnh, nghĩ chắc lợn chẳng chạy ra khỏi rừng mà lo, gặp hàng quán thì ta cứ vào làm chút đỉnh cho tỉnh người. Đang ngồi ăn uống chợt trông thấy người em ít vác trên vai con vật săn được, cơn ganh ghét và máu độc ác nổi lên làm người anh cả đứng ngồi không yên. Chàng gọi với ra cửa:
– Này chú em thân mến, vào đây cái đã, nghỉ tay làm cốc rượu cho lại người.
Người em út không hề nghĩ tới những mưu kế thâm độc nấp sau sự đon đả chào mời kia, chàng bước vào ngồi và kể cho anh nghe về người tí hon tốt bụng đã cho mình ngọn giáo để đâm chết con lợn rừng. Người anh cả cố tình chào mời để giữ người em đến tối.
Trời tối đen như mực hai anh em mới lên đường, tới một con suối, người anh cả nhường cho em đi trước. Ra đến giữa cầu người anh giơ gậy phang vào gáy người em, chàng chết rơi xuống suối. Người anh cả đem vớt xác chôn ở chân cầu, vác lợn rừng lên vai, đem vào tâu trình nhà vua, nói rằng chính mình đã giết chết, hy vọng sẽ được vua gả công chúa cho.
Khi moi người hỏi tại sao không thấy người em út trở về, người anh cả nói:
– Lợn rừng húc thủng ruột chết ở trong rừng.
Mọi người đều tin là như vậy.
Nhưng ở đời ân trả ân, oán trả oán.
Nhiều năm trôi qua không ai nghĩ tới chuyện ấy nữa. Một hôm có chàng chăn cừu đi qua cầu, chàng nhìn thấy một chiếc xương trắng phau nằm dưới chân cầu. Chàng nghĩ bụng mình có thể lấy làm tù và được đấy. Chàng xuống dưới chân cầu nhặt lên đem về nhà gọt cắt thành chiếc tù và.
Khi chàng đem ra thổi thử, chàng hết sức ngạc nhiên, chàng thổi không ra âm thanh mà lại ra lời hát:
Chàng chăn cừu mến thương,
Đương thổi tù và tôi:
Anh tôi đập tôi chết,
Đem chôn dưới chân cầu,
Âu vì chuyện lợn rừng,
Mừng lấy được công chúa.
Chàng nói:
– Chiếc tù và này tuyệt diệu làm sao, tù và mà lại biết hát. Ta phải mang dâng vua mới được.
Chàng đem tù và đến tâu trình nhà vua, vừa mới tới trước nhà vua chiếc tù và đã cất giọng hát bài hát nọ. Nhà vua hiểu ngay bài hát ấy chỉ cái gì, truyền lệnh đào ngày khu đất dưới chân cầu thì tìm thấy bộ xương của người em bị đánh chết. Người anh cả độc ác không thể chối cãi được nữa, hắn bị cho vào bao khâu kín lại và đem dìm xuống nước cho chết. Hài cốt của người em út bị giết được mang về chôn trong nghĩa địa, ngôi mộ xây cất to đẹp.
29. Ba sợi tóc vàng của con quỷ
Ngày xưa có một người đàn bà nghèo sinh được một con trai. Khi đứa trẻ ra đời người ta nhìn thấy chỏm đầu của nó còn nằm trong bọc nhau, người ta tiên tri là năm mười sáu tuổi nó sẽ lấy được công chúa. Thời gian đó nhà vua đang muốn hiểu lòng dân nên di hành. Nhà vua hỏi dân làng rằng trong làng có sự gì lạ không, họ tâu:
– Gần đây ở làng có một bé trai khi sinh ra chỏm đầu còn nằm trong bọc nhau, người ta tiên tri là năm mười sáu tuổi nó sẽ lấy được công chúa.
Vốn tính độc ác, nghe nói vậy nhà vua tức lắm, liền đến ngay nhà bố mẹ đứa trẻ, làm ra vẻ thương người thích trẻ, vua nói:
– Các bác nghèo khó, để tôi nuôi nấng dạy dỗ cháu cho.
Hai vợ chồng nhà kia trước còn từ chối, nhưng rồi thấy người lạ mặt đưa cho nhiều vàng nên họ nghĩ:
– Thằng con trai mình chắc là một đứa tốt số, lại được nuôi nấng dạy dỗ nữa thế nào cũng làm nên sự nghiệp.
Nên cuối cùng hai vợ chồng cũng bằng lòng trao con cho người lạ mặt.
Vua đặt đứa bé vào một cái hòm và tiếp tục lên đường. Tối một chỗ nước sâu, vua cho ném hòm xuống nước, trong bụng nghĩ:
– Thế là ta đã giải thoát cho con gái ta khỏi anh chàng rể bất đắc dĩ này.
Nhưng cái hòm không chìm, nó nổi trôi theo dòng nước – như một chiếc tàu con và không có một giọt nước nào thấm vào trong. Hòm cứ trôi lềnh bềnh như vậy, hòm bị mắc lại ở cối xay nước cách kinh thành hai dặm. May đúng lúc đó thì thằng bé xay bột trông thấy, nó lấy câu liêm mắc kéo vào, lòng mừng sẽ vớ được vàng châu báu, nhưng khi mở hòm ra chỉ thấy một đứa bé khỏe mạnh, khôi ngô. Nó bế đứa bé cho hai vợ chồng chủ cối xay.
Hai vợ chồng này không có con nên rất mừng và nói:
– Đúng là trời còn thương vợ chồng nhà mình.
Đứa bé lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của hai vợ chồng chủ cối xay.
Một hôm, trời mưa to vua phải vào nhà xay để tránh mưa. Vua hỏi hai vợ chồng người xay bột có phải chàng trai cao lớn là con trai họ không. Họ đáp:
– Tâu bệ hạ không phải. Đó là đứa trẻ nhặt được cách đây mười sáu năm. Nó nằm trong một cái hòm trôi dạt theo dòng nước và mắc lại ở cửa cổng nhà xay. Thằng bé phụ việc nhà chúng tôi trông thấy và vớt nó lên:
Vua nghĩ ngay tới đứa bé tốt số mà mình đã ra lệnh vứt xuống nước, vua nói:
– Các ngươi là những người dân hiền lành, ta muốn nhờ đứa con trai của các ngươi mang thư đến cho hoàng hậu được không? Đây ta thưởng cho hai đồng tiền vàng về chuyện đó.
Bố mẹ nuôi thưa:
– Vâng, chúng tôi xin làm theo ý nhà vua.
Đứa con trai được bố mẹ dặn chuẩn bị đi đưa thư.
Trong thư nhà vua gửi cho hoàng hậu ghi: “Khi nhận được thư này thì hãy giết ngay tên đưa thư và đem chôn. Phải thi hành lệnh này trước khi ta về.”
Chàng thanh niên cầm thư và lên đường ngay, nhưng dọc đường chàng bị lạc ở trong cánh rừng rộng lớn. Trong bóng đêm chập chùng, chàng thấy có một ánh đèn le lói, cứ hướng ấy mà đi, lại gần thì đó là một căn nhà nhỏ.
Bước vào nhà, chàng thấy một bà lão đang ngồi bên lò sưởi. Sự xuất hiện của chàng làm cho bà lão giật mình hoảng sợ và cất tiếng hỏi:
– Con từ đâu tới đây? Con muốn đi đâu nữa?
Chàng trai đáp:
– Con từ nhà xay tới đây. Con được lệnh mang thư tới cho hoàng hậu. Con xin ngủ lại đêm nay ở đây, vì con bị lạc trong rừng.
– Tội nghiệp con quá. Con đã lạc vào nhà của bọn cướp. Chúng về chúng sẽ giết con mất.
Chàng trai nói:
– Ai về cũng vậy thôi, cháu chẳng sợ. Cháu mệt lắm, không thể nào nhấc chân đi tiếp được nữa.
Thế là chàng duỗi chân lăn ra ngủ ngay trên ghế dài.
Lát sau bọn cướp lục tục kéo về, chúng giận dữ hỏi người lạ nào mà lại dám nằm ngủ ở đó. Bà lão nói:
– Trời ơi! Thằng bé chẳng có tội tình gì đâu, nó phải mang thư cho hoàng hậu nhưng lại bị lạc trong rừng, thấy nó tội quá nên tôi bảo nó ở lại đây.
Bọn cướp bóc ngay thư ra đọc, thấy nói phải giết ngay người mang thư. Vốn tính nhẫn tâm nhưng tên cướp cũng động lòng thương, hắn xé ngay bức thư kia, viết ngay một bức thư khác nói khi người đưa thư này tới thì phải tổ chức cưới gả công chúa cho người đó trước khi nhà vua về. Rồi bọn cướp cứ để mặc chàng ngủ yên trên chiếc ghế dài cho đến sáng.
Sáng hôm sau, khi chàng tỉnh giấc bọn cướp lại đưa cho chàng bức thư và còn chỉ cho chàng đường đi tới hoàng cung.
Nhận được thư của nhà vua, hoàng hậu tổ chức ngay lễ cưới cho anh chàng đưa thư tốt số. Lễ cưới được tổ chức linh đình trong hoàng cung. Công chúa sống hạnh phúc và mãn nguyện bên người chồng đẹp trai và vui tính.
Sau đó ít lâu nhà vua mới về tới hoàng cung, lúc đó mới biết rằng lời tiên tri đã thành sự thực, lễ thành hôn với công chúa đã được thực hiện. Vua hỏi:
– Sao lại thế này nhỉ? Trong thư ta ra lệnh hoàn toàn khác cơ mà.
Hoàng hậu lấy thư đưa cho nhà vua xem. Xem thư vua biết ngay là thư đã bị đánh tráo, bèn cho gọi chú rể tới hỏi bức thư chính nhà vua viết đâu, sao lại mang bức thư này đưa cho hoàng hậu. Chàng trai thưa:
– Tâu bệ hạ, con không biết gì về chuyện đó. Chắc ban đêm trong lúc con ngủ say ở trong rừng thì có người đã tới đánh tráo thư.
Nổi trận lôi đình nhà vua nói lớn:
– Tại sao câu chuyện lại dễ như vậy nhỉ? Ai muốn lấy được công chúa người đó phải xuống âm phủ lấy ba sợi tóc vàng của con quỷ mang về đây cho ta. Nếu ngươi làm nổi điều đó thì vẫn có thể trở lại hoàng cung sống bên công chúa.
Vua định làm như thế để nhanh chóng tống khứ vĩnh viễn chàng trai kia. Nhưng đứa trẻ tốt số kia lại nói:
– Chắc chắn ba sợi tóc vàng của con quỷ con sẽ lấy được, con đâu có sợ quỷ.
Ngay sau đó chàng chào mọi người và lên đường. Vừa mới đặt chân tới cổng thành một thành phố lớn, chàng bị lính canh gặng hỏi: Chàng làm nghề gì và còn biết làm gì nữa ngoài nghề chính.
Chàng đáp:
– Mọi sự trên đời ta đều biết.
Tên lính canh nói tiếp:
– Thế anh vui lòng bảo giùm cho chúng tôi biết, tại sao giếng ở chợ chúng tôi trước kia luôn luôn chảy ra toàn rượu vang, nay giếng cạn khô, nước cũng chẳng có huống chi là rượu.
Chàng nói:
– Rồi các anh sẽ biết tại sao. Chờ khi tôi về, tôi sẽ nói cho biết.
Rồi chàng lại tiếp tục lên đường. Tới trước cổng thành một thành phố khác, lính canh lại hỏi chàng giỏi nghề gì và còn biết làm gì nữa ngoài nghề chính.
Chàng lại nói:
– Mọi sự trên đời ta đều biết.
Lính canh nói:
– Thế anh vui lòng bảo cho chúng tôi biết, tại sao cây táo ở trong thành này khi xưa tốt tươi, ra toàn táo vàng, nay nó trơ trụi, ngay một chiếc lá cũng không có.
Chàng đáp:
– Rồi các anh sẽ biết tại sao. Chờ khi tôi về, tôi sẽ nói cho biết.
Chàng lại tiếp tục lên đường. Tới bờ một con sông lớn, người lái đò hỏi chàng làm nghề gì và còn biết làm gì nữa ngoài nghề ấy.
Chàng đáp:
– Mọi sự trên đời ta đều biết.
Người lái đò nói:
– Thế anh vui lòng bảo cho tôi biết, tại sao tôi cứ phải chở đò cho khách qua lại khúc sông này mà chẳng thấy có ai tới thay phiên.
Chàng trai đáp:
– Rồi bác sẽ biết tại sao. Chờ khi tôi về, tôi sẽ nói cho biết.
Qua tới bờ sông bên kia, chàng thấy đường đi xuống âm phủ. Cổng âm phủ tối om, ám khói bám khắp mọi nơi. Con quỷ không có nhà. Chỉ có bà giúp việc đang ngồi trên một chiếc ghế bành rộng, dáng không có vẻ độc ác. Bà hỏi:
– Con muốn chi ở đây?
– Con muốn lấy được ba sợi tóc vàng của quỷ, nếu không thì con sẽ mất vợ.
– Ý muốn ấy táo tợn đấy. Con quỷ về nhà mà thấy con ở đây thì con mất đầu đấy. Nhưng thôi, thấy con cũng dễ mến, ta sẽ tìm cách giúp cho.
Bà làm phép biến chàng thành con kiến và dặn:
– Hãy nấp ngay trong nếp váy của ta thì sẽ an toàn.
Chàng đáp:
– Vâng thế thì hay quá. Nhưng con có ba điều muốn biết. Một là cái giếng chảy ra toàn là rượu vang, bỗng dưng cạn khô, không có lấy một giọt nước? Hai là tại sao cây táo ở thành phố kia trước xanh tươi, ra toàn quả vàng, bỗng dưng trơ trụi, ngay một cái lá cũng không có? Ba là tại sao bác lái đò kia cứ phải chở khách qua lại một khúc sông mà không có ai tới thay phiên?
Bà già nói:
– Ba câu hỏi này khó thật. Con hãy thật im lặng, lắng tai nghe những điều con quỷ nói.
Trời vừa sẩm tối con quỷ về nhà. Vừa mới bước chân vào nhà nó đã phát hiện ra ngay có mùi gì lạ. Nó hỏi:
– Quái, ta ngửi như có mùi thịt người, có phải đúng thế không?
Nó tự đi lùng sục khắp các xó nhưng chẳng thấy gì. Bà lão giả tảng la nó:
– Nhà vừa mới quét dọn ngăn nắp, vừa về nhà mà đã làm lộn xộn rồi. Lúc nào cũng chỉ nghĩ tới mùi thịt người. Nào ngồi xuống đi mà ăn bữa tối.
Ăn uống xong, con quỷ thấy thấm mệt, nó tựa đầu vào gối bà già và bảo bà bắt chấy cho nó. Mới được một lát nó đã ngủ say thở ngáy rất to. Lúc đó bà già mới nhổ một sợi tóc vàng của nó và để sợi tóc sang bên cạnh. Bị đau con quỷ giật mình hỏi:
– Ái, bà tính làm gì thế?
Bà lão nói:
– Tôi nằm mộng thấy sự chẳng lành, sợ quá nên tôi nắm tóc anh đấy.
Con quỷ nói:
– Bà mộng thấy cái gì đấy?
– Tôi nằm mộng thấy một cái giếng ở chợ đang chảy ra toàn rượu vang bỗng nó cạn khô, đến một giọt cũng không có. Không hiểu ai là người gây ra chuyện ấy?
Con quỷ đáp:
– Có gì đâu, ở đời nếu biết thì đâu có nên chuyện. Ở dưới đáy giếng có một con cóc ngồi núp trong khe một tảng đá lớn. Giết con cóc đó đi thì rượu vang lại chảy ra.
Bà lão lại tiếp tục bắt chấy cho con quỷ. Đợi lúc nó ngủ say, tiếng ngáy rung cả kính cửa sổ, bà già lại nhổ sợi tóc thứ hai. Đau quá con quỷ cáu la:
– Trời, sao đau thế, bà làm gì đấy?
Bà lão đáp:
– Xin đừng cáu giận nhé. Tôi đang mơ bỗng giật mình tỉnh dậy đấy.
Con quỷ hỏi:
– Lại mộng gì thế?
– Trong mơ tôi thấy ở vương quốc có một cây táo đang tươi tốt, ra toàn quả vàng, bỗng dưng nó tàn lụi, một cái chồi, một cái lá cũng không có, thế là nguyên nhân tại sao?
– Có gì đâu, ở đời nếu biết thì đâu có nên chuyện. Có một con chuột đang gặm gốc cây. Giết con chuột đó đi thì cây lại ra quả vàng. Nếu cứ để chuột gặm rễ cây như thế thì cây sẽ lụi chết hẳn. Này, nhưng bà đừng có mộng mị gì nữa nhé, để cho tôi ngủ yên tí nào, nếu còn đánh thức tôi dậy nữa tôi cho cái bạt tai đấy.
Bà lão hứa sẽ để ngủ yên và lại bắt chấy cho nó. Khi nó ngủ đã say và ngáy, bà cầm chặt chân một chiếc tóc và nhổ sợi tóc thứ vàng ba.
Đau quá con quỷ vung tay vùng dậy toan bạt tai bà lão, bà lão ngọt lành với nó:
– Khổ nỗi toàn ác mộng thì biết làm thế nào?
Con quỷ trở nên tò mò, nó hỏi:
– Thế bà mộng thấy gì mà ghê vậy?
– Trong mơ tôi nghe thấy một người chèo đò than rằng tại sao bác ta lại cứ phải chèo đò chở khách qua lại mãi mà không có người tới thay. Ai là người gây ra chuyện ấy nhỉ?
Con quỷ đáp:
– Trời, sao ngốc vậy. Nếu có khách nào muốn qua sông, thì hắn chỉ việc ấn mái chèo vào tay người ấy để họ chèo lấy, thế là hắn thoát nợ. Người kia sẽ thay hắn nghề chở đò.
Giờ thì mọi việc đã xong, ba sợi tóc vàng đã nhổ được, ba câu hỏi cũng đã được giải đáp, bà lão để con quỷ ngủ yên lành một mạch tới sáng.
Khi con quỷ lại ra đi và đi khuất khỏi nhà, bà liền bắt con kiến trong nếp váy ra, hóa phép biến nó lại nguyên hình người.
Bà nói:
– Đây là ba sợi tóc vàng ta lấy cho con. Còn ba câu trả lời thì chắc con đã nghe rõ khi con quỷ nói.
Chàng đáp:
– Vâng, con có nghe được những điều nó nói. Chắc con không quên những điều ấy.
Bà lão nói tiếp:
– Việc coi như ta đã giúp xong. Giờ con có thể đi việc con được rồi.
Chàng chân thành cảm ơn bà lão đã giúp chàng vượt được những khó khăn trong cơn nguy khốn.
Chàng rời ngay âm phủ, thẳng hướng đi về nhà, trong lòng vui phơi phới vì mọi việc đều được như ý.
Khi chàng gặp lại bác lái đò, bác xin chàng nói cho biết câu giải đáp mà chàng đã hứa khi trước. Chàng tốt số nói:
– Bác chở tôi sang bờ bên kia cái đã, lúc đó tôi sẽ nói cách bác thoát nợ chở đò.
Đặt chân lên tới bờ bên kia, chàng nói với bác lái đò câu giải đáp của con quỷ:
– Khi nào lại có người đi đò qua sông, bác hãy ấn mái chèo vào tay người ấy.
Chàng tốt số lại tiếp tục cuộc hành trình, đến thành phố nơi có cây trụi quả, lính canh cũng đang đứng chờ chàng nói cho biết cách giải. Chàng nhắc lại cho họ biết những điều chính chàng nghe con quỷ nói:
– Hiện có một con chuột đang gặm rễ cây. Hãy giết nó đi, sau đó cây lại ra những quả táo vàng.
Lính canh cám ơn chàng rối rít, để tưởng thưởng công cho chàng họ biếu hai con lừa tải nặng vàng.
Sau cùng chàng tới thành phố có giếng bị cạn khô, chàng nói cho lính canh biết con quỷ đã nói gì về chuyện này:
– Ở dưới đáy giếng có một con cóc ngồi nấp sau một hòn đá to, phải tìm nó giết đi, sau đó rượu vang lại chảy tuôn ra nhiều như xưa.
Lính canh cám ơn chàng và biếu chàng hai con lừa chở nặng vàng.
Đi mãi, đi hoài, cuối cùng chàng cũng về tới nhà. Người vợ mừng vui khôn xiết vì những ý định của chồng khi ra đi đều toại nguyện.
Ba sợi tóc vàng của quỷ mà nhà vua nói chàng cũng có trong tay, giờ chàng đem dâng lên vua. Nỗi vui mừng của nhà vua càng tăng lên khi nhìn thấy sau lưng chàng là bốn con lừa tải năng vàng. Nhà vua nói:
– Con đã thực hiện xong những điều kiện ta đặt ra, giờ con có thể sánh vai cùng công chúa. Con rể yêu quý ơi, con lấy đâu ra nhiều vàng thế? Con hãy nói cho ta hay đi. Chỗ này đúng là một kho báu vô giá.
Chàng thưa:
– Những thứ này con lấy ở bên kia sông, thay vì là cát thì ở đó toàn là vàng.
Máu tham nổi lên, nhà vua hỏi:
– Ta có thể đến đó được không?
Chàng rể đáp:
– Bẩm bệ hạ muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Bệ hạ bảo người chở đò đưa sang bờ bên kia, ở đó bệ hạ có thể đổ đầy bao lớn bao nhỏ mang theo.
Ông vua tham lam vội lên đường ngay. Khi tới bờ sông, nhà vua vẫy gọi lái đò để qua sông. Đò cập bến, người lái đò mời nhà vua xuống thuyền. Khi cập bến bờ bên kia, bác lái đò ấn mái chèo vào tay vua, rồi nhảy thoát lên bờ. Vì tham lam nên phải chịu tội. Giờ đây nhà vua phải chèo đò chở khách qua sông.
– Thế giờ nhà vua có còn chèo đò nữa không?
– Không chính nhà vua thì còn ai nữa! Chẳng có một ai cầm mái chèo đò thay vua cả!
30. Rận và bọ chó
Rận và bọ chó cùng nhau nấu bia bằng vỏ trứng. Rận té ngã vào lửa và bị chết thiêu. Bọ chó lăn ra khóc thương bạn. Cánh cửa buồng hỏi bọ chó:
– Tại sao anh lại khóc, anh Bọ chó?
– Vì Rận bị chết thiêu.
Và thế là Cánh cửa bắt đầu kêu kẽo kẹt. Chổi ở trong góc nhà hỏi:
– Tại sao lại kẽo kẹt thế, anh Cánh cửa?
– Tôi không kẽo kẹt sao được
Rận bị chết thiêu,
Bọ chó thương khóc.
Thế là chổi vung tứ phía quét. Một chiếc xe lăn qua thấy vậy hỏi:
– Tại sao anh lại vung lên thế, anh Chổi?
– Tôi không vung lên sao được
Rận bị chết thiêu,
Bọ chó thương khóc,
Cửa kêu kẽo kẹt.
Lúc đó chiếc xe nói:
– Thế tôi phải chạy nhỉ?
Rồi xe chạy băng băng. Đống phân thấy xe chạy qua liền hỏi:
– Tại sao lại chạy, anh Xe?
– Tôi không chạy sao được
Rận bị chết thiêu,
Bọ chó thương khóc,
Cửa kêu kẽo kẹt.
Chổi vung tứ phía.
Đống phân nói:
– Thế tôi phải bừng cháy nhỉ?
Rồi Đống phân rực cháy. Cây đứng cạnh đó hỏi:
– Tại sao lại bùng cháy thế, anh Phân?
– Tôi không cháy sao được
Rận bị chết thiêu,
Bọ chó thương khóc,
Cửa kêu kẽo kẹt.
Chổi vung tứ phía.
Xe chạy băng băng.
Cây nói:
– Thế thì tôi phải đung đưa nhỉ?
Rồi cây đung đưa mạnh tới mức lá cây rụng hết. Một cô gái mang bình đi lấy nước, thấy thế hỏi:
– Tai sao lại đung đưa thế, anh Cây?
– Tôi không đung đưa sao được
Rận bị chết thiêu,
Bọ chó thương khóc,
Cửa kêu kẽo kẹt.
Chổi vung tứ phía.
Xe chạy băng băng.
Đống phân bùng cháy.
Cô gái nói:
– Thế tôi phải đập vỡ bình đi nhỉ?
Rồi cô gái đập vỡ cái bình. Dòng suối thấy thế hỏi:
– Tại sao lại đập vỡ cái bình thế, cô gái?
– Tôi không đập sao được
Rận bị chết thiêu,
Bọ chó thương khóc,
Cửa kêu kẽo kẹt.
Chổi vung tứ phía.
Xe chạy băng băng.
Đống phân bùng cháy.
Cây rung rung đưa.
Suối nói:
– Ái chà, thế thì ta phải chảy nhỉ?
Rồi nước suối chảy, mỗi lúc một mạnh hơn và cuốn theo tất cả: cô gái, cây, đống phân, xe, chổi, cửa, rận và bọ chó.
31. Bác thợ xay bột và con quỷ
Ngày xưa có một bác thợ xay bột. Bác ngày càng trở nên nghèo túng. Gia tài của bác giờ đây chỉ có cối xay và cây táo sau nhà.
Có lần bác vào rừng kiếm củi, bỗng có một ông cụ bước tới nói:
– Bác làm gì phải khổ như thế này. Tôi sẽ làm cho bác giàu có, nhưng bác phải hứa cho tôi cái đứng đằng sau cái cối xay.
Bác nghĩ:
– Đứng sau cái cối xay chẳng có gì khác ngoài cây táo.
Rồi bác nói:
– Cũng được.
Nghe bác hứa, ông cụ cười mỉa và nói:
– Ba năm nữa tôi sẽ đến lấy cái bác hứa với tôi.
Và ông đi mất. Về tới nhà, bác thợ xay bột gặp vợ ra đón và hỏi:
– Ông nói cho tôi biết đi tại sao tự nhiên tiền của đầy ắp nhà, chẳng thấy bóng người nào tới nhà mà tất cả tủ, rương đầy tiền của. Tôi chẳng hiểu sao lại như vậy?
Bác đáp:
– Có một ông cụ lạ mặt tôi gặp ở trong rừng, ông cụ hứa sẽ giúp tôi giàu có. Còn tôi hứa cho ông cụ cái đứng sau cái cối xay. Tất nhiên có thể cho ông cụ cây táo.
Vợ hoảng sợ nói:
– Trời, ông ơi là ông. Đó là con quỷ. Nó đâu có nghĩ tới cây táo. Ý nó đòi con gái chúng ta, nó hay quét dọn sau cái cối xay.
Con gái bác thợ xay bột vừa xinh lại vừa ngoan. Ở nhà cô hết sức nghe lời bố mẹ.
Thấm thoát thời gian ba năm cũng trôi qua. Ngày con quỷ tới bắt cô đi đã tới, cô tắm rửa sạch sẽ, đứng vào giữa vùng nguyệt quế vẽ bằng phấn. Con quỷ tới rất sớm, nhưng nó không làm sao tới gần được. Nó nổi giận nói với bác thợ xay bột:
– Phải đổ hết nước đi, để cho con gái ông không tắm rửa được. Có thế thì ta mới bắt đi được.
Bác thợ xay bột hoảng sợ, đem đổ hết nước đi.
Sáng sớm ngày hôm sau con quỷ tới. Trước đó cô gái đã khóc nhiều, lấy tay chùi nước mắt, vì thế con quỷ cũng không sao lại gần cô được. Nó nổi nóng, quát bác thợ xay bột:
– Chặt hai tay nó đi, không ta không sao lại gần được!
Kinh hoàng, bác thợ xay bột nói:
– Có ai lại đi chặt tay con bao giờ!
Con quỷ nói dọa:
– Nếu không làm thì ta bắt chính ngươi đó.
Bác thợ xay bột đâm ra khiếp sợ, bác hứa sẽ làm theo lời quỷ. Bác nói với con gái:
– Con ơi, nếu cha không chặt tay con, quỷ sẽ bắt cha đi. Trong lúc khiếp sợ cha đã hứa làm việc đó. Con hãy tha thứ cho cha, nếu cha làm việc đó.
Cô con gái nói:
– Cha yêu quý, con là con, cha cứ làm đi.
Rồi cô đưa hai tay ra cho chặt. Cô gái cũng khóc nhiều nên nước mắt thấm ướt hết bí tất vớ.
Khi con quỷ tới thì nó cũng không sao tới gần được, nhưng nó chẳng còn quyền gì với cô nữa.
Bác thợ xay bột nói với con gái:
– Cha trở nên giàu có nhờ con, vì vậy cha muốn hết sức chăm sóc thương yêu con.
Cô con gái thưa:
– Thưa cha, con không thể ở lại đây, con phải ra đi. Những người tốt bụng sẽ cho con những gì con cần.
Cô để cho buộc hai cánh tay rời vào sau lưng. Khi mặt trời mọc thì cô lên đường, cô đi suốt cả ngày. Cho tới khi tối trời thì cũng là lúc cô tới bên cạnh vườn ngự uyển. Dưới ánh trăng mờ ảo cô nhìn thấy cây trong vườn rất sai quả. Bao quanh vườn là hào nước, làm sao cô có thể bước sang được! Cô đi suốt ngày không nghỉ, không ăn, không uống, nên giờ người vừa đói vừa mệt. Cô nghĩ bụng:
– Trời, nếu mình ở trong vườn thì có thể ăn trái cây cho đỡ đói. Nếu không có lẽ mình sẽ chết đói.
Cô quỳ xuống cầu Chúa. Bỗng có Thiên thần tới mở cửa tháo nước, thế là con hào chạy quanh khu vườn cạn, cô có thể lội bước sang bên vườn ngự uyển. Thiên thần đi cùng với cô sang vườn ngự uyển. Cô hái một quả lê ăn cho đỡ đói. Lê trong vườn được đếm đi đếm lại nhiều lần nên ai ăn là biết ngay. Người coi vườn nhìn thấy bóng người hái lê, nhưng lại thấy có bóng Thiên thần đứng bên cạnh nên cứ tưởng cô gái là ma, người coi vườn nín lặng sợ hãi.
Ăn lê xong, cô gái lại bụi cây gần đó ngủ. Sáng hôm sau, khi ra vườn thượng uyển nhà vua thấy thiếu lê nên hỏi người coi vườn, tại sao lê lại thiếu, nếu lê rụng thì tại sao không có ở dưới gốc cây. Người coi vườn thưa:
– Đêm qua có con ma không tay xuất hiện, nó đưa mồm cắn ăn quả lê.
Nhà vua lại hỏi:
– Thế làm sao mà ma lại qua được hào nước sâu? Ăn xong lê thì nó đi đâu?
Người coi vườn thưa:
– Có người mặc đồ trắng như tuyết bay từ trên trời xuống mở cửa cổng tháo nước làm cạn con hào chạy quanh vườn thượng uyển. Vì vậy nên ma mới qua được vườn thượng uyển. Người mặc đồ trắng có lẽ là Thiên thần, thần sợ quá nên không nói được lên lời, mà cũng không dám la lên. Sau khi ăn xong, con ma lại đi mất.
Nhà vua nói:
– Nếu đúng như vậy thì đêm nay Trẫm ở đây canh chừng.
Khi màn đêm buông xuống, nhà vua cùng với một linh mục tới vườn thượng uyển. Linh mục sẽ nói chuyện với con ma. Nhà vua, linh mục và người coi vườn nấp dưới gốc cây quan sát. Đúng giữa đêm khuya thì cô gái bước ra khỏi bụi cây đến bên cây lê cắn ăn. Đứng cạnh cô là Thiên thần mặc đồ trắng. Linh mục bước tới hỏi:
– Mi được Chúa gởi tới đây hay mi là người trần tục?
Cô gái đáp:
– Tôi chẳng phải là ma, tôi là một người nghèo đáng thương bị mọi người ruồng bỏ, nhưng Chúa không ruồng bỏ tôi.
Nhà vua nói:
– Nếu cô bị mọi người ruồng bỏ thì ta đây không ruồng bỏ cô.
Nhà vua đón cô về hoàng cung. Nhà vua rất thương yêu cô, vì cô không những xinh đẹp, mà tính tình hết sức dịu dàng. Nhà vua sai làm cho cô hai cánh tay bằng bạc. Rồi sau đó tổ chức đám cưới.
Năm sau có giặc nên nhà vua phải cầm quân ra trận. Trước khi đi nhà vua nói với thái hoàng hậu:
– Khi nào hoàng hậu sinh thì mẫu hậu thay mặt con chăm sóc và viêt ngay thơ cho con.
Hoàng hậu sinh con trai. Thái hoàng hậu viết ngay thơ báo tin mừng. Sau chặng đường dài, người đưa thơ mệt ngồi nghỉ bên suối rồi thiu thiu ngủ thiếp đi. Con quỷ vốn muốn hại thái hoàng hậu, nó tới tráo thơ, trong thơ nó viết, hoàng hậu sinh ra một con quỷ đực.
Nhà vua giật mình hoảng sợ khi đọc thơ, nhà vua đâm ra buồn rầu, nhưng nhà vua vẫn viết thơ dặn chăm sóc đứa bé chu đáo cho tới khi nhà vua trở về hoàng cung. Người đưa thơ lúc trở về cũng ngủ ngay bên suối. Con quỷ lại tới tráo thơ, trong thơ nó viết, phải giết đứa bé và hoàng hậu đi. Thái hoàng hậu rất hoảng sợ khi đọc bức thơ, bà không thể tin được nên viết ngay thơ cho nhà vua, nhưng một lần nữa bà lại nhận được thơ mà con quỷ đã tráo, trong thơ viết, thái hoàng hậu phải cắt lưỡi, khoét mắt giữ lại để làm tin.
Hoàng thái hậu khóc rất nhiều, vì bà không muốn cảnh thương tâm ấy xảy ra ở ngay chính cháu mình. Đêm bà sai người giết hươu lấy lưỡi và mắt, xong bà bảo hoàng hậu:
– Ta không thể giết hai mẹ con theo lệnh trong thơ của nhà vua. Con không thể ở lại đây được nữa. Hãy đi nơi khác thật xa và đừng bao giờ quay trở lại đây.
Con buộc sau lưng, hoàng hậu vừa đi vừa khóc. Hoàng hậu đáng thương tới một cánh rừng lớn, nàng quỳ xuống lạy Chúa. Thiên thần bay tới, dẫn nàng tới một căn nhà, ở cửa có treo bảng với dòng chữ “Ai cũng có thể ở đây được.” Một người đàn bà mặc đồ trắng như tuyết bước ra nói:
– Xin nhiệt liệt đón chào hoàng hậu!
Bà đón hoàng hậu vào nhà. Bà cởi đỡ đứa bé khỏi lưng hoàng hậu, ẳm đứa bé và cho nó bú. Rồi đặt đứa bé ngủ trên chiếc giường nhỏ xinh. Lúc ấy, hoàng hậu hỏi:
– Tại sao bà biết tôi là hoàng hậu?
Bà mặc đồ trắng đáp:
– Tôi là Thiên thần được Chúa phái tới để chăm sóc hoàng hậu và hoàng tử.
Hoàng hậu sống ở trong căn nhà đó bảy năm trong cảnh an nhàn, sung sướng. Vì bà dịu hiền và được Chúa thương nên hai cánh tay mọc lại như lúc trước.
Sau chinh chiến, nhà vua trở về hoàng cung. Việc đầu tiên là nhà vua muốn được gặp hoàng hậu và hoàng tử. Khi nghe nhà vua nói, hoàng thái hậu òa lên khóc nói:
– Con sao lại độc ác vậy! Con ra lệnh phải giết cả hai phải không?
Rồi hoàng thái hậu đưa hai lá thơ cho nhà vua xem và nói:
– Mẹ đã làm đúng như lời dặn trong thơ.
Và bà đưa cho nhà vua xem lưỡi và mắt. Giờ đến nhà vua òa to lên khóc nức nở, nhà vua khóc thảm thiết tới mức hoàng thái hậu phải động lòng nói:
– Con cứ yên tâm. Hoàng hậu và hoàng tử còn sống. Mẹ sai giết hươu để lấy mắt và lưỡi để làm tin, và bảo hoàng hậu hãy địu con đi tới phương trời xa và đừng bao giờ quay trở lại nơi đây, vì nhà vua đang cơn thịnh nộ.
Nhà vua nói:
– Để con đi tới tận cùng trời cuối biển tìm hoàng hậu và hoàng tử, con sẽ không ăn, uống cho tới khi tìm được mới thôi, chỉ trừ khi hai mẹ con chết dọc đường vì đói khát.
Ngay sau đó nhà vua lên đường đi tìm. Nhà vua tìm khắp chốn mọi nơi, tìm suốt bảy năm, tìm cả ở những khe núi cũng như các hang động, nhưng chẳng thấy tăm hơi hai mẹ con. Suốt thời gian đi tìm nhà vua chẳng hề ăn uống, cũng may nhờ trời thương hại nên vẫn đi tiếp được. Cuối cùng nhà vua tới một khu rừng lớn thì thấy một căn nhà nhỏ có treo bảng “Ai cũng có thể ở đây được.” Rồi có một người mặc đồ trắng bước ra dắt tay nhà vua và nói:
– Xin nhiệt liệt đón chào nhà vua!
Rồi hỏi nhà vua từ đâu tới. Nhà vua kể:
– Trẫm đã bảy năm đi khắp đó đây tìm hoàng hậu và hoàng tử, nhưng không tìm thấy.
Thiên thần mời nhà vua ăn uống, nhưng nhà vua không ăn, chỉ nằm, lấy khăn che mặt và ngủ thiếp đi một giấc. Thiên thần vào buồng trong gặp hoàng hậu và cậu con trai Buồn Phiền (đó là cái tên mà hoàng hậu đặt cho con trai của mình). Thiên thần bảo:
– Hãy ra buồng ngoài cùng với con trai để gặp lại người nhà.
Hoàng hậu cùng con trai bước ra thì thấy nhà vua nằm, khăn che mặt rớt dưới đất. Hoàng hậu bảo con trai:
– Buồn Phiền, con nhặt chiếc khăn cho cha và đậy che mặt để cha ngủ.
Cậu con trai nhặt chiếc khăn che mặt cho cha. Trong lúc mơ mơ màng màng nhà vua nghe được câu chuyện mọi người nói với nhau nên giả vờ để khăn lại rớt xuống đất. Cậu bé bực mình nói với mẹ:
– Mẹ ơi, con làm gì có cha ở trên trần gian này, người kia chắc không phải là cha con, cha con là Đức chúa trời cơ mà, mẹ vẫn thường dạy con là cha ở trên trời cơ mà.
Nghe đến đây, nhà vua bật ngồi dậy và hỏi hai người là ai mà đứng đó. Hoàng hậu nói:
– Thần là hoàng hậu. Đó là con trai Buồn Phiền.
Nhìn thấy hoàng hậu lại có tay như bình thường, nhà vua hỏi:
– Hoàng hậu có đôi tay bằng bạc cơ mà.
Hoàng hậu đáp:
– Chúa thương tình nên cho mọc lại đôi tay.
Thiên thần vào buồng trong lấy đôi tay bằng bạc đưa cho nhà vua xem. Lúc bấy giờ nhà vua mới tin. Nhà vua ôm hôn hoàng hậu và hoàng tử. Nhà vua vui mừng nói:
– Giờ như trút được hòn đá nặng đè tim.
Thiên thần dọn cơm để tất cả cùng ăn. Rồi tất cả cùng lên đường về với thái hoàng hậu. Khắp nơi tưng bừng ca hát. Nhà vua cùng hoàng hậu lại tổ chức cưới lần nữa và vui sống tới khi về thế giới bên kia.
32. Chàng Hansen khôn ngoan
Mẹ Hansen hỏi:
– Đi đâu đấy Hansen?
Hansen đáp:
– Con đến Gretel.
– Ờ thế con đi cho được việc, Hansen.
– Thế nào cũng được việc mẹ ạ, con xin phép mẹ con đi nhé.
– Ờ đi đi con Hansen.
Tới nơi Hansen nói:
– Xin chào Gretel.
– Xin chào anh Hansen thân mến.
Gretel tặng Hansen chiếc kim khâu. Hansen nói:
– Xin tạm biệt người đẹp Gretel.
– Xin tạm biệt anh Hansen thân mến.
Hansen cầm chiếc kim găm vào xe chở rơm, rồi đi theo xe chở rơm về nhà.
– Con xin chào mẹ của con.
– Con đã về đấy à, Hansen. Con ở đâu về đó?
– Con ở chỗ Gretel.
– Con mang cho nó cái gì đấy?
– Con chẳng mang cho cái gì cả, con lại còn được tặng quà nữa.
Thế Gretel tặng con cái gì?
– Tặng con chiếc kim khâu.
– Con để chiếc kim ở đâu, Hansen?
– Con găm ở xe chở rơm.
– Sao con ngu vậy, cài kim vào ống tay áo chứ.
– Chẳng sao mẹ ạ, rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn.
– Thế giờ con lại đi đâu?
– Thưa mẹ, con đến Gretel.
– Ờ thế con đi cho được việc, Hansen.
– Thế nào cũng được việc mẹ ạ, con xin phép mẹ con đi.
– Ờ đi đi con, Hansen.
Tới nơi Hansen nói:
– Xin chào Gretel.
– Xin chào anh Hansen, có gì không anh?
– Chẳng có gì cả, có gì tặng anh không?
Gretel tặng Hansen một con dao.
– Xin tạm biệt người đẹp Gretel.
– Xin tạm biệt anh Hanxơ thân mến.
Hanxơ cầm dao cài vào nếp xắn tay áo và đi về nhà.
– Con xin chào mẹ con đã về.
– Con đã về đấy à, Hansen. Con ở đâu về đó?
– Con ở chỗ Gretel.
– Con mang cho nó cái gì đấy?
– Con chẳng mang cho cái gì cả, con lại còn được tặng quà nữa.
– Thế Gretel tặng con cái gì?
– Tặng con một con dao.
– Con để con dao ở đâu, Hansen?
– Cài ở nếp gấp xắn tay áo.
– Sao con ngu vậy, sao không bỏ dao vào trong túi.
– Chẳng sao mẹ ạ, rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn.
– Thế giờ con lại đi đâu?
– Thưa mẹ, con đến Gretel.
– Ờ thế con đi cho được việc, Hansen.
– Thế nào cũng được việc mẹ ạ, con xin phép mẹ con đi nhé.
– Ờ đi đi con Hansen.
Tới nơi Hansen nói:
– Xin chào Gretel.
– Xin chào anh Hansen, có gì không anh?
– Chẳng có gì cả, có gì tặng anh không.
Gretel tặng Hansen một con dê con.
– Xin tạm biệt người đẹp Gretel.
– Xin tạm biệt anh Hansen thân mến.
Hansen lấy dây buộc bốn chân dê con, cho nó vào trong túi rồi thít nút lại. Về tới nhà thì dê con đã chết ngạt.
– Xin chào mẹ con đã về.
– Con đã về đấy à, Hansen. Con ở đâu về đó?
– Con ở chỗ Gretel.
– Con mang cho nó cái gì đấy?
– Con chẳng mang cho cái gì cả, con lại còn được tặng quà nữa.
– Thế Gretel tặng con cái gì?
– Tặng con một con dê.
– Thế dê đâu rồi, Hansen?
– Con cho vào trong túi mang về.
– Sao con ngu vậy, lần sau lấy thừng buộc dắt dê về nhé.
– Chẳng sao mẹ ạ, rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn.
– Thế giờ con lại đi đâu, Hansen?
– Thưa mẹ, con đến Gretel.
– Ờ thế con đi cho được việc, Hansen.
– Thế nào cũng được việc mẹ ạ, con xin phép mẹ con đi.
– Ờ đi đi con Hansen.
Tới nơi Hansen nói:
– Xin chào Gretel.
– Xin chào anh Hansen, có gì không anh?
– Chẳng có gì cả, có gì tặng anh không.
Gréthên tặng Hansen một tảng mỡ lợn.
– Xin tạm biệt người đẹp Gretel.
– Xin tạm biệt anh Hansen thân mến.
Hansen lấy dây buộc tảng mỡ và kéo lê sau người. Lũ chó trong làng trông thấy, chúng chạy theo và cắn tha mất tảng mỡ lợn. Về tới nhà Hansen vẫn tay giữ dây, nhưng chỉ là dây không.
– Xin chào mẹ con đã về.
– Con đã về đấy à, Hansen. Con ở đâu về đó?
– Con ở chỗ Gretel.
– Con mang cho nó cái gì đấy?
– Con chẳng mang cho cái gì cả, con lại còn được tặng quà nữa.
– Thế Gretel tặng con cái gì?
– Tặng con một miếng mỡ lợn.
– Thế miếng mỡ lợn đâu rồi, Hansen?
– Con buộc nó vào dây, rồi kéo lê nó về nhưng chó đớp mất.
– Sao con ngốc thế, Hansen, sao không đội lên đầu.
– Chẳng sao mẹ ạ, rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn.
– Thế giờ con lại đi đâu, Hansen?
– Thưa mẹ, con đến Gretel.
– Ờ thế con đi cho được việ, Hansen.
– Thế nào cũng được việc mẹ ạ, con xin phép mẹ con đi.
– Ờ đi đi con Hansen.
Tới nơi Hansen nói:
– Xin chào Gretel.
– Xin chào anh Hansen, có gì không anh?
– Chẳng có gì cả, có gì tặng anh không.
Gréthên tặng Hansen một con bê.
– Xin tạm biệt người đẹp Gretel.
– Xin tạm biệt anh Hanxơ thân mến.
Hanxơ nâng bổng con bê để lên đầu đội, bị nhột và chới với bê con đạp lung tung làm cho Hansen xây xát khắp mặt.
– Xin chào mẹ con đã về.
– Con đã về đấy à, Hansen. Con ở đâu về đó?
– Con ở chỗ Gretel.
– Con mang cho nó cái gì đấy?
– Con chẳng mang cho cái gì cả, con lại còn được tặng quà nữa.
Thế Gretel tặng con cái gì?
– Tặng con một con bê.
– Thế con bê đâu rồi, Hansen?
– Con đội đầu mang nó về, nó đạp con xây xát hết cả mặt.
– Sao con ngốc thế, Hansen, sao không dắt nó về nhà rồi buộc vào trong chuồng bò ấy.
– Chẳng sao mạ ạ, rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn.
– Thế giờ con lại đi đâu, Hansen?
– Thưa mẹ, con đến Gretel.
– Ờ thế con đi cho được việc, Hansen.
– Thế nào cũng được việc mẹ ạ, con xin phép mẹ con đi.
– Ờ đi đi con Hansen.
Tới nơi Hansen nói:
– Xin chào Gretel.
– Xin chào anh Hansen, có gì không anh?
– Chẳng có gì cả, có gì tặng anh không.
Gretel nói với Hansen:
– Em muốn đi với anh về nhà.
Hansen buộc tay Gretel vào dây và dắt về nhà, buộc dây vào cột chuồng bò rồi vào chào mẹ:
– Xin chào mẹ con đã về.
– Con đã về đấy à, Hansen. Con ở đâu về đó?
– Con ở chỗ Gretel.
– Con mang cho nó cái gì đấy?
– Con chẳng mang cho cái gì cả.
– Thế Gretel tặng con cái gì?
– Chẳng cho con cái gì cả, đi theo con về nhà.
– Thế con để Gretel đứng ở đâu?
– Con lấy dây buộc cổ tay, dắt về nhà, buộc trước chuồng bò và vứt cho nắm cỏ khô.
– Sao con ngốc thế, Hansen. Con phải lấy mắt đưa tình chứ.
– Chẳng sao mẹ ạ, con xin làm ngay.
Hansen vào ngay trong chuồng, chọc lấy mắt bê, mắt cừu, rồi đưa những thứ đó sát tận mặt Gretel. Gretel nổi giận, giựt đứt dây và chạy mất.
Người yêu của Hansen là thế đó.