Một chú thợ học việc đi khắp nơi tìm việc nhưng chẳng có một ai thuê. Đúng lúc trong túi chú không còn đến một đồng trinh thì chú gặp một người Do Thái, chú nghĩ chắc dân Do Thái có nhiều tiền nên đi thẳng tới dọa:
– Đưa tiền đây không toi mạng bây giờ.
Người Do Thái kia đáp:
– Hãy để tôi sống, tôi có đây tám trinh.
– Tiền có mà không chịu đưa cho tao.
Nói thế rồi chú thợ học nghề túm ngay người Do Thái kia nện cho một trận tới lúc người kia mềm nhũn mới thôi. Trước lúc chết người Do Thái kia nói thều thào:
– Chuyện này có Trời chứng giám.
Chú thợ học nghề lần túi người kia, chú lấy được đúng tám trinh, đúng như lời người kia nói. Chú kéo xác người kia giấu vào trong bụi cây rồi lại lên đường.
Tới thành kia chú tìm được một người thợ cả nhận, chú đem lòng yêu ngay con gái người thợ cả. Hai người lấy nhau và sống rất hạnh phúc.
Khi hai vợ chồng có được hai người con thì bố mẹ vợ cũng qua đời.
Một buổi sáng kia, người vợ mang cà phê lên cho chồng, nhìn ánh sáng mặt trời lóng lánh trên mặt cốc nước cà phê, người chồng nói:
– Có Trời chứng giám, Trời nào chứng giám hử?
Nghe thấy nói thế, người vợ hỏi chồng:
– Trời, cái gì thế hở mình? Thế có nghĩa là thế nào?
Người chồng nói:
– Anh không thể nói cho em biết về điều đó được.
– Nếu anh thực lòng thương em thì sao anh lại không thể nói cho em biết được nhỉ.
Rồi người vợ hứa sẽ không kể tiếp cho ai biết câu chuyện giữa hai người, và cứ gặng hỏi mãi. Người chồng đành kể khi xưa lúc túng quẫn mình có đánh chết một người Do Thái, trước lúc chết người ấy có nói:
– Chuyện này có Trời chứng giám.
Nhìn ánh mặt trời lóng lánh người chồng nhớ tới chuyện khi xưa, nghĩ rằng làm gì có Trời nào chứng giám ở đây. Kể xong người chồng còn dặn vợ tuyệt đối không được kể cho một ai biết. Người vợ hứa sẽ giữ kín miệng.
Một hôm tới thăm bà cô, vui miệng người vợ kể cho cô câu chuyện và dặn bà đừng kể cho ai biết câu chuyện ấy. Chưa đầy ba ngày sau, cả thành phố biết chuyện. Người chồng bị giải ra tòa và phải chịu tội xử trảm. Đúng là “Có Trời chứng giám.”
Danh mục: Truyện cổ Grim
Truyện cổ Grim
116. Ngọn đèn xanh
Ngày xửa ngày xưa có một người lính tận tụy phục vụ nhà vua gần hết cả đời người. Những cuộc chinh chiến rồi cũng kết thúc, người lính ấy bị thương tích nhiều nên không thể phụng sự tiếp tục được nữa. Vua cho gọi người lính ấy đến và phán:
– Ngươi có thể trở về quê cũ làm ăn. Ta chẳng cần đến ngươi nữa. Từ nay trở đi ngươi không được nhận tiền nữa. Ta chỉ trả tiền cho những ai đang phụng sự ta.
Lúc bấy giờ người lính không biết tính kế sinh nhai trong những ngày tới như thế nào. Lòng nặng trĩu lo âu, bác đi lang thang suốt ngày, chập tối thì tới một khu rừng. Khi bóng đêm bao phủ khắp cánh rừng, bác nhìn thấy có ánh đèn ở phía xa xa, lại gần thì ra đó là nhà một mụ phù thủy. Bác nói với mụ:
– Xin bà hãy rủ lòng thương cho tôi nghỉ qua đêm nay ở đây, cho tôi ăn uống qua loa chút đỉnh kẻo tôi sẽ chết vì đói khát.
Mụ đáp:
– Ối dào, ai hơi đâu mà đi nuôi một tên lính bị thải hồi. Ta vốn hay thương người, nhưng ta chỉ nhận nếu mi sẵn sàng làm những điều ta sai khiến.
Người lính hỏi:
– Bà muốn sai khiến tôi làm việc gì?
– Sáng sớm mai mi ra cuốc vườn cho ta.
Người lính bằng lòng. Hôm sau bác ta làm cật lực nhưng đến chiều tối vẫn chưa cuốc xong mảnh vườn.
Mụ phù thủy nói:
– Ta biết ngay là ngươi không thể làm hơn được nữa. Ta sẵn lòng để mi ở lại đây đêm nay nữa, để đền đáp công ơn đó, ngày mai mi phải bổ cho ta một xe ngựa củi.
Người lính làm việc quần quật suốt ngày mới bổ xong xe ngựa củi. Tối đến, mụ phù thủy bảo bác ở lại đêm nữa. Mụ nói:
– Ngày mai mi giúp ta việc này: Đằng sau nhà ta có một cái giếng khô đã cạn, ta có đánh rơi xuống đáy giếng một cây đèn, cây đèn đó sáng xanh, không bao giờ tắt. Mi hãy lấy cây đèn ấy lên cho ta.
Ngày hôm sau mụ già dẫn người lính ra bờ giếng, bảo bác ngồi vào một cái sọt, rồi thòng dây xuống. Lấy được cây đèn xanh, bác ra hiệu để mụ kéo lên. Mới kéo tới miệng giếng, mụ đã giơ tay đòi giữ lấy cây đèn. Người lính thấy ngay được tà ý của mụ. Bác nói:
– Không thể được. Tôi chỉ đưa cây đèn khi nào cả hai chân tôi đã đặt lên thành giếng.
Mụ phù thủy nổi giận đùng đùng, buông luôn sợi dây để người lính lại rơi xuống đáy giếng. Mụ bỏ đi, không hề nói lấy một lời.
Người lính khốn khổ kia rơi xuống đất ẩm xốp nên không bị xây xát gì. Ngọn đèn vẫn cháy, nhưng điều đó đâu có giúp bác được gì? Bác biết có lẽ mình không thoát khỏi tay thần chết. Bác ngồi một lúc lâu, ruột gan rối bời. Tình cờ, trong khi thò tay vào túi quần, bác tìm thấy một cái tẩu, thuốc đã nhồi một nửa. Bác thầm nghĩ:
– Chắc đây là thú vui cuối cùng của đời mình.
Lấy tẩu ra, bác châm vào ngọn đèn xanh, rồi ngồi ngậm tẩu, rít vài hơi.
Khi khói thuốc bay tỏa khắp giếng, bỗng xuất hiện một người đen xì, người đó đứng ngay trước mặt người lính và hỏi:
– Xin ông cho biết, ông có điều chi sai bảo ạ?
Người lính sửng sốt trước sự việc ấy, mãi sau mới nói:
– Ta mà lại có điều cần sai khiến anh ư?
Người tí hon nói:
– Tôi có trách nhiệm thực hiện tất cả những điều ông muốn.
Người lính thốt lên:
– Thế thì hay quá! Trước hết, hãy giúp ta ra khỏi giếng.
Người tí hon đen xì kia dắt bác lính già đi qua một con đường hầm ngầm trong lòng đất, nhưng cũng không quên đem theo cây đèn sáng xanh. Dọc đường đi, người đó chỉ cho bác lính biết kho vàng mà mụ phù thủy mang về đây cất giấu bấy lâu nay. Người lính muốn mang đi bao nhiêu cũng được.
Lên đến mặt đất, bác lính bảo người tí hon:
– Giờ anh hãy đi trói mụ phù thủy già kia và mang nó ra trước tòa xét xử!
Chỉ một lát sau thì mụ phù thủy cưỡi mèo rừng phóng nhanh như gió đi qua. Miệng la hét nghe kinh hồn, nhưng ngay sau đó người tí hon xuất hiện và nói:
– Mọi việc đã đâu vào đấy. Mụ phù thủy đã bị treo trên giá treo cổ. Ông còn muốn sai khiến gì nữa không?
Người lính trả lời:
– Bây giờ thì không. Anh cứ về nhà đi. Nhớ đến ngay nhé, nếu nghe ta gọi.
Người tí hon nói:
– Ông chẳng cần phải gọi. Mỗi khi ông lấy tẩu, châm lửa ở ngọn đèn xanh là tôi đã đứng trước mặt ông rồi.
Ngay sau đó người tí hon biến mất.
Người lính trở lại kinh thành, nơi bác ra đi. Bác may sắm quần áo đẹp, vào nhà trọ sang nhất, bảo chủ quán dọn cho mình một căn phòng trang hoàng thật lộng lẫy. Khi đã dọn vào ở, bác gọi người tí hon đen thui tới và nói:
– Ta đã trung thành phụng sự nhà vua, nhưng vua lại thải ta về vườn, tính bỏ ta chết đói. Ta muốn trả thù chuyện đó.
Người tí hon nói:
– Thế tôi phải làm gì bây giờ?
– Đêm khuya, khi công chúa ngủ đã say, anh hóa phép mang công chúa về đây để quét tước nhà cửa, lau chùi đồ đạc trong nhà của ta.
Người tí hon nói:
– Đối với tôi, chuyện ấy dễ như trở bàn tay, nhưng đối với ông, đó là một trò nguy hiểm, một khi câu chuyện vỡ lở, ông có thể bị nguy đến tính mạng.
Đúng lúc chuông điểm mười hai tiếng báo hiệu nửa đêm, cửa bỗng mở, người tí hon mang công chúa vào.
Người lính reo lên:
– Chà chà, cô đã đến đấy à? Xin mời bắt tay ngay vào việc! Hãy đi lấy chổi, rồi quét sạch căn buồng này.
Khi công chúa quét xong nhà, người lính gọi lại, giơ hai chân và nói:
– Tháo ủng cho ta mau!
Người lính còn lấy ủng ném vào cô, bắt cô nhặt lên, lau sạch và đánh xi cho bóng. Công chúa mắt lim dim im lặng làm mọi việc, không hề kêu ca nửa lời. Khi gà gáy canh nhất, người tí hon lại mang công chúa trở về cung vua và đặt nàng vào giường.
Sáng hôm sau, công chúa vào tâu vua cha rằng đêm qua nàng nằm mơ rất kỳ lạ:
– Con bị mang đi qua phố nhanh như chớp, tới buồng một người lính. Con phải hầu hắn như người ở thực vậy, làm những công việc hèn kém như quét buồng, đánh giày. Tuy đó chỉ là một giấc mơ, nhưng sao con thấy người mệt nhọc như chính con đã làm tất cả những việc ấy thật.
Vua nói:
– Chiêm bao có thể là sự thật. Cha muốn khuyên con điều này: Con lấy đỗ bỏ đầy túi áo và khoét một lỗ nhỏ ở túi. Khi con lại bị mang đi, đỗ sẽ rơi ra để lại dấu vết trên các đường phố mà con đi qua.
Trong lúc bày mưu kế dặn công chúa, vua không biết là người tí hon cũng có mặt ở gần đó và đã nghe hết được đầu đuôi câu chuyện.
Đêm khuya, người tí hon lại mang công chúa đi, đỗ rơi từ trong túi áo nhưng không để lại một dấu vết nào cả, vì người tí hon đa mưu kia đã rắc đỗ trước ở khắp các phố. Công chúa vẫn phải làm công việc con ở cho đến khi gà gáy canh nhất.
Sớm hôm sau, vua sai bộ hạ đi khắp nơi, tính tìm theo dấu vết hạt đỗ, nhưng chỉ uổng công. Ở phố nào cũng thấy trẻ con nghèo ra đường nhặt đỗ và thì thầm nói với nhau:
– Đêm qua có trận mưa ra đỗ.
Vua nói:
– Cha con ta phải tìm kế khác. Con cứ để nguyên giày lên giường ngủ. Trước khi chúng mang con trở về cung vua, con hãy giấu một chiếc giày lại ở con bị dẫn tới. Thế nào cha cũng tìm ra chiếc giày đó.
Người tí hon đen thui kia nghe được hết. Tối đến, khi người lính lại sai đi bắt công chúa mang tới, người tí hon khuyên can không nên và nói rằng chính bản thân mình chưa nghĩ ra cách gì để phá mưu kế mới, vì thế nếu như chiếc giày kia bị phát hiện thì có thể nguy hại tới tính mạng của người lính.
Người lính không chịu và nói:
– Thì anh cứ làm như điều tôi nói đã!
Đêm thứ ba công chúa lại phải làm việc như con ở. Nhưng trước khi bị đem trả về cung, nàng đã giấu một chiếc giày xuống gầm giường.
Ngay sáng hôm sau vua đã ra lệnh cho quân đi khắp mọi nơi trong kinh thành tìm chiếc giày của công chúa. Người ta tìm thấy giày ở nhà người lính. Người tí hon khuyên bác ta nên trốn ngay khỏi kinh thành, nhưng chưa kịp trốn thì đã bị bắt, nhốt vào trong nhà tù. Mải chạy trốn, người lính không kịp mang theo cây đèn xanh và vàng bạc, trong túi vỏn vẹn chỉ có một đồng xu bằng vàng.
Người lính bị xích, đang đứng bên cửa sổ nhà ngục, bỗng thấy một người bạn cũ đi qua, bác liền gõ vào cửa kính. Khi người kia tới bên cửa sổ, bác nói:
– Anh làm ơn đến nhà trọ lấy cho tôi cái ruột tượng tôi để quên ở đó. Tôi xin biếu anh đồng tiền vàng này.
Người bạn đi ngay và mang lại cho người lính cái ruột tượng. Đợi cho người bạn đi khuất, khi chỉ còn lại một mình, người lính ngồi châm điếu, người tí hon lại hiện ra và nói:
– Ông đừng sợ hãi gì cả, cứ để chúng muốn điệu đi đâu thì điệu, muốn làm gì thì làm, nhưng nhớ lúc nào cũng mang theo cây đèn xanh.
Hôm sau, người lính bị dẫn ra trước tòa để xét xử. Mặc dù bác ta không phạm trọng tội gì nhưng quan tòa vẫn tuyên án tử hình. Khi bị dẫn ra pháp trường, người lính xin nhà vua một ân huệ cuối cùng.
Vua hỏi:
– Ngươi muốn xin điều gì?
– Thần xin được phép hút một hơi thuốc ở dọc đường ra pháp trường.
– Ngươi muốn rít liền ba hơi cũng được. Nhưng đừng có tưởng như vậy rồi ta tha chết cho ngươi.
Người lính liền rút tẩu ra, châm lửa ở ngọn đèn xanh. Mấy vòng khói thuốc vừa cuộn tỏa lên thì người tí hon đen thui cũng xuất hiện, tay cầm một chiếc dùi cui rồi nói:
– Thưa ông, ông muốn sai khiến điều gì ạ?
– Anh hãy vì ta mà nện cho bọn quan tòa giả dối kia cùng bọn tay chân của chúng một trận nhừ tử và nện cả vua bạc ác kia nữa.
Nhanh như chớp, người tí hon vung dùi cui nện lia lịa vào chúng. Gậy vừa chạm vào đứa nào, đứa ấy ngã lăn ra bất tỉnh. Tên vua cuống cuồng lo sợ, quỳ xuống xin tha chết. Hắn dâng bác lính cả ngôi báu cùng giang sơn, lại gả công chúa cho bác nữa.
117. Đứa con ngỗ ngược
Ngày xưa có một đứa trẻ bướng bỉnh, không siêng năng, không nghe lời bố mẹ. Việc ấy đến tai thượng đế, thượng đế không được hài lòng, thế là đứa trẻ bỗng nhiên ốm, không có bác sĩ nào chữa nổi, và chỉ một thời gian ngắn sau đó đứa bé qua đời.
Khi hạ huyệt, đổ đất xuống lấp thì bỗng một cánh tay đứa bé từ từ giơ lên, đất lấp cao đến đâu thì cánh tay vươn cao đến đó nên cánh tay luôn luôn thò trên mặt đất mới lấp. Người mẹ phải lấy roi vụt vào cánh tay. Bị đánh cánh tay từ từ rút xuống vào trong lòng đất. Chỉ sau đó đứa bé mới được yên thân nằm trong lòng đất.
118. Ba thầy thuốc giỏi
Ba thầy thuốc kia nghĩ mình đã biết đủ ngón nghề rồi nên rủ nhau đi chu du thiên hạ. Tối đến, họ nghỉ ở một quán trọ. Chủ quán tò mò hỏi họ từ đâu đến và muốn đi đâu nữa. Họ đáp:
– Chúng tôi đi chu du thiên hạ để hành nghề.
– Ờ thì thử ra tay cái coi.
Người thứ nhất nói mình có thể cắt rời bàn tay, sáng hôm sau lại gắn khớp như cũ. Người thứ hai nói mình có thể moi tim ra đem cất đi, sáng hôm sau lại gắn tim vào mà không hề sao cả. Người thứ ba nói mình có thể lấy mắt đem cất đi, sáng hôm sau lại gắn nó vào hốc mắt để làm việc.
Chủ quán nói:
– Những chuyện đó mà thầy làm được thì các thầy biết đủ các ngón nghề rồi còn gì.
Khi gắn khớp mọi cái vào với nhau họ bôi lên chỗ đó một lớp thuốc mỡ là chỗ đó lại lành lặn như trước. Lúc nào họ cũng đem theo người lọ thuốc mỡ ấy.
Họ cắt tay, moi tim, móc mắt ra để những thứ đó vào đĩa gởi chủ quán sáng sau lấy lại. Chủ quán đưa cho cô con gái đem cất trong chạn. Người mà cô gái hết mực thương yêu là một anh lính. Khi chủ quán, ba thầy thuốc cùng với tất cả gia nhân trong nhà ngủ đã say anh lính kia mới tới, nói với cô gái rằng mình thấy bụng đã đói. Cô gái mở chạn lấy thức ăn cho người yêu, mải vui trò chuyện với người yêu, cô gái quên không đóng cửa chạn, hai người ngồi bên bàn trò chuyện say sưa, không hề nghĩ tới những chuyện rủi ro. Trong lúc đó, chú mèo thấy cửa chạn để ngỏ thì rón rén bước tới, nhìn quanh không thấy động tĩnh mèo ta tha ngay bàn tay, trái tim và đôi mắt của ba thầy thuốc đi ra ngoài vườn để ăn.
Khi người yêu ăn xong, cô gái thu dọn và tính sẽ vào đóng chạn luôn thể. Nhưng ôi thôi, giờ đây chỉ còn dĩa không, những thứ mà chủ quán dặn cô đem cất trong chạn không cánh mà bay. Hốt hoảng, cô gái nói với người yêu.
– Trời ơi, thật khổ thân tôi. Bàn tay không cánh mà bay, trái tim, đôi mắt cũng không cánh mà bay. Sớm mai biết ăn nói thế nào đây?
Chàng trai nói:
– Em cứ bình tĩnh. Anh sẽ tìm cách giúp em. Ở ngoài đồng có tên ăn trộm bị treo cổ, anh sẽ ra cắt bàn tay nó. Nhưng em cần cánh tay nào?
– Cánh tay phải.
Cô gái đưa cho chàng trai một con dao thật sắc. Chàng trai ra đồng cắt luôn bàn tay phải của tên trộm xấu số mang về. Ngay sau đó chàng túm luôn được con mèo, khoét luôn hai mắt nó. Giờ đây chỉ còn thiếu trái tim.
Chàng trai hỏi:
– Hôm nay có làm thịt heo không đấy? Thịt lòng để dưới hầm nhà phải không?
Cô gái trả lời:
– Vâng, ở dưới hầm nhà.
– Ồ, thế thì hay đấy.
Chàng trai chạy ngay xuống hầm nhà, lấy trái tim heo cho cô gái. Cô gái đặt tất cả ba thứ đó vào đĩa và lại đem cất vào trong chạn.
Khi người yêu ra về, cô gái yên tâm lên giường đi ngủ.
Sáng sớm, vừa mới tỉnh dậy, ba thầy thuốc đã gọi bảo cô gái đi lấy đĩa đựng các thứ của họ: bàn tay, trái tim, đôi mắt. Cô gái lấy từ trong chạn ra đưa cho họ. Người thứ nhất nhận cánh tay của tên trộm, lắp tay vào, bôi thuốc vào chỗ ghép, thoa lại một lúc cánh tay liền như cũ. Người thứ hai lắp mắt mèo vào hốc mắt, người thứ ba gắn tim vào chỗ cũ.
Chủ quán cũng đứng ở đó, cứ trố mắt ra mà nhìn, miệng hết lời ca ngợi. Ông nói: “Những chuyện như vậy thật chưa trông thấy bao giờ, nếu ai có bệnh sẽ mách họ tới chữa.”
Sau đó ba thầy thuốc trả tiền trọ cho chủ quán và tiếp tục lên đường.
Đi được một chặng đường dài thì người có trái tim lợn thỉnh thoảng lại chạy ngang vào bụi cây bên đường, ủi ủi dũi dũi như lợn rừng. Hai người kia tìm cách túm áo lại nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Người kia vẫy vùng được khỏi tay bạn vào bụi cây bên đường ủi dũi.
Người thứ hai bỗng thấy mắt mình có gì khác lạ, lấy tay dụi mắt và nói với bạn:
– Này hai anh bạn, thế này là thế nào nhỉ? Hình như không phải mắt của mình, mình chẳng nhìn thấy gì cả này các cậu phải dắt tay dẫn mình đi nhé, không chừng mình té bây giờ.
Vất vả lắm họ mới tới được nhà trọ ở dọc đường trước khi trời tối. Họ bước vào quán trọ thì có một thương gia giàu có đã ngồi trong trong quán trọ, hắn đang đếm tiền. Người có bàn tay trộm đi lại phía thương gia ngồi, đứng bên cạnh người này, bàn tay múa máy liên tục, thương gia kia vừa mới quay người thì bàn tay người đó đã thọc vào bịch tiền và lấy một nắm đầy toàn tiền vàng. Một người trong bọn họ nhìn thấy liền nói:
– Này anh bạn, anh bạn làm gì đấy? Không được ăn cắp nhé. Không biết xấu hổ hay sao?
– Trời ơi, biết làm thế nào bây giờ? Bàn tay nó cứ ngọ ngoạy, mình đành phải thọc vào, mặc dù mình chẳng thích thế.
Sau đó họ cùng nhau lên giường ngủ. Khi đó trời đã tối hẳn, trời tối đen như mực, có giơ tay trước mặt cũng chẳng nhìn thấy gì. Bỗng nhiên người có mắt mèo hích đánh thức hai bạn và nói:
– Này mấy anh em, dậy mà coi, toàn chuột trắng chạy quanh nhà, có nhìn thấy không?
Hai người kia nhổm ngay dậy, nhưng chẳng nhìn thấy gì cả.
Một người trong họ nói:
– Chúng ta chẳng còn phải là chúng ta nữa. Những thứ chúng ta nhận được hình như không phải của chúng ta. Chúng ta sẽ phải quay ngay lại bắt đền chủ quán, hắn đã đánh lừa chúng ta.
Sáng hôm sau họ lên đường, tới nơi họ nói ngay cho chủ quán, rằng họ không nhận được đúng những thứ họ gửi, người thứ nhất nhận thấy bàn tay của tên trộm, người thứ hai nhận được cặp mắt mèo, người thứ ba thì nhận được trái tim heo. Chủ quán nói, nếu thế thì lỗi tại đứa con gái.
Nhưng mới thoáng trông thấy ba người, cô gái đả lẻn cổng sau trốn đi biệt không quay trở lại. Ba người nói với chủ quán phải bồi thường một số tiền lớn, nếu không họ sẽ đốt nhà. Chủ quán đành phải đem hết tiền của mình có đưa cho ba người kia. Nhận tiền xong họ kéo nhau đi. Với số tiền bồi thường họ có thể sống suốt đời, nhưng họ vẫn thích nhận lại những thứ của chính họ.
119. Bảy người xứ Schwaben
Ngày xửa ngày xưa có bảy người Schwaben sống chung với nhau. Người thứ nhất tên là Schulz, người thứ hai là Jackli, người thứ ba là Marli, người thứ tư là Jergli, người thứ năm là Michal, người thứ sáu là Hans, người thứ bảy là Veitli. Bảy người dự định đi chu du thiên hạ, tìm thú vui trong phiêu lưu mạo hiểm, lập những kỳ tích to lớn. Để cho vững tâm, họ cũng muốn có khí giới nắm trong tay, nên họ thuê thợ rèn làm cho mây giáo thật dài, chắc chắn, nhưng chỉ làm một cây duy nhất ấy thôi.
Cả bảy người cùng nắm giữ cây giáo. Đi đầu là người táo tợn nhất, cường tráng, dáng nam nhi nhất đoàn, tất nhiên là anh Schulz rồi. Và họ đứng nối đuôi nhau theo thứ tự ấy, người đứng cuối hàng là Veitli.
Chuyện xảy ra như sau: Một hôm, giữa mùa cỏ khô, khi cả bọn đã đi được một thôi đường dài, chỉ còn một quãng ngắn nữa là tới làng – nơi họ định trú đêm, thì trên đồng cỏ bỗng có một con gì đó (có thể là một con bọ hung lớn hoặc một con ong bầu) bay phía sau đám lau sậy, tiếng đập cánh nghe rất đáng nghi ngại. Schulz giật bắn mình, sợ đến nỗi mồ hôi mồ kê túa ra như tắm, tí nữa thì đánh rơi cả giáo xuống đất.
Anh ta gọi đồng đội:
– Lắng nghe! Lắng nghe coi! Trời ơi, rõ ràng tôi nghe có tiếng trống trận!
Jackli đứng ngay cạnh, chẳng hiểu ngửi thấy mùi gì, cũng la tướng lên.
– Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nhất định có chuyện, tôi ngửi thấy mùi thuốc súng và ngòi nổ.
Nghe tiếng hô hoán ấy, Schulz bỏ giáo bổ nhào đâm đầu chạy, thoắt một cái chàng ta đã nhảy được qua hàng rào, chân giẫm phải răng chiếc cào mà người làm cỏ để nằm sát bờ rào, cán cào bật lên, giáng cho chàng ta một cái nên thân vào giữa mặt. Schulz kêu la ầm ĩ:
– Ối đau quá! Ối đau quá! Cứ việc bắt tôi làm tù binh, tôi xin hàng rồi!
Sáu người kia, mạnh ai nấy chạy, xô chồng lên cả nhau, rồi la hét:
– Cậu đã hàng thì tớ cũng hàng! Cậu đã hàng thì tớ cũng hàng!
Đợi mãi chẳng thấy kẻ thù nào tới trói dẫn đi. Lúc bấy giờ cả bọn mới biết là do mình quá hoảng hốt, thần hồn nát thần tính đó thôi. Để mọi người không biết chuyện này, khỏi phải bị mỉa mai, chế giễu, bảy người thề với nhau quyết giữ mồm giữ miệng, không nhắc tới chuyện ấy nữa, trừ khi có người nào nhỡ mồm nói ra.
Sau đó họ lại tiếp tục đi. Cơn nguy hiểm thứ hai mà họ trải qua không thể đem so sánh với nỗi nguy hiểm lần thứ nhất được. Sau mấy ngày đi, giờ họ đang qua một cánh đồng hoang. Họ thấy một con thỏ ngủ ngồi dưới nắng, hai tai vểnh cao, đôi mắt to và trong suốt mở trừng trừng như nhìn ai. Cả bọn nghĩ, có lẽ đó là một giống thú rừng dữ tợn, liền bàn với nhau làm thế nào tránh được hiểm họa này. Họ muốn co cẳng chạy nhưng lại sợ con quái kia đuổi theo, nuốt chửng cả bọn. Họ nói với nhau:
– Chúng ta đành phải giao chiến với con quái vật này một trận thật ác liệt. Dám liều đánh là đã thắng một nửa rồi đấy.
Bảy người cùng nắm chắc cây giáo. Schulz đứng đầu, đứng cuối hàng là Veitli. Trong lúc Schulz ở hàng đầu còn muốn nắm chắc ngọn giáo thủ thế thì Veitli ở cuối hàng đã tỏ ra dũng cảm, tính đánh luôn, gã thét.
Xông tới, đâm đi, hãy vì danh dự người Schwaben,
Không tôi chúc các anh què liệt bây giờ.
Nhưng Hans hiểu rất rõ tâm địa Veitli và nói:
Trong đám đông thì anh tán,
Lúc đánh rồng anh chỉ dám đứng cuối thôi.
Michal cũng hét:
Một sợi tóc cũng chẳng còn,
Đúng con quỷ đó, chứ còn ai!
Rồi đến lượt Jackli nói:
Không phải, chính nó hay sao.
Hay là mẹ nó, hay người anh em?
Marli chợt nảy ra một ý hay. Gã nói với Veitli:
Lên đi, Veitli, lên đi
Tôi xin ủng hộ, đứng sau anh mà!
Nhưng Veitli không nghe. Jackli nói:
Đi đầu phải là anh Schulz,
Vinh quang phú quý, anh hùng, chính anh!
Lúc đó Schulz cố trấn tĩnh, trịnh trọng tuyên bố:
Nào ta can đảm xông lên,
Trên tài hảo hán, xứng tên anh hùng!
Bảy người xông thẳng vào con quái. Schulz run lẩy bẩy tay làm dấu, mồm cầu trời phù hộ, nhưng thấy cũng chẳng ích lợi gì mà mình thì mỗi lúc lại gần kẻ thù hơn trước. Sợ quá, chàng thét lớn:
– Chạy! Chạy mau thôi! Trời ơi, chạy mau thôi!
Tiếng la hét làm thỏ giật mình tỉnh giấc, vụt chạy băng đồng. Sun nhìn thấy kẻ thù chạy trốn, mừng rỡ kêu lên:
Thật nhanh như chớp, Veitli
Có biết con đó tên gì hay không?
Co giò rút chạy băng đồng
Chính danh thỏ đế, mình không thể ngờ!
Tuy vậy, bảy người Schwaben vẫn thích phiêu lưu mạo hiểm. Họ tới bên bờ sông Moden , nước lặng và sâu, đầy rong rêu, có một vài cái cầu bắc qua sông, nhiều chỗ người ta còn dùng thuyền để qua. Vì cả bảy người đều không biết chuyện đó, họ gọi với sang bên kia sông hỏi một người đang cắm cúi làm đồng, cách sang sông. Người này, phần vì không biết tiếng Schwaben, phần vì cách xa quá nên không hiểu bảy người kia muốn nói gì.
Nên hỏi lại bằng tiếng Trier:
– Hỏi c…ái gì? H…ỏi c…ái gì?
Nghe không rõ, Schulz cứ tưởng người ta nói:
– L…ội đi. L…ội mà sang!
Schulz là người đi đầu, nghe vậy, cứ xăm xăm xuống sông Moden. Chỉ được một vài bước đã bị thụt xuống bùn, chìm nghỉm dưới làn nước xoáy sâu, mũ của chàng bị gió thổi tạt sang bờ bên kia. Có một con ếch nhảy lên chóp mũ ngồi, rồi kêu:
– L…ội, l…ội, l…ội đi.
Sáu người còn lại nghe tiếng kêu từ phía bên kia vọng lại, họ bảo nhau:
– Anh bạn đường của chúng ta, anh Schulz đấy, anh ta gọi chúng ta đấy. Anh ta lội sang được, tại sao chúng ta lại không lội được nhỉ?
Cả sáu người nhảy ùa xuống sông và bị chết đuối. Thành thử chỉ vì một con ếch mà chết sáu mạng người. Cả đoàn Schwaben ấy không có một ai sống sót trở về.
120. Ba chú phó nhỏ
Ngày xưa có ba chú phó nhỏ hẹn ước luôn luôn cùng nhau làm việc trong một thành phố.
Có thời gian cả ba đều không có việc. Họ chẳng còn có gì để ăn, quần áo cũng bắt đầu sờn rách. Đứng trước cảnh ấy, một người trong số họ nói:
– Biết làm sao bây giờ? Không thể ở lại đây được nữa, chúng ta phải lên đường tới thành phố khác. Nếu như ở đó cũng không tìm ra việc làm thì đành phải báo cho ông trùm biết, rồi chúng ta phải chia tay nhau mỗi người một ngả.
Những người khác cũng cho thế là cách tốt nhất. Họ cùng nhau lên đường. Dọc đường họ gặp một người đàn ông ăn mặc nom có vẻ giàu có, người này hỏi họ là ai. Họ đáp:
– Chúng tôi là ba chú phó nhỏ đi tìm việc. Tới giờ chúng tôi luôn ở bên nhau. Nhưng nếu không tìm được việc làm thì chúng tôi sẽ chia tay nhau mỗi người một ngả.
Người đàn ông kia nói:
– Chẳng cần phải thế. Nếu các anh cứ làm đúng theo lời tôi dặn thì các anh chẳng thiếu gì tiền và việc làm. Các anh sẽ trở thành những ông chủ lớn lên xe xuống ngựa.
Một người trong số họ nói:
– Nếu như cái đó không làm tổn hại tới lương tâm nghề nghiệp thì chúng tôi sẵn sàng làm.
Người đàn ông đáp:
– Tôi chẳng cần cầu lợi ở nơi các anh.
Một người khác trong số họ nhìn xuống thì thấy người đàn ông kia một chân là chân ngựa, một chân là chân người nên không muốn tiếp tục câu chuyện. Lúc ấy con quỷ nói:
– Cứ bằng lòng đi, chuyện đó không liên can gì đến các anh đâu. Nó liên quan tới người khác, ta đã nắm được nửa phần hồn của người ấy, chỉ chờ lấy nốt.
Giờ thì cả ba chú phó nhỏ đã hiểu sự việc, họ đồng ý. Con quỷ liền nói điều nó muốn. Nếu có ai hỏi, người thứ nhất đáp: “Cả ba đứa chúng tôi.” Người thứ hai nói: “Chỉ vì tiền.” Người thứ ba nói: “Quả đúng như thế!”
Cả ba chỉ được trả lời đúng như theo thứ tự ấy và không được nói gì thêm. Nếu không làm đúng giao ước thì sẽ chẳng có xu nào. Nếu luôn giữ đúng như giao ước thì túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Rồi con quỷ cho họ rất nhiều tiền và bảo họ tới trọ ở quán trọ của thành phố. Họ tới, chủ quán chạy ra đon đả hỏi:
– Các anh ăn gì ạ?
Người thứ nhất đáp:
– Cả ba đứa chúng tôi.
Chủ quán nói:
– Vâng, tôi cũng nghĩ vậy.
Người thứ hai nói:
– Chỉ vì tiền.
Chủ quán nói:
– Vâng, tất nhiên là như vậy.
Người thứ ba nói:
– Quả đúng như thế.
Chủ quán nói:
– Vâng, cứ đúng như thế.
Đồ ăn thức uống được mang ra phục vụ tới nơi tới chốn cho khách. Ăn xong khách gọi trả tiền. Chủ quán giơ hóa đơn cho ba người xem. Người thứ nhất nói: “Cả ba đứa chúng tôi.” Người thứ hai nói: “Chỉ vì tiền.” Người thứ ba nói: “Quả đúng như vậy.” Rồi họ đưa tiền cho chủ quán mà chẳng thèm đếm. Khách trong quán nhìn trầm trồ. “Họ chịu chơi thật.” Chủ quán nói chêm vào: “Vâng, đúng là những người chịu chơi, nhưng hơi khờ.”
Cả ba ngồi ở trong quán nhưng họ chẳng nói gì khác ngoài các câu: “Cả ba đứa chúng tôi. Chỉ vì tiền. Quả đúng như thế.” Nhưng họ quan sát và biết hết mọi chuyện trong quán. Một thương gia người cao to có nhiều tiền cũng ở trong quán, vẫy tay gọi chủ quán và nói:
– Ông chủ, ông cất giùm tôi số tiền này không ba thằng phó nhỏ khùng điên kia nó ăn trộm mất của tôi.
Chủ quán nhận và đem cất ở trong buồng. Nhấc thử thấy nặng, chủ quán biết ngay toàn là vàng ròng thôi.
Tối đến chủ quán bố trí cho ba chú phó nhỏ ngủ ở dưới, còn thương gia thì ở một phòng riêng trên lầu. Đến giữa đêm, khi mọi người ngủ say, chủ quán và vợ cầm rìu bổ củi tới buồng thương gia ngủ, hai vợ chồng đập chết thương gia rồi lại về buồng mình ngủ.
Sáng hôm sau người ta thấy thương gia kia nằm chết trong vũng máu. Mọi người bàn tán xôn xao, đứng xúm lại xem. Chủ quán nói:
– Ba thằng phó nhỏ khùng điên giết chết đấy. Khách đứng nói chen vào.
– Còn ai khác ngoài chúng.
Chủ quán cho gọi ba phó nhỏ tới và hỏi:
– Có phải mấy đứa giết người thương gia không?
Người thứ nhất nói: “Cả ba đứa chúng tôi.” Người thứ hai nói: “Chỉ vì tiền.” Người thứ ba nói: “Quả đúng như vậy.”
Chủ quán nói:
– Mọi người thấy không. Ba đứa tự thú nhận. Cả ba bị bỏ tù chờ ngày xét xử.
Ba chú phó nhỏ thấy câu chuyện trở nên nghiêm trọng nên sợ. Tối con quỷ xuất hiện và nói:
– Ráng chịu nốt ngày nữa. Đừng có nản chí. Chẳng ai dám đụng tới sợi tóc của ba người đâu.
Sáng sớm ba người đã bị dẫn ra tòa. Quan tòa hỏi:
– Cả ba can tội giết người phải không?
– Cả ba đứa chúng tôi.
– Tại sao lại đánh chết thương gia kia?
– Chỉ vì tiền.
– Chúng bay quân độc ác. Chúng bay không sợ tội lỗi hay sao?
– Quả đúng như thế.
Quan tòa phán:
– Chúng nhận mình đã làm và lại còn cứng đầu cứng cổ nữa. Dẫn chúng ra ngay hành hình.
Cả ba bị dẫn ra pháp trường. Chủ quán phải đứng vào hàng làm chứng. Cả ba bị túm ra trói gì lại vào cột, gươm đã tuốt trần, đao phủ chỉ chờ lệnh. Giữa lúc đó thì có một chiếc xe bốn con cáo màu đỏ chạy tới, xe chạy nghiến đá bắn lửa. Từ cửa sổ xe có khăn trắng vẫy. Đao phủ nói:
– Có lệnh ân xá.
Từ trong xe có tiếng vọng ra: “Ân xá, ân xá!.” Con quỷ bước ra oai như một nhà quý tộc và nói:
– Cả ba không có tội. Giờ hãy nói hết tất cả những điều mắt thấy tai nghe cho mọi người biết.
Người nhiều tuổi nhất nói:
– Chúng tôi không giết chết thương gia. Kẻ giết người đang đứng ở trong hàng kia.
Người này chỉ tên chủ quán và nói tiếp:
– Hãy khám tầng hầm nhà chủ quán, những người bị hắn giết chết còn treo lơ lửng ở đó. Đó là những bằng chứng hùng hồn.
Quan tòa cho người đến xem và thấy đúng như lời khai. Họ báo cho quan tòa biết sự thật. Tòa ra lệnh dẫn chủ quán ra pháp trường hành hình. Sau đó con quỷ nói với ba người:
– Ta đã lấy được hồn nó. Ba chú được tha bổng và giữ lấy số tiền ấy mà sống trọn đời.
121. Chàng hoàng tử không biết sợ
Ngày xửa ngày xưa có một hoàng tử không thích sống ru rú ở trong hoàng cung. Chàng chẳng biết sợ là gì, chàng nghĩ: “Ta phải đi chu du thiên hạ, ta chẳng còn cảm thấy thời gian dài dằng dặc nữa. Ta sẽ biết được bao điều kỳ lạ.”
Chàng xin vua cha cho đi. Chàng đi mải miết từ sáng sớm tinh mơ tới khi trời tối. Chàng cứ thẳng đường mà đi, cũng chẳng cần biết con đường dẫn tới đâu. Một hôm, đi đường mệt, chàng ngồi nghỉ ngay trước nhà một người khổng lồ. Nhìn ngó nghiêng chàng thấy trong sân nhà của người khổng lồ có đồ chơi: một vài quả cầu rất lớn, một vài con ki cao bằng người. Bỗng chàng nổi hứng muốn chơi, chàng dựng các con ki cho ngay ngắn, rồi lăn các quả cầu đụng vào các con ki. Mỗi khi thấy con ki đổ ngã chàng khoái chí reo hò. Nghe tiếng ồn ào, người khổng lồ ngoái cổ ra ngoài cửa sổ thấy một người đang chơi ki nên quát:
– Quân nhãi nhép, mày mà cũng chơi ki à? Sức đâu ra mà chơi những con ki to như vậy?
Hoàng tử ngẩng đầu lên, nhìn thấy người khổng lồ thì hỏi:
– Ô, ông người gỗ. Ông tưởng chỉ mình ông mới có cánh tay khỏe. Khi nổi hứng thì tôi có thể làm được tất cả.
Người khổng lồ bước ra, nhìn hoàng tử chơi ki thì hết sức ngạc nhiên và nói:
– Quân trẻ con, nhưng nếu mày là loại người như vậy thì hãy đi hái cho ta một trái táo trên cây trường sinh.
Hoàng tử hỏi:
– Ông cần táo để làm gì?
– Tôi muốn có táo không phải để cho tôi. Tôi có một người vợ chưa cưới. Cô ta muốn có táo. Tôi đã đi khắp trần gian nhưng không tìm thấy được cây trường sinh đó. – Người khổng lồ trả lời.
– Tôi sẽ tìm được cây đó, nhưng không biết việc hái táo có bị ngăn cản không?
– Anh tưởng dễ vào lắm đấy hả? Khu vườn có cây trường sinh có hàng rào sắt, toàn thú dữ nằm canh để không ai vào được bên trong.
Hoàng tử nói:
– Nhất định chúng để cho tôi vào trong vườn!
– Nếu như anh có vào được trong vườn, nhìn thấy táo ở trên cây thì cũng chẳng với tay hái được, vì mỗi cây có treo một cái vòng. Ai muốn hái táo thì phải thò được tay qua cái vòng, nhưng tới nay vẫn chưa có người nào làm được.
– Tôi sẽ là người làm việc đó. – Hoàng tử đáp.
Chàng chào từ biệt người khổng lồ, rồi lên đường. Chàng vượt núi cao vực sâu, băng qua đồng hoang và rừng rậm cho đến khi tìm cho bằng được vườn cây kỳ lạ. Khắp nơi xung quanh vườn cây toàn thú dữ nằm chúi đầu xuống mà ngủ. Khi chàng đến, chúng vẫn chưa thức giấc. Chàng bước qua mình chúng, vượt qua hàng rào, rồi vào trong vườn cây một cách an toàn. Ở giữa vườn là cây trường sinh. Những quả táo đỏ hồng tỏa sáng các cành cây. Chàng trèo lên cây định thò tay qua cái vòng để hái táo. Chiếc vòng thít chặt vào tay chàng, đột nhiên chàng cảm thấy có một sức mạnh mãnh liệt được truyền vào trong huyết quản của mình. Chàng cầm táo tụt xuống khỏi cây, không trèo qua hàng rào, tay cầm cánh cổng lớn giật mạnh, thế là cánh cửa bung ra cùng với tiếng kẽo kẹt. Lúc chàng đi ra thì con sư tử tỉnh giấc và nhảy theo chàng. Nó chẳng hung dữ, mà ngoan ngoãn bước theo chàng như bước theo chủ nhân của nó. Hoàng tử đưa cho người khổng lồ quả táo mà chàng đã hứa. Chàng nói:
– Anh thấy đấy, tôi lấy được táo chẳng phải gắng sức gì nhiều.
Người khổng lồ vui ra mặt, vì ước nguyện được thực hiện nhanh chóng. Hắn vội đi ngay tới gặp vợ chưa cưới để đưa quả táo mà cô đòi hỏi. Cô là một thiếu nữ thông minh xinh đẹp. Khi thấy trên tay người khổng lồ không có chiếc vòng, cô hỏi:
– Tôi không tin là quả táo này do anh hái, trừ khi trên cánh tay anh có đeo một cái vòng.
Người khổng lồ nói:
– Tôi chỉ cần về nhà lấy nó.
Hắn nghĩ rằng có thể dễ dàng dùng sức cướp chiếc vòng từ tay anh chàng nhỏ yếu kia, cho dù đối phương không muốn. Hắn đòi đưa cho mình chiếc vòng, nhưng hoàng tử từ chối. Người khổng lồ nói:
– Cái vòng phải ở nơi có quả táo. Nếu mày không chịu đưa cho tao thì phải đấu sức với tao.
Hai bên vật nhau rất lâu mà người khổng lồ không sao đánh bại được hoàng tử, vì chàng có thêm sức mạnh phép thuật của chiếc vòng. Người khổng lồ nghĩ ra một kế và nói:
– Tôi cũng như anh nóng người vì giao đấu. Giờ ta cùng nhau đi tắm cho mát mẻ, rồi lại giao đấu tiếp.
Hoàng tử không biết đó là mưu kế nên cùng đi ra sông. Khi chàng cởi quần áo thì chiếc vòng tuột ra, rơi xuống. Tên khổng lồ vồ ngay lấy chiếc vòng, rồi chạy đi mất hút. Con sư tử thấy chuyện ăn cướp ấy. Nó đuổi theo người khổng lồ và cướp lại chiếc vòng đem về trả cho chủ nhân của nó.
Người khổng lồ nấp sau một cây sồi, nhân lúc hoàng tử đang mặc quần áo đã tấn công, móc đi hai con mắt của hoàng tử.
Bị mù, hoàng tử đứng đó, không biết phải làm gì. Người khổng lồ lại bước tới, nắm tay hoàng tử làm như thể là người dẫn đường, dắt chàng đến một đỉnh núi vách đá cheo leo, rồi để mặc hoàng tử đứng đó. Hắn nghĩ, chỉ cần đi thêm vài bước nó sẽ rơi xuống vực mà chết, lúc đó ta chỉ việc tới tháo cái vòng. Nhưng con sư tử trung thành luôn ở bên cạnh chủ nó. Nó cắn áo và lôi hoàng tử lui lại. Khi tên khổng lồ trở lại tính cướp vòng ở người chết thì hắn thấy mưu kế không thành. Bực tức hắn nói:
– Cái thằng bé nhỏ kia mà ta không sao thanh toán được sao?
Hắn nắm tay dẫn hoàng tử tới một cái vực khác, nhưng con sư tử thấy được ác ý của tên khổng lồ và thấy mối nguy hiểm đối với chủ của nó. Khi hai người tới gần bờ vực thì tên khổng lồ buông tay hoàng tử thì con sư tử lao thẳng hút tên khổng lồ rơi xuống vực, chết tan xác.
Con vật trung thành kia cắn áo lôi chủ nó về phía một cây cổ thụ bên dòng suối. Hoàng tử ngồi bên suối, con sư tử cúi xuống suối dùng chân trước vảy nước suối vào mặt hoàng tử. Có mấy giọt nước suối rơi vào hốc mắt làm chàng lại có thể nhìn thấy mọi thứ. Chàng thấy một con chim bay qua va vào thân cây rơi xuống suối. Chim tắm dưới suối rồi bay lên, rỉa cho lông khô, rồi bay giữa các hàng cây làm như nó đã nhận ra khuôn mặt của hoàng tử.
Hoàng tử nhận ra đó là sự mách bảo của Thượng đế, chàng cúi xuống suối rửa mặt. Khi chàng đứng lên thì đôi mắt sáng trở lại như xưa.
Hoàng tử cảm ơn ân huệ của Thượng đế, rồi cùng sư tử đi chu du thiên hạ. Có lần chàng tới một lâu đài bị phù phép. Bên trong cổng có một thiếu nữ xinh đẹp, dễ thương, nhưng toàn thân đen nhẻm. Nàng vẫy chàng và nói:
– Trời, chàng có thể giải thoát em khỏi bùa chú.
– Thế tôi phải làm gì bây giờ? – Hoàng tử hỏi.
Thiếu nữ nói:
– Chàng phải ở trong đại sảnh của lâu đài bị phù phép ba đêm. Chàng không được sợ hãi. Nếu bọn quỷ có hành hạ chàng dù bực tức khó chịu đến đâu thì chàng cũng phải ráng chịu đựng không một lời ta thán. Như vậy là chàng đã giải cứu em khỏi bùa phép. Bọn quỷ không dám ám hại chàng đâu.
Hoàng tử nói:
– Tôi không sợ, có thượng đế giúp đỡ thì cứ thử xem nó ra sao!
Thế là hoàng tử tươi cười bước vào lâu đài. Chàng ngồi ở trong đại sảnh, đợi tới tối. Mọi việc yên ắng cho tới khuya, rồi bỗng vang lên tiếng ồn ào rất to. Lũ quỷ nhỏ lao từ các hướng vào trong đại sảnh. Chúng ngồi xuống tự nhiên tựa như nơi đây chẳng có ai ngoài chúng. Chúng đốt một đống lửa, rồi bắt đầu đánh bạc. Một con quỷ thua bạc, nó nói:
– Có chuyện không ổn rồi, phải có người lạ ở đây, vì bị hắn ám nên tao mới bị thua.
Một con quỷ khác nói:
– Mày hãy tới sau lò sưởi. Đợi, tao sẽ lại ngay.
Tiếng la ó ngày càng lớn thì ai mà chẳng sợ. Hoàng tử vẫn ngồi điềm tĩnh, không chút hoảng sợ. Cuối cùng cả bọn quỷ nhảy bổ về phía chàng. Chúng đông quá nên chàng không sao chống đỡ nổi. Chàng bị chúng đánh, xỉa, lôi đi kéo lại hành hạ, nhưng chàng vẫn nín thinh. Lũ quỷ biến mất khi trời hửng sáng. Còn chàng thì bơ phờ bải hoải tới mức không sao nhúc nhích được chân tay.
Khi trời sáng, một thiếu nữ bước vào đứng bên cạnh chàng. Tay nàng cầm lọ nước trường sinh. Nàng xoa bóp cho chàng bằng nước trường sinh. Chàng cảm thấy mọi đau đớn tiêu tan, khí huyết lại lưu thông. Nàng nói:
– Chàng đã chịu đựng được một đêm, nhưng còn hai đêm như vậy đợi chàng.
Nói xong, nàng ra đi. Khi nàng bước đi, hoàng tử thấy chân nàng đã trắng lại rồi. Tối tiếp theo bọn quỷ lại xuất hiện để cùng nhau đánh bạc. Chúng lao vào hoàng tử mà đấm đá thục mạng làm cho hoàng tử bị thương khắp người. Chàng cắn răng kiên nhẫn chịu đựng. Khi mặt trời ló ở phía đông thì bọn quỷ biến mất.
Thiếu nữ tới, nàng chữa trị cho chàng bằng nước trường sinh. Khi nàng bước đi, hoàng tử vui mừng thấy nàng đã trắng tới tận ngón tay. Chàng chỉ còn phải chịu đựng một đêm nữa, đêm khắc nghiệt đau đớn nhất.
Cảnh huyên náo lại diễn ra khi bọn quỷ nhỏ xuất hiện, chúng nói lớn:
– Mày còn ở lại đây à? Mày sẽ bị ăn đòn tơi bời đến mức muốn tắt thở đấy!
Chúng xông vào đánh chàng, xỉa chàng, tung ném chàng, túm tay túm chân lôi giằng tưởng chừng chúng muốn xé xác chàng ra. Chàng kiên nhẫn chịu đựng, không hề thốt lên một lời nào. Cuối cùng thì bọn chúng cũng biến mất, còn chàng thì nằm bất động, mê man bất tỉnh.
Một thiếu nữ bước vào, chàng muốn mở mắt mà không sao mở được. Thiếu nữ dùng nước trường sinh tẩm ướt người chàng, rồi xoa bóp cho chàng. Ngay lập tức mọi đau đớn của chàng tiêu tan. Chàng tỉnh người, thấy mình mạnh khỏe, sảng khoái như tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngon lành.
Khi mở mắt ra, hoàng tử nhìn thấy thiếu nữ đứng bên cạnh, da nàng trắng như tuyết, đẹp như ánh ban mai, nàng nói:
– Dậy đi nào chàng ơi! Chỉ cần vung kiếm ba lần trên bậc thang là chàng đã giải thoát khỏi bị phù phép.
Hoàng tử vung kiếm như lời nàng dặn, cả hoàng cung được giải thoát bởi phép phù thủy. Thiếu nữ vốn là công chúa của một vương quốc giàu có. Những người hầu tới báo rằng yến tiệc trong đại sảnh đã bày xong. Chàng và nàng cùng ngồi vào bàn. Họ cùng nhau ăn uống vui vẻ. Và ngay tối hôm ấy hôn lễ được cử hành trọng thể.
122. Rau lừa
Ngày xửa ngày xưa có một người thợ săn trẻ tuổi. Chang vào rừng đi săn, lòng vui phơi phới, vừa đi vừa thổi kèn bằng lá. Bỗng một bà lão già nua, xấu xí tới gần và nói:
– Chào anh thợ săn thân mến, anh vui vẻ, hồ hởi, trong khi đó tôi vừa đói vừa khát, cho tôi một mẩu bánh đi.
Tình cảnh bà lão tội nghiệp làm anh mủi lòng, anh lấy tiền từ túi ra đưa cho bà lão. Lúc anh định đi tiếp, bà lão giữ lại và nói:
– Anh thợ săn thân mến, hãy nghe tôi nói, anh có lòng tốt, lão muốn thưởng cho anh. Anh cứ đi theo đường này, được một lát sẽ tới chỗ có một cây cổ thụ, có chín con chim đậu trên cây đang dùng móng vuốt tranh giành nhau chiếc áo. Anh nạp đạn và giương súng bắn vào giữa bầy chim. Áo rơi xuống anh hãy nhặt lấy, nó sẽ làm cho anh toại nguyện. Một con chim trúng đạn rơi xuống. Chiếc áo đó chính là chiếc áo thần. Khoác nó trên vai, muốn đi nơi nào chỉ cần cầu chú là trong khoảng khắc đến ngay nơi ấy. Anh hãy moi quả tim của con chim kia và nuốt đi thì mỗi sáng khi thức dậy anh thấy một đồng tiền vàng dưới gối.
Anh thợ săn cảm ơn bà lão, anh nghĩ bụng:
– Nếu những điều bà già hứa sẽ đúng như vậy thì quả là tuyệt vời.
Anh đi chừng ba trăm mét bỗng nghe có tiếng chim, ngẩng đầu lên thấy một đàn chim ở trên cây, chúng dùng mỏ để lôi chiếc áo, để mổ nhau giằng kéo chiếc áo về phía mình. Tiếng chim kêu loạn xạ. Anh thợ săn nói:
– Chà, đúng lạ thật, mọi chuyện xảy ra như lời bà cụ nói.
Anh liền nạp đạn, giương súng bắn vào giữa bầy chim, lông chim bay lả tả. Đàn chim nháo nhác bay đi, nhưng có một con chết rơi xuống, chiếc áo cũng rơi theo. Anh thợ săn làm như lời bà lão dặn, mổ chim lấy quả tim và nuốt. Anh mang áo về nhà.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy anh chợt nhớ tới lời tiên tri, cũng muốn xem có đúng không, anh lật gối lên thì thấy một đồng tiền vàng sáng nhoáng. Những ngày kế tiếp cũng vậy, cứ thức dậy, lật gối lên là nhặt được một đồng tiền vàng. Gom số đó lại đã được một đống vàng, anh nghĩ:
– Vàng chẳng giúp ích gì khi mình cứ ru rú ở nhà, mình phải đi chu du thiên hạ cho biết đó biết đây mới được.
Anh chào bố mẹ, súng đeo vai, đạn thắt ở lưng, anh lên đường đi chu du thiên hạ. Một hôm anh đi qua khu rừng, ra khỏi rừng anh thấy ở cánh đồng phía trước có một tòa lâu đài đồ sộ. Một bà già và một thiếu nữ xinh đẹp nhìn từ cửa sổ xuống. Vốn là phù thủy, bà bảo cô gái:
– Kìa, một chàng trai vừa ở trong rừng đi ra, gã ta có bảo bối trong người. Con yêu của mẹ, ta phải tìm cách quyến rũ. Trong người gã có một quả tim con chim nên sáng sáng dưới gối gã có một đồng tiền vàng.
Mụ kể cho cô biết, tại sao chàng trai lại có bảo bối trong người và dặn cô phải hết sức săn đón. Cuối cùng, mụ trợn mắt dọa cô:
– Nếu con không nghe lời ta, thì đó là bất hạnh cho con.
Liếc nhìn người đẹp, anh thợ săn nghĩ:
– Mình đi chu du thiên hạ đã lâu, giờ cũng phải nghỉ ngơi cho thoải mái. Ta ghé nghỉ trong lâu đài đẹp này mà chẳng phải lo gì, tiền vàng ta có nhiều.
Thực ra khi nhìn thấy người đẹp anh đã nảy ra ý nghĩ đó.
Bước vào trong lâu đài, anh được tiếp đón nồng hậu. Chẳng bao lâu anh thợ săn đã yêu say đắm cô gái, chàng mê cô gái tới mức làm tất cả những gì cô muốn. Mụ già bảo con:
– Giờ ta phải lấy cho kỳ được quả tim con chim.
Hai mẹ con nấu một thứ nước uống, nấu xong mụ rót vào ly để con gái đưa cho anh thợ săn. Cô gái nói:
– Anh yêu quý của em, anh uống chúc em đi.
Uống hết ly nước, anh chàng thợ săn nôn ói ra quả tim con chim. Cô gái lén mang đi và nuốt tim chim như lời mẹ dặn. Từ đó anh không còn tìm thấy đồng tiền vàng ở dưới gối nữa. Tiền vàng giờ đây nằm dưới gối cô gái mà sáng sáng mụ già đến lấy đi. Anh chàng thợ săn si tình cứ đắm đuối mê mẩn quấn quanh cô gái chẳng còn nghĩ gì đến việc khác.
Mụ già lại bảo con:
– Tim chim đã lấy được rồi, ta phải lấy nốt chiếc áo vạn dặm của nó.
Cô con gái nói:
– Chiếc áo nên để cho anh ấy. Anh đã mất hết của cải rồi còn gì.
Mụ già tức giận nói:
– Chiếc áo tuyệt diệu ấy là đồ hiếm trong thiên hạ. Ta phải lấy cho kỳ được.
Mụ bày mưu cho con, dọa không nghe lời sẽ bị phạt, cô đành làm theo ý mẹ. Cô ra đứng bên cửa sổ nhìn ra xa với dáng vẻ rầu rĩ. Anh thợ săn hỏi:
– Nom em sao buồn thế?
Cô đáp:
– Chao ôi, anh yêu quý của em. Đằng trước kia là núi Thạch Lựu, ở đó có nhiều ngọc quý. Cứ nghĩ đến nó là em lại buồn. Chỉ có chim mới bay được đến đó, con người chắc chẳng bao giờ tới đó được.
Anh thợ săn nói:
– Nếu chỉ vì việc ấy mà em than thở thì anh có thể làm ngay để em đỡ buồn.
Rồi anh kéo cô vào trong áo khoác, mồm niệm chú ước đến ngay núi Thạch Lựu. Chỉ trong khoảnh khắc cả hai người đã ở trên núi. Ngọc óng ánh khắp ngọn núi, trông thật sướng mắt. Họ nhặt những viên đẹp nhất, quý nhất. Mụ già dùng phép thuật làm cho anh thợ săn mắt díp lại. Anh bảo cô gái:
– Chúng ta hãy ngồi xuống nghỉ một lúc đi, anh mỏi mệt quá, chân đứng không vững nữa.
Hai người ngồi xuống, anh gối đầu vào lòng cô mà ngủ. Lúc anh ngủ thiếp đi, cô gái cởi áo khoác ở vai anh ra và khoác vào người mình, gom nhặt châu ngọc và mồm niệm chú ước về ngay nhà.
Ngủ đẫy giấc, anh thợ săn tỉnh dậy mới biết người yêu lừa dối, bỏ rơi mình ở lại quả núi hoang vu này. Anh nói:
– Than ôi, sao lại có chuyện bội bạc ghê gớm như vậy trên đời này!
Anh thẫn thờ cả người, đau khổ và lo lắng, không biết làm thế nào. Núi này vốn là nơi hoành hành của những tên khổng lồ man rợ, anh mới ngồi được một lúc đã thấy ba tên, anh ngả lưng xuống làm như ngủ rất say. Ba tên khổng lồ bước tới, tên thứ nhất đá vào người anh nói:
– Con sâu đất này sao lại nằm ườn ra, trầm ngâm thế này?
Tên thứ hai nói:
– Lấy chân dẫm cho nó chết đi!
Với giọng khinh bỉ, tên thứ ba nói:
– Chả bõ công, để cho nó sống. Nó không ở đây nổi. Nếu nó leo lên cao trên đỉnh núi sẽ bị mây cuốn đi mất.
Rồi chúng bỏ đi nơi khác. Nằm lắng nghe chúng nói đợi chúng đi khuất, anh đứng dậy và trèo lên đỉnh núi. Anh ngồi nghỉ trên đỉnh núi thì có một đám mây trôi tới, cuốn anh bay lơ lửng trong không trung. Đám mây từ từ xuống thấp và thả anh xuống một vườn rau to, chung quanh có tường. Anh rơi xuống đất một cách nhẹ nhàng giữa đám bắp cải và các loại rau khác. Rồi anh nhìn quanh và nói:
– Mình đói lả không đi được nữa. Giá có cái gì ăn thì hay. Ở đây chẳng có lê, táo hay thứ quả nào khác, chỉ toàn rau là rau.
Cuối cùng anh nghĩ:
– Bí quá ta đành ăn rau sống vậy, tuy không ngon lành gì nhưng cũng mát ruột.
Anh chọn một cây rau ngon, ăn vào anh thấy người hình như có biến chuyển. Bốn chân mọc ra, đầu lớn hơn trước, hai tai dài ra. Anh khiếp sợ rùng người khi thấy mình đã biến thành con lừa. Cơn đói vẫn hoành hành, mà giống lừa vốn thích ăn rau nên anh cảm thấy rau sống giờ đây rất hợp với thể chất mình nên anh càng ăn nghiến ngấu. Mãi sau, khi ăn một loại rau khác, ăn vào anh cảm thấy trong người lại có sự thay đổi và thấy mình trở lại hình người.
Anh nằm xuống ngủ cho hết cơn mệt. Sáng sớm hôm sau, khi tỉnh dậy anh hái một cây rau độc và một cây rau lành, anh nghĩ bụng:
– Những cái này sẽ giúp mình lấy lại các thứ của mình và trừng phạt sự phản bội.
Anh nhét rau vào người, rồi trèo qua tường đi tìm lâu đài người yêu của mình.
Lang thang mấy ngày, may mắn thay anh lại tìm ra được. Anh bôi đen mặt mũi đến mức mẹ đẻ cô gái cũng không nhận ra anh. Anh bước tới lâu đài và xin nghỉ trọ. Anh nói:
– Tôi mệt lắm không đi được nữa.
Mụ phù thủy hỏi:
– Này, người đàn ông kia là ai vậy? Làm nghề gì?
Anh đáp:
– Tôi là sứ giả của nhà vua. Tôi được phái đi tìm loại rau ngon nhất trên đời. May mắn tôi đã tìm được thứ rau quý ấy, hiện mang theo đây. Nhưng trời nắng nóng như thiêu như đốt, rau tươi đã bắt đầu héo, không biết tôi có mang đi tiếp nữa được không.
Nghe nói đến rau quý, mụ già đã thấy thèm, nên nói:
– Chàng trai đáng yêu, cho tôi nếm thử rau quý được không?
Anh đáp:
– Tại sao lại không! Tôi mang về hai cây, tôi để cho bà một cây.
Anh mở túi, đưa cho mụ cây rau độc. Mụ không nghi ngờ gì cả. Nghĩ tới món ăn mới là mụ đã chảy nước miếng. Mụ tự mình xuống bếp làm thức ăn. Nấu chín, mụ chẳng đợi bưng lên bàn, đút luôn mấy lá vào mồm. Vừa nuốt xong, mụ biến ngay thành con lừa cái và chạy ra sân.
Đến lượt con hầu bếp, thấy món rau làm xong để đấy, nó bưng lên, nhưng quen nếp cũ cứ thèm là ăn vụng. Nó vừa mới ăn vài lá phép lạ đã biến cô thành con lừa cái nhỏ và chạy ra sân chỗ con lừa cái lớn. Bát rau rơi xuống đất. Trong lúc ấy, sứ giả ngồi bên người đẹp. Chờ mãi, không có ai mang rau lên, thèm ăn cô nói:
– Em chẳng biết rau để ở đâu.
Anh thợ săn nghĩ bụng, rau đã ngấm thuốc, anh nói:
– Để tôi xuống bếp xem sao.
Khi anh xuống thì thấy hai con lừa cái đang chạy nhảy ở sân, nhưng rau bị đổ ra đất. Anh nói:
– Được lắm! Hai đứa đã lấy phần rồi.
Anh nhặt những lá rau còn lại, bỏ vào thẫu bưng lên cho cô gái và nói:
– Để cô đỡ sốt ruột chờ, tôi tự tay mang lên.
Cô ăn vào, cũng như những người kia, cô biến ngay thành con lừa con chạy ra sân. Để cho những người biến ra lừa nhận được anh. Anh thợ săn lau mặt sạch và ra sân nói:
– Giờ thì các người phải đền tội phản bội của mình!
Anh ấy dây buộc cả ba con lừa lại, dắt tới cối xay gió. Tới nơi, anh gõ cửa sổ, bác thợ xay bột thò đầu ra hỏi anh muốn gì. Anh đáp:
– Tôi có ba con lừa tai quái không muốn nuôi nữa. Nếu bác nuôi hộ, tôi xin chịu tiền thức ăn nuôi chúng.
Bác thợ xay hỏi:
– Tại sao không nhận nhỉ? Nhưng nuôi chúng như thế nào?
Anh thợ săn dặn bác:
– Con lừa già chính là mụ phù thủy, ngày cho ăn một lần, đánh ba lần, con lừa thứ hai chính là con hầu, cho ăn ba lần một ngày và đánh một lần. Con còn lại là cô gái thì tha đánh và cho ăn ba lần một ngày.
Dầu sao anh cũng còn có tình thương với cô gái. Rồi anh trở lại lâu đài, nơi anh muốn gì có nấy. Được mấy hôm bác thợ xay tới báo là con lừa già bị ăn đòn nhiều và được ăn ít đã chết. Bác nói tiếp:
– Hai con kia còn sống, ngày được ăn ba lần. Nhưng nom chúng biếng ăn chắc không sống được bao lâu nữa.
Anh thợ săn cảm thấy thương hại, nên nguôi giận, nói bác thợ xay đưa chúng lại anh. Hai con lừa đến, anh cho ăn rau thuốc, chúng hiện nguyên hình người. Cô gái quỳ trước anh và nói:
– Trời ơi, anh thân yêu, anh hãy tha lỗi cho em! Mẹ bắt em phải làm những điều tội lỗi, em đâu có ý nghĩ đó. Thực tình em yêu anh tha thiết. Áp thần của anh treo trong tủ. Em sẽ uống thuốc để ói tim chim ra.
Giờ anh nghĩ khác nên nói:
– Em cứ giữ lấy, đâu cũng vào đấy. Anh sẽ lấy em, em sẽ là người vợ thủy chung của anh.
Lễ cưới được tổ chức, họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
123. Bà già ở trong rừng
Có lần cả gia đình nhà kia cùng với cô hầu gái đi qua một cánh rừng lớn. Khi đoàn người đang đi giữa rừng sâu thì bọn cướp xuất hiện. Chúng giết hết tất cả những người mà chúng gặp. Trong lúc lộn xộn cô hầu gái nhanh chân nhảy ra khỏi xe ngựa, chạy nấp sau một cây cổ thụ.
Khi bọn cướp cuốn gói cùng với những đồ vơ vét được đã đi khá xa, lúc ấy cô gái mới rón rén bước tới chỗ xảy ra chuyện bất hạnh. Cô ngồi khóc nức nở và than thân trách phận:
– Một cô gái tội nghiệp như tôi thì biết sao bây giờ, rừng rậm thế này biết đường nào mà ra, quanh đây lại chẳng có ai ở, chắc chết đói ở đây thôi.
Cô đi quanh quẩn tìm đường, nhưng không thấy đường ra. Bóng đêm từ từ bao phủ khắp cánh rừng, cô gái ngồi ở gốc một cây cổ thụ khấn trời, giờ thì chẳng còn nhìn thấy gì nữa, cô đành ngồi đây mặc cho sự đời muốn đi đến đâu thì đi.
Cô ngồi như vậy ở gốc cây được một lát thì bỗng có một con chim bồ câu trắng bay tới phía cô, mỏ nó ngậm một chiếc chìa khóa vàng. Chim thả chiếc chìa khóa vào lòng bàn tay cô gái và nói:
– Cô có thấy không, ở đó có một cây cổ thụ, ở đó có một tòa lâu đài, cầm chìa khóa này mà mở cửa, trong đó có đầy đủ các món ăn, cô chẳng phải lo đói nữa.
Cô đi tới chỗ cây cổ thụ, lấy chìa khóa mở cửa, cô thấy trong đó có sữa để trong bình và bánh mì trắng, cô tha hồ mà ăn uống. Ăn uống no nê cô nói:
– Giờ là lúc gà lên chuồng, mình thì cũng mệt mỏi lắm rồi, giá có giường mà đặt lưng xuống ngủ thì hay quá!
Bỗng nhiên lại có con chim bồ câu bay tới, mỏ nó ngậm một chiếc chìa khóa vàng khác, chim nói:
– Cô hãy đóng cửa kia lại tự nhiên cô sẽ có một chiếc giường nằm.
Cô đóng cửa lại và thấy có một chiếc giường xinh xắn, có nệm dành cho mình. Cô cầu khấn được ngủ bình yên vô sự qua đêm nay. Khấn xong cô lên giường rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau lại có một con chim bồ câu bay tới, chim mang tới cho một chiếc chìa khóa và dặn:
– Cô mở cánh cửa kia ra, ở trong đó có quần áo đẹp dành cho cô đó.
Cô mở cửa ra, thấy ở trong buồng có rất nhiều quần áo đẹp có thêu kim tuyến, quần áo đẹp đến nỗi công chúa chưa chắc đã có những bộ quần áo đẹp như vậy.
Cô cứ sống như vậy một thời gian dài, hàng ngày chim bồ câu bay tới, lo cho cô mọi việc, cung cấp đầy đủ những thứ cô cần. Cuộc sống thật là bình yên, phẳng lặng.
Có lần chim bồ câu bay tới và hỏi:
– Liệu cô có thể vui lòng giúp tôi việc này không?
– Thành tâm mà nói tôi rất sẵn sàng giúp, cô gái đáp.
Lúc đó chim bồ câu nói:
– Tôi dẫn cô tới một căn nhà nhỏ, tới đó cô bước vào nhà, trong nhà có một bà già đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, cô cứ kệ bà ta, đi rẽ tay phải bà ta, cô nhìn thấy có một cái cửa, cô cứ đẩy cửa vào buồng, trên bàn bày nhẫn đủ loại, rất nhiều nhẫn gắn đủ các loại đá quý, ngọc, kim cương. Cô đừng có lấy những thứ ấy, cô chọn cho tôi chiếc nhẫn bình thường nhất trong đó, lấy nhẫn xong cô đi thật nhanh ra ngoài.
Tới trước cửa nhà, cô gái đi một mình vào trong nhà. Bà già thấy cô bước vào bà ta trợn trừng mắt nhìn cô ta và nói:
– Xin chào cô.
Cô gái không đáp lại và đi thẳng về phía cửa buồng. Bà già hỏi:
– Cô đi đâu đấy? Đây là nhà tôi, không ai được phép bước vào nếu không được sự đồng ý của tôi.
Bà túm váy cô. Cô gái vẫn làm thinh, gạt tay bà già, đẩy cửa bước vào trong buồng. Trên bàn bày la liệt toàn là nhẫn, nhẫn óng ánh phản chiếu đủ màu sắc. Cô bới tìm trong đống nhẫn nhưng không thấy chiếc nhẫn như chim bồ câu dặn.
Trong lúc cô mải tìm nhẫn ở bàn, bà già cầm một lồng chim lén đi ra ngoài. Cô gái quay ngay người lại, giật lấy lồng chim. Nhìn kỹ cô thấy con chim đang ngậm ở mỏ một chiếc nhẫn trơn. Cô lấy chiếc nhẫn từ mỏ con chim, rồi cô chạy thẳng một mạch về nhà. Cô đinh ninh thế nào chim bồ câu trắng cũng bay tới để lấy nhẫn. Đợi mãi không thấy chim tới. Cô ngồi dựa bên thân một cây cổ thụ. Cô cảm thấy thân cây như đang từ từ chuyển dịch, rồi bỗng cô có cảm giác như cành cây bỗng ôm lấy người mình. Khi cô định thần được thì ra có một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang vòng tay ôm hôn cô. Chàng trai nói:
– Nàng đã giải thoát cho ta khỏi sự kiềm chế của mụ phù thủy. Mụ ấy hóa ta thành cây, hàng ngày có vài giờ đồng hồ ta được hóa thành chim bay đi đây đó Nhưng chừng nào mụ ấy còn giữ được chiếc nhẫn trơn kia thì ta không thể trở lại nguyên hình người được.
Toàn thể đoàn người và ngựa đã bị mụ phù thủy hóa phép thành cây thần và cành nhánh ở cây cổ thụ giờ đây cũng hiện lại nguyên hình. Chàng trai kia chính là hoàng tử – chàng cùng nàng và đoàn tùy tùng của mình đi trở về đất nước, nơi mà chàng bấy lâu nay xa vắng. Thấy hoàng tử về, nhà vua hết sức vui mừng, lệnh tổ chức lễ cưới cho hoàng tử. Hoàng tử và cô gái sống thật hạnh phúc.
124. Ba anh em
Ngày xưa, có một người cha có ba người con trai, gia tài của ông vỏn vẹn chỉ là căn nhà ông đang ở. Kể ra, sau khi ông chết mỗi người con đều cần một căn nhà. Nhưng ông yêu quí ba con như nhau, không muốn thiên vị một con nào cả, nên ông rất phân vân chưa biết quyết định như thế nào. Bán căn nhà lấy tiền chia đều cho ba con thì ông không muốn, vì căn nhà do ông bà nội để lại. Nghĩ mãi chợt ông nảy ra một ý và nói với các con:
– Các con hãy đi xa để kiếm sống, mỗi con học lấy một nghề, đến khi các con trở về, con nào giỏi nhất thì sẽ được thừa hưởng căn nhà.
Các con đều vui lòng như vậy. Người con cả muốn trở thành thợ đóng móng ngựa, người thứ hai muốn trở thành thợ cắt tóc, người thứ ba lại muốn trở thành người dạy đấu kiếm. Họ hẹn nhau ngày trở về nhà rồi cùng lên đường.
Công thành danh toại, cả ba đều tìm được thầy giỏi truyền nghề cho. Người thợ đóng móng ngựa được cử chuyên đóng móng cho ngựa nhà vua, anh nghĩ:
– Giờ thì tài năng mình còn kém ai nữa, mình sẽ được nhận căn nhà.
Người thợ cắt tóc cũng chuyên cắt tóc cho các quan trong triều nên anh nghĩ căn nhà thế nào chả là của mình. Người đấu kiếm tuy bị những cú đâm chém nhưng vẫn nghiến răng chịu đựng và không hề tỏ ra nản lòng, vì anh luôn luôn tự nhủ mình:
– Nếu mình nhát thì căn nhà kia chẳng bao giờ thuộc về mình.
Rồi ngày hẹn tới, cả ba đều trở về ngồi quanh bên cha. Họ chưa biết lúc nào có dịp tốt để khoe tài. Họ ngồi bên nhau phán đoán. Họ đang ngồi thì có một con thỏ từ phía cánh đồng chạy tới, người thợ cắt tóc nói:
– Chà, nó đến đúng lúc quá!
Anh lấy chổi, xà bông và đánh bọt. Khi thỏ chạy qua, anh quệt chổi xà bông ngang mũi thỏ và cạo một nhát hết luôn bộ râu mà thỏ không hề bị xước mặt hay bị đau. Người cha nói:
– Cha rất hài lòng, nếu những đứa kia không tài bằng thì căn nhà là của con.
Chưa được bao lâu lại có người đánh xe ngựa chạy vụt qua.
– Hãy nhìn con trổ tài, cha của con!
Người thợ đóng móng ngựa nói và nhảy theo chiếc xe, tháo bốn chiếc móng sắt ở gót chân ngựa và đóng luôn bốn cái mới trong lúc ngựa đang chạy.
Người cha nói:
– Con đúng là một đấng nam nhi, con chẳng kém gì em con, giờ thì cha không biết trao ngôi nhà cho con nào.
Lúc đó người con thứ ba nói với cha:
– Cha ạ, hãy cho con trổ tài một lần.
Trời bắt đầu mưa, anh ta rút kiếm ra, đẩy cây kiếm quay quanh ngón tay trỏ. Kiếm quay trên đầu nhanh đến nỗi không có giọt nước mưa nào chảy qua nổi. Trời mỗi lúc một mưa to, rồi mưa như đổ nước xuống, anh đẩy kiếm càng nhanh hơn, kiếm quay nhanh đến nỗi người anh không hề bị ướt.
Người cha nhìn thấy vậy hết sức kinh ngạc, ông nói:
– Con quả là người tài nhất, căn nhà là của con.
Hai người anh rất hài lòng về lời khen và quyết định của cha. Nhưng ba anh em vốn thương yêu nhau nên họ sống chung với nhau trong căn nhà thừa hưởng của cha mẹ. Tuy mỗi người một nghề nhưng họ khéo tay, giỏi nghề nên sống rất sung túc. Cả ba anh em sống hòa thuận tới lúc tóc bạc, răng long.