Ngày xưa, có một ông vua trị vì vào thời nào, tên gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có một cô con gái duy nhất, cô lại đau ốm luôn, không thầy thuốc nào chữa khỏi được. Nghe lời tiên tri là công chúa ăn táo sẽ khỏi bệnh, nhà vua liền cho truyền báo khắp trong nước: ai dâng lên cho công chúa thứ táo ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật, người ấy sẽ được kết duyên cùng nàng và lên ngôi vua.
Một bác nông dân có ba người con trai cũng hay được tin ấy. Bác liền bảo người con trai cả:
– Con lên buồng kho, lấy một giỏ đầy táo ngon chín đỏ ối, rồi mang vào tiến vua. May ra công chúa ăn táo ấy mà khỏi hết bệnh tật thì con sẽ được phép kết duyên cùng nàng, rồi lên nối ngôi vua cha.
Người con trai cả làm như lời cha dặn và lên đường ra đi. Chàng đi được một thôi đường thì gặp một ông già bé tí hon, tóc hoa râm, ông hỏi chàng mang gì trong giỏ. Chàng trai – tên là Ulrich – đáp:
– Toàn là chân ếch thôi!
Nghe vậy, người Tí Hon nói:
– Ồ thì cứ coi như là vậy đi và cũng chỉ là như vậy.
Nói xong, người Tí Hon lại tiếp tục đi.
Đi hoài, đi mãi, cuối cùng Ulrich đã tới được cung vua. Chàng báo là mình có mang loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật. Nghe tin ấy, vua mừng lắm, cho đòi Ulrich vào. Nhưng ôi thôi, khi chàng mở giỏ ra thì chẳng thấy táo đâu mà chỉ toàn chân ếch nằm trong giỏ, chân ếch hãy còn tươi đang ngọ ngoạy. Việc ấy làm vua nổi giận, cho lính xua đuổi chàng ra khỏi cung điện. Về đến nhà, chàng kể lại cho cha nghe đầu đuôi câu chuyện.
Nghe xong câu chuyện, cha sai con thứ hai là Samuel đi. Nhưng sự việc đến với chàng ta cũng y hệt như đối với Un-rich. Chàng ta cũng gặp một người bé Tí Hon, tóc hoa râm, ông hỏi chàng mang gì trong giỏ, Samuel trả lời:
– Chỉ toàn lông lợn!
Người bé Tí Hon tóc hoa râm nói:
– Ờ thì cứ coi như là vậy đi và cũng chỉ là như vậy!
Tới cung vua, Samuel nói mình có loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏi hết bệnh tật. Lính canh không cho vào, nói đã có một tên đến đây nói như vậy, tên ấy làm họ bị mọi người giễu cợt, coi họ như những thằng điên. Samuel kêu nài mãi, hứa quả quyết rằng mình có loại táo ấy, giờ chỉ cần họ cho vào dâng vua. Rồi lính canh cũng tin chàng, dẫn chàng vào chầu vua. Nhưng khi chàng mở giỏ ra thì chỉ toàn là lông lợn. Chuyện đó làm vua nổi trận lôi đình, sai lính đánh Samuel một trận nên thân rồi đuổi chàng ra ngoài. Về tới nhà, chàng kể lại cho cha nghe đầu đuôi câu chuyện.
Rồi đến lượt người con trai út, cả nhà vẫn gọi chàng là thằng ngốc Hans, chàng hỏi cha liệu mình mang táo đi có được không? Người cha bảo:
– Ờ, có khi trong chuyện này mày lại là người hợp nhất. Mấy đứa tinh khôn còn chẳng làm nên trò trống gì nữa là mày! Mày tính làm gì bây giờ?
Nhưng người con trai út cũng không chịu thôi:
– Ấy, đời thế đấy, cha ạ! Con cũng muốn đi.
Người cha liền bảo:
– Đi ngay cho khuất mắt tao, đồ ngu si! Mày thì phải đợi cho đến khi nào tinh khôn hơn chút nữa.
Nói rồi bác quay lưng đi. Nhưng Hans túm ngay lấy áo cha mà nói:
– Ấy cha ơi, con vẫn cứ muốn đi!
Người cha nổi cáu bảo con:
– Thôi thì mặc xác mày! Mày muốn đi đâu thì đi! Chắc lại trở về tay không thôi!
Cậu út mừng quá, nhảy lên. Người cha nói:
– Ờ, giờ thì mày giỡn như thằng điên ấy, mày thì chỉ có ngày một ngốc hơn mà thôi.
Những lời nói ấy đối với Hans chẳng có nghĩa lý gì cả, chàng ta vẫn cười đùa như thường.
Vì lúc ấy trời đã tối, chàng nghĩ bụng đợi đến mai, hôm nay có đi cũng không tới được cung vua. Đêm nằm mà không tài nào chợp mắt được, chàng vừa thiếp đi đã mơ tưởng ngay tới cô thiếu nữ xinh đẹp, tới những lâu đài, vàng bạc và nhiều thứ khác nữa. Sớm tinh mơ ngày hôm sau chàng đã lên đường. Chàng gặp ngay người bé tí hon, lẻo khoẻo, vận quần áo xám trắng, hỏi chàng có gì trong giỏ. Hans nói là mình có loại táo công chúa ăn vào sẽ khỏe mạnh, khỏi hết bệnh tật. Người Tí Hon nói:
– Ờ thì cứ coi là như vậy đi và chắc là như vậy!
Nhưng ở cung điện, lính canh khăng khăng từ chối không để cho Hans vào, vì đã có hai tên xưng là mang táo tiến vua, nhưng một đứa thì mang chân ếch tươi đến, còn tên kia thì mang lông lợn. Nhưng vì Hans van nài mãi, chàng nói chàng không mang chân ếch tới, chàng đem toàn táo ngon nhất nước tiến vua. Chàng ăn nói chân thành, lính canh cổng nghĩ chắc chàng không nói dối nên cho chàng vào. Họ đã không lầm, vì khi Hans mở giỏ trước mặt vua thì thấy toàn là táo chín vàng óng nom thật thơm ngon. Vua mừng lắm, cho quân hầu mang táo lại cho công chúa ăn, hồi hộp ngồi đợi người đến báo kết quả ra sao. Chỉ một lát sau đã có người mang tin lại. Nhưng các bạn có biết đó là ai không? Người đó chính là công chúa. Vừa mới ăn xong táo, công chúa thấy người khỏe khoắn hẳn lên, nhảy ra khỏi giường đi đến gặp vua. Không ai tả được hết nỗi vui mừng của nhà vua.
Nhưng giờ nhà vua lại không muốn gả công chúa cho Hans. Vua bảo, trước hết chàng phải đóng một chiếc thuyền đi trên cạn nhanh hơn đi dưới nước. Chàng Hans chấp thuận, về nhà kể lại sự việc xảy ra. Cha liền bảo Ulrich vào rừng lấy gỗ đóng một chiếc thuyền như vậy. Chàng làm việc cần cù, vừa làm vừa huýt sáo. Đúng giữa trưa, khi mặt trời đứng giữa đỉnh đầu, có một người bé nhỏ tóc hoa râm đến hỏi chàng làm gì. Ulrich trả lời người đó:
– Muỗng gỗ!
Người bé nhỏ tóc hoa râm bảo:
– Ờ thì cứ coi là như vậy đi và chắc là như vậy!
Đến tối, Ulrich nghĩ rằng mình đã đóng xong một chiếc thuyền, nào ngờ lúc ngồi vào thì đó chỉ toàn là muỗng gỗ.
Hôm sau Samuel vào rừng, nhưng sự việc xảy ra cũng y hệt như đối với Ulrich.
Đến ngày thứ ba chàng ngốc Hans mới vào rừng. Chàng đẽo, đóng miệt mài, cả khu rừng vang tiếng gỗ chan chát, chàng vừa làm vừa huýt sáo vui vẻ. Đến giữa trưa, lúc trời nóng bức nhất thì có người bé nhỏ tóc hoa râm đến hỏi chàng làm gì. Chàng đáp:
– Đóng một chiếc thuyền đi trên đồng khô cạn nhanh hơn là đi dưới nước.
Và chàng còn nói là khi nào làm xong thuyền, chàng sẽ được cưới công chúa làm vợ. Người bé nhỏ bảo:
– Ồ, giờ thì cứ coi như có một chiếc thuyền như vậy đi và chắc chắn là như vậy!
Chiều tối, khi mặt trời lặn, chàng Hans đã làm xong chiếc thuyền, mái chèo và các bộ phận khác.
Chàng ngồi vào thuyền, chèo thuyền vào kinh thành. Thuyền chạy nhanh như gió.
Thấy chiếc thuyền từ đằng xa, nhưng vua vẫn không muốn gả công chúa cho Hans. Vua bảo, chàng phải làm thêm một việc: chăn một trăm con thỏ từ sớm tinh mơ đến tối mịt, nếu để lạc mất một con thì cũng không lấy được công chúa. Hans cũng vui lòng nhận lời. Ngay ngày hôm sau chàng cùng đàn thỏ ra đồng cỏ, chàng luôn luôn để ý canh chừng, không để con nào trốn cả.
Một vài giờ trôi qua, một nữ tỳ ở cung điện đến bảo Hans phải đưa ngay một con thỏ vì có khách. Han-xơ nhận ra ngay mưu kế, chàng bảo chưa có thỏ, nếu vua có thể đợi đến mai hãy mời khách món thỏ hồ tiêu thì thế nào cũng có thỏ. Nữ tỳ cũng không chịu thôi, lăn ra khóc ăn vạ. Lúc đó Hans bảo, nếu công chúa thân chinh lại, thì chàng sẽ đưa cho một con thỏ. Nữ tỳ về cung và công chúa thân chinh lại thật.
Trước khi công chúa tới gặp Hans thì người bé nhỏ tới, hỏi chàng đang làm gì. Chàng đáp là chàng phải chăn một trăm con thỏ, không được để một con nào trốn mất. Nếu làm được điều đó thì sẽ được lấy công chúa và lên ngôi vua. Người bé nhỏ nói:
– Thế cũng tốt! Đây, cho anh chiếc còi này, nếu có con nào chạy trốn, chỉ cần thổi còi, thế nào nó cũng quay trở lại.
Khi công chúa đến, Hans đặt một con thỏ vào tạp dề của nàng. Nhưng khi nàng mới đi được chừng một trăm thước thì Han-xơ thổi còi. Thỏ nhảy ngay khỏi tạp dề, chạy về với bầy, vì lâu nay nó đã quen sống có bầy rồi. Tối đến, Hans chỉ việc thổi còi, đến xem đã đủ chưa, xua cả đàn về cung điện.
Nhà vua hết sức ngạc nhiên khi thấy Hans chăn nổi một trăm con thỏ, không mất mát con nào. Nhưng rồi vua vẫn nhất định không chịu gả con gái cho Hans. Vua bảo chàng phải mang đến dâng vua một cái lông đuôi chim ưng thần đã.
Hans chuẩn bị hành lý, rồi cứ thế thẳng đường mà đi. Tối thì chàng tới một tòa lâu đài, chàng xin ngủ lại, vì hồi đó chưa có quán trọ dọc đường. Ông chủ lâu đài vui vẻ nhận lời và hỏi chàng định đi đâu. Hans đáp:
– Đến chỗ chim ưng thần.
– Á, đến chỗ chim ưng thần đấy à? Người ta thường kể lại là chim ấy biết mọi chuyện trên đời. Tôi mất chiếc chìa khóa hộp tiền bằng sắt. Anh làm ơn hỏi chim ưng thần xem chiếc chìa khóa biến đi đâu nhé.
Hans đáp:
– Được, tất nhiên chuyện đó tôi có thể giúp được.
Sáng hôm sau chàng lại lên đường. Tối đến, chàng lại nghỉ chân ở một tòa lâu đài nằm ngay bên đường. Khi mọi người ở lâu đài biết chàng định đến chỗ chim ưng thần, họ nói trong gia đình họ có cô con gái ốm, đã dùng nhiều phương thuốc mà vẫn chưa thấy chuyển bệnh, nhờ chàng làm ơn hỏi chim ưng xem có cách gì chữa để cho cô gái trở lại khỏe mạnh. Hans nói là chàng sẵn lòng làm việc ấy, rồi lại ra đi.
Chàng tới một bến sông. Đáng nhẽ bến sông phải có đò ngang, nhưng lại có một người to lớn vạm vỡ chuyên chuyển mọi người qua sông. Người ấy hỏi Hans đi đâu. Hans đáp:
– Đến chỗ chim ưng thần.
Người đó dặn Hans:
– Này, nếu anh có gặp chim, nhớ hỏi chim hộ tôi, tại sao tôi cứ phải chuyển tất cả mọi người qua sông mãi như thế?
Hans đáp:
– Vâng, tôi sẽ hỏi cho.
Người kia đặt chàng lên vai, cõng đưa chàng qua sông.
Đi mãi, cuối cùng Hans tới được nhà chim ưng thần, nhưng chim đi vắng, chỉ có vợ ở nhà. Vợ chim hỏi chàng muốn gì. Hans kể cho vợ chim nghe đầu đuôi câu chuyện: chàng muốn có một chiếc lông đuôi chim ưng thần, rồi ở lâu đài nọ, người ta đánh mất chiếc chìa khóa hộp tiền mới, lại ở một lâu đài khác có cô thiếu nữ bị bệnh, chàng muốn biết cái gì có thể chữa cho nàng bình phục, rồi gần đây có một con sông, có một người đàn ông cứ phải lội đưa người qua sông, chàng cũng muốn biết tại sao người đàn ông đó lại phải cõng đưa mọi người sang sông mãi như thế…
Vợ chim ưng thần bảo:
– Chà, anh bạn thân mến của tôi nên nhớ điều này: không ai nói chuyện với chim ưng thần được đâu. Nó ăn thịt tất cả mọi người. Nhưng nếu anh muốn thì anh cứ chui vào nằm dưới gầm giường nó. Trời khuya, khi nó đã ngủ say, anh có thể vươn tay ra mà giật lấy một chiếc lông đuôi. Còn những điều anh muốn biết thì cứ để tôi hỏi hộ cho.
Hans rất thỏa mãn về chuyện đó. Chàng chui vào nằm dưới gầm giường.
Đến tối, chim ưng thần về. Vừa mới bước chân vào buồng, nó đã nói ngay với vợ:
– Mình này, ta ngửi thấy mùi thịt người.
Vợ đáp:
– Đúng đấy. Hôm nay có một người đã đến đây, nhưng hắn lại đi rồi.
Chim ưng thần không hỏi han gì nữa. Nửa đêm, lúc chim ưng thần đang ngáy o o như kéo gỗ thì Hans vươn tay lên, giật một chiếc lông đuôi của chim ưng thần. Chim ưng thần giật thót một cái và bảo:
– Mình này, ta ngửi thấy mùi thịt người. Mà hình như nó giật một chiếc lông đuôi của ta.
Vợ chim liền bảo:
– Đúng là mình mê ngủ rồi. Tôi đã bảo mình là hôm nay có một người đến đây, nhưng hắn lại đi ngay. Hắn kể tôi nghe đủ thứ chuyện. Nào là ở tòa lâu đài nọ người ta đánh mất chìa khóa hộp tiền mới, không tìm thấy nữa.
Chim ưng thần nói:
– Trời, đúng là đồ ngu! Chìa khóa nằm dưới đống củi sau cửa ra vào ở nhà kho ấy.
– Hắn lại còn bảo là ở một tòa lâu đài khác có một cô con gái bị bệnh, mọi người không biết dùng cách gì để chữa cho cô khỏi bệnh.
Chim ưng thần nói:
– Trời, đúng là đồ ngu dốt! Dưới gầm cầu thang trong hầm nhà có một con cóc lấy tóc của cô ta làm tổ. Nếu cô ấy lấy lại được tóc thì khỏi bệnh.
– Rồi hắn lại kể ở nơi kia có một con sông, có một người đàn ông cứ phải lội cõng đưa mọi người qua sông.
Chim ưng thần nói:
– Trời, đúng là thằng ngu dốt! Nó chỉ việc thả một người xuống giữa sông thì tự khắc nó không phải cõng ai sang sông nữa.
Sớm tinh mơ, chim ưng thần đã dậy đi. Hans chui ở gầm giường ra, tay cầm chiếc lông chim đẹp. Chàng lại nghe biết tất cả những điều chim ưng thần nói về chiếc chìa khóa, về cô con gái và về người đàn ông. Vợ chim ưng thần còn kể lại tất cả một lần nữa cho chàng nghe để khỏi quên. Sau đó chàng lên đường về nhà. Trước tiên chàng đến chỗ người đàn ông ở bên bờ sông, người đó hỏi ngay chàng rằng chim đã nói gì. Han-xơ nói cứ cõng mình qua sông đã rồi chàng sẽ nói cho mà nghe. Người đó cõng ngay chàng qua sông. Sang tới bên kia sông rồi, Han-xơ bảo người đó rằng chỉ việc thả một người xuống giữa dòng sông thì không phải cõng đưa ai sang sông. Người này vô cùng mừng rỡ, bảo Hans là muốn cõng chàng qua sông rồi lại cõng đưa trở về bên này sông để tỏ lòng biết ơn. Hans từ chối, nói là không muốn người kia mệt nhọc vì mình, chàng rất hài lòng về những cử chỉ ấy. Rồi chàng lại đi.
Chàng tới lâu đài nơi cô gái bị bệnh. Vì cô không đi được nên Hans cõng cô trên vai rồi đi xuống hầm nhà, lấy ở gầm cầu thang cái tổ cóc đặt vào tay cô. Cô nhảy từ vai chàng xuống, chạy lên cầu thang trước Hans, trở lại khỏe mạnh như xưa. Cha mẹ cô mừng lắm. Nhà có bao nhiêu vàng bạc đều đưa ra, Hans muốn lấy gì cha mẹ cô cũng xin biếu.
Tới lâu đài mà chàng đã trọ lại đêm đầu tiên, Han-xơ đi thẳng vào nhà kho để củi, tìm thấy ngay chiếc chìa khóa nằm dưới đống củi sau cửa ra vào và mang chìa khóa lên cho chủ lâu đài. Ông ta mừng rỡ vô cùng, liền lấy rất nhiều vàng trong hộp ra để thưởng tặng Hans, ngoài ra còn biếu đủ mọi thứ, cả bò sữa, dê, cừu.
Hans đến cung vua với tất cả những đồ biếu ấy, nào là tiền, vàng bạc, nào là bò sữa, cừu, dê. Vua hỏi chàng lấy ở đâu ra tất cả của cải ấy. Hans bảo là ai muốn lấy bao nhiêu chim ưng thần cũng cho. Lúc đó vua nghĩ bụng, mình cũng cần những thứ đó. Rồi vua lên đường để tới chỗ chim ưng thần. Nhưng khi vua đến sông thì vua đúng là người đầu tiên đến từ khi Hans đi qua. Người đàn ông kia thả vua xuống giữa dòng sông rồi đi mất. Vua bị chết đuối. Còn Hans cưới công chúa và lên ngôi vua.
Danh mục: Truyện cổ Grim
Truyện cổ Grim
166. Hans lực lưỡng cường tráng
Ngày xửa ngày xưa, hai vợ chồng nhà kia chỉ có một người con. Họ sống một mình trong thung lũng hoang vắng. Có lần người mẹ vào rừng kiếm củi mang theo cậu bé Hans hai tuổi. Mùa xuân trăm hoa đia nở khoe sắc, hai mẹ con vui bước, đi hoài đi mãi vào tận trong rừng sâu lúc nào không hay. Bỗng có hai tên cướp nhảy ra từ bụi rậm bên đường, chúng túm lấy hai mẹ con và dẫn vào nơi hoang vu nhất trong rừng, nơi chưa từng có ai đặt chân tới.
Người mẹ đáng thương van nài bọn cướp thả hai mẹ con. Trái tim bọn cướp đã hóa đá, chúng đâu có thèm nghe lời van xin khẩn nài của người mẹ, chúng đẩy hai người đi tiếp. Sau hai tiếng đồng hồ đạp cây và gai trên đường, hai mẹ con bị đẩy tới bên cánh cửa nằm ở ngay vách núi. Bọn cướp gõ vào vách núi, cánh cửa từ từ mở.
Hai mẹ con đi dọc theo con đường hầm dài tối om, rồi tới cái động lớn có ánh lửa chập chờn tỏa sáng từ bếp lò đang đỏ rực. Treo ở trên tường nào là cung kiếm cùng những đồ giết người khác, chúng lấp lánh theo ánh lửa chập chờn. Một cái bàn màu đen đặt ở giữa động, bốn tên đang ngồi chơi, tên cầm đầu toán cướp ngồi gần đó.
Khi hai mẹ con bước vào động, tên cầm đầu tới nói, cứ yên tâm, đừng có sợ, công việc hàng ngày là lo cơm nước, dọn dẹp mọi cái cho ngăn nắp. Sau đó toán cướp đưa thức ăn cho hai mẹ con, chỉ cho chỗ ngủ của hai mẹ con.
Hai mẹ con sống nhiều năm ở chỗ bọn cướp. Hanxơ giờ đã khôn lớn. Người mẹ thường kể cho Hans nghe những chuyện về hiệp sĩ ở trong một quyển sách. Quyển sách đó bà tìm thấy ở trong động. Bà cũng thường dạy Hans đọc viết. Khi được chín tuổi, Hans lấy một cành bách bện thành thừng lớn và dấu nó ở dưới gầm giường. Hans tới bên mẹ và nói:
– Mẹ kính yêu, mẹ nói cho con biết, ai là cha con.
Người mẹ nín lặng, không muốn nói cho con biết điều đó để nó lại nhớ nhà. Người mẹ cũng biết rất rõ, lũ cướp chẳng đời nào để cho Hans rời khỏi nơi này. Bà cũng rất đau lòng, khi Hans không được về thăm cha. Đêm khuya, khi bọn cướp trở về. Hans lấy thừng cầm tay và bước tới chỗ tên cầm đầu bọn cướp và nói:
– Ta muốn biết chỗ ở của cha ta. Nói ngay, không ta vụt cho lăn quay ra bây giờ!
Tên cầm đầu cười lớn và cho Hans một cái bạt tai làm Hanxơ lộn mấy vòng lăn vào trong gầm bàn. Hans gượng dậy, bụng nghĩ:
– Mình phải đợi năm tới, khi đó ta lại tìm cách, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn.
Lại một năm qua đi, Hans cầm chiếc gậy, phủi sạch bụi, nhìn kỹ nó rồi nói:
– Chiếc gậy này chắc chắn đấy chứ!
Đêm khuya, lũ cướo trở về, chúng uống rưọu hết bình này tới bình khác cho tới khi say mới thôi. Hans lại lấy chiếc gậy ra, đứng trước mặt tên thủ lĩnh và hỏi hắn cha của nó là ai. Tên thủ lĩnh tát cho một cái bạt tai, Hans ngã dúi lăn xuống gầm bàn, nhưng ngay sau đó, Hans đứng dậy, giơ gậy lên nhằm thẳng đầu tên đầu sỏ và các tên cướp khác mà nện. Chúng bị đánh đau đến mức chân tay chẳng động đậy nổi.
Bà mẹ đứng ở một góc, nhìn thấy Hans dũng mãnh như thế thì rất kinh ngạc. Trừng trị lũ cướo xong, Hans bước tới trước mặt mẹ nói:
– Giờ đến chuyện của con. Bây giờ con muốn biết cha của con là ai?
Bà mẹ trả lời:
– Con yêu dấu, giờ thì mẹ con chúng ta đi tìm cha con, tìm cho tới khi gặp mặt cha con.
Bà lấy chìa khóa của tên thủ lĩnh để mở cửa hang, Hans lấy một cái bao rất to để chứa vàng, bạc châu báu, khi bao đầy căng, Hans vác lên vai. Rồi hai mẹ con đi ra khỏi hang. Từ trong bóng tối đi ra ngoài trời sáng, bất giác Hans mở to mắt nhìn rừng xanh, hoa và chim dưới ánh nắng chói chang. Nó đứng ngây người ngắm nhìn cảnh tượng đó.
Hai mẹ con tìm đường về nhà. Đi được mấy tiếng đồng hồ thì cả hai tới một thung lũng hoang vắng, nơi có một căn nhà nhỏ.
Một người đàn ông đang ngồi trước cửa nhà. Khi nhận ra vợ mình và nghe nói Hans là con trai của mình, ông mừng đến phát khóc. Ông vẫn nghĩ rằng họ đã chết lâu rồi!
Hans tuy mới mười hai tuổi nhưng cao hơn cha một cái đầu. Họ cùng vào nhà. Khi Hans đặt chiếc túi xuống chiếc ghế dài bên lò sưởi, thì cả căn nhà rung lên răng rắc: chiếc ghế dài bị gãy, đất lún làm cho chiếc túi nặng rơi xuống hầm nhà. Người cha thốt lên:
– Cầu Chúa phù hộ chúng ta. Thế này là thế nào. Con làm xập nhà rồi còn gì!
Hans trả lời:
– Cha yêu quý, cha không phải lo cho bạc tóc. Vàng bạc trong bao này đủ để xây căn nhà mới!
Hai cha con lập tức bắt tay vào làm nhà mới, mua súc vật, tậu ruộng để lập kế sinh nhai. Hans nhẹ nhàng đẩy chiếc cày lật đất nên bò không kéo nặng.
Mùa xuân năm thứ hai, Hans nói:
– Cha ơi, cha giữ lấy số tiền này, chỉ xin cha làm cho con một chiếc gậy nặng một trăm cân để con mang theo khi đi chu du thiên hạ.
Sau khi chiếc gậy được làm xong, chàng trai lên đường.
Hans tới một khu rừng âm u, bỗng nghe thấy răng rắc răng rắc. Anh ngó nhìn quanh thì thấy một sợi dây thừng quấn quanh cây thông từ trên một ngọn cây cao xuống. Anh nhìn lên thì thấy một chàng trai to cao đang túm chắc lấy cây mà co kéo, làm như vặn một cây liễu vậy. Hanxơ hỏi:
– Này, anh làm gì ở đó?
– Hôm qua tôi kiếm được mấy đống củi, nay dùng dây bó nó lại.
Hans nghĩ: “Người này được đấy. Anh ta rất khỏe.” Rồi Hans gọi anh chàng đó:
– Cứ để nó ở đấy, hãy cùng đi với tôi nhé!
Chàng trai tụt xuống. Anh ta cao hơn Hans một cái đầu, tuy Hans đâu có thấp nhỏ. Hans nói:
– Bây giờ gọi anh là “Chàng vặn cây thông” nhé!
Họ cùng nhau lên đường. Bỗng họ nghe tiếng đập và tiếng gõ vang lên rất to, nó làm mặt đất rung lên. Không lâu sau họ tới trước một vách đá lớn, có một người khổng lồ đứng trước vách núi giơ nắm tay đập vỡ từng mảng đá lớn. Hans hỏi người khổng lồ làm thế để làm gì, anh ta đáp:
– Ban đêm tôi muốn ngủ mà lũ gấu, sói và các loài súc vật khác cứ lượn lờ, ngửi hít bên người làm tôi chẳng sao ngủ được. Do đó tôi muốn làm một căn phòng để nằm cho được yên thân!
Hans nghĩ: “Ồ, người này mình cũng cần đây!” và nói với anh chàng đó:
– Anh gác chuyện đó lại, giờ đi với tôi đi! Tên anh sẽ là “Chàng đập vách núi” nhé!
Người khổng lồ ưng thuận. Ba người đi qua một cánh rừng. Chỗ nào họ qua, thú dữ đều hốt hoảng, chạy trốn. Tối họ tới một lâu đài cổ bỏ hoang, họ bước vào một gian phòng lớn và ngủ ở đó.
Sáng sớm hôm sau, Hans ra vườn hoa bị bỏ hoang vu cây cỏ mọc um tùm. Anh đang đi đi lại lại trong vườn hoa thì môt con lợn hoang xồ tới. Anh giơ chiếc gậy phang một cái khiến con lợn quay lơ ra. Anh vác con lợn lên vao, đưa vào trong gian phòng lớn. Ba người xẻ thịt lợn ra, nướng trên xiên sắt, chén một bữa ngon lành. Họ hẹn nhau cứ mỗi ngày hai người luân phiên đi săn, còn một người ở nhà nấu nướng, vì mỗi người cần ăn tới 4,5kg thịt.
Ngày thứ nhất, anh chàng vặn cây thông ở nhà, Hans và anh chàng đập vách núi đi săn. Anh chàng vặn cây thông đang nướng thịt thì một người lùn mặt đầy vết nhăn đi vào trong lâu đài, xin anh ta ít thịt để ăn.
Chàng vặn cây thông từ chối nói:
– Con quỷ nhát gan cút đi. Mi không đáng ăn thịt!
Thoắt một cái, gã người lùn xấu xí ấy đã ở trên lưng chàng vặn cây thông, và đấm liên tiếp khiến anh chàng ngã lăn ra đất mà thở. Hết cơn bực tức người lùn bỏ đi.
Khi hai người kia đi săn về, người vặn cây thông chẳng hé răng nói một lời nào về việc người lùn và việc mình bị đánh, mà nghĩ bụng: “Nếu bọn họ ở nhà thì cũng sẽ biết tính khí của gã người lùn!” Nghĩ vậy, anh ta mừng thầm.
Ngày hôm sau, chàng đập vách núi ở nhà và cũng gặp phải chuyện y như chàng vặn cây thông, vì không cho gã người lùn ăn thịt nên cũng bị nện một trận ra trò.
Buổi tối, khi hai người đi săn về nhà, chàng vặn cây thông vừa nhìn chàng đập vách núi, biết ngay đã xảy ra chuyện gì, nhưng cả hai đều im lặng, vì nghĩ: “Để Hans cũng nếm mùi đó!”
Ngày thứ ba tới lượt Hans ở nhà làm việc bếp núc. Khi chàng trai đang đứng với bọt trong nồi trên bếp lò thì gã người lùn bước tới xin một miếng thịt để ăn. Hans nghĩ: “Người lùn này thật đáng thương, hãy cho phần thịt của mình để anh ta ăn thì người khác cũng chẳng mất phần của họ!” Thế là anh cho gã người lùn tảng thịt.
Gã người lùn ăn xong một tảng, lại xin thêm một tảng nữa. Hans tốt bụng lại cho anh ta thêm một tảng thịt, đồng thời nói là tảng cuối cùng. Ăn xong, gã người lùn lại đòi miếng thịt thứ ba.
– Quân vô hại! – Hans nói và không cho gì nữa.
Gã người lùn hung bạo định nhảy xổ lên lưng Hans như với anh chàng vặn cây thông và anh chàng đập vách núi, mà đấm đá. Nhưng lần này thì gã đã lầm. Hans phang cho gã ta mấy cái khiến gã văng ra bậc thang đá của lâu đài. Hans rượt đuổi theo, chạy một mạch tới khu rừng thì nhìn thấy gã lùn chui vào trong một hang đá. Hans đành về nhà, nhưng chàng nhớ nơi đó.
Khi hai người bạn kia trở về, nhìn thấy Hans vẫn hăng hái thì lạ lắm. Hanxơ kể lại chuyện mới xảy ra cho họ nghe và họ cũng kể lại những việc họ gặp phải. Nghe xong, Hans cười nói:
– Đúng là đáng đời cho thói bủn xỉn của các anh! Các bạn cao lớn thế mà lại để người lùn nện cho mặt trận, thật xấu hổ! Một lúc sau, ba người bọn họ mang theo chiếc sọt và dây rợ, cùng đi tới chỗ hang đá mà người lùn đã chui xuống. Hans cầm gậy ngồi vào chiếc sọt để hai người kia dùng giây thả xuống.
Khi xuống tới đáy hang, Hans thấy một cánh cửa, chàng mở cửa nhìn vào thì thấy một thiếu nữ đẹp như người trong tranh đang ngồi ở bên gã người lùn, hắn cười khẩy nhìn Hans. Thiếu nữ bị quấn chặt bằng dây xích, nàng nhìn Hans bằng ánh mắt tội nghiệp khiến chàng rất thương cảm và nghĩ: “Phải cứu nàng thoát khỏi bàn tay hung bạo của gã người lùn đó!” Chàng vung gậy phang một cái khiến gã người lùn ngã lăn ra đất, chết luôn.
Gã người lùn vừa chết thì xiềng xích trên người thiếu nữ lập tức rơi xuống, Hans ngây ngất trước sắc đẹp lộng lẫy của nàng.
Thiếu nữ kể cho Hans nghe rằng nàng vốn là một công chúa bị một tên bá tước phóng đãng bắt đi khỏi quê hương, bị giam cầm trong hang đá, vì nàng không thuận theo ý muốn của hắn, hắn giao cho người lùn canh giữ. Gã lùn đã tìm mọi cách quấy rầy nàng, hành hạ nàng.
Hans để thiếu nữ ngồi vào chiếc sọt để nàng lên trước. Chiếc sọt lên rồi lại hạ xuống. Giờ đây, Hans đã không còn tin tưởng hai người bạn nữa, chàng nghĩ bụng: “Trước đây bọn họ đã giả dối, việc xảy ra với người lùn mà họ chẳng chịu nói với mình, thì bây giờ ai mà biết họ còn giở trò gì để hãm hại mình đây?”
Nghĩ thế chàng bèn đặt chiếc gậy vào trong sọt. Đó cũng là may cho chàng, bởi chiếc sọt kéo lên lưng chừng thì hai tên kia cho nó rơi xuống. Nếu Hans ngồi trong sọt đó thì chắc đã toi mạng!
Nhưng bây giờ thì Hans không biết làm thế nào để ra khỏi đáy hang. Chàng nghĩ mãi mà chẳng tìm ra cách nào. Chàng lẩm bẩm:
– Nhìn mình loay hoay khổ sở ở dưới đáy hang khiến cho người ta cũng phải thương thay!
Chàng đi đi lại lại, rồi đến căn phòng mà thiếu nữ đã ngồi đó, nhìn thấy người lùn có đeo một chiếc nhẫn sáng lấp lánh ở ngón tay. Chàng tháo chiếc nhẫn đó ra, đeo vào tay mình, quay một vòng trên ngón tay thì đột nhiên nghe thấy trên đầu mình có tiếng gì lao xao. Chàng ngước lên nhìn thì hóa ra có mấy con quỷ bay trong không trung. Chúng nói Hans là chủ nhân của chúng, và hỏi chàng có yêu cầu gì.
Thoạt đầu Hans chẳng biết nói gì, nhưng lát sau mới bảo là chúng phải đưa chàng lên khỏi hang. Vừa lên tới mặt đất, chàng nhìn quanh chẳng thấy một người nào. Chàng vào trong lâu đài cổ thì cũng chẳng thấy ai. Chàng vặn cây thông và chàng đập vách núi đều đã chạy trốn, đem theo nàng thiếu nữ xinh đẹp.
Hans liền xoay chiếc nhẫn, lũ quỷ bay tới, báo cho chàng biết là hai tên đó đang ở trên biển. Hans chạy nhanh ra bờ biển, nhìn thấy một con thuyền nhỏ ở ngoài khơi, ngồi trên thuyền là hai kẻ bất lương ấy. Không suy nghĩ gì nữa, Hans cầm chiếc gậy trong tay, nhảy ngay xuống nước, và bơi. Nhưng chiếc gậy nặng đã kéo chàng xuống sâu, khiến chàng suýt nữa chết đuối.
Khi đó Hans chợt nhớ ra, bèn quay chiếc nhẫn. Trong nháy mắt, lũ quỷ lại bay tới, đưa chàng tới chiếc thuyền nhỏ. Chàng vung gậy trừng trị hai tên vô lại, và quẳng chúng xuống biển. Lại một lần nữa Hans cứu nàng thiếu nữ. Chàng quay thuyền lại, chở nàng thiếu nữ xinh đẹp đang hoảng sợ về nhà cha mẹ của nàng, và chàng cùng nàng kết hôn, mọi người hết sức vui mừng.
167. Bác nông dân nghèo lên trời
Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo khổ và ngoan đạo. Sau khi chết bác đến đứng trước cổng nhà trời. Cùng lúc đó cũng có một nhà quí phái giàu có vô kể muốn qua cổng nhà trời. Thánh Petrus mang chìa khóa ra và mở cửa cho nhà quý phái kia vào. Thánh lờ đi làm như không nhìn thấy bác nông dân đứng đó và từ từ đóng cửa lại.
Đứng ngoài cổng nhưng bác nông dân vẫn nghe thấy rõ tiếng đàn hát rộn rã, hân hoan chào đón nhà quí phái kia. Được một lúc thì tất cả lại trở nên yên ắng.
Thánh Petrus lại ra mở cửa để cho bác nông dân vào. Bác cứ đinh ninh là khi bác vào, thế nào cũng có tiếng đàn hát chào đón, nhưng cảnh vật vẫn thấy yên lặng. Thực ra người ta tiếp đón bác cũng rất niềm nở. Các vị thiên thần cũng có mặt đầy đủ khi tiếp đón bác, nhưng không có một ai ca hát cả.
Bác hỏi thánh Petrus, tại sao khi tiếp đón bác lại không có đàn hát như khi tiếp đón nhà quí phái giàu có vừa mới vào trước đó. Phải chăng ở trên trời cũng có sự thiên vị như ở dưới trần gian. Thánh Petrus liền nói:
– Làm gì có chuyện thiên vị ấy, chúng tôi quí mến bác cũng như mọi người khác. Bác sẽ được hưởng mọi thú vui trên trời y như nhà quí phái giàu có kia. Nhưng nông dân nghèo như bác thì ngày nào cũng có người lên trời, mà một người giàu có quí phái như người kia thì hàng trăm năm mới có một người được lên trời.
168. Mụ Liese gầy nhom
Khác hẳn với vợ chồng anh chàng lừơi Heinz và ả mập Trine, cả hai đều lười biếng như nhau, chẳng thèm nhúc nhích chân tay, mụ Liese gầy nhom lúc nào cũng tất bật, đăm chiêu. Mụ làm quần quật từ sớm tinh mơ tới khi trời tối không còn nhìn thấy gì mới thôi, mụ bắt chồng là bác Lenz cao kều làm việc tối tăm mặt mũi, vất vả hơn cả con lừa phải tải ba tạ thóc. Nhưng rồi tất cả những khó nhọc ấy cũng là công cốc, tay không vẫn hoàn tay không, hai vợ chồng cũng chẳng có gì đáng gọi là dư dật.
Một buổi tối, mụ nằm trên giường, mệt nhừ người đến nỗi chân tay không buồn nhúc nhích, nhưng mụ không sao chợp mắt được vì nghĩ vơ nghĩ vẩn. Mụ thích khuỷu tay vào cạnh sườn chồng thì thào:
– Lenz à, để tôi kể cho mình nghe tôi đang nghĩ gì nhé! Nếu tôi bắt được một đồng mà lại có người cho một đồng, tôi sẽ đi vay thêm một đồng, còn mình thì phải cho tôi thêm một đồng nữa, như vậy vị chi tất cả là bốn đồng, tôi sẽ lấy số tiền đó đi tậu một con bò cái.
Nghe chuyện thấy cũng bùi tai, chồng nói:
– Quả là tôi cũng chẳng biết mò đâu cho ra một đồng để đưa tặng mình. Nhưng nếu mình gom đủ được số tiền để tậu bò thì cứ mua lấy một con mà thôi. Kể có tiền mua bò thì còn gì bằng.
Chồng lại nói thêm:
– Tôi lấy làm mừng nếu con bò cái ấy lại đẻ một con bê, chắc lúc ấy thỉnh thoảng tôi cũng được uống chút đỉnh sữa tươi cho bõ khát khi trời oi bức.
Vợ ngắt ngay lời:
– Sữa không phải để phần mình nhé, sữa chỉ để bê con bú cho chóng nhớn mập mà bán cho được giá.
Chồng đáp:
– Dĩ nhiên là thế! Nhưng ta uống chút đỉnh thì có hại gì.
Vợ bắt đầu bực:
– Hừ! Ai dạy mình chăm nom bò thế? Dù có hại hay không có hại đi chăng nữa thì tôi cũng không để cho mình làm thế đâu nhé. Nếu mình có tài đi bằng đầu mình cũng không được một giọt sữa nào đâu nhé. Này lão Lenz cao kều kia, ăn thì thủng nồi trôi rế lại còn định phá sạch của cải mà tôi khó nhọc vất vả mới làm ra được hả!
Chồng cũng bực nói:
– Này, mụ im đi nhé! Có muốn ta lấy giẻ bịt miệng lại không.
Vợ lớn tiếng:
– Ái chà chà, lại định dọa bà hả? Đúng là quân lười thối thây, quân ăn hại, đồ dây leo ăn bám!
Mụ định nắm lấy tóc chồng, nhưng Lenz cao kều chồm dậy được, một tay túm lấy cánh tay khẳng khiu của Lidơ gầy nhom, tay kia dúi đầu mụ xuống gối. Mặc cho mụ Liese gầy nhom chửi rủa, Lenz cứ ghì như vậy cho đến khi mụ mệt quá ngủ thiếp đi mới thôi.
Tôi không biết sáng hôm sau khi thức dậy hai vợ chồng còn cãi nhau nữa không hay là mụ vợ ra đi để tìm mấy đồng tiền vàng mà mụ ước ao.
169. Ngôi nhà trong rừng
Có một bác tiều phu nghèo sống với vợ và ba cô con gái trong một túp lều nhỏ ở ven một khu rừng hẻo lánh. Một buổi sớm, lúc sắp đi làm, bác dặn vợ:
– Hôm nay mình sai đứa con cả mang cơm trưa vào rừng cho tôi nhé, về giữa buổi sợ làm không xong việc.
Bác còn nói thêm:
– Để con khỏi lạc đường, tôi đem theo một túi kê, rải dọc lối đi.
Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu thì cô con gái lớn mang một nồi xúp lên đường. Nhưng sẻ đồng, sẻ rừng, chim sơn ca và hoa mai, sáo sậu và phù dung đã mổ nhặt ăn hết kê từ lâu rồi, vì thế cô bé không tìm thấy dấu đường nào cả.
Cô cứ đi liều, đi mãi cho tới khi mặt trời đã lặn, bóng đêm trùm xuống. Trong bóng đêm mờ tối ấy cô nghe thấy tiếng cây rì rào, tiếng cú kêu, cô bắt đầu sợ. Chợt cô nhìn thấy phía xa có ánh đèn lấp ló sau hàng cây. Cô nghĩ bụng chắc là ở đó có người, họ có thể cho mình ngủ nhờ qua đêm nay. Rồi cô nhắm hướng có ánh đèn mà đi. Chỉ một lát sau, cô đã tới một ngôi nhà, cửa sổ chiếu hắt ánh đèn ra. Cô gõ cửa. Một giọng khàn khàn từ trong nhà nói vọng ra:
– Cứ vào!
Cô bước lên nền nhà tối mò và gõ cửa buồng thì lại có tiếng người nói:
– Cứ vào đi!
Cô mở cửa. Ngồi bên bàn là một ông già tóc đã hoa râm, đầu gục trên hai bàn tay, chòm râu bạc phơ dài chấm gần đến đất. Nằm bên lò sưởi là ba con vật: một con gà mái, một con gà trống, và một con bò lông đốm sặc sỡ. Cô bé kể cho ông nghe chuyện mình, xin ông cho ngủ qua đêm. Ông hỏi mấy con vật:
Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
Mấy con vật đồng thanh trả lời:
– Đ… u… ú… c!
Như thế có nghĩa là: “Chúng tôi bằng lòng.”
Rồi ông cụ nói tiếp:
– Ở đây thứ gì cũng sẵn và nhiều, con hãy xuống bếp nấu bữa ăn tối cho chúng ta đi!
Cô bé xuống bếp, thấy quả thật là thức gì cũng thừa thãi, cô nấu một bữa ăn thật ngon, song cô không nghĩ tới việc nấu cho mấy con vật. Cô mang lên một thẫu đầy, đặt lên bàn, ngồi vào cùng ăn với ông cụ cho nguôi cơn đói. Khi đã ăn xong, cô hỏi:
– Giờ con đã mệt, xin cụ chỉ giùm giường ở đây, Con chỉ muốn đặt mình xuống là ngủ ngay.
Mấy con vật đồng thanh đáp:
Cô đã ăn với cụ ấy,
Cô đã uống với cụ ấy,
Chúng tôi, cô chẳng đoái hoài.
Giờ cô còn hỏi, nơi nào ngả lưng?
Ônh cụ bảo:
– Con cứ đi lên thang gác, con sẽ thấy một cái phòng có hai giường, nhớ giũ giường và trải giường bằng khăn trắng, rồi ta sẽ lên ngay, ta cũng muốn ngả lưng đi ngủ rồi.
Cô bé trèo lên, vừa mới giũ giường trải khăn xong là cô lăn ngay ra ngủ, không hề nhớ tới việc đợi ông vụ già.
Một lát sau, ông cụ tóc hoa râm lên, soi đèn thấy cô đã ngủ say rồi, ông cụ lắc đầu, mở một cái cửa hầm cho cô bé rơi xuống đó.
Mãi tới khuya, bác tiều phu mới về tới nhà. Bác trách bác gái đã để bác phải nhịn đói cả ngày.
Bác gái phân trần:
– Tôi đâu có lỗi? Con bé lớn nó đem bữa trưa cho mình. Chắc hẳn nó lạc trong rừng, mai nó sẽ về.
Trời vừa hừng sáng, bác tiều phu đã dậy để đi rừng, lần này bác bắt cô con gái thứ hai phải mang cơm trưa cho mình. Bác nói:
– Tôi đem theo một túi đậu. Hạt đậu to hơn hạt kê nên con gái dễ nhận ra hơn, nó không thể lạc đường được.
Đúng giữa trưa thì cô gái thứ hai mang đồ ăn cho cha. Nhưng cũng như ngày hôm trước, đậu đã bị chim rừng nhặt sạch không còn sót lấy một hạt. Cô bé lạc, đi loanh quanh trong rừng. Tới khi trời xẩm tối thì cô cũng tới căn nhà của ông cụ. Cô cùng vào xin ăn và xin trọ. Ông già có chòm râu bạc phơ quay lại hỏi ba con vật:
Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
Lần này cũng vậy, ba con vật đồng thanh đáp:
– Đ… u… ú… c!
Mọi việc xảy ra y hệt đêm hôm trước. Cô bé nấu một bữa cơm rất ngon, cùng ngồi ăn uống với ông cụ và cũng chẳng đoái hoài gì đến mấy con vật. Đến lúc cô hỏi chỗ ngủ, ba con vật đồng thanh đáp:
Cô đã ăn với cụ ấy,
Cô đã uống với cụ ấy,
Chúng tôi, cô chẳng đoái hoài.
Giờ cô còn hỏi, nơi nào ngả lưng?
Khi cô ngủ say, ông cụ lên, nhìn cô lắc đầu. Rồi ông cũng cho cô tụt xuống hầm.
Sáng ngày thứ ba, bác tiều phu dặn vợ:
– Bữa nay mình để con bé út mang đồ ăn cho tôi nhé. Con bé vốn tính hiền lành, nết na, đi đến nơi về đến chốn chứ không như các chị nó. Hai đứa ấy chẳng khác gì mấy con ong rừng, suốt ngày chỉ nhởn nhơ chạy quanh.
Người vợ không muốn vậy nên nói:
– Lại muốn tôi mất nốt đứa con gái tôi cưng nhất hay sao?
Chồng đáp:
– Khỏi phải lo! Con bé ấy thông minh và rất khôn, nó không lạc đâu. Hôm nay tôi đem theo đậu Hòa Lan để rắc dọc đường. Hạt đậu Hòa Lan to hơn nên con nó dễ nhận ra đường đi hơn.
Nhưng đến lúc cô bé xách làn ra đi thì lũ chim gáy đã nhặt hết đậu. Cô chẳng còn biết đường đi lối lại ra sao nữa. Cô lo lắm, lúc nào cũng nghĩ sợ cha bị bỏ đói, lo mẹ buồn phiền một khi cô không về.
Rồi tới khi trời tối, cô chợt thấy có ánh đèn. Cô đi theo hướng ấy thì tới ngôi nhà trong rừng. Cô nói rất lễ phép rằng cô muốn xin ngủ trọ qua đêm. Ông cụ già có chòm râu bạc phơ lại hỏi mấy con vật:
Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
– Đ… u… ú… c!
Chúng đồng thanh trả lời. Lúc ấy, cô bé bước tới bên lò sưởi, chỗ mấy con vật đang nằm, lấy tay vuốt nhẹ bộ lông óng mượt của gà mái và gà trống, rồi lại xoa đầu bò đốm hoa. Theo lời ông cụ dặn, cô đi nấu một bữa ăn ngon lành. Nấu xong, cô bưng thức ăn, bày lên bàn, rồi cô tự hỏi:
– Mình ăn cho no chán, để mấy con vật hiền lành tốt bụng rỗng có đành lòng không? Ở bếp thức ăn bày la liệt, mình phải cho chúng ăn nó cái đã.
Cô đi lấy lúa mạch vung cho gà mái, gà trống ăn, lấy cho bò một ôm rơm còn thơm mùi lúa. Cô thì thầm với mấy con vật:
– Mấy bạn thân mến của tôi. Chúc các bạn ăn ngon. Nếu khát, tôi sẽ kiếm nước mát để các bạn uống.
Rồi cô xách một thùng nước đầy mang vào cho chúng uống. Gà trống, gà mái nhảy ngay lên mép thùng, nhúng mỏ xuống nước rồi lại vươn cổ lên nom y hệt như chim uống nước, còn bò đốm hoa làm luôn một hơi dài thoải mái. Cho mấy con vật ăn uống xong xuôi, cô bé mới lại ngồi vào bàn ăn, ăn những thức ăn ông cụ để dành phần cô. Một lát sau, gà trống, gà mái bắt đầu rúc đầu dưới cánh và bò đốm hoa chớp mắt liên hồi. Đúng lúc đó, cô bé hỏi:
– Liệu giờ chúng ta đi nghỉ được chưa?
– Này chị mái tơ,
Này anh gà trống
Chị bò đốm hoa
Cả ba suy tính thế nào?
Mấy con vật đồng thanh đáp:
– Đ… u… ú… c!
Cô ăn với chúng tôi,
Cô uống với chúng tôi,
Cô nghĩ tới chúng tôi,
Chúc cô ngủ ngon giấc!
Cô đi lên thang gác, giũ gối, trải khăn mới xong xuôi đâu đấy thì ông cụ cũng đi lên, ngả lưng lên một chiếc giường, râu ông cụ dài chấm gót chân. Cô bé lên chiếc giường kia để ngủ.
Cô ngủ được một giấc ngon lành. Đến nửa đêm, bỗng nhà cửa rung chuyển làm cô thức giấc. Cả bốn góc nhà đều rung chuyển, kêu răng rắc, cánh cửa lớn cứ sập vào rồi lại mở ra, đập vàp tường rầm rầm. Xà nhà đung đưa như muốn rời khỏi mộng, gác như muốn sụp xuống. Rồi có tiếng ngói xô vào nhau như cả mái nhà muốn sập. Nhưng rồi tất cả lại yên tĩnh, cô bé thấy mình chẳng việc gì nên cứ nằm yên trên giường, nhắm mắt ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, trong ánh nắng chói chang, cô tỉnh dậy, thấy mắt mình như hoa lên. Kỳ lạ chưa? Cô thấy mình đang nằm trong một căn phòng lớn, mọi cảnh vật xung quanh trang hoàng vô cùng lộng lẫy như trong cung vua. Những cụm hoa bằng vàng nhô lên từ bức tường bọc toàn bằng lụa màu lá cây. Giường trạm trổ bằng ngà voi, chăn bọc nhung đỏ. Trên chiếc ghế kê bên giường là một đôi hài thêu điểm trân châu. Trong lúc cô còn đang ngỡ là mình nằm mơ thì có ba người hầu ăn mặc sang trọng bước vào, hỏi cô có sai bảo gì không.
Cô bảo họ:
– Các bác cứ ra đi, tôi dậy ngay bây giờ để nấu xúp cho ông cụ ăn, rồi còn cho chị gà mái tơ, anh gà trống, chị bò đốm hoa ăn nữa.
Cô nghĩ chắc ông cụ đã dậy rồi. Cô ngoảnh sang giường bên xem sao, nhưng nằm ở trên giường không phải là một ông cụ mà lại là một chàng trai nom rất lạ. Trong lúc cô còn đương mải ngắm nhìn người lạ mặt, trẻ đẹp kia thì người ấy bật dậy và nói với cô:
– Tôi chính là một hoàng tử bị một phù thủy độc ác phù phép biến ra thành một ông cụ già tóc bạc sống giữa rừng sâu với ba người hầu, cả ba đều bị mụ phù phép biến thành gà mái, gà trống và bò đốm hoa. Phép yêu ấy chỉ được giải khi nào có một người con gái tốt bụng tới đây, không những biết thương người mà biết thương cả các loài vật nữa. Và người con gái đó chính là nàng. Nửa đêm hôm qua chính nàng đã giải thoát cho chúng tôi, ngôi nhà cổ giữa rừng cũng đã trở lại nguyên hình là cung điện nguy nga ngày xưa.
Khi cả hai đã đứng dậy, hoàng tử bảo ba người hầu đi mời bố mẹ cô đến để làm lễ cưới.
Cô nói:
– Nhưng còn hai chị của thiếp giờ này ở đâu?
– Ta giam hai người đó ở dưới hầm nhà. Ngày mai hai người sẽ được dẫn vào trong rừng. Họ phải làm lụng cho một người đốt than cho tới khi nào họ sửa được lỗi, biết thương yêu các loài vật, không để chúng phải đói bụng.
170. Chia vui sẻ buồn
Ngày xửa ngày xưa có một bác phó may ưa cãi lộn với mọi người. Bà vợ thì chăm làm, hiền lành và tốt bụng, nhưng bà cũng chưa bao giờ được người chồng ưng ý. Bác phó may chẳng hài lòng một việc gì với vợ cả, cái gì bác cũng dúng mũi vào, vợ làm, chồng càu nhàu, chửi bới, túm tóc đánh vợ.
Cuối cùng thì quan trên cũng biết chuyện, cho đòi bác đến cửa quan, rồi bỏ tù để bác tự sửa mình. Sau một thời gian ăn bánh mì đen với uống nước lã, bác được thả ra. Bác hứa rằng sẽ không đánh vợ nữa, vợ chồng hòa thuận cùng nhau chia sẻ vui buồn, ăn ở sao cho phải nghĩa vợ chồng.
Sống hòa thuận với nhau được một thời gian, nhưng rồi bác lại tính nào tật ấy, hay càu nhàu, ưa cãi lộn. Vì không được phép đánh vợ nên bác bèn nắm tóc vợ giật. Người vợ gỡ được và chạy ra ngoài sân. Bác phó may cầm cả thước lẫn kéo đuổi theo, đuổi vợ chạy quanh, rồi ném cả thước lẫn kéo, vớ được gì ném nấy. Nếu ném trúng thì bác cười hô hố, ném trượt thì đuổi vợ càng hung hơn và còn la lối om xòm. Bác chạy đuổi vợ tới khi hàng xóm xô lại can mới chịu thôi. Quan trên lại cho đòi bác đến trình diện, nhắc hỏi bác lời hứa khi xưa. Bác thưa:
– Thưa quan tòa, tôi vẫn giữ lời hứa, tôi không đánh đập vợ tôi, tôi chỉ chia vui sẻ buồn với nhà tôi thôi.
Quan tòa hỏi:
– Thế nghĩa là thế nào? Vì sao mà vợ anh lại phải kêu kiện về anh?
– Thưa tôi không có đánh vợ, mà chỉ muốn lấy tay vuốt mái tóc, vì cô ấy có mái tóc đẹp tuyệt vời, chỉ có thế mà cô ta tránh né tôi, rồi còn bực dọc bỏ tôi mà đi, thế nên tôi mới chạy theo cô ấy, tiện tay vớ được gì ném theo nấy, cốt cho cô ấy một kỷ niệm thấy được ý tốt của tôi và đồng thời cũng nhằm nhắc nhở cô ấy làm nhiệm vụ của mình. Tôi chia vui sẻ buồn với cô ấy, nếu ném trúng cô ấy thì tôi vui mà cô ấy buồn, ném trượt thì cô ấy vui mà tôi buồn.
Quan tòa không thể hài lòng với câu trả lời ấy, bắt bác phải nộp tiền phạt xứng đáng với tội của mình.
171. Chim hồng tước và con cú
Ngày ấy xa xôi lắm rồi, khi mỗi âm thanh đều có ý nghĩa riêng của nó. Khi nghe tiếng búa thợ rèn, người ta nghĩ ngay tới:
– Nào, đều nhịp búa nhé!
Khi nghe tiếng bào gỗ, người ta nghĩ ngay tới:
– Ấn miết đều tay cho phoi mịn.
Khi nghe tiếng cối xay gió, người ta nghĩ ngay tới:
– Chỉ có gió trời nó mới quay.
Nếu người thợ cối xay gió lại chính là người lừa đảo thì khi cho cối xay gió chạy sẽ có tiếng hỏi:
– Ai đó? Ai đó?
Và lập tức có ngay tiếng đáp:
– Thợ cối xay gió, thợ cối xay gió.
Và rồi tiếp sau đó là tiếng hối thúc:
– Ăn cắp thật lực vào, ăn cắp thật lực vào, tám phần chỉ còn sáu.
Cũng vào ngày ấy, loài chim có tiếng nói riêng ai cũng hiểu được chứ không phải là những tiếng xè xè, sẹt sẹt hay như tiếng người huýt sáo, chỉ có ít loài là nghe như nhạc không lời như những loài chim ngày nay.
Tự dưng loài chim lại muốn sống có vua và muốn chọn một con nào đó lên làm vua. Trong số chúng chỉ có con Kiebitz phản đối, nó thích sống tự do và cũng muốn được chết một cách thanh thản. Sợ hãi nó bay hết chỗ này tới chỗ khác, vừa bay vừa nói:
– Giờ thì mình ở đâu được? Giờ thì mình ở đâu được?
Rồi nó tự rút lui về sống ở những nơi đồng lầy hoang vắng, không bao giờ ló ra nữa.
Vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời, các loài chim lũ lượt bay từ các cánh rừng, từ các thảo nguyên tụ hội lại với nhau, nào là đại bàng, chim sâu, cú, quạ, chim sẻ, chim sơn ca, chim nhiều ơi là nhiều, chim gáy cũng tới, rồi chim rẽ quạt cũng có mặt, có cả con chim gì cũng chẳng biết nữa, nó nhỏ xíu à, nó cũng nhập bọn. Có chị gà mái ở đâu chạy tới hỏi với giọng tò mò:
– Làm gì, làm gì mà tụ hợp đông thế nhỉ?
Rồi chị ta quang quác lên làm lũ gà con nhớn nhác. Anh gà trống chạy lại bảo:
– Có gì đâu, họp bầu vua đấy!
Cuộc họp quyết nghị, ai bay cao nhất người đó sẽ là vua. Chú nhái bén đậu bám trên cành cây nghe không rõ nên tưởng mọi người quát:
– Ướt, ướt, ướt, ướt ráo cả!
Nó tưởng rồi tha hồ mà khóc, khóc nhiều tới mức, ướt ráo tất cả.
Con quạ nói:
– Rồi cũng đâu vào đấy!
Bầy chim muốn việc đó được làm ngay khi trời đang nắng đẹp. Rồi sau khi có lệnh xuất phát, cả bầy chim vụt cất cánh bay, chúng đông tới mức người ta chỉ nghe thấy tiếng rào rào vỗ cánh và một đám mây bụi. Những loài chim nhỏ yếu ớt rớt lại đàng sau và rơi xuống đất. Những loài chim to ráng sức bay tiếp, nhưng chẳng con nào bay nhanh và cao bằng đại bàng, tưởng chừng nó muốn bay lên để mổ moi mắt của mặt trời. Khi đại bàng ngoảnh lại xem có ai bay theo không, nó thấy chẳng có con chim nào bay đua nổi, tất cả rớt lại mãi xa đằng sau. Nó nghĩ:
– Việc gì phải bay cao hơn nữa, thế cũng là vua rồi!
Đại bàng lượn từ từ xuống, bầy chim đồng thanh:
– Đại bàng làm vua, đại bàng làm vua, không ai sánh bằng cả.
Có con chim nhỏ nằm ẩn trong lông ngực đại bàng chui ra nói:
– Ngoại trừ tôi ra, ngoại trừ tôi ra!
Con chim nhỏ bay vút lên không trung, người ta tưởng chừng nó sẽ bay tới thượng giới. Khi đó nó lượn từ từ xuống và nói oang oang:
– Tôi mới là vua, tôi mới là vua!
Bầy chim tức giận hỏi:
– Mi mà cũng đòi làm vua chúng ta? Ngươi đã mưu mẹo ăn gian khi bay. Giờ bầy chim lại quyết định: Con chim nào rơi sâu nhất vào trong lòng đất thì nó sẽ được làm vua.
Con ngan bay lên bờ, gà trống ta ra sức bới cho mình một lỗ. Vịt ta vội nhảy xuống hào, không may bị trẹo chân, lạch bạch gắng lội xuống ao và la: “Đúng là đồ ăn mày! Đúng là đồ ăn mày!.” Còn cái con chim nhỏ khi trước thì chui ngay vào trong hang chuột, rồi nói vọng ra: “Tôi mới là vua! Tôi mới là vua!.”
Bầy chim tức giận hỏi:
– Ngươi mà cũng đòi làm vua à, ngươi tưởng đánh lừa được chúng ta ư?
Bầy chim quyết định bao vây hang chuột để cho con chim nhỏ kia chết đói trong hang chuột. Cú được phân công đứng canh cửa hang, không cho con chim lừa đảo kia chui ra khỏi hang, thế nó mới biết thân.
Khi bóng đêm từ từ buông xuống cánh rừng thì bầy chim bấy giờ mới thấy thấm mệt bởi cuộc đua tài. Chim mẹ, chim con lại lũ lượt kéo nhau bay về tổ. Chỉ còn một mình cú ta ở lại và mắt chăm chăm nhìn vào hang chuột. Được một lúc thì nó thấy mỏi mắt, cú nghĩ:
– Mình nhắm một mắt, còn mắt kia thì canh chừng không cho tên khốn kiếp chui ra khỏi hang.
Thế là cú ta nhắm một mắt, một mắt nhìn trừng trừng canh chừng nơi cửa hang chuột. Con chim nhỏ ló đầu khỏi hang tính trốn khỏi hang, cú ta liền bước tới. Con chim nhỏ liền tụt vào trong hang.
Giờ thì cú mở mắt kia, nhắm mắt này lại cho đỡ mỏi, cứ như vậy cú luân phiên mở mắt, nhắm mắt suốt cả đêm. Nhưng rồi có lần nhắm mắt này lại quên mở mắt kia. Thế là hai mắt nhắm nghiền và cứ thiu thiu đi vào giấc ngủ. Con chim nhỏ kia chỉ mong có chừng đó. Khi phát hiện ra cú nhắm cả hai mắt, nó chui ra khỏi hang và lẻn bay đi mất.
Từ ngày đó trở đi loài cú không được ló mặt ra khi trời sáng, vì mỗi khi nhìn thấy cú lập tức các loài chim xô tới rỉa lông nó. Từ đó, cú chỉ bay đi kiếm ăn vào ban đêm, nó căm tức lũ chuột và luôn săn bắt chúng để trả thù.
Còn con chim nhỏ kia cũng không dám xuất đầu lộ diện, nó chỉ sợ các loài chim trông thấy, rồi bay tới bắt, đánh nó. Giờ nó chỉ bay từ bụi rào này sang bụi rào khác, chỉ khi nào thấy chắc chắn nó mới cất tiếng: “Tôi mới là vua!.” Các loài chim thấy nó vậy nên mỉa mai đặt cho nó cái tên “Vua hàng rào” (chim hồng tước).
Không có ai vui mừng bằng chim sơn ca, vì nó chẳng phải tuân lệnh Vua hàng rào. Mỗi khi ánh mặt trời xuất hiện thì chim sơn ca bay cao vút lên hót:
– Ái chà, nơi nào là tuyệt, thật là tuyệt vời, tuyệt vời, tuyệt vời! Nơi nào là tuyệt nhỉ!
172. Sự tích con cá thờn bơn
Đã lâu lắm rồi các giống cá sống hỗn độn trong thế giới dưới nước. Chẳng ai thèm chơi với ai, có con lúc thì bơi bên trái, lúc khác lại bơi bên phải, cứ tùy hứng mà bơi. Có con bơi đâm ngang hoặc đứng cản đường của cả một đàn cá. Con nào khỏe thì lấy đuôi đánh một cái là con yếu hơn phải dạt ngang một bên, cá lớn nuốt cá bé mà chẳng hề mảy may suy nghĩ.
Các giống cá đồng thanh nói:
– Nếu chúng ta có một ông vua thì hay biết chừng nào, vua sẽ dùng pháp luật để giữ công bằng trong chúng ta.
Chúng thống nhất là sẽ bầu con cá nào lướt bơi nhanh nhất làm chúa tể loài cá, chúng hy vọng chúa tể sẽ kịp thời đến cứu giúp những con yếu đuối.
Tất cả các loài cá bơi vào bờ xếp hàng. Cá măng vẫy đuôi ra hiệu, tất cả các loài cá đều xuất phát. Cá măng lao nhanh như tên bắn, theo sau là cá mòi, cá bống mú, cá măng rổ, cá chép cùng các loài cá khác. Thờn bơi cũng tham dự cuộc bơi với hy vọng cũng bơi được tới đích.
Bỗng nhiên có tiếng hô:
– Cá mòi dẫn đầu! Cá mòi dẫn đầu rồi!
Cá thờn bơn mình dẹt, vốn hay ganh ghét, bơi mãi phía sau, nghe vậy vội lớn tiếng tỏ bất bình:
– A… ai… dẫn… đầu?
– A… ai… dẫn… đầu?
Có tiếng đáp lại:
– Cá mòi, cá mòi.
Anh chàng tị nạnh lại la:
– Co… con mòi ranh con ấy à, co… con mòi ranh con ấy à.
Cũng vì lần ấy mà thờn bơn bị trời trừng phạt nên mồm mới méo như ngày nay.
173. Con chim vạc và chim dẻ quạt
Một người đàn ông hỏi ông già chăn bò:
– Bác hay cho bò ăn ở đâu?
– Ở chỗ này, nơi cỏ không được mỡ màng lắm nhưng cũng không thưa thớt và cứng; cả hai loại đều không tốt.
Người đàn ông lại hỏi:
– Tại sao lại không tốt?
Người mục đồng đáp:
– Ông có nghe thấy tiếng gọi ầm ì từ ngoài đồng cỏ vọng lại không? Đó là tiếng con chim vạc, ngày xưa nó cũng từng là mục đồng, và con chim rẻ quạt cũng vậy. Giờ tôi xin kể cho ông nghe sự tích câu chuyện:
“Con vạc chăn bò của mình trên cánh đồng cỏ màu mỡ có rất nhiều loài hoa mọc xen kẽ. Ăn cỏ ấy nên bò trở nên bướng bỉnh và dữ tợn. Rẻ quạt thì đánh bò lên ăn ở núi trọc cao tít, gió thổi cát bay suốt ngày, nơi ấy cỏ mọc thưa thớt và cứng nên bò của nó gầy còn ốm yếu.
Khi trời bắt đầu tối, khi những mục đồng khác chăn đàn bò của mình về nhà thì vạc ta loay hoay mà vẫn không gom được đàn bò của mình, lũ bò bướng bỉnh mỗi con đi một ngả. Vạc gọi:
– Bò khoang, quay lại!
Nhưng cũng vô ích, chúng chẳng thèm quay lại.
Còn rẻ quạt thì không sao thúc bò đứng dậy được, chúng quá mệt mỏi, ốm yếu. Rẻ quạt la:
– Hấp, hấp, hấp!
Nhưng chẳng ăn thua gì cả, chúng cứ nằm ì trên cát.
Nếu không biết chọn cỏ cho bò ăn sự thể sẽ như vậy. Mặc dù chúng không còn chăn bò nữa nhưng vạc vẫn kêu: “Bò khoang quay lại!” và rẻ quạt thì “Hấp, hấp, hấp!.”
174. Con cú
Hồi đó cách đây khoảng mấy trăm năm, khi con người còn chưa tinh khôn, ranh mãnh như chúng ta ngày nay, ở thị trấn kia đã xảy ra một chuyện lạ kỳ như sau:
– Tình cờ có một con cú thuộc giống cú lớn bay đi ăn đêm từ một khu rừng gần đó rồi lạc vào kho lúa và rơm của một gia đình kia. Đến sáng hôm sau, nó vẫn náu mình trong góc kho chẳng dám bay ra nữa vì sợ các giống chim khác thấy nó tất sẽ khiếp đảm mà kêu la ầm lên.
Khi trời đã rạng hẳn, người đầy tớ nhà kho ấy vào kho lấy rơm, hắn sợ hãi co cẳng chạy lên báo chủ là trong kho có một con quái vật suốt đời hắn chưa từng thấy bao giờ. Con quái vật đảo mắt lia lịa, chắc là nó nuốt chửng người ta dễ như chơi. Chủ nhà nói:
– Tao biết tính mày rồi! Mày chỉ có gan đuổi sẻ ngoài đồng, còn hễ thấy dù chỉ là một con gà mái đã chết lăn ra đó. Trước tiên mà cũng cứ đi kiếm gậy cầm lăm lăm trong tay rồi mới dám đến gần. Để tao thân chinh xuống xem con vật kỳ quái ấy hình thù thế nào?
Chủ nhà đứng phắt ngay dậy, hùng hổ vẻ can đảm lắm, đi thẳng xuống kho, tìm ngó quanh quẩn. Nhưng khi chính mắt bác nhìn thấy con vật lạ kỳ và gớm ghiếc kia thì hoảng sợ cũng chẳng kém gì người đầy tớ. Chỉ vài bước nhảy, bác đã ra khỏi nhà kho, chạy sang khẩn khoản xin hàng xóm cứu giúp chống lại con vật lạ kỳ nguy hiểm. Nếu không sẽ nguy cho cả thị trấn một khi con quái lọt được ra ngoài.
Khắp phố xá huyên náo, bàn tán về chuyện đó. Người người khắp mọi nơi đổ về, tay giáo, tay mác, tay liềm, tay hái, tay rìu, cứ như đi đánh giặc. Mấy vị trong tòa thị chính do viên thị trưởng dẫn đầu cũng có mặt. Đoàn người tụ tập ở bãi chợ để chỉnh đốn hàng ngũ, rồi nhất tề kéo đến vây kín kho. Tiếp đấy, một người dũng cảm táo tợn nhất trong đám đông, tay lăm lăm ngọn giáo, xông vào. Nhưng mới thấy con quái, hắn đã ù té chạy, mặt nhợt như da người chết, miệng lắp bắp không nói được lời nào. Thêm hai người nữa liều mình xông đến, nhưng cũng chẳng hơn gì người kia.
Mãi sau, có một người cao lớn, lực lưỡng bước ra. Anh nổi tiếng xưa nay vì những chiến công trong chiến trận. Anh nói:
– Các người chỉ nhìn suông thì làm sao đuổi được quái vật! Trong chuyện này, phải nghiêm túc mới được. Nhưng tôi thấy hình như các ông đã hóa thành loại đàn bà nhút nhát cả rồi thì phải, chẳng ai có gan đấu trí với cáo cả.
Anh đòi đem giáp, trụ, giáo, kiếm lại. Binh giáp đã sẵn sàng, mọi người đâm lo cho tính mạng anh, nhưng ai cũng khen anh là dũng cảm. Hai cánh cổng kho được mở và người ta thấy con cú đã bay lên đậu chính giữa một cái xà ngang rất lớn. Anh bảo đi lấy thang. Khi anh đặt thang xong, chuẩn bị trèo lên, ở bốn phía mọi người reo hò, cổ vũ anh, cầu thánh Gioóc, vị thánh đã giết rồng khi xưa phù hộ độ trì cho anh. Khi anh trèo sắp tới gần, con cú mới nhận ra là anh muốn trèo đến chỗ nó. Nó lại nhìn thấy đám đông người ở ngoài hô hoán huyên náo cả một vùng nên càng bàng hoàng, không biết trốn đi đâu. Mắt nó long lên, chớp liên tục, xù lông, giương cánh, cất giọng khàn khàn: “Cú… cú….” Đám đông hò hét khích lệ người anh hùng dũng cảm:
– Đâm đi, đâm luôn đi thôi!
Anh thanh niên đáp:
– Có giỏi cứ lên đây đứng, xem có còn dám hô “đâm đi” nữa không.
Thực ra anh cứ bước lên thêm được một nấc thang nữa, nhưng rồi toàn thân run rẩy. Anh rút lui trong tình trạng gần ngất xỉu.
Giờ không còn một ai dám dấn thân vào chỗ nguy hiểm ấy nữa. Mọi người bảo nhau:
– Con quái vật mới há mỏ, hà hơi thôi mà đã làm cho tráng sĩ cừ nhất của chúng ta trúng độc và bị thương rồi. Những loại như chúng ta dù có liều thân cũng chẳng được tích sự gì.
Họ đứng bàn tán, tìm xem có cách nào để cứu cả thị trấn khỏi đổ nát không. Tất cả mọi cách gần như không có hy vọng gì. Mãi sau, viên thị trưởng mới nghĩ ra một kế. Ông nói:
– Tôi nghĩ thế này: Ta đốt cả nhà kho cùng con quái vật kia. Rồi ta quyên góp tiền bồi thường cho chủ nhà cả kho lẫn rơm, lúa, cỏ, cùng những vật dụng để trong đó. Như vậy thì chẳng một ai phải liều thân nữa. Trong chuyện này không thể tính chi li được. Bủn xỉn chỉ mang hại cho chính mình.
Tất cả mọi người đều nhất trí như vậy. Mọi người, mỗi người một tay, châm lửa bốn góc nhà kho. Chẳng mấy chốc, nhà kho bị cháy rụi, con cú cũng bị chết thảm hại trong lò lửa.
Ai không tin chuyện kể, xin cứ đến đó mà hỏi.