Hậu ký

Từ hai người tướng mạo giống nhau mà xảy ra những chuyện hiểu lầm, đề tài cũ rích như thế không thể tạo nên một cuốn tiểu thuyết kết cấu chặt chẽ được. Tuy rằng Shakespeare cũng đã từng sử dụng những đôi anh em, chị em song sinh làm đề tài, nhưng đó không phải là những vở kịch hay nhất của ông. Bộ tiểu thuyết Hiệp Khách Hành này do tôi tưởng tượng mà viết ra, chủ yếu là muốn diễn đạt tình cảm yêu con cái của vợ chồng Thạch Thanh, nên mới cho tướng mạo của Thạch Phá Thiên và Thạch Trung Ngọc giống nhau như thế. Đó không phải là trọng tâm của bộ tiểu thuyết này.

Vào mùa đông năm 1975, trong số kỷ niệm mười năm nguyệt san Minh Báo, tôi có viết bài Minh Nguyệt Thập Niên Cộng Thử Thời, đã dẫn vào một đoạn đối thoại lúc Thạch Thanh khấn khứa trong miếu. Lần này tu sửa lại bản cũ, nước mắt tôi lại rơi vào đúng đoạn này.

Mọi cố gắng để chú thích và bình luận đều làm tổn hại đến bản ý của tác giả, lại còn tạo ra những trở ngại nghiêm trọng. Bộ Hiệp Khách Hành này viết 12 năm trước, đã diễn giải ý kiến này khá đầy đủ. Gần đây tôi đọc nhiều kinh Phật hơn, đối với ý này lại càng tâm đắc.

Kinh Bát Nhã của Đại Thừa, Trung Quán Luận của Long Thọ đều cực lực bài bác những luận giải phiền phức, cho rằng các loại kiến thức chú giải đều do hư vọng sinh ra, chỉ làm trở ngại cho việc thấy đạo của người tu học. Khi tôi viết bộ Hiệp Khách Hành này, tuy không thể nói là hoàn toàn không biết kinh Phật, nhưng chỉ mới đọc hết kinh Kim Cang vào tháng 11 năm ngoái, còn việc đọc về Bát Nhã và Trung Quán lại còn mới hơn, mới xuân hạ năm nay.

Nhân duyên bên trong việc này, thật không thể nào giải thích được.

Tháng 7.1977

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.