Hồi 95: Trấp Bát Phố, phái Hằng Sơn lâm nạn

Lệnh Hồ Xung đưa tay sờ lên trán, rồi nhăn mặt ra chiều đau đớn vô cùng. Nghi Thanh nói:

– Tướng quân, tướng quân bị thương rồi chăng? Bọn bần ni có thuốc trị thương đây.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Không sao, không sao, bậc đại trượng phu da ngựa bọc thây, cũng là chuyện nhỏ…

Nghi Hòa trề môi cười nói:

– Chỉ sợ là da ngựa bọc thây thiệt đó.

Nghi Thanh đưa mắt liếc Nghi Hòa một cái rồi nói:

– Ngươi thích bới móc, bây giờ nói những thứ đó làm gì?

Lệnh Hồ Xung nói:

– Người phương Bắc bọn ta nói là da ngựa bọc thây, còn người phương Nam các ngươi cách đọc có khác một chút.

Nghi Hòa quay người lại nói:

– Chúng ta cũng là người phương Bắc mà.

Định Tĩnh sư thái đưa thuốc giải cho người đệ tử bên cạnh và sai mấy cô đem đi cứu đồng môn bị trúng ám khí, rồi bà đi đến trước Lệnh Hồ Xung, cúi đầu thi lễ nói:

– Lão ni Định Tĩnh phái Hằng Sơn không dám thỉnh giáo cao danh quý tính của thiếu hiệp.

Lệnh Hồ Xung ớn lạnh xương sống, nghĩ: Vị tiền bối phái Hằng Sơn này quả có con mắt tinh đời, nhìn ra được tuổi ta còn nhỏ mà lại giả mạo làm tướng quân. Nghĩ vậy chàng liền chắp tay, cúi người cung kính đáp lễ:

– Lão sư thái có hỏi thì xin đáp: bổn tướng quân họ Ngô, quan danh là Thiên Đức. Thiên là trời mênh mông bát ngát, còn Đức là văn chương đạo đức. Bổn tướng được bổ làm chức tham tướng ở Tuyền Châu, bây giờ đang lên đường nhậm chức.

Định Tĩnh sư thái liệu đoán chàng không muốn tiết lộ mặt mũi, chưa chắc là tướng quân thật. Bà bèn nói:

– Hôm nay phái Hằng Sơn của bần ni gặp phải đại nạn, nhờ có tướng quân ra tay cứu giúp, đại ân đại đức này không biết làm sao báo đáp cho được. Võ công của tướng quân cao thâm, bần ni lại không biết được sư thừa môn phái của tướng quân, thật là khâm phục.

Lệnh Hồ Xung cười ha hả nói:

– Lão sư thái quá khen, nhưng ta cũng nói thật. Võ công của bổn tướng có mấy cách đánh, trên đánh tuyết rơi phủ núi, dưới đánh cây già trốc rễ, giữa đánh lấy tim hắc hổ… Úi chao, úi chao!

Chàng vừa nói vừa múa tay chân, một quyền đánh ra dường như dùng sức quá mạnh, tự làm khớp xương mình đau buốt. Lúc chàng trộm nhìn Nghi Lâm, thấy cô ta giật mình, có ý rất quan tâm lo lắng, thầm nghĩ: Vị tiểu sư muội này có tấm lòng thật là nhân hậu. Nếu biết đúng là ta, thì không hiểu cô ta nghĩ sao?

Định Tĩnh sư thái dĩ nhiên biết rõ chàng giả bộ, bèn mỉm cười nói:

– Tướng quân là chân nhân bất lộ tướng, bần ni chỉ còn cách sớm chiều thắp nén thanh hương, chúc cho tướng quân phúc thể an khang, vạn sự như ý…

Lệnh Hồ Xung nói:

– Đa tạ, đa tạ. Sư thái cầu xin đức Bồ Tát phù hộ cho bổn tướng thăng quan phát tài. Tiểu tướng cũng chúc lão sư thái và các vị tiểu sư thái thuận buồm xuôi gió, gặp hung hóa kiết, vạn sự thuận lợi. Ha ha, ha ha.

Trong lúc đang cười to, chàng cúi người sát đất hướng về phía Định Tĩnh sư thái rồi nghênh ngang mà đi. Lệnh Hồ Xung tuy là cuồng vọng làm ẩu, nhưng đã lâu ở trong Ngũ Nhạc kiếm phái, đối với vị tiền bối phái Hằng Sơn này không dám thất lễ.

Bọn đệ tử phái Hằng Sơn nhìn theo bước chân xiêu vẹo của chàng đi về phía Nam, rồi vây lấy Định Tĩnh sư thái hỏi không ngớt:

– Sư bá, người này lai lịch thế nào?

– Hắn khùng thật hay là giả bộ?

– Có phải võ công hắn cao cường hay là chẳng qua gặp hên, đánh bừa đánh ẩu mà trúng địch nhân?

– Đệ tử thấy hắn không giống tướng quân, dường như tuổi cũng không lớn có phải không?

Định Tĩnh sư thái thở dài, quay đầu nhìn các đệ tử bị trúng ám khí, thấy sau khi rịt thuốc giải, máu đen đã chuyển sang đỏ, mạch đập càng mạnh lên, đã thoát hiểm. Linh dược trị thương của phái Hằng Sơn có thể coi là hay nhất trong các phái, rồi tự trị thêm sau. Bà liền giải khai huyệt đạo cho năm tên giáo chúng Ma giáo, thả họ về. Bà nói:

– Tất cả đến dưới gốc cây bên đó ngồi nghỉ một chút đi.

Một mình bà ngồi tọa định ở bên tảng đá to, nhắm mắt trầm tư: Lúc người này xông vào trong trận Ma giáo, trưởng lão thủ lĩnh Ma giáo đã động thủ với hắn, nhưng hắn vẫn có thể trong khoảnh khắc điểm ngã năm người, lại không phải là công phu điểm huyệt. Hắn sử chiêu thức cũng không biểu hiện môn phái nào. Trong võ lâm đương thời, có người trẻ tuổi lợi hại như vậy, chắc là đệ tử của một vị cao nhân? Nhân vật như vậy là bạn chứ không phải là địch, thật là may mắn cho phái Hằng Sơn ta.

Bà trầm ngâm một chút rồi sai đệ tử lấy nghiên bút và một tấm giấy lụa mỏng để viết thư. Bà nói:

– Nghi Chất, đem chim bồ câu ra đây.

Nghi Chất dạ rồi bắt một con chim bồ câu từ lồng trúc đeo trên lưng ngựa ra. Định Tĩnh sư thái cuộn mảnh lụa viết thư thành một cuộn dài dài rất nhỏ, nhét vào trong ống trúc, đậy nắp lại, rồi đánh lửa đốt keo, dùng sợi dây cột vào chân trái của bồ câu. Bà khấn thầm, rồi tung chim bồ câu lên. Bồ câu vỗ cánh bay về phương Bắc, cao dần xa dần, trong khoảnh khắc chỉ còn là một điểm đen nhỏ xíu trên bầu trời.

Định Tĩnh sư thái từ lúc viết thư đến lúc thả bồ câu, mỗi cử chỉ đều rất chậm chạp, hoàn toàn khác hẳn với tình trạng khi bà tung hoành giữa vòng vây địch nhân. Bà ngẩng đầu lên, điểm đen nhỏ đã ẩn vào đám mây trắng từ lâu, nhưng bà vẫn nhìn đăm đăm về hướng Bắc. Bọn đệ tử không dám lên tiếng. Trong trận chiến vừa rồi, tuy có tướng quân đó xen vào đánh giúp, dường như rất hoạt kê, kỳ thực cục diện còn hung hiểm vô cùng. Mọi người đều tìm được cái sống trong cái chết.

Một lúc lâu sau, Định Tĩnh sư thái quay người lại vẫy gọi một tiểu cô nương mười lăm mười sáu tuổi đến. Thiếu nữ đó liền đứng dậy, đi đến trước bà, gọi khẽ:

– Sư phụ!

Định Tĩnh sư thái nhè nhẹ vuốt tóc cô hỏi:

– Quyên nhi, vừa rồi ngươi có sợ không?

Thiếu nữ đó gật đầu nói:

– Sợ lắm. May mà vị tướng quân dũng cảm vô cùng, đánh bọn ác nhân này bỏ chạy.

Định Tĩnh sư thái mỉm cười nói:

– Vị tướng quân này không phải dũng cảm vô cùng mà là võ công thâm hậu không lường được.

Thiếu nữ nói:

– Sư phụ, võ công của vị tướng quân này cao thâm lắm ư? Hài nhi thấy tướng quân đó xuất chiêu loạn xạ đến nỗi không cẩn thận để cả vỏ đao đánh vào trán mình. Tại sao đao của tướng quân đó bị rỉ không rút ra khỏi vỏ được?

Tần Quyên này là đệ tử của Định Tĩnh sư thái thu nhận ở quan môn, cô thông minh lanh lợi, rất được sư phụ yêu mến. Trong nữ đệ tử phái Hằng Sơn, ni cô xuất gia chiếm khoảng sáu phần, còn lại bốn phần là đệ tử tục gia, có một số người là phụ nữ trung niên, bà già năm sáu chục tuổi cũng có. Tần Quyên là người nhỏ tuổi nhất trong phái Hằng Sơn. Chúng đệ tử thấy Định Tĩnh sư thái nói chuyện với tiểu sư muội Tần Quyên, từ từ vây lại.

Nghi Hòa nói xen vào:

– Hắn xuất chiêu có loạn xạ đâu. Hắn giả bộ, đem võ công thượng thừa giấu đi không để lộ một chút dấu vết, cho nên mới càng cao minh. Sư bá, sư bá thấy vị tướng quân này lai lịch thế nào? Thuộc môn phái nào?

Định Tĩnh sư thái lắc đầu, nói:

– Võ công người này chỉ có thể hình dung qua bốn chữ “cao thâm khôn lường”, ngoài ra ta không biết gì hết.

Tần Quyên hỏi:

– Sư phụ, phong thư này sư phụ viết cho chưởng môn sư thúc có phải không? Có thể đến ngay được không?

Định Tĩnh sư thái nói:

– Con chim bồ câu này bay đến Bạch Y am ở Tô Môn là một trạm rồi đổi con chim khác. Từ Bạch Y am đến Diệu Tướng am ở Tế Nam lại đổi một chim khác nữa, đến Thanh Tịnh am ở Lao Hà Khẩu đổi một lần nữa. Bốn con chim bồ câu tiếp sức nhau mới đưa thư đến núi Hằng Sơn được.

Nghi Hòa nói:

– May mà chúng ta chưa bị tổn thương người nào, mấy sư tỉ sư muội trúng ám khí độc đã rịt thuốc, qua hai ngày thì chắc không còn lo ngại gì nữa. Những người bị đá làm tổn thương và trúng binh khí cũng không lo gì tính mạng.

Định Tĩnh sư thái ngẩng đầu suy tư, nên không nghe những lời Nghi Hòa nói. Bà thầm nghĩ: Phái Hằng Sơn lần này xuống phương Nam, hành tung vô cùng bí mật, ngày nghỉ đêm đi. Tại sao bọn Ma giáo lại biết được tin, lựa chỗ hiểm này phục kích?

Bà quay lại nói với các đệ tử:

– Địch nhân đã chạy xa rồi, chắc trong nhất thời không dám quay lại. Tất cả đã mệt lắm rồi, nên ngồi đây ăn một ít lương khô rồi đến bóng cây bên kia nằm ngủ.

Mọi người đáp dạ, người gác bếp nấu nước pha trà. Đoàn người ngủ mấy canh giờ, rồi dùng cơm trưa. Định Tĩnh sư thái thấy những đệ tử bị thương vẻ mặt đờ đẫn, bà nói:

– Hành tung của chúng ta đã bị lộ, từ nay về sau không cần đi đêm nữa. Người bị thương phải nghỉ ngơi dưỡng thương, tối nay chúng ta nghỉ ở Trấp Bát phố.

Từ trên sườn núi cao đi xuống, hơn ba canh giờ mới đến Trấp Bát phố. Đây là chỗ giao giới quan trọng giữa hai tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, lữ hành lên Tiên Hà Lĩnh phải qua chỗ này. Đoàn người vào trấn, trời còn chưa tối nhưng trong trấn không có một bóng người.

Nghi Hòa nói:

– Phong tục của Phúc Kiến thật là kỳ lạ, sớm như thế này mà đã ngủ hết rồi.

Định Tĩnh sư thái nói:

– Chúng ta hãy tìm một khách điếm nghỉ ngơi.

Phái Hằng Sơn và các ni am trong võ lâm đều có mối quan hệ với nhau, nhưng Trấp Bát phố không có ni am, không thể đi ngủ nhờ nhà người, đành phải tìm đến khách điếm nghỉ ngơi. Điều bất tiện là người thế tục đối với ni cô có điều úy kỵ, cho rằng gặp ni cô là không may, thường rỗi hơi bàn tán. Nhưng các ni cô quen rồi, cũng không bao giờ chấp nhứt.

Các khách điếm đều đóng cửa. Trấp Bát phố nói lớn cũng không lớn, nói nhỏ cũng không nhỏ, cũng có một hai trăm nhà phố, nhưng nhìn lướt qua thì giống như một thị trấn chết. Mặt trời chưa tắt hết mà trên đường Trấp Bát phố giống như giữa đêm khuya. Đoàn người quẹo qua một con đường, thấy trước một khách điếm treo bảng hiệu bằng vải trắng viết bốn chữ to: “Tiên An khách điếm”, nhưng cửa đóng kín, yên lặng không một tiếng động. Nữ đệ tử tên gọi Trịnh Ngạc liền tiến lên trước gõ cửa. Trịnh Ngạc là đệ tử tục gia, gương mặt trái xoan tròn trịa lúc nào cũng tươi cười, cô lại khéo ăn nói nên rất được nhiều người yêu mến. Trên đường đi, nếu có chuyện cần giao tiếp với người, cô ta thường đứng ra đối đáp, để người ngoài khỏi phải vừa thấy ni cô thì sinh lòng úy kỵ.

Trịnh Ngạc gõ cửa mấy cái, ngừng lại một lúc lại gõ mấy cái. Một lúc lâu sau, vẫn không thấy có người mở cửa. Trịnh Ngạc gọi:

– Điếm đại gia thúc, xin mở cửa!

Giọng cô trong trẻo, lại là người luyện võ cho nên thanh âm có thể truyền đi rất xa, dù ở cách mấy cái sân cũng nghe thấy. Nhưng trong khách điếm vẫn không có người lên tiếng, tình hình hiển nhiên rất kỳ lạ.

Nghi Hòa đi đến trước, áp tai lên cánh cửa nghe. Trong điếm hoàn toàn không có động tĩnh gì. Cô quay lại nói:

– Sư bá, trong điếm không có người.

Định Tĩnh sư thái cảm thấy có điều khác thường, thấy tấm bảng hiệu của điếm rất mới, cánh cửa cũng lau chùi sạch sẽ. Bà nói:

– Đi nữa xem, trong trấn này chắc không chỉ có một khách điếm này.

Đoàn người đi qua mấy chục căn nhà, đến Nam An khách điếm. Trịnh Ngạc chạy lên trước đập cửa, cũng giống như trước, vẫn không có người trả lời. Trịnh Ngạc nói:

– Nghi Hòa sư tỉ, chúng ta vào xem sao.

Nghi Hòa đáp:

– Cũng được.

Hai người vượt tường vào trong. Trịnh Ngạc lớn tiếng hỏi:

– Trong điếm có ai không?

Không nghe có người đáp lại. Hai người rút kiếm ra khỏi vỏ, đi song song vào khách đường, đến sau bếp, chuồng ngựa, các phòng các nơi xem xét một lượt, quả nhiên không có một ai. Bàn ghế sạch trơn không chút bụi bám, ngay cả trà trong bình ở trên bàn cũng còn hơi ấm. Trịnh Ngạc mở cửa lớn để Định Tĩnh sư thái và mọi người vào. Cô đem tình hình thuật lại, mọi người đều lẩm bẩm cho là kỳ lạ.

Định Tĩnh sư thái nói:

– Các ngươi bảy người một tốp, phân ra đi các nơi trong trấn xem sao, hỏi thăm xem vì nguyên nhân gì. Bảy người không được rời nhau, hễ có tung tích của địch thì thổi còi làm hiệu.

Chúng đệ tử đồng thanh đáp dạ rồi vội phân ra đi. Khách đường chỉ còn lại một mình Định Tĩnh sư thái. Lúc đầu, bà còn nghe tiếng bước chân của các đệ tử, lúc sau thì tịch mịch không còn một tiếng động. Trấp Bát phố yên tĩnh khiến cho người ta cảm thấy rợn tóc gáy. Một thị trấn to nhường ấy, yên tĩnh không có tiếng người mà ngay cả tiếng gà gáy chó sủa cũng không, thật là bất bình thường.

Định Tĩnh sư thái bỗng nhiên lo lắng vô cùng. Bà thầm nghĩ: Phải chăng Ma giáo bày bố cạm bẫy âm độc? Bọn nữ đệ tử rất ít kinh nghiệm trên giang hồ chắc trúng quỷ kế bị Ma giáo bắt hết rồi.

Bà đi đến cửa, thấy góc Đông Bắc có bóng người thoáng qua, ở đầu mé Tây có mấy người nhảy vào trong nhà người ta, đều là đệ tử của bổn phái. Bà hơi yên tâm, lại qua một lúc sau, bọn đệ tử từ các nơi về bẩm báo, đều nói trấn này không có một bóng người.

Nghi Hòa nói:

– Đừng nói là không có người mà ngay cả gà chó cũng không có một con.

Nghi Thanh nói:

– Xem ra mọi người trên trấn đi không lâu, nhiều nhà rương hòm còn mở ra, chắc là lấy đồ có giá trị đem đi.

Định Tĩnh sư thái gật đầu hỏi:

– Các ngươi nghĩ thế nào?

Nghi Hòa nói:

– Đệ tử đoán rằng bọn yêu nhân Ma giáo đã đuổi dân trong trấn đi, không bao lâu sẽ kéo đến rất đông để đánh mình.

Định Tĩnh sư thái nói:

– Đúng vậy, lần này yêu nhân Ma giáo muốn minh thương giao chiến với chúng ta. Vậy thì càng hay. Các ngươi có sợ không?

Chúng đệ tử cùng đáp:

– Hàng ma diệt tà là thiên chức của đệ tử Phật môn chúng ta.

Định Tĩnh sư thái nói:

– Chúng ta ở trong khách điếm này nghỉ ngơi, làm cơm ăn no một bữa rồi hãy hay. Trước tiên thử xem trong nước, gạo, rau có độc dược không?

Lúc phái Hằng Sơn ăn cơm, không nói chuyện, ai cũng lắng tai nghe động tĩnh ở bên ngoài. Tốp thứ nhất ăn cơm xong, đi ra ngoài canh giữ, đổi cho những đệ tử kia vào ăn cơm.

Bỗng nhiên Nghi Thanh nghĩ ra một kế, bèn nói:

– Sư bá, chúng ta đi vào các nhà thắp đèn lên, làm cho địch nhân không biết chỗ ở của chúng ta.

Định Tĩnh sư thái nói:

– Kế nghi binh này hay lắm. Bảy người các ngươi đi đốt đèn đi.

Từ cửa lớn bà nhìn ra trên đường phía Tây, trong cửa sổ nhiều nhà, chỗ nào cũng có ánh đèn sáng lên, một lúc sau trong cửa sổ nhiều quán điếm ở phía Đông cũng có ánh đèn. Trên đường lớn chỗ nào cũng có ánh đèn nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Định Tĩnh sư thái ngẩng đầu lên thấy vành trăng lưỡi liềm giữa trời. Bà khấn thầm:

– Cầu xin Bồ Tát phù hộ để các đệ tử phái Hằng Sơn lần này được bình yên quay về. Đệ tử Định Tĩnh nếu trở về được núi Hằng Sơn thì từ nay đèn hương lễ Phật, không động đến đao kiếm nữa.

Năm xưa Định Tĩnh sư thái khét tiếng trên giang hồ, không ít sự tích oanh liệt. Nhưng trận chiến trên Tiên Hà Lĩnh tối hôm qua, cục diện vô cùng hung hiểm, bây giờ nghĩ lại bà còn sợ hãi. Bà lo lắng là vì thống lĩnh nhiều đệ tử, nếu chỉ một mình bà, thì tình cảnh có đáng sợ đến gấp mười lần, bà cũng không ngại. Bà lại thầm cầu nguyện:

– Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, nếu lần này mọi người phái Hằng Sơn của đệ tử bị tổn thất, xin để cho một mình đệ tử Định Tĩnh gánh chịu tai họa. Các báo ứng sát nghiệp, chỉ để một mình đệ tử nhận lãnh.

Ngay lúc này bỗng nghe có tiếng phụ nữ ở phía đông bắc truyền lại:

– Cứu tôi với, cứu tôi với!

Trong đêm tối bốn bề tĩnh lặng, tiếng la thất thanh càng thê thảm. Định Tĩnh sư thái kinh hãi, nghe rõ tiếng la không phải là đệ tử của bổn môn. Bà chăm chú nhìn về phía Đông Bắc, không thấy động tĩnh gì, liền thấy tốp bảy người của Nghi Thanh chạy về hướng đó để quan sát phía trước. Một lúc lâu sau, không thấy bọn Nghi Thanh trở về bẩm báo. Nghi Hòa nói:

– Sư bá, đệ tử và sáu vị sư muội qua xem sao.

Định Tĩnh gật đầu. Nghi Hòa thống lĩnh sáu người, gọi một tiếng rồi chạy thẳng đến chỗ đó.

Trong bóng đêm kiếm quang lấp loáng, không bao lâu thì mất hút.

Một lúc lâu sau, bỗng nghe tiếng phụ nữ lại la thất thanh:

– Giết người! Cứu mạng! Cứu tôi với!

Bọn đệ tử phái Hằng Sơn ngơ ngác nhìn nhau. Không biết bên đó xảy ra chuyện gì, tại sao hai tốp Nghi Thanh và Nghi Hòa đi lâu như vậy mà vẫn chưa về bẩm báo. Nếu nói gặp phải địch nhân tại sao không có tiếng binh khí đánh nhau. Nghe từng tiếng gọi cứu mạng của người phụ nữ, mọi người nhìn Định Tĩnh sư thái, đợi bà ra lệnh phái người đi cứu.

Định Tĩnh sư thái nói:

– Vu Tẩu, ngươi dẫn sáu tên sư muội đi trước, bất luận thấy chuyện gì, tức khắc phái người về báo.

Vu Tẩu là một phụ nữ trung niên khoảng bốn chục tuổi, nguyên là bộc phụ hầu hạ Định Nhàn sư thái trong Bạch Vân am ở Hằng Sơn, về sau Định Nhàn sư thái thấy bà ta có lòng trung thành, có tài năng bèn nhận làm đệ tử, lần này được theo Định Tĩnh sư thái là lần đầu tiên phiêu bạt giang hồ. Vu Tẩu cúi người đáp dạ rồi dẫn sáu sư muội, nhắm đi về hướng Đông Bắc.

Nhưng sau khi bảy người đi, vẫn giống như đá chìm dưới đáy biển, không một ai trở lại. Định Tĩnh sư thái càng lúc càng sợ, đoán rằng địch nhân bày bố cạm bẫy để dụ bọn đệ tử, lần lượt bắt giữ. Lại đợi thêm một lúc nữa, vẫn không có động tĩnh gì, tiếng kêu cứu mạng cũng im bặt. Định Tĩnh sư thái nói:

– Nghi Chất, Nghi Chân, các ngươi ở lại đây, chăm sóc sư tỉ, sư muội bị thương, bất luận thấy cái gì cổ quái cũng không được rời khỏi khách điếm, để khỏi trúng kế điệu hổ li sơn của chúng.

Nghi Chất và Nghi Chân cúi người đáp dạ. Định Tĩnh sư thái nói với ba tên đệ tử trẻ là Trịnh Ngạc, Nghi Lâm và Tần Quyên:

– Các ngươi đi theo ta.

Bà rút trường kiếm ra, chạy về hướng Đông Bắc. Sắp đến gần, thấy một dãy phòng tối thui không có một bóng đèn, cũng không có động tĩnh gì, Định Tĩnh sư thái lớn tiếng quát:

– Yêu nhân ma giáo, có ngon thì ra đây quyết một trận tử chiến, cứ lén lút giả thần làm quỷ thì đâu phải anh hùng hảo hán.

Bà dừng một lúc, trong phòng cũng không có người đáp lại. Bà liền phóng chân đá lên cửa lớn nơi đang đứng. Rắc rắc hai tiếng vang lên, then cửa bị gãy, cánh cửa bật vào trong. Trong phòng tối đen như mực, cũng không biết là có người hay không.

Định Tĩnh sư thái không dám mạo hiểm xông vào. Bà gọi:

– Nghi Hòa, Nghi Thanh, Vu Tẩu, các ngươi có nghe tiếng ta gọi không?

Tiếng của bà gọi truyền đi xa dần, một lúc sau từ nơi xa vọng lại. Tiếng vọng dừng hẳn, chỉ còn lại một bầu không khí tĩnh mịch.

Định Tĩnh sư thái quay lại nói:

– Ba ngươi đi theo sát ta, không được rời xa.

Bà cầm kiếm chạy một vòng quanh dãy phòng này, không thấy gì khác lạ. Bà tung mình lên nóc nhà, chăm chú nhìn bốn phía. Không có một chút gió thổi, cây cối đứng yên, ánh trăng mát lạnh tỏa sáng trên mái ngói, phong cảnh giống như ngày trước ở Hằng Sơn bà đi đạo dưới ánh trăng lúc đêm khuya. Nhưng ở Hằng Sơn là một bầu không khí thanh tĩnh, còn bây giờ bà lại đang đứng vào giữa kỳ bí và sát khí vô cùng đáng sợ.

Định Tĩnh sư thái là một người võ công cao cường, địch nhân vẫn không chịu lộ diện thì bà cũng đành chịu bó tay chẳng biết làm thế nào.

Bà vừa sốt ruột vừa hối hận:

– Ta mà biết trước quỷ kế thâm mưu của yêu nhân thì không nên phái bọn đệ tử phân ra từng tốp đến…

Đột nhiên bà phát lãnh, hai tay vỗ một cái bốp, nhảy xuống khỏi nóc nhà, triển khai khinh công chạy nhanh về Nam An khách điếm, gọi:

– Nghi Chất, Nghi Chân, có chuyện gì không?

Trong khách điếm không có tiếng trả lời.

Bà xông vào trong, không thấy một bóng người, mấy tên đệ tử nằm trên giường dưỡng thương cũng không biết biến đi đâu mất.

Giờ phút này Định Tĩnh sư thái có đạo hạnh đến đâu cũng không sao trấn tĩnh được, mũi kiếm ở dưới ánh đèn không ngừng rung động, lấp loáng ánh thanh quang. Trường kiếm cầm trong tay kìm không được, run lên. Mấy chục tên nữ đệ tử đột nhiên mất tích một cách vô duyên vô cớ, rốt cuộc là thế nào? Làm sao bây giờ? Ngay lúc này bà cảm thấy lưỡi ráo môi khô, gân cốt toàn thân đều nhũn ra không sao di động được.

Nhưng cảm giác ấy chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Bà hít một hơi chân khí vào huyệt Đan điền, gia tâm vận chuyển nội lực, tinh thần liền phấn chấn. Bà chạy nhanh một vòng các phòng các xá, đình, sân một lượt, không thấy có gì đáng ngại. Bà gọi:

– Ngạc nhi, Quyên nhi, các ngươi lại đây.

Nhưng trong bóng đêm, chỉ nghe tiếng của mình gọi. Trịnh Ngạc, Tần Quyên và Nghi Lâm cả ba người đều không đáp lại. Định Tĩnh sư thái la thầm:

– Nguy rồi!

Bà vội xông ra cửa gọi:

– Ngạc nhi, Quyên nhi, Nghi Lâm, các ngươi ở đâu?

Ánh trăng ngoài cửa mờ nhạt, ba tiểu đồ nhi cũng không thấy tông tích đâu.

Gặp đại biến như vậy, Định Tĩnh sư thái không kinh hãi mà ngược lại còn tức giận. Bà nhảy vọt lên nóc nhà, lớn tiếng quát:

– Bọn yêu nhân Ma giáo, có giỏi thì ra đây quyết một trận tử chiến, giả bộ làm thần làm quỷ thì còn ra thể thống gì nữa?

Bà hô hoán mấy tiếng, bốn bề yên lặng tuyệt không một tiếng động. Bà luôn miệng quát tháo om sòm. Trong tòa thị trấn Trấp Bát phố to như vậy dường như chỉ còn lại một mình bà. Đang lúc không biết phải làm sao, bỗng nhiên bà nhanh trí bèn lớn tiếng nói:

– Bọn yêu nhân Ma giáo nghe đây. Các ngươi không dám chường mặt ra thì điều đó chứng tỏ rằng Đông Phương Bất Bại là đồ hèn hạ khiếp nhược vô liêm sỉ, không dám phái người ra đánh chính diện với ta. Đông Phương Bất Bại cái gì, chẳng qua là Đông Phương Tất Bại mà thôi. Đông Phương Tất Bại, ngươi có dám ra đây diện kiến với lão ni không? Đông Phương Tất Bại, Đông Phương Tất Bại, ta đoán là ngươi không dám chường mặt ra đâu.

Bà biết trong Ma giáo từ trên xuống dưới, đối với giáo chủ phụng thờ như đấng thần linh, nếu có người sỉ nhục tên của giáo chủ, giáo đồ nghe thấy mà không xông ra liều mạng để bảo vệ danh dự cho giáo chủ là phạm tội đại ác. Quả nhiên sau khi bà kêu mấy tiếng Đông Phương Tất Bại, bỗng thấy trong mấy gian phòng xông ra bảy người, khẽ vọt lên nóc nhà không phát ra tiếng động, vây bà vào giữa.

Địch nhân vừa xuất hiện thì Định Tĩnh sư thái mừng thầm. Bà nghĩ: Bọn yêu ma quỷ quái các người rốt cuộc bị ta chửi mà chường mặt ra. Ta thà bị loạn đao phân thây, còn hơn là chỉ nói với bóng ma.

Nhưng bảy người đứng vây quanh bà lặng thinh không nói lời nào. Định Tĩnh sư thái tức giận nói:

– Những tên đệ tử của ta đâu? Các ngươi đem bọn họ đi đâu rồi?

Bảy người đó vẫn lặng yên không lên tiếng.

Định Tĩnh sư thái thấy hai người đứng ở phía Tây khoảng năm chục tuổi, cơ thịt trên mặt như cương thi, không lộ ra vẻ hỉ nộ nào. Bà thở mạnh quát:

– Được, xem kiếm đây!

Bà vung kiếm lên nhằm đâm vào ngực người đứng ở góc Tây Bắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.